HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM
Nội san linh đạo đan tu
TỪ CỘI NGUỒN
PHƯỚC SƠN – QUẢNG TRỊ…
Số 22, tháng 1 năm 2018
LỜI NGỎ
Kính thưa quý độc giả!
‘Từ Cội Nguồn Phước Sơn Quảng Trị, Đến Việc Thành Lập Hội Dòng và Hướng Tới Tương Lai’ là chủ đề của năm thứ ba, trong chu kỳ ba năm chuẩn bị Năm Thánh mừng Bách Chu Niên, ngày Cha Tổ Phụ Henri Denis Biển Đức Thuận lập Dòng Đức Bà An Nam, tiền thân của Hội Dòng Xitô Thánh Gia. Chủ đề của năm thứ ba này sẽ được triển khai trong 2 số đặc biệt: số 22 và số 23 của Nội san Hạt Giống Chiêm Niệm (HGCN). Với tựa đề của số 22: ‘Từ cội nguồn Phước Sơn – Quảng Trị…’, Ban Biên Tập Nội san HGCN kính mời toàn thể anh chị em đan sĩ trong Hội Dòng khăn gói ‘lên tàu’ hướng thẳng về Núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Trị, Giáo phận Huế, nơi mà cách đây 100 năm về trước đã xảy ra một “biến cố vĩ đại”, một biến cố làm say mê biết bao tâm hồn đã lên đường tìm Chúa mãi cho đến ngày hôm nay.
Biến cố đó đã khởi sự với một vị Linh mục Thừa sai, vóc dáng mảnh khảnh ốm gầy, nhưng lại chứa đựng bên trong một trái tim rực lửa tình yêu và một tâm hồn nhiệt thành: say mê Thiên Chúa và say mê con người Nước Nam. Vị Linh mục đó chính là Cha Henri Denis Biển Đức Thuận kính yêu của chúng ta, Đấng Sáng Lập Dòng Đức Bà An Nam – Phước Sơn.
Vâng, chính từ niềm say mê Thiên Chúa và say mê con người Nước Nam, Cha Henri Denis đã vượt qua bao nhiêu cay đắng và thử thách: thử thách vì thiếu thốn vật chất, thử thách vì những ‘lời ra tiếng vào’, thử thách vì bệnh tật từ giữa ‘rừng thiêng nước độc’…., để lên đường tiến sâu vào giữa núi rừng Phước Sơn khai phá và tìm ra cho hậu thế, cho Giáo Hội Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam một con đường, con đường dấn thân tìm kiếm Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô bằng đời sống đan tu.
Sau một thế kỷ, con đường đan tu mà Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã khai sáng ngày nào từ giữa rừng sâu Phước Sơn ấy, nay đã trở thành ‘đại lộ’ dẫn tới nhiều vùng đất mới, làm nên một Hội Dòng Xitô đầy sức sống mãnh liệt trong Giáo Hội Việt Nam và toàn Dòng Xitô thế giới.
Các bài viết trong tập Nội san HGCN số 22 này, tuy còn thiếu thốn về sử liệu, đơn sơ về văn phong cũng như ý tưởng,… nhưng lại chất chứa nhiệt tâm của các tác giả. Nhiệt tâm trong đời sống phục vụ, nhiệt tâm trong từng sinh hoạt đan tu, nhiệt tâm trong thực thi tình huynh đệ, nhất là nhiệt tâm đến say mê trong tìm kiếm Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa của kẻ sống (x. Lc 20,38), ước ao nên người kế thừa bằng con đường Đan tu Xitô Thánh Gia mà Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã khai mở năm nào.
Xin trân trọng gửi đến Quý Độc Giả tập Nội san số đặc biệt thứ nhất (số 22) này với ước mong sẽ nhận được nhiều sự thông cảm và đóng góp xây dựng, để những số kế tiếp của tập Nội san HGCN của Hội Dòng sẽ được hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cám ơn mọi người.
Ban Biên Tập HGCN
MỤC LỤC
- ĐỂ TRỞ THÀNH TỔ PHỤ
(Tác giả: FM. Mai Thương) - BIẾN CỔ NGŨ TUẦN VÀ KHAI SINH GIÁO HỘI
(Tác giả: FM. Gioan Baotixita Nguyễn Tiến Dũng ) - CÔNG ĐỒNG VATICANO II
(Tác giả: FM.Gioan XXIII) - THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN
(Tác giả: FM. Duyên Thập Tự) - LỚN LÊN THÀNH GIA ĐÌNH
(Tác giả: TGM Giuse Ngô Quang Kiệt) - KAIROS
(Tác giả:FM. Theophan Vernad Phạm Hữu Ái ) - CHA HENRI DENIS (CỐ THUẬN)
(Tác giả: FM.Giuse Phan Văn Phi) - TỪ CHA DENIS THUẬN
(Tác giả: Gioan Baotixita Etcharren (Hoàng Trung) MEP ) - TU SĨ TÔNG ĐỒ AN NAM
(Tác giả: FM. Martin Phạm Thanh Toàn ) - DANH HIỆU ĐỨC BÀ AN NAM
(Tác giả: FM. Gioan Vianey Hoàng Văn Sáng ) - TINH THẦN NGHÈO KHÓ
(Tác giả: FM. Berchmans) - LÝ TƯỞNG ĐAN TU KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN XƯA
(Tác giả: FM. Mai Thi) - TÂM THƯ GỬI CHA TỔ PHỤ
(Tác giả: sr. M.Têrêsa Hài Đồng – M. Têrêsa Calcutta) - CHA TỔ PHỤ VÀ NHẬN THỨC VỀ MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH
(Tác giả: FM. Hiền Lâm) - THÁNH THỂ – SỰ TRỢ LỰC CHO CỘNG ĐOÀN
(Tác giả: Hoa Tím) - CHA TÔI NGÀY ẤY
(Tác giả: Sr. M. Phaolo Thánh Giá ) - TỪ CỘI NGUỒN PHƯỚC SƠN
(Tác giả: FM. Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào) - XUẤT NHẬP DÒNG PHƯỚC SƠN
(Tác giả: D. Hồ Ngọc Ký) - HƯỚNG VỀ MẶT TRỜI CÔNG CHÍNH SẼ MỌC LÊN
ĐỂ TRỞ THÀNH TỔ PHỤ
Bài viết này nhằm mục đích hòa chung vào niềm vui tạ ơn Chúa và Mẹ Maria nhân dịp kỷ niệm 100 năm (15/08/1918 – 15/08/2018) ngày thành lập Dòng Phước Sơn trên núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Trị, do Cha Tổ Phụ Henri Denis, sau này đổi tên là Cha Biển Đức Thuận. Từ đó, ngài cũng là Tổ Phụ của Hội Dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam với mười hai đan viện tự trị được thành lập một cách trực tiếp hay gián tiếp do bởi Nhà mẹ Phước Sơn.
“Để trở thành Tổ Phụ” một chủ đề khi mới nghe thoáng qua, người ta có cảm tưởng như một bài chuyên đề bàn về cách thức để trở thành nhà lãnh tụ như thể sách viết về thuật lãnh đạo của nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Bài này cũng không nói về tiểu sử hay đời sống của Cha Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia, hay bất cứ một đấng sáng lập nào, nhưng là viết về Tổ Phụ Apraham, đấng mà ba tôn giáo lớn trên hoàn cầu là Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo đều công nhận ngài là Tổ Phụ, xét về khía cạnh tương quan huyết thống hoặc xét về khía cạnh của niềm tin. Thánh Phaolô đã viết lên: “Apraham là cha của mọi kẻ tin…là Tổ Phụ chúng ta…trên đường Đức Tin” (Rm 8,11-12). Đặc biệt theo niềm tin của Kitô Giáo, Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc nhân loại thuộc dòng dõi của ông Abraham khi xét theo bản tính nhân loại của Ngài (x. Gl 4,4-5) và cũng là Đấng làm trọn lời hứa của Thiên Chúa với Tổ Phụ Abraham (X. Lc 1,45-55).ài viết này nhằm mục đích hòa chung vào niềm vui tạ ơn Chúa và Mẹ Maria nhân dịp kỷ niệm 100 năm (15/08/1918 – 15/08/2018) ngày thành lập Dòng Phước Sơn trên núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Trị, do Cha Tổ Phụ Henri Denis, sau này đổi tên là Cha Biển Đức Thuận. Từ đó, ngài cũng là Tổ Phụ của Hội Dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam với mười hai đan viện tự trị được thành lập một cách trực tiếp hay gián tiếp do bởi Nhà mẹ Phước Sơn.
Vậy bài này sẽ trình bày một cách khái quát về Tổ Phụ Abraham, dưới khía cạnh ngài đã sống như thế nào và hành động làm sao để xứng đáng trở thành Tổ Phụ của một dân tộc đông vô số (x. St 17,5), một dòng dõi “nhiều như sao trên trời, như cát ngoài bãi biển” (St 22,17), và nhờ ngài mọi gia tộc trên mặt đất được chúc phúc (x. St 12,3).
Để trở thành Tổ Phụ, Abraham đã sống trong và nhờ niềm tin: chọn tôn thờ Thiên Chúa thay vì tôn thờ các thần “dân ngoại”; được Thiên Chúa kêu gọi ra đi về miền đất mà Ngài sẽ chỉ cho, miền đất sau này sẽ trở thành miền đất hứa và đất thánh cho dân được Chúa tuyển chọn, nơi mà Con Thiên Chúa sẽ xuống thế làm người. Trong cuộc sống đức tin, ông đã phải trải qua nhiều thử thách, mà thử thách lớn lao nhất và có tính chất chung cuộc là được Thiên Chúa kêu mời đem con độc nhất của mình hiến tế trên núi Morigia.
Suy niệm về Tổ Phụ Abraham là một cách gián tiếp để so sánh và đào sâu cuộc sống đức tin và dâng hiến của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, để biết ơn và làm gương mẫu cho đời sống của các tu sĩ nam nữ, cách riêng cho các đan sĩ Xitô Thánh Gia tại Việt Nam, xét về khía cạnh đức tin và sống ơn gọi đan tu chiêm niệm. Có thể nói, theo một tỉ lệ nào đó, Cha Biển Đức Thuận cũng giống như Tổ Phụ Abraham, ngài là “cha của những người tin”. Ngài được Chúa kêu gọi đi đến vùng đất xa lạ chưa hề biết tới là Việt Nam, nhận phần đất này làm quê hương thứ hai, và nhận một tên mới là Cố Thuận (thuận theo Ý Chúa), rao giảng về Chúa cho dân tộc này; và sau cùng, lên núi Phước Sơn để sát tế “Isaác” – tức là từ bỏ con người “xác thịt” một cách triệt để, hầu tận hiến cho Chúa trong đời đan tu và chọn Chúa làm phần gia nghiệp.
Xin trình bày Tổ Phụ Abraham ba tiểu đề sau đây:
I.Ơn gọi làm Tổ Phụ
II.Đất Hứa, tôn giáo và dân tộc Do Thái
III. Trung kiên trong thử thách
I. ƠN GỌI LÀM TỔ PHỤ
“Đức Chúa phán với ông Abram: ‘Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất mà ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc lớn…” (St 12.1-2).
Quê hương ông Abram là thành Ua thuộc vùng Lưỡng Hà Địa. Cha của ông là Têra, hai người anh em là Nakho và Haran. Lót, con của Haran, gọi ông là chú. Vợ ông là Sara. Khi Chúa hiện ra với ông lúc ông đã bảy mươi lăm tuổi. Trước đó, mối tương quan của ông với Chúa như thế nào? Hiện ra với ông ở đâu? Vào lúc nào? Những tiểu tiết này Kinh Thánh không nói tới. Điều Kinh Thánh muốn nhấn mạnh là Lời Chúa kêu gọi Abraham ra đi, hứa ban đất cho ông và làm cho ông trở thành Tổ Phụ một dân tộc đông đúc. Thái độ của ông đối với Thiên Chúa như thế nào? Từ thái độ này sẽ giúp ta suy diễn ra đời sống tôn giáo của ông. Nó sẽ chi phối cuộc đời của ông và có ảnh hưởng sâu rộng trên lịch sử của dân tộc được tuyển chọn.
Thái độ này là sự vâng phục một cách nhanh chóng, không hồ nghi. Chúa kêu gọi và Abraham vâng nghe và thi hành ngay, khiến chúng ta liên tưởng đến thái độ vâng phục của một môn đệ kiểu mẫu trong Tu Luật Thánh Biển Đức: Lời Thầy phán được các môn đệ thi hành ngay không một chút chậm trễ (x. Tl 5,9).
Sự vâng phục mau chóng và không nghi ngại của Abraham cho phép chúng ta phỏng đoán ông đã có nhiều kinh nghiệm trong mối tương giao với Chúa.
Nhưng Thiên Chúa nào đã kêu gọi Abraham? Chúng ta đã quá quen thuộc với Kinh Thánh, nên không đặt vấn đề Thiên Chúa của Abraham là Đấng nào. Nhưng đối với Abraham không đương nhiên như thế. Kinh Thánh cho biết tổ tiên của Abraham là đa thần (x. Ds 24,2). Cho đến thời ông Têra là cha của ông Abraham, gia đình này mới chọn thờ Giavê là Thiên Chúa duy nhất, Tự Hữu, Hằng Sống (x. Xh 3,14), là Đấng dựng nên Trời Đất (x. St 1,26). Sự việc ông Têra rời bỏ quê hương để đi về phía Canaan (x. St 11,31) được giải thích, theo Angel Gonzalez trong tác phẩm Abraham Father of Believers, như là sự dứt khoát từ bỏ các thần gia tộc: “Thần của Nhà” (Lord of the House)[1], để tôn thờ Giavê Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa giao sự nghiệp phát triển tôn giáo (tôn thờ Thiên Chúa độc nhất) và phát triển gia tộc cho Abraham, và ông đã trung thành với sứ mạng này: ông tin vào Lời hứa của Thiên Chúa và thực hiện ý định của Người[2]. Thánh Stêphanô đã tuyên xưng trước thượng hội đồng Do thái: “Thiên Chúa hiển vinh đã hiện ra với ông Abraham, Tổ Phụ chúng ta, khi ông còn đang ở miền Mêxôpôtamia, trước khi ông đến ở Kharan” (Cv 7,2) Căn cứ vào câu nói của Thánh Stêphanô thì động lực chính của cuộc ra đi là do Abraham. Còn thân phụ của ông chỉ đóng vai trò tùy thuộc. Người cha không được kêu gọi, nhưng người con (Abraham) mới được Chúa kêu gọi và ban lời hứa. Bởi vậy, con thì tiếp tục đi tới, còn cha thì dừng lại tại Kharan.
Đối tượng lời Chúa hứa cho Abraham là ban đất để sinh sống và trở thành Tổ Phụ của một dân tộc lớn lao. Theo Thánh Bêđa lời hứa cho Abraham trở thành Tổ Phụ “nhờ người mà mọi gia tộc sẽ được chúc phúc,” (st 12,3) gồm hai khía cạnh: Tổ Phụ của dân tộc Israel, xét theo huyết tộc, và Tổ Phụ thiêng liêng của Hội Thánh, xét theo đức tin. Nói chính xác hơn, nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, thuộc dòng dõi của Abraham, mà những kẻ tin được trở nên con cái của Thiên Chúa, và con cái thiêng liêng của Abraham (x. Gl 3,7; Cv 3,26). Như thế, Lời Chúa phán: “Ta sẽ cho tên tuổi của ngươi được nên lẫy lừng,” (St 12,2) là ám chỉ đến vai trò Tổ Phụ của Abraham đối với dân tộc Do Thái. Còn câu “nhờ ngươi mà mọi dân tộc được chúc phúc” (St 12.3) ám chỉ Đức Giêsu Kitô, một người thuộc dòng dõi Abraham, mà nhờ Đức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa chúc lành cho muôn dân[3]
II.ĐẤT HỨA, TÔN GIÁO VÀ DÂN TỘC DO THÁI
“Hãy rời bỏ xứ sở họ hàng và cha ngươi” (St 12,1).
Sự ra đi của Abraham mang ý nghĩa gì đối với ông? Đây là một cuộc giải phóng hay là sự từ bỏ? Trong cả hai trường hợp có ảnh hưởng gì trên dân tộc của ông và những người khác không?
Sách Midrash (Sách chép lại những lời chú giải về Kinh Thánh của các Luật sĩ Do Thái) kể chuyện về đời tư của Abraham như sau: ông xung đột với các thần và họ hàng ông. Cha của ông đã tố cáo ông về tội phá phách các ngẫu tượng. Người ta bắt ông ném vào lò lửa. Cũng như trường hợp của ông Daniel, Abraham ở trong lò lửa mà không bị đốt cháy. Haran tình nguyện thay thế cho anh mình, nhưng khi bị ném vào lò lửa, Haran đã bị lửa thiêu đốt mà chết[4]. Trong câu chuyện này Abraham được trình bày như là một người phản kháng lại với gia đình và môi trường ông đang sống trong vấn đề tôn giáo. Ông không tôn thờ các ngẫu tượng mà chỉ tôn thờ Giavê Thiên Chúa. Cuộc ra đi của ông có ý nghĩa như là một sự giải phóng khỏi các tà thần và của áp lực gia đình về vấn đề tôn giáo.
Abraham thuộc sắc dân du mục. Họ không sống ở nơi thành thị, tài sản của họ là đàn vật. Bởi vậy, họ cần đồng cỏ để nuôi thả chúng. Đương nhiên là họ mơ ước được sở hữu đất đai phì nhiêu để chăn thả đàn vật. Nếu có ai hứa cho họ đất đai, họ sẽ sẵn sàng đi đến đó[5]. Abraham được lời hứa, không phải của một phàm nhân nhưng là của Thiên Chúa ban đất đai và phát triển dòng dõi, đương nhiên là ông sẽ vâng phục và phấn khởi ra đi. Nhưng động lực thúc đẩy ông ra đi không chỉ có thế, nhưng chính yếu vì ông tin vào Thiên Chúa và lời hứa của Ngài. Bởi vậy, ông nhắm tới một mục đích cao hơn những mục đích trần gian và tầm thường của người dân du mục. Nói cách khác, niềm tin và hy vọng không dừng lại nơi bản thân ông nhưng là nhắm tới một dự phóng cho một dòng giống, cho một tương lai về lâu về dài, vì nhằm gây dựng dân Chúa chọn để thi hành chương trình cứu độ của Ngài.
Và ông đi đâu? Chúa có vẻ huyền bí khi nói về điểm đi tới cho Abraham: “Đi đến đất ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Chưa biết đích điểm mà ra đi thì thật là mạo hiểm. Thư gửi tín hữu Do Thái (x. Dt 11,8) và các nhà chú giải căn cứ vào câu này để nhấn mạnh và tán dương đức tin của ông. Thánh Augustino trong một bài giảng đã nhấn mạnh: “Chúng ta không tin vào Chúa dù chúng ta đã nhận được quá nhiều… còn Abraham ông tin ngay lập tức cho dầu chưa hề nhận được điều gì. Ngài chưa cho ông miền đất này (miền đất hứa) nhưng hứa cho dòng dõi của ông”[6]. Đương nhiên là chúng ta tin vào Kinh Thánh, nhưng đằng khác chúng ta cũng có thể nghĩ tới đường lối làm việc thông thường của Thiên Chúa: Ngài vẫn luôn kêu mời sự cộng tác của con người. Trong trường hợp của Abraham Chúa đã chỉ cho hướng đi: về phía đất Canaan (x. St 11,31). Cụ thể là chọn vùng nào, thì thiết tưởng tùy sự thẩm định của Abraham.
Abraham không nguyên chỉ nhắm vào đất đai để sinh sống, nhưng còn hơn thế nữa, ông nhắm vào mục đích tôn giáo: tôn thờ Thiên Chúa ở những vùng đất xa lạ và làm cho người ta nhận biết Ngài. Chính vì mục đích này chi phối sự ra đi của Abraham. Có thể nói ông ra đi để truyền giáo, vì mỗi nơi ông đi qua, ông thường dựng bàn thờ để tôn thờ Thiên Chúa tại nơi đó và thiết lập vương quyền của Giavê Thiên Chúa trên các thần và cư dân xứ sở nơi đó. Hương thơm đức tin của Abraham quyện theo bước chân ông trên những vùng đất xa lạ (x. St 12, 7-8; St 13, 4; St 13, 18).
Dân tộc phát sinh từ Abraham sẽ là dân tộc của Giavê Thiên Chúa. Ngài lấy đất của “dân ngoại” mà ban cho họ. Qua Abraham, Ngài chiếm hữu những nơi đó để trở thành những nơi thánh, để dân Chúa biểu lộ niềm tin và tôn thờ Ngài. Tuy nhiên, những thần của đất Canaan vẫn tồn tài lâu dài trong vùng đất mà dân Chúa đến sinh sống, và nhiều lần làm cho họ lạc xa Thiên Chúa mà tôn thờ tà thần. Đây là tội “ngoại tình” mà các tiên tri luôn nhắc nhở và cảnh tỉnh dân Chúa.
Như vậy, Abraham đã thực hiện lời hứa của Chúa trên ba bình diện: tôn thờ Thiên Chúa, dân Chúa hứa phát sinh từ ông và đất hứa. Giavê là Thiên Chúa duy nhất của dân tuyển chọn ở trong vùng đất của Ngài. Và dân sống trong vùng đất hứa là dân của Chúa và dành riêng cho chương trình cứu độ của Ngài.
Abraham cũng là một con người bình thường. Trong một lúc, ông không thể tìm ra lộ trình để đi tới một cách dễ dàng. Quả thật, với con mắt phàm nhân, ông không thể thấy mục đích và con đường để đi tới. Bởi vậy ông không nhìn với con mắt tự nhiên của ông, nhưng nhìn với cặp mắt của Đấng đã ban lời hứa, cặp mắt của đức tin. Có thể nói, ông nhắm cặp mắt có giới hạn của con người và “nhìn” bằng “nhãn thần” của Thiên Chúa mà tiến bước về phía trước: “Đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” với thái độ hi vọng và đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa[7].
Quả thật, thư gửi tín hữa Do Thái nhận xét thật chí lý về Tổ Phụ Abraham: “Nhờ đức tin ông đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi, đến một nơi ông sẽ được nhận làm cơ nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8).
III. TRUNG KIÊN TRONG THỬ THÁCH
Giống như các mối tương giao khác, mối tương giao giữa Abraham và Thiên Chúa cũng có biến chuyển và thử thách. Abraham đã tỏ ra có lòng tin vào Thiên Chúa khi ông đối thoại với Người một cách thân mật như người bạn tâm sự với người bạn về số phận của hai thành phố Sôđôma và Gômôra (x. St 18,12-32). Ông cũng có lúc tỏ ra trong cử chỉ và thái độ không được tin tưởng cho lắm: “Ông cúi rạp xuống, ông cười và nghĩ trong bụng: đàn ông trăm tuổi mà có con được sao. Còn bà Sara đã chín mươi mà còn sinh đẻ được sao?” (St 17,17). Về phần Thiên Chúa, Ngài vẫn trước sau như một không thay đổi ý định. Ngài không ngần ngại nhắc thêm hai lần nữa lời hứa làm cho ông trở nên Tổ Phụ của một dân tộc đông vô số như bụi đất như sao trời (x. St 13,14-16;15,5). Chính Thiên Chúa đã đơn phương ký kết giao ước với Abraham (x. St 15,8-19). Quả thật, Thiên Chúa đã ban cho Abraham một người con là Isaác để làm người thừa tự chính thức khi ông đã xấp xỉ tiến tới tuổi một trăm và bà Sara đã chín mươi tuổi và không còn hiện tượng của một người phụ nữ có thể sinh sản (x. St 21,3; 18,11).
Xem ra Thiên Chúa còn muốn nhìn xem và biết rõ lòng tin của Abraham như thế nào, nên Ngài cần phải thử thách Abraham thêm một lần nữa trước khi đội lên đầu ông vòng nguyệt quế chiến thắng để tuyên dương ông là Tổ Phụ của một dân tộc đông vô số! Chúng ta có thể nhìn sự thử thách này dưới hai khía cạnh: khía cạnh của Abraham và khía cạnh của chính Thiên Chúa.
1.Về phía Thiên Chúa
Thiên Chúa và độc giả biết đây là một cuộc thử thác nhưng Abraham không biết điều này (x. St 22,1). Thiên Chúa yêu cầu Abraham dâng con làm lễ tế. Nhưng thực ra Ngài không muốn ông giết chết con của ông vì đó là điều Ngài ghê tởm (x. Lv 20, 2-5; 2V 3, 27). Nếu Abraham biết trước đây là một cuộc thử thách thì sự thử thách đó sẽ vô hiệu, và ông sẽ vâng theo lời truyền của Chúa một cách dễ dàng ở bên ngoài nhưng trong lòng chưa chắc đã biểu lộ một đức tin chân thành. Bởi vậy, Thiên Chúa cần phải thử thách để biết rõ mức độ tin tưởng của ông như thế nào (x. St 22.11): “Bây giờ ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa” (St 22,12). Câu này là của “Sứ Thần của Thiên Chúa” nói với Abraham. Sứ Thần được đề cập ở đây, không phải là một thiên thần thụ tạo, nhưng chính là Thiên Chúa. So sánh với trường hợp của Aga, nàng hầu của Sara: Sứ Thần của Thiên Chúa hiện ra với Aga (x. St 16,7). Sứ Thần nói ở đây cũng chính là Thiên Chúa hiện ra với nàng qua hình hài của nhân loại (x. St 16,13). Cũng tương tự như thế Sứ Thần của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa ở những nơi khác của sách Sáng Thế: 21,17-19; 22,15-16; 31,11-13[8].
Kinh Thánh chép: “Sau các việc đó…Người phán: ‘Hãy đem con của ngươi…mà dâng nó làm lễ toàn thiêu trên một ngọn núi mà ta sẽ chỉ cho” (St 20,2). Các bản dịch thường làm cho người ta có cảm tưởng đây là một mệnh lệnh cứng cỏi và khô khan của Thiên Chúa: “Hãy đem con của ngươi”. Thực ra, nếu căn cứ vào bản văn gốc của tiếng Hebrew, đây không nguyên là một mệnh lệnh nhưng còn là một lời yêu cầu. Có thể nói đây là lời khẩn khoản kêu mời Abraham. Bởi vì hầu như các bản dịch bỏ sót một tiểu từ trong bản văn Hebrew, nên đã làm cho bản dịch trở nên cứng nhắc. Tiểu từ đó là “na” (נָא) có hàm ý yêu cầu và khẩn nài. Bởi vậy, có bảng tiếng Anh dịch là “pray”: “Pray take your son…” có thể được chuyển dịch ra Việt ngữ là “yêu cầu đem con của ngươi…” Quả thật, lời Chúa nói với Abraham là một lời mời gọi thân tình như lời của người bạn thân nói với người bạn thân. Ngài kêu mời Abraham cộng tác để thi hành một việc hết sức quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn lao cho tương lai, không những cho dòng dõi ông mà còn cho vận mệnh của nhân loại. Bởi vì, Abraham là hình ảnh của Thiên Chúa Cha sẽ sát tế con một yêu dấu của Ngài trên đỉnh đồi Gôngôtha, Giêrusalem (Morigia) để cứu độ nhân loại.
Lời của Chúa không những kêu mời mà còn nhấn mạnh đến người con mà Abraham phải dâng làm của lễ, để không thể có một sự nhầm lẫn nào ở nơi Abraham: “Làm ơn đem con của ngươi, người con độc nhất, người mà ngươi yêu dấu, là Isaác” (St 22,2) (“Pray take your son, your only one, whom you love, Yitzhak)[9]. Các bản dịch thường dồn các từ ngữ của câu này thành ra: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaác”. Tác giả Robert Alter, một người thông thạo ngôn ngữ Hebrew, cho rằng dịch như thế là một sự sai lầm và thiếu cân nhắc[10]. Theo ông, bản văn Hebrew diễn tả cách tỉ mỉ, rất đẹp, rất tinh tế và tình cảm khi kể đầy đủ mọi chi tiết.
Rabbi Rashi[11] đã giải thích câu này một cách đầy đủ ý nghĩa và sự tinh tế của nó, khi ông tưởng tượng ra một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Abraham:
– Chúa nói: “Làm ơn đem con của ngươi!”
– Abraham đáp lại: con có hai đứa con trai mà!
– Chúa khẳng định: “Người con độc nhất”
– Abraham: người này (Ismaen) là con độc nhất của mẹ nó (Aga), và đứa kia (Isaác) cũng là đứa con độc nhất của mẹ nó (Sara)
– Chúa nhấn mạnh: “Đứa con mà ngươi yêu dấu.”
– Abraham: con yêu cả hai đứa.
– Chúa xác định: “Isaác!”
Xem ra Abraham vẫn muốn giữ lại đứa con yêu dấu còn lại của mình, đứa con thừa tự sinh ra trong tuổi già, con của người vợ chính thức. Trước đó, ông đã phải đau lòng đuổi Ismaen và mẹ nó là Aga đi rồi (x. St 16,5; 21,11-14)). Và khi Chúa kiên quyết xác định là Isaác mà ông phải hiến tế, lúc đó ông hết cựa quậy mà phải đem Isaác đi mà sát tế thôi.
“Người phán: “Hãy đem con của ngươi…hãy đi đến xứ Morigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi mà Ta sẽ chỉ cho”. Và Abraham đưa con của mình đi mất ba ngày đường mới tới nơi Chúa chỉ định…Chúng ta tự hỏi tại sao Ngài không chọn một nơi gần hơn để khỏi mất thời giờ đi lại, vừa đi vừa về phải mất sáu ngày trời? Có lẽ Thiên Chúa muốn Abraham thấm thía trong suốt ba ngày dài những mối lo âu, đau khổ và ray rứt với nhiều suy nghĩ trong đầu óc và con tim, khi phải hi sinh con một yêu dấu của mình. Nhưng đàng khác nói một cách chính xác hơn, Thiên Chúa đã dự liệu và chỉ định nơi chốn cho cuộc hiến tế này, nơi mà sau này sẽ được gọi tên là “núi Chúa sẽ liệu” (Morigia) (x. St 22,14). Abraham không thể nào hiến tế con của mình ở bất cứ một nơi tầm thường nào khác, nhưng phải hiến tế trên núi thánh của Chúa. Kinh Thánh nói rằng núi Morigia chính là một ngọn núi ở Giêrusalem, kinh thành của vua Đavít; và con vua Đavít là Salamon sẽ xây đền thánh ở đó (x. 2Sbn 3,1).
2.Về phía con người của Abraham
Điều nổi bật trong cuộc thử thách này là Abraham thinh lặng vâng phục Thiên Chúa. Ông đã âm thầm chấp nhận hoàn toàn những gì Thiên Chúa truyền dạy. Chúng ta chỉ thấy những động thái của ông: dậy sớm, bổ củi, dắt con lừa, đem theo hai người đầy tớ và con ông là Isaác, rồi lên đường. Không một lời thắc mắc với Chúa, không có ý kiến mà cũng không hỏi ý kiến của ai, kể cả bà vợ Sara của mình. Trong ba ngày đường, ông cứ lầm lủi tiến bước, không nói không rằng với đầy tớ và con của ông. Ông không hề thay đổi ý định, cũng không để mình bị chán nản và thất vọng mà thoái lui.
Thái độ của ông trong hoàn cảnh này ngược lại hẳn với một Abraham có tài ngoại giao, giỏi thương lượng hòa giải, hay can thiệp vào chuyện của người khác: giải quyết sự xung đột về người và tài sản cho cháu Lót (x. St 13), liên minh với các vua chúa (x. St 14), khéo léo ngoại giao với vua Avimelec, và mặc cả với chính Thiên Chúa về vấn đề của thành Gômôra và Sôđôma (x St 20).
Chỉ khi gần tới nơi, Abraham mới miễn cưỡng trả lời cho câu hỏi con mình và chỉ thị cho đầy tớ ở dưới chân núi chờ đợi. Đây là giờ phút quyết liệt, vì sắp tới sự kiện trọng đại, ông càng biểu lộ ra sự quyết tâm vâng phục, tin tưởng và phó thác của mình. Ông nói với đầy tớ: “Các anh ở lại đây…chúng tôi đi làm việc thờ phượng rồi sẽ trở lại với các anh”. Abraham có lừa dối các đầy tớ không? Vì nếu ông đã sát tế và thiêu xác con của mình rồi thì chỉ còn một mình ông trở lại thôi, làm gì có “[hai cha con] chúng tôi…”. Nhưng theo suy luận của Giáo phụ Origen, Abraham quả có nói thiệt. Với thế giá và tư cách của một Tổ Phụ không cho phép ông nói cho qua chuyện. Nhưng ông sẽ vâng theo lệnh Chúa để sát tế con mình vì ông tin tưởng “Thiên Chúa có quyền năng làm cho người chết sống lại”[12]. Như thế, ông Abraham có thể nói chắc chắn với các đầy tớ rằng: “…Chúng tôi…sẽ trở lại”.
Isaác cũng thắc mắc với ông về con chiên để tế lễ, vì củi lửa đã có sẵn mà của lễ chẳng thấy đâu. Lúc này Abraham không thể nói lên sự thật làm đau lòng con mình, ông chỉ trả lời: “Chính Thiên Chúa sẽ liệu con à”. Căn cứ theo tư cách của Abraham, không cho phép người ta hiểu đây là một câu nói cho qua chuyện của người cha để tránh trả lời trực tiếp cho câu hỏi của người con. Nhưng đây là câu trả lời thật lòng của ông, vì ông vẫn tin rằng Thiên Chúa thật sự quan tâm đến điều lợi ích nhất cho ông và có cách giải cứu cho Isaác.
Quả thực ông nghiêm chỉnh thi hành lời Thiên Chúa truyền dạy: ông trói con lại, đặt lên đống củi và đưa dao lên để sát tế Isaác. Chính Thiên Chúa (Sứ Thần của Thiên Chúa) đã ngăn ông lại: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ” (St 22,12). Và này, “ông…thấy phía sau thì có con cừu bị mắc sừng vào bụi cây. Ông bắt lấy nó dâng làm của lễ toàn thiêu thay cho con mình” (St 22,13).
Sự tin tưởng và vâng phục của Abraham được Chúa biết đến khi Ngài phán xuống từ trời cao: “Bây giờ ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa” (St 22,12). “Kính sợ” được đề cập đến ở đây không phải là một cảm xúc, một thái độ sợ hãi nhất thời, càng không phải là thứ sợ hãi mà Thánh Gioan Tông Đồ nói là phải loại bỏ ra khỏi tình yêu (x. 1Ga 4,16). Đó là một thứ sợ hãi của kẻ nô lệ. Nói đúng hơn, cụm từ “kính sợ Thiên Chúa” nói lên sự tôn thờ Thiên Chúa của Abraham như người con tự do biểu lộ tâm tình đối với Thiên Chúa là Cha. Đó chính là hiệu quả sự vâng phục Thiên Chúa của Abraham (x. St 20,110).
KẾT LUẬN
Để trở thành Tổ Phụ, Abraham đã từ bỏ quá khứ ra đi đến một nơi đất khách quê người. Phần thưởng cho sự vâng phục của ông là được ban lời hứa và giao ước để ông được chiếm hữu đất đai và dòng dõi đông đúc. Qua cuộc thử thách trên núi Morigia, khi kiên vững trong lòng tin, ông được lại đứa con yêu quí, như thế, chức danh Tổ Phụ của ông lại được củng cố. Sau đó, Thiên Chúa nhắc lại lời hứa với ông một lần nữa cùng nội dung như trước (x. St 22,16-18). Trong lời hứa lần cuối cùng này với Abraham, Chúa nêu rõ lý do việc thi ân giáng phúc cho ông, cho dòng dõi của ông và qua ông mọi dân tộc cũng được chúc phúc: “Vì ông đã vâng lời Người” (St 22,18).
Động cơ sâu xa của sự vâng phục trọn vẹn nơi Abraham chính là đức tin của ông. Ông tin rằng Thiên Chúa sẽ có giải pháp và lối thoát cho tình trạng nan giải của ông. Nếu ông vâng lời sát tế con thì còn đâu dòng dõi của ông. Nếu ông không vâng lời thì tỏ ra thiếu tin tưởng và thiếu tư cách làm Tổ Phụ của dân được Chúa tuyển chọn. Nếu ông không tin thì ông mất luôn cả lòng mến và niềm hy vọng, vì yêu mới có tin và ngược lại. Sự thử thách chính yếu không ở tại Isaác, nhưng cốt yếu nằm tại nơi tình yêu và mối tương quan của Abraham với Thiên Chúa; Isaác chỉ là nhân tố của cuộc thử thách[13]. Qua cuộc thử thách này, Abraham nói lên lòng yêu mến và sự chọn lựa của mình: ông yêu mến Thiên Chúa trên mọi sự, và vì thế ông có thể hi sinh tất cả mọi thứ ngay cả chính con một yêu dấu của mình. Qua cuộc thử thách, nhờ đức tin mà ông làm đẹp lòng Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã thấy được tấm lòng của Abraham đối với Ngài (x. St 24,12). Cũng trong cuộc thử thách này mà ông nhận ra một điều gì đó trong tương lai, khi ông nhận lại người con ấy như là một biểu tượng (x. Dt 11,19). Biểu tượng này được nền chú giải Kitô giáo không ngần ngại chỉ đích danh là chính Chúa Giêsu, con một Thiên Chúa sẽ là con chiên bị sát tế tại Giêrusalem (Morigia) để làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha và nên căn nguyên chúc phúc cho nhân loại. Điều này được Chúa Giêsu xác nhận: “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hi vọng được thấy ngày của tôi, ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 8,56).
Ông Abraham cũng là hình ảnh tiên trưng của Đức Maria, đấng được chúc phúc do bởi lòng tin. “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).
Suy niệm về Tổ Phụ Abraham như chúng ta vừa làm trên đây, là một cách gián tiếp để so sánh và đào sâu cuộc sống đức tin và dâng hiến của Cha Biển Đức Thuận, người cha kính yêu của chúng ta, nhân dịp kỷ niệm ngày ngài ‘sát tế’ bản thân mình trong đức tin và vâng phục Thiên Chúa trên Núi Phước như Tổ Phụ Abraham đã làm trên núi Morigia.
Noi gương Tổ Phụ Abraham, và Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, đan sĩ Xitô Thánh Gia cũng sẽ hiến tế con người của mình trong sự vâng phục và phó thác trong ơn gọi chiêm niệm đan tu Xitô Thánh Gia giữa lòng Giáo Hội và xã hội Việt Nam, miềm đất chúng ta được mời gọi rao giảng và làm chứng.
[1] Angel Gonzalez, Abraham Father of Believers, p. 19.
[2] Angel Gonzalez op.cit. p. 21.
[3] CCL. 118A: 169.
[4] Angel Gonzalez op.cit. p. 28.
[5] Sđd, p.28.
[6] St Augustine, Sermon 113 A.10, The Ancient Christian Commentary on Scripture, Old Testament, Vol II, p. 2.
[7] X. Angel Gonzalez, op.cit p.60
[8] The New Interpreter’s Bible.
[9] The Schocken Bible, id.
[10] Robert Alter, Genesis, Chapter 22, p. 103.
[11] Id, p 103.
[12] Origen, Homilies on Genesis 8.5, Father of The Church, 71:140.
[13] The New Interpreter’s Bible Vol I, p. 500.
BIẾN CỐ NGŨ TUẦN
VÀ KHAI SINH GIÁO HỘI
FM. Gioan Baotixita Nguyễn Tiến Dũng
Trong bối cảnh Hội Dòng Xitô Thánh Gia chuẩn bị mừng kỷ niệm Bách Chu Niên, ngày Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận ‘khai sinh’ đời sống đan tu chiêm niệm trên Núi Phước Sơn, các Đan sĩ Xitô Thánh Gia chúng ta được mời gọi cùng nhau đọc lại biến cố Ngũ Tuần thời các Tông Đồ trong nhãn quan của ngày ‘khai sinh’ Giáo Hội. Đây là cơ hội trăm năm mới có một lần, đây là một dịp tuyệt vời để các nam nữ Đan sĩ Xitô Thánh Gia cùng nhau nhìn lại quá khứ ‘ba vạn sáu ngàn ngày’ của Hội Dòng với những hồng ân, với những thăng trầm, với những buồn vui đắp đổi theo thời gian,… Điều này sẽ giúp các Đan sĩ Xitô Thánh Gia xác tín hơn về tình thương vô biên của Thiên Chúa Cha đã ban tặng Thánh Thần của Ngài cho Giáo Hội và Hội Dòng qua Đấng Sáng Lập và được trao lại cho mỗi người chúng ta qua ơn gọi Đan tu Xitô Thánh Gia.
Biến cố Ngũ Tuần (còn gọi là ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)[1] được cử hành vào ngày ‘thứ năm mươi’ sau ngày Phục Sinh của Chúa Giêsu. Đây là biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các Tông Đồ và những kẻ đã từng theo Chúa Giêsu khi Người còn sống và rao giảng tại thế. Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại rằng trong khi các Tông Đồ và một số các môn đệ khác đang tề tựu ở Giêrusalem vào dịp Lễ Ngũ Tuần theo truyền thống Do Thái Giáo, “bỗng nhiên từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,2-4)
Thật vậy, truyền thống Công Giáo luôn nhìn nhận biến cố ‘Ngũ Tuần’ – một biến cố có gốc rễ từ trong Cựu Ước – đã trở thành biến cố ‘Hiện Xuống’ của Chúa Thánh Thần trong thời Tân Ước. Chính Thánh Thần mà Thầy Giêsu đã xin Chúa Cha ban cho các Tông Đồ khi Người còn rao giảng nơi trần thế, đã hiện xuống đầy tràn trên Giáo Hội mà các Tông Đồ là những người đại diện. Từ đây, Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục công trình của Thầy Giêsu là dẫn dắt Giáo Hội đạt tới ơn cứu độ, đạt tới ‘chân lý vẹn toàn’ (x. Ga 16,13). Chính vì thế, từ sau biến cố Ngũ Tuần (Hiện Xuống) đặc biệt này, Chúa Thánh Thần trở thành ‘linh hồn’ của Giáo Hội, ‘hơi thở’ của Giáo Hội; đồng thời, cũng từ đây Chúa Thánh Thần trở thành ‘tác nhân’ tiếp nối Đức Giêsu dẫn dắt Giáo Hội. Kể từ đây, biến cố Ngũ Tuần được gọi là biến cố ‘ra mắt’ của Chúa Thánh Thần và cũng là biến cố khai sinh Giáo Hội[2]. Để hiểu rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của biến cố Ngũ Tuần ‘có một không hai’ này trong tương quan với Giáo Hội, trước hết chúng ta cần nhìn lại gốc rễ của nó trong Cựu Ước.
I- Biến cố Ngũ Tuần trong Kinh Thánh
1- Biến cố Ngũ Tuần trong Cựu Ước
Từ ngữ và ý nghĩa
Hạn từ ‘Lễ Ngũ Tuần’ mà chúng ta đang sử dụng ngày nay được chuyển dịch từ tiếng Hy Lạp ‘Pentēkostē’ (Πεντηκοστή) trong Bản Bảy Mươi[3]. Bản Bảy Mươi (LXX) dùng hạn từ Pentēkostē với nghĩa là ‘thứ năm mươi’, ‘người thứ năm mươi’ hay ‘vật thứ năm mươi’[4]. Cũng trong Bản Bảy Mươi này, Lễ Ngũ Tuần còn được gọi là ‘Lễ Tạ Ơn’ đầu mùa gặt (x. Đnl 16,10); Lễ Tạ Ơn sau mỗi ‘năm thứ năm mươi’ là năm thánh, năm hồng ân.
Thật ra, Bản Bảy Mươi đã dùng chữ ‘Pentēkostē’ này để chuyển dịch một lễ hội có từ rất lâu trong Do Thái Giáo, lễ hội này có tên gọi là Shavuot (שבועות). Theo truyền thống các Rabbi Do Thái, ban đầu Shavuot là lễ hội được cử hành ‘năm mươi ngày’ sau biến cố Vượt Qua của người Do Thái khi Thiên Chúa dùng Môsê dẫn họ ra khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, vượt qua sa mạc để tiến về Đất Hứa[5]. Về sau, lễ hội Shavuot còn được người Do Thái gọi là ‘Lễ Các Tuần’, bởi vì theo sách Đệ Nhị Luật, đây là một lễ hội diễn ra đúng ‘bảy tuần’ sau khi ‘bắt đầu mùa gặt’ (x. Đnl 16,9) hoặc bảy tuần ‘sau ngày Sabát’ (x. Lv 23,16). Trong sách Xuất Hành, chúng ta cũng đọc thấy một ý nghĩa tương tự, tức là ‘Lễ Tạ Ơn Mùa Gặt’ của Dân Chúa (x. Xh 23,16) và đây cũng là ngày dâng những hoa quả đầu mùa mà sách Dân Số chương 28 câu 26 đề cập tới. Lễ Các Tuần là một trong ba ngày lễ quan trọng của người Do Thái và luật buộc tất cả thành phần nam giới của họ, sống cách Giêrusalem trong vòng hai mươi dặm, phải trở về Thành Thánh để tham dự các lễ hội này[6].
Từ năm 70 sau Công Nguyên, nghĩa là từ khi Đền thờ Giêrusalem bị tàn phá bình địa, các lễ vật không còn được đưa tới Đền thờ để tiến dâng; vì thế, lễ hội này bắt đầu chuyển sang một mục đích khác, đó là lễ kỷ niệm biến cố Thiên Chúa ban lề luật cho Israel qua Ngôn sứ Môsê trên Núi Sinai, trong đó có những qui định cụ thể về việc tổ chức Năm Thánh khi họ sống trong Đất Hứa (x. Lv 25,8-12).
Niên lịch của Lễ Ngũ Tuần và cách thức cử hành
Thời đầu, niên lịch của ‘Lễ Ngũ Tuần’ trong Cựu Ước là ngày ‘ngay sau ngày cuối cùng của bảy tuần trọn’ sau vụ thu hoạch lúa mạch đầu tiên. Trong truyền thống của người Do Thái, ‘ngày thứ năm mươi’ được gọi là ngày Lễ Các Tuần. Thật vậy, khi tính cả ngày đầu và ngày cuối của bảy tuần (mỗi tuần 7 ngày) thì rõ ràng là ‘tròn 50 ngày’ từ ngày sau ngày (Lễ) Sabat của Lễ Vượt Qua, đến ngày ‘ngay sau ngày Sabat’ của Lễ Ngũ Tuần. Trong Cựu Ước, khoảng thời gian này được gọi là ‘năm mươi ngày’; bởi vì khi tính khoảng thời gian của một chu kỳ, người Do Thái có thói quen tính cả ngày bắt đầu và ngày kết thúc (ngày đầu và ngày cuối) chu kỳ ấy. Trong thực tế, việc đề cập đến một thời kỳ kéo dài ‘năm mươi ngày’ như thế này đã có từ lâu đời trong truyền thống Do Thái Giáo mà sách Lê Vi đã ghi lại (x. Lv 23,16).
2- Biến cố Ngũ Tuần trong Tân Ước
Ý nghĩa của Lễ Ngũ Tuần trong Tân Ước
Trong Tân Ước biến cố Ngũ Tuần được mặc thêm một ý nghĩa đặc biệt. Nghĩa là biến cố Ngũ Tuần này được Tân Ước đồng hóa với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ và môn đệ vào ‘ngày thứ năm mươi’ sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Được đồng hóa như thế bởi vì, đúng vào ngày Lễ Ngũ Tuần theo truyền thống Do Thái, khi các Tông Đồ, các môn đệ cùng với Đức Maria tề tựu trong Nhà Tiệc Ly để cầu nguyện, thì Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các ngài. Sự kiện này được tường thuật cách chi tiết trong sách Công Vụ Tông Đồ mà dưới đây chúng ta sẽ trích dẫn một vài đoạn quan trọng.
Chương thứ nhất của sách Công Vụ Tông Đồ kể lại rằng khi Chúa Thánh Thần hiện xuống lần đầu tiên ở Giêrusalem, trước sự hiện diện của khoảng một trăm hai mươi người đã từng theo Đức Giêsu khi Ngài còn tại thế. Trong số đó, có mười hai Tông Đồ[7], cùng với ‘mấy người phụ nữ’, với Đức Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu và với các anh em của Đức Giêsu. Vào lúc tất cả đang cùng nhau cầu nguyện trong phòng đóng kín, thì bỗng nhiên có tiếng động lớn, gió mạnh và lưỡi lửa tản ra, đậu xuống trên từng người một (x. Cv 1,14-15).
Còn trong chương thứ hai, tác giả sách Công Vụ Tông Đồ kể thêm nhiều chi tiết hơn, cụ thể như sau:
“1Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi,2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
5Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Dothái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về.6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư?8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?9 Chúng ta đây, có người là dân Pácthia, Mêđi, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Cáppađôkia, Pontô, và Axia,10 có người là dân Phyghia, Pamphylia, Aicập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây;11 nào là người Dothái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơrêta hay người Ảrập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!”12 Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau: “Thế nghĩa là gì? 13Nhưng người khác lại chế nhạo: “Mấy ông này say bứ rồi!”” (Cv 2,1-13).
Trình thuật của đoạn văn này giúp chúng ta thấy được rằng khi các Tông Đồ, Mẹ Maria và những môn đệ khác đang tụ họp trong căn phòng đóng kín vì sợ người Do Thái, thì Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các ngài và ngay tức khắc các ngài bắt đầu nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tông Đồ trưởng Phêrô đứng lên cùng với mười một Tông Đồ khác tuyên bố với đám đông rằng sự kiện này là để hoàn thành lời Ngôn sứ đã loan báo từ thời xa xưa trong Cựu Ước. Bản văn sách Công Vụ Tông Đồ 2,17 kể tiếp: “Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng”. Đây chính là điều Ngôn sứ Gioen đã từng loan báo từ trước (x. Ge 3,1-5). Trong những câu tiếp theo (Cv 2,15) tác giả sách Công Vụ Tông Đồ còn kể rõ hơn, khi cho biết rằng lúc đó là ‘giờ thứ ba’ trong ngày (nghĩa là khoảng 9 giờ sáng). Sau đó, sách Công Vụ Tông Đồ còn kể về hiệu quả của sự kiện này rằng: “Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo” (Cv 2,41).
Sau đó, Tông Đồ Phêrô còn quả quyết thêm rằng sự kiện xảy ra hôm nay đây chỉ là khởi đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ mà Ân huệ Thánh Thần sẽ tuôn đổ đầy tràn trên tất cả mọi tín hữu Kitô, gồm cả người Do Thái và Dân Ngoại trở lại (x. Cv 2,39).
Niên lịch ngày Lễ Ngũ Tuần trong Tân Ước
Trong Tân Ước, ngày Lễ Ngũ Tuần (Lễ Hiện Xuống) diễn ra sau khoảng thời gian bảy tuần kể từ ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Lễ Ngũ Tuần thời Tân Ước cũng không có một niên lịch cố định trong năm phụng vụ; điều này muốn nói rằng ngày Lễ Ngũ Tuần này được cử hành sớm hay muộn tùy thuộc vào niên lịch Lễ Phục Sinh của năm ấy, nhưng luôn luôn phải diễn ra sau Lễ Phục Sinh ‘năm mươi ngày’. Trong thực tế, Lễ Phục Sinh không hề có niên lịch cố định, nên người ta có thể nói, Lễ Hiện Xuống thời Tân Ước là một ngày lễ ‘di động’, nghĩa là không có một niên lịch cố định[8].
II- Biến cố Ngũ Tuần và việc khai sinh Giáo Hội
1– Biến cố Ngũ Tuần, ngày ‘ra mắt’ của Chúa Thánh Thần
Trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta đã có thể nhận ra hình bóng và vai trò của Chúa Thánh Thần trong công trình tạo dựng vũ trụ, với hình ảnh “bay lượn trên mặt nước” (x. St 1,2). Kể từ đó, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hiện diện và hoạt động trong thế giới và trong Dân Chúa theo chức năng của Ngôi Ba Thiên Chúa; cả trong cuộc sống trần thế của Đức Giêsu, chúng ta cũng thấy in đậm dấu ấn của Chúa Thánh Thần: khi Ngài vào sa mạc ăn chay nhiều ngày (x. Mt 4,1tt), khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời (x. Lc 4,1tt)… Tuy nhiên, với biến cố Ngũ Tuần diễn ra đúng ‘năm mươi ngày’ sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa Thánh Thần mới chính thức ‘ra mắt’ cách công khai qua biểu tượng của ‘tiếng động, gió mạnh và lưỡi lửa’ tản ra và đậu trên các Tông Đồ và môn đệ đang cùng nhau cầu nguyện trong phòng đóng kín, cùng với Thân Mẫu Đức Giêsu (x. Cv 1,14; 2,3-4). Kể từ đây, Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động cách cụ thể trong mọi sinh hoạt của đời sống Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu.
Chính trong lần ‘ra mắt’ đầu tiên này, Chúa Thánh Thần đã ban cho các Tông Ðồ nhiều khả năng đặc biệt. Chúa Thánh Thần ban cho các ngài ơn hiểu biết sâu xa hơn về những lời giảng dạy trước đây của Thầy Giêsu. Chúa Thánh Thần cũng ban cho các Tông Đồ tinh thần hy sinh và lòng can đảm để rao giảng Tin Mừng Phục Sinh; Tin Mừng mà các ngài đã chứng kiến tận mắt, đã đụng chạm tận tay trước đó không lâu (x. 1 Ga 1,1). Chúa Thánh Thần còn ban cho các Tông Đồ nhiều ân huệ khác nữa; nhất là Ngài qui tụ họ lại với nhau thành một cộng đoàn huynh đệ thật sự, một cộng đoàn mà “tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung”, như được mô tả trong chương hai sách Công Vụ Tông Đồ (x. Cv 2,44).
Kể từ lần ra mắt đầu tiên ấy trở đi, danh tánh, vai trò và những hoạt động trong Giáo Hội của Chúa Thánh Thần cũng bắt đầu trở nên ‘công khai’ hơn, hiển nhiên hơn và cũng hiệu quả hơn. Chúng ta thử kể ra một vài trong số những công việc và danh xưng vô cùng phong phú của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo Hội phổ quát, trong sinh hoạt của các cộng đoàn địa phương và cả trong đời sống đức tin của mỗi người Kitô hữu.
Một vài tên gọi hay tước vị của Chúa Thánh Thần
Chỉ cần ôn lại một vài bài giáo lý dưới hình thức ‘hỏi – thưa’ về Chúa Thánh Thần đã được học từ lâu, chúng ta cũng có thể nhớ lại rất nhiều các danh xưng, vai trò và hoạt động quan trọng của Chúa Thánh Thần:
H- Chúa Thánh Thần là ai?
T- Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần cũng chính là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Ân Huệ Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Thần Khí Sự Thật, Chúa Thánh Thần là Ðấng Ban Sự Sống, Chúa Thánh Thần là Ðấng Bầu Chữa (x. Ga 16,7-11), Chúa Thánh Thần là Thần Khí Thiên Chúa (x. 1Cr 12,3), Chúa Thánh Thần là Đấng cầu thay nguyện giúp cho các tín hữu khi họ không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải (x. Rm 8,26)…
H- Chúa Thánh Thần giúp gì cho Giáo Hội không?
T- Chúa Thánh Thần nối kết mọi thành phần Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập trong đức tin và tình yêu, như Thánh Phaolô đã minh định: “Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúa Thánh Thần hướng dẫn các nhà lãnh đạo, các nhà giảng dạy và các nhà rao giảng chính thức của Giáo Hội, từ Ðức Giáo hoàng đến mọi người giáo dân, để tất cả luôn ở trong chân lý và tình yêu. Chính Đức Giêsu cũng đã nhận được sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần để thi hành và hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó. Tin Mừng Luca kể rằng: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh” (Lc 4,14-15).
H- Chúa Thánh Thần làm gì cho mỗi Kitô hữu?
T- Chúa Thánh Thần biến đổi các Kitô hữu qua các ân huệ của Ngài[9]. Chúa Thánh Thần còn giúp mỗi Kitô hữu nhận biết Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Độ muôn dân; Ngài giúp cho các Kitô hữu nhận biết Thiên Chúa là Cha và giúp họ biết gọi Người là ‘Abba – Cha ơi’, như Thánh Phaolô quả quyết: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Ápba, Cha ơi!” (Gl 4,6). Ngoài ra, Chúa Thánh Thần cũng giúp các Kitô hữu biết cách cầu nguyện tốt nhất, tác giả thư gửi tín hữu Rôma quả quyết: “Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).
Những điểm giáo lý này vẫn mãi mãi là giáo lý căn bản về Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của Giáo Hội cũng như của mọi Kitô hữu. Mặc dù Chúa Thánh Thần đã chính thức ‘ra mắt’ với Giáo Hội, nhưng chúng ta vẫn không dễ nhận ra và hiểu thấu đáo độ ‘cao sâu’ và sự phong phú của mầu nhiệm Chúa Thánh Thần. Một mầu nhiệm luôn mở ra, và mời gọi được khám phá, một mầu nhiệm luôn gắn liền với đời sống hằng ngày của mọi người tín hữu Kitô cho đến tận thế.
Ngũ Tuần, ngày của Chúa Thánh Thần
Nhà thần học Von Balthasar đã đưa ra một nhận định khá thú vị về Chúa Thánh Thần mà sau này Cha Raniero Cantalamessa đã nhắc lại trong tác phẩm của ngài: ‘Chúa Thánh Thần, ánh sáng và sự sống của Giáo Hội’, khẳng định ấy là: “Chúa Thánh Thần là Vị Thiên Chúa bị bỏ quên”[10]. Cho dù lời khẳng định này chỉ là một kiểu nói mang tính ‘ví von’, không diễn tả nhiều ý nghĩa thần học hay tín lý về Chúa Thánh Thần, nhưng có lẽ nó lại rất hữu ích trong ý hướng mục vụ. Quả thật, lời khẳng định này của nhà thần học Von Balthasar đã giúp chúng ta nhận ra phần nào một sự thật trong đời sống đức tin của người Kitô hữu về Chúa Thánh Thần, một sự thật vượt quá sự kiểm soát và kiểm chứng của trí khôn con người. Bởi vì, ngoại trừ một vài vị thánh, một ít nhà thần bí hay những vị ngôn sứ được ơn riêng, đã cảm nhận phần nào sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời của các ngài,… còn đại đa số những ‘người trần mắt thịt’ như chúng ta, thật khó để nhận ra vai trò và sự can thiệp Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mình.
Đây cũng là kinh nghiệm của chính Thánh Phaolô khi ngài nhắc nhở các tín hữu Rôma vì họ đã lãnh nhận Thần Khí để trở thành nghĩa tử, nhưng họ lại vẫn cứ sống theo xác thịt, sống trong sự nô lệ cho tội lỗi mà không sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí (x. Rm 8,13). Thật vậy, theo cách nhìn về lược đồ của nhiệm cục cứu độ trong các tác phẩm của Thánh sử Luca, bao gồm: sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, thì thời đại chúng ta đang sống – tức là thời đại từ khi Chúa Giêsu về trời cho đến tận thế – là thời của Chúa Thánh Thần; vậy mà những gì chúng ta biết được về Ngài lại còn quá khiêm tốn và rất phiến diện. Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn không ngừng nhắc nhớ và chứng minh cho chúng ta về vai trò và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lịch sử Dân Chúa, trong tương quan với cá nhân cũng như cộng đoàn.
Những hoạt động của Chúa Thánh Thần được kể lại qua trình thuật về biến cố Hiện Xuống trong sách Công Vụ Tông Đồ được trích dẫn trên đây, đã ghi lại hai hình ảnh nổi bật của Chúa Thánh Thần: hình ảnh ‘cơn gió mạnh’ và ‘hình ảnh lưỡi lửa’. Kết quả là khi các ‘lưỡi lửa’ ấy tản ra và đậu lại trên các Tông Đồ, thì đã tạo nên một sự biến đổi kỳ diệu, một sự biến đổi tận căn những con người trước đây vốn nhút nhát, sợ sệt; nay họ đã trở thành những người can đảm, dám đối diện với mọi khó khăn, mọi nghịch cảnh, mọi đối thủ; những con người trước đây vốn chất phác ngây thơ, nay trở thành những nhà giảng thuyết đại tài, thu hút hàng ngàn hàng ngàn người sau chỉ một lần tiếp xúc và lên tiếng (x. Cv 2).
2- Biến cố Ngũ Tuần, ngày khai sinh Giáo Hội
Khi chú giải đoạn văn tường thuật việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các Tông Đồ và môn đệ – trong lúc các ngài qui tụ lại với nhau ở Giêrusalem và cầu nguyện cùng với Mẹ Maria, nhân dịp Lễ Ngũ Tuần theo truyền thống Do Thái – các Giáo phụ đã ví biến cố này như là việc ban hành ‘Hiến Chương’ thành lập Giáo Hội. Bản Hiến Chương này cũng chứa đựng lệnh truyền, sai phái các Tông Đồ đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho muôn dân, trong sự hướng dẫn và đồng hành của Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu đã hứa ban trước khi về trời.
Nói cách khác, kể từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ trong dịp Ngũ Tuần ‘đặc biệt’ năm ấy, biến cố Ngũ Tuần đã được hiểu một cách đúng đắn hơn trong tương quan với biến cố Phục Sinh và Lên Trời của Chúa Giêsu. Nghĩa là bao gồm tất cả những biến cố quan trọng trong giai đoạn đỉnh cao của công trình cứu độ mà Đức Giêsu đã thực hiện. Những biến cố quan trọng ấy là: Chịu chết để cứu chuộc muôn người, Phục sinh vinh hiển và Lên trời về cùng Chúa Cha, và kết thúc bằng biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ và nhân loại. Chính vì lý do này mà biến cố Ngũ Tuần (Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) không chỉ là ngày kết thúc Mùa Phục sinh mà còn là ngày khai sinh Giáo Hội, một Giáo Hội lữ hành, một Giáo Hội bắt đầu lên đường thi hành sứ vụ rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.
Thật vậy, trình thuật trong sách Công Vụ Tông Đồ trên đây nhắc đến hai hình ảnh: gió và lửa. Những lưỡi lửa phân tản ra và đậu lại phía trên đầu các Tông Đồ, chính là hình ảnh chứng tỏ Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các ngài. Nhờ đó, các Tông Đồ trở nên mạnh mẽ và can đảm hơn rất nhiều. Các ngài bắt đầu rao giảng và làm chứng; các ngài có khả năng làm cho tất cả những người nghe hiểu được điều các ngài nói, dù những người nghe lúc này đến từ nhiều sắc dân và ngôn ngữ khác nhau. Sách Công Vụ Tông Đồ liệt kê một cách rất ấn tượng, cụ thể và chính xác rằng họ là những người đến từ: “Pácthia, Mêđia, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Capađôkia, Pontô và Asia, có người là dân Physia, Pamphylia, Ai Cập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do Thái cũng như người mới trở lại đạo; nào là người đảo Kêta hay người Ả Rập” (Cv 2,9-11). Vậy mà hết thảy họ đều đều nghe được bằng tiếng bản xứ của mình, tất cả những gì các Tông Đồ rao giảng.
Thực tế còn cho thấy, ngay sau khi nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ liền trở nên can đảm khác thường; các ngài rời khỏi gian ‘phòng đóng kín’ mà trước đây các ngài tự giam mình trong đó vì sợ hãi. Từ đây, các ngài bắt đầu rao giảng, làm chứng cho Chúa Phục Sinh và làm phép rửa cho nhiều người tin. Nói cách khác, chính trong biến cố Ngũ Tuần ‘đặc biệt’ này, Giáo Hội được khai sinh không do ý muốn của con người, nhưng do bởi sức mạnh và quyền năng của Chúa Thánh Thần. Quả thật với biến cố này, Giáo Hội của Chúa Kitô được ra đời, được củng cố, phát triển và lan truyền rộng rãi cách nhanh chóng. Tất cả các thành viên của ‘Giáo Hội thời đầu’ này đều trở nên cản đảm nhờ đã nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu đã hứa ban, để họ chính thức trở thành chứng nhân cho Người từ Giêrusalem, Samari và cho đến tận cùng trái đất. Với biến cố này, lời hứa của Đức Giêsu trước kia, trong Tin Mừng theo Thánh Luca, đã thành hiện thực: “Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49).
Một Lễ Ngũ Tuần chưa kết thúc
Biến cố Ngũ Tuần còn được thể hiện như là cuộc ‘rửa tội’ của Giáo Hội lữ hành và không chấm dứt ‘ngày hôm đó ở Giêrusalem’, nhưng tiếp tục lan truyền vượt thời gian và đến tận cùng trái đất. Thật vậy, kể từ biến cố Ngũ Tuần ‘có một không hai vào năm ấy’, Giáo Hội luôn sống trong sự tuôn đổ Thánh Thần, bởi vì nếu không có Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sẽ kiệt lực. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần luôn là sức sống, là linh hồn của Giáo Hội; nếu không có Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sẽ lầm lạc, bởi vì Chúa Thánh Thần là tác nhân duy nhất dẫn đưa Giáo Hội tới chân lý vẹn toàn như Thầy Giêsu đã khẳng định: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (x. Ga 16,13-14). Đó là lý do giúp chúng ta nhận ra biến cố Ngũ Tuần vẫn đang tiếp tục tái diễn vào những thời điểm đặc biệt, nơi những tổ chức lớn nhỏ, ở cấp địa phương hay hoàn vũ của Giáo Hội[11]. Giáo Hội còn nhận ra biết bao Lễ Ngũ Tuần khác đang làm cho các cộng đoàn Kitô hữu được sống động và tăng tiến. Chúng ta hãy nghĩ đến các cuộc cử hành phụng vụ, cách riêng những buổi cử hành vào những dịp đặc biệt của mỗi cộng đoàn, trong đó sức mạnh của Chúa Thánh Thần được cảm nhận rõ rệt qua niềm vui trong tâm hồn, cũng như qua gương mặt rạng rỡ của các tín hữu Kitô.
Vì thế, sẽ không quá lời khi nói rằng sẽ không có Giáo Hội nếu không có biến cố Ngũ Tuần ‘đặc biệt’ này. Và chúng ta cũng có thể thêm rằng sẽ không có Lễ Ngũ Tuần đích thực nếu không có sự hiện diện của Đức Maria trong đó. Điều này không chỉ đã xảy ra thuở ban đầu, tại nhà Tiệc Ly, khi các Tông Đồ và môn đệ “bền tâm nhất trí cầu nguyện, cùng với vài phụ nữ và Đức Maria, Thân Mẫu của Chúa Giêsu và các anh em của Người” (Cv 1,14); nhưng biến cố Ngũ Tuần ấy vẫn tiếp tục diễn ra mọi nơi mọi thời trong khắp Giáo Hội và vũ trụ này, khi các Kitô hữu họp nhau cầu nguyện cùng với Đức Maria, Thân Mẫu của Chúa Giêsu.
Thay lời kết
Đọc lại biến cố Ngũ Tuần trong nhãn quan của ngày ‘khai sinh’ Giáo Hội như chúng ta vừa làm trên đây, nhân dịp Hội Dòng Xitô Thánh Gia chuẩn bị mừng Bách Chu Niên ngày Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận ‘khai sinh’ đời sống đan tu chiêm niệm trên Núi Phước Sơn (1918) là một dịp tuyệt vời để các nam nữ Đan sĩ Xitô Thánh Gia cùng nhau xác tín hơn về tình thương vô biên của Thiên Chúa Cha, Đấng đã ban tặng Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội, cho Hội Dòng và cho mỗi Đan sĩ Xitô Thánh Gia. Vì thế, mỗi nam nữ đan sĩ chúng ta được mời gọi tiếp tục bước theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để làm sống lại bầu khí của Ngài trong từng sinh hoạt thường ngày của đời Đan tu Xitô Thánh Gia mà chúng ta đang theo đuổi với những hệ luận sau đây:
* Chúa Thánh Thần và việc cầu nguyện. Trình thuật về Ngũ Tuần trong sách Công Vụ Tông Đồ trên đây kể lại sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống được thực hiện trong lúc các ông đang hợp nhau cùng với Mẹ Maria để cầu nguyện. Đây là công việc quan trọng mà chính Thầy Giêsu đã dạy và đã làm khi Ngài nói với các Tông Đồ rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Với ơn gọi đan tu chiêm niệm theo truyền thống Biển Đức – Xitô, đời sống của các Đan sĩ Thánh Gia gắn liền với việc cầu nguyện chung trong cộng đoàn của mình cùng với Đức Maria. Đây là môi trường tốt nhất để Chúa Thánh Thần ngự đến và hoạt động. Ngài sẽ giúp hướng dẫn cho các đan sĩ cách tìm kiếm và thực thi Thánh ý Thiên Chúa.
* Chúa Thánh Thần và ơn ngôn ngữ. Ngày xưa Chúa Thánh Thần đã ban cho các Tông Đồ được ơn nói tiếng lạ để giúp cho các ngài rao giảng Tin Mừng cách hiệu quả nhất; Ngài cũng đang ban cho Giáo Hội ngày nay được nói các ngôn ngữ của thế giới. Thánh sử Luca kể ra mười hai ngôn ngữ như là biểu tượng: “Rôma”, thế giới Tây phương; “người Do thái và các tân tòng” nói lên sự hợp nhất giữa dân Israel với thế giới; “Crêta và Ả Rập” đại diện cho Đông phương và Tây phương, các hải đảo và đại lục. Giáo Hội được phái đến tất cả mọi dân nước, vượt qua các biên cương. Tuy nhiên, giữa muôn vàn ngôn ngữ, Giáo Hội vẫn duy trì sự hợp nhất. Đó là một đặc trưng của Giáo Hội: vừa mở rộng đến tính đa dạng, vừa bảo vệ sự hợp nhất nên một. Trong lòng Giáo Hội, Hội Dòng Xitô Thánh Gia cũng đã và đang được Chúa Thánh Thần khai mở và đồng hành để các Đan sĩ Xitô Thánh Gia dù phân tán thành nhiều cộng đoàn, hiện diện trên nhiều vùng đất khác nhau của thế giới (Âu, Á, Mỹ), nhưng vẫn không đánh mất đặc tính hiệp nhất trong cùng một đoàn sủng mà Chúa Thánh Thần đã khai mở trên Núi Phước Sơn qua Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận.
* Chúa Thánh Thần và ơn tình yêu. Khi giải thích biểu tượng ‘lưỡi lửa’ trong thánh Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2010, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc đến ‘ngọn lửa’ ở bụi gai mà ông Môsê đã chứng kiến. Ngài chú giải thêm rằng trong đời sống thường ngày, lửa mang tính cách hủy diệt. Điều này cũng xảy ra trong đời sống xã hội: lửa chiến tranh tàn phá. Nhưng lửa của Thiên Chúa thì khác: lửa bốc cháy nhưng không hủy hoại. Đó là ngọn lửa của tình yêu. Lửa thanh luyện khỏi những vết nhơ, để giúp cho con người được tinh tuyền hơn, kết hiệp thân mật hơn với Chúa[12]. Vì thế, nếu các Đan sĩ Xitô Thánh Gia can đảm để cho lửa Thánh Thần thanh tẩy thì chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui và an bình của tình yêu đích thực trong ngôi ‘Trường Đức Ái’ mà các Đấng Tổ Phụ Xitô đã thiết lập.
Cuối cùng nếu cách đây hơn 2.000 năm, Chúa Thánh Thần đã công khai tuôn đổ đầy tràn trên các Tông Đồ và môn đệ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khiến các ngài trở thành những môn đệ trung tín, những nhà rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng cách can đảm và nhiệt thành trước mọi gian nan thử thách…, thì cách đây 100 năm, cũng chính Chúa Thánh Thần ấy đã đổ đầy và tác động nơi con người vị Thừa sai Henri Denis (Cố Thuận) để ngài sẵn sàng hy sinh tất cả cho sứ điệp Tin Mừng nơi Đất Việt, cho Người Việt và thành quả công trình của Thánh Thần năm ấy đã và đang trở nên kỳ diệu trong Hội Dòng Xitô Thánh Gia với 12 Đan viện và đã vượt ra khỏi biên giới của mảnh đất hình chữ “S”, để đến với nhiều vùng ‘đất mới’ trên các châu lục khác nhau. Vì vậy, chúng ta hãy cùng với Đức Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu, hiệp lòng và tha thiết khấn xin Chúa Thánh Thần ngự đến tiếp tục đồng hành và hướng dẫn chúng ta:
Veni Sancte Spiritus – Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy ngự đến!
[1] Truyền thống Giáo Hội quen dùng các hạn từ ‘Lễ Ngũ Tuần’ hay ‘Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống’ cùng một ý nghĩa.
[2] Tuy vẫn có một số ý kiến khác cho rằng Giáo Hội đã hiện hữu từ trước biến cố này rồi (x. J. Betz, “Die Gründung der Kirche durch den historischen Jesus”, Theologische Quartalschrift 138 (1958): 152-183).
[3] ‘Bản Bảy Mươi’ là bản dịch Kinh Thánh Do Thái sang tiếng Hy Lạp, vào thế kỷ III trước Công Nguyên. Truyền thống lâu đời cho rằng 70 nhà thông thái ở Alexandria đã thực hiện việc chuyển dịch bản Kinh Thánh Do Thái sang tiếng Hy Lạp. Tuy mỗi người làm việc tách biệt nhau, nhưng khi đối chiếu kết quả của các vị này, thì tất cả 70 bản dịch đều giống nhau. Vì thế, người ta cho rằng Bản Bảy Mươi này cũng có ơn Linh hứng.
[4] Nếu hiểu 1 tuần có 7 ngày, thì phải dịch là ‘lễ ‘thất’ tuần’, ‘lễ 50 ngày’ hay lễ các tuần (như có nhiều nơi dịch như thế) mới đúng. Nhưng thói quen dùng ‘Lễ Ngũ Tuần’, nên chúng tôi vẫn giữ thói quen này.
[5] x. Danker, Frederick W; Arndt, William; Bauer, Walter (2000). A Greek-English lexicon of the New Testament and other early Christian literature. Chicago: University of Chicago.
[6] Hai lễ trọng kia là Lễ Vượt Qua và Lễ Lều. Lễ Các Tuần diễn ra đúng ‘ngày thứ năm mươi’ sau Lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua thường diễn ra vào trung tuần tháng Nissan (tháng tư); vì thế, Lễ Các Tuần rơi vào đầu tháng 6. Tháng 6 là tháng du hành vì thời tiết đã tốt đẹp hơn và thuận tiện cho việc đi lại. Đó là lý do tại sao trình thuật về Lễ Ngũ Tuần trong sách Công Vụ Tông Đồ kể lại rằng hôm đó có sự hiện diện của nhiều sắc dân lên Giêrusalem để mừng lễ (x. Cv 2,1-11).
[7] Tức là Mười Một Tông Đồ trung thành, cùng với Matthias là người thay thế Giuđa, kẻ đã phản bội Thầy (x. Cv 1,13.26).
[8] Gọi là ‘Thời kỳ Phục Sinh’ để chỉ khoảng thời gian từ Lễ Phục Sinh đến Lễ Thăng Thiên (40 ngày), hay đến Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (50 ngày), hay đến Lễ Chúa Ba Ngôi (57 ngày). Phụng vụ của Giáo Hội Roma tách Lễ Ngũ Tuần ra khỏi Lễ Phục Sinh thành một ngày lễ riêng biệt. Và khoảng thời gian từ Chúa nhật Lễ Phục Sinh đến hết ngày trước ngày Lễ Hiện Xuống, gọi là ‘Mùa Phục sinh’. Trong khi đó, truyền thống phụng vụ của Giáo Hội Đông Phương lại xem Lễ Hiện Xuống là ngày cuối của Lễ Phục Sinh; bởi vì truyền thống này coi Lễ Phục Sinh kéo dài suốt năm mươi ngày và Lễ Hiện Xuống là ngày cuối cùng. Vì thế, các sách Phụng vụ Mùa Phục Sinh của Giáo Hội Đông Phương được gọi là ‘Phụng vụ Ngũ Tuần’ – Pentecostarion (Πεντηκοστάριον), x. Grassie, William (2013-03-28). “Easter: A Moveable Feast”. Huffington Post. Retrieved 2017-06-04.
[9] Truyền thống Giáo Hội liệt kê ra bảy ơn Chúa Thánh Thần thường ban cho các tín hữu: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn khéo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức, ơn kính sợ Chúa Trời.
[10] x. Padre Raniero Cantalamessa, Chúa Thánh Thần, ánh sáng và sự sống của Giáo Hội, tr. 5 – Trích trong Hans Urs von Balthasar, Spiritus creator: saggi teologici, vol. 3, Morcelliana, Brescia 1972, p. 97.
[11] Chẳng hạn như các Công đồng với những phiên họp được tràn đầy Chúa Thánh Thần, trong số đó phải kể đến Công đồng Vaticano II. Chúng ta cũng có thể nhắc đến các cuộc gặp gỡ đặc biệt của các Đức Thánh Cha với các phong trào giáo dân diễn ra tại nhiều nơi, vào nhiều dịp khác nhau…
[12] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, bài giảng Lễ Ngũ Tuần, năm 2010.
CÔNG ĐỒNG VATICANO II
Trong Tông thư “Năm Đời Sống Thánh Hiến” của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi cho tất cả những người thánh hiến, ngài đã mời gọi họ “nhìn về quá khứ với niềm tri ân” (số 1) để sống giây phút hiện tại “với niềm say mê” (số 2), và từ đó “hướng về tương lai với niềm hy vọng”(số 3). Đặc biệt Hội Dòng Xitô Thánh Gia chúng ta đang sống trong thời khắc của lịch sử, thời khắc của ân sủng (Năm thánh nhân dịp mừng Bách Chu Niên lập Dòng Đức Bà An Nam), nên thật ý nghĩa và thích hợp để chúng ta cùng nhau trở về nguồn và tái khám phá “Đặc sủng của đấng sáng lập” dưới ánh sáng của Công đồng Vaticano II.
Trong chiều hướng này, chúng tôi xin mạo muội trình bày một vài nét đơn sơ về nhãn quan của Công đồng Vaticano II đối với đặc sủng của đấng sáng lập.
Lời Mở
Công đồng Vatican II được sánh ví như Lễ Ngũ Tuần Mới của thời hiện đại. Chính từ đây, Giáo Hội đón nhận luồng gió canh tân của Chúa Thánh Thần và bước vào một giai đoạn mới. Giáo Hội tái xác định khía cạnh đặc sủng trong đời sống của mình, vốn ít được nhắc đến trong một thời gian khá dài. Ngọn gió mãnh liệt và tinh tế này đồng thời cũng lan tỏa vào cả đời sống tu trì. Từ đó khởi đầu cho một hành trình mới, một mùa xuân mới. Một hành trình tuy không dễ dàng chút nào, nhưng đầy hứa hẹn và hy vọng vào sự chắc chắn của ơn thánh sủng mà Chúa Thánh Thần trao ban. Nhiều chân trời mới mở ra làm cho người ta thấu hiểu hơn về đời sống tu trì trong tất cả mọi chiều kích. Sự đào sâu đời tu thường được biểu lộ trong lãnh vực thần học, và đặc biệt hơn trong lãnh vực đặc sủng của đấng sáng lập và linh đạo của mỗi tu hội. Vậy đặc sủng của đấng sáng lập là gì? Đâu là quan niệm của Công đồng về lãnh vực ấy? Và Giáo Hội có trách nhiệm gì đối với đặc sủng của đấng sáng lập? Đó là những điểm mà chúng tôi muốn dừng lại để cùng quý vị tái khám phá qua bài viết đơn sơ mộc mạc này.
I.Đặc sủng nói chung
1.Ý nghĩa và nguồn gốc của từ “đặc sủng”[1]
Hạn từ “đặc sủng” trong tiếng Việt được dịch từ nguyên ngữ Hy Lạp là χάρισμα “charisma”, và tiếng Latinh giữ nguyên từ Hy Lạp “charisma”. Charisma nghĩa là ân huệ hay ân ban, quà tặng (dono). Nó có động từ là “charizesthai”, nghĩa là tỏ ra ưu ái.
Từ đặc sủng có thể được coi là một từ mới được Thánh Phaolô tạo ra. Trong ngôn ngữ Hy Lạp cổ điển người ta chưa biết đến nó; trong tiếng Hy Lạp phổ thông chỉ xuất hiện trong các thư của Thánh Phaolô, 16 lần, chỉ có 1 lần được đề cập đến trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô.[2]
Các nhà thần học cố gắng phân tích các lá thư để tìm hiểu chủ ý của thánh nhân, khi ngài nhắc đến các đặc sủng trong đời sống Giáo Hội thời sơ khai. Tuy nhiên, rất khó đưa ra một định nghĩa chung, khái quát, bởi vì Thánh Phaolô sử dụng thuật ngữ này trong nhiều bối cảnh, với đa dạng các loại khác nhau. Nhưng tất cả đều có mẫu số chung là: chính Chúa Thánh Thần, Đấng trao ban mọi ân huệ của Thiên Chúa và phân phát mọi đặc sủng, như chúng ta đọc thấy ở 1Cr 12,14-16: “Có nhiều đặc sủng khác nhau (Charismata), nhưng chỉ có một Thánh Thần duy nhất; có nhiều việc phục vụ khác nhau (diakonia), nhưng vẫn chỉ có một Chúa; có nhiều hoạt động khác nhau (energhemata), nhưng cũng chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người”[3]. Những công việc hoạt động và phục vụ phát xuất từ Chúa Cha là nguồn sự sống. Bởi vậy, đặc sủng không bao giờ có thể tách khỏi nguồn. Chúng ta không thể gán đặc sủng cho chính mình. Nhưng đó là quà tặng, ân ban nhưng không mà con người chỉ có thể lãnh nhận. Nó khác với “tài năng”, vì “tài năng” chỉ đơn giản là năng khiếu liên quan đến chính bản tính của con người.
Từ những hé mở đầu tiên này, người ta có thể trực giác được sự phong phú trong khi áp dụng khái niệm đặc sủng trong lãnh vực thần học về đời tu. Người ta nhận thấy được nguồn gốc hợp nhất tất cả các hình thức đời sống thánh hiến: là nhờ tình yêu duy nhất của Thiên Chúa mà tất cả được tham dự, chỉ một Thánh Thần duy nhất làm phát sinh tất cả. Vì vậy, Thánh Phaolô sử dụng từ ngữ này để chỉ về ân sủng, sự công chính (Rm 5,15-16) và đời sống vĩnh cửu (Rm 6,23), như chính những ân huệ được ban cho dân Thiên Chúa trong Giao Ước Cũ (Rm 11,29), về một hình thức đặc biệt của đời sống (1Cr 7,7), về sự giải thoát khỏi mọi nguy hiểm của sự chết (2Cr 1,11), về việc đặt tay (1Tm 4,14; 2Tm 1,6), và về chính lời rao giảng của ngài (Rm 1,11).
Tuy nhiên, Thánh Phaolô sử dụng từ này bằng một cách thức rất đặc biệt khi liên kết với đời sống của cộng đoàn. Trong các chương 12-14 của thư thứ nhất gửi các tín hữu Côrintô và trong chương 12 của thư gửi các tín hữu Rôma, ngài sử dụng từ đặc sủng (charisma) để chỉ những ân huệ, về các vai trò và những ơn gọi khác nhau hiện diện trong cộng đoàn Giáo Hội. Các ân huệ được phân phát để cộng đoàn có thể triển nở và đạt đến sự trưởng thành viên mãn. Mỗi ân huệ được biến đổi thành sự phục vụ, ngay cả những ân huệ mang tính cá nhân, như ơn nói các ngôn ngữ. “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,5).[4] Đối với Thánh Phaolô, đặc sủng là ân huệ của Chúa Thánh Thần, được ban phát cho một cá nhân để xây dựng cộng đoàn. Ân huệ nhưng không, nên chẳng bao giờ con người được coi là xứng đáng, chẳng bao giờ được con người lập trình sẵn.
Ý nghĩa của hạn từ đặc sủng này sau đó đã được các nhà thần học áp dụng để triển khai về thần học đặc sủng. Đó là quà tặng mà Chúa Thánh Thần trao ban cách nhưng không để thánh hóa và hướng dẫn dân Thiên Chúa, mà theo Công đồng Vaticano II, đó là những “ân sủng đặc biệt” nhằm xây dựng và làm cho Giáo Hội thêm lớn mạnh (x. LG 12).[5]
Công đồng Vaticano II cũng đã đọc được hiện tượng về đời tu bằng quan điểm đặc sủng này. Đời tu xuất hiện như một cây được Thiên Chúa trồng, nhờ các đấng sáng lập, nó phát triển và chia thành nhiều nhánh, góp thêm nhiều sự trợ giúp vì ích lợi cho tất cả Thân Mình của Đức Kitô (x. LG 43). Các đấng sáng lập được xem như những dụng cụ, qua đó Chúa Thánh Thần làm tăng thêm sức sống và sự thánh thiện cho Giáo Hội của Người.
2.Đặc sủng của đấng sáng lập theo giáo huấn của Công đồng
Ngày nay, đặc sủng là từ được sử dụng rất nhiều để chỉ về một thực tại sâu xa đã hoạt động nơi mỗi đấng sáng lập và vẫn tiếp tục hoạt động trong các Hội Dòng. Dòng tu hay các tu hội là được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Bởi vậy, đặc sủng của một Hội Dòng là ân huệ của Chúa Thánh Thần đến qua trực giác thiêng liêng của một người nam, người nữ trong một bối cảnh cụ thể. Đấng sáng lập là người đọc được tính hiện tại một cách sâu sắc, ý thức được nhu cầu và sự chờ đợi của thời đại, và nhận thấy cần thực hiện một điều gì đó. Ngài muốn đáp trả trước những nhu cầu của Giáo Hội và thời đại. Vì vậy, ý định ấy bắt đầu được khởi xướng. Chính đời sống của ngài là một sứ điệp đầu tiên, và luôn trung thành với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Cho nên, “đặc sủng đời tu không phải là một sự thúc đẩy sinh ra ‘bởi huyết nhục’ hoặc phát xuất do một tâm trạng ‘hòa theo thế giới hiện tại’, nhưng chính là hoa quả của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn luôn hoạt động trong Giáo Hội” (ET 11). Vì lẽ đó mà Công đồng Vaticano II đã xác quyết đặc sủng của đấng sáng lập là một “hồng ân đặc biệt” của Thiên Chúa ban cho cả Giáo Hội (chứ không phải cho một tu hội), được cụ thể qua đấng sáng lập và truyền lại cho gia đình tu sĩ của ngài.[6] Đặc sủng thì được truyền lại cho các môn đệ. Trong những gì liên quan đến hành vi sáng lập thì được gắn bó với cá nhân đấng sáng lập mà thôi, không thể truyền lại.[7]
Như vậy, theo giáo huấn của Công đồng Vaticano II, đặc sủng của đấng sáng lập là “hồng ân đặc biệt” được ban tặng nhằm mục đích trang bị cho một người có đủ khả năng và thích hợp hơn để sáng lập một tu hội mới. Quả thật, không tồn tại một thứ đặc sủng trừu tượng để sáng lập, cũng như không thể tồn tại một ngôn sứ trong trí tưởng tượng. Ân huệ của Chúa Thánh Thần luôn luôn cụ thể, luôn có nội dung và mục đích rõ ràng. Các đấng sáng lập là những người đã lắng nghe được tiếng mời gọi của Thiên Chúa và đã đáp lại tiếng mời gọi đó bằng việc dâng hiến cả cuộc đời để thực hiện một sứ vụ rất quan trọng trong một hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội và thế giới. Điển hình như trường hợp của Cha Henri Denis Thuận (Cha Biển Đức Thuận) đã từng là một nhà hoạt động Tông Đồ, một nhà đào tạo các chủng sinh và là một chủ chăn nhân lành, nhưng rồi Thiên Chúa lại muốn ngài trở thành một nhà chiêm niệm, và sau cùng là trở thành một đấng sáng lập. Điều muốn nói thêm ở đây là Cha Biển Đức Thuận đã đọc được thánh ý của Thiên Chúa thể hiện trên cuộc đời của ngài qua từng giai đoạn, và trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, để rồi dưới tác động của Chúa Thánh Thần, ngài đã lập “Dòng Đức Bà An Nam” tại Phước Sơn – Quảng Trị cho người Việt, trong một nền văn hóa thuần túy chất Việt, với trí hướng và mục đích giúp các tu sĩ nên thánh và cứu rỗi các linh hồn lương dân bằng chính đời sống cầu nguyện và hy sinh, như được minh định trong bản Hiến Pháp đầu tiên do chính ngài soạn thảo[8]. Bản Hiến Pháp hiện hành cũng tái minh định điều đó[9].
Quả thật, các vị sáng lập là những người có một kinh nghiệm đặc biệt về Thánh Thần; chính những kinh nghiệm đó đã dẫn đưa các ngài tới một sự hiểu biết mới về mầu nhiệm của Đức Kitô, của Tin Mừng, của đời sống Kitô giáo, và các ngài đã diễn tả điều đó bằng một đời sống phục vụ Giáo Hội và xã hội như một sự đáp trả lại các dấu chỉ của thời đại. Những nội dung của kinh nghiệm về Thánh Thần tạo thành đặc sủng mà ngôn ngữ trong các văn kiện của Tòa Thánh hậu Công đồng Vaticano II thường quen gọi là “đặc sủng của đấng sáng lập”.
Đến đây, chúng ta có thể ghi nhận rằng, Công đồng Vaticano II chưa áp dụng hạn từ “charisma” (đặc sủng) vào trong lãnh vực của đời sống thánh hiến. Văn kiện đầu tiên của Toà Thánh hậu Công đồng dùng hạn từ đặc sủng liên quan đến đời tu là Tông huấn Evangelica testificatio (Chứng tá Tin Mừng), của Đức Phaolô VI.[10] Tiếp theo là Văn kiện Mutunae relationes (Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội), giải thích đăc sủng cách rõ ràng hơn và đã định nghĩa “Đặc sủng của các đấng sáng lập” như một “kinh nghiệm về Thánh Thần”, được truyền lại cho các môn đệ của mình để họ sống, bảo vệ, đào sâu, và không ngừng phát triển đồng nhịp với Thân Thể của Đức Kitô đang lớn lên mãi mãi”[11]. Về sau các tài liệu của Thượng Hội Đồng Giám Mục 1994 (số 42), và Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống Thánh hiến) của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (15-36) tiếp tục triển khai về đặc sủng đời tu và đặc sủng của đấng sáng lập.
II.Một vài định hướng căn bản của Công đồng Vaticano II về đặc sủng của đấng sáng lập
1.Trở về với nguồn linh ứng và tinh thần nguyên khởi của đấng sáng lập
Trở về với nguồn linh ứng nguyên khởi và lưu tâm đến các thời đại tạo nên hai cực chính yếu của sự canh tân được Công đồng khởi xướng. Ngay trong số 2 của Sắc lệnh Perfecte caritatis, các nghị phụ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trở về nguồn, hầu có thể canh tân thích nghi Hội Dòng với những hoàn cảnh thay đổi qua các thời đại. Đây được xem là một tính chất độc đáo khi Công đồng nhấn mạnh đến tính cần thiết của sự canh tân được đặt trong sự liên kết với những nhu cầu đòi hỏi qua các thời đại. Ở đây, Công đồng đề nghị một cuộc canh tân như một sự tái khám phá ơn linh ứng, ý hướng và tinh thần của đấng sáng lập.[12] Vì thế, trở về nguồn ở đây không phải là một sự trở về với quá khứ để luyến tiếc; Công đồng cũng không đề xuất sự trở về nguồn như một cuộc khảo cổ để khai quật quá khứ theo đúng nguyên trạng của nó, nhưng là tìm kiếm nguồn cảm hứng và kín múc nhựa sống của nguồn đặc sủng để cung cấp cho thân cây của tu hội hầu sinh thêm nhiều hoa thơm trái ngọt cho Giáo Hội và thế giới. Mỗi gia đình tu trì được mời gọi tìm lại căn tính riêng của mình khi rút ra từ quá khứ, để sống lại căn tính bằng cách thức sáng tạo và lưu tâm đến những dấu chỉ của thời hiện tại[13].
Nếu nhìn lại dòng lịch sử đời tu, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, trong các tu hội thường có hai trường phái “đối lập”: bảo thủ và cấp tiến. Điểm tựa của những lập trường bảo thủ là nhân danh sự trung thành với cội nguồn và truyền thống; ngược lại, canh tân, thích nghi với thời đại lại là bảo bối của nhóm cấp tiến. Nếu dựa vào định hướng của Công đồng chúng ta có thể nhận ra rằng, giữa “bảo thủ” và “cấp tiến” có thể sống chung với nhau và cần có nhau. Vì một mặt, sự từ chối canh tân và thay đổi nhân danh trung thành với đặc sủng của đấng sáng lập, là một dấu chỉ hiển nhiên đang thiếu sự lắng nghe và lưu tâm đến lời mời gọi và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Mở ra với thế giới, để đi đến gặp gỡ những người có nhu cầu là nền tảng cho sự linh động của các tu hội, mà không có nó thì nhất định sẽ rơi vào nguy cơ chỉ nghĩ đến sự sống còn của tu hội, và như thế đời sống của tu hội trở nên cằn cỗi và ao tù; mặt khác, nhân danh canh tân để đổi mới mà thiếu sự trung thành với tinh thần của đấng sáng lập, thì cũng rơi vào nguy cơ đánh mất chính ơn gọi đặc thù của mình. Vì ai không biết về cội nguồn của mình, thì cũng không biết chính mình; và ai chối bỏ nguồn cội của mình thì cũng chối bỏ chính mình. Vì vậy, Công đồng đòi hỏi một sự trở về liên tục với các nguồn của các hình thức sống đời Kitô hữu và với tinh thần nguyên khởi của các tu hội cũng như sự thích nghi của chính các tu hội với những hoàn cảnh biến đổi của các thời đại (x. PC, số 2).
2.Trung thành và thích nghi
Hai yếu tố căn bản mà Công đồng mong muốn cho sự canh tân là trung thành với cội nguồn và thích nghi với những hoàn cảnh đổi thay qua các thời đại. Bởi vậy, trung thành và thích nghi là hai khía cạnh của một thực tại duy nhất. Hai khía cạnh đó cần được hòa hợp và bổ túc cho nhau để tạo nên một bức tranh hài hòa và sống động. Nếu đúng là không có một sự canh tân đúng nghĩa khi thiếu đi sự trung thành, thì cũng đúng là không có một sự trung thành đúng nghĩa, khi không có sự canh tân. Khi một đời sống mà không còn tự đổi mới nữa, thì sự lụi tàn xảy đến là điều tất yếu. Vì thế, sự trung thành mà Công đồng mong muốn là một sự trung thành năng động, sáng tạo, một sự rộng mở cho sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần ngang qua những sự kiện của Giáo Hội và qua các dấu chỉ của các thời đại. Như vậy, một mặt Công đồng muốn các thành viên làm gia tăng tinh thần của tu hội mình, và mặt khác đòi hỏi mỗi tu hội trung thành bảo vệ gia sản riêng của mình (x. PC 2b). Và để đảm bảo cho sự thích nghi với thời đại, Công đồng nêu lên hai tiêu chuẩn nền tảng: tham gia vào đời sống của Giáo Hội, và nhận biết những nhu cầu của Giáo Hội và thế giới (x. PC 2c-d). Ở đây, Công đồng muốn lưu tâm đến một sự cần nhận biết về các hiện trạng của con người qua mọi thời đại và những nhu cầu của Giáo Hội, để có thể thích nghi, dưới ánh sáng đức tin và sự phân định.
Xin cũng thêm rằng, Văn kiện ‘Tu sĩ và việc thăng tiến con người’ của Bộ Tu sĩ, khi nói về sự trung thành mà người tu sĩ phải vun trồng, cùng với sự trung thành với Tin Mừng, với Giáo Hội, với sự mệnh và với đặc sủng riêng, thì trước hết văn kiện đã nhắc nhớ đến sự trung thành với con người và với thời đại chúng ta (các số 14-16). Và Bộ Tu sĩ nhấn mạnh đến một sự “trung thành năng động với những đường hướng mà Chúa Thánh Thần đề ra khi khai sinh các tu hội trong Giáo Hội” (số 8); trung thành với “căn tính đặc thù của tu hội” (số 33), một sự “trung thành khả dĩ mang lại cho cuộc sống hiện tại và sứ vụ của mỗi tu hội lòng dũng cảm mà các đấng sáng lập đã có, khi các ngài để cho các dự phóng nguyên thủy của Chúa Thánh Thần chiếm hữu” (số 30).
Bộ Giáo luật 1983, dù không sử dụng hạn từ “đặc sủng của đấng sáng lập” khi đúc kết các văn kiện của Công đồng và hậu Công đồng, cũng đã viết rằng: “Mọi người phải trung thành duy trì trí hướng và chủ trương của các vị sáng lập liên quan đến bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của tu hội mà nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội đã thừa nhận, cũng như liên quan đến những truyền thống lành mạnh của tu hội, tất cả những điều ấy tạo thành gia sản của tu hội” (đ. 578).
III. Bổn phận của giáo phẩm và thành viên tu hội
1.Bổn phận của các thành viên của tu hội: trung thành năng động với đặc sủng
Tiên vàn chúng ta có thể khẳng định rằng, con đường nên thánh tuyệt hảo của một người tu sĩ là sự trung thành năng động với đặc sủng của đấng sáng lập và của tu hội. Cha Biển Đức Thuận đã từng khuyên bảo các con cái của ngài: “Muốn nên thánh hãy giữ luật dòng”[14]. Luật dòng là cả một kho tàng thiêng thiêng, nơi chất chứa những nét tinh hoa và căn bản nhất của Tin Mừng và đặc sủng của đấng sáng lập. Vì thế, mỗi thành viên, tùy theo vị trí và nhiệm vụ của mình, đều có trách nhiệm góp phần vào sự phát triển đặc sủng của tu hội. Sự góp phần của mỗi người trong sự hợp tác với người khác, tạo nên sự phong phú và sống động cho đặc sủng và giúp hiểu được những nét đặc thù của nó hơn. Đó là lý do tại sao Công đồng Vaticano II mời gọi mỗi tu hội hãy giữ lấy địa vị cao quý của mình trong Nhiệm Thể Chúa Kitô (x. PC 7).
Văn kiện Evangelica testificatio đã xác quyết rằng, sự đóng góp căn bản của các tu sĩ trong Giáo Hội được biểu lộ trước mắt mọi người chứng tá phi thường về địa vị thượng đẳng của tình yêu Thiên Chúa (ET, số 1). Tuy nhiên, khi thực hiện điều đó cũng đòi hỏi nơi họ một sự đóng góp theo tính đặc thù của tu hội, nghĩa là cần phải lưu tâm và định giá đúng về đặc sủng riêng của tu hội. Như Sắc lệnh Perfectae caritatis đã minh định về điểm này: “Chính để mưu ích cho Giáo Hội nên mỗi tu hội có tính cách và phận vụ riêng. Do đó tu hội phải trung thành nhận thức và gìn giữ tinh thần cùng ý hướng đặc biệt của đấng sáng lập, cũng như tất cả mọi truyền thống lành mạnh, vì tất cả những yếu tố đó tạo nên di sản của mỗi tu hội” (số 2). Văn kiện Mutuae relationes triển khai và đào sâu hơn về sự hiện diện của các tu sĩ trong sứ vụ của Giáo Hội. Văn kiện nhắc nhớ rằng: “Mỗi tu hội ra đời cũng là để phục vụ Giáo Hội, để dùng những đặc tính riêng biệt của mình, và tùy theo tinh thần cũng như sứ mệnh đặc thù của mình mà làm cho Giáo Hội được phong phú” (số 14). Nên khi thi hành sứ vụ của mình trong Giáo Hội cũng đòi hỏi nơi các tu sĩ một sự trung thành linh động với những ý hướng, bởi đó mà Chúa Thánh Thần đã làm phát sinh các tu hội trong Giáo Hội. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho chúng ta biết rằng: “Bí quyết để hiện thực hóa điều đó nơi các tu sĩ là sự trung thành của họ với đặc sủng nguyên khởi mà Thiên Chúa đã đặt để nơi các đấng sáng lập”. Vì lý do này, ngài nói tiếp: “Cha xin lặp lại lời của Đức Phaolô VI, là ‘Các con hãy trung thành với tinh thần của các đấng sáng lập của các con, với những ý hướng Phúc Âm và gương thánh thiện của các ngài. Chính ở đây mà nguồn năng động riêng của mỗi tu hội được tìm thấy’” (ET, số 11-12). Sự trung thành này là một chuẩn mực vững chắc để lượng định đâu là hoạt động mang chiều kích Giáo Hội mà tu hội, và mỗi thành viên cần bắt đầu để góp phần vào sứ vụ của Đức Kitô[15]. “Trong một thời kỳ mà văn hóa phát triển và Giáo Hội canh tân, mỗi tu hội cần phải giữ gìn hết sức kỹ căn tính của mình, hầu khỏi rơi vào một tình trạng không xác định rõ ràng, khiến người tu sĩ tham gia vào đời sống Giáo Hội một cách mơ hồ và lưỡng nghĩa mà không để ý đủ đến đặc tính riêng biệt của mình” (MR, số 11). Trong Tông huấn Đời sống thánh hiến, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II căn dặn các Hội Dòng phải trung thành với những đặc sủng này, và sau đó, trung thành với gia sản thiêng liêng được tạo lập nên trong mỗi Hội Dòng. Họ phải duy trì tất cả những điều đó trong các cộng đoàn nhờ đó mà được lập nên. Đặc sủng phải xây dựng nguyên tắc sống của mỗi Hội Dòng tại bất cứ thời điểm nào (x. VC 36, 37).
Tóm lại, theo Công đồng, tinh thần và ý hướng của đấng sáng lập trước hết phải được các tu sĩ và toàn thể tu hội, nhất là các bề trên bảo vệ cách trung thành – năng động, tiếp đến là giáo phẩm (x. PC 2, 4; MR 13).
2.Bổn phận của giáo phẩm: nhìn nhận và làm tăng tiến đặc sủng của đấng sáng lập
Theo G. Ghirlanda, nếu bổn phận của các tu sĩ là trung thành với đặc sủng của đấng sáng lập, thì đặc biệt các chủ chăn của Giáo Hội cũng cần liệu sao để đặc sủng được duy trì trong sự toàn vẹn của nó mà vẫn tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần[16]. Thật ra chính Giáo huấn của Công đồng đã khẳng định rằng: “Chính để mưu ích cho Giáo Hội nên tu hội có tính cách và phận vụ riêng” (PC 2b).
Thiết nghĩ cũng nên nhắc nhớ lại ở đây rằng, hơn một năm trước khi ban hành Sắc lệnh Perfectae caritatis, một văn kiện khác của Công đồng là Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, đã nói về các loại ơn gọi riêng và căn tính riêng của mỗi tu hội, và nhìn nhận những khác biệt hợp pháp giữa các tu hội tận hiến, cũng như giáo phẩm có bổn phận bảo vệ, duy trì, nâng đỡ và làm tăng tiến những tính cách đặc thù của mỗi hình thức ơn gọi tu trì, đồng thời ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần khi đón nhận và chuẩn y các luật dòng của các đấng sáng lập. Với quyền hành của mình, giáo phẩm luôn có mặt để săn sóc và bảo trợ những dòng tu được thiết lập khắp nơi nhằm xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, để các dòng tu ấy phát triển và sinh hoa kết quả theo tinh thần các đấng sáng lập (x. LG, số 44-45). Bộ Giáo luật 1983 cũng khẳng định rằng: “Nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội… liệu sao cho các tu hội tăng trưởng và phát triển theo tinh thần của các vị sáng lập và theo các truyền thống lành mạnh” (đ. 576), và đồng thời chân nhận rằng: “Mỗi tu hội được thừa nhận có quyền tự trị chính đáng trong sinh hoạt, nhất là trong việc lãnh đạo, nhờ đó, tu hội có một kỷ luật riêng trong Giáo Hội và có thể bảo toàn nguyên vẹn gia sản của mình” (GL. đ. 586).
Tất cả những điều này nói lên cách rõ ràng rằng các mục tử được mời gọi nhìn nhận, tôn trọng, đón nhận và làm tăng trưởng căn tính đặc thù về đặc sủng của đấng sáng lập và tu hội.
Thay Lời Kết
Tìm hiểu về đặc sủng của đấng sáng lập dưới ánh sáng của Công đồng Vaticano II quả thật là cơ hội và động lực giúp chúng ta khám phá các ân huệ cao cả của Chúa Thánh Thần, cũng như nhận ra vị thế và sứ vụ của mình trong Giáo Hội. Từ đó, chúng ta biết sống tâm tình cảm tạ, khiêm tốn và nhiệt thành hiến dâng, vì ý thức rằng đặc sủng mà chúng ta được thừa hưởng từ đấng sáng lập, là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa trao ban trong Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta đủ sức thi hành sứ vụ lớn lao là phục vụ và xây dựng nhiệm thể của Chúa Kitô. Nhưng chúng ta không thể tìm thấy nó cách tự động qua tư duy, vì đặc sủng không phải như một công thức vật lý hay toán học. Chúng ta cũng không thể duy trì nó bằng những tập quán, thói quen…nhưng chỉ có thể kéo dài sự hiện diện sống động của nó bằng sự trung thành năng động và sáng tạo, một sự trung thành được bám sâu vào nguồn gốc của nó, và đồng thời luôn mở ra đối với các hoàn cảnh mới của Giáo Hội và xã hội. Bởi vậy, sự trung thành với hành trình hướng về với ơn linh ứng nguyên khởi không bao giờ được bảo đảm từ hình thức bên ngoài, nhưng hành trình đó phải được thẩm tra một cách đều đặn từ bên trong, nghĩa là chúng ta phải biến “kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần” của đấng sáng lập thành kinh nghiệm riêng, để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng “truyền lại” cho các thế hệ mai sau để họ “sống, gìn giữ, đào sâu và không ngừng phát triển đồng nhịp với thân thể của Đức Kitô đang lớn lên mãi mãi”. Vì thế, suốt dòng lịch sử các tu sĩ phải cảm nghiệm được chân lý và sự phong phú của đặc sủng, vì Chúa Thánh Thần luôn đồng hành bằng ân huệ của Ngài theo thời gian. Đặc sủng của hôm qua cũng là đặc sủng của hôm nay: đặc sủng luôn sẵn sàng với mọi khoảnh khắc của lịch sử để biểu lộ những sự hòa hợp mới trong khi đụng chạm với những sự kiện, trong sự gặp gỡ với những nền văn hóa mới, qua kinh nghiệm thiêng liêng của mỗi người. Tính tiềm năng của nó không bao giờ cạn, và cũng chẳng bao giờ hao mòn. Cho nên sự giống nhau giữa quá khứ và hiện tại phải là một sự giống nhau năng động và không phải là hình thức khô cứng. Trong một thế giới luôn phát triển, điều kiện của sự trung thành với nguồn linh ứng nguyên khởi hệ tại ở chỗ đọc ra được ý định của Thiên Chúa qua những hoàn cảnh và các dấu chỉ của thời đại, để nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, tu hội luôn có thể thích nghi với thời cuộc. Đó chính là sự ước mong của Công đồng nơi các tu sĩ và mỗi tu hội.
Thực ra, trước Công đồng Vaticano II gần nửa thế kỷ, và cách đây đúng một thế kỷ, Cha Biển Đức Thuận đã là một trong những “người tiên phong” trong lãnh vực hội nhập và thích nghi. Sự thích nghi của cha, như chúng ta được học hỏi, được thể hiện qua các bút tích, nhất là qua cách sống. Lối sống đan tu của cha vừa thật gần với não trạng, văn hóa và con người Việt Nam, vừa chìm sâu vào tinh thần nguyên thủy của các Đấng Tổ Phụ Xitô. Đó là một sự trung thành – thích nghi năng động, mà gần nửa thế kỷ sau, nghĩa là cho đến Công đồng Vaticano II, Giáo Hội mới thực sự quan tâm và nhấn mạnh. Đây là niềm vinh hạnh cho chúng ta, nhưng đồng thời đó cũng là lời mời gọi và sự thôi thúc chúng ta noi gương ngài luôn biết “trở về với cội nguồn” để tái khám phá và kín múc nhựa sống trong nguồn suối đặc sủng nơi các Đấng Tổ Phụ. Điều này thật quan trọng và cấp thiết, thậm chí là vấn đề sống còn của cả Hội Dòng. Vì Hội Dòng Xitô Thánh Gia còn lại gì, nếu chúng ta “bỏ quên” hay “đánh rơi” hoặc “xa rời” với đặc sủng của đấng sáng lập? Những gì còn lại có chăng là những cơ sở vật chất, bộ máy cơ cấu cồng kềnh với những con số thống kê “khủng” về các thành viên của Hội Dòng?
Xin đừng lạm dụng hay lãng phí các “ân huệ đặc biệt” của Thiên Chúa. Trái lại, chúng ta được mời gọi để cộng tác với các ân huệ ấy hầu “đạt đến sự trọn lành và tham gia vào việc cứu rỗi các linh hồn”, như trí hướng và mục đích của đấng sáng lập của Hội Dòng nhắm tới.
[1] Đặc sủng, còn được gọi là đoàn sủng. Tuỳ vào khía cạnh nhắm tới mà gọi tên khác nhau. Khi nói “đặc sủng”, thường nhắm đến cá nhân, hiểu là ân huệ của Chúa Thánh Thần ban cho một ai đó, mà những người khác không có hoặc có ở mức độ thấp hơn. Khi nói “đoàn sủng”, thường nhắm đến khía cạnh cộng đoàn, bởi lẽ, ân huệ Thánh Thần ban cho cá nhân không phải để làm phong phú cuộc sống của riêng người đó mà thôi, nhưng mục đích là xây dựng và củng cố cộng đoàn Hội Thánh mà cá nhân thuộc về.
[2] Wambacq, Le mot “charisma”, in “Nouvelle Revue Theologique”, 97 (1975), tt. 345-355 (được dịch sang tiếng Ý in “Vita Consacrata”, 13 (1977), tt. 615-624).
[3] A. Vanhoye, I carismi nella comunità di Corinto, in AA.VV., Carisma e istituzione, cit. tr. 11-14.
[4] P.R. Regamey, Carismi, in Dizionario degli Istituti di Perfezione, 2 (1975), coll. 299-315.
[5] Cf. B. Olivier, Il carisma della vita religiosa nel Concilio e nei documenti posto-conciliari, in AA.VV., IL carisma della vita religiosa dono dello Spirito alla Chiesa per il mondo, cit., tr. 25-40.
[6] ET 2; G. Rocca, Il carisma del fondatore, Milano 1998, tr. 57.
[7] Velasio De Paolis, La vita consacrata nella Chiesa, Marcianum Press, Venezia 2010, tr. 212.
[8] 1/ “Finis proprius hujus religionis est:
1o/ Vitae contemplativae et poenitentiae beneficia offerre animabusque ad perfectionem in hoc statu a Deo vocatae sunt.
2o/ Efformare coetum religiosorum qui oratione et poenitentia sese impendant saluti infidelium”.
[9] “Mục đích đặc thù của Hội Dòng là:
1/ Cung cấp cho các linh hồn được Chúa mời gọi sống đời chiêm niệm, những phương thế thích hợp để đạt tới đức ái hoàn hảo.
2/ Phục vụ Giáo Hội bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh, tham gia việc cứu các linh hồn chưa nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa”, HP, số 2.
[10] ET, số 11
[11] MR, số 11.
[12] x. PC 2b.
[13] x. F. Ciardi, Note sulla dottrina dei religiosi nei documenti post-conciliari, in “Claterianum”, 26 (1986), tt. 293-311.
[14] Dn. Số 137; 150.
[15] 4 ottobre 1979, in Insegnamenti di Giovanni Paolo II, (1979), 621-622.
[16] x. G. Ghirlanda, Carisma di un istituto e sua tutela, in “Vita Consacrata”, 28 (1992), tt. 465-477. 554-562; Velasio De Paolis, La vita consacrata nella Chiesa, tr. 211.
THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN
Bài giảng Lễ khai mạc Năm Thánh, kỷ niệm Bách Chu Niên Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận lập dòng, tại Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn – Lễ Đức Mẹ Hồn xác lên trời 15.8.2018.
Bài này đã được đăng trên trang mạng của Hội Dòng Xitô Thánh Gia
https:// www.hoidongxitothanhgia.com
Đăng ngày 15 thánh 08 năm 2017
Anh chị em thân mến!
Chúng ta thường tuyên xưng: “Tất cả là hồng ân”, để diễn tả rằng mọi sự xảy ra đều là hồng ân tình yêu của Chúa. Nếu như vậy, mọi biến cố đều là hồng ân, và mọi thời điểm đều là thời điểm hồng ân, ngay cả những biến cố đau buồn nhất, những nẻo đường tăm tối nhất.
Dầu vậy, có những thời điểm mang nhiều ý nghĩa hơn những thời điểm khác, có những biến cố lịch sử mang đậm dấu ấn hơn vì có tầm ảnh hưởng đến vận mạng của nhiều người và trở thành một định hướng cho cuộc sống của họ.
Hôm nay, Hội Dòng Xitô Thánh Gia long trọng khai mạc Năm Thánh mừng Bách Chu Niên ngày Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận lập dòng, ngày 15 tháng 08 năm 1918. Đây là THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN, vì đánh dấu một quãng đường dài một trăm năm của đan viện đầu tiên ngài thành lập mang tên Đức Bà An Nam trên núi Phước Sơn và là chiếc nôi của Hội Dòng Xitô Thánh Gia chúng ta.
Các bài đọc Kinh Thánh gợi nên ba khía cạnh của thời điểm hồng ân: trước hết là thời điểm quặn đau sinh hạ, tiếp đến là thời điểm của cuộc sống mới, và cuối cùng là thời điểm của niềm tri ân cảm tạ.
1.Thời điểm hồng ân của quặn đau sinh hạ
Trong bài đọc thứ nhất, trích sách Khải Huyền, thánh Gioan Tông Đồ đã trình thuật lại sự kiện một người nữ có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Bà đã sinh được một người con trai. Thị kiến trên như cho chúng ta nhìn thấy niềm hy vọng của một người mẹ cưu mang một bào thai và cả nỗi đau khi bà sinh hạ người con trai. Ở tầng sâu hơn, đó là mối tình mạnh mẽ hơn sự chết mà bà dành cho người con của bà.
Thánh Gioan cũng trình thuật một thị kiến đồng thời: xuất hiện con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Nó hung tợn và đứng chực sẵn trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Thị kiến này cho phép chúng ta tưởng tượng cảnh kinh hoàng đang đe doạ tình cảnh hai mẹ con. Nguy hiểm luôn là điều đi theo niềm hy vọng. Sự ác như đồng hành để cản lối tình yêu.
Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trích đoạn sách Khải Huyền trong dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, để giúp chúng ta cảm thấm nỗi đau của Giáo Hội – cũng như nỗi đau của Mẹ Maria – trong việc sinh hạ những người con cho Thiên Chúa, để kinh nghiệm rằng niềm hạnh phúc của trời cao luôn phải trả bằng cái giá của hy sinh và khổ đau.
Trong ý nghĩa đó, là thành viên của Hội Dòng Xitô Thánh Gia, mỗi chúng ta hiểu thế nào là thời điểm hồng ân của quặn đau sinh hạ và sống sự sinh hạ trong quặn đau như thế nào?
Khi mừng Bách Chu Niên ngày Cha Tổ Phụ lập dòng vào ngày 15 tháng 08 năm 1918, ngày cha đã dâng thánh lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời để khai mạc một nếp sống mới, đó là đời sống đan tu. Phải chăng việc cưu mang và sinh hạ này là dễ dàng, không khổ đau?
Như chúng ta đã biết, Cha Tổ Phụ đã phải chờ đợi chín năm trường để có thể được phép Đức cha Allys (Lý) cho đi lập dòng và sống đời đan tu. Cha cưu mang chín năm trường: một thời gian dài. Trong thời gian chờ đợi đó, cha luôn khao khát thời điểm hồng ân mau đến. Ngài viết thư cho đức cha vào năm 1917:
“Thưa Đức cha, khi ông bố đuổi đứa con ra khỏi cửa này, thì nó chỉ có một việc là quay trở vào bằng cửa khác. Từ ngày con trở về đây (Tiểu chủng viện An Ninh), con luôn nghĩ tới mảnh đất mà con có thể đến ở, nếu Đức cha cho phép… Đáng lẽ con phải trình bày với Đức cha về các đan sĩ của con. Con tự trách mình là đã không trình bày, nên hôm nay con bạo dạn kính đến Đức cha đôi dòng này để thưa với Đức cha là con liên tục nghĩ tới việc thành lập dòng, và lúc này hơn bao giờ hết… Xin Đức cha miễn thứ cho con, vì con đã thường xuyên khẩn khoản nài xin Đức cha như thế, qua bao nhiêu thư từ và cầu xin từ tám năm nay! Con nghĩ đến người bạn quấy rầy trong Phúc Âm quyết xin cho bằng được chiếc bánh, con cũng liều lĩnh như thế và dám hy vọng cũng đạt kết quả như thế”.
Chúng ta hỏi tại sao Cha Tổ Phụ lại khao khát sống đời đan tu như vậy? Nơi đây, chúng ta đụng chạm đến một huyền nhiệm ơn gọi và cuộc sống của Cha Tổ Phụ. Có thể có nhiều cách lý giải, nhưng đó chỉ là những giải thích bên ngoài không sao chạm đến được vùng sâu thẳm của tâm hồn ngài. Nỗi khao khát khôn nguôi của ngài diễn tả niềm hy vọng chất chứa trong trái tim ngài: hy vọng một sự hạ sinh con người mới, cuộc sống mới, nếp sống mới. Điều ngài cưu mang có một giá trị tuyệt vời, vì thế mà ngài kiên trì. Nhưng để có thể hiện thực giấc mơ này, ngài đã phải chiến đấu gay go, chắc chắn với chính bản thân để vượt qua những chướng ngại. Nhiều người nghi ngờ công việc ngài đang âm thầm thực hiện và ngay khi bắt đầu hiện thực, nhiều ánh mắt quan ngại vẫn theo dõi ngài. Ngài đau khổ chiến đấu với người khác. Ngài còn như thể chiến đấu với chính Thiên Chúa, vật nhau với Thiên Chúa, như Tổ Phụ Giacóp đã đánh vật với Thiên Chúa suốt đêm khi ông ở một mình. Cha Tổ Phụ không bao giờ đặt lại vấn đề con đường đã chọn và định hướng cuộc đời; nhưng ngài đã phải khổ đau để điều cưu mang được hiện thực. Chúng ta có thể nói ngài đã quặn đau sinh hạ cuộc sống đan tu, đã quặn đau sinh hạ đan viện đầu tiên dành cho những người Việt Nam muốn hiến thân trong cuộc đời chiêm niệm. Chính nỗi quặn đau đó nơi Cha Tổ Phụ – và những nỗi quặn đau khác mà chúng ta không thể hiểu thấu được – lại là diễn tả đẹp nhất của tình yêu ngài dành cho đứa con mới được hạ sinh này. Và những nỗi đau đó đã giúp ngài vượt thắng tất cả trong tương lai, khi bất cứ chướng ngại nào cản lối, ngay cả mưu mô của ma quỉ như ngài viết trong thư: “Xem ra ma quỉ nó không thích chúng con cho lắm!” Chính nỗi quặn đau sinh hạ Dòng “Đức Bà An Nam” trên Núi Phước luôn là THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN. Và nếu là hồng ân, thì đó cũng là NIỀM VUI, HẠNH PHÚC. Nỗi quặn đau đã biến thành niềm vui.
Anh chị em thân mến!
Nếu nói quặn đau sinh hạ là thời điểm hồng ân đối với Cha Tổ Phụ và cho cả các thế hệ cha anh tiếp bước ngài, thì đối với chúng ta khi kỷ niệm Bách Chu Niên ngày cha lập dòng, chúng ta có cảm thấm nỗi quặn đau khi chính chúng ta đang sống trong thời điểm hồng ân này? Và làm sao để nỗi quặn đau như là hồng ân?
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16,21). Có thể nói, chúng ta đã sinh hạ chính mình trong ơn gọi đan tu này, trong lòng Hội Dòng Xitô Thánh Gia, để trở thành một con người mới với nếp sống mới. Những gian nan là đương nhiên, nhưng chúng ta có nghiệm thấy niềm vui dạt dào của đời sống này, có cảm nghiệm hạnh phúc của người được sống trong đan viện, trong Nhà Chúa? Và đâu là điều chúng ta trao cho nhau trong thời điểm hồng ân này? Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Galát, đã viết: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em” (Gl 4,19). Như vậy, cùng sống thời điểm hồng ân này, chúng ta cùng quặn đau để cưu mang và hạ sinh nhau để Đức Kitô thành hình nơi mỗi chúng ta. Nỗi quặn đau thành niềm vui và hạnh phúc. Phải chịu khó và vui mới bền đổ trong nhà dòng này, như Cha Tổ Phụ nhắc đi nhắc lại.
2.Thời điểm hồng ân của cuộc sống mới
Trong bài đọc thứ hai, trích thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrinthô, Thánh Phaolô đề cập đến sự phục sinh cho một cuộc sống mới, nơi đó Đức Kitô phải nắm vương quyền; nghĩa là Chúa Kitô là nơi qui tụ mọi sự, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô.
Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trích đoạn lá thư này trong ngày lễ Đức Mẹ Hồn xác lên trời để nhấn mạnh rằng sự sống lại cần thiết để hưởng vinh quang trên trời, và vinh quang đó là sống với Chúa Kitô. Mẹ Maria được rước lên trời như là kết quả của chính việc Chúa Kitô được vinh quang và nắm vương quyền; để nơi đâu có Chúa Kitô, nơi đó cũng có Mẹ Maria.
Thánh Phaolô cũng đã quả quyết là chúng ta đã được sống lại với Đức Kitô rồi (Cl 3,1), và vì thế hãy sống một đời sống mới.
Khi chúng ta kỷ niệm Bách Chu Niên ngày Cha Tổ Phụ lập dòng, chúng ta được mời gọi có một nhãn quan mới về cuộc sống. Trước hết, ánh nhìn mới về quê hương, đồng bào. Đức cha Allys (Lý), Giám mục Tông toà Huế, khi viết thư đệ trình Hồng y Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo; trong thỉnh nguyện thư này, Đức Giám mục Tông toà Huế cung cấp tất cả những dữ liệu liên quan đến nhà dòng sẽ được thành lập và ngài kết luận:
“Phải chăng người Việt Nam không được quyền ưu đãi nên đành chịu thiệt thòi là không được phúc sống đời đan tu như người Hoa, người Nhật? Thiết tưởng không! Vậy tôi dám mong ngài chiếu tình cho người Việt Nam cũng được thông công hạnh phúc của đời đan tu. Tôi dám hy vọng rằng cây non do vị linh mục thừa sai này khởi trồng, nhờ sương sa mát mẻ của Dòng Trappe hay dòng nào khác, sau này sẽ trở thành cây đại thọ xanh tốt, ai nào biết được…”
Chúng ta cũng biết rằng chính Cha Tổ Phụ, trước khi lập dòng, đã vâng lời Đức cha viết thư cho các bề trên các dòng đan tu ở Âu Châu để đến thành lập một đan viện tại Việt Nam, và ngài đã luôn nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không thể lập dòng ở Đông Dương, khí hậu ở đấy không cho phép tuân giữ trọn vẹn luật Dòng chúng tôi”. Việc từ chối này còn dựa trên nhiều lý lẽ khác như: “Đan viện chúng tôi đang thiếu nhân sự; còn nếu tuyển sinh tại chỗ, liệu có thể tin tưởng vào những người Việt Nam bé nhỏ, bề ngoài có vẻ mảnh khảnh, thể chất ốm yếu, tâm thức không mấy kiên trì? Liệu họ có thích hợp với một tu luật không thể thay đổi chăng, và việc tuân giữ chay tịnh, thức khuya dậy sớm, lao động khổ cực, mà thường thì không thể nào miễn trừ điều gì…”
Nhận định của các Bề trên Âu Châu không chính xác, vì họ đã không có cơ may tiếp xúc, tiếp cận để hiểu rõ con người Việt Nam như Cha Tổ Phụ. Bao nhiêu năm sống giữa những người Việt Nam, trong môi trường chủng viện, giáo xứ hay qua cuộc sống thường nhật, Cha Tổ Phụ đã khám phá phẩm chất con người Việt Nam và nhận định rằng dân tộc này không những có khả năng mà còn sống phong phú ơn gọi đan tu. Chính vì thế mà ngài khao khát lập dòng đan tu, chuyên về chiêm niệm cho người Việt Nam. Ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng 08 năm 1918 là cột mốc quan trọng cho Giáo Hội Việt Nam và dân tộc Việt Nam, vì là ngày khai mạc đời sống đan tu Xitô, để những người Việt Nam được hưởng hồng ân đời chiêm niệm, một cuộc sống ẩn kín nhưng phong nhiêu.
Nếu chúng ta nói ngày khai mạc đời đan tu trên Núi Phước với việc thành lập Dòng Đức Bà An Nam vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng 08 năm 1918 là một thời điểm quan trọng cho dân tộc Việt Nam, theo ý nghĩa chúng ta vừa nói trên, điều đó dẫn chúng ta đến một nhãn quan, một ánh nhìn tích cực về dân tộc mình, về quê hương đất nước mình. Nơi đây, không phải là thể chế chính trị hay các chiến lược kinh tế, mà là những con người, những con người có khả năng sống một đời đan tu chiêm niệm phong phú. Đây là ánh nhìn của chiều sâu, của chiêm niệm, của việc đi vào chính hồn sống của dân tộc. Và điều đó cũng mời gọi chúng ta định hướng cho việc đóng góp của chúng ta cho quê hương mình. Đâu là phần đóng góp giá trị và cụ thể của đời đan tu Xitô Thánh Gia? Đâu là mối tương tác giữa hồn sống dân tộc và linh đạo Xitô Thánh Gia?
Thiết tưởng bằng cách chúng ta sống đúng phẩm chất con người mới trong Chúa Kitô, và con người mới đó, không gì khác hơn là điều Cha Tổ Phụ hằng mong ước, đó là trở nên những đan sĩ thật, đan sĩ thánh. Chỉ khi ấy chúng ta mới hoạ lại trong chính mình hình ảnh của Chúa Kitô, như Cha Tổ Phụ diễn tả, để họ nhìn thấy chúng ta là Giêsu, Giêsu thay thảy. Chính qua con đường này mà chúng ta đóng góp phần độc đáo của mình cho quê hương Việt Nam, quê hương mà Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận hằng yêu mến tha thiết và muốn mang lại cho dân tộc Việt Nam điều cao quí nhất, đó là đời sống đan tu chiêm niệm. Là những người Việt Nam đang thừa hưởng hồng ân cao quí đó, chúng ta cũng phải ước muốn cho nhiều anh chị em đồng bào mình được biết Chúa, phụng sự Chúa, và hưởng nếm niềm hạnh phúc của đời đan tu chiêm niệm.
3.Thời điểm hồng ân của niềm tri ân cảm tạ
Trong ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Giáo Hội mời gọi chúng ta hoà tâm tình và giọng hát với Mẹ trong bài ca cảm tạ Magnificat. Khi còn ở thế, Mẹ đã hát bài ca cảm tạ. khi được rước về trời, Mẹ còn nâng cao giọng hát để cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã làm bao nhiêu việc kỳ diệu và luôn độ trì bao thế hệ của dân Chúa.
Mừng kỷ niệm Bách Chu Niên ngày Cha Tổ Phụ lập dòng vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, chúng ta cũng muốn diễn tả niềm tri ân, hát lên bài ca cảm tạ, và hơn thế nữa, trở thành lời cảm tạ sống động, lời ca ngợi cho vinh quang Thiên Chúa.
Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã làm những điều kỳ diệu nơi các bậc chính nhân, mà đường lối Người không sao hiểu thấu. Chúng ta chỉ được nghe thuật lại những gì đã diễn tiến trong quá khứ, trong thời gian Cha Tổ Phụ bắt tay vào việc thiết lập đan viện đầu tiên; nhưng chúng ta không thể hiểu biết những gì xảy ra trong sâu thẳm tâm hồn ngài và các môn sinh của thế hệ thứ nhất, thế hệ được chung sống với ngài. Chúng ta đứng trước huyền nhiệm sức mạnh của ơn thánh, chính nhờ đó mà hạt giống chiêm niệm được gieo trên miền Núi Phước nay trở thành một cây đại thụ xanh tươi, đầy hoa trái. Lòng tri ân của chúng ta dâng lên Chúa phải được diễn tả một cách cụ thể qua đời sống thánh thiện, đạo đức, để mỗi chúng ta trở thành lời tri ân cảm tạ sống động. Đâu là điều mà Cha Tổ Phụ tri ân Chúa? Cha nhắc cho chúng ta điều cha đã sống, đó là cám ơn Chúa đã gọi chúng ta vào dòng. Ngài cảnh tỉnh rằng lúc mới vào đời tu, còn nhớ, sống lâu rồi, quên mất. Và sự biết ơn đó được diễn tả bằng sự say mê Chúa, hằng sống kết hiệp với Chúa, chuyện vãn với Chúa. Đây cũng là cách diễn tả đẹp nhất tâm tình cảm tạ của chúng ta với Chúa, đặc biệt khi cử hành Năm Thánh mừng Bách Chu Niên ngày Cha Tổ Phụ lập dòng.
Trước khi ra đi lập dòng, Cha Tổ Phụ đã đến Thánh địa La Vang để trao phó cho Mẹ công cuộc quan trọng này. Thánh lễ đầu tiên cha dâng trên Núi Phước vào ngày 5 tháng 8, lễ Đức Mẹ xuống tuyết; cha đã chọn ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời để dâng thánh lễ khai mạc đời đan tu. Và khi chọn danh hiệu đan viện là “Dòng Đức Bà An Nam”, cha muốn Mẹ Maria và cuộc đời của Mẹ in đậm dấu ấn trong nếp sống đan tu. Chúng ta cảm tạ Mẹ với tất cả tâm tình hiếu thảo. Vậy đâu là lòng tri ân chúng ta có đối với Mẹ Maria? Cha Tổ Phụ khuyên: Đó là noi gương Mẹ luôn có Chúa Giêsu sống với, và sung mãn ơn phúc. Xin Mẹ cho chúng ta được thêm lòng kính mến Chúa.
Cử hành Năm Thánh mừng Bách Chu Niên Cha Tổ Phụ lập dòng, chúng ta muốn tri ân Cha Tổ Phụ cũng như bao cha anh của những thế hệ kế tiếp nhau. Cha Tổ Phụ đã gieo hạt giống chiêm niệm và dầy công chăm sóc với tất cả tình yêu và nhiệt tâm của một con tim bừng cháy tình yêu Chúa và tình thương tha nhân. Thể xác cha đã hao mòn vì đại cuộc này. Cha đã ra đi trong bình an. Bên Chúa, cha luôn phù hộ cho con cái cha được huấn luyện và sống như những đan sĩ thật, đan sĩ thánh. Chúng ta cũng tri ân Cha Bernard Mendiboure và bao cha anh đã góp công sức, tình yêu, sáng kiến, để xây dựng nên một lịch sử của Hội Dòng, mà chúng ta dám nói rằng đó là một lịch sử thánh. Là những người thừa hưởng gia tài cao quí do Cha Tổ Phụ và quí cha anh để lại, chúng ta phải sống trung tín với chính ơn gọi đan tu chiêm niệm, luôn phát huy gia bảo thừa hưởng và sống tốt đẹp nét gia phong trong nếp sống hằng ngày. Lịch sử thánh các ngài đã viết trên những trang dành cho thời đại các ngài; còn chúng ta, cũng hãy can đảm viết lên với chính ngòi bút của Chúa Thánh Thần lịch sử dành cho thời đại chúng ta. Chúng ta hãy là những con người trung thành trong sáng tạo.
Chúng ta cũng không quên tri ân Giáo Hội qua các vị đại diện như các Đức Giáo hoàng, các Tổng phụ Xitô, những đấng có những quyết định quan trọng trong hành trình của Hội Dòng Xitô Thánh Gia chúng ta. Đặc biệt chúng ta tri ân Đức cha Allys (Lý), Giám mục Huế, đã đồng hành với Cha Tổ Phụ trong quá trình thành lập và phát triển dòng Đức Bà An Nam. Tri ân Cụ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài – mà người ta thường gọi một cách thân thương là Cụ Phước Môn – đã hiến dâng tặng đất lập dòng và cùng với bao nhiêu vị ân nhân đạo đời giúp đỡ dòng phát triển. Thiên Chúa ban phát ơn lành của Người qua trung gian nhân loại. Một trăm năm qua là dấu chứng của phước lành đó. Chúng ta ghi khắc với tâm tình tri ân sâu xa. Vậy đâu là cách tri ân sống động dành cho Giáo Hội? Vào thời Cha Tổ Phụ, những hạn từ như đoàn sủng, đặc sủng đấng sáng lập chưa được sử dụng. Nhưng thay vào đó là trí ý, là tinh thần. Lòng biết ơn của chúng ta đối với Giáo Hội là sống căn tính của đời đan tu Xitô Thánh Gia, được Cha Tổ Phụ diễn đạt trong Hiến Pháp và trong cách nói của ngài là “sự kín nhiệm của các thầy dòng contemplativi”, đó là hằng tìm Chúa, chuyện vãn với Chúa, kết hiệp với Chúa. Đó là người khi gặp được Chúa như vậy, hằng khao khát linh hồn người ta, yêu thương anh em mình lắm lắm. Đó là điều Giáo Hội ao ước nơi chúng ta, và cũng là điều chúng ta góp phần xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, xây dựng xã hội, thế giới hôm nay.
Kính thưa anh chị em!
Ngày Cha Tổ Phụ khai mạc đời đan tu chiêm niệm trên Núi Phước vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là một THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN. Và hôm nay chúng ta khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm một trăm năm cũng vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đây cũng là một THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN. Hồng ân Thiên Chúa, hồng ân đời đan tu chiêm niệm, đã và đang nối kết những thời điểm khác nhau của một lịch sử, một lịch sử thánh. Quá khứ đã là hồng ân, và chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng hiện tại là hồng ân, và tương lai cũng là hồng ân. Hồng ân có đó, nhưng chúng ta đã, đang và sẽ sống thời điểm hồng ân như thế nào? Những cử hành rồi sẽ qua đi, nhưng hồn sống còn hiện diện và năng động hóa cuộc sống và nhịp sống. Ước gì mỗi người trong chúng ta và toàn thể Hội Dòng cử hành và sống Năm Thánh này với trái tim say mê Thiên Chúa, đi sâu vào huyền nhiệm hiệp thông, để từ cội nguồn Phước Sơn Quảng Trị – Dòng Đức Bà An Nam – chúng ta được tăng tiến trong lý tưởng đan tu chiêm niệm. Ước chi việc quặn đau trong sinh hạ mang đến cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc của con người mới, để trở thành lời ca ngợi tri ân Thiên Chúa. Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người.
LỚN LÊN THÀNH GIA ĐÌNH
Sống tinh thần
Năm Thánh Hội Dòng XitôThánh Gia
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
“Người con hoang đàng trở về”, đó là tên một bức hoạ nổi tiếng của Rembrandt, nhà hoạ sĩ tài danh người Hà Lan. Đó cũng là tựa một quyển sách của Cha Henri Nouwen, SJ. Ngài đã nhờ bức tranh mà tìm được con đường thiêng liêng để tiến bước. Chúng ta học hỏi kinh nghiệm của ngài, chiêm ngắm bức danh hoạ và tìm con đường cho chúng ta đi trong Năm thánh kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia
I.SUY NIỆM
Dụ ngôn này chủ yếu nói về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Trong bối cảnh năm nay, chúng ta hãy đọc dụ ngôn cũng trong tinh thần sám hối, nhưng dưới góc độ xây dựng gia đình. Để xây dựng gia đình, cần có ba cuộc trở về song song với ba giai đoạn lớn lên theo tiến trình tăng trưởng tâm lý của con người trong gia đình.
1.Lớn lên làm con
Ta hãy chiêm ngắm đứa con hoang đàng trong bức hoạ của hoạ sĩ Rembrandt. Nó thật thê thảm: Đầu thì trọc lóc như ở tù mới ra; áo bạc phếch và rách nát như của người ăn xin hoặc nô lệ; không biết nó đi giầy hay đi dép, nhưng đã mòn vẹt hở cả gót chân và đứt quai rơi cả ra. Trong khi đó người cha và người anh đứng bên phải bức tranh đều mặc áo choàng đỏ, tượng trưng cho sự giàu có tuyệt đỉnh. Người cha và người anh đều có mái tóc dài uốn lượn sóng rất sang trọng quí phái. Điều đó cho ta biết chắc chắn khi xưa nó cũng có mái tóc sang trọng quí phái và chiếc áo đỏ giàu sang. Nhưng nó đã đánh mất tất cả. Tại sao ra nông nỗi này? Vì nó đã bỏ nhà ra đi. Tại sao đang sống trong một gia đình hạnh phúc sung sướng thế mà lại ra đi? Thật dễ hiểu tâm trạng của đứa con hoang đàng nếu ta nhìn vào xã hội hôm nay. Có thể nói đứa con hoang đàng đại diện cho một số giới trẻ của thời đại.
Xã hội hôm nay là một xã hội khuynh hướng thiếu vắng người cha. Trước hết hiểu theo nghĩa có nhiều bà mẹ đơn thân. Việc sống theo trào lưu mới và nhất là với việc ly dị ngày càng gia tăng, rất nhiều đứa con hiện nay chỉ có mẹ mà không có cha.
Hiểu theo một nghĩa khác, có những người con ngày nay không còn tuân phục quyền cha. Xưa kia sống trong xã hội nông nghiệp, người cha luôn làm chủ gia đình. Con cái làm ruộng luôn tuân theo quyền hướng dẫn của người cha. Nhưng ngày nay trong xã hội công nghiệp và công nghệ thông tin, rất nhiều người trẻ không còn sống trong gia đình và không còn có hướng dẫn trực tiếp của người cha. Nhất là dưới thời kinh tế thị trường, giá trị được tính bằng tiền bạc. Người có quyền ăn nói trong gia đình rất nhiều trường hợp không phải là người cha, nhưng là người kiếm được nhiều tiền nhất.
Đặc biệt những trào lưu mới đang chi phối xã hội mạnh mẽ như: tự do, cá nhân, hưởng thụ, thực dụng và tương đối; tất cả xui khiến nhiều người trẻ nổi loạn, không còn tuân phục quyền cha mẹ. Vì vậy, khi bỏ nhà ra đi nó mang những tâm tư đó trong mình.
Khi bỏ nhà ra đi, nó muốn được tự do: không bị cha kiểm soát, không bị anh khống chế, không bị hàng xóm dòm ngó, không bị luật lệ nào chi phối.
Khi bỏ nhà ra đi, nó muốn sống cho riêng mình: không phải lo cho cha mẹ, không phải nghĩ đến anh em hay người làm công. Tự thể hiện mình.
Khi bỏ nhà ra đi, nó muốn hưởng thụ cuộc sống, nó chỉ nghĩ đến bản thân và cho bản thân: sẵn có tiền bạc trong tay, cái gì mà mua chẳng được. Khi bỏ nhà ra đi, nó coi thường mọi giá trị như gia đình, cha mẹ, tình nghĩa.
Nó quyết tâm làm điều nó muốn, nhưng hoá ra chỉ là ảo tưởng. Tưởng là được tất cả hoá ra là mất tất cả. Tìm tự do nhưng trở thành nô lệ. Muốn thể hiện bản thân không ngờ lại đánh mất chính mình. Tìm hưởng thụ không ngờ lại gặp đau khổ, thậm chí còn tủi nhục. Quá thực dụng, nó trở thành nạn nhân của thực dụng, đến nỗi muốn ăn cám heo người ta cũng chẳng cho. Coi thường mọi giá trị chính nó bị mất giá trị trước mặt mọi người. Nhưng có lẽ nó cảm thấy còn có những giá trị không thay đổi đó là gia đình, là liên hệ cha – con. Nên quyết định trở về tìm lại.
Quyết định trở về. Vì từ thân phận tha hương nó cần một mái nhà. Từ thân phận nô lệ nó cần được tự do. Từ thân phận mất hết phẩm giá nó cần tìm lại phẩm giá. Từ chỗ thực dụng nó cần tìm lòng quảng đại. Từ chỗ muốn bỏ cha nay nó cảm thấy cần một người cha. Tất cả những điều nó tỉnh ngộ và thấy cần thiết lúc này, chỉ có thể tìm được trong mái ấm gia đình, trong thân phận làm con. Vì thế nó đã trở về.
Bức hoạ của Rembrandt vẽ đứa con thứ là một người nô lệ: Mặt mũi hốc hác, thân thể gầy guộc. Vì nô lệ làm không đủ ăn, đầu trọc như tù nhân bị giam cầm, quần áo rách rưới, giầy rách và mòn vẹt. Tất cả cho thấy nó đã mất hết phẩm giá của một người con. Đặc biệt mất hết thân phận thiếu gia trong một gia đình giàu có. Từ thân phận nô lệ chìm dưới đáy bùn đen, nó đã đứng lên để trở về. Người cha vô cùng nhân hậu đã ôm nó vào lòng, đã đón nhận. Từ thân phận nô lệ nó được nâng lên làm con, được phục hồi chức cũ.
Tuy nhiên, về nhà lần này nó phải thay đổi. Không thể bé bỏng, cư xử thiếu suy nghĩ và bồng bột như trước nữa. Nó phải lớn lên, phải cư xử chững chạc.
2.Lớn lên làm anh
Người anh trong dụ ngôn chững chạc hơn, không suy nghĩ và hành động bồng bột như đứa em. Đọc hết dụ ngôn, ta thấy người anh cũng có những ước muốn, nhưng anh kín đáo không bày tỏ ra. Anh làm chủ được bản thân. Anh suy nghĩ, tìm thời cơ và cách thế hành động để đạt tới mục đích của mình. Anh hoàn toàn lạnh lùng. Làm gì cũng có suy tính chứ không bồng bột theo cảm tính.
Trong bức tranh của hoạ sĩ Rembrandt ta thấy người anh thật đẹp đẽ: Tướng mạo cao lớn, ăn mặc sang trọng và cử chỉ đĩnh đạc; rõ ra dáng con nhà quý phái. Trong lúc đứa em gục đầu vào lòng cha và người cha ôm chầm lấy đứa em trong một cảnh tượng cảm động như thế, nhưng người anh vẫn bình tĩnh không để lộ cảm xúc. Anh không vồn vã khi thấy đứa em xa vắng lâu ngày trở về. Anh không mủi lòng khi thấy em gầy gò ốm yếu và áo quần rách rưới. Anh cũng chẳng quan tâm đến cha già đang vô cùng xúc động ôm hôn đứa em. Ánh mắt anh mới thật sắc bén. Anh đứng địa vị người ngoài để bình tĩnh quan sát, ngẫm nghĩ và suy tính, rồi mới quyết định hành động.
Trong Tin Mừng thuật lại: “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’”( Lc 15,25-27).
Trong tình huống này người con cả biểu lộ bản lĩnh. Trước hết là khôn ngoan. Anh thấy có bầu khí khác lạ, nhưng không phản ứng ngay. Anh bình tĩnh quan sát và dò hỏi. Ở đây anh biểu lộ quyền uy của con trưởng. Gọi đầy tớ ra tra hỏi cho biết rõ ngọn ngành tình hình nhà cửa trong lúc anh vắng mặt. Rồi mới đưa ra quyết định hành động. Có vẻ anh nắm được người nhà. Trong bức tranh của Rembrandt, anh đứng cùng với mấy người nhà làm thành một thế lực đứng ngoài, quan sát. Dường như họ là người ngoài cuộc. Không tán thành thằng em trở về. Cũng không đồng ý với người cha đón tiếp đứa em. Họ đứng bên lề quan sát, khó chịu, và chờ thời cơ hành động. Hai người có lẽ là quản lý và quản gia có vẻ đứng cùng phe với anh con trưởng, vì cảm phục anh xứng đáng. Và còn hơn nữa anh sẽ là người thừa kế gia tài. Không loại trừ anh biết cách mua chuộc và lấy lòng họ.
Người con thứ thật ngông cuồng rồ dại. Mới lớn chưa có kinh nghiệm. Muốn gì là nói thẳng. Chẳng hạn nó muốn có gia tài, liền nói thẳng với cha xin cha chia gia tài. Đây là điều tối kỵ. Vì như thế là hỗn xược, bất hiếu. Là mong cha chết. Nhưng tuổi trẻ ngông cuồng chẳng biết sợ gì. Chỉ biết làm theo ý riêng. Nó cũng không nghĩ đến anh đang chăm chú quan sát nó. Nó chẳng cần biết anh và những người chung quanh nghĩ gì. Chỉ biết làm theo ý riêng. Có lẽ vì thế mà người nhà có vẻ về phe anh cả và không ưa người con thứ.
Nó cần phải lớn lên để không vấp phải những sai lầm nghiêm trọng. Nó phải học được nhiều điều từ người anh. Nó cũng phải lớn lên làm anh nữa. Phải học nơi người anh: Không phải cứ muốn gì là làm ngay, nhưng phải có thời giờ cân nhắc; không phải cứ bức xúc gì là nói ngay, nhưng phải uốn lưỡi bảy lần; không phải cứ bộc lộ cảm xúc, nhưng phải bình tĩnh quan sát rồi mới hành động. Phải học hỏi người anh đừng ham vui bỏ nhà ra đi. Dù muốn tự do cũng phải nhịn nhục ở nhà. Dù muốn chơi nhưng cũng phải lo công việc nhà cho chu đáo. Dù bất bình với cha cũng phải biết khiêm tốn vâng lời.
Tuy nhiên, người con trưởng mới chỉ đạt tới trưởng thành ở hình thức bề ngoài. Bề ngoài anh sống rất tốt. Anh luôn ở trong nhà, chăm chỉ làm việc. Được tiếng là người con hiếu thảo, luôn phục vụ cha già. Lại là người hiểu biết. Quán xuyến mọi việc trong nhà. Được gia nhân kính nể. Anh cũng có uy tín trong xã hội. Là thiếu gia con của đại gia, nhưng không ham chơi bời hưởng thụ. Trái lại chăm chỉ làm việc, có học vấn, khéo cư xử và được xã hội kính trọng. Tuy nhiên, cuối cùng anh ta cũng lộ nguyên tâm địa là ganh ghét với em và bất bình với cha. Anh cũng lộ ra tham vọng muốn chiếm đoạt tài sản của cha. Anh làm việc cũng với tinh thần nô lệ. Muốn được trả công. Anh không có tâm tình người con. Nếu đứa em nô lệ trong thân xác thì anh nô lệ trong tinh thần. Nếu đứa em biểu lộ sự bất hiếu ra bên ngoài thì đứa anh bất hiếu ngầm trong tâm hồn. Nếu đứa em hoang đàng trong thân xác thì anh hoang đàng trong tâm tư. Nếu đứa em không có tâm tình người con thì đứa anh cũng chẳng yêu mến cha. Nên anh chưa thực sự xây dựng gia đình. Người cha đã phải ra cửa trước đón đứa con út hư hỏng, nay lại phải ra cửa sau đón đứa con cả giận dỗi không vào nhà. Một đứa hư hỏng công khai. Một đứa hư hỏng ngầm. Vì không muốn làm con. Chỉ muốn làm nô lệ. Chính thằng anh cũng cần trở về. Cuộc trở về thứ ba. Phải lớn lên trong tâm hồn.
3.Lớn lên làm cha
Chúng ta hãy chiêm ngắm người cha trong bức tranh của Rembrandt. Ông đã mù và không còn thấy gì nữa. Nhưng ánh sáng trong ông toả ra cho ta hiểu ông nhìn thấy hết mọi sự; ông nhìn bằng trái tim. Nếu ông nhìn bằng mắt thường ông sẽ thấy như chúng ta. Thấy con người với những lỗi lầm của nó. Nhưng ông nhìn bằng trái tim, nên ông chỉ thấy tình thương. Tục ngữ nói đeo kính nào thì nhìn thế giới ra mầu đó. Ông nhìn bằng tình thương nên ông chỉ thấy tình thương.
Thấy đứa con út tồi tàn khốn khổ, người cha chạnh lòng thương. Ông không xét gì đến lầm lỗi của nó nữa. Chỉ yêu thương. Nó đã soạn sẵn bài diễn văn nhưng chẳng kịp đọc, vì cha đã ôm lấy nó. Nó gục đầu vào lòng cha. Ông ôm chặt lấy nó. Vòng tay ôm của cha thật ấm áp trìu mến. Khi ôm đứa con, ông ôm tất cả lầm lỗi của nó. Ông ôm những xúc phạm nó làm đối với ông. Ông ôm những vết thương nó gây ra cho ông. Ông chịu những vết thương để con ông được chữa lành. Ở đây, ta thấy ba chi tiết nói lên tấm lòng người cha muốn ôm lấy đứa con: ánh sáng, vòng tay và áo choàng.
Ông ôm nó bằng làn ánh sáng từ trái tim người cha phát ra thật rạng rỡ nhưng ấm áp tình yêu thương. Ánh sáng đó soi rõ con người chúng ta. Nhưng kỳ lạ thay nó không soi vào yếu đuối tội lỗi khiến ta sợ hãi và xấu hổ, nhưng chiếu toả sự ấm áp của tình thương khiến ta được an ủi vỗ về. Ánh sáng đó chiếu lên y phục rách nát bạc màu khiến nó trở lại màu đỏ sang trọng và trở thành áo mới cho con người mới. Ánh sáng đó chiếu lên thân thể hốc hác gầy guộc của tên nô lệ trả lại cho nó hình ảnh đẹp đẽ của chàng thiếu gia con nhà gia thế.
Tất cả nói lên tấm lòng của người cha nhân hậu vô biên. Ông ôm đứa con bằng cả trái tim. Là làn ánh sáng bao phủ nó, sưởi ấm nó, chữa lành nó, trả lại hào quang phẩm giá cho nó.
Ông ôm nó bằng cả vòng tay. Hãy chiêm ngắm đôi tay của người cha. Hai bàn tay thật diễn tả. Bàn tay trái mạnh mẽ để vỗ về khích lệ đứa con yếu đuối hãy vững mạnh. Bàn tay phải thon thả dịu dàng an ủi tâm trạng buồn phiền, vỗ về tâm trạng cô đơn, băng bó tâm hồn thương tích. Ông ôm con bằng cả tình cha lẫn tình mẹ. Bằng cả sức mạnh nâng đỡ và sự dịu dàng ủi an. Bằng tất cả tấm lòng yêu thương vô bờ bến.
Ông ôm nó bằng cả vạt áo choàng. Chiếc áo choàng của người cha phủ kín đứa con. Che cho nó khỏi giá lạnh cô đơn nó đang chịu ngoài đời. Che cho nó khỏi búa rìu dư luận phê phán. Che cho nó có lại phẩm giá của người con yêu quí. Che cho nó ấm áp vì cảm thấy được yêu thương.
Ta chiêm ngắm đứa con thứ gục đầu vào lòng cha. Giờ đây, nó cảm thấy cha là tất cả. Rời cha ra nó mất tất cả. Về với cha nó có tất cả. Nhìn kỹ ta thấy chiếc đầu không tóc của nó giờ đây giống một bào thai. Khuôn mặt nó giống một trẻ sơ sinh. Nó trở vào lòng cha để được sinh lại. Hãy xem kỹ nó gục đầu vào lòng cha một cách sâu xa như đi sâu vào trong cung lòng cha. Cha đón con vào lòng với tâm tình người mẹ. Cưu mang và sinh lại nó trong đau đớn nhưng đầy hân hoan. Nên ông mở tiệc ăn mừng.
Giờ đây ta quay sang phía người con cả. Anh giống hệt cha. Từ chiếc áo choàng đỏ sang trọng đến khuôn mặt cao quí. Mặt anh cũng có ánh sáng như mặt cha. Chỉ có điều ánh sáng nơi người cha lan toả thì ánh sáng nơi anh bị giữ lại cho riêng anh thôi. Không lan toả đến người chung quanh. Ánh sáng đó khiến anh xa cách mọi người. Anh đứng trên bậc thềm cao ngạo. Anh đứng cách xa cha và em một khoảng cách lạnh lùng. Tay anh đan nhau như tâm hồn khép chặt. Mắt anh quan sát với vẻ căm tức.
Người cha cũng muốn ôm cả anh vào lòng. Khi phải ra cửa sau mời anh vào. Và nói với anh những lời phát xuất từ ruột gan: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15,31). Cha đã ôm anh bằng cả cuộc đời ông dành dụm cho anh. Bằng cả thế giới ông có để nhường lại cho anh. Giờ đây ông muốn ôm anh bằng cả trái tim. Để trở thành một gia đình thật sự thương yêu nhau.
Luca để đoạn kết mở ngỏ:
Liệu đứa con thứ có ở nhà mãi không hay nó lại chứng nào tật ấy? Có truyền thuyết cho rằng sau đó nó lại bỏ nhà đi hoang, trộm cướp. Và cuối cùng được đóng đinh cùng Chúa. Nó chính là người trộm lành tên Disma được Chúa tha thứ ngay trên thánh giá.
Liệu đứa con cả có vào nhà để hoà mình vào làn ánh sáng của cha. Để hoà mình vào niềm vui gia đình. Để cả ba bố con ôm nhau trong tình yêu thương thắm thiết. Để cả nhà trở thành một gia đình hạnh phúc?
Để mở ngỏ đoạn kết, đó chính là để mỗi người tự xét mình. Và tự đưa ra quyết định cho chính cuộc đời của riêng mình.
II.THỰC HÀNH
Chúng ta có ba việc phải làm. Thứ nhất là xét mình:
1.Xét mình
Sau khi suy niệm dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” qua cuộc chiêm ngắm bức danh hoạ “Người con hoang đàng trở về” của hoạ sĩ Rembrandt lừng danh, ta đã hiểu rõ vấn đề của chúng ta đối với Thiên Chúa và vấn đề hiện tại của các gia đình. Ta cũng nhận ra rằng mọi người phải lớn lên. Từ thân phận nô lệ phải lớn lên thành người con. Từ người em bé nhỏ phải lớn lên thành anh lớn. Từ người con trưởng thành phải lớn lên thành người cha bao dung độ lượng. Như thế mới có thể xây dựng gia đình hạnh phúc. Vậy ta đang ở giai đoạn nào. Còn là nô lệ? Hay vẫn là đứa em ngỗ nghịch? Hay chỉ dừng lại ở người anh với tâm tư toan tính đầy vụ lợi và mưu mô đầy thói đời gian dối?
Nếu đã được rửa tội, và hơn nữa đã vào dòng tu mà ta còn nặng nề vấn đề ham muốn tiền bạc, hưởng thụ, còn ích kỷ cá nhân và quá tính toán thực dụng, thì ta vẫn còn tâm hồn nô lệ. Nếu vào dòng tu để làm nên một gia đình mới mà ta vẫn ác cảm với anh em, có ý chống báng Bề trên, thì ta vẫn còn ở tình trạng nô lệ.
Đứa trẻ mới lớn, đặc biệt ở tuổi dậy thì, thường ngông nghênh, trên chẳng nể trời, dưới chẳng sợ đất. Nếu tôi sống trong gia đình mà còn ngông nghênh, chẳng kính trên nhường dưới. Trên không vâng lời cha mẹ, dưới không thương yêu em út. Không xét đến người trên kẻ dưới, muốn nói gì là nói, muốn làm gì là làm. Như thằng em xin chia gia tài, cha buồn mặc cha, anh tức mặc anh, thích thì ở nhà, không thích thì bỏ nhà ra đi. Nếu tôi còn cư xử như thế, thì dù tôi có già trăm tuổi, tôi vẫn chỉ là đứa trẻ con không suy nghĩ, không bao giờ lớn. Thái độ ngông nghênh trẻ con ấy sẽ phá tan gia đình.
Nếu tôi chỉ lo giữ bề ngoài đạo mạo nhưng tâm địa hẹp hòi, chỉ mưu lợi riêng, không hoà mình vào tập thể. Đứng ngoài rình rập chờ có người sơ hở là lên tiếng phê phán, công kích, lên án. Tâm hồn không rộng mở yêu thương nhưng luôn nuôi lòng căm ghét, giận dữ. Luôn cho mình là quan trọng. Thì tôi chỉ là người anh cả, trên bất bình với cha, dưới không chấp nhận đứa em. Thái độ người anh cả còn phá hoại gia đình nặng nề hơn đứa em, vì ngấm ngầm, nhưng bề ngoài có vẻ hợp lý, được nhiều người tán đồng.
Mọi người phải đạt tới tấm lòng người cha. Mặc lấy tâm tình người cha. Yêu thương tất cả. Chấp nhận tất cả. Tha thứ tất cả. Quảng đại cho đi tất cả. Kể cả đau khổ. Kể cả danh dự. Kể cả xúc phạm. Chỉ có tình thương.
Tôi cần xét mình luôn luôn. Để biết rõ lỗi lầm của mình. Để biết mình đã được người khác tha thứ biết bao lần. Trong khi tôi không bao giờ tha thứ cho ai. Để biết mọi người đã chịu đựng mình biết bao. Trong khi một mình tôi không chịu đựng nổi bất cứ điều gì khác ý tôi. Biết như thế tôi sẽ biết tha thứ và chịu đựng, để xây dựng gia đình.
Việc thứ hai chúng ta phải làm là noi gương.
2.Noi gương
Trước hết noi gương Chúa Giêsu, làm con hiếu thảo.
Tại gia đình dương thế Nazareth, Chúa Giêsu đã vâng phục thánh Giuse và Đức Mẹ. Thánh Luca tóm tắt 30 năm sống ẩn dật của Chúa Giêsu như sau: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Đó là gia đình gương mẫu của mọi gia đình. Chúa Giêsu là Chúa nhưng lại trở thành người con bé nhỏ nhất trong gia đình, luôn vâng lời cha mẹ. Thánh Giuse trước mặt mọi người là chủ gia đình, nhưng trong mọi sự ngài luôn phục vụ. Cảnh tượng Thánh Gia trốn sang Ai Cập trong bức tranh của hoạ sĩ Albreth Durer thật ý nghĩa. Đức Mẹ bế Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa. Thánh Giuse đi chân không, một tay cầm đèn soi đường, một tay dắt lừa. Vừa nhìn đường, vừa nhìn Đức Mẹ và Chúa Giêsu để chăm sóc cho các Ngài. Còn Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng tự xưng mình là “nữ tỳ của Chúa”. Đó là một gia đình mọi người đã lớn lên đến tuyệt đỉnh để có tấm lòng người cha, quảng đại cho đi tất cả. Vì thế xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đối với Chúa Cha, Chúa Giêsu hiếu thảo bội phần.
Người coi thánh ý Chúa Cha là lẽ sống, là lương thực nuôi sống: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Không lo việc riêng, chỉ lo hoàn thành công việc của Chúa Cha giao phó.
Không những Người luôn thi hành mà còn luôn tìm kiếm thánh ý Chúa Cha. Và khi đã biết thánh ý Người luôn sẵn sàng tuân theo, cho dù phải hiến dâng mạng sống. Như lời Người cầu nguyện trong vườn Giêtsimani: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
Chính vì thế, Chúa Cha đã tôn vinh Người là Con Yêu Dấu, và truyền cho chúng ta hãy vâng theo lời Chúa Giêsu dạy bảo, để chúng ta cũng nên con chí ái của Chúa.
Tiếp đến là trở nên giống Chúa Cha.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không chỉ trở nên con cái mà còn tiến một bước xa hơn là hãy nên giống Chúa Cha: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính…Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,45.48).
Chúa Giêsu không chỉ đòi hỏi chúng ta. Chính Người cũng mặc lấy tâm tình của Chúa Cha khi Người yêu thương nhân loại.
Như người cha trong bức hoạ của Rembrandt đã toả ra làn ánh sáng thương yêu đem hơi ấm cho các con, Chúa Giêsu chính là ánh sáng tình yêu chiếu soi vào đêm tối giá lạnh tình người trần gian. Như Ngôn sứ Isaia tiên báo: “Dân đang bước đi trong tăm tối đã nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1). Matthêu nhắc lại: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4,16).
Như người cha mở rộng vòng tay ôm lấy các con của mình, Chúa Giêsu mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người, giàu cũng như nghèo, công chính cũng như tội lỗi, học thức cũng như thất học, có đạo cũng như ngoại đạo. Mỗi lần chiêm ngắm cảnh tượng Chúa ôm hôn Giuđa tôi không khỏi xúc động. Sao Chúa có thể yêu thương cả kẻ phản bội mình. Đã rửa chân lại còn ôm hôn nữa. Quả thật vòng tay Chúa vô cùng rộng lớn và ấm áp tình yêu thương.
Như người cha giang rộng vạt áo choàng ấp ủ người con, Chúa luôn muốn ấp ủ chúng ta, nhưng chúng ta né tránh. Vì thế Chúa than thở: “Giêrusalem, Giêrusalem, đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu!” (Mt 23,37-38). Chúa Giêsu đã mặc lấy tâm tình của Chúa Cha và trở nên hình ảnh Chúa Cha cho ta được chiêm ngắm.
Vì thế, việc cuối cùng ta phải làm là lớn lên.
3.Lớn lên
Sau khi đã xét mình và chiêm ngắm Chúa Giêsu trong vai trò người con tuyệt hảo, chí ái, giờ đây chúng ta đi đến kết luận: Tôi phải làm gì?
Qua suy niệm và chiêm ngắm bức danh họa của Rembrandt, ta đã thấy sở dĩ gia đình tan vỡ là vì người ta không chịu lớn lên.
Lớn lên là một phấn đấu của cá nhân. Thật lạ lùng, gia đình là một tập thể, nhưng để xây dựng gia đình lại cần đến những cố gắng của cá nhân. Vì gia đình không thể xây dựng từ bên ngoài nhưng phải từ bản thân và nội tâm mỗi cá nhân. Mỗi người phải lớn lên. Muốn lớn lên phải phấn đấu từ bỏ con người nhỏ nhen, hẹp hòi, cá nhân, ích kỷ. Để vươn tới tầm vóc rộng lớn, bao dung, quảng đại của người cha.
Từ quảng đại tiếng Latinh là ‘generositas’, tiếng Pháp là ‘générosité’, tiếng Anh là ‘generosity’. Đều có nghĩa đầu tiên là thuộc về một chủng tộc tốt lành. Đều có gốc là “gen” tức là yếu tố di truyền. Nên khi tôi quảng đại, đặc biệt quảng đại tha thứ, tôi biến những người chung quanh thuộc về một chủng tộc, một gia tộc, vì cùng có một “gen”. Đó là “gen” của Thiên Chúa tốt lành, của “Người Cha nhân hậu”.
Quảng đại là một từ ngữ Hán – Việt có nghĩa là rộng lớn. Quảng là rộng. Đại là lớn. Khi tôi quảng đại là tôi lớn lên. Chỉ khi lớn lên tôi mới xây dựng được gia đình. Đó phải chăng là ý nguyện của cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận khi ngài muốn anh em sống chung với nhau, “một đi cùng nhau”. Và phải chăng đó là thực hành linh đạo gia đình mà Cha Tổ Phụ đã chọn khi sáp nhập vào Xitô Chung Phép với tước hiệu chi Dòng Thánh Gia? (x. HT, tr 209).
Hãy quảng đại để lớn lên. Đó là sống tinh thần Năm thánh của Hội Dòng cách cụ thể và thiết thực nhất.
Hãy quảng đại để lớn lên. Đó là xây dựng cộng đoàn và Hội Dòng một cách hiệu quả nhất.
Hãy quảng đại để lớn lên. Đó là tiến bộ trên đường thiêng liêng. Là nên thánh và giúp nhau nên thánh. Vì lớn lên là vươn tới Chúa Giêsu Kitô.
Như lời thư Êphêsô:
“Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn. Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô.
Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái”(Ep 4,10-16).
KAIROS
FM. Theophan Vernad Phạm Hữu Ái
Thời gian là gì? Một câu hỏi khó đến nỗi Thánh Augustino phải thú nhận: “Nếu có người nào hỏi tôi thời gian là gì, tôi hiểu được nó; nhưng nếu có ai yêu cầu tôi giải thích thì tôi không biết gì về nó nữa”[1]. Câu hỏi khó, vì theo André Comte-Sponville, thời gian là một điều hiển nhiên, nhưng cũng chính là huyền nhiệm[2]. Huyền nhiệm không phải vì nó là chronos (là thời gian vật lý, là niên đại), nhưng chính vì nó được gọi là kairos[3]. Kairos là thời gian định tính, thuộc lãnh vực siêu hình, được sử dụng trong triết học Hy lạp hay trong lãnh vực y khoa cổ đại với nghĩa: cơ hội, thời cơ thuận tiện, chín mùi… Nó cũng được sử dụng rất nhiều trong Cựu Ước và Tân Ước[4] để chỉ thời gian cứu độ, thời gian Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người; ngày của Chúa và thời gian cuối cùng. Chính vì thế, kairos là thời gian mang một nội hàm rất phong phú, đầy ý nghĩa với cả niềm vui lẫn nỗi buồn; hạnh phúc và bất hạnh, đầy năng lượng, nhưng cũng có cả sự chán chường…và vì thế, kairos được gọi là “kairos của thế giới” và là “thế giới như là kairos”, có khả năng tạo nên một bước ngoặt trong lịch sử. Theo nghĩa này, Paul Tillich, một nhà thần học Tin lành gọi kairos là một “cuộc khủng hoảng” (crise). Cuộc khủng hoảng trong lịch sử cứu độ và ngay cả trong phạm vi văn hoá, tạo nên một sự thay đổi. Sự thay đổi có thể là tích cực hay tiêu cực. Điều đó tuỳ vào thái độ của chúng ta khi nắm bắt cơ hội.
I.Kairos – thời gian cơ hội, thuận tiện
Kairos là một trong những từ mà người Hy lạp dùng để diễn tả thời gian, nhưng rất khó để chuyển ý qua các ngôn ngữ khác vì không có từ tương đương. Người ta sử dụng nó theo nghĩa siêu hình với hàm ý: một cơ hội, một thời gian thuận tiện. Nếu là một cơ hội, có nghĩa là thời cơ đã đến độ chín mùi, mang tính quyết định để hành động, để đạt được kết quả tốt nhất khả dĩ giúp con người gặt hái được thành công. Nếu thời gian được xem là cơ hội thì chắc chắn thời gian đó không thể nào là thời gian được hiểu theo nghĩa niên đại (chronos), có trước, có sau theo trình tự: quá khứ, hiện tại và tương lai mà ý thức có thể nối kết được trong một tổng thể. Sở dĩ khẳng định thời gian này không thể tạo nên một cơ hội là vì: khi đề cập đến quá khứ, chúng ta đang muốn nhắm đến điều gì đã trôi qua. Một điều đã qua đi nghĩa là không còn tồn tại trong hiện tại. Nếu không tồn tại thì làm sao nó có thể là cơ hội được. Trong khi đó, tương lai là điều chưa đến. Một điều gì chưa đến thì không thể là một cơ hội, có chăng chỉ là tiềm năng. Thế mà tiềm năng thì có thể, hay không có thể trở thành hiện thực, nên nó không chắc chắn. Cũng thế, hiện tại theo nghĩa này là điều sắp trở thành quá khứ và đang bước vào tương lai. Người ta gọi nó là một lúc, một chốc, một khoảng khắc rất ngắn. Chúng ta sẽ làm gì được trong một khoảng khắc chốc lát, bởi vì chỉ một tích tắc thôi thì hiện tại đã thành quá khứ và đang đứng trước ngưỡng cửa tương lai, không còn là hiện tại nữa. Thời gian này là thời gian của “kim đồng hồ” đang chuyển động, mà theo Henry Bergson: nó chỉ có một chút ít hiện tại, nên nó không phải là thời gian theo đúng nghĩa (la durée) mà là không gian. Nó là đối tượng của chủ thể, vì chỉ duy tinh thần, chỉ duy ý thức mới có thể nhớ về, hướng về vị trí của quá khứ, để cho nó xuất hiện trên ý thức[5]; và dự đoán trước vị trí của tương lai qua khả năng của trí tưởng tượng. Thời gian này được gọi là thời gian của chủ thể mà theo các triết gia nó chỉ là một “hữu thể thuộc lý”; của ý thức, của linh hồn, là một tổng thể quá khứ và tương lai.
Ngoài thời gian của chủ thể, triết học còn đề cập đến một loại thời gian khác, có tên gọi là thời gian khách thể. Hai loại thời gian này không loại trừ nhau, nhưng chỉ là hai cách thức khác nhau để suy tư về thời gian.
Thời gian khách thể là thời gian thuộc về thế giới, nó tham dự vào thực tại; đúng hơn phải nói: nó chính là thực tại, không thể phân chia và là sự kéo dài vô định sự hiện hữu của thời gian. Henry Bergson sử dụng hạn từ “la durée” để chỉ loại thời gian này. Đây là thời gian mang một nội hàm, một nội dung có độ sâu, độ dài với cả hai chiều kích thời gian và không gian. Chẳng hạn: người ta sử dụng cụm từ: thời gian nghỉ hè; thời gian khởi động; thời gian tồn tại… để chỉ một khoảng thời gian “hiện tại” gắn liền với một thực tại, và thực tại đó tạo nên khoảng thời gian đó. Thật vậy, việc đi nghỉ hè tạo nên một thời gian nghỉ hè trải dài trong một tuần lễ hay hai tuần lễ. Nó là hiện tại chứ không phải là quá khứ; hiện tại để hiện diện và chính sự hiện diện tạo nên “thời gian hiện tại”. Hiện diện theo Heidegger luôn luôn là hiện diện của một ngôi vị: Thiên Chúa và con người.
Nhờ sự hiện diện này mà thời gian chronos: thời gian không ngừng, có đặc tính giống nhau trở thành một kairos: “ở đây và bây giờ”, và nó là con đường duy nhất mà chúng ta xây dựng tình bạn, thực thi bác ái, tập nhân đức…Chúng ta sẽ không làm được điều này trong hiện tại được xem như là một chốc lát, một tích tắc. Trái lại, chỉ nơi kairos “ở đây và bây giờ” là chỗ duy nhất của hành động, duy nhất để suy tư, để tưởng nhớ, để đợi chờ; và vì thế, nó thật sự là một cơ hội, là thời gian thuận tiện của mỗi chúng ta. André Comte-Sponville gọi thời gian “ở đây và bây giờ” là “kairos của thế giới” hay “thế giới như là kairos”, nghĩa là thời gian của hành động; là thực tại đang hành động. Do đó, sống với kairos chỉ đơn giản là sống trong chân lý. Mà mỗi khi sống trong chân lý là chúng ta được mời gọi tham dự vào Vương quốc của Thiên Chúa, là đụng chạm đến vĩnh cửu ngay từ bây giờ.
II.Kairos, thời gian cho một lời mời gọi
Tân Ước lấy lại từ kairos của người Hy lạp nhưng sử dụng một cách đặc biệt theo nghĩa thần học để chỉ thời giờ Thiên Chúa hiện diện với con người và mạc khải cho họ bản tính của Ngài là tình yêu (x. 1G 4, 8). Đây là thời giờ sau hết, “Thời giờ đã mãn (kairos)” (Mc 1,15). Hạn từ “thời giờ đã mãn” không có nghĩa là chấm dứt, nhưng là thời gian đã “chín mùi” và là khởi điểm cho một thời đại mới; tạo nên một sự biến đổi trong lịch sử: Thiên Chúa đến viếng thăm con người. Một cuộc viếng thăm rất đặc biệt vì Ngôi Lời đã làm người, “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Ngài đã tự nguyện trở nên nghèo để chúng ta được giàu có (x. 2Cr 8,9), và cho ta trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa (x. Rm 8, 4tt). Trong ý nghĩa này, kairos có một đặc tính mà Paul Tillich gọi là cuộc khủng hoảng (Crise). Kairos đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng, tạo nên một bước ngoặt trong lịch sử. Việc Chúa Giêsu đến thế gian là một kairos, và đã tạo nên một thời đại mới, thời đại của ân sủng, của lòng thương xót và của ơn cứu độ, của một sự biến đổi triệt để.
Tuy nhiên, “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”, nghĩa là vẫn chưa đi tới đích; nó biến đổi thế giới, nhưng chưa hoàn toàn biến đổi. Do đó, lời của Chúa Giêsu: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” mở ra thời gian của lời mời gọi (kairos) mà những ai “tin và đón nhận” thì sẽ được làm Con Thiên Chúa (x. Ga 1,12). Rõ ràng, trong kairos luôn luôn có chiều kích của ngôn sứ, không theo nghĩa là “cho biết trước”; trái lại là chuyển giao sứ điệp của Chúa và mời gọi đón nhận để được biến đổi.
Theo André Gounelle, đặc trưng của ngôn sứ là kết nối giữa việc loan báo với lời mời gọi. Ngôn sứ như là cầu nối để nối kết giữa mệnh lệnh cấp thiết và sự tự do của con người, vì sứ điệp của Chúa tuy là một mệnh lệnh cấp bách cần phải thực hành để có được những kết quả tốt đẹp, nhưng nó còn là lời mời gọi chờ đón sự đáp trả tích cực. Do đó, nó luôn cần đến tự do. Tự do là điều cần thiết để “thời điểm thuận tiện” trở nên một cơ hội quyết định vận mệnh của một con người, một đất nước. Tự do ở đây là tự do đón nhận lời mời gọi, nó bao gồm cả một trách nhiệm; trách nhiệm với Đấng mời gọi và trách nhiệm với chính mình. Trách nhiệm càng cao thì mức độ tự do càng lớn. Điều này hệ tại vào việc thấu hiểu giá trị của thời điểm và cơ hội mà họ nắm bắt để có được một kết quả mỹ mãn.
Thế nhưng ngôn sứ không do con người tạo nên hay sinh ra; ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến với con người. Từ đây, ta nhận ra một điều: ngôn sứ là ân huệ của Thiên Chúa. Thiên Chúa sai ngôn sứ đến là vì con người và cho con người. Việc làm này không đến từ bổn phận mà phát xuất từ tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng muốn điều tốt lành cho người mình yêu và tạo tất cả cơ hội có thể, để họ được lớn lên và nên hoàn thiện. Đây là tình yêu nhưng không, nhưng cũng bao hàm một lời hứa.
Ngôn sứ đến do một lời hứa. Lời hứa nằm ngay trong bản tính nội tại của tình yêu. Thiên Chúa tạo dựng con người vì tình yêu và Thiên Chúa hài lòng với công việc tạo dựng này. Trình thuật sáng thế ký (1,1-8.27-28-2,3) mô tả con người được tạo dựng sau cùng như là chót đỉnh của công trình sáng tạo và là tác phẩm cao quý nhất, do được “dựng nên theo và giống hình ảnh Thiên Chúa”. Trong trình thuật ở sáng thế ký đoạn 2, Thiên Chuá đã đặt “hết tâm huyết” như một người thợ gốm tỉ mỉ trong từng chi tiết để tạo ra con người. Một khi đã đặt tất cả tâm hồn vào việc tạo dựng, chắc chắn ở nên đó trách nhiệm sẽ ở một mức độ rất cao và ẩn tàng một lời hứa là giữ gìn và hướng tác phẩm đạt tới mức hoàn thiện của nó. Vì vậy mà ta không hề ngạc nhiên vì sao Thiên Chúa ra hình phạt vì tội bất trung của nguyên tổ đi liền với một lời hứa cứu độ: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi với người Phụ Nữ; người Phụ Nữ sẽ đạp đầu ngươi và ngươi sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15). Chính từ lời hứa này mà các ngôn sứ được gửi đến trong suốt dòng lịch sử, mời gọi con người đón nhận tình yêu của Thiên Chúa qua mệnh lệnh: “Phải thay đổi”.
“Hãy sám hối”, “hãy thay đổi” là yêu sách cho những ai đón nhận lời mời gọi của ngôn sứ. Yêu sách đi liền với sự xuất hiện của ngôn sứ. Cựu ước đã đưa ra tiêu chuẩn để phân biệt ngôn sứ giả và ngôn sứ thật. Ngôn sứ giả là ngôn sứ không có yêu sách cho người đón nhận; còn ngôn sứ thật luôn luôn đi kèm một yêu sách. Đây là dấu chỉ chắc chắn nhất để phân biệt (x. 1V18,19-40; 1Sm 10,5; Is 1,10…; Ed 21,26). Có thể nói, yêu sách không chỉ hiện hữu trong sứ điệp, nhưng là một đặc tính căn bản của ngôn sứ thật. Yêu sách này đòi hỏi một câu trả lời quyết liệt, dứt khoát và kịp thời, vì sứ điệp sẽ không xuất hiện và không lập lại một lần thứ hai giống như vậy nữa. Và câu trả lời đó sẽ giúp cho người đón nhận sứ điệp không những tiến gần tới triều đại Thiên Chúa, mà còn cho họ được tham gia vào công trình của Ngài, để trở nên những ngôn sứ đắc lực trong cộng đồng kairos, cộng đồng dấn thân trong triều đại của Thiên Chúa.
Như vậy, chiều kích ngôn sứ của kairos giúp cho chúng ta sống với thực tế của niềm tin để phá tan những ảo tưởng dễ mắc phải. Ảo tưởng thứ nhất là nghĩ rằng tự mình đủ sức mà không cần đến sự can thiệp của Thiên Chúa để thay đổi và đưa lịch sử đến mức thành toàn của nó; ảo tưởng thứ hai là sợ gian khổ, sợ hy sinh mà nghĩ rằng Chúa đã đến, Ngài sẽ thực hiện tất cả, chúng ta không phải làm gì cả và sống với thái độ từ chối dấn thân, từ chối góp phần vào lời mời gọi của Thiên Chúa: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Hai ảo tưởng này là cản trở để sống giây phút hiện tại, là cơ hội để đạt đến thời gian cuối cùng, là chiều kích thứ hai của kairos.
III. Kairos, thời gian cuối cùng
Thời cuối cùng là gì nếu không phải là sự hoàn tất của lịch sử mà Kinh Thánh gọi là ngày cánh chung, ngày mà con người đạt tới vĩnh cửu; ngày mà thời gian gặp gỡ với vĩnh cửu để không còn quá khứ, tương lai mà chỉ là hiện tại, vĩnh viễn là hiện tại. Vì thế, Paul Tillich mô tả ngày cuối cùng, ngày cánh chung là “tình trạng của chúng ta đối diện với vĩnh cửu”. Tình trạng đó là thời gian, có giới hạn, tạm thời đối diện với không giới hạn, mãi mãi, vô cùng. Đối diện như thế nào? Paul Tillich phân biệt có hai dạng thức thiết yếu trong mối tương quan giữa thời gian và vĩnh cửu. Dạng thứ nhất là thời gian lệ thuộc vào vĩnh cửu, vì thời gian bắt nguồn từ vĩnh cửu; dạng thứ hai, vĩnh cửu hoàn thiện thời gian. Thời gian luôn hướng về vĩnh cửu. Tuy nhiên, giữa thời gian và vĩnh cửu không chỉ có hai dạng thức này, mà còn dạng thức thứ ba, dạng thức hiện sinh, diễn tả sự đối lập và đối đầu giữa thời gian và vĩnh cửu. Thời gian không chấp nhận và muốn trốn chạy vĩnh cửu, vì vĩnh cửu là dấu chấm tận của thời gian. Như thế, thời gian vừa hướng về, nhưng lại chống lại vĩnh cửu. Đây là tính lưỡng năng của kairos.
Thật vậy, Thánh Marco loan báo: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”, nghĩa là kairos đang hiện diện trong thời gian hiện tại, nhưng không có nghĩa là đang ở đây hay ở kia. Như vậy, nơi kairos vừa là thời gian hiện tại, vừa hướng về thời gian cuối cùng, thời cánh chung. Theo nghĩa này, trong kairos, chiều kích cánh chung đã hiện hữu, nhưng chưa hoàn thành. Nó cần con người để hoàn thành, bởi kairos là kairos cho con người, vì con người và với con người. Do đó, kairos theo Kinh Thánh luôn luôn được hiểu là thời gian Chúa đến và thời gian Chúa đến trong vinh quang; là thời gian cuối cùng tròn đầy, viên mãn để con người đón nhận và nắm bắt kairos hầu được nên hoàn thiện: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em ở trên trời” (Mt 5,48).
Tuy nhiên, có một khó khăn là vì: chiều kích cánh chung của kairos nội tại trong lịch sử, nhưng lại siêu vượt trên lịch sử; nó đến và hiện diện trong lịch sử mà lại ở trên lịch sử. Làm sao có thể nắm bắt được? Gọi Kairos là thời gian cánh chung, thời gian cuối cùng là muốn nhấn mạnh rằng kairos mang vào thế giới một điều mới mẽ thực sự, nhưng nó chỉ là “những dạng rời”; nó mang đến một sự hoàn thành, nhưng luôn chỉ từng phần và có tính nước đôi; vừa hoàn thành, vừa khiếm khuyết; vừa đầy, vừa thiếu hụt. Đây chính là sự huyền bí của thời gian, huyền bí của kairos mà dấu ấn của nó được khám phá ngay trong lời loan báo khởi đầu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Marco: Triều đại Thiên Chúa đã hiện diện, nhưng nó chưa trọn vẹn là hiện tại, chưa bao giờ hoàn toàn được hoàn thành trong thế giới chúng ta.
Từ đây, khi nắm bắt và dấn thân vào kairos, chúng ta cần tỉnh táo và nên có một cái đầu thực tế để tránh việc thần thánh hoá hay tuyệt đối hoá những kairos xuất hiện trong dòng chảy lịch sử như: các cuộc cách mạng tư tưởng, cách mạng xã hội, ngay cả những sự kiện mang tính chất tôn giáo đi nữa, vì các sự kiện này dầu có vĩ đại hay tạo nên một sự đổi mới thế nào cũng chỉ là những kairos. Thế mà, kairos không bao giờ đã hoàn thành, mà chỉ là thời điểm thuận lợi đang hoàn thành và hướng về tầm mức viên mãn nơi đích đến.
Thứ đến, khi mang chiều kích cánh chung, không có nghĩa rằng: kairos là một trạng thái thanh bình, an nhiên tự tại, hài hoà, không xung đột; trái lại, kairos là cả một quá trình biện chứng giữa hai thực tại thiện và tà; chân và giả. Cái ác phát triển trong cùng một thời gian (kairos) mà sự thiện tăng trưởng; ngay cả khi sự thiện chiến thắng thì chiến thắng đó cũng không bảo đảm là không có đau khổ và bất hạnh. Chính vì thế, Tân Ước đã khẳng định: Phục sinh chỉ đến sau và xuyên qua tủi nhục của Thập giá. Ngay cả Chúa Giêsu cũng cũng phải uống chén đắng mới đạt tới vinh quang trong ánh sáng Phục sinh. Điều này củng cố cho niềm tin của chúng ta là sẽ đạt được tới thời gian cuối cùng, thời gian viên mãn trong Chúa Kitô, nếu như sống theo lời khuyên của Thánh Phaolo nắm bắt lấy cơ hội thuận tiện: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy anh em hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13, 12).
Kết luận
Kairos là từ ngữ chỉ thời gian trong thế giới Hy lạp có nghĩa là cơ hội, là thời gian thuận tiện. Nó chỉ xuất hiện một lần và không bao giờ lập lại trong cùng một thời gian. Ý thức điều này, người Hy lạp đã nhạy bén trong việc nắm bắt thời cơ và đã tạo nên một nền văn hoá vĩ đại trong thế giới cổ, cũng như tạo nên những triết gia tên tuổi, những chiến binh dũng mạnh. Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đã sử dụng hạn từ kairos hầu như trong tất cả các trường hợp chỉ thời gian, đặc biệt khi diễn tả việc Chúa can thiệp vào lịch sử và tạo nên một cuộc đổi mới toàn diện để hướng về đời sống vĩnh cửu, hạnh phúc vĩnh cửu như một sự nhắc nhở cho mọi người: Chúa luôn cho con người cơ hội thuận tiện, vì Chúa muốn cho tất cả mọi người đều được nên hoàn thiện và được sự sống đời đời. Ta phải nhận ra lời mời gọi của Chúa và sống triệt để chiều kích ngôn sứ, chiều kích cánh chung của cơ hội này.
Những gì người Hy lạp đã nắm bắt, những gì Chúa muốn mời gọi từ các thời điểm trong lịch sử cứu độ nhắc nhở chúng ta một chân lý: hãy quý trọng thời gian hiện tại; hãy sống với những gì trong hiện tại và hãy biến tất cả thời gian hiện tại thành những cơ hội thuận tiện, những thời điểm chín mùi cho tất cả mọi hành động của chúng ta; nhất là hãy học cách cầu nguyện của thánh Têrêxa Avila: “Xin cho con sống giây phút hiện tại và giây phút hiện tại đã đủ cho con rồi”.
[1] Thánh Augustino, Tự Thuật, XI, 14, 17
[2] André Comte-Sponville, Présentations de la philosophie, “Le Temps”, Albin Michel, Paris, năm 2000.
[3] Trong văn hoá Hylạp có ba chữ diễn tả ba loại thời gian: Chronos là thời gian định lượng, thời gian có tính niên đại. Ví dụ: thứ hai, thứ ba…; năm 2017, 2018…; Kairos là thời gian định tính, thuộc về phạm vi siêu hình rất khó để chuyển ý ra các ngôn ngữ khác, và aiôn là thời gian chỉ chu kỳ. Ví dụ mùa hè, mùa đông, thời kỳ cánh chung.
[4] Được dùng 162 lần, trong khi đó chronos chỉ vỏn vẹn 4 lần (x. Dictionaire Encyclopédique de la Bible, từ temps).
[5] X. Ý thức trong “Hiện tượng học” của Husserl
CHA HENRI DENIS (CỐ THUẬN)
CHA GIÁO, CHA SỞ, NHÀ TRUYỀN GIÁO
NHIỆT THÀNH CỦA GIÁO PHẬN HUẾ
Khi đón nhận chủ đề từ Ban Biên Tập “Hạt Giống Chiêm Niệm” bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn lại một vài nét về Cha Henri Denis (Cố Thuận) trong thời điểm dạy học và coi Xứ Nước Mặn, Giáo phận Huế. Song không phủ nhận rằng, Cố Thuận không chỉ gói gọn, lo cho Tiểu Chủng viện An Ninh, cho giáo xứ và Giáo phận Huế, mà khi đặt chân đến đất Việt thân yêu này, ngài đã khát khao đem Chúa đến cho tất cả mọi người Việt Nam và Đông Dương. Có thể nói, đối với Cha Henri Denis Thuận, truyền giáo là khát vọng lớn nhất của đời ngài. Thật thế, Cha Henri Denis đã tiêu hao đến tận cùng cho khát vọng truyền giáo, dù dạy học, dù là cha sở, dù là một thầy dòng chiêm niệm. “Từ ngày bước chân xuống tàu, từng giây hằng phút cha những khát vọng thấy đất phước lạc đời đời sẽ nên quê hương thứ hai cho cha” (HT, tr. 40). Chính tình yêu Đức Kitô đã thúc bách cha đảm nhận tất cả các công việc đó một cách xuất sắc và cha đã thực hiện cho đến cùng, để lại trong tâm khảm chúng ta một ấn tượng không thể phai mờ.
1.Cha Henri Denis, nhà đào tạo chủng sinh nhiệt thành
Sau 6 tháng học tiếng Việt, Cha Henri được cử làm giáo sư tại tiểu Chủng viện An Ninh, nơi xuất phát nhiều anh hùng tử đạo, như Vinh Sơn Điểm, Emmanuel Triệu, hay Tôma Thiện… Nếu như “máu các vị Tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu” thì chủng viện chính là vườn ươm trồng các mầm non để trở thành các vị chủ chăn tương lai cho Giáo Hội, Cha Henri đã dồn hết tâm lực để thực thi sứ vụ đó[1]. Bởi vì, như Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói thật rõ ràng và súc tích rằng: “Chúng ta cần các linh mục bởi vì chúng ta cần Chúa Kitô. Các linh mục của Chúa Kitô, trao ban Giêsu, chỉ trao ban Giêsu và luôn trao ban Giêsu cho chúng ta”[2].
Nhờ trí thông minh và lòng nhiệt thành, cha đã đem lại cho chủng viện một luồng sinh khí mới:
Với tư cách là một nhà giáo, Cha Henri Denis luôn tỏ ra là một vị giáo sư gương mẫu, nhiệt thành cho nên mỗi lần nhắc đến ngài, những vị giáo sư cũng như học trò trường An Ninh đều tấm tắc khen ngợi: “Cha giáo Thuận giữ nết na nghiêm chỉnh lắm” (HT, tr. 45).
Với vai trò trưởng ban đàn hát, cha đã tạo nên phong trào học hỏi thánh nhạc, tổ chức kịch nghệ, mua nhạc cụ bát âm, vì “hát hay là cầu nguyện hai lần” (Qui bene cantat bis orat). Cha đích thân tập dợt với một sự “hăng nồng như lửa cháy” (HT, tr. 43).
Người ta thường nói: “Lời nói bay nhanh, gương lành lôi kéo”, thật không sai chút nào, từ chỗ khâm phục và yêu mến, các chủng sinh đã đua nhau thực tập các nhân đức. Như trong bức thư ngài viết cho cha mẹ: “Tuần này học trò con vào phòng. Nếu cha mẹ thấy các chúng đi lại trong nhà thì chắc cha mẹ sẽ cho là những thầy dòng nhỏ. Vì các chúng đi nghiêm trang, mắt ngó xuống, vừa đi vừa sốt sắng lần hạt” (HT, tr. 46). Đúng như Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã từng nói: “Con người thời nay sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì thầy dạy cũng đã là những chứng nhân”[3]. Chúng ta cũng có thể nói về Cha Henri Denis như Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả đã viết về Cha Thánh Biển Đức rằng: “Vị thánh này không thể dạy những gì mà chính ngài đã không sống trước”[4].
Đời sống gương mẫu, sự nhiệt thành của một giáo sư còn được thể hiện qua việc siêng năng, chăm chỉ dạy học của ngài. Dù đau ốm, bệnh tật ngài cũng không bao giờ bỏ tiết: “Đôi khi mệt nhọc, đau yếu mà cha cũng cứ gắng dạy học, có lần vừa đi vừa mửa, hễ nghe chuông là cắp sách chạy, không bỏ một giờ trả bài nào” (HT, tr. 43).
Đặc biệt, ngài không ngừng tìm tòi, học hỏi để đào sâu thêm kiến thức, nhờ đó ngài có khả năng chia sẻ cho học trò sự hiểu biết sâu rộng của mình. Sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc học trò đưa ra. Điều này chính Cha giáo Mẫn đã làm chứng: “Cha giáo Thuận chăm học tiếng Việt Nam và chữ Hán… “Chính tối hôm Cố Thuận đến An Ninh, ngài tỏ ý muốn mượn sách gì hay để học tiếng Việt Nam. Tôi đưa cho ngài một tập thơ 40 trang, 21 bài… sáng sau lót lòng xong, ngài đem trả lại. Tôi hỏi: “Sao, không thích sao mà trả? – Đã coi hết rồi! Không tin tôi hỏi mấy câu thì ngài đáp trơn ngay! Cái trí khôn thần tình chưa!” (HT, tr. 44).
Không những Cố Mẫn đồng giáo sư với ngài chứng minh sự chuyên chăm học hỏi của ngài, mà các cha quen biết với ngài đều khen ngợi và tỏ ra khâm phục ngài “Bởi ngài vừa sáng trí vừa hiếu học nên đầu năm 1907, cố Bề Trên cử ngài dạy chữ Hán cả bốn lớp. Một ông Tây vừa dạy văn chương, tu từ, vừa kiêm cả đờn hát, vừa chuyên Việt ngữ. Lại học chữ Hán có bốn năm mà dạy cả một trường danh tiếng như trường An Ninh, quả thật là sự hãn hữu, hiếm có” (HT, tr. 44). Bằng phương pháp dạy học sáng tạo của mình, cha luôn làm cho buổi học sinh động, không nhàm chán. Điều này được ghi lại trong sách hạnh tích: “Trong giờ học, cha hay nói pha trò cho vui, khiến lớp học nên sầm uất hoạt động, nhất là khi thấy các học trò buồn…”. (HT, tr. 42).
Với sự nghiêm cẩn vốn có từ trong tính cách, cho dù làm bất cứ việc gì: lên lớp, soạn bài hay nghiên cứu… ngài đều làm việc với một tinh thần nghiêm túc, không bao giờ làm qua loa, lấy lệ. Có thể nói sự nghiêm túc ấy đi liền với việc quý trọng thời gian, cho nên khi thấy học sinh lơ là, không biết tranh thủ thời giờ học và làm bài, ngài nói rằng: “Thời giờ nó như cao su, kéo ra chừng nào cũng được, Vite! Vite! Ngài rất tằn tiện thời giờ cho ngài và cho học sinh, không bao giờ làm hư một giây phút. Học với ngài ai cũng nhận thấy mình được tấn tới gấp hai ba lần so với các cha giáo khác, vì ngài hết sức áp dụng phương pháp sư phạm phổ thông” (HT, tr. 43).
Cha luôn quan tâm tới từng học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chú. Chú nào giỏi ngài không khen, nhưng chú nào lười biếng thì ngài nghiêm khắc răn bảo, cốt để các chú ý thức và tấn tới trong việc học tập. Không chỉ luôn đau đáu trong lòng là làm thế nào để học trò đạt kết quả tốt cả về tri thức lẫn đời sống đạo đức. Cha giáo Thuận còn là người rất say mê sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Từ khi ngài được bổ nhiệm làm cha giáo, ngài có nhiều sáng kiến, chuyên đề góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả dạy và học của nhà trường.
Nhờ việc cải tiến, sáng tạo và tích cực đổi mới phương pháp trong việc giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với các lớp, các đối tượng học sinh, mà thành tích của học sinh cũng như nhà trường đạt được nhiều thành quả: “Theo chứng thơ các cha gửi đến, cha giáo Thuận là một giáo sư biệt tài, một tay anh hùng đại đảm. Với học lực uyên bác, cha cực điểm về nhiều phương diện xứng đối một nhà hiền nhân quân tử” (HT, tr. 42). Theo tác giả cuốn Hạnh Tích: “Nhờ ngài mà tiểu chủng viện An Ninh, biết được nhiều khoa học khúc mắc như: đại số, kỷ hà học, vạn vật học… Ngài chịu khó dọn bài, chấm bài, cắt nghĩa kỹ càng, chuyên bề thực hành hơn lý thuyết” (HT, tr. 42).
Nhất là sau năm năm làm cha xứ ở Nước Mặn, ngài lại tiếp tục đảm nhận vai trò giáo sư tại Tiểu Chủng viện An Ninh lần thứ hai. Lần này, ngài “mở mang học vấn: mua thêm sách Việt – Pháp, sách khoa học. Kỳ ngài trở lại trường An Ninh lần thứ hai này. Học trò lên một trình độ khá cao, biết rất nhiều điều. Nói được ngài là vị giáo sư kim thời, biết tiến triển theo phong trào học vấn. Năm năm cha ở nước mặn đã học thêm tiếng Việt, chữ Hán, nên giảng dạy thâm thúy, nói năng lợi khẩu, học trò tấn tới hơn nhiều” (HT, tr. 75).
Như Thánh Tôma Aquinô đã nói: “Một vị thầy tốt nhất là người không chỉ truyền đạt kiến thức cho các học trò của mình, mà còn làm cho họ trở thành những bậc thầy dạy cho tha nhân”[5]. Điều này có thể áp dụng cho Cha Henri Denis (Cố Thuận), người đã đào tạo ra những môn sinh xuất sắc như Đức cha Phêrô Martino Ngô Đình Thục, Giám mục Vĩnh Long (x. Ht, tr. 43), Đức cha Anselmô Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm, Linh mục Giáo sư Thiên Phong Bửu Dưỡng và các vị giáo sư khác nữa.
Tuy nhiên, công việc đào luyện các chủ chăn tương lai đâu chỉ giới hạn trong việc truyền thụ kiến thức. Hơn ai hết, cha xác tín về tầm quan trọng của đời sống thánh thiện như Carolo Boromeo, hay Gioan Vianney. Hai phương thế được cha đem áp dụng để uốn nắn các chủng sinh nên thánh, đó chính là lòng yêu mến và gương sáng.
2.Cha Henri Denis, cha sở hăng say xây dựng nhà Chúa
Có thể nói, ước mơ trở thành nhà truyền giáo, trở thành người “đem Tin Mừng Bình An” đến cho những người nghèo khổ ở những nơi xa xôi, ở những nơi mà Ánh Sáng Tin Mừng chưa được chiếu tỏa, cứ thôi thúc trong tâm hồn cha khôn nguôi. Vậy mà khi đến Việt Nam, Đức cha lại đặt ngài làm giáo sư, nhưng vì ngài có một sự vâng phục tuyệt đối nên ngài luôn “thuận theo ý Chúa” như chính cái tên của ngài – Cố Thuận. Điều này, chính các cha cùng thời với ngài đã làm chứng: “Cha giáo Thuận ước ao đi mở nước Chúa hơn làm giáo sư chủng viện. Nhất là từ kỳ niên giải 1906, ngài theo đức cha đi kinh lược miền rừng cho đến Lao Bảo, gặp nhiều người đồng bào Thượng chưa tòng giáo, ngài động lòng thương muốn quy thuận họ về cùng Chúa” (HT, tr. 50).
Có lần ngài chia sẻ với song thân “Con hy vọng sẽ được ra ngoài mở Nước Chúa, song ở đây hay ở đâu con cũng lấy làm tử tế luôn. Con xin thú với cha mẹ rằng: con không tiếc vì đã qua Việt Nam, mà lại nếu con được chọn nơi ở, thì con chọn nơi truyền bá Phúc Âm thôi” (DN, số 3; HT, tr.51). Vì khát khao được nói về Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa, dịp Giáng Sinh năm 1907 khi viết thư cho song thân ngài tâm sự rằng: “Kính thưa cha mẹ rất yêu dấu, thương thay cho người ngoại giáo, lễ Sinh Nhật năm nay cũng còn chưa phải cho họ! Chúa xuống thế đã gần hai ngàn năm mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người! Khi con suy sự ấy, thì cái phòng giáo sư của con đây nên như cái ngục cho con! con ước ao mở miệng la hết sức nói về Chúa cho những kẻ chưa nhận biết Người được ơn trở lại…Chắc năm sau đây con sẽ được làm cố đi giảng đạo, hoặc cho người Kinh hay cho người Thượng, được vậy, con thỏa lòng biết bao! Thế nhưng, nếu Chúa muốn con cứ ở lại nhà trường thì con rất bằng lòng. Xin cha mẹ cầu nguyện cho con và cho kẻ ngoại” (DN, số 4).
Ước mơ của ngài đã trở thành hiện thực, đầu năm 1908 Chúa đã soi lòng Cố Chính đang làm Bề trên Địa phận bấy giờ sai ngài đi coi Họ Nước Mặn. Và mối bận tâm lớn nhất của ngài khi về coi sóc Giáo xứ này là chăm lo đời sống đức tin của các giáo hữu. Đó cũng là một trong những phương thế của ngài dành cho việc truyền giáo. Chính vì vậy, ngài áp dụng ngay phương pháp của thánh Tông Đồ: “Bởi nghe mà tin” nên “tiên vàn ngài chịu khó dạy kinh bổn, đạo lý, khi thì trẻ con, lúc thì chầu nhưng. Thường ngài dạy từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối và từ 8 giờ tối đến 11 giờ khuya, tất cả chừng 11 hay 12 giờ” (HT, tr. 53). Như vậy, ngài hoàn toàn làm đúng với những gì mà Giáo Hội đã hướng dẫn. Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI cũng đã nêu lên sứ mạng của người loan báo Tin Mừng trong Tông huấn Evangelii Nunciandi rằng: “Chứng tá không thôi chưa đủ, vì chứng tá cho dù đẹp đẽ nhất sẽ trở nên vô hiệu theo thời gian, nếu nó không được soi sáng, biện minh, nghĩa là theo thánh Phêrô “luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15) và nếu nó không được diễn đạt bằng một sự loan báo rõ ràng, không mập mờ về Đức Kitô. Tin Mừng đã được công bố nhờ chứng tá đời sống, sớm muộn phải được công bố bằng Lời hằng sống. Không có Phúc Âm hóa đích thực nếu danh tánh, lời giảng dạy, đời sống, lời hứa, vương quốc và mầu nhiệm của Đức Giêsu Nadarét không được công bố”[6]. Tuy nhiên, việc làm chứng này bao giờ cũng là một việc làm chưa trọn, vì ngay cả chứng tá tốt đẹp nhất, về lâu về dài, cũng tỏ ra vô hiệu lực, nếu nó không được dẫn giải, chứng thực – điều mà Thánh Phêrô gọi là sẵn sàng trả lời cho người đối chất anh em về lý do anh em hy vọng (x. 1Pt 3,15) – và làm sáng tỏ bằng một việc loan báo rõ ràng và dứt khoát về Chúa Giêsu. Tin Mừng được loan báo bằng chứng tá cuộc sống sớm muộn cũng phải được loan báo bằng ngôn từ của cuộc sống. Nếu danh tánh, giáo huấn, đời sống, lời hứa, vương quốc và mầu nhiệm của Chúa Giêsu Nazarét, Con Thiên Chúa, không được loan báo thì cũng không có việc truyền bá Phúc Âm đích thực.
Ngoài ra, noi gương lòng nhân hậu và tình yêu vô vị lợi của Thầy Chí Thánh Giêsu, Cha Henri Denis đã đến với những con người nơi đây không chỉ bằng lời rao giảng mà còn bằng chính sự hiện diện với tất cả tình yêu và sự quảng đại, sẵn sàng hy sinh, hiến trọn cuộc sống mình để phục vụ hết mọi người lương giáo không kể giờ giấc. Một thầy trợ giáo, nghĩa tử của ngài làm chứng rằng: “Thường ngài hay mua thuốc về cứu giúp bệnh nhân, ai đau hay thương tích gì đến xin ngài làm thuốc thì chính tay ngài múc nước chùi rửa. Làm thuốc một cách rất chu đáo… khi ốm đau, ngài chữa thuốc như vậy, đến lúc chết, ngài thân hành liệm xác và cho tiền mai táng. Như chứng thơ rằng: hộ con nay phải dịch thiên thời thổ tả chết mất mười người, con cũng bị, song nhờ ơn Chúa đã khá. Người ta thất kinh đến nỗi không ai dám liệm xác kẻ chết. Chính tay con phải ôm xác bỏ vào quan tài, đậy nắp, đóng đinh, rồi bỏ tiền thuê người ta đem chôn!” (HT, tr. 56). Điều này, ngài đã thực hiện như lời Mẹ Giáo Hội dạy: “Sự hiện diện của các Kitô hữu giữa các cộng đồng nhân loại phải được tác động bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta và muốn chúng ta cũng biết thương yêu nhau. Đức ái Kitô giáo phải thực sự lan toả đến tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giai cấp xã hội hay tôn giáo; đức ái không vụ lợi cũng không cầu mong được đáp đền. Như Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu vô vị lợi, các tín hữu cũng phải lấy tình bác ái để yêu thương con người với cùng ý hướng như chính Ngài đã thể hiện khi đến tìm gặp con người”[7]. Quả thật, tất cả những việc ngài làm cho họ hoàn toàn bằng một tình yêu nhưng không, chẳng cầu mong họ đáp đền, một chỉ mong họ nhận ra tình yêu của Chúa và trở về với Chúa là Cha yêu thương hết mọi người.
Có thể nói, ngài là vị mục tử luôn rộng lượng chia sẻ với mọi người, Thầy Micael từng ở với ngài chia sẻ rằng: “Hằng ngày kẻ khó đến xin luôn mà chưa hề thấy cha để ai về tay không. Có nhiều lần ngài bố thí hết không còn một trự, đầu bếp đến xin tiền thì ngài bảo ra hàng xóm mượn đỡ … Khi đi làm các phép sau hết ngài cũng bỏ hai ba quan tiền vào tráp để có gặp nhà nghèo khó thì giúp đỡ” (HT, tr. 54). Nhưng lại khổ chế với chính mình, “Cố Thuận làm việc nhiều mà lại dùng vật thực rất ít và rất thanh đạm. Buổi mai chỉ vài ba củ khoai là xong… ngài thường dùng rau, măng. Ngài không dùng thịt…” (HT, tr. 44). Đời sống hằng ngày của cha rất bình dị, đơn sơ, đạm bạc. Ngay từ bé ngài đã học được nơi cha mẹ tinh thần yêu chuộng đức khó nghèo và khinh chê tiền bạc. Khi còn là Giáo sư Tiểu Chủng viện An Ninh, “trong phòng ngài chỉ có một chiếc bàn viết xấu, vài ba cái ghế xấu, một giường nhỏ, không nệm, gối đầu bằng cục gỗ, một cái tủ đời thượng cổ, vài ba bộ quần áo vải thô, năm bảy quan tiền cho kẻ khó, một ghế quỳ nhỏ, một kệ để sách. Trên tường treo một mẩu ảnh Thánh Giá,một ảnh Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành,… Quanh năm, cha vốn đi chân không mùa nào cha cũng chỉ mang một áo lót vải thô với một áo dài đen vải dù rất mỏng” (HT, tr. 45). Ngài luôn bằng lòng với nhu cầu tối thiểu của mình.
Ngay từ khi còn là mục tử trên cánh đồng truyền giáo ở Xứ Nước Mặn, vị thừa sai trẻ Henri Denis luôn nhiệt thành, năng nổ xây dựng cơ sở vật chất và tinh thần cho giáo xứ, để giúp giáo dân sống đức tin năng động và phong phú hơn. Sau này, Giáo Hội cũng mời gọi con cái mình trong việc “hòa nhập đời sống xã hội và văn hóa của dân”, như Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo – Ad Gentes đã nêu: “Để có thể làm chứng cho Chúa Kitô cách hữu hiệu, các Kitô hữu phải tìm đến mọi người chung quanh với thái độ tôn trọng và yêu thương, phải ý thức về tư cách là thành viên của cộng đồng đang chung sống, tham gia đời sống văn hoá, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động nhân văn; phải thân thiết với các truyền thống dân tộc và tôn giáo; hãy khám phá với niềm vui và trân trọng những hạt mầm của Lời Chúa đang tiềm ẩn trong đó”[8].
Chính vì thế, ngài rất quan tâm đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, biết được ưu điểm của người dân thích rước và những hình thức bên ngoài nên cha hay “mở cuộc lễ linh đình, hoặc dọn tiệc cho người ta ăn uống… thường niên dịp lễ Giáng Sinh, ngài quen cho bổn đạo ăn tiệc ban đêm mừng Chúa Hài Đồng…ngài hạ một con trâu, một heo và 15 thúng gạo xôi” (HT, tr. 59). Trong thư gửi song thân, ngài nói: “Ở họ đạo con đây hầu hết là bổn đạo tân tòng, họ mới đi đạo hôm qua nên rất cần sự trọng thể bề ngoài, kẻo bên lương họ chê cười: bên đạo buồn quá. Con đã mua 400 cái nồi đất và mồ hóng để đốt cây bông cây hoa, con bắt làm đèn giấy ngũ sắc lớn nhỏ đủ thứ. Lễ Sinh Nhật, các trung nam trung nữ ca vãn hay vô cùng, họ thay đổi nhau hát trót ngày thâu đêm…” (HT, tr. 59).
Là Cha sở Nước Mặn, Cố Thuận xây dựng ngôi thánh đường khang trang lộng lẫy theo kiến trúc Á Đông. Lúc đầu ngài chỉ định tu sửa lại nhưng mọi thứ trong ngôi nhà thờ cũ đều hư, nên buộc lòng ngài phải làm mới hoàn toàn. Ngài đã viết thư kể cho cha mẹ về công việc của mình rằng: “Con mắc coi thợ sửa nhà thờ: thợ mộc, thợ nề vô số, phải luôn để mắt kẻo họ làm sai. Con vừa làm ông đốc công, vừa làm người thầu khoán, vừa làm người cai ‘culi’ và nhiều khi làm ‘culi’ nữa. Thợ mộc Việt Nam có hơi kém, song thợ nề giỏi lắm, còn thợ chạm thì đặc biệt. Trước con định sửa lại thôi, nay mới biết phải làm lại hết vì mối đã ăn sạch cả” (HT, tr. 63).
Ngoài những phương thế mà Cố Thuận áp dụng cho việc loan báo Tin Mừng như: dạy giáo lý kinh bổn, hiện diện và chia sẻ tình thương yêu bằng việc phục vụ (làm thuốc, chia sẻ tiền bạc vật chất), hội nhập văn hóa… ngài còn sử dụng phương thế: tiếp xúc cá nhân với từng con chiên. Đặc biệt, khi ngài làm cha sở ở Giáo xứ Nước Mặn, trong thời buổi khó khăn về an ninh và cả phương tiện đi lại, thế mà ngài vẫn nhiệt tâm len lỏi thăm viếng mục vụ khắp nơi trong giáo xứ mà ngài được bổ nhiệm. Khi viết thư cho song thân, ngài kể lại: “Không khi nào con mắc việc bằng kỳ này, con phải đi thăm các họ, hôm nay ở Lập Yên, tối mai con về ngủ ở Phú Gia. Tội nghiệp cho con ngựa của con, chắc có ngày cả nó và con sẽ đổ. Đến đâu thì con bảo họ năng xưng tội, rước lễ, khi con về thì lòng đầy vui sướng” (HT, tr. 55). Không những đi thăm các họ đạo trong xứ, ngài còn đích thân đi thăm riêng từng nhà để trực tiếp biết rõ từng con chiên mà Chúa gửi đến cho ngài. Trong thư gởi cho song thân, ngài viết: “Con đi thăm bổn đạo, con đến từng nhà một. Mỗi nhà con cho một ảnh Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, tràng hạt, áo Đức Bà, đoạn con nói ít lời an ủi họ” (HT, tr. 55).
Đức Giáo hoàng Phaolô VI viết trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng – Evangelii Nuntiandi rằng: “Bên cạnh cách loan truyền Tin Mừng dưới hình thức tổng quát, còn có một hình thức khác để truyền đạt Tin Mừng vẫn còn giá trị và quan trọng: Đó là việc tiếp xúc cá nhân. Chính Chúa Giêsu đã thường thực hành phương pháp này, chẳng hạn Người đã đàm đạo với Nicôđêmô, với Giakêu, với người nữ Samaria, với Simon người thu thuế. Cả các Tông Đồ cũng đã làm như vậy. Thực ra có cách truyền đạt Tin Mừng nào khác hơn là truyền đạt cho người khác kinh nghiệm đức tin của chính mình? Do đó, không nên vì sự cần thiết phải loan Tin Mừng cho quần chúng mà quên hình thức loan truyền này. Chính nhờ hình thức này mà lương tâm cá nhân của con người được chạm tới, được đánh động do lời nói khác thường mà họ nghe được nơi người khác”[9].
Với lòng yêu mến và tôn sùng Đức Maria cách đặc biệt, cùng với đặc sủng truyền giáo của mình, suốt năm năm trong cương vị chủ chăn của Giáo xứ Nước Mặn, Cha Henri Denis đã tạo lập được những cơ sở nền tảng cho sự phát triển giáo xứ còn non trẻ này. Lúc nào ngài cũng trung thành với bổn phận và nhiệt thành trong mọi phương diện. Trong đời sống linh mục thừa sai, cha đã nên tấm gương sáng cho các linh mục bản xứ và các chú, các thầy ở Tiểu Chủng viện An Ninh về đời sống khó nghèo, khổ chế, lòng khiêm nhường và xả thân quên mình, hy sinh vì đàn chiên. Cha đã gắn bó cuộc đời và sứ mạng mục tử của mình với Giáo phận Huế cho đến lúc tàn hơi, và gửi lại thân xác giữa miền truyền giáo thân yêu này.
Trong suốt đời linh mục, cha đã cho thấy hình ảnh của một vị chủ chăn luôn nhiệt thành và âm thầm thực thi sứ vụ Chúa trao phó trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là những lúc giữ vai trò giáo sư với biết bao khó khăn và cám dỗ, cũng như những lúc thực thi sứ vụ của người mục tử với biết bao khó khăn vất vả nhưng ngài vẫn luôn cho thấy một con người luôn sống Tin Mừng yêu thương, đem Chúa đến cho mọi người.
Thay lời kết
Mừng Năm Thánh kỷ niệm Bách Chu Niên khai mở đời sống đan tu chiêm niệm Xitô trên đất Việt, chúng ta cùng ôn lại những kỷ niệm, thụ huấn nơi Đấng Tổ Phụ tinh thần dấn thân trọn vẹn cho Chúa, cho Giáo Hội và cho quê hương Việt Nam. Chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng, ngài là một cha giáo sư, một cha sở, một nhà truyền giáo nhiệt thành, đã dám hy sinh đến tận cùng cho chúng ta. Đón nhận di sản phong phú từ nơi Cha Tổ Phụ, chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ sức sống và tình yêu cho người khác, bằng lời nói, bằng việc làm, và nhất là bằng cuộc sống chứng tá của chúng ta. Chúng ta tự hỏi: Đời sống của tôi có chút gì họa lại theo gương Đấng Tổ Phụ? Canh tân đời sống cũng bao hàm sự liên tục trở về nguồn cội của đấng sáng lập, điều gì thúc đẩy tôi dấn thân trọn vẹn hơn nữa theo gương Cha Tổ Phụ Henri Denis Biển Đức Thuận?
Là đan sĩ Xitô Thánh Gia, hậu duệ của Cha Tổ Phụ, khi nhìn lại với lòng ngưỡng mộ tinh thần truyền giáo của ngài, tự cảm thấy niềm thao thức dấn thân truyền giáo hơn hưa, chúng ta tìm thấy câu trả lời trọn vẹn nơi Cha Tổ Phụ trong vai trò một đan sĩ chiêm niệm. Nghĩa là, đối với Cha Tổ Phụ, sức mạnh truyền giáo của đời sống Đan tu chiêm niệm thật là kín nhiệm.
“Lần theo dấu vết dòng thời gian,
Tìm lại bóng cha giữa cuộc trần,
Con viết bài ca để tưởng niệm,
Kính dâng Tổ Phụ niềm tri ân”[10].
[1] X. Nhớ Nguồn, 1993, tr. 26-27.
[2] Mẹ Têrêsa Caltutta: “We need priests because we need Christ. Priests of Christ, give us Jesus, only Jesus, always Jesus”. Trích trong Daily Gospel 2018, tr. 5.
[3] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng – Evangelii Nuntiandi, ban hành ngày 08.12.1975, số 41; được trích lại từ trong: Pope Paul VI, Address to the Members of the Consilium de Laicis (2 October 1974): AAS số 66 (1974), tr. 568.
[4] Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, Dialogues II, số 36.
[5] X. Saint Thomas Aquinas, Summa Theologica, Ia 103, Aticle 6.
[6] Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng – Evangelii Nuntiandi, ban hành ngày 08.12.1975, số 22.
[7] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo – Ad Gentes, chương 2, số 12.
[8] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo – Ad Gentes, chương 2, số 11.
[9] Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng – Evangelii Nuntiandi, ban hành ngày 08.12.1975, số 46.
[10] Trích thơ: “Bài ca tưởng niệm, Nhớ Nguồn, 1993, tr. 175.
TỪ CHA DENIS THUẬN
ĐẾN CHA BENOÎT THUẬN
Gioan Baotixita Etcharren (Hoàng Trung) MEP
Từ một cuộc sống truyền giáo tích cực trong cương vị linh mục của Hội Thừa Sai Paris đến một cuộc sống đan tu với cương vị người sáng lập Dòng Xitô đầu tiên tại Việt Nam. Cuộc sống truyền giáo và cuộc sống chiêm niệm.
Cha Denis Thuận đã có một ước mơ, nhưng ngài không phải là người mơ mộng. Ngài đã không đợi trở thành Cha Benoît Thuận mới phát huy hết tinh túy của mình. Đúng ra ngài là một con người có óc thực tiễn, mà ở vào mỗi giai đoạn của đời mình, đã biết tận dụng hết mọi phương tiện mình có. Từ khi còn học sơ cấp, ngài đã chăm chỉ. Việc khởi đầu đôi khi cũng khó khăn, nhưng ngài lại không ngừng tiến bộ trong học tập. Từng bước một, ngài tiến đến một mục tiêu chưa rõ ràng lắm, nhưng đang rèn luyện được những khí cụ cho ngài có khả năng quyết định dứt khoát và sống hết mình với cuộc dấn thân của mình. Là người có đầu óc thực tiễn, ngài cũng tỏ ra là người có lý tưởng với đòi hỏi cao, được thôi thúc và soi sáng bởi đức tin Kitô giáo, được cắm rễ sâu ngay từ thời thơ ấu.
1.Thời kỳ gieo giống
Dựa vào công trình nghiên cứu luận án của Cha Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, một vài kỷ niệm thời thơ ấu được nhắc đến trong sách Hạnh Tích Cha Benoît Thuận của Cha Dom Emmanuel Triệu Chu Kim Tuyến: “Khi còn rất nhỏ, Henri Denis thường theo cha đi phát bánh mì cho dân làng. Lợi dụng dịp này, cha ngài dạy cho Henri Denis quỳ gối trước thánh giá giữa làng để cầu nguyện. Và mỗi sáng, trước khi đi làm, Henri Denis và cha mẹ cầu nguyện trước bàn thờ gia đình”.
Còn có ngôi trường nào tốt hơn cho một nhà truyền giáo tương lai? Trước khi dấn thân vào những công trình mục vụ và truyền giáo, việc cầu nguyện sẽ giúp ngài ý thức đây là việc làm nhân danh Chúa Kitô và cùng với Chúa Kitô. Như thế, ngài sẽ tránh được thói năng động đầy ảo tưởng và nguy cơ lấn át lên sứ vụ đích thật. Cũng vậy, nhờ cầu nguyện mọi việc bác ái sẽ do chính những tâm tình của Chúa Kitô đối với người nghèo, thôi thúc ta nhiều hơn. Đối với ngài, cầu nguyện là giây phút sống thật trước mặt Chúa. Ngài cũng đã học cầu nguyện nơi mẹ của ngài. Đó cũng là một trong những kỷ niệm thời thơ ấu mà Cha Dom Emmanuel Triệu đã ghi lại: “Tôi rất hạnh phúc trong thời thơ ấu của tôi, mẹ tôi dạy tôi cầu nguyện và yêu mến cầu nguyện”.
Khi lên tám tuổi, Henri Denis chịu một thử thách lớn đầu tiên. Mẹ ngài mất sau một cơn bệnh nặng. Hai năm sau cha ngài tục huyền. Giọng văn và nội dung của những bức thư mà Cha Denis Thuận viết sau này gửi cha và mẹ kế của ngài, cho chúng ta thấy rằng, đối với cậu bé Henri, cuộc sống gia đình đã được tiếp tục trong một tổ ấm yêu thương, với những chia sẻ và liên hệ cởi mở với nhau. Chúng ta tiếc rằng những bức thư đó đã thất lạc hết, nhưng may thay Cha Dom Emmanuel Triệu đã có dịch một vài bức thư sang tiếng Việt. Ngày nay chúng được lưu giữ trong cái kho tàng có tên là Di Ngôn. Giọng văn trong những bức thư này rất tươi trẻ, gần như thư trẻ con. Chúng dẫn đưa chúng ta đến những năm tháng thơ ấu, nơi đó ngài dường như rất hạnh phúc, dù mẹ ruột đã mất sớm.
Trong những bức thư này, Cha Henri kể lại những gì ngài làm, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của ngài, ngài nói rằng rất yêu Việt Nam, ngài xin cha mẹ cầu nguyện cho xứ sở mà ngài yêu mến này. Ngài cũng gửi gắm những người đang gặp thử thách nhờ cha mẹ cầu nguyện. Ngài không ngại chia sẻ những ước mơ, những ưa thích của ngài, dự án của ngài, cái dự án lớn lao của đời mình, việc thành lập một đan viện.
Tôi vẫn còn muốn nói về những năm tháng sống trong gia đình, bởi vì tôi nhìn thấy ở đó một nguồn năng lực sâu xa, nơi mà Cha Denis sẽ múc lấy trong suốt các giai đoạn của cuộc đời, những giai đoạn sẽ dẫn ngài từ cuộc sống truyền giáo năng động đến cuộc sống chiêm niệm trong cộng đoàn. Những bức thư của ngài nói lên điều đó. Rõ ràng là ngài muốn cha mẹ cùng liên kết vào sứ mệnh của ngài. Vậy mỗi người chúng ta, cho dù là nhà truyền giáo hay đan sĩ, chúng ta sống như thế nào về điểm này? Làm sao ta có thể nào chiêm ngắm vẻ đẹp của Thiên Chúa mà quên đi những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã ban cho ta ngay từ khi vừa chào đời?
2.Thời gian của những lựa chọn dứt khoát
Những giai đoạn sau đây sẽ là quan trọng và quyết định. Để đừng lạc xa đề tài đã báo trước, tôi xin nói về quyết định gia nhập Hội Thừa Sai Paris của Henri Denis. Đó là một quyết định rất chín muồi sau một thời gian suy nghĩ và cầu nguyện cùng với vị linh hướng của ngài. Trong đơn của ngài xin gia nhập Hội Thừa Sai Paris gửi Cha Bề trên, tôi nhớ những câu sau: “Vào khoảng cuối lớp sáu, lần đầu tiên con cảm nhận niềm khao khát tận hiến đời mình để cứu rỗi dân ngoại và đặc biệt là những người Tàu đáng thương”. Cái từ vựng ấy có thể làm chúng ta bật cười nhưng nó cũng cho thấy tính cách nghiêm túc của điều ngài mơ ước. Và như thể muốn chứng minh cho điều đó, ngài viết thêm: “Lúc đầu có phần nào thích đi xa và phiêu lưu, nhưng dần dần ước mơ này càng ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ, đến độ trong lớp Tu Từ, cha giáo có thể nói với con rằng ơn gọi của con có vẻ chắc chắn một cách tuyệt đối” (Trích Luận án của Cha Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, trang 42). Sự phát triển của ơn gọi truyền giáo nơi ngài, được diễn tả trên đây, đã đưa chúng ta đến giai đoạn tiến triển và thanh luyện mà ơn gọi đan tu trong ngài sẽ có.
3.Ý nghĩa của những ơn gọi đặc biệt
Tôi vẫn thích trích thêm một đoạn trong bức thư do Cha Bề trên Đại Chủng viện Arras gửi Cha Bề trên Hội Thừa Sai Paris : “Đó là những thông tin tốt nhất, tôi không hề do dự, mà tôi có thể gửi cho cha về cậu thanh niên này. Sự ra đi của cậu ấy sẽ là một mất mát cho giáo phận. Giáo phận đã có thể xây đắp nhiều hy vọng trên anh ta. Tuy nhiên, theo một quan niệm khác thì điều đó sẽ là một thắng lợi: chúng ta nên có một vài ơn gọi đặc biệt. Những ơn gọi này nâng mức độ của những ơn gọi bình thường lên cao hơn”. Đây không phải là việc xem ơn gọi này trọng hơn ơn gọi kia, nhưng là nhìn nhận rằng một ơn gọi đặc biệt có thể mang đến một ánh sáng mới cho những loại ơn gọi khác. Trong Thông điệp Sứ Mệnh Cứu Độ, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II diễn tả điều này như sau: “Ơn gọi đặc biệt truyền giáo giữ vững ý nghĩa trọn vẹn của nó: đó là mô hình của việc dấn thân truyền giáo của Giáo Hội, nó luôn cần một vài người tự hiến một cách triệt để và táo bạo” (RM, số 66). Lời khẳng định này cũng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của ơn gọi đan tu của Cha Benoît. Trong Giáo Hội, đời sống đan tu cũng là dấu chỉ táo bạo của Nước Trời đã hiện diện trên thế gian này. Được sinh ra từ một Giáo Hội non trẻ nơi đó thông điệp của Chúa Kitô mời gọi mọi người nên chiêm ngắm sự thánh thiện, lòng tốt vô biên của Thiên Chúa, đời sống đan tu sau này sẽ diễn tả một cách đặc biệt ơn gọi phổ quát của mọi Kitô hữu.
4.Chủng viện Hội Thừa Sai Paris
Cậu thanh niên Henri Denis đã sẵn sàng để đón nhận một ơn gọi như vậy, ơn gọi này sẽ lớn lên và được thánh hóa dưới thử thách của thời gian và sự vâng phục. Việc học tập lâu dài được bắt đầu bằng cách đào tạo tại Chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Chủng viện lúc bấy giờ do Linh mục Prosper Delpech điều hành. Đó là một nhà truyền giáo nổi tiếng, trước đây là giáo sư tại Trung học Penang. Việc đào tạo về thần học phải đi đôi với việc chuyển tải một truyền thống và một tinh thần. Mặc dầu những cuộc bách hại tại Châu Á thời đó đã giảm xuống, nhưng những câu chuyện kể về chúng vẫn còn, xương thánh, những thánh tích của các vị tử đạo mà ta có thể thấy ở phòng các thánh tử đạo, việc tôn sùng các chứng nhân vĩ đại của niềm tin ấy, đã nung đốt lòng quảng đại của các chủng sinh trẻ, khiến họ nóng lòng muốn chính mình cũng ra đi. Muốn chuyển tải còn cần phải đổi mới và hiện thực hóa những đòi hỏi của sứ mệnh. Những đòi hỏi này đã được các linh mục truyền giáo đầu tiên Giáo Hội Rôma phái đến Châu Á năm 1659 lập ra. Đó là Pierre Lambert de la Motte và François Pallu, cũng là các đấng thành lập Hội Thừa Sai Paris. Những đòi hỏi này được ghi trong một tác phẩm có tên là Monita ad Missionarios, các giáo huấn dành cho các nhà truyền giáo của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin. Trong số những nguyên tắc đầu tiên dành cho các nhà truyền giáo trẻ, ta thấy có sự ưu tiên dành cho việc hãm xác và cầu nguyện trước khi dấn thân vào mọi công việc Tông Đồ. Sau đó là việc cần thiết phải hiểu rõ đất nước và lịch sử truyền giáo của nước đó, cần phải học ngôn ngữ, hiểu biết các phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc mà ta được gửi tới. Trong đó còn cảnh báo sự tự đắc, kiêu ngạo, tin tưởng thái quá vào những phương tiện của con người, chăm lo thái quá cho cơ thể, việc thu phục lòng tin một cách dễ dàng bằng những mưu lược…
Tất cả những điều đó, Henri Denis đã khắc ghi vào tâm trí và đời sống tâm linh của mình. Ngài cũng sẽ lấy cảm hứng từ truyền thống này và từ những giáo huấn nhận được, để xác định dự án đời sống đan tu của mình. Nhưng giờ đây ngài chưa mơ đến điều đó, thực tại của việc ra đi và những cuộc chia ly đã đủ để làm ngài phải bận rộn.
5.Đến đất nước đón nhận ngài – Linh mục Denis Thuận
Với tràn đầy quyết tâm ngài đã đến tông tòa Huế ngày 31 tháng 05 năm 1903. Henri Denis nhận một cái tên mới do Giám mục của mình đặt cho. Ngài trở thành Linh mục Denis Thuận. Thuận có nghĩa là chấp nhận, đồng ý, vâng phục. Thuận gió có nghĩa là gió hợp với hướng. Linh mục Denis sẽ có dịp để trải nghiệm hết các ý nghĩa của tên mình. Sau khi học ngôn ngữ, ước mơ của ngài là loan báo khắp nơi sự cứu rỗi được Chúa Giêsu Kitô đã hứa và mang đến cho mọi người. Ngài được chiếm cứ bởi tình yêu Thiên Chúa Cha dành cho mọi người, tình yêu mà Chúa Kitô đã đến mạc khải. Ngài cũng được thôi thúc bởi một tình yêu lớn lao dành cho nước Việt và cho dân Việt. Trong thư gửi cho cha mẹ, ngài viết: “Con yêu người Việt một ngày một hơn. Con không nghĩ rằng con có thể rời Việt Nam và trở về Pháp” (DN, số 2). Cũng chính trong bức thư này, ngài khoe cái áo mưa làm bằng lá tơi của người Việt là áo mưa duy nhất có thể chống mưa ướt “chỉ có áo tơi Việt Nam là không ướt” (x. DN, số 2).
Trong một thư khác (HT, tr 46-47), nhân ngày đầu năm, Tết Việt Nam, ngài chúc năm mới cha mẹ ngài và nói rằng từ này về sau ngài thích mừng ngày Tết Việt Nam hơn là ngày đầu năm Dương Lịch. Tình yêu mến đối với đất nước đã tiếp nhận mình và việc thích nghi với văn hóa nước ấy là những nền tảng cơ bản đối với một nhà truyền giáo từ xa đến. Trong Thông điệp Redemptoris Missio, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lại nhắc đến điều đó: “Các nhà truyền giáo đến từ những Giáo Hội khác và từ những nước khác phải tháp nhập vào môi trường xã hội văn hóa của những người mà họ được gửi đến. Vì vậy họ cần phải học ngôn ngữ địa phương, nơi họ làm việc. Họ cần phải biết những cách diễn đạt ý nghĩa nhất của văn hóa người dân, qua những khám phá các giá trị nhờ vào kinh nghiệm trực tiếp” (RM, 53). Cha Denis Thuận sẽ hết sức nhạy cảm và tiếp thu nơi việc hiểu biết trực tiếp từ cuộc sống người dân. Mối quan hệ này, gần như ruột thịt với cái thế giới đang vây quanh ngài, sẽ rất quan trọng trong những lựa chọn của ngài khi xây dựng đan viện. Trong lúc chờ đợi, ngài vâng phục Giám mục của mình, nhưng vẫn không giấu những điều mình yêu thích.
6.Căng thẳng giữa ước mơ và thực tại
Cha Denis Thuận vui lòng nhận lấy những công việc được giao. Công việc đầu tiên là dạy học tại tiểu chủng viện. Có lẽ ngài thích đi giảng cho dân ngoại hơn, loan báo Nước Chúa và làm cho thiên hạ mở lòng ra để trông cậy vào ơn cứu độ. Trong một bức thư gửi cho cha mẹ, ngài nói rằng ngài hy vọng sẽ được vị giám mục mới đến cho ra khỏi tiểu chủng viện. “Khi vị giám mục mới đến chắc sẽ có nhiều thay đổi, con hy vọng sẽ có thể ra khỏi nơi đây và ra đi mở cửa Nước Chúa cho mọi người. Cố Chính biết con ước ao lo việc truyền giáo nên hỏi con có thật sự thấy ngại về việc ở chủng viện không? Con trả lời : như con nghĩ, con thấy việc ở chủng viện tốt lắm, song nếu cha sai con đi giảng đạo thì con rất vui lòng!” (DN, số 3).
Đã có sự căng thẳng giữa ước mơ và bổn phận thường ngày, được thực hiện hết lòng. Trong bức thư sau, ngài nói rõ điều này: “Kính thưa cha mẹ rất yêu dấu, thương hại thay cho người ngoại giáo, lễ Noël năm nay cũng còn chưa phải cho họ! Chúa xuống thế đã gần 2000 năm, mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người! Khi con suy sự ấy, thì cái phòng giáo sư của con đây nên như cái tù ngục cho con! Con ước ao mở miệng la to hết sức nói về Chúa cho những kẻ chưa nhận biết Người” (DN, số 4).
7.Công việc Tông Đồ nơi nảy sinh một ước mơ
Căng thẳng đó sẽ không trở thành hoài công và vô ích. Trước hết nó tăng thêm lòng nhiệt thành Tông Đồ trong suốt những năm tiếp đó, khi ngài được phái đến vùng truyền giáo ở Nước Mặn. Sau đó, nó cộng tác vào việc gieo mầm cho một ước mơ khác, một dự án truyền giáo khác, táo bạo hơn, một hình thái giảng dạy với mục tiêu diễn đạt tốt hơn mục tiêu tối hậu của việc Phúc Âm hóa, đó là đời sống chiêm niệm. Lúc bấy giờ dự án về cuộc sống đan tu trào dâng trong lòng ngài, cái dự án này, đến phiên nó, là nguồn mạch của những căng thẳng mới.
Ước mơ của Cha Denis Thuận không kéo ngài khỏi những thực tại lúc đó. Tại Nước Mặn, ngài dấn thân hết mình chăm lo cho giáo dân và truyền giáo cho người ngoại. Trong một bức thư gửi cha mẹ, ngài kể về công việc của mình: “Con đang dạy 62 người ngoại để chịu phép Thanh Tẩy và dạy một lớp trẻ rước lễ vỡ lòng”. Công việc chiếm nhiều thời gian nhất của ngài là việc chuẩn bị cho người lớn rửa tội. Một số người đã lớn tuổi và trình độ học vấn không cao. Có khi ngài phải dạy đến 10 giờ liên tục. Khi mệt mỏi thì đây là cách ngài tỏ bày điều này cho cha mẹ biết: “Thấy mình mệt muốn nghỉ thì con tự bảo: ‘Hỡi Henri Denis, nếu mày không làm linh mục thì mày phải làm anh hàng bánh, nên mày phải làm việc cho gắt, phải làm việc đi, nghỉ chi mà nghỉ! Vạn tuế các cha sở, và cũng vạn tuế các ông hàng bánh nữa!” (DN, số 5).
Việc gợi lại công việc của cha mình đã cho thấy ảnh hưởng của người cha ghi khắc trong ký ức và tâm hồn của người con.
Khi ngài được tin thân phụ qua đời năm 1918, ngài còn nhắc đến cách rõ ràng hơn nữa cái vị trí mà thân phụ nắm giữ trong ơn gọi truyền giáo và đan tu của ngài: “Khi con suy gẫm và cầu nguyện, con hằng nhớ đến cha con luôn. Bức chân dung của người đặt trên bàn viết con có sức thúc dục con bước tới đàng nhân đức hơn hẳn vị thánh nào hết. Xin Chúa cho con được nên hiền lành khiêm nhượng, đầy lòng thương xót như cha con” (DN, số 21).
Từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, Cha Denis Thuận làm chứng cho một sự dấn thân luôn thiết thực hơn trong việc phụng vụ Tin Mừng Chúa Kitô. Ngài đi từ làng này sang làng khác để thăm viếng các giáo dân sống tản mác. Những ngôi làng này ở xa trung tâm, nhưng ngài không kể đến thời gian và mệt nhọc. Ngựa của ngài còn được thương xót hơn chính mình ngài: “Tội nghiệp con ngựa của con, chắc có ngày cả nó và con sẽ ngã gục!” (DN, số 6).
Ngài đến cứu giúp những người đau yếu và nghèo khổ đến độ cho họ tất cả những gì ngài có. Khi có nạn dịch tả, ngài chăm sóc bệnh nhân và cũng chăm sóc luôn cả người chết. “Người ta thất kinh đến nỗi không ai dám liệm xác kẻ chết, chính tay con phải ôm xác bỏ vào quan tài, đậy nắp, đóng đinh, rồi bỏ tiền thuê người đem đi chôn!” (HT, tr 53).
Ngài mang nợ chồng chất và sợ phải chết đi trong nợ nần nếu giám mục của ngài không đến cứu ngài thoát khỏi tình trạng đó.
8.Trở về Tiểu Chủng viện An Ninh
Và sự thay đổi đó đã xảy ra! Năm năm sau khi đến Nước Mặn, Cha Denis Thuận lại được phái đến chủng viện. Ngài rời nơi đây cũng không dễ dàng gì, nơi mà ngài đã rửa tội cho 400 tân tòng. Ngài thú nhận mình đã khóc hết nước mắt. Thời gian sống gần gũi với dân chúng, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với họ, việc đào tạo các giáo lý viên, việc phục vụ bác ái dành cho người nghèo, đã làm nên một giai đoạn quan trọng trong cuộc sống truyền giáo của ngài. Chính trong mối tương quan gần như ruột thịt với một mảnh đất và một dân tộc mà nhà truyền giáo tiếp tục tự đào tạo chính mình và lớn lên. Đó cũng chính là nơi gieo vào lòng Cha Denis Thuận ước muốn sống đời đan tu. Đang lúc ngài nỗ lực hoạt động và hạnh phúc giữa dân ngài yêu mến thì có tiếng kêu gọi ngài đến với một cuộc sống hoàn toàn khác, một cuộc sống yên tĩnh, thinh lặng, ổn định trong cộng đoàn.
Niềm mơ ước sống đời đan tu, ngài mang nó trong lòng thêm một thời gian nữa, trước khi có thể đem ra thực hiện. Nhưng thời gian chờ đợi này sẽ không vô ích. Lòng hướng về mục tiêu đã tự ấn định cho mình từ này về sau, ngài tiếp tục chu toàn cách vui vẻ sứ mệnh hiện tại được trao phó cho ngài tại chủng viện. Ngài rất thích công việc này. Ngài không quên rằng một trong những ưu tiên dành cho các linh mục truyền giáo đầu tiên được phái đến Châu Á, là việc huấn luyện một hàng giáo phẩm địa phương. Tổng cộng là ngài sẽ cống hiến mười năm trong đời truyền giáo của mình để đào tạo các linh mục tương lai. Công việc của huấn luyện viên cũng không nằm ngoài dự tính sống đời đan tu của ngài. Tại đây, giống như ở Nước Mặn, kinh nghiệm trực tiếp lại soi sáng cho ngài về nền tảng của dự tính ngài và củng cố ý chí ngài để tiến đến xa hơn. Kinh nghiệm làm thầy và làm cha linh hướng, cũng như kinh nghiệm truyền giáo tại chỗ, làm cho ngài hiểu rằng một cuộc sống cầu nguyện, hãm mình và chiêm ngắm hằng ngày khuôn mặt của Chúa Kitô, sẽ cần thiết cho sự năng động Tông Đồ của các linh mục tương lai. Đời sống đan tu mà ngài mơ ước có thể trở nên, cho mọi Kitô hữu và đặc biệt cho các linh mục, một dấu chỉ, một gương sáng và một lời nhắc nhở về điều ưu tiên tuyệt đối của đời sống chiêm niệm.
9.Ưu tiên cho cuộc sống chiêm niệm
Dự tính đan tu được xác định
Điều ưu tiên ấy, Hội Thánh đã có kinh nghiệm ngay từ đầu, từ khi các Tông Đồ tụ họp cầu nguyện, Chúa Thánh Thần đã đến chiếm ngự họ và gửi họ đi khắp thế giới. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rõ về điều này trong Tông huấn Redemptoris Missio: “Nhà truyền giáo phải là một người chiêm niệm trong hoạt động. Việc tiếp xúc với các vị tiêu biểu của những truyền thống tinh thần ngoài Kitô giáo, đặc biệt tại Châu Á, đã khẳng định với tôi rằng tương lai của việc truyền giáo, phần lớn, phụ thuộc vào việc chiêm niệm. Nhà truyền giáo, nếu không chiêm niệm, sẽ không thể loan báo Chúa Kitô một cách đáng tin cậy: họ là chứng nhân về kinh nghiệm sống với Thiên Chúa và phải có thể nói như các Tông Đồ: “Điều chúng tôi đã được thấy…, Ngôi Lời hằng sống…, chúng tôi loan báo cho anh em về điều đó” (RM, số 91).
Trong thời gian chờ đợi này, Cha Denis Thuận không bao giờ ngừng hy vọng và suy nghĩ, không những về nội dung và ý nghĩa của dự tính của mình, mà còn về cách tốt nhất để thực hiện dự tính ấy. Cách thực hiện dự tính rất quan trọng, nó phải cố diễn tả cách tốt nhất cái ý nghĩa của mục tiêu mình tìm kiếm. Ngay trong bức thư gửi Đức cha Allys ngày 31 tháng giêng năm 1912, nghĩa là sáu năm trước khi ngài nhận được sự chấp thuận của Giám mục, người ta khám phá ra rằng ngài đã suy nghĩ nhiều về những phương thế phải có để xây dựng một đan viện thật sự thích nghi với đất nước và Giáo Hội Việt Nam. Trong việc này, ngài đã thừa hưởng đúng một truyền thống truyền giáo đòi hỏi phải tôn trọng môi trường xã hội văn hóa của xứ sở và lưu tâm đến điều đó trong việc diễn tả sứ điệp Tin Mừng. Ngài muốn có một đời sống đan tu mà người Việt có thể dễ dàng thấu hiểu được.
Ngài nhìn thấy ba khả năng: Thứ nhất là mời các Thầy Dòng Trappe từ xa đến. Thứ hai là chính ngài tự xây dựng dựa vào mô hình cổ điển của các Thầy Dòng Trappe. Trong trường hợp này, khi đã có đủ điều kiện, ngài sẽ trao đan viện cho giám mục để người mời các Thầy Dòng Trappe lần lượt đến tiếp tục công trình. Thứ ba là chính ngài đến ở cạnh một giáo xứ nghèo. Tại đấy ngài sẽ nghiên cứu Hiến Pháp các Đan viện Dòng Trappe và tập họp bên ngài một vài thanh niên thiện chí. Dần dần sẽ hình thành nên một cộng đoàn đan tu nghèo. Sau này, khi đan viện đã thành hình, ngài sẽ xin Bề trên Dòng Trappe áp dụng Hiến Chương Carta Caritatis. Bằng cách đó, ngài sẽ thích ứng cái đặc tính độc đáo của một quy chế riêng tại Việt Nam.
Hai giải pháp đầu không làm ngài hài lòng. Ngài giải thích điều này với giám mục của mình: “Con hết lòng ước ao các thầy Dòng Trappe đến Việt nam, nhưng thành thật mà nói, con sợ họ che mất sức mạnh của lời cầu nguyện và việc hy sinh sau những ngôi nhà tráng lệ” (DN, số 0). Cha Denis mong muốn dự án của mình phải là việc thực hiện của Hội Thánh, nghĩa là tất cả cộng đoàn Kitô hữu phải liên đới và cuộc sống của các thầy phải được xem thấy, chứ không chỉ một nhóm thiểu số ưu tiên được phép vào trong đan viện. Vùng thinh lặng, đơn độc, cầu nguyện, đúng, nhưng không phải là một hoàng thành.
10.Phước Sơn
Chắc chắn giải pháp thứ ba là điều Cha Denis Thuận quan tâm nhất. Ngài nói rõ điều này với Giám mục của mình: “Thưa Đức cha, xin cho phép chúng con được sống nghèo khó ngay cả bên ngoài nữa, con xin hứa với Đức Cha là chúng con sẽ ở sạch sẽ” (DN, số 0). Đức cha Allys hiểu ý của Cha Denis Thuận, mặc dù ngài cũng tính đến những sự rủi ro. Đó không phải là giải pháp mà ngài thích nhất. Thật vậy, Đức cha Allys đã làm tất cả để mời các Thầy Dòng Trappe ở Châu Âu đến, nhưng câu trả lời luôn là không, lý do thường là vì không hiểu đất nước đó và không hiểu tiềm năng của Giáo Hội Việt Nam. Cha Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn ghi lại trong luận án tiến sỹ của ngài về một bước mới của Đức cha Allys, chứng tỏ sự xác tín của mình, “Ngày 15 tháng Tư 1918, ngài còn viết cả ‘một đơn thỉnh cầu xin xây dựng một cơ sở cho một cộng đoàn nam tại Việt Nam’, đơn được gửi đến Đức Hồng Y Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm” (Luận án, trang 157). Lần này câu trả lời là chấp thuận, nhưng Đức cha Allys đã cho phép Cha Denis Thuận bắt đầu trước đó. Cha Denis Thuận đang khai phá đất trên đồi Phước Sơn, đồi hạnh phúc, khi ngài nhận được tin vui này. Có một nhóm thỉnh sinh ao ước sống đời đan tu đang theo ngài. Mọi sự đều phải bắt đầu và mọi sự phải đổi khác. Ngài cũng phải có một tên mới, ngài trở thành Cha Benoît Thuận.
Đó là một sự cắt đứt thật sự với quá khứ, bắt đầu cho một cuộc sống mới. Không có gì giống với những công việc trong quá khứ. Những vấn đề về vật chất rất lớn: Tất cả đều phải làm, nhà để ở, đất để canh tác hầu tự nuôi sống. Cũng phải học cách tự bảo vệ khỏi thú dữ. Rất nhiều công việc mà Cha Benoît Thuận không biết.
Nhưng không phải chỉ có vấn đề vật chất. Còn có việc đào tạo các thầy trẻ. Cha Benoît Thuận nói về điều này trong thư gửi cho mẹ kế: “Con phải dạy La tinh cho ba thầy, mỗi ngày hai lần con phải dạy đàng thiêng liêng cho cả nhà, tất nhiên phải có giờ dọn bài” (DN, số 52).
Chính Cha Benoît Thuận cũng không có kinh nghiệm gì về đời sống đan tu, không có truyền thống gì để truyền lại. Ngài phải bổ sung bằng cách đọc sách về lịch sử đời sống đan tu, về hiến pháp và quy luật đời sống, bằng những mối quan hệ mà ngài có được, cách riêng với Đan viện Xitô tại Hakodate (Nhật Bản). Ngài có niềm tin, lòng nhiệt thành Tông Đồ, sự hiểu biết về tình bác ái huynh đệ, ngài rành ngôn ngữ và xã hội Việt Nam. Dự án của ngài nhận được thiện cảm của nhiều anh em truyền giáo, các linh mục và các Kitô hữu Việt Nam. Ích lợi của đời sống đan tu đối với các Kitô hữu cũng như dân ngoại đều được công nhận. Cha Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn trích dẫn lời nói của một Kitô hữu người Việt trong Thông Tin Truyền Giáo (Bulletin des Missions): “Điểm hay của cuộc sống tận hiến này, đang chiếu tỏa trên dân Chúa và dân ngoại, thật là to lớn. Sự cầu nguyện và gương lành của họ là một hạt giống thật sự cho Giáo Hội An Nam” (Trích Luận Án, trang 182).
Nếu đời sống đan tu ghi dấu một sự cắt đứt với quá khứ, nó vẫn ở trong sự nối dài và tiếp tục của nhiệt huyết truyền giáo đã dẫn ngài đến Chủng viện của Hội Thừa Sai Paris và từ đó, đến Việt Nam. Đối với những ai đã chịu khó theo dõi hành trình của ngài, từ thời thơ ấu đến Phước Sơn, sự kiên định của việc dấn thân truyền giáo của ngài, ngày càng quyết liệt, đã hiện lên rất rõ. Chính ngài cũng luôn khẳng định điều đó. Đó là trường hợp của bức thư gửi cho Cha Radelet ngày 01 tháng 08 năm 1924. Trong đó ngài ca ngợi giáo huấn của Thánh Bernard về những cám dỗ ở đời và những phương thế phải làm để tránh những sự phân tâm và để cứu linh hồn mỗi người. Cha Benoît kết luận: “Và con xin nói thêm rằng: ‘Hãy lo cho kẻ ngoại được rỗi! Con thêm mấy lời đó vì mục đích chúng con ở đây là đem phần rỗi cho các linh hồn. Hằng ngày chúng con lần hạt ba chuỗi cầu nguyện cho kẻ ngoại. Các kinh chúng con đọc, các việc chúng con làm, sự đau khổ chúng con chịu, đều dâng lên trước tòa Chúa để qui về mục đích ấy” (DN, số 78). Thật đã rõ, ý hướng truyền giáo mạnh mẽ hơn bao giờ hết, sự trung thành với lời hứa đầu không thể chối cãi được. Năm 1912, ngài đã viết cho Đức cha Allys: “Lý tưởng mà con mơ ước là được làm đan sĩ Tông Đồ tại An Nam, nơi đó, Thiên Chúa cần được một số người nhận biết, yêu mến và phụng sự. Họ có nhiệm vụ làm cho mọi Kitô hữu nhận thức rằng lý tưởng đan tu không phải là một chuyện đời xưa, nhưng nó còn hiện thực và hiện thực hôm nay cũng như thời xưa” (DN số 0).
Cách tốt nhất để kết luận về sự trung thành gương mẫu của Cha Benoît Thuận, theo tôi, là lấy lại Lời Nguyện Truyền Giáo mà chính ngài đã viết ra. Tôi chỉ xin trích một đoạn: “Lạy Chúa, khi Ngài sinh ra trên thế gian này, Ngài đã mời gọi Ba Vua Phương Đông đến nhìn nhận và thờ lạy Ngài. Ngài cũng đã nói một ngày nào đó sẽ có nhiều người từ Phương Đông cũng như Phương Tây đến an nghỉ cùng Abraham trên Thiên Đàng. Tại Việt Nam, cũng thuộc về Phương Đông, nhiều người vẫn chưa biết Thiên Chúa Rất Thánh; xin đoái thương dẫn đưa họ về với Ngài, để sau này họ được an nghỉ trên Thiên Đàng. Vinh danh và chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời. Amen” (Trích Di Ngôn).
TU SĨ TÔNG ĐỒ AN NAM
Đề tài được bàn đến trong bài viết này sẽ là: Cha Tổ Phụ – một tu sĩ Tông Đồ tại An Nam. Chúng ta đã nghe nói đến “trí ý của đấng sáng lập”; đó là một lối diễn tả tôn chỉ, mục đích cũng như tâm tư nguyện vọng đặt vào việc thiết lập một dòng tu của một đấng sáng lập. Trí ý của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận khi lập một dòng đan tu chiêm niệm cho người Việt Nam là theo đuổi lý tưởng làm “tu sĩ Tông Đồ tại An Nam”. Theo chúng tôi, cần làm sáng tỏ một số vấn đề sau đây: Ước muốn làm tu sĩ của ngài có từ khi nào? Ngài biết rất rõ tôn chỉ và mục đích của đan sĩ dòng Trappe và muốn trở thành một đan sĩ chiêm niệm đích thực (Vrai Contemplatif), nhưng tại sao lại nhấn mạnh đến việc làm “tu sĩ Tông Đồ tại An Nam”? Hơn nữa muốn lập một dòng chiêm niệm cho người Việt Nam?
Đọc lại Hạnh Tích, Di Ngôn của Cha Tổ Phụ và một số thư của ngài còn lưu trữ trong văn khố Tòa Giám mục Huế, chúng tôi xin tổng hợp và có đôi lời nhận định.
1.Ước muốn làm tu sĩ của Cha Tổ Phụ đã có từ khi nào?
Trước hết xin trích dẫn trong Hạnh Tích đoạn nói về Chú Henri vào Tiểu Chủng viện thành Boulogne năm mười ba tuổi, do Cha Golliot đón nhận với sự đồng ý của Ông Bà Denis:
“Henri về Wimille một năm thì được rước lễ vỡ lòng và chịu phép Thêm Sức, dịp lễ Mình Thánh tháng sáu 1893. Cũng kỳ niên giải năm ấy, cha Golliot giáo sư Tiểu chủng viện thành Boulogne, bạn đồng liêu với cha Eloy, cũng là người làng Wimille, thấy thầy thần học nhỏ của cha Billot nết na đức hạnh, trí tuệ thông minh thì muốn nhận cho đi nhà trường. Cha đến bày tỏ ý kiến cùng ông bà Denis. Không ngần ngại, ông bà vui mừng tạ ơn Chúa, ký thác con cho Cha để Ngài lo liệu việc nhập Tiểu chủng viện. Tự thâm tâm linh hồn, Henri nghe tiếng Chúa kêu gọi như thánh Phêrô: “Hãy theo Thầy” (HT, tr. 34).
Thư phúc đáp của gia đình Bà Hyacinthe Louvier khi biết tin Cha Tổ Phụ qua đời:
“Lạy Cha đáng kính (Cha Bề trên B. Mendiboure), con đã được thư Cha Bề trên tốt lành Benoit sai một thầy viết ngày 21 tháng 07 năm1933 đưa tin cho chúng con biết: Chúa đã khép án tử cho ngài! Thư ấy ngài đã ký, có lẽ là chữ ký sau hết! Nay được tin ngài từ trần, chúng con đau đớn lắm. Chúng con quen biết ngài đã lâu, ngay từ khi tòng học tiểu chủng viện. Trước khi sang Việt Nam, Ngài đến từ giã chúng con lần sau hết, Ngài tỏ ý kiến tốt lành là muốn làm thầy dòng và giúp đào luyện cho có thầy dòng Việt Nam” (HT-1968, p. 98).
Sau khi thi trượt Tú tài II, Henri Denis từ Lille trở về quê Boulogne gặp Cha Linh hướng Golliot bày tỏ ý muốn dâng mình cho Chúa. Xin trích dẫn chi tiết cho thấy trước đó, ngài đã được gieo vào tâm trí ước muốn đời sống tu trì:
“Thế thường trượt khóa này bày khóa khác, có hữu chí mới cánh thành. Song chú Denis nhất định thôi không theo đòi nghiên bút nữa. Tự thẩm cung linh hồn chú nghe tiếng Chúa gọi: “Cha khát, Cha khát các linh hồn!” Denis mường tượng như thấy triệu triệu linh hồn suy vong trong biển lửa hỏa hào. Chú không cầm mình được nên định xin cha mẹ cho nhập Hội Dòng thừa sai Paris.
“Thế ra chú Denis thi không đậu thì phẫn chí đi tu à? Không – ý tưởng tốt lành ấy đã in vào trí não chú Denis ngay từ khi học lớp năm.
“Vậy Chú Denis bỏ Lille trở về Boulogne để bàn việc ấy với cha linh hướng Golliot. Thế là Denis chỉ còn phải xin phép cha mẹ nữa là xong” (HT, tr. 37-38).
Qua hai bản văn trích dẫn trên đây cho phép chúng ta nhận định rằng: Chúa đã muốn kêu gọi Chú Henri Denis theo Ngài và đã tỏ ý muốn của Ngài cho chú ngay từ khi còn nhỏ, tức là tuổi bước vào tiểu chủng viện. Chú Henri Denis đã có ý muốn tu dòng khi nói chuyện với Ông Bà Hyacinthe Louvier ở Lille, là ân nhân, đỡ đầu cho việc học hành của ngài, rằng muốn đi tu làm thầy dòng. Ước muốn đó có lẽ cũng là điều bình thường của một cậu thiếu niên bước vào đời phải cân nhắc đắn đo chọn cho mình một hướng đi cụ thể. Lập gia đình hay đi tu? Nếu đi tu, tu triều hay tu dòng? Đi tu dòng nào thích hợp với mình? Chiêm niệm hay hoạt động Tông Đồ? Dòng chiêm niệm Biển Đức hay Xitô? Dòng Xitô chung phép hay nhặt phép? Và cuối cùng như chúng ta thấy, ngài đã chọn làm một đan sĩ Xitô Nhặt phép (Trappiste) theo văn hóa Việt Nam.
Trong thời gian ở Hội Thừa Sai Paris, Thầy Henri Denis có còn nuôi ước muốn làm thầy dòng không? Tác giả cuốn Hạnh Tích không nói gì về ý định của Thầy Henri nữa, nhưng bù lại đã ghi nhận đời sống của thầy đúng là khuôn mẫu của một thầy dòng thánh thiện đích thực.
2.Tại sao “làm tu sĩ Tông Đồ tại An Nam”?
Trích thư gửi Đức cha Allys Lý, Giám mục Huế, ngày 31.01.1912.
“L’idéal que je rêve, c’est d’être religieux apôtre en An Nam, là où le Bon Dieu soit mieux connu, aimé, et servi par quelques uns”
“Lý tưởng mà con mơ ước là được làm tu sĩ Tông Đồ tại An-nam, nơi đó Thiên Chúa cần được một số người nhận biết, yêu mến và phụng sự (cách triệt để hơn)”.
Trong bức thư thứ hai gửi Đức cha Allys đề cùng ngày (31.01.1912) là bản tóm lược những gì ngài đã trao đổi với Đức cha vào ban sáng, trong đó ngài nêu lên ba giải pháp cho việc lập dòng. Giải pháp thứ nhất, ngài sẽ kiếm chừng 10.000 francs để xin Dòng Trappe đến lập tu viện tại Giáo phận Huế. Giải pháp thứ hai, chính Ngài đứng ra lập dòng chiêm niệm tại Ba Trục (đất Nhà Chung Huế) theo mô hình của Dòng Trappe. Khi đã hoàn thành, Ngài trao lại cho Đức cha để mời Dòng Trappe qua tiếp tục. Giải pháp thứ ba, cũng chính là điều ngài tâm đắc nhất, đó là ngài sẽ đứng ra thành lập một tu viện bên cạnh một xứ đạo nghèo như: Họ Thợ Đúc, Họ An Vân, Họ Dương Sơn… Cha sẽ học Luật Dòng Trappiste, qui tụ một số thanh niên nhiệt thành, dần dần tạo nên một cộng đoàn đan tu nghèo khó. Khi thành hình rồi, ngài sẽ xin Cha Bề trên Cả Dòng Xitô, chiếu theo Hiến Chương Bác Ái (Carta Caritatis) để giữ nguyên qui chế riêng của mình tại Việt Nam (x. DN, số 0).
Chính trong bối cảnh giải pháp thứ ba vốn làm ngài tâm đắc nhất, đã viết nên ý chí rõ ràng trình lên Đức cha Allys (Lý), xin trích bức thư (31.01.1912): “Je compte ne rien modifier à la règle Cistercienne – absolument rien – et nous serons de vrais contemplatifs, mais je m’efforcerai de donner à nos moines tout le rôle apostolique que la règle peut accorder et je crois à priori que la règle de saint Bernard (le grand et sublime missionnaire) ne nous empêchera pas d’être des religieux apôtres et de bien servir la mission non seulement par la prière et la pénitence, mais encore par la prédication”. “Con định không thay đổi điều gì trong Luật Dòng Xitô – tuyệt đối không – và như thế chúng con sẽ thực sự là các đan sĩ chiêm niệm, nhưng con sẽ cố gắng uyển chuyển cho các đan sĩ của con vai trò Tông Đồ mà luật cho phép, và con tin chắc rằng, luật của Thánh Bernard (một nhà truyền giáo lớn) không ngăn trở chúng con là những tu sĩ Tông Đồ và phục vụ công cuộc truyền giáo không chỉ bằng lời cầu nguyện và hãm mình nhưng còn bằng lời rao giảng nữa”.
Qua bức thư, chúng ta đã thấy rõ trí ý của Cha Tổ Phụ là trở nên một đan sĩ chiêm niệm thực thụ và thuần túy (vrai contemplatif), nhưng không loại trừ khả năng hoạt động Tông Đồ của các đan sĩ trong khuôn khổ luật định. Ngài đã nêu lên trường hợp của Thánh Phụ Bernard.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thắc mắc, tại sao ước muốn làm thầy dòng, thậm chí lý tưởng theo đuổi của Cha Tổ Phụ là làm tu sĩ Tông Đồ, nhưng lại vẫn bước chân vào chủng viện.
Trong tâm thức người Tây Phương, đời sống thánh thiện được lý tưởng hóa và gắn liền với đời sống tu dòng, đặc biệt là đời sống đan tu, vì trong suốt Thiên Niên Kỷ thứ nhất và cả sau này người ta vẫn còn quan niệm sự thánh thiện dành “đặc quyền” cho các đan sĩ. Thành ra, nếu Cha Tổ Phụ có ước muốn làm thầy dòng ngay từ nhỏ, âu cũng không có gì ngạc nhiên lắm. Nếu như ngài vào Chủng viện của Hội Thừa Sai Paris và trở thành một vị thừa sai, thì chắc chắn rằng ngài đã “một lòng theo Chúa”. Đó là căn bản, là gốc rễ của mọi vấn đề. Một lòng theo Chúa hay nói cách khác theo Thánh Biển Đức “thực tâm tìm Chúa” chính là yếu tố quyết định để đương sự được trở nên hoàn toàn tự do trong tay Chúa và như vậy để cho Chúa sử dụng tự do của ta mà sai bảo ta làm những gì ngài muốn. Và vì thế, cho dù Cha Tổ Phụ có vào chủng viện thì cũng không ngăn trở việc cưu mang lý tưởng làm tu sĩ Tông Đồ cho Chúa trên con đường hoàn thiện. Nói như thế tuyệt nhiên không có ý rằng vào chủng viện làm giáo sĩ triều sẽ không nên thánh thiện; đời sống nên thánh thiện là đòi buộc phổ quát đối với mọi tín hữu Kitô.
3.Lập dòng chiêm niệm cho người Việt Nam?
Lập một dòng chiêm niệm cho người Việt Nam là để hiện thực hóa lý tưởng mà Cha Tổ Phụ hằng mơ ước: làm tu sĩ Tông Đồ tại An Nam. Vấn nạn được đặt ra là tại sao mãi đến năm 1912 Cha Denis Thuận mới chính thức đặt vấn đề “làm thầy dòng” với Đức cha? Tại sao ngài đã táo bạo chọn giải pháp thứ ba là lập dòng đan tu và muốn trở thành đan sĩ?
Khi Cha Denis Thuận có thể chính thức thi hành sứ vụ truyền giáo. Với tư cách một linh mục thừa sai, Cha Denis Thuận đã trải qua ba giai đoạn trong 15 năm truyền giáo tại Việt nam: giai đoạn thứ nhất (1903-1908) với nhiệm vụ tại Tiểu Chủng viện An Ninh; giai đoạn thứ hai (1908-1913) truyền giáo tại Giáo xứ Nước Mặn; giai đoạn thứ ba (1913-1918) với việc trở về Tiểu Chủng viện An Ninh. Trong những năm truyền giáo, thành quả do công khó của ngài tuy con số có cao thật, nhưng không thấm vào đâu so với cánh đồng truyền giáo mênh mông tại Việt Nam, xin trích: “Cha Benoit nhiệt tâm cứu giúp sinh linh thế nào, cứ xem cách Ngài hành động khi làm bổn sở Nước Mặn thì rõ. Cha thấy việc Tông Đồ bề ngoài xem ra ít hiệu lực thì đã vâng ơn Chúa lo nhốt mình trong chốn cổng kín cao tường để làm hậu thuẫn giúp đạo binh tiên phong, mở nước Chúa bằng sự hãm mình cầu nguyện” (HT, tr 195).
Sau khi lượng định công cuộc truyền giáo cộng với ý chí dấn thân triệt để cho Chúa, năm 1912 là thời điểm son để Cha Tổ Phụ ngỏ ý với Đức cha Lý về ước muốn làm Thầy Dòng Xitô, cũng để ghi nhớ Thánh Phụ Bernard vào Dòng Xitô (1112). Thế nhưng, quá trình “hun đúc” này còn phải đợi thêm 6 năm nữa (1918) mới có thể khởi sự được. Theo tác giả cuốn Hạnh Tích, Cha Tổ Phụ đã khởi sự xin phép Đức cha cho lập dòng từ năm 1909, nghĩa là một năm sau khi đến coi Xứ Nước Mặn, nếu thế, lại thêm một cách tính khác cũng trải dài chín năm (1909-1918) để kế hoạch lập dòng mới được thành tựu (x. HT, tr. 100). Vậy phải chăng Cha Tổ Phụ là chán ngán việc giảng đạo, mới sinh ra ý tưởng lập dòng?
Thực vậy, khi quan tâm đến ai người ta hay nói về người đó; khi quan tâm đến vấn đề gì hay nhắc đến vấn đề đó. Khi đã có ý tu dòng và lập dòng, ngay cả khi làm Giáo sư Chủng viện An Ninh lần thứ nhất, ngài như thể thực tập “làm thầy dòng” cùng với các chú chủng sinh, như trong các thư viết cho song thân: “Ngài ước ao cha mẹ thấy các chú nhỏ là tượng trưng thầy dòng: đi đứng nghiêm trang, cặp mắt trông xuống, vừa đi vừa sốt sắng lần hạt, thì chắc khi ấy Ngài đã đọc Luật Thánh Tổ Benedicto, vì trong đoạn VII thánh luật kể 12 bậc khiêm nhường; bậc thứ XII dạy thầy dòng không những phải khiêm nhường thật trong lòng, lại còn phải tỏ ra cách điệu hình dáng bề ngoài bất luận chỗ nào, đầu phải cúi xuống mắt trông đất…” (HT, tr. 99). Các cha trong giáo phận thời ấy cũng làm chứng Cha giáo Thuận hồi làm Giáo sư Chủng viện An Ninh lần thứ nhất: “Ngài đi đâu thì hai tay khoanh trước ngực, đầu cúi xuống, mắt trông đất, như người Publicano trong Phúc Âm” (HT, tr. 99).
Cha Tổ Phụ nhìn rộng ra toàn cõi Việt Nam và Đông Dương và thấy rằng đã có các dòng hoạt động Tông Đồ, các dòng nữ, nhưng dòng nguyện gẫm hãm mình như Dòng Trappe hay Chartreux thì chưa có. Cha phó của ngài là Cố Phú cũng làm chứng: “Cố Thuận hay than thở: Việt Nam có Dòng Nữ, sao lại không có Dòng Nam? Đàn bà xứ này sinh hoạt chung với nhau được, sao đàn ông lại không? Ngài hay xin tôi kể chuyện Dòng Trappe Đức Bà xuống tuyết (Notre Dame des Neiges) để theo học mà lập một Dòng Nam Trappe hoàn toàn người Việt Nam, tuy nhận cả người Tây, song Tây – Nam đều sinh hoạt như người Việt Nam nghèo khó (HT, tr. 100). Tác giả cuốn Hạnh Tích cũng viện dẫn thêm để minh định thao thức của Cha Tổ Phụ và không ngần ngại chia sẻ cho các cha đồng liêu: “Kỳ niên giải năm 1916, ngài với cố Văn đi thăm các cha ở Bãi Trời, dọc đàng chỉ đàm đạo về sự lập dòng. Ngài cứ phàn nàn Đông dương chưa có Dòng Nam; vậy mấy cố mấy cha Việt Nam hãy cùng nhau làm thầy dòng coi thử, vì Đức Cha khao khát có dòng nguyện gẫm ở đây” (HT, tr. 100-101).
Lược qua một số chứng từ trên đây cho phép chúng ta mường tượng lý tưởng làm đan sĩ, tu sĩ Tông Đồ đặc thù An Nam của Cha Tổ Phụ là một lộ trình dài, được cưu mang từ khi còn nhỏ và khi “thời gian tới hồi viên mãn”, một dòng chiêm niệm được khai sinh, vào ngày 15.08.1918.
4.Đánh giá, lượng định vấn đề
Khi đọc kỹ bức thư thứ nhất đề ngày 31.01.1912 chúng ta nhận thấy ngài nói: “Lý tưởng mà con mơ ước là được làm tu sĩ Tông Đồ tại An Nam, nơi đó, Thiên Chúa cần một số người nhận biết, yêu mến và phụng sự (cách triệt để hơn)”, nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa thể hiểu rõ ý nghĩa của kiểu nói “tu sĩ Tông Đồ”. Đọc hết câu sau, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta thấy “tu sĩ Tông Đồ” cũng chính là đan sĩ, vì họ có nhiệm vụ làm cho mọi Kitô hữu nhận thức rằng:“Lý tưởng đan tu không phải là một ‘chuyện đời xưa’, nhưng là một cái gì rất thiết thực cho người Việt Nam trong lòng Hội Thánh và xã hội hôm nay” (DN, số 0). Thêm vào đó, trong bức thư thứ hai đề cùng ngày, ngài cũng nhắc lại là giữ nguyên Luật Dòng Trappe để thực sự là đan sĩ, nhưng cũng sẽ uyển chuyển trong khuôn khổ luật dòng cho phép, như chúng tôi đã trích dẫn ở trên.
Để minh họa, xin trưng ra vài việc cho thấy Cha Tổ Phụ là một “tu sĩ Tông Đồ” nhưng cũng là một đan sĩ thực thụ. Quan Cụ Phước Môn Nguyễn Hữu Bài khai khẩn đất hoang chiêu dân lập ấp làm thành vùng Ngũ Phước (Phước Môn, Phước Sa, Phước Sơn, Phước Tuyền và Phước Nguyên), trong đó có Phước Sơn nơi lập dòng cũng chính do Cụ dâng cúng. Nhờ phước của đan viện mới mà dân cư đông lên và dần dần tòng giáo, Quan Cụ xây cho họ một nhà thờ, xin Đức cha làm phép và Đức cha giao cho Cha Bề trên Dòng mới cai quản. Cha Tổ Phụ đã viết thư kể chuyện này cho bà kế mẫu: con lại mới đóng vai cha sở họ đạo mới ra đời, Họ Phước Sơn (x. HT-1968, tr. 176-177; DN, số 67). Việc thứ hai: theo tác giả cuốn Hạnh Tích, công trình cuối cùng của Cha Tổ Phụ là hoàn tất một bệnh xá gồm 12 giường cho dân nghèo: “Đầu năm 1933, ngài cho xây bệnh xá để giúp đỡ đồng bào. Thật ra bấy lâu Nhà Dòng vẫn phát thuốc cho đồng bào, nhưng chưa có nhà cửa hẳn hoi, các bệnh nhân đau nặng còn phải nằm tạm ở “rạp thợ”, nay mới xây một bệnh xá có nơi ăn chốn nghỉ, vừa phát thuốc vừa điều trị bệnh nhân. Song chỉ cho nam giới mà thôi. Vì tự nhiên nhà thương làm trong lũy cấm, thì theo giáo luật, phụ nữ không được vào” (HT, tr. 212).
Cho đến lúc này, chúng tôi vẫn xác tín rằng mặc dù Cha Tổ Phụ có nói một cách phổ quát về “tu sĩ Tông Đồ” thì vẫn bao hàm việc làm đan sĩ chiêm niệm thực thụ với nếp sống khiêm hạ ẩn khuất của Thánh Gia Thất. Thực vậy, khi Viện phụ thanh tra – Dom André Drillon – Viện phụ Lérins đến tuần viếng để xem xét việc gia nhập Dòng Xitô thế giới, thì vấn đề tước hiệu của chi dòng mới được đặt ra, vì đến lúc này (17.02.1931) Tu viện mới vẫn gọi là Dòng Đức Bà An Nam (Notre Dame d’An Nam). Cha Tổ Phụ lý giải: “Dòng chúng ta không đi giảng, không đi dạy, không làm việc phước thiện cho đồng bào như: giúp kẻ liệt, coi nhà thương chẳng hạn, chúng ta chỉ ở trong nhà chuyên môn đọc kinh cầu nguyện cho người ngoại giáo, noi gương Ba Đấng ở Nazareth xưa, nên ta nhận tước hiệu Chi Dòng Thánh Gia là hơn cả” (HT, tr. 209).
Vả lại, theo Sắc Lệnh Lập Dòng của Đức cha Lý ký ngày 19.03.1920 có trình bày rõ: “Mục đích chính của dòng là mọi anh em phải chuyên lo nguyện gẫm, hãm mình và nên trọn lành; mục đích tùy là cầu nguyện cho dân ngoại trở lại”(HT, tr. 141).
Theo Cha Tổ Phụ, sống cái ta ‘là’ trước khi sống cái ta ‘làm’. Tìm Chúa, chuyện vãn với Chúa, nói khó với Chúa, chính là lối sống thân mật với Chúa. Sống thân mật với Chúa như vậy chính là sống cái ta ‘là’, cũng là căn tính của mọi “tu sĩ Tông Đồ”. Rồi muốn làm gì thì làm… nhất là cầu nguyện cho dân ngoại trở lại.
* * *
Đôi dòng suy tư về trí ý của Cha Tổ Phụ là ước muốn làm “tu sĩ Tông Đồ” (religieux apôtre) cũng là làm đan sĩ Xitô chiêm niệm (moine cistercien contemplatif), chúng ta có thể ghi nhận rằng cho dù cách nói thế nào thì chính ngài đã sống điều cốt lõi của đời sống thánh hiến: triệt để tìm Chúa, vâng phục Thánh Ý Ngài; đây cũng là yêu sách số một và duy nhất của Thánh Tổ Biển Đức đối với một ứng sinh sống đời thánh hiến.
Một trăm năm qua, từ khi Cha Tổ Phụ lập dòng tới hôm nay, trải qua biết thăng trầm của cuộc sống, Dòng Đức Bà An Nam tiền thân của Hội Dòng Xitô Thánh Gia đang phát triển về tinh thần cũng như vật chất. Đây là lý do chính đáng để tạ ơn Chúa. Đồng thời, cũng là thời dịp thích hợp để mỗi thành viên Hội Dòng nhìn lại ơn gọi của mình: liệu có một sự chênh lệch nào đó giữa trí ý của Cha Tổ Phụ và tâm thức của đan sĩ trẻ ngày nay về hình ảnh một đan sĩ thực thụ với những hình thức Tông Đồ đặc thù của đời sống đan tu? Phải chăng đây là “vấn đề năng động” mời gọi mỗi đan sĩ hôm nay đảm nhận như một dự phóng cho tương lai của Hội Dòng.
DANH HIỆU ĐỨC BÀ AN NAM
FM. Gioan Vianey Hoàng Văn Sáng
Khi chọn một danh hiệu, người ta nhắm tới một mục đích như sự quảng bá, hay giới thiệu sản phẩm cho người khác. Với chủ đích lôi cuốn khách hàng chú ý vào sản phẩm của công ty sản xuất, người ta thường chọn một cái tên thật nổi tiếng có khả năng đánh vào thị giác người tiêu dùng. Như thế, chúng ta có thể nói được rằng khi chọn một tên gọi hay một danh hiệu là người ta muốn gửi gắm một ước muốn, hay một nguyện vọng nào đó vào trong cái tên hay danh hiệu mà người ta chọn.
Ở khía cạnh nhà đạo chúng ta lại khác, khi đặt tên cho một nhà thờ hay một tu hội thánh hiến, chúng ta thường chọn tên Đức Mẹ hay một vị thánh, với mong muốn phó thác và xin các ngài chuyển cầu cho nhà thờ hay tu hội được bình an trong bàn tay của Thiên Chúa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải thể hiện tình con thảo, bằng cách noi gương nếp sống các ngài để lại như kim chỉ nam cho cuộc sống chúng ta.
Cũng vậy, khi lập dòng chiêm niệm, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã chọn Đức Maria làm danh hiệu cho Dòng của ngài, với tên gọi: “Dòng Đức Bà An Nam”. Qua đó, ngài mong muốn con cái mình tận hiến cho Thiên Chúa một cách triệt để theo gương Mẹ Maria. Với các lá thư ngài viết cho bà kế mẫu, chúng ta thấy được những thao thức của ngài về truyền giáo, và đặc biệt tâm tình khi lập dòng. Chính cha đã đi bước trước trong sự tín thác vào ban tay che chở của Mẹ; và qua mẫu gương của Mẹ, để kính mến Chúa và yêu thương anh em. Điều này không chỉ là lời nói trên môi miệng mà chính cha đã sống bằng những việc làm cụ thể trong công việc bổn phận hằng ngày. Đặc biệt khi hấp hối, cha đã luôn miệng cầu xin Đức Mẹ cứu giúp và nâng đỡ.Vậy đâu là tâm tình mà Cha Biển Đức Thuận muốn gửi gắm vào tên gọi “Dòng Đức Bà An Nam”? Đâu là mong ước của cha nơi con cái mình khi đón nhận tên Đức Bà An Nam?
1.Lòng sùng kính Đức Mẹ nơi Cha Tổ Phụ.
Như con thơ nép bên lòng mẹ, Cha Biển Đức Thuận hoàn toàn tin tưởng và phó thác cuộc đời mình cho bàn tay nhân lành của Thiên Chúa. Như cái tên “Thuận” mà cha đã nhận từ Đức cha Caspar Lộc khi đặt chân lên quê hương Việt Nam, là thuận theo ý Chúa[1]. Đặc biệt niềm tín thác đó được thể hiện một cách triệt để hơn khi cha lập dòng, cho dù bị một số anh em linh mục ái ngại, nhìn với con mắt dè chừng, nhưng cha vẫn luôn tin tưởng vào Thiên Chúa và cậy trông vào bàn tay nâng đỡ của Mẹ Maria. Vì cha tâm niệm rằng nếu đẹp ý Chúa thì mọi sự sẽ thành công cho dù có bị thử thách[2].
a.Tin tưởng và phó thác
Niềm tin tưởng vào sự chuyển cầu của Mẹ Maria nơi Cha Biển Đức Thuận được thêm vững vàng hơn, khi được Đức cha Allys Lý và Cố Chính đưa đi tìm đất lập dòng trong tuần lễ Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Elisabeth[3]. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên mà là một biến cố nói lên sự an bài của Thiên Chúa dành cho cha qua Mẹ Maria. Khi khởi sự cuộc sống tận hiến, cha đã đặt của lễ đời mình vào ban tay của Mẹ, để nhờ Mẹ dâng của lễ hy sinh cho Chúa. Cho nên, khi mặc áo tập để khởi sự cuộc sống đan tu, cha chọn ngày 02 tháng 02 là ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh để thể hiện niềm tin tưởng và phó thác cho Mẹ[4].
Cha Tổ Phụ không những đặt niềm tín thác cuộc sống và công việc của ngài cho sự che chở của Mẹ, mà còn kêu gọi con cái mình luôn sống dưới sự che chở của Mẹ. Cha tin tưởng rằng không có gì mà ta xin Thiên Chúa qua bàn tay của Mẹ mà Chúa không ban ơn.
“Vạn sự khởi đầu nan”. Cuộc sống đan tu của Cha Tổ Phụ khởi đầu với bao khó khăn, nhưng cha vẫn tin tưởng vào sự che chở của Mẹ. Những khó khăn ban đầu như: lập dòng với một hành trang ít ỏi, cháy nhà, heo rừng phá hoa màu, beo cọp bắt trâu bò…[5] Như cha xác tín rằng: “Qua đau khổ mới đạt được vinh quang”. Vì thế, Cha Tổ Phụ vẫn luôn lấy mẫu gương của Mẹ Maria để tiến bước trong nhưng thử thách.
b.Mẫu gương của Mẹ
Như xưa Mẹ đã âm thầm lắng nghe và thực thi thánh ý của Chúa trong cuộc sống của Mẹ, nay Cha Tổ Phụ mong muốn lập dòng chuyên về chiêm niệm, vì thế, mẫu gương của Mẹ là một ánh đèn chiếu soi đời sống đan tu. Với bao đau khổ, buồn vui của cuộc sống nhưng Mẹ vẫn một niềm trung tín với Chúa qua lời thưa xin vâng. Cũng vậy, Cha Tổ Phụ đã âm thầm thuận theo ý Chúa mà không hề than trách trước mọi khó khăn.
Tuy Mẹ Maria được diễm phúc cưu mang Con Thiên Chúa, nhưng Mẹ vẫn âm thầm khiêm nhường, như một nữ tỳ (x. Lc 1,38). Đây cũng là mẫu gương mà Cha Tổ Phụ đã học được; dù là bề trên nhưng cha vẫn chọn những công việc hè mọn nhất và không chuẩn chước cho mình một điều gì dù ăn chay hay công việc[6].
Khi hay tin người chị họ Elisabeth mang thai, Mẹ Maria đã mau mắn lên đường đến chia sẽ niềm vui và ở lại phụ vụ gia đình chị. Nơi Cha Tổ Phụ, ngài luôn quan tâm và ân cần chăm sóc khi anh em gặp khó khăn về đời sống thiêng liêng, bệnh tật…[7].
Đặc biệt, khi đứng dưới chân Thập Giá, Mẹ hiệp thông đau khổ với Đức Kitô, Con Mẹ để cứu rỗi các linh hồn. Noi gương Mẹ Maria, Cha Tổ Phụ cũng đón nhận những đau khổ của cuộc sống như là phương cách cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, như thư ngài viết cho mẹ: “Mẹ hãy can đảm, chẳng bao lâu nữa sẽ được về mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời. Khi ấy sẽ bắt đầu mà không bao giờ hết. Lúc chờ đợi, mẹ con ta vui lòng chịu khó đền tội, nếu có thể cũng đền tội cho kẻ khác. Như vậy ta sẽ giúp Chúa cứu các linh hồn”[8].
c.Những việc làm cụ thể
Khi đặt niềm tin và hy vọng vào sự che chở của Mẹ Maria, Cha Biển Đức Thuận đã hiện thực bằng chính cả cuộc đời của ngài, bằng những việc làm cũ thể: Khi được phép lập dòng, cho dù đang bệnh nặng cha vẫn cố gắng đi La Vang để viếng Đức Mẹ và phó thác công việc lập dòng cho Mẹ. Đặc biệt, cha siêng năng lần chuổi và kêu mời con cái mình cùng thực hiện công việc tốt lành này[9]. Điều này về sau được ấn định trong Hiến Pháp của Hội Dòng: “Mỗi ngày anh em lần chuỗi năm mươi”[10]. Đàng khác, để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ, Cha Biển Đức Thuận dọn mình trước các ngày lễ bằng việc ăn chay để chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Mẹ[11].
2.Danh Hiệu Đức Bà An Nam
Mỗi danh hiệu mang một ý nghĩa riêng. Nó có thể nói lên ý nghĩa, mà người đặt muốn gửi gắm vào đó. Trước khi tìm hiểu ý nghĩa danh hiệu “Đức Bà An Nam”, người viết xin sơ lược lịch sử của danh từ An Nam, để thấy rõ ý nghĩa mà Cha Biển Đức Thuận mong muốn khi chọn danh hiệu này.
a.Lịch sử của từ An Nam[12]
An Nam là tên gọi cũ của Việt Nam. Thời Bắc thuộc Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ, nhà Đường ở Trung Quốc đã đặt Việt Nam tương ứng với khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay, là An Nam đô hộ phủ (679–757 và 766–866). Thời kỳ 757-766, Việt Nam mang tên Trấn Nam đô hộ phủ. Năm 866, thăng An Nam đô hộ làm Tĩnh Hải quân tiết độ. Sau khi giành được độc lập kể từ năm 1164, các triều vua Việt Nam thường phải nhận thụ phong của Trung Quốc, với danh hiệu An Nam quốc vương.
Tên gọi An Nam do người Trung Quốc sử dụng dần dần được người Châu Âu gọi theo. Nên nhắc lại là trong những tác phẩm do Alexandre de Rhodes viết nước “Annam” gồm có hai vùng “Tunquin” (Đàng Ngoài) và “Cochinchine” (Đàng Trong). “Cochinchine” lúc ấy, chỉ là Miền Trung bây giờ: lúc sách La glorieuse mort d’André catechiste de la Cochinchine được in ra ở Paris vào năm 1653, thì cuộc Nam tiến của Đại Việt chỉ mới vào đến Nha Trang. Đồng thời trong lịch sử cận đại, “An Nam” được sử dụng trong tiếng Pháp để chỉ phần đất Miền Trung Việt Nam (hay Trung Kỳ) do triều đình nhà Nguyễn ở Huế cai trị dưới sự bảo hộ của Pháp. Vì thế, ở Miền Nam không có danh từ An Nam này.
Như thế, khi lập dòng, Cha Tổ Phụ chọn tên “Dòng Đức Bà An Nam” để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ và mong muốn lập dòng cho người Việt.
b.Việc tận hiến Dòng cho Đức Mẹ
Với thân phận của kiếp người, ai cũng hiểu rằng nỗ lực cá nhân thôi thì chưa đủ mà còn cần đến ơn trên phù trợ. Ý thức được điều đó, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận luôn hết lòng tin tưởng vào bàn tay nhân lành của Thiên Chúa và trông cậy vào sự bảo hộ của Đức Maria. Khi lập dòng, cha đã sống triệt để điều đó hơn, nên đã chọn Đức Maria làm thánh hiệu của dòng.
Điều này phần nào đã được như lòng cha sở nguyện, vì những biến cố lớn của nhà dòng trong buổi sinh thời đều diễn ra trong những dịp lễ mừng kính Đức Mẹ. Đây là một trong những dấu chỉ cho thấy cha luôn đặt niềm trông cậy và phó thác cho sự phù hộ của Đức Mẹ.
Như vậy, khi chọn tên “Dòng Đức Bà An Nam”, Cha Tổ Phụ vừa muốn có một dòng chuyên về chiêm niệm cho người Việt, vừa muốn tận hiến dòng dưới sự che chở của Đức Mẹ và cũng là niềm tự hào cho con cháu Lạc Hồng[13]. Tiếp bước Cha Tổ Phụ, con cái Xitô Thánh Gia thể hiện lòng sùng kính Đức Mẹ qua việc lần chuỗi mân côi mỗi ngày, cũng như chọn tước hiệu Đức Mẹ trước tên mỗi người và mỗi cộng đoàn.
3.Vai trò của Đức Mẹ trong đời sống đan tu
Sống niềm hy vọng là điều cần thiết cho cuộc sống của mỗi người, bởi vì không có hy vọng thì con người không có mục đích để sống, và không có nhiệt huyết để dấn thân. Noi gương Cha Tổ Phụ, đan sĩ Xitô đặt niềm hy vọng vào Đức Mẹ. Điều này được thể hiện qua những điểm sau: Niềm hy vọng, hiệp thông với Chúa và thể hiện tình mẫu tử như Mẹ để hướng về tha nhân.
a.Niềm hy vọng
Trên bước đường tiến về quê trời, mỗi người đều bị bao vây với nhiều thử thách. Điều này cũng không loại trừ cho những người tận hiến, họ cũng phải chịu những thử thách và gian khổ tôi luyện vì: “Vàng thử lửa, gian nan thử đức”. Những thử thách đó sẽ không làm đan sĩ chùn bước vì đã có một người Mẹ đã vượt qua bao gian nan thử thách và luôn chuyển cầu cho chúng ta. Đan sĩ Xitô cũng không tránh khỏi những quy luật của thử thách mà cuộc sống đan tu mang lại. Cũng như Cha Tổ Phụ, các đan sĩ noi gương và phó thác đời mình cho sự dẫn dắt của Mẹ Maria.
Mẹ đã trải qua bao đau khổ và thử thách như: khi nghe lời tiên báo của cụ Simeon “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Khi tưởng như bị khước từ: “Này bà chuyện đó can chi đến bà và tôi” (Ga 2,4), nhưng Mẹ cho thấy niềm hy vọng qua ánh nhìn của Chúa, nên Mẹ bảo gia nhân: “Người bảo sao cứ làm vậy” (Ga 2,5). Hay khi đứng dưới thập giá, nơi mà tận cùng của sự đau khổ, nơi mà khoảng cách giữa Con và Mẹ tựa như không có gì để lấp đầy; có thể nói được là Mẹ đã đứng trước một sự từ bỏ tột cùng mà như Thánh vịnh 22 nói tới “lạy Chúa Trời con sao Ngài bỏ con”. Thế nhưng, Mẹ vẫn một niềm hy vọng.
Hy vọng không chỉ là cho chính mình, mà còn là làm chứng cho mọi người về niềm hy vọng vào tình thương của Chúa. Như Đức Maria chuyển hóa những đau khổ của Mẹ thành niềm hy vọng cho nhân loại. Mẹ chấp nhận lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ để những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ tỏ lộ (x. Lc 2,35). Nơi tiệc cưới Cana, niềm hy vọng của Mẹ đem niềm vui cho đôi tân hôn và khách dự tiệc. Khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ hiệp thông với những đau khổ của Đức Giêsu để đem nguồn ơn cứu độ đến cho con người.
Đặc biệt, lúc ở dưới chân thập giá, Chúa Giêsu tưởng chừng như vắng mặt Chúa Cha, và những người môn đệ thân tín của Ngài cũng bỏ trốn, nhưng vẫn còn đó một người Mẹ ở đó để nâng đỡ và chiếu soi niềm hy vọng trong ngày phục sinh tươi sáng.
Trong cuộc lữ hành đức tin của các đan sĩ, có những lúc chúng ta cảm thấy như mọi sự đang chống lại mình, kể cả anh chị em, bạn bè… thẩm chí tưởng chừng như thất vọng. Khi đó, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ, chính lúc tột cùng của đau khổ, Mẹ vẫn luôn hiện diện.
Như thế, khi gặp thử thách, đan sĩ không còn cô đơn nữa, vì đã có Mẹ cùng đồng hành và là mẫu gương cho niềm hy vọng. Ý thức được điều đó, thử thách không còn là một tai họa, nhưng trở thành một cơ hội để đan sĩ tiến đức. Những gian nan thử thách còn là cơ hội để đan sĩ hiệp thông với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu chuộc. Đồng thời, thông phần mầu nhiệm thánh giá, tuyên xưng sức mạnh và hoan lạc của ơn phục sinh (x.TN, số 3).
b.Hiện diện
Chính trong thinh lặng để suy niệm những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mà Đức Mẹ đã hiệp thông với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm cứu độ. Nhờ đọc và suy niệm Lời Chúa, đan sĩ nhận ra được thánh ý của Ngài trong những biến cố của cuộc sống hằng ngày. Lại nữa, qua cuộc sống âm thầm và lời kinh tiếng hát của đan sĩ đã trở thành của lễ dâng lên Thiên Chúa: “Phần vụ của thầy dòng chúng ta, không phải là hoạt động bên ngoài, nhưng là việc dâng lên Chúa bài ca chúc tụng liên lỉ. Phước của đời chúng ta là trở nên một “loài chim”, hót lên lời ca ngợi Chúa, theo gương Đức Mẹ, là ‘con chim hót hay hơn cả’. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta được noi gương Đức Mẹ mỗi ngày nên giống Đức Mẹ hơn” (DN.128).
Sách Công Vụ Tông Đồ viết: “Tất cả các Tông Đồ đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với ba Maria thân mãu Đức Giêsu” (Cv 1,14). Sau khi chúa Giêsu về trời, Đức Maria vẫn tiếp tục hiện diện với các Tông Đồ, đồng tâm nhất trí, và chuyên cần cầu nguyện để nâng đỡ đức tin cho các Tông Đồ. Noi gương Mẹ Maria, các đan sĩ cũng hiện diện giữa lòng Giáo Hội để hiệp thông, cầu nguyện cộng tác vào công cuộc rao giảng tin mừng của Giáo Hội. Hiến Pháp Hội Dòng đã minh định: “Phục vụ Giáo Hội bằng sống cầu nguyện và hy sinh, tham gia việc cứu rỗi các linh hồn chưa nhận biết và tôn thờ thiên Chúa” (HP, số 24.2).
Kết luận
Từ cạnh sườn Chúa Giêsu, Giáo Hội Chúa đã khai sinh. Hình ảnh Thánh Gioan – đại diện cho Giáo Hội – đón Mẹ Maria về nhà mang ý nghĩa biểu tượng, nghĩa là ngay từ lúc được khai sinh, Giáo Hội đã đón nhận Mẹ Maria về với mình. Trong ý hướng đó, khi lập dòng, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đón rước Mẹ làm đấng bảo trợ cho dòng mới. Điều này được cụ thể bằng việc chọn danh hiệu cho Dòng là “Dòng Đức Bà An Nam”.
Đan sĩ Hội Dòng Xitô Thánh Gia cần ý thức cội nguồn của mình. Noi gương Cha Tổ Phụ, chúng ta được mời gọi tỏ lòng hiếu thảo với Mẹ, đón nhận lời khuyên nhủ của Mẹ, lắng nghe và thực hành Lời Chúa, để đời đan tu trở thành chứng nhân cho chúa giữa lòng dân tộc.
[1] x. Hạnh Tích Cha Biển Đức Thuận, Tr 41.
[2] x. Sđd. Tr 109.
[3] x. Sđd, tr 104.
[4] x. Hạnh Tích Cha, tr 144.
[5] Di Ngôn, số 38; 76.
[6] Hạnh Tích, tr 190-191.
[7] Sđd, tr 193.
[8] Thư gửi bà kế mẫu, 26.10.1921; HT, tr 172.
[9] x. Di ngôn, số 78; 81.
[10] Hiến Pháp Hội Dòng Xitô. Số 121.
[11] x. Di Ngôn, số 132.
[12] Phần này viết dựa theo. Từ Điển Bách Khoa Việt Nam mục 1 A-Đ. Nxb Từ Điển Bách Khoa. Từ trang 49-54.
[13] X. Hạnh Tích Cha Benedicto. R.P.Henri Denis Cố Thuận trang 103-105.
TINH THẦN NGHÈO KHÓ
Có thể nói nghèo khó không phải là lý tưởng mà con người luôn ấp ủ và mong mỏi vươn tới. Nhiều người coi nghèo khó như một sự chúc dữ vì nó là nguyên nhân của sự miệt thị, sự yếu thế trong giao tiếp xã hội, sự lam lũ vất vả và sự bất hạnh. Nhất là trong xã hội thời nay, khi mà sự giàu sang là thước đo giá trị của con người, là cán cân công lý, ai cũng sợ hãi và chạy trốn hai chữ “nghèo khó”, và thậm chí, một số người còn phải dùng “ngôn ngữ nổ” để che lấp, để nói giảm hay nói tránh đi cái nghèo của mình.
Thế nhưng, các đan sĩ lại chọn và sống nghèo khó trong đời sống đan tu vì tình yêu Đức Kitô. Trong số các đan sĩ, có những người xuất thân từ những gia đình giàu có hay tương đối khá giả, những người có tương lai đang rộng mở hay những người đang sống trong môi trường thuận lợi và tiện nghi. Họ đã bỏ tất cả để rút lui vào miền tịnh lặng, sống một cuộc đời đơn sơ nghèo khó theo gương Thầy Giêsu và làm chứng cho Nước Trời. Vậy, thế nào là sống tinh thần nghèo khó, và sự khó nghèo đích thực là gì?
1.Sống nghèo khó, lý tưởng của các Tổ phụ Xitô
Năm 1075 lập Đan viện Molesme, gần Tonnerre và chọn Tu Luật Biển Đức cho các đan sĩ này tuân giữ. Molesme nhanh chóng phát triển và không lâu sau đã lập được nhiều đan viện mới, được nhiều người biết đến và lui tới dâng cúng tặng vật… Cũng từ đây đời sống của các Đan sĩ Molesme xa dần với lý tưởng ban đầu.
Năm 1090, Thánh Roberto, Thánh Alberico, Thánh Stephano và một nhóm nhỏ các đan sĩ rời bỏ Molesme (lần 1), đi tìm khung cảnh thanh tịnh, cô tịch hơn tại Aulps trong miền Chablais. Ở Aulps được ít lâu, năm 1093, Thánh Roberto và các bạn lại quay về Molesme để cố gắng thuyết phục các đan sĩ ở đây nghiêm nhặt tuân thủ Tu Luật Biển Đức. Nhưng tình hình ở Molesme chẳng những không khá hơn mà còn trở nên nghiêm trọng. Thánh Roberto và một nhóm đan sĩ vẫn muốn thoát khỏi cảnh giàu sang của Molesme để đào sâu và thực hành tinh thần nghèo khó và cũng để tập trung vào đời sống chiêm niệm trong cầu nguyện và lao động, sát với Tu Luật Biển Đức.
Ngày 21.03.1098, được sự chấp thuận của Đức Giám mục Hugues thành Lyon (là đặc sứ của Đức Giáo hoàng đương nhiệm), Thánh Roberto, Thánh Albericô và Thánh Stephano Hardingo cùng 20 đan sĩ khác rời Đan viện Molesme (lần 2) đến lập một ‘Tân Đan Viện’ (Novum Monasterium) ở vùng đất mang tên Cîteau (Xitô), gần Dijon, nước Pháp, phần đất do Bá tước Beaune đã nhượng cho từ trước[1].
Qua bàn tay của ba Cha Thánh, nếp sống của các đan sĩ Xitô dần dần hình thành và phát triển theo đúng tinh thần của Tu Luật Thánh Phụ Biển Đức. Các đan sĩ Xitô không có của riêng và thực hành khó nghèo do Thánh Biển Đức đề ra (x. Tu Luật, chương 33). Họ không những ái mộ nếp sống đơn sơ và khó nghèo được thể hiện qua trang phục, kiến trúc nhưng còn khước từ của cải cũng như tất cả những gì lộng lẫy, xa hoa của các đồ vật dùng trong phụng tự. “Đan sĩ Xitô không đòi hỏi gì cả, nhất là hoa trái do người khác làm ra. Họ chỉ cần những mảnh đất không ai cày cấy vì gai góc hay bị bỏ hoang”[2]. Và “để sống khó nghèo, theo Chúa Kitô khó nghèo, họ khước từ bổng lộc, tự nuôi sống mình bằng công việc tay chân, tìm kiếm Thiên Chúa trong sự cô tịch và thinh lặng. Sự đơn sơ và đạm bạc là đặc điểm mới của họ”[3].
Như vậy, đi vào miền thanh vắng để tìm kiếm Thiên Chúa bằng cuộc sống đơn sơ khó nghèo là lý tưởng mà các Tổ phụ Xitô đã ấp ủ, ươm mầm tại vùng đất Citeaux. Và ước vọng đó cũng chính là con đường mà các thế hệ con cháu các ngài đang tiếp bước qua dòng thời gian để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn. Vậy tinh thần khó nghèo phải được hiểu như thế nào?
2.Tinh thần nghèo khó trong đời sống đan tu
a.Thiên Chúa là gia nghiệp duy nhất
Người thanh niên giàu có trong Tin Mừng thánh Mattheu có thể được dùng để minh họa cách sống động cho hình ảnh đan sĩ đi theo tiếng mời gọi của Đức Kitô. Thật vậy, cũng như vị thanh niên trẻ trong Tin Mừng, đan sĩ luôn thao thức và băn khoăn đi tìm cái cùng đích chính yếu cho cuộc sống hiện sinh trên cõi đời này: Chết rồi sẽ đi về đâu? Những điều răn, những việc lành phúc đức, cũng như bao Kitô hữu khác, đan sĩ đã thực hành từ nhỏ, nhưng dường như chưa đủ. Có một cái gì đó còn thiếu và chưa mang lại cho anh một niềm hạnh phúc đích thực. Rồi một ngày kia, cũng giống như Thánh Antôn ngày xưa, đan sĩ bỗng nghe trong con tim mình vang vọng: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy bán hết của cải, đem cho người nghèo rồi hãy đến theo ta, và anh sẽ được kho báu trên trời làm gia nghiệp” (Mt 19,21). Thực ra, Chúa Giêsu không lên án hay khinh chê của cải vật chất vì nó là một người đầy tớ tốt, nhưng Ngài không hài lòng khi thấy người môn đệ theo mình luôn để tâm tìm kiếm những thứ phù du và tôn trọng nó như một ông chủ. Thực vậy, thay vì buồn rầu bỏ đi như anh thanh niên trẻ, đan sĩ đã đánh đổi tất cả để theo Chúa. Bởi vì, “không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24). Thật vậy, tinh thần khó nghèo gắn kết đan sĩ với đức cậy trong tương quan hiện sinh với Thiên Chúa. Chính bởi sống thực chất tương quan đó mà đan sĩ tâm niệm rằng: “Chỉ trong Thiên Chúa, chúng ta mới khám phá ra nguồn gốc, căn tính, ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng và định mệnh cũa chính mình. Mọi nẻo đường khác chỉ dẫn đến ngõ cụt”[4]. Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận cũng đã nhận ra chân lý này: “Cách mấy hôm nay, một người thợ làm nhà đánh bẫy được một chú heo cân nặng 100kg trị giá 8 dollars. Thôi nói chi về vật chất phẩn thổ đời này, chẳng bao lâu nó sẽ tiêu tan hết. Ta hãy chuyên tâm làm sáng danh Chúa, Chúa tác tạo nên ta nguyên vì lý do ấy. Muốn được phước đời nầy và đời sau thì phải lo làm tôi Người” (DN, số 61).
Tóm lại, sự nghèo khó giúp đan sĩ nhận ra rằng mọi sứ thế gian đều chóng qua, và bằng việc tuyên khấn khó nghèo, họ “tuyên xưng rằng Thiên Chúa là sự giàu sang duy nhất đích thực của con người” (VC, số 21).
b.Duy một mình Thiên Chúa
Sống theo mẫu gương Đức Kitô, đan sĩ dám từ bỏ tất cả để hiến thân phụng sự Chúa và chọn Ngài làm gia nghiệp đời mình. Đức Kitô, dầu là Con Thiên Chúa, nhưng “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thật tự” (Pl 2,6-8). Thật vậy, “anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào không: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em được nên giàu có” (2Cr 8,9). Bằng việc tuân giữ và sống các lời khuyên Phúc Âm, các đan sĩ họa lại con đường vâng phục và từ bỏ của Đức Kitô đã đi để làm theo thánh ý Thiên Chúa. “Đời sống thánh hiến thực sự làm nên một ký ức sống về cách hiện hữu và hành động của Đức Giêsu như Ngôi Lời Nhập Thể trong tương quan với Cha và với anh em mình. Đó là truyền thống sống động về đời sống và sứ điệp của Đấng Cứu Thế” (VC, 22). Nói cách khác: “Bậc tu trì bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống mà Con Thiên Chúa đã nhận khi Ngài xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống mà Ngài đã đề ra cho các môn đệ theo Ngài” (LG 44c).
Bước theo Chúa Kitô, các đan sĩ dám từ bỏ tất cả, ngay cả cái mang lại cho mình sự cao trọng và đáng quý là sự tự do và sự sống, để dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, tích cực loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân. Chính Chúa Giêsu luôn sống như một lữ khách: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Cho nên, Ngài còn khuyên các môn đệ khi loan báo Tin Mừng: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (Mt 10,9-10). Sống và làm theo những gì Chúa Giêsu chí thánh truyền dạy, các đan sĩ sẽ tránh được những phiền toái và đồng thời tạo cho mình một nếp sống tông đồ: nghèo khó và đơn giản về tiện nghi vật chất. Nhờ đó, họ có được một tâm hồn thanh thản, tự do, không lệ thuộc, không bám trụ và luôn luôn ở thế lữ hành để mang bình an và hạnh phúc cho nhân trần. Antôn Ngô Văn Vững đã nói: “Trần trụi đi theo Chúa Giêsu trần trụi’ (nudus nudum Jesum sequi). Hay nói cách khác, luôn trở về với sự kho nghèo để có thể bước theo và nên giống Chúa Kitô khó nghèo (pauperes cum paupere Christo)… Nghèo khó là một vấn đề thiêng liêng trọng đại luôn được đặt ra cho lương tâm Kitô, trải qua những biến chuyển của thế giới và Giáo Hội. Nhưng đời tu không coi trọng nghèo khó vì chính nó, mà vì Đức Kitô khó nghèo và khiêm hạ”[5].
Như vậy, bước theo Đức Kitô, đan sĩ họa lại bằng chính cuộc sống mình con đường tự hạ và từ bỏ mọi vinh hoa trần thế, để sống vâng phục và khó nghèo trong âm thầm, cầu nguyện và hy sinh để mưu ích cho phần rỗi của mình và của toàn thể nhân loại.
c.Dấu chỉ của Nước Trời
Ông cha ta có câu: “Tiền là tiên là phật, là sức bật của lò so, là thước đo của lòng người, là tiếng cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý, là triết lý của cuộc sống”. Có tiền là có tất cả. Nhưng làm sao kiếm được nhiều tiền, đó là nỗi khắc khoải khôn nguôi của con người. Đối với nhiều người, khát vọng sống của họ chỉ dừng lại ở đời này, cho nên tranh thủ vun quén được bao nhiêu có thể. Triết lý sống này được minh họa cách hiện thực trong Tin Mừng Thánh Luca (Lc 12,16-21): Có nhà phú hộ, ruộng nương rất nhiều và đem lại cho ông rất nhiều hoa lợi. Ông không biết để đâu cho hết nên mới nghĩ bụng là phải phá hết các kho cũ đã trở nên quá bé nhỏ đi để xây những cái lớn hơn hầu tích trữ hoa màu. Sau khi đã hoàn tất những kế hoạch đề ra, ông ta tự nhủ: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê chề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,19. Người phú hộ cứ tưởng rằng mình làm như thế là rất khôn ngoan. Thế nhưng, Thiên Chúa lại bảo ông ta là đồ ngốc, bởi vì, “nội trong đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Chúa Giêsu kết luận: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21).
Bằng việc tuyên khấn kho nghèo, đan sĩ không chọn triết lý sống của nhà phú hộ. Trái lại, họ chọn một hạnh phúc cao cả hơn: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Khi từ bỏ hết tất cả mọi sự để theo Chúa Kitô, đời đan sĩ toát lên một dấu chỉ ngôn sứ: Nước Trời không thuộc về thế gian này. Nhờ đời sống khó nghèo theo Tin Mừng, các đan sĩ hướng “đôi mắt tâm hồn” người khác đến một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc mà thế gian không ai có thể tìm thấy hay đạt được. Bởi đó, lao tác của các đan sĩ cũng mang một ý nghĩa mới: lao động để thánh hóa bản thân và thực thi bác ái. Nói cách khác, đan sĩ lao động không chỉ nuôi sống bản thân, mà còn để thánh hóa bản thân trên con đường hoàn thiện, chia sẻ với những người đang túng thiếu. Khi sống đúng tinh thần khó nghèo sẽ giúp người đan sĩ chỉ còn chuyên tâm vào việc “tích trữ cho mình kho tàng ở trên trời”, hay “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Qua đó, đan sĩ muốn chuyển tải cho người khác sứ điệp Tin Mừng: “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đạm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15); hay “hãy lo tìm Nước của Thiên Chúa, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12,31). Đan sĩ sống tinh thần khó nghèo là phương cách giúp người khác biết “làm giàu” những giá trị cần thiết nhất: “Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mạng tới, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,33-34). “Trong thế giới của chúng ta, những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xóa nhoà, nên người ta cảm thấy nhu cầu khẩn trương của một chứng tá ngôn sứ thật mãnh liệt từ phía những người thánh hiến. Chứng tá đó trước tiên công bố vị thế ưu việt của Thiên Chúa và của những điều thiện hảo sắp tới” (VC 85; x.Tông huấn EIA 44).
Như vậy, sống tình thần khó nghèo là một cách thế để các đan sĩ nói cho người khác biết vị thế ưu việt của Nước Trời, mục đích tìm kiếm duy nhất trong cuộc đời. Đó là kho tàng vô giá mà chúng ta phải đánh đổi tất cả để mua cho bằng được (Mt 13,44-45).
3.Tinh thần nghèo khó đích thực
Khi đặt vấn đề sự nghèo khó đích thực, chúng ta sẽ cùng lúc suy tư về sự nghèo khó không đích thực trong đời sống đan tu. Có tinh thần khó nghèo thôi thì chưa đủ, nó cần phải được biểu lộ qua cách sống của đan sĩ.
a.Sự hiện diện của Thiên Chúa cách tràn đầy nơi đan sĩ và cộng đoàn
Yếu tính của lời khấn khó nghèo không hệ tại sự từ bỏ nhưng là sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Nói theo ngôn từ của Thánh Phaolô, trong tất cả mọi hoạt động của cá nhân hay của cộng đoàn, “dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Sống nghèo thực sự trong đời tu chính là để cho Thiên Chúa “lớn lên” và hiện diện cách tràn đầy và rạng ngời trong cộng đoàn và nơi chính mỗi người đan sĩ. Nói cách khác, bởi vì sống nghèo khó, cộng đoàn đan tu được giàu về “sự hiện diện của Thiên Chúa”. Những toà nhà cao sang, đời sống tiện nghi lộng lẫy có thể làm lu mờ hình ảnh Thiên Chúa và ít có khả năng khích lệ Kitô hữu trong đời sống tu đức. Đó cũng chính là nỗi băn khoăn của Cha Tổ Phụ: “Con hết lòng ước ao các thầy Dòng Trappe đến Việt Nam, nhưng thành thật mà nói, con sợ họ dấu kín sức mạnh của lời cầu nguyện và việc hy sinh sau những ngôi nhà tráng lệ. Đó là một đại họa – một cản trợ lớn cho việc tập đức, nhưng tiếc là không mấy ai nhận ra – và thay vì nêu gương cho mọi Kitô hữu, họ chỉ được ca ngợi bởi một số ít, tức là bởi những ai có thể thâm nhập vào bên trong Đan viện, để xuyên qua sự giàu có của Đan viện nhìn thấy một cái gì khác. Vậy thân lạy Đức Cha, xin ban phép cho con được sống nghèo ngay cả bề ngoài nữa, con xin hứa với Đức Cha là chúng con sẽ ở sạch sẽ” (DN, số 0). Hơn nữa, trong việc lao động chân tay hằng ngày, đan sĩ phải làm sao để cho hương thơm của Đức Kitô được lan tỏa: “Theo gương Chúa Cứu Thế, các tu sĩ lao động như những người nghèo. Sống cuộc sống trong cảnh nghèo để đền tội, để tỏa hương thơm của Chúa Kitô, và để có khả năng dùng phần dư mà giúp đỡ những người đang hoạt động cho phần rỗi của những người chưa nhận biết Chúa” (DN, số 106). Do đó, dù trong hoàn cảnh nào, đan sĩ vẫn bình an và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Đã hai tuần nay, gió nam thổi mạnh, hại mái nhà quá lẽ, nhất là hại nến sáp. Khi làm lễ đóng hết các cửa, mà gió vẫn lùa vào, làm một lễ hao tốn sáp bằng ba bốn lễ. Sáp thì mắc, chúng con thì nghèo, thế có cực không! May phước có Cha chúng ta ở trên trời giàu vô cùng, chúng con cứ trông cậy Người luôn” (DN, số 38). Và trong thư ngày 19 tháng 07 năm 1920: “Cái nhà đẹp nhất của chúng con nay đá biến thành đống tro tàn. Trót cơ nghiệp cả nhà dòng ở cả trong đó: sách vở, thuốc men, quần áo, thực vật, hột giống thay thảy đều cháy hết. Mặc lòng, chúng con hát Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa, vì lẽ ra các nhà khác cũng bị đồng số phận! …
Vạn tuế thánh đức khó nghèo! Sau nếu Chúa lại ban sách vởm quần áo, thuốc mên chi nữa, thì thảy là của chung nhà dòng… Bị rủi ro như thế là dấu Cha nhân hậu tỏ lòng thương con cái: Chúng con hằng ngợi khen Chúa và cám ơn Người” (DN, số 47).
Tóm lại, theo Cha Biển Đức Thuận, sống nghèo thực sự là luôn sống kết hợp và tín thác vào Thiên Chúa dù trong bất cứ hoàn cảnh nào: “Chúng ta phải lo sống kết hiệp với Chúa. Mọi việc chúng ta làm vì Chúa, làm cho Chúa, chi cũng làm cho Chúa hết. Như thế, chúng ta mới nếm được sự bình an của Chúa” (DN, số 107).
b.Sống giữa thế gian nhưng không thuộc thế gian
Dù đã từ bỏ đời và xa lánh thế gian, đan sĩ vẫn phải sống trong thế gian để làm chứng cho Thiên Chúa và phục vụ nhân loại. Đây là cơ may nhưng cũng là một cạm bẫy. Cho nên, đan sĩ cần tỉnh thức và biện phân dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để nhận biết cái gì là tốt cái gì hoàn hỏa và đâu là điều Thiên Chúa muốn. Thánh Phaolo khuyên dạy: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy biến cải con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Thật vật, khi tuyên khấn khó nghèo, đan sĩ tự nguyện chống lại tính chiếm hữu bẩm sinh, xa lánh và từ bỏ việc sử dụng của cải vật chất để thanh thoát trong hành trình theo Đức Kitô. Thế nhưng, “trong một nền văn minh và trong một thế giới mà vật chất tiến triển mau lẹ và hình như vô tận, tu sĩ sẽ chứng minh thế nào được về đức khó nghèo, nếu lăn xả vào sự tiềm kiếm không hạn chế những tiện nghi, nếu cho là hợp lý khi tự cho phép mình được hưởng tật cả hững gì người ta cung cấp mà không cần phân định cũng không cần điều độ?” (Tông huấn chứng tá Tin Mừng, số 19).
Cám dỗ thường đeo bám các đan sĩ là muốn mình thoải mái hơn một chút: Từ chỗ có một căn nhà để “an cư lạc nghiệp”, đến cần “nhà cao cửa rộng và đầy đủ tiện nghi”; Từ “ăn chắc mặc bền”, đan sĩ có thể muốn “ăn ngon mặc đẹp”; từ việc cần phương tiện đi lại, đan sĩ có khuynh hướng “cho bằng anh bằng chị”, cho “xứng tầm và đúng đẳng cấp”. Nghèo không có nghĩa là phải sống túng thiếu theo nghĩa thông thường của thế gian, nhưng là phải sống có chừng mực, biết sử dụng vật chất đúng với nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và đúng với mức sống bình dân của người chung quanh, và nhất là đúng với “phong cách” đan sĩ. “Cũng nên nhớ rằng: mình đã khấn giữ nghèo khó, bởi đó không tham muốn hay đòi hỏi những gì mà bệnh nhân nghèo không có” (Di ngôn số 96). Hay “khi xuất hành, tu sĩ hãy nhớ mình đã chọn bậc nông phu nghèo khó vì lòng mến Chúa Kitô, vì thế, hãy nhớ cung cách của những kẻ hèn mọn, và đối với mọi người, phải hết sức trang nghiêm và khiêm cung” (DN, số 99).
Khó nghèo thực sự của đan sĩ không chỉ được hiểu cách hạn hẹp trong việc sử dụng của cải với phép của bề trên, nhưng sống tinh thần thanh thoát để chỉ lo tìm Chúa mà thôi. Nhờ vậy, đan sĩ sẽ coi mọi sự là của chung hết và sống triệt để tinh thần chia sẻ huynh đệ. “Nếu anh em chia sẻ với nhau của cải đời đời, anh em lại càng phải chia sẻ với nhau của cải sẽ hư nát” (Didakhê). Sống đức khó nghèo thiết thực bằng cách để của cải làm của chung kể cả tiền lương nữa, sẽ làm chứng cho sự hiệp thông thiêng liêng khiến chúng con sống hiệp nhất với nhau…” (Tông huấn chúng tá Tin Mừng, số 21).
Đan sĩ sống tinh thần khó nghèo khi làm việc để tự nuôi sống mình (TL, 48.8). Dĩ nhiên, việc làm của đan sĩ không đơn thuần dừng lại ở lợi tức kinh tế, mà còn để “chứng minh ý nghĩa nhân bản của việc lao động, phải được thực hiện trong sự tự do của lý trí và đêm lại cho bản tính của lao động tính mưu sinh và phục vụ… Làm việc để mưu sinh cho các con, mưu sinh cho anh chị em các con, để giúp đỡ những người nghèo, đó là bổn phận của các con… Nhưng những hoạt động của các con không được trái với ơn kêu gọi của Dòng các con, cũng không thể cho phép các con thường xuyên làm những việc thay thế nhiệm vụ riêng biệt của Dòng các con. Những hoạt động ấy cũng không được lôi cuốn các con, bất cứ cách nào, đến tnh trạng tục hóa, gây thiệt hại cho đời sống tu trì của các con. Vậy các con hãy lưu ý đến tinh thần thúc đẩy các con làm việc: thật là một thất bại ghê gớm, nếu các con tưởng mình ‘có giá trị’ chỉ vì được thưởng công do những công việc trần tục đem lại” (TH Chứng Tá Tin Mừng, số 20).
Như vậy, khi sống khó nghèo đích thực, khi đan sĩ lấy Chúa làm gia nghiệp đời mình, đồng thời, kiến tạo cho mình một tâm hồn thanh thoát để dấn thân phục vụ, cũng như mở rộng đôi tay để hướng đến với anh em nghèo khổ đang sống chung quanh.
Kết luận
Lời khấn khó nghèo đặt đan sĩ đối diện với nhiều vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Trước hết, tinh thần khó nghèo: đan sĩ tự do chọn Thiên Chúa như gia nghiệp duy nhất của đời mình. Sự lựa chọn này được đan sĩ hiện thực hoá bằng cách bước theo Đức Kitô và họa lại con đường vâng phục khiêm hạ của Người. Nhờ đó, đan sĩ trở thành dấu chỉ của Nước Trời mai sau vì: “Phúc thay ai có tăm hôn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Thứ đến, sống nghèo khó đích thực: làm cho Thiên Chúa hiện diện cách rõ ràng và sinh động qua sinh hoạt cũng như cơ sở vật chất đan viện. Đan sĩ biết biện phân và không chạy theo lối sống của thời đại trong việc sử dụng của cải vật chất, không đánh mất giá trị của lao động, đồng thời giữ gìn và phát huy đặc sủng đấng sáng lập. Nói thì dễ nhưng sống mới là khó! Thật vậy, “cuộc sống thường ngày với những cám dỗ về của cải, tiện nghi và cả những lôi cuốn theo bản năng nhục dục sẽ bộc lộ chân tướng một con người. Người ấy sẽ không còn khả năng phát huy những giá trị của Tin Mừng, tự nguyện chọn con đường Thập giá, với những hy sinh tất yếu kèm theo, là bỏ mình, sống cuộc đời nghèo khó, khắc khổ, đơn sơ, khiêm tốn. Có thể họ nói đến Tin Mừng và còn nói hay hơn nói nhiều về Tin Mừng, nhưng đó là một thứ Tin Mừng theo tinh thần thế tục”[6].
Để sống đúng và sống triệt để tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, đan sĩ cần bám vào Thiên Chúa vì chỉ có Người mới có thể giúp chúng ta hoàn thành tâm nguyện này. Và khi sống trong tâm tình “không gì quý hơn tình yêu của Đức Kitô” (Tu luật, 4,21; 5,2; 72,11) và dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đan sĩ sẽ biết làm sao để sống đức khó nghèo. Hãy cùng nhau nghe những chia sẻ của Đức Thánh cha Phaolô VI trong Tông huấn của người: “Tất nhiên các con cũng phải lưu ý tới hoàn cảnh người đời mà các con đang chung sống để thích nghi với lối sống của họ, nhưng đức khó nghèo của chúng con sẽ không thể chỉ đơn giản là phù hợp với những môi trường của họ. Giá trị chứng tá của đức khó nghèo bắt nguồn từ cách đáp lại một cách quảng đại đòi hỏi của Phúc Âm trong thái độ hoàn toàn tung thành với ơn thiên triệu của chúng con, chứ không phải bắt nguồn từ nỗi lo lắng tỏ ra mình nghèo khó, nỗi lo lắng này chỉ có bề ngoài; tuy nhiên cũng cần phải tránh những cách sống biểu lộ một thái độ cầu kỳ và khoe khoang…” (Tông Huấn chứng tá Tin Mừng, số 22).
[1] Lúc bấy giờ, vùng đất gần Dijon, miền đông nước Pháp này được người địa phương gọi là Cistels vì đây là một vùng sình lầy hoang vu có nhiều lau, sậy, cói, lác,… (cistels) không có dân cư, chỉ có hoang thú lui tới. Ngày nay tên đầy đủ của vùng đất sình lầy ngày xưa ấy là ‘Saint-Nicolas-lès-Cîteaux’.
Đến năm 1119, ‘Tân Đan Viện’ chính thức mang tên là Đan viện Cîteau (Xitô) -tên của địa danh này. Kể từ đây, các Đan viện thuộc Dòng Xitô thường lấy tên Xitô Nguyên Thủy kết hợp với tên địa danh địa phương để gọi tên đan viện mới được thành lập (vd. Xitô Phước Sơn, Xitô Phước Lộc, Xitô Châu Sơn Nho Quan, Xitô Châu Sơn Đơn Dương,…). Đây cũng là một trong những nét riêng của Dòng Xitô còn duy trì cho đến ngày nay.
[2] Lê Phú Hải, OMI, Lịch sử linh đạo đời sống tu trì, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2013, tr.254.
[3] Antôn Ngô Văn Vững, Đời thánh hiến theo công đồng Vaticano II, Dấu chỉ – Chứng từ – Ngôn sứ, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2008, tr.85.
[4] Rick Warren, Sống Có Định Hướng, Lm. Minh Anh dịch, tr. 24, trích dẫn bởi Ánh Minh, Đan viện Xitô Châu Thuỷ, Lời Chúa Trong Đời Sống Đan Tu, Ơn Gọi Đan Tu Trong Lòng Giáo Hội, Tìm Chúa số 17, tr.253.
[5] Antôn Ngô Văn Vững, idem,. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2008, tr.82-83.
[6] Antôn Ngô Văn Vững, idem,, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2008, tr.96.
LÝ TƯỞNG ĐAN TU
KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN XƯA
ời sống đan tu trên căn bản cũng giống như đời sống của các Hội Dòng tận hiến khác; tuy nhiên lý tưởng tận hiến đan tu được coi là nguồn gốc của đời thánh hiến trong Giáo Hội. Mặc dù được hình thành từ lâu đời, khoảng cuối thế kỷ thứ III và đầu thế kỷ thứ IV và ngày nay không còn chiếm vị thế đặc biệt như thời trung cổ, nhưng lý tưởng đan tu vẫn ‘không phải là chuyện đời xưa’, bởi lẽ ý nghĩa, nền tảng và mục đích của nó được khởi đi từ giáo huấn của Tin Mừng.
Cha Henri Denis, một linh mục thừa sai Paris được gửi qua Việt Nam truyền giáo, đang khi làm Cha sở Họ đạo Nước Mặn và Giáo sư tại Chủng viện An Ninh, ngài đã ấp ủ và khát khao trở thành thầy dòng chiêm niệm. Là một linh mục triều nhưng vì yêu thích, đề cao lý tưởng chiêm niệm nên ngài quyết tâm thực hiện việc thành lập một dòng tu chiêm niệm trên đất Việt. Trong lá thư gửi Đức cha Allys (Lý) ngài đã bộc bạch: “Lý tưởng mà con mơ ước là được làm tu sĩ Tông Đồ tại An Nam, nơi đó, Thiên Chúa cần được một số người nhận biết, yêu mến và phụng sự cách triệt để hơn. Họ có nhiệm vụ làm cho mọi Kitô hữu nhận thức rằng lý tưởng đan tu không phải là một ‘chuyện đời xưa’, nhưng nó còn hiện thực và hiện thực hôm nay cũng như thời xưa” (DN, số 0).
Để thấy được ước nguyện mãnh liệt và mục đích rõ ràng của Đấng Sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia như vừa đề cập trên đây, đề tài “Lý tưởng đan tu không phải là chuyện đời xưa” sẽ lần lượt khai triển các ý tưởng sau đây:
1.Lý tưởng đan tu dựa trên nền tảng Tin Mừng
2.Đời đan tu: một chứng từ về đời sống tâm linh
3.Đan tu Xitô và sứ mạng “đổi mới” thế giới
1.Lý tưởng đan tu dựa trên nền tảng Tin Mừng
Tu sĩ là những Kitô hữu nhưng theo một hình thức đặc biệt, diễn tả một lối sống tuyệt đối theo tinh thần của Tám mối Phúc thật và những lời mời gọi của Phúc Âm. Công đồng Vaticano II khẳng định: “Người tu sĩ nhờ Bí tích Rửa tội đã chết cho tội lỗi và tự hiến cho Thiên Chúa. Nhưng để có thể sinh nhiều hoa trái tốt bởi hồng ân Thánh Tẩy, người tu sĩ muốn giữ những lời khuyên Phúc Âm trong Hội Thánh ngõ hầu tránh khỏi những cản trở trong việc tìm kiếm và thực thi đức ái tinh tuyền và sự tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo” (LG, số 44). Dựa trên nền tảng của Công đồng, Giáo luật của Giáo Hội đưa ra định nghĩa cách chi tiết hơn: “Đời sống tận hiến qua việc tuyên khấn giữ các lời khuyên phúc âm là một lối sống vững bền, nhờ đó các tín hữu theo sát Chúa Kitô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Đấng đáng yêu mến tột bực, ngõ hầu, một khi đã hiến thân, với một danh nghĩa mới và đặc biệt, cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc xây dựng Giáo Hội và cho phần rỗi nhân loại, người tu sĩ nhắm tới đức ái hoàn thiện trong việc phục vụ Nước Chúa và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội tiên báo vinh quang Nước Trời…” (GL, 573.1).
Đời sống tu trì nói chung và đời đan tu nói riêng đều bắt nguồn từ một suối mạch duy nhất: đó là Phúc Âm và theo một gương mẫu duy nhất là Chúa Kitô[1]. Tin Mừng luôn là quy luật tuyệt đối, là nền tảng của đời thánh hiến; những luật lệ khác chỉ là cách thức diễn đạt Tin Mừng và dụng cụ để sống Tin Mừng cách súc tích và cụ thể trong từng nền văn hóa.
Như mọi tu sĩ, những ai theo đuổi nếp sống đan tu cũng đặt nền tảng và xây dựng đời mình trên giáo huấn của Tin Mừng và lấy Chúa Kitô làm lý tưởng duy nhất của cuộc đời. Các tu sĩ, đan sĩ chọn đời sống tận hiến để làm nhân chứng về Chúa Kitô, làm sứ giả Phúc Âm, để phục vụ Hội Thánh bằng chính đời sống trọn vẹn của mình theo mẫu gương duy nhất và tuyệt đối là Chúa Giêsu. Điều này cũng đã được Công đồng Vaticano II khẳng định: “Theo Chúa Kitô như Phúc Âm dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu trì, nên tất cả các Hội Dòng phải coi tiêu chuẩn ấy như là qui luật tối thượng” (PC 2). Đời sống cũng như giáo lý của Đức Giêsu đã mặc khải một cách vô cùng phong phú rằng Người là vầng kim ô thánh thiện và đức ái toả sáng vào vườn hoa muôn sắc các tâm hồn tận hiến của Giáo Hội[2].
Nếu Tin Mừng không bao giờ cũ, nếu Đấng Kitô “hôm qua cũng như hôm nay và cho đến muôn đời” (Dt 13,8), Người là duy nhất và trường tồn thì lý tưởng đời đan tu dựa trên đó cũng không bao giờ lỗi thời. Quả thật, trọn bản Tu Luật của Thánh tổ Biển Đức như một áp dụng cụ thể giáo huấn Tin Mừng để các đan sĩ mọi thời đại sống đặc sủng của mình hầu có thể đạt tới “con đường của sự sống” mà “chính Thiên Chúa, với lòng ưu ái, đã chỉ cho chúng ta” (TL, Lời mở, 20).
Cha Biển Đức Thuận, Đấng Sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia muốn tiếp tục theo đuổi con đường các Thánh Tổ phụ Đan tu suốt bao nhiêu thế kỷ để lại. Ngài quí trọng và muốn nên hoàn thiện bản thân bằng lối sống này; đồng thời cũng muốn thánh hóa người khác nhờ các phương thế tuyệt hảo do đời sống cao quí và đặc thù này mang lại.
2.Đời đan tu: một chứng từ về đời sống tâm linh
Nhìn vào đời sống tu trì, cách riêng đời sống đan tu, nhiều người cho rằng đó là chuyện thuộc về dĩ vãng, không có giá trị, thiếu tính thực tế và thuyết phục.
Martin Luther đã gay gắt kết án đời sống đan tu chiêm niệm vì theo ông đó là một lối sống “phản Kitô giáo tai hại, vô đạo, nặc mùi Do Thái, nặc mùi ngoại giáo”. Còn tầng lớp “trí thức” ở Âu Châu thế kỷ XVII và XVIII thì cho rằng đời sống các đan sĩ chiêm niệm chuyên lo phụng sự Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn bằng các kinh nguyện và qua nỗ lực hoàn thiện đời sống cá nhân mỗi ngày không những vô dụng mà còn phản tiến bộ, và như thế là một mất mát to lớn cho phúc lợi chung của xã hội. Ngay cả một thiểu số các tín hữu Công Giáo, gồm có giáo dân và giáo sĩ, cũng phê bình đời sống đan tu chiêm niệm là dư thừa và thiếu hiệu quả, xa lạ với xã hội và dửng dưng trước công cuộc truyền giáo[3].
Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn luôn quan tâm và dành cho đời đan tu chiêm niệm một chỗ đứng ưu tiên và không ngừng cổ võ nhiệt tâm sống trọn vẹn ơn gọi cao quí này. Những cố gắng của đời đan tu xưa nay vẫn luôn được Giáo Hội trân trọng đặc biệt là những giá trị tâm linh. Đời sống đan tu khơi nguồn cho nhân loại hiểu ra rằng có một đời sống vĩnh cửu đan xen trong đời sống hữu hạn, có một thực tại vô hình hiện diện trong thực tại hữu hình.
Được gợi hứng từ Tin Mừng, đời sống đan tu hướng trọn cuộc sống về Thiên Chúa với tất cả niềm tin và hy vọng. Cuộc đời của đan sĩ là một chứng từ về sự hiện diện của Chúa giữa trần gian. Tuy sống trong nơi thanh vắng, nhưng đời sống đan tu không phải là một thành phần tách biệt thế giới như một số người nhận định. Thật ra, cuộc sống này phản ánh ơn gọi của Giáo Hội qua phép rửa, đó là: “Biểu thị rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô giáo” và đó là con đường để đạt tới “sự thánh thiện” (VC, số 3).
Sở dĩ Giáo Hội đánh giá cao đời đan tu chiêm niệm, bởi vì, “căn bản chiều kích chiêm niệm là một thực tại ân sủng”, làm cho con người nhận biết Thiên Chúa và cảm nghiệm được chiều kích sâu thẳm của Thiên Chúa[4]. Đời đan tu là đời chiêm ngưỡng, không dừng lại ở việc cử hành phụng vụ và chu toàn một số việc đạo đức truyền thống nào đó, nhưng chính bởi vì cuộc sống này nhằm chứng nghiệm sự hợp nhất thẳm sâu giữa Thiên Chúa với tâm hồn. Sự hợp nhất này gói trọn cuộc sống đan sĩ trong bầu khí cầu nguyện và được đồng hoá nó với sự hoàn thiện của đức ái đối thần. Quả thế, các đan sĩ sống đời đan tu vẫn đang âm thầm và kiên trì thực hiện cuộc hành trình gặp gỡ và chiêm ngưỡng Thiên Chúa bằng con tim thuần khiết, chứ không được giản lược qua lời hay lãnh vực thuộc về tri thức minh triết của con người. Tuy còn sống ở thế gian, nhưng đan sĩ như đã được hưởng trước hạnh phúc trên trời. Đó là kết quả của sự hiện diện liên tục với Thiên Chúa do đời sống chiêm niệm đem lại.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn ‘Đời sống Thánh hiến’ (Vita Consecrata) đã nhận định rằng đời sống đan tu chiêm niệm là một vinh dự và là nguồn ơn tuôn đổ trên đời sống Giáo Hội. Nơi số 8 của Tông huấn chúng ta đọc thấy những lý do giải thích như sau: “Bằng chính đời sống và sứ mệnh của mình, những thành viên của các Hội Dòng này, noi gương Chúa Kitô cầu nguyện trên núi; các vị chứng tỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên dòng lịch sử và tham dự trước vinh quang mai hậu. Trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, phụng thờ Thiên Chúa, khổ chế bản thân, đọc kinh cầu nguyện, hãm mình và chia sẻ tình huynh đệ, các vị quy hướng trọn vẹn đời sống và mọi sinh hoạt của mình về sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Như vậy, các vị cống hiến cho Giáo Hội chứng tá duy nhất về tình yêu mà Giáo Hội dành cho Thiên Chúa, cũng như góp phần vào việc làm tăng trưởng Dân Chúa, bằng một việc Tông Đồ “âm thầm nhưng phong phú”.
Vì lý tưởng đan tu không phải là chuyện đời xưa nên Giáo Hội nhận thức rằng sự hiện diện của các đan viện, với lời cầu nguyện là phương cách góp phần vào việc làm tăng trưởng và phong phú hóa đời sống thiêng liêng của người khác[5]. Bên cạnh đó, đan sĩ mọi thời vẫn giữ nhiệm vụ “đánh thức thế giới”, qua đời sống chứng nhân: là muối, men và ánh sáng cho trần gian. Trong thế giới vật chất, tục hóa và vô thần hôm nay, có lẽ đời sống đan tu trở nên cần thiết hơn bao giờ hết: các đan sĩ được mời gọi trở nên những sứ giả cho tình yêu và sự bình an của Thiên Chúa. Sự hiện diện của lối sống xem ra xa lạ và vô ích này cũng trở thành dấu chỉ cánh chung cho mọi người đương thời một cách nào đó.
Con người ngày nay đang sống trong một nền văn hoá, ở nơi đó, người ta không biết trao ban ý nghĩa của sự sống và cái chết, vì đó là một nền văn hoá đã đánh mất ý nghĩa của sự sống vĩnh cửu. Các đan viện được trao ban cho thế giới để giúp thời đại chúng ta hít thở ước muốn sự sống đời đời và để thấy rằng ước muốn này làm cho cuộc sống hiện tại mỗi ngày thêm mạnh mẽ và phong phú. Ngày hôm nay, nếu chúng ta là nam nữ đan sĩ, chính bởi vì chúng ta được sinh ra cho ơn gọi này, và tất cả những ai đã thông chuyển cho chúng ta gia sản này xứng đáng được tri ân và chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn[6].
Khi Cha Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia có ý định lập dòng, nhiều người không hiểu, không đồng tình, không thấy cần. Tuy nhiên, trong lá thư gửi cho Đức cha Allys (Lý) ngày 31.01.1912, ngài đã trình bày rõ ràng: “Lý tưởng mà con mơ ước là được làm tu sĩ Tông Đồ tại An Nam, nơi đó, Thiên Chúa cần được một số người nhận biết, yêu mến và phụng sự cách triệt để hơn. Họ có nhiệm vụ làm cho mọi Kitô hữu nhận thức rằng lý tưởng đan tu không phải là một “chuyện đời xưa”, nhưng nó còn hiện thực và hiện thực hôm nay cũng như thời xưa” (DN, số 0).
3.Đan tu Xitô Thánh Gia và sứ mạng “đổi mới” thế giới
Tông huấn Chứng Tá Tin Mừng của Đức Giáo hoàng Phaolô VI nêu lên vai trò quan trọng của tu sĩ nói chung và cách riêng các đan sĩ: “Đừng có ai nghĩ rằng các tu sĩ vì đã tận hiến mà họ trở nên xa lạ với nhân loại và trở thành vô ích cho xã hội trần gian. Vì mặc dầu đôi khi không trực tiếp giúp đỡ người đồng thời với họ, nhưng các tu sĩ vẫn hiện diện với họ một cách thâm sâu hơn trong tình yêu Đức Kitô, và cộng tác với nhân loại một cách thiêng liêng, để công cuộc kiến tạo xã hội trần gian luôn luôn có nền tảng trong Thiên Chúa và quy hướng về Người, hầu những người xây dựng xã hội ấy khỏi nhọc công vô ích” (số 49).
Sống chứng tá đời sống và ơn gọi mình vừa là vinh dự nhưng cũng là nhiệm vụ khẩn thiết đối với các đan sĩ Xitô Thánh Gia giữa lòng Giáo Hội. Đan sĩ Xitô Thánh Gia không chỉ sống cho mình nhưng hướng tới một viễn tượng lớn lao hơn, đó là phần rỗi của nhân loại. Chính vì vậy mục đích đầu tiên này khiến Cha Tổ Phụ ấp ủ việc thiết lập một Hội Dòng chuyên lo việc đó và cuối cùng ước mơ của ngài đã thành sự thật.
Chúng ta không thể bỏ qua lá thư Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận viết gửi Đức cha Allys (Lý), Giám mục Giáo phận Huế, ngày 31 tháng 01 năm 1912, tuy ngắn nhưng lột tả hết căn tính, mục đích và đường hướng của Dòng Đức Bà An Nam thuở chào đời.
Nói về Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, chúng ta không thể không nói đến việc ngài dâng hiến cuộc đời mình để cứu rỗi những người chưa biết Chúa. Chính điều này đã trở thành một đích nhắm duy nhất của cuộc đời Cha Biển Đức Thuận và là lý do hàng đầu về sự hiện hữu của ngài. Điều đó cho phép chúng ta hiểu hơn một chút nữa tâm hồn và tình yêu của vị thừa sai dành cho những người chưa biết Chúa, những “người ngoại” sống trong những miền đất xa xôi[7]. Khi thiết lập Dòng Đức Bà An Nam (tiền thân của Hội Dòng Xitô Thánh Gia ngày nay), Cha Biển Đức Thuận đã trình bày hai mục đích của dòng:
– Hướng tới sự hoàn thiện qua việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm.
– Cầu nguyện và hãm mình, vì phần rỗi lương dân.
Sau nhiều năm truyền giáo bằng lời nói và đời sống, cuối cùng Cha Biển Đức Thuận tìm ra một con đường, một ơn gọi: đời sống đan tu. Sứ mạng truyền giáo của đan sĩ Thánh Gia luôn là cộng tác với Thiên Chúa để đưa lương dân về cho Chúa. Chính Cha Tổ Phụ đã xác tín rằng cuộc sống thánh thiện sẽ lôi cuốn những người lương dân về với Chúa. Trong “Lời Giáo Huấn”, ngài dạy các môn sinh: “Chúng ta đã biết, làm một thầy dòng thật, nên một thầy dòng thánh không phải dễ đâu. Thật là một điều rất khó, nhưng chúng ta phải khởi công ra sức chịu khó tập tành, chăm chỉ cầu nguyện, thì thế nào cũng được. Một thầy dòng contemplativi, hãm mình, trở thành một thầy dòng thánh, thì làm ích cho Hội Thánh, và rạng danh cho dòng mình[8].
Đan sĩ là sứ giả, là trung gian của Thiên Chúa mang sứ điệp cứu rỗi và hiệp nhất của Chúa Kitô đến với mọi người, bằng lời cầu nguyện và đời sống thánh thiện. Một khi đan sĩ sống đúng phẩm chất con người mới trong Chúa Kitô, họ trở nên những đan sĩ thật, những đan sĩ thánh. Điều này cho thấy rằng ‘lý tưởng đan tu không phải là chuyện đời xưa’.
Cuộc sống thanh đạm trong các đan viện của Hội Dòng Xitô Thánh Gia họa lại gương nghèo khó của Gia Đình Nazareth, là điểm son và có sức thu hút những người lương dân hơn bất kỳ lời rao giảng nào. Chính vì thế cũng trong lá thư gửi cho Đức Cha Allys (Lý), ngày 31 tháng 01 năm 1912, Cha Biển Đức Thuận đã xác nhận: “Con hết lòng ước ao các thầy Dòng Trappe đến Việt Nam, nhưng thành thật mà nói, con sợ họ giấu kín sức mạnh của lời cầu nguyện và việc hy sinh sau những ngôi nhà tráng lệ. Đó là một đại họa – một cản trở lớn cho việc tập đức, nhưng rất tiếc là mấy ai nhận ra – và thay vì nêu gương cho mọi Kitô hữu, họ chỉ được ca ngợi bởi một số ít, tức là bởi những ai có thể thâm nhập vào bên trong đan viện, để xuyên qua sự giàu có của đan viện nhìn thấy một cái gì khác. Vậy, thân lạy Đức Cha, xin ban phép cho con được sống nghèo ngay cả bề ngoài nữa, con xin hứa với Đức Cha là chúng con sẽ ở sạch sẽ“.
Theo Cha Tổ Phụ, noi gương nếp sống của Thánh Gia và tiến bước trên con đường “trở nên Giêsu, Giêsu thay thảy”, là cách dễ dàng và tốt nhất để các đan sĩ Xitô Thánh Gia đi đến với những anh chị chưa nhận biết Chúa, và đó là phần đóng góp độc đáo của Hội Dòng Xitô Thánh Gia cho quê hương Việt Nam. Đồng thời Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận cũng hằng tha thiết yêu mến và muốn mang lại cho dân tộc Việt Nam điều cao quí nhất, đó là đời sống đan tu chiêm niệm. Là người Việt Nam, là đan sĩ Hội Dòng Xitô Thánh Gia đang thừa hưởng hồng ân cao quí này, chúng ta cũng phải có chung ước muốn với Cha là lo sao cho nhiều anh chị em đồng bào mình được biết Chúa, được phụng sự Chúa, và được hưởng nếm niềm hạnh phúc làm con Chúa, như chúng ta đang được thừa hưởng[9]
Tóm lại, những điều chúng ta vừa trình bày trên đây cũng đã được định rõ trong Bản Tuyên Ngôn Hội Dòng Xitô Thánh Gia, khi viết: “Đan sĩ Thánh Gia làm chứng tá tình yêu Thiên Chúa giữa nhân loại bằng sự thông hiệp với Chúa Giêsu Cứu Thế, trong hy sinh thầm lặng và lời cầu nguyện tha thiết để cứu giúp những người chưa nhận biết Chúa”[10].
Lời Kết
Vì đời sống đan tu bắt nguồn từ suối mạch duy nhất là Phúc Âm và gương mẫu cho cuộc sống tận hiến của các đan sĩ là Đức Kitô, nên lý tưởng đan tu luôn luôn mới. Sẽ không được coi là quá lời khi nói “hồn sống của các đan sĩ là Chúa Kitô”. Phận vụ trên hết của đan sĩ là sống với Đức Kitô và thi hành giáo huấn của Tin Mừng: mọi họat động trong đời thánh hiến của các đan sĩ không thể ở ngoài Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Các đan sĩ lấy Chúa Kitô làm lý tưởng đời tận hiến của mình vì Người là đường và là gương mẫu cho đan sĩ noi theo và tiến bước. Suốt cuộc đời đan sĩ phải chuyên lo đào sâu ý nghĩa “chiều kích quy Kitô trong đời sống thánh hiến” của mình. Thánh Giáo hoàng Gioan Phalô II quả có lý khi đưa ra lời khuyên cho các tu sĩ: “Các con không thể trung thành trong đời sống thánh hiến nếu các con chưa bắt gặp được ánh nhìn yêu thương của Đức Kitô”.
Lý tưởng đan tu và những phận vụ trong đời sống đan tu là những yếu tố thiết yếu của đan sĩ để giới thiệu Chúa cho mọi người. Vì thế, “lý tưởng đan tu không phải là ‘chuyện đời xưa”, nhưng là chuyện của hôm nay và tiếp tục duy trì trong tương lai.
Nhiệm vụ của đan sĩ là làm chứng, giới thiệu và “công bố” cho người khác những gì mình có. Và đó là nét riêng của việc loan báo Tin mừng. Việc thiết lập một Hội Dòng với nhiệm vụ hướng tới những người chưa biết Chúa của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận cũng chỉ là việc thực thi mệnh lệnh “đến với muôn dân” của Đức Giêsu. Nói cách khác, các nam nữ đan sĩ Hội Dòng Xitô Thánh Gia, những con cái của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, cần làm thế nào để đời tận hiến của mình “bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng Đức Kitô” (Cl 2,6) và anh chị em của mình cũng được như vậy.
[1] x. Evangelii Nuntiandi – Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 79.
[2]x. https://www.conggiao.org/chuong-7-nen-tang-tin-mung-cua-loi-song-tan-hien-giua-doi/.
[3] x. F.M. Gioan Bosco Nguyễn Hữu Thy, Ơn gọi Đan Tu là vinh dự và nguồn ơn thiêng của Giáo Hội, Kỷ yếu Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương, tr. 144; http://conggiao.info/on-goi-dan-tu-la-vinh-du-va-nguon-on-thieng-cua-giao-hoi-d-36468.
[4] x. Chiều kích chiêm niệm của đời tu, số 1.
[5] x. Liên hệ hỗ tương giữa các giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội, số 24-25.
[6] x. Kỷ Yếu Châu Sơn Đơn Dương, Thư ngỏ của Tổng phụ, Fr. Mauro-Giuseppe Lepori, O.Cist, tr. 10.
[7] x. Duyên Thập Tự, Những nẻo đường mang đạo cho anh em mình: Cha Biển Đức Thuận và công cuộc truyền giáo,
http://hoidongxitothanhgia.com/hoc-hoi-kinh-thanh/nhung-neo-duong-mang-dao-cho-anh-em-minh-duyen-thap-tu-1833.html.
[8] x. “Nên thầy dòng thánh”, Di Ngôn, tr. 171-173.
[9] x. THỜI ĐIỂM HỒNG ÂN,
http://hoidongxitothanhgia.com/dan-vien-tm-chau-thuy/mung-ky-niem-100-nam-thanh-lap-hoi-dong-xito-thanh-gia-1856.html.
[10] Tuyên ngôn Hội Dòng Xitô Thánh Gia, số 4.
TÂM THƯ GỬI CHA TỔ PHỤ
sr. M.Têrêsa Hài Đồng – M. Têrêsa Calcutta
Cha kính mến!
Với ngày nào với đôi quang gánh đơn nghèo trên vai, cha đã lên đường hướng về Núi Phước, Quảng Trị để khai mở một nếp sống mới, nếp sống đan tu chiêm niệm, vậy mà thấm thoát đã 100 năm. Hạt giống cha đã gieo vãi năm xưa ấy, nay đã và đang đơm bông kết trái trĩu nặng, đó là Hội Dòng Xitô Thánh Gia với hơn 1.300 thành viên.
Hôm nay, cùng với cả Hội Dòng, chúng con muốn gửi tới cha vài tâm tình bé nhỏ, đơn sơ nhưng đầy lòng hiếu thảo, đầy lòng cảm phục và kính yêu, như một dịp để chúng con thôi thúc mình theo gót cha.
Thưa cha! chúng con có nghe những người thân thiết của cha kể lại rằng từ thời niên thiếu, cha đã ấp ủ một khát vọng lớn lao, một ước muốn tốt lành thánh thiện, đó là được trở thành một tu sĩ, một nhà truyền giáo theo bước chân Chúa Giêsu. Sau bao năm đào luyện trong các chủng viện ở Arras, ở Paris…, cuối cùng một ngày đẹp trời đã đến, cha đã cập bến Đà Nẵng, Việt Nam. Sau những ngày đầu vất vả nơi ‘đất khách quê người’ với việc học tiếng, với việc thích nghi thức ăn, phong tục tập quán xa lạ…, cuối cùng cha đã trở thành vị giáo sư trong chủng viện, thành chủ chăn trong môi trường giáo xứ. Nhưng những “thành công vang lừng” bước đầu ấy đã không khoả lấp được khát vọng sâu xa trong tâm hồn cha cho phần rỗi các linh hồn. Thế là một lần nữa cha lại lên đường khởi đầu một hành trình mới, hành trình lên Núi Phước với trăm ngàn thử thách chờ đợi phía trước.
Chúng con lại càng bất ngờ hơn khi nghe biết rằng hành trang cha mang theo cho hành trình này thật quá đơn giản: chỉ có một chú đệ tử, một đôi quang gánh với đọi muối, ít gạo, con dao và một chú gà trống báo giờ…; chúng con tự hỏi chỉ bấy nhiêu hành trang làm sao cha có thể sống, làm sao cha có thể thực hiện được khát vọng sâu xa của cha? Dẫu biết rằng, cha luôn phó thác như cha từng dạy: “Phó thác trong tay Cha lành là điều tốt hơn cả”; dẫu biết rằng cha luôn tìm Chúa và tìm thánh ý Chúa hơn tìm ý mình trong hành trình ơn gọi của cha; dẫu biết rằng cha từ bỏ tất cả vì đã xác tín rằng: mọi sự đều vô ích chóng qua, trừ sự kính mến Chúa (DN 21, 26, 36, 47). Bước đầu với biết bao khó khăn thử thách ấy, nhưng Cha đã vượt qua tất cả, vì tin rằng Đức Kitô là Đấng duy nhất làm thỏa mãn khát vọng vô biên trong tâm hồn cha với ơn gọi tận hiến đan tu.
Nay chúng con xin được trở về nguồn để tìm lại một phần nào đó khát vọng mà cha đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng “Dòng Đức Bà An Nam” tiền thân của Hội Dòng Xitô Thánh Gia ngày nay.
Như các bậc cha anh trong Hội Dòng kể lại, ngày ấy, với lòng nhiệt thành vì tình yêu Chúa, cha hăng say lên đường đến Việt Nam thân yêu của chúng con, một đất nước nhỏ bé, chưa phát triển, cuộc sống còn thiếu thốn tư bề, với những người dân quê chân chất, hiền hòa, đơn sơ, mộc mạc, hiếu nghĩa hiếu đức. Dầu là một người ngoại quốc, nhưng cha đã hội nhập rất nhanh, cha dạy học, dạy giáo lý, đọc kinh cầu nguyện, cử hành thánh lễ và giúp đỡ dân nghèo. Năm năm làm cha xứ, lòng cha vẫn ưu tư và khắc khoải để trở thành một người triệt để thuộc trọn về Chúa, trở thành đan sĩ trong đời đan tu chuyên tâm cầu nguyện, hy sinh trong cô tịch và thanh vắng. Đặc biệt là lòng khát vọng cho những người chưa nhận biết Chúa được trở về tin yêu Chúa. Cha đã xác quyết rằng vào Dòng là để nên thánh (x. DN, số 78, 138); với Cha, sống thánh thiện sẽ làm ích cho Giáo Hội (x. DN, số 25, 63, 120, 135). Nên khi lập dòng rồi, khát vọng ấy phần nào được thỏa mãn lòng cha, cha cảm thấy bình an và hạnh phúc lắm (x. DN, số 150). Cha luôn thuận theo ý Chúa. Cha gặp Chúa trong phụng vụ, trong anh em (x. DN, số 136), trong đau khổ thử thách cũng như trong thinh lặng một mình với Chúa (x. DN, số 135); cha mang nơi mình một con tim sống cùng sống với anh em (x. DN, số 107, 150), hiệp một lòng một ý với Chúa (x. DN, số 113, 134), lấy Chúa làm mọi sự cho mình (x. DN, số 116), thuận theo ý Chúa (x. DN, số 20-21) trong mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời cha cũng như của cộng đoàn. Như vậy, qua đời sống của cha giúp chúng con hiểu rằng: một trái tim khao khát sự thánh thiện là một trái tim khao khát Chúa, tìm gặp Chúa và ở lại trong Chúa, và thương yêu anh em hết lòng để thấy anh em đều là “Giêsu – Giêsu thay thảy” (DN, số 136).
Cha ơi! ngày ấy cha đã cộng tác với ơn Chúa để xây dựng một Dòng Xitô chiêm niệm tại Việt Nam. Cha cũng ao ước lập dòng ở Lào, Sapa, Campuchia… và con tin chắc rằng Cha còn một khát vọng lớn nữa chưa nói ra là lập một Dòng nữ Xitô tại Việt Nam. Ưu tư của cha ngày xưa đó, nay đã trở thành hiện thực, với Dòng Nữ thuộc Hội Dòng Xitô Thánh Gia. Bây giờ cũng có một Dòng nữ Xitô Thánh Gia tại Việt Nam. Hơn nữa, Hội Dòng Thánh Gia không chỉ có ở Á Châu mà lan rộng cả Âu Châu, Mỹ Châu nữa. Hội Dòng Xitô Thánh Gia đang được lớn lên trong tinh thần của cha, tinh thần đã được thấm nhuộm bằng sự hy sinh và cầu nguyện hiệp với của lễ của Đức Giêsu Kitô.
Chúng con tự hỏi: con người cha cũng như bao người khác mang đầy yếu đuối và bất toàn nhưng bởi đâu cha trở nên một con người tuyệt hảo như thế? Vì vậy, cha đã để Chúa lớn lên trong những yếu đuối của bản thân, như Thánh Phaolô đã nói: “Chính trong sự yếu đuối của tôi mà sức mạnh Thiên Chúa được tỏ hiện” (x. 2Cr 12,10). Hơn nữa, cha luôn mở rộng lòng đón nhận ân sủng với tâm tình phó thác cậy trông, để cho Chúa Thánh Thần hoạt động và cha luôn cộng tác với ơn Chúa. Noi gương cha, chúng con sẽ không dừng lại ở những bất toàn của bản thân nhưng với lòng mến, chúng con sẽ thay đổi tất cả và sẽ tiến tới không ngừng trong ơn gọi của mình.
Hôm nay đây, với biết bao biến chuyển của khoa học kỹ thuật và cả trong đời tu, với những cuộc chiến nội tâm trường kỳ, cha như một mẫu gương sáng ngời chỉ đường dẫn lối chúng con vượt qua đêm tối của đức tin để đến đích chính là Đức Giêsu Kitô.
Cha đã từng nói: “Chúa thương Cha và cũng thương chúng con” (DN 150); biết được Chúa thương mình thì chúng con sẽ sống như những người được thương yêu: Vui vẻ, cải tiến, tốt lành và thánh thiện như Cha trên trời (x. Mt 5,48) và thuận theo ý Chúa, phó thác tin yêu tận hiến cho Thiên Chúa.
Với tâm tình yêu mến chân thành, chúng con xin tri ân Chúa và cảm ơn cha kính yêu, đã một đời sống và chết cho một mối tình là không lấy gì làm hơn Chúa Kitô (x. TL 4, 21). Cha đã khát vọng khai sinh đời đan tu Xitô trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này để những người Việt Nam có được cơ hội đáp lại tình Chúa thương trong đời tận hiến đan tu.
Một trăm năm qua, là dòng thời gian chan chứa hồng ân trên Hội Dòng Xitô Thánh Gia, chúng con được mời gọi dừng lại và suy ngẫm về công lao cao dày và tình thương to lớn của cha. Điều này mời gọi mỗi người chúng con hồi tâm và chất vấn về đời sống và vai trò của mình: Sự hiện diện của đan sĩ Xitô Thánh Gia trong cầu nguyện, hy sinh, trong cô tịch và thanh vắng, có là sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu, là dấu chỉ Nước Trời mai sau? Có thật sự là người môn đệ Chúa Kitô, là “anh em yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”? (Ga 15,12).
Là con cái của cha, chúng con sẽ noi gương cha hăng say tìm kiếm Chúa, và chỉ khao khát kết hiệp với Người mà thôi, để trở thành những đan sĩ thật, những đan sĩ thánh như Chúa và lòng cha mong ước.
Chúng con khát khao cho tình yêu Chúa được rạng sáng nơi Hội Dòng Xitô Thánh Gia; để tinh thần và trí ý của cha được thấm nhập vào tâm hồn của mỗi đan sĩ Xitô Thánh Gia trên con đường hướng về Thiên Quốc. Xin cha cầu nguyện cho chúng con .
Chúng con yêu mến và kính thăm cha nhiều!
BÓNG CHA
Chiều nay thao thức nhớ về cha
Đan viện Phước Sơn thắm mặn mà
Thanh thoát dáng cha thầm cầu nguyện
Khiêm nhường phục vụ lặng ngân nga.
***
Thiên ý trên cao vâng tụng ca
Nuôi đoàn con cái khát vọng xa
Một đời hy sinh xây tình mến
Xitô thắm đẹp mối tình cha
CHA TỔ PHỤ VÀ NHẬN THỨC
VỀ MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH
Nhân dịp kỷ niệm Bách Chu Niên Cha Tổ Phụ Henri Denis Benoit (Biển Đức – Thuận)[1] lập dòng, chúng ta có dịp tìm hiểu về quãng thời gian và không gian mà Cha Tổ Phụ đã từng kinh qua, cách riêng từ ngày cha từ nước Pháp đặt chân lên miền đất truyền giáo An Nam[2] cho đến ngày cha tạ thế.
Ngay từ những ngày đầu tiên, tân Thừa sai Henri nghe từ miệng Cha Bernad Mendiboure (Cố Nhơn) nói về các phong tục tập quán và cách sống của người dân bản xứ. Cha đã cưu mang và ôm ấp An Nam trong lý tưởng truyền giáo. Một lý tưởng đã cho cha những nghị lực và hối thúc cha dấn bước; dấn bước trên đường của người chứng nhân giỏi, không phải là chứng nhân không bao giờ biết mỏi, nhưng là chứng nhân dù mỏi mệt vẫn trung thành theo tiếng gọi. Cha cưu mang An Nam và An Nam đón nhận cha để rồi cùng hòa nhịp hát lên những khúc ca của tình yêu Thiên Chúa và của tình người. Thế nhưng đến với một dân tộc là đến với con người, đến với tư tưởng và văn hóa của dân tộc đó.
Nhân cách của cha Henri được tìm thấy rõ nét qua các thư từ liên hệ, các hành vi và những chọn lựa hành động. Có thể nói, chính môi trường đa tạp tại miền đất truyền giáo An Nam đã làm cho ngài ý thức được cần phải đối diện, cần thay đổi gì từ chính mình và phải làm gì để thích nghi và thay đổi nó. Môi trường ở đây không chỉ có ý nói đến môi trường sinh thái vật chất (không khí, nguồn nước hay nhiệt độ…), nhưng nhấn mạnh hơn đến tất cả những gì diễn ra xung quanh cuộc đời và con người của Cha Tổ Phụ, bao gồm: con người, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo đương thời.
1.Cha Tổ Phụ và nhận thức về chính trị – xã hội
Phải khẳng định ngay từ đầu rằng, Cha Tổ Phụ cũng như các thừa sai tuyệt đối không dính dáng gì đến chính trị, mà chỉ toàn tâm toàn lực cho việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Nước Chúa. Tuy nhiên, được sai đến An Nam, cách riêng nơi Giáo phận Huế, trong một bầu khí tế nhị, Cha Tổ Phụ buộc phải tạo mối tương quan với chính quyền. Nhiệm vụ này không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi vì chính trị và tôn giáo là hai tầm ảnh hưởng chéo nhau.
Từ thế kỷ XVI, khi Nhà Nguyễn lên ngôi, đóng đô ở Miền Trung, Huế trở thành thủ phủ và cuối cùng là kinh đô của toàn cõi An Nam từ năm 1802. Nhà Nguyễn trị vì cho tới ngày Bảo Đại (Nguyễn Vĩnh Thụy) thoái vị vào năm 1945. Chính Nguyễn Ánh (1762-1820) là một trong những Chúa Nguyễn, vào những năm 1791 và 1802, khởi quân từ Trung Kỳ đi chinh phục Nam Kỳ (Đàng Trong) và Bắc Kỳ (Đàng Ngoài), để rồi đến triều vua Gia Long thì thống nhất sơn hà, Huế trở thành kinh đô của triều đình Nhà Nguyễn. Sự có mặt của Pháp vào những năm 1858-1859 đã tạo điều kiện cho Pháp chiếm đóng Đàng Trong; ảnh hưởng của Pháp không ngừng lớn mạnh. Huế bị chiếm đóng vào năm 1883, và cũng năm ấy, nền bảo hộ của Pháp được thiết lập trên toàn lãnh thổ[3]. Từ đó, Giáo phận Bắc Đàng Trong đối diện với hai thế lực: vương triều An Nam và quyền bảo hộ của Pháp. Thực vậy, điều ước Patenôter, ký kết tại Huế ngày 06 tháng 06 năm 1884, gồm 18 điều khoản xác định rõ vị trí của hai nhà cầm quyền: An Nam và Pháp. Chế độ bảo hộ của Pháp vẫn dành cho nhà cầm quyền An Nam và triều đình quyền điều hành đất nước, nhưng trong một chừng mực nào đó. Vì thế, cùng một lúc có hai thế lực tồn tại ở An Nam. Tuy nhiên, thế lực của nhà cầm quyền An Nam rất hạn hẹp. Cơ cấu tổ chức chính quyền ở An Nam dựa trên ba yếu tố cơ bản: vua, quan và làng xã. Vua giữ vị trí cao nhất, là chủ chốt của nền tảng xã hội. Vua giữ vai trò chúa thượng, nắm toàn quyền lập pháp và hành pháp. Tiếp đến là nội các, hội đồng các quan thượng thư, đứng đầu các bộ: Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Hình, Bộ Binh và Bộ Công (trong đó, có Cụ Phêrô Nguyễn Hữu Bài – Thượng Thư Bộ Lại – là đại ân nhân của Dòng Phước Sơn thời Cha Tổ Phụ thiết lập). Cuối cùng là cộng đồng địa phương hoặc làng xã. Để đối phó với cách thức cai trị như thế ở An Nam, “các nhà bảo hộ Pháp có phận sự phải biết phối hợp với cả ba quyền lực trên đây. Tùy theo tính cách của từng nhà bảo hộ, họ cố gắng đạt cho được sự tin tưởng, hoặc của nhà vua, hoặc của quan lại, hoặc của dân chúng[4].
Trong bối cảnh chính trị như thế, các thừa sai cũng như các Kitô hữu bản quốc đều phải có những mối liên hệ với hai thế lực Pháp – Việt, mà những mối liên hệ này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió; trái lại, trong nhiều trường hợp, phần thiệt vẫn nghiêng về các tín hữu Kitô. Chế độ bảo hộ đã mang lại cho Giáo Hội An Nam, đặc biệt là cho Giáo phận Bắc Đàng Trong sự bình an và việc chấm dứt các cuộc bách hại; các tín hữu Kitô có thể rời khỏi những nơi trú ẩn; nhiều cơ sở tôn giáo được xây mới. Tuy nhiên, Giáo Hội An Nam vẫn còn phải chịu nhiều tổn hại hoặc do chính sách cai trị của các quan thống đốc hoặc của các quan Khâm sứ thuộc Hội Tam Điểm hoặc có khuynh hướng bài giáo sĩ, hoặc do chính các tín hữu người Pháp có những cách ứng xử phản Tin Mừng. Quan Toàn quyền Jean de Lanessan (1891-1894) là hội viên Hội Tam điểm và có khuynh hướng bài giáo sĩ; ông cai trị Đông Dương thuộc Pháp và thường sử dụng báo chí để tấn công Giáo Hội, các thừa sai và các tín hữu Kitô[5].
Là người Pháp, điều này đặt ra cho Cha Tổ Phụ một trách vụ phải hoàn thành một cách hết sức khéo léo trong thời điểm Pháp bảo hộ An Nam. Ngài là thừa sai, nhưng là một thừa sai người Pháp. Ngài là người đồng hương với những kẻ hiện đang cai trị đất nước này.
Trong thế chiến thứ nhất, Cha Tổ Phụ mới khoảng ba mươi tuổi, nên với tư cách là một công dân Pháp trẻ tuổi, ngài nhận thấy có bổn phận hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Thế giới chiến bùng nổ năm 1914. Và khi Cha Tổ Phụ được 31 tuổi, nhiều lần ngài được gọi vào trại lính tại Huế để thực thi nghĩa vụ quân sự [6]. Trong lá thư ngày 08 tháng 03 năm 1918, ngài kể lể những sinh hoạt trong giai đoạn này. Ngài báo cho mẹ biết cứ ba tháng ngài tham gia quân đội một tuần, và làm việc trong bệnh viện vì được cử làm y tá, mặc quân phục.
Còn một trách vụ tế nhị nữa liên quan đến nghĩa vụ của các tín hữu Kitô đối với chính quyền bảo hộ Pháp, là trong suốt thời gian Pháp chiếm đóng, dân Việt đã phải nộp nhiều thứ thuế, mà hầu hết đều là những thứ thuế rất nặng nề. Chính vì lẽ đó mà nhiều cuộc biểu tình với quy mô lớn đã diễn ra vào năm 1909 để yêu cầu giảm hoặc bãi bỏ các khoản thuế. Trong thời gian làm Cha sở Giáo xứ Nước Mặn, Cha Tổ Phụ buộc phải trực diện với vấn đề này, như cha đã báo cáo với Đức cha Allys Lý: “Ông Quan Huyện Phú Hội đến thăm con. Ông ta yêu cầu con giúp ông ta xoa dịu dân chúng hiện đang muốn nổi loạn vì vấn đề thuế má. Ông ta đặc biệt xin con vui lòng báo cho ông biết những gì con có thể biết về các cuộc hội họp trong làng hoặc là những cuộc diễn tập không nhiều thì ít có tổ chức. Ông ấy nói với con rằng: “Tôi chăm lo cho người ngoại đạo, còn cha lo cho giáo dân và mọi sự sẽ êm xuôi thôi”. Con đã nói với ông ta rằng sứ vụ của con hoàn toàn khác với nhiệm vụ của ông và con quyết đứng ngoài mọi vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, con không ngừng nhắc nhở giáo dân của con phải tôn trọng luật lệ và quyền bính. Con nghĩ cũng cần phải thêm rằng, nếu như người ta nghĩ đến việc xin giảm thuế, thì đó không phải là một tội lỗi nặng nề : tội chỉ bắt đầu khi nào họ yêu sách việc giảm thuế và đòi hỏi cho bằng được bằng vũ lực. Vả lại, con cũng đã nói với ông ta: giáo dân của con hoàn toàn không thổ lộ với con điều gì và có thể họ sẽ không bao giờ nói điều gì; ngột ngạt thật…”[7].
Bởi muốn bênh vực giáo dân khỏi bị những người chung quanh tổ chức tấn công, đôi khi Cha Tổ Phụ cảm thấy bị buộc phải cậy dựa vào chính quyền Pháp, quyền lực duy nhất có thể giúp ngài bênh đỡ các tín hữu. Ngài không muốn chiến tranh, mà chỉ mong muốn sự bình an cho con chiên bổn đạo; ngài không muốn tấn công bất cứ ai, nhưng chỉ muốn tỏ cho mọi người một dấu hiệu để tránh lánh tất cả những điều bất lợi do sự xung đột nhau gây ra.
2.Nhận thức về con người và đời sống kinh tế
Điều làm nổi bật tính cách của Cha Tổ Phụ, chính là sự thích nghi phi thường của ngài với khí hậu An Nam và với lối sống của nông dân An Nam. Lúc nào ngài cũng sống nghèo khó và giản dị.
Thách đố lớn nhất tại An Nam là sự giao tiếp với người dân bản xứ. Việc gặp gỡ với người dân bản xứ buộc vị thừa sai phải biết nói ngôn ngữ của họ và hiểu biết tính nết của họ. Liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ của người dân bản địa, cụ thể ở đây là tiếng Việt, Christiane d’Ainval kể lại nhận xét của nhiều người Pháp như sau: “Thực vậy, rất hiếm người Pháp khắc phục được rào cản ngôn ngữ: nhiều người không bao giờ vượt qua nổi chướng ngại này, dù họ đã cư ngụ lâu ngày tại An Nam và đã có nhiều cố gắng. Trái lại người Việt học tiếng Pháp khá dễ dàng, hơn nữa tiếng Pháp còn bị buộc phải dạy trong các trường tiểu học và trung học.”
Có lẽ, Cha Tổ Phụ cũng phải vất vả lắm với tiếng Việt khi ngài tiếp xúc với các chủng sinh ở Chủng viện An Ninh, ngài không tránh khỏi khó khăn hầu tìm cho được những từ ngữ thích hợp để giảng bài, bởi vì ngài chỉ học tiếng Việt trong một thời gian ngắn, rồi đảm nhận nhiệm vụ giáo sư. Khi được sai đến Giáo xứ Nước Mặn, đôi lúc ngài vẫn cảm thấy khó khăn trong ngôn ngữ khi giao tiếp với giáo dân.
Về vấn đề tính cách của người Việt, ngoài những khuyết điểm như: cờ bạc, giả dối, tính khoe khoang, người Việt được đánh giá cao về sự thông minh rất tinh tế, sự hăng say làm việc và sự ân cần tử tế[8].
Về kinh tế, thời này, các vua chúa Nhà Nguyễn đã có tầm nhìn hướng Nam và hướng Đông mạnh mẽ. Kết quả là, sau khoảng hai thế kỷ, chính quyền Đàng Trong đã mở rộng được phạm vi quản chế đến vùng hạ lưu châu thổ Mê-kông. Mặt khác, như là kết quả tất yếu của chính sách hướng Đông, Đàng Trong đã trở thành một thế mạnh của Đông Nam Á. Tuy nhiên, đại đa số dân cư làm nghề trồng lúa. Họ cũng trồng trà, thuốc lá và nhiều loại cây nông nghiệp khác. Nhưng cuộc sống của nông dân vẫn không thoát khỏi cảnh cơ cực và nghèo khổ, vì đất đai khô cằn và vì những thiên tai như giông bão hoặc lũ lụt. Gặp nạn đói, cư dân vùng này là những người đói khổ nhất. Chúng ta hãy nghe Đức Cha Allys Lý kể lại đời sống khốn khổ của cư dân vùng này: “Ngày nọ, tôi đến Dinh Khâm sứ để xin ngài Charles lưu tâm đến tình cảnh đáng thương của dân cư các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình – thuộc Giáo phận truyền giáo Huế – do bị trận lũ quái ác và sóng thần vừa xảy ra vào những ngày cuối tháng mười vừa qua. Tôi đã báo cho ngài Khâm sứ biết là đã có nhiều người bất hạnh đến mức họ phải ăn thân cây chuối và số người đi ăn xin càng ngày càng đáng lo ngại …”[9].
Lại nữa, miền đất An Nam lúc bấy giờ không chỉ lạc hậu về nông nghiệp và công nghiệp khi mọi phương tiện sản xuất đều bằng thủ công, mà còn lạc hậu về y khoa. Kiến thức về y khoa và các phương tiện y tế rất yếu kém, hầu như mọi bệnh tật đều phải nhờ cậy đến các “thầy lang” bốc thuốc, còn những “nhà thương” dưới sự điều hành của người Pháp thì chỉ có thể dành cho những người có khả năng kinh tế. Sự thiếu vệ sinh là cội nguồn của đủ mọi thứ bệnh tật. Người nông dân thiếu mọi thứ cần thiết, nên dễ bị virút tấn công và gây nên những bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch tả. Trong thư từ liên lạc với cha mẹ, Cha Tổ Phụ, vừa là thừa sai vừa là giáo sư, kể cho cha mẹ biết ngài phải làm thuốc chữa bệnh cho chủng sinh, cho người dân ở Nước Mặn và người ngoại đạo, ngài tỏ lộ sự sợ hãi mà ngài cảm thấy khi tiếp xúc với bệnh tật và các thứ bệnh truyền nhiễm (x. Thư gửi song thân, ngày 18.10.1907).
Một trong những biểu tượng mà người An Nam có thể nói lên quan niệm của mình về cuộc sống, chính là ‘Cái Bếp An Nam’. Bếp An Nam đơn sơ nhẹ nhàng, tạo được những bữa ăn đơn giản thanh đạm. Các món ăn cho ta biết quan niệm về sự sống của người An Nam, đồng thời cũng nói lên được sự hiệp thông san sẻ của mọi người, óc tổ chức và cơ cấu sinh hoạt. Cha Tổ Phụ đã nói gì về ‘Bếp An Nam’: “Nay chỉ một mình con nay quay về với mốt bếp An Nam theo cảnh nhà nghèo, vì ăn ‘mốt’ Việt Nam hợp tỳ vị con cách lạ… Từ nay, mỗi bữa chỉ mỗi khúc cá con dầm chút nước mắm là đủ cho con nuốt trôi mấy đọi khổng lồ kia”[10]. Từ nay, bữa ăn của Cha Tổ Phụ trở nên giản dị, giúp ngài đi vào con đường khổ chế nhiệm nhặt làm nền tảng cho những chọn lựa sau này, khi quyết định ghi chép Hiến Pháp đầu tiên cho các đan sinh. Vì đan sĩ là con người của cầu nguyện và lao động, nên chữ ‘nghèo’ được Cha Tổ Phụ hiểu theo trí ý và tinh thần của Thánh Biển Đức, tức là nghèo của cuộc sống bằng thành quả lao động của mình (x. TL 48). Theo Cha Tổ Phụ, bữa ăn trong nhà dòng: “Người ta có cho, hay nhà Dòng có trồng cấy được hoa trái gì, thì được dọn làm món tráng miệng, song không được mua. Lễ trọng hơn thì được làm bánh mứt theo cảnh nhà nghèo” (HP 207). Chữ ‘theo cảnh nhà nghèo’ phải được hiểu là đồng chia sẻ với họ qua một cuộc sống giản dị. Vì chính cái giản dị ấy mới phản ảnh trung thực con người văn hóa và xã hội của một dân tộc. Ý nghĩa đó làm cho người đan sĩ, dù sống trong âm thầm xa thế gian, nhưng không trở nên xa lạ, biệt lập khỏi xã hội, con người, văn hóa và dân tộc mình[11].
Có thể nói, con người có thể bị ngăn cách bởi không gian và thời gian, chứ không thể bị ngăn cách bởi yêu thương. Cha Tổ Phụ đã gặp gỡ con người An Nam trong yêu thương. Yêu thương là cho đi, là đón nhận. Ngài đón nhận để rồi cho đi, cho đến hết: “Con phải đóng cửa lại không cho ai vào nữa vì con hết tiền rồi. Ai đến xin con bảo họ xuống bếp cho hai chén cơm”[12]. Những hành động bác ái chữa bệnh, liệm xác người chết và bỏ tiền thuê người chôn, chính là ngôn ngữ tình yêu của ngài.
Trong khi chu toàn thánh vụ “bác sĩ” của các linh hồn, Cha Tổ Phụ cảm thấy nhu cầu bắt buộc ngài phải chăm sóc cả những bệnh tật thể xác mà ngài chứng kiến. Ngài từng báo tin cho cha mẹ biết bây giờ ngôi nhà của ngài dần dần nên như nhà thương, ngày nào cũng có hàng chục người đến xin thuốc, phần nhiều họ bị mụt nhọt đầy máu mủ thối tha, nên mỗi lần làm thuốc xong, ngài phải thay quần áo. Ngài còn thêm rằng việc giúp đỡ người nghèo túng và bệnh nhân đã khiến ngài mắc nợ nhiều lắm. Cha không những tận tâm cứu giúp, mà còn xả thân giúp đỡ cho tới cùng. Chẳng hạn, có lần nạn dịch tả hoành hành trong khu vực khiến nhiều người chết, ngài đích thân đến và làm tất cả những gì cần thiết. Ngài kể cho cha mẹ biết nạn dịch tả làm chết mất mười người, ngài cũng bị, nhưng nhờ ơn Chúa nay đã khá. Người ta thất kinh sợ hãi đến nỗi không ai dám liệm xác kẻ chết; chính tay ngài phải ôm xác bỏ vào quan tài, đậy nắp, đóng đinh rồi bỏ tiền thuê người đi chôn[13].
3.Nhận thức về văn hóa.
An Nam có một nền văn hóa phong phú và đa dạng trên tất cả các khía cạnh, người Việt cùng cộng đồng 54 dân tộc có những phong tục riêng và lâu đời, có những lễ hội nhiều ý nghĩa sinh hoạt cộng đồng, sự khoan dung trong tư tưởng giáo lý khác nhau của các tôn giáo, tính cặn kẽ và ẩn dụ trong giao tiếp truyền đạt của ngôn ngữ, từ truyền thống đến hiện đại của văn học, nghệ thuật.
Sự khác biệt về cấu trúc địa hình, khí hậu và phân bố dân tộc, dân cư đã tạo ra những vùng văn hoá có những nét đặc trưng riêng tại An Nam. Từ văn hóa làng xã và văn minh lúa nước, đến những sắc thái văn hóa các dân tộc miền núi; từ các vùng đất biên viễn của An Nam thời dựng nước đến sự pha trộn với văn hóa Chăm Pa của người Chăm; từ những vùng đất mới ở với sự kết hợp văn hóa các tộc người Hoa, người Khmer đến sự đa dạng trong văn hóa và tộc người ở Tây Nguyên. Phong tục tập quán, trang phục (áo tứ thân, áo dài) cũng như vấn đề ẩm thực cũng rất phong phú sâu đậm và gắn chặt trong người dân có sức mạnh hơn cả những đạo luật như: tục ăn trầu, hôn nhân, tang lễ…
Với sự biến động của lịch sử các dân tộc tại An Nam, trải qua hơn mười thế kỷ Bắc thuộc, đời sống tinh thần nói chung của người dân An Nam bị ảnh hưởng rất nhiều của văn hoá Trung Hoa. Với ba hệ tư tưởng Tam giáo đã thâm nhập vào đời sống tinh thần cũng như vào tôn giáo của người An Nam là Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo. Thậm chí, ngay cả chữ viết, người Việt cũng nhiều lần thay đổi vì sự ảnh hưởng của Bắc thuộc. Thế kỷ XIX, Nho giáo vẫn rất được củng cố, nhất là trong các khoa thi cử. Chính Cha Tổ Phụ, ngoài tiếng Việt, ngài còn học cả tiếng Hán tiếng Nôm để dịch sách và dạy học… Đối diện với đủ mọi thứ mới mẻ, và với những điều căn cơ nhất, nhà truyền giáo mới đến An Nam cần phải học biết tất cả và phải thích nghi với tất cả. Tin tưởng vào ân sủng của Chúa và được bề trên cùng anh em nâng đỡ, Cha Tổ Phụ lao mình vào việc vạn sự khởi đầu nan này với tất cả lòng nhiệt thành vốn có. Ngài tỏ rõ khả năng thông hiểu chữ Hán vốn vẫn còn thông dụng lúc bấy giờ, cũng như tiếng Việt. Song song với việc học chữ quốc ngữ, ngài bắt đầu nghiên cứu nền văn hóa bản địa, nhất là văn học dân gian.
Chung lại, tự bản chất người Việt và những ảnh hưởng từ nhiều hệ tư tưởng Á Đông đã hình thành con người An Nam: Yêu thích thiên nhiên, tôn trọng đạo hiếu, thích trầm tư mặc niệm, ưa yên tĩnh nhẹ nhàng. Chính vì vậy mà có lẽ một nền đạo lý suy lý trừu trượng của người phương Tây khó có thể hội nhập vào được với nền văn hóa và con người An Nam. Thế nhưng, với ý thức nhạy bén, Cha Tổ Phụ đã nắm bắt được khát vọng hội nhập của tôn giáo và dân tộc, làm tiền đề khởi xướng cho một linh đạo chuyên cầu nguyện, chiêm niệm, lao động và khổ chế. Nhưng trước khi phổ biến, ngài đã tự mình luyện tập. Mặt khác, khi tiếp xúc với ngôn ngữ là tiếp xúc với văn hóa và con người. Một vị Thừa sai chỉ học trong sáu tháng mà đã thông thạo ngôn ngữ người bản xứ. Điều đó nói lên lòng yêu mến và thái độ thích nghi hòa đồng của ngài[14].
Vả lại, nếu trong cuộc sống có những kiểu chấp nhận vì miễn cưỡng, vì nhượng bộ, thì việc chấp nhận văn hóa tư tưởng An Nam của Cha Tổ Phụ phải chăng là một sự nhượng bộ hay miễn cưỡng? Chắc chắn nếu là nhượng bộ, là miễn cưỡng thì sẽ không có sáng tạo. Cha Tổ Phụ đã chấp nhận để sáng tạo nên một nghệ thuật sống đạo mới mà không làm mất đi con người truyền thống An Nam 4000 năm văn hiến. Một con người đã quen sống với lao động thiên nhiên, với gia đình, với làng xóm, nay bước vào một hình thức sống đạo gắn liền với thiên nhiên, với nội tâm, với tình huynh đệ. Từ đó, ý muốn lập một đan viện cầu nguyện và lao động được mọc lên và tổ chức cho Á Đông.
Tư tưởng phản ảnh của con người và con người làm nên tư tưởng qua kinh nghiệm sống. Kinh nghiệm chỉ có với thời gian và bởi sự tập luyện của bản thân, thấm nhuần tư tưởng là thấm nhuần con người. Nếu tư tưởng đạo hiếu trong tôn giáo của người An Nam chú trọng vào tình cảm, tôn ti của gia đình, thì Cha Tổ Phụ đã muốn thiết lập và tổ chức đan viện theo kiểu một gia đình: “Nhà Dòng này là một gia thất cha mẹ, anh em thương yêu nhau, giúp đỡ nhau”[15]. Bản Sơ Lược Dòng Đức Bà An Nam 1921, trang 13 ghi: “Tất cả những đồ chúng ta dùng, không có gì thuộc riêng chúng ta và của ăn, áo mặc, nhà ở, đồ thờ v.v… mỗi người bằng lòng về phần mình dùng… đời sống chung trong việc đọc kinh, cầu nguyện, lao tác, học hành, ăn uống, ngủ nghỉ chúng ta luôn luôn sống bên nhau”. Gia đình đan viện thì không còn phân cách ca sĩ với quy sĩ để mọi người được sống với Chúa cũng như với anh em và với bề trên. Phải chăng một ý chí muốn khai thác, muốn liên kết tính tương đồng giữa đạo hiếu của nền văn hóa An Nam và mầu nhiệm cơ bản của tình phụ tử bao la của Cha trên trời để làm cơ sở cho mối quan hệ cha – con và quan hệ anh em đại đồng. Nói đến quan hệ là nói đến mối tương giao, cách cư xử, mối đồng cảm. Vì thế, Cha Tổ Phụ quan niệm một người đại độ, một người quân tử là người sống với chữ ‘trung’, với chữ ‘tín’: “Chúng tôi phải nên thầy dòng thật, bằng không chỉ là phỉnh dối người ta”[16]. Muốn vậy, thì phải đại độ cảm thương với anh em: “Thấy kẻ khác buồn thì mình cũng buồn, kẻ khác vui cũng vui. Ấy là nhân đức đại độ, nhân đức thật, kẻ ấy là người đại độ không phải là kẻ tiểu nhân”[17] . Như thế, ta gặp thấy sự tương đồng với những bí quyết dung hòa của Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo qua sự ‘huyền đồng’ (Lão), ‘Tam cương’ (Khổng) và ‘Lục hòa’ của Đức Phật (Lục hòa: Thân hòa đồng trú, Giới hòa đồng tu, Kiến hòa đồng giải, Lợi hòa đồng quân, Khẩu hòa vô tránh, Ý hòa đồng duyệt”)[18].
Có con người tức là có văn hóa; có văn hóa là có những sinh hoạt, lễ nghi, phong tục, truyền thống. Vì vậy, sống văn hóa là sống với phong tục của mình. Phong tục, lễ nghi được thêu dệt và đúc kết từ trong những quan niệm ứng xử của đời sống. Cho nên, những bộ trang phục, những lễ đình hát hò, lời chúc xuân… chính là những vẻ đẹp phô diễn văn hóa của con người. Lễ nghi, và phong tục trước hết phản ảnh tương quan giữa người với người, tôn ti trật tự và cơ chế tổ chức xã hội. Tinh thần An Nam chấp nhận mơ mộng, nhưng không chấp nhận phóng đãng và vô trách nhiệm. Tính cách kỷ luật ấy thể hiện khá rõ trong sự phân biệt âm thanh và trong cách xưng hô giữa một cộng đồng tùy theo vị thế con người ở trong gia tộc. Một con người biết học hỏi, biết quan sát là biết tự khiêm xác định được địa vị và đối tượng tương giao của mình trong cuộc sống. Một kiểu xưng hô bằng ‘con’ trong một cộng đồng người Trung Việt xem ra rất bình thường vì nó đã trở nên như những điệp khúc giao tế. Nhưng đối với một Cố Tây trong một xã hội phong kiến đã từ bỏ những kiểu xưng hô ‘tôi, cha’, để trở thành ‘cha, con’ trong khi giao tiếp với các linh mục bản xứ, hay cách cung kính xá lạy của Cha Tổ Phụ khi tiếp đón Đức Khâm mạng Tòa thánh, và Đức Viện phụ Lérins[19]; đây không chỉ còn là sự thể hiện của đức tin và tác phong khiêm nhường, mà dường như những tương quan giao tế được đặt vào trong tâm tình và bản sắc văn hóa của người An Nam thực sự. Cha Tổ Phụ đang đứng trên cương vị của người An Nam tiếp đón khách với phong thái và tập tục rất An Nam[20].
Cân bằng và hòa hợp cũng là một nét rất lớn nổi bật trong tâm hồn người Việt. Cân bằng hòa hợp giữa đời sống và sinh thái môi trường. Vì vậy, yếu tố thời gian theo mùa giúp cho con người có khả năng thích nghi nhạy bén. Thời gian đầu của một năm, một ngày đều trở nên quen thuộc và linh thiêng, được đánh dấu bằng những nghi lễ. Quen thuộc vì mang tính cách cổ truyền, linh thiêng vì được liên kết trong tâm tình đạo hiếu thờ cúng tổ tiên. Cha Tổ Phụ cũng lấy truyền thống An Nam để tỏ bày lòng hiếu thảo qua những lời chúc xuân: “Con xin chúc mừng tân xuân cha mẹ. Thế là cha mẹ thấy con An Nam hóa ngày một hơn. Tết Tây không vui thích cho con nữa, con chỉ cảm thấy vui trong ngày xuân của Lạc Hồng”[21]. Khát vọng đi tìm hạnh phúc để trao tặng nhau trong ngày đầu năm đã cho ngài cảm nhận được khát vọng sâu xa của người Việt. Sự tế nhị đối với sở thích và tâm lý tín hữu người Việt. Ngài đã đưa được đức tin đi vào văn hóa An Nam bằng cách xây dựng trên những nghệ thuật trang trí, lễ đình hợp với những giai đoạn và mức trưởng thành đức tin của họ. Một khi họ đã đủ sức và tự trưởng thành đức tin, ngài đã cùng với con cái quyết tâm thánh hóa, “rửa tội” cho những tập tục cúng tết đầu năm của dân ngoại bằng việc chia phiên chầu lượt suốt ngày đêm trong dịp tết. Sáng kiến ấy một lần nữa khẳng định cho sự hội nhập đức tin vào văn hóa dân tộc An Nam, là một phát minh để đức tin Công giáo có đất sống và phát triển ngay giữa lòng dân tộc mà không phá đổ hay cách ly văn hóa dân tộc[22].
4.Nhận thức về tôn giáo và rao giảng Tin Mừng
Có thể nói, miền đất An Nam lúc bấy giờ, cách riêng nơi Giáo phận Huế mà Cha Tổ Phụ được sai đến, là một miền đa tạp về tín ngưỡng và tôn giáo.
Từ thuở xa xưa các dân tộc trên đất An Nam đã thờ rất nhiều thần linh, từ các hiện tượng thiên nhiên, họ thờ thần Mặt Trời, thần Mặt Trăng, thần Đất, thần Sông, thần Biển, thần Sấm, thần Mưa… gắn với những ước mơ thiết thực của cuộc sống người dân nông nghiệp. Đi sâu vào cuộc sống hằng ngày họ lại tin có thần Nông, thần Lúa, thần Ngô. Người việt thờ các vị Thành Hoàng, các vị anh hùng dân tộc, các vị thần trong Đạo Mẫu. Đặc biệt, thờ và cúng giỗ người đã mất là một tục lệ lâu đời của người Việt và một số dân tộc khác, ngoài các ngày giỗ, tết thì các ngày mùng một, ngày rằm họ thắp hương như một hình thức thông báo với tổ tiên ông bà.
Đạo giáo, Phật giáo hay Nho giáo đến Việt Nam không còn đơn thuần là những hệ tư tưởng mà đã biến thành những tôn giáo, pha tạp nhiều hình thức thờ cúng và mê tín dị đoan: Đạo giáo du nhập vào An Nam từ thế kỷ thứ II, đặc biệt là Đạo giáo phù thủy, tìm thấy ngay rất nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng ma thuật của người Việt nên Đạo giáo ăn sâu vào người Việt, tin rằng những lá bùa, những câu thần chú có thể chữa được bệnh tật và trị được tà ma. Cũng vì đó mà xuất phát nhiều khuynh hướng khi gặp bệnh tật gì cũng đổ cho thần thánh hay quỷ thần quấy nhiễu. Chính Cha Tổ Phụ trong những buổi đầu lập dòng ở Phước Sơn đã không ít lần phải đối diện với sự mê tín này, khi những người thợ mộc phao tin là làm thợ cho Phước Sơn thuộc linh địa nên về bị quỷ thần làm cho đổ bệnh. Lại có Phật giáo du nhập vào An Nam từ thế kỷ thứ III. Phật giáo từng phát triển cực thịnh và được coi là quốc giáo dưới thời Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Manh nha của sự hội nhập vào tín ngưỡng bản địa kể cả người kinh lẫn các tộc thiểu số là tục dựng cây nêu vào các dịp tết nguyên đán, lễ hội cổ truyền và cầu mùa, để trừ quỷ, mời tổ tiên, cầu an… Điều này có lần vì nhiệt thành mà Cha Tổ Phụ đã chặt đổ cây nêu của một nhà ngoại đạo. Còn Nho giáo được du nhập vào An Nam song song với chữ Hán, dần Hán hóa ngôn ngữ của người Việt làm nền tảng cho việc tiếp thu những tri thức về xã hội và tự nhiên, văn học, sử học, triết học, thiên văn học và y học từ người Trung Hoa cổ đại. Dưới triều Nguyễn thì Nho giáo được coi như là quốc giáo và lấy Nho giáo làm tôn ti trật tự từ tổ chức triều đình đến tổ chức gia đình.
Riêng đạo Công Giáo tại An Nam, khởi đầu hồi đầu thế kỷ XVII, với nỗ lực truyền giáo của các linh mục Dòng Tên, đặc biệt là cha Francesco Buzoni (1615-1619). Nhiều linh mục Dòng Tên khác tiếp nối nhau từ năm 1625, trong đó có vị thừa sai nổi tiếng gốc Avignon là linh mục Alexandre de Rhodes (quen gọi là cha Đắc Lộ). Những cuộc bách hại cũng bắt đầu từ lúc ấy… Các vị thừa sai của Hội Truyền giáo tiếp bước những vị Đại diện Tông tòa đầu tiên là Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha Pallu. Kể từ ngày được thiết lập vào năm 1850 cho đến năm 1933 – năm mà Cha Tổ Phụ mãn phần – Giáo phận Huế đã được cai quản bởi những vị Giám mục quan tâm tới việc rao giảng Tin Mừng, do đó con số các tín hữu Kitô càng ngày càng gia tăng. Năm 1903, thời điểm Cha Tổ Phụ bước chân đến Giáo phận Huế có 700.000 cư dân. Con số này vẫn không thay đổi cho tới năm 1919. Từ năm 1920 đến năm 1925, người ta tính được một triệu cư dân. Đến năm 1926, con số này tuột xuống chỉ còn 750.000 người, vì một bộ phận dân cư do nạn đói và thiên tai, đã rời khỏi vùng đất này để đến định cư ở Đàng Trong, ở Lào hoặc ở Cao Miên. Năm 1933 – năm Cha Tổ Phụ từ giã cõi đời – dân cư đạt gần con số 800.000 người[23].
Mặc dù thời của Cha Tổ Phụ, việc bách hại không còn khốc liệt như trước, nhưng vẫn âm ỷ sự thù ghét của kẻ ngoại hoặc những người theo tôn giáo khác, do bị gieo rắc những suy nghĩ sai lầm về Công Giáo như: phao đồn Công Giáo cho ăn bùa chú trong nhà thờ (rước Thánh Thể), cho rằng Công Giáo dạy bất kính với tổ tiên, coi thường tôn ti trật tự gia đình và xã tắc, đặc biệt quy kết cho người Công Giáo là bán nước theo Pháp; những điều này đã tạo nên ác cảm với người công đạo, dẫn đến sự phá hoại tình huynh đệ giữa những người đồng hương và tạo thành những cuộc xung đột nội bộ. Đức Cha Allys Lý cho biết rằng: “Nhiều tân tòng bị những người đồng hương Phật tử áp bức, bị buộc phải sống một cuộc đời lang thang như thế và chịu lao dịch hàng ngày, còn hơn là phải bỏ đạo, dù là tạm thời …”[24].
Cha Tổ Phụ được sai đến trong bầu không khí như thế, nhưng đối với cha, cha không chọn một sự phản kháng hay chống lại kẻ ngoại và những kẻ ganh tị tôn giáo, nhưng cha chọn cho mình việc làm chứng nhân qua đời sống giản dị và đồng hành.
Trong thư từ liên hệ, ngài đã kể cho cha mẹ và giám mục nghe những dịp ngài tiếp xúc với các tân tòng, với các dự tòng và các tín hữu lâu năm. Ngài tiếp xúc với họ hoặc ở nhà thờ, hoặc tại gia đình, hoặc trên đường họ trở về nhà từ đồng ruộng. Chúng ta hãy thử tưởng tượng mỗi lần tiếp xúc như thế, vị Tông Đồ truyền giáo bắt đầu trò chuyện với họ về những vấn đề thuộc bình diện vật chất như nông nghiệp, chăn nuôi, sức khỏe… để rồi dần dần, ngài đưa dẫn họ tiến đến những điều siêu nhiên. Cha Tổ Phụ không chỉ chuyện trò với họ, ngài còn giúp đỡ các tín hữu cũng như người ngoại đạo cải thiện đời sống của họ[25].
Để đối thoại và chia sẻ với những người thuộc nhiều môi trường xã hội khác nhau, nhất thiết cần phải đặt mình vào vị trí của họ. Ngài kể cho giám mục nghe ngài đã từng bị lăng mạ một cách công khai, và trong nhiều trường hợp khác, ngài còn bị mắng nhiếc đủ điều. Chúng ta không nên quên rằng Cha Tổ Phụ sống trong thời kỳ Pháp bảo hộ An Nam, cho nên, người Pháp bao giờ cũng có một vị trí cao trong giai tầng xã hội. Bị một người bản xứ lăng nhục, bị những người khác nặng lời: những sự việc như thế này được xem xét và lý giải theo nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, những hành vi như thế, trong một mức độ nào đó, có thể biểu lộ một sự gần gũi giữa Cha Tổ Phụ và những người sống chung quanh ngài.
Trong nhiều bức thư gửi song thân, cũng như gửi giám mục, Cha Tổ Phụ đã bày tỏ vừa được rao giảng Tin Mừng vừa những khó khăn ngài gặp phải trong việc hoán cải lương dân. Ngoài ra, việc bỏ đạo là một vấn đề thường được ngài nhắc đến, vì một số tín hữu đã bỏ đạo trong thời kỳ xảy ra các cuộc bách hại và do dân chúng vùng lân cận đe dọa. Vấn đề khiến Cha Tổ Phụ ray rứt mãi là làm sao có thể dẫn đưa họ trở về đàn chiên Chúa. Ngài phải đối phó trực diện, không những với những vấn đề liên quan đến đức tin công giáo, mà cả những vấn đề của những nông dân nghèo khổ như là vấn đề ăn cắp tiền, những kiện tụng trong nội bộ họ đạo…
Còn một khó khăn khác nữa mà Cha Tổ Phụ hay gặp khi đi thăm viếng nhiều họ đạo khác nhau, đó là việc có nhiều người đã trở lại đạo nhưng không hiểu lẽ đạo. Cha cũng từng tường trình với giám mục về tâm thức của một số tín hữu Kitô về phong cách của một cha bổn sở người Pháp trong bối cảnh của nền bảo hộ Pháp: “Thật tình mà nói, nhiều người vẫn thích một ông cha sở oai phong lẫm liệt trên lưng ngựa hoặc cáng trên võng, hơn là một ông cha sở đi dép, che dù…”. Để hiểu được những cách diễn đạt trên đây, cần phải quay trở lại thời kỳ Pháp xâm chiếm An Nam. Để đi lại, cha sở sử dụng ngựa hoặc được cáng trên võng có mui che như chiếc kiệu. Hai người hoặc nhiều hơn nữa xúm nhau khiêng. Phương cách di chuyển này biểu thị quyền lực và sự phục dịch của người khác. Cha Tổ Phụ đi theo con đường khác, đó là con đường phục vụ người khác và phục vụ với lòng khiêm nhường[26].
Kết luận
Những điều lý giải trên đây soi cho chúng ta thấu hiểu một chút về bầu không khí trong đó Cha Tổ Phụ hoàn thành sứ vụ loan báo Tin Mừng với tư cách là giáo sư, cha sở và đan sĩ, đồng thời cũng giúp chúng ta khám phá một chút về chiều sâu trong tâm hồn của ngài. Nếu như ngài vẫn còn là một người Pháp, thì ít ra ngài đã là một trong những người Việt Nam hóa hoàn hảo nhất.
Tác vụ rao giảng Tin Mừng buộc vị Tông Đồ truyền giáo một sự dấn thân trọn vẹn, một sự nhập thể hoàn toàn, mà những cách ứng xử hoặc những lối sống như thế đều khởi phát từ chính sự từ bỏ mình. Cha Tổ Phụ đã dạy mọi người biết thế nào là yêu thương và phải yêu thương như thế nào? Nỗ lực truyền giáo và những phương thế truyền giáo phải chăng là những điều phản ảnh con tim và tấm lòng đang muốn san sẻ, đang muốn cho đi nơi ngài. Ngài dạy giáo lý từ mười một đến mười hai giờ đồng hồ trong một ngày. Ngài dạy họ thực hành những gì mà ngài đã cho họ biết Chúa bằng việc năng thăm viếng các sở và các họ như chủ chiên thức tỉnh canh giữ đoàn chiên. Ngài dạy họ bằng trí óc, bằng con tim và bằng đôi tay: Thăm viếng từng nhà, an ủi, nâng đỡ, tặng quà. Ngài đã dùng trí khôn để khai sáng, con tim để cảm hóa, và đôi tay để nâng đỡ, xoa dịu và bù đắp những nỗi đau, những thiếu thốn tinh thần và thể xác…[27].
Kỷ niệm 138 năm ngày sinh của Cha Tổ Phụ (1880), 115 năm ngày cha đến với dân Việt (1903), 85 năm ngày cha về với Chúa (1933), và 100 năm cha lập dòng (1918). Là con cái của cha, chúng ta có dịp nhìn lại quãng đường cha đã từng rảo bước trên quê hương Việt Nam xưa, giữa một hoàn cảnh lịch sử đầy phức tạp và biến động, sự rối ren của chính trị, sự nhiễu nhương đa tạp tôn giáo, sự hiểu lầm bách hại và thù ghét của quan quyền cùng với sự nghèo nàn lạc hậu về kinh tế. Cha Tổ Phụ hoàn thành sứ vụ của một thừa sai, một giáo sư, một cha sở và một đan sĩ cách viên mãn. Chúng ta cùng tạ ơn với Chúa với cha, cùng tiếp bước sống giây phút hiện tại cách tràn đầy và cùng hướng tới tương lai trong tin tưởng và phó thác. Bởi giữa môi trường xã hội hôm nay, tuy không còn những khó khăn kiểu đặc thù như thời cha sống cách đây một thế kỷ, nhưng lại đầy những thách đố đặt ra cho ơn gọi đan tu, đang bị bủa vây với đủ thứ trào lưu tục hóa. Môi trường hôm nay có thể nói, không nghèo về kinh tế nhưng nghèo về tình người, không thiếu văn hóa nhưng tràn ngập tục hóa, không bị bách hại nhưng vật chất đã lấn át niềm tin và luân lý, thế giới ảo đã lấn át những giờ phút thinh lặng và kinh nguyện của đan sĩ. Noi gương Cha Tổ Phụ, chúng ta đem đời về với đạo. Chúng ta không phản kháng hay thoái lui – vì môi trường đã là như thế – nhưng dám đối diện và dùng chính đời sống chứng nhân của mình, là sống triệt để những đòi hỏi của đời sống đan tu, xứng danh là con cái Cha Tổ Phụ. Thật vậy, cứ sống tốt ơn gọi, tự nó sẽ biến đổi thế giới xung quanh.
[1] Tên Cha Tổ Phụ có thay đổi từ khi ngài chào đời cho đến khi mặc áo tập dòng Đức Bà An Nam, nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi thống nhất với nhau, chỉ sử dụng một danh gọi chung là “Cha Tổ Phụ”.
[2] Trong phạm vi bài viết này, tên nước Việt Nam, chúng tôi thống nhất chỉ sử dụng chữ An Nam (đương thời Cha Tổ Phụ).
[3] DHGE, “HUẾ”, tome XV, 1995, Letouzey et Ané, p.54
[4] x. Christiane d’AINVAL, Les belles heures de l’Indochine francaise, Perrin, Paris, 2001, p.3
[5] L.E. LOUVET, Notice Nécrologique sur Mgr Colombert, p.19-20
[6] Viện phụ Emmanuel Triệu Chu Kim Tuyến, Hạnh Tích cha Benoit, tr.91
[7] Thư gửi Đức cha Allys ngày 8 tháng 8 năm 1908.
[8] X. Christiane d’AINVAL, Les belles heures de l’Indochine francaise, Perrin, Paris, 2001, p.113-114
[9] AMEP, Vol 076/2, n.187, pp.1-2, Lettre de Mgr Allys au Supérieur des Missions Étrangères.
[10] Hạnh Tích cha Benoit, Tr 62 – 63.
[11] x. Hội Dòng Xitô Thánh Gia, “Nhớ Nguồn”, năm 1993, tr .151.
[12] Hạnh Tích cha Benoit, Tr 55.
[13] X. Sđd, Tr 53.
[14] x. Hội Dòng Xitô Thánh Gia, “Nhớ Nguồn” tr.143, 1993.
[15] Lời Giáo Huấn của Cha Tổ Phụ, số 33
[16] Sđd, số 28
[17] Sđd, số 6
[18] x. Nhiều tác giả, “Nhớ Nguồn” p.147.
[19] x. Hạnh Tích cha Benoit, các số 156.199.207.
[20] x. Nhiều tác giả, “Nhớ Nguồn” p.152.
[21] x. Hạnh Tích cha Benoit, các số 47 và 88.
[22] x. Nhiều tác giả, “Nhớ Nguồn” p.154.
[23] x. Viện phụ M. Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, “Tiểu sử cha Biển Đức Thuận”, p.145
[24] CRMEP, 1899, p.178
[25] Viện phụ M. Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, Sđd, tr.173
[26] x. Sđd, tr 174.
[27] x. Hạnh Tích Cha Benoit, số 52-53.
THÁNH THỂ
SỰ TRỢ LỰC CHO CỘNG ĐOÀN
Ngày xưa, dân Israel từ bỏ đất Ai cập, từ bỏ kiếp nô lệ để đi về miền đất hứa, miền đất của tự do, miền đất chảy sữa và mật. Trong hành trình dài, dân đã phải đối diện với biết bao thử thách khó khăn từ môi trường bên ngoài là sa mạc khô cằn nắng cháy, đói khát, thú dữ, dân địa phương không cho đi qua; rồi những thử thách bên trong nơi mỗi con người là sự sợ hãi, chán nản, buông xuôi, tiếc rẻ nồi thịt, củ hành củ tỏi bên Ai cập, muốn quay trở về kiếp nô lệ. Hành trình bốn mươi năm trong sa mạc này, Chúa ban cho dân một thứ lương thực là manna. Nhờ lương thực này, mà dân đã đến được đất hứa bình an. Ngày nay, trên hành trình tiến về Nước Trời, chắc chắn chúng ta có những thử thách đến từ bên ngoài lẫn bên trong, nhưng chúng ta có lương thực là Thánh Thể, nguồn trợ lực cho chúng ta vì: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55).
1.Thánh Thể với Giáo Hội
Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, trao ban chính mình cho chúng ta, để ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Đây là món quà quý giá, là sáng kiến độc nhất vô nhị về tình yêu của Thiên Chúa. Đón nhận lời trối của Chúa Giêsu: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), các Tông Đồ, rồi đến các giám mục, linh mục đọc lời truyền phép trong thánh lễ, để bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa. Mọi thời và mọi nơi, ở đâu có thánh lễ thì ở đó có Thánh Thể Chúa. Hội Thánh luôn múc lấy sự sống từ lương thực thần thiêng này.
Thánh Thể là nguồn trợ lực cho hai môn đệ trên đường Emmau, khi họ đang thất vọng chán nản trở về quê cũ sinh sống. Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh (x. Lc 24,31), họ được đầy nghị lực, và đã đứng dậy trở lại Giêrusalem làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Thánh Thể là nguồn sức mạnh cho các Tông Đồ sau khi Chúa Giêsu về trời. Nhờ Thánh Thể, Giáo Hội từ một “nắm men” là 12 Tông Đồ, được phát triển thành nhiều cộng đoàn tín hữu, ngày một vững mạnh và lan rộng.
Giáo Hội trải qua 21 thế kỷ thăng trầm với biết bao thử thách, gian truân, đầy ánh sáng và cũng nhiều bóng tối đan xen. Đã có những cuộc bách hại đạo đẫm máu điển hình như: Giáo Hội tại Roma trong hang toại đạo suốt ba thế kỷ, Giáo Hội thầm lặng ở Trung Quốc, 300 năm bách hại đạo tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới ngày nay, các Kitô hữu cũng đồng số phận như vậy.
Nhờ đâu mà Giáo Hội vẫn trung kiên và vững mạnh nếu không phải là nhờ Thánh Thể Chúa. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thể đã làm cho đức tin các Kitô hữu càng vững mạnh và phát triển dưới thời cấm đạo; đúng như Tertuliano đã nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các tín hữu”.
2.Thánh Thể với Dòng Đức Bà Annam
Suốt thời gian làm giáo sư chủng viện và làm cha sở, Cha Tổ Phụ đã cưu mang lập dòng chiêm niệm, niềm mong đợi của cha hôm nay đã trở thành hiện thực. Cha Tổ Phụ vui mừng vì đứa con đó được sinh hạ vào ngày 15 tháng 8 năm 1918 với thánh lễ đầu tiên trên núi Phước Sơn. Từ đây, Thánh Thể Chúa đã hiện diện giữa cộng đoàn. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, nhà tranh vách đất nên chưa có nhà tạm, như trong thư gửi cho bà kế mẫu ngài viết: “Không có Mình Thánh Người ở với chúng con thì chúng cực lắm” (DN 37).
Cha Tổ Phụ đã bắt gặp được ánh mắt yêu thương của Chúa. Chính Chúa Giêsu là nguồn vui, là sức mạnh, là nền tảng cho các đan sĩ. Chúa Giêsu là Chủ nhà, Chủ cộng đoàn, và có Chúa là có tất cả.
Buổi đầu lập dòng, Cha Tổ Phụ đã gặp rất nhiều khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, bên trong lẫn bên ngoài: lương thực thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn sỏi đá, rừng rú hoang vắng; các thầy đau bệnh vì rừng thiêng nước độc, làm việc vất vả mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu vì thú rừng phá hại; mạng sống của các thầy bị thú dữ đe dọa; việc xây dựng cơ sở vật chất gặp rất nhiều khó khăn (x. DN, số 53).
Còn về tinh thần, những người ủng hộ Cha Tổ Phụ lập dòng thì ít mà những người bàn lui, thiếu xây dựng thì nhiều khiến ngài nản lòng mà bỏ ý định lập dòng. Thậm chí có người hăm dọa sẽ có bão táp cả thể đổ xuống Phước Sơn (x.DN 58). Tiếp đến khó khăn bên trong là ma quỷ quấy phá, làm cho hết thầy này đến thầy nọ buồn thiu (x. DN, số 77). Mặc dù lòng nhiệt thành ban đầu ai cũng có nhưng sức người mỏng giòn, trong khi yêu sách của Luật dòng lại là điều khó khăn đối với nhiều thầy trẻ làm cho họ dễ nản lòng và buồn chán. Tuy nhiên, điều khó không phải là dậy sớm, ăn chay mà là nên thầy dòng thật, thầy dòng thánh (x. DN, số 49).
Những điều đó làm Cha Tổ Phụ ái ngại. Nhưng tại sao nhiều khó khăn như vậy mà Cha Tổ Phụ và cộng đoàn đã vượt qua được? Thưa vì Chúa là ông chủ tốt nhất hạng (x.DN 38). Cha Tổ Phụ vẫn một lòng tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, giúp ngài có ý chí vững mạnh kiên định trong việc lập Dòng, và truyền lửa nhiệt thành cho các môn sinh. Vì thế, trước cảnh nhà bị cháy mà cha và cộng đoàn vẫn hát Magnificat được. Cha vẫn thường viếng Chúa trong nhà thờ vì “được thong dong mà thưa chuyện cùng Chúa” (DN, số 52), và nói khó với Chúa trong phép Thánh Thể thì được đầy tràn an ủi, bình an và vui mừng luôn (x. DN, số 141).
3.Thánh Thể với các cộng đoàn trong Hội Dòng
Từ buổi ban đầu chỉ có một thầy một trò với gánh lý nhẹ tênh và chú gà trống báo giờ, vậy mà giờ đây dòng đã phát triển thật lớn mạnh thành cây đại thụ với mười hai đan viện tự trị và các đan viện đơn lập, như lời tiên tri của Đức cha Lý: “Chừng hai mươi năm nữa, Phước Sơn sẽ tràn khắp các địa phận Đông Dương” (DN, số 63). Mặc dù phải trải qua những biến động, những đêm đen của thời cuộc, các đan viện phải oằn mình với cuộc di cư vào trong Miền Nam; nhưng chính từ đó dòng phát triển mạnh mẽ thành nhiều đan viện khác. Qua đó, chúng ta thấy được sức mạnh của Thánh Thể Chúa là sự trợ lực lớn lao biết chừng nào cho Hội Dòng chúng ta.
Khi thành lập một đan viện, ngoài những công trình xây dựng khác, chúng ta xây dựng nhà nguyện với kiến trúc đẹp, vật liệu quý giá trong khả năng có thể, để xứng đáng làm nơi cho Vua trời đất ngự trị, và có thánh lễ hằng ngày, mặc dù “Thiên Chúa… không ngự trong những đền do tay con người làm nên” (Cv 17,24). Bởi vì, “Thánh lễ là trung tâm quy tụ mọi hoạt động của đời đan tu” (HP, số 119). Nên Thánh Thể Chúa hiện diện thường xuyên với cộng đoàn, để nuôi dưỡng, trợ lực cho cộng đoàn.
Trong nhà nguyện, trước Thánh Thể Chúa, cộng đoàn cử hành thánh lễ, đọc kinh thần vụ, nguyện ngắm, chầu Mình Thánh Chúa, lần hạt, cả những việc đạo đức khác. Tất cả nói lên sự hiệp thông trong cộng đoàn vì mọi người đều hiện diện, đồng tâm nhất trí ca ngợi Chúa. Mỗi cộng đoàn đều có những niềm vui nỗi buồn, những lo lắng trăn trở riêng, nhưng tất cả đều múc lấy sức mạnh từ Thánh Thể Chúa để xây dựng cộng đoàn ngày một phát triển vững mạnh, nhất là có nhiều người đáp lại tiếng Chúa mời gọi sống đời tận hiến.
Thánh Thể không những là nguồn trợ lực cho cộng đoàn về đời sống tâm linh mà còn ở khía cạnh vật chất như: xây dựng kiến thiết, trong công việc làm ăn, khi đau ốm bệnh hoạn, trong công việc đào tạo và cả những thăng trầm của cuộc sống, chúng ta đều chạy đến với Thánh Thể Chúa; khi nhận ra tình thương Chúa ban cho cộng đoàn, chúng ta tạ ơn Chúa.
Vì Thánh Thể là trung tâm mọi hoạt động, nên dù làm gì, đi đâu lòng trí đan sĩ cũng hướng về Thánh Thể Chúa: “Phúc thay người ở trong thánh điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài” (Tv 84,5). Ngay cả khi làm việc các đan sĩ hướng về Thánh Thể, có thể hát một bài thánh ca vì phận vụ của chúng ta là dâng lên Chúa bài ca chúc tụng liên lỉ (x.DN 128).
Khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, chúng ta hiểu được Chúa Giêsu yêu chúng ta biết bao. Cảm nhận được tình yêu quá lớn lao này, mỗi chúng ta khi vui cũng như lúc buồn, khi hạnh phúc cũng như lúc gặp khó khăn luôn đến với Thánh Thể Chúa để xin ơn, tạ ơn và ngợi khen.
Lời Kết
Thánh Thể Chúa là lương thực nuôi sống mọi tín hữu nói chung cách riêng cho các đan sĩ, hơn nữa Thánh Thể còn là sức mạnh cho những ai đang gặp thử thách gian nan, là nguồn trợ lực cho chúng ta được trung thành với ơn gọi đan tu trên hành trình dương thế. Chúa Giêsu hiện diện hữu hình giữa cộng đoàn nhưng liệu chúng ta có biết siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể? Chúng ta đến với Ngài bằng tấm lòng và thái độ nào?
CHA TÔI NGÀY ẤY
Ai trong cuộc đời cũng có một người cha, người cha đó đã để lại cho chúng ta những tấm gương sáng về lòng yêu thương, tha thứ, về lòng quảng đại, hy sinh. Người cha là cả một kho tàng của người con. Trong tâm tình đó, hôm nay, tôi viết lại trang sử của cha tôi (Henri Denis) dưới cái nhìn đơn sơ, mộc mạc của một người con. Hình ảnh người cha đã khắc ghi trong tôi qua những kỷ niệm quý giá mà tôi đã được học hỏi qua cuốn Hạnh Tích Cha Benoit (HT), qua các Lời Giáo Huấn của cha. Nhân kỷ niệm 100 năm Thành Lập Dòng Đức Bà An Nam trên đất Việt, tôi muốn gửi tới toàn thể quý độc giả đôi nét đơn sơ về “Cha tôi ngày ấy”.
“Cha tôi ngày ấy” là tựa đề mà tôi rất thích và cũng rất ấn tượng ngay từ khi tôi bước chân vào nhà dòng. Ấn tượng đó đã theo tôi trong những tháng năm dài tu luyện, hình ảnh cha vẫn sống mãi trong tôi từng ngày từng giờ. Bởi vì, khi đọc cuốn Hạnh Tích viết về cha với lời văn rất mộc mạc, đã ghi lại gần như đầy đủ cuộc sống của cha. Cha sinh tại Boulogne Sur Mer ngày 17.08.1880 trong một gia đình nông thôn nghèo nhưng đạo đức. Cha được song thân nuôi dưỡng, chỉ giáo từng ly từng tý ngay từ tấm bé. Gia đình cha làm nghề bán bánh mì. Trong cuốn Hạnh Tích có viết: “Những khi đánh xe bán bánh chung quanh thành, phải qua một đồi nhỏ có để thánh giá, ông thường dừng xe, xuống quỳ cầu nguyện lâu. Khi Henri lên năm tuổi, có lần ông cũng đem theo để tập quì cầu nguyện trước tượng thánh giá” (HT Tr 25), để dạy cho con mình một bài học là bất cứ làm công việc gì dù sang hay hèn luôn luôn đặt Chúa lên trên hết.
Cuộc sống là một chuỗi ngày đổi thay, cha lớn lên được gia đình gửi đi học ở trường các Thầy Dòng Lasan. Nơi đây, cha học được rất nhiều bài học cho cuộc sống của mình sau này. Với thời gian, cha vào tiểu chủng viện, thi tú tài nhất I, rồi đi Lille dọn tú tài II. Cha đã tận dụng hết khả năng Chúa ban để không phụ lòng dưỡng dục của thân phụ. Cha cũng luôn bắt chước thân phụ làm những công việc thủ công rất giỏi…Khi được nghỉ phép, cha được về thăm gia đình, cha tự làm cho mình một thời khắc biểu: giờ đọc kinh xem lễ, giờ giúp thân phụ thâu bột làm bánh, giờ thì lại đi cắt cỏ cho ngựa… Cha quả thật là một con người tuyệt vời ngay từ tuổi ấu thơ. Nhờ tình yêu của Thiên Chúa thúc đẩy, cha đã có một quyết định mãnh liệt. Cha xin cha mẹ cho nhập Hội Thừa Sai Paris. Trong những năm dùi mài kinh sử, cha vẫn ôm ấp một lý tưởng “đi truyền giáo”.
Vào ngày 07 tháng 03 năm 1903, lễ Thánh Thomas Aquino, giữa cảnh huy hoàng lộng lẫy của Đền thờ Đại Chủng viện Paris, cha thụ phong linh mục cũng là lúc cha có bài sai sang Phương Đông truyền giáo. Tác giả cuốn Hạnh Tích có viết rất chi tiết giây phút chia tay như sau: giây phút chia ly, giây phút châu lụy. Cha con áp má nhau: dòng châu bên nọ gửi suối lệ bên kia. Cái hôn âu yếm, cái hôn đau đớn! Henri Denis không nói ra lời. Thân phụ chỉ nói một câu: con đi mà nhớ rằng làm việc cho Chúa không bao giờ quá. Chúc ngôn quí báu dường nào! Thật là cả một “rương vàng” cha trối cho con (x. HT, tr 38). Một lời khuyên của thân phụ trước khi lên đường đã khắc ghi trong tâm hồn của cha. Khi giờ đã điểm, cha bỏ lại đàng sau quê hương thứ nhất, để trèo sóng chém gió tiến tới quê hương thứ hai…(HT tr 38). Ngày cha bước chân xuống tàu để sang Đông Dương truyền giáo, cha ý thức đã bước chân đi thì không có ngày quay trở về thăm quê hương, thăm cha mẹ nữa… Đó là một sự từ bỏ dứt khoát của người môn đệ theo Chúa Kitô. Chúa mời gọi: “Ai muốn theo tôi mà còn ngoái cổ lại đằng sau thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 9,62); và Chúa nói thêm: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo”( Mt 16,24 ). Cha ra đi với tất cả lòng tín thác vào Thiên Chúa. Cha đến Đà Nẵng ngày 31 thánh 05 năm 1903, vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Cha đã phó thác cuộc đời trên giải đất Lạc Hồng. Khi sang Việt Nam truyền giáo, tuy ngôn ngữ là điều khó khăn nhất, bởi vì cha là người ngoại quốc nhưng cha lại sớm hòa nhập vào cuộc sống của người Việt, ăn cơm Việt, học Tiếng Việt và luôn khoác trên mình áo tơi Việt Nam. Chỉ sau một thời gian ngắn, cha đã học được ngôn ngữ của người Việt. Sau đó được Đức cha cắt cử làm Giáo sư Chủng viện An Ninh, tiếp đến làm Cha xứ Nước Mặn. Với bao nhiêu công việc bề bộn, cha vẫn hoàn thành cách chu đáo xứng danh của người mục tử luôn yêu thương đoàn chiên. Sau năm năm phục vụ Giáo xứ Nước Mặn thì Đức Cha chuyển ngài về nhận chức Giáo sư Chủng Viện An Ninh lần thứ hai vào khoảng trung tuần tháng 02 năm 1913. ( x. HT tr 74)
Cuộc sống luôn có những luân chuyển. Khi tới truyền giáo tại Việt Nam, cha vẫn ấp ủ trong lòng một khát vọng sâu xa là muốn lập “Dòng Nam” cho người Việt Nam. Cho đến năm 1918, cha mới thực hiện được ý định của mình, đó là xin Đức cha Allys Lý, Giám mục Giáo phận Huế cho phép đi tìm đất lập dòng. Chính sự kiên tâm của cha mà Chúa đã thương cho ý định của cha được thành hình. Đúng ngày 14 tháng 08 năm 1918, cha ra đi cùng với người môn đệ đầu tiên là Thầy Tadeo Chánh, hai cha con thu xếp đồ đạc lên núi Phước Sơn khai mạc một đời sống mới. Đò cập bến, cha con vui vẻ gánh đồ lên dọn bàn thờ mừng lễ Đức Mẹ. Vì bước đầu chỉ có một cái “nhà” nên nó được sử dụng cho hết mọi sinh họat ở đó. Cha tặng cho cái nhà mới đó đủ thứ tên: nhà thờ, nhà ngủ, nhà cơm, nhà kho, nhà bếp… Sáng hôm sau, đại lễ Đức Bà Mông Triệu, để cử hành thánh lễ trọng thể khai sinh nhà dòng mới, vốn chỉ là một túp lều thô sơ trên núi Phước Sơn (x. HT, tr 115).
Cuộc sống những ngày đầu lập Dòng đầy gian nan khốn khó, từ việc đi lại cho đến cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn rất nhiều, nhưng cha con vẫn sống vui vẻ với nhau. Có lần một thầy kể lại: “Lần kia nước sông to, chảy mạnh, đò lên trễ quá, gần trưa rồi, mà đò chưa lên, gạo thì hết, con thưa ngài: “Thưa cha, đò chưa lên, mà gạo nhà hết rồi, trưa ni lấy chi ăn? Ngài liền la con: thì Chúa sẽ liệu mà, con lo chi vô lối rứa”. Hay đâu chờ mãi quá trưa, cũng chả thấy đò lên, ngài bảo đào sắn luộc. Ôi chao ăn sắn vào, cha con say, nằm đọa cả ra, mãi gần chiều đò mới lên, ngài cười bảo lấy gạo nấu cơm cho các thầy ăn” (HT, tr 129). Bao nhiêu thử thách ập đến, cha vẫn luôn bình an trong từng giây phút của cuộc sống.
Hình ảnh người cha vẫn ngày đêm miệt mài dựng xây nếp sống đan tu chiêm niệm, dù có khó khăn đến mấy cha cũng không chùn bước. Điều quan trọng duy nhất mà cha thường khuyên dạy con cái: “Chúng ta là anh em với nhau, đi đàng nhân đức như nhau, cho nên phải yêu thương nhau, chẳng những anh em ở một nhà muốn cho được yêu thương anh em, phải ra khỏi mình…” (DN, số 112). Nơi khác ngài còn khuyên: “Chúng ta hãy yêu nhau, hãy giúp nhau, hãy gánh đỡ gánh nặng cho nhau, hãy nhịn nhục nhau khi lầm lỗi, lấy đức khiêm nhường mà che đậy nết xấu của nhau, đừng xét nét anh em khi không phải việc của mình” (DN số 122). Lời khuyên của cha vẫn còn vang vọng mãi cho tới thế hệ tương lai: dù cuộc sống có thế nào đi chăng nữa chúng ta không bao giờ mất lòng trông cậy nơi Chúa.
Khi mới lập dòng, cơ ngơi của nhà dòng chỉ có một cái nhà, vậy mà sau một phút chốc ngôi nhà đó đã trở nên tro bụi. Ngài viết thư cho bà kế mẫu: “Thăm mẹ yêu dấu, con viết ba chữ tin cho mẹ hay: cái nhà đẹp nhất của chúng con nay đã biến thành đống tro tàn. Trót cơ nghiệp nhà dòng ở cả trong đó: sách vở, thuốc men, quần áo, vật thực, hạt giống… thay thảy đều cháy hết” (HT, tr 158). Thế nhưng, cha đã kêu gọi anh em đứng hát Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa. Càng nhìn cha, tôi lại càng cảm phục trước sự phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Cha vốn hiền lành và dễ thương nhưng cũng đầy cương nghị và luôn quan tâm đến đời sống thường ngày của anh em. Hạnh Tích có viết: “Khi giúp bàn, ngài để ý xem thầy nào ít ăn thì ngài dạy ăn thêm hoặc bảo dọn đồ ăn cho khá, trái lại thầy nào kén ăn thì ngài la quở để chữa tật bệnh linh hồn. Như có lần một thầy kia không biết tại sao không ăn cơm cháy, xin đổi cơm khác, ngài biết thì la quở: “Này chúng con xem, anh X …yểu điệu chưa, không chịu ăn cơm cháy, đòi cơm khác kìa!” Thầy ta thẹn đỏ mặt vội ra quỳ chùm hum giữa nhà cơm chịu lỗi, cha tỏ nét hiền từ nói: “Thôi con lên ngồi ăn lại cho rồi”. (HT, tr 205). Tình thương của người cha rất thẳng thắn, nhưng cũng đong đầy tình phụ tử sâu đậm hơn ai hết. Nhờ đó, anh em ngày càng tiến tới hơn trên con đường nhân đức.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi càng khám phá ra nơi cha tôi ngày ấy một nét đẹp tuyệt vời, đó là yêu thương và tôn trọng anh em, đặc biệt là những anh em yếu đuối. Có lần Cha dạy chúng tôi: “Chúng ta nên xét ý lành, thì có ích luôn…”. Và có lần ngài còn thẳng thắn nói: “Chúng ta hãy xét ý lành cho anh em, như lời Chúa dạy: “Các con không đoán xét anh em, thì ta cũng không đoán xét các con”. Lại rằng “Các con đong đấu nào cho anh em, thì ta cũng đong đấu ấy cho anh em” (DN, số 123). Điều này, cha cũng luôn nhắc nhở bản thân tôi từng ngày trong cuộc sống là luôn yêu thương và xét ý lành anh em.
Mặc dù cha là một Bề trên nhưng ngài không bao giờ muốn mình hơn người khác, ngược lại, ngài luôn hạ mình làm những công việc nhỏ nhặt nhất và tầm thường nhất đó làm nhà vệ sinh: “Ngay sáng lễ xong, cha xách bình xuống giếng lấy nước dọn nhà vệ sinh rồi mới đi làm việc khác” (HT tr 203). Điều này làm tôi ngưỡng mộ cha hơn cả. Khi khám phá ra điều này tôi mới tự nhủ mình chẳng đáng là gì trong cộng đoàn nên hãy noi gương cha làm những công việc nhỏ bé và tầm thường giữa anh em.
Đồng thời, cha còn khuyên dạy chúng tôi bao nhiêu điều bổ ích được viết trong sách Di Ngôn và các Lời Giáo Huấn của cha: nào là kính mến Chúa, nguyện gẫm, sự khiêm nhường, … Tất cả những điều đó cha đã từng sống, từng thực hành. Khi gần về với Chúa, cha đã trối lại cho chúng tôi một di sản thiêng liêng: “Các con muốn nên thánh thì hãy giữ luật dòng”.
***
“Cha tôi ngày ấy” đã một đời vất vả ngược xuôi, tìm đất lập dòng và mong sao Hội Dòng được thành hình và phát triển khắp cõi Phương Đông. Một trăm năm chưa phải là dài, nhưng hạt giống cha vun trồng nay đã trở thành một cây đại thụ xanh tươi. Chắc chắn giờ này trên thiên quốc Cha tôi rất vui mừng khi thấy Hội Dòng Xitô Thánh Gia lan rộng không những trong nước mà còn cả hải ngoại với đông đảo con cái.
TỪ CỘI NGUỒN PHƯỚC SƠN
FM. Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào
Hội Dòng đang mừng năm thánh Kỷ Niệm Bách Chu Niên Cha Tổ Phụ Lập Dòng (15.08.1918 – 15.08.2018). Chủ đề cho số nội san đặc biệt này là: “Từ cội nguồn Phước Sơn Quảng Trị…”. Người viết xin được điểm qua ý nghĩa của năm thánh và những mốc lịch sử quan trọng trong tình thương và ân phúc Chúa ban cho Hội Dòng Xitô Thánh Gia.
1.Năm thánh: nguồn gốc và ý nghĩa
a.Nguồn gốc
Năm thánh, theo nguyên gốc tiếng Latinh “Annum Jubilaei”, bắt nguồn từ tiếng Do thái “Jôbel”, nghĩa là: “Thổi kèn tù và báo hiệu năm Toàn xá”.
Năm thánh có nguồn gốc từ Cựu Ước và được ghi rõ trong sách Lêvi (ch. 25,1-54). Người Do Thái cứ 7 năm một lần cử hành Năm Hưu Lễ, và (7 lần 7), tức là cứ năm 49 đến năm thứ 50 thì cử hành trọng thể Năm Yôbel – Năm Toàn Xá: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là Năm thánh và sẽ tuyên cáo trong sứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một Năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng. Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình” (Lv 25,10-13; x.Xh 23,10-11; x.Lv 25,1-28; x.Ðnl 15,1-6).
Tất cả những việc làm này là nhằm để tôn vinh Thiên Chúa. Cứ sau 49 năm thì toàn dân Do Thái phải mừng năm thứ 50 một cách trọng thể. Rõ ràng, truyền thống năm hồng ân này là sự mở rộng luật Sabát của người Do Thái là trong một tuần 7 ngày, sau 6 ngày làm việc phải có 1 ngày nghỉ ngơi để thờ phượng Thiên Chúa.
Kitô giáo qua Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, đã đón nhận Năm thánh với ý nghĩa tròn đầy. Chính Đức Giêsu đã đến để khai mở Năm Hồng Ân và thời cứu rỗi khi công bố: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi,…Người sai tôi đi công bố ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân”. Chúa Giêsu gấp sách lại và nói: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4,18-21).
b.Ý nghĩa
Năm thánh theo chỉ dạy của Kinh Thánh và của Đức Giêsu có ý nghĩa đặc biệt: đó là là năm ân phúc, năm tha tội, năm ân xá, năm làm mới lại các mối tương quan, dấn thân.
– Năm ân phúc: Năm thánh, Chúa mở rộng kho tàng ân sủng của Ngài, cách đặc biệt, ban ơn thánh đầy tràn.
– Năm ân xá: Năm thánh, qua trung gian Giáo Hội, Chúa ban ơn tha tội và tha các hình phạt do tội gây ra. Cần ghi nhận ở đây điều đặc biệt của ơn năm thánh là Ơn Toàn Xá. Ơn này có thể lãnh nhận một cách rộng rãi mỗi ngày trong suốt năm với những điều kiện và nơi chốn được Giáo Hội quy định.
Tội chúng ta phạm, qua Bí tích Hòa Giải đã được tha. Còn vạ, do tội gây nên phải đền bù đủ. Nếu chưa đền hết ở đời này, thì phải đền bù đời sau nơi luyện tội. Ơn toàn xá tha tội và cả những hình phạt tạm do tội gây ra.
Điều kiện để lãnh nhận ơn toàn xá của năm thánh luôn đòi hỏi hành vi sám hối và quyết tâm cải đổi đời sống. Do vậy, bắt buộc phải có xưng tội, rước lễ hay làm các việc bổn phận đạo đức đi kèm.
– Năm canh tân hòa giải: Kinh Thánh đã chỉ rõ, Năm thánh là năm Thiên Chúa thi ân giáng phúc cách vô lượng và liền đó là tha tội, nhưng luôn đi kèm nỗ lực tha thứ và hòa giải với Ngài, với nhau và với mọi tạo vật.
Tội lỗi đã phạm đã làm cho con người xa rời hoặc cắt đứt mối tương giao với Chúa, với anh chị em đồng loại, với tạo vật, và để lại biết bao hậu quả tai hại. Năm thánh là thời gian ân phúc giúp mỗi người, và cộng đoàn nhìn nhận những sai lầm, lỗi phạm và thiếu sót của mình để đền bù cách xứng hợp. Chính mỗi người và cộng đoàn cũng phải biết tha thứ cho những ai vấp phạm đến mình, có thể tha bổng hay tha một phần tùy theo khả năng và lòng bác ái khoan dung để mỗi người được sống trong bình an với chính mình và hòa bình với mọi người.
– Năm xác tín, dấn thân: Năm thánh làm mới lại tất cả những xác tín và dấn thân, mở ra những dự định sứ mạng của cá nhân, cộng đoàn.
Năm thánh có 2 loại: thông thường và ngoại thường.
Năm thánh thông thường bắt đầu với Đức Giáo hoàng Bônifatiô VIII vào năm 1300 và ngài ấn định cứ mỗi thế kỷ sẽ mở một năm thánh. Sau đó, năm thánh rút xuống còn 50 năm, 33 năm và từ năm 1475, để giúp mỗi thế hệ đều được hưởng năm thánh, năm thánh thường lệ được cử hành mỗi 25 năm. Tính đến nay đã có 26 năm thánh thường lệ được mở, gần đây nhất là năm thánh 2000.
Khi có một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, Đức Giáo hoàng có thể công bố mở năm thánh đặc biệt hay còn gọi là năm thánh ngoại thường. Tính đến thời điểm hiện tại của chúng ta đã có 3 lần mở năm thánh ngoại lệ. Hai năm thánh ngoại thường trong thế kỷ XX là vào năm 1933 khi Đức Giáo hoàng Piô XI công bố kỷ niệm 1900 năm Ơn Cứu Ðộ được ban cho nhân loại qua sự chết và sống lại của Chúa Giêsu và một năm thánh ngoại thường của thế kỷ này được mở vào năm 1983, dưới triều đại Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dịp mừng kỷ niệm 1950 năm Ðức Kitô khổ nạn và phục sinh hầu đem ơn cứu rỗi cho nhân loại. Và thế kỷ XXI của chúng ta, vừa cử hành một năm thánh ngoại thường, đó là năm thánh Lòng Thương xót, được mở dưới triều đại Đức Giáo hoàng Phanxicô từ ngày 08/12/2015, đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và kết thúc vào ngày 20/11/2016, đại lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.
2.Năm thánh mừng kỷ niệm Bách Chu Niên Cha Tổ Phụ Lập Dòng
a.Năm thánh: Trở về từ cội nguồn Cha Tổ Phụ Phước Sơn
Qua phần giới thiệu tóm tắt trên chúng ta thấy năm thánh chính là ân huệ lòng thương xót và ơn cứu độ của Thiên Chúa được ghi dấu trong dòng thời gian, ngang qua lịch sử từ Cựu Ước đến Tân Ước, qua Giáo Hội và cách cụ thể là đến với Hội Dòng và cộng đoàn trong thời điểm này.
Thiên Chúa qua trung gian Giáo Hội khai mở năm thánh, Ngài thực hiện việc khai mở này, khởi đi từ con người, từ những biến cố sự kiện cụ thể. Chính Chúa đã tuyển chọn những con người đặc biệt để thực thi việc ban tặng khai mở ân sủng năm thánh. Ở đây chúng ta đang mừng năm thánh 100 năm Cha Tổ Phụ lập dòng. Chính từ Cha Tổ Phụ và hồng ân lập dòng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta ân huệ năm thánh.
Chúng ta gợi nhớ lại thời điểm hồng ân. Cha Tổ Phụ đến Việt Nam ngày 31 tháng 05 năm 1903. Ngay từ những năm đầu khi còn làm Giáo sư Tiểu Chủng viện An Ninh, Ngài đã có ý tưởng về thầy dòng đan tu chiêm niệm. Trong 265 lá thư ngài viết từ 1903 đến 1906, có nhiều lá thư ngài đã nói đến việc này. Ngài ao ước cha mẹ nhìn thấy các chú nhỏ là tượng trưng thầy dòng: đi đứng nghiêm trang, cặp mắt nhìn xuống, vừa đi vừa sốt sắng lần hạt. Điều này cho thấy ngài đã đọc và ảnh hưởng tinh thần của Luật Thánh Biển Đức ở chương 7 nói về 12 bậc khiêm nhường[1].
Từ năm 1909 đến 1917, sau chín năm ôm ấp ý tưởng lập dòng, ngài xin đi xin lại nhiều lần, dầu bị Đức cha Allys – Giám mục Giáo phận Huế từ khước, ngài vẫn cứ một lòng vàng đá. Được ơn Chúa thúc đẩy mãnh liệt, trung tuần tháng 12 năm 1917, ngài đánh bạo xin một lần nữa, phen này Đức cha đành lòng cho thử và ban phép chọn nơi nào tùy ý.
Đức Cha giúp qua thư ngỏ ý với quan Cụ Quận công Nguyễn Hữu Bài tìm giúp đất lập dòng. Quan cụ phúc đáp bằng lòng dâng một cây số vuông trong đất Phước Sơn – Quảng Trị, muốn chọn chỗ nào mặc ý, trừ những chỗ đã khai khẩn rồi.
Ngày mồng 05/07/1918, ngài cùng Đức cha, Cố Chính đi đò lên Phước Sơn để thăm đất[2]. Sau khi đi thăm được một nửa cây số, Đức cha Allys và Cố Chính đều thở dài ngao ngán: “Chỗ này làm chi ăn sống người mà lập dòng đây. Thôi coi chi nữa” Và Cố Chính thêm vào: “đất đai khô cằn sỏi đá thế này, làm chi nên ăn, thôi về đi Ngân Sơn!”. Nhưng đối với Cha Tổ Phụ, vì được trực giác siêu nhiên, khi mới đi thăm được nửa cây số trên giải đất này,”tâm hồn ngài đầy hoan lạc, thấy trước mặt một khoảng rộng mênh mông như biển đồi, cái cao cái thấp chen nhau sát sạt như lưng rùa, xa tít đến rạng núi xanh cao ngất trời. Cha Tổ Phụ bụng bảo dạ: đây thật là đất chảy sữa và mật ong cho những kẻ Chúa chọn”[3]. Buổi thăm đất đã xong, trời trưa, khi xuống đò dùng bữa, Đức cha hỏi, sao có tìm được đất không? Cha giáo Thuận trả lời: “Dạ, cho con thử ở đây…” Đức cha đáp: “mặc ý cha”. Thế là Phước Sơn thành hình trong lòng Cha Giáo Thuận vào lúc một giờ chiều ngày 05 tháng 07 năm 1918.
Quả thực, Phước Sơn nguồn cội đã thành hình trong lòng cha và cha bắt đầu dựng cơ nghiệp. Chúng ta xem bước khởi sự, Hạnh Tích kể rằng: Cha Giáo Thuận lập dòng, khác thể mẹ cưu mang con trong dạ đằng đẵng chín tháng trời, những ngong ngóng thấy mặt con, song đến ngày đản sinh thì lại bị nhiều nỗi tân toan khốn khổ. Người đã cưu mang ý định lập dòng chín năm trường có lẻ, nay đến ngày phát hiện ý tưởng ấy ra, tức là tái sinh các thầy khổ tu trên Núi Phước cũng phải đa đoan nhiều nỗi: bạc tiền chẳng có, lúa gạo lại không, công việc thì nhiều, nào phá rừng, nào đào gốc, đổ nền, biết làm sao?[4]
Ngày khởi sự đi lập dòng: Chỉ có một thầy, một môn đệ (Thầy Tadeo Chánh). Gia tài được chia đi gây dựng sự nghiệp Nước Trời, vĩ đại trong cái nhỏ bé, cao sang, giàu có trong cái đơn hèn đến thường tình: mấy bộ áo lễ, vài cặp quần áo cũ vá, vài ba chiếc chiếu, mấy quyển sách long gáy rách bìa. Đồ cơm ít bát đĩa chén muỗng nĩa pha tây pha nam… một thúng gạo, một âu ruốc, một đọi muối, vài cái nồi, một con dao và một con gà trống gáy hiệu.[5]
Đối với Cha Tổ Phụ, như Thánh Tổ Biển Đức, tất cả là sự trông cậy, tất cả là sự tín thác hy vọng nơi Cha trên trời, ngài sẽ nuôi nấng con cái hèn mọn tại Núi Phước, cũng như ngài hằng cung cấp lương thực đầy đủ cho cá biển chim trời.
Cha Tổ Phụ đã gây dựng đời đan tu, sống đời đan tu và làm cho phát triển, khi phải trải qua ngàn nỗi truân chuyên. Ngài phải chờ đợi chín năm trường với bao tiếng dèm pha chê cười; ra đi gây dựng cơ nghiệp Nước Trời với sự khó nghèo, kể như chẳng có gì; rồi khi đã gây dựng được chút cơ nghiệp thì tai họa ập đến, mọi sự cống thần lửa, ra tro bụi. Quả thực, ngài đã cưu mang sinh hạ đời đan tu Xitô Thánh Gia giữa bao lao công khó nhọc đến mức mòn hao sinh lực. Ở quãng cuối đời, bác sĩ khám bệnh cho ngài đã kết luận: “C’est perdu- Hỏng cả rồi!”.
Vâng, tất cả đủ nói lên, vì say mê tìm Chúa, vì muốn làm rạng danh Nước Chúa, vì muốn cứu bao linh hồn dân Việt và để cho chúng ta hôm nay mà ngài đã hiến tế tất cả, kể cả mạng sống mình. Ngài quả thực đúng là hạt giống mà Chúa nói trong Tin Mừng, chết đi để sinh nhiều hạt khác và mang lại mùa lúa dồi dào.
b.Năm thánh: Từ Cha Tổ Phụ đến các Cộng đoàn – Hội Dòng
Từ cội nguồn Cha Tổ Phụ lập dòng, chúng ta nhận được ơn này đến ơn khác.
Từ khi Cha Tổ Phụ qua đời, nhiều người nghĩ Phước Sơn sẽ tan, chẳng hạn như thư Cố Hòa (Cha Barbier), Địa phận Vinh viết gửi cho Cha Augustino rằng: “Thôi, Cố Thuận qua đời rồi thì Phước Sơn sẽ tan, các thầy soạn đồ mà về”.[6]
Không, gia sản người công chính hằng được Chúa chúc phúc, sẽ tồn tại và lưu truyền hậu thế muôn năm. Cha Tổ Phụ qua đời, dòng không tan rã mà lại nên vững mạnh. Trực giác được những gì Chúa muốn cho con cái mình sau này nên vào ngày 04.03.1930, trước ba năm ngài qua đời, Cha Tổ Phụ đã có đơn thỉnh nguyện xin nhập Dòng Xitô Chung Phép. Và sau khi ngài qua đời được hai ngày, tức ngày 27 tháng 07 năm 1933, Cha Bề trên nhì- Cha Barnard đã viết thư vừa đưa tin Cha Bề trên qua đời vừa nhắc lại đơn Phước Sơn xin nhập Xitô. Như một sự quan phòng và có thể nói, nhờ Cha Tổ Phụ chuyển cầu mà có Đại Hội ngoại lệ toàn Dòng Xitô. Đại hội trong ngày đầu tiên, ngày 11/10/1933, đã bàn đến việc xin sáp nhập của Phước Sơn vào Dòng Xitô và sáng hôm sau đã duyệt thỉnh nguyện. Tiếp sau đó, ngày 30/10/1933, Viện phụ Tổng Quản lý đã gửi đơn thỉnh nguyện, xin Thánh Bộ chính thức châu phê sự sáp nhập Tu Hội, mệnh danh là Tu viện Thánh Mẫu Phước Sơn vào Dòng Xitô. Thánh Bộ đã chấp thuận và ban sắc sáp nhập ngày 24/05/1934.
Vâng, ý định và chương trình Chúa mãi luôn bền vững; và với những người hết lòng tìm kiếm và kính sợ Chúa, Chúa sẽ chúc phúc để sự công chính và sản nghiệp họ tồn tại mãi. Chúng ta đọc suy lời này trong Thánh vịnh: “Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc. Gia đình họ phú quý giàu sang, đức công chính của họ tồn tại muôn đời” (Tv 111,1-3).
Quả thực, gia sản tinh thần của Cha Tổ Phụ tồn tại mãi, các môn sinh của ngài sẽ hùng cường và dòng dõi được chúc phúc. Sau sắc chỉ phê nhận sáp nhập Dòng Xitô của Thánh Bộ Tu Sĩ năm 1934, ơn gọi vào Phước Sơn ngày một đông. Tính chỉ năm 1934, không tính các ứng sinh trẻ, có hai cha thuộc Giáo phận Hà Nội và một linh mục Pháp, xin vào dòng và khấn gia nhập Phước Sơn.[7] Ơn gọi vào dòng đông lên, Cha Bề trên Bernard đã nghĩ đến việc phải đi lập dòng. Và chính thức từ sau lễ thánh Tổ Phụ Bernard, ngày 20 tháng 08 năm 1935, Cha Bề trên đã ra bài sai cắt cử các cha anh em đi tìm đất lập dòng.[8]
Ơn Chúa quan phòng và chúc lành, con cái Cha Tổ Phụ, nguồn cội Phước Sơn bắt đầu sinh sôi nảy nở và tràn lan khắp đất Việt.
Ngày 06 tháng 09, Chúa Nhật XIV sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, phái đoàn do Cha M. Ansenmo Lê Hữu Từ (Bề trên tiên khởi Nhà con) dẫn đầu, vào nhà hội xin phép lành Cha Bề trên Bernard và từ biệt Nhà mẹ Phước Sơn lên đường đi lập dòng. Ngày 08/09/1936, Nhà con đầu tiên của Phước Sơn được khai sinh, đó là Đan viện Châu Sơn Nho Quan.
Sự kiện chính trị gây ảnh hưởng đến Việt Nam, vào năm 1949, qua báo chí cho biết, Dòng Trappe bên Tàu bị tàn phá phải tản cư. Tình hình Việt Nam xem chừng cũng nguy hiểm, nhà dòng cần lập nhà để có chỗ tản cư, trú ẩn và nếu lập thì tiến vào Nam. Chính trong hoàn cảnh này, từ Nhà mẹ Phước Sơn, ngày 05/11/1950, Cha M. Casimiro Hồ Thiên Cung dẫn nhóm anh em đi lập dòng trong Nam, đó là Đan viện Phước Lý, khai sinh ngày lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ tháng 06 năm 1951.[9]
Biến cố di cư năm 1950-1954, Châu Sơn Nho Quan bị phân tán và có Châu Sơn Đơn Dương (cùng gốc ngày thành lập 1936). Ngày 31 tháng 05 năm 1971, Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương thành lập Đan viện Thánh Mẫu Châu Thủy.
Biến cố năm 1974-1975, Nhà Mẹ Phước Sơn lần thứ hai bị tịch thu, anh em phải tản mác, các cộng đoàn khác của Hội Dòng cũng lâm vào thời thử thách bách hại. Dầu vậy, ơn Chúa quan phòng, chính từ cuộc bách hại và thử thách, ơn gọi đời đan tu và các cộng đoàn khai sinh thêm nhiều: Đan viện Thánh Mẫu Thiên Phước, thành lập 31/05/1975. Đan viện Thánh Mẫu Phước Vĩnh, thành lập 24/06/1975. Đan viện Thánh Mẫu An Phước, thành lập 08/09/1978. Đan viện Thánh Mẫu Fatima, thành lập 1979 (ở Orsonnens, Thụy Sĩ).
– Việc khai sinh các Đan viện Nữ Xitô: từ khi được chọn làm Bề trên kế vị Đấng Sáng Lập, Cha Bernard Mendiboure đã ngỏ ý với Cha Bề Trên Cả Dòng Xitô về việc lập Dòng Nữ Xitô tại Việt Nam. Năm 1963, Đức Viện phụ M. Emmanuel Triệu Chu Kim Tuyến cũng đã có ý định trên. Từ những năm 1967, nhận thấy rằng nhiều thanh nữ đạo đức ái mộ đời sống chiêm niệm, ngỏ ý ước ao có Dòng Nữ Xitô tại Việt Nam, Đức Viện phụ M. Emmanuel Triệu đã đặt vấn đề lập Dòng Nữ với Cộng đoàn Phước Sơn.
Năm 1972, Tổng Hội của Hội Dòng trong phạm vi quyền bính của mình, quyết định lập Dòng Nữ Xitô, và cho phép mỗi Đan viện Tự trị thuộc Hội Dòng được phép thí nghiệm lập Dòng nữ. Thời gian này, Đức nguyên Viện phụ M. Emmanuel Triệu Chu Kim Tuyến đang nghỉ hưu tại Đan viện Khiết Tâm Phước Lý. Cũng thời gian này, Đan viện Khiết Tâm Phước Lý đã quyết định khởi sự thí nghiệm việc lập Dòng Nữ Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước tại Bàu Sen, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Vậy là Đan viện nữ đầu tiên được chính thức thành lập ngày 08 tháng 12 năm 1972 và liền sau bốn năm, ngày 08 tháng 09 năm 1976, khai sinh Đan viện nữ thứ 2 là Đan viện Phước Hải, rồi tiếp đan viện nữ thứ ba: Đan viện Phước Thiên, thành lập ngày 01 tháng 11 năm 1988.
Thoáng lược lại lịch sử Cha Tổ Phụ lập dòng và việc khai sinh các cộng đoàn của Hội Dòng, không phải chỉ để sống lại ký ức hay để biểu dương công trình sự nghiệp, nhưng hơn tất cả là tán dương lòng nhân hậu của Chúa “Ôi việc Chúa làm cho ta thật vĩ đại!” Đúng là việc Chúa làm thật vĩ đại! Từ hạt giống chiêm tu âm thầm nhỏ bé được Cha Tổ Phụ gieo trên Núi Phước, nay đã trổ sinh muôn hoa thơm trái lành. Nay đã một trăm năm mà vẫn xanh tốt vươn mình. Tính đến thời điểm hiện tại, từ cội nguồn Cha Tổ Phụ – Phước Sơn đã sinh được 12 cộng đoàn tự trị và ba cộng đoàn đơn lập với con số gần 1300 thành viên, trong đó đã có 182 anh em đan sĩ đã qua đời.
3.Năm thánh: Với chúng ta hôm nay
a.Tâm tình tạ ơn
Tâm tình năm thánh trước hết là tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Thiên Chúa đã dùng muôn vàn sáng kiến để ban phát ân sủng cứu độ của Ngài. Tạ ơn Thiên Chúa đã mở lượng khoan dung khi ban hồng ân năm thánh để chúng ta kín múc muôn vàn ân sủng cần thiết cho sự sống của linh hồn. Con người cứ xét theo công nghiệp mình làm thì không thể đạt tới sự thánh thiện như lòng ao ước; rồi do tội lỗi đã phạm, xét theo lẽ công bằng, không biết khi nào mới đền cho đủ. Thiên Chúa mở lượng hải hà, qua thời gian năm thánh, và với ân xá tặng ban, chúng ta được tiến tới nhanh hơn trong sự toàn thiện, lại còn được tha muôn hình phạt đời tạm và cũng giúp chúng ta thực thi nghĩa cử bác ái cao cả, là cứu giúp bao linh hồn ở nơi luyện tội.
Lời tạ ơn đặc biệt của chúng ta hướng về Cha Tổ Phụ. Nhờ cha với bao lao công gian khó, hạt giống nước trời là đời đan tu chiêm niệm được gieo trên Núi Phước, để chúng ta có được dịp trọng đại mừng Bách Chu Niên.
Tạ ơn các bậc cha anh chị em đã khuất, cách riêng là 182 anh chị em đan sĩ của các Cộng đoàn Hội Dòng đã hoàn tất đời thánh hiến đan tu[10]. Chính từ sự quảng đại đáp trả ơn gọi sống đời đan tu, tiếp nối tinh thần và trí ý của Cha Tổ Phụ nơi các ngài, đã tạo nên gia sản đan tu Xitô Thánh Gia mà chúng ta đang hưởng nhờ ngày hôm nay.
Tạ ơn vì gần 1300 thành viên, thuộc 12 cộng đoàn tự trị và 3 cộng đoàn đơn lập của Hội Dòng, đã và đang quảng đại đáp trả và sống đời đan tu để từng ngày bảo toàn và làm cho sống động cũng như đang lưu truyền gia sản của Đấng Tổ Phụ và các bậc tiền nhân.
b.Tâm tình hoán cải
Trọng tâm của năm thánh không chỉ là lời tri ân, mà chính là thực hiện cuộc hoán cải sâu xa. Ðức Hồng y William W. Beum trong cuốn “Chỉ Nam Ân Xá” đã nói: Khi hiểu tường tận và lãnh nhận cách hoàn toàn, thì Ân Xá là yếu tố quan trọng trong việc hoán cải liên tục, là một tiến trình thánh hóa đặc trưng cho đời sống thiêng liêng trên thế gian.
Những gì cần hoán cải? Để chuẩn bị mừng kỷ niệm năm thánh Bách Chu Niên Lập Dòng, tất cả Hội Dòng chúng ta đã cùng nhau học hỏi các chủ đề: “Theo gương Cha Tổ Phụ, đan sĩ say mê Thiên Chúa”, đề tài thứ hai: “Theo gương Cha Tổ Phụ, đan sĩ sống huyền nhiệm hiệp thông” và đề tài thư ba: “Từ cội nguồn Phước Sơn – Quảng Trị đến Hội Dòng Xitô Thánh Gia và hướng tới tương lai”.
Chúng ta đã có những cuộc gặp gỡ chia sẻ với nhau và đã nhận ra rằng, bên cạnh muôn vàn ơn ban chúng ta lãnh nhận cho bản thân, cộng đoàn, Hội Dòng, chúng ta thấy mình có nhiều lỗi phạm. Chúng ta đã suy giảm rất nhiều lòng nhiệt thành, sự khát khao tìm kiếm và say mê Thiên Chúa. Sống trong thế giới tục hóa mạnh mẽ, chúng ta đang bị hao mòn, bị xâu xé rất nhiều về mọi phương diện, nhất là chất lượng đời thánh hiến. Chúng ta đang xa rời căn tính đan sĩ khi chạy đua theo tiền bạc, công việc, các thứ bù trừ tiêu khiển; thiếu trung tín với Chúa, bớt xén giờ cầu nguyện và trao dồi thiêng liêng; hiện diện ít đi với cộng đoàn, lo việc bên ngoài nhiều hơn; sống thiếu động lực dẫn đến kéo dài lê thê đời sống đan tu; lòng trí để ở nơi đâu không còn ở trong đan viện; tìm sự an ủi bên ngoài hơn ở nơi anh chị em trong cộng đoàn; muốn sống hưởng thụ, dễ dãi, ngại hy sinh và dấn thân; thiếu tư cách nhân bản trong lời ăn tiếng nói; thiếu khiêm tốn; thiếu tinh thần vâng phục; chưa trở nên dấu chỉ sự hiệp thông, gây bè phái chia rẽ bất hòa… Và một điểm được anh em nhấn mạnh, đó là phí phạm thời gian vào những chuyện vô bổ.
Chúng ta cần xin ơn sám hối, hòa giải về tất cả để củng cố và làm mới lại sự thánh thiện đời đan tu của chúng ta, nhất là trong năm thánh này.
c.Những xác tín
– Xác tín Chúa yêu thương và chăm sóc tận tình
Ôn lại việc lập dòng nơi Cha Tổ Phụ, rồi sự hình thành các Cộng đoàn trong Hội Dòng, chúng ta nhận ra đó chính là công trình kỳ diệu do bởi tình yêu Thiên Chúa. Cảm nhận được Chúa yêu và sự quan phòng dẫn dắt, chúng ta cũng như Cha Tổ Phụ và như bao đấng tiền nhân, chỉ còn một xác tín là yêu Chúa hết lòng và quảng đại dấn thân sống đời đan tu để đáp lại ân huệ tình yêu Người dành cho chúng ta.
– Xác tín về cội nguồn
Cha Tổ Phụ thiết lập đời đan tu trên Núi Phước. Đời đan tu được tổ chức dựa trên nguyên lý Phúc Âm, theo Giáo Huấn của Giáo Hội, theo Tu Luật Thánh Phụ Biển Đức và tryền thống đan tu. Tất cả những ai được ơn kêu gọi và thuộc về cội nguồn này đều đạt tới sự toàn thiện, nên thánh lớn, thánh cả. Chúng ta đang sống ơn gọi và thuộc về nguồn gốc này, chúng ta xác tín theo lời trối của Cha Tổ Phụ, trung thành “giữ luật dòng” (x. DN, số 150), sẽ nắm chắc phần thắng là được nên thánh, thánh lớn, thánh cả và đạt tới sự hoàn thiện.
– Xác tín về bao lao công khó nhọc
Sống lại ký ức việc Cha Tổ Phụ lập dòng, rồi các cộng đoàn theo dòng lịch sử được khai sinh, chúng ta thấy tất cả đều đã trải qua ngàn nỗi truân chuyên. Điều này gợi ra xác tín rằng, chúng ta muốn sống đời đan tu, muốn bảo toàn được sự thánh thiện, muốn tiếp nối và gây dựng sản nghiệp của Cha Tổ Phụ và bao bậc tiền nhân, thì cũng phải tự nguyện chấp nhận ‘ngàn nỗi hy sinh lao nhọc tân toan và cả cái liều mất chính mình’.
– Xác tín căn tính và sứ mạng
Cha Tổ Phụ lập dòng với mục đích: “Giúp cho muôn tâm hồn khát khao sống ơn gọi nên hoàn thiện trong đời chiêm niệm và cầu nguyện cho ơn cứu độ lương dân” (Sắc chỉ lập Dòng Đức Bà)[11]. Chỉ duy mục đích này mà ngài đã dồn hết tâm lực và quyết tâm dấn thân thực hiện cho bằng được.
Hội Dòng, cộng đoàn và từng cá nhân đang có nhiều dự định để mở ra cho tương lai: nào là vấn đề học vấn, đào tạo nhân sự, mở rộng phát triển cộng đoàn, phát triển kinh tế…Nhưng thiết nghĩ, chúng ta sẽ không có một dự định lớn lao nào được mở ra, vững bền, hữu hiệu nếu không phải là dự định đạt tới ‘con người đan sĩ thánh thiện nội tâm và phần rỗi anh chị em mình’. Đó là trọng tâm sự hiện hữu và phát triển của chúng ta. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “Thành công lớn nhất của đời thánh hiến là sự thánh thiện“. Chúng ta cũng nói, thành công lớn nhất của mỗi người và của dòng chúng ta, ở thời điểm này và hướng về tương lai đó là sự thánh thiện được thể hiện trong đời sống nội tâm của đan sĩ. Vấn nạn đặt ra cho chúng ta là các đan sĩ và các thế hệ ơn gọi trẻ, liệu chúng ta có dám sống, dám lội ngược dòng thời đại? Đó là thách đố và là cửa mở ra cho sự hoàn thiện của đời đan tu Thánh Gia trong bối cảnh hiện đại và cũng là nẻo đường giúp chúng ta thực thi hoàn hảo nhất sứ mạng vì phần rỗi các linh hồn.
[1] X. Hạnh Tích Cha Biển Đức Thuận, tr. 100.
[2] X. Hạnh Tích Cha Biển Đức Thuận, tr. 110 – 111.
[3] Sđd, tr.110.
[4] X. Sđd, tr 113 – 114.
[5] X. Sđd, tr 115 – 116.
[6] X. Hạnh Tích Cha Biển Đức Thuận, tr. 240.
[7] X. Sđd, tr.251.
[8] X. Sđd, tr.252.
[9] X. Sđd, tr.271.
[10] X. Lịch Phụng Vụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia (2017 – 2018), Phụ Trương, tr.136-140.
[11] X. Hiến Pháp Và Tuyên Ngôn Hội Dòng Xitô Thánh Gia, số 1; 2; 3.
XUẤT NHẬP DÒNG PHƯỚC SƠN
Tu thân mà chẳng tu thân
Tu thân chưa trọn, tu thân sao tròn
Lòng Đức Mẹ Nước Nam cha Benoît Denis lập tại Phước Sơn đã ba năm nay, kẻ vào cũng đã đông, kẻ xuất cũng không phải ít. Ấy bỡi đâu? Chẳng phải bỡi khuôn phép luật lệ nhiệm nhặt quá mà khó theo, cũng không vì sơn lâm lam chướng mà khó ở. Chính tôi đã đến, tôi đã thấy, mà Chúa Khirixitô đã thắng : Tôi đã đến, thì đã biết rõ chốn Phước Sơn thật là nơi thuỷ thổ thanh lương, sơn lâm mỉ hảo, ai ở đó cũng đều lành mạnh, chẳng phải sinh chứng nọ, bịnh kia như nhiều chốn núi non khác. Vậy chẳng phải nơi ở mà kẻ nọ, người kia đã xuất. Tôi đã thấy lề luật khuôn phép trong nhà, thì cũng chẳng thấy chi mà nhiệm nhặt quá, xét theo người Phương Tây, thì của ăn ở đó ngó cũng cực thật, mà chí như người An Nam ta, ăn uống như vậy còn hơn nhiều nhà kẻ khó: đồ ăn được hai vị, cơm thì mấy cũng nên. Dẫu phải ăn chay nhiều ngày lắm thật, song buổi tối có lót lòng còn khá; buổi mai nhịn đói đến giờ 11, nhiều người cũng lấy làm dễ như không. Còn thịt, rượu, thuốc trầu không dùng, đó chẳng phải là khổ quá mà ở không đặng. Chí như áo mặc, chỗ nằm, đồ dùng nhà kẻ khó Annam mấy nhà đặng như vậy? Phải thức dậy giờ thứ 2, ấy dậy sớm lắm thật, nhiều kẻ lấy làm điều ấy cực; song lần hồi cũng quen; vì đầu hôm cho đi ngủ giờ thứ 8, và ban trưa cũng cho ngủ độ 3 khắc; thì lại các giờ ngủ cũng đã khá nhiều. Vậy những kẻ đã lui về, thì chẳng phải vì cớ đó, cũng chẳng phải vì bề trên hoặc anh em trong nhà khó ăn khó ở đâu. Tôi xin nói chùng cha Benoît : ngài nhiệm nhặt với mình, mà với các thầy thì ngài chước chuẩn lắm, đến nỗi ngài cắt nghĩa luật dòng thánh Bênêđitô cho các thầy, thì ngài nói rằng : giả như ai trong dòng vì không ăn thịt, hoặc vì không có tất vớ hay là không có mền đắp cho đủ, mà sinh chứng nọ bịnh kia, thì luật cũng còn chuẩn được cho thầy ấy, ấy ý cha chúng tôi là ông thánh Bênêđitô thì như vậy. Bỡi đó cho nên cũng chẳng phải vì bề trên nhặt phép quá mà có kẻ tháo lui.
Chốn nhà dòng cũng như các nơi khác trong thiên hạ: có sống, có chết, có lành, có đau; đã xuất thân vào dòng, bề trên đã nhận, thì lành, đau, sống, chết, phú mặc nhà dòng. Có lẽ nào lành, thì nhà dòng lãnh lấy; mà đau thì nhà dòng trả lại cho thế gian? Hẳn thật, tôi đã đến, đã thấy những kẻ tháo lui, thì chẳng ai dám nói rằng: Vì chỗ ở chẳng lành, hay vì luật phép nhặt quá mà ở không đặng. Vậy thì bỡi đâu? Bỡi Đức Chúa Giêsu đã thắng, nên ai vào đó, thì cũng thắng ý riêng, thắng tình tư dục. Ai chẳng thắng như vậy, ắt phải lui về thế gian, nào có lạ gì. Kẻ thì xuất vì muốn làm việc nọ, mà bề trên không muốn cho; kẻ thì không muốn làm việc kia bề trên đã dạy; có kẻ lui về vì chẳng ép mình giữ luật, kẻ thì chẳng chịu bằng lòng chịu xấu hổ trước mặt anh em, kẻ khác lại vì thấy kẻ đồng quê, đồng quán với mình, đã lui về thì cũng buồn tình mà về với. Thật tắt một lời là vì những kẻ ấy chưa thắng ma quỉ thế gian xác thịt; ấy là
Kẻ tu thân mà chẳng tu thân,
Tu thân chưa trọn, tu thân sao tròn.
Vậy muốn tu thân, trước hết phải tu thân, nghĩa là lo cho tâm thần chính đính, nghĩ trước xem sau, hỏi dò lề luật, bàn hỏi với cha linh hồn, tính trong sức mình có giữ trọn đặng chăng. Mà hễ đã phú mình vào dòng, thì phải cầm mình như hòn đất sét trong tay bề trên, người nắn nên hình nào mặc thừa ý người. Vào đó chẳng phải cầu danh, cầu lợi, chẳng phải cho đặng theo ý riêng, hay là ý hèn nào xác thịt, một cho đặng tìm Đức Chúa Giêsu cùng mọi sự đẹp ý Người. Ấy nói về dòng Phước Sơn, mà kẻ muốn vào dòng khác hay là vào nhà phước thì cũng phải suy cho chín chắn như vậy. Đây chỉ nhắc qua bấy lời, ai muốn hiểu cho tường phải ở nhà dòng, nhà phước, nhà Đức Chúa Trời làm sao, thì nên mua cuốn sách nhỏ kia mà xem, sách ấy mới in tại Hongkong hiệu là “Con muốn ở nhà Đức Chúa Trời”.
Vinh hoa phú quí vì đâu tày?
Nhưng phải thành tâm tu trọn nghiệp,
Mới rằng phước thật mới rằng hay.
Vậy hãy nhớ :
Đi tu phải xét hỡi người ơi,
Nghĩ trước xem sau kẻ lỡ thời,
Mang chữa bán đồ thêm mất thể;
Lâm câu lưỡng đoạn lại trơi đời!
HƯỚNG VỀ
MẶT TRỜI CÔNG CHÍNH
SẼ MỌC LÊN
Thư của Tổng Phụ nhân dịp Mùa Giáng Sinh năm 2017
Anh chị em thân mến!
rong khi chúng ta đang hướng tới việc mừng biến cố Giáng Sinh của Chúa chúng ta, tôi chân thành cám ơn anh chị em về những nỗ lực trong năm qua, cũng như về các cuộc gặp gỡ nơi các cộng đoàn. Tôi cũng không quên những tình trạng đau buồn và bi thảm mà tôi đã có dịp chia sẻ với nhiều anh chị em. Những hoàn cảnh đó có thể là cá nhân, cộng đoàn, Giáo Hội địa phương, xã hội, chính trị, mà trong đó nhiều lần chúng ta nhận thấy sự hoang mang và mất phương hướng. Chính vì thế, không ít lần, tôi đã gẫm suy về chủ đề mất phương hướng; đó là điều mà trong hoàn cảnh đó, chúng ta nhận thấy mình đang dừng lại, nhưng lại không thể nào nhận ra chính xác con đường mà chúng ta phải tiến bước phía trước.
Tình trạng mất phương hướng này, ngày nay được coi như là một tình trạng của văn hoá, thường bị khai thác bởi những người dễ dãi tìm kiếm quyền lực. Khi một dân tộc nào đó mất phương hướng, sẽ dễ dàng trở nên con mồi cho những kẻ nào gào to nhất rằng: con đường chính xác nhất là hãy theo anh ta. Các nhà độc tài của bất kỳ hệ tư tưởng nào, luôn là những người luôn có thể lôi kéo đám đông đi theo mình. Thánh Phụ Biển Đức cảnh báo chúng ta rằng: mỗi người chúng ta, trong thế giới nhỏ nơi cộng đoàn hay ở gia đình, hoặc trong lĩnh vực công việc và bổn phận, có thể khó cưỡng lại quy luật này và trở nên một “bạo chúa” đối với người xung quanh (x. TL 27,6; 65,2).
Lạy Vầng Đông!
Kitô giáo là câu trả lời cho tình trạng mất phương hướng vốn là điều mà lòng người cũng như tất cả xã hội luôn có thể nhận ra. Ngay từ lần đầu tiên xuất hiện ở hang Bêlem, Chúa Giêsu Kitô đã định hướng bước chân của con người. Đó là điều mà chúng ta hát lên trong Tiền xướng “Lạy Vầng Đông” trong phần Phụng vụ ngày 21 tháng Mười Hai:
Lạy Vầng Đông,
là ánh sáng muôn dân và là mặt trời công chính,
xin hãy đến chiếu soi những kẻ ngồi trong tối tăm
và trong bóng sự chết!
Động từ “định hướng” đến từ hạn từ “phương đông”, đó chính là địa điểm mà mặt trời mọc. Ý nghĩa đầu tiên của từ “phương đông” gắn liền với động từ oriri, tức là “sinh ra, mọc lên”. Mặt trời ở hướng đông thì nói lên ý nghĩa này, bởi vì đó là hướng mà mặt trời mọc lên. Sự mọc lên của mặt trời đã “định hướng” toàn thế giới, “định hướng” ban ngày với ánh sáng của nó. Chính thiên nhiên nơi vũ trụ đã dạy con người một cách tượng trưng về việc định hướng, về việc bắt đầu và sống một ngày qua việc nhận biết đâu là hướng của mỗi bước chân đi. Sự mọc lên của mặt trời định hướng không gian và thời gian của một ngày, từ sáng sớm cho tới lúc chiều tà. Sự trải dài của một ngày, khởi đi từ rạng đông tới lúc chiều tà là hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống nhân sinh, bắt đầu từ sự sinh ra và khép lại với cái chết.
Giữa hai thái cực đó mà cuộc sống phải có ý nghĩa, thì cuộc đời là một sự hướng tới, và như thế thì đương nhiên nó cần được định hướng.
Sự sinh ra của Chúa Giêsu, biến cố Thiên Chúa làm người, đã được mạc khải như là một sự sinh ra của một ánh sáng có khả năng định hướng cho cuộc sống của mỗi người và mỗi dân tộc. Không phải để hướng họ đến cái chết, buổi chiều tà lạnh giá cô liêu, nhưng đến một sự viên mãn của cuộc sống mà con người, tự bản thân mình, không có khả năng đạt tới. Các mục đồng được mời gọi đến viếng thăm Chúa Giêsu mới sinh ra, hay các Đạo sĩ được mời gọi đến thờ lạy Người, đã được định hướng bởi một ngôi sao xuất hiện một cách bí ẩn tại thời điểm mà Chúa sinh ra, họ đã làm chứng cho chúng ta là Chúa Kitô, ngày từ lần đầu tiên xuất hiện trong thế giới của con người, Người đã là ánh sáng định hướng cho cuộc sống của chúng ta, giúp cho cuộc sống có một định hướng đúng đắn và có ý nghĩa. Bất cứ ai hướng về Chúa Giêsu thì đều tìm thấy nơi Người sự định hướng trong suốt cuộc đời của mình. Thật vậy, các Đạo sĩ đã trở về nhà “bằng một con đường khác” (Mt 2,12), chứ không tuân theo mong muốn của Hêrôđê, trái lại các ông đã đi theo con đường đã được xác định bởi Chúa Hài Đồng mà các ông đã gặp. Cụ già Simêon đã sống suốt cuộc đời của mình trong Đền Thờ, luôn ngóng trông tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, và khi cuộc gặp gỡ đó diễn ra, và khi “ánh sáng soi đường cho các dân ngoại” (Lc 2,32) được chiếu tỏa trong cuộc đời của ông, thì ngay cả cái chết, đối với ông, cũng trở nên “sự ra đi trong bình an” hướng về số phận “sự sống đời đời” được vén mở trước sự hiện diện Chúa Kitô (x. Lc 2,29).
Như vậy, mỗi cuộc gặp gỡ thật sự với Chúa Giêsu đều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, giúp cuộc sống được trọn vẹn trong chân lý và mỹ miều của nó.
Ra khỏi sự hỗn mang
Trước khi Người bước vào cuộc sống của từng cá nhân hay của mỗi cộng đoàn, bao giờ cũng có một tình trạng hỗn loạn, lộn xộn. Trước khi gặp Chúa, Ánh Sáng thế gian, tâm hồn, cuộc sống, những ý tưởng, các mối tương quan, mọi thứ đều ở trong tình trạng rối ren. Để hiểu rõ điều này, chúng ta chỉ cần nghĩ đến sự bối rối trong suy nghĩ và cảm nhận của các môn đệ trên đường Emmaus, hay là sự nhùng nhằng về luân lý và các mối quan hệ của người phụ nữ Samaria, sự rối loạn giữa tâm linh và tâm trí của các người bị quỷ ám, hoặc là chúng ta nghĩ đến sự xốn xang do tham vọng muốn trở nên lớn nhất tạo ra, cũng như sự thiếu vắng đức tin xảy ra nơi các Tông Đồ. Mọi người, trước khi gặp Chúa Kitô, đều bị mất phương hướng, họ không biết phải đi đâu, và nhất là khi họ nghĩ rằng họ đang đi đúng đường, giống như những người Pharisêu, hay Saulô ở Tarsô.
Điều quan trọng là cần nhận ra sự nhầm lẫn này hiện diện, trước hết là ở trong chính chúng ta, trong chính cộng đoàn chúng ta. Nhưng không được nghĩ rằng cảm giác mất phương hướng này là tiêu cực. Thông thường, nó đơn giản xuất phát từ thực trạng mà chúng ta nhận thấy. Nhiều cộng đoàn bị mất phương hướng bởi sự eo hẹp về số lượng các thành viên của mình, do tuổi tác đã cao nhưng lại thiếu ơn gọi trẻ tiếp nối. Đôi khi nó có thể là sự rối loạn của xã hội, tình hình chính trị và kinh tế của đất nước, gây ra trong chúng ta một sự lộn xộn và mất phương hướng. Sự mất định hướng cũng có thể là một sự lây lan do bởi chỉ một thành viên nào đó đã lan sang cho toàn thể cộng đoàn; ví dụ như khi có ai đó đang trải qua sự khủng hoảng, hoặc rời khỏi cộng đoàn, hoặc sống bất tín cách nghiêm trọng đối với ơn gọi.
Ngay cả khi mọi việc đang suôn sẻ, có thể là một điều tích cực khi mà một người hay một cộng đoàn nào đó trải qua những thời điểm mà người ta phải định hướng lại, bởi vì điều này có nghĩa rằng họ đang trên cuộc hành trình tiến về phía trước. Bất cứ ai luôn ngồi lại hay nằm xuống nghỉ ngơi sẽ không bao giờ cảm thấy mất phương hướng, vì họ chẳng di chuyển và cũng chẳng bước đi.
Trong mọi tình huống, khi chúng ta cần phải thoát ra khỏi sự hỗn loạn, để tìm ra hướng đi cho bước chân của cuộc đời, điều quan trọng là khi điều này xảy ra thì không phải là quy hướng về chính chúng ta, hay là một sự chỉ dẫn thế tục nào đó, nhưng, như chúng ta hát mỗi ngày trong bài ca “Chúc tụng”, “Vầng Đông đã mọc lên để soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần,” và chỉ có Người biết và có thể “đưa dẫn bước chân chúng ta đi vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79).
Ngay từ những thế kỷ đầu, hướng về hướng Đông của các nhà thờ đã dạy chúng ta sống lời cầu nguyện như là một sự lấy lại hướng đi đúng đắn nhất của cuộc sống. Phải trở về hướng đông là Chúa Kitô. Từ hướng đông, như mặt trời mọc vào mỗi buổi sáng sau mỗi đêm đen, Chúa Kitô đã luôn hiện diện ở đó, ngay cả trong đêm tối thiêng liêng khi mà chúng ta lạc bước trong cuộc đời. Chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện để tìm lại hướng đi và ý nghĩa cho cuộc sống, với những gì xảy ra đối với chúng ta, hay với tình trạng mà chúng ta gặp phải, và bởi vì sự định hướng và ý nghĩa này là chính Chúa Kitô, Người hiện diện với chúng ta, gặp gỡ chúng ta, và đồng hành với chúng ta trong mỗi nhịp bước chân đi. Khi chúng ta không cầu nguyện như thế, chúng ta sẽ nhận ra rằng nơi chính chúng ta và những gì xung quanh chúng ta sẽ làm tăng thêm sự rối loạn, lộn xộn vốn làm cho cuộc sống thêm buồn khổ. Tuy nhiên, cầu nguyện không làm tan biến sự mệt mỏi, đau khổ, yếu đuối, nhưng nó mang lại cho tất cả những điều này một ý nghĩa, một hướng đi, một trật tự, từ đó tạo ra niềm vui của sự bình an.
Người là Đức Chúa!
Tự bản thân lời cầu nguyện không thể hướng dẫn cuộc sống. Cầu nguyện có nghĩa là hướng về phía đông để nhìn thấy mặt trời mọc. Đó là sự trồi lên của mặt trời, sự tỏ hiện của nó, ánh sáng, sức nóng của nó, giải phóng chúng ta khỏi sự hỗn mang của bóng tối và bóng tử thần. Cầu nguyện làm thay đổi cuộc sống khi nó quy hướng đến sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng đã xuất hiện cho chúng ta.
Khi chúng ta đối mặt với những vấn đề và khó khăn của các cá nhân và cộng đoàn, chúng ta mất nhiều thời gian để tìm kiếm một giải pháp hoặc tìm kiếm sự thay đổi nhưng chúng ta lại không quay trở lại với Chúa Kitô để biết là Người đã đến, chết và sống lại để tỏ cho thấy sự hiện diện của Người trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể có của con người, cũng như đem lại mỗi hoàn cảnh đó một ý nghĩa và kết cục tốt đẹp! Rồi từ đó chúng ta sẽ tìm ra được các giải pháp và đạt được những thay đổi, nhưng những điều này không phải là công trạng của chúng ta, mà chỉ là phản ánh trong chúng ta và xung quanh chúng ta về một ánh sáng đã mở ra trước mắt chúng ta.
Sự hiện diện rạng ngời của Chúa Kitô xuất hiện lại trong cuộc sống của chúng ta như thế nào?
Khi chúng ta suy gẫm Tin Mừng, chúng ta nhận ra rằng rất ít khi Chúa tỏ lộ mình như một tia chớp. Hầu như Chúa Kitô luôn luôn tỏ hiện giống như sự mọc lên của mặt trời, giống như rạng đông báo hiệu và làm nổi bật một cách dần dần đâu là nguồn gốc của sự huy hoàng của nó.
Giống như vào buổi sáng hôm đó, Thánh Phêrô và một số Tông Đồ đi đánh cá, và suốt đêm họ không bắt được gì. Chúa Giêsu Phục Sinh dường như xuất hiện chỉ giống như rạng đông: “Khi trời đã sáng, Chúa Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Chúa Giêsu” (Ga 21,4). Và khi nhận thấy với sự thất vọng và bối rối của các ngài vì đã không bắt được gì, Chúa Giêsu hướng dẫn các ngài, chỉ cho các ngài làm thế nào để cuộc sống trở nên tốt đẹp, hữu ích, hạnh phúc hơn: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá”. (Ga 21,6). Và Thánh Tông Đồ Gioan đã liền nhận ra rằng sự hiện diện này, xuất hiện như ánh nắng mặt trời và chỉ dẫn cuộc sống đạt đến sự viên mãn, là chính Đấng Phục Sinh: “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” (Ga 21,7). Mọi người đều nhìn và nghe thấy rằng Đấng Hiện Diện đang tỏ mình ra ngày càng rõ nét hơn, nhưng chỉ có một người nhận ra Chúa Giêsu và thông truyền sự nhận biết này cho người bạn đồng hành gần nhất của mình. Và khi sự hiện diện ngời sáng của Chúa Kitô rõ dần lên, thì sự nhận biết cũng lan rộng hơn, như thể Thánh Gioan đã thắp lên một ngọn nến từ trong ngọn lửa Phục Sinh và truyền đưa ngọn lửa đó cho Thánh Phêrô và những người khác. Vì vậy, tất cả các ngài quây quần bên Chúa, một cách yên lặng, nhưng hân hoan, với tất cả tấm lòng thờ kính và mến yêu. “Không ai trong số các môn đệ dám hỏi Người, “Ông là ai?”, vì họ biết rõ rằng đó là Chúa. Chúa Giêsu xích lại gần, cầm lấy bánh và trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy”. (Ga 21,12-13)
Quang cảnh tuyệt đẹp này, đầy thương mến và tình bạn hữu, chả lẽ lại không nên được tái diễn cho chúng ta và giữa chúng ta nữa sao? Đó chẳng phải là sự kiện được tái diễn hằng ngày, là Bí tích Thánh Thể, cho cộng đoàn chúng ta sao? Nếu điều này không xảy ra, sự sống chung với nhau, làm việc cùng với nhau, giống như các Tông Đồ chài lưới, cầu nguyện chung với nhau, ăn uống chung với nhau có ý nghĩa gì? Và trên tất cả, sự chia sẻ những khó khăn và những thất bại, sự chia sẻ về sự suy giảm về sức khỏe cũng như nguồn nhân lực đem lại ý nghĩa gì? “Chúa Giêsu nói các ông: Các con không có gì để ăn sao? Họ trả lời, “Không!” (Ga 21,5).
Cũng vậy, Chúa Giêsu dường như đang hỏi về hoa trái của công lao vất vả của chúng ta, chúng ta vẫn đóng khung trong câu trả lời “Không!”, câu trả lời “Không!” vốn dĩ đã khép lại sự giới hạn của chúng ta mà không cần gì hơn, và cũng không đòi hỏi gì hơn. Sự ngớ ngẩn của sự khép kín này là chúng ta không xin và không mong muốn gì hơn, dù là đối với sự hiện diện “nhiều hơn nữa” của Đấng Vô Biên đã tự trao ban cho chúng ta, nhìn ngắm chúng ta, nói với chúng ta, và khao khát chúng ta. Mặt trời đã mọc lên cao rồi, nhưng chúng ta vẫn cứ nhắm mắt lại để sống trong đêm tối giá lạnh.
Con mắt Đức tin
Chúa đã phục sinh trong cuộc đời của chúng ta, trong đời sống thế gian. Khi các mục đồng và các Đạo sĩ được mời gọi đến Bêlem, Chúa Giêsu đã sinh ra. Và tất cả các môn đệ làm chứng về Đấng Phục Sinh, các ngài mở mắt để nhận ra một Đấng Hiện Diện là Đấng đã ra khỏi ngôi mộ, Đấng mà Thánh Maria Magdalena đã nhìn thấy mà cứ tưởng là người làm vườn, là Đấng đã bước đi hàng giờ đồng hồ với các ngài trên đường Emmaus, Đấng Hiện Diện là Đấng đã đứng trên bờ hồ để nhìn các ngài, kêu gọi các ngài, và chờ đợi các ngài. Sự hiện diện của Chúa Giêsu không phải là cố tạo ra, nhưng luôn là sự nhận biết nhờ quà tặng đức tin. Và đức tin thì giống như con mắt: nhìn thấy không phải vì nó tạo ra ánh sáng, nhưng mở ra đón nhận ánh sáng như một quà tặng. Đức tin luôn luôn là một sự mở mắt để nhận ra, trong quà tặng của Chúa Thánh Thần, ánh sáng của sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Chính vì lý do này, Chúa Giêsu khiển trách các môn đệ khi các ngài có đức tin yếu kém, bởi vì các ngài không mở mắt ra để đón nhận ánh sáng đã được trao tặng. Không có gì làm cho Chúa Kitô đau buồn hơn là sự khép kín của con mắt chúng ta khi đứng trước sự ngời sáng của sự hiện diện của Người. Vì lý do này, Chúa Giêsu đã khóc thương thành Giêrusalem: “Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi… Ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm”’ (Lc 19,41-44).
Người ta chẳng bao giờ lại trung tín hay bất trung với cái gì đó, nhưng là với một ai đó. Sự sáng ngời của lòng trung tín của rất nhiều tu sĩ nam nữ cao niên không phải là được đo bằng năm tháng hay bằng các công lao, nhưng là bằng sự tươi mới trong sự ở lại trong tình yêu với Chúa Kitô. Và khi có ai đó bỏ đi, mong là những người trẻ nhất, thì hầu như là không bao giờ là do bởi sự bất tín trầm trọng, nhưng chính là vì người đó đã không biết hoặc là không thể mở mắt ra để đón nhận ánh sáng về sự hiện diện của Thiên Chúa vốn dĩ chỉ có điều này mới đem lại ý nghĩa cho mỗi ơn kêu gọi, cũng như cho những yếu đuối, mong manh trong kiếp nhân sinh mà chúng ta đang sống.
Đặt lại trọng tâm và quy hướng lại về sự hiện diện của Thiên Chúa, sống trong sự xuất hiện của Người qua cuộc sống hằng ngày cụ thể qua các mối tương quan cũng như mỗi hành vi, là công trình vĩ đại của đời sống Kitô hữu, là điều mà các nam nữ đan sĩ phải lưu tâm hơn. Bổn phận của chúng ta trong Giáo Hội, bất cứ điều gì chúng ta thực hiện, là để duy trì sự hướng về Chúa Kitô là Đấng đã xuất hiện giữa chúng ta “để dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,79), bình an cho chúng ta, bình an cho tất cả mọi người, sự bình an trong sự hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và trong Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc của tất cả nhân loại. Chỉ như vậy đức tin và ơn gọi của chúng ta mới trở nên có ý nghĩa đối với thế giới, bởi vì đức tin và ơn gọi của chúng ta cần truyền đạt cho thế giới biết ý nghĩa nội tại và ý nghĩa của mỗi thực tại. Chỉ là một người sống với tấm lòng luôn quy hướng về Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô biến đổi sự hỗn loạn thành thực tại có trật tự hướng đến cùng đích của nó, dẫu cho thế giới vẫn không hề hay biết điều đó.
Vì lý do này Thiên Chúa đã đặt Giáo Hội trong thế gian, như Thánh vịnh 88: “Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô; nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy Chúa” (Tv 88,16). Chúng ta có là dân đó chưa? Dòng của chúng ta, các cộng đoàn của chúng ta có là dân diễm phúc, hạnh phúc đó, bởi vì bước đi trong ánh sáng của Thánh Nhan đã được vén mở trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô chưa?
Chúng ta cần quy hướng về Chúa Kitô
Nếu chúng ta thường xuyên lạc bước, mất phương hướng, và ngay cả tiếp đó là ơn gọi của chúng ta và trong cộng đoàn của chúng ta nữa, nếu các hoàn cảnh cụ thể liên tục chi phối chúng ta, và làm cho chúng ta lưỡng lự về việc chúng ta làm thế nào để tiếp tục cuộc hành trình, hoặc là cám dỗ chúng ta dừng lại hay là quay đầu trở lại, nguyên do là bởi vì chúng ta sao lãng việc luôn quy hướng về Chúa Kitô trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đã không gắn chặt đủ mạnh, một cách cá nhân và với nhau, vào Mặt Trời đã mọc lên và dắt dìu mỗi bước chân chúng ta đi. Chúng ta chất chứa nơi mình sự tham vọng và tự phụ, hay ít nhất cũng có thể chỉ là sự khinh suất, về khả năng định hướng cuộc đời mình mà không cần quy hướng về Chúa Giêsu. Chúng ta tin rằng mình có thể xác định những điểm cốt yếu của sự hiện hữu của chúng ta mà không cần phải nhìn đến địa điểm mà mặt trời đã mọc. Vì vậy, không phải là lạ khi nhìn thấy những người hay cộng đoàn tin chắc rằng họ đang đi đúng hướng, trong khi thực tế thì họ đang đi theo hướng ngược lại. Những người không nhìn mặt trời mọc từ hướng Đông, không thể chắc chắn đi về hướng Bắc, Nam hay Tây.
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể được dẫn dắt bởi sự hiện diện của Chúa Kitô là Đấng đã xuất hiện cho chúng ta?
Chỉ cần đọc và suy gẫm cẩn thận Tu Luật của Thánh Phụ Biển Đức, và áp dụng nó vào cuộc sống và từng hoàn cảnh cụ thể của chúng ta, để học cách sống khả năng quy hướng này, đó chính là khôn ngoan Kitô giáo. Tất cả truyền thống của Giáo Hội và sự giáo huấn cụ thể ngày nay cũng cho chúng ta biết về điều đó.
Nhìn về thực trạng và nhu cầu của các cộng đoàn chúng ta, và không chỉ của chúng ta mà thôi, có vẻ cần nhấn mạnh hai điểm sau.
Sự thinh lặng thắt chặt với Chúa Giêsu
Trước hết, luôn luôn cần thiết nhắc lại sự thật rằng chỉ có Chúa Kitô là con đường đích thực cho cuộc đời (x. Ga 14,6). Chỉ có Người mới có thể đưa dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, nguồn gốc và vận mệnh của mọi thụ tạo và của mỗi người. Và để nhận biết rằng Đức Kitô là Con Đường trong hành động bước đi cùng chúng ta, đồng hành với chúng ta, tức là luôn hiện diện một cách hiện thực.
Mọi thứ luôn phải bắt đầu từ một cái nhìn nhận ra là Người hiện diện. Hiện diện trong lòng chúng ta, hiện diện trong Giáo Hội, trong các bí tích, trong Lời của Người, nơi tha nhân, nơi người nghèo. Sự nhìn nhận này là một cái nhìn của sự thinh lặng. Giống như Thư gửi tín hữu Do Thái đã miêu tả: “Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (Dt 12,1-2).
Nếu chúng ta không bao giờ dừng lại, dẫu chỉ là một giây lát, trong việc gắn chặt không ngơi nghỉ vào Chúa trong sự thinh lặng, thì mọi thứ sẽ không trở nên gánh nặng vô bổ vốn làm cho chúng ta vất vả uổng công. Như chúng ta đã thấy trong quang cảnh ở bờ Biển Hồ Tibêria. “Không ai trong các môn đệ dám hỏi Người,”Ông là ai?”, vì họ biết rằng đó là Chúa” (Ga 21,12). Các ngài ở đó, trong thinh lặng, cái nhìn đã gắn chặt vào Chúa Giêsu, chờ đợi sự khởi xướng của Người. Tiếng kêu của Thánh Gioan – “Chúa đó” – đã trở nên một nhận thức của sự thinh lặng và cuồng nhiệt trong lòng của các ngài: các ngài không cần phải nói, hay hỏi, vì “các ngài biết rằng đó là Chúa”.
Đó là thái độ này cho phép Chúa Giêsu tỏ mình ra nhiều hơn, hiện diện nhiều hơn nữa: “Chúa Giêsu xích lại gần, cầm lấy bánh và đưa nó cho họ, và cá thì Người cũng làm như vậy” (Ga 21,13). Sự thinh lặng gắn chặt vào Chúa đã mở ra cho chúng ta quà tặng Thánh Thể, sự trao hiến trọn vẹn của Chúa Kitô cho con người, cho tới khi con người chúng ta có thể trở nên một với Người.
- Nói với chúng ta về Người
Chính từ sự im lặng này đã sinh ra sự “chúng ta nói về Người”. Các mục đồng, sau khi thờ lạy Chúa, họ đã nói về Người cho tất cả những người có mặt. “Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này” (Lc 2,17). Các môn đệ trên đường Emmau đã bàn luận với nhau về sự hiện diện và lời của Chúa Giêsu khơi dậy bừng cháy tận nơi sâu thẳm trong lòng các ngài (x. Lc 24,32). Các môn đệ nói về Chúa Giêsu với Tôma (x Ga 20,25), rồi đến toàn thế giới.
Tôi ngạc nhiên khi chúng ta nói quá ít về Chúa Kitô trong các cộng đoàn, cũng như hiếm khi chúng ta nói với nhau về sự hiện diện của Người, và về Lời của Người. Giống như khi đang bước đi cùng nhau, chúng ta không nhớ tại sao chúng tôi cùng bước đi và đi đâu. Trái lại, thật là tuyệt đẹp, nếu chúng ta có thể thông truyền ánh sáng của Mặt Trời hướng dẫn chúng ta trong mọi bước chân đi. Nếu đôi khi thiếu vắng sự bình an trong lòng và các mối tương quan, chính là bởi chúng ta đã không tự giúp mình đủ để hướng về Chúa Kitô, để từ đó bước theo trên con đường bình an.
Ngay cả Mẹ Thiên Chúa và Thánh Giuse cũng cần được trợ giúp và được hướng dẫn bởi những người chiêm ngắm Chúa Hài Đồng và nói với các ngài về Người. Cụ già Simeon, sau khi đón nhận Chúa Giêsu trong Đền Thờ, đã thưa lên với Chúa: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại“(Lc 2,30-32). Và sau đó ông bắt đầu nói về Chúa Giêsu với Mẹ Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên, và như là dấu hiệu cho người đời chống báng”, và cũng hé lộ số phận của Mẹ trong công cuộc cứu chuộc của Ngôi Con: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,34-35).
Vâng, anh chị em rất thân mến, tôi thiết tưởng là không có gì là cấp bách hơn đối với chúng ta nói riêng cũng như đối với thân phận con người nói chung, là đặt chính trong sự cốt lõi của ơn gọi nơi chúng ta một cái nhìn gắn chặt vào Chúa Giêsu Kitô, Mặt Trời Công Chính đã mọc lên, và từ đó chúng ta trở nên những chứng nhân giữa chúng ta và cho tất cả về Ánh Sáng rạng ngời này.
Đó chính là quà tặng cao quý mà
chúng ta trao tặng cho chính chúng ta, cho Giáo Hội và thế giới, trong Giáng Sinh này và luôn mãi!
Fr. Mauro-Giuseppe Lepori Tổng phụ Dòng Xitô