Thứ Ba, 8 Tháng 4, 2025

Hạt Giống Chiêm Niệm số 29: Tứ Hải Giai Huynh Đệ

Số 29 – tháng 07 năm 2022

Cùng Độc giả,

Các sinh hoạt của Ban Biên Tập Nội San Hạt Giống Chiêm Niệm (HGCN) của Hội Dòng đã bị ảnh hưởng theo Đại Dịch Covid-19. Kể từ khi biên tập số 28 và chuẩn bị nội dung cho số 29 vào kỳ họp cuối năm 2020 cho đến nay ba số đã bị gián đoạn, tức tròn một năm rưỡi. Tạ ơn Chúa, cơn Đại Dịch đã lắng xuống, cuộc sống đang trở lại bình thường. Các hoạt động của Hội Dòng được tiếp tục. Tổng hội và các Ban đã nhóm họp. Vì thế, Ban Hạt Giống Chiêm Niệm cũng tái nhóm họp để biên tập số 29 bị gián đoạn và chuẩn bị cho số nội san 30 sắp tới.

Với chủ đề “Tứ hải giai huynh đệ theo Thông điệp Fratelli Tutti” của số 29 này, Nội San (HGCN) muốn cùng toàn thể Hội Dòng Xitô Thánh Gia đồng cảm với Đức thánh cha Phanxicô và Giáo hội hoàn vũ để suy tư về tình huynh đệ và tình bạn hữu của gia đình nhân loại, trong đó “…tất cả anh em đều là anh em với nhau” (x. Mt 23,8) trước bối cảnh thế giới đang bị khủng hoảng trầm trọng bởi Đại Dịch.

Thật vậy, “Tình huynh đệ và tình bạn hữu” đã được cưu mang từ lâu trong lòng của vị Cha chung của Hội Thánh, Đức giáo hoàng Phanxicô, tác giả Thông điệp Fratelli tutti (Tất cả anh em, 03.10.2020). Vả lại, đang khi ngài soạn thảo Thông Điệp này thì cơn Đại Dịch Covid-19 ập đến. Đức Thánh Cha bày tỏ: đây là điều khiến ngài đau buồn khi viết tài liệu này. Khi trải qua cơn Đại Dịch, với bối cảnh y tế toàn cầu thời điểm đó (năm 2020) người ta nhận ra rằng “không ai sống sót một mình”, và “mơ về một nhân loại duy nhất” nơi đó tất cả chúng ta là “anh em của nhau” (FT 7-8).

Trong bối cảnh đó, các tác giả của (HGCN) cộng tác trong số này đã cố gắng thể hiện mối hiệp thông sâu sắc với Giáo hội và thế giới qua việc học hỏi Thông điệp Fratelli Tutti; kinh nghiệm về mối tình huynh đệ ruột thịt sâu nặng của tổ phụ Giuse đối với anh em mình trong câu truyện cảm động trong Sách Sáng Thế; tìm lại suy tư về tình bạn thiêng liêng của thánh Aelredo; những suy tư đầy tính khơi gợi của “Một đi chung cùng nhau” kêu mời trở về nguồn mạch của Đấng Sáng Lập; hay những suy tư nặng tính triết học về sự phản diện của tình huynh đệ khi nói “tha nhân là hỏa ngục”, và rất nhiều suy tư đầy ắp khắc khoải của những tâm hồn khao khát được sống cuộc đời mình cách viên mãn trong tình huynh đệ chân thành của nếp sống đan tu.

Ban Biên Tập xin được trân trọng giới thiệu đến Quý Độc giả số 29 của Nội San (HGCN). Tuy tính “sốt dẻo” của số này có vẻ giảm đi do một thời gian dài vì Đại Dịch, nhưng giá trị những suy tư đó vẫn không một nếp nhăn.

Trong quá trình biên tập, không thể tránh được những sai sót dù đã cố gắng hết mình, Ban Biên Tập chân thành ghi nhận và cảm ơn những đóng góp ý kiến quý báu của Quý Độc giả. Nguyện xin Đức Maria, Cha thánh Giuse, các Thánh Toàn Dòng và Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận phù trợ cho công trình Nội San Hạt Giống Chiêm Niệm của Hội Dòng Xitô Thánh Gia chúng ta.

BBT

LÒNG BAO DUNG CỦA GIUSE
ĐỐI VỚI CÁC ANH   

Galgano Trần Quốc Toàn

Mỗi lần thống hối về những lỗi lầm của mình, chúng ta nhìn lên Thánh giá để nhìn ngắm Đấng đã chết để cứu chuộc chúng ta. Lúc đó, từ nơi sâu thẳm của lòng mình, mỗi người chúng ta đều cảm nhận được lòng bao dung đầy yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng cảm nhận được lời mời gọi hãy bao dung với anh chị em, vô tình hay hữu ý, đã làm tổn thương mình.

Để thực thi lời mời gọi yêu thương và tha thứ, chúng ta được mời gọi không chỉ chiêm ngắm và noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu, mà còn được khích lệ bởi biết bao gương lành của các thánh cũng như các đấng tổ phụ trong Cựu Ước. Tổ phụ Giuse là một mẫu gương của lòng bao dung đối với các anh của mình, được ghi lại trong sách Sáng Thế (St 45,1-15) cũng cần thiết được đề cập tới.

Mặc dù Giuse chỉ là tổ phụ của hai chi tộc Ephraim và Menasse, nhưng cuộc đời của ông là một niềm tự hào của dân tộc Israel. Cuộc đời của ông không phải luôn luôn thuận buồm xuôi gió; biết bao nhiêu trắc trở và sầu muộn đã xảy đến cho ông. Nhưng giữa tất cả các điều sầu muộn đó, việc ông bị các anh bán sang Ai Cập là điều có lẽ làm cho ông tổn thương nhất; bởi vì không có sự tổn thương nào đau đớn cho bằng sự tổn thương mà những người mà mình yêu thương nhất gây ra cho mình. Thế nhưng, với lòng bao dung, Giuse đã tha thứ tất cả cho các anh của mình. Đó là lí do chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về lòng bao dung của Giuse đối với các anh của mình trong bài viết này.

Bài viết này sẽ được trình bày qua hai điểm sau: (1) Sự tổn thương mà các anh của Giuse đã gây ra cho ông; (2) Lòng bao dung của Giuse đối với các anh của mình.

  1. Sự tổn thương mà các anh của Giuse đã gây ra cho ông

Để hiểu về lòng bao dung của Giuse đối với các anh của mình lớn lao như thế nào, có lẽ chúng ta cần nêu ra tội ác mà các anh của Giuse đã gây ra cho ông, cũng như sự tổn thương mà Giuse phải gánh chịu. Đó chính là mục đích của phần này.

a. Tội ác của các anh của Giuse gây ra cho ông

Theo như trình thuật sách Sáng Thế, Giuse chính là đứa con bà Rakhen sinh ra cho Giacob. Mặc dù, bà Rakhen là người vợ ông Giacob yêu thương hết lòng, nhưng bà lại hiếm muộn. Về sau, bà mới hạ sinh Giuse cho Giacob, và người con thứ hai là Bengiamin, rồi bà qua đời ngay sau khi sinh người con này. Do Giuse và Bengiamin nhỏ tuổi nhất và lại là con của người vợ yêu quý nhất, nên tình thương mà Giacob dành cho Giuse và Bengiamin lớn hơn tình thương mà ông dành cho các người con khác. Chính vì thế, Giuse và Bengiamin cũng được cưng chiều hơn so với các anh của mình. Thế nhưng, cũng chính từ đây mọi rắc rối đã xảy đến cho Giuse; Cậu thường bị các anh chế giễu, và bị gọi là kẻ mơ mộng (x. St 37,5-11; St 29,15-31; 30,22-24; 35,16-18; 37,2-11).

Thực tế, nơi mỗi gia đình, những đứa trẻ rất hay ghen tỵ và cãi lộn với nhau, và cha mẹ phải là những “quan tòa” để phân xử cho chúng. Thế nhưng, sự ghen tỵ giữa các đứa trẻ tới mức hằn thù nhau là điều không thường xảy ra trong các gia đình. Có lẽ vì nghĩ mọi ghen tỵ ở mức độ bình thường, nên Giacob đã sai Giuse đi thăm các anh của mình đang chăn chiên tại Sikhem. Giuse nghĩ các anh luôn thương mình, nên đã hăm hở ra đi thăm các anh. Nhưng các anh của Giuse đã bàn mưu giết em mình. May mắn thay, khi các người Mađian đi qua, các anh của Giuse đã bán ông cho họ; rồi các người Mađian này đã bán Giuse lại cho người Ai Cập. Như thế, các ông vừa đẩy cho khuất mắt mình một người làm cho lòng ghen tỵ của họ sôi sục lên, cũng như tránh được tội đổ máu người em của mình (x. St 37,12-36).

Nơi mỗi gia đình, sự ghen tức giữa các anh chị em là điều khó tránh khỏi. Chúng ta thấy rằng, chuyện anh em giết nhau không là điều bất ngờ trong trình thuật Thánh Kinh: Cain đã giết em mình là Abel vì ghen tỵ (x. St 4); Esau đã giận dữ và định tâm là sẽ giết người em của mình là Giacob sau đám tang của người cha Isaac, khi biết Giacob đã được nhận lời chúc phúc của cha (x. St 27,41). Thật vậy, sự ghen tỵ khiến người ta giết người anh em của mình thì quả thật là điều không thể chấp nhận được. Bởi đó, tội lỗi mà các anh của Giuse gây ra cho ông có thể nói là thật sự kinh khủng.

b. Sự tổn thương nơi Giuse

Trước khi bị bán sang Ai Cập, Giuse có thể vẫn nghĩ các anh của mình yêu thương mình. Thế nhưng, khi bị bỏ dưới giếng cạn và rồi bị bán sang Ai Cập, Giuse đã nhận ra các anh thực sự độc ác với mình. Giờ đây, mọi bước đường phía trước sẽ là một nỗi lo lớn cho Giuse: một cậu bé sống trong sự bao bọc và che chở của gia đình, bây giờ phải bươn trải một mình giữa đời. Chính vì thế, trong lòng Giuse đã nảy sinh một sự tổn thương vô cùng lớn: Giuse nhận ra các anh của ông, là những người mà ông vô cùng yêu mến, lại coi ông là kẻ thù và muốn giết ông. Những tội lỗi mà các anh của Giuse đã gây ra cho ông chắc chắn là những nỗi buồn phiền đã dằn vặt ông nhiều. Mặc dù, bản văn Thánh Kinh không đề cập đến những lần ông đau khổ về những điều bất hạnh xảy ra cho mình trong nhà cha mình, thế nhưng chúng ta có thể tìm ra chi tiết để nhận ra sự tổn thương đó.

Chúng ta hãy lưu ý tới tên của đứa con đầu lòng của ông. Khi sinh đứa con đầu lòng, ông Giuse đã đặt tên là Menasse. Hạn từ Menasse có nghĩa là “người làm cho quên đi”. Chính bản văn sách Sáng Thế cũng nói rằng, khi đặt tên con là Menasse, ông Giuse đã nói: “Bởi vì Thiên Chúa đã làm cho tôi quên đi mọi đau khổ của tôi và cả nhà cha tôi nữa” (St 41,51). Giuse muốn quên đi là những đau khổ của ông và toàn bộ nhà cha ông. Cho nên, ông muốn quên nó đi. Thực tế, chúng ta muốn quên đi một quá khứ đau buồn là điều rất khó khăn; vì thế, chúng ta vẫn cầu xin Chúa chữa lành những tổn thương trong lòng của ta. Đó chính là cách Giuse đã làm: Ông nhìn nhận đứa con chính là điều Thiên Chúa an ủi ông, và xoa dịu nỗi tổn thương nơi ông. Do đó, chúng ta có thể nói rằng, tên gọi Menasse đã nói lên sự tổn thương nơi gia đình hằng đeo bám trong tâm hồn của Giuse.

Như vậy, chúng ta nhận thấy những lỗi lầm mà các anh của Giuse đã gây ra cho ông lớn lao biết dường nào. Từ đó, chúng ta sẽ cảm nhận được sức nặng nề của sự tổn thương mà Giuse phải gánh chịu. Thực ra, mục đích của phần này không nhằm tố cáo tội ác của các anh của Giuse, bởi vì công việc này không cần thiết và không mang lại ích lợi nào cho đời sống thiêng liêng của chúng ta; nhưng những nhận xét trên đây được nêu ra chỉ là để nhận ra sự bao dung của Giuse thật sự rất lớn lao mà chúng ta sẽ đề cập trong phần tiếp theo.

  1. Lòng bao dung của Giuse đối với các anh mình

Khi phải đối diện với sự gian ác mà ai đó gây nên, mỗi người chọn lựa cho mình những cách phản ứng khác nhau và ở mức độ khác nhau. Nhìn chung cách phản ứng đó có thể là sự trả thù hoặc lòng bao dung. Chúng ta sẽ nhận xét về hai loại phản ứng này, để qua đó hiểu rõ hơn về lòng bao dung của Giuse đối với các anh của mình.

a. Sự trả thù

Loại phản ứng đầu tiên mà chúng ta đề cập ở đây là sự trả thù. Khi gặp phải một sự ác quá lớn do ai đó gây ra, người ta rất căm phẫn và muốn có một hình phạt đích đáng dành cho kẻ xấu xa đó; thậm chí, hình phạt càng nặng người ta càng cảm thấy hả dạ. Chúng ta nhận thấy có hai loại trả thù ở hai mức độ khác nhau; đó là: trả thù tương xứng và trả thù tàn độc.

Sự trả thù ở mức độ thứ nhất là sự trả thù tương xứng, tức là “mắt đền mắt, răng đền răng”. Để làm nguôi cơn giận mà kẻ khác gây ra cho mình, người ta muốn kẻ hại mình phải chịu hình phạt tương xứng với tội ác mà kẻ xấu xa đó gây ra. Trong các bản văn của Cựu Ước, sự báo thù được coi là hợp Luật; và mức độ để báo thù được ghi rõ trong Luật của Môsê “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,23-24; Lv 24,20; Đnl 19,21). Còn nếu người bị hại bị giết, tức là không có khả năng báo thù, người thân của người đó sẽ phải là người báo thù (goʼel) thay cho người đó (Ds 35; Đnl 19,6.12; Gs 20; v.v.). Như thế, sự báo thù không chỉ là hợp luật, mà còn được coi như là cần thiết.

Sự trả thù ở mức độ thứ hai là sự trả thù tàn độc. Sự trả thù này xảy ra khi người bị hại không bằng lòng với hình phạt tương xứng với đau khổ mình phải chịu. Tức là, người bị hại đòi hỏi người hại mình phải chịu một hình phạt nặng hơn đau khổ mà người đó gây ra cho mình. Câu nói diễn đạt rõ ràng về cách phản ứng này có lẽ là câu nói của Lamec khi ông nói với các bà vợ của mình: “Tôi đã giết một người vì một vết thương nơi tôi; và tôi đã giết một người trẻ vì một vết bầm tím. Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Lamec thì gấp bảy mươi bảy” (St 4,23-24). Đây là cách phản ứng mà Simeon và Levi đã báo thù cho em gái của mình là Dina bị làm nhục bởi Sikhem, con trai ông Khamor: hai ông đã giết hết đàn ông trong xứ khi họ đang đau do cắt bì (x. St 34).

Chúng ta nhận thấy rằng, dẫu sự báo thù là điều hợp luật trong Luật Môsê, nhưng hậu quả của sự báo thù sẽ là một sự hận thù dai dẳng, không có hồi kết: hận thù nối tiếp hận thù. Như thế, sự tàn độc sẽ tăng dần sau những lần người ta dùng bạo lực để giải quyết mọi bất hòa.

b. Những cấp độ của lòng bao dung

Trái ngược với sự báo thù, chúng ta cần đề cập đến một phản ứng mang tính tích cực; đó là lòng bao dung. Tuy nhiên, cũng giống như sự báo thù, lòng bao dung cũng có những cấp độ khác nhau. Các cấp độ đó có thể được sắp xếp như sau: (1) dửng dưng với người làm mình bị tổn thương; (2) giúp đỡ, nhưng không yêu mến hay tin tưởng; (3) yêu thương.

* Dửng dưng với người làm mình tổn thương

Cấp độ thứ nhất của lòng bao dung là thái độ dửng dưng sống chết mặc bay. Khi bị ai làm tổn thương, rất có thể có một số người chọn lối phản ứng khá lạnh lùng: tôi không trả thù anh, nhưng anh cũng đừng mong chờ bất cứ sự giúp đỡ nào từ tôi; trong mắt tôi, anh không tồn tại.

Lối phản ứng này, nếu xét dưới cái nhìn của vùng Cận Đông thời cổ xưa thì cũng là nhân đạo lắm rồi. Bởi vì, căn cứ theo Luật Môsê, mọi ân oán được giải quyết theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,24; Lv 24,20; Đnl 19,21). Như thế, nếu người ta chọn lựa cách phản ứng “bỏ qua” thì quả là đã nhân đạo. Tuy nhiên, chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng, lối phản ứng này không bao hàm ý nghĩa của sự tha thứ. Nói đúng hơn, đây là một lối phản ứng “tôi đã giết chết anh trong lòng tôi”.

Mặc dù, nếu mọi người sống theo lối phản ứng này, cuộc sống sẽ bớt đi hận thù, nhưng sẽ vô cùng nặng nề. Bởi vì, vô tình làm tổn thương người khác là điều không tránh khỏi; nhưng nếu người ta tìm cách “tẩy chay” lẫn nhau, cuộc sống sẽ không có nhiều mối tương quan giữa người với người. Dưới cái nhìn Kitô giáo, lối sống này không phải là điều mà Chúa Giêsu mong muốn các môn đệ của Người chọn lựa.

* Giúp đỡ, nhưng không yêu mến và tin tưởng

Cấp độ thứ hai của lòng bao dung là sẵn sàng giúp đỡ người làm tổn thương mình, nhưng không yêu mến và tin tưởng người đó nữa. Như thế, sau khi làm tổn thương, anh và tôi là hai kẻ xa lạ bước đi cùng nhau trong cuộc đời; khi anh gặp khó khăn thì tôi vẫn giúp đỡ, nhưng khi tôi gặp khó khăn thì tôi không cần anh; trong lòng tôi, anh không phải là bạn; tôi không thể yêu mến anh.

Chúng ta có thể nhận xét rằng, sau khi bị tổn thương, tự nhiên người ta không dễ dàng bỏ qua được lỗi lầm của tha nhân. Nhưng có thể do ảnh hưởng bởi lời mời gọi hướng thiện nơi các tôn giáo, đặc biệt là lời mời gọi yêu thương trong Kitô giáo, người ta cố gắng thực thi điều lành cho bất cứ ai, kể cả những người làm mình bị tổn thương. Tuy nhiên, con tim bị tổn thương chưa được chữa lành, nên thật sự khó để có thể yêu mến người làm tổn thương mình. Lối sống này nằm dưới vỏ bọc của sự tự mãn về nhân đức: tôi là người đại lượng, còn anh là kẻ xấu xa.

Mặc dù, nếu mọi người sống theo lối phản ứng này, cuộc sống sẽ tốt hơn rất nhiều, nếu so với các phản ứng trên đây. Nhưng tự nơi sâu thẳm của cõi lòng, người ta luôn cô đơn và bất hạnh. Bước đi trong cuộc đời, tôi và anh không phải là bạn đồng hành. Dưới cái nhìn Kitô giáo, lối sống này vẫn chưa phải là điều mà Chúa Giêsu mong muốn các môn đệ của Ngài chọn lựa.

* Yêu thương

Cấp độ cuối cùng về lòng bao dung mà chúng ta đề cập ở đây là sự yêu thương. Sự bao dung không dừng lại ở việc không báo thù, hay ở mức độ giúp đỡ không thương mến, nhưng là đón nhận người làm mình bị tổn thương như là một người anh em và yêu mến họ.

Đó là lòng bao dung mà Chúa mời gọi chúng ta thực thi: “Các con hãy chúc lành cho những ai nguyền rủa các con! Và các con cũng hãy cầu nguyện cho những ai làm điều xấu cho các con!” (Lc 6,28: εὐλογεῖτε τοὺς καταρωμένους ὑμᾶς, προσεύχεσθε περὶ τῶν ἐπηρεαζόντων ὑμᾶς). Chúng ta lưu ý rằng, hành động “chúc lành” cũng đồng nghĩa với hành động “cầu nguyện”. Bởi vì chúng ta chỉ có thể cầu xin Chúa chúc lành cho người nào đó, chứ chúng ta không thể thi ân giáng phúc cho bất cứ ai được; như thế “chúc lành” cũng chính là “cầu nguyện”. Mặt khác, “cầu nguyện” cũng chính là xin Chúa thi ân giáng phúc cho người mà chúng ta kêu cầu lên Chúa; và như thế, “cầu nguyện” cũng chính là “chúc lành”. Nói cách khác, “cầu nguyện” và “chúc lành” là một.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng, khi cầu nguyện cho những ai làm tổn thương mình thì lòng bao dung, có thể nói, đã đạt tới đỉnh điểm. Nói cách khác, đỉnh điểm của lòng bao dung là yêu mến người đã làm tổn thương mình. Thật vậy, khi yêu mến ai, chúng ta sẽ cầu nguyện cho họ để họ đón nhận những ơn lành của Chúa. Do đó, khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện và chúc lành cho những ai làm chúng ta bị tổn thương, tức là Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu mến họ.

Như thế, lòng bao dung mà Chúa mời gọi các môn đệ đạt tới không chỉ dừng ở mức độ “bỏ qua” lỗi lầm của tha nhân, mà còn vươn tới lòng mến. Người môn đệ của Đức Kitô được mời gọi ra khỏi chính mình, chết cho chính mình, để yêu thương và cầu nguyện cho người làm mình bị tổn thương: nhìn nhận họ là người anh em. Và đó chính là đỉnh cao của lòng bao dung: yêu như Chúa yêu (x. Ga 15,12).

* Những biểu hiện của lòng bao dung nơi Giuse

Trong hai phần trên, chúng ta đã nhận xét về các cấp độ của sự báo thù, cũng như các cấp độ của lòng bao dung là những phản ứng của con người đối với người làm tổn thương mình. Trong phần này, chúng ta sẽ nhận xét phản ứng của Giuse để nhận ra lòng bao dung của ông đối với các anh của mình thế nào. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể mong đợi lòng bao dung của Giuse đạt tới mức độ của lòng bao dung nơi Chúa Giêsu dành cho chúng ta, nhưng cũng là đỉnh cao mà chúng ta cần học hỏi.

* Không báo thù và không nhắc lại chuyện cũ

Trong trình thuật về Giuse, chúng ta nhận thấy Giuse không báo thù các anh của mình, cũng chẳng nhắc lại chuyện cũ để trách cứ họ. Chúng ta sẽ phân tích để làm sáng tỏ nhận định này qua các ý tưởng dưới đây.

Trước hết, chúng ta nhận thấy Giuse không có bất cứ hành vi báo thù nào đối với các anh của mình; bởi vì chúng ta không thấy chỗ nào ông Giuse có hành động ngược đãi họ. Nhưng, có thể có ai đó cho rằng hành động quy kết các anh là những kẻ gián điệp và tống ngục ba ngày (x. St 42,8-17) là sự trả thù của Giuse đối với các anh. Tuy nhiên, theo hai học giả Clifford và Murphy, hai hành động này là một sự khôn ngoan của Giuse để thực hiện một kế hoạch là đưa toàn bộ gia đình của mình sang định cư tại Ai Cập, cũng như thử lòng các anh về sự trưởng thành[1]. Chúng ta có thể nói rằng, nhận định của Clifford và Murphy khá hợp lí. Thật vậy, nếu đó là sự báo thù, có lẽ Giuse sẽ có những hành động trả thù nặng nề hơn, chứ không nhẹ nhàng như thế; bởi vì ông có sẵn trong tay tất cả mọi thuận lợi để trả thù một cách tàn độc nếu ông muốn. Hơn nữa, chính sau này Giuse đã không quy kết tội ác cho các anh của mình, nhưng nhìn nhận đó là Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa (St 45,5). Như vậy, chúng ta có thể nhìn nhận rằng, qua lời quy kết cho các anh là những kẻ gián điệp và để các anh sống trong ngục ba ngày, Giuse muốn ngầm chứng minh cho người Ai Cập nhận thấy các anh của mình là những người công chính, nên ông mới chấp nhận cho các anh của ông ở lại Ai Cập, chứ không phải chiếu cố vì tình gia đình.

Ngoài ra, chúng ta cũng lưu ý là Giuse không chỉ không có hành vi báo thù, mà cũng không nhắc lại chuyện cũ để trách cứ các anh của mình. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào câu nói của Giuse khi tỏ ra cho các anh biết mình là ai, chúng ta có thể sẽ đưa ra nhận định: Dẫu Giuse không báo thù, nhưng vẫn nhắc nhở các anh ý thức về tội ác mà họ đã gây ra cho ông khi ông nói “em là Giuse, em của các anh, người mà các anh đã bán sang Ai Cập” (St 45,4). Thế nhưng, Clifford và Murphy đã nhận xét rằng, câu nói đó nên được hiểu là một cách nói xác thực để các anh có thể chắc chắn nhận ra mình mà thôi, chứ không phải là nhắc nhở các anh về tội ác đã làm trong quá khứ[2]. Đây là cách hành xử rất bao dung của Giuse.

Tóm lại, chúng ta không nhận thấy Giuse có bất cứ hành động báo thù nào đối với các anh của mình. Đồng thời, ông cũng không nhắc nhớ lại tội ác của các anh đã gây ra cho ông trong quá khứ. Đây chính là lòng bao dung nơi Giuse đối với các anh của mình mà chúng ta phải lưu tâm.

* Trợ giúp, chứ không ngoảnh mặt làm ngơ

Không những Giuse không có hành động báo thù hay phiền trách đối với các anh mà còn dành cho họ những trợ giúp khi các anh đang lâm cảnh khó khăn và đói khổ. Chúng ta có thể đề cập đến hai sự giúp đỡ mà Giuse đã dành cho các anh.

Trước hết, Giuse đã giúp đỡ các anh có lương thực để tạm đối phó với nạn đói đang xảy ra tại Canaan lúc bấy giờ. Tất cả số lương thực mà các anh của Giuse đưa về đều là tặng phẩm của ông, vì số bạc để mua chúng đã được ông trả lại trong các bao lương thực của từng người (x. St 42,25). Hành động này đã nói lên quá rõ về sự giúp đỡ của Giuse dành cho các anh của mình.

Hơn nữa, sau khi trợ giúp lương thực để các anh của mình mang về nuôi sống mọi người trong gia đình trong cơn đói trước mắt, Giuse còn mời tất cả các anh và gia đình của các anh sống tại Ai Cập để có lương thực ổn định trong thời gian nạn đói xảy ra. Thật vậy, sự trợ giúp lương thực để mang về Canaan chỉ là sự trợ giúp tức thời, còn để vượt qua hết thời kì nạn đói kéo dài ở Canaan thì người ta chuyển đến Ai Cập sẽ là điều tốt hơn. Vì thế, Giuse đã mời các anh ở lại Ai Cập (x. St 45,9-13). Để việc sống tại Ai Cập được dễ dàng, như chúng ta đã nhận xét ở trên, Giuse đã có những bước chuẩn bị khá kĩ lưỡng để tạo mối thiện cảm nơi Pharaoh, nơi triều thần của Pharaoh và nơi dân Ai Cập đối với các anh của mình. Quả vậy, khi nghe tin các anh em của Giuse đã đến Ai Cập, Pharaoh đã vui mừng và mời gọi họ sống tại Ai Cập, cũng như hứa ban rất nhiều đặc ân (x. St 45,16-20).

Như thế, chúng ta dễ dàng nhận ra sự giúp đỡ đến từ lòng trắc ẩn của Giuse dành cho các anh của mình. Dẫu các anh là những người làm cho ông bị tổn thương, nhưng khi các anh gặp hoạn nạn và đến với ông, ông đã cứu giúp họ. Lòng bao dung của Giuse đối với các anh của mình khiến chúng ta phải ca ngợi: ông không chỉ không báo thù, nhưng còn tận tình cứu giúp họ khi họ gặp khó khăn.

* Vẫn yêu thương như là các anh của mình

Lòng bao dung của Giuse đối với các anh của mình không chỉ dừng lại ở mức độ “không báo thù” và “giúp đỡ”, mà còn là lòng yêu mến. Chúng ta cùng nhận xét các điểm sau đây để nhận ra lòng yêu mến mà Giuse đã dành cho các anh của mình.

Chúng ta có thể nhận ra lòng yêu mến của Giuse dành cho các anh khi ông không chối bỏ tình ruột thịt đối với các anh. Khi tỏ ra cho các anh biết mình là ai, ông đã nói ngay “em của các anh đây” (St 45,4). Nếu không có sự yêu thương, Giuse có lẽ sẽ chối bỏ mối tương quan này. Cụ thể trong dụ ngôn Người cha nhân hậu, người anh đã gọi em mình là “thằng con của cha”, chứ không gọi là “em con”; trái lại, người cha đã nhắc nhở cho người anh nhớ về sự tương quan của tình ruột thịt “em của con” (Lc 15,30-32). Karris cũng có quan điểm này trong nghiên cứu của mình[3]. Tuy nhiên, căn cứ vào bản văn sách Sáng Thế (St 45,9), chúng ta có thể đặt nghi vấn trong câu nói của Giuse khi nói về Giacob “cha tôi”: Có phải chăng Giuse vẫn giữ một khoảng cách giữa ông và các anh khi nói “cha tôi”, chứ không phải “cha” để ngầm nói là “cha chúng ta”? Nói cách khác, có phải chăng ông chưa quên được nỗi đau nên đã phủ nhận tình ruột thịt “con cùng một cha” trong mối tương quan với các anh của mình? Tuy nhiên, theo Clifford và Murphy, câu nói của Giuse được nói ra trong sự xúc động sau câu nói nghĩa thiết của Giuđa, chứ không phải là sự chối bỏ tình ruột thịt[4]. Vì thế, chúng ta không nên quá lưu tâm đến nghi vấn mà chúng ta đã đưa ra.

Chúng ta còn có thể nhận ra lòng yêu mến của Giuse dành cho các anh của mình vẫn nồng nàn qua tiếng khóc (x. St 42,24; 45,1-2). Tiếng khóc của ông nói lên tất cả tấm lòng của ông. Nếu thực sự không yêu mến các anh, thì khi nhìn họ, Giuse sẽ trào dâng nỗi uất hận và không muốn nhìn mặt. Chúng ta có thể nhớ hình ảnh của người anh trong dụ ngôn Người cha nhân hậu: anh từ chối vào nhà để gặp em mình khi thấy cha mở tiệc mừng người em trở về (x. Lc 15,25-28). Thế nhưng, thái độ của Giuse trái ngược lại hẳn thái độ của người anh trong dụ ngôn Người cha nhân hậu.

Lòng yêu mến dành cho các anh còn được tỏ lộ qua những cái hôn thắm thiết (x. St 45,15). Dẫu rằng, người ta có thể dùng cái hôn để phản bội nhau, như trường hợp của Giuđa (x. Mt 26,49; Mc 14,45; Lc 22,47). Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ nhận thấy rằng những cái hôn của Giuse dành cho các anh xuất phát từ tình cảm đích thực; bởi vì những lo lắng và trợ giúp của Giuse cho ta thấy những cái hôn đó là xuất phát từ tình cảm của ông dành cho các anh của mình. Chính Boice cũng nhận xét rằng, biểu lộ của Giuse là một tình cảm sâu đậm mà ông dành cho các anh của mình[5].

Lòng yêu thương của Giuse còn biểu lộ qua việc ông giúp các anh tự hòa giải với chính mình. Khi tỏ ra cho các anh biết mình là ai, Giuse cảm nhận được sự sợ hãi và mặc cảm tội lỗi nơi các anh của mình. Vì thế mà Giuse đã trấn an các anh đừng buồn phiền, bởi vì Thiên Chúa đã gửi ông đi trước để duy trì sự sống cho cả gia đình (x. St 45,4-8). Ông đã hướng các anh nhìn vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, chứ không phải tiếp tục dằn vặt lỗi lầm của mình. Trong thực tế, chúng ta nhận thấy rằng, chính những người gây tổn thương cho người khác nhiều khi họ lại thật sự khó khăn trong việc tha thứ cho chính mình, họ bị dằn vặt nhiều về sự lầm lỗi mà họ, vô tình hay hữu ý, đã gây ra cho tha nhân. Như thế, lòng bao dung của Giuse thật lớn lao và tinh tế biết bao.

Lòng yêu thương của Giuse còn biểu lộ qua việc ông nhận ra sự thay đổi tích cực nơi các anh của mình; cụ thể là ông nhận thấy họ có sự thay đổi nhiều trong sự trưởng thành và một sự biến đổi sâu xa nơi nội tâm[6]. Thường khi ghét ai, người ta dễ phủ nhận tất cả mọi điều thiện hảo nơi người mình không ưa, và không bao giờ nhận thấy họ đã được biến đổi sâu xa nơi nội tâm. Thế nhưng, chính do phủ nhận điều thiện hảo nơi tha nhân, thì sự yêu thương mà chúng ta đang cố gắng thực thi chỉ còn là sự thương hại chứ không còn là sự thương yêu đích thực vốn bao hàm sự tôn trọng. Còn Giuse, ông đã yêu thương các anh của mình không phải là một sự thương hại; nhưng từ thâm sâu trong lòng, ông tôn trọng các anh của mình.

Với những nhận xét trên, chúng ta nhận thấy tình cảm của Giuse dành cho các anh của mình tràn đầy tình thương mến, dẫu rằng các anh là những người làm cho ông vô cùng tổn thương. Tình thương này đã nói lên lòng bao dung của Giuse đối với các anh là vô cùng lớn lao. Bởi vì, lòng thương mến có lẽ là điều khó khăn nhất mà người ta dành cho người làm tổn thương mình. Thật vậy, trong cuộc sống, chúng ta nhận thấy không thiếu những ví dụ về sự “từ mặt” nhau chỉ vì những xung đột đã xảy ra trong quá khứ. Thế nhưng, dẫu có xung đột và tổn thương, tình cảm của Giuse đối với các anh vẫn nghĩa thiết. Như thế, lòng bao dung của Giuse sẽ là một sự khích lệ lớn lao để chúng ta cố gắng thực thi lời mời gọi yêu thương như Chúa Giêsu đòi hỏi.

Kết luận

Trong việc cố gắng thực thi lời dạy của Thiên Chúa về sự tha thứ cho tha nhân, chúng ta không chỉ được mời gọi chiêm ngắm và noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu, nhưng còn biết bao mẫu gương tốt lành khác đã không ngừng khích lệ chúng ta. Hình ảnh của tổ phụ Giuse đã tha thứ cho các anh của mình là một mẫu gương tốt lành và đốt lên trong lòng chúng ta nỗi niềm khao khát thực thi Lời Thầy Chí Thánh về lòng bao dung.

Với những nhận xét trong bài, chúng ta phần nào hiểu được lòng bao dung của Giuse dành cho các anh của mình. Những lỗi lầm mà các anh của Giuse đã gây ra cho ông thực sự là nặng nề, và chính Giuse cũng nhận thấy sự tổn thương đó. Thế nhưng, chúng ta không thấy nơi ông có bất cứ sự báo thù hay trách cứ nào khi gặp lại các anh của mình. Trái lại, ông vẫn trợ giúp các anh trong cơn cùng khốn (St 42,18-19); và nhất là, ông luôn nhìn nhận mình là em của các anh trong tình ruột thịt (St 45,4). Như thế, dẫu có bị tổn thương nặng nề, Giuse không chối bỏ các anh là các anh của ông, những người làm cho ngài bị tổn thương. Như thế, lòng bao dung của Giuse thực sự là lớn lao, và thực sự là một mẫu gương khích lệ cho chúng ta trong việc thực thi lời mời gọi của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Trở lại với đời sống của mình, mỗi người chúng ta cũng có thể có những lúc cảm nhận được sự khó khăn để tha thứ đối với những tổn thương lớn lao mà ai đó đã gây ra cho chúng ta. Thế nhưng, Thầy Chí Thánh Giêsu vẫn luôn kiên nhẫn đợi chờ sự mở lòng của chúng ta. Ở trên Thánh Giá, sự nhắm mắt của Thầy Chí Thánh như muốn nói với chúng ta: “Thôi, đừng hỏi tại sao anh chị em con lại làm tổn thương con! Con nhớ rằng, con đã được thứ tha thì con cũng hãy tha thứ cho anh chị em của con!”.

CHÚC LÀNH VÀ CHÚC DỮ

“Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi;
Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa.
Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”
(St 12,3)

Mai Thương

Ngay từ đầu cuốn Kinh Thánh, Thiên Chúa được trình bày như là Đấng ban phúc lành. Từ khởi nguyên Ngài ban phúc lành cho công trình tạo dựng trời đất và ấn định một mục tiêu cho con người (x. St 1,28). Tuy nhiên, vì Ađam và Eva bất tuân đã kéo theo nhiều chúc dữ trên con cái loài người. Sự sa đọa của các thế hệ đầu tiên dẫn tới sự chúc dữ của Đại Hồng Thủy cho toàn thể nhân loại, ngoại trừ gia đình của Noe, người đẹp lòng Chúa (x. St 6,8). Sau những ngày u ám, một tia sáng của phúc lành lóe lên: giao ước của Đức Chúa với Noe: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người… Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm… Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất” (St 8,21-9,1). Câu chuyện tháp Babel là sự nhắc nhở lại tội lỗi của con người. Trong bối cảnh này, lời chúc lành của Đức Chúa đối với Abraham, và qua ông mọi dân tộc trên mặt đất được chúc lành mang một tầm mức quan trọng đặc biệt[7].

Hình ảnh của Abraham nổi bật trong sách Sáng Thế Ký và tiếp tục phủ bóng trên toàn bộ Kinh Thánh. Ông là con người của niềm tin son sắt, làm mẫu gương cho những người tin. Chúa ban cho ông nhiều lời hứa được thực hiện trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Những lời hứa này bao gồm thiết lập nên dòng dõi đông đúc của Abraham như một dân tộc lớn lao, và chúc lành cho mọi dân tộc trên mặt đất xuyên qua vị vua cứu thế thuộc dòng dõi ông – Đức Giêsu Kitô.

Trong phạm vi hạn hẹp của bài này xin được trình bày:

  • Đức Chúa chúc lành cho dòng dõi Abraham
  • Chúc lành của Abraham trải dài qua các dân tộc
  • Đức tin, sự vâng phục, đức công chính của Abraham
  • Abraham chịu thử thách
  1. Đức Chúa chúc lành cho dòng dõi Abraham

Khởi đầu câu chuyện của Abraham, người ta được biết rằng vợ ông là bà Xara son sẻ không thể có con. Như thế là cản trở cho việc thực hiện lời chúc lành của Chúa. Bà Xara nghĩ đến giải pháp gán ghép nàng hầu Haga của bà để ông có thể có con. Quả thực sau đó, nàng Haga sinh ra một người con trai được ông Abraham nhìn nhận như là con của ông khi đặt tên cho nó là Ismael (x. St 16,16). Tuy nhiên, sau đó Thiên Chúa vẫn mặc khải hai lần cho ông biết rằng bà Xara sẽ sinh ông một con trai (x. St 17,15-21; 18,9-15). Đây mới là đứa con thừa tự chính thức của Abraham. Lời Chúa hứa đạt tới tột đỉnh của nó qua một nghi thức đặc biệt, qua đó Đức Chúa giao ước với Abraham và hứa sẽ cho dòng dõi của ông đất đai để cư trú: “Vùng đất trải dài từ sông Ai Cập đến sông Cả, tức là sông Êuphơrát” (St 15,18). Qua giao ước này, Đức Chúa bảo đảm sẽ thực hiện phúc lành dành cho Abraham về đất đai và dòng tộc đông đảo như sao trên trời, với điều kiện là ông tin một cách vô điều kiện vào Đức Chúa: ông đã tin Đức Chúa và vì thế Đức Chúa kể ông là người công chính (x. St 15,6).

Sau thời gian mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng bà Xara cũng hạ sinh cho ông một người con trai là Isaac, người con thừa tự chính thức của Abraham. Lúc ấy, bà Xara đã chín mươi tuổi. Đây là một sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa khi Xara không còn hy vọng gì để có con, và Abraham đã đạt tới tuổi một trăm. Điều nhấn mạnh của Kinh Thánh là Isaac là hồng ân Thiên Chúa ban cho ông vượt qua sự mong ước và khả năng sinh sản tự nhiên của con người.

  1. Chúc lành của Abraham trải dài qua các dân tộc

Nếu như chúng ta nhìn đến toàn bộ cuốn Sáng Thế Ký, thì lời Chúa trong những câu đầu của chương 12 có tầm mức quan trọng đặc biệt. Không những lời Chúa đề cập đến một giai đoạn mới trong mối tương quan giữa Ngài với nhân loại, nhưng còn nói tới căn nguyên của tất cả lịch sử dòng tộc của Abraham. Khi kêu gọi Abraham từ bỏ dân tộc và quê hương, Đức Chúa hứa: ông sẽ là một nguồn phúc lành của Đức Chúa, hay một cách ngẫu nhiên là sự nguyền rủa cho những ai nguyền rủa ông (x. St 12,1-3).

Ước muốn của Đức Chúa chúc lành cho Abraham và qua ông chúc lành cho những người khác đối lập một cách rõ ràng với những nguyền rủa cho những thế hệ trước đó. Lịch sử của Abraham đưa ra ánh sáng lòng nhân từ thứ tha của Đức Chúa. Chủ đích của Ngài – sau khi kêu gọi Abraham – chắc chắn là muốn chúc lành cho nhân loại và sửa chữa những hệ quả tai hại của sự bất tuân của nguyên tổ trong vườn địa đàng.

Tôn ý của Đức Chúa muốn cho mọi dân tộc được chúc lành nhờ Abraham được khai triển thêm bởi giao ước “cắt bì”: Đây là giao ước giữa Ta với ngươi: Ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc… Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Abram (cha của dân) nhưng là Abraham (cha của nhiều dân tộc), vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc (x. St 17,4-5). Ý niệm về các dân tộc phát xuất từ Abraham có thể hiểu theo nhiều cách. Trước tiên, đây là những người thuộc huyết thống của Abraham. Nếu vậy thì chỉ có những người Israel và người Edom là con cháu dòng tộc của ông. Nhưng nếu hiểu về những ai chịu cắt bì để gia nhập giao ước của Đức Chúa với Abraham, thì đó là những dân tộc của giao ước “cắt bì”. Như thế qua Abraham, họ cũng được hưởng phúc lành của Thiên Chúa (x. St 34,14-23)[8]. Nếu hiểu theo nghĩa rộng rãi hơn, thì những ai tin vào Đức Giêsu Kitô miêu duệ của Abraham, họ cũng là con cái của ông – cha của những người tin. Những yếu tố này cho phép người ta nghĩ rằng qua giao ước với Abraham, Đức Chúa mong muốn thông truyền phúc lành của Người cho tất cả mọi dân tộc trên mặt đất. Nếu như giao ước lời hứa với Abraham trong chương 15 sẽ được thực hiện một cách vô điều kiện, thì giao ước “cắt bì” trong chương 17 phải được thực hiện tùy thuộc vào sự vâng phục của Abraham vào Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với Abraham: “Ta là Thiên Chúa toàn năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. Ta sẽ đặt giao ước giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông” (St 17,1-3). Sau khi nghe Chúa nói, Abraham không còn gì để nói, để yêu cầu thêm, và ông chỉ còn mỗi việc để làm là cúi rạp xuống để vui mừng nhận lãnh phúc lành của Đức Chúa.[9]

  1. Đức tin, sự vâng phục và đức công chính của Abraham

Câu chuyện cuộc đời Abraham minh họa rõ nét và thú vị về mối tương tác giữa Lời Chúa, đức tin, sự vâng phục và đức công chính của con người. Khởi đầu, Thiên Chúa đưa ra một loạt các lời hứa. Khi được kêu gọi từ bỏ quê hương đi đến nơi Ngài sẽ chỉ cho, Abraham tin vào lời Chúa, vâng phục một cách nhanh chóng, từ bỏ đất Kharan để đi đến Canaan. Lúc ấy, ông đã bảy mươi lăm tuổi, giai đoạn này trong cuộc đời người ta thích an cư ở nơi quê hương hơn là lập nghiệp ở phương xa với tương lai không chắc chắn gì. Về sau, Abraham sốt ruột vì chưa có người nối dõi, nên ông xin Chúa xác nhận về lời hứa và Đức Chúa bảo đảm cho lời Người phán bằng một giao ước về lời hứa (x. St 15,1-21). Tuy nhiên, Kinh Thánh vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào niềm tin không lay chuyển và sự kiên trì của Abraham được biểu lộ qua việc chấp nhận giao ước “cắt bì” vĩnh cửu (x. St 17,1-27). Giao ước này một lần nữa nhấn mạnh đến phúc lành cho mọi dân tộc thông qua Abraham và “dòng dõi” của ông. Cuối cùng, phúc lành này được chuẩn nhận sau khi ông đã trung thành vâng phục Chúa trong cuộc thử thách. Từ đầu đến cuối, đức tin của Abraham được biểu lộ trong sự vâng phục của ông là dấu chỉ đặc trưng của mối tương quan giữa ông và Đức Chúa.

Kinh Thánh còn đưa ra một nhận định: “Ông tin Đức Chúa, vì thế Đức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6). Abraham được Đức Chúa coi như là người công chính bởi vì ông đã tin mà không hề nghi ngờ rằng Đức Chúa ban cho ông một người con và dòng dõi đông đúc như sao trời[10]. Abraham được coi như người công chính dựa theo niềm tin vào lời hứa của Đức Chúa, hơn là vì những công việc ông sẽ thực hiện[11].

  1. Abraham chịu thử thách

Khi Đức Chúa yêu cầu Abraham sát tế đứa con yêu dấu, ông không biết lý do tại sao, nhưng vẫn một mực tin tưởng phó thác để làm theo lời Chúa phán.

Trong Kinh Thánh, Đức Chúa thử thách ai là để tinh luyện và củng cố đức tin của người đó và để mặc khải cho họ biết thêm về Người[12]. Đấng quyền năng và trung tín không để họ phải chịu đựng quá khả năng của mình, để rồi ban những phúc lành to lớn hơn vượt quá sự mong ước của họ khi họ trung tín với Ngài. Trong trường hợp của Abraham, ông không hề biết Đức Chúa thử thách, Isaac con ông cũng không được biết, chỉ có Đức Chúa mới biết. Abraham vẫn tin tưởng vào Đức Chúa để thực hiện điều Đức Chúa truyền bảo. Trong sự vâng phục, ông không hề tỏ ra sự coi thường và khinh chê con của mình. Trái lại, tình thương của người cha Abraham đối với đứa con yêu dấu Isaac không lúc nào tinh tế cho bằng lúc ông tự mình cầm lấy lửa và con dao để tránh cho con có thể bị thương tổn. Rồi khi Isaac hỏi đến của lễ toàn thiêu, ông chỉ âu yếm trả lời: Cha đây con, chiên làm lễ toàn thiêu Chúa sẽ liệu con ạ (x. St 22,8)[13].

Khi hiến tế con mình, điều mà Abraham phải từ bỏ chính là lời hứa, ơn ban của Chúa, và sự kéo dài đời sống của ông trên trần gian qua dòng dõi của mình. Qua sự hiến tế, dường như Đức Chúa muốn phá bỏ tất cả những gì mà Người đã xây dựng trước đó. Sự vâng phục hoàn toàn của Abraham biểu lộ ra hình ảnh thấy được về sự tín thác của ông. Sự tín thác này không mù quáng, nhưng được nuôi dưỡng trong sự trung thành của ông đáp lại với lòng tín thành của Đức Chúa trải dài qua suốt cuộc đời của ông.

Kết quả của cuộc thử thách thật bất ngờ: khi Abraham cầm dao để sát tế con mình, thì thần sứ Thiên Chúa (chính Thiên Chúa) ngăn lại và nói: “Bây giờ ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa” (St 22,12). Kính sợ Đức Chúa theo Kinh Thánh là tin tưởng và vâng phục Ngài[14]. Đức Chúa chứng nhận lòng tin của Abraham: “Đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc” (St 22,12). Sự thử thách là cơ hội để Đức Chúa ban cho Abraham khả năng dâng lại cho Đức Chúa quà tặng lớn lao là chính con một của ông và không chiếm hữu làm của riêng cho mình[15].

Khi đọc lại trình thuật thử thách của Abraham, tác giả thư Do Thái chú thích: do bởi lòng tin, Abraham đã vâng phục hiến tế con mình vì “nghĩ rằng Đức Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc ông nhận lại người con ấy như là một biểu tượng” (Hr 11,19). Biểu tượng nói đây là hình bóng về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Kitô.

Kết

Israel ý thức về căn tính của mình là dân tộc được Thiên Chúa chúc phúc: sự chúc phúc này đến từ lời chúc lành và lời Đức Chúa hứa ban cho họ qua Abraham. Lời chúc lành của Thiên Chúa vẫn luôn theo sát lịch sử dân tộc Israel. Sự hiện diện của họ xét như là một quốc gia là sự xác nhận cho việc Thiên Chúa giữ lời hứa của Ngài. Thiên Chúa tiếp tục làm công việc của Ngài nơi dân tộc của họ, để qua họ, Ngài chúc lành cho mọi dân tộc trên mặt đất. Thế nhưng, bên cạnh lời chúc lành, Kinh Thánh còn đề cập đến sự chúc dữ. Có thể nói lời chúc lành và lời chúc dữ là hai mặt của một thực tại trong mối tương quan liên lạc với Đức Chúa. Với tư cách là dân Thiên Chúa, dân của giao ước, nếu họ giữ được mối dây liên lạc tốt với Thiên Chúa, đó là chúc lành vì Ngài là nguồn mọi phúc lành. Còn sự chúc dữ không nguyên là một hình phạt nhưng phải nói đúng hơn là sự minh họa cho tình trạng liên lạc không tốt với Thiên Chúa, do đó, họ thiếu sự chúc lành của Ngài.

Thay vì nhận sự sống như là một hồng ân của Đức Chúa, Adam cũ qua cuộc thử thách đã theo lời xúi giục của tên gian ác “ăn trái cây biết lành biết dữ”, đã dám tiếm đoạt những gì chỉ dành riêng cho Đức Chúa, điều này dẫn đến việc ông đã cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa. Trái lại, Abraham vâng phục Thiên Chúa từ đầu đến cuối, nên sự liên lạc với Thiên Chúa vẫn còn được tiếp diễn. Như vậy, qua Abraham, Thiên Chúa đã đổi lời chúc dữ của Adam thành lời chúc lành. Ông là hình ảnh đối lập với Adam và nơi dòng dõi ông sẽ xuất hiện một Adam mới là Đức Kitô. Cả hai sẽ làm cho lời chúc lành của thuở ban đầu lại được nối tiếp. Vì ông là tổ phụ nên lời chúc lành của Thiên Chúa (sự sống) vẫn còn tiếp tục tuôn chảy cho các thế hệ và các dân tộc trên mặt đất. Hơn nữa, qua Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể vào dòng dõi của ông Abraham, phúc lành của Thiên Chúa được ban cho toàn thể nhân loại.

HÃY ĐI VÀ LÀM CHO MUÔN DÂN
TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ

Đức Minh

Lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19) đã được các môn đệ của Ngài thi hành ngay sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã can đảm mang Tin Mừng Phục Sinh đến khắp mọi nơi, đã quy tụ đông đảo những kẻ thành tín để làm thành một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương là Giáo hội. Kế tục sứ vụ của các môn đệ Đức Giêsu, Giáo hội cũng được mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi người trên khắp cùng thế giới. Lời mời gọi này khẳng định sứ mạng quan trọng của Giáo hội và tính khẩn thiết của việc loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Bởi đó, Công đồng Vaticanô II đã khẳng định rằng: “Do lệnh của Chúa, Giáo hội có trách nhiệm đi khắp thế gian và loan truyền Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (DH, số 13).

Sứ mệnh này được xem như là phận vụ căn bản của Giáo hội, vì tự bản chất, “toàn thể Giáo hội là truyền giáo” (AG, số 3). Vậy, để hiểu rõ hơn sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, chúng ta sẽ tìm hiểu đề tài này dựa trên ba yếu tố căn bản sau đây:

– Niềm tin Chúa Phục Sinh cần được loan báo

– Sứ vụ loan báo Niềm tin Chúa Phục Sinh

– Mục đích của việc loan báo Tin Mừng

  1. Niềm tin Chúa Phục Sinh cần được loan báo

a. Tính khẩn thiết của việc loan báo

Trong các trình thuật về sự kiện Phục Sinh, các tác giả Tin Mừng đều dùng những câu chuyện và hình ảnh cụ thể để diễn tả và làm nổi bật tính khẩn thiết của sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Thánh Mátthêu thuật lại câu chuyện các phụ nữ ra viếng mộ và được thiên thần báo tin: “Hãy mau về nói với môn đệ Người… và các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho các môn đệ Đức Giêsu” (Mt 28,7-8). Cùng thuật lại câu chuyện này, nhưng thánh Luca và thánh Gioan lại lồng thêm vào chi tiết: Phêrô và môn đệ kia (Gioan) cùng chạy ra mồ (x. Lc 24,12; Ga 20,2-4). Tiếp đến, thánh Luca tường thuật câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau, sau khi nhận ra Chúa thì “ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem” (Lc 24,33) để báo tin cho các môn đệ khác.

Những cụm từ “mau mau về”, “vội vã rời khỏi mộ”, “cùng chạy ra mộ”, “chạy về báo tin”, “ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở về” trong các trình thuật trên đây làm nổi bật tính khẩn thiết của việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Sự kiện Phục Sinh quả thật đã làm cho các phụ nữ cũng như các môn đệ “rất đỗi vui mừng” (Mt 28,7), khiến họ không thể chần chờ, nhưng vội vã chạy, dù trong thâm tâm vẫn chưa thôi bàng hoàng sợ hãi. Cuộc hội ngộ trực tiếp với Đấng đã từ cõi chết sống lại làm cho niềm vui tràn ứ trong tâm hồn các môn đệ, nó giống như một sức mạnh vô hình thúc đẩy, khiến các ngài không thể cưỡng lại việc ra đi loan báo Tin Mừng. Làm sao các ngài có thể im tiếng khi niềm vui đã vỡ oà! Làm sao các ngài có thể ngồi yên khi niềm hy vọng tưởng chừng tắt lịm lại bùng cháy! Cánh cửa phòng bị đóng kín vì sợ người Do Thái giờ đây đã được mở toang. Các môn đệ vội vã đứng dậy, vội vã ra đi loan báo niềm vui Phục Sinh.

Nhờ công cuộc loan báo Tin Mừng của các môn đệ mà Giáo hội được hình thành và nối bước các môn đệ đem niềm vui Phục Sinh đến cho muôn dân, và đã làm cho niềm vui ấy vươn ra tới mọi ngõ ngách của thế giới và tạo nên âm vang mạnh mẽ trong con tim của mỗi người qua mọi thời đại.

b. Lý do thúc đẩy việc loan báo

Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô đã khẳng định rằng: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! (1Cr 9,16). Lý do đòi hỏi Giáo hội phải loan báo Tin Mừng và làm chứng cho niềm tin Phục Sinh liên hệ trực tiếp đến bản chất của Giáo hội. Tự bản chất, Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô là Đầu mà thân thể là Giáo hội đạt tới ơn cứu độ viên mãn. Vì thế, Tin Mừng Phục Sinh trở thành nguyên cớ sống còn và sự tồn tại của Giáo hội. Giáo hội không thể sống và phát triển, nếu Đức Kitô không sống lại. Cũng vậy, niềm tin của Giáo hội sẽ trở nên hão huyền và tất cả mọi hoạt động của Giáo hội sẽ trở nên vô nghĩa, nếu Đức Kitô không sống lại. Thánh Phaolô khẳng định thêm: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết (1Cr 15,20). Sự sống lại của Ngài thúc đẩy Giáo hội ra đi loan báo Tin Mừng cho toàn thể thế giới. Tin Mừng này là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, Đấng yêu thế gian, đến nỗi ban Con Một cho thế gian, Đấng yêu thế gian, đến nỗi đã hy hiến Con Một để thế gian được ơn cứu độ (x. Ga 3,16) . Như thế, ơn cứu độ của toàn thể thế giới và ơn cứu độ của mỗi chúng ta phụ thuộc vào sự Phục Sinh của Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất. Hiểu như thế, chúng ta cũng sẽ thốt lên giống như thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng”! (1Cr 9,16).

Ngoài ra, sứ vụ loan báo Tin Mừng cũng ảnh hưởng đến hành trình đức tin cá nhân của mỗi người. Khi loan báo Tin Mừng là lúc người ta cảm nghiệm sâu xa hơn bao giờ hết điều mình loan báo. Bởi vì những sứ điệp được loan báo không đơn thuần chỉ là những thông tin, nhưng còn là những cảm nghiệm sống, những cảm nghiệm mà mỗi người đã lãnh nhận được từ cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô. Trong ý tưởng đó, Đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói: “Khi công bố Tin Mừng, cũng chính là lúc chúng ta được lớn lên trong đức tin vì được cắm rễ sâu nơi Đức Kitô và trở thành những người Kitô hữu trưởng thành”[16].

Như vậy, việc loan báo Tin Mừng vừa là điều kiện thiết yếu để đức tin của cá nhân được lớn mạnh và đạt tới chỗ thành toàn trong Đức Kitô, vừa khẳng định nhiệm vụ khẩn thiết của toàn thể Giáo hội trong sứ vụ loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền ra đi của Đức Kitô Phục Sinh.

  1. Sứ vụ loan báo niềm tin Chúa Phục Sinh

a. Yếu tố nền tảng của sứ vụ

Trước khi sai các môn đệ ra đi, Đức Kitô đã xác quyết một yếu tố nền tảng quan trọng, đó là: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18b). Quyền bính thống trị vũ hoàn là vương quyền chỉ thuộc về duy một mình Thiên Chúa, nó gắn liền với bản tính của Ngài. Tuy nhiên, với lời xác quyết trên đây, Đức Kitô chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng: “Kể từ đây Thiên Chúa đã trao cho Ngài vương quyền hoàn vũ này”.[17] Quyền lực tối thượng của Ngài là vô biên, thể hiện trong không gian: trên trời và dưới đất, và trong thời gian: bây giờ và cho đến muôn đời.[18]

Dựa trên quyền bính đã được lãnh nhận từ Chúa Cha, Đức Kitô cũng trao lại cho các môn đệ, để họ tiếp tục hoàn thành sứ vụ của Ngài. Quyền bính được trao ở đây tương tự như thẩm quyền tha thứ và hoà giải mà Đức Giêsu đã trao cho Phêrô (x. Mt 16,19) và nhóm Mười Hai: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18,18). Tất cả mọi thẩm quyền tha thứ và cầm buộc, rao giảng và cai quản đã được Đức Kitô trao lại cho các môn đệ và cho Giáo hội một cách trọn vẹn. Từ đây mọi lời khẩn cầu của Giáo hội trần thế đều vọng ngân tới trời cao, và mọi hành động của Giáo hội trần thế đều hướng tới sự thành toàn thánh ý của Chúa Cha. Nhờ đó, sứ mệnh cứu độ của Thiên Chúa đạt tới sự viên mãn nhờ Đức Kitô, trong Đức Kitô ngang qua Giáo hội.

Như vậy, sứ mệnh loan báo Tin Mừng được đặt trên quyền bính mà Đức Kitô đã lãnh nhận và trao ban cho các môn đệ. Tiếp nối sứ vụ của các môn đệ, toàn thể Giáo hội, ngang qua Bí tích Rửa Tội cũng được mời gọi ra đi, đem Tin Mừng cứu độ đến tận cùng trái đất.

b. Tính phổ quát của sứ vụ

Thiên Chúa, trong tình yêu rất mực phong phú của mình, Ngài muốn mọi người được cứu độ và không ai bị hư mất.[19] Bởi đó, lệnh truyền của Đấng Phục Sinh mang tính phổ quát, trực tiếp hướng tới muôn dân nước: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Trong Tin Mừng Mátthêu, chiều hướng phổ quát này đã được báo trước trong lời nhắc đến Abraham (Mt 1,1), trong truyện các đạo sĩ (Mt 2,1-12), vị sĩ quan Caphacnaum (8,5-13), người phụ nữ Cannaan (15,21-28), viên sĩ quan canh giữ Đức Giêsu trên Đồi Sọ (27,54). Điều này ngụ ý rằng, sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho các dân tộc nằm trong ý hướng truyền giáo của Đức Kitô. Mặc dù trong diễn từ truyền giáo (Mt 10), Ngài đã truyền cho các môn đệ là chỉ đến với các con chiên lạc nhà Israel thôi.[20] Tuy nhiên, điều bị cấm ở đây (Mt 10,5) chỉ nhằm nhấn mạnh đến sứ vụ ưu tiên của Đức Giêsu trần thế cho Israel mà thôi. Giờ đây, Đấng Phục Sinh đã đón nhận vương quyền phổ quát, chi phối cả không gian và thời gian, nên chương trình cứu độ của Ngài cũng phải được thực hiện trong chiều kích phổ quát này. Tức là, sứ vụ truyền giáo phải được mở rộng đến toàn thể thế giới (Mt 24,14),[21] và Tin Mừng Phục Sinh phải được loan báo và vươn rộng đến tất cả mọi thụ tạo: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Dĩ nhiên, mệnh lệnh này không nhằm loại trừ Israel ra khỏi chân trời Phục Sinh, nhưng nhằm thiết lập một cộng đoàn phổ quát, trong đó mỗi người có quan hệ trực tiếp với Đức Kitô và với người khác.[22]

c. Ý nghĩa của lệnh truyền ra đi

Hãy ra đi! Trước hết là đi đến với mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới, đến cả với những người ở xa, hiểu theo chiều kích không gian. Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu từng nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16a). Đoàn chiên khác chính là mọi dân tộc trên khắp thế giới, là những người ở xa về mặt địa lý. Đức Giêsu và các môn đệ đã từng bôn ba khắp đó đây, đến cả với những vùng dân ngoại để loan báo Tin Mừng cứu độ. Hành động và lời mời gọi của Chúa đã được con cái Giáo hội hưởng ứng một cách hăng hay. Qua mọi thời, bước chân không mỏi mệt của các nhà truyền giáo đã rảo khắp mọi miền trên thế giới để đem Tin Mừng cho những người ở xa.

Tiếp đến, mệnh lệnh ra đi cũng nhấn mạnh đến chiều kích tâm linh. Trong ý hướng đó, từ “đi” theo khía cạnh địa lý và những người “ở xa” theo chiều kích không gian không còn được nhấn mạnh,[23] nhưng nhấn mạnh đến chiều kích tâm linh. Vì thế, lời mời gọi ra đi được hiểu là “ra khỏi mình”, là “mở lòng mình” cho người khác và chỉ cho họ thấy con đường gặp gỡ Đức Kitô. Chung quanh chúng ta vẫn còn nhiều người “ở xa”, họ chưa hề được biết đến Tin Mừng, thậm chí có nhiều người đã biết và đã lãnh nhận nhưng lại sống như thể Thiên Chúa không tồn tại. Họ thực sự là những người ở xa theo chiều kích tâm linh. Vì thế, “ra đi” rao giảng Tin Mừng cũng có nghĩa là mở trái tim của mình cho mọi người, là đi vào cuộc đàm thoại với họ trong sự đơn sơ và tôn trọng,[24] và cùng hiện diện với họ.[25] Sự hiện diện của chúng ta ở bất cứ nơi đâu trong mọi môi trường mình sống: trong gia đình, khu xóm, họ đạo, lớp học, công sở đều nhắm mục đích làm cho Tin Mừng của Đức Kitô được mọi người đón nhận.[26] Sự hiện diện và cung cách sống của chúng ta sẽ làm nên ý nghĩa thật cho sứ vụ truyền giáo và làm cho lệnh truyền đạt được hiệu quả là “mọi người trở nên môn đệ Chúa Kitô”.

  1. Mục đích của việc loan báo Tin Mừng

a. Làm cho muôn dân trở thành môn đệ

Mục đích chính của sứ vụ loan báo Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ Đức Kitô. Đây là cách nói tiêu biểu của thánh Mátthêu (x. Mt 13,53; 27,57), chỉ được thánh Luca dùng một lần (x. Cv 14,21). Những gì thánh Mátthêu nói về việc trở nên môn đệ Đức Kitô thì hiển nhiên trong toàn bộ Tin Mừng của ngài, đặc biệt là Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 5,1), diễn từ cho các môn đệ trong chương 10, và diễn từ cộng đoàn trong chương 18.[27] Do đó, trong lệnh truyền của Đấng Phục Sinh, Mátthêu nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc “quy tụ môn đệ” và đặt nó như mục đích chính cho sứ vụ của các môn đệ Đức Kitô.

Trong hành trình rao giảng, Đức Kitô đã gọi một số người đi theo Ngài và tập hợp họ lại thành một cộng đoàn nghĩa thiết, hiện diện và đồng hành với Ngài từ lúc khởi đầu sứ vụ cho đến lúc Phục Sinh. Họ được nhận danh xưng “Môn đệ”[28] (Mt 10,1;12,1; Lc 10,1), và được đặt trong mối tương giao đặc biệt với Đức Kitô. Mối tương giao này bắt nguồn từ hành động đi theo: “Hãy theo Ta”! “chưa theo” diễn tả sự gắn bó với Đức Kitô (x. Mt 8,19) và đoạn tuyệt với quá khứ và mọi mối liên hệ khác. Theo Đức Kitô là cư xử giống như Ngài, là lắng nghe lời Ngài dạy và làm cho đời sống mình phù hợp với đời sống của Ngài (x. Mc 8,34; 10,21).[29]

Sau khi kết thúc cuộc đời trần thế, Đức Kitô đã mời gọi các môn đệ kế tục sứ mạng của Ngài. Ngài mời gọi họ ra đi quy tụ các môn đệ cho Ngài, bằng cách đưa mọi người vào trong mối tương quan với Ngài. Đó là tương quan mà chính các môn đệ đã từng sống, từng cảm nghiệm, từng gắn bó. Giờ đây, các ông cũng có nhiệm vụ kéo dài và đào sâu kinh nghiệm làm môn đệ đó cho muôn dân. Nhờ đó, mối tương quan sống động của Đức Kitô với các môn đệ không chỉ là những điều đã qua trong qua khứ, nhưng trở thành một khuôn mẫu căn bản và phổ quát cho mọi mối tương quan của con người với Đức Kitô và của con người với nhau trong hiện tại và tương lai.

Như vậy, làm cho muôn dân trở thành môn đệ không gì khác hơn là chia sẻ kinh nghiệm sống với Đức Kitô cho người khác, là làm chứng sự hiện diện yêu thương của Ngài qua mọi hành động của chúng ta, để lời chứng tá của chúng ta có thể giúp mọi người đụng chạm đến Đức Kitô Phục Sinh.

b. Làm phép rửa và giảng dạy

Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa chính là trọng tâm của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Cho nên, cách thức loan báo không chỉ hệ tại ở việc truyền bá các giáo huấn, các huấn lệnh hay các triết thuyết, nhưng là việc thiết lập mối tương quan thiết thân với chính Đức Kitô. Nhờ mối tương quan đó, mọi người hoàn toàn tin tưởng và phó thác đời mình cho sự hướng dẫn của Chúa. Để qua Ngài, họ được hợp nhất thành một cộng đoàn Giáo hội, nhờ bí tích Rửa Tội, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Như thế, con đường để làm cho muôn dân trở thành môn đệ là thông qua Phép Rửa và việc thực hành các giới luật. Nghĩa là, để dẫn người khác đi vào cuộc gặp gỡ với Đức Kitô trước hết phải là một cuộc gặp gỡ sống động ngang qua Lời và các Bích Tích. Bí Tích Rửa Tội ban cho con người sự sống mới. Chúa Thánh Thần cư ngụ trong con người sẽ thắp lên ngọn lửa trong tâm trí và con tim của họ. Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho họ biết Thiên Chúa và giúp họ đi sâu vào tình bạn với Đức Kitô. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng khích lệ họ làm điều thiện, phục vụ tha nhân, trao hiến bản thân và cho người khác để chu toàn các giới luật Đức Kitô. Nhờ đó, họ có thể tin vào Ngài; họ có thể đi đến việc biết Ngài và sống trong ân sủng của Ngài.[30]

Kết luận

Như vậy, lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ xưa: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” đã trở thành lời mời gọi khẩn thiết cho toàn thể Giáo hội hôm nay. Lời khẳng định của Công đồng Vaticanô II: “Do lệnh Chúa, Giáo hội có trách nhiệm đi khắp thế gian và loan truyền Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (DH, số 13)[31] chẳng còn là một ước muốn, lời nhắn nhủ hay lời mời gọi, nhưng nó đã thành hiện thực trong hành động của Giáo hội. Hơn bao giờ, Giáo hội hiểu được tính cấp thiết của việc loan báo Tin Mừng mà chính Giáo hội đang mang. Điều Giáo hội đã tin, đã đón nhận, đã sống thì cũng trao lại cho thế giới. Vì thế, Giáo hội đã không ngừng hối thúc con cái mình ra đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm cho “khuôn mặt Đức Kitô được mọi người biết đến như là một món quà quý giá nhất mà con người có thể trao ban cho nhau[32]. Trong khi thi hành sứ vụ này, Giáo hội cũng hiểu rằng không phải dựa trên quyền bính trần thế, nhưng là dựa trên quyền bính đã được Đức Kitô trao ban cho Giáo hội qua các môn đệ xưa. Nhờ đó, Giáo hội đã can đảm ra đi đến với muôn dân và đã làm cho nhiều người có thiện chí bước theo Đức Kitô cũng được chia sẻ mối tương quan mật thiết với Ngài. Qua Giáo hội, họ đã trở thành những môn đệ của Chúa, và đang tiếp tục nối bước sứ vụ của người môn đệ, dấn thân ra đi với mục đích thu hút nhiều linh hồn về cho Chúa. Đồng thời kiến tạo nên một cộng đoàn Giáo hội hiệp nhất trong đức tin, nhờ Phép Rửa và việc thi hành các giáo huấn của Chúa Kitô.

Như thế, nhờ việc thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, Giáo hội đã giúp nhiều người gặp gỡ và trở nên môn đệ của Đức Kitô và là anh em với nhau; từ đó, khám phá Ngài là tình yêu, là Đấng cứu độ.

TÌNH HUYNH ĐỆ ĐẠI ĐỒNG

Một cái nhìn mới của Đức Giáo hoàng Phanxicô, qua Thông điệp
Fratelli Tutti – Tất Cả Anh Em.

Vp. M. Dominicô Phạm Văn Hiền

Khi vừa được chọn làm đấng kế vị thánh Phêrô, Đức đương kim Giáo hoàng đã chọn cho mình danh hiệu Phanxicô. Vậy thì Phanxicô nào đây? Thoạt tiên, ai cũng nghĩ đó là Phanxicô Xavier, một nhà truyền giáo vĩ đại cùng dòng Tên với ngài. Nhưng không, chính xác hơn, đó là Phanxicô Assisi, một vị thánh mà cuộc sống và linh đạo đã cuốn hút ngài từ nhiều thập niên trước. Hẳn thật, khi còn là Tổng Giám mục, ngài đã chẳng bỏ tòa giám mục nguy nga để dọn tới ở trong một phòng trọ đơn sơ, gần gũi với dân nghèo ở khu ổ chuột tại thủ đô Buenos Aires đó sao? Tuy nhiên, điều cuốn hút hơn cả nơi thánh Phanxicô Assisi, đó là tình huynh đệ đại đồng. Hai từ đầu của Thông điệp Fratelli Tutti quả thật đề cao những nét đặc trưng này. Chữ Fratelli nói lên tình huynh đệ, chữ Tutti khẳng định tính đại đồng. Chữ Fratelli là “anh em” phải hiểu theo nghĩa dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu; chữ Tutti, bao gồm tất cả mọi người, bao trùm mọi thụ tạo mang hình ảnh Thiên Chúa.

Trong tám số đầu của Thông điệp, Đức Giáo hoàng đề cao mẫu gương của vị thánh Nghèo thành Assisi. Theo lời thú nhận của Đức Giáo hoàng, thì chính vị Tổ phụ của dòng Phan Sinh này đã gợi hứng cho ngài viết Thông điệp Laudato Si’ trước đây mấy năm, và hôm nay Thông điệp Fratelli Tutti cũng bắt nguồn từ cảm hứng đó. Ngài khẳng định: “Thánh nhân đã trở thành một người nghèo và tìm kiếm cách sống hòa hợp với mọi người. Chính ngài đã gợi cảm hứng cho Thông điệp này” (số 4). Muốn hiểu sâu sát Thông điệp Fratelli Tutti, không những chúng ta phải vận dụng lý trí, mà cần nhất là hãy để con tim đồng cảm với những tâm tình của vị thánh Nghèo, ngang qua Đức Phanxicô: như sự đơn sơ, lạc quan, hòa đồng… đó là những tâm tình bàng bạc trong từng trang, từng số của Thông điệp Fratelli Tutti.

Qua văn kiện này, Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh thời đại chúng ta, đồng thời mở ra một chân trời bao la cho tình huynh đệ. Đức Giáo hoàng viết: “Tình huynh đệ giữa con người và tình thân hữu xã hội vẫn luôn là một mối quan tâm của tôi. Trong những năm gần đây, tôi đã nói về các vấn đề này cách thường xuyên và trong những khung cảnh khác nhau. Trong Thông điệp này, tôi tìm cách phối kết lại nhiều phát biểu ấy và đặt chúng vào một bối cảnh suy tư rộng lớn hơn” (số 5).

Địa chỉ mà Thông điệp này được gửi tới là toàn thể mọi người thiện chí trên mặt đất. Tác giả minh định: “Mặc dù tôi viết Thông điệp này từ những xác tín Kitô giáo, là nguồn cảm hứng và đỡ nâng tôi, song tôi vẫn muốn làm cho những suy tư này trở thành một lời mời gọi đối thoại giữa mọi người thiện chí” (số 6).

Thông điệp Fratelli Tutti có tám chương, với các đề mục sau đây:

 – Bóng tối của một thế giới khép kín (ch. I, số 9-55)

 – Một người lạ trên đường: người Samaritanô nhân hậu (ch. II, số 56-86)

 – Dự phóng và kiến tạo một thế giới mở (ch. III, số 87-127)

 – Một trái tim mở ra cho toàn thế giới (ch. IV, số 128-153)

 – Một nền chính trị tốt đẹp hơn (ch. V, số 154-197)

 – Đối thoại và tình bằng hữu xã hội (ch. VI, số 198-224)

 – Những lộ trình gặp gỡ (ch. VII, số 225- 270)

 – Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trong thế giới chúng ta (ch. VIII, số 271-286)

Nhìn qua tám chương, chúng ta nhận ra một sự xuyên suốt tuyệt vời: là một người rất thực tế, Đức Giáo hoàng Phanxicô dám nhìn thẳng vào hiện trạng đen tối của xã hội hôm nay. Theo ngài, hẳn đang có một đám mây đen bao phủ, khiến thế giới bị ngột ngạt (ch. I). Tuy nhiên, với niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã âm thầm ám chỉ mình như một người Samaritanô nhân hậu chạnh lòng thương, biết quan tâm đến những người bị đánh trọng thương nằm bên vệ đường (ch. II). Tấm gương của Người khai mở một hướng đi mới cho việc suy tư và kiến tạo một thế giới rộng mở (ch. III). Hướng đi mới ấy phát khởi từ con tim của chính con người, vì con người được Thiên Chúa dựng nên để yêu mến và đón nhận tha nhân, dù họ xuất xứ từ đâu (ch. IV). Đức Giáo hoàng xác tín rằng, tình yêu thương huynh đệ Kitô giáo có khả năng chi phối và hướng dẫn cả một hệ thống chính trị. Vì tiêu điểm của một nền chính trị chân chính phải là một cộng đoàn nhân loại hiệp nhất, công bình, tự do và bác ái (ch. V). Muốn đạt được mục tiêu ấy, đương nhiên phải biết đối thoại và gặp gỡ trong tình thân hữu (ch. VI).

Với cặp mắt hiện sinh, Đức Giáo hoàng đề nghị những nẻo đường mới dẫn tới tình yêu thương đại đồng (ch. VII). Cuối cùng, với tư cách một nhà lãnh đạo tôn giáo, ngài kêu mời các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, cùng nhau chung tay xây dựng tình huynh đệ cho thế giới (ch. VIII).

Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn các đề tài vừa nêu trên theo thứ tự các chương:

Chương I: Bóng tối của một thế giới khép kín

Vốn dĩ là người lạc quan và luôn có cái nhìn tích cực về mọi vấn đề, tại sao Đức Phanxicô lại nhận định như trên về thế giới hôm nay? Để trả lời, chúng ta cần phân biệt hai hạn từ bi quan và thực tế: bi quan là bi kịch hóa vấn đề, còn thực tế là thấy sao nói vậy. Nhờ cái nhìn thực tế này, một vị lương y khám rõ con bệnh để kê toa chính xác hiệu nghiệm. Đối mặt với căn bệnh trầm kha của thế giới, Đức Giáo hoàng không ngại nhân danh Chúa Giêsu, vị Lương y Siêu việt, nói lên sự thật, và ngài không mong gì hơn là kê một toa thuốc khả dĩ cải tiến phần nào tình trạng “đau ốm” của nhiều con người trên thế giới hôm nay!

Quả thật, những căn bệnh của thế giới hôm nay đã được Đức Giáo hoàng giải thích cặn kẽ trong 46 số. Mong rằng chúng ta dành thời gian đọc kỹ bản văn. Ở đây xin nêu lên vài điểm chính:

Trước hết, Đức Giáo hoàng đề cập đến những điểm lệch lạc của thế giới hôm nay, chẳng hạn việc chi phối và thay đổi ý nghĩa của những khái niệm, như dân chủ, tự do, công lý; việc đánh mất tính xã hội và tính lịch sử; thái độ ích kỷ và dửng dưng với công lý, nhất là khi quá đề cao tính lôgíc của thương trường, dựa trên lợi nhuận và nền văn hóa vứt bỏ. Ngài cũng không quên nêu lên những vấn nạn về thất nghiệp, về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, về sự nghèo đói; về sự bất bình đẳng quyền lợi và những biến thái của nó, như sự nô lệ, buôn người, những phụ nữ bị lạm dụng và bị buộc phá thai, tệ nạn buôn bán nội tạng (số 10-24). Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng những vấn nạn toàn cầu cần đòi có những hành động mang tính toàn cầu. Ngài bày tỏ lo ngại về nền “văn hóa xây tường” đang làm nảy sinh những hình thức tệ nạn khả dĩ gây lo sợ và cô lập hóa (số 27-28). Ngoài ra, ngày nay còn chứng kiến sự tuột dốc của đạo đức phong hóa (số 29) phần lớn là do lỗi của truyền thông, khi nó không tôn trọng người khác cũng như không đủ khiêm tốn. Thật vậy, khi nó tạo ra những vòng luẩn quẩn ảo, nó cũng biến sự tự do trở nên hão huyền, sự đối thoại không còn mang lại lợi ích nữa (x. Vatican news).

Đến đây, chúng ta nhận ra tính chính xác trong những nhận định của Đức Giáo hoàng khi ngài dám cho rằng, thế giới này đang bị che phủ bởi một áng mây đen kịt! Ngài kêu mời chúng ta bỏ đi ý định “xây tường”, mà tốt hơn, chúng ta nên “bắc cầu”, hãy dẹp tan ý nghĩ ngăn cách trên đây giữa người với người. Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy học với người Samaritanô trong Tin Mừng để biết chạnh lòng thương đồng loại. Đó là giáo huấn Đức Giáo hoàng sẽ nêu ra ở chương thứ hai sau đây.

Chương II: Một người xa lạ trên đường (số 56-86)

Trong cố gắng tìm kiếm một tia sáng giữa những gì mà chúng ta đang kinh nghiệm, và trước khi nêu ra một vài hướng hành động, giờ đây Đức Phanxicô muốn dành chương này cho một dụ ngôn được chính Đức Giêsu đã kể cách đây hai ngàn năm: Trước hết, ngài lược sơ qua bối cảnh, tiếp đến, ngài giải thích ý nghĩa, rồi rút ra một bài học cho mọi người thiện chí.

Câu chuyện dụ ngôn, chúng ta đã thuộc nằm lòng, khỏi cần nhắc lại, chỉ cần tập chú vào những suy tư của Đức Giáo hoàng Phanxicô: Nạn nhân là người Do Thái, bị kẻ cướp đánh trọng thương, nằm bên lề đường, từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Có ba nhân vật đi qua đó: là hai vị tư tế Do Thái và một người Samaritanô. Hai vị tư tế chỉ liếc qua nạn nhân rồi tiếp tục cuộc hành trình, duy người dân ngoại Samaritanô đã chạnh lòng thương. Ông ta nhảy xuống ngựa, chạy đến săn sóc chu đáo và còn gửi gắm nạn nhân cho một chủ quán chăm sóc dùm cho đến khi ông ta trở về.

Đức Giáo hoàng mô tả thật sống động năm vai trong câu truyện dụ ngôn: Đó là tên cướp, nạn nhân người Do Thái, hai vị tư tế, và cuối cùng là người Samaritanô nhân hậu. Tiếp đến, Đức Giáo hoàng đối chiếu từng vai diễn, với con người xã hội hôm nay, đặc biệt là đối với chúng ta.

Ngài đưa ra câu hỏi: Bạn giống nhân vật nào trong dụ ngôn trên?

Nhìn vào xã hội hôm nay, hình ảnh của tên cướp với cảnh trấn lột và gây thương tích không phải là họa hiếm. Ngoài ra, những người đạo đức có chức phận trong hàng giáo sĩ phần nào giống hai thầy Lêvi chăng?  Người ta đạo đức trong nhà thờ, nhưng lại vô cảm đối với người đồng loại đang gặp khổ đau, vì sợ liên lụy, hay sợ mất thời gian, v.v…

May thay, theo Đức Giáo hoàng, qua hai nghìn năm lịch sử, con số những người Samaritanô nhân hậu cũng không phải là ít. Thánh Martino thành Tours chẳng hạn, khi còn là người ngoại đạo, đã cắt áo choàng của mình tặng cho người đang rét run bên vệ đường; Mẹ thánh Têrêxa thành Calcutta, thánh Vinh Sơn Phaolô, và muôn vàn bàn tay nhân ái khác cũng luôn có đó! Họ mang tâm tình của Đức Kitô. Đức Giáo hoàng khẳng định: “Ngày nay, chúng ta có thời cơ thuận tiện để chứng tỏ rằng tự bản chất chúng ta là anh chị em với nhau, để trở thành những người Samaritanô tốt lành nhận về mình nỗi đau của người khác, thay vì kích động hận thù và oán giận. Tựa như người bộ hành trong dụ ngôn tình cờ đi qua, chúng ta chỉ cần để mình được thúc đẩy bởi ước muốn tự nhiên, trong sáng và đơn giản, là làm nên một dân tộc, là miệt mài dấn thân giúp cho người quỵ ngã bên đường được đón nhận, được hội nhập và được nâng dậy; mặc dù nhiều lần chúng ta cảm thấy hết chịu nổi, muốn dùng đến lý lẽ của những kẻ ưa bạo lực, nuôi tham vọng mù quáng, chuyên gieo rắc ngờ vực và dối trá. Mặc cho bao người khác vẫn tiếp tục xem chính trị hoặc kinh tế như vũ đài để tranh giành quyền lực. Còn chúng ta, hãy cổ võ thiện ích và hãy phục vụ thiện ích!” (số 77).

Chương III: Dự phóng và kiến tạo một thế giới mở

Theo Đức Giáo hoàng, suy tư của chúng ta cần đặt nền tảng trên xác tín này: “Con người được dựng nên cho tình yêu” (số 88).

Đúng vậy, con người được chia sẻ bản tính thần linh (x. 2Pr 1,4), mà bản tính thần linh chính là yêu thương (x. 1Ga 4,8). Vì thế, xây dựng một thế giới huynh đệ, một thế giới luôn rộng mở, hướng về tha nhân, là một nhu cầu căn bản của con người.

Nhưng bằng cách nào? Thưa, trước hết phải thực hiện một cuộc Vượt Qua. Đây là lời khẳng định của Đức Giáo hoàng: “Người biết yêu thương ‘đi ra khỏi mình’ (xuất hành) để tìm thấy một hiện hữu viên mãn hơn nơi một người khác” (số 88). Vì thế, “con người luôn luôn phải đảm nhận thách đố vượt qua chính mình” (số 88). Đó là bước một của cuộc Vượt Qua. Bước thứ hai là vượt ra khỏi những gì đang giam hãm mình. Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định: “Tôi cũng không thể giảm đời sống mình xuống tới mức chỉ còn tương quan với một nhóm nhỏ, thậm chí chỉ với gia đình mình” (số 89). Quả thật, tình yêu trưởng thành và tình bạn đích thực chỉ có thể cắm rễ trong những trái tim mở ra để lớn lên, xuyên qua các mối tương quan với người ở ngoại biên.

Đức Giáo hoàng không quên ca ngợi truyền thống đan tu: Hẳn thật mặc dù các đan sĩ cắm dùi trong nơi hoang vắng, như các Đan viện Biển Đức chẳng hạn, họ đã mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người, bất kể giàu hay nghèo, tự do hay nô lệ, nam nhân hay nữ giới… Đó là lòng hiếu khách mang đậm tình bác ái. Đức ái quả thật chi phối và hướng dẫn mọi tương giao huynh đệ (x. số 90). Người có bác ái luôn trân trọng tha nhân, nghĩa là coi tha nhân là đối tượng quý giá đối với họ. Việt Nam ta có từ “yêu quý”, diễn tả cách chính xác tư tưởng này. Đúng vậy người ta chỉ yêu khi đánh giá cao đối tượng được yêu.

Ở đây, Đức Giáo hoàng lưu ý chúng ta về một thứ tình yêu đại đồng nhưng giả hiệu. Ngài viết: “Người ta sẽ rất sai lạc khi nghĩ rằng mình chỉ cần chu du ra nước ngoài, hoặc có tinh thần hướng ngoại và bài nội là đã đại đồng! Tình yêu đại đồng không hệ tại ở địa lý, nhưng ở trái tim, một trái tim rộng mở”.

Quả thật, từ một trái tim rộng mở xuất phát tình yêu đại đồng. Nét đặc thù của nó là sự “liên đới”, Đức Giáo hoàng viết: “Sự liên đới, được biểu lộ cụ thể trong việc phục vụ, có thể có những hình thức rất khác nhau trong trách nhiệm chăm lo cho người khác… Phục vụ luôn nhìn đến khuôn mặt của họ, chạm vào da thịt của họ, cảm nhận gần gũi với họ đến mức, đôi khi, phải chịu lấy “nỗi đau” và cố gắng cải thiện tình cảnh của họ” (số 115).

Chương IV: Một trái tim mở ra cho toàn thế giới

Đọc kỹ chương này, chúng ta nhận ra chủ ý của vị Cha chung là cổ võ các dân nước mở rộng vòng tay đón nhận những người xin nhập cư. Việc nhập cư dù với lý do nhân đạo nào chăng nữa cũng cần được cứu xét. Việc đón nhận này phải xuất phát từ xác tín: “Mọi người là anh chị em của nhau” (số 128).

Dĩ nhiên, điều lý tưởng là nên tránh những cuộc di cư không cần thiết; điều này đòi phải tạo ra nơi các nước nguyên quán những điều kiện cần thiết cho một đời sống có phẩm giá, khả dĩ đạt tới sự phát triển toàn diện.

Nhưng trước khi có được những tiến bộ thiết yếu để đạt được mục tiêu lý tưởng này, chúng ta buộc phải tôn trọng quyền của mọi cá nhân, là tìm được một nơi chốn đáp ứng các nhu cầu căn bản của họ và của gia đình họ. Ở đó, họ có thể tìm thấy sự hoàn thành con người của mình. Sự đáp trả của chúng ta, khi những người nhập cư đặt chân đến, có thể được đúc kết bằng bốn từ: tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập.

Những con người khác nhau, đến từ những cảnh đời và văn hóa khác nhau, có thể trở nên quà tặng, bởi vì “chuyện di dân cũng là chuyện gặp gỡ giữa con người và văn hóa: đối với cộng đồng và xã hội tiếp nhận họ, di dân mang đến cơ hội để mọi người được giàu thêm kinh nghiệm và để phát triển con người toàn diện” (số 133).

Nếu việc tiếp nhận này xuất phát từ bác ái, nó đòi hỏi nơi phía tiếp nhận một tinh thần vô vị lợi. Tinh thần này làm cho người ta có thể tiếp đón người lạ, ngay cả khi điều này không đem lại cho họ lợi ích cụ thể tức thời nào. Thế nhưng, rất tiếc một số quốc gia sau thế chiến thứ hai lại chủ trương chỉ đón nhận các nhà khoa học hay các nhà đầu tư mà thôi!

Thật đáng buồn cho đời sống huynh đệ mà không có tinh thần vô vị lợi, nó sẽ trở thành một hình thức thương mại lạnh lùng, trong đó người ta thường xuyên cân nhắc điều mình cho đi và điều mình nhận lại. Như thế không còn là bác ái theo nghĩa Kitô giáo nữa, nhưng đây là não trạng đang chi phối chính trị thế giới. Trong chương tiếp theo đây, Đức Giáo hoàng sẽ bàn thêm về điểm này.

Chương V: Một nền chính trị tốt đẹp hơn

Chính trị, theo quan niệm đương thời, được coi như một đường lối mưu mô và bạo lực – ruse et force (Tổng thống De Gaulle). Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Phanxicô lại có một cái nhìn khác tích cực hơn về chính trị. Ngài viết: “Đối với nhiều người hôm nay, chính trị là một từ gây kinh tởm, thường do những sai lầm, tham nhũng và thiếu hiệu năng của một số chính khách. Ngoài ra, cũng có những cố gắng để hạ giá chính trị, thay thế nó bằng kinh tế hoặc ép nó vào một ý thức hệ nào đó” (số 176).

Tuy nhiên, phải chăng thế giới chúng ta có thể vận hành mà không có chính trị? Phải chăng có một cách thế hữu hiệu để phát triển tình huynh đệ phổ quát và hòa bình trong xã hội mà không cần một đời sống chính trị lành mạnh?

Vậy đâu là thứ chính trị chúng ta cần tới? Đức Giáo hoàng trả lời: “Tôi kêu gọi một sự trân trọng mới mẻ đối với chính trị, hiểu như ‘một ơn gọi cao quý và là một trong những hình thức cao nhất của bác ái, trong mức độ nó tìm kiếm thiện ích chung” (số 180).

Nhưng căn cứ vào đâu để khẳng định: chính trị là hình thức cao nhất của bác ái? Qua đây, chúng ta hãy nghe ngài phân giải: “Đức ái chính trị nhìn nhận rằng mọi người là anh chị em của nhau, và tìm kiếm các hình thức thân hữu xã hội bao gồm mọi người, đó không chỉ là một lý tưởng. Nó đòi hỏi một sự dấn thân có tính quyết định để phác họa những phương tiện hữu hiệu cho mục đích này. Mọi cố gắng theo chiều hướng này sẽ là một thực thi bác ái rất cao quý. Đành rằng các cá nhân có thể giúp đỡ những gì người khác đang cần, nhưng khi các cá nhân liên kết với nhau khởi động các tiến trình xã hội để mưu cầu tình huynh đệ và công lý cho tất cả, thì đó là họ đi vào ‘lãnh vực bác ái rộng lớn nhất, gọi là bác ái chính trị’” (số 180).

Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, thì bác ái là tổng hợp của toàn thể Lề Luật (x. Mt 22,36-40). Điều này có nghĩa là nhìn nhận rằng “tình yêu, chảy tràn với những cử chỉ nhỏ diễn tả sự quan tâm lẫn nhau, thì cũng có ý nghĩa công dân và chính trị, vì nó thể hiện nơi mọi hành động nhằm xây dựng một thế giới đại đồng. Vì thế, bác ái tìm cách diễn tả không chỉ trong những mối tương quan gần gũi và mật thiết, mà còn trong “những tương quan vĩ mô: xã hội, kinh tế và chính trị” (số 181).

Nói tóm lại: “Bác ái xã hội làm cho chúng ta yêu quý thiện ích chung’, nó thúc đẩy chúng ta tìm kiếm một cách hiệu quả sự tốt lành cho mọi người, được nhìn không chỉ như những cá nhân hay những ngôi vị riêng biệt, mà còn trong chiều kích xã hội liên kết họ với nhau” (số 182).

Để đặt chấm kết cho chương này, thiết nghĩ cần ghi nhận những câu hỏi Đức Giáo hoàng Phanxicô đề ra cho mỗi người sau đây: “Có bao nhiêu tình yêu, tôi đã đặt vào công việc của mình?”; “tôi đã làm gì cho sự tiến bộ của dân tộc mình?”; “tôi đã để lại dấu ấn gì trong đời sống xã hội?”; “tôi đã tạo ra những mối gắn kết thực sự nào?”; “tôi đã tác động được những lực tích cực nào?”; “tôi đã gieo được bao nhiêu sự bình an trong xã hội?”; “tôi đã đạt được những điều tốt đẹp nào trong chức vụ được trao cho tôi?” (số 197).

Thông điệp còn dài, nhưng xin chấm kết nơi đây, vì khuôn khổ các bài viết trong tập san. Người viết đã hết sức cố gắng để rút gọn nội dung Thông điệp Fratelli Tutti, nhưng như thế, không thể làm đúng bổn phận là giúp quý độc giả nắm bắt ý nghĩa. Mong gặp lại bạn kỳ tới!

MỘT ĐI CHUNG CÙNG NHAU

Án Khảm

I. Nguy cơ thời đại

Chúng ta đang sống trong một thời đại thay đổi chóng mặt. Những biến chuyển về xã hội, chính trị, kinh tế thế giới chưa từng có. (Vd: Đại dịch Covid-19, Phong trào Black Lives Matter, Công nghị Giáo hội Đức, Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc…). Xu hướng toàn cầu hoá cộng thêm những tiến bộ về khoa học, đặc biệt trong lãnh vực công nghệ thông tin, cuốn theo những biến đổi trong đời sống con người. Từ sinh hoạt cá nhân đến thái độ ứng xử giao tiếp trong xã hội. Từ suy nghĩ đến hành động. Từ chuẩn mực xã hội đến những lựa chọn ưu tiên. Từ nhận thức đến lượng giá sự việc. Từ đời sống gia đình đến đời sống cộng đoàn. Từ đời sống tông đồ đến đời sống chiêm niệm.

Những biến chuyển quá nhanh và quá mãnh liệt đó có thể đưa đến nguy cơ đổ vỡ trầm trọng. Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức thánh cha Phanxicô ghi nhận ba nguy cơ.

  1. Mất ký ức

Trong thời đại nông nghiệp ổn định mọi giá trị quy về quá khứ. Các bậc tiền nhân đã đặt ra những chuẩn mực lý tưởng. Con người cứ theo đó mà hành xử.

Nhưng trong thời đại công nghiệp và công nghệ thông tin mọi thứ hướng về tương lai. Những ảnh hưởng của nếp sinh hoạt mới cuốn cả thế giới vào vòng xoáy mãnh liệt của nó. Cách đây 20 năm thôi ta không thể tưởng tượng được sao chỉ bấm một nút là có thể kết nối đến người ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Cách đây 10 năm ta chưa nghĩ đến, khi nói chuyện qua điện thoại, lại có thể nhìn thấy nhau, dù cách xa nhau vạn dặm.

Công nghệ mới vừa hấp dẫn vừa thúc đẩy ta chạy đuổi theo chúng. Ham thích những điều mới lạ khiến cho mọi người, nhất là giới trẻ, như lao mình vào tương lai. Không biết điều gì đang chờ đợi ở phía trước. Vì thế không xác định được hướng đi. Không định hình được đời sống. Và nhất là không có chuẩn mực nào.

Đức thánh cha Phanxicô cảnh báo có một thế lực xúi giục người ta quên đi lịch sử và quá khứ để dễ thống trị và thao túng mọi người, nhất là giới trẻ, làm theo ý họ.  Chỉ đuổi theo tương lai, con người dễ quên đi quá khứ. Đánh mất ký ức. Từ ký ức lịch sử đến ký ức văn hoá. Từ ký ức phong tục truyền thống đến ký ức tôn giáo sâu xa. Quên lãng “những kho tàng nhân bản và tâm linh thừa hưởng từ các thế hệ đi trước… không ý thức gì về mọi sự đã xảy ra trước mình”.[33] Không nhớ người đi trước đã làm gì. Không ý thức những gì mình thừa hưởng hôm nay là kết quả của biết bao công lao khó nhọc của tiền nhân. Và như thế không còn nhớ nguồn gốc của mình. Tương lai chưa biết trước. Quá khứ bị lãng quên. Con người ngày nay lơ lửng. Đầu chẳng chạm trời. Chân chẳng chạm đất. Thật quá bấp bênh.

2. Suy yếu cộng đoàn

Thế giới ngày càng trở nên gần gũi với xu hướng toàn cầu hoá. Với phương tiện chuyên chở hiện đại, và đặc biệt với mạng internet, thế giới đã trở nên một ngôi làng. Thế nhưng thật trái ngược. Toàn cầu hoá lại chỉ tạo nên những người hàng xóm chứ không tạo nên một gia đình có tình huynh đệ[34]. Vì toàn cầu hoá thường chỉ trong lãnh vực thương mại. Chỉ đến với nhau để làm ăn buôn bán. Tạo nên những mối quan hệ dựa trên lợi nhuận.

Thật nghịch lý, chưa bao giờ con người có thể gần gũi nhau như bây giờ. Nhưng cũng chưa bao giờ con người lại xa nhau như hiện nay. Mạng internet có thể đưa những người ở rất xa về gần. Nếu ở trong vùng phủ sóng. Nhưng cũng có thể đẩy những người gần gũi ra xa muôn dặm. Nếu ở ngoài vùng phủ sóng. Sống ảo khiến con người đánh mất cuộc sống thực. Gặp gỡ ảo giết chết tình thân. Người ta thường đưa ra hình ảnh một bữa cơm gia đình. Trong đó mọi người ngồi cùng bàn. Nhưng không ai nói với ai. Vì mỗi người đều bận rộn với điện thoại của mình.

Thêm vào đó tự do và cá nhân chủ nghĩa được đề cao. Nên tinh thần cộng đoàn sẽ suy yếu. Nghĩ quá nhiều về bản thân sẽ thờ ơ lãnh đạm với người khác. Kể cả những người thân yêu nhất. Đuổi theo công việc sẽ ít có thời giờ cho gia đình. Chạy theo thành đạt và hiệu quả sẽ sao nhãng bổn phận với cộng đoàn.

  1. Vất bỏ

Vấn đề rác thải đang là vấn đề lớn trong các nước phát triển. Vì người ta vất bỏ quá nhiều. Vất bỏ thực phẩm dư thừa và hết hạn. Vất bỏ quần áo, giầy dép lỗi thời. Vất bỏ đồ đạc và máy móc đã rớt đời. Nhưng nguy hiểm nhất là thói quen tiêu thụ, mua sắm, thời thượng đang tạo nên một văn hoá vất bỏ. Không còn phải là những hành động ngẫu nhiên rời rạc nữa. Nhưng đã trở thành một thói quen. Một nếp sống. Một văn hoá. Văn hoá vất bỏ. Người ta sẵn sàng vất bỏ những gì không thích. Dư thừa. Hoặc chỉ giản đơn là không phù hợp. Hoặc vướng bận. Từ đó tạo thành một nếp nghĩ. Một thái độ ứng xử. Nguy hiểm nhất là từ vất bỏ đồ vật dẫn đến vất bỏ con người và những giá trị thiêng liêng cao quý. Vất bỏ những đồ dùng khiến ta không thoải mái. Rồi sẽ vất bỏ những truyền thống xưa cũ có vẻ  cổ hủ. Rồi sẽ vất bỏ những người khiến ta phải bận tâm, bận bịu. Không những không đem lại lợi nhuận mà còn cản trở ta trong hiệu quả và thành đạt. Vất bỏ người già. Vất bỏ người bệnh. Vất bỏ thai nhi. Vất bỏ gia đình. Vất bỏ cộng đoàn. Cho mục tiêu cá nhân. Cho lợi ích riêng tư. Vì quyền lợi một nhóm nhỏ lợi ích[35].

Thật là những nguy cơ trầm trọng đang tàn phá con người, huỷ diệt thế giới. Đáng sợ nhất là tất cả những thái độ đó thâm nhập cả vào các cộng đoàn tu trì. Ảnh hưởng cả trên đời sống tâm linh. Chi phối cả những giá trị thiêng liêng.

Hãy thử nhìn lại đời sống đan tu nói chung. Và đặc biệt Hội dòng Xitô Thánh Gia nói riêng. Về ký ức lịch sử. Trong những năm qua mỗi nhà đều có xuất bản sách. Sáng tác và dịch thuật. Nhưng hiếm có quyển nào nói về linh đạo đan tu. Riêng về Cha tổ phụ Biển Đức Thuận. Chúng ta đã kỷ niệm Bách chu niên lập Dòng. Nhưng sách viết về ngài vỏn vẹn chỉ có hai quyển: Hạnh Tích của viện phụ Emmanuel Triệu và luận án tiến sĩ của viện phụ Gioan Thánh Giá. Quá mỏng phải không?

Về suy yếu cộng đoàn. Điều này hơi khó nói. Nói về số lượng có lẽ đã tăng lên nhiều chục lần. Nhưng về tinh thần? Ta hãy thử so sánh tinh thần cộng đoàn hiện tại với tinh thần cộng đoàn tiên khởi được sống với Cha tổ phụ. Chắc chắn sẽ nhận ra nhiều khác biệt.

Về vất bỏ. Có lẽ chưa đi đến chỗ vất bỏ thẳng tay. Nhưng có nhiều giá trị bị coi thường. Chưa được trân trọng đúng mức. Hoặc đang đi vào lãng quên. Ví dụ: Chúng ta đã có nhiều ban như Phụng vụ Thánh nhạc, Hiến pháp, Thói lệ. Nhưng hình như chưa có ban nghiên cứu Linh đạo đan tu, đặc biệt linh đạo Xitô.

Trong tình hình đó chúng ta phải sống thế nào? Không thích nghi không thể sống trong hiện tại. Nhưng nếu chạy theo xã hội, ta có nguy cơ đánh mất căn tính của mình. Phải thích nghi. Chắc chắn rồi. Nhưng phải trung thành với căn tính. Nếu không ta sẽ chẳng còn là chính ta. Vất bỏ thì rất dễ. Giữ gìn mới khó. Điều này đòi hỏi nhiều cố gắng. Nhiều suy tư. Nhiều chắt lọc. Nhiều phân định.

Tổng Hội chính là một dịp thuận tiện để chúng ta cùng nhau cầu nguyện xin Chúa soi sáng. Cùng nhận định những thực tế. Cùng đưa ra những phân định. Và cùng lựa chọn những quyết định. Sao cho mọi quyết định phù hợp thánh ý Chúa. Phù hợp thời đại. Nhưng vẫn giữ được truyền thống của tổ tiên trong đời sống đan tu. Đặc biệt trung thành với giáo huấn và nề nếp mà Cha tổ phụ Biển Đức Thuận đã tâm huyết xây dựng và truyền lại cho chúng ta.

Khi không biết đi đâu, hãy trở về điểm xuất phát. Khi lạc lõng giữa ngã ba đường, hãy quay về nhà. Khi vong thân, phải trở lại với chính mình. Muốn xây nhà cao, phải xây nền móng kiên cố. Tựa trên nền móng vững chắc, ngôi nhà mới đứng vững qua giông tố bão táp. Cây càng đâm rễ sâu càng phát triển lớn mạnh. Vậy chúng ta hãy quay về nhà. Hãy gia cố nền móng ngôi nhà. Hãy trở về với cội rễ của mình. Hãy đâm rễ sâu trong nguồn mạch của tổ tiên. Chính vì thế Giáo hội luôn mời gọi ta: “Xuất phát lại từ Đức Kitô[36]. Hãy trở về với “đoàn sủng của Đấng sáng lập[37]… Đó là nền tảng cho mọi nhận định, mọi phân định, mọi dự định, và mọi quyết định của chúng ta.

II. Trở về

Nguồn cội mời gọi chúng ta tiến hành ba cuộc trở về.

  1. Trở về với Cha

Ngay trong Lời mở đầu của Tu Luật, thánh phụ Biển Đức đã mời gọi chúng ta hãy trở về. “Trở về với Đấng con đã xa lìa vì ươn ái bất tuân”.[38] Vào đan viện là một cuộc trở về. Đặc biệt lời khấn “Canh Tân” càng khiến đan sĩ phải là người không ngừng trở về. Theo đức Tổng phụ Giuseppe Mauro Lepori, trong một lần viếng thăm Đan Viện Châu Sơn Nho Quan, giải thích rằng: Lời mời gọi của thánh phụ Biển Đức được hiểu là cuộc trở về của đứa con hoang đàng. Đã bỏ cha. Nay trở về với cha. Đứa con hoang đàng là tiêu biểu cho con người hôm nay. Muốn tự do. Muốn hưởng thụ. Muốn tự quyết. Nó cho rằng người cha là cản trở. Nó muốn tự do tự tung tự tác. Nhưng sự hiện diện của người cha khiến nó cảm thấy bị khống chế. Không được làm điều nó thích. Nó muốn hưởng thụ tất cả mọi thú vui trên đời. Nhưng sự hiện diện của người cha khiến nó không được thoả mãn. Nó muốn tự quyết lấy đời mình. Nhưng cha còn đó, nó phải sống dưới bóng của cha. Lại còn người anh cả còn đó. Làm sao nó có thể qua mặt anh.

Thế là nó quyết định bỏ nhà ra đi. Xa bóng ảnh hưởng của người cha. Xa áp lực chi phối của người anh. Đuổi theo khát vọng cá nhân. Hy vọng có thể được hạnh phúc. Nhưng không ngờ rời cha nó mất tất cả. Muốn tự do không còn bị gia đình tổ tiên truyền thống khống chế. Nhưng nó lại trở thành nô lệ tồi tệ. Muốn hưởng thụ mọi thú vui trên đời. Không ngờ cuối cùng nó chỉ thấy đau khổ tủi nhục cay đắng. Muốn tự mình quyết định đời mình. Không ngờ nó bị lệ thuộc không những cả cuộc đời mà còn cả đến cơm ăn áo mặc cũng bị người khác kiểm soát, hạn chế. Nó đành phải nghĩ đến trở về. Không gì bằng nhà của cha.

Và lạ lùng chưa. Khi trở về nhà cha nó lập tức có tất cả. Đang đói khát lại được ăn tiệc thịt bê béo. Đang rách rưới lại được mặc áo mới. Đang bẩn thỉu lại được tắm rửa. Chân không bỗng được xỏ giầy. Tay suông lại được đeo nhẫn. Đang bị bạc đãi bỗng được yêu thương, được cha ôm chầm và hôn lấy hôn để. Đang bị khinh miệt hắt hủi bỗng được gia nhân hầu hạ. Đang buồn bã lại có dàn nhạc đến giúp vui. Phẩm giá đang bị hạ thấp xuống tận bùn đen bỗng được nâng lên, được kính trọng vì thuộc hàng thiếu gia, quí tử của đại gia tỷ phú.

Giờ đây nó cảm nhận được cha là tất cả. Trong nhà cha có tất cả. Bỏ nhà cha ra đi là mất tất cả. Về nhà cha nhận lại được tất cả. Những gì thế gian, dục vọng, ích kỷ cá nhân ban cho nó chỉ là thứ cám heo tồi tệ hèn hạ dơ bẩn nhất. Những gì được hưởng trong nhà Cha là linh thiêng tinh tuyền và cao quý nhất.

  1. Trở về với chính mình

Khi đánh mất chính mình ta đánh mất tất cả. Cần phải trở về chính mình. Về với căn tính của người đan sĩ. Đan sĩ nguồn gốc từ tiếng Hy lạp MONACHOS. Với tiếp đầu ngữ MONO có nghĩa là đơn độc. Đan sĩ là đơn độc. Vì tách rời khỏi tất cả. Không dính bén vào tạo vật. Không lệ thuộc vào tạo vật. Không yêu mến tạo vật. Siêu thoát khỏi tạo vật.[39]

Đơn độc cũng có nghĩa là chỉ quy hướng về một mình Thiên Chúa. Thánh tổ Théodore định nghĩa: đan sĩ là con người chỉ nhìn một mình Chúa mà thôi, chỉ khao khát một mình Chúa mà thôi, chỉ hướng lòng về một mình Chúa mà thôi và chỉ muốn phụng sự một mình Chúa mà thôi.[40]

Như thế đan sĩ cũng là thống nhất. Khi siêu thoát tất cả, không còn bị tạo vật phân tán. Nhờ đó có thể kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Và khi kết hợp nên một với Thiên Chúa, đan sĩ trở nên con người thống nhất. Đó chính là định nghĩa của thánh Tôma tiến sĩ: Monachus là thống nhất đối nghịch với phân tán[41].

Chính tạo vật làm cho tâm hồn phân tán. Đối kháng. Gây nên bất nhất. Như thánh Phaolô đau đớn thú nhận: Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,19-24).

Khi siêu thoát khỏi mọi dính bén tạo vật, đan sĩ trở nên thống nhất. Thống nhất trong một thể trong suốt. Không vẩn đục chút dính bén trần gian. Thống nhất trong trật tự: linh hồn tuân phục Thiên Chúa. Thân xác tuân phục linh hồn. Vũ trụ tuân phục con người.

Cũng như thánh Phaolô, sau khi siêu thoát mọi dính bén trần gian, đã nên một với Chúa Kitô. Nên ngài nói: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,7-8).

Được Chúa Kitô là mối lợi tuyệt vời không gì so sánh được. Nhờ đó, thánh Phaolô nên một với Chúa Kitô. Chỉ sống và chết cho Chúa: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20).

Và thật lạ lùng. Khi siêu thoát tất cả thì ta lại liên kết với tất cả. Khi con người đạt đến thống nhất trong chính mình. Con người hiệp thông với Thiên Chúa. Và trong Chúa hiệp thông với cả nhân loại. Thánh Phaolô nói: Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người Với người Do Thái, tôi đã trở nên Do Thái... Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật Tôi đã trở nên yếu với những người yếu Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,19-22).

Thánh Phanxicô Assisi đã đạt đến cảnh giới đó. Ngài đã nên một với Chúa Kitô, đã được in năm dấu thánh như Chúa. Nên có thể coi mọi người là anh em. Còn hơn thế nữa, ngài hiệp thông với cả vũ trụ. Coi tất cả là anh chị em. Nên ngài có thể gọi “anh Mặt Trời, chị Mặt Trăng, anh Gió, chị Nước, chị Đất, và cả chị Chết nữa”.

Cha Placido Trạch là một kiến trúc sư đại tài đã thiết kế ngôi nhà nguyện Đan viện Châu Sơn Nho Quan. Khi xây ngôi nhà nguyện này, ngài không chỉ xây dựng một ngôi nhà thờ đẹp. Nhưng còn đậm chất đan tu. Chỉ việc lót gạch nền nhà thôi, ngài cũng trình bày được tiến trình đời đan tu. Đó là độc nhất và thống nhất.

Thánh giá lớn ở giữa nhà thờ là trung tâm của đời sống đan sĩ. Đó là mục tiêu người đan sĩ phải luôn tìm về và hướng đến. Là đối tượng duy nhất để yêu mến. Để không lấy gì làm hơn Chúa Kitô.

Thoạt tiên con người bị tạo vật lôi cuốn nên phân tán. Vì thế thánh giá tản mác khắp nơi. Nếu mỗi thánh giá là một tình yêu thì tình yêu chập chững của người mới vào tu chỉ tản mạn, manh mún. Bị tạo vật chia sẻ, bẻ gãy. Khi yêu khi không. Cuộc sống là một cuộc chiến đấu không ngừng và rất vất vả. Nhưng với cố gắng siêu thoát, đan sĩ tiến dần đến độc nhất và thống nhất. Nửa dưới nhà thờ là cuộc thống nhất đầu tiên. Thánh giá đã thu lại tại trung tâm đời sống. Tuy nhiên chưa trọn vẹn, vì vẫn còn ngả nghiêng.

Đến sát cung thánh, khi đan sĩ đi đến hoàn thành cuộc sống đan tu, sẽ là cuộc thống nhất trọn vẹn. Thánh giá nằm ngay ngắn giữa trung tâm đời sống. Đan sĩ đã hoàn toàn nên một với Chúa. Không còn tạo vật nào có thể chi phối cuộc kết hợp với Thiên Chúa. Thánh giá trở thành một bông hoa vì tình yêu kết hợp với Chúa đã đem lại hạnh phúc không thể tả xiết cho người đan sĩ. Tuy vẫn còn đó những gai nhọn đau khổ. Nhưng trong đau khổ gai đã nở hoa. Trong tình yêu đau khổ, trở nên hạnh phúc. Như thánh Gioan Thánh Giá viết trong Ngọn Lửa Tình Nồng:

Ôi ngọn lửa tình nồng
Thì ra Người đã
Đốt giữa lòng em
Vết phỏng thật êm ái

…………………………….

Ôi Người vừa giết em
Vừa đổi chết thành sống kìa[42]

Khi đó đan sĩ đã sẵn sàng tiến bước vào cung điện Nhà Chúa. Bước lên cung thánh có hàng chữ PAX nói lên bình an hài hoà vì đã thống nhất được đời sống. Thống nhất trong chính mình. Thống nhất với Thiên Chúa. Thống nhất với vũ trụ. Bước lên cung thánh để sống hiệp thông hài hoà với Thiên Chúa, với các thiên thần các thánh, với anh em, với cả vũ trụ.

Thật lạ lùng. Khi muốn nắm giữ tất cả thì lại mất tất cả. Khi siêu thoát tất cả thì lại được tất cả. Đó là con đường Chúa Giêsu Kitô đã đi qua. Chúa Giêsu đã từ bỏ tất cả. Ba cơn cám dỗ trong sa mạc nói lên Chúa Giêsu siêu thoát tất cả mọi dính bén trần gian. Khi từ bỏ mình hoàn toàn để làm theo ý Chúa Cha. Nhưng Thiên Chúa Cha lại đem tất cả đặt dưới chân Người. Như lời thư Côrintô: Thật vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Mà khi nói “muôn loài”, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.” (1Cr 15,25-28).

Đan sĩ cũng thế. Khi từ bỏ tất cả ta được Chúa Kitô. Chúa Kitô là tất cả. Như lời thư thứ 1 Côrintô: “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa (1Cr 3,22-23).

Khi từ bỏ tất cả ta đạt tới Chúa Kitô. Khi đạt tới Chúa Kitô ta thống nhất với tất cả mọi người, mọi vật, trong Chúa. Như lời thư Êphêsô: “Nhờ đó, các thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,12-16). 

Từ bỏ tất cả. Nhưng được Chúa. Và trong Chúa lại có tất cả và hoà hợp với tất cả. Đó là độc nhất và thống nhất.

  1. Trở về với gia đình

Khi chọn Thánh Gia làm bổn mạng của Hội Dòng, cha Biển Đức Thuận đã muốn cho các đan sĩ sống thành gia đình. Lấy tình bác ái huynh đệ làm cốt lõi của cộng đoàn.

Gia đình là cộng đoàn tự nhiên sơ khởi của nhân loại. Con người tự nhiên gắn bó vì cùng chung huyết thống. Máu chảy ruột mềm. Khi tạo dựng người nữ, Chúa đã lấy xương thịt của người nam. Để tạo thành một gia đình. Gia đình là một xương một thịt. Một thân thể. Như Adam khi gặp Eva đã thốt lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Bởi thế: “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Con cái sinh ra cũng bởi xương thịt của cha mẹ. Vì thế gia đình là một thân thể. Gắn bó với nhau.

Gia đình là cộng đoàn yêu thương. Thư Êphêsô dạy: Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng. Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 5,226,3).

Gia đình là cộng đoàn sinh mệnh. Sống chết có nhau. Cùng trên một con thuyền. Cùng rời bến. Cùng cập bến. Cùng sóng gió. Cùng gian nan. Cùng sống. Cùng chết. Không ai thoát ra một mình được. Chỉ còn một cách là chung tay góp sức vượt qua bão gió.

Tinh thần gia đình được Cha tổ phụ Biển Đức Thuận ôm ấp, suy tư, chắt lọc đã lâu. Suốt đời xây dựng. Và đến giây phút cuối còn trối lại cho con cái trong lời MỘT ĐI CHUNG CÙNG NHAU.

III. Một đi chung cùng nhau

Ai cũng biết lời trối thật quan trọng.

Quan trọng vì là lời cuối cùng của tổ tiên. Lời cuối là di ngôn. Là lời vàng ngọc. Trong những di sản tổ tiên để lại thường có di vật và di ngôn. Di vật cũng quý. Nhưng di ngôn quý hơn bội phần. Di vật là vật chất. Di ngôn là tinh thần. Di vật là quá khứ. Di ngôn là hiện tại. Di vật chạm vào thể xác. Di ngôn rót vào tâm hồn. Di vật là dụng. Di ngôn là tâm. Di vật để tưởng nhớ. Di ngôn để đào tạo. Di vật kêu gọi tình cảm. Di ngôn kêu gọi lý trí. Di vật để yêu. Di ngôn để sống.

Quan trọng vì giây phút cuối, người sắp qua đời không còn nhiều thời giờ. Nên phải chọn lựa nói điều cần thiết nhất. Tâm huyết nhất. Cốt lõi nhất. Những điều cốt lõi của một đời. Cả một đời làm rất nhiều việc. Nhưng đây là việc cần nhất. Khi còn sống đã nói nhiều lời. Nhưng đây mới là lời quan trọng nhất. Khi còn sống đã làm nhiều. Nhưng đây mới là việc quan trọng nhất. Cả một đời tha thiết với cộng đoàn. Ước mong cộng đoàn tồn tại và phát triển. Nên truyền lại bí quyết duy nhất giúp cộng đoàn lớn mạnh.

Vì thế di ngôn lúc lâm chung được tất cả mọi dân mọi nước trên thế giới trân trọng. Coi đó là thiêng liêng. Và người sống có nghĩa vụ phải chu toàn.

Nên lời trối MỘT ĐI CHUNG CÙNG NHAU của Cha tổ phụ Biển Đức Thuận là lời rất quan trọng đối với Hội Dòng Xitô Thánh Gia. Quan trọng vì là lời của cha trối lại lúc lâm chung. Quan trọng vì lời trối đi vào linh đạo gia đình của Hội Dòng. Vậy ta thực hành lời trối này thế nào?

Đi chung cùng nhau là phải sống với nhau. Bạn bè ta tự lựa chọn. Nhưng gia đình là ân huệ Chúa ban. Ta không có quyền lựa chọn. Ta chỉ việc đón nhận và chấp nhận. Hội dòng Xitô Thánh Gia là một gia đình. Ta phải đón nhận và chấp nhận nhau. Không thể chối bỏ anh em. Càng không thể chối bỏ gia đình.

Đi chung cùng nhau là phải làm việc với nhau. Tình yêu thương được biểu hiện qua làm việc. Trong một gia đình ai cũng làm việc. Không phải làm việc cho cá nhân. Nhưng đóng góp vào sự phát triển chung của gia đình. Với thời đại cá nhân chủ nghĩa người ta coi trọng thành đạt cá nhân. Nhưng vào thời xưa người ta coi trọng danh dự gia tộc. Và khi làm việc người ta không chỉ nghĩ đến phát triển bản thân mà còn nghĩ đến danh dự của gia tộc. Khi quan tâm đến sự phát triển chung người ta mới nghĩ đến những công việc chung. Mới cộng tác với nhau. Mới làm việc vì sự phát triển của cả gia tộc. Chẳng hạn chúng ta đã quan tâm đến sự phát triển của từng nhà nhưng chúng ta đã quan tâm đến việc phát triển của cả Hội dòng chưa? Chúng ta đã quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất nhưng đã quan tâm đến việc phát triển linh đạo chưa? Toàn thể Hội dòng đang cần điều gì? Cần xây dựng cơ sở vật chất nào? Và nhất là cần xây dựng tinh thần như thế nào? Làm sao để đào sâu linh đạo? Và làm sao có kế hoạch nhân sự chung để có thể làm những công việc chung, đặc biệt là việc đào tạo và linh đạo? Cần phải ngồi lại. Và làm việc chung với nhau.

  1. Đi chung cùng nhau là hợp nhất với nhau

Antoine de Saint-Exupéry nói: yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng. Nhìn nhau dễ sinh chia rẽ. Vì nhìn nhau sẽ so sánh. Sẽ ghen tị. Sẽ cạnh tranh. Từ đó dẫn đến chia rẽ. Nhìn nhau tầm nhìn sẽ hạn hẹp và thiển cận. Nhìn hẹp và gần sẽ khiến cái tôi lớn lên. Cái tôi càng lớn thì tâm hồn càng nhỏ nhen ti tiện. Tâm hồn càng nhỏ nhen ti tiện càng chia rẽ bất hoà. Nhìn về cùng một hướng sẽ hợp nhất. Khi có chung tầm nhìn, có chung thao thức, có chung việc làm, người ta sẽ hợp tâm, hợp lực và hợp nhất. Nhìn về lý tưởng tầm nhìn sẽ rộng rãi và cao xa. Khung trời rộng mở sẽ mở rộng tâm hồn. Sẽ vươn lên những lý tưởng cao đẹp. Sẽ hướng đến những việc làm quảng đại. Sẽ đạt đến những ích lợi chung lớn lao. Càng nhìn xa thì tâm hồn càng lớn. Tâm hồn càng lớn lên thì cái tôi càng nhỏ lại. Và càng tiến đến hợp nhất.

  1. Đi chung cùng nhau là sống chết với nhau.

Gia đình là một. Đã là gia đình là phải suốt đời gắn bó với nhau. Đã là anh em thì là anh em suốt đời. Sống chết với nhau. Như Cha tổ phụ dạy trong Di Ngôn số 97: “Trong trường hợp có anh em nào qua đời ngoài Đan viện, thì Bề trên hãy liệu sớm muộn đem hài cốt về, để anh em sống yêu nhau thì chết cũng chẳng lìa nhau”. Điều này cũng đã được quy định trong Hiến pháp II,229.

Xin kể lại câu chuyện thầy Fidelis bị cọp bắt ngày 25.05.1952. Sách Hạnh Tích thuật lại. Như đã nói ở phần II, Nhà Dòng có thói quen hàng tháng đi rú chặt củi… Cơm trưa xong các thầy ai nấy tìm nơi yên tĩnh, hoặc nghỉ hay xem sách tuỳ ý. Thường thì ai nấy đến chỗ mình đã chặt củi để khi lên hiệu thì bó củi vác về một nơi. Hôm ấy thầy Fidelis và thầy Giuse rủ nhau đi chặt cây Trầm ná (thứ gỗ cứng để làm giằm cối xay). Thầy Giuse đang chặt, thì thầy Fidelis nói:

– Sao mà em sợ lắm!
– Sợ chi mà sợ, cứ chặt đi,

Thầy Giuse trả lời vừa xong tức thì con cọp vồ thầy Fidelis. Thầy Giuse liền cầm hai chân thầy Fidelis kéo lại và kêu la: “Cọp bắt anh Fidelis …! Cọp bắt…” Các thầy chung quanh, kẻ ngủ, người thức, nghe kêu, hoảng hồn, không biết ngả nào, vì rú cả… Ai nấy cũng la om sòm… Thầy Giuse dành nhau với con cọp được xác thầy Fidelis rồi, thì bỏ đó, chạy ra kêu các thầy để biết lối mà vào…  Khi chạy trở vào thì cọp lại đã tha xác thầy Fidelis đi mất rồi… Ai nấy càng hoảng sợ… sẵn dao rựa, cứ gọng dao hai cái gõ một, thầy gõ thầy kêu, inh ỏi khu rừng, vừa kêu vừa chạy vô tìm; cọp ta cũng thấy thất kinh, đành phải bỏ mồi lại, chạy thoát sau khi đã cõng đi chừng mười thước.

Tìm thấy xác thầy Fidelis, các thầy cấp tốc chặt cây làm “kiệu” sắp hàng khiêng thầy về, vừa đi vừa lần hạt to tiếng, cầu nguyện cho linh hồn thầy, và có ý cho cọp không dám tiếc mồi đuổi theo… mặc lòng, vừa đọc kinh vừa run sợ, về gần nhà rồi mới hoàn hồn.

Cha Bề trên Nhì Gilbert buồn lắm, lễ táng thầy xong, ngài tự ra hình phạt cho mình: “ngồi ăn cơm dưới đất”; Cha Tập sư Silvester cũng bắt chước hình phạt ấy; Song ai mà chả biết cả hai ngài không có lỗi chi. Mọi sự do Thánh ý Chúa. Thầy Fidelis là con mồ côi, nhà con trẻ Phước Viện Quảng Bình, tính nết đơn sơ thật thà, trung thành giữ luật, nên khi mặc áo Dòng, Cha Tập sư đặt cho tên Fidelis. Song trí khôn kém, học lời khấn lâu thuộc, học trước quên sau, nên thầy lo: nếu không thuộc đủ, không được khấn… đàng khác, thầy mộ mến ơn kêu gọi, thích ở Nhà Dòng lắm, chỉ sợ Nhà Dòng cho về…

Thường khi đi rú làm củi, thì sửa soạn ngày hôm trước, nên thầy Fidelis đã biết, chiều hôm ấy thầy gặp cha giải tội lâu giờ. Thế là thầy đã dọn mình kỹ… ơn Chúa thúc giục thầy.

Được trọn phước nhà Dòng… an táng rồi, các thầy hát kinh “Te Deum” tạ ơn Chúa[43].

Câu chuyện quá đẹp và quá cảm động. Nói lên tất cả đời sống của những anh em lớp đầu tiên được Cha tổ phụ đích thân dạy dỗ. Đã thấm nhuần tinh thần của Cha tổ phụ. Đã sống nếp sống đan tu gương mẫu. Đã sống tình anh em sống chết có nhau. Đó cũng chính là điểm quy chiếu cho chúng ta hiện nay. Ước mong qua đan tu lấy lại được tinh thần của Cha tổ phụ. Và xây dựng được tình hiệp nhất yêu thương trong Hội Dòng. Đó chính là sức sống của chúng ta.

TÌNH BẠN THIÊNG LIÊNG
CỦA THÁNH AELREDO

F Martinô Toàn

Trong tác phẩm Thiệt Giả Giả Thiệt (Saigon 1935) của nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958) có một đoạn nói về tình và nghĩa[44]. Nhân vật ông Phán Thêm vốn đã có tình với cô Phùng Xuân, nhưng ông quyết dùng cái nghĩa mà đối đãi với cô để tạo lập một gia thất. Lấy nghĩa mà lập gia thất cũng đã tạo được một bức tranh tuyệt đẹp, nhưng hạnh phúc chỉ có thể viên mãn khi tình của hai người giao thoa khắng khít.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: con người ta ăn ở phải có tình có nghĩa – đó là đạo lý của Đạo làm người. Khi nói về tình, người ta hiểu nôm na là độ rung cảm của con tim về một người hay một hiện tượng nào đó; còn về nghĩa, thường hiểu là ân nghĩa[45]. Ngay từ khi có ‘tình’ với nhau, cần bắt tay vào xây dựng cái ‘nghĩa’ ngay. Vì nghĩa là ơn do tình mang lại. Nếu ‘tình’ mà không sản sinh ra ‘ơn’ thì tình đó mau cạn kiệt. Nếu nghĩa được xây dựng vững mạnh thì dù tình có vơi do hoàn cảnh, do tuổi tác thì cuộc sống đó vẫn tròn đầy viên mãn. Nghĩa nuôi dưỡng tình, tình xây dựng nghĩa. Nói cách khác, khi đã có tình với nhau, hãy xây dựng tình bạn cho vững mạnh. Tình bạn sẽ nuôi dưỡng tình yêu và tình yêu đẩy mạnh tình bạn. Đó là đại ý tư tưởng của nhà văn Hồ Biểu Chánh và thầy Nhất Hạnh về khái niệm tình và nghĩa trong triết lý của đạo làm người trong khoảng gần 100 năm nay.

Vậy, cũng đạo lý ấy cách nay 9 thế kỷ được thánh Aelredo nói như thế nào?

Thánh Aelredo (1110-1167) là một Đan sĩ Dòng Xitô cũng là Viện phụ Đan viện Rievaulx, Anh quốc, được coi là “chuyên gia về tình bạn thiêng liêng”. Là một sử gia, một nhà văn, ngài có nhiều tác phẩm quan trọng[46]. Là một nhà tu đức, ngài có các tác phẩm nổi tiếng như Gương đức ái (Le Miroir de la charité), Tình bạn thiêng liêng (l’Amitié spirituelle)… Theo ngài, tình bạn xuất phát từ người bạn, người bạn xuất phát từ tình yêu, mà tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa. Theo đó, chúng ta chỉ thấy có hai đối tượng: Thiên Chúa và người bạn; và trong tương quan này các mối liên hệ được gắn kết bằng tình yêu và tình bạn. Cho nên cái đạo làm người (và cả đạo làm thánh) của thánh Aelredo không có gì khác biệt với thời đại chúng ta. Nếu vậy có còn điều gì để mà bàn luận khi hưởng ứng lời kêu gọi của Đức thánh cha Phanxicô trong Thông điệp Fratelli Tutti được ban bố ngày 04.10.2020, bàn về tình huynh đệ và tình bạn trong xã hội ngày nay.

Vì lý do đó, chúng tôi muốn tìm lại học thuyết của thánh Aelredo về tình bạn để một lần nữa cùng với Đức thánh cha Phanxicô tái nhận diện khuôn mặt của thế giới hôm nay đang bị khủng hoảng về tình liên đới xã hội và Kitô giáo, nhằm đề xuất hay khơi gợi một hướng tư duy mới về tình huynh đệ của con người trong hoàn cảnh của thế giới hôm nay.

I. Tư tưởng chủ đạo của thánh Aelredo về tình yêu và tình bạn[47]

Tác phẩm “Tình Bạn Thiêng Liêng” của thánh Aelredo dù chỉ hơn 100 trang, được trình bày làm ba quyển, dưới dạng cuộc đối thoại với một vài đan sĩ đệ tử như Yves (q.I), Gauthier và Gratien (q.II và III). Mỗi ý thoại của mỗi quyển được đánh số thứ tự.

  1. Tóm lược các mục chính trong sách

Tóm lược quyển I: Sau 5 số đầu giới thiệu nhân vật của cuộc đối thoại: thánh Aelredo và thầy Yves, 5 số tiếp theo xác định chủ đề. Thánh Aelredo đã tiếp thu và giải thích tư tưởng của Cicéron về tình bạn, đồng thời định nghĩa tình yêu, bạn và tình bạn. Kinh Thánh cũng nhìn nhận: “Đã là bạn thì yêu luôn luôn” (Cn 17,17). Có ba kiểu tình bạn: tình bạn xác thịt (39-41), tình bạn thế tục (42-44) và tình bạn thiêng liêng (45-49). Đồng thời cũng bàn đến lịch sử về nguồn gốc của tình bạn (50-61); sự đối chiếu giữa tình bạn – nhân đức – và sự khôn ngoan (62-68). Sau hết ngài trả lời câu hỏi: Thiên Chúa có phải là tình bạn không? (69-72).

Trong quyển II: Ngoài việc giới thiệu nhân vật đối thoại: thánh Aelredo với thầy Gauthier, có nhắc lại cuộc đối thoại với thầy Yves (1-8) và nêu lên một số điểm lợi ích của tình bạn (9-15). Tiếp đến là sự góp mặt của thầy Gratien thì bàn đến tình bạn như là một lối đi về với Thiên Chúa (18-20). Điều thú vị là thánh Aelredo diễn tả nụ hôn theo ba cách: nụ hôn thể lý, nụ hôn thiêng liêng và nụ hôn huyền nhiệm (21-27) cũng như giới hạn của tình bạn (28-35). Khi đặt vấn đề: ai là người có tình bạn? (36-44), ngài cũng nêu ra những lo âu và sự đổ vỡ (45-53). Câu hỏi khác được đặt ra: có thể có tình bạn giả vờ hay không? (54-60) thì ngài cũng nêu lên một số mẫu gương tình bạn trong Kinh Thánh, như David và Jonathan (61-63). Sau cùng là phần tóm lược (64-72).

Quyển III: Có sự góp mặt của ba thầy trò: thánh Aelredo, Gratien và Gauthier. Sự phân biệt tình bạn và tình yêu cũng như sự vững chắc và ổn định của tình bạn (1-7). Ngài phân ra bốn cấp bậc xây dựng tình bạn đích thực: chọn bạn, có thời gian thử thách, rồi mới tiếp nhận bạn để tiến tới hòa hợp hoàn toàn tình cảm với thiện ích và bác ái trong những gì liên quan đến thần thiêng và nhân loại (8). Đồng thời một lần nữa lặp lại những định nghĩa về tình bạn (9-13), để rồi suốt chặng dài (14-52-60) phân tích việc chọn bạn gồm những điều cần tránh và việc gỡ rối một tình bạn. Giai đoạn thử thách (61-76) và tiếp nhận tình bạn khi khám phá ra sự quyến rũ và tính đặc thù của tình bạn (77-87). Cấp bậc cuối cùng là làm thế nào để xây dựng tình bạn: nền tảng tình bạn là sự trung thành (88), và theo tiêu chí của thánh Phaolô mà xử sự với nhau: kẻ có nhiều không dư, có ít không thiếu…(x. 2Cr 8,15) (91). Tình bạn đích thực còn thể hiện qua mẫu gương của Jonathan, bạn vua David (92-96). Đã là bạn thì sẽ trao đổi cho nhau những thiện ích, không những trong đời sống tu trì mà cả với cuộc sống ngoài đời (97-127)… Sau hành trình khổ công xây dựng tình bạn, chúng ta đạt đến cảnh giới mà Kinh Thánh diễn tả: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 132, 1) (131-134).

  1. Định nghĩa tình bạn[48]

Trước hết cần phân biệt ba loại tình bạn: tình bạn xác thịt (amitié charnelle), tình bạn thế tục (amitié mondaine) và tình bạn thiêng liêng (amitié spirituelle).

Tình bạn xác thịt (charnelle) do sự đồng lõa trong những gì xấu mà làm nên; nó phát xuất từ đam mê. Vẻ bề ngoài lịch thiệp, duyên dáng gây ấn tượng, ai ngang qua cũng phải ngắm nhìn. Từ đó sinh ra trong tâm trí những hình ảnh hấp dẫn của một thân thể và những khoái cảm phong nhiêu. Người ta muốn hưởng không ngừng khoái cảm ấy. Vả lại, hưởng thụ một mình thì hạn chế khoái cảm, nên phải lôi cuốn đối tượng khác bằng cử chỉ, dấu hiệu, những lời nói, những ánh nhìn như ngọn lửa lan ra để nắm bắt đối tượng. Sau cái thỏa hiệp khốn khổ ấy, không ai làm cho ai phải chịu cái tội ác, cái phạm thánh cả. Người ta tưởng rằng không có gì thoải mái dễ chịu hơn cái tình bạn tình ấy. Loại tình bạn xác thịt này không phải là hoa trái của chọn lựa có ý thức và không có thử thách, bởi lẽ không có sự can dự hoàn toàn của lý trí. Sức công phá của đam mê phá đổ mọi chuẩn mực, không màng đến danh dự. Hệ quả là sẽ dẫn đến tự hủy hoại mình hoặc chia lìa bất kỳ lúc nào và bất kể lý do.

Tình bạn thế tục sinh ra từ lòng tham của cải vật chất, vì thế nó có tính lươn lẹo và lừa dối, không ổn định và không hề có gì bảo đảm. Loại tình bạn này phú mặc cho sự thay đổi của hoàn cảnh hay khối tài sản của bạn mình, theo kiểu “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử, hết cơm, hết gạo, hết ông tôi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Theo đó, khi thấy hết hy vọng đạt được mối lợi từ bạn mình, họ sẽ bỏ bạn ngay tức khắc.

Hẳn nhiên, tình bạn thế tục này đôi khi cũng nuôi dưỡng tình bạn trong chừng mực nào đó. Trước tiên, họ liên kết với nhau bằng một mối lợi chung, giữ niềm tin với nhau bằng khối tiền tài ước lệ, và cũng đạt đến những thỏa thuận vững chắc và dễ chịu trên bình diện con người. Dù sao, một tình bạn như thế, được kết nghĩa giao hảo cũng duy chỉ vì tiền bạc, đương nhiên không thể được xem là tình bạn đích thực.

Chỉ có tình bạn thiêng liêng mới là đích thực. Không hề nhắm đến mối lợi vật chất, mặc dù vẫn liên quan vật chất. Không vì nguyên do nào khác ngoài chính tình bạn và giá trị đặc thù của nó, đến nỗi con tim khao khát tình bạn ấy từ trong thâm tâm của mình và hoa trái cũng như phần thưởng chính là tình bạn ấy. Đức Giêsu cũng nói: Thầy đã chọn anh em để anh em ra đi và sinh nhiều hoa trái (x. Ga 15,16), chẳng phải là để anh em yêu thương nhau đó sao? Bước đi trên đường tình bạn, là tiến bộ; mang lại hoa trái, là thưởng nếm được sự cuốn hút của tình bạn. Người nào tìm tình bạn thì chỉ trong tình bạn là đủ.

Trọng tâm của công trình tìm kiếm của thánh Aelredo là tình bạn thiêng liêng. Theo ngài, tình bạn thiêng liêng chính là mối giao hảo thiện ích và bác ái trong tất cả những gì thánh thiêng cũng như phàm trần của những người tốt vốn có cùng khát vọng tốt cho cuộc sống, cho phong hóa và lợi ích chung của con người.

  1. Tình bạn thiêng liêng[49]

Có một người bạn thân tình và có thể trao đổi tình cảm, có một ai đó làm nơi nghỉ ngơi cho tinh thần và trút nhẹ tâm tư thì đó là niềm an ủi lớn lao cho cuộc sống này. Ta có thể trò chuyện cách dễ chịu với người đó, ví như người đó sẵn lòng lắng nghe mấy lời dịu ngọt khi mình buồn rầu. Giữa bao khốn khổ trong thế giới này, người bạn là một nơi trú ẩn an toàn. Bạn có thể tín nhiệm người ấy như chính bạn là người đó vậy. Khi bạn lo âu hay chán nản, bạn sẽ tìm được nơi người đó những phương thuốc. Người đó cũng sẽ cảm thấy buồn nếu bạn buồn, sẽ vui về những thành công của bạn, cũng sẽ giúp bạn trong lúc nghi nan. Bạn dành cho người ấy một chỗ quan trọng trong con tim bạn và bạn liên kết với người ấy đến nỗi dù có xa mặt nhưng không hề cách lòng, bạn nói chuyện với người ấy như thể bạn nói với chính mình. Xa lánh sự ồn ào của thế gian, để chỉ có một mình với người ấy, bạn sẽ tìm được sự nghỉ ngơi trong sự hiệp nhất sâu thẳm của tâm hồn bạn với người ấy, sự hiệp nhất vốn thấm đẫm sự dịu ngọt của Chúa Thánh Thần.

Trong cuộc sống này, chúng ta không chỉ thưởng nếm hoa trái của đức ái với những ai chúng ta yêu mến bằng tình yêu lý trí mà còn bằng sự thiện cảm. Trong số họ, có một chỗ đặc biệt chúng ta dành cho những người bạn thiêng liêng vốn gắn bó chúng ta chặt chẽ hơn. Ví dụ trong nhóm Mười Hai môn đệ của Chúa Giêsu, Ngài yêu mến từng người trong các môn đệ của mình bằng tình bạn và tình yêu trọn vẹn. Nhưng dù sao vẫn có điều gì đó đặc biệt hơn đối với Phêrô, Giacôbê và Gioan! Mà trong nhóm “Bộ Ba” đặc biệt này vẫn có một người “được Đức Giêsu thương mến” (x. Ga 21,20)!

Vậy nền tảng học thuyết tình bạn thiêng liêng của thánh Aelredo là gì? Trong bối cảnh thế kỷ XII, khoa học nhân văn là ‘con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa’. Chủ trương duy thực về sự loại suy này cho phép quan niệm (không phải cách bi quan yếm thế) về tất cả nguồn lực của bản tính con người và cách riêng về sức lôi cuốn (affectus) cũng là những khuynh hướng tự nhiên của nó, được diễn tả bằng đức ái dưới các dạng thức khác nhau: như lòng tốt, sự dịu ngọt, âu yếm, cảm thông, tình yêu và tình bạn. Cần nói thêm rằng quan niệm về tình yêu của thánh Aelredo, dù có sự hòa hợp của ý chí, là điều rất khác so với việc chỉ đơn thuần là sự lôi cuốn hay khuynh hướng của con tim. Nhưng tình bạn đích thực làm nên con tim của tình huynh đệ và có khả năng đạt đến tình yêu Thiên Chúa. Chẳng vậy mà các đan sĩ vẫn nói: đan viện là trường học đức ái đó sao? Học yêu mến Thiên Chúa và yêu tha nhân lại chẳng phải là chương trình nên thánh của Kitô hữu đó sao? Tình bạn, vì thế đã trở nên ‘mặt trời sự sống’ là cấp độ của đời sống thiêng liêng, trở nên một chặng đường đã gần đạt tới sự hoàn thiện. Và bởi vì đây là chủ đề trung tâm suy tư, thậm chí nên nhu cầu thiết yếu của thánh nhân, nên ngài quan niệm tình bạn thiêng liêng đã là mối phúc của Nước Trời, là tình bạn hoàn hảo, và do đó chính Thiên Chúa trở nên Người Bạn đó. Ngài đã viết sau cái chết của một người bạn: “Phải chăng đã là một chút diễm phúc khi yêu và được yêu, giúp đỡ và được giúp đỡ như trường hợp người bạn đây, tựa nương vào sự cuốn hút của tình bác ái huynh đệ làm sức bật mà vươn lên tới đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa?”.

Sự mô tả tình bạn thiêng liêng trên đây tuy vắn gọn cũng đủ toát lên hình ảnh một người bạn đích thực mà chúng ta hằng mơ ước. Để nắm bắt đầy đủ hơn học thuyết của thánh nhân, chúng ta sẽ trở lại sau khi tìm hiểu thêm vài khái niệm vốn là tư tưởng của ngài.

  1. Tương quan tình yêu, tình bạn và đức ái (amour, amitié et charité)

Có hai nghĩa của hạn từ tình yêu. Trước hết, tình yêu là khả năng tự nhiên của một chủ thể – tâm hồn có lý tính sản sinh năng lực yêu hoặc không yêu một điều gì đó. Tiếp theo, tình yêu là hoạt động của chính khả năng đó hướng về những đối tượng thích hợp hoặc không thích hợp. Trong ý nghĩa thứ hai này, người ta thường thêm vào túc từ: yêu tiền bạc, yêu mến sự khôn ngoan… Theo nghĩa này, nhất thiết tình yêu phải là tốt hay xấu. Trong khi đó theo nghĩa thứ nhất, khả năng yêu hay tình yêu luôn là điều tốt tự thân, còn đối tượng yêu có thể tốt hay xấu. Mọi sự đều được tạo dựng từ sự thiện tuyệt hảo: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1,4.10.12,). Nhưng con người vốn được trang bị tự do lương tâm để có thể hưởng dùng những thụ tạo đó tùy theo bản chất của chúng, hoặc nhắm đến sự thiện với sự trợ giúp của ân sủng, hoặc nhắm đến sự ác do từ bỏ sự công chính của Thiên Chúa. Quả nhiên là có những cuộc sống tốt hoặc xấu vì đã có tình yêu tốt hay xấu. Tức là, cách người ta sử dụng tốt của cải (tạo thành) làm cho người ta nên tốt, vì tình yêu của họ tốt; lạm dụng của cải (tạo thành) làm cho người ta ra hư đốn, bởi lẽ tình yêu của họ xấu. Vậy chúng ta có thể kết luận rằng đức ái chính là cách sử dụng tốt tình yêu của mình và lạm dụng tình yêu chỉ là tham vọng (la convoitise) mà thôi.

Tình yêu, đức ái và tham vọng đều gồm ba thì sau đây: việc chọn lựa – do sự xác định của lý trí, chuyển động của tâm hồn – tức là ước muốn và hành vi thực hiện ước muốn đó và kết quả. Chọn lựa là điểm khởi đầu của tình yêu, tốt hoặc xấu; chuyển động là tiến trình hành động; và kết quả cũng là cứu cánh của chúng. Khi một tâm hồn chọn hưởng điều gì thích hợp với mình, sẽ theo đuổi ước muốn ấy trong trật tự và hưởng dùng cách chừng mực, thánh Aelredo nghĩ rằng sự chọn lựa ấy, tiến trình hành động ấy với kết quả như vậy thì đúng là hành vi đức ái. Vậy đức ái khởi đầu bằng chọn lựa, phát triển bởi hoạt động của tâm hồn và triển nở trọn vẹn khi tâm hồn thu hoạch hoa trái. Ngược lại, nếu tâm hồn chọn lựa khinh xuất, hướng vào đối tượng bằng đam mê và lạm dụng nó cách đáng xấu hổ, nếu mức độ lạm dụng càng nhiều tham muốn càng lớn. Thành ra, từ đó cho thấy đức ái và tham muốn là hai nguồn của sự thiện ác, tốt xấu. “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã xa lạc đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10).

Về tình bạn và đức ái có sự khác biệt lớn: Luật đức ái buộc chúng ta không những yêu thương bạn mình, lại còn yêu cả kẻ thù nữa. Có điều, chúng ta chỉ giãi bày tâm hồn và những điều thầm kín cách dễ dàng với người bạn của mình và người bạn cũng làm như vậy cách dễ dàng với chúng ta.

Về tương quan tình yêu và tình bạn. Nguồn mạch của tình bạn chính là tình yêu, vì có thể có tình yêu mà không có tình bạn, nhưng không bao giờ có tình bạn mà không có tình yêu. Tình yêu có nhiều nguyên do: tình yêu tự nhiên, “nợ” tình yêu, tình yêu lý trí, sự lôi cuốn, hoặc lý trí và sự lôi cuốn cùng một trật. Tình mẫu tử là tình yêu tự nhiên. Trao và nhận một phẩm vật liên kết chúng ta bằng nợ tình thương. Nhưng yêu kẻ thù lại là tình yêu của lý trí, bởi lẽ chúng ta không yêu họ vì hiệu quả của một khuynh hướng bộc phát. Sự lôi cuốn hay quyến rũ làm cho chúng ta yêu ai vì phẩm chất thể lý, vẻ đẹp, sức mạnh cũng như sự giao tiếp của họ. Lý trí có thể kết hợp với sự lôi cuốn làm cho chúng ta yêu ai vì nhân đức của họ, nhưng sự duyên dáng trong cách thể hiện mình và chính đời sống của họ cũng làm chúng ta hài lòng. Vậy lý trí làm cho tình yêu nên thuần khiết và sự quyến rũ lôi cuốn làm cho tình yêu trở nên có duyên hơn. Tình bạn đích thực phải được khai mở bởi một tình yêu như thế.

Sơ đồ ‘vận hành tình yêu’ hay ‘tâm lý của tình yêu’ theo thánh Aelredo: phân biệt ba thì: Từ Nguyên do của  tình yêu: chọn lựa đối tượng  = sự lôi cuốn, sự quyến rũ + lý trí; hoạt động của tình yêu: chuyển động của ước muốn + hành vi; Thụ hưởng tình yêu: kết quả.

Theo sơ đồ ‘vận hành’ tình yêu trên đây, chúng ta có thể hiểu được các loại tình yêu và tình bạn mà thánh nhân nói đến. Vậy tình bạn đích thực có ‘vận hành’ theo nguyên lý đó không? Người Việt Nam chúng ta cũng có nói: người chồng phải là đàn ông, nhưng không phải người đàn ông nào cũng làm chồng được; người vợ phải là đàn bà, nhưng không phải đàn bà nào cũng làm vợ được. Thánh Aelredo cũng phân biệt bốn giai đoạn xây dựng một tình bạn đích thực: chọn bạn, thử thách, tiếp nhận và hòa hợp cách hoàn hảo cả về thiêng liêng và nhân bản[50].

Trước tiên, việc chọn bạn cần tránh bốn loại người sau đây: người hay nổi giận, người tính tình không ổn định, hay thay đổi, người nghi kỵ và người “lắm điều”[51]. Tuy nhiên, đối với những ai hài lòng về những người này thì nên chấp nhận và kiên trì chữa lành họ để tiếp nhận như tình bạn của mình. Trong trường hợp như thế cần xác tín rằng, ở đời, xác lập một mối quan hệ có thể dễ dàng, nhưng để vận hành tương quan đó là điều hoàn toàn không dễ dàng. Lời khuyên sau cùng của thánh Aelredo cũng làm chúng ta để ý: để chọn cho mình một tình bạn, nên xem người đó có thể chia sẻ được với mình về quan điểm và lối sống hay không.

  1. Làm sao để vận hành một tình bạn đích thực

Chúng ta đã thấy những điều kiện cần và đủ để xây dựng tình bạn, như đã trình bày ở trên, tức là phải trải qua bốn giai đoạn để vận hành mối tương quan được thiết lập. Nhưng làm sao để đạt được “bề dày” và độ dài của mối tương quan cho đến mãn đời, chắn chắn là điều cần bàn tới. Theo thánh Aelredo, tình bạn phải luôn bền vững, nếu không bền vững không phải là tình bạn. Tình bạn là một hình ảnh mang tính vĩnh cửu. Chọn bạn thì phải có thời gian thử thách. Có thử thách mới sinh kiên nhẫn, mà kiên nhẫn là dấu chỉ sự trung thành. Trong tình bạn, lòng trung thành và trung tín (hay tín thành) mang lại sự tin tưởng tuyệt đối, sự an toàn trọn vẹn đến nỗi người ta ký thác cho nhau bí mật cuộc đời mình. Tất nhiên để rèn luyện phẩm chất này phải có phán đoán lành mạnh và ý ngay lành[52]. Trải qua hành trình khổ luyện ấy rồi, sự tiếp nhận bạn mình như là điều ‘tự nhiên thành’, và dường như tình thế đó không thể đảo ngược, người này thuộc về người kia từ vật chất đến tinh thần.

Theo thánh Aelredo, cuộc đời con người vốn không suôn sẻ như lý thuyết một chiều. Ngài nghiền ngẫm Kinh Thánh: “Nếu con lỡ rút gươm đe bạn, đừng thất vọng: vẫn có thể hàn gắn. Nếu con lỡ nặng lời với bạn, đừng lo sợ: con có thể giải hòa. Nhưng lăng nhục, kiêu căng, tiết lộ bí mật và trò bội phản làm bạn hữu nào cũng phải trốn xa” (Hc 22,21-22)[53]. Vậy cần thiết phải xem xét kỹ những nguyên nhân phân rẽ tình bạn mà không thể nào cứu vãn, đó là lăng nhục, miệt thị, kiêu căng, tiết lộ bí mật và trò bội phản.

Kẻ sử dụng chiêu trò bội phản là kẻ chơi xỏ, nói sau lưng, nói hành nói xấu. Loại vết thương do bị đầu độc này như vết cắn của rắn độc (x. Hc 10.11). ‘Tiết lộ bí mật’ dứt khoát là thái độ không thể chấp nhận được trong tình bạn, tình yêu, và ngay cả trong tình bằng hữu. Nó chỉ còn là cay đắng với bất xứng, hận thù và buồn đau tràn lan khắp chốn. Sách Huấn Ca viết tiếp: “Ai tiết lộ bí mật của bạn mình, sẽ mất hết tín nhiệm” (27,17). Lại nữa: “Vén màn bí mật bạn mình, làm thất vọng cho một tâm hồn khốn khổ” (Hc 27,24). Không còn nỗi bất hạnh nào tệ hại hơn mất niềm tin và quằn quại trong thất vọng! Sự kiêu căng và miệt thị làm cho con người ấy luôn trong tình trạng vô liêm sỉ, không còn biết xấu hổ là gì, dễ dàng lăng nhục người khác và trở nên bất trị. Đó là những lực cản, những trở ngại lớn trong hành trình xây dựng một tình bạn đích thực. Thế mới rõ, thiết lập tương quan là một chuyện, vận  hành nó là một chuyện khác. Xây dựng một tình bạn của con người với nhau vốn không dễ, còn xây dựng và vận hành tương quan với Thiên Chúa thì sao?

  1. Tình bạn và tình yêu Thiên Chúa

Khi sáng tạo con người, Thiên Chúa đi bách bộ với Adam trong vườn địa đàng (x. St 3,8). Hình như Ngài muốn thiết lập tương quan bạn hữu với con người. Còn đối với ông Môsê thì đã rõ: “Đức Chúa đàm đạo với ông Môsê mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11). Trong Tân Ước, để thiết lập tình bạn với con người, Thiên Chúa đã sáng kiến kế hoạch Nhập Thể làm người nơi Con Một Ngài. Người Con Một ấy đã thực hiện ý định của Thiên Chúa: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Khởi điểm tình bạn mà Thiên Chúa thiết lập với con người là tình yêu. Ngài sáng tạo con người, vì Ngài yêu, vì chính Chúa chứ không phải vì con người đáng được tạo dựng. Nhưng khi cứu chuộc, sáng kiến Nhập Thể và Cứu Chuộc của Thiên Chúa là vì con người “đáng thương”. Vậy khi đã Nhập Thể làm người, Thiên Chúa đã chấp nhận trật tự của con người: yêu ai thì nên một tinh thần với người đó: “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (1Cr 6,17).

Một người mà đời sống thiêng liêng không sâu sắc cũng có thể biết rằng tình yêu Thiên Chúa không thể phán đoán bằng cảm xúc mau qua, hơn nữa, nằm ngoài tầm kiểm soát của ý chí. Đó là khuynh hướng cơ bản và ổn định của ý chí và thước đo của tình yêu. Yêu mến Thiên Chúa, chính là hiệp nhất ý muốn của mình với ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời cùng cảm thức về những gì Chúa muốn. Không phải viện lý do khác để muốn điều này điều kia, cho bằng biết rằng Thiên Chúa muốn điều đó. Bởi lẽ xét cho cùng, ý muốn không gì khác hơn cũng chính là tình yêu. Khi nói có ý tốt hay ý xấu thì cũng giống như nói tình yêu tốt hay xấu. Ý muốn của Thiên Chúa cũng chính là tình yêu của Ngài, mà tình yêu của Ngài chính là Thánh Thần đổ tràn trong tâm hồn chúng ta. Sự thông giao đức ái này hiệp nhất ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của con người. Sự hiệp nhất này được thực hiện khi Thánh Thần, tình yêu và ý muốn của Thiên Chúa, cũng chính là Thiên Chúa, thấu nhập ý muốn của con người, nâng tạo vật trần gian lên tới những gì là thượng giới, đồng thời biến đổi và cho nó kiểu thức cũng như phẩm chất thần thiêng.

Những gì chúng tôi trình bày trên kia chỉ là những trang tóm tắt cách sơ lược suy tư của thánh Aelredo về tình bạn thiêng liêng trong bối cảnh đời sống đan tu chiêm niệm Xitô, không ngoài mục đích thúc bách chúng ta trở về căn nhà đan tu của mình để ‘tái cấu trúc’ tình huynh đệ cộng đoàn.

II. Tình huynh đệ cộng đoàn

Đọc lại tác phẩm “Tình Bạn Thiêng Liêng” của thánh Aelredo cũng chính là trở về nguồn, trở về tìm lại một khía cạnh của linh đạo Xitô: tình huynh đệ cộng đoàn, cũng là nguyên tắc cốt lõi để thánh phụ Biển Đức “bắt tay tổ chức nếp sống đan tu cộng tu” (TL 1,13).

Một điều hiển nhiên là chúng ta đã không chọn nhau trước khi sống đời thánh hiến, mà cũng không chọn nhau khi đã chính thức sống đời đan tu. Vậy lý thuyết về bốn giai đoạn kết bạn theo thánh Aelredo không thể áp dụng được hay sao? Theo định nghĩa của thánh Aelredo thì tình yêu là chuyển động của tâm hồn lý tính hướng về những đối tượng với mục đích thụ hưởng. “Đối tượng thụ hưởng” tất nhiên phải là con người, mà theo tiêu chuẩn Nước Trời, nếu loại một người tức loại tất cả, vì ‘không ai được cứu một mình’, cũng “không ai lên thiên đàng một mình”. Cũng theo tiêu chuẩn Nước Trời, “ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39). ‘Người thân cận’ chính là người đã ‘thực thi lòng thương xót’ (x. Lc 10,37). Mà thực thi lòng thương xót có nhiều cấp độ: đối với người thân cận, (gia đình – cộng đoàn), người thân, ân nhân, dân tộc, và mọi người. Yêu mọi người như chính mình là lý tưởng đức ái Kitô giáo chỉ có thể thực hiện được bằng việc khởi đi từ “yêu người thân cận như yêu chính mình” (Mc 12,31).

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại một điều hiển nhiên: gia đình là định chế của Thiên Chúa. “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Gia đình là cộng đoàn mẫu. Được gọi là ‘mẫu’ bởi vì gia đình là cộng đoàn gồm những người được kêu gọi. Một người nam và một người nữ được kêu gọi phối hiệp với nhau làm thành một cộng đoàn, cộng đoàn mẫu, gọi là gia đình. Vì ý thức mình được kêu gọi nên các thành viên của cộng đoàn mẫu cũng đã trải qua quá trình chọn lựa và thử thách, chủ quan cũng như khách quan, để cùng đạt đến mục đích cứu cánh như Thiên Chúa muốn: hạnh phúc đôi bạn và giáo dục con cái. Cộng đoàn tu trì được thiết lập trên nền tảng cộng đoàn mẫu đó, nhưng tương quan của các thành viên ấy gọi là tình huynh đệ cộng đoàn. Tình huynh đệ cộng đoàn lý giải sự hiện hữu của tôi và chúng ta trong đời sống tu trì[54]. Kể từ đây các thành viên trở thành bạn và không ngừng sống tình bạn đó bằng cách xây dựng và phát triển từng ngày để đạt đến mục tiêu cứu cánh như Thiên Chúa muốn: tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Giáo hội và lo cho phần rỗi thế giới cho đến khi kết thúc cuộc đời viên mãn.

Theo thánh Aelredo, có bốn điều mà tự bản chất có thể giúp chúng ta sống tình huynh đệ cộng đoàn cách hoàn hảo, đó là ‘tình yêu’, tình mến, niềm tin và niềm vui[55].

Tình yêu’ (dilection) này thúc đẩy chúng ta cho phép anh em mình tiếp cận nguồn lực và thiện ích của chúng ta mà không bao giờ làm tổn hại đến sự thiện đích thực. Để hiểu thấu đáo loại ‘tình yêu’ này, chúng ta cần đến ý kiến của triết gia Etienne Gilson: “Đối với thánh Thomas d’Aquin, cũng như các đan sĩ Xitô, tự bản chất, con người yêu mến Thiên Chúa hơn cả chính mình. Với tình yêu này và bởi tình yêu này mà họ yêu mến Thiên Chúa hơn các tạo vật khác nhưng chưa phải là đức ái (charité), nó là thứ tình yêu tự nhiên (dilection naturelle), sau đó đức ái mới đến hoàn thiện và hoàn thành tình yêu đó”[56]. Nếu chúng ta cảm nhận Thiên Chúa yêu và quan tâm chúng ta cách cá biệt và duy nhất, thì chúng ta cũng yêu và quan tâm đến mỗi anh em trong cộng đoàn mình cách cá biệt và duy nhất như vậy. Bởi đó, ngày nay cũng cần phép giao thiệp đối nhân xử thế như vậy.

Tình mến’ (affection) là thái độ mà chúng ta thể hiện một cách “dễ chịu” đối với anh chị em mình, cũng làm cho người ấy tham dự vào niềm hạnh phúc thẳm sâu của chính chúng ta. Nói cách khác, tình mến có sức gây ảnh hưởng và lan tỏa mà điểm khởi đi từ chính mình. Sức lan tỏa ấy là thái độ chủ động, luôn đi bước trước để tìm hiểu xem ‘anh’ muốn gì hơn là thể hiện cho anh ấy biết ‘tôi’ muốn gì. Cũng vậy, để thành công trong giao tiếp ngày nay, chúng ta được giáo dục hãy coi trọng ‘ngôi thứ hai: anh’, hơn là ‘ngôi thứ nhất: tôi; hãy chú ý quan sát nhu cầu của ‘anh’ và tìm cách thỏa mãn người ấy. Làm như vậy tức là mời gọi người ấy tham dự vào hạnh phúc sâu thẳm của mình.

Niềm tin, sự tín nhiệm trong tương quan bạn hữu làm cho chúng ta cảm thấy an toàn khi thổ lộ những tâm tình, những bí mật và cả những dự phóng của mình. Điều này tuy hiển nhiên, nhưng để tìm được những điều như thế không dễ dàng và cũng không có nhiều. Tại sao? Vì trong con người thường có cơ chế tự vệ và rất bén nhạy với những đối tượng có dấu hiệu làm cho ta không ‘an toàn’. Đó là một điều khó, nhưng không phải không thể thực hiện được. Sự trung thành và lòng trung thực thể hiện một cách khôn ngoan bằng thái độ sống sẽ tạo niềm tin và sự tín nhiệm đối với người xung quanh.

Sau cùng, trong giao lưu trò chuyện thân tình và có duyên, chúng ta đề cập với bạn những chuyện vui buồn, trao đổi tư tưởng liên quan đến thiện ích và cả những sai lầm, trao đổi với bạn một cách tự do về những vấn đề ấy với mục đích học hỏi nữa.

Tóm lại, tình huynh đệ cộng đoàn giải thích lý do hiện hữu của mỗi đan sĩ. Bởi lẽ bản chất của lối sống này đòi hỏi đan sĩ kiên định trong cùng nếp sống, cũng như yêu sách mối dây liên kết hữu thể bền vững đến cùng. Đời sống đan tu phải chăng là mảnh đất tốt giúp sống giới răn yêu thương mà Thiên Chúa đã ban? Mảnh đất ấy cung cấp những phương tiện, môi trường và các điều kiện khác của cuộc sống để mỗi anh em trong cộng đoàn “thực thi lòng thương xót”, để chứng thực họ là những “người thân cận” của nhau theo tinh thần của Tin Mừng.

Việc tóm lược học thuyết của thánh Aelredo về tình bạn thiêng liêng giúp tái xác định nhận thức nền tảng về tình yêu, tình bạn và lòng bác ái để duyệt xét và cập nhật nếp sống đan tu của chúng ta hôm nay, là lối sống vốn ‘có sự tách biệt thế gian’. Đồng thời giúp chúng ta nhìn ra thế giới bên ngoài cách quân bình hơn, giúp chúng ta nhận ra thế giới đang gặp khủng hoảng vì đại dịch Covid-19: khủng hoảng tình liên đới. Nhưng trong phạm vi chia sẻ suy tư về tính thời sự tư tưởng của thánh nhân trong thời đại chúng ta, nhất là cùng với Đức thánh cha Phanxicô trong Thông điệp Fratelli Tutti trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những dữ kiện mà thánh nhân cung cấp đó cho phép chúng ta kết nối với những con người xuyên thời đại trong khuôn khổ ‘đức ái chính trị’.

III. Bác ái chính trị

Đó là một mục lớn trong Thông điệp Fratelli Tutti với gần 20 số (180-197). Câu trích sau đây có thể diễn tả chủ ý của tác giả Thông điệp: Mọi sự dấn thân được cảm hứng từ học thuyết xã hội của Giáo hội đều ‘được rút ra từ bác ái, mà theo giáo huấn của Chúa Giêsu thì bác ái là tổng hợp của toàn thể Lề Luật (x. Mt 22,36-40)’. Điều này có nghĩa là nhìn nhận rằng ‘tình yêu, chảy tràn với những cử chỉ nhỏ diễn tả sự quan tâm lẫn nhau, thì cũng có ý nghĩa công dân và chính trị, và nó thể hiện nơi mọi hành động tìm cách xây dựng một thế giới tốt hơn’. Vì thế, bác ái tìm cách diễn tả không chỉ trong những mối tương quan gần gũi và mật thiết, mà còn trong ‘những tương quan vĩ mô: xã hội, kinh tế và chính trị” (FT 181). Và “Bác ái chính trị này phát xuất từ một ý thức xã hội siêu vượt trên mọi não trạng cá nhân chủ nghĩa: ‘Bác ái xã hội làm cho chúng ta yêu quí thiện ích chung” (FT 182). “Lòng bác ái này, là cốt lõi tâm linh của chính trị” (FT 187). Vấn đề đặt ra tiếp theo là có hiện hữu một loại bác ái với “tương quan vĩ mô” không? Với tiền đề trên đây, chúng ta thấy điều này rất gần gũi với cách lý giải của thánh Aelredo mười thế kỷ trước. Theo thánh Aelredo, bác ái chính là hành động của tình yêu; bác ái thể hiện tình yêu. Khi có tình yêu, bạn sẽ thể hiện tình yêu bằng hành vi bác ái. Tuy nhiên, có hành vi bác ái chưa chắc đã do lực đẩy của tình yêu mà do lực đẩy của tham vọng (x. mục I.4). Khi nói đến tương quan vĩ mô: ‘Xã hội, kinh tế, chính trị’, hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta đang sống trong thế giới chính trị rất đa dạng và phức tạp. Hệ thống chính trị dân chủ, đa nguyên, tư bản hay độc đảng chuyên quyền… Dường như mỗi số ở các chương đầu của Thông điệp Fratelli Tutti đều có ý phân tích cái hay cái dở của chính trị và ‘tái định hướng’ cho mỗi khuynh hướng chính trị bằng cách ý thức vai trò của chính trị, của các chính khách là thực thi đức ái chính trị của mình, nghĩa là thực thi bái ái trên bình diện vĩ mô và toàn cầu. Đức thánh cha Phanxicô nhìn nhận rằng: “Các chính khách là những tác nhân, những người xây dựng, với những hoài bão lớn, có một tầm nhìn rộng, thực tiễn và hiện thực để nhìn thấy xa hơn các biên giới của mình” (FT 188).

  1. Chọn đối tượng

Các chính khách được mời gọi tham dự vào một loại tình yêu rất thúc bách, bởi “những hành động của nó được thúc đẩy trực tiếp từ bác ái và được hướng đến các cá nhân và các dân tộc” (FT 186). Đối tượng được chọn chính là các cá nhân và các dân tộc, mỗi người và mọi người. Họ là công dân của nước mình hay ngoại kiều, dân bản địa hay người nhập cư. Ngày nay, hiện tượng di dân là một vấn đề nổi cộm. Họ (những di dân) có được tiếp nhận xứng với nhân phẩm từ các quốc gia liên hệ, mà cụ thể là từ các chính khách có những quyết sách dành cho những đối tượng này hay không. Vào những năm 2015-2017, những thuyền nhân châu Phi vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu với hy vọng tìm được một cuộc sống tốt hơn, đã làm cho các quốc gia này thực sự khó xử. Giáo hội Công giáo qua Đức Thánh Cha Phanxicô không mệt mỏi kêu gọi các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu tiếp nhận người di dân nhập cư (do tị nạn). Đi đầu trong các nước tiếp nhận là Đức Quốc và Ý Đại Lợi[57].

Trong một quốc gia, thành phần dễ bị tổn thương nhất chính là người nghèo, người dân vùng sâu vùng xa, ít được quan tâm và ít được hưởng những phúc lợi xã hội. Nhưng với cảm xúc của con tim dựa trên sự thật và công lý, các chính khách sẽ dấn thân hơn trong vai trò của mình vào việc thăng tiến những tầng lớp ấy.

  1. Hoạt động bác ái chính trị

Những “quán ăn 2000 đồng” hỗ trợ những người vô gia cư, người bán vé số dạo, những điểm cấp phát các bữa ăn cho những người thăm nuôi bệnh nhân các tỉnh về thành phố chữa bệnh… là những hình thức bác ái cụ thể. Các chính khách xây dựng những cây cầu, những con đường giao thông,… những quyết sách về kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng, kích thích kinh tế phát triển khi tạo ra các việc làm mới,… những quyết sách về giáo dục và đào tạo phù hợp xu hướng phát triển của dân tộc và thế giới,… Các chính khách làm như vậy là “đang thực hành một hình thức bác ái cao độ làm cho hoạt động chính trị của mình nên tôn quí” (FT 186).

Đang khi phải chấp nhận một thực tế là “chúng ta vẫn còn xa viễn ảnh về một sự toàn cầu hóa các quyền căn bản nhất của con người” (FT 189). Các nhà làm chính trị trên thế giới làm thế nào trước hết có chính sách xóa bỏ tình trạng nghèo đói như mục tiêu hành động quan trọng hàng đầu của mình, vì “nạn đói là tội ác, thực phẩm là một quyền bất khả nhượng” (FT 189). Thực vậy, một khi con người lâm cảnh nghèo đói, nhân tính bị xói mòn, dân gian vẫn nói: phú quí sinh lễ nghĩa, bần hàn sinh đạo tặc là vì vậy. Do đó, những chính sách của các chính trị gia không phải chỉ là “có cái gì cho họ ăn” mà thôi, nhưng nhất là “làm gì để tạo điều kiện cho họ có thể tự kiếm sống” xứng nhân phẩm của họ.

Bác ái chính trị thúc bách các chính khách dấn thân hơn vào lãnh vực xây dựng và bảo vệ nhân phẩm. Ghi nhận thực trạng con người trong xã hội hôm nay, Đức thánh cha Phanxicô viết: “Người ta ngày càng ít được gọi bằng tên, con người độc đáo ngày càng ít được đối xử như một nhân vị với những cảm xúc, những đau khổ, những vấn đề, những niềm vui, và gia đình của mình. Họ đau ốm, người ta chỉ cần biết bệnh của họ để chữa; họ thiếu tiền, người ta chỉ cần chi tiền; họ không có nhà, người ta chỉ cần cung cấp chỗ ở; họ muốn nghỉ ngơi, giải trí, người ta chỉ cần đáp ứng nhu cầu đó” (FT 193). Ngài đề xuất: “Việc yêu thương những con người hèn mọn nhất như anh chị em mình, như thể trên thế giới này chỉ có người ấy mà thôi, thì không thể bị xem là một sự phung phí thời gian” (FT 193). Bởi vì những người nghèo có ‘quyền’ trên trái tim và linh hồn chúng ta (FT 194). Để làm được điều đó, cần tư duy về phát triển khả năng, phát triển xu hướng hơn là chỉ tìm đạt kết quả, vốn không thể luôn luôn có được kết quả mong muốn.

Tóm lại, cùng với những suy tư của thánh Aelredo về tình yêu, tình bạn và bác ái, với những suy tư của Đức thánh cha Phanxicô về bác ái chính trị trong đại dịch Covid-19 này, thiết tưởng chúng ta cũng nên tham gia đào sâu để từ đó tìm ra trong kho tàng cả cái mới lẫn cái cũ, với xác tín rằng: ‘Hướng về những điều cao cả thì đã là một việc cao cả’.

Đức thánh cha Phanxicô đặc biệt quan tâm đến các chính khách là những người có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng đặt ra những mục tiêu lớn cho quốc gia và quốc tế, có khả năng lên những kế hoạch hành động để đạt những mục tiêu ấy. Họ có khả năng khuyến khích tầm nhìn chung của thế giới về những kế hoạch vĩ mô: kinh tế, xã hội và chính trị. Các chính trị gia một đàng tận tâm tận lực lo cho ‘gia đình quốc gia’ là công dân của mình, đàng khác quan tâm không kém đến lợi ích và sự sung túc của ‘gia đình nhân loại’. Nhưng đại dịch Covid-19 đã cho thấy bộ mặt thật của thế giới, của các quốc gia là “thiếu một định hướng chung” (FT 31), “cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất đang mờ nhạt dần” (FT 30), “Nỗi cô đơn, sợ hãi và bất an, nơi những người bị hệ thống xã hội bỏ rơi, sẽ tạo nên một mảnh đất màu mỡ cho đủ các loại ‘mafia’… vốn tạo ra những mối ràng buộc lệ thuộc và trung thành mà người ta rất khó thoát ra” (FT 28).

Đối diện với vai trò trách nhiệm và thách thức hiện thời, các chính khách không thể không quan tâm đến đức bác ái chính trị của mình. Động cơ nào thúc đẩy quí vị chính khách vươn lên tới vị trí đó? Vì tham vọng quyền lực cá nhân hay vì lợi ích của cộng đồng được ủy thác cho mình? Để bảo vệ những giá trị chính đáng của dân chủ, tự do, công bằng và huynh đệ vốn là những giá trị phổ quát thuộc quyền của con người, hay chỉ vì địa vị mang lại quyền lực cho cá nhân mình[58]? (x. FT 22.23).

Kết luận

Để kết luận cho bài chia sẻ này, người viết xin nhấn mạnh rằng: tình yêu, tình bạn, lòng bác ái là những phạm trù muôn thuở. Nó vốn hiện hữu từ muôn đời và tồn tại đến muôn năm. Nó là giá trị vĩnh cửu mà cũng rất hiện sinh. Nó uyển chuyển cho mọi người qua mọi thời đại để những ai tiếp cận với nó đều cảm nếm được hạnh phúc viên mãn của đời mình. Thể hiện phẩm cách ấy nơi mỗi cá nhân chính là mục tiêu cứu cánh của đời người, đó là ‘tình bạn’ hay ‘người bạn’ mà đỉnh cao là ‘tình bạn thiêng liêng’. Họ là những người có phẩm cách, trong đó đời sống, phong hóa cũng như thiện ích của họ hòa hợp với nhau trên nền tảng là lòng tốt và lòng bác ái liên quan đến tất cả những gì thuộc nhân bản và thiêng liêng.

Đối với những ai sống đời thánh hiến, tương quan tình bạn thiêng liêng ấy được gọi là tình huynh đệ cộng đoàn. Sống viên mãn tương quan ấy trong cộng đoàn tu trì là đã thực hiện được mục tiêu kép: vừa có được tình bạn, vừa có được cộng đoàn, mà cộng đoàn vốn là một định chế trao ban cho người tu trì lý do hiện hữu “hợp pháp” trên mặt đất này. Vả lại, chúng ta cũng phải thừa nhận không dễ dàng sống tình huynh đệ cộng đoàn, cho nên, mỗi người phải thực sự đầu tư và xây dựng bằng chính con người của mình cách kiên trì bền bỉ. Nếu thực sự đầu tư để xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn thì sẽ đạt được ‘sự nghiệp’ vẻ vang trong ơn gọi thánh hiến. Nói ‘đầu tư để xây dựng’ tức là trau dồi tri thức và thiêng liêng để đầu tư vào việc xây dựng nếp sống tu trì, xây dựng tương quan huynh đệ, xây dựng tình bạn, để sống các mối tương quan ấy sao cho ‘có tình có nghĩa’. Nói ‘sự nghiệp’ trong đời sống tu trì là gì nếu không phải là chính bản thân mỗi con người chúng ta với một đời sống đã được ‘trui luyện’ bằng ‘tình và nghĩa’, để thực hiện ba sứ vụ chính yếu của đời tu mà Giáo Hội kỳ vọng: tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Giáo Hội và lo cho phần rỗi thế giới?

Đọc lại tác phẩm “Tình Bạn Thiêng Liêng” của thánh Aelredo trong bối cảnh khủng hoảng trên thế giới về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội theo Thông điệp Fratelli Tutti, từ góc nhìn của hậu bối Dòng Xitô, chúng tôi thấy suy tư của thánh nhân cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vậy, nhận thức ấy có thúc bách chúng tôi ‘sống tốt ơn gọi đan tu’ để thực hiện sứ vụ của mình là ‘lo cho phần rỗi thế giới’ hay không? Cuộc khủng hoảng nói trên có phần trách nhiệm không nhỏ của chúng tôi là do ‘chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải’ (x. Rm 8,26); hoặc cũng có thể nói đến một phần trách nhiệm của các chính khách vốn mang trong mình vai trò “điều khiển” vận mệnh của thế giới. Thành ra, từ “Tình Bạn Thiêng Liêng” cho đến “Fratelli tutti” có tầm ảnh hưởng vẫn luôn xuyên thời đại.

THA NHÂN LÀ HỎA NGỤC HAY
“LÀ MỘT PHẦN ĐỜI TÔI?

 

F Px. Nguyễn Hoài Lâm

Dẫn Nhập

Yêu thương không đơn giản là một tình cảm đón nhận, một quyết tâm dấn thân phục vụ tha nhân, nhưng trước tiên đó là một hành trình của nhận thức, của thay đổi não trạng. Để có thể yêu thương, người ta cần thay đổi “cái nhìn” về tha nhân. Liệu “tha nhân là hỏa ngục” hay tha nhân là “một phần đời tôi”?

  1. Tha nhân là hỏa ngục”

“L’enfer, c’est les autres”: đây là câu nói nổi tiếng của Jean Paul Sartre được đặt trên môi miệng của nhân vật trong vở kịch Cửa nhà đóng kín. Với Sartre, tha nhân phủ trên tôi cái nhìn của Medusa để thạch hóa, vật hóa và tha hóa tôi. Tôi hoàn toàn bất lực, bất khả tự vệ, vô khí giới và bất động trước cái nhìn ‘thạch hóa’ đó.

Mối tương quan của tôi với tha nhân làm bùng phát trong thế giới chủ thể tính những chấn thương, những què quặt, những bách hại bất khả kiểm soát và bất khả khống chế. Cái nhìn mang mãnh lực đối vật hóa và làm hóa đá của tha nhân ở khắp nơi, khắp chốn và không gì có thể trốn thoát[59].

Trong căn phòng không ánh sáng và cũng không bóng tối, không có giấc ngủ cũng không có tỉnh giấc, không có gương, cũng không có khung cửa sổ, chờ chịu những cuộc tra tấn vốn không bao giờ đến, trong căn phòng tưởng chừng mọi cánh cửa đã được đóng kín nhưng thực ra vẫn để mở toang, thì Ines, Estella và Garcin, những nhân vật trong vở kịch Cửa nhà đóng kín, lại có thể khám phá ra hỏa ngục của tha nhân: người này là đao phủ của người kia.

Tha nhân là một sự hiện diện thừa thãi và làm vương vãi âu lo. Họ là một sự hiện diện không thể dự đoán trước sẽ chấm dứt và vụt thoát lúc nào, “hắn không bao giờ chợp mắt, chẳng bao giờ ngủ”, Garcin đã nói thế.

Nếu trong những vở kịch khác – như Bầy Ruồi chẳng hạn – tự do dường như một sự kiện độc lập và sự hiện diện của tha nhân vốn “vô chính phủ” và duy ngã độc tôn, thì giờ đây trong tác phẩm Cửa nhà đóng kín, sự hiện diện của tha nhân như tường lũy vây hãm chung quanh. Đó là một sự hiện diện của một tự do khác. Với cái nhìn Medusa của mình, nó có thể nghiền nát tự do, biến tự do thành đối vật, thạch hóa và bất động hóa tự do, như trong khung cảnh đầy “màu sắc Hegel” của biện chứng pháp chủ – nô trong Hiện Tượng luận về Tinh Thần được gạn lọc qua bài giảng của Kojève.

Chúng ta cứ tưởng tượng rằng chúng ta thực sự tìm thấy một căn phòng ngột ngạt, không cửa sổ và cũng không có gương, chỉ có tha nhân bao vây tứ phía. Họ nhìn chúng ta bằng cái nhìn làm cho chúng ta không thể nhận ra mình: đối với tha nhân, chúng ta là những con người đó, với những tính cách thể lý, luân lý, thái độ đó, với câu chuyện đó, cuộc sống đó, tất cả bị ấn định, bị tất định và bị hóa thạch; nhưng trái lại, tự nội tâm, người ta cảm thấy tại sao lại hoàn toàn phải là mình, nhưng lại thấy mình luôn thay đổi, luôn bất khả thấu hiểu chính mình, luôn trốn chạy khỏi yếu tính được xác định.

Sartre cũng diễn tả mối tương quan cụ thể với tha nhân trong Hữu thể và hư vô: “Tôi bị tha nhân sở hữu; cái nhìn của tha nhân hình thành nên thân thể tôi trong sự trần trụi của nó, sinh ra nó, chạm khắc nó, chế xuất nó như nó, và nhìn nó theo cách tôi sẽ không bao giờ có thể thấy nó. Tha nhân sở hữu một bí mật: một bí mật về ‘cái tôi là’… Như thế, ý nghĩa sâu xa về hữu thể của tôi luôn ở ngoài tôi, và luôn bị cầm tù trong sự vắng mặt; tha nhân luôn ở trước tôi[60].

Trước tiên, hiện hữu của tha nhân tha hóa chính tôi, vì tha nhân với cái nhìn kinh khủng làm hóa thạch tất cả, là nền tảng của chủ thể, khóa chặt nó, đối vật hóa nó trong một thực tại khách quan mà chủ thể hoàn toàn không bao giờ có thể nhìn thấy gì. Cái nhìn của tha nhân đến từ bên ngoài, cái bên ngoài mà chủ thể không bao giờ có thể đạt tới được; cái nhìn này nhất thiết kết tinh trong một yếu tính mà, từ bên trong, không ai có thể nắm bắt được, nên cũng không thể nào chiếm đoạt được cách hoàn toàn.

Từ đây, tha tính (alterità) là hỏa ngục, và cũng từ đây, khát vọng nhìn thấy mình như tha nhân thấy từ bên ngoài lại sa vào sự thất bại trong việc chiếm đoạt lấy hữu thể mà tha nhân đã chiếm đoạt, sa vào một nỗi ám ảnh tràn trề thất vọng mà Estella gặp phải khi thấy đối tượng trên gương:

“Estella: Thưa ông, ông có gương không? […] khi tôi không thấy mình, tôi cảm thấy rất ổn, tôi tự vấn mình vẫn như thế. […] Tôi có tới sáu cái gương lớn trong phòng của tôi […] khi tôi trở lại, tôi quyết định để nhìn ngắm mình nơi một trong những bức gương ấy. Tôi nói, tôi thấy mình nói. Tôi nhìn thấy mình như tha nhân thấy tôi, điều này làm tôi thức tỉnh […]. Tóm lại, cho đến muôn đời, tôi không thể nào sống mà không có gương”[61].

Bị vây hãm bởi tha nhân, Estella tìm kiếm gương trong thất vọng vì muốn nhìn thấy mình như thể tha nhân nhìn mình, để hiểu mình là ai, tha nhân là ai… Cô ta muốn giải thoát mình khỏi cái cách sống-vì-cái-nhìn-của-tha-nhân và tái chiếm đoạt bản thân, nhưng cô ấy không thể làm thế, vì cô ấy bị buộc phải cùng sống với tha nhân; không có giới hạn cũng như không có lối thoát: vì có tha nhân, cô ấy không thể là chủ nhân của chính mình, nhưng thiếu vắng tha nhân, hữu thể của cô ta sẽ sụp đổ.

Và như thế, một hoàn cảnh phát sinh: nghịch lý, phi lý.  Hoàn cảnh là một sự thất bại, “là cái bẫy chuột nhắt. Nó vây bủa khắp chốn”, chính Sartre nói thế. Và khi Garcin nhận thấy rằng cánh cửa vẫn luôn mở dù nhiều người cho rằng nó đã đóng kín, thì anh ấy tuyên bố một câu nổi tiếng: “tha nhân là hỏa ngục”.

“Tha nhân là hỏa ngục” không phải là một lời tố cáo cá nhân về tha tính, cũng không phải có nghĩa là loại trừ tha nhân khỏi chính thế giới này, rồi vấn đề sẽ được giải quyết cách dễ dàng, và hỏa ngục sẽ không còn hiện hữu. Trái lại, “tha nhân là hỏa ngục” muốn nhấn mạnh đến bất khả thể tính của một hiện sinh mà loại bỏ tha nhân.

Nói cách khác, “l’enfer, c’est les autres” có nghĩa là vì ta không thể thoát khỏi tha tính, vì ta nhận thấy rằng tha nhân nắm giữ bí mật của chính hữu thể, và đồng thời, hữu thể này sẽ không bao giờ là khả thể mà không có tha nhân.

Vì vậy, tha nhân bị nhìn với cái nhìn đố kỵ: tha nhân là kẻ trộm, kẻ chiếm đoạt, kẻ cướp, nhưng kẻ đánh cắp hữu thể không hề ăn cắp, cũng chẳng hề hiện hữu. Sự hiểu biết chính mình luôn nhất thiết phải qua trung gian tha nhân, như Sartre nhấn mạnh rằng: về sự hiểu biết chính mình thì tha nhân là hữu thể có tầm quan trọng hơn trong chính chúng ta. Nghĩa là không có tôi ngoài tương quan với tha nhân, không có khát vọng sự sống nào là khả thể nếu ở bên ngoài tha nhân, vì khát vọng luôn là khát vọng tha nhân, muốn được tha nhân khao khát mình, trân quý mình, biết ơn mình, yêu mến mình, vì tha nhân đem lại ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Lời của tha nhân đáp trả lại tiếng gào thét thất vọng, sợ hãi, kinh hoàng của người bị ném vào trong thế giới. Vì thế, nếu thật sự tha nhân là hỏa ngục, và nếu thật sự từ hỏa ngục có sự cứu độ, thì ơn cứu độ đó không thể không qua tha nhân và cuối cùng, nó ở nơi tha nhân.

Tha nhân, ngươi thật khủng khiếp! Ai cứu tôi khỏi tha nhân, nhưng cũng xin đừng ai bắt tôi phải xa tha nhân! Vậy, nói cho cùng: đâu là mối tương quan chính thật giữa tôi và tha nhân?

  1. Tôi – tha: một tương quan không – hai (adual)

Thật sự, tương quan giữa tôi-tha nhân chỉ được làm rõ khi người ta dám đối diện với ba câu hỏi:

“Con người là gì?” hay đúng hơn “con người là ai?”

“Tôi là ai?”

“Bạn là ai?”.

Câu hỏi thứ ba này rất quan trọng vì nó không đơn giản như câu hỏi thứ nhất “con người là gì/là ai?” vốn là câu hỏi sẽ đưa tới câu trả lời mang tính đối vật hóa tha nhân. “Bạn là ai?” không giống câu hỏi thứ hai “tôi là ai” sẽ dẫn tới việc quá tập trung vào chủ thể tính để khám phá ra atman.

“Bạn là ai?” là một câu hỏi hoàn toàn khác, vì ta không thể trả lời được câu hỏi này mà không cần một “bạn”, nghĩa là ta cần phải có “bạn” như người đối thoại (Mitfragender) hiện diện “ở đây, lúc này”. “Bạn” là người thấp bé hay cao ráo, giỏi giang hay dở hơi, cộng sản hay hồi giáo, thuộc phe dân chủ hay cộng hòa, người nghèo hay giàu có…? Điều này không còn quan trọng. Điều quan trọng là nếu tôi muốn biết “con người là ai”, thì không chỉ tôi phải lắng nghe chính mình (tôi là ai?), nhưng còn phải lắng nghe bạn khi đối thoại với bạn: “Bạn là ai?”.

Câu hỏi “tôi là ai?”, “anh ấy, cô ấy là ai” không đủ. Tôi phải hỏi “bạn là ai?”, nghĩa là tôi phải đi ra khỏi chính mình, khỏi tư thế “duy ngã độc tôn” của mình, ra khỏi thói quen “đối vật hóa tha nhân” của mình để đến gặp gỡ bạn, dám nhìn vào mắt của bạn, nhận thấy khuôn mặt của bạn và hỏi cách thân ái: “bạn là ai?”.

Câu trả lời cho câu hỏi này luôn đòi hỏi cả hai người vượt qua nguy cơ “nhất nguyên hóa”, hoặc “nhị nguyên hóa”, biến người khác, biến tha nhân thành “nạn nhân” cho thái độ rút gọn chủ quan của tư tưởng, của thành kiến, của sợ hãi và ghen ghét.

Câu hỏi “bạn là ai?” luôn tùy thuộc vào “bạn”, vào sự tỏ lộ, “sự tự mặc khải” của chính bạn cho tôi, chứ không hoàn toàn tùy thuộc vào tôi, ngay cả khi tôi nỗ lực định nghĩa về bạn cách khách quan nhất.

Khi tôi định nghĩa về bạn cách “khách quan”, cũng có nghĩa là rút gọn bạn vào những phạm trù của lý trí, của sự hiểu biết tôi có về bạn. Sự hiểu biết hay tri thức luôn có tính hợp lý, luận lý. Nhưng không phải tất cả những gì là hợp lý đều lột tả hết cuộc sống của con người. Thực ra, cuộc sống của hiện sinh còn có những chiều kích không phải lúc nào cũng luận lý, nhưng nghịch lý, ngoại lý và siêu lý.

Cuộc sống của bạn luôn lớn hơn cái luận lý của riêng tôi rất nhiều. Tha nhân luôn lớn hơn những phạm trù logic của tôi. Logic không thấu triệt con người. Nhưng con người không phải là tất cả nhân loại. Câu trả lời cho câu hỏi “bạn là ai?” chưa chắc đã là câu trả lời toàn triệt cho câu hỏi “con người là ai?”, vì con người không phải là tất cả hữu thể, là tất cả thực tại.

Có thể nói, chính con người là một hữu thể “đa nguyên”. Con người không thể bị rút gọn vào một duy nhất tính tuyệt đối, vì nhân loại không có “một duy nhất tính” nào đó để tôi nắm bắt. Điều này có nghĩa là tôi không thể nói: “không có con người nào khác ngoài con người tôi nghĩ họ là”. Tôi không cần hủy bỏ, phủ nhận những hiểu biết của tôi về con người, về bạn; nhưng tôi cần vượt lên trên những hiểu biết đó; vì bạn “lớn hơn” rất nhiều những điều “tôi nghĩ, tôi đánh giá về bạn”.

Quả thật, thực tại không phải là một cũng không phải là nhiều, không thể đong đếm cũng không hoàn toàn khả tri; nhưng phân cực tính mới là yếu tố cấu thành nên thực tại vì phân cực tính không phải là điều ta rút gọn, giản lược, nhưng là điều là phải chân nhận. Nó không là một sự khải hoàn chung cuộc của bên này hoặc sự thăng hoa (Aufhebung) biện chứng của bên kia. Nó là cách thức thứ ba để giải quyết những mâu thuẫn.

Cách giải quyết thứ nhất thường theo lối nhất nguyên (monism), giải quyết mâu thuẫn bằng chiến thắng của một “bên” nào đó, bên đó có thể thuần dưỡng, khuất phục những sức mạnh tàn phá khác. Cách giải quyết thứ hai thường theo lối nhị nguyên, thường tìm cách giải quyết xung khắc bằng phương thức cân bằng năng động và tạm thời những lập trường khác biệt, đối kháng.

Còn cách giải quyết thứ ba thì nhạy bén với sức mạnh của quyền lực và cả sự khôn ngoan của những căng thẳng, vượt qua cách thức nhất nguyên và nhị nguyên để mở ra với phương thức mà ta có thể sử dụng thuật ngữ của Vedanta để diễn tả: bất-nhị-pháp-môn (aduale). Cách giải quyết này dẫn đến một sự đón nhận tích cực tính khác biệt – một sự đón nhận không bắt buộc phải đưa những thái độ khác biệt vào trong một sự hiệp nhất giả tạo, nhưng cũng không phải chuyển sang một sự pha trộn giản lược.

Tương quan giữa tôi và tha nhân không thể giải quyết theo lối nhất nguyên (tuy hai mà một), cũng không phải theo kiểu nhị nguyên (một mà hai), nhưng là “không-hai”, tức là vừa tôn trọng, bảo đảm khác biệt tính, độc lập tính (independent), nhưng cũng không làm tổn thương hay coi thường tính lệ thuộc nhau trong tương quan giữa người với người (dependent), và hơn thế, còn đẩy mạnh một liên kết hỗ tương giữa tôi và tha nhân (inter-in-dependent).

Thế nên, tương quan giữa tôi-tha nhân không phải là tương quan thù nghịch, mâu thuẫn, căng thẳng, chia rẽ, nhưng cũng không phải là tương quan thao túng, rút gọn “đối phương” vào một sự hợp nhất “rẻ tiền”, hời hợt, tạm bợ đến nỗi coi thường tha tính, nhưng phải là tương quan hài hòa, hỗ tương (inter-in-dependent). Không phải đơn giản “mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai”, nhưng đúng hơn, như một nhà thơ đã nói rất ý nhị về tương quan yêu thương giữa tôi và tha nhân: “nec tecum nec sine te”, không phải với bạn, cũng không phải thiếu bạn, tôi mới có thể sống được.

  1. Aliud và Alter

Aliud, tha tính (tính khác biệt) hay đa tính (tính đa dạng) là nhận thức rằng có hoặc có thể có những thực tại khác với những điều chúng ta quan niệm, là nhận thức rằng logos thì hoàn toàn khác với lý trí, con người thì hoàn toàn khác logos và Hữu thì hoàn toàn khác với con người. Tôi không thể quán triệt thực tại, cũng như tôi không là trung tâm thực tại, mà chỉ là một trong số những cực của nó. Duy ngã độc tôn là một thứ chết ngạt. Tôi luôn ở trong tương quan.

Tha nhân, một chủ thể khác của yêu thương và hiểu biết, một nhân vị khác không đơn giản là một tha tính. Hơn nữa, tha nhân không coi mình như người khác, nhưng như tôi, như chính tôi thấy tôi. Đối xử với người khác như một “cái gì” khác biệt, dị biệt với mình, chứ không như tha nhân (alter), nghĩa là đối vật hóa họ, không trao ban cho họ một vị trí trong trái tim và cuộc đời của tôi. Đây quả là một trong những nhầm lẫn chết người mà đa số nhân loại thường mắc phải. Đây cũng là nguyên nhân nảy sinh quan niệm “tha nhân là hỏa ngục”.

Các truyền thống Đông phương và Tây phương đòi hỏi tôi phải yêu thương tha nhân như chính mình, như chính tôi; nhưng người ta lại dựng nên những bức tường ngăn cách, tách biệt tới mức coi tha nhân như cái gì đó khác biệt với những quyền lợi của tôi, không cho họ chia sẻ cuộc sống của/với tôi. Nhưng khi tha nhân (alter) trở thành bạn (you) thì tất cả đã thay đổi.

Nhận biết người khác không như cái gì đó khác hay ai khác (aliud), nhưng như tha-nhân (alter), sẽ biến người ấy thành một người đồng hành, một thành viên, một chủ thể chứ không phải một đối tượng để rút gọn, thao túng, triệt tiêu hoặc chiếm hữu, chiếm dụng. Nhìn thấy khuôn mặt người khác như tha nhân mới là suối nguồn của tri thức đích thực về con người và về chính bản thân mình, là nguyên lý của cuộc khởi hành để là chính mình. Điều này chỉ có thể thành tựu khi tôi biết lắng nghe tha nhân, để họ hiểu biết tôi chứ không chỉ tôi biết họ.

Và như thế, tôi gọi tha nhân (alter) như suối nguồn của việc nhận biết chính mình chứ không đơn giản như kết quả nhận thức của trí tuệ (aliud). Tha nhân này không nhất thiết phải luôn là người tốt lành, dễ thương, một con người thiện chí, có những tình cảm hoặc những ý kiến, lập trường như tôi. Nhưng tha nhân có thể là kẻ thù của tôi vì họ luôn mang nơi mình khuôn mặt rất người. Người ấy là một “bạn”, chứ không phải “hắn ta” hoặc “nó”, hoặc là một hữu thể vô danh ở trong đám mây mờ  hoặc là một mục tiêu cho tôi công kích, oanh tạc…

Cần để cho trương lực đối thoại vượt trên những mâu thuẫn biện chứng. Coi tha nhân như hỏa ngục luôn là kết quả đương nhiên của một tương quan mâu thuẫn biện chứng. Tôi và tha nhân được nối kết trong một vòng tròn không lối thoát giữa đề và phản đề. Lời nói, hành động, thái độ, tình cảm, động cơ của người này luôn có thể bị phủ định, phá đổ, triệt tiêu bởi “phản đề” của người kia. Như thế, tôi và tha nhân ngã vào trong cuộc bách hại lẫn nhau mãi không thôi. Đó chẳng phải là hình ảnh của hỏa ngục hay sao?

Cần siêu vượt và chuyển hóa mâu thuẫn biện chứng thành trương lực đối thoại. Cách thức để xây dựng một tương quan hài hòa không bao hàm sức mạnh thuyết phục, thu phục tha nhân, cũng không phải là một tiến trình đối thoại biện chứng (dialectic dialogue) đi từ đối thoại đến đối đầu, từ tranh luận đến tranh cãi, rồi thù ghét và tuyệt thông nhau, vì ai cũng muốn chiến thắng, hạ gục người khác chứ không muốn hiểu biết để yêu thương. Một tương quan liên vị phải được xây dựng trên nền tảng của đối thoại đồng luận (dialogic dialogue) nghĩa là đối thoại với nhau để hiểu nhau, cảm thông, thương yêu và cùng nắm tay nhau để tiến bước với nhau.

Phong cách đối thoại đồng luận dẫn đến nỗ lực cởi mở trước những mối bận tâm, nhu cầu và cảm xúc của tha nhân, tìm kiếm để tham dự vào những điều tương đồng trên bình diện đặc sủng, thao thức, khó khăn, thách đố, hoài nghi, cảm hứng, hướng dẫn, ánh sáng, lý tưởng, hay bất cứ giá trị nào cao nhất mà cả hai bên đều công nhận mà chưa ai trong cả hai đã làm chủ hoặc thấu triệt. Cuộc đối thoại đồng luận này vừa là một nghệ thuật, vừa là một khoa học; liên hệ đến cả technēpraxis, cũng như cả gnōsistheoria. Khó khăn của cách thức đối thoại này nằm trong việc phục hoạt, khởi động lại liên tục cuộc gặp gỡ, đối thoại  khi một trong hai bên từ chối đi vào tương quan.

Đối thoại đồng luận không chỉ có thảo luận mà cần đến cả việc cầu nguyện, không chỉ đơn giản đối thoại bằng lời nói mà cả bằng sự thinh lặng, không phải là những quyết định mà là ưu tiên cho phép những hoàn cảnh mà mỗi bên phải tự biết dàn xếp; không phải là quyền hành mà là sự hỗ tương cao hơn cả tuân phục; không phải là biết cách giải quyết mà là cùng nhau tìm cách giải quyết; không chỉ đơn thuần chú giải Tu Luật hay Hiến Pháp, nhưng là sáng tạo và trách nhiệm…

Đây là những thái độ thích hợp để có thể cùng nhau đối thoại đồng luận để giải quết những vấn đề cách hiệu quả, đa chiều, đa phương, đa nguyên lành mạnh. Thái độ đa nguyên tích cực này không phải để tìm kiếm những ích lợi tạm thời, nhưng nó phải thực sự là một cuộc sáng tạo mới. Thái độ cởi mở này giúp tôi gặp tha nhân với những dấn thân làm phong phú cho nhau, xây dựng những tương quan tích cực trong những trương lực đối thoại và cả trong những đối cực sáng tạo của cả hai. Tha nhân như một đối cực khác của quỹ đạo đời tôi. Người ấy là cực còn lại làm nên tinh cầu cuộc sống của tôi.

  1. “Tha nhân là một phần đời tôi”

Alter là tha nhân nhưng không có nghĩa là người khác, người xa lạ, người ngoại. Theo một nghĩa đích thực, người khác, người lạ, người ngoại hay người ngoài không hề hiện hữu. Nếu một lúc nào đó, chúng ta nhận ra “tha nhân theo nghĩa người-khác”, đó chỉ là một sự phóng chiếu của sự ích kỷ mà chúng ta cưu mang trong mình, để rồi chúng ta đối xử với tha nhân như người xa lạ: họ là một hữu thể xa lạ nên gây ra những vấn đề cho tôi…

Panikkar nói: “tha nhân là một phần đời tôi” (L’altro fa parte di me)[62], họ thuộc về cuộc sống của tôi, không có nghĩa là tôi đang nói đến tha nhân như một khái niệm để rồi ngay lập tức tôi tạo nên sự phân tách tôi-tha. Tha nhân là chiều kích ẩn giấu, bí mật thuộc về cuộc đời tôi, là một phần làm nên cuộc sống tôi, và tôi, khi nhận thức như thế, tôi nghiệm ra tôi ở ngoài chính tôi. Nhưng tha nhân là thực tại không có nhiều phần. Khi tôi ý niệm hóa thực tại để hiểu nó thì tôi phải chia nó thành nhiều phần như Descartes mời gọi chúng ta thực hiện trong Regulae ad directionem ingenii.

Chúng ta thường làm như những đứa trẻ muốn phân tích con búp bê của mình nên tháo gỡ con búp bê ra để thấy rõ cấu trúc các phần của món đồ chơi. Nhưng khi đứa trẻ ráp lại con búp bê của mình thì con búp bê này không còn như con búp bê hoàn chỉnh trước khi tháo gỡ. Cái tất cả mà có thể phân chia thì sẽ không còn là cái tất cả. Người ta thường quên rằng việc suy tư đích thực không có nghĩa là phân tích, chia tách sự vật thành những thành phần để quan sát tỏ tường.

Theo ngữ nghĩa, suy tư có nghĩa là cân nhắc khuynh hướng, nghĩa là tình yêu tìm được vị trí của mình để không gây bạo lực, không tạo phiền toái. Suy tư đối lập với thí nghiệm. Thí nghiệm thì gây bạo lực, thay đổi những biến số để quan sát tổng thể phản ứng. Suy tư thì cân nhắc chính sự vật để hưởng nếm, để hiểu biết vì nó trở thành một phần của tôi.

Hiểu biết là sự sinh hạ cùng với cái được hiểu biết. Do đó, trong thần học, khi người ta nói rằng hưởng kiến vinh phúc là chiêm ngắm Thiên Chúa, điều này có nghĩa là hiểu biết Thiên Chúa, trở nên một phần của Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa, được thần hóa.

Thực vậy, quan niệm tha nhân như người xa lạ đã cắm rễ sâu trong văn hóa hiện đại đến nỗi dường như rất khó vượt qua. Thật ý nghĩa khi ta giải thích câu nói tóm gọn tất cả sứ điệp Tin Mừng: “Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi”. Thường thì với thiện chí, người ta thương tha nhân như một “người khác”, như một ai đó có quyền, có những giá trị của một chủ thể đáng được tôn trọng, nhưng không bao giờ được xem như “chính mình tôi”, như một phần của cuộc đời tôi. Ngược lại, Tin Mừng khẳng định: “yêu tha nhân như chính mình ngươi”. Khi tôi không chịu mở rộng con tim, bỏ đi nỗi sợ đánh mất sự đồng nhất hóa của bản thân vốn không phải là căn tính của tôi, thì tôi sẽ không thể sống được sứ điệp Tin Mừng yêu thương tha nhân như chính mình.

Căn tính của tôi không thể định nghĩa; nó là một autos, một idem, là thực tại mà chính tôi thực sự là, chứ không phải là cái có thể phân tích. Người ta đánh mất sự đơn sơ trong những suy nghĩ thuần túy lý thuyết. Nếu tôi đồng hóa mình với cái này cái nọ thì tôi thực sự đánh mất tính nhân văn của mình. Cái chính mình luôn là cái liên kết với ta mà không cần phân tích. Thương yêu và bảo vệ tha nhân cũng chính là ta đang yêu thương, bảo vệ phần sâu thẳm nhất của “cái chính mình”.

Kết luận

Tha nhân bẻ nát chủ nghĩa cá nhân của tôi. Vượt qua cái bẫy ích kỷ không bao giờ là điều dễ dàng. Tha nhân giúp tôi ra khỏi “tháp ngà” của sợ hãi, vị kỷ và ảo tưởng. Tương quan liên vị luôn là một đòi hỏi, một “mệnh lệnh tuyệt đối” của tính nhân văn và văn minh. Tha nhân không là “hỏa ngục”, cũng không đơn giản như là “duyên” hay là “nghiệp” mà tôi phải đón nhận hay phải chịu đựng, nhưng là “cái tôi khác” của tôi và trong tôi; là một phần đời tôi, “một phần” siêu vượt chính tôi, làm nên sự viên mãn của tôi, biến đổi tôi, chứ không phải một phần được thêm vào. Nhận biết tha nhân như một phần đời mình là khởi đầu của tình yêu. Không có sự phân tách giữa nhận thức và tình yêu. Nhận thức không tình yêu là sự tính toán, tình yêu thiếu sự nhận thức là duy cảm xúc. Biết để thương và thương để biết là vòng tròn sự sống của tương quan huynh đệ. Tha nhân là phần thuộc đời tôi và tôi là phần thuộc về tha nhân. Tâm thức “thuộc về” này không bao giờ là sự thống trị, hoặc sở hữu, nhưng là cảm thức “tương tại” của tình yêu. Tình yêu Ba Ngôi là gì? Nếu không phải là “tương tại” (ở trong nhau), “tương hướng” (luôn hướng về nhau)  và “tương hiệp” (hiệp nhất trong khác biệt).

Tứ hải giai huynh đệ

La San Châu Sơn

Huynh đệ năm châu một mái nhà
Da trắng da màu – chỉ một Cha
Cùng chung trái đất chung trời biển
Chung nghĩa chung tình sống thuận hòa

Vòng tay lớn mãi nối tình sâu
Bác ái vị tha giảm nỗi sầu
Gánh nặng cuộc đời chia sớt khổ
Một lòng thương mến mãi bền lâu

Quyện theo làn gió vút thiên cung
Tha thiết lời kinh thoát khốn cùng
Bình tâm đối thoại cùng thăng tiến
Chiến tranh lui gót hết hoành tung

Chăn lo Mẹ Đất mãi xanh tươi
Bao bọc đoàn con đến vạn đời
Nước sạch rừng xanh bầu khí mát
Mạch sống trào dâng thỏa nụ cười

Niềm tin huynh đệ gửi trao nhau
Trong sáng lung linh ánh nhiệm màu
Yêu thương hiệp nhất luôn gìn giữ
Hương trầm bay ngát đến mai sau.

THUC V MT GIA ĐÌNH

Sr. M. Têrêsa Tin

Trong thế giới ngày nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất ngày càng phai nhạt, và giấc mơ cùng chung tay xây dựng công lý và hòa bình dường như là điều không tưởng, lỗi thời. Ngự trị thay vào đó là sự lãnh đạm tiện lợi, lạnh lùng và bao trùm, phát sinh từ mối thất vọng sâu xa, mối thất vọng được che giấu bởi sự xảo trá của ảo tưởng tin rằng chúng ta toàn năng, mà không nhận thấy tất cả chúng ta đều trên cùng một con thuyền”.[63]

Đứng trước những thực trạng khó khăn và thách đố như vậy, mỗi người được mời gọi ý thức được sự thuộc về gia đình, cùng với tinh thần trách nhiệm và bổn phận để xây dựng sự hiệp nhất và yêu thương, để cùng vượt qua khó khăn. Gia đình là một nhân tố quan trọng và thiết yếu trong việc xây dựng gia đình nhân loại. Một gia đình yêu thương sẽ làm nên một xã hội hòa bình. Một gia đình đoàn kết sẽ xây dựng một thế giới cường thịnh[64]. Đặc biệt, gia đình Kitô hữu là nơi thể hiện tình yêu thương và mở rộng tình yêu ấy đến trong gia đình nhân loại. Bởi tình yêu là con đường dẫn ta về với Chúa, vì chính qua tình yêu mà chúng ta gặp gỡ Ngài[65]. Vì thế, khi sống bác ái yêu thương cũng là lúc người Kitô hữu đang ý thức được sự thuộc về một gia đình nhân loại, cũng là cách thông truyền cho thế giới về tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là nguyên lý hiệp nhất mọi người trên thế giới thành một đại gia đình nhân loại.

I. Đời sống gia đình – một cảm thức thuộc về

  1. Thuộc về Thiên Chúa qua Đức Kitô

Mỗi người được sinh ra đều mang hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,27). Một cách nào đó, con người thuộc về gia đình Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Tình yêu Thiên Chúa mời gọi chúng ta hướng đến Thiên Chúa Tuyệt Đối và hướng về tình huynh đệ phổ quát[66]. Nhưng chính sứ mạng của Đức Giêsu Kitô giúp nhân loại nhận thức được Chúa Cha nhờ những gì Đức Giêsu đã nói, đã làm và nhờ chính bản thân Đức Giêsu mà nhân loại được tham dự vào sự hiệp thông với Thiên Chúa[67]. Bởi đó, dù chúng ta là ai, có đức tin hay không có đức tin; dù chúng ta sống trong đời tu hay ở đời thường hoặc trong bất cứ môi trường xã hội nào, không có gì tách chúng ta ra khỏi nguồn sống là Đức Kitô, không có gì ngăn cản chúng ta yêu mến Ngài[68].

Qua bí tích Rửa tội, chúng ta thuộc về Thiên Chúa qua Đức Kitô. Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã Tử Nạn và đã Phục Sinh, ban cho con người được ơn tái sinh, được làm con cái của Thiên Chúa, của ánh sáng, của tình yêu. Vì thế, mỗi người sống tình bác ái huynh đệ chính là chu toàn mọi thứ đòi hỏi luân lý (x. Gl 5,14; 6,2; Rm 13,8tt; Cl 3,14). Bởi vì“Ai không yêu thương anh em mà mình thấy, thì sẽ không yêu được Thiên Chúa, Đấng mình chẳng thấy…khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa” (1Ga 4,20t; 5,2)[69].

  1. Nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi anh chị em

Mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên tất cả mọi người là anh chị em với nhau. Từ đó, mọi người biết yêu thương nhau, “vì tình yêu thương là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi con người[70]. Ca dao Việt Nam có câu: “Anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi yêu thương anh em đồng loại một cách chân thành vì chúng ta nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi mọi người[71]. “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16) và Ngài tỏ tình yêu thương ấy bằng cách rong ruổi khắp mọi nẻo đường để đến gặp con người, từ những người nghèo khó đến quan chức giàu sang, từ những người đói rách đến những trọc phú xa hoa. Nếu Chúa đã yêu thương mọi người, từ những người mang tiếng “ngoại đạo, bỏ đạo, lạc đạo, rối đạo, vô đạo”, nếu Chúa đã không loại trừ ai, không chia rẽ, kỳ thị… thì sao con người lại phán xét anh chị em mình và định đoạt số phận đời đời của họ. Chính Chúa đã đổ máu đào vì cả nhân loại này, nên chúng ta cũng thương yêu mọi người và đồng hành với nhau trên đường đi gặp Chúa[72].

Chính sự cảm thương sẽ tái tạo đời sống chúng ta theo những cách thức mà chúng ta không hề dự định trước[73]. Học biết cảm thương sẽ giúp chúng ta nhạy bén với nhu cầu của anh chị em. Chúng ta chỉ có thể trở thành người anh em với nhau, nếu chúng ta khám phá ra được nguồn gốc chung của mình và của mọi tạo vật. Tất cả được đón nhận bằng một tình yêu trào tràn của Ba Ngôi Thiên Chúa[74].

Thực ra, Thiên Chúa đã luôn đi bước trước đến với mỗi người và chuẩn bị sẵn một cuộc gặp gỡ với con người. Tôn giáo hay những biến cố đều đưa ta đến với Ngài, những thời điểm thuận lợi cho ta gặp Ngài, cả những khó khăn, thất bại cũng là những “đưa đẩy quan phòng” cho ta đến gặp Chúa. Tất cả mọi người mọi việc… đều là những nhịp cầu đưa ta gặp gỡ Ngài[75]. Chúa là tình yêu, đường dẫn vào tình yêu là đường dẫn ta tới Chúa. Đường dẫn ta tới Chúa thì có muôn vạn nẻo[76]. Đôi khi hình dáng bên ngoài không mấy hấp dẫn, nhưng có thể thái độ của người đó cuốn hút chúng ta một cách kỳ diệu[77]. Bởi đó, mỗi người là món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta, là bí tích sự hiện diện yêu thương của Đức Kitô. Ngay cả trước khi họ là đối tượng của tình yêu chúng ta thì họ đã là sự biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho ta. Chính tha nhân là sự hiện diện của Đức Kitô cho ta[78]. Lazarô dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Mối tương quan thích đáng với mọi người là nhìn nhận giá trị của tha nhân với lòng biết ơn[79]. Vì thế, yêu thương và giúp đỡ nhau còn được thể hiện trong phạm vi rộng lớn là tình huynh đệ đại đồng.

  1. Tình huynh đệ đại đồng

Tình huynh đệ đích thực đòi hỏi ta phải đi vào trong đời sống của anh chị em và tiếp đón họ vào trong đời sống của mình[80]. Bởi vì Thiên Chúa có mặt trên con đường nhân loại vì Người ở giữa nhân loại khi xuống thế gian làm người, mang lấy tất cả thân phận con người, chia sẻ mọi cảnh huống của đời người. Ngài cũng được sinh ra, lớn lên, trưởng thành, biết vui biết buồn, biết đau biết mệt, biết đói biết no và sống chết như mọi người. Ngài trở nên như mọi người để không ai không gặp được Ngài; giống mọi người để không ai thấy mình là người xa lạ với Thiên Chúa; cùng mọi người để mọi người được gần gũi, đồng hành và ở với Ngài[81]. Chúa đã tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ (x. Mt 10,40-42), và khẳng định rằng dấu chỉ để nhận biết người môn đệ chính là tình yêu mà người ta trao cho nhau (x. Ga 13, 35)[82].

Trong Đức Giêsu Kitô, phúc lành của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên các mối liên hệ “tứ hải giai huynh đệ”, khiến cho nó mở rộng ra một cách không thể nào tưởng tượng nổi, bằng cách cho nó có khả năng vượt qua sự khác biệt mọi quốc gia, ngôn ngữ, văn hóa và cả tôn giáo nữa[83]. Thật tốt đẹp biết bao khi được hiệp nhất những giọng nói của chúng ta thành một lời ngợi khen duy nhất đối với Thánh Danh Thiên Chúa[84].

Hãy yêu, yêu nữa đi, bạn hãy yêu gấp ba lần. Bạn có thể làm được tất cả nếu bạn yêu Đức Giêsu[85], yêu Chúa Giêsu nơi mỗi người[86]. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng; tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Thiên Chúa đã tạo dựng gia đình như một khuôn mẫu tiêu biểu cho mọi hình thức cộng đồng trong nhân loại. Trọng trách của gia đình là nuôi dưỡng tình yêu, khơi dậy những giá trị căn bản[87]. Vậy đâu là cách thức diễn tả tinh thần thuộc về một đại gia đình?

II. Cách thức diễn tả thuộc về một gia đình

  1. Hiệp thông trong chiều kích thiêng liêng

Tình yêu gia đình có nhiều cách diễn tả, trước tiên hãy tạo lấy một gia đình thiêng liêng liên kết với nhau không phải bằng huyết nhục nhưng là bằng lời Chúa và thực thi Lời ấy. Mẹ tôi và anh em tôi là những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa (x. Lc 8,21).

Những gì cần có nơi một gia đình toàn vẹn là: tình thương, đoàn kết, sự nâng đỡ, mọi tương trợ thiêng liêng và vật chất. Nếu một gia đình không có những điều đó thì không phải là một gia đình[88]. Vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, dẫu họ đánh mất nét giống Ngài thì con người vẫn còn mang hình ảnh của Đấng Sáng Tạo, vẫn hướng về Đấng dựng nên mình. Trong mọi tôn giáo đều nói lên khát vọng tìm kiếm căn bản này của con người[89]. Bởi đó con người có được sự gắn kết với nhau trong chiều kích thiêng liêng và hiệp thông, thương cảm, chia sẻ, giúp đỡ tinh thần cho nhau khi buồn đau thất bại hay khi thành công hạnh phúc.

Thế nên, khởi điểm của mọi sự đều có tình yêu nhưng không. Điều này làm thay đổi tất cả. Vì mọi sự đã có một nguồn gốc, một ý nghĩa, một cứu cánh. Chính tình yêu Thiên Chúa đã chiếu soi cho mọi tương quan giữa con người, và biến chúng thành tình huynh đệ. Thành anh em cùng nguồn gốc, cùng định mệnh và cùng mục đích[90]. Thật vậy, hệ quả của tình yêu là thấy mình đáng yêu, mọi người đáng yêu, dễ cười và hòa ái. Dù con người có bệnh hoạn hay khổ đau cũng không mất bình tĩnh, thâm tâm vẫn thanh thản[91], và hướng tâm lòng cũng như ước nguyện trong chiều kích thiêng liêng và nảy sinh tình tương thân tương ái[92].

  1. Tình tương thân tương ái

Con người sống cần có nhau như kinh nghiệm của cha ông ta chia sẻ: “Chị ngã thì em nâng”; “lá lành đùm lá rách”. Bởi đó, cuộc sống dù có những va chạm, những ích kỷ nhỏ nhen hay đôi khi có cả những giây phút tức giận và ghen ghét, nhưng nơi bản chất mỗi người vẫn là lòng trắc ẩn, sự áy náy và những tình cảm thương yêu. Theo một nghĩa nào đó, tình yêu thương gắn kết anh em bốn bể thành một gia đình rộng lớn.

Gia đình được thiết lập do tình yêu thương và được sinh động cũng do tình yêu thương, đó cũng là một cộng đồng ngôi vị gồm cha mẹ, con cái và họ hàng[93]. Gia đình sống cho nhau và vì nhau là điều tự nhiên, không phân biệt văn hóa, tuổi tác,…[94] Nếu bạn yêu mến Chúa qua các thành viên nơi gia đình, thì bạn cũng dễ yêu mến mọi người khác ngoài xã hội. Ai trong xã hội cũng khao khát tình thương, vì vậy, cần đem tình thương đến cho mọi người ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh để xã hội chúng ta trở nên nhân bản hơn, yêu thương hơn[95].

Nhưng điều gì xảy ra khi tương quan huynh đệ bị phá hủy? Nó sẽ mở ra một con đường các kinh nghiệm đớn đau của xung khắc, phản bội và thù hận… Ngày nay hơn bao giờ hết cần phải đem tình huynh đệ trở lại vào trung tâm xã hội kỹ thuật và bàn giấy của chúng ta, khi đó cả sự tự do và bình đẳng cũng sẽ có được giọng điệu đúng đắn của chúng[96].

Có khi nào chúng ta nghĩ rằng, những lời rất đơn giản như “xin phép”, “cảm ơn” và “xin lỗi”… lại mở ra một con đường để sống hạnh phúc và an hòa trong gia đình không? Những lời này tuy rất đơn sơ, nhưng chúng hàm chứa một sức mạnh phi thường: sức mạnh để bảo vệ gia đạo trước hàng ngàn khó khăn và thử thách. Ngược lại, việc thiếu chúng sẽ từ từ gây ra các rạn nứt, thậm chí có thể làm đổ vỡ gia đình[97]. Trong gia đình nhân loại, tình huynh đệ phải có sự thông cảm, sự tôn trọng và lòng quý mến[98]. Sẵn sàng cúi xuống rửa chân cho anh em chính là dấu hiệu của tình yêu, dấu chỉ thiết yếu để xây dựng tình huynh đệ giữa người với người[99]. Mỗi cử chỉ tình yêu giúp cho ta lớn lên và thăng tiến, yêu đời hơn, hạnh phúc hơn[100].

Gia đình không gì khác hơn là một mối đan xen chặt chẽ giữa những liên hệ. Đây quả là một kho tàng quý báu, một mầu nhiệm của tình yêu[101]. Chính gia đình là sự hiệp thông thiêng liêng và tình huynh đệ tương thân tương ái đòi chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm trên nhau.

  1. Bổn phận và trách nhiệm

Khi đại dịch Covid 19 xảy ra đã gây ra biết bao thiệt hại về tính mạng con người, cả tinh thần và vật chất cho cả gia đình nhân loại. Trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, tất cả mọi người đều chung lòng chung sức để vượt qua mọi khó khăn. Chính điều đó đã nói lên tính trách nhiệm và bổn phận của mỗi người là anh em với nhau trong đại gia đình nhân loại.

Quả thực, rất nhiều hình ảnh trong cuộc sống thức tỉnh chúng ta sống với sự hiệp thông, và chia sẻ trong tình gia đình nhân loại. Ví dụ như khi chúng ta đang đi xe trên đường, thì có tiếng còi của xe cứu thương hay cứu hỏa, khi nghe tiếng ấy đa số trong chúng ta đều nhường đường và hướng về nơi phát ra âm thanh, cùng khơi dậy nơi lòng mỗi người đi đường một sự thổn thức, lòng thương cảm, hiệp thông và một lời nguyện cầu cho người đó hay gia đình đang gặp nạn được bình an. Tuy nhiên, một điều quan trọng để tạo nên được tính bền vững của tình yêu gia đình nhân loại là biết đặt Thiên Chúa vào trung tâm gia đình, mọi người luôn tìm kiếm và thực thi ý Chúa[102]. Gia đình dù đối diện với nhiều khó khăn về kinh tế, bệnh tật, tổn thương, mất mát, sự nghèo khó… nhưng gia đình cũng có nhiều niềm vui như khi một thành viên mới chào đời, những dịp lễ tết, sinh nhật hay khi một người thành công, hạnh phúc… Chính tình yêu gia đình giúp chúng ta có bổn phận, trách nhiệm chăm sóc và giúp đỡ nhau.

Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn[103]. Lòng trung thành của chúng ta với lời hứa cũng luôn được tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Tình yêu đối với gia đình nhân loại, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, chính là điểm vinh dự đối với Giáo hội! Xin Chúa ban cho chúng ta xứng đáng với lời hứa này[104]. Mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại có nhiều điểm khác nhau nhưng tạo nên vẻ đẹp đầy phong phú vi diệu. Bởi đó, Thiên Chúa còn có thể biến đổi những mối liên hệ đầy chia rẽ hận thù thành những sợi dây tình thương và hiệp nhất.

Vậy, mọi thành viên trong gia đình hãy cố gắng kiến tạo sự hiệp nhất và yêu thương, tình tương thân và trách nhiệm nâng đỡ nhau. Mỗi thành viên đừng chìa tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi (x. Hc 4,31). Vì tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta (x. Mt 7,12). Khi có thể, đừng từ chối làm điều lành cho ai đáng được hưởng. Khi có thể cho ngay, thì cũng đừng nói: “Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh” (Cn 3,27-28). Là anh em trong gia đình thì hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô, vốn giàu sang nhưng trở nên giống phàm nhân và sống như người trần thế (x. Pl 2,5-7). Được như thế thì mọi sự đều sinh ích cho ai yêu mến Người (x. Rm 8,28) và yêu kẻ thù với một tấm lòng nhân từ như Cha trên trời.

Kết

Cảm thức thuộc về một gia đình, giúp mỗi người chúng ta cảm nhận và ý thức về mái ấm yêu thương trong gia đình huyết thống, gia đình thiêng liêng, tình anh chị em trong đại gia đình nhân loại này. Chính niềm tin, lòng nhân ái trong trái tim nơi mỗi người hướng chúng ta cùng nhau tiến về Thiên Quốc, là gia đình của Ba Ngôi Thiên Chúa tình yêu. Vậy nên chúng ta hãy sống hết mình cho tình thương, tình thương thì rất dễ loan truyền,[105] giúp mọi người học cách yêu thương, học cách xây dựng mọi liên hệ trong gia đình trên căn bản là tình thương và tinh thần tự hiến[106].

Qua Thông điệp “Tất Cả Là Anh Em”, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi chúng ta luôn có được cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại. Gia đình là tổ ấm yêu thương, nơi để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, thành công hay thất bại trong cuộc sống và những khắc khoải tâm linh. Từ mái ấm gia đình này, chúng ta hiệp thông thiêng liêng qua những chia sẻ yêu thương mọi người trong cuộc sống. Đồng thời, hướng anh chị em chúng ta xích lại gần nhau hơn, và cùng nhau hướng lòng về gia đình Thiên Chúa – Nguồn Yêu. Bởi vậy, “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16).

ĐAN VIỆN – XÃ HỘI ĐẠI ĐỒNG
VÀ TỨ HẢI GIAI HUYNH ĐỆ

Ân Thiên

Một trong những ưu tư của Đức thánh cha Phanxicô trong triều đại giáo hoàng của ngài là tình liên đới giữa con người với nhau trong xã hội như ngài viết trong Thông điệp Fratelli Tutti:  “Tôi luôn ưu tư đến các vấn đề liên quan đến tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Những năm gần đây, trong các dịp khác nhau, tôi đã nhiều lần đề cập về chủ đề đó[107]. Điều đó cũng thúc đẩy ngài viết nên Thông điệp Fratelli Tutti – Tất Cả Anh Em. Trong Thông điệp, ngài cũng mơ về “một nhân loại duy nhất, như những người du hành cùng chia sẻ một thân xác con người, như những đứa con của cùng một đất mẹ, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người với sự phong phú của niềm tin và những xác tín của mình, mỗi người với cung giọng riêng của mình, tất cả đều là anh em”[108]. Những ưu tư và ước muốn của Đức thánh cha cũng như Thông điệp Fratelli Tutti của ngài thật cần thiết trong bối cảnh của thế giới hôm nay, một thế giới còn đầy dẫy sự thù hận, chiến tranh, bạo lực, những rạn nứt trong tương quan giữa người với người vì sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, đảng phái, niềm tin hay quan điểm sống. Những rạn nứt ấy xảy ra từ phạm vi nhỏ giữa các cá nhân cho đến quy mô quốc tế. Thế giới ngày nay hẳn cần phải nhấn mạnh đến một thế giới đại đồng, đến tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”. Đó không phải là điều mới được đề cập trong thời đại hôm nay nhưng đã được nói đến hàng ngàn năm trước trong Tứ Thư và Ngũ Kinh. Tuy nhiên, để xây dựng một tình huynh đệ đại đồng ở quy mô quốc gia hay quốc tế thì cần khởi đầu trong tương quan giữa người với người, trong gia đình hay cộng đoàn nhỏ bé trước. Chính vì thế, bài viết này nêu lên một vài suy nghĩ để tìm ra những nét tương đồng giữa đời sống đan tu cộng đoàn với câu “tứ hải giai huynh đệ” được nói trong sách Luận Ngữ và với xã hội đại đồng mà Khổng Tử nói đến.

  1. Tứ hải giai huynh đệ và đời sống đan tu

1.1. Tứ hải giai huynh đệ

Câu nói “tứ hải giai huynh đệ” được sử dụng nhiều trong cuộc sống nói lên tình liên đới giữa những con người từ nhiều nơi khác nhau. Câu nói cho thấy mọi người dường như không hề xa lạ nhưng đều là anh em. Tuy nhiên có rất ít người biết được nguồn gốc của câu nói này. Đây là câu trả lời của Tử Hạ cho Tư Mã Ngưu được chép lại trong sách Luận Ngữ.

Trong sách Luận Ngữ, thiên Nhan Uyên có ghi lại cuộc đối thoại giữa Tử Hạ và Tư Mã Ngưu: Tư Mã Ngưu ưu viết: “Nhân giai hữu huynh đệ, ngã độc vô”. Tử Hạ[109] viết: ‘Thương văn chi hĩ: ‘Tử sinh hữu mệnh, phú quí tại thiên. Quân tử kính nhi vô thất, dữ nhân cung nhi hữu lễ. Tứ hải chi nội giai huynh đệ dã’. Quân tử hà hoạn hồ vô huynh đệ dã”. Dịch nghĩa: Tư Mã Ngưu rầu rĩ bảo: ‘Ai cũng có anh em, duy có tôi là không?’ Tử Hạ bảo: ‘Thương tôi nghe nói: ‘Sống chết có số, phú quí do trời. Người quân tử nghiêm túc mà không thất thố, giao thiệp với ai mà cung cẩn mà lễ độ. Như vậy thì người trong bốn bể đều là anh em của mình’. Người quân tử lo gì không có anh em”(Luận Ngữ, Nhan Uyên – XII,5).

Như thế, câu tứ hải giai huynh đệ là câu nói tắt từ câu trả lời của Tử Hạ cho Tư Mã Ngưu: ‘Tứ hải chi nội giai huynh đệ dã’. Theo chú thích của học giả Nguyễn Hiến Lê: thời xưa người Trung Hoa cho rằng nước họ bốn bên là biển bao vây, cho nên gọi Trung Hoa là hải nội, ngoại quốc là hải ngoại[110]. Như vậy, “tứ hải chi nội – người trong bốn biển” nghĩa là người trong một nước không phân biệt ai, dù là người có cùng huyết thống hay không. Theo vật lý ngày nay, 3/4 trái đất được bao bọc bởi đại dương và người ta chia đại dương toàn cầu thành bốn đại dương theo thứ tự diện tích giảm dần: Thái Bình DươngĐại Tây DươngẤn Độ DươngNam Đại Dương và Bắc Băng Dương.[111] Do đó, khi nói “tứ hải chi nội” theo cách hiểu ngày nay thì “người trong bốn biển” có thể hiểu là nói đến tất cả mọi người trong khắp địa cầu chứ không hẳn chỉ là người trong một nước như cách hiểu của người Trung Hoa xưa.

Trong câu trả lời của Tử Hạ cho Tư Mã Ngưu, ta thấy có sự không đồng điệu. Trong khi Tư Mã Ngưu lo buồn vì mình không có anh em theo nghĩa huyết thống thì câu trả lời của Thương lại nói đến một tình anh em mang nghĩa rộng lớn hơn, không dựa trên huyết thống nhưng dựa trên tình người. Việc có anh em theo nghĩa huyết thống hay không dường như là sự an bài của số phận, là điều mà người ta không có quyền lựa chọn hay quyết định, bởi điều đó nằm ngoài khả năng của mỗi người. Nhưng nỗi buồn không có anh em ruột thịt có thể được thay thế bằng tình huynh đệ rộng lớn trong thiên hạ. Như thế, dù là con duy nhất hay có nhiều anh em trong gia đình thì mỗi người vẫn có thể có những tình cảm anh em khác trong xã hội.

Hẳn nhiên mọi người trong thiên hạ đều là anh em đồng loại trong cùng một mái nhà chung. Có nhiều yếu tố tạo nên tình anh em trong nhân loại. Tuy nhiên, trong câu trả lời của Tử Hạ điều quan trọng chính là cách cư xử trong tương quan với người khác. Chúng ta là huynh đệ với nhau nếu biết cư xử lịch thiệp, cung cẩn và lễ độ: “Người quân tử nghiêm túc mà không thất thố, giao thiệp với ai mà cung cẩn mà lễ độ. Như vậy thì người trong bốn bể đều là anh em của mình”.

1.2. Đan viện và tinh thần tứ hải giai huynh đệ

Các đan viện có thể được coi là một xã hội thu nhỏ vì trong đó, mọi người từ khắp mọi miền đất nước qui tụ về để cùng chung sống. Mỗi người mang theo bản sắc, văn hóa vùng miền của mình. Cách riêng nơi các đan viện ngoại quốc, không chỉ những người trong cùng một quốc gia cùng nhau chung sống nhưng còn nhiều người từ các quốc gia khác đến. Ngoài việc là anh chị em trong tình nhân loại, trong cùng một dân tộc hay một đất nước thì dưới cái nhìn đức tin, họ là những anh em của cùng một Cha trên trời, anh em vì được sinh ra trong cùng một phép rửa, cùng một đức tin, chia sẻ cùng một ơn gọi, một lý tưởng sống.

Trong Tin Mừng Maccô, Chúa Giêsu hứa ban cho những người bỏ tất cả mọi sự theo Chúa sẽ được gấp trăm: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30). Trong những điều Chúa Giêsu đã hứa thì điều mà chúng ta nhận thấy cách dễ dàng và rõ ràng việc mình được gấp trăm chính là những anh chị em trong cộng đoàn, trong hội dòng. Thậm chí không chỉ gấp trăm mà gấp ngàn lần. Như thế, chúng ta còn là anh chị em do bởi lời Chúa hứa, là phần thưởng cho những người theo Chúa.

Đời sống trong các cộng đoàn đan viện không chỉ là tạm thời như sự chung sống, học tập của các sinh viên trong các trường đại học, trong các ký túc xá hay một hội đoàn xã hội nào nhưng được kéo dài cho đến trọn đời với những quy định pháp lý chặt chẽ. Chính vì thế, chúng ta có thể hiểu đan viện như nơi thể hiện tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”.

Trong đan viện, có nhiều yếu tố liên kết các thành viên lại với nhau như anh em trong một gia đình, vậy liệu những điều mà Tử Hạ nói với Tư Mã Ngưu có cần thiết trong đời đan tu để làm cho các đan sĩ trở thành anh em không? Thiết nghĩ những điều mà Tử Hạ nói đến không phải là điều chính yếu để nối kết các thành viên đan viện trở thành huynh đệ. Tuy nhiên, qua câu trả lời ấy giúp chúng ta nhìn lại tương quan giữa mình với anh em khác. Cách cư xử lịch thiệp, lễ độ vẫn luôn là điều cần thiết và quan trọng trong đời sống chung.

Cuộc đối đáp giữa Tử Hạ và Tư Mã Ngưu gợi lại cho chúng ta cuộc đối đáp giữa Chúa Giêsu và người Pharisêu trong Tin Mừng Luca 10,25-37: Ai là người thân cận của tôi, người mà tôi phải yêu thương và quan tâm như chính mình? Chúa Giêsu đã nêu ra mẫu gương của người Samaritanô nhân hậu để cho thấy người thân cận của mỗi người chúng ta là ai. Trong dụ ngôn, một người Samaritanô khi gặp một người Do Thái xa lạ rơi vào tình cảnh thảm thương là bị cướp và bị đánh đến nhừ tử, ông đã hành xử như một người thân cận, một người anh em thân thuộc. Ông đã săn sóc và hết lòng chạy chữa cho người bị nạn mà không nghĩ đến việc hao tốn phí tổn, thời gian và sức khỏe. Việc làm của người Samaritanô có lẽ không có gì nói đến nếu người bị nạn là một người thân hay một người bằng hữu của ông. Nhưng ông thực hiện việc bác ái trong bối cảnh mà người Samaritanô và người Do Thái vốn không đội trời chung với nhau. Việc làm của ông thậm chí chính những người Do Thái với nhau đôi khi cũng chưa làm được. Do vậy, người thân cận không hẳn là người cùng dân tộc, cùng tôn giáo, cùng một niềm tin hay cùng một quan điểm hoặc những người mà tôi quen biết nhưng là những người sống bác ái, vị tha, những người thực thi lòng thương xót. Chắc chắn đối với những người như thế, mọi người trong thiên hạ đều là anh em với họ.

Dường như thái độ lịch thiệp cung kính và lễ độ chỉ được thể hiện khi chúng ta mới bước chân vào đan viện, những ngày đầu bỡ ngỡ để sau khi sống chung với nhau, biết nhau, chúng ta đánh mất đi thái độ cần có như những ngày đầu. Hẳn nhiên, chúng ta không nói đến một thái độ quá khách sáo, giữ khoảng cách, thậm chí là đề phòng nhau nhưng là cần có sự tôn trọng, quý mến cũng như cảm thông, nâng đỡ. Ở đây, câu “tương kính như tân”, một câu nói như khuôn vàng thước ngọc để gìn giữ hạnh phúc gia đình cũng có thể được đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày của các đan sĩ. Do đó chính mỗi người cần tự tạo nơi chính mình những yếu tố để tôn trọng người khác cũng như để người khác tôn trọng mình. Một trong những yếu tố để tạo sự tôn trọng là mỗi người cần tôn trọng những luật lệ, những quy định chung trong đời sống cộng đoàn.

Trong đời sống chung huynh đệ sẽ không thiếu những xung khắc, câu trả lời của Tử Hạ cũng là một phương thế giúp gìn giữ và bảo tồn tình huynh đệ khi mọi người đối xử với nhau cách lịch thiệp, kính cẩn như ngày mới gặp nhau và dành cho nhau sự tôn trọng. Dù vậy, cuộc sống thực tế không luôn luôn như ta vẫn nghĩ. Nhưng dù sao thì đó cũng là một cách thế, một lý tưởng cho chúng ta noi theo để kiến tạo tình huynh đệ.

  1. Xã hội đại đồng và đời sống đan tu

2.1. Xã hội đại đồng

Đại đồng có nghĩa là giống nhau về những nét lớn (chỉ đề cập đến những cái đại đồng, không nhắc đến những cái tiểu dị).[112]

Theo từ điển Hán – Việt[113], đại đồng có nghĩa là:

(1.) Đời thịnh trị, hoàn toàn hòa bình an lạc. Bốn biển một nhà, không phân biệt màu da hay quốc tịch, công cộng, như nhau cả.

(2.) Trời đất, vạn vật hợp với người làm một, gọi là “đại đồng” 

(3.) Chỉ chung một quy mô lớn lao, chỉ cuộc sống lí tưởng của con người, không còn phân biệt quốc gia, chủng tộc, giai cấp…

Theo từ điển mở Wikipedia: Đại đồng là một  tưởng Utopia từ thời cổ đại của Trung Quốc nói đến một thế giới lý tưởng mà con người có thể đạt tới và thể hiện cho ước muốn lớn về một xã hội tốt đẹp trong tương lai loài người bằng việc người người thương yêu và giúp nhau, nhà nhà an cư lạc nghiệp và thịnh vượng, xã hội tự do và luôn ý thức tự giác vì chung, không cách biệt và xung đột, con người hạnh phúc và đạo đức.[114]

Tư tưởng về một xã hội đại đồng là tư tưởng của Khổng Tử được nói đến trong sách Kinh Lễ, ở chương chín Lễ Vận:

Xưa kia Trọng Ni có lần được mời làm khách dự lễ lạp cuối năm, lễ xong, ông ra ngoài du ngoạn nhìn những cổng kết làm lễ, đột nhiên thở dài, Ngôn Yển đứng bên cạnh hỏi:

Người quân tử có gì mà phải thở dài? Khổng Tử đáp:

“Đạo lớn vào lúc ấy nên ba đời Hạ, Thương, Chu mới có nhiều anh tài. Khâu này chưa thấy được nhưng chí lúc nào cũng muốn vậy. Đạo lớn thi hành, cả thiên hạ đều là của Công, tuyển chọn người hiền có tài năng, nói điều tín nghĩa hòa mục, cho nên người ta không chỉ lo cho người thân của mình, không chỉ lo cho con cái của mình. Xã hội như vậy đủ khiến cho người già được chết yên lành và người khỏe mạnh có chỗ dùng tới, xã hội như vậy khiến cho trẻ nhỏ được yên vui lớn lên. Xã hội như vậy kính trọng người cô quả bơ vơ, bệnh tật và nuôi dưỡng họ. Đàn ông nào cũng có chức phận, đàn bà nào cũng có chồng. Của cải không bị phung phí mà cũng chẳng cần cất giấu. Sức mạnh không cần mang ra khoe mà cũng chẳng vì mình. Cho nên xã hội như thế không cần dùng trí mưu lược mà bọn đạo tặc trộm cắp cũng không nổi lên được, cho nên cửa ngoài không cần đóng. Đó gọi là xã hội Đại Đồng”.

Xã hội đại đồng mà Không Tử nói đến cũng là một xã hội mà nhiều nhà tư tưởng sau này cũng nói đến và muốn xây dựng. Đó là một “xã hội không tưởng” mà thánh Thomas More đã đề cập trong cuốn Utopia từ những thể kỷ XVI. “Nhà văn Anh James Hilton trong cuốn tiểu thuyết năm 1933, Lost Horizon (chân trời đã mất) của mình đã nói đến một nơi gọi là Shangri-La, là một thung lũng huyền thoại, dẫn đến từ một tu viện Lạt-ma giáo, nằm trong vùng phía tây cuối dãy núi Côn Lôn, được coi như thiên đường hạ giới, đặc biệt với xã hội không tưởng Hymalaya huyền thoại – một vùng đất hạnh phúc vĩnh viễn, biệt lập với thế giới bên ngoài.[115]

Cũng như xã hội không tưởng của thánh Thomas More hay thung lũng huyền thoại của James Hilton, xã hội đại đồng mà Khổng Tử nói tới dường như là những nơi không có thực, hay nói đúng hơn đó là một mơ ước, một khát vọng về tình trạng của một xã hội gần như là lý tưởng.

Qua những gì Khổng Tử giải thích về xã hội đại đồng, chúng ta nhận thấy đó là một xã hội yên bình, con người sống trong đó biết sống vị tha hơn là vị kỷ, tôn trọng lẽ công bình, trọng nhân nghĩa hơn vật chất. Nhưng những điều đó được thực hiện dựa trên chữ nhân. Trong câu trả lời của Khổng Tử, ta thấy chữ nhân bàng bạc trong mọi việc. Nói cách khác, chữ nhân được đặt lên hàng đầu trong mọi giá trị; làm nền tảng và định hướng cho mọi cách hành xử. Nhưng đâu là đức nhân theo Khổng Tử? Ta có thể tìm thấy lời giải đáp trong những câu trả lời của Khổng Tử cho các đệ tử của mình đây đó trong sách Luận Ngữ, cách riêng là câu trả lời cho Phàn Trí:

 Phàn Trí hỏi về đức nhân. Khổng Tử đáp: “Yêu người”. Nguyên tắc suốt đời của người có nhân là phải yêu thương người khác (Luận Ngữ, Nhan Uyên 12. 22). Nhưng như thế nào mới gọi là “Yêu người” ? Ở đây, yêu thương người khác là phải yêu thương như chính mình vậy. Điều này rất khó thực hiện, người thực hiện được ắt phải gọi là thánh. Khổng Tử giải thích điều này cho Tử Cống: “Vua Nghiêu, Thuấn cũng khó mà làm xong việc ấy: người nhân hễ muốn tự lập lấy mình thì cũng lo thành lập cho người; hễ muốn cho mình thông đạt thì cũng lo làm cho người thông đạt; hễ xử với mình thế nào thì cũng xử với người chung quanh như thế ấy. Đó là những phương pháp để trở nên người nhân vậy –  Nghiêu, Thuấn kì do bệnh chư! phù nhân giả kỷ dục lập nhi lập nhân; kỷ dục đạt nhi đạt nhân, năng cận thủ thí, khả vĩ nhân chi phương giả dĩ” (Luận Ngữ, Ung Giả 28).

Qua câu trả lời của Khổng Tử về đức nhân, có thể thấy, đức nhân là nhân đức bao gồm mọi nhân đức khác. Đạt được đức nhân là đạt được những nhân đức khác.Vì yêu người nên thực hiện những gì là tốt đẹp nhất cho mọi người. Ở đây chúng ta như nghe được những vang vọng lời của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình. Ðã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,8-10). Hay khi nói về đức ái, thánh Phaolô diễn tả “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

Như thế, chữ nhân trong Nho giáo có nét tương đồng với bác ái Kitô giáo: Yêu người như yêu mình vậy. Điều này như nhắc lại cho chúng ta câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của nhà thông luật: đâu là điều răn quan trọng nhất? Đó chính là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Một xã hội đại đồng được đặt nền tảng trên chữ nhân cũng tựa như một cộng đoàn Kitô hữu được liên kết bằng tình bác ái. Do đó, mô hình cộng đoàn lý tưởng mà các cộng đoàn Kitô hữu nhắm tới nơi cuộc sống trần thế này là cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi. Có thể nói, ở phương diện nào đó, tính “đại đồng” của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi còn “đại đồng” hơn cả xã hội đại đồng mà Khổng Tử nói đến, vì trong cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, mọi người cùng một lòng, một ý, tài sản để làm của chung, không ai giữ của riêng. Cộng đoàn này nhấn mạnh về một cộng đoàn đức tin và liên kết với nhau dựa trên những chiều kích thiêng liêng lẫn vật chất. Còn xã hội đại đồng mà Khổng Tử nói đến nhấn mạnh chiều kích nhân bản và trật tự xã hội nhiều hơn. Trong xã hội đại đồng của Khổng Tử, điều quan tâm là làm sao cho xã hội được thái bình, nhân vị được tôn trọng xứng đáng và tất cả mọi việc đều dựa trên đức nhân: nhân ái và nhân từ.

Cộng đoàn đan viện cũng noi theo mô hình lý tưởng của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, nhưng để đạt đến tình trạng thiêng liêng lý tưởng ấy thì cần phải ngang qua cộng đoàn nhân bản và trật tự trước. Do đó, xã hội đại đồng theo Khổng Tử cũng là một mô hình lý tưởng để chúng ta cố gắng đạt tới hay bổ túc cho những điều còn thiếu trong đời sống đan viện.

2.2. Đời sống đan tu và tinh thần đại đồng

Đan viện là một cộng đồng thu nhỏ, trong đó cũng có những cấp bậc khác nhau, có cơ cấu, có những ngành nghề, những công việc khác nhau. Có những công việc, những vị trí cần phải được bầu chọn, tiến cử. Cộng đoàn đan viện cũng là nơi có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Do đó, xã hội thu nhỏ ấy cũng cần đến một tinh thần đại đồng, để đời sống được tốt đẹp, hài hòa, trật tự: ai cũng có công việc, người già được tôn trọng… Nếu xã hội đại đồng của Khổng Tử được xây dựng trên đức nhân thì cộng đoàn đan viện cũng được thiết lập trên đức ái. Chính vì thế, theo truyền thống đan tu thì đan viện được gọi là trường học đức ái – Schola Caritatis, vì ở đó người ta không chỉ thể hiện tình bác ái mà còn là nơi để học cho biết thể hiện bác ái nữa. Trong bản Hiến Chương Bác Ái, thánh phụ Stephanô đã cho biết nguồn gốc tên gọi của hiến chương: “Bản hiến chương này sở dĩ được gọi là Hiến Chương Bác Ái, vì trong đó, chúng tôi không đòi hỏi gì khác ngoài tình bác ái và lợi ích các linh hồn về đàng vật chất cũng như tinh thần”. Đến đây ta thấy có sự tương đồng giữa xã hội đại đồng và đan viện. Nhưng đan viện không chỉ đơn thuần là một cộng đoàn đức ái nhưng còn là một cộng đoàn của đức tin.

Xã hội đại đồng cũng là một mô hình lý tưởng để cộng đoàn đan viện hướng tới và xây dựng để góp phần làm cho thế giới, xã hội cũng trở thành một trường học đức ái. Đó là cách để đem Tin Mừng vào trong xã hội như Tông huấn Đời sống thánh hiến nêu rõ: “Giáo Hội ký thác cho các cộng đoàn sống đời thánh hiến bổn phận đặc biệt: đó là phát triển linh đạo hiệp thông trước tiên trong chính cộng đoàn của họ, kế đến trong cộng đồng Giáo Hội và vượt cả biên giới này nữa, bằng cách kiên trì theo đuổi cuộc đối thoại bác ái, nhất là tại những nơi hiện đang bị xâu xé bởi sự hận thù chủng tộc hay nạn bạo lực điên rồ. Được tháp nhập vào trong những xã hội của thế giới, – những xã hội thường bị cày xới bởi những đam mê và quyền lợi xung đột nhau, đang khao khát hiệp nhất nhưng lại ngập ngừng về những đường lối phải theo – các cộng đoàn sống đời thánh hiến, nơi mà những con người khác nhau về tuổi tác, ngôn ngữ và văn hoá lại gặp nhau như những anh em chị em, trở thành những dấu chỉ chứng minh rằng luôn luôn có thể đối thoại được với nhau, và có thể hài hoà được nhờ có hiệp thông”.[116]

  1. Xã hội tiểu khang

Không Tử không chỉ nói đến một thế giới đại đồng nhưng ông còn nói đến một xã hội phi đại đồng – Một xã hội đi ngược với ‘tinh thần đại đồng’ mà ông gọi là xã hội tiểu khang.  “Ngày nay đạo lớn đã bị che lấp, người ta coi thiên hạ là nhà của mình, mỗi người chỉ tự yêu lấy người thân cha mẹ mình, chỉ lo cho con cái riêng của mình, coi của cải sức mạnh là của riêng mình. Các bậc đại nhân, thiên tử chư hầu coi việc truyền đời cho giòng họ mình là lễ, cố giữ cho thành quách sông hồ của mình được bền lâu vững vàng, dùng lễ nghĩa trói buộc để chính danh vua tôi, ước thúc vào đạo cha con, ràng buộc vào nghĩa hòa mục anh em, thuận hòa chồng vợ để thiết lập chế độ, phân chia ruộng đất, chỉ dùng người hiền kẻ tri, lo lập công vì mình. Lấy mưu mô mà làm việc, mà việc binh đao do đó mà xảy ra. Các vua Vũ, Thang, Văn, Võ, Thành vượng, Chu công đều tuyển chọn từ đó mà ra. Sáu người gọi là quân tử ấy, không ai là không biết lễ, họ còn đặt ra Nghĩa, chọn lựa bằng chữ Tín. Ai có tội, họ dùng hình phạt là việc thường. Nếu như có ai không tuân theo đấy họ đều loại bỏ và coi là tai họa của nhân dân. Xã hội như vậy gọi là Tiểu Khang” (Sách Lễ Ký, chương IX –  Lễ Vận).

Có xã hội đại đồng và cũng có xã hội tiểu khang là điều tất yếu, vì đó là điều không thể không có trong hai thái cực của một thực tại; đó là quy luật tất yếu của một thế giới nhị nguyên: âm – dương, sáng – tối, tốt – xấu, trắng – đen… Thế giới nhị nguyên hay thực tại lưỡng cực không chỉ tồn tại nơi thế giới bên ngoài nhưng cũng hiện hữu bên trong con người nữa. Quả vậy, bên trong con người cũng có sự phân chia của cái cao thượng và thấp hèn, mạnh mẽ và yếu đuối, khát khao vô hạn và sự hữu hạn… điều này làm cho con người luôn bị giằng xé giữa hai điều. Bên cạnh đó, trong đời sống cộng đoàn, con người phải đứng giữa sự khó xử của tự do cá nhân và lợi ích cộng đoàn, giữa cái tôi và cái chúng ta. Do vậy, con người không luôn luôn ở trong một thái cực, hay đúng hơn là con người phải đứng giữa ranh giới của hai thái cực để rồi có khi sẽ nghiêng chiều về bên này, có khi lại bên kia. Như thế, bên trong con người có lúc sẽ là đại đồng, có lúc sẽ là tiểu khang, và những gì bên trong con người thể hiện ra qua hành động sẽ dẫn đến một cộng đoàn, một xã hội, một thế giới đại đồng hay tiểu khang. Xã hội cũng ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và hành động của con người nhưng chính con người tạo nên xã hội. Do đó, muốn xã hội đại đồng thì chính mỗi người phải có một cái tâm đại đồng.

Tuy nhiên, đan viện không phải lúc nào cũng là một trường học đức ái thực sự, một nơi diễn tả tính đại đồng cần có, nhưng phải chăng đôi khi đan viện xã hội sẽ là tiểu khang chăng? Điều quan trọng là con người phải biết tiễu trừ cái xấu mà hưng thịnh cái tốt nơi mình. Để làm điều ấy, các đan sĩ không chỉ xây dựng cộng đoàn đan viện bằng chính nỗ lực của mình nhưng còn nhờ đến ân sủng của Thiên Chúa nữa.

Kết

Tình trạng xã hội đại đồng mà Khổng Tử nói đến dường như vẫn là một tình trạng xã hội lý tưởng mà xã hội hiện tại khó có thể đạt đến. Tinh thần ‘tứ hải giai huynh đệ’ mặc dù rất được đề cao trong xã hội, thế giới và rất được nhiều người thực hành nhưng vẫn là điều đáng báo động ở nhiều nơi, từ phạm vi cá nhân cho đến tập thể, từ quốc gia cho đến quốc tế. Trong khi đó, đời sống cộng đoàn đan tu rất đề cao tình huynh đệ và luôn cố gắng hướng đến một cộng đoàn hiệp nhất, bình an, bác ái và kiểu mẫu là cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi được nói đến trong sách Công Vụ Tông Đồ. Qua những gì được trình bày trên kia, cộng đoàn đan tu có nhiều điểm tương đồng với xã hội đại đồng và tinh thần tứ hải giai huynh đệ. Mặc dù có những khác biệt về bản chất nhưng xã hội đại đồng và tinh thần tứ hải giai huynh đệ ấy, có giá trị nhân bản đối với đời sống cộng đoàn đan tu để hướng đến một cộng đoàn hoàn thiện.

ĐỘNG LỰC TÌNH HUYNH ĐỆ

F Maurô Hoàng Văn Nga

Tình huynh đệ được hiểu nôm na là tình yêu thương giữa những người anh em với nhau. Thực tế thuật ngữ này rất gần gũi và được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống của con người. Nó xuất hiện trong mọi tầng lớp, dưới mọi khía cạnh trong đời sống mang tính xã hội. Thế nhưng, nguyên thủy của thuật ngữ này bắt nguồn từ danh từ frater (người anh trai/ em trai) trong La ngữ, và dần dần nó biến thể thành danh từ trừu tượng fraternitas, và dịch sang Hán Việt là “tình huynh đệ”. Mà khi nói “tình huynh đệ” trong ngôn ngữ người Việt, chúng ta có thể hiểu theo nhiều phạm vi khác nhau. Tình huynh đệ có thể được hiểu là tình anh em theo huyết thống của những người trong gia đình, và cũng có thể mở rộng ra cho tất cả những ai có cùng một gốc tổ, là tình anh em của những người trong cùng một dân tộc, một quốc gia. Tình huynh đệ cũng có thể được áp dụng cho một tổ chức hay đảng phái trong xã hội, hay chỉ ra mối quan hệ xã hội giữa những người cùng tuổi, hoặc có cùng chí hướng sát cánh bên nhau để thực hiện một nhiệm vụ, mục tiêu nào đó. Trong một phạm vi rộng lớn hơn, tình huynh đệ mở ra cho tất cả mọi người: thuộc mọi dân tộc, ngôn ngữ, màu da, giai cấp… như người ta thường nói “tứ hải giai huynh đệ”. Tuy nhiên, chính điều đó lại gây nên nhiều khó khăn trong việc xác định biên độ của tình huynh đệ[117]. Với bài viết mang tựa đề “động lực tình huynh đệ”, người viết sẽ triển khai qua việc phác họa một vài nét chấm phá về “bức tranh tình huynh đệ” trong tư tưởng con người hiện đại, cũng như về tính hiện thực của nó trong đời sống Kitô giáo, sau đó cố gắng rút tỉa một vài động lực chính yếu để xây dựng tình huynh đệ dưới lăng kính của một Kitô hữu.

  1. “Bức tranh tình huynh đệ” của người thời nay

Viễn cảnh một thế giới hòa bình trên cơ sở một “tình huynh đệ đại đồng” luôn là ao ước của con người từ bao đời nay. Không chỉ là ao ước mà thôi, lý tưởng này cũng đã, đang và sẽ còn làm điên đảo, mê hoặc biết bao con tim, khối óc với khát khao cháy bỏng trong việc kiến thiết một thế giới hòa bình, một cuộc sống hài hòa giữa hết mọi người. Nó mở ra một viễn cảnh hòa bình vô cùng tuyệt đẹp: không còn phân biệt chủng tộc, phái tính, màu da, giai cấp, tôn giáo. Tất cả mọi người đều là anh em với nhau trên nền tảng của tự do, bình đẳng và huynh đệ.

Vào thời cận đại, nhiều học thuyết về tình huynh đệ đại đồng được khởi xướng tại Âu châu. Điều này rõ rệt nơi khẩu hiệu của cách mạng Pháp năm 1789: “Tự do, bình đẳng, và huynh đệLiberté, égalité, fraternité[118]. Thay vì tìm chìa khóa giải quyết những vấn đề nhân sinh ở nơi Thiên Chúa, phong trào Khai Sáng cố gắng dẫn con người tìm chìa khóa ở nơi chính bản tính của con người. Để thực hiện điều này, người ta cố gắng tìm ra một nền luân lý phổ quát, xóa bỏ hết mọi rào cản phân biệt các chủng tộc, phái tính. Thế nhưng, khi tình huynh đệ đại đồng đó chưa hiện thực được bao nhiêu, thì người ta vỡ lẽ, vì chỉ thấy cảnh tang thương bởi khói lửa chiến tranh, chết chóc và đổ vỡ. Trên thực tế, việc các phong trào cách mạng đã vận dụng đến vũ lực để san bằng những phân chia giai cấp mà điển hình là chủ trương của học thuyết Marxist. Dù sao trong quan niệm của Karl Marx, lý tưởng về tình huynh đệ đại đồng mở ra viễn cảnh hết sức tốt đẹp và hấp dẫn. Theo ông, con người nhất thiết phải hội nhập vào mạng lưới thiên nhiên và xã hội trên nền tảng mối tương quan sản xuất trong sự tự do và bình đẳng. Trong đó, vận mệnh của con người trùng hợp với vận mệnh cộng đồng. Mục tiêu con người nhắm tới cũng là mục tiêu xã hội nhắm tới. Với quan niệm này, Marx mơ về một cộng đồng con người không còn giai cấp, nhà nước, đảng phái. Cộng đồng đó được xây dựng trên nền tảng tự do, trong đó mọi con người được sống hạnh phúc, bình đẳng, “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”[119]. Dẫu vậy, kết quả là tình huynh đệ đại đồng giờ đây chỉ còn giới hạn vào những người thuộc cùng giai cấp vô sản, và loại trừ các thành phần khác. Điều này vô tình lại tạo nên sự phân chia và đào thêm những hố sâu giữa “bạn” “thù”, cũng như gây nên những rạn nứt để rồi đi đến sự đổ vỡ trong tình huynh đệ.

Đến thời hiện đại, một thế giới được đánh dấu đậm nét của khoa học – kĩ thuật phát triển, phương tiện truyền thông tiên tiến, cùng với một xã hội toàn cầu hóa, mà trong đó mọi khoảng cách về tự nhiên lẫn đời sống xã hội của con người đã bị thu hẹp tối đa. Với một xã hội thế này, phải chăng lý tưởng tình huynh đệ đại đồng đã đến lúc hiện thực hóa và kiện toàn? Chúng ta vẫn thấy khắp đó đây, dù có thể được thúc đẩy dưới những động lực khác nhau, người ta đã và đang cố gắng xây dựng những tập thể con người có vẻ mang những màu sắc của tự do, dân chủ, công bằng và huynh đệ. Trong đó, ý kiến số đông được xem như là chuẩn mực cho đời sống chung và cũng như cách thức để tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề trong đời sống xã hội. Người ta cố gắng thủ đắc tối đa lợi ích và giảm đến mức tối thiểu các thiệt hại để mang lại vui sướng và tránh đau khổ cho con người, ngay cả trong việc tự do luyến ái, làm chết êm dịu[120]. Hay người ta cổ võ xu hướng dựa trên sự nhất trí và chấp nhận của các cá nhân về những giá trị và về những nguyên tắc chung; mà trong đó, sự kiện tốt hay xấu là do sự đánh giá của tập thể bao gồm những con người có chung một quan điểm. Đồng thời, sự công bình phải dựa trên sự đóng góp của cá nhân dành cho xã hội để có được các quyền lợi của những nhân vị, do đó không có chỗ cho những thành phần không có khả năng đóng góp cho xã hội, như các thai nhi hay những người thiểu năng. Chỉ có xã hội mới quyết định một chủ thể nào đó được coi là một con người, chứ không phải do bản chất của chủ thể con người đương nhiên phải có như quan niệm xưa nay. Nhìn chung, tất cả các xu hướng này không dựa trên những dữ kiện hay những giá trị khách quan và siêu việt, bởi không có một giá trị luân lý khách quan và phổ quát. Nói khác đi, chính sự chọn lựa tự do của mỗi người tạo nên những giá trị luân lý cho mình[121].

Chính những xu hướng này lại tỏ ra cho ta thấy, lý tưởng tình huynh đệ đại đồng xem ra vẫn còn xa vời và dang dở. Điều mà Đức thánh cha Phanxicô diễn tả qua “những bóng tối của một thế giới khép kín”, một thế giới mà trong đó: việc thay đổi những khái niệm như dân chủ, tự do, công lý; việc đánh mất ý nghĩa của xã hội và lịch sử; chủ nghĩa ích kỷ và dửng dưng với công ích; việc đề cao lô-gíc của thương trường dựa trên lợi nhuận và văn hoá phế thải; vấn nạn thất nghiệp, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự nghèo đói; sự bất bình đẳng quyền lợi và những biến thể của nó như sự nô lệ, buôn người, những phụ nữ bị lạm dụng và bị buộc phá thai, vấn nạn buôn bán nội tạng[122], chiến tranh hay những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra đang đe dọa khắp nơi… Những điều này vẽ lên một bức tranh tình huynh đệ đại đồng nhuốm đầy màu sắc ảm đạm và tang thương. Thêm vào đó, nền “văn hoá xây tường” đang làm nảy sinh những hình thức tệ nạn gây ra lo sợ và cô lập[123]. Ngoài ra, ngày nay còn chứng kiến sự đi xuống của đạo đức[124] mà một phần là lỗi của truyền thông khi không tôn trọng người khác cũng như không đủ khiêm tốn, đang tạo ra những vòng luẩn quẩn ảo và quy ngã, nơi đó sự tự do hão huyền và đối thoại không đem lại lợi ích[125]. Người ta nhân danh sự tự do, và chứng tỏ sự “trưởng thành” của mình bằng cách cắt đứt mọi tương quan với Thiên Chúa và phủ nhận lý tưởng huynh đệ đại đồng trên nền tảng này.

Như Pascal đã từng chất vấn năm xưa, chúng ta lại phải tự hỏi mình rằng: con người chúng ta ở trong tình trạng này đã lâu, vậy tại sao chúng ta chưa giải quyết được gì cả? Tại sao việc theo đuổi hạnh phúc vẫn mãi chỉ là sự theo đuổi[126], niềm khát khao một thế giới hòa bình trên cơ sở một tình huynh đệ đại đồng vẫn mãi chỉ là một giấc mơ dang dở? Phải chăng lý tưởng về một tình huynh đệ đại đồng không thể thực hiện được trong đời sống con người? Một cách cụ thể hơn, Kitô hữu chúng ta phải thành thật chất vấn mình rằng: người ta chưa thành công để kiến thiết lý tưởng huynh đệ đại đồng trong hiện thực đời sống, liệu người Kitô hữu có làm được không?

  1. Tính hiện thực của tình huynh đệ trong đời sống Kitô hữu

Nhìn vào những trang Tin Mừng, chúng ta khám phá nơi các môn đệ một số động lực khá mơ hồ khi họ dấn thân theo Đức Giêsu. Thông thường, phần đông những người muốn làm môn đệ của Đức Giêsu là để xin được chữa lành. Một số người khác theo Người chỉ “vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Việc đi theo Chúa của Nhóm Mười Hai có vẻ mang màu sắc của lợi lộc, danh vọng. Trong đó, Phêrô đã từng thưa với Đức Giêsu rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27). Trên đường lên Giêrusalem, đang lúc Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người, hai trong số các môn đệ đã tranh cãi về chỗ nhất và mười người khác giận dữ với họ, vì họ muốn có những chỗ cao nhất (x. Mt 20,20-28). Trên núi Chúa Thăng Thiên, họ vẫn mãi mê với những khát vọng trần thế: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1,6). Cũng vậy, nhìn vào dòng lịch sử, chúng ta còn nhận thấy biết bao cuộc chiến đều được “châm ngòi” với lý do tôn giáo. Chúng ta cũng nhận thấy sự đổ vỡ trong tình huynh đệ giữa những “Cain và Abel mới” ở thời đại mình, trong chính các tôn giáo hay trong Giáo hội. Về điều này, Tin Mừng tỏ cho ta thấy nguyên do xảy ra tình trạng này là bởi các môn đệ “không hiểu được”. “Việc không hiểu được” theo nghĩa sâu xa nhất, chính là việc “họ không hiểu được mầu nhiệm cứu độ”[127]. Tuy nhiên, có một điều chính yếu trong giáo huấn của Đức Giêsu về tính hiện thực của đời sống Kitô hữu xem ra chúng ta không thể bỏ qua.

Tin Mừng kể rằng một ngày kia có một vị thông luật đến hỏi Đức Giêsu: Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được cứu rỗi? Khi nêu lên vấn đề này, Tin Mừng cho ta biết vị thông luật kia muốn xem đâu là điểm cốt yếu trong sứ điệp rao giảng của Đức Giêsu. Đức Giêsu trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, đó là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy (Mt 22,35-40). Những lời này của Đức Giêsu không đơn thuần là những lời nói mang tính khuyến thiện, nhưng đúng hơn cho thấy “động cơ” nào thúc đẩy người Kitô hữu dấn thân sống đức tin của mình. Hay nói cách khác, đó chính là nội dung chính yếu trong đời sống đức tin của mỗi người tín hữu trong sự liên hệ đến phần rỗi của mình.

Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…”. Ngược lại, đối với nhóm người khác, Vị Thẩm Phán sẽ nói với họ rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?”. Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,31-46). Dụ ngôn cho ta thấy, Vị Thẩm Phán thế giới sẽ không tra xét xem những lý thuyết mà một người có thể có về chủ đề Thiên Chúa và thế giới. Điều mà Người đòi hỏi cũng không phải là tuyên xưng những tín điều, nhưng chính là tình yêu: tình yêu cứu vớt con người. Ai yêu thương người, đó là Kitô hữu[128]. Bởi tình yêu thúc bách (x. 2Cr 5,14) nên “các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4,32.34-35). Cũng bởi tình yêu này, có biết bao nhiêu con người, nam cũng như nữ đã quảng đại dâng hiến chính mình để xây dựng “nền văn minh tình thương” trong mối tương quan với Thiên Chúa. Cho nên, người Kitô hữu “không phải là hệ quả của một lựa chọn luân lý hay một lý tưởng cao quý, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người; một cuộc gặp gỡ trao ban cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi có tính chất quyết định”[129]. Hướng đi đó chính là sống bác ái. Mà sống bác ái chính là thực thi giới răn “mến Chúa và yêu người” như Chúa Giêsu đã minh định. Trên cơ sở này, chúng ta sẽ thấy động lực chính yếu thúc đẩy sống tình huynh đệ và biên độ của tình huynh đệ đó ra sao.

  1. Động lực chính yếu để sống tình huynh đệ

Khi nói “động lực của tình huynh đệ” tức là nói đến yếu tố thúc đẩy con người xây dựng tình huynh đệ. Và khi nói đến yếu tố thúc đẩy tình huynh đệ, có muôn vàn yếu tố để thúc đẩy người ta xây dựng tình huynh đệ theo như họ muốn. Do đó, chính động lực sẽ xác định “kiểu mẫu tình huynh đệ”, cũng như bản chất của tình huynh đệ đó. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ liệu có động lực nào đủ mạnh để thúc đẩy con người xây dựng một tình huynh đệ bền chặt, mở rộng cho hết thảy mọi người mà vẫn bảo đảm được tự do, bình đẳng? Ở đây, trong nhãn quan của một Kitô hữu, người viết sẽ phác thảo một số động lực chính yếu để xây dựng tình huynh đệ như một nỗ lực để tái khám phá lại ơn gọi của mình.

* Thiên Chúa là Cha của mọi người

Ngay từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Ngài (x. St 1,27). Chính con người – hình ảnh của Thiên Chúa, là đối tượng chính và là động lực chính để thiết lập tình huynh đệ. Bởi con người được Thiên Chúa tạo dựng và đặt để trong một gia đình, một cộng đoàn nhân loại. Con người đó cũng được đặt để trong một mối tương quan với thiên nhiên – xã hội, trong đó mọi sự đều lệ thuộc lẫn nhau. Do đó, tình huynh đệ giữa mọi người là điều Thiên Chúa mong muốn (x. Ep 1,10). Quả thực, Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người trở thành một gia đình và đối xử với nhau như anh chị em[130]. Thiên Chúa là nguồn gốc độc nhất và là cứu cánh của nhân loại, đó chính là nguyên tắc căn bản trong đời sống đức tin của người tín hữu. Nghĩa là, Kitô hữu coi người khác là anh chị em của mình vậy.

Do đó, Kinh Thánh luôn diễn tả Thiên Chúa là một người Cha: Người là Đấng bảo vệ các quốc gia, là tác giả của luật pháp muôn dân, và là chuẩn mực luân lý của các dân tộc. Người tác động thực sự để muôn dân tôn trọng công lý. Người là Thiên Chúa của hết mọi người. Nếu không có sự cởi mở với Người, thì con người sẽ không có lý do gì để kêu gọi sống tình huynh đệ. Trong mối tương quan với Cha, mỗi người phải yêu đồng loại như chính mình (x. Lv 19,18) và “đừng làm cho người ta những gì con không muốn người ta làm cho con” (Tb 4,15). Điều đó cũng có nghĩa rằng, Thiên Chúa là nền tảng và là động lực để xây dựng một tình huynh đệ phổ quát. “Chỉ khi con người cư xử với nhau như anh chị em thì họ mới thực hiện ơn gọi của mình”[131].

Hơn nữa, người Cha đó được Kinh Thánh xác nhận là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16). Vì là tình yêu nên “những ai ở trong tình yêu thì cũng ở trong Thiên Chúa” (1Ga 4,16). Cho nên, con người được sinh ra với động lực chính yếu là để nhận tình yêu và cho tình yêu. Bằng cách này, Thiên Chúa trở thành một người Cha của tất cả mọi người và truyền cảm hứng về một xã hội huynh đệ. Thật vậy, khi cởi mở với Cha của mình, con người “đến với những người khác, không phải để lôi kéo họ vào cuộc sống của mình, nhưng để giúp họ trở nên chính họ một cách đầy đủ hơn”[132]. Chính vì lẽ này, có biết bao nhiêu con người dấn thân và dâng hiến đời mình không biết mệt mỏi để cổ võ và xây dựng một tình huynh đệ mở rộng cho hết thảy mọi người. Trong số đó, chúng ta nhận thấy những chứng nhân như: Charles De Foucauld luôn coi mình là “người anh em của mọi người”, thánh Phanxicô Assisi trở thành một trong những người nghèo và tìm cách sống hòa thuận với mọi người[133], mẹ Têrêxa Calcutta và biết bao con người khác nữa đã hiến trọn cuộc đời cho tha nhân, nhất là những người nghèo khổ, những người bị xã hội “lãng quên”. Các ngài nhận ra nơi họ chính là hình ảnh của Thiên Chúa, và là những người con yêu dấu của Cha; hay nói như cha tổ phụ Biển Đức Thuận của chúng ta, họ đều là những “Giêsu thay thảy[134]. Theo đó, “tình huynh đệ” được hiểu là một nếp sống được đánh dấu bằng hương vị của Tin Mừng [135], nó đòi hỏi một tình yêu vượt qua các ranh giới địa dư và khoảng cách. Tình huynh đệ ấy giúp ta nhận ra, trân trọng và yêu thương mỗi người bất kể họ được sinh ra và sống ở đâu[136]. Đồng thời, tình huynh đệ đó cũng xuất phát từ một đòi hỏi đề cao tự do và bình đẳng[137] dưới sự nhìn nhận phẩm giá của mọi người[138].

* Mọi người đều là anh em của nhau

Trong niềm xác tín Thiên Chúa là Cha của hết mọi người, chúng ta không thể nào kêu cầu Ngài là Cha chung, nếu chúng ta không đối xử với những người khác như là anh em. Điều này hệ tại ở việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và mọi người đều là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Bằng cách thừa nhận phẩm giá của mỗi người, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh khát vọng chung về tình huynh đệ. Tình huynh đệ đó bao gồm tất cả người nam và người nữ[139]. Đức Thánh cha Phanxicô nói rằng, “tình bằng hữu trong xã hội và tình huynh đệ phổ quát nhất thiết mời gọi sự thừa nhận giá trị của mỗi người, luôn luôn và ở mọi nơi”[140]. Bởi đó, nếu phẩm giá của những người khuyết tật, những người nghèo khổ hoặc những người không được tiếp cận với giáo dục tốt thì “tình huynh đệ sẽ chỉ còn là một lý tưởng mơ hồ khác”[141]. Cho nên, quyền được sống đúng với nhân phẩm là điều không thể bị từ chối đối với bất cứ ai.

Điều đó bắt nguồn từ Tin Mừng, các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cho chúng ta thấy có một “kiểu mẫu” của một tình huynh đệ đích thực. Các Kitô hữu xây dựng tình huynh đệ qua sự nhẫn nại, khoan dung và hiểu biết. Họ được dạy cho biết phải sống hiền lành với mọi người: “đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người” (Tt 3,2-3). Sách Công Vụ Tông Đồ diễn tả tình huynh đệ đó qua hình ảnh: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng... Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2,42.44). Chính vì lẽ đó, Giáo hội dành ưu tiên cho các mối tương quan, các cuộc gặp gỡ tha nhân, cho sự hiệp thông hoàn vũ với gia đình nhân loại. Tình yêu giữa con người với Thiên Chúa là Cha và với tha nhân là anh chị em, chính là con đường để nhận biết Thiên Chúa đích thật (x.1Ga 4,8). Trong đó, mọi cam kếtđều phát xuất từ lòng bác ái, một lòng bác ái, theo lời dạy của Đức Giêsu, vốn là tổng hợp của toàn bộ lề luật (x. Mt 22,36-40). Từ đó, tình yêu, tràn ngập những cử chỉ quan tâm nhỏ nhặt lẫn nhau, cũng mang tính dân sự và chính trị, và nó thể hiện trong mọi hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Vì lý do này, lòng bác ái được phát biểu không những trong các mối liên hệ gần gũi và thân thiết mà còn trong các mối liên hệ vĩ mô: có tính xã hội, kinh tế và chính trị[142].

Ngoài ra, có một động lực để mở ra cho người khác và xây dựng một tình huynh đệ mang tầm vóc phổ quát mà Kinh Thánh luôn đề cập đến, đó là người Do Thái luôn nhớ đến thân phận ngoại kiều của họ[143]. Chính khi ý thức, nhận biết thân phận đích thật của mình, con người chúng ta mới có khả năng cảm thông và đón nhận tha nhân như những người anh chị em của mình. Không ai ở ngoài tình yêu của Thiên Chúa, điều này nhắc nhở mỗi người phải nhân từ như Cha chúng ta là Đấng nhân từ (x. Lc 6,36). Vì Người đã “làm cho mặt trời mọc lên cho cả kẻ xấu lẫn người tốt” (Mt 5,45).

Chính tình yêu của Đức Kitô “thúc bách chúng ta” để chúng ta yêu thương tất cả mọi người. Quả thật, con người chỉ có thể là mình khi chân thành hiến mình cho tha nhân và chỉ biết mình cách trọn vẹn khi gặp gỡ tha nhân. Sự sống hiện diện ở những nơi có liên hệ, có sự hiệp thông, có tình huynh đệ. Sự chết hoành hành khi ta sống như các hòn đảo.Với những động lực này, Giáo hội luôn dấn thân để tranh đấu cho phẩm giá bất khả nhượng của mỗi con người, kêu gọi con người yêu thương và chào đón tất cả mọi người, cũng như không ngừng lên án mạnh mẽ chế độ nô lệ và các hình thức bạo lực khác nhau[144].

Lời kết

Chúng ta nhận thấy rằng, niềm khao khát về một tình huynh đệ đại đồng của con người là một điều hết sức chính đáng; cũng như nỗ lực của con người mọi nơi, mọi thời trong việc kiến thiết một tình huynh đệ đại đồng thật đáng ghi nhận và trân quí. Nhưng thực tế chúng ta cũng phải chân nhận về hiện thực trong đời sống của con người còn quá khiêm tốn vì nhiều nguyên do khác nhau. Một trong những nguyên do chính yếu dưới nhãn quan của người Kitô hữu, đó chính là mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa không được coi trọng và bị đổ vỡ bởi tham vọng của con người. Một khi không đặt trên nền tảng này, mọi mối tương quan khác giữa con người với nhau cũng chẳng mang lại một thành quả tốt đẹp, vững bền nào. Trong khi đó, lý tưởng huynh đệ đại đồng vốn là giá trị phổ quát, cũng có nguồn gốc của Kitô giáo. Tình huynh đệ trong cộng đoàn Kitô hữu Tiên khởi cũng là cảm hứng và hình mẫu cho việc kiến thiết tình huynh đệ đại đồng. Giáo hội luôn trân trọng, tha thiết cổ võ và mời gọi chứng tá của tình huynh đệ trong các cộng đoàn Kitô hữu. Các cộng đoàn thánh hiến vẫn luôn cố gắng xây dựng và hiện thực hóa tình huynh đệ trong cộng đoàn của mình theo kiểu mẫu này. Giáo hội mời gọi: “Các cộng đoàn sống đời thánh hiến được sai đi để qua chứng tá đời sống, loan báo giá trị của tình huynh đệ Kitô giáo và sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Nhìn nhận mỗi người là con cái Thiên Chúa, và thúc đẩy đi tới tình yêu dâng hiến đối với hết mọi người, cách riêng với những người thấp kém nhất”[145]. Trước một xã hội vô cảm, tôn thờ vật chất và khoái lạc, cộng đoàn thánh hiến được mời gọi trở nên chứng tá ngôn sứ về sự liên đới, bác ái trước nhu cầu của tha nhân[146].

Thế nhưng, chúng ta cũng phải luôn thành thật để cật vấn mình rằng: đời sống của chúng ta liệu có đủ “sức nặng” để tác động lên thế giới như những chứng tá đích thực của Đức Kitô? Hay chính chúng ta đang bị chi phối, thao túng… bởi những xu hướng tục hoá của con người thời đại? Chúng ta đang xây dựng tình huynh đệ trong đời sống của mình dưới sự thúc đẩy của những động lực nào?

XÂY DỰNG HỢP NHẤT HUYNH ĐỆ
CỘNG ĐOÀN ĐAN TU

FM. Grégoire Phan


Khi nói về tình hiệp thông, biểu tượng thế vận hội Olympic hiện lên trong chúng ta như một sự nối kết đặc biệt. Năm vòng tròn lồng vào nhau như diễn tả việc kết hiệp tròn đầy trong mối dây liên kết với nhau, không phân biệt giai cấp, màu da và ngôn ngữ. Pierre de Coubertin, người sáng lập thế vận hội Olympic hiện đại đã nhắm đến hiệp thông các khu vực trên thế giới.

Hình ảnh này làm chúng ta liên tưởng tới một cộng đoàn cùng nắm tay nhau và nhìn về một mục tiêu. Mục tiêu ấy được được vun đắp bởi tình huynh đệ cộng đoàn trong tình bác ái Chúa Kitô. Tuy nhiên, những nét đẹp thanh thoát của tình huynh đệ chân thành đang có nguy cơ bị những hình thức chủ nghĩa cá nhân, phe nhóm, bè phái chi phối. Hơn thế, một cộng đoàn đi trên con đường thập giá có thể dễ bị lôi cuốn bởi lối sống phóng khoáng và xu thời, hay nguy cơ bị bào mòn bởi sự độc hại của các đạo lý thế gian. Vì vậy, chúng ta cùng nhau nhận diện một số hình thức đang phá huỷ tình huynh đệ để tìm ra phương thức chữa trị những vết thương đang làm méo mó hình ảnh cộng đoàn đan tu.

I. Tình huynh đệ bị phá vỡ

  1. Bè phái nguy hại cho tình hiệp nhất

Văn hoá Việt Nam đề cao tình nghĩa xóm làng, đề cao mối giây liên kết họ hàng, dòng tộc. Đây là bản sắc văn hoá và giá trị tinh thần cao đẹp của người dân Việt. Những hình thái văn hóa rất riêng và đặc sắc của người Việt phát triển phong phú. Tuy nhiên, nếu phát triển một cách lệch lạc, và chi phối trong nếp nghĩ và cách ứng xử, thì sẽ có nguy cơ của việc tạo thành những nhóm lợi ích, cục bộ và bè phái trong cách ứng xử. Vì bè phái theo cách hiểu chung là tập hợp những người vì quyền lợi riêng hoặc nhóm thiểu số bị lệ thuộc vào những quan điểm hẹp hòi. Phe nhóm là sự kết hợp theo thể thức cảm tính, đặt lợi ích nhóm làm ưu tiên và thường giữ quan điểm đối chọi với một xu hướng nào đó. Việc chia bè, kết phái diễn ra nhiều nơi, đó là cả một bầu trời khắc nghiệt cho những ai phải đối diện với vấn đề này.

Trong chiều hướng đó, chúng ta có thể dựa vào Thông điệp Fratelli Tutti của Đức giáo hoàng Phanxicô để nêu ra một vài thái độ điển hình cho thấy những nguy cơ phá vỡ sự hiệp nhất. Thứ nhất, “ý thức hệ quốc gia, tạo sự ích kỷ” (số 11), tạo nên tình trạng bè phái, đánh mất tình yêu thương hợp nhất. Thứ hai, thái độ co cụm, cô lập hay rút lui vào quyền lợi trong chính tổ chức của mình (x. số 36). Thứ ba chính thái độ sống sự khép kín và thiếu khoan dung đang xâm chiếm mỗi người (x. số 42).

Một cộng đoàn đang sống trong tình trạng tan vỡ bởi bè phái, co cụm, khép kín và ích kỷ đó dễ có nguy cơ đánh mất nguồn gốc của mình. Nơi đó, người ta khó hình dung được một mẫu gương làm theo lời mời gọi hiệp nhất vì thiếu sự khoan dung và chia rẽ hình thành làm cho nhiều người lạc lối.

  1. Tình trạng chia rẽ làm phá vỡ tình hiệp nhất

Một thế giới hiệp nhất và hòa bình là ước mơ của con người. Tuy hiên, ước mơ này dễ bị đổ bể và mất cân bằng nếu thiếu vắng sự hợp nhất. Công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở: Sự mất cân bằng mà thế giới đang lao khổ được liên kết với sự mất cân bằng căn bản hơn vốn bắt nguồn từ trái tim con người. Vì nơi con người, nhiều yếu tố đang vật lộn với nhau… Do đó, họ phải chịu đựng nhiều chia rẽ nội bộ, và từ những chia rẽ này phát sinh ra nhiều bất hòa lớn lao trong xã hội (CĐ Vaticanô II, Gaudium et Spes, 10). Đức giáo hoàng Phanxicô chỉ cho chúng ta thấy trong Thông điệp Fratelli Tutti: “Cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất đang dần nhạt phai, và ước mơ làm việc với nhau vì công lý và hoà bình dường như là một điều viển vông, lỗi thời[147]. Đó là một thế giới thiếu lộ trình chung và cộng đoàn cũng chẳng có tiếng nói chung cho một vấn đề của sự thật.

Trong một bài giảng, Đức thánh cha Phanxicô nói rằng: “Trong cộng đoàn Kitô hữu, sự ích kỷ, ghen ghét, đố kỵ, chia rẽ dường như luôn diễn ra. Chúng sẽ dẫn người ta đến việc nói xấu sau lưng. Ở Argentina, người ta gọi những người này là những người gieo cỏ lùng (zizzanieri). Họ gieo rắc cỏ dại. Họ gây chia rẽ. Sự chia rẽ bắt đầu bằng chính miệng lưỡi của con người. Miệng lưỡi có thể hủy hoại cả một gia đình, cộng đoàn, xã hội. Miệng lưỡi người ta có thể gieo rắc hận thù và chiến tranh[148].

Trong viễn cảnh đó, chúng ta liên hệ tới đời sống hiệp nhất cộng đoàn. Cộng đoàn được hiệp nhất khi được liên kết bởi tình yêu Đức Kitô: như những thân thể được liên kết với đầu (x. 1Cr 13, 27). Tuy nhiên, thân thể Đức Kitô bị chia năm sẻ bảy khi cộng đoàn bị chia rẽ (x. 1Cr 1, 13). Sự hiện diện của các phần tử trong cộng đoàn như những vật thể xa lạ, rời rạc, xung khắc và đố kỵ sẽ không thể đi đến sự hiệp nhất. Thật vậy, những hướng đi khác nhau sẽ khó có sự kết nối của tình huynh đệ, nó dẫn người ta đến tình trạng tranh giành vị thế hơn là tìm ra tiếng nói chung để xây dựng cộng đoàn: hướng đi của tiền bạc sẽ dẫn người ta lệ thuộc vào vật chất; hướng đi của quyền lực dẫn người ta đến chỗ cai trị; hướng đi của danh vọng dẫn người ta đến tình trạng đánh bóng bản thân mình.

Định hướng này không chỉ làm chia rẽ cộng đoàn mà còn làm ảnh hưởng đến tha nhân, đặc biệt trong cách đối xử với người giàu, người nghèo hay khách hành hương. Tu luật thánh Biển Đức đã nói: “Với người nghèo và khách hành hương, ta phải hết sức ân cần đón tiếp, vì chính trong họ mà ta đón tiếp Chúa Kitô hơn hết. Còn về người giầu, nguyên việc kính nể đã làm ta tôn trọng họ” (TL 53,15).

II. Hiệp nhất huynh đệ đan tu 

  1. Kết hợp lại với nhau trong tình yêu của Chúa

Hiệp nhất với nhau là trở về nguồn cội là Ba Ngôi Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là một khẳng định chắc chắn cho chúng ta về tình yêu hiệp nhất: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,20-23). Lời nguyện của Đấng Cứu Chuộc có sức mạnh quy tụ vượt thời gian và không gian. Lời nguyện ấy khởi đầu nơi Đức Kitô, đến các Tông đồ và tiếp tục thực hiện trên chúng ta. Vì vậy, ngay phần dẫn nhập của Huấn thị Đời Sống Thánh Hiến, Thánh bộ Dòng tu đã xác định rõ: “Tình yêu của Đức Kitô đã quy tụ một số đông các môn đệ để hiệp nhất với nhau để giống như Ngài và nhờ Ngài, trong Thánh Linh, họ có thể, qua nhiều thế kỷ, đáp lại tình yêu của Chúa Cha bằng cách yêu mến Ngài, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lựcnl 6,5) và yêu tha nhân như yêu chính mình (x. Mt 22,39)[149].

Hiệp nhất huynh đệ cộng đoàn là tình yêu của những tâm hồn có cùng mục tiêu hướng về vinh quang Thiên Chúa. Vì nên một trong Chúa Kitô, các đan sĩ trong cộng đoàn, phải từ bỏ những gì là riêng tư, những sở thích cá nhân để gắn bó với Đấng là nguyên lý của hiệp nhất với nhau và với tha nhân.

Thật vậy, tình yêu phải luôn được gìn giữ bởi những cố gắng của tấm lòng và sức lực. Vì với những người tin theo Chúa, tình yêu giống như than cháy. Nếu chúng nằm rải rác xa nhau rất dễ bị dập tắt; nhưng khi được tập hợp lại với nhau, chúng được bảo toàn, được phát sáng và đốt cháy những cái khác nằm gần đó[150].

  1. Cộng đoàn hiệp nhất, nơi tình yêu triển nở

Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Luca đã dùng hai từ khoá để diễn tả bối cảnh của Lễ Hiện Xuống, đó là: thứ nhất: ở một nơi (ἑπι τὀ αὐτὀ epi to auto); thứ hai: một lòng  (ὁμοθυμαδόν – homothumadon). Nơi Cộng đoàn Tiên Khởi, các Tông đồ đều đồng lòng trong cầu nguyện (x. Cv 1,14-2,1), hiệp nhất trong tình yêu và có chung một mục đích. Điều này thích hợp cho đời sống đan tu của chúng ta: cùng cầu nguyện với nhau và cùng chuyên cần lao tác, trong khi chúng ta cùng chia sẻ một nếp sống, cùng chuyên cần cầu nguyện, Thánh Thần Chúa làm việc và liên kết chúng ta lại với nhau.

Thánh Biển Đức thiết lập đời sống cộng tu, để mỗi người “chiến đấu theo một Tu luật và dưới quyền viện phụ” (TL 1,2). Nơi đây, đan sĩ được vun trồng và được lớn lên trong ân sủng Chúa khi biết ẩn mình trong tĩnh lặng để tìm kiếm Thánh Nhan. Tất cả những ai thực tâm tìm Chúa đều cùng hướng tới một mối tương quan, cùng chung một lý tưởng và cùng một mục tiêu. Mục tiêu ấy chính là: “Tất cả chúng ta là một trong Chúa Kitô, cùng chiến đấu để phụng sự một Chúa” (TL 2,20).

Các vị hữu trách giữ vai trò quan trọng của sự hiệp nhất phải trở nên biểu tượng của việc quy tụ cộng đoàn. Đánh mất đi biểu tượng này, hình ảnh Chúa Kitô nơi cộng đoàn bị phai nhạt và tình trạng chia rẽ sẽ phát sinh. Đan sĩ cần trở nên biểu tượng của tình yêu hiệp nhất. Ngày tuyên khấn trọng thể, bài ca bác ái vang lên trong nghi thức đón nhận anh em vào cộng đoàn, diễn tả tình yêu hợp nhất làm cho nhiều người xúc động và ghi đậm dấu ấn của tình huynh đệ. Dĩ nhiên, những xúc động ấy cần được chuyển hoá thành tình hiệp nhất cụ thể trong đời sống, để đời sống đan sĩ gia tăng giá trị đích thực của một mối giây liên kết cộng đoàn.

  1. Suối nguồn tình yêu hiệp nhất nơi bí tích hiệp thông

Đời sống đan sĩ được chia sẻ cùng một nguồn mạch sự sống nơi Bí tích Thánh Thể. Bí tích Hiệp Thông này, tình hiệp thông của đan sĩ được dưỡng nuôi bằng chính Mình và Máu Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về mối hiệp thông sâu xa này khi nói: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17). Khi được tham dự vào cùng một nguồn mạch, đan sĩ được mời gọi trở nên “bánh cho tha nhân”, để cùng nhau được sống nhờ mối tình hiệp thông của Đức Kitô mang lại.

Nơi Bí tích Thánh Thể, các thành viên của cộng đoàn hiệp nhất hơn với nhau trong đức tin. Đi ra ngoài sự hiệp nhất này, sự hiệp thông có nguy cơ chứa chất chiều kích thế tục hơn là sự hiệp nhất kỳ diệu trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Vậy nên, cần có một tinh thần chống lại sự bạc nhược của người lữ hành trên đường đi về nhà Cha bằng sự gắn bó mật thiết với Chúa Kitô Thánh Thể, giúp ta có cơ hội thuận tiện để kín múc sức mạnh từ Ngài, Đấng là Thiên Chúa sự sống[151]. Trong hiến tế Thánh Thể được cử hành, “chúng ta được dự phần thực sự vào Thân Thể Đức Kitô, chúng ta được nâng lên trong sự hiệp thông với Ngài và với nhau[152]. Nơi đây, không chỉ gắn kết đan sĩ lại với nhau trong tình yêu của Chúa Kitô mà còn mở ra với mối hiệp thông với các thánh trên thiên quốc và các linh hồn nơi thanh luyện.

III. Những hướng xây dựng hiệp nhất cộng đoàn

  1. Cảm thông trong đức tin

Ba Ngôi Thiên Chúa là mẫu gương hiệp thông của Kitô hữu, cách riêng của đan sĩ. “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn” (Ga 15,9-11). Khi chúng ta lấy Đức Kitô là trung tâm cho hướng đi của cộng đoàn, chúng ta cần có niềm tin thực sự vào những gì các tông đồ rao giảng và thực hành lời dạy của thánh Phaolô: “Dù anh em có làm gì, nói gì, hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (Cl 3,17). Điều này mời gọi đan sĩ sống theo tác động của Chúa Thánh Thần, để có được sự hiệp thông thực sự.

Nếu đan sĩ đánh mất cảm thức đức tin được vun trồng từ Lời Chúa do các Tông đồ truyền lại nơi Kinh Thánh, thì đan sĩ sẽ đi tìm một nguồn khác một cách hành động khác để phù hợp với cảm thức của mình, một lối sống tù túng và nghèo nàn về đời sống thiêng liêng.

Để giữ được mối hiệp thông các đan sĩ phải trải qua một quá trình “lột xác”, nghĩa là từ bỏ con người cũ với nếp sống xưa, điều thánh Phaolô khuyên các tín hữu Ephêsô: “Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ và nếp sống xưa, là con người phải hư nát, vì bị những ham muốn lừa dối” (Ep 4,22). Con người cũ và nếp sống xưa đó là tình trạng của ghen tương, kiêu căng, đắc thắng, chia rẽ và hẹp hòi. Khi có được tình huynh đệ cộng đoàn, thì những điều xấu xa sẽ không có cơ hội bành trướng, tính ích kỷ của sự hẹp hòi, chia rẽ được chôn vùi, được mai táng để quyền năng Phục Sinh Chúa tỏ rạng.

  1. Hy vọng một sự hiệp nhất trọn vẹn

Theo Zeta Tudor, đời sống cộng đoàn hiệp thông được chia theo các cấp độ khác nhau[153]. Theo cách chia này, sự hiệp thông hiện hữu giúp ta sự ổn định, căn tính và nhất quán, hoà quyện với vũ trụ. Sự hiệp thông này gồm có sự ổn định của luật làm vững chắc các mối tương quan trên trần gian. Hiệp thông tồn tại trong dự phóng tiến vào vĩnh cửu. Trong mối tương quan này, chúng ta thấy tính hữu hạn của một cộng đoàn tu trì. Luật lệ lúc này trở thành cấu trúc khai thông, mở ra các chiều kích hướng về vĩnh cửu.

Hướng tới niềm hy vọng sống động, chúng ta được thức tỉnh con tim nắm giữ niềm hy vọng, đừng để những tế bào của ung nhọt phá huỷ sự sống tồn tại của cộng đoàn. Mở ra con đường sống là khai thông cấu trúc của việc chuyển hoá việc vận hành thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Làm cho nó có khả năng sống và khả năng tiếp nhận sự thật Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là sinh khí làm cho cộng đoàn luôn được sống động. Vậy nên, thánh Phaolô luôn nhắc nhở cộng đoàn duy trì mối hiệp thông trong Thánh Thần để dám nhìn về tương lai với niềm hy vọng lớn lao: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4,3-4). Trong tác động của Chúa Thánh Thần, tình tương thân tương ái được duy trì và có khả năng hướng tới tha nhân. Điều này mời gọi đan sĩ phải băng qua những bất toàn, những ảo tưởng, thậm chí cả tình cảm để đi đến tình trạng hiệp thông trọn vẹn trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

  1. Đan sĩ tích cực sống tình yêu hiệp nhất

Kiên trì xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn, đan sĩ không chỉ trở thành mối giây kết nối sống động, mà còn thực hiện sứ vụ của tình yêu hiệp nhất. Tuy nhiên, khi thực hiện sứ vụ đó, đan sĩ không tránh khỏi những thử thách và khó khăn trong vai trò của mình. Wilfrid Stinessen, linh mục dòng Carmel người Bỉ, cho chúng ta một hướng nhìn về sự hiệp nhất, để không nản lòng khi chúng ta không được chứng kiến thành quả hiển hiện: “Sự hợp nhất tròn đầy không thuộc về thế giới này, bởi vì thực tại cánh chung này chỉ thuộc về thế giới thần thiêng. Trên mặt đất này luôn luôn xuất hiện những nguyên nhân chia rẽ. Điều đó không nằm ngoài phạm vi tất cả phải dấn thân đạt đến sự hợp nhất cao cả hơn[154].

Trong kinh nghiệm đời sống thiêng liêng, chúng ta hướng về Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, điều này giúp chúng ta tiến về phía trước để sống cho những giá trị đích thực và nhiệt tâm xây dựng cộng đoàn.

Trong một thế giới đề cao chủ nghĩa tương đối hoá; ngay cả những thực tại thần thiêng cũng trở nên tương đối, thì các mối giây liên kết hiệp nhất dễ bị con người đặt ở “vùng ngoại biên”. Điều phá bỏ tình huynh đệ là khi đánh mất sự tôn trọng và dùng những thủ thuật để “thao túng lương tâm” và “dẹp bỏ tiêu chuẩn đạo đức”.

Đời sống đan tu có khung cảnh lý tưởng để sống tình hiệp nhất, có thời gian gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm của Thiên Chúa cho tha nhân. Nhà thần học Dietrich Bonhoeffer diễn tả về cộng đoàn hiệp thông cần phải để cho Thiên Chúa xây dựng và phải từ bỏ những tầm nhìn cá nhân về cộng đoàn và dần dần ý Thiên Chúa được tỏ lộ cho chúng ta[155]. Cộng đoàn là nơi thực thi tình huynh đệ, chứ không phải là nơi phóng chiếu tính ích kỷ, phe nhóm và bè phái. Để sống tình hiệp nhất, tất cả các mặt nạ phải rơi xuống, sự thật được tỏ lộ. Khi đó, đan sĩ sẽ nhận ra được tác động nào của Chúa Thánh Thần trong tiến trình hiệp nhất bằng tình yêu Đức Kitô.

Thay lời kết

Ngang qua Thông điệp Fratelli Tutti, Đức thánh cha Phanxicô nói đến hình ảnh người bị cướp nằm vệ đường làm hiện lên trong chúng ta tình trạng của một cộng đoàn có những “kẻ cướp” của tình huynh đệ, đánh cướp sự hiệp nhất cộng đoàn, sau đó ẩn mình đi, lẩn trốn bằng nhiều hình thức khác nhau và dấu vết còn sót lại là những kẻ đáng thương trong sự hỗn loạn, của một cộng đoàn xáo trộn và của một cộng đoàn bất an.

Tình trạng của một cộng đoàn bị phá vỡ sự hiệp nhất ấy cần phải được chữa lành, cần được băng bó vết thương, cần nâng đỡ nạn nhân của phe nhóm, của tính ích kỷ, của quyền lực đang phá rối khuôn mặt đích thực Chúa Kitô. Qua vấn nạn trên, chúng ta thấy về tình trạng cộng đoàn đan tu đang đánh mất phương hướng, bị đánh mất sự hiệp nhất nội tại ngay trong cung cách đối xử của chính mình.

Nếu đan sĩ không sống đúng với sứ mệnh của mình, không thực sự xây dựng cộng đoàn, thì “vận mệnh lịch sử”[156] của cộng đoàn sẽ là dấu chấm tận có thể hình dung được trong một tương lai gần. Cộng đoàn còn có thể tồn tại trong một vài hình thức nào đó, nhưng nội dung đã thay đổi và dấu chấm tận chỉ còn là sự luyến tiếc về quá khứ.

Với ước mong về một cộng đoàn tràn đầy ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh, hướng về vĩnh cửu, tình huynh đệ cộng đoàn phải được củng cố, vun đắp và xây dựng, để ai nấy trong cộng đoàn đan tu thành những mối giây sống động trong tác động của Chúa Thánh Thần, làm trổi vang lên lời tán dương Thiên Chúa nơi suối nguồn của sự hiệp thông.

MỘT NỀN VĂN HÓA “GẶP GỠ”

Phanxicô Salesio Đỗ Duy Đông


Thế giới ngày nay được mời gọi trả lời cho thách đố của một cuộc chiến “phân mảnh” đang đe dọa nó. Bởi vì chính trong thế giới đang có cuộc chiến này, cần có tình huynh đệ, sự gần gũi, đối thoại và tình bằng hữu. Đó là lý do Thông điệp Fratelli Tutti ra đời. Trong Thông điệp này, Đức thánh cha Phanxicô
đề cập đến tình huynh đệ phổ quát.

Trong lịch sử nhân loại đã có rất nhiều quan niệm khác nhau về tình huynh đệ. Tuy nhiên, tình huynh đệ dựa trên nền tảng Kitô giáo, tức là dựa trên nền tảng Thánh kinh và Huấn quyền của Giáo hội mới là trọng tâm chúng ta tìm hiểu. Bài viết này không nhắm đến việc nghiên cứu hay tìm hiểu về tình huynh đệ cách chuyên môn, nhưng chỉ xin được tái khám phá tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn theo tinh thần Thông điệp Fratelli Tutti. Để khám phá lại tình huynh đệ trong đan viện, mà ai đó đã vô tình hoặc cố ý làm cho nó “biến chất”. Thiết tưởng, chúng ta nên tìm hiểu trước hết về nền tảng để có được tình huynh đệ chân chính và bền vững.

I. Nền tảng của tình huynh đệ

  1. Thánh Kinh

1.1. Cựu Ước

Trong Cựu Ước, cụm từ “huynh đệ” được dùng để ám chỉ cho những mối tương quan như: anh em ruột (x. St 4,2), hoặc anh em họ (x. St 13,8; Lv 10,4), hay có thể là người trong cùng một bộ tộc (x. 2Sm 19,13). Hoặc trong mối tương quan xa hơn, đôi khi là bạn hữu (x. St 29,4), đồng bào cũng được gọi là anh em (x. Lv 19,17-18; Đnl 15,2.12). Tuy nhiên, tình huynh đệ mà Cựu Ước nói đến không thuần túy dựa trên tình cảm tự nhiên, nhưng nền tảng tôn giáo. Bởi vì, người Do Thái ý thức rằng họ thuộc về một dân tộc do Thiên Chúa tuyển chọn kể từ ông Abraham. Chính họ đã từng khẳng định với Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi là dòng dõi ông Abraham” (Ga 8,33).

Tuy nhiên, có một thực tế mà ai cũng phải công nhận, không phải bất cứ mối tương quan nào cũng tốt đẹp, ngay cả tình anh em ruột thịt. Những trang đầu của Sách Sáng Thế đã chứng minh cho chúng ta điều đó, khi ghi lại sự hiềm thù giữa hai anh em Cain và Abel, sự thù địch sinh bởi lòng ghen tương và dẫn đến sự tàn sát (x. St 4,9), rồi các xích mích giữa Esau và Giacob (x. St 25), hoặc giữa các anh với người em là Giuse (x St 37). Và có lẽ chính trong bối cảnh ấy mà các sách Luật hoặc các sách Ngôn Sứ luôn đưa ra những lời khuyên răn là hãy biết yêu thương người anh em, xóa bỏ sự căm giận, như sách Lêvi đã viết: “Ngươi không được ghét người anh em… hãy yêu thương người thân cận” (Lv 19,17tt). Và còn rất nhiều đoạn trong sách Luật và sách các Ngôn Sứ đề cập đến tình anh em ( x. Hs 4,2; Is 9,18 tt; Cn 17,17; 19,7; G 19,13; Tv 133,1).

1.2. Tân Ước

Tân Ước nói rất nhiều về từ ngữ “anh em”. Bài viết này chỉ dừng lại ở khía cạnh tình huynh đệ được xây dựng trên đức tin Kitô giáo, đặc biệt là sau khi Chúa Giêsu Kitô chịu Tử Nạn và Phục Sinh.

Trong các trình thuật về cuộc Phục Sinh, “người môn đệ Chúa yêu” vẫn luôn nói đến các “anh em” theo nghĩa ấy (x. Ga 20,17.21.23). Hơn nữa, thánh Luca cũng đã ghi lại một nhiệm vụ đặc biệt mà Chúa Giêsu trao cho ông Phêrô, đó là củng cố các “anh em” trong đức tin (x. Lc 22,32). Như vậy, tình anh em hay tình huynh đệ được xây dựng trên nền tảng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô Tử nạn và Phục sinh. Và vì vậy, trong chiều hướng này, “TIN” không chỉ là một hành vi của lý trí và ý chí, nhưng còn là hành vi của con tim, kèm theo một cuộc dấn thân và chia sẻ cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Cũng giống như Chúa Giêsu Kitô đã dấn thân và “đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện” (Hr 2,17), thì chính các Kitô hữu cũng phải trải qua một cái chết tinh thần, để có khả năng vươn lên trên tình cốt nhục và ôm ấp một tình huynh đệ đại đồng.

Như vậy, tình huynh đệ đại đồng không tự dưng mà có, nhưng nó được xây dựng và đặt nền tảng nơi Chúa Giêsu Kitô Phục sinh. Qua Người, Thiên Chúa muốn quy tụ tất cả mọi người thành một gia đình. Và cũng chính Người là chiếc cầu nối kết nhân loại với Thiên Chúa. Đặc biệt, thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu Kitô là trưởng tử của một đàn em đông đúc (x. Rm 8,29). Nhờ cuộc Phục sinh, Đức Kitô đã mở ra cho chúng ta con đường sống, như Người đã nói: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Trước đó, Người đã dạy cho chúng ta cách thức đối xử với nhau dựa theo luật yêu thương (x. Mt 5,21-24.38-48; Lc 10,25-37; Ga 13,34-35). Người còn làm gương cho chúng ta trong việc hy sinh mạng sống cho nhau (x. Ga 15,12-13), phục vụ lẫn nhau (x. Mt 20,26-28). Nhờ Bí tích Rửa tội, các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta được tham dự vào cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,26-28) . Đó là kết tinh, là nguồn gốc và là nền tảng để xây dựng cũng như để thể hiện tình huynh đệ đại đồng trong đời sống thánh hiến, cách riêng trong đời sống đan tu.

  1. Truyền thống đan tu

Trong Tu luật thánh phụ Biển Đức, danh từ “anh em” được dùng để nói về các đan sĩ, và được ngài dùng khi gọi các “đan sinh” của mình. Người đan sĩ được nhận là anh em kể từ khi khởi đầu đời đan tu, và dù phần tử có phạm lỗi thì vẫn được coi là anh em. Một đặc tính của đời đan tu là tên gọi “AbbaViện phụ” (Cha) dành cho vị bề trên, vì ngài thay mặt Chúa Giêsu Kitô: “Quả thực, người ta tin tưởng ngài thế vị Chúa Kitô trong đan viện, nên gọi ngài bằng chính danh xưng dành cho Chúa, theo lời thánh Tông Đồ: ‘Anh em đã nhận lấy Thần Khí nghĩa tử, nhờ đó ta kêu lên Abba, Cha ơi” (TL 2,2-3). Viện phụ giữ vai trò của mình là một người cha quan tâm tới từng người, tùy theo nhu cầu của họ, để mọi người đều được bình an và sống vui trong nhà Chúa. Vì thế, các đan sĩ là anh em với nhau, vì tất cả có chung một người cha mà chúng ta gọi là Viện phụ. Thánh phụ Biển Đức rất đề cao tình anh em trong cộng đoàn theo chiều kích này, nghĩa là tất cả anh em phải đối xử với nhau như là anh em ruột thịt, phải có trách nhiệm và bổn phận đối với nhau (x. TL 63,10-17). Tình yêu này phải vượt lên trên cảm tính của con người, bởi vì, nền tảng của tình huynh đệ này đặt nền tảng trên đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

Kế thừa tinh thần của Cha thánh Biển Đức, Hiến pháp Hội Dòng Xitô Thánh Gia quy định: “Khi anh em qua đời ngoài đan viện, viện phụ hãy liệu sớm đưa xác về chôn cất giữa anh em, để anh em sống có nhau, chết cũng không lìa nhau[157]. Như vậy, tình huynh đệ hay tình anh em trong cộng đoàn là thứ tình yêu mang tính cách thiêng liêng và huyền bí; bởi vì, tình yêu này phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi con người Chúa Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, con người trong thế giới hôm nay đang ngày càng bị cuốn vào cơn lốc của kinh tế thị trường, sự phát triển của truyền thông qua mạng Internet, cũng như đang bị nhiễm bởi “virus chủ nghĩa”: chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa duy lợi… Đứng trước một thực tại như thế, người đan sĩ phải sống thế nào để không bị ảnh hưởng bởi những xu hướng xấu đang có nguy cơ làm tục hóa đời sống đan tu và tình huynh đệ.

II. Tình huynh đệ trong đan viện theo Thông điệp

  1. Ai là anh em tôi

Theo Thông điệp Fratelli Tutti, Đức thánh cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy để tâm và hướng đến tình huynh đệ phổ quát, không bị giới hạn hay ràng buộc bởi những “quy định” của con người. Đức thánh cha mời gọi:Chúng ta hãy ước mơ như một nhân loại duy nhất, như những người du hành cùng chia sẻ một thân xác con người, như những đứa con của cùng một đất mẹ, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người với sự phong phú của niềm tin và những xác tín của mình, mỗi người với cung giọng riêng của mình, tất cả đều là anh em”[158]. Khi nhìn lại những thăng trầm trong đời sống cộng đoàn, điều làm ta thao thức nhất vẫn là mối tương quan huynh đệ. Khi nói về tình huynh đệ, chúng ta vẫn luôn cố gắng làm sao để xây dựng tình huynh đệ cho trọn tình vẹn nghĩa. Điều đó tốt, nhưng chưa trọn vẹn ý nghĩa mà Thông thiệp Fratelli Tutti muốn nhắm đến. Có lẽ điều mà Thông điệp muốn nhắm đến đó là, mời gọi mỗi người chúng ta khám phá ra: “Ai là người anh em của tôi”.

Với thánh phụ Biển Đức, đan viện được xem như là một trường học – Trường Phụng Sự Thiên Chúa (x. TL, lời mở 45). Vì thế, đây là nơi mà mỗi người được quy tụ từ khắp mọi miền đất nước thành một cộng đoàn sống chung với nhau trong cùng một lý tưởng là khao khát tìm kiếm và phụng thờ Thiên Chúa. Chính vì vậy, họ sống tình anh em một nhà, cùng với Vịnh gia, họ có thể thốt lên:

 “Ngọt nào tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv133,1)

Khi chấp nhận sống cùng nhau, mỗi người phải ý thức từ bỏ ý riêng để đạt được mục đích tối hậu trong đời sống thánh hiến (x. TL 7,31). Chúng ta chỉ nhận ra người khác là anh em của mình, khi và chỉ khi chúng ta sống kết thân và gặp gỡ. Đan sĩ sẽ không khám phá ra được “ai là anh em của tôi”, nếu họ không biết mở rộng vòng tay thân ái đón nhận nhau và nương tựa vào nhau. Để cảm nhận được tình huynh đệ, đan sĩ cần cùng nhau vượt qua những “giông tố” của cuộc đời đầy hỗn loạn, cùng nhau tiến bước trên cuộc “hành hương thánh”.

Tình huynh đệ nói đây không phải là một cảm xúc tự nhiên, nhưng bắt nguồn từ đức tin và tình yêu chân thật vào Con Thiên Chúa nhập thể. Từ đó, chúng ta được thúc đẩy gặp gỡ và chia sẻ với tha nhân những nỗi đau khổ, những khát vọng, cùng với niềm vui của họ. Bước vào đời sống cộng đoàn, các đan sĩ không còn phân biệt vùng miền, nhưng là anh em một nhà. Vì “tình yêu đập vỡ những sợi xích giữ chúng ta trong tình trạng cô lập và tách rời; thay vào đó, tình yêu xây dựng những cây cầu. Tình yêu giúp chúng ta tạo ra một gia đình lớn, ở đó tất cả chúng ta có thể cảm thấy như ở nhà… Tình yêu phát tiết ra lòng thương cảm và phẩm giá”[159].

Có thể chúng ta rất giỏi trong nhiều lãnh vực, nhưng vẫn chưa chú tâm đủ đến tình huynh đệ, hay nói theo ngôn từ của Đức thánh cha Phanxicô: “Chúng ta vẫn “dốt đặc” trong việc đồng hành, săn sóc và nâng đỡ những thành viên yếu ớt và mong manh nhất trong các xã hội phát triển của chúng ta. Chúng ta đã trở nên quen với việc tìm con đường khác, bỏ đi qua, phớt lơ những hoàn cảnh cho đến khi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến mình”[160]. Trong đan viện, có thể có một số anh chị em rơi vào tình trạng như nạn nhân trong dụ ngôn người Samaritanô “bị bọn cướp tấn công và nằm bên vệ đường với đầy thương tích”. Vậy, liệu chúng ta có nhận ra đó là người anh em mình, để dừng lại và cho họ thời gian của mình không, hay chúng ta vô tình, ngoảnh mặt đi cách thờ ơ, lạnh lùng và vô trách nhiệm như các Tư tế và thầy Lêvi?[161]. Để tình huynh đệ được thấm đượm tình yêu thương trong Chúa Ba Ngôi, đặc biệt, qua dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, chúng ta nhận diện xem: mình là ai trong những người đó? Mình giống nhân vật nào trong đó?

  1. Tình huynh đệ – một thách đ cho đan sĩ hôm nay

Ngày nay, một số đan sĩ dường như hiểu sai về bản chất đích thực của tình huynh đệ. Chúng ta mang trong mình một sự khác biệt về quan niệm, tư tưởng, cách sống, văn hóa, phong tục và bối cảnh xã hội. Vì thế, khi vào đan viện, các đan sĩ thường có xu hướng sống theo “chủ nghĩa phân loại”[162]. Thay vì sống với tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”, họ lại sống theo “phong cách” của những “người đồng hội đồng thuyền”, mà chúng ta có thể gói gọn trong hai chữ nghe có vẻ thân tình “đồng hương”. Và chính họ vô tình đã kiến tạo cho mình hoặc cho nhóm của mình một thế giới khép kín, nơi đó không còn tình huynh đệ đích thật, sự tự do và bình đẳng không được tôn trọng, không còn sự cộng tác trong yêu thương và bác ái[163]. Nếu họ sống như vậy, trong đan viện sẽ không còn sự cộng tác trong tin – yêu, các thành viên không còn là huynh đệ đích thực của nhau nữa mà trở thành những “đối tác” không hơn không kém[164].

Một trong những thách đố lớn nhất của đan sĩ nói chung và anh chị em đan sĩ trẻ nói riêng, khi sống tình huynh đệ trong thời đại hôm nay, đó là chúng ta thường vô cảm với anh chị em đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác. Đây không phải là thái độ và đức tính mà một Kitô hữu nên có, huống chi chúng ta là đan sĩ, những con người đang sống theo gương Chúa Kitô: phục vụ và yêu thương. Đã đến lúc, mỗi người chúng ta nên tháo gỡ chiếc “mặt nạ”, cùng với tinh thần của thế gian để mang lấy tâm tình và khát vọng của Chúa Kitô: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Để biết một đan sĩ có sống tình huynh đệ đại đồng như một sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó hay không, thì hãy xem người đó “có và sẽ cúi xuống chạm vào và chữa lành những vết thương của người khác không”?… Có và sẽ cúi xuống để giúp người khác đứng dậy không”?[165] Đó là thách đố của chúng ta, là những đan sĩ đang sống trong xã hội hôm nay. Đức thánh cha Phanxicô đã trấn an rằng: “Chúng ta đừng sợ đối diện với nó”. Hơn nữa, “trong những thời khắc khủng hoảng, các quyết định trở thành cấp bách. Có thể nói rằng, ở đây và bây giờ, bất cứ ai không phải hoặc là một tên cướp hay một người bỏ đi qua thì người đó sẽ hoặc là nạn nhân bị thương tích hoặc là người đang vác kẻ bị thương tích trên vai mình[166]. Đó là tâm tình của Đức thánh cha Phanxicô gửi đến cho mọi người, trong đó có chúng ta, là những người đang phải sống và đối diện với những thách đố về tình huynh đệ trong đời thánh hiến đan tu.

Lời kết

Trong đời sống chung, tình huynh đệ đại đồng là “tinh hoa” của sự kết thân và gặp gỡ, là mở rộng vòng tay thân ái đón nhận nhau và nương tựa vào nhau, để có thể thực sự trải nghiệm tình huynh đệ. Tình huynh đệ nói đây không phải là một cảm xúc tự nhiên, nhưng bắt nguồn từ đức tin chân thật vào Con Thiên Chúa nhập thể, và được củng cố qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Người. Do đó, trong đời sống cộng đoàn, điều chúng ta cần học nhất vẫn là học yêu thương và gặp gỡ Chúa Giêsu. Cốt lõi của tình yêu thương và gặp gỡ Chúa Giêsu chỉ được sung mãn khi chúng ta nhận diện Người trên khuôn mặt của anh chị em.

“Tứ Hải Giai Huynh Đệ” là một thứ tình thương rất tự nhiên, nhưng cũng rất là siêu nhiên. Cái tự nhiên và siêu nhiên ấy tuy là hai nhưng chính tình yêu của Thiên Chúa đã làm cho chúng nên một trong tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức thánh cha Phanxicô thật có lý khi nói đây là một “tình huynh đệ huyền bí, một tình huynh đệ chiêm niệm”[167]. Vì sự huyền bí và chiêm niệm ấy, chúng ta không nên để tình huynh đệ bị chôn vùi trong cái tôi của mình, như lời kêu gọi của Đức thánh cha Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Chúng ta đừng để đánh cắp lý tưởng tình yêu huynh đệ”[168]. Bởi vì, những người sống và tôn trọng tình huynh đệ đại đồng, họ luôn “biết làm thế nào để nhìn thấy sự cao quý thánh thiện của tha nhân, biết cách tìm thấy Thiên Chúa trong mỗi con người, biết chịu đựng sự bất tiện của việc chung sống bằng cách bám chặt vào tình yêu của Thiên Chúa, biết rộng mở tâm hồn cho tình yêu của Thiên Chúa để tìm kiếm hạnh phúc cho tha nhân như Cha Nhân Lành của chúng ta đã làm[169], nhất là nơi những anh chị em đang đau khổ và gặp bế tắc trong đời sống cộng đoàn.

NHẬN VÀ TRAO NHƯNG KHÔNG

Sr. M. Matthia Trần Thị Trị

Nhận và trao là một trong những tương quan đầu tiên được hình thành giữa con người với nhau. Mối tương quan này được lớn lên theo thời gian cũng như theo nhu cầu của cuộc sống con người. Khi nhận là ý thức sự lớn lên của mình là nhờ người khác, và của các thế hệ đi trước; nhận là để hoàn thiện chính mình và hoàn thành tâm nguyện người trao. Khi trao là chúng ta hướng về tha nhân, đáp ứng nhu cầu người khác, ý thức trách nhiệm với điều mình lãnh nhận. Như thế, nhận và trao nhắc nhớ chúng ta tình liên đới giữa con người với nhau trong gia đình và xã hội. Ngày nay, xu hướng toàn cầu hóa mở ra cho con người cơ hội để thể hiện tình liên đới và xây dựng tình huynh đệ nhân loại khi các nước hợp tác với nhau về mặt kinh tế, chính trị và hội nhập văn hóa. Với thời đại 4.0, mạng lưới thông tin đã biến thế giới thành một mặt phẳng, đưa nhân loại xích lại gần nhau nhưng thế giới vẫn còn nạn phân biệt chủng tộc và con người chỉ mới trở nên hàng xóm của nhau mà chưa trở thành anh em[170]. Đức thánh cha Phanxicô nhận định: “Tình hình hiện tại của thế giới cho thấy một sự giật lùi; những xung đột cũ tưởng đã chôn vùi từ lâu thì nay đang bùng phát lại, trong khi những biểu hiện của một chủ nghĩa dân tộc thù hận và hung hăng, cực đoan và thiển cận đang leo thang”[171]. Phải chăng con người thích nhận nhiều hơn trao hay con người trao và nhận theo kiểu thương mại “cục đất ném đi hòn chì ném lại”? Phải chăng tình huynh đệ nhân loại cần được xây dựng bằng nhận và trao nhưng không?

Nhận và trao là một chủ đề lớn. Trong bài này, người viết chỉ xin đề cập vấn đề nhận và trao theo Thông điệp Fratelli Tutti của Đức thánh cha Phanxicô.

  1. Nhận và trao trong cuộc sống con người

Nhận và trao không chỉ là những tương quan đầu tiên của con người với nhau mà còn chi phối tất cả các tương quan khác trong cuộc sống của con người. Hình thức trao và nhận cũng được thể hiện theo nét văn hóa từng dân tộc hay quốc gia.

1.1. Nhận và trao theo văn hóa Việt Nam

Theo Đại Từ Điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên: Trao là đưa cho ai, giao cho với sự trân trọng; trao giải thưởng, trao nhiệm vụ, trao quyền. Nhận là lấy, lĩnh, thu về cái được trao gởi cho mình như nhận thư, nhận trách nhiệm nặng nề, đồng ý làm theo yêu cầu một ai đó.

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khái quát văn hóa Việt Nam gồm ba trụ cột chính: “Văn hóa gia đình, văn hóa làng và văn hóa nước. Trong đó văn hóa gia đình là giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Khi nó khơi nguồn sinh ra con người, nuôi dưỡng từ khi lọt lòng mẹ cho tới lúc trưởng thành[172]. Gia đình là nơi khởi đầu những tương quan, trong đó có nhận và trao: khi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đón nhận sự sống bởi tình yêu của cha và mẹ; mái ấm gia đình cho ta bài học làm người đầu tiên, dạy phận làm con thì phải thảo hiếu với các đấng sinh thành dưỡng dục, là nơi dạy ta bài học kính trên nhường dưới, cảm thông, tha thứ, yêu thương, là nơi giúp ta trưởng thành trong nhân cách và hoàn thiện chính mình hơn. Trong kho tàng văn học Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm ca ngợi sự thảo hiếu của con cái đối với cha mẹ. Những câu tục ngữ ca dao cũng nói lên tình tương thân tương ái: “Bầu ơi thương lấy bí cùng – tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn”; “thương người như thể thương thân”; “lá lành đùm lá rách”…

Trao và nhận cũng làm chúng ta liên tưởng tới việc kế thừa như cha mẹ truyền lại cho con cháu một bài thuốc dân gian, một ngành nghề hay một di chúc khi cha mẹ sắp qua đời. Trao và nhận còn nói lên lòng biết ơn đối với cội nguồn, như cha anh để lại gia bảo cho thế hệ sau, mong sao được tồn tại và phát triển đất nước ngày một phồn thịnh. Trong chiều hướng đó, hạt giống đức tin của Giáo hội Việt Nam cũng là gia bảo quý báu cho chúng ta, đã được cha ông đánh đổi bằng chính máu thịt của mình.

Như thế, nhận và trao là truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Là thế hệ kế tiếp được thừa hưởng một nền văn hóa giàu tình nghĩa qua nghĩa cử ‘trao và nhận’, chúng ta cần ý thức mình đã lãnh nhận những gì thì cũng trao lại cho thế hệ sau như vậy.

1.2. Nhận và trao-yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống

Công đồng Vaticanô II đã quả quyết: “Con người là một thực thể sống động, tự bản chất con người là một hữu thể có xã hội tính”[173]. Con người sinh ra vốn đã là người nhưng phải làm người, mà nhận và trao là cách giúp con người trở nên người hơn trong quá trình làm người. Không những thế, nhận và trao còn là cách thể hiện xã hội tính nơi con người.

Nhận và trao nhằm xây dựng và nâng cao cuộc sống con người như: kinh tế, giáo dục, y tế; cũng như những giá trị tinh thần và tâm linh: văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo… Nhận và trao còn nhằm củng cố tiến trình làm người qua tương quan tình cảm, quan hệ bạn bè, hàng xóm, gia đình và xã hội. Tương quan trao và nhận không chỉ với những người thường xuyên gặp gỡ, mà còn với những người chưa một lần gặp gỡ. Chúng ta liên đới với nhau trong một cộng đồng nhân loại vì chúng ta là anh em cùng một Cha trên trời. Chúng ta cần nhìn lên để nhận ra những người thân cận của mình hoặc để giúp đỡ những người gục ngã dọc đường[174].

Tiến trình làm người còn được thể hiện qua việc chúng ta đón nhận mọi người và trao sự cảm thông, yêu thương và tha thứ, ngay cả những người không cùng quan điểm. Thánh Phaolô mời gọi: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em hãy tha thứ cho nhau” (Cl 3,13).  Nhờ đó, mỗi ngày chúng ta trở nên hoàn thiện như lời Chúa mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Như thế, cho dù con người nhận và trao vì nhu cầu sinh tồn, nâng cao cuộc sống, hoàn thiện bản thân, thì con người sống cũng cần nhau và lệ thuộc vào nhau. Như có lời bài hát đã quả quyết: “Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi, không phải ai xa lạ mà là người đang sống quanh tôi”. Trải qua bao thế hệ, con người vẫn không ngừng thao thức, tìm kiếm để làm sao mối tương quan giữa con người được xích lại gần hơn.

  1. Nhận và trao dưới lăng kính tình huynh đệ

“Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại giáo trưởng  Ahmad Al-Tayyeb đã nhìn nhận những bước tiến tích cực của toàn cầu hóa trong các lãnh vực khoa học, công nghệ, y tế, công nghiệp và phúc lợi, nhất là tại các quốc gia phát triển. Nhưng vẫn có tồn tại một sự suy thoái đạo đức ảnh hưởng đến tương tác quốc tế, và một tình trạng suy yếu các giá trị tâm linh và trách nhiệm. Điều này góp phần gây ra một cảm giác chán nản, cô độc và thất vọng”[175].

2.1. Mặt trái của nhận và trao

Theo Đức thánh cha Phanxicô: “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng, phát sinh từ một con tim tự mãn những tham vọng, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ[176]. Thật vậy, xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế thị trường, thông tin liên lạc làm cho con người dễ có khuynh hướng hưởng thụ vật chất. Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới quá dư thừa về của cải vật chất và đầy đủ về tiện nghi, nhưng càng chạy theo những thỏa mãn đam mê hưởng thụ vật chất bao nhiêu, con người lại càng đánh mất chính mình và không hiểu biết về mình bấy nhiêu. Sự tiến bộ khoa học làm cho vật chất được nâng cao, nhưng cũng làm cho tâm hồn con người thêm chai cứng, khiến họ không còn rung cảm trước những giá trị tinh thần cao quý. Một khi đã xa rời những giá trị tâm linh thì con người cũng trở nên xa lạ với chính mình và với tha nhân, cuộc sống sẽ trở thành những ốc đảo, co cụm và cô đơn. Thế giới ngày càng có nguy cơ đỗ vỡ khi một số quốc gia chịu ảnh hưởng bởi nhiều ý thức hệ khác nhau tạo ra những hình thức ích kỷ mới và sự đánh mất cảm thức xã hội được ngụy trang bởi việc bảo vệ các quyền lợi quốc gia mà dửng dưng đối với công ích[177]. Con người đánh mất cảm thức lịch sử, ảo tưởng cho mình toàn năng, cho rằng sự tự do của con người có thể tạo lập mọi sự bắt đầu từ zê-rô, không quan tâm đến lịch sử của mình, tẩy chay những kinh nghiệm của các bậc lão thành, vứt bỏ các kho tàng nhân bản và tâm linh thừa hưởng từ các thế hệ đi trước. Hệ lụy là động lực tiêu thụ vô giới hạn và những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trống rỗng[178], dẫn đến con người đang xây dựng một nền văn hóa phế thải khi nhân vị con người chưa được đánh giá đúng mức, nhất là nơi những người nghèo khổ, tàn tật, các thai nhi và người già. Văn hóa vứt bỏ đã khiến con người không chỉ vứt bỏ thực phẩm và những đồ vật dư thừa, mà ngay cả chính con người nữa; sự loại bỏ người khác cũng có nhiều dạng như khi người ta mải mê tìm cách giảm chi phí lao động bằng công nghệ cao tạo ra nạn thất nghiệp gây ra tình trạng nghèo túng tràn lan hay loại bỏ người khác còn được thể hiện nơi những thái độ độc ác phân biệt chủng tộc[179].

Thế giới ngày nay cho thấy rõ các quyền con người không bình đẳng cho tất cả, nhiều hình thức bất công vẫn còn dai dẳng; những hình thức nô lệ mới được hình thành nơi trẻ em, phụ nữ và nam giới. Con người bị sử dụng như phương tiện phục vụ cho mục đích hay bị đối xử như đồ vật, bị bán và bị coi như tài sản của kẻ khác. Một sự đồi bại khi nó cưỡng bức phụ nữ và rồi buộc họ phá thai và còn ghê tởm hơn nữa là bắt cóc người để bán nội tạng của họ[180].

 Thật trớ trêu thay, xu hướng toàn cầu hóa đã làm cho mắt con người mở ra, nhưng lại làm cho tâm hồn người ta khép lại. Con người cố gắng tạo ra các mối quan hệ nhưng lại đánh mất cảm thức về tình huynh đệ. Đức thánh cha Phanxicô gọi đây là thứ văn hóa hợp nhất thế giới, nhưng phân rẽ các cá nhân và các dân tộc: “Khi xã hội toàn cầu hóa hơn, nó làm chúng ta trở thành những người hàng xóm, nhưng không làm cho chúng ta trở nên anh em’. Chúng ta trở nên cô đơn hơn bao giờ hết trong một thế giới ngày càng đồng nhất đại trà cổ võ những ích lợi cá nhân và làm suy yếu chiều kích đời sống cộng đồng”[181]. Như vậy, việc toàn cầu hóa lại tạo cơ hội cho những nước giàu trở nên mạnh hơn, còn những nước nghèo lại chênh vênh và lệ thuộc nhiều hơn. Các nước giàu chưa thực sự giúp các nước đang phát triển, vì họ vẫn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Như thế, phải chăng thế giới chưa thực sự sống tình huynh đệ với nhau, vì con người nhận nhiều hơn trao hay còn nhận và trao có điều kiện.

 2.2. Xây dựng tình huynh đệ nhân loại bằng cách nhận và trao

‘Nhận và trao’ không chỉ là cách thể hiện xã hội tính của con người mà còn là phương thế xây dựng tình huynh đệ giữa con người với nhau. Theo Đức thánh cha Phanxicô các xu hướng toàn cầu hóa đang làm bế tắc tình huynh đệ nhân loại. Là những phần tử trong cộng đồng nhân loại,  chúng ta hãy xây dựng tình huynh đệ nhân loại bằng nghĩa cử  ‘nhận và trao’ bắt đầu từ chính gia đình, cộng đoàn và quốc gia của mình.

Theo Đức thánh cha Phanxicô: “Một nền văn hóa lành mạnh là nền văn hóa biết đón nhận và biết mở ra với người khác, đồng thời không phủ nhận chính mình, mà trao tặng cho người khác những gì là chân thật nhất”[182]. Chúng ta đón nhận, gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền văn hóa lành mạnh để biết “mở ra với những kinh nghiệm mới, xuyên qua sự gặp gỡ với những thực tại khác”[183], để chúng ta không trở nên nghèo nàn. Chúng ta hãy để tinh thần tương thân tương ái thấm đẫm để thấy những vấn nạn đạo đức đang xuống dốc, nhiều hình thức bất công mà con người ngày nay đang hứng chịu; những vấn nạn này không chỉ là của một ai, nhưng là của mỗi người. Chúng ta cùng nổi trăn trở với Giáo hội và nhân loại như Công đồng Vaticanô II đã xác định: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang khổ đau, phải là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của người môn đệ Đức Kitô và không có gì thực sự là của con người mà họ không cảm nhận trong đáy lòng họ. Thật vậy, đây là cộng đồng gồm những con người được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi được trao ban cho mỗi người… Vì thế, cộng đồng này thực sự cảm nhận được mối giây liên kết mật thiết với con người và lịch sử nhân loại[184].

Sự hiếu kính đối với các đấng sinh thành dưỡng dục, hiếu hòa với mọi người luôn giữ chúng ta có cảm thức về lịch sử, để nhớ về cội nguồn cũng như kho tàng nhân bản và tâm linh của các thế hệ đi trước để lại. Sự hiếu kính cũng như hiếu hòa sẽ hướng chúng ta xây dựng việc phát triển con người toàn diện, giảm bớt sự bất bình đẳng cũng như “những hình thức mới của nghèo khổ”. Đức thánh cha Phanxicô đã nói: “Trong thực tiễn, thường ta thấy rõ là các quyền con người không bình đẳng cho tất cả. Việc tôn trọng các quyền ấy “là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia. Khi phẩm giá của nhân vị được tôn trọng, và các quyền của người ta được bảo đảm, thì tính sáng tạo và tính phụ thuộc lẫn nhau sẽ triển nở, và khả năng sáng tạo của nhân cách con người sẽ phát tiết xuyên qua những hành động thúc đẩy thêm thiện ích chung[185].

Việc xây dựng tình huynh đệ nhân loại được ví như một công trình đòi hỏi thời gian cũng như sự quảng đại và kiên nhẫn như lời thánh Phaolô khuyên nhủ: “Khi làm điều thiện chúng ta đừng nản chí vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người nhất là những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6,9-10). Và việc xây dựng đó ở mọi nơi với bất cứ ai như chính Thiên Chúa cũng nêu gương cho chúng ta khi “Thiên Chúa, trao ban cách nhưng không, đến mức Người trợ giúp những ai bất trung với Người; ‘Thiên Chúa cho mặt trời của Người mọc lên trên kẻ dữ cũng như người lành’ (Mt 5,45)[186].

  1. Xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn

Trong buổi tiếp kiến ngày 28/01/2017 dành cho 100 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ Các Dòng Tu, Đức thánh cha Phanxicô đã đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến các tu sĩ xuất dòng, nhưng một trong những nguyên nhân được Đức Thánh Cha nhấn mạnh là do thiếu sự canh tân đời sống huynh đệ cộng đoàn.

Tuy chúng ta có quyền chọn đời sống cộng đoàn nhưng chúng ta không có quyền chọn nhau. Bởi đó, sự khác nhau về tuổi tác, trình độ, chức vụ, công việc nơi các thành viên trong cộng đoàn làm cho tình huynh đệ dễ gây nên bị sứt mẻ. Bản thân người này nhiều lúc trở thành thánh giá cho người khác và ngược lại. Để có thể sống tốt đẹp với nhau trong tình huynh đệ, chúng ta cần biết hòa hợp những khác biệt và biết làm phong phú hóa cho nhau; các thành viên tuy mỗi người một bổn phận, nhưng cùng nhau nỗ lực xây dựng cộng đoàn. Điều này mời gọi mỗi người có cái nhìn đức tin, xác định rõ lý tưởng, mục đích và cung cách sống dấn thân cho một sứ vụ.

Để các thành viên cảm thấy hạnh phúc và sẵn sàng cho đi thì cộng đoàn cần huấn luyện các ứng sinh ý thức quyền lợi và nghĩa vụ đối với cộng đoàn, luôn làm mọi việc vì lợi ích chung và quan tâm đến những nhu cầu của người khác. Sống trong cộng đoàn, mỗi người cần hòa nhập, hiện diện hết tình và dấn thân vô điều kiện, xây dựng cộng đoàn trong sự vâng phục và khiêm tốn. Cộng đoàn luôn trân trọng sự đóng góp của các thành viên, luôn tin tưởng trao các công tác cũng như tạo điều kiện và giúp đỡ nhau trong bổn phận hằng ngày để anh chị em hoàn thành những công tác của mình và tích cực xây dựng tương quan huynh đệ cách tốt đẹp. Để thực hiện được điều đó trong cộng đoàn, các thành viên cần được huấn luyện trong các mức độ trưởng thành về nhân bản và thiêng liêng.

Cách cụ thể, mọi người phải học cách ứng xử biết “kính trên nhường dưới”, biết ơn các thế hệ đi trước, biết lắng nghe và biết khuyến khích các thành viên tích cực tham gia các sinh hoạt chung của cộng đoàn. Mỗi người nên học biết những cách sống tránh chia rẽ, đồng thời biết đón nhận và khám phá những khác biệt vùng – miền để tạo nên sự phong phú cho cộng đoàn. Mỗi người cũng cần được học biết cách nhận lỗi và sửa lỗi cho nhau để hạn chế được những khuyết điểm và phát huy hoặc nâng cao những ưu điểm của từng cá nhân và cộng đoàn.

Trong cộng đoàn, các vị hữu trách cần cân nhắc trong mọi quyết định, tránh gây mất bình an, và nhìn nhận mỗi người có một vị trí quan trọng và mỗi công tác đều hữu ích cho sự phát triển của cộng đoàn. Là người môn đệ, chúng ta luôn khắc cốt ghi tâm điều Thầy Giêsu dạy: “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không” (Mt 10,8), để như Ngài trở nên nghèo khó cho con người được giàu có, chết cho nhân loại được sống (x. 2Cr 9,8). Thật vậy, khi mọi người không tính toán điều mình trao và nhận thì cộng đoàn sẽ tràn ngập yêu thương, như cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi: mọi người làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu (x. Cv 2,42). Mọi người được lớn lên trong tình yêu đối với  Thiên Chúa và đối với anh chị em, khiến đời tu chúng ta triển nở; cộng đoàn luôn an vui và cùng nhau hân hoan thực thi sứ mạng tông đồ. Mọi người cảm nhận đan viện là nhà, viện phụ là cha và mọi người là anh chị em với nhau. Như thế, đời sống cộng đoàn thánh hiến mô phỏng lại tương quan giữa Chúa Cha sống với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đời sống cộng đoàn chứng tỏ cho mọi người thấy được giáo huấn độc đáo của Chúa Kitô là bác ái huynh đệ hay lòng mến, là cùng đích của Luật Mới. Cộng đoàn thánh hiến là một cộng đoàn được thiết lập bởi đức ái, trong đức ái và vì đức ái. Nhờ việc thực thi đức ái, các thành viên được chia sẻ và thông dự vào tình yêu Thiên Chúa, sống thân mật với Thiên Chúa và với người khác như Thiên Chúa yêu thương họ. Đức ái giúp chúng ta vượt qua sự thiện cảm tự nhiên và những ác cảm do bản năng, để nhìn nhận anh chị em là con cái Thiên Chúa, là những người đang thông phần vào sự thiện thần linh như chúng ta và được kêu gọi góp phần xây dựng dân Thiên Chúa cùng với chúng ta. Nhờ đức ái, chúng ta không xem người bên cạnh như một kẻ xa lạ, mà là anh chị em của chúng ta, là một phần của chúng ta, là người được kết hiệp với chúng ta nhờ sự sống thần linh, và chúng ta thương xót họ như chính chúng ta muốn họ thương xót mình”[187].

Lời kết

Nhận và trao là cách biểu đạt xã hội tính của con người. Sự biểu đạt đó được phong phú hóa bằng nhiều hình thức khác nhau, theo từng giai đoạn phát triển của xã hội cũng như văn hóa từng quốc gia. Tất cả đều nhằm mục đích thăng tiến con người cũng như xây dựng tình huynh đệ nhân loại.

Sự phân cách giàu nghèo là do các nước giàu thu tích tài nguyên thiên nhiên từ các nước nghèo với giá rẻ mạt. Các tổ chức tài chính Phương Tây đã bị cuốn vào mạng lưới các khoản cho vay phức tạp đối với các nước nghèo, khiến các nước này hiện đang mắc nợ những quốc gia giàu có[188]. Chủ nghĩa cá nhân đã khiến cho lòng con người trở nên ích kỷ, chỉ lo tìm lợi ích cho cá nhân hay quốc gia mà dửng dưng với công ích nhân loại. “Văn hóa xây tường” đã nhốt con người trong vỏ bọc an toàn của mình mà không biết đến lợi ích của người khác. “Văn hóa phế thải” không chỉ hạ thấp nhân phẩm, tước đoạt quyền tự do mà ngay cả quyền sống của con người. Theo Đức thánh cha Phanxicô: sở dĩ nhân loại đang rơi vào tình hình như hiện nay là vì nhân loại đang xây dựng tình huynh đệ theo kiểu thương mại lạnh lùng; họ luôn “cân đong đo đếm” điều họ trao và nhận. Là những người được Chúa trao cho việc cai quản thế giới này, chúng ta hãy ý thức trách nhiệm cũng như thay đổi cung cách nhận và trao bằng việc canh tân luân lý cho chính trị, các tổ chức chính trị và kinh tế từ cấp địa phương đến cấp hoàn cầu, kêu gọi chúng ta xây dựng một tương lai chung, thiện ích đích thực của mỗi người. Đức thánh cha Phanxicô cũng thúc giục chúng ta hãy vượt thắng chủ nghĩa cá nhân trong văn hóa ngày nay, và phục vụ những người láng giềng trong tình yêu thương, nhìn thấy Chúa Giêsu nơi mỗi người”[189]. Thật tuyệt vời biết bao, khi “chúng ta khám phá những hành tinh rất xa xăm, thì chúng ta cũng khám phá lại các nhu cầu của những anh chị em đang đi xung quanh mình[190].

THA THỨ  VÀ HOÀ GIẢI

F Phaolô Thánh Giá Bùi Văn Dư

Nhân loại chưa bao giờ được một ngày bình yên thực sự, chưa bao giờ được hưởng tình yêu thương huynh đệ trọn vẹn như lời Đức Giêsu truyền dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Bởi đâu đó trên hành tinh xanh này vẫn còn vang tiếng súng; vẫn âm ỉ những vết thương trên thân xác cũng như trong tâm hồn; vẫn còn tiếng chửi rủa vì ngàn vạn lý do: lọc lừa, phản bội, bất công, tàn ác, tham lam, đố kỵ, hiềm khích; vẫn còn thái độ khinh miệt về nguồn gốc, chủng tộc, màu da và tôn giáo. Những yếu tố làm mất sự bình yên và xé toạc tình huynh đệ này không phải tự nhiên mà có, không phải do những tai nạn bất khả kháng xảy ra, mà nguyên do chính bắt nguồn từ con người.

Là người lãnh đạo tinh thần mang trái tim nhân lành của Chúa Giêsu, Đức thánh cha Phanxicô đã nhìn thấy đám “mây đen phủ trùm một thế giới đóng kín[191] này. Ngài đọc được những khát khao của toàn nhân loại lúc này. Nó không chỉ là cơm áo mà chính là tình yêu thương, tình huynh đệ đại đồng. Đó mới là chìa khoá mở tất cả những cánh cửa của thế giới con người cũng như thế giới thiên nhiên. Như “thánh Phanxicô cảm nhận ngài là người anh em của mặt trời, của biển và của gió, song ngài cũng biết rằng ngài thậm chí gần gũi hơn với con người cùng một cốt nhục. Đi đâu ngài cũng gieo rắc hạt giống hoà bình và sóng bước với người nghèo, những kẻ bị bỏ rơi, những người đau yếu, những người bị loại trừ, những anh em chị em bé nhỏ nhất của ngài[192]. Vấn nạn đặt ra là làm sao con người có thể đạt được một tình yêu như thế? Hay đâu là giải pháp để nhân loại có thể sống đời bình yên và tận hưởng được tình yêu thương trọn vẹn? Câu trả lời nằm trong Thông điệp Fratelli Tutti Tất Cả Anh Em. Đức thánh cha đặt vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau như lịch sử, văn hóa[193], luân lý[194], chính trị[195], nhưng một trong những giải pháp giữ vai trò quan trọng và mang tính nền tảng vẫn là sự tha thứ và hoà giải. Tha thứ và hoà giải ở ba chiều kích: theo chiều dọc – hướng lên Thiên Chúa, theo chiều ngang – hướng tới tha nhân và vũ trụ, theo chiều sâu – đi vào nội tâm của chính mình.

Bài viết chỉ giới hạn đề tài dưới cái cái nhìn của Thông điệp Fratelli Tutti trong ba khía cạnh sau: sự thiết yếu của tha thứ và hoà giải; tha thứ và hoà giải theo Kitô giáo; và tha thứ và hoà giải như thế nào?.

1. Sự thiết yếu của tha thứ và hoà giải

Khi nói về tha thứ và hoà giải, người ta có thể ví chúng là đôi cánh của con chim. Thiếu một trong hai, con chim không thể vươn cao tới trời xanh để chiêm ngắm sự hùng vĩ của núi đồi và sự bao la bát ngát của rừng xanh. Thật thế, tha thứ và hoà giải phải luôn đi đôi với nhau mới có thể tái tạo mối tương quan giữa người với người, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Trong tiến trình tái tạo ấy, tha thứ là bước đầu phá bỏ bức tường ngăn cách giữa hai người đang có những xích mích, giữa hai quốc gia đang có những hận thù, trong chính con người mình đang có những xung đột và oán trách. Tuy bức tường đã đổ, nhưng vẫn còn đó khoảng trống hoang tàn, những vết sẹo của thời gian, những vết thương là hậu quả còn lại sau trận chiến chia lìa. Vì thế, hoà giải là bước tiếp theo đóng vai trò phục hồi những vết thương, khoả lấp sự ngăn cách, tái tạo mối liên hệ, phục sinh tình bằng hữu. Để dòng chảy hoà bình được xuyên suốt, mọi người thật sự tìm lại được an yên và mối dây liên kết đại đồng. Đó mới là giải pháp tốt nhất cho muôn ngàn giải pháp vãn hồi tình huynh đệ chân thành. Nếu con người đối xử với nhau theo công thức ăn miếng trả miếng, thì cổ nhân đã từng rút ra kinh nghiệm: “thù trả thù tất thế thù cao”. Trả thù sẽ không mang lại hoà bình và an yên mà chỉ chuốc thêm khổ đau, chia ly và tang tóc. Có lẽ vì thế mà kinh Pháp cú của Phật giáo có đoạn: “Những kẻ cố chinh phục hận thù bằng hận thù thì giống như những chiến binh có vũ khí vượt qua những kẻ khác mang vũ khí. Điều này không giúp chấm dứt hận thù, mà nó sẽ giúp hận thù phát triển hơn”[196]. Nơi khác Kinh Phật viết: “Bạo lực không bao giờ chấm dứt được bạo lực, mà chỉ có bất bạo lực mới chấm dứt được bạo lực thôi”, (Dĩ oán báo oán, oán trùng trùng; dĩ ân báo oán, oán tiêu tan). Hay như triết gia người Đức Albert Schweitzer trải nghiệm: “Sự trả thù như một tảng đá đang lăn, nếu bạn đẩy nó lên đồi thì nó sẽ quay trở lại với một tốc độ lớn hơn và sẽ đè bẹp kẻ đã tiếp sức cho nó”[197]. Đây cũng là điều mà Đức thánh cha Phanxicô đề cập trong Thông điệp Fratelli Tutti: “Đừng bị ám ảnh với việc trả thù và huỷ diệt người khác. Không ai đạt được sự bình an nội tâm hay trở về với một đời sống bình thường bằng cách đó. Sự thật là không gia đình nào, không có nhóm láng giềng hay nhóm sắc tộc nào, càng không có quốc gia nào có một tương lai nếu cái lực liên kết họ, giữa họ với nhau và giải quyết các khác biệt của họ lại là sự oán thù và đố kỵ”[198]. Vì thế, tha thứ và hoà giải là giải pháp tối ưu để nhân loại mới có thể đạt đến một thế giới đại đồng, “tứ hải giai huynh đệ”.

Trong cấu trúc của Thông điệp Fratelli Tutti, mục tha thứ được sắp đặt trong chương VII: Những nẻo đường gặp gỡ mới, như là một trong các giải pháp cho những nan đề của xã hội được đặt ra ở một vài chương trước. Sự sắp đặt khéo léo này đã tạo nên hiệu ứng tích cực nhất định. Khi nói về tha thứ, Đức thánh cha đã rảo qua những quan điểm sai lạc hiện tồn tại làm cản trở tiến tình huynh đệ đại đồng. Nói đúng hơn, đó là những khuynh hướng từ chối sự tha thứ và hoà giải. Chẳng hạn như: “Có những người không thích nói về hoà giải, vì họ nghĩ rằng xung đột, bạo lực và đổ vỡ là một phần của những vận hành bình thường của xã hội… Những người khác nghĩ rằng việc cổ võ sự tha thứ có nghĩa là chịu nhường sân và nhường ảnh hưởng cho người khác… Vẫn có những người khác nữa tin rằng hoà giải là dấu hiệu của yếu nhược”[199]. Theo Đức giáo hoàng Phanxicô, những tư tưởng đó không thể giải quyết vấn đề vì đó “chỉ là một hoà bình biểu kiến mà thôi”[200]. Cho nên, muốn có hoà bình chân thật cần phải có sự tha thứ tuyệt đối từ hình thức đến nội dung, từ bên ngoài đến bên trong, từ bằng mặt đến bằng lòng, và tiếp đó là sự hoà giải.

Nhìn vào thực tế, không nơi đâu nói về tha thứ và hoà giải trọn vẹn như các tôn giáo: “Sự tha thứ chiếm một chỗ trung tâm trong nền tu đức của các tôn giáo”[201]. Tuy nhiên, không phải giáo lý về sự tha thứ và hoà giải trong tôn giáo nào cũng giống nhau. Do đó, người ta không được phép cào bằng tôn giáo như chủ nghĩa tương đối quan niệm. Có những nền giáo lý thuần khiết, nhưng cũng có những giáo lý dẫn đến bạo lực, bất công và lãnh đạm. Vì thế Đức thánh cha Phanxicô mới cảnh báo: “Nhưng có nguy cơ rằng một cách nhận hiểu và trình bày không phù hợp về những xác tín thâm sâu ấy có thể dẫn đến thuyết định mệnh, sự lãnh đạm và bất công, hay thậm chí thái độ bất bao dung và bạo lực”[202]. Là một tôn giáo lớn, Kitô giáo đã cung cấp cho nhân loại một nền giáo lý về sự tha thứ và hoà giải rất trọn vẹn và mang đầy tính độc đáo. Bởi vì, một thế giới đại đồng chính là ước mong lớn của Chúa Giêsu như có lần Ngài thổ lộ: Ut unum sint[203] – ước gì chúng nên một (x. Ga 17,21).

2. Tha thứ và hoà giải theo Kitô giáo

Tha thứ là sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ giáo lý của Kitô giáo và được đặt trên nền tảng của Kinh Thánh. Ngay từ những trang đầu của sách Kinh Thánh đã cho thấy Thiên Chúa của Kitô giáo luôn là Đấng chậm giận, giàu tình thương và lòng tha thứ (x. Xh 34,4). Đã bao lần dân Do Thái, tức Dân riêng của Thiên Chúa phản bội, nhưng Ngài luôn tha thứ và yêu thương. Chẳng hạn, khi Thiên Chúa giải phóng dân Do Thái khỏi kiếp nô lệ bên Ai Cập và dẫn đưa họ đi vào miền Đất Hứa, nhưng thay vì trung thành và tôn thờ Thiên Chúa, họ lại “đúc bò vàng rồi sụp lạy nó như vị thần đã dẫn đưa họ ra khỏi Ai Cập” (Xh 32,7-8) khiến Đức Chúa phải “nổi cơn thịnh nộ” (Xh 32,12). Sau đó, nhờ lời tha thiết cầu xin của Môsê: “Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe” (Xh 32,14). Đó là hành động của tha thứ. Hay như khi Thiên Chúa đã quyết huỷ diệt Ninivê, một thành phố tội lỗi, nhưng khi dân nghe theo lời kêu gọi sám hối của tiên tri Giona thì Đức Chúa tha thứ không giáng phạt họ nữa (x. Gn 3,1-10). Cũng thế, vua Đavit đã một thời lầm lỡ: giết người, cướp vợ người khác. Đó là một trọng tội. Nhưng nhờ lòng thống hối ăn năn, Thiên Chúa đã tha thứ cho ông và Ngài đã hướng dẫn để ông trở thành một ông vua vĩ đại (x. 2Sm 11,1-12,1-13). Điều đó đã được ông chấp bút thành thơ: “Bởi thế con đã xưng tội ra với Ngài, Chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con, Con tự nhủ: nào ta đi thú tội với Chúa, Ngài đã tha thứ tội vạ cho con” (Tv 32,5).

Bước sang Tân Ước chúng ta thấy sự tha thứ và hoà giải của Thiên Chúa được mặc khải rõ ràng và trọn vẹn qua Đức Giêsu. Một trong những sứ vụ lớn của Chúa Giêsu giáng thế là loan truyền sự tha thứ của Thiên Chúa cho nhân loại. Ngài mặc khải khuôn mặt của Thiên Chúa luôn yêu thương và tha thứ. Đồng thời xoá bỏ hình ảnh Thiên Chúa như một quan toà đang nhìn mọi người như những phạm nhân. Điều này đã được thánh Gioan quả quyết: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến trần gian không phải để lên án thế gian nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Sự tha thứ của Thiên Chúa được Đức Giêsu diễn tả qua các dụ ngôn: Con chiên bị lạc (Lc 15,4-7); Đồng bạc bị mất (Lc 15,8-10); Người cha nhân hậu (Lc 15,11-31). Đặc biệt, hiển lộ trong dụ ngôn Người cha nhân hậu là một Thiên Chúa luôn kiên trì trông chờ con người trở về với Ngài để nhận ơn tha thứ. Người cha, biểu tượng hình ảnh của Thiên Chúa, khi thấy người con trở về thì không hề cật vấn về những lỗi lầm trong quá khứ nhưng hoan hỷ đón tiếp và mở tiệc ăn mừng. Vì điều ông quan tâm duy nhất là: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24).

Trong chính con người của Đức Giêsu đã chiếu toả đặc tính tha thứ của Thiên Chúa. Bởi vì Ngài không bao giờ cổ võ bạo lực và tinh thần bất bao dung. Ngài công khai tố cáo việc sử dụng sức mạnh để nắm quyền lực trên người khác:“Anh em biết, thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy (Mt 20,25-26)”[204]. Thay vào đó, Chúa Giêsu bảo chúng ta tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22), nghĩa là tha thứ mãi mãi, không giới hạn, không như môn đồ Phêrô đề nghị tha đến bảy lần. Sự tha thứ này được trải rộng sang những khía cạnh khác trong dụ ngôn Tên mắc nợ không biết thương xót (x. Mt 18,23-35). Sự tha thứ ở đây mang tính cách dây chuyền. Ông vua tha cho tên đầy tớ món nợ kếch xù, đúng ra hắn cũng phải làm như thế đối với người khác, nhưng tên đầy tớ lại không tha cho người đồng bạn nợ mình chỉ có một trăm quan tiền. Vì thế, ông vua gọi tên đầy tớ bất lương đến, “trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông” (Mt 18,35). Ở cuối dụ ngôn này Chúa Giêsu đưa ra kết luận: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Có thể nói, đây chính là yếu tố chính yếu được rút từ kinh Lạy Cha hay còn gọi là Lời Kinh Chúa dạy (Oratio Dominica): “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12). Sự tha thứ này được Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn nữa ngay khi kết thúc kinh Lạy Cha: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).

Quan niệm khác về tha thứ trong kinh Lạy Cha được nhà tâm lý học Jean Monbourguette nhìn dưới góc độ chuyên ngành tâm lý. Theo ông, “không nên giản lược sự tha thứ, cũng như bất cứ thực hành đạo đức nào, vào một bó buộc luân lý. Làm như thế là liều đánh mất đi đặc tính nhưng không và tự phát của tha thứ[205]. Ông cho rằng mọi tín hữu đã hiểu sai câu: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12), bởi vì họ “đồng hoá sự tha thứ với một hành động công lý được đòi hỏi. Họ nghĩ rằng nhất thiết họ phải đặt ra một cử chỉ tha thứ trước khi chính họ được Thiên Chúa tha thứ. Họ quên đi rằng sự tha thứ của Thiên Chúa không bị điều kiện hoá bởi những sự tha thứ nghèo nàn của con người… Đó là hình ảnh một con người tính toán kiểu buôn bán, lệ thuộc vào luật có đi có lại[206]. Để tránh sự hiểu sai này, ông đề nghị người tín hữu nên hiểu ý nghĩa câu này của kinh Lạy Cha theo lời của thánh Phaolô: “Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy làm như vậy” (Cl 3,13). Nghĩa là người tín hữu nên noi gương tha thứ của Thiên Chúa chứ không nên đòi hỏi Thiên Chúa tha thứ như một điều kiện cho sự tha thứ của mình[207].

Tác giả Jean nói có lý, nhưng Giáo hội Công giáo nhìn theo chiều hướng sâu hơn và thiết thực hơn, vượt qua những gì mà tâm lý học xem xét. Sau khi giải thích trạng từ/liên từ “như” trong kinh Lạy Cha, huấn quyền Giáo hội xác định rõ trong Sách Giáo lý Công giáo viết rằng: “Chúng ta không thể tuân giữ giới răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước mẫu gương của Chúa theo dáng vẻ bên ngoài. Vấn đề ở đây là phải tham dự một cách sống động và “tận đáy lòng” vào sự thánh thiện, vào lòng thương xót, vào tình yêu của Thiên Chúa chúng ta. Chỉ có Thần Khí, “nhờ Ngài mà chúng ta được sống” (Gl 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được những tâm tình như Chúa Giêsu Kitô đã có. Lúc đó hai việc tha thứ có thể trở thành một, nghĩa là, “biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô (Ep 4,32)”[208].

Sự tha thứ không đơn thuần trên phương diện tương quan xã giao hình thức mà nó đi sâu vào mối liên hệ sâu thẳm trong tâm hồn. Đối với người cầu nguyện hay đi dự lễ phải đạt được sự tha thứ cả hình thức bên ngoài lẫn nội dung bên trong. Đó là điều Chúa Giêsu đòi hỏi: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,24). Tha thứ đòi hỏi sự hoà hợp trọn vẹn với tha nhân thì người cầu nguyện mới có cơ hội đặt chân vào thông lộ thần linh tương giao với Thiên Chúa qua con đường cầu nguyện. Trong chiều hướng ấy, Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy: “Tha thứ là tột đỉnh của kinh nguyện Kitô giáo; chỉ trong trái tim hoà điệu với lòng trắc ẩn của Chúa mới có thể đón nhận hồng ân cầu nguyện…Tha thứ là điều kiện căn bản, cho sự hoà giải giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ và giữa con người với nhau[209].

Tầm quan trọng của sự tha thứ trong giáo huấn của Chúa Giêsu đã vượt ra khỏi phạm vi của lý thuyết. Ngài đã biến giáo huấn tha thứ ấy thành hành động trong chính cuộc đời của mình. Sự tha thứ ấy đạt đỉnh điểm trên cây thập giá, khi mà mọi sự phản bội đầy cay đắng Chúa Giêsu phải nếm trải, khi mà bất công ập xuống trên cuộc đời Ngài, khi mà sự tàn ác vây bủa lấy Ngài như những bóng ma, tất cả sự khốn cùng nhất có trên đời này đều đổ xuống trên Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, cái kết cho những khốn khổ ấy không phải là sự than vãn, hận thù, mà là sự tha thứ. Trong cơn hấp hối trên thập giá Chúa Giêsu đã tha thứ cho tất cả những người đã phản bội mình, đã làm khổ mình, đã giết mình bằng một lời cầu xin lên Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc mình làm” (Lc 23,34). Chính sự tha thứ này đã thiết định một nền giáo lý tha thứ là chìa khoá mở cửa hoà bình như chính các ngôn sứ đã loan báo về Đức Kitô là Hoàng tử Hoà bình trước đó mấy ngàn năm (x. Is 9,5). Tha thứ cũng là giải pháp đem lại bình an, là cầu nối giao hoà giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người như lời tung hô của các Thiên Thần trong đêm Giáng Sinh tại hang đá Belem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Và cũng chính sự tha thứ này đã “minh chứng rằng, trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Đức Giêsu về điều này[210].

Thật thế, sự tha thứ của Chúa Giêsu đã trở thành di sản cho các môn đồ sở hữu và noi theo. Nó đã tạo thành điểm nhấn khác biệt chính yếu của Kitô giáo đối với các tôn giáo khác, đó là yêu thương kẻ thù và tha thứ cho những kẻ ám hại và giết mình một cách vô điều kiện như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-45). Chính câu Kinh Thánh này thể hiện sự thoát thai của Kitô giáo từ Do Thái giáo và cũng nói lên sự khác biệt trong giáo lý thứ tha.

Khởi đi từ thánh Stephano, vị thánh tử đạo tiên khởi, đã noi gương thầy Giêsu bình an nói lời tha thứ cho những kẻ giết hại mình: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 8,60). Rồi tiếp đến hàng hàng lớp lớp các vị tử đạo được Giáo hội tôn phong với một trong những điều kiện quan trọng là các ngài trước khi chết luôn tỏ lòng yêu thương và tha thứ cho những kẻ sát hại mình. Nói cách khác, cái chết của các ngài không mang bóng dáng của hận thù mà là tha thứ. Gần đây nhất là bảy đan sĩ dòng Trappist của đan viện Notre – Dame de l´Atlas, bị quân Hồi giáo sát hại ở Algeria 27.03.1996 đã được Giáo hội phong chân phước vào ngày 8.12.2018. Câu chuyện đã được nhà đạo diễn người Pháp Xavier Beauvois dựng thành phim với tựa đề tiếng Đức: “Von Menschen und Göttern Từ Con người và Thần thánh”, đã nhận được giải thưởng lớn tại liên hoan phim Cannes. Trong bức thư của cha viện trưởng Christian de Cherge gửi gia đình ngay trước khi ngài bị quân Hồi giáo khủng bố giết hại đã nói lên một tinh thần tha thứ yêu thương như Thầy chí thánh Giêsu nói trên thập giá: “Nếu một ngày nào đó chuyện này xảy đến với tôi, và có thể là ngay hôm nay, khi tôi thành nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố đang đe doạ tất cả mọi người ngoại quốc sống ở Algeria này, thì tôi muốn cộng đoàn của tôi, Giáo hội của tôi, gia đình của tôi, hãy nhớ rằng cuộc đời tôi trao hết cho Chúa và đất nước này. Tôi xin họ hãy chấp nhận rằng, Chủ nhân của mọi sự sống, không lạ gì với cách ra đi đau đớn tàn bạo này… Tôi xin mọi người hãy có thể liên kết một cái chết như thế này với nhiều cái chết khác cũng vì bạo lực, nhưng lại bị lãng quên vì người ta hờ hững hay vì không tên tuổi… Tôi đã sống đủ lâu để biết rằng tôi cũng có phần trong sự dữ đó có mù quáng đánh ngược vào tôi đi chăng nữa… Khi đến thời đến buổi, tôi phải có một khoảng không rõ ràng, cho tôi nài xin Thiên Chúa và mọi người đồng loại của tôi tha thứ, và cùng lúc đó, tôi cũng tha thứ hết lòng cho những ai đã xúc phạm đến tôi[211].

Đi xa hơn nữa, đối với chân phước Christian de Cherge, tinh thần tha thứ ấy không chỉ bao hàm hoà giải mà còn mở ra một thế giới hợp nhất đại đồng. Ngài đối xử với người giết mình như một người bạn chứ không phải là kẻ thù. Ngài coi cái chết của mình như cuộc chia ly chứ không phải sự hành quyết của kẻ khủng bố, nên ngài nói lời cám ơn và vĩnh biệt. Tất cả sự tha thứ và yêu thương ấy được hoà quyện trong Thiên Chúa là Cha của người bị hại cũng như người sát hại. Đó là tâm nguyện của ngài được ghi trong bức thư: “Và bạn nữa, người bạn của tôi trong thời khắc cuối cùng, người không biết việc mình đang làm. Nhưng, tôi cũng “cám ơn” và cả “vĩnh biệt” bạn để nhắc đến bạn với Chúa, Đấng mà tôi thấy gương mặt Ngài nơi gương mặt bạn. Và mong sao chúng ta thấy nhau, những “người trộm lành” hạnh phúc trên Thiên đàng, nếu được theo ý Chúa, Cha của cả hai chúng ta. Amen”[212].

3. Tha thứ và hoà giải như thế nào?

Chúng ta vừa tìm hiểu tổng quát về sự tha thứ trong Giáo lý hội thánh Công giáo, một sự tha thứ điều vô kiện, đến nỗi Chúa Giêsu đòi hỏi mọi tín hữu “hãy yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi” (Mt 5,43). Nhưng “sự tha thứ phải tuân theo những định luật phát triển của con người và phải thích ứng với những chu kỳ của nhân vị”[213]. Điều đó có nghĩa là sự tha thứ của người Kitô hữu không đi ngược với tiến trình phát triển tự nhiên, không mang tính mù quáng, không chấp nhận sự bất công, không đồng loã với tội ác, và không cúi đầu trước những bách hại. Trái lại, người Kitô hữu luôn thượng tôn công lý, không được phép im lặng trước những bất công, những tội phạm, phải chống lại sự áp bức và những xúc phạm đến phẩm giá của con người. Tha thứ nhưng vẫn đòi phải có công bằng. Đó chính là quan điểm của Giáo hội mà Đức giáo hoàng Phanxicô đã thẳng thắn trình bày trong Thông điệp Fratelli Tutti mang đầy tính định hướng: “Chúng ta được kêu gọi yêu thương mọi người, không trừ ai; đồng thời, việc yêu thương một kẻ áp bức không có nghĩa là cho phép kẻ ấy tiếp tục áp bức mình, hay cho phép kẻ ấy nghĩ rằng điều y làm có thể được chấp nhận. Trái lại, tình yêu đích thực đối với một kẻ áp bức có nghĩa là tìm cách làm cho y ngừng việc áp bức ấy; nó có nghĩa là tước khỏi y quyền lực mà y đã không biết cách sử dụng, và quyền lực ấy làm giảm tính người của y cũng như của những người khác. Tha thứ không phải là cho phép những kẻ áp bức tiếp tục chà đạp lên phẩm giá của họ và của người khác, hay để cho những kẻ tội phạm tiếp tục phạm tội ác. Những ai bị đối xử bất công phải kiên quyết bảo vệ quyền của mình và của gia đình mình, chính vì họ phải trân trọng phẩm giá mà họ đã nhận được như quà tặng yêu thương của Thiên Chúa. Nếu một kẻ tội phạm đã hại tôi hay người thân yêu của tôi, không ai có thể ngăn cấm tôi đòi công lý và tìm cách bảo vệ những kẻ ấy – hay bất cứ ai khác – sẽ không hại tôi hay người khác nữa. Điều đó hoàn toàn công bằng; sự tha thứ không cấm mà thực sự yêu cầu tôi làm điều đó”[214].

Đây chính là điều mà Đức Giêsu đã thực hiện đối với những kẻ buôn bán trong Đền thờ (x. Ga 2,13-25). Chúa vẫn yêu thương họ và tha thứ cho việc làm sai trái, nhưng việc trước tiên Ngài thực hiện là phải ngăn chặn người ta xúc phạm Đền Thờ, bằng cách xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 3,16). Theo nhà tâm lý học Jean Monbourquette, đây chính là giai đoạn đầu tiên trong mười hai giai đoạn khác nhau của tiến trình trị liệu tâm lý để đạt đến sự tha thứ đích thực[215]. Đó là kẻ xúc phạm phải chấm dứt hành động xấu và người tha thứ quyết định không trả thù. Ông cho rằng: “Bao lâu cách ứng xử xúc phạm còn tiếp tục thì việc nghĩ đến muốn tha thứ là vô hiệu[216].

Không trả thù là bước quyết định lớn cho sự tha thứ. Bởi vì, kết quả của tha thứ là sự giải thoát và gỡ bỏ hàng rào kẽm gai vô hình ngăn cách giữa người với người. Khi người bị hại còn mang ý tưởng trả thù là còn trói buộc tâm hồn mình bằng sợi dây của đau khổ, còn đặt lên đôi vai tâm hồn mình tảng đá sần sùi nặng trĩu của dằn vặt, còn đóng khung hình ảnh không tốt của kẻ xúc phạm làm nặng nề trong chính tâm hồn mình. Bỏ ý tưởng trả thù là vứt bỏ những gánh nặng vô hình đó, giải thoát tâm hồn khỏi tảng đá đè nặng, giải gỡ tâm hồn khỏi sợi dây đau khổ trói buộc. Từ đó tâm hồn được thanh thản nhẹ nhàng vươn cao trong bầu trời xanh thoáng đạt của tha thứ, yêu thương. Cũng từ đó con người tha thứ có thể tự tại nhẹ nhàng đón nhận luồng khí trong lành của Thần Khí Chúa. Họ có thể an nhiên tự tại nhìn mọi người bằng tâm hồn rộng mở, bởi cuộc đời còn đầy rẫy những điều yêu thương mà ta chưa thể thực thi. Còn muôn vàn những điều tốt ta chưa thể dấn thân thực hiện, còn cả triệu hành vi nhân ái đang chờ đợi mọi người chung tay góp sức. Như thế, dại gì con người cứ phải đắm mình vào vũng lầy nhơ nhớp chẳng hay ho tốt đẹp gì của sự trả thù, giận oán và ghét ghen. Đây cũng là điều Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh khi cho rằng, một người chọn không trả thù là “họ phá vỡ cái vòng ác nghiệt; họ chặn đứng sự lấn tới của các lực tàn phá. Họ chọn không làm lan tràn trong xã hội cái tinh thần trả thù mà sớm hay muộn nó sẽ quay lại đòi trả giá. Trả thù không bao giờ thực sự làm thoả mãn các nạn nhân[217].

Như thế, tha thứ là hành động giải thoát cho chính mình để trở nên tự do hơn, an yên hơn, thư thái hơn và hạnh phúc hơn. Qua đó, bắc một nhịp cầu yêu thương bằng hữu để người được tha thứ cảm thấu được bình an, mà nhìn lại cuộc đời mình sao cho hoàn thiện như lời Thiên Chúa phán trong sách Lêvi: “Các ngươi phải thánh thiện, vì ta, Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,1), và 1450 năm sau cũng lời này  được Đức Giêsu tái khẳng định: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Tha thứ chỉ có tác dụng cho hành động của hiện tại và quá khứ, chứ không có giá trị cho tương lai. Bởi vì không ai tha thứ cho một điều chưa xảy ra. Vậy tha thứ gắn liền với những lỗi lầm trong quá khứ, nên người ta thường khuyên nhau là hãy quên đi. Nhưng đó là một sai lầm. Tha thứ không phải là quên đi[218]. Theo linh mục Jean Monbourquette OMI, nhà tâm lý học: “Dùng sự quên đi để thử nghiệm tha thứ là một sai lầm. Thật ra là ngược lại. Sự tha thứ giúp chữa lành kí ức[219]. Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức giáo hoàng Phanxicô cũng đồng quan điểm như thế. Ngài nhắc đi nhắc lại điệp khúc này: “Sự lãng quên không bao giờ là câu trả lời”[220], “Tha thứ không có nghĩa là lãng quên”[221], hay “Ai tha thứ thật sự thì không lãng quên”[222]. Ngài nhắc nhớ sự tàn sát người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã[223], cũng như sự kiện hai quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima và Nagasaki đã để lại bao vết thương đau đớn và đôi khi là cả sự hận thù[224].

Tại sao không được phép quên mà phải ghi nhớ? Bởi vì hai lý do: Một mặt là để nhắc nhớ cho hậu thế không bao giờ được phép lặp lại sai lầm tương tự và phải biết tôn trọng những nạn nhân đã gánh chịu những khổ đau do tội ác gây nên. Mặt khác, theo tâm lý học: “Việc quên đi biến cố đau thương, dù có thể quên đi nữa, sẽ cản trở việc tha thứ, bởi vì chúng ta không còn biết mình tha thứ cái gì nữa. Hơn nữa, nếu tha thứ có nghĩa là quên thì cái gì sẽ xảy đến cho những người được phú bẩm một trí nhớ tuyệt vời? Sự tha thứ không có lối vào cho họ được. Do đó, tiến trình của tha thứ đòi hỏi một trí nhớ tốt và một ý thức thật rõ ràng về điều xúc phạm; nếu không, việc mổ xẻ con tim mà tha thứ đòi hỏi sẽ không còn có thể được nữa[225]. Không được phép quên đồng nghĩa với việc người tha thứ phải nhận biết thương tổn và sự nghèo nàn của bản thân[226]. Một khi ý thức xác định rõ ràng mình bị xúc phạm và người ta sống biến cố xúc phạm ấy với một niềm tin lớn lao là sẽ học cách chấp nhận nó, chữa lành nó và biến đổi nó thành lợi ích của riêng mình. Nhà tâm lý học Jean Monbourquette đã diễn tả tiến trình này như sau: “Phải xử sự với điều xúc phạm cũng giống như đối với một lưỡi câu đâm vào ngón tay: bạn không thể lấy lưỡi câu đi bằng cách lôi nó ra được, nhưng bạn phải đẩy lưỡi câu sâu vào trong thịt để rồi lôi cái lưỡi câu ra bên kia[227].

Ngoài những quy tắc tha thứ theo tâm lý học, Đức thánh Cha còn đưa ra những giải pháp khác nhau. Ngài cho rằng, những giải pháp này “không phải là chọn một loại chủ trương hổ lốn, hay bên này bị hút bởi bên kia, nhưng đúng hơn là một giải pháp xảy ra ở một bình diện cao hơn, và bảo tồn được những gì có hiệu lực và có ích cho cả hai bên[228]. Những giải pháp đó là: “Chế ngự sự dữ bằng sự thiện (x. Rm 12,21) và bằng cách vun xới những nhân đức thúc đẩy sự hoà giải, liên đới và hoà bình[229]; “Giải quyết xung đột xuyên qua đối thoại và thương lượng kiên trì, chân thành cởi mở[230]. Đó là những yếu tố tạo nên tha thứ và hoà giải. Thật thế, trong tâm con người chứa đầy những gian ác, mưu mô và không hướng đến hoà bình thì tha thứ và hoà giải là kẻ thù “bất cộng đái thiên”, từ đó dẫn đến sự xung đột. Từ kinh nghiệm ấy, Đức giáo hoàng Phanxicô quả quyết: “Một nguyên tắc tất yếu xây dựng tình thân hữu trong xã hội: đó là, hiệp nhất thì hơn xung đột[231]. Đúng thế, mục đích của tha thứ và hoà giải là bình an và hạnh phúc. Người ta không thể sống bình an và hạnh phúc trong một gia đình, một công sở, một cộng đoàn, một xã hội đầy chia rẽ và xung đột. Chỉ có sự hiệp nhất mới đạt được an hoà.

Kết luận

Tha thứ và hoà giải là tiến trình cần thiết phải có để con người có thể tìm được tiếng nói chung, để mưu cầu một thế giới theo tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” hay để xây dựng được một Ngôi làng toàn cầu (Global village) mà nhân loại hằng ước mơ. Ở một địa hạt nhỏ hơn như gia đình, cộng đoàn và mối quan hệ cá nhân thì sự tha thứ hoà giải càng thiết yếu hơn nữa. Bởi nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của từng cá thể. Một cộng đoàn tu trì không thể có hạnh phúc, bình an nếu cộng đoàn đó bị bao trùm bởi bức màn sắt của hận thù, xung đột và chia rẽ. Chỉ có tha thứ và hoà giải mới là chất kết dính mọi người lại với nhau và cũng là thành tố quyết định cho tinh thần đại đồng ấy. Quá biết về xung khắc và chia rẻ của nhân thế và phàm trần, nên Chúa Giêsu đã mang đến cho nhân loại một nền giáo lý tha thứ và hoà giải tuyệt vời. Nó không được xây dựng trên quyền bính mà được đặt trên sự tổng hoà của tình yêu hiến dâng: yêu thương kẻ thù. Chính Ngài đã đi đầu trên hành trình thực thi giáo lý tha thứ ấy bằng câu trên Thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và lời tha thứ ấy đã trở thành động lực và hồn sống cho hậu thế bước theo. Có thể nói tinh thần tha thứ và hoà giải của Thông điệp Fratelli Tutti cũng được chắt lọc và hun đúc bởi tinh thần ấy của Thầy Giêsu. Thông điệp Fratelli Tutti là cách quảng diễn lời của Thầy Giêsu: “Để tất cả nên một” (Ga 17,21). Nhưng sự quảng diễn ấy được thẩm thấu và hoà quyện trong bối cảnh của thời đại và được tiêu hoá ra trong tình huống cụ thể của đời thường. Để kết thúc bài viết, chúng ta cùng lắng nghe lời cầu nguyện của Đức thánh cha Phanxicô khi nói về tha thứ và hoà giải trong số 254 của Thông điệp này: “Tôi cầu xin Thiên Chúa, “giúp chuẩn bị cho con tim chúng ta để gặp gỡ anh chị em mình, để chúng ta có thể vượt qua những khác biệt cắm rễ trong quan điểm chính trị, trong ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Chúng ta hãy xin Chúa xức dầu toàn thể con người chúng ta với thứ dầu lòng thương xót của Người, dầu sẽ chữa lành các thương tích gây ra bởi những sai lỗi, những hiểu lầm và những tranh chấp. Và chúng ta hãy xin Chúa sai chúng ta đi, trong khiêm nhường và hiền lành, trên con đường tìm kiếm hòa bình rất cam go nhưng cũng thật phong phú”[232].

MẶT TỐI CỦA HUYNH ĐỆ

F Gioan Kim Khẩu

Dẫn nhập

Thomas Merton đã nói: “Không ai là một hòn đảo”, vì con người luôn mang nơi mình xã hội tính. Không ai có thể học biết cách yêu thương nếu tách rời mọi người, và không ai có thể lớn lên, trưởng thành như một con người thực sự nếu chưa bao giờ yêu thương; nhưng cũng nên chân nhận rằng, thật không dễ dàng gì để luôn có một tình huynh đệ lý tưởng. Người ta thường nói: “Bá nhân bá tánh”, mỗi người là một cá thể độc nhất vô nhị nên cần và phụ thuộc lẫn nhau. Chính sự khác biệt này làm nên tính độc đáo của một nhân loại đa dạng nhưng liên kết với nhau. Bởi thế có câu thành ngữ: “Tứ hải giai huynh đệ”. Thế nhưng, tình nghĩa huynh đệ đó cũng bị bủa vây bởi những ‘bóng tối’ làm mờ nhạt, thậm chí có thể đánh mất mối dây liên kết. Thay vì mở ra để đến với người khác, nhiều người lại thu mình, có khuynh hướng co cụm vào trong chính mình và xây lên những bức tường ngăn cách.

  1. Bức tường của việc không chia sẻ

a. Truyền thông trong thế giới hiện đại

Ngày nay chúng ta nghe nhiều về thuật ngữ “thế giới phẳng”, nó diễn tả sự phát triển toàn cầu hóa, thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước[233]. Nhưng theo Đức thánh cha Phanxicô: “Khi xã hội trở nên toàn cầu hóa hơn, nó làm cho chúng ta trở thành những người hàng xóm, nhưng không làm cho chúng ta trở thành anh em. Chúng ta trở nên cô đơn hơn bao giờ hết trong một thế giới ngày càng đồng nhất đại trà cổ võ những ích lợi cá nhân và làm suy yếu chiều kích đời sống cộng đồng[234]. Hệ quả là “tạo ra những hình thức ích kỷ mới và sự đánh mất cảm thức xã hội được ngụy trang bởi việc bảo vệ các quyền lợi quốc gia[235]. Đức thánh cha diễn tả nó như là những bóng tối của một thế giới khép kín qua những ngăn cách của bức tường được xây lên trong lòng ích kỷ của con người qua việc không thể chia sẻ.

Để xây dựng tình huynh đệ, việc hiểu nhau là rất quan trọng, biết rõ điều này nên trong Văn kiện “Đời sống huynh đệ trong Cộng đoàn”, Bộ tu sĩ nhấn mạnh: “Để trở nên anh em, chị em với nhau, cần phải hiểu biết nhau. Để hiểu biết nhau thì điều rất quan trọng là phải truyền thông nhiều hơn và sâu sắc hơn[236]. Ngày nay công nghệ thông tin phát triển vượt bậc giúp con người có nhiều cách để liên lạc với nhau. Nhưng thay vì giúp con người thời đại gắn kết với nhau, hiểu nhau hơn, nó đang tạo ra một kiểu sống ảo, kiểu sống hời hợt và thiếu tình huynh đệ sâu sắc.

Thời đại ngày nay giúp con người xích lại gần nhau về mặt không gian và thời gian, nhưng tương quan liên vị có nguy cơ bị giãn cách. Người ta ngồi gần nhau, tương tác với nhau nhưng thiếu tương giao huynh đệ. Trong “thế giới ảo” người ta kết bạn với hàng nghìn người, nhưng ít tìm thấy tấm chân tình bằng hữu huynh đệ.

Bởi thế, người ta tự tạo nên những bức tường để che đậy và phòng thủ. Đức thánh cha Phanxicô gọi đó là “nền văn hóa xây tường”, ngài nói: Một lần nữa, chúng ta gặp ‘cơn cám dỗ xây dựng một nền văn hóa của những bức tường, xây tường lên khắp nơi, những bức tường trong trái tim, những bức tường trên mặt đất, để tránh gặp gỡ những nền văn hóa khác, những người khác. Và những người xây tường sẽ rốt cục trở thành nô lệ bên trong chính những bức tường mà họ đã xây lên. Họ trở thành những người không có chân trời, vì họ thiếu giao tiếp với người khác”[237].

Đức thánh cha Phanxicô gọi cách truyền thông ngày nay thật kỳ quặc[238]: Một đàng người ta khép kín những tương giao với người bên cạnh, đàng khác người ta kết nối với nhiều người trên mạng ảo. Ngài bảo: “Truyền thông kỹ thuật số cũng có thể đặt người ta trước nguy cơ nghiện ngập, cô lập và dần dần đánh mất sự tiếp xúc với thực tế cụ thể, chặn đứng sự phát triển các mối tương quan liên vị đích thực[239]. Người ta liên kết với nhau qua mạng ảo nhưng lại rời xa thực tại và như thế dần dần sẽ mất đi “hương vị” của cuộc sống, không còn nhạy bén trong tương giao liên vị. Từ đó tạo ra một thế giới có liên kết nhưng thiếu tương giao, vắng cảm xúc, có chăng là chỉ những biểu tượng vô hồn được thay thế. Cách tương quan của con người trong thời đại số cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình huynh đệ trong các cộng đoàn tu trì, tạo nên mối tương quan nhưng không thúc đẩy, vun xới tình thân hữu. Thay vào đó là khuynh hướng che đậy và bành trướng chủ nghĩa cá nhân[240].

b. Bức tường ngăn cách tình huynh đệ cộng đoàn

Những người sống trong cộng đoàn cũng có thể mang những tiêu chuẩn của người thời đại để đo lường tình huynh đệ: kết thân với những người mình thích và tránh xa những người mà mình không ưa[241]. Điều đó tạo ra những bức tường vô hình làm tổn thương tới sự hiệp thông giữa các thành viên, đưa đến một cuộc sống khép kín, không thể chia sẻ cùng nhau. Đó là những bức tường “Berlin” được xây trong tâm hồn, làm ngưng đọng mọi giao tiếp. Theo cha Amedeo Cencini, một chuyên viên tâm lý và là nhà đào tạo tài ba đã viết: “Đối lập với cái tôi tương quan là cái tôi khép kín, sợ phải mở lòng mình ra và càng sợ hơn nữa khi phải trao phó bản thân cho người khác… Ngày nay trong bầu khí chung của sự bất ổn cảm xúc, không hiếm những người trẻ có thái độ phòng thủ vững chắc. Hình như họ muốn bảo vệ chính mình, và họ cảm thấy hết sức mệt mỏi khi để cho mình được đồng hành và khi phải lấy lòng tin mà cởi mở với người khác. Không hẳn là vì họ hay hờn dỗi và khó tiếp xúc. Đôi khi họ giao tiếp có vẻ thân thiện với người khác, nhưng thực chất thì họ không tin vào ai cả[242].

Dường như cuộc sống chung ngày nay, nhiều người ít quan tâm tới sự vun đắp tình huynh đệ, lưu tâm tới nhu cầu chia sẻ đức tin của mình cho người khác và làm giàu nó bởi kinh nghiệm của anh chị em mình. Nhiều lúc sống cùng nhau, cùng cầu nguyện, cùng làm việc nhưng mỗi người sống theo ý mình, vun vén cho sở thích riêng tư, kể cả trong việc đạo đức. Điều này đồng nghĩa với việc đánh mất đời sống huynh đệ cộng đoàn: sống như “người ngoài cộng đoàn”. Nhiều người đang thiếu kinh nghiệm về đời sống cộng đoàn. Sống trong cộng đoàn có ích gì, nếu những kinh nghiệm tâm linh vẫn riêng tư mà không được thông truyền.

Cũng có những anh chị em không thể thông truyền kinh nghiệm tâm linh cho người khác bởi họ từng bị tổn thương nặng nề trong giao tiếp: họ đã không nhận được sự hiểu biết, cảm thông và tình thương, nên những lúc cần chia sẻ kinh nghiệm và tâm tư của mình thì họ tỏ vẻ ngập ngừng và che đậy. Mặc dầu, thực tế họ vẫn muốn, nhưng họ lại cảm thấy sợ hãi khước từ. Những trường hợp này cần sự khích để họ thấy được quan tâm, được lắng nghe những gì họ nói với cả tình yêu chứ không phải sự phán xét hay chỉ trích. Do những kinh nghiệm quá khứ, nên có thể họ cảm thấy rất khó để tin tưởng và yêu thương chính bản thân họ. Nếu không được quan tâm hướng dẫn, những người này có thể tự cô lập và tránh giao tiếp. Đây là điều tai hại trong đời sống huynh đệ cộng đoàn.

Sở dĩ có những bức tường được dựng nên, cánh cửa hiệp thông huynh đệ bị đóng lại là bởi chủ nghĩa cá nhân đang ngự trị. Trong Huấn Thị Đời sống huynh đệ trong Cộng đoàn, có đoạn viết: “Sự thiếu sót hay giảm sút truyền thông thường dẫn đến sự suy giảm tình huynh đệ; nếu chúng ta biết ít hay không biết gì về đời sống của anh em hay chị em mình, thì họ sẽ là người xa lạ với chúng ta, mối liên hệ sẽ trở thành vô danh, đồng thời tạo nên những vấn đề thực tế của cảnh cô lập và cô đơn. Một số cộng đoàn phàn nàn về phẩm chất nghèo nàn trong việc chia sẻ cơ bản những tài sản tinh thần: truyền thông chỉ diễn ra chung quanh những vấn đề và những khó khăn thứ yếu mà hiếm khi chia sẻ về những gì sống động và cốt lõi của hành trình thánh hiến. Những hậu quả này có thể tệ hại, vì lúc có kinh nghiệm thiêng liêng một cách vô tình sẽ mang mầu sắc cá nhân. Tâm trạng tự mãn trở nên quan trọng hơn; thái độ thiếu nhạy cảm với những phát triển của người khác và rồi dần dần người ta đi tìm kiếm những mối quan hệ có ý nghĩa ở bên ngoài cộng đoàn[243]. Có thể nói phẩm chất của đời sống cộng đoàn được đo lường bằng mức độ tương giao giữa các thành viên. Thực trạng trong nhiều cộng đoàn tu trì ngày nay là: trong cộng đoàn vẫn thường thông tin cho nhau về những điều bên lề (giao tiếp mang tính xã giao hay là một chuỗi những chuyện phiếm), nhưng họ lại không chia sẻ những gì quan trọng trong cuộc sống thánh hiến. Thậm chí những tương quan cộng đoàn chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải để tránh những chống đối trong tương quan liên cá vị, tránh đụng chạm đến những điều tế nhị của nhau. Do đó, cộng đoàn trở thành một điều thứ yếu và dường như không còn ảnh hưởng gì tới đời sống thánh hiến. Như thế sống trong đời sống cộng đoàn, nhưng mỗi người lại sống theo tính chủ nghĩa cá nhân. Lúc đó người thánh hiến có thể không sẵn lòng bày tỏ nhu cầu yêu và được yêu cho người khác, ngay cả có thể không dám chấp nhận nhu cầu sâu xa này của chính bản thân mình.

Với tình trạng này, lời khuyên của tác giả thư Do Thái thật cần thiết biết bao: “Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt. Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau” (Hr 10,24-25). Nếu lơ là trong việc quan tâm để ý đến nhau, giảm sút việc ‘truyền thông’ cho nhau thì lúc đó cộng đoàn tu trì chỉ còn là những con người sống bên cạnh nhau mà thiếu mối dây liên kết huynh đệ, dần dà sẽ nhiễm căn bệnh thời đại: bệnh vô cảm.

  1. Căn bệnh vô cảm

Mặt trái đáng buồn của xã hội chúng ta ngày nay là con người đang dần mất đi tình yêu thương huynh đệ và thay vào đó là lòng ích kỉ, với trái tim lạnh giá, chỉ nghĩ cho bản thân, thờ ơ với những người xung quanh. Đó chính là biểu hiện của thái độ sống vô cảm, thiếu nhạy bén trước nỗi đau của người khác. Vô cảm không phải là bệnh lý của y học nhưng nó lại được nhiều người gọi là một căn bệnh. Đó là bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống, bệnh của tâm hồn có trái tim lạnh giá. Trước đây vô cảm chỉ là hiện tượng đơn lẻ nhưng ngày nay nó có dấu hiệu lây lan, trở thành căn bệnh mang tính xã hội. Con người thờ ơ với những vấn đề đang xảy ra trong xã hội, dù lớn dù nhỏ, coi như đó không phải là chuyện của mình, “sống chết mặc bay”.

Đức thánh cha Phanxicô đã hiện tại hóa dụ ngôn người Samaritanô nhận hậu bằng những câu chuyện thường ngày: “Một người nào đó bị tấn công trên đường phố của chúng ta, và nhiều người vội vã đi qua như thể họ không nhìn thấy. Có người lái ô tô đụng phải một người nào đó, rồi chạy luôn khỏi hiện trường. Mong muốn duy nhất của họ là tránh các vấn đề; họ không quan tâm sự việc rằng chính do lỗi của mình mà một người khác có thể chết. Tất cả những điều này là những dấu hiệu của một lối sống đang lan rộng ra bằng những cách tế nhị và đa dạng. Hơn nữa, do bận bịu với những nhu cầu của mình, việc nhìn thấy một người đang khốn khổ sẽ làm chúng ta cảm thấy bị quấy rầy. Nó làm ta thấy không dễ chịu, vì chúng ta không có thời giờ để phung phí cho những vấn đề của người khác. Đây là những triệu chứng của một xã hội bệnh hoạn. Một xã hội tìm kiếm sự phồn vinh nhưng quay lưng lại với đau khổ”.[244] Sự vô tâm thờ ơ với những điều diễn ra xung quanh cũng là những câu chuyện xảy ra hằng ngày trong xã hội Việt Nam: người ta có thể thản nhiên đứng nhìn kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; người ta coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt; gặp nạn thay vì ra tay cứu giúp chia sẻ hoạn nạn với người ta lại nhân cơ hội đó để hôi của; học sinh bị đánh hội đồng, thay vì vào can thì lại lấy điện thoại quay rồi tung lên mạng; bệnh nhân cấp cứu được đưa tới bệnh viện thay vì cứu chữa ngay thì lại chờ người nhà làm thủ tục… “đầu tiên-tiền đâu”. Những câu chuyện đại loại như thế tràn ngập trên các phương tiện truyền thông.

Đức thánh cha Phanxicô đã đưa ra câu trả lời cho hầu hết các trường hợp vô cảm qua chuyện Cain giết em mình: “Cain giết em mình là Abel và rồi nghe Thiên Chúa nói: ‘Abel em ngươi đâu?” (St 4,9). Câu trả lời của anh ta là một câu trả lời mà chính chúng ta rất thường đưa ra: “Tôi là người giữ em tôi sao?[245] Đó là dấu hiệu của căn bệnh vô cảm. Trước hết vô cảm là tập trung vào mình, là quá quan tâm đến bản thân, làm ta tìm cách đề phòng, gây nên những mối ngờ vực và cả một loạt những lý lẽ biện minh như một chiếc áo giáp mong manh để bảo vệ tính dễ bị tổn thương của mình. Đó là phạm vi cá nhân chủ nghĩa mù quáng, nại tới một thứ tự do cũng mù quáng để đẩy bản thân tới chỗ “tự vẫn” và khiến cho tình yêu thành trống không chẳng được đón nhận cũng chẳng được trao tặng.

Vấn đề vô cảm như một căn bệnh của thời đại. Vô cảm là kết quả của một lối sống thực dụng và người ta chỉ nhằm lợi ích cho mình. Khi lòng đạo đức suy giảm thì lòng quảng đại bao dung và sự giúp đỡ lại nhường chỗ cho vật chất và lợi ích cá nhân. Chính thái độ đó làm cho con người trở nên vô cảm và lạnh lùng với tất cả những gì xảy đến xung quanh mình. Đức thánh cha Phanxicô cảnh báo: chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng cùng với những tiến bộ ấn tượng của khoa học, công nghệ, y tế, công nghiệp và phúc lợi, thật là to lớn và có giá trị, vẫn có tồn tại một sự suy thoái đạo đức ảnh hưởng đến tương tác quốc tế, và một tình trạng suy yếu các giá trị tâm linh và trách nhiệm[246].

Thật nghịch lý khi xã hội càng văn minh, con người ngày càng có trình độ học vấn cao, biết nhiều thứ trên đời nhưng lại khó thông cảm và không hiểu cho nhau. Đức thánh cha Phanxicô viết: “Chúng ta cần nhận ra rằng chúng ta thường xuyên bị cám dỗ thờ ơ với người khác, nhất là những người yếu nhược. Chúng ta hãy nhìn nhận rằng dù với tất cả những tiến bộ mà mình đạt được, chúng ta vẫn “dốt đặc” trong việc đồng hành, săn sóc và nâng đỡ những thành viên yếu ớt và mong manh nhất trong các xã hội phát triển của chúng ta. Chúng ta đã trở nên quen với việc tìm con đường khác, bỏ đi qua, phớt l những hoàn cảnh cho đến khi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến mình[247]. Người ta vô cảm với những người xung quanh vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân.

Sự vô cảm như một căn bệnh đang len lỏi khắp nơi, nó không chỉ diễn ra ngoài xã hội mà ít nhiều xâm nhập vào cả đời sống tu trì. Chúng ta cũng có thể bắt gặp sự bàng quan, những trường hợp sống thờ ơ không quan tâm đến những điều xảy ra trong cộng đoàn, trong Giáo hội hay trong xã hội: không quan tâm đến những anh chị em mình cùng đang sống; những người trẻ hơn không quan tâm tới những người lớn tuổi, hoặc những người lớn tuổi không còn quan tâm đến những người trẻ. Có thể nói, mọi tương quan khép kín loại trừ một người anh chị em, đều có thể nhốt con người vào cảnh cô độc không lối thoát, một hình thức của sự vô cảm.

Kết luận

Maxim Gorky, đại văn hào Nga đã nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Mặt tối của tình huynh đệ chính là những vùng bị che khuất làm lạnh giá con tim, là nơi “thiếu vắng tình thương”. Chúng ta không thể trao ban tình yêu huynh đệ nếu tách rời mọi người, cô lập mình với người khác bằng những bức tường vô hình: thiếu truyền thông, sự vô cảm…

Việc truyền thông có thể bị chống đối hay hiểu lầm, thậm chí bị xúc phạm. Nhưng khi có tình yêu đi kèm thì chính sự chân tình sẽ như linh dược chữa lành vết thương cho người khác. Khi một nỗi đau được bộc bạch và được đáp lại bằng tình yêu cùng sự cảm thông của người khác thì vết thương đó sẽ được chữa lành.

Người Kitô hữu, nhất là những người thánh hiến được mời gọi làm chứng cho một đời sống huynh đệ đích thực trong thế giới đầy những chia rẽ và hận thù, bằng sự tin tưởng lẫn nhau. Kinh nghiệm cho thấy rằng, khi chúng ta được tin tưởng và được yêu thương, chúng ta trở nên phong phú hơn. Có thể nói, sống tình huynh đệ chính là huyết mạch của chúng ta.

Trước bóng tối của tình huynh đệ trong thế giới ngày nay, người Samaritanô nhân hậu là tấm gương sáng ngời đem lại niềm hy vọng. “Đừng ấn định xem người ta gần mình mức nào mới được gọi là thân cận, nhưng đúng hơn chính chúng ta phải trở thành thân cận với tất cả mọi người[248]. Mỗi chúng ta đều được kêu gọi xây dựng một cộng đoàn biết lắng nghe, đón nhận, nâng đỡ và quan tâm đến người bên cạnh bằng mối dây bác ái yêu thương và tin tưởng lẫn nhau.

XÂY DNG MT TH GII TƯƠI ĐẸP HƠN

Mai Thi

Dẫn nhập

Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật sâu sắc khi viết ca từ cho bài “Nối Vòng Tay Lớn”. Ông không chỉ dừng lại ở một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam, nhưng ước mơ ấy, khát vọng ấy, quyết tâm ấy còn phải vươn cao và vươn xa tới toàn thể nhân loại. Qua đó, ông mong mọi người chung tay, chung sức, đồng lòng xây dựng một thế giới ngày càng tươi đẹp hơn. Dẫu biết rằng trách nhiệm nặng nề nhưng đó lại là sứ mạng rất cao cả và đem lại giá trị lớn lao: nó không phải của riêng ai hay một tập thể nào nhưng là của tất cả mọi người.

Sống trong thế giới này, các tu sĩ linh mục nói chung, ngay cả các nam nữ đan sĩ nói riêng vốn sống cách biệt thế gian cũng phải đóng góp phần của mình cho lý tưởng nhân sinh cao đẹp đó được thành toàn. Đây cũng là ước muốn của Thiên Chúa qua Giáo hội. Nếu Đức thánh Gioan Phaolô II đã thúc đẩy những người sống đời thánh hiến phải trở thành “những chuyên gia đích thực của hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông”[249] thì sự hiệp thông mà ngài muốn nhắm đến trước tiên là gì nếu không phải là xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn, nhờ đó gắn kết tình huynh đệ và tình bạn xã hội ngày một keo sơn hơn.

Cũng với ý hướng đó, Đức giáo hoàng Phanxicô viết Thông điệp mang tên “Fratelli Tutti – Tất Cả Anh Em” mà ngài gọi là một Thông điệp xã hội; trong đó, tình huynh đệ và tình bạn hữu là những phương thức được gợi ý để xây dựng một thế giới tươi đẹp, công bằng và hoà bình hơn. Chúng ta có thể đọc được tư tưởng này khi tham chiếu nội dung các số của Thông điệp từ 275-280 và 287 để cùng nhau học hỏi đề tài “XÂY DỰNG MỘT THẾ GIỚI TƯƠI ĐẸP HƠN”.

  1. Trách nhiệm xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn

Đức giáo hoàng Phanxicô trong nhiều dịp khác nhau luôn luôn cổ võ mọi người xây dựng và kiến tạo nền văn hóa gặp gỡ. Vì “tất cả là anh chị em”[250] của nhau. Như vậy không chỉ trên bình diện cá nhân nhưng cả trên phương diện cộng đồng, đó là trách nhiệm của tất cả mọi người. Tuy nhiên đi vào cụ thể chúng ta thấy mỗi đối tượng lại có cách thức diễn tả và mức độ tiếp cận vấn đề rất khác nhau.

a. Phương diện cá nhân

Trong lời giới thiệu Thông điệp Fratelli Tutti, Đức giáo hoàng Phanxicô đã khích lệ mỗi người: “Hãy tin rằng chính bạn cũng góp phần hết sức quan trọng của mình trong việc xây dựng và bảo vệ hòa bình thế giới hôm nay!”.

Dĩ nhiên mỗi người đảm nhận cuộc đời của mình và có sứ mạng trong việc xây dựng và phát triển nền hòa bình, tình huynh đệ, sự thăng tiến xã hội; tuy nhiên cần dùng nguồn lực vốn có của mình cũng như sử dụng cách thế riêng cho một nhiệm vụ cao cả với ưu tiên toàn diện là xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn. Riêng đối với các nam nữ đan sĩ thuộc Hội dòng Xitô Thánh Gia, với đời sống đặc thù của mình, liệu chúng ta vừa thực hiện nhiệm vụ này mà vẫn không đánh mất hay sao lãng căn tính của mình?

Tuyên ngôn Hội dòng Xitô Thánh Gia số 33 minh định rằng: “Người đan sĩ Thánh Gia mặc dù sống cô tịch và thầm lặng, nhưng còn phải sống theo chiều hướng của Giáo hội, cùng chia sẻ niềm hy vọng chính đáng, cũng như những lo âu khắc khoải của nhân loại trên đường tìm về cánh chung. Đan sĩ tuy không thuộc về thế gian, nhưng vẫn sống trong thế gian, và nếu trung thành với ơn thiên triệu, họ sẽ tham gia đắc lực vào sứ mệnh cứu rỗi nhân loại, thánh hiến và xây dựng trần gian”.

Như vậy, mỗi đan sĩ cùng chung tay cùng chung trách nhiệm với mọi người để xây dựng thế giới này thêm tươi đẹp hơn nhờ trung thành với ơn gọi, sống chứng tá về cuộc sống hiệp nhất, gặp gỡ, đối thoại bằng những hy sinh hằng ngày, trong lời cầu nguyện liên lỷ của nhịp sống thường ngày, trong nội vi cô tịch của đan viện. Vào năm 2018, Đức tổng giám mục José Rodríguez Carballo, Tổng thư ký Bộ Tu Sĩ có lời khích lệ như sau: “Các đan viện được mời gọi xét lại để bảo đảm sự hiện diện gặp gỡ của mình bên cạnh những người nam nữ trong thời đại chúng ta[251]. Vậy, chính khi sống trọn vẹn căn tính đan tu là phương thế hữu hiệu nhất để các đan sĩ chúng ta mở ra với thế giới bên ngoài và tiếp cận với con người khắp mọi nơi; nhờ đó chúng ta cùng nhau chung xây cuộc sống hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn.

b. Phương diện cộng đồng xã hội

Một trong những căn bệnh được xã hội quan tâm và đề cập đến nhiều trong thời đại hôm nay là căn bệnh vô cảm. Chính thái độ sống tiêu cực này làm con người thu nhỏ mình lại; đồng thời có thể phá đổ cách nào đó những nỗ lực xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn. Đức giáo hoàng Phanxicô trong Thông điệp Fratelli Tutti đã khuyến cáo mọi người: “Đừng rơi vào một khủng hoảng lương tâm con người vô cảm’, ‘xa rời các giá trị tôn giáo và chủ nghĩa cá nhân thịnh hành kèm theo những triết lý duy vật coi thường con người[252].

Theo tinh thần của vị cha chung chúng ta, mỗi thành viên trong một tập thể và cả một tập thể tạo một làn gió mạnh và mới để kiến tạo tình hiệp thông liên đới, trở thành những nhà kiến tạo tình huynh đệ phổ quát, những người canh giữ ngôi nhà chung: trái đất và muôn vật trong đó. Tất cả đều là anh em, chị em với nhau, bất kể tín ngưỡng, văn hóa hay truyền thống, vì tương lai không phải là “đơn sắc” và thế giới này như một khối đa diện sẽ chiếu sáng vẻ đẹp của nó qua nhiều mặt khác nhau[253]. Theo ý nghĩa này việc quan tâm hơn nữa đối với trách nhiệm chung xây dựng bộ mặt mới của thế giới cũng như tình huynh đệ quả là hợp lý và chính đáng.

Trong diễn văn nhân buổi gặp gỡ liên tôn tại thành Ur khi Đức giáo hoàng Phanxicô thăm Iraq (Thứ Bảy 06.03.2021), ngài đã viết như sau: “Chúng ta được kêu gọi bỏ lại những ràng buộc và dính bén, những thứ giữ chúng ta khép kín trong nhóm của chúng ta, đã ngăn cản chúng ta chào đón tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa và không xem người khác là anh chị em của chúng ta”. Chúng ta cần phải vượt ra khỏi chính mình, bởi vì chúng ta cần người khác. Đại dịch đã giúp chúng ta nhận ra rằng “không ai được cứu một mình[254].

Vì “đi” cùng nhân loại nên “Giáo hội không thể và không được đứng bên lề” trong việc xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn, hoặc không “đánh thức năng lượng tinh thần” có thể đóng góp vào sự tốt đẹp hơn của xã hội[255]. Theo đường hướng đó, ngày 28/05/2021, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc đã có bài phát biểu trước hơn 200 bề trên tại Hội nghị chung của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ và Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam về chủ đề “Hãy làm cho chúng ta trở thành anh chị em. Đời sống tận hiến phục vụ tình huynh đệ trong một thế giới đầy thương tích”. Theo ngài: “Văn hóa chủ đạo trong các cộng đoàn tu sĩ của chúng ta phải là văn hóa gặp gỡ[256]. Xét trong phạm vi nhỏ hơn, các cộng đoàn đan tu thuộc Hội dòng Xitô Thánh Gia, việc sống đời chứng nhân như cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm, là dấu chứng rõ nhất trong việc chúng ta đóng góp cho tiến trình kiến tạo và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Nếu như trong quá khứ, các đan viện cống hiến cho Giáo hội và xã hội những thành quả về văn hóa, phụng vụ, nghệ thuật, kinh tế, các ngành kỹ nghệ… thì trong thời hiện đại này các đan sĩ vẫn tiếp tục làm như thế và đặc biệt còn lưu tâm nhiều hơn đến sự cống hiến cho những giá trị nhân văn, tinh thần và tâm linh. Mục đích duy nhất là để cùng nhau xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn.

  1. Tại sao lại “Tứ hải giai huynh đệ”

Với thời đại 4.0 như ngày nay thế giới trở thành một ngôi làng. Chính vì khoảng cách đã được rút ngắn nên dù có ở xa thì những anh chị em của ta cũng trở thành người hàng xóm láng giềng của ta, “tối lửa tắt đèn” có nhau. Ý thức được như vậy nên trong thư kêu gọi cầu nguyện và cộng tác cứu trợ nạn nhân lũ lụt Miền Trung của Ủy ban Bác ái Xã hội Caritas Việt Nam (Sài Gòn, ngày 12 tháng 10 năm 2020) đã viết những lời cảm động như sau: “Sự chia sẻ của anh chị em, vừa thực hiện giáo huấn yêu thương của Chúa, vừa thể hiện truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam. Cùng với những người đang gánh chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt, chúng tôi chân thành cám ơn những nghĩa cử quảng đại bác ái của anh chị em. Xin Chúa nhân lành trả công bội hậu cho anh chị em”.

Tiếp tục các hành động đẹp mà Giáo hội đóng góp cho nhân loại đó là nghĩa cử cao đẹp của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn, ngài đã quyết định giao cho Caritas Tổng Giáo phận tổ chức quyên góp để hỗ trợ anh chị em đang sống tại Phnom Penh và các vùng phụ cận, vì tại đất nước Campuchia láng giềng đã bùng phát trên 10 ngàn ca bệnh Covid – 19 trong cộng đồng. Thư kêu gọi có đoạn viết: “Trước thực tế và nhu cầu khẩn thiết này, Caritas Tổng Giáo phận tha thiết kêu gọi anh chị em rộng tay đóng góp cho chương trình: “4 triệu khẩu trang cho Phnom Penh”. Toàn bộ bốn triệu khẩu trang này sẽ được chuyển tới Đức cha Olivier Schmitthaeusler để phân phát cho mọi người tại Phnom Penh không phân biệt tôn giáo[257].

Nếu trong tư cách là người khi sống với nhau chúng ta đã “cần có một tấm lòng”, thì trong đại gia đình nhân loại dưới lăng kính của Tin Mừng thì nó còn được nhân lên gấp nhiều lần: hướng đến tình yêu phổ quát. Những việc làm cụ thể mang đậm tính nhân văn, những thành quả khởi đi từ tinh thần của Bài Giảng Trên Núi luôn luôn được ca ngợi và khích lệ: nó vừa cần thiết cho hiện tại vừa còn sống mãi với thời gian. Điều này cũng được Đức Giáo Hoàng quả quyết trong Thông điệp “Tất Cả Anh Em” rằng “không ai sống sót một mình” và đây thực sự là lúc “mơ về một nhân loại duy nhất” nơi đó tất cả chúng ta là “anh em của nhau[258].

Yêu thương người đồng loại còn là giới răn của Chúa: yêu mọi người như Chúa yêu. Chúng ta chỉ có thể sống đạo và sống viên mãn ơn gọi thánh hiến của mình trong các bổn phận và nghĩa vụ dựa trên luật bác ái yêu thương. Hình ảnh mà tiên tri Isaia mô tả các dân tộc “sẽ biến gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,4), diễn tả đúng nhất cách sống chung hòa bình của mọi con cái Chúa ở khắp nơi. Quả thật “bốn bể là anh em một nhà”, tình yêu thương mang tính đại đồng là thế. Nó không phải là chuyện của ngày xưa nhưng đi theo con người mãi mãi.

Thánh Charles de Foucauld đã đồng hóa mình với những người nghèo, những người bị bỏ rơi ở những góc xa khuất nhất của sa mạc Phi Châu. Trong khung cảnh đó, ngài đã diễn tả ao ước cảm nhận mình là một người anh em của mọi người[259], và đã xin một người bạn rằng, “hãy cầu xin Chúa cho tôi thực sự là người anh em của tất cả mọi người[260]. Cuối cùng, ngài muốn trở thành “một người anh em đại đồng[261]. Dĩ nhiên, chỉ bằng cách tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ nhất mà ngài đã có thể trở thành người anh em của tất cả mọi người.

Là các đan sĩ Hội dòng Xitô Thánh Gia, cùng với giá trị cao đẹp của việc sống độc thân thánh hiến cho Thiên Chúa trong việc chuyên chăm tìm kiếm một mình Thiên Chúa, chúng ta hướng đến mục tiêu để tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu thương đồng loại được phổ quát hơn: phục vụ cách vô vị lợi hơn, không chỉ giới hạn trong một vài đối tượng nhưng là tất cả mọi người. Đây cũng là giáo huấn của Tin Mừng, nhờ đó nhìn thấy anh em khắp nơi một nhà, là anh chị em với nhau, đều là con cái của Thiên Chúa.

  1. Anh em là hình ảnh Thiên Chúa và là con cái của Thiên Chúa

Nơi Thông điệp Fratelli Tutti, số 275, Đức giáo hoàng Phanxicô đã viết: “Xây dựng sự hòa hợp và hiểu biết giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau; làm chứng rằng những điểm chung mà chúng ta có là rất nhiều và quan trọng đến mức chúng ta có thể tìm thấy một cách chung sống thanh thản, có trật tự và hòa bình, chào đón những khác biệt và với niềm vui được trở thành anh chị em với nhau, trong tư cách là con cái của một Thiên Chúa[262].

Đâu là lý do nền tảng nếu không phải xác tín chân lý tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa, mọi người đều là anh chị em của nhau. Thế giới hôm nay đang chứng kiến thái độ sống dửng dưng, lãnh đạm, vị kỷ, dường như đang có khuynh hướng gia tăng. Quả là một thách thức không nhỏ đối với người môn đệ Đức Kitô, tinh thần ấy còn khá xa với ước muốn dấn thân phục vụ mà Đức Giêsu Kitô đã thực hiện trước và mong muốn: “Để tất cả nên một” (Ga 17, 21). Tuy nhiên, theo Đức giáo hoàng Phanxicô: cho dù với bất cứ lý do và hoàn cảnh nào, “ngay cả khi chúng ta thực hiện cuộc hành trình hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn, chúng ta đã có bổn phận phải làm chứng chung cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người bằng cách cùng nhau phục vụ nhân loại[263].

Trong bài diễn văn đọc tại cuộc gặp gỡ liên tôn, Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi các nhà lãnh đạo các tôn giáo cùng nhau tiếp tục dấn thân vì nền hòa bình, xây dựng một tương lai mới bằng sự đoàn kết và thân hữu để vượt qua vết thương của quá khứ nhờ hòa giải và cùng chung sống huynh đệ (Vatican News, 06.3.2021). Đấng kế vị thánh Phêrô tiếp tục những luận điểm của mình: “Trời cao không mệt mỏi vì trái đất: Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc, mọi người trong các con gái và con trai của Người![264].

Nhiệm vụ của Giáo hội là làm việc cho “sự tiến bộ của nhân loại và tình huynh đệ phổ quát[265]. Đối tượng mà kinh Lạy Cha nhắc tới phải là điểm tới của mọi dân tộc, mọi nền văn hóa. Đức cha Carballo, Tổng thư ký bộ Tu Sĩ, trong một bài đăng trên báo “Quan sát viên Rôma” có đoạn viết: “Vì thời đại của chúng ta bị chi phối bởi sự đề cao tư duy cá nhân, năng lực cá nhân và nhu cầu tự làm, do đó nó cần sự đối thoại, lắng nghe, thinh lặng đích thực, giúp đưa đến sự suy tư, các suy tưởng và hình thành nền văn hóa gặp gỡ. Các đan sĩ được mời gọi hiệp nhất với nhau để làm chứng trong cuộc sống hàng ngày về tâm tình của Chúa Kitô, để suy nghĩ theo Tin Mừng và hành động như Chúa Giêsu. Đan viện được mời gọi xét lại những điều này và các yếu tố khác để bảo đảm sự hiện diện gặp gỡ của mình bên cạnh những người nam nữ trong thời đại chúng ta[266]. Đúng vậy, mặc dù các đan sĩ có lối sống đặc thù vẫn không được miễn chuẩn nghĩa vụ đó. Nhưng cần phải đi đến tận cùng của vấn đề để biết lý do chúng ta được kêu gọi và sống tinh thần liên đới, trách nhiệm chăm lo cho nhau như anh em một nhà. Giải đáp của vấn đề là tình yêu: có tình yêu sẽ có tất cả, tình yêu xóa bỏ mọi biên giới.

  1. Tình yêu xóa bỏ mọi biên giới

Lời kêu gọi của Đức giáo hoàng Phanxicô: “Thay vì xây những bức tường thì hãy xây những cây cầu, phá bỏ mọi bức tường ngăn cách, ươm mầm cho sự hòa giải[267]. Điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu có tình yêu. Vì tình yêu như men, như ánh sáng nên bước đầu cần đi từ những nhóm nhỏ rồi từ đó quang tỏa tình yêu đến mọi miền.

Tình yêu của con người cần phải khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa. Bao lâu loại bỏ qui luật này nó sẽ không thể bền lâu hoặc vô vị lợi được. Tinh thần ấy được Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Tình yêu của Đức Kitô đòi buộc chúng ta gạt sang một bên tất cả những biểu hiện của chủ nghĩa ích kỷ và sự ganh tỵ, nhưng thúc đẩy chúng ta đến sự hiệp nhất phổ quát và mời gọi chúng ta xây dựng cộng đoàn huynh đệ, nơi tiếp nhận và chăm sóc lẫn nhau[268]. Cùng với toàn thể nhân loại chúng ta hướng tới việc xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn, một tình yêu phổ quát hơn và cụ thể hơn bằng những diễn đạt cụ thể trong kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi.

Riêng với các tu sĩ, Đức giáo hoàng Phanxicô khuyên: “Anh chị em hãy sống huyền nhiệm của sự gặp gỡ: ‘khả năng lắng nghe người khác, khả năng cùng nhau tìm ra con đường, phương pháp”, hãy để cho mình được chiếu sáng bởi mối tương quan tình yêu đã xuyên qua Tam Vị (x. 1Ga 4,8) như khuôn mẫu cho mọi tương quan liên bản vị[269].

Liên quan đến nội dung đang nói tới, chúng ta có thể học và làm theo gợi ý của Đức Giáo hoàng Phanxicô như ngài đã viết nhiều số trong Thông điệp Fratelli Tutti. Thật thế, từ tình yêu Thiên Chúa sẽ lưu chuyển và nối kết tình người với nhau, giúp xóa bỏ mọi hàng rào ngăn cách. Tấm gương người Samaritanô nhân hậu nhắc nhớ chúng ta trở thành người thân cận với tha nhân (số 81), bằng việc vượt qua những thành kiến, tư lợi, những rào cản lịch sử và văn hoá. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội biết đón nhận, hội nhập và nâng đỡ những ai quỵ ngã và đau khổ (số 77). Tình yêu bắc những nhịp cầu và “chúng ta được sinh ra cho tình yêu” (số 88), hãy nhận ra Đức Kitô nơi những ai bị loại trừ (số 85). Cần “ra khỏi chính mình” để thấy nơi tha nhân “sự tăng trưởng của hiện hữu” (số 88), học nơi tha nhân năng động bác ái hầu giúp chúng ta hướng đến “sự hiệp thông phổ quát” (số 95).

Vì được yêu và sống cho tình yêu, các đan sĩ sống trọn đời của mình bằng sự cảm thông, chia sẻ, trân trọng nỗ lực của người khác, nâng đỡ họ bằng lời cầu nguyện và tình yêu: các đan sĩ vẫn có một trái tim bằng thịt để yêu thương và được yêu thương. Trong giao ước tình yêu được ký kết với Đức Kitô, các đan sĩ phải xác tín rằng tình yêu được xem là linh hồn của sự trung tín, ngược lại, trung tín là bằng chứng của tình yêu đích thực. Tình yêu theo giao ước – yêu như Chúa đã yêu – vì Thiên Chúa thể hiện tình yêu trong giao ước là yêu con người cách nhưng không. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em tuân giữ các lệnh truyền của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy vâng lời Cha Thầy nên lưu lại trong tình yêu của Người” (Ga 15,9).

Kết

Lý tưởng thánh hiến đòi hỏi các nam nữ tu sĩ can đảm sống đời tu để ở lại với Chúa, gắn kết với Chúa, yêu Chúa để rồi từ đó dấn thân đi vào cuộc đời, mang Chúa đến khắp nơi, xây dựng cuộc sống vui tươi hạnh phúc. Tình yêu của Đức Kitô đòi buộc những người sống đời thánh hiến chúng ta gạt sang một bên tất cả những biểu hiện của chủ nghĩa ích kỷ và sự ganh tỵ, thúc đẩy chúng ta đến sự hiệp nhất phổ quát và mời gọi chúng ta xây dựng cộng đoàn huynh đệ nơi tiếp nhận và chăm sóc lẫn nhau[270]. Thánh Catharina thành Siena mời gọi người tu sĩ hãy trở nên những người thấm đầy ‘men rượu, say ngất’ và quên đi chính bản thân mình mà nghĩ đến hạnh phúc của người khác[271].

Nếu Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến ước mong những người sống đời thánh hiến phải trở thành “những chuyên gia đích thực của hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông”[272], thì Đức giáo hoàng Phanxicô lấy cảm hứng từ thánh Phanxicô, Đấng sáng lập và khơi nguồn linh đạo cho nhiều Hội Dòng sống đời thánh hiến, đã mở rộng nhãn quan này và mời gọi chúng ta trở thành những nhà kiến tạo tình huynh đệ phổ quát, những người canh giữ ngôi nhà chung: trái đất và muôn vật trong đó tất cả đều là anh em, chị em với nhau, bất kể tín ngưỡng, văn hóa hay truyền thống, vì tương lai không phải là “đơn sắc”[273] và thế giới này như một khối đa diện sẽ chiếu sáng vẻ đẹp của nó qua nhiều mặt khác nhau. Tuy nhiên dù theo linh đạo nào thì các tu sĩ cũng sống bằng tình yêu thương vô biên giới, có trách nhiệm xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn, có tình yêu đại đồng khi coi anh chị em bốn bể một nhà, nhận ra tha nhân là hình ảnh Thiên Chúa và là con cái của Thiên Chúa. Tất cả lộ trình đó được Đức Giáo hoàng Phanxicô tóm tắt trong lời kêu gọi: “Chúng ta ‘cùng nhìn lên trời và cùng bước đi trên mặt đất’ để hợp tác, chung tay, kiến tạo xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn”.

Mặc dù trong đề tài này, người viết chỉ khai triển một vài ý tưởng nhỏ nhưng nó phải được hiểu trong toàn bộ nội dung Thông điệp Fratelli Tutti nhắc nhớ rằng tầm vóc thiêng liêng của đời sống con người được định nghĩa bởi tình yêu là điều “luôn ở vị trí đầu tiên” và giúp chúng ta nỗ lực hơn vì lợi ích của tha nhân, giúp ta tránh xa mọi hình thức của chủ nghĩa ích kỷ[274]. Cũng vậy, lời nhắn nhủ của Đức Hồng y João Braz de Aviz và Đức Tổng Giám mục Rodríduez Carballo trong lá thư gởi tất cả những người sống đời thánh hiến (18/01/2021) đáng được chúng ta quan tâm, nhờ đó cùng nhau xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn: “Chúng tôi xin tất cả anh chị em hãy đặt Thông điệp này vào trung tâm đời sống, vào việc đào tạo và sứ mạng của anh chị em. Chúng ta không thể coi nhẹ chân lý này: tất cả chúng ta là anh em, chị em với nhau”.

Tình yêu rng m theo Thông đip Fratelli Tutti

Sr. M. Augustinô Đinh Diệu Hiền

Nhà thơ Hàn Mặc Tử có viết bài thơ “Đà Lạt trăng mờ” về tình yêu, trong đó có đoạn:

Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa yêu.

Có thể nói “Tình yêu” là một phạm trù thuộc tinh thần rất trừu tượng, nhưng lại rất phong phú và đa dạng mà không ai có thể thấu triệt được hai từ này. Nhiều người đã cố gắng để định nghĩa hay giải nghĩa về tình yêu, nhưng hầu hết chỉ mang tính phiến diện, nên có lẽ chỉ có “trời” mới giải nghĩa được chữ “yêu” như lời của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Trong bài viết này người viết xin đề cập đến một vài khía cạnh “tình yêu rộng mở” theo Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô?

  1. Những quan niệm về tình yêu

Khi nói về “Tình yêu”, Đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã phải thừa nhận: Thuật ngữ tình yêu đã trở thành một trong những từ được dùng cũng như bị lạm dụng thường xuyên nhất, một từ chúng ta gán cho nhiều ý nghĩa khác nhau[275]. Tình yêu là tình cảm nồng nhiệt làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật[276]. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa tình yêu là “tạo ra điều tốt lành cho người khác”. Triết gia Gottfried Leibniz thì cho rằng tình yêu là “Vui mừng vì hạnh phúc của người khác”.  Và Jeremy Griffith định nghĩa tình yêu là “Lòng vị tha vô điều kiện”[277].

Tình yêu bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống con người như là lòng yêu nước, yêu nghệ thuật, tình yêu bè bạn, yêu thích công việc, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, tình yêu giữa các thành viên trong gia đình, tình yêu người và lòng mến Chúa.

Chúng ta thấy có biết bao biểu hiện và sắc thái của tình yêu. Vậy phải chăng là có nhiều loại tình yêu? Hay chẳng qua chúng chỉ là những dạng thức khác nhau của một thực tại duy nhất trên cơ bản gọi là tình yêu. Tình yêu là một mầu nhiệm cũng giống như “mầu nhiệm” nên tình yêu, là một thực tại vượt quá lý trí của con người.

Đức giáo hoàng Biển Đức XVI quả quyết: “Tình Yêu là thần thiêng, bởi vì phát xuất từ Thiên Chúa và kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa; và qua diễn biến hiệp nhất, Tình Yêu biến đổi chúng ta thành “Cộng Đoàn”, vượt qua được những chia rẽ và biến chúng ta thành Một cho đến lúc cuối cùng, khi Thiên Chúa là tất cả trong chúng ta” (1Cr 15,28).

Tình yêu là định luật của sự sống, nó được Thiên Chúa đặt sẵn trong muôn loài, nó ăn sâu trong vạn vật và được thể hiện ở muôn cách thế khác nhau. Nên chẳng có loài nào sống đơn độc hay con người nào là một ốc đảo riêng rẽ mà không sống nương tựa vào vật khác hay người khác ngoài mình. Hơn nữa: “Thiên Chúa đã dựng nên mọi người đều bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em một nhà”.[278] Chúng ta là một cộng đồng toàn cầu, tất cả cùng chung trên một con thuyền trong đó các vấn đề của mỗi người cũng chính là vấn đề của tất cả mọi người. Một lần nữa chúng ta hiểu ra rằng, không ai được cứu vớt một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu vớt cùng với nhau.[279]chúng ta là thành phần của nhau, chúng ta là anh chị em với nhau”.[280]

  1. Những Trở Ngại của Tình Yêu

Tình yêu vừa là quà tặng vừa là trách nhiệm mà con người cần phải đón nhận và thi hành đối với Thiên Chúa, đối với nhau và đối với vạn vật để thế giới được trở nên tốt đẹp trong chương trình hướng tới sự thành toàn mà Thiên Chúa muốn. Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói lên thực trạng này: “Sự bất khoan dung theo chủ nghĩa cực đoan” và các hình thức “hung hăng vô liêm sỉ” đã gây cản trở cho tình huynh đệ hòa bình.[281]  Và hiện nay, thế giới đang bị thiếu đi khả năng “để cùng nhau hành động”.[282] Hay nói cách khác, con người thiếu cộng tác với nhau để xây dựng thế giới này. Đời sống chính trị ngày càng trở nên mong manh hơn, trước những thế lực kinh tế xuyên quốc gia, vốn hoạt động theo nguyên tắc “chia để trị”.[283]

Các quyền con người không bình đẳng cho hết mọi người. “Có những người nghèo hai lần, đó là những phụ nữ phải chịu những hoàn cảnh bị loại trừ, bị ngược đãi và bạo lực, vì họ thường thấy mình kém khả năng bảo vệ các quyền lợi của mình”.[284] Và nhân loại còn phải đối mặt với biết bao hạn chế và cản trở khác trong việc xây dựng tình huynh đệ xã hội.

3. Tình Yêu Rộng Mở Theo Thông điệp Fratelli Tutti

Để có được tình yêu rộng mở, chúng ta cần trở nên môn đệ của Đức Kitô, mặc lấy tâm tình và trái tim của Đức Kitô, một trái tim động lòng trắc ẩn, biết đồng cảm với cuộc sống hiện tại của những người xung quanh, như thánh Phaolô nói: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Thánh Công đồng Vaticanô II cũng mời gọi người môn đệ Chúa Kitô có cùng tâm tình này: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người hiện nay, nhất là của những người nghèo và bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Đức Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không cảm nhận trong đáy lòng họ”[285].

Việc thực hành tình yêu cụ thể đối với người đồng loại, Đức Giêsu mời gọi: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Việc chúng ta phải nới rộng tình thương ra khỏi giới hạn người cận thân không phải là tự nhiên chúng ta có được, nhưng đó là nỗ lực mà chúng ta cố gắng bắt chước nơi Thiên Chúa, “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”. (Lc 6,36), và cũng chính Người soi sáng và giúp chúng ta thực hành điều đó. “Con người thì xót thương cận thân, còn Đức Chúa xót thương mọi xác phàm” (Hc 18,13). “Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5,45). Có một động lực giúp ta mở rộng tấm lòng để không loại trừ người xa lạ, đó là nhớ lại mình cũng đã từng trải qua cảnh khổ cực thế nào và đã được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa như thế nào: “Người ngoại kiều, các ngươi không được áp bức, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập” (Xh 23,9).

Và để có thể sống tình yêu rộng mở, ta cần đi ra khỏi cái khuôn khổ của chính mình, bớt yêu bản thân một chút để yêu thương tha nhân, dám hy sinh thời giờ, sức lực, tài năng, quyền lợi của riêng mình; như vậy cuộc đời chúng ta mới thực sự có ý nghĩa và giá trị. Có thể nói, ai có can đảm ra khỏi chính mình mới cảm nhận được niềm hạnh phúc của sự tự do đích thực; tự do là để cho tình yêu Thiên Chúa ngự trị trong cuộc đời mình.

Tình yêu rộng mở theo tinh thần của Thông điệp Fratelli Tutti chủ yếu nhắm đến tình nhân loại đại đồng trên khắp thế giới.

Tình yêu phải là ý thức và nỗ lực của từng cá nhân chung tay góp phần xây dựng, bồi đắp như lời Đức thánh cha Phanxicô kêu gọi “Hãy tin rằng chính bạn cũng góp phần hết sức quan trọng của mình trong việc xây dựng và bảo vệ hòa bình thế giới hôm nay”[286]. Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng: “Không ai có thể đối mặt với cuộc sống trong sự cô lập được, chúng ta cần một cộng đoàn ủng hộ chúng ta, nâng đỡ chúng ta, và trong đó chúng ta giúp đỡ lẫn nhau để cùng hướng tới tương lai…Tự sức mình, chúng ta có nguy cơ chỉ nhìn thấy những ảo ảnh, đó là những điều không có thực. Trái lại, những ước mơ phải được cùng nhau kiến tạo”.[287]

Để có thể yêu thương, chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận rằng: Chúng ta cần có nhau, để gia đình nhân loại được tái sinh với tất cả diện mạo, với tất cả chi thể và tiếng nói, vượt ra ngoài biên giới mà chính chúng ta đã tạo ra[288]. Chúng ta hãy ước mơ trở thành một gia đình nhân loại duy nhất, như những khách lữ hành cùng chia sẻ thân phận phàm nhân, như những người con của cùng một đất mẹ cưu mang, là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người với sự phong phú của những tín ngưỡng riêng, hoặc với xác tín riêng của mình, mỗi người mới một giọng nói riêng, nhưng tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau.[289] Có một điều nhắc nhở chúng ta rằng “mỗi thế hệ phải biến những nỗ lực và thành tựu của các thế hệ tiền nhân thành của chính mình, đưa những nỗ lực và thành tựu ấy đến những mục đích cao cả hơn. Đó chính là một hành trình. Những điều tốt đẹp, cũng như tình yêu, công lý và sự liên đới, không phải đạt được một lần và cho mãi mãi; chúng cần phải được chinh phục mỗi ngày một hơn”[290].

Thông điệp Fratelli Tutti còn nhắc nhở rằng: Tình huynh đệ chính là con đường của mỗi tín ngưỡng tôn giáo. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở thành sứ giả hòa bình và những người xây dựng tình hiệp thông. Thiên Chúa là Đấng dựng nên tất cả mọi người và mọi sự, vì thế tất cả chúng ta là thành phần của một gia đình duy nhất, và chúng ta phải nhìn nhận mình là anh chị em với nhau.[291]

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy phục hồi lòng nhân hậu và sự tha thứ, để chúng ta có thể trở thành “những ngôi sao sáng giữa màn đêm” cho nhân loại hôm nay.[292] Một điều có vẻ nghịch lý nhưng lại là chân lý, khi chúng ta ra khỏi chính mình để sống cho người khác, để quan tâm đến thế giới chung quanh; Chăm sóc thế giới mà chúng ta đang sống trong đó có nghĩa là chúng ta chăm sóc chính mình.[293] Trong thẳm sâu của mỗi trái tim, tình yêu tạo ra mối liên kết và mở rộng sự hiện hữu, vì nó kéo người ta ra khỏi chính mình để hướng tới tha nhân.[294] Được tạo ra vì tình yêu, trong mỗi chúng ta đều có “một quy luật xuất thần [ekstasis]: là ‘đi ra khỏi chính mình’ để tìm thấy hữu thể của mình một cách viên mãn hơn nơi tha nhân”[295].  Vì thế trong mọi trường hợp, con người phải thực hiện sự dấn thân này, đó là hãy ra khỏi chính mình đến với tha nhân với một tình yêu rộng mở: Nhưng tôi không thể thu gọn cuộc sống của mình vào mối liên hệ chỉ với một nhóm nhỏ, thậm chí không phải chỉ là gia đình của mình mà thôi, bởi vì không thể hiểu bản thân mình nếu không có những mối quan hệ rộng lớn hơn, không chỉ mối liên hệ hiện tại mà còn là mối liên hệ đã có trước và đã định hình nên tôi xuyên suốt cuộc đời tôi[296].

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhóm dân cư nhỏ sống trong các vùng sa mạc đã phát triển khả năng rộng rãi để chào đón những người hành hương, do đó, là một dấu hiệu mẫu mực về nghĩa vụ thiêng liêng của lòng hiếu khách. Các cộng đoàn đan tu từ thời Trung cổ cũng đã thực hành như thế, như chúng ta thấy trong Tu Luật thánh phụ Biển Đức. Dù biết rằng điều đó có thể làm sao nhãng kỷ luật và sự thinh lặng của các đan viện, nhưng thánh Biển Đức vẫn nhấn mạnh rằng “với người nghèo và khách hành hương, ta phải hết sức ân cần đón tiếp[297]. Lòng hiếu khách là một cách cụ thể để đón nhận sự thách đố và món quà tặng chứa đựng trong một cuộc gặp gỡ với những người bên ngoài cộng đoàn của mình. Các đan sĩ nhận ra rằng tất cả những giá trị mà họ có thể trau dồi phải đi kèm với khả năng vượt lên trên bản thân mình trong sự cởi mở đối với người khác[298].

Để có khả năng yêu thương, phải là sự gần gũi; phải là một nền văn hóa gặp gỡ. Cần biết nói không với sự cô lập; và nói có với sự gần gũi. Cần biết nói không với văn hóa xung đột và nói có với một nền văn hóa gặp gỡ”[299]. “Sẽ tuyệt vời biết bao nếu sự phát triển của việc đổi mới khoa học và kỹ thuật có thể song song với việc có sự bình đẳng lớn và sự hòa nhập xã hội tốt hơn. Thật tuyệt vời biết bao, nếu trong khi khám phá ra những hành tinh xa xôi, thì chúng ta cũng tái khám phá nhu cầu của những người anh chị em xung quanh mình”[300].

Chúng ta cần biết đối thoại và khả năng ngồi xuống để lắng nghe người khác, nét đặc trưng của những cuộc gặp gỡ liên ngã, là điển hình của thái độ chào đón được thể hiện bởi những người vượt qua lòng yêu mình thái quá và chấp nhận người khác, quan tâm đến họ và chào đón họ vào cuộc sống của mình.[301] Như thánh Phanxicô “Đã nghe tiếng Thiên Chúa, ngài đã nghe tiếng người nghèo, đã nghe tiếng người đau yếu và ngài đã nghe tiếng thiên nhiên”[302]. Một điều rất cần thiết là tiến trình xây dựng tình huynh đệ, dù là địa phương hay phổ quát, chỉ có thể được thực hiện bởi những tinh thần tự do và cởi mở chào đón những cuộc gặp gỡ đích thực[303].

Sau cùng, tình yêu thúc đẩy chúng ta tiến tới sự hiệp thông phổ quát. Không ai có thể trưởng thành hoặc tìm thấy sự viên mãn bằng cách tự cô lập mình. Tự bản chất của nó, tình yêu đòi một tính cởi mở ngày một tăng tiến, một khả năng lớn hơn đón nhận người khác, trong cuộc phưu lưu liên tục, một cuộc phưu lưu hướng tới mọi vùng ngoại vi, tới một cảm thức thực sự thuộc về nhau. Đức Giêsu từng nói với chúng ta rằng: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (x. Mt 23,8)[304]. Một xã hội thực sự nhân bản và huynh đệ sẽ có khả năng bảo đảm một cách hữu hiệu và ổn định để mỗi thành viên của nó được đồng hành trong mọi giai đoạn của cuộc sống không chỉ bằng cách chu cấp cho các nhu cầu căn bản của họ, mà còn bằng cách giúp họ có khả năng cống hiến điều tốt nhất của họ, mặc dù hiệu suất của họ có thể không ở mức tối ưu, nhịp độ của họ chậm hoặc hiệu năng của họ có giới hạn.[305] Một trong những biểu hiện của tình yêu là sự liên đới. “Tình liên đới như một phẩm chất đạo đức và thái độ xã hội, kết quả của sự hoán cải cá nhân, đòi hỏi sự dấn thân của tất cả những người có trách nhiệm giáo dục và đào tạo. Trước tiên đó là gia đình, được gọi là một sứ vụ giáo dục chính yếu và quan trọng. Gia đình là nơi đầu tiên truyền tải những giá trị của tình yêu thương và tình huynh đệ, sự chung sống và chia sẻ, quan tâm chăm sóc tha nhân. Gia đình cũng là môi trường đặc biệt để loan truyền đức tin”[306].

Kết luận

Tình yêu vượt ra ngoài biên giới là cơ sở mà chúng ta gọi là “tình bạn xã hội” ở mọi thành phố và ở mọi quốc gia. Vì tương lai không đơn sắc; nếu chúng ta can đảm, chúng ta có thể chiêm ngắm thế giới trong tất cả vẻ đẹp khác nhau và đa dạng của những gì mỗi cá nhân có dịp cống hiến. Gia đình nhân loại của chúng ta cần học hỏi biết cách chung sống hòa thuận và bình an, nhưng không cần tất cả chúng ta đều giống y như nhau![307]. Đại dịch Covid – 19 đã buộc chúng ta phải suy xét lại về bản chất con người, trong tương quan với tất cả mọi người, hơn là chỉ vì lợi ích nhóm mà thôi. Sự tổn thương, sự mong manh, nỗi sợ hãi và nhận thức về những giới hạn mà đại dịch gây ra, đã vang lên lời mời gọi chúng ta hãy suy xét lại về lối sống của mình, về các mối liên hệ của chúng ta, tổ chức xã hội của chúng ta, và trên hết, ý nghĩa của sự hiện hữu của mình[308]. Chúng ta cần ý thức rằng, chẳng có con người nào là toàn năng dù có tài giỏi đến đâu chăng nữa. Tất cả chúng ta đều là những thụ tạo hữu hạn và bình đẳng với nhau, chúng ta cần có nhau, cần có những tương giao để bồi đắp, tương trợ lẫn nhau. Không ai có thể sống mà thiếu tình yêu, bởi chính tình yêu làm lên sự sống, mà tình yêu thì làm cho triển nở, cho phát triển. Do đó, tình yêu cần được mở rộng ra khỏi mọi giới hạn, cần được trào tràn cho muôn loài, muôn vật và cụ thể nhất là cho đồng loại của chúng ta đang hiện diện ở khắp nơi trên thế giới theo tinh thần “Tứ hải giai huynh đệ” mà Thông điệp Fratelli Tutti của Đức giáo hoàng Phanxicô đã gợi hứng cho chúng ta.

TU LUẬT THÁNH BIỂN ĐỨC

Một minh chứng tuyệt vời của tình yêu thương
bằng sự dịu dàng

                          Sr. M. Innocentio

Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức thánh cha Phanxicô định nghĩa tình yêu dịu dàng: “Đó là tình yêu trở nên gần gũi và cụ thể. Đó là một chuyển động bắt đầu từ trái tim đến mắt, tai, tay… Sự dịu dàng chính là con đường được những người nam nữ can đảm nhất và mạnh mẽ nhất hằng theo đuổi[309]. Cũng vậy, thánh Biển Đức được thánh Giáo hoàng Gregoriô Cả ví như “tinh đẩu rạng ngời” của tình yêu Chúa và tình yêu tha nhân. Điều đó được minh chứng rõ nét trong Tu Luật của ngài. Nó không phải là một loạt những châm ngôn đơn giản không bản sắc, nhưng là một phương pháp sống đời đan tu đầy những tư tưởng và nguyên tắc phổ quát. Những trang sách ấy chính là những minh chứng tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa và của những con người cùng sống trong một đan viện.

Nơi Tu Luật chúng ta tìm thấy một thứ ngôn ngữ biểu hiện một tâm hồn tràn đầy Thiên Chúa. Bằng giọng văn hùng biện của người cha, mạnh mẽ nhưng vô cùng dịu dàng đến từ con tim và đi vào con tim, Tu Luật là sự dung hòa tuyệt vời giữa sức mạnh và sự dịu dàng, tựa như làn gió của Thánh Linh làm tươi mát tâm hồn. Những đan sĩ sống dưới cùng một Tu Luật thánh Biển Đức phải là con người của Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biến đổi để sẵn sàng thể hiện lại tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu gần gũi và cụ thể. Chúng ta không thể quay ngược thời gian nhưng cần trở về nguồn, tìm đến cội nguồn bằng tình yêu và sự nhiệt huyết. Qua đó chúng ta nhận ra Tu Luật của thánh Biển Đức, mặc dù trải qua 16 thế kỷ nhưng vẫn là một minh chứng tuyệt vời cho tình yêu thương dịu dàng.

  1. Lời mời gọi gia nhập trường học yêu thương

Đây là một tiếng gọi rất trìu mến, “còn gì êm dịu hơn lời Chúa mời gọi chúng ta?” (Lời mở, 19). Lời mời gọi ấy đưa chúng ta vào trong một căn nhà, một trường học dành cho tình yêu. Nơi nhà Chúa, mỗi người được cưu mang, được sống và được lớn lên.

Đan sĩ cần ý thức tiếng gọi ấy cho chính mình như một kĩ sư sẵn sàng cho việc xây dựng căn nhà nội tâm trên nền đá (x. Mt 7,24). Trong Lời mở của Tu Luật, thánh Biển Đức bắt ngay mối liên lạc tâm hồn của những ai đến gõ cửa đan viện, mọi sự bắt đầu bằng một cuộc đàm thoại yêu thương dịu dàng (x. Lời mở). Người là vị tôn sư đích thực, giảng dạy đạo lí và cách thực hành yêu thương. Ở đây, chúng ta nhìn thấy chân dung của một người thầy “chính vì mục đích ấy cha phải thiết lập Trường Học Phụng Sự Thiên Chúa” (Lời mở, 45).

Cổ nhân vẫn thường nói “vô tri bất mộ”, không biết thì không thể yêu mến. Dominici Schola Servitii – Trường học Phụng sự Thiên Chúa là môi trường dành cho chúng ta. Đan viện là  một nơi để học hỏi và tập luyện, là một trường huấn luyện và đào tạo các chiến sĩ của Chúa Kitô. Trong trường học này, đan sĩ thực tâm tìm Chúa, mộ mến thần vụ và hiệp thông yêu thương nhau: “Trong ngôi trưng này Thiên Chúa dạy chúng ta phải làm thế nào để sống hạnh phúc. Hạnh phúc của chúng ta cốt ở việc chia sẻ hạnh phúc của Thiên Chúa, chia sẻ tự do tuyệt hảo và vô biên của Thiên Chúa, cũng như chia sẻ tình yêu tuyệt đỉnh của Người[310].

Thánh Biển Đức đề cập đến hai phương tiện chính liên quan đến việc tập luyện các nhân đức và sửa chữa những sai lầm, đó là khổ chế đan tu và phụng vụ. Khiêm nhường là nền tảng giúp cho sự khổ chế và phụng vụ trở thành niềm vui thánh thiện không bao giờ vơi đi.

Ở đây, chúng ta nhìn thấy sự dịu dàng của trái tim người cha nơi viện phụ, đồng thời cũng nhìn thấy sự trang nghiêm của một vị thầy. Một vị tôn sư quảng đại hiến thân chính mình để dành sự nhiệt tâm hy sinh cho các linh hồn. Ngài không bao giờ mệt mỏi khuyên nhủ và cổ vũ sự yêu thương dịu dàng. Vì thế, ngài luôn thích ứng với từng cá nhân và vạch cho mỗi người một con đường theo từng cá tính riêng của họ. Ngài trở thành một nhà giáo dục nhiệt thành và tận tụy (x.Tu Luật 2,31).

Trước cuộc sống nhộn nhịp và ồn ào của xã hội, đời sống đan tu mời gọi chúng ta sống chậm lại: Các cử hành phụng vụ được tổ chức cách nhịp nhàng và chậm rãi, hay những bữa ăn của đan viện được dùng trong thinh lặng để lắng nghe một đoạn Kinh Thánh hay sách thiêng liêng nào đó, như hướng chúng ta đến khát vọng đời sống vĩnh cửu “lòng khao khát mãnh liệt cuộc sống muôn đời” (Tu Luật 5,10).

Trong trường học này, chúng ta học cách để yêu thương. Chúng ta không chỉ thực hành việc yêu thương người khác, mà còn cần học trở nên dễ thương với lòng khiêm nhường và hiền lành. Tính dễ thương và sự dịu dàng làm cho tình yêu được trao ban một cách dễ dàng, nhưng nhiều khi ta làm cho người khác khó yêu mến mình vì tính kiêu căng ngạo mạn hay thái độ ích kỉ, khép kín. Bước đầu của việc sống khiêm nhường là “sống trước sự hiện diện của Chúa”. Khi được ánh sáng Chúa chiếu soi, đôi mắt chúng ta được mở ra và thấy rõ hơn con người yếu đuối của mình, đồng thời cũng hiểu rõ hơn những người khác để đồng cảm, tôn trọng và yêu thương họ.

  1. Sống mối tương quan gia đình

Thánh Biển Đức muốn việc quản trị đan viện theo tinh thần của một gia đình, theo đó tình cha con được nhấn mạnh đặc biệt. Vì thế, Tu Luật không phải là những dòng chữ chết được viết trên những trang giấy nhưng là luật sống cho mỗi người. Đan viện không chỉ mang nghĩa là một ngôi nhà, một chỗ ở cho đan sĩ nhưng là một nơi để con người sống yêu thương nhau.

Dưới sự dẫn dắt của một người Cha, các đan sĩ cùng nhau đạt đến đức ái trọn hảo trong Chúa Kitô: “Quả thực, trong cộng đoàn, đức ái là điều rất mong manh. Một cộng đoàn có thể vỡ bất cứ lúc nào vì thiếu quan tâm đến người khác, khi ta quên mất rằng mình là thành phần của một thân thể duy nhất[311].” Qua đó ta nhận ra người cha đan viện là một mục tử nhân lành hết mực yêu thương và chăm sóc đàn chiên.

a. Viện phụ – người trao ban tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa.

Với thánh Biển Đức, trong đan viện, ngài đặt viện phụ làm vị đại diện Chúa Kitô để chăm sóc cộng đoàn: “Chúng ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người trở thành người cha không đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy”[312]. Như vậy, viện phụ được đặt làm trung gian kết nối các mối tương quan trong cộng đoàn.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 14/06/2017, Đức Thánh cha Phanxicô đã kể rằng: “Tôi nhớ biết bao bà mẹ xếp hàng để được vào thăm nuôi trong nhà tù của Giáo phận trước đây tôi làm Giám mục. Họ không xấu hổ. Đứa con của họ ở trong nhà tù nhưng nó là con của họ. Và họ chịu biết bao tủi nhục rồi lại bị lục soát trước khi được vào nhà tù – đến với đứa con của mình. Nhưng ‘nó là con tôi.’ Và có những người đã nói với họ rằng: ‘Nhưng bà ơi, con bà là một tên tội phạm!’ Vậy mà những người mẹ đó chỉ một mực đáp: ‘Nó là con tôi!’” Từ đó, ngài đi đến một kết luận: Chỉ có tình yêu của người mẹ, người cha làm cho chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa như thế nào. Tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên con cái được Ngài yêu thương. “Epraim có phải là đứa con Ta yêu dấu, một đứa con Ta rất mực yêu mến? Vì mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại thấy nhớ thương, nên lòng Ta bồi hồi thổn thức. Ta thương nó, thương nó thật nhiều” (Gr 31,20).

Như Chúa Giêsu, viện phụ đảm nhận chăm sóc đàn chiên mà Chúa Cha đã trao phó cho ngài, dẫn đưa đàn chiên tiến về đường nẻo bình an. Để làm được điều này, thánh Biển Đức dạy: “Viện phụ không ngôn hành bất nhất”, khi tỏ ra nghiêm khắc, lúc lại âu yếm như cha hiền… Bằng một tình yêu mới, viện phụ như người cha chú ý đến mọi sự, ngài để ý đến mọi người trong những nhu cầu thiết yếu nhất. Với sự tinh tế dịu dàng này, người cha sẽ nhắm đến mỗi người riêng biệt nhưng không hề mất đi cái nhìn toàn diện. Bên cạnh đó, như người cha gia đình, viện phụ phải giữ đúng vai trò của mình.“Hướng môn đệ về với Chúa Cha chứ không giữ lại cho mình; không tìm hài lòng mọi người, nhưng khơi dậy nơi mỗi người tiếng kêu gọi từ trong thâm tâm mời tham gia vào tiến trình phụ tử này[313].” Không có gì dịu dàng hơn tình yêu của người cha dành cho những đứa con. “Trong đó, cha hy vọng không áp đặt điều gì khắt khe nặng nề. Nhưng nếu theo lẽ phải cần quy định điều gì hơi nghiêm nhặt hầu giúp sửa chữa nết xấu và bảo toàn đức ái, thì con đừng vội lo sợ mà lìa bỏ con đường cứu độ, vì ‘vạn sự khởi đầu nan’”(Lời mở, 46-48). Tu Luật đòi hỏi nơi người cha một tình thương đặc biệt, lòng ân cần âu yếm với những anh em đau yếu, người già và trẻ em (x. Tu Luật 36 và 37). Đối với anh chị em bị tuyệt thông thì những đôi tay của anh em trong cộng đoàn liên kết trong lời cầu nguyện và đôi mắt của viện phụ luôn chăm chú trên họ bằng một tình yêu thương lo lắng. Viện phụ luôn ở gần an ủi và quan tâm để dẫn anh chị em đó hoán cải, trở lại một cách an vui với cộng đoàn. Thomas Merton đã diễn tả cho ta thấy một tình yêu dịu dàng tế nhị, khi cha giáo tập đến gặp và nhận ngài vào tập viện, một cách dịu dàng và trìu mến, cha ngồi xuống cạnh bên và hỏi: “Bầu khí thinh lặng này có làm cho con sợ không?”[314]. Chỉ qua câu hỏi ấy thôi cũng đủ để cho chúng ta cảm nhận được tình yêu ấm áp của người cha và điều đó làm cho chúng ta rung động. Và cho đến ngày nay trong các đan viện, tình yêu ấy vẫn không ngừng triển nở.

Viện phụ cần phản chiếu gương mặt của vị mục tử nhân lành và dẫn dắt con cái của mình trên hành trình tìm kiếm ý Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi viện phụ “hãy luôn nhớ mình là gì, mang danh hiệu gì. Ngài phải biết rằng: kẻ được ủy thác nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ngài hãy nhận thức rằng: Ngài đã lãnh nhận một nhiệm vụ khó khăn và cam go biết bao, tức là việc hướng dẫn các linh hồn và phục vu bá tính. Quả thế, phải dịu dàng với người này, khiển trách người nọ, thuyết phục người kia. Ngài phải tùy theo tính tình và trình độ hiểu biết của họ mà thích ứng sao cho phù hợp với mọi người, để không những khỏi phải buồn vì đoàn chiên được ủy thác bị thiệt thòi, mà còn vui mừng vì đàn chiên lành tăng số” (Tu Luật 2,30-32).

Triết gia hiện sinh Công giáo Gabriel Marcel cho rằng Thiên Chúa là huyền nhiệm và mỗi người cũng là huyền nhiệm. Vì thế, khi nhận trách nhiệm chăm sóc các linh hồn, viện phụ phải chấp nhận đối mặt với các huyền nhiệm, nên không thể dùng lí trí để hiểu mà phải có sự tiếp xúc. Càng tiếp cận càng mở rộng, càng đi sâu càng khám phá. Tuy nhiên, viện phụ không bao giờ được phép biến con cái mình thành những đối tượng, những đồ vật để sở hữu và sử dụng:“Mỗi khi thi hành thiên chức làm cha, chúng ta phải luôn nhớ rằng thiên chức ấy không liên quan đến sự chiếm hữu, mà là một “dấu chỉ” hướng đến một tình phụ tử lớn hơn[315]”, nhưng là để chăm sóc, yêu thương và tạo mọi cơ hội thuận tiện cho con cái được phát triển toàn diện.

b.  Yêu mến viện phụ bằng tình yêu khiêm cung

“Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa xót thương những ai kính sợ Người” (Tv 103,13) nên không có lỗi lầm nào nặng hơn cho các đan sĩ sống trong gia đình đan viện mà bất phục tùng người cha của mình. Tất nhiên, người cha sẽ có trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về những đứa con, nhưng chính những đứa con bất tuân, bất chấp sự ân cần chăm sóc của cha, không trở nên dễ bảo và ngoan ngoãn sẽ phải chịu án phạt vì sai lỗi ấy. Nhưng đã là những người con, một khi cảm nhận được tình yêu của người cha, một cách tự nhiên tình cảm sẽ nảy sinh, chúng ta sẵn sàng đáp trả tình yêu đó.

Thiên Chúa đặt chúng ta trong mối tương giao tình yêu với viện phụ. Chính vì vậy, người cha của cộng đoàn cũng là người cha thiêng liêng của chúng ta, đáng được hưởng một tình yêu đặc biệt nơi chúng ta. Tình yêu chúng ta dành cho cha mình phải là tình yêu thật, nó không mang tính cảm xúc, hay chỉ để nịnh bợ, nhưng đó là một tình yêu với hết cả tâm hồn. Thánh Biển Đức mong rằng tình yêu ấy hoàn toàn khiêm tốn, không phô trương, “kính sợ Chúa trong đức ái, kính yêu viện phụ trong tình mến chân thành và khiêm tốn. Tuyệt đối không lấy gì hơn Chúa Kitô, nguyện xin Ngài dẫn đưa tất cả chúng ta đến cuộc sống đời đời” (Tu Luật 72,9-11). Chúng ta sẵn sàng cởi mở tâm hồn trước viện phụ và đón nhận tất cả từ nơi ngài. Chính trong sự liên kết với các tâm hồn, viện phụ trở nên một người bạn chân thành và đáng tin cậy, một người cha tế nhị và dịu dàng. Người cha đó luôn sống giữa chúng ta. Chúng ta là những người con luôn sống chừng mực, tế nhị và tôn kính, thảo hiếu, chân thành. Đó là cách thức thể hiện tình yêu của chúng ta đối với viện phụ.

c. Tất cả là anh em

Trên con đường đi đến điểm đích, chúng ta nhận ra chúng ta cần nhau, bởi vì, “tất cả chúng ta chỉ là một trong Chúa Kitô” (Gl 3,28). Sau mỗi kì Olympic quốc tế, người ta thường tổ chức thêm Paralympic Game, giải thể thao quốc tế dành cho vận động viên khuyết tật. Trong giải marathon đường ngắn của Paralympic, một vận động viên bỗng nhiên bị ngã dọc đường trong lúc thi đấu. Ngay lúc đó, một vận động viên khác dừng lại và đến bên người này, rồi người đó dùng tay đỡ người bị ngã lên. Nhưng cũng chính vào thời điểm ấy, thật bất ngờ, các vận động viên khác trên đường đua cũng dừng lại và đến bên hai người. Rồi tất cả cùng dìu nhau về đích trong tiếng reo hò. Chúng ta cũng vậy, chúng ta được sống trong mối dây tình thân, được gọi những người sống bên cạnh chúng ta là anh, là chị, là em, chúng ta cùng dìu nhau tiến về cuộc sống đời đời trong tiếng ca của muôn thiên thần.

Trên thực tế, những người sống trong mối dây tình thân này có rất nhiều sự khác biệt, nhưng chính sự khác biệt đó lại là những thành phần cấu tạo nên huyền nhiệm trong Chúa Kitô. “Tất cả mỗi người trong chúng ta sẽ thêm vào một cái gì vượt ra ngoài tầm tay với của chúng ta. Thế nhưng chúng ta chẳng ý thức được điều đó là gì. Nhưng chúng ta biết rằng, theo ngôn ngữ thần học, thì tất cả chúng ta đều là chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, và rằng tất cả chúng ta cùng nhau lớn lên trong Ngài và cho Ngài, cùng với tất cả những gì đã được Thiên Chúa sáng tạo[316]. Nếu một cộng đồng pháp nhân, trong đó các thành viên cần thần phục quyền bính của người đứng đầu, thì đan viện như một gia đình càng cần sự hiệp nhất thiêng liêng của một Thân Thể Huyền Nhiệm. Toàn bộ nét hài hòa này thật đa dạng. Chúng ta cần vươn tới một ước mơ vĩ đại luôn có chỗ cho mọi người. Một tình yêu kết hợp chúng ta lại với nhau trong tình huynh đệ thanh khiết (x. Tu Luật 72,8). Điều hiển nhiên là cuộc sống sẽ khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác nhưng đồng thời nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Mẹ Têrêxa Calcutta khẳng định rằng: “Sinh ngữ sống động nhất là đức bác ái.” Vậy chúng ta sẽ sống thế nào để luôn bảo tồn được đức bác ái?

Trong chương 72 của Tu Luật thánh Biển Đức nói rõ: “Phải ân cần tôn kính lẫn nhau, hết mực nhẫn nại và chịu đựng những yếu đuối xác hồn của nhau” (Tu luật 72,4-5). Emmanuel Kant nói với chúng ta: “Bạn hãy đối xử với người khác như là cứu cánh chứ không phải là phương tiện.” Vị triết gia Tin Lành khuyên chúng ta phải tôn trọng nhân vị, đặt nhân phẩm con người vào đúng vị trí. Người hàng xóm sống bên cạnh chúng ta không phải là những đồ vật vô tri vô giác nhưng là những chủ thể hiện hữu có tự do và ngôi vị. “Thánh Biển Đức tôn trọng cá nhân và đồng thời cũng nhận ra rằng mục đích của sự phát triển cá nhân là chia sẻ với người khác… Chúng ta đang sống trong lễ vọng, một biểu lộ tình thương trong cộng đoàn. Đời sống đan viện mang ý nghĩa được sống trong lễ vọng, trong sự hiệp thông (koinonia), hay trong cộng đồng thương yêu. Và nó mong đợi cuộc sống vĩnh cửu nơi tình yêu trở nên trọn vẹn”[317]. Cộng đoàn là con đường để khám phá đâu là tình yêu đích thực. Tình yêu ấy chấp nhận cho người khác cùng bước lên chuyến tàu của chúng ta. Bác ái cũng đòi phải chịu đựng nhau về những khiếm khuyết tinh thần hay thể xác của anh em, và cũng có thể thêm rằng, bác ái là chấp nhận nỗi khốn khổ yếu hèn của chính chúng ta. Chính lòng bác ái mới là nguyên lí của sức sống tinh thần và hạnh phúc, nó cứu ta thoát khỏi tính hoang dã trần trụi của lòng ích kỉ nơi ta: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô. Thật vậy, ai tưởng mình là gì mà kì thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình. Mỗi người hãy xem xét việc làm của mình, chứ không phải so sánh với người khác” (Gl 6,2-5). Chính vì điều này mà thánh Stephano Harding đã soạn thảo Hiến Chương Đức Ái, một tác phẩm chân thực về tình huynh đệ cộng đoàn. Trên tất cả chúng ta nợ nhau mối tình thân huynh đệ trong đức ái, vì chính khi yêu thương là đã chu toàn Lề Luật rồi (x. Rm 13,8).

Là những thành viên trong gia đình, làm nên các mối tương quan liên kết nối ta lại với nhau, và mời gọi chúng ta suy tư về người anh chị em để từ đó khám phá những nét đẹp của những hữu thể có tương quan với nhau. Trong cộng đoàn đan tu, không phải chúng ta được đáp ứng tất cả các nhu cầu, hay tìm được những người bạn tốt nhất trong đan viện. Nhưng là những gì chúng ta phải phấn đấu và gìn giữ quan điểm chung về lí do tại sao chúng ta sống với nhau, gắn kết với nhau và cùng chia sẻ tình yêu với nhau – tình yêu dịu dàng của một gia đình. Và chính khi chúng ta ý thức điều đó, tình yêu ngự trị giữa cộng đoàn sẽ làm những điều còn lại.

  1. Trao yêu thương, đón hạnh phúc

Lời giới thiệu trong quyển sách Ẩn viện nội tâm có trích lời nhận xét của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ nhất, trong đó viết rằng: “Khi ẩn sĩ rút lui khỏi thế giới, họ sẽ không bỏ rơi nó hoặc đồng loại của mình; Họ vẫn hoàn toàn bắt nguồn từ trái đất nơi họ được sinh ra, với nguồn lực mà họ thừa hưởng, những mối bận tâm và khát vọng mà họ thực hiện cách tốt đẹp nhất để làm nên chính mình. Thật vậy, khi họ rút lui, họ càng chiêm ngưỡng sâu sắc hơn nguồn gốc thánh thiêng của mọi sự trong thế giới, và bằng ánh sáng này, họ càng hiểu rõ hơn về những thiết kế vĩ đại của loài người[318]”.

Đan viện là một môi trường để cho tình yêu thương được lớn lên và lan tỏa. Đan sĩ ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Vì thế, đan sĩ luôn ưu tư đồng cảm với vui buồn và hạnh phúc của mọi người. Khi hòa quyện lời cầu nguyện của mình vào lời cầu nguyện của Đức Kitô, lúc đó, đan sĩ cầu nguyện cho nhân loại. Martin Luther từng nói: “Chuyển cầu có nghĩa là gửi một thiên thần cho một người nào đó”[319]. Vì vậy, đan sĩ sẵn sàng gửi thiên thần của mình đến mọi ngõ ngách của nhân thế. Chính trong không gian yêu thương và đón nhận đó, mọi người có được sự tin tưởng để phát triển phần tốt đẹp nhất nơi mình. Dù sống trong đan viện nhưng đan sĩ vẫn liên hệ sâu xa với cuộc sống, những đau khổ và những vấn đề xã hội mà con người đang đối diện. Là những người lính của Chúa Kitô, đan sĩ chiến đấu một cách mạnh mẽ trên mặt trận thiêng liêng bằng cách hiệp nhất với Chúa Giêsu trên thập giá. Như thế, một cách nhiệm mầu, đan sĩ góp phần dẫn đưa nhiều linh hồn đến với Chúa. Cho nên, việc đón khách đến đan viện luôn được đề cao.

“Mọi khách đến đan viện phải được đón tiếp như Chúa Kitô vì chính Người đã nói: “Ta là khách và các ngươi đã đón tiếp Ta.” Phải tỏ lòng tôn trọng xứng hợp với từng người, nhất là những người phục vụ Tin Mừng và khách hành hương” (Tu Luật 53,1-2). Một đòi hỏi của thánh Biển Đức trong việc quan trọng này “bề trên hoặc anh em hãy trọn tình bác ái đi đón khách” (Tu Luật 53,3). Đón tiếp khách, một cách nào đó đang thể hiện lòng yêu thương cảm thông của đan sĩ với mọi người. Như thế, đan sĩ đã sống lời Chúa Giêsu dạy: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25,35).“Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13,2). Sứ điệp trung tâm của Kitô giáo là yêu thương vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Chính vì thế, thế giới cần những con người đem đến cho hai từ “tình yêu” ý nghĩa sâu xa vốn có của sứ điệp Tin Mừng.

Lời Kết

Qua Tu Luật, thánh Biển Đức đã xây dựng nên một tình yêu dịu hiền của người cha được kết hợp với sự nghiêm minh của tôn sư. Thánh Gregorio Cả đã nhận xét về sự dung hòa này như một đặc tính chính yếu của Tu Luật, đó là một tình yêu hài hòa và dịu dàng.

Tu Luật không phải là một bản văn chết nhưng là luật sống cho bao thế hệ đan sĩ kế thừa trong đó có chúng ta. Tu Luật không trở nên ách nặng nề đè lên vai các đan sĩ, nhưng phác họa lại tình yêu Thiên Chúa trong cuộc đời mình, một tình yêu dịu dàng nhưng mạnh mẽ của đời sống cộng tu; là tiếng Chúa mời gọi dịu êm nhưng dứt khoát cho người môn đệ “khi đã cầm cày” không ngoảnh lại đằng sau. Tu Luật giúp đan sĩ chạy nhanh trên con đường yêu mến trong sự khiêm nhường phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em, với khí cụ là các việc lành của đời đan tu.

Nhờ Tu Luật, đan sĩ được rèn luyện để có một con tim an hòa và biết lắng nghe. Lắng nghe tiếng Chúa thì thầm dạy bảo qua Tu Luật, qua bề trên và anh chị em. Khi được sống dưới sự hiện diện và ánh nhìn yêu thương của Thiên Chúa, tâm hồn đan sĩ như tấm bọt biển mềm mại mở ra cho tình yêu Thiên Chúa thẩm thấu để giải thoát tâm hồn khỏi những đam mê ràng buộc. Hơn nữa, qua việc cầu nguyện và hy sinh, cuộc đời đan sĩ cũng chuyển tải tình yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa tới mọi miền thế giới, giúp đỡ ai đó trong nơi khô cằn nắng hạn của sa mạc gặp được dòng nước mát nơi suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa.

MỤC LỤC

Lòng Bao Dung Của Giuse đối với các anh. 5

Chúc Lành Và Chúc Dữ. 22

Hãy Đi Và Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ. 31

Tình Huynh Đệ Đại Đồng. 43

Một Đi Chung Cùng Nhau. 55

Tình Bạn Thiêng Liêng Của Thánh Aelredo. 74

“Tha Nhân Là Hỏa Ngục” Hay “là một phần đời tôi?”. 101

Thơ tứ hải giai huynh đệ. 116

Thuộc Về Một Gia Đình. 117

Đan Viện – Xã Hội Đại Đồng Và Tứ Hải Giai Huynh Đệ. 129

Động Lực Tình Huynh Đệ. 145

Xây Dựng Hợp Nhất Huynh Đệ cộng đoàn đan tu. 161

Một Nền Văn Hóa “Gặp Gỡ”. 174

Nhận Và Trao Nhưng Không. 185

Tha Thứ Và Hoà Giải 199

Mặt Tối Của Huynh Đệ. 219

Xây Dựng Một Thế Giới Tươi Đẹp Hơn. 230

Tình Yêu Rộng Mở Theo Thông Điệp Fratelli Tutti 244

Tu Luật Thánh Biển Đức. 255

 

CÁC CHỦ ĐỀ NỘI SAN HGCN ĐÃ PHÁT HÀNH

  1. SUỐI NGUỒN CHIÊM NIỆM
  2. HƯƠNG VỊ LỜI CHÚA
  3. THAO THỨC
  4. NẺO ĐƯỜNG SỐNG ĐẠO
  5. CỘI NGUỒN HY VỌNG I
  6. CỘI NGUỒN HY VỌNG II
  7. THỬ THÁCH
  8. TRONG LÒNG GIÁO HỘI
  9. DÁM ĐỐI DIỆN
  10. TRÊN NỀN TẢNG ĐỨC KITÔ
  11. BÉN RỄ SÂU TRONG CHÚA KITÔ
  12. HIỆP THÔNG
  13. CÁM DỖ
  14. CANH TÂN
  15. NIỀM VUI PHÚC ÂM
  16. BÌNH AN
  17. HIẾN DÂNG
  18. SAY MÊ THIÊN CHÚA I
  19. SAY MÊ THIÊN CHÚA II
  20. HUYỀN NHIỆM HIỆP THÔNG I
  21. HUYỀN NHIỆM HIỆP THÔNG II
  22. ‘TỪ CỘI NGUỒN PHƯỚC SƠN – QUẢNG TRỊ…’
  23. … Hướng Tới Tương Lai
  24. Nhiệt tâm sống thánh
  25. THINH LẶNG
  26. CHỮ TÌNH
  27. LẮNG NGHE
  28. Môi Sinh
  29. Tứ hải giai huynh đệ

[1] R.J. Clifford & R.E. Murphy, «Genesi», trong R.E. Brown – J.A. Fitzmyer – R.E. Murphy [ed.], Nuovo Grande Commentario Biblico, Queriniana, Brescia 20143,50

[2] R.J. Clifford & R.E. Murphy, «Genesi», 52

[3] R.J. Karris, “Il Vangelo secondo Luca”, trong Nuovo Grande Commentario Biblico, 923

[4] R.J. Clifford & R.E. Murphy, “Genesi”, 52

[5] Cfr. J.M. Boice, Genesis. An expositional commentary, vol. III, Baker Books, Grand Rapids (Mich.) 19982, 1074

[6] R.J. Clifford & R.E. Murphy, “Genesi”, 52

[7] Dictionaire de Théologie Biblique, Excelcis, Benediction et malediction

[8] Dictionaire de théologie Biblique, Abraham. Ed. Excelsis Danh xưng dòng dõi thường được hiểu về số nhiều và cũng có thể về số ít: Một người thuộc về dòng dõi của ông là Đức Giêsu Kitô

[9] Nguyên ngữ của tiếng Hy Bá “Brk” (chúc lành) có nghĩa là nói tốt như Pháp ngữ đã chuyển dịch Benediction (bien-dire), nhưng còn có ý nghĩa là “đầu gối”, hay “cúi đầu gối xuống”, “cúi rạp mình xuống”. Hình ảnh này gợi lên thái độ của một người cúi rạp mình xuống để nhận phúc lành. (Théological Dictionary of the Old Testament, Vol II, berekh, beràkhàh)

[10] Có lúc vì không hiểu được Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Người như thế nào vì tình trạng của hai ông bà đã quá già cho việc sinh sản, nên cả hai có cười… cười cho chính mình (St 17, 17-19)

[11] Dictionaire de théologie Biblique, Abraham

[12] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Abraham

[13] J. Skinner, Genesis, p. 329

[14] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Kính sợ Thiên Chúa

[15] André Venin, L’homme Bilbique, ed. du Cerf, 2004. p.74

[16] Benedicto XVI, Hãy Đi Và Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ, Chuyển ngữ: Nguyễn Minh Triệu. http://conggiao.info/hay-di-va-lam-cho-muon-dan-tro-thanh-mon-de—su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-quoc-te-gioi-tre-2013-d-11875. Tải xuống ngày 22.4.2021

[17] Claude Tassin, Tin Mừng Thánh Matthêu, Chú giải mục vụ, Centurio, 1991, tr. 547

[18] x. Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Mátthêu dùng trong phụng vụ, Tôn giáo, Hà nội, 2007, tr. 391

[19] x. Benedicto XVI, Hãy Đi Và Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ, Chuyển ngữ: Nguyễn Minh Triệu. http://conggiao.info/hay-di-va-lam-cho-muon-dan-tro-thanh-mon-de—su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-quoc-te-gioi-tre-2013-d-11875. Tải xuống ngày 22.4.2021

[20] x. Vũ Phan Long, Sđd, tr. 392

[21] Rudolf  Schnackenburg, Tin Mừng Mátthêu, chuyển ngữ:  Phạm Thị Huy, Nxb Tôn giáo, tr. 354

[22] x. Vũ Phan Long, Sđd, tr. 392

[23] x. Claude Tassin, Sđd, tr. 547

[24] x. Benedicto XVI, Hãy Đi Và Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ, Chuyển ngữ: Nguyễn Minh Triệu http://conggiao.info/hay-di-va-lam-cho-muon-dan-tro-thanh-mon-de—su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-quoc-te-gioi-tre-2013-d-11875. Tải xuống ngày 22.4.2021

[25] x. Nguyễn Văn Nhơn, Linh Mục và Việc Loan Báo Tin Mừng Ngày Hôm Nay, tr. 17

[26] x. Trương Bá Cần- Phan Khắc Từ, Truyền Giáo Hôm Qua và Hôm Nay, tr. 45-80

[27] Rudolf Schnackenburg, Sđd, tr. 355

[28] x. Giáo hoàng học viện Đà Lạt, Điển ngữ thần học Thánh Kinh, Đa Lạt, 1974, tr. 80-81

[29] x. Sđd, tr. 82

[30] x. Benedictô XVI, sđd

[31] Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, tr. 63

[32] x. Benedicto XVI, sđd

[33] Thông điệp Fratelli Tutti, số 13

[34] Ibid. Số 12

[35] Ibid. Số 18-20

[36] Huấn thị của Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Hoạt động tông đồ, ban hành ngày 19-5-2002

[37] Vat. II. PC 2b

[38] TL, Lời mở 2

[39] DOM COLUMBA MARMION, Chúa Kitô lý tưởng đan sĩ, bản dịch Châu Sơn, Lhnb, tr. 26

[40] DN 138

[41] ST THOMAS D’AQUIN, S. v. II-II, q. 88, a. 11

[42] THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, Khúc linh ca, bản dịch Trăng Thập Tự và Nguyễn Uy Nam, NXB Tôn giáo 2003, tr. 483-484

[43] HT, tr. 281-282

[44] Khi ông Phán Thêm muốn hỏi cô Phùng Xuân làm vợ thì cô nói: em cám ơn ông đã thương em mà cứu vớt tấm thân em. Nhưng em e rằng sẽ không làm trọn bổn phận đạo vợ chồng với ông vì khối tình của em đã cạn. Ông Phán nói là ông cưới cô em chỉ vì muốn cho em được vui, được sung sướng tấm thân, ông cưới cô em là vì nghĩa, chứ tình của ông cũng đã héo hon kể từ khi vợ và con gái ông chết trong tai nạn đắm tàu… Cưới cô Phùng Xuân rồi, cuộc sống của ông Phán Thêm thật là vui vẻ hạnh phúc. Tuy đang thưởng thức bức tranh cuộc sống hiện tại thật tuyệt vời, nhưng mà ông Phán vẫn thấy còn một điểm mờ trong bức tranh ấy, đó là cái tình. Lâu nay ông chỉ lấy cái nghĩa mà đối đãi với cô Phùng Xuân và cô cũng vậy. Ước gì cuộc sống vợ chồng ông Phán mà có tình với nhau nữa thì trọn vẹn và viên mãn biết bao! Bức tranh ấy đã thành toàn khi cô Phùng Xuân dứt tình cũ với ông thầy thuốc Cổn vốn đã làm cô thân bại danh liệt khi cha mẹ sa cơ lỡ vận.

[45] Xem Thích Nhất Hạnh, “Tình và Nghĩa” trong “Bản quyền: cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam – http://truongtoc.com.vn”

[46] “Life of David, King of the Scots” (1153); “The Life of Saint Edward, King and Confessor” (1161–63). “A Certain Wonderful Miracle” (1160),…

[47] Trong bài này, chúng tôi dựa chính yếu trên tác phẩm Aelred de Rievaulx, L’Amitié spirituelle, [Coll. Vie monastique n. 30], Abbaye de Bellefontaine, Bégrolles-en-Mauges, 1997. Trong phiên bản này được Soeur Gaëtane de Briey, O.C.S.O, đan viện Clairefontaine, dịch từ bản Latin, dẫn nhập, chú thích và mục lục

[48] Thánh Aelredo cũng sử dụng và triển khai thêm định nghĩa về tình bạn của Cicéron: “L’amitié, dit Cicéron, est un accord sur les choses humaines et divines, accompagné de bienveillance” (Cicéron nói, tình bạn là một thỏa ước trên những gì liên quan đến con người và thần linh, kèm theo những điều thiện hảo) (CICERON, De l’amitié, 20); “Amitié vient d’ami et ami vient d’amour” (Tình bạn đến từ người bạn, người bạn đến từ tình yêu) (CICER. 26)

[49] Thực ra công trình của thánh Aelredo đã được sao chép, phiên dịch, tóm lược rất rộng rãi từ suốt nhiều thế kỷ nay. Tên tuổi thánh nhân được đưa vào các thủ bản luân lý, tu đức trong đời sống thiêng liêng và thăng tiến đời sống huynh đệ cộng đoàn. Trong phần này, chúng tôi sử dụng bản tóm tắt học thuyết tình bạn thiêng liêng của thánh Aelredo mới được tìm thấy trong hai thủ bản tại Anh Quốc năm 1958, do ngài Anselmo Hoste khám phá ra. Theo ngài, bản văn này có thể là lược đồ cho phiên bản Đối Thoại (đã nói trên kia), hoặc là bản tóm lược các điều quan yếu vì lẽ có nhiều bản tản mạn.  (Cf. Saint Aelred, trong https://livres-mystiques.com; cf. Saint Aelred, L’Amitié spirituelle, I,11.45-49; II,9.12-14)

[50] Xem quyển III, 8.55

[51] Xem quyển III, 14.52

[52] Xem III,61.62.66.88

[53] Xem III, 23-25.46.56

[54] Xin trích nguyên văn Hiến Pháp Hội Dòng Xitô Thánh Gia, số 104: “Với lời Khấn Bền Đỗ, tu sĩ tự nguyện kiên định trong nếp sống đan tu và sống chết với anh em trong đan viện mình khấn”

[55] Dilection, affection, confiance, joie

[56] https://www.cnrtl.fr/definition/dilection (25.5.2021). Etienne Gilson, l’Esprit de la Philosophie médiévale, Vrin, 1932, p.79

[57] Theo Đài RFI và Vatican, đến đầu năm 2021, bà thủ tướng Đức quốc, Angela Merkel trở thành người hùng chói ngời hào quang chính trị, vì đã có tầm nhìn xa, tiếp nhận người nhập cư. Nước Đức đã chi 83 tỷ Euros cho người nhập cư, nhưng nay đã thu về nguồn lợi gấp nhiều lần do việc tái định cư này mang lại.

[58] Những chế độ độc tài chuyên chế, tôn thờ lãnh tụ, những vị chính khách tham quyền cố vị, sẵn sàng sửa Hiến Pháp để tiếp tục nắm quyền, những vị nhu nhược không thể bảo vệ công dân của mình và những hệ lụy liên quan,… đều là những chủ đề lớn của tin tức thời sự thế giới.

[59] E. Bezzo, L’inferno sono gli altri: lo sguardo dell’altro secondo Sartre, arenaphilosophika.it, truy cập 14/03/2021

[60] x. J.P. Sartre, L’essere e il nulla, trad. di G. Del Bo, Il Saggiatore, Milano 1964

[61] x. J.P. Sartre, Porta chiusa, trad. di G. Lanza e M. Bontempelli, Bompiani, Milano 2013

[62] x. R. Panikkar – M.Cacciari – J.L.Touadi, Il problema dell’altro. Dallo scontro al dialogo tra le culture, Città di Castello 2007, 9-26

[63] Fratelli Tutti, số 30

[64] x. Nhóm Alpha, Tình yêu và cuộc sống gia đình, tr. 5-6

[65] x. R.Veritas, Bí Quyết Hạnh Phúc Gia Đình, tr. 146

[66] x. Ibid., tr. 130

[67] x. Phạm Văn Dũng, Đời Sống Cầu Nguyện, tr. 97

[68] x. R. Voillaume, Với Chúa Với Anh Em, tr. 5

[69] x. Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pio X Đà Lạt – Việt Nam, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, tr. 1684

[70] Gioan Phaolo II, Tông Huấn Về Gia Đình, tr. 15

[71] x. Phạm Văn Dũng, Đời Sống Cầu Nguyện, tr. 97

[72] x. Nắng Tím, Chúng Tôi Đã Gặp Ngài, tr. 105-107

[73] x. Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Trở Nên Người Anh Em, tr. 59

[74] x. Michel Hubaut, Sống Với Chính Mình, Với Anh Em, Với Thiên Chúa, Trần Thiết chuyển ngữ, tr. 66-67

[75] x. Nắng Tím, Chúng Tôi Đã Gặp Ngài, tr. 80tt

[76] x. Thiên Phú, Tình Chúa-Tình Người, tr. 9

[77] x. Hoàng Sơn- Hoàng Sĩ Qúy, Sống Đạo Giữa Đời, tr. 213

[78] x. Samuel H. Canilang, Hiệp thông Và Truyền Giáo Trong Đời Sống Thánh Hiến, Chuyển ngữ: Đinh Hữu Thoại, tr. 79

[79] x. Tha nhân là quà tặng, Lưu hành nội bộ

[80] x. Samuel H. Canilang, Hiệp thông Và Truyền Giáo Trong Đời Sống Thánh Hiến, Chuyển ngữ: Đinh Hữu Thoại, tr. 101

[81] x. Nắng Tím, Chúng Tôi Đã Gặp Ngài, tr. 80

[82] x. Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pio X Đà Lạt- Việt Nam, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, tr. 1686

[83] x. Phanxico, Đồng Hành với Gia Đình, Chuyển ngữ: Phan Văn Phi, tr. 58

[84] x. Gioan Phaolo II, Nói Về Truyền Giáo, tr. 67

[85] x. Michel Quoist, Đức Kitô Hẹn Gặp Tôi, Chuyển ngữ: Trọng Nhạc, tr. 188

[86] x. Đỗ Minh Trí, Đi Tìm Anh Em, tr. 207

[87] x. Ibid., tr. 3

[88] x. Ibid., tr. 57

[89] x. Phạm Văn Dũng, Đời Sống Cầu Nguyện, tr. 10

[90] x. Michel Hubaut, Sống Với Chính Mình, Với Anh Em, Với Thiên Chúa, Chuyển ngữ: Trần Thiết, tr. 66

[91] x. Chu Quang Minh, Nghe Yêu, tr. 7-8

[92] x. Ibid., tr. 48

[93] x. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Về Gia Đình, tr. 25

[94] x. Đỗ Minh Trí, Gia Đình Năm 2000, tr. 7-8

[95] x. Ibid., tr. 46

[96] x. Phanxicô, Đồng Hành với Gia Đình, Chuyển ngữ: Phan Văn Phi, tr. 56

[97] x. Ibid., tr. 106

[98] x. R. Voillaume, Với Chúa Với Anh Em, tr. 48

[99] x. Đỗ Minh Trí, Đi Tìm Anh Em, tr. 56

[100] x. Ibid., tr 101

[101] x. Đỗ Minh Trí, Gia Đình Năm 2000, tr. 10

[102] x. Phạm Văn Dũng, Đời Sống Cầu Nguyện, tr. 42

[103] x. Trần Văn Hiệu, Đường Vào Tình Yêu – Tình Là Gì, tr. 5

[104] x. Phanxicô, Đồng Hành với Gia Đình, Chuyển ngữ: Phan Văn Phi, tr. 196

[105] x. Đỗ Minh Trí, Gia Đình Năm 2000, tr. 187

[106] x. Ibid., tr. 2

[107] Thông điệp Fratelli Tutti, số 5

[108] Sđd, số 8

[109] Người nước Vệ thời Xuân Thuhọ Bốc tên Thương, là học trò giỏi về văn học của Khổng Tử. Ông chuyên về Kinh Thi. Những người học tậpnghiên cứu Kinh Thi các đời sau đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của ông. Sau khi Khổng Tử qua đời, ông mở trường dạy học ở Tây HàNgụy Văn Hầu tôn đãi ông vào bậc thầy. – https://vi.wiktionary.org/wikiTử_Hạ#Tiếng_Việt

[110] Luận Ngữ, Nguyễn Hiến Lê dịch

[111] https://vi.wikipedia.org/wiki/ Đại_dương

[112] http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/đại đồng

[113] https://hvdic.thivien.net

[114] vi.wikipedia.org › wiki › Đại_đồng_(tư_tưởng)

[115] vi.wikipedia.org › wiki  Đại_đồng_(tư_tưởng)

[116] Vita Consecrata, số 51

[117] x. Phan Tấn Thành, Tình Huynh Đệ Kitô Giáohttps://catechesis.net/tinh-huynh-de-kito-giao/

[118] Lm. Px. Đào Trung Hiệu, Cuộc Lữ Hành Đức Tin – Hội Thánh Phục Hưng Và Hiện Đại, thế kỷ XV- XXI, tr 74

[119] Giulio Girard, Chủ Thuyết Mác-xít và Kitô giáo, the Macmillan Company, New York, tr 88

[120] x. Xu hướng này xuất hịện vào thế kỷ XVIII với David Hume và phát triển mạnh với Jeremy Bentham (1748-1832), và John Stuart Mill (1773-1836)

[121] x. Đạo Đức Sinh Học, Nhóm biên soạn, 2003, tr 60

[122] x. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti – Về Tình Huynh Đệ & Tình Bạn Xã Hội 03/10/2020, số 10-24

[123] x. Sđd, số 27-28

[124] x. Sđd, số 29

[125] x. Sđd, số 42-50

[126] x. Joel Peters, Hai Mươi Mốt Lý Do Để Phủ Nhận Giáo Thuyết Duy Kinh Thánh, Phạm Bảo chuyển ngữ, tr 127

[127] Felicisimo Diez Martinez, OP, Đời Tu – Gạn Đục Khơi Trong, Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, O.P chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 76

[128] x. Joseph Ratzinger, Đấng Chịu Đâm Thâu, Phaolô Nguyễn Luật Khoa OFM, chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 142

[129] Thông điệp Deus Caritas Est – Thiên Chúa Là Tình Yêu của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI ban hành ngày 25/12/ 2005, số 1

[130] X. Hiến chế Gaudium et Spes, số 24

[131] Hiến chế Gaudium et Spes, số 23

[132] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 4

[133] x. Sđd, số 4

[134] Di Ngôn, số 136

[135] x. Admonitions, 6, 1. Bản dịch tiếng Anh trong Francis Assisi: Early Documents, Tập I, New York, London, Manila (1999), tr 131

[136] x. Fratelli Tutti, số 1

[137] x. Sđd, số 103

[138] x. Sđd, số 8

[139] x. Sđd, số 9

[140] Sđd, số 108

[141] Fratelli Tutti, số 109

[142] Sđd, số 181

[143] x. Điệp ngữ “chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập” lặp lại rất nhiều lần trong Cựu Ước (x. Xh 22, 20; 23, 9; Lv 19, 33-34; Đnl 24, 21-22), xem thêm Fratelli Tutti, số 61

[144] x. Fratelli Tutti, số 86

[145] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông thư gửi tất cả các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến, số 51

[146] x. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 89

[147] Thông điệp Fratelli Tutti, số 30

[148] http://conggiao.info/cac-kito-huu-tim-kiem-su-hiep-nhat-nhung-nguoi-ua-noi-xau-thich-gay-chia-re-d-35551. Tải xuống ngày 27.10.2021

[149] Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Cộng Đoàn, “Congregavit nos in unum Christi amor”, Rôma, 2/2/1994, số 1

[150] x. Elon Foster, Sermon Illustrations: An Omnibus of Classic Sermon Illustrations (Grand Rapids: Baker, 1972), tr. 119

[151] Đức giáo hoàng Biển Đức XVI, diễn từ Đại Hội Thánh Thể Toàn Quốc lần 24, trích Gioan Lê Quang Vinh, VRNs, ngày 23 tháng 4 năm 2011.

[152] Wilfrid Stenissen, Écoute le vent souffler, Méditations sur le Saint -Esprit, Éd. Béatitudes, Roma, 2016, p. 129

[153] José Cristo Rey, Teologia de la Vida Religiosa, Đời tu, hiệp thông và cộng đoàn, chuyển ngữ Giuse Đỗ Ngọc Bảo, Madrid, 2008, p. 14

[154] Wilfrid Stenissen, Écoute le vent souffler, Méditations sur le Saint -Esprit, Éd. Béatitudes, Roma, 2016, p.138

[155] x. José Cristo Rey, Teologia de la Vida Religiosa, Đời tu, hiệp thông và cộng đoàn, chuyển ngữ Giuse Đỗ Ngọc Bảo, Madrid, 2008, p. 28

[156] x. Vita Consecrata, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, 1996, số 63

[157] Hiến Pháp Hội Dòng Xitô Thánh Gia, số 168

[158] Fratelli Tutti, số 8

[159] Sđd, số 62

[160] Sđd, số 64

[161] x. Sđd, số 63

[162] x. Sđd, số 104

[163] x. Sđd, số 104

[164] x. Sđd, số 102

[165] Sđd, số 70

[166] Sđd, số 70

[167] Tông huấn Evangelii Gaudium, số 92

[168] Sđđ, số 101

[169] Sđd, số 92

[170] Thông Điệp Fratelli Tutti, Lm. Lê Công Đức chuyển ngữ, số 12

[171] x. Sđd, số 11

[172] https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/pham-van-dong-voi-van-hoa-truyen-thong-412744

[173] Gaudium et Spes, số 12

[174] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Sđd, số 16

[175] Sđd, số 29

[176] Evangelium Gaudium, Niềm Vui tin Mừng, Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ, số 2

[177] x. Thông điệp Fratelli Tutti, Lm. Lê Công Đức chuyển ngữ, số 11

[178] x. Sđd, số 13

[179] x. Sđd, số 20

[180] x. Sđd, số 24

[181] x. Sđd, số 12

[182] Tóm tắt thông điệp “Fratelli tutti – Tất cả anh emhttps://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-10/tom-tat-thong-diep-fratelli-tutti.html, (số 145-146)

[183] x. Đức thánh Cha Phanxicô, Sđd, số 134

[184] Công Đồng Vaticano II, Hiến chế  Gaudium et Spes, Về Mục vụ Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 1

[185] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sđd, số 22

[186] Đức thánh cha Phanxicô, Sđd, số 140

[187] x. FELIX PODIMATTAM, OFM CAp, Cộng Đoàn Đời Sống Thánh Hiến, Nguyễn Ngọc Kính chuyển ngữ, nxbtg, tr. 30

[188] x. Abbot Christopher Jamison, Tìm Kiếm Hạnh Phúc, M. Phanxicô Assisi Phạm Đức chuyển ngữ, Ocist, tr.117

[189] Vài dư âm về Thông điệp Fratelli Tutti của Đức thánh cha Phanxicô – Vatican News

[190] Đức thánh cha Phanxicô, Sđd, số 31

[191] Thông điệp Fratelli Tutti, tiêu đề chương I

[192] Sđd, số 3

[193] x. Chương I của Fratelli Tutti

[194] x. Chương III của Fratelli Tutti

[195] x. Chương V của Fratelli Tutti

[196] https://hoasenphat.com/kien-thuc-tong-hop/goc-suy-ngam/y-nghia-cua-su-tha-thu-trong-phat-giao.html (18.04.2021)

[197] http://vntaiwan.catholic.org.tw/tinnhiem/tinnhiem171b.htm (18.04.2021)

[198] Thông điệp Fratelli Tutti, số 242

[199] Thông điệp Fratelli Tutti, số 236

[200] Thông điệp Fratelli Tutti, số 236

[201]  LM. Jean Monbourquette, OMI, Lm. Micae Phaolô Trần Minh Huy, Làm Sao Tha Thứ, Nxb. Tôn Giáo, 164. X. FT, số 237

[202] Thông điệp Fratelli Tutti, số 237

[203] Đây cũng là tên của Thông điệp của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. nói về sự hiệp nhất các Kitô hữu, ban hành ngày 25.05.1995

[204] x. LM. Jean Monbourquette, OMI, Lm. Micae Phaolô Trần Minh Huy, Làm Sao Tha Thứ, Nxb. Tôn Giáo, tr. 164; x. FT, số 237

[204] Thông điệp Fratelli Tutti, số 238

[205] LM. Jean Monbourquette, tr. 187

[206] LM. Jean Monbourquette, Sđd, tr. 187-188

[207]x. LM. Jean Monbourquette, Sđd, số 187-188

[208] GLCG, số 2842

[209] Sđd, số 2844

[210] Sđd, số 2844

[211] Ronald Rolheiser, Chiều Sâu Thinh Lặng, Chuyển ngữ: JB. Nguyễn Thái Hoà, Nxb. Antôn và Đuốc Sáng 2017, tr. 45

[212] Sđd, tr. 46

[213] LM. Jean Monbourquette, OMI. Làm Sao Tha Thứ, Lm. Micae Phaolô Trần Minh Huy, PSS , Nxb. Tôn Giáo, 233

[214] Thông điệp Fratelli Tutti, số 241

[215] x. LM. Jean Monbourquette, Sdd, tr. 232-381

[216] LM. Jean Monbourquette, tr. 240-241

[217] Thông điệp Fratelli Tutti, số 251

[218] x. LM. Jean Monbourquette, tr 182-183

[219] Sđd, tr 183

[220] Thông điệp Fratelli Tutti, số 246

[221] Sđd, số 250

[222] Sđd, số 251

[223] x. Sđd, số 247

[224] x. Sđd, số 248

[225] LM. Jean Monbourquette, tr. 182-183

[226] x. LM. Jean Monbourquette, tr. 244-245

[227] LM. Jean Monbourquette, tr. 245

[228] Thông điệp Fratelli Tutti, số 245

[229] Sđd, số 243

[230] Sđd, số 244

[231] Sđd, số 245

[232] Bài giảng, Amman Jordan (24 tháng 5, 2014): Insegnamenti II, 1 (2014), 593

[233]x.https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%BF_gi%E1%BB%9Bi_ph%E1%BA%B3ng

[234] ĐGH Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti, 03.10.2020, số 12

[235] ĐGH Phanxicô, sđd, số 11

[236] Bộ Tu Sĩ, Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn – Vita fraterna in comunità, 2.2.1994, số 29

[237] ĐGH Phanxicô, sđd, số 27

[238] x. ĐGH Phanxicô, sđd, số 42

[239] ĐGH Phanxicô, sđd, số 43

[240] x. ĐGH Phanxicô, sđd, số 43

[241] x. ĐGH Phanxicô, sđd, số 47

[242] Amedeo Cencini, Tâm tình Chúa Con, hành trình huấn luyện đời sống thánh hiến”, Nguyễn Ngọc Kính và Nguyễn Văn Khoan (chuyển ngữ), NXB Tôn Giáo, 2012, tr. 241

[243] Bộ Tu Sĩ, sđd, số 32

[244] ĐGH Phanxicô, sđd, số 65

[245] Sđd, số 57

[246] x. ĐGH Phanxicô, sđd, số 29

[247] Sđd, số 64

[248] Đức thánh cha Phanxicô, sđd, số 80

[249] Vita Consecrata, số 46

[250] https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2018-11/dan-si-chung-ta-cua-chua-kito-trong-the-gioi-hom-nay.html

[251] x. Fratelli Tutti, số 275

[252] x. Fratelli Tutti, số 275

[253] x. Thư của Đức Phanxicô gửi cho tất cả những người sống đời thánh hiến năm 2021

[254] x. Fratelli Tutti, 54

[255] x. Sđd. Số 276

[256] https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-05/dyy-tagle-moi-goi-tu-si-canh-tan-cong-dong-bac-ai.html

[257] https://tgpsaigon.net/bai-viet/caritas-tgp-sai-gon-thu-ngo-v-v-dong-gop-cho-chuong-trinh-4-trieu-khau-trang-cho-phnom-penh-63509

[258] Fratelli Tutti, số 7-8

[259] x. Sđd. Số 286

[260] x. Sđd. Số 287

[261] x. Sđd. Số 288

[262] x. Sđd. Số 275

[263] x. Sđd. Số 277

[264] Diễn văn của Đức giáo hoàng Phanxicô, Gặp gỡ liên tôn tại thành Ur, Thứ Bảy 06/03/2021

[265] x. Fratelli Tutti, số 268

[266] https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2018-11/dan-si-chung-ta-cua-chua-kito-trong-the-gioi-hom-nay.html

[267] Fratelli Tutti, số 270

[268] Sđd, số 95-96

[269] x. Đức giáo hoàng Phanxicô, Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số 1

[270] x. Thông điệp Fratelli tutti, số 95-96

[271] x. Tymothy Radcliffe, OP, Tại sao là Kitô hữu, tr. 125

[272] Vita Consecrata, số 46

[273] x. Thông điệp Fratelli Tutti, số 100

[274] x. Sđd. Số 92-93

[275] Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, Phần I, số 2, Một số vấn nạn ngôn ngữ, trích VietCatholic.Net, Bản dịch Việt Ngữ do J.B. Đặng Minh An và Lm. Phan Du Sinh

[276] Từ điển Tiếng Việt Phổ Thông do Viện Ngôn Ngữ Học biên soạn, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2002

[277]  https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%ACnh_y%C3%AAu/tải ngày 10-4-2021

[278] Văn kiện về tình huynh đệ Nhân loại vì Hòa bình thế giới và Chung Sống, Abu Dhabi (4.2.2019): L’Osservatore Romano, ngày 4-5.2.2019, tr. 6

[279] Thông điệp Fratelli Tutti, số 32

[280] Khoảnh khắc cầu nguyện ngoại thường trong thời gian đại dịch (27.3.2020): L’Osservatore Romano, ngày 29.3.2020, tr. 10

[281] Lời giới thiệu của Thông điệp Fratelli Tutti bản song ngữ Anh-Việt, tr. 17-18

[282] Cảm nhận của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Thông điệp Fratelli Tutti bản song ngữ Anh-Việt, tr. 19

[283] Sđd., số 11

[284] Evangeli Gaudium (24.11.2013), số 212: AAS 105 (2013), tr. 1108

[285] Gaudium et Spes, số 1

[286] Lời giới thiệu Thông điệp Fratelli Tutti bản, tr. 17-18

[287] Diễn từ tại cuộc gặp Đại kết và Liên tôn với Giới trẻ, Skopje, Bắc Macedonia (ngày 7.5.2019): L’Osservatore Romano, ngày 9.5.2019, tr.9

[288] Thông điệp Fratelli Tutti, số 35

[289] Thông điệp Fratelli Tutti, số 8

[290] Cuộc gặp gỡ với các nhà chức trách, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao, Santiago, Chile (16.1.2018): AAS 110 (2018), 256

[291] Nhận xét của Đức Hồng Y Miguel Ayuso Guixo, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn, Thông điệp Fratelli Tutti, bản song ngữ Anh-Việt, tr. 19

[292] Lời Giới Thiệu Thông điệp Fratelli Tutti, bản song ngữ Anh-Việt, tr 17-18

[293] Sđd., số 17

[294] x. Thánh Tôma Aquinô: Scriptum super Sententiis, lib.3, dist.27, q1,a.1,4: “Dicitur amor extasim facere et fervere, quia quod fervet extra se bullit et explat”

[295] Karol Wojtyla, Tình yêu và trách nhiệm, London, 1982, tr. 126

[296] Thông điệp Fratelli Tutti, số 89

[297] Tu luật thánh phụ Biển Đức, chương 53,15: “Pauperum et peregrinorum maxime senstioni cura sollicite exhibeatur”

[298] Thông điệp Fratelli Tutti, số 90

[299] Diễn văn với Thế giới Văn hóa, Cagliari, Ý (22.9.2013): L’Osservatore Romano, ngày 23-24.9.2013, tr.7

[300] Sứ điệp video tới Hội nghị TED tại Vancouver (26.4.2017): L’Osservatore Romano, ngày 27.4.2017, tr.7

[301] Thông điệp Fratelli Tutti, số 48

[302] Từ phim Pope Francis: A man of His Word, của Win Wenders (2018)

[303] Thông điệp Fratelli Tutti, số 50

[304] Sđd., số 95

[305] Sđd., số 110

[306] x. Thông điệp Fratelli Tutti, số 114

[307] x. Diễn từ dành cho giới trẻ, Tokyo, Nhật Bản (25.11.2019): L’Osservatore Romano, 25-26.11.2019, tr.10

[308] x. Thông điệp Fratelli Tutti, số 33

[309] Đức Thánh cha Phanxico, Thông điệp Fratelli tutti, số 194

[310] Thomas Merton, Ngọn núi bảy tầng, Nhóm dịch thuật Sept-pons, Hồng Đức, tr. 701

[311] Tu luật cha thánh Biển Đức và chú giải, Fr. Francois Xavier Phan Bảo Luyện chuyển dịch theo đan viện Mont des Cats, tr. 60

[312] Đức thánh cha Phanxicô, Tông thư Với Trái Tim Của Người Cha, số 37

[313] Tu luật cha thánh Biển Đức và chú giải, Fr. Francois Xavier Phan Bảo Luyện chuyển dịch theo đan viện Mont des Cats, tr. 81

[314] Thomas Merton, Ngọn núi bảy tầng, Nhóm dich thuật Sept-pons, Hồng Đức, tr. 709

[315] Đức thánh cha Phanxico, Tông thư Với Trái Tim Của Người Cha, số 41

[316] Thomas Merton, Sđd, tr. 795

[317] Kathleen Norris, Thiện hành trong tu viện, Tôn Giáo, tr. 126

[318] Ẩn viện nội tâm, Raphael dịch, tr. 10

[319] You Cat, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo Cho Người Trẻ, Tôn Giáo, năm 2013, tr. 360

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hạt Giống Chiêm Niệm số 32: Cầu Nguyện Đan Tu

CẦU NGUYỆN ĐAN TU Số 32 – Tháng Giêng năm 2024 ĐÔI LỜI ... Kính thưa quý độc giả, Như chúng ta đã biết, cầu nguyện là hành...

Hạt Giống Chiêm Niệm số 31: Hướng Vọng Trời Cao

 Số 31 – Tháng 7 năm 2023 Lời ngỏ Kính thưa quý độc giả, Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày qua đời của cha Biển Đức...

Hạt Giống Chiêm Niệm số 30: Một Đi Chung Cùng Nhau

LỜI NGỎ   Kính thưa Quí Độc Giả! Nội san Hạt Giống Chiêm Niệm số 30 phát hành vào tháng Giêng năm 2023 này mang chủ đích...

Giới Thiêu nội san “HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM” (Viện phụ Dominico Phạm Văn Hiền)

  NỘI SAN   HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM     LỜI GIỚI THIỆU      ...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số 1: NGUỒN SUỐI CHIÊM NIỆM

    HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM       Nội...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số 2: HƯƠNG VỊ LỜI CHÚA

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM      Nội san...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số 3: THAO THỨC

  HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM      Nội san linh đạo...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số 4: Những Nẻo Đường Sống Đạo

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM     Nội san linh đạo đan tu   NHỮNG NẺO ĐƯỜNG SỐNG ĐẠO   Số 4 tháng 7 năm 2007 LỜI NÓI ĐẦU     Một người nọ hỏi...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số đặc biệt: Cội nguồn hy vọng

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM      Nội san linh đạo...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số 7: Thử Thách

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM      Nội san linh đạo...