TIỂU SỬ
CHA BIỂN ĐỨC THUẬN,
ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC SƠN,
ĐAN VIỆN XITÔ ĐẦU TIÊN
TẠI VIỆT-NAM.
Nguyên tác :
LE PÈRE BENOIT THUẬN,
FONDATEUR DE PHƯỚC SƠN,
PREMIER MONASTÈRE CISTERCIEN AU VIỆT NAM
Essai dune biographie,
à la croisée de lhistoire et de la théologie
Thèse présentée en vue du Doctorat en Théologie
par le frère Jean de la Croix LÊ VĂN ĐOÀN, o.cist.
sous la direction du Père Philippe LÉCRIVAIN, sj.
Centre Sèvres
Facultés jésuites de Paris
Một số chữ viết tắt – Ký hiệu
Những chữ viết tắt tài liệu Việt ngữ
DN Di Ngôn cha Biển Đức Thuận, Sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh gia Việt Nam (1880-1933).
HT Hạnh tích cha Benoit – R.P. Henri Denis Cố Thuận – Tổ phụ Chi Dòng Xitô Thánh gia Việt-Nam, do Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến biên soạn.
Những chữ viết tắt tài liệu của Hội Truyền giáo Paris
AMEP Archives
ANMEP Annales
APMEP Archives photos
BULMEP Bulletin
CRMEP Compte-rendu
Những chữ viết tắt tài liệu thường dùng
ColCist Collectanea Cisterciensia
DC Documentation catholique
DHGE Dictionnaire dHistoire et de
Géographie eclésiastique
DirSpCr Directoire spirituel à lusage des
Cisterciens Réformés
DirSpTr Directoire spirituel de la Trappe
DS Dictionnaire de Spiritualité
ĐNTHKT Điển ngữ thần học Thánh kinh
TLBĐ Tu luật thánh Biển Đức
VC Revue Vie consacrée
VS Revue Vie spirituelle
Những ký hiệu thông dụng
col. colonne
coll. Collection
HP. Hiến pháp
xb. Xuất bản
vv. vân vân
HTGP Hội Truyền giáo Paris
sđd. sách đã dẫn
tr. trang
ctr. các trang
S.C. bộ sưu tập “Sources Chrétiennes”
t. tập
bdh. bản dịch
Tổng dẫn nhập
Ngày nay con người ở bất cứ đoàn thể nào cũng đều dệt thành lịch sử nhận thức của tập thể mình. Những trang sử như thế nhằm giúp cho các thế hệ con cháu mai sau tưởng nhớ đến các bậc cha ông từ thuở xa xưa hoặc gần đây và phác thảo một đường hướng mới mẻ đưa dẫn tới tương lai. Luận án này hẳn không ngoài mục đích đó. Thực vậy, khi viết lại lịch sử cha Biển Đức Thuận, Đấng Sáng lập Dòng Đức Bà Phước Sơn, chúng tôi1 mong muốn đưa ra ánh sáng những nét đa dạng về cuộc đời Đấng Sáng lập Dòng của chúng tôi, vốn chưa được đề cập đến hoặc khai triển. Vì thế, công trình nghiên cứu của chúng tôi chắc chắn có những giới hạn và có thể chỉ là một trong những phác thảo khác. Chúng tôi không có tham vọng viết nên một lịch sử đầy đủ về cuộc đời của cha Biển Đức Thuận.
Tuy nhiên, tôi cần phải nói rõ cho đúng sự thật : luận án này được khai sinh do vng phục. Tại sao vậy? Tôi giải thích: Sau ba năm học cao học tại Trung tâm Sèvres, Bề trên và cộng đoàn của tôi mong muốn tôi tiếp tục ở lại học tập tại học viện này của các cha Dòng Tên, nhưng không xác định cho tôi phương hướng nghiên cứu để thực hiện luận án. Tôi đã từng nghĩ đến vấn đề tương quan giữa “kitô giáo và phật giáo” sẽ là một đề tài hấp dẫn và lý thú, không những cho việc nghiên cứu, mà còn cho thực hành nữa. Thế nhưng, vào tháng ba 2001, tôi đã tiếp nhận đề nghị khảo sát về Đấng Sáng lập của Dòng chúng tôi2. Vì lẽ chưa có ai thực hiện một cuộc tìm hiểu như thế một cách “khoa học”. Tôi tuân theo đề nghị này, mặc dù tôi thấy không ít những khó khăn đang chờ đợi tôi – như tôi sẽ trình bày sau này – bởi vì tôi đã không được đào tạo cho một công việc như thế ấy. Tôi muốn nói việc đào tạo thành một nhà sử học.
Quả thực nếu Bề trên và cộng đoàn muốn tôi đảm nhận công việc tìm hiểu về cuộc đời Đấng Sáng lập, là để cho các anh em của tôi hiểu thêm hơn dung mạo rất thân thương gần gũi với chúng tôi và đào sâu đời sống Xitô do ngài gieo trồng trên mảnh đất Việt Nam, đồng thời các tín hữu Kitô Việt Nam cũng tái khám phá một dung mạo vốn đã góp phần vào việc phát triển Kitô giáo và đưa Giáo hội vào đất nước của mình. Vả lại – và đây cũng là nguyện vọng khiêm tốn của riêng tôi – tôi có thể giới thiệu cha Biển Đức Thuận và Hội Dòng của chúng tôi qua công trình nghiên cứu tại một đại học ở Pháp. Thực vậy, tôi nghĩ rằng sự hiệp thông và sự chia sẻ thông tin sẽ tạo điều kiện cho các tín hữu Kitô – ở Châu Âu lẫn Châu Á – sự cảm thông và bổ túc cho nhau cách phong phú hơn.
Để có được một vài ý tưởng tổng quát, chúng tôi xin giới thiệu ngắn gọn một số cột mốc về cuộc đời của cha Biển Đức Thuận và của đan viện Đức Bà Phước Sơn.
Tóm tắt những sự kiện kiện lịch sử đáng chú ý:
Henri Denis3 sinh ngày 17 tháng tám 1880 tại Boulogne-sur-Mer, thuộc tỉnh Pas de Calais. Chú là con trai duy nhất của ông Cyrille Denis và bà Anne-Marie Geffroy. Lên tám, chú đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ. Gần một năm sau, cha chú tái hôn với bà Marie-Thérèse Adèle, một người cũng góa như ông. Gia đình ông bà chuyển về Wimille, ở thôn Bon Secours.
Henri Denis theo học tiểu học tại trường của các Sư Huynh ở Wimille, và học các lớp giáo lý do cha Eloy, phó xứ Wimille. Đến tháng mười 1892, Henri Denis gia nhập tiểu chủng viện Marquera, ở Boulogne. Sau khi tốt nghiệp Tú tài I, Henri Denis đến Lille để học tập và chuẩn bị thi Tú tài II, ban triết học tại học viện công giáo Lille.
Tháng mười 1900, Henri Denis gia nhập Đại chủng viện Arras, và lãnh nhận phép cắt tóc. Đến năm 1901, một bước ngoặt quyết định cuộc đời của Henri Denis: thầy Henri Denis từ giả Đại chủng viện Arras để vào Đại chủng viện của Hội Truyền giáo Paris. Theo năm tháng thụ huấn, thầy lần lượt lãnh nhận các Chức nhỏ, rồi các Chức lớn và cuối cùng được thụ phong linh mục ngày 7 tháng ba 1903 dịp lễ thánh Tôma Aquinô.
Ngày 29 tháng tư 1903, cha Henri Denis cùng với mười ba vị tân thừa sai cử hành nghi thức lên đường truyền giáo4. Cha nhận bài sai đến giáo phận truyền giáo Huế, thuộc Đại diện Tông tòa Bắc Đàng Trong.
Ngày 31 tháng năm 1903, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cha đến Đà Nẳng. Vị Đại diện Tông tòa Huế lúc bấy giờ là Đức Cha Caspar Lộc, đặt cho cha tên Việt là “Thuận” và gửi cha đến giáo xứ Kim-Long để học tiếng Việt, đồng thời để giúp cha sở ở đấy là cha Dangelzer, tên Việt là cố Đăng, thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Paris.
Ít lâu sau – không tài liệu nào xác định thời gian cha Thuận học tiếng Việt ở Kim-Long là bao lâu, nhưng có thể là vài tháng – ngài nhận bài sai làm giáo sư Tiểu chủng viện An-Ninh. Năm năm sau, tức vào năm 1908, ngài được vị Tân Đại diện Tông tòa Huế là Đức Cha Allys Lý cử đến giáo xứ Nước Mặn và ngài đã ở đó trong suốt năm năm. Đến năm 1913, ngài trở lại làm giáo sư Tiểu chủng viện An-Ninh cho đến ngày mà ngài được phép ra đi để sống đời đan tu, vào năm 1918.
Ngày 15 tháng tư 1918, Đức Cha Lý đã gửi đến Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền giáo “Thư thỉnh nguyện xin thành lập một cộng đoàn cho nam giới”. Ngày 14 tháng tám năm ấy, cha Denis Thuận cùng với một người bạn đồng hành duy nhất đi đến Phước Sơn và hôm sau, lễ Đức Mẹ lên trời, ngài dâng thánh lễ đầu tiên và bắt đầu đời sống đan tu tại đó. Đan viện mang tên “Nhà Dòng Đức Bà Việt Nam”5. Các ứng sinh tấp nập kéo đến tân đan viện; để đón tiếp họ, nhà cửa dần dần được tạo dựng một cách thô sơ trong sự nghèo khổ. Ngày 2 tháng hai 1920, cha Denis Thuận lãnh nhận áo dòng và khởi sự năm tập. Ít hôm sau, những người bạn đồng hành đầu tiên cũng lãnh nhận áo dòng. Ngài đảm nhận trọng trách Bề trên, kiêm giáo tập và kiêm luôn tất cả những gì liên quan đến vật chất và tinh thần của cộng đoàn. Ngày 21 tháng ba 1923, cha Biển Đức Thuận và một vài anh em tuyên lời khấn tạm trước sự hiện diện của Đức Cha Lécroart, Khâm sai Toà thánh. Một cách tiệm tiến đời sống đan tu hình thành từng ngày một. Bất chấp những khó khăn gian khổ, cộng đoàn kiên vững và phát triển khá nhanh chóng. Ngày 21 tháng ba 1926, cố Giáo (cha Chabanon), cha chính giáo phận Huế chủ sự nghi thức khấn trọn của cha Biển Đức Thuận và của một vài anh em trong đó có cha Bênađô Mendiboure, vị thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Paris, đã gia nhập Phước Sơn từ ngày 20 tháng tám 1920.
Ngay cả trước khi thành lập Phước Sơn, cha Biển Đức Thuận đã có ý sáp nhập Phước Sơn vào Dòng Xitô Cải cách (Dòng Trappe hay còn gọi là Xitô Nhặt phép) và ngài đã nhiều lần gửi thư thỉnh nguyện, nhưng đều bị từ chối. Cuối cùng ngài tiến hành các thủ tục để Phước Sơn sáp nhập vào Dòng Xitô Chung phép. Nhưng ngài đã ra đi vào ngày 25 tháng bảy 1933, chưa kịp chứng kiến việc sáp nhập được kết thúc tốt đẹp.
Cha Bênađô Mendiboure được Đức Cha Chabanon đặt làm Bề trên Dòng Đức Bà Phước Sơn. Ngày 21 tháng ba 1935, Dòng Đức Bà Phước Sơn được chính thức sáp nhập vào Dòng Xitô Chung phép. Trải qua bao nhiêu năm chịu thử thách vì chiến tranh, đan viện đầu tiên ở Việt Nam không ngừng phát triển và hiện nay Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam gồm có tám nam đan viện, một nữ đan viện và hai nhà trực thuộc. Số nam và nữ đan sĩ hiện đã trên sáu trăm.
Sau khi lướt qua những sự kiện lịch sử đáng chú ý về cuộc đời của cha Biển Đức Thuận và của Dòng Đức Bà Phước Sơn, bây giờ chúng tôi trở lại đề tài. Chúng tôi xin đề cập đến mục tiêu nghiên cứu: đó là tiểu sử vừa mang tính lịch sử vừa có tính thần học của cuộc đời cha Biển Đức Thuận. Khi trình bày cuộc đời của cha Biển Đức Thuận, chúng tôi muốn đề cập tới đan viện Phước Sơn, vì nhân vật ấy – tức cha Biển Đức Thuận – lúc nào cũng gắn bó với công trình của mình. Cuộc đời của Đấng Sáng lập sẽ sáng tỏ hơn trong mối tương quan với công trình của ngài là đan viện Xitô đầu tiên tại Việt Nam.
Mục tiêu nghiên cứu : một tiểu sử
vừa mang tính lịch sử vừa có tính thần học
Mục tiêu của chúng tôi là biên soạn một tiểu sử của cha Biển Đức Thuận với hai tiêu chuẩn: lịch sử và thần học. Đây là một giải trình mang tính lịch sử, đồng thời cũng là những suy tư có tính thần học về cuộc đời của con người này. Nói cách khác, cuộc đời của cha Biển Đức Thuận được nhìn xem ở giao điểm giữa lịch sử và thần học.
Tiêu chuẩn thứ nhất: đây phải là một tiểu sử mang tính lịch sử. Tham vọng của chúng tôi hẳn phải đối đầu với những vấn nạn không dễ dì giải đáp một cách đơn giản được: liệu ta có thể viết về cuộc đời của một cá nhân không? Liệu ta có thể thấu đạt tính cách, nhân cách của chủ thể tiểu sử? Vì, theo lời Jacques Le Goff, một tiểu sử đích thực chỉ có thể là một nỗ lực thử mô tả một con người cá biệt.
Mà nói đến cá tính, tức là nói đến tính cách bất khả quy, tính riêng biệt của từng cá thể. Vậy liệu ta có thể kể về một cuộc đời để rồi nhờ đó ta làm nổi nét tính cách của một con người? Bởi vì, khi đối diện với một người, ta có thể có những ý tưởng khác nhau tùy theo quan điểm và thời điểm6. Chính vì vậy điều cần thiết là cần phải biết quan điểm của người bày tỏ ý kiến.
Còn một vấn đề khác nữa liên quan đến tiểu sử, đó là tính phức tạp do tính cách của một cá thể. Quá trình phát triển của một con người không phải lúc nào cũng thẳng một mực, mà con người được đào tạo từng bước. Trong cuộc sống lại có những mâu thuẫn và những nghịch lý. Ngoài ra, cuộc sống không bao giờ tách khỏi bối cảnh, khỏi thế giới của một nền văn hóa riêng, tóm lại, khỏi cái thế giới nơi con người sinh sống và kiến tạo quá trình phát triển của mình. Dẫu rằng không có sự đối lập giữa cá thể và xã hội như Jacques le Goff7 quan niệm, nhưng theo nhận xét của Giovanni Levi8, thì các hình thể xã hội thường đặt ra một câu hỏi cơ bản: “về mặt nhóm, làm sao các cá thể có thể tự xác định mình (một cách ý thức hoặc vô thức) hoặc tự nhận ra mình trong một tầng lớp?”
Cuối cùng vấn đề được đặt ra là: ta vận dụng quan niệm nào về tiểu sử đây? Giải đáp được vấn nạn này, theo chúng tôi, sẽ giúp chúng tôi minh định phương pháp luận mà chúng tôi sử dụng trong công trình nghiên cứu tiểu sử cha Biển Đức Thuận đây.
Trước khi đề xuất một phép quan sát nhân hình nào đó để tiếp cận tiểu sử, Giovanni Levi nêu lên nhận xét sau đây: “Do say mê trước sự phong phú của những cuộc đời cá biệt, đồng thời không thể khắc phục được tính cá biệt bất khả quy của một cá thể, thời gian gần đây các sử gia đã đề cập đến vấn đề tiểu sử theo nhiều cách thức rất khác nhau.”9
Một thoáng nhìn về những quan niệm liên quan đến tiểu sử mang tính lịch sử, chúng ta nhận thấy sự phức tạp của cá tính, của nhân cách con người. Đó cũng là trường hợp tiểu sử của cha Biển Đức Thuận mà chúng tôi mong ước biên soạn.
Bây giờ chúng tôi đề cập tới tiêu chuẩn thứ hai : một tiểu sử có tính thần học. Vấn đề sẽ như thế nào đây? Chúng tôi mong ước biên soạn lịch sử của cha Biển Đức Thuận, nhưng lịch sử này không giới hạn ở các sự kiện, các biến cố. Chúng tôi cố gắng suy nghĩ lịch sử này theo thần học. Vấn đề là: làm sao có thể xem xét và suy nghĩ về một cuộc đời – cuộc đời của cha Biển Đức Thuận – như một nơi suy tư thần học? Nói cách khác, đây có phải là thần học về một cuộc đời đã từng trải nghiệm trong đức tin?10
Jean Baptiste Metz giải thích thành ngữ “tiểu sử có tính thần học” như sau:
“Từ ngữ tiểu sử không chuyển dẫn tới một sự phản chiếu đơn thuần mang tính văn chương của thực thể chủ quan, nhằm tượng trưng hóa ý nghĩa mà ta dành cho loài người và cho cuộc sống nói chung. Thần học được gọi là tiểu sử bởi vì thần học đó khắc họa trong vinh tụng ca đức tin tiểu sử huyền nhiệm về một cảm nghiệm sống đạo và về một cuộc đời trải nghiệm trước tôn nhan Thiên Chúa. Thần học mang tính tiểu sử khi thần học đó không mang tính suy diễn và không có tính ái kỷ quá đáng, vốn gắn bó chặt chẽ và không thể phản bác nhờ ý tứ trùng phức, mà phải là một trình thuật có ý tưởng, ngắn gọn và súc tích, về một cuộc đời từng sống trước nhan Thiên Chúa. Thần học về một cuộc đời từng trải như thế đưa “chủ thể” vào trong nhận thức tín lý của thần học… Chủ thể, chính là con người được tạo nên trong những cảm nghiệm và trong quá trình lịch sử và qua đó họ không ngừng tìm thấy một căn tính. Đưa chủ thể vào trong tín lý, điều đó có nghĩa là mục tiêu chính của công trình nghiên cứu tín lý là con người, trong cuộc sống và trong các cảm nghiệm tâm linh của họ; đó chính là dung hòa tín lý và cuộc đời đã sống; sau cùng đó cũng là nối kết vinh tụng ca thần học và sự sống huyền nhiệm.”11
Tuy nhiên ao ước biên soạn một tiểu sử thần học của chúng tôi lại phải đối mặt với một số vấn đề. Chúng tôi xin nêu lên một vài vấn đề đó.
Vấn đề đầu tiên, đó là nguy cơ do tính chủ quan. Quả thực, chúng ta nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống như từng được cảm nghiệm, mà quên đi sự trung gian. Ngoài ra, còn có sự đồng hoá Thiên Chúa với một vài biến cố, một vài tình huống, mà quên rằng nhất thiết cần phải giải mã phạm trù của dấu chỉ.
Vấn đề thứ hai liên quan đến những gì không thể hiểu nổi nơi mỗi cá thể. Mỗi con người là độc nhất, bất khả quy. Tuy nhiên để suy nghĩ hoặc giải thích cuộc đời của một con người hoặc biến cố nào đó trong cuộc đời ấy, ta cần phải cậy nhờ đến các dạng thức tư tưởng, các khái niệm sẵn có. Đây là nguy cơ sản sinh ra nhân vật có gương mặt rập theo một khuôn sẵn có.
Còn một vấn đề khác nữa là cần phải ra sức giải thích mỗi hành vi, mỗi giai đoạn cuộc đời của nhân vật theo lối ẩn dụ, sao cho không có điều gì là không có ý nghĩa.12
Theo nhận xét của Émile Poulat, trở ngại cuối cùng của một tiểu sử mang tính thần học nằm ở câu hỏi đáng gờm này: “làm thế nào một con người ở thời đại chúng ta có thể tin chắc rằng mình thấu hiểu những thời đại đã qua, đi vào tâm tư tình cảm sâu xa của những con người mà, giờ đây, họ không còn khả năng biểu lộ ý nghĩ tình cảm bằng lời nói và có thể họ đã chẳng hề diễn đạt điều gì bằng chữ nghĩa? Từ bên trong, càng không có một lối đi qua, nếu không theo cách loại suy, bằng việc dựa vào bản tính loài người vốn đã được xác định ngoài mọi tính lịch sử.
Bất chấp tất cả những vấn đề được đặt ra cho một tiểu sử vừa mang tính lịch sử vừa có tính thần học, chúng tôi vẫn ra sức bắt tay vào công việc thật hấp dẫn nhưng cũng đầy khó khăn này. Trước khi giới thiệu phương pháp tiến hành công việc, chúng tôi muốn xác định một số những khó khăn chúng tôi đã gặp phải trong quá trình nghiên cứu. Những khó khăn này đã trở thành những cơ hội vừa soi dẫn chúng tôi trên con đường đã đi qua vừa đặt để chúng tôi trước một công trình không bao giờ chấm dứt.
Những khó khăn
Chúng ta vừa đề cập đến những vấn đề liên quan đến một tiểu sử vừa mang tính lịch sử vừa có tính thần học: liệu rằng có thể biên soạn một tiểu sử, có thể thấu đạt tính cách của một nhân vật không?
Trường hợp công trình nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn ở nhiều mức độ khác nhau và trong nhiều lãnh vực khác nhau. Chúng tôi xin đơn cử một vài khó khăn đó.
a. Khó khăn trước tiên là thiếu tài liệu. Lúc khởi đầu công việc, chúng tôi chỉ có trong tay hai tài liệu bằng tiếng Việt: quyển sách của Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến về cuộc đời của cha Biển Đức Thuận: đây là một tiểu sử thuộc dạng hạnh tích các thánh. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến là chứng nhân sống động về cha Biển Đức Thuận của chúng ta. Dĩ nhiên trong quyển sách này, khi kể lại cuộc đời của cha Biển Đức Thuận, ngài giới thiệu cha Biển Đức theo dung mạo của một nhân vật đức hạnh và mộ đạo14. Tài liệu thứ hai tập hợp những lời giáo huấn mà cha Biển Đức Thuận đã khuyên dạy các đan sĩ của ngài trong những giờ huấn đức. Một tu sĩ tên là Vinh-Sơn Tình đã ghi chép những lời giáo huấn ấy trong một quyển tập. Sau khi Đấng Sáng lập qua đời, những lời huấn đức ấy được đọc đi đọc lại trong cộng đoàn vào giờ hội chung hàng ngày. Quyển tập này được ấn hành và lưu hành trong nội bộ Hội Dòng từ hai mươi năm nay.
Liên quan đến những tài liệu gốc trực tiếp từ cha Biển Đức Thuận, cần nhấn mạnh rằng ngài đã không viết một quyển sách thần học nào, hay một bài thuyết trình tu đức nào. Có điều ngài duy trì thư từ liên lạc thường xuyên với ông bà thân sinh cư ngụ ở Pháp. Sau khi ngài mất, những thư từ đó được gửi trả về Phước Sơn. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến đã chuyển ngữ và sử dụng một số những thư từ đó để biên soạn quyển Hạnh tích cha Biển Đức Thuận. Tiếc thay, vì chiến tranh, tất cả những thư từ đó đã không còn nữa.
Tôi đã đến Hội Truyền giáo Paris và Nhà Bề trên Tổng quyền của Dòng Xitô Chung phép để truy tìm mọi dấu vết: tôi đã tìm thấy một vài lá thư do cha Biển Đức Thuận gửi Đức Tổng phụ trong đó ngài đề cập tới vấn đề sáp nhập. Tôi cũng đã gửi thư đến các vị phụ trách văn khố của các cộng đoàn Biển Đức, Xitô và Dòng thánh Brunô (Chartreux) để yêu cầu họ lục lọi tài liệu lưu trữ của đan viện với kỳ vọng tìm thấy điều gì liên quan đến Đấng Sáng lậpcủa chúng tôi. Nhưng các câu trả lời đều phủ định. Tôi vừa nhận được bản sao hai lá thư mà Đức nguyên Viện phụ La Pierre-qui-Vire gửi cho tôi, trong đó cha Biển Đức Thuận phúc đáp những câu hỏi do Bề trên cộng đoàn này nêu ra liên quan đến việc có thể thành lập Dòng Biển Đức tại Việt Nam.
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào khi tôi nhận được hồi tháng bảy 2002 một tài liệu gồm hơn một trăm năm mươi lá thư15 mà cha Biển Đức Thuận viết cho vị Đại diện Tông tòa là Đức Cha Allys, từ năm 1908 tới 1933. Qua những lá thư từ này cha Biển Đức đã báo cáo tình hình của cộng đoàn Phước Sơn16. Vì vậy những lá thư này có tính cách hành chính.
Vì lẽ thiếu những nguồn tài liệu trực tiếp cung cấp một tư liệu đầy đủ, tôi buộc lòng phải đi tìm những nguồn tài liệu gián tiếp hoặc ở Hội Truyền giáo Paris, hoặc ở những nơi khác. Và tôi đã tìm thấy trong các bản Tường thuật, các Niên giám, các Tập san, v.v… một vài dấu vết về cuộc đời của cha Biển Đức Thuận và của đan viện Phước Sơn (Nhà Dòng Đức Bà Việt Nam).
Trước nhu cầu cần phải viết một tiểu sử vừa mang tính lịch sử vừa có tính thần học, nhưng với một tài liệu ít ỏi và chỉ liên quan đến một vài thời điểm như thế, quả thực tôi không biết phải làm thế nào để khai triển một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận, nhất là những gì liên quan đến nội tâm của ngài. Tuy nhiên điều này vẫn chưa phải là điều khó khăn duy nhất và chính yếu.
b. Khó khăn thứ hai bắt nguồn từ Hạnh tích do Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến biên soạn. Hạnh tích này là tài liệu gốc duy nhất trình bày cuộc đời của Đấng Sáng lập của Dòng chúng tôi. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến là nhân chứng từ lúc cha Biển Đức Thuận còn sinh thời, thế nhưng ngài biên soạn Hạnh tích này theo quan điểm của ngài. Mà quan điểm của ngài là muốn giới thiệu nhân vật của mình như là một con người đầy đủ mọi nhân đức và rất mực đạo đức. Đã có một khuôn mẫu nào đó được tham khảo theo đó có một sự liên kết giữa thứ tự thời gian, một con người trước sau như một, với những hành động đầy sinh khí cùng với những quyết định đầy xác tín”17. Nói cách khác, Hạnh tích này mang dấu ấn thực chứng và thực dụng, đồng thời có chức năng giáo dục: kể lại cuộc đời của cha Biển Đức Thuận nhằm để cho người đọc học hỏi một mẫu gương18. Theo chiều hướng này, tác giả đã giản lược cuộc đời của cha Biển Đức Thuận bằng cách chọn lọc những sự kiện có ý nghĩa và nhấn mạnh tích cách mô phạm của những sự kiện đó. Nhiều giai thoại đã được vận dụng nhằm để nhấn mạnh một điểm nào đó có ý nghĩa. Kết quả là đã tạo nên một dung mạo cha Biển Đức Thuận trong tâm trí các thế hệ hậu lai.
Viết một tiểu sử “có tính khoa học” đòi hỏi phải vượt qua quá trình của một hạnh tích cũng như của một tiểu sử thực dụng. Do đó tôi dựa vào tiểu sử do Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến biên soạn như là một bằng chứng và là nguồn tài liệu cho phép tôi tìm thấy một số giá trị thông thường; tuy nhiên tôi cũng ra sức giữ một khoảng cách cần thiết, không để cho quan điểm của tiểu sử ấy gây cho mình quá nhiều ảnh hưởng.
c. Khó khăn thứ ba cùng xuất hiện với những vấn đề đã được đặt ra trước đây: đó là một tiểu sử được viết theo quan điểm của người quan sát. Hẳn thật “hiện hữu trong chúng ta một con người khác, dưới dạng vô thức”19. Một cuộc đời có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, bởi vì những sự hiểu biết đó được đặt vào những bình diện khác nhau. Vì thế mỗi người có một quy định nhận thức riêng, tạo hứng khởi cho việc biên chép lịch sử của mình. Khi tôi bắt tay vào việc biên soạn tiểu sử cha Biển Đức Thuận, tôi đã hướng công trình nghiên cứu của tôi theo một quan điểm riêng. Tuy nhiên trong công trình này, bằng cách này hay cách khác, không thể tránh khỏi một vài yếu tố chủ quan vì lòng mến mộ đối với Đấng Sáng lập của Dòng chúng tôi. Từ đó nảy sinh áp lực giữa tình trạng chủ quan và mối lo lắng bảo đảm tính cách khoa học khách quan.
Với lòng mong muốn viết một tiểu sử vừa mang tính lịch sử vừa có tính thần học, tôi đã nhận thức ngay tầm quan trọng của sự rõ ràng minh bạch cũng như của sự cảnh giác để khỏi rơi vào hai thái cực: hoặc là rơi vào thái độ ra sức loại trừ những nhận xét chủ quan, bằng việc nhân danh khoa học mà loại trừ ra khỏi cuộc sống tất cả mọi ý nghĩa của nó; hoặc là rơi vào tình trạng chủ quan vốn cho rằng mọi trung gian là chướng ngại, khi mà mọi trung gian đều quan trọng đối với thân phận làm người của chúng ta.
Cả ba khó khăn trên đây khiến chúng tôi nhận thấy để biên soạn một tiểu sử như thế đối với chúng tôi quả là một thách thức lớn lao biết bao. Liệu chúng tôi có thể thấu đạt tính cách của cha Biển Đức Thuận chăng? Hơn thế nữa, liệu chúng tôi có thể hiểu được nội tâm của ngài, thăm dò những sâu kín nhất nơi tâm hồn của ngài? Những câu hỏi như thế không ngừng là một sự chất vấn xuyên suốt công trình nghiên cứu của chúng tôi. Thế nhưng, điều quan trọng không nằm trong những khó khăn gặp phải, mà là ở trong việc vận dụng một phương pháp luận thích hợp đối với đề tài được bàn đến; phương pháp luận này sẽ tạo điều kiện cho chúng ta đạt được những hiểu biết, những kết quả sau một cuộc khảo sát lâu dài vừa đầy chướng ngại vừa rất hấp dẫn.
Phương pháp luận
Biên soạn một tiểu sử không phải là tích tụ những sự kiện, mà là giải thích và suy tư những sự kiện ấy. Vì thế cần vận dụng nhiều hoạt động trí tuệ khác nhau trên nhiều mức độ khác nhau.
Biên soạn một tiểu sử mang tính lịch sử về cha Biển Đức Thuận, đó là kể lại cuộc đời của ngài theo dòng thời gian. Một tiểu sử như thế mang hình thức tường thuật20. Hình thức này tạo thành nhiều câu chuyện kể khác nhau. Tuy nhiên để cho công trình được liên tục, chúng tôi cần phải vận dụng vừa tính chất thời gian vừa sự liên kết chặt chẽ: kể lại cuộc đời cha Biển Đức Thuận, tức là nói lên sự gắn bó chặt chẽ của một cuộc đời qua năm tháng và qua những cảm nghiệm, vượt qua cả những gãy vỡ. Quả thực, “tất cả mọi câu chuyện đều mang tính tường thuật, bởi vì theo định nghĩa, câu chuyện được đặt vào trong thời gian, trong chuỗi dây liên tiếp, nên nhất thiết phải được liên kết với chuyện kể”.21
Kể lại cuộc đời Đấng Sáng lập của chúng tôi, đó cũng là giải thích và giúp thấu hiểu những gì đã xảy ra trong suốt cuộc đời của ngài. Càng giải thích nhiều, càng hiểu biết thêm hơn. Nói lên điều này để khẳng định rằng việc giải thích là cần thiết cho sự hiểu biết cũng như một sự giải thích đích thực sẽ được kết thúc bằng sự hiểu biết.
Kể lại cuộc đời của cha Biển Đức Thuận, sau hết còn là diễn giải những biến cố và những sự kiện cũng như dành cho chúng một định hướng và một ý nghĩa. Tuy nhiên trước đây chúng tôi cũng đã đề cập tới nguy cơ dư thừa về ý nghĩa, tới mức dường như không có gì là không có ý nghĩa. Thế nhưng, trong một tiểu sử vừa mang tính lịch sử vừa có tính thần học, thì việc chú giải vẫn luôn là một hoạt động trí tuệ hữu ích và không thể thiếu.
Sau khi đã phác thảo xong ba chuẩn mực của một tiểu sử, bây giờ chúng tôi sẽ lần lượt triển khai một cách chi tiết hơn.
Trước hết, liên quan đến chuyện kể, cần phải nhấn mạnh với Jacques Le Goff rằng “trái với những gì nhiều người tưởng nghĩ – ngay cả với các sử gia – chuyện kể không hề có tính trực tiếp. Chuyện kể là kết quả của một chuỗi những hoạt động trí tuệ và khoa học mà ta chú tâm mong muốn chúng trở nên rõ ràng, cả đến biện giải cho chúng nữa”.22 Để biên soạn tiểu sử của cha Biển Đức Thuận, chúng tôi đã cố gắng trình bày từng giai đoạn trong cuộc đời của ngài, những chọn lựa ngài thực hiện, cùng những vấn đề ngài gặp phải. Chúng tôi cũng nhắc tới một số những biến cố quan trọng đòi hỏi ở ngài những quyết định vốn gây ảnh hưởng sâu xa trên cuộc đời của ngài.
Để xây dựng chuyện kể về cuộc đời của cha Biển Đức Thuận, chúng tôi sẽ giải trình những yếu tố không tương hợp làm nên tính cách của ngài cũng như những trình bày khác nhau về dung mạo của ngài tùy theo những vấn đề được bàn đến. Vì thế chúng tôi sẽ không tìm cách che giấu những mâu thuẫn hoặc những nghịch lý vốn đè nặng trên cha Biển Đức Thuận.
Nhằm vận dụng chuyện kể hoặc là những câu chuyện trong chuyện kể, chúng tôi cần phải trưng dẫn nhiều văn bản: ở đây, đó là những thư từ mà cha Biển Đức Thuận trao đổi với những người liên hệ. Khi trưng dẫn những thư từ đó – vốn khó tiếp cận – tôi mong muốn những anh em của tôi cũng như độc giả hãy nhìn nhận và thông hiểu nhân vật của chúng ta như tôi đã nhìn nhận và thông hiểu.
Bởi vì tiểu sử có tính lịch sử này lại mang chiều kích thần học, cho nên chuyện kể cần hàm ý biểu lộ một cuộc đời được trải nghiệm trước nhan Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào để cảm nghiệm một cuộc đời như thế dưới góc độ thần học? Chúng tôi đành phải cậy nhờ đến các văn bản, đó là những thư từ liên hệ của cha Biển Đức Thuận hoặc là những giáo huấn tu đức của ngài. Qua nguồn cung cấp tư liệu khá hạn hẹp như thế, chúng tôi cố gắng thấu hiểu cá tính và tính tình của ngài để qua đó thấu hiểu những cảm nghiệm tâm linh của ngài.
Thứ đến, liên quan đến vấn đề hiểu biết, thì việc giải thích luôn là một hình thế quan trọng. Bởi vì, như trên chúng tôi đã nói, kể lại một cuộc đời, chính là lý giải những biến cố, những giai đoạn của cuộc đời ấy. Theo hoạt động trí tuệ thứ hai này, thì việc đặt vào trong một bối cảnh càng cần thiết hơn nữa. Thực vậy, không ai là một hòn đảo. Mỗi người đều là một thành viên của xã hội: mỗi người đều lãnh nhận từ xã hội những gì tạo điều kiện cho họ sinh sống và trưởng thành trong nhiều lãnh vực khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên khi đặt vào trong một hoàn cảnh hoặc bối cảnh như thế, luôn có một nguy cơ mà Jacques le Goff lại nêu lên một lần nữa khi ông viết: “Tôi cũng nghi ngờ, không phải giá trị mà là sự thuộc về loại hình tiểu sử của những tác phẩm thường có chất lượng, nhưng ở đó nhân vật lịch sử được người ta xếp lên hàng đầu, bị bọc kín bởi môi trường chung quanh” 23. Vì thế một tiểu sử đích thực phải là một sự trình bày và giải thích về cuộc đời của một cá thể trong lịch sử.
Nhất thiết cần phải tái tạo bối cảnh, “mặt bằng xã hội” ở đó cá thể sinh hoạt trong nhiều lãnh vực khác nhau, ở từng thời lúc 24. Việc đặt vào trong một bối cảnh như thế cho phép hiểu thấu hành vi này hoặc hành vi khác, cách suy nghĩ này hoặc cách suy nghĩ khác trong một cuộc đời. Trước đây chúng tôi đã nói tới hệ thống các kiểu tiểu sử: “tiểu sử và bối cảnh làm nên một tiểu sử đích thực mang tính lịch sử, bởi vì việc tái tạo bối cảnh lịch sử và xã hội ở đó diễn ra các biến cố, cho phép thấu hiểu những gì thoạt đầu xem ra chẳng những không thể hiểu được, mà còn gây thêm hoang mang. Nói như thế để nhấn mạnh sự tương tác và mối quan hệ tương hỗ giữa cá thể và xã hội và thế giới ở đó con người sinh sống, cũng như sự tương tác và mối quan hệ tương hỗ giữa đời sống và bối cảnh.
Trong trường hợp nhân vật của chúng ta, để làm sáng tỏ từng giai đoạn trong cuộc đời của ngài, những chọn lựa cùng những suy nghĩ của ngài, chúng tôi cần đặt cha Biển Đức Thuận trong một bối cảnh rõ ràng. Chẳng hạn: để thông hiểu và lý giải hai mươi ba năm ở Pháp – giai đoạn đầu trong cuộc đời của ngài – do thiếu tài liệu, ngoại trừ một lá thư duy nhất Henri Denis viết cho cha giám đốc Hội Truyền giáo Paris, chúng tôi cần phải nhờ đến các nguồn tài liệu thứ yếu. Và việc đặt vào trong một bối cảnh như thế giúp chúng ta tìm được những giải đáp khi đối diện với sự im lặng của những năm tháng vốn đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận.
Bởi vậy cho nên, việc đặt vào trong một hoàn cảnh, một bối cảnh như thế có nhiều lợi ích: một đàng, việc này lắp đầy lỗ hổng được đặt ra trước mặt chúng tôi do thiếu tư liệu; mặt khác, nó góp phần làm nổi bật tính cách của cha Biển Đức Thuận, nhân vật của chúng ta. Tuy nhiên công trình nghiên cứu của chúng tôi không chỉ giới hạn ở hai hình thể này là chuyện kể và giải thích; nó còn đưa dẫn chúng tôi đi đến hình thể thứ ba là chú giải.
Sau hết, liên quan đến cách diễn giải, chúng tôi ra sức xem xét cuộc đời của cha Biển Đức Thuận nói chung và từng giai đoạn của cuộc đời ngài, các biến cố, các sự kiện lịch sử, v.v… dưới góc độ vừa suy lý lôgic vừa thần học. Suy lý lôgic, vì nhờ tư liệu tiểu sử, chúng tôi mong muốn tìm thấy một ý nghĩa nào đó nơi hành vi này hoặc hành vi khác, quyết định này hoặc quyết định khác của cha Biển Đức Thuận. Vì thế hoạt động trí tuệ này tạo nên các bước hình thành văn bản, quá trình quy kết ý nghĩa cho một hành vi thuộc tiểu sử. Nói cách khác, đó là tư duy về một cuộc đời. Chúng tôi mong muốn giới thiệu cha Biển Đức Thuận, không chỉ qua việc mô tả khách quan, mà còn qua sự suy nghĩ về cuộc đời của ngài25. Từ đó “cách đọc lịch sử không theo một chiều, từ biến cố tới lời nói, mà là một sự giao thoa giữa lời nói và biến cố vốn mời gọi nhau và thay đổi nhau.”26
Nhưng sử dụng phương pháp chú giải này như thế nào, khi mà cha Biển Đức Thuận không để lại một tác phẩm thần học nào, không một chuyên luận tu đức, cũng không một tự truyện nào vốn có thể cho phép thấu hiểu nội tâm của ngài?
Do thiếu tư liệu liên quan trực tiếp tới các vấn đề được nêu ra, cho nên chúng tôi phải nhờ đến phương pháp loại suy. Chúng tôi cần phải nhờ đến hai trụ cột là Kinh thánh và dung mạo của một vài vị thánh để thử thực hiện việc diễn giải thần học. Việc đọc hoặc đọc lại một vài trình thuật Kinh thánh sẽ giúp chúng ta khám phá một số điểm sâu xa hơn vốn hãy còn ẩn kín dưới bề mặt cuộc đời bình thường của cha Biển Đức Thuận. Việc xem xét dung mạo của một vài vị thánh nổi tiếng trong Giáo hội còn giúp chúng ta cảm nhận một sự tương hợp nào đó trong tâm hồn của những người được Thiên Chúa chiếm hữu với tâm hồn của cha Biển Đức Thuận. Nói cách khác, nhờ qua hoạt động diễn giải, chúng tôi muốn khởi đi từ bên ngoài vào bên trong cuộc đời của Đấng Sáng lập của chúng tôi. Đó là một con đường đầy hứa hẹn, nhưng cũng đầy hiểm nguy.
Để cụ thể hóa phương pháp luận của chúng tôi, chúng tôi tiến hành theo trình tự gồm bốn mục. Mục thứ nhất dành cho việc giới thiệu cuộc đời của cha Biển Đức Thuận theo từng giai đoạn, không chú giải. Các biến cố, các sự kiện lịch sử sẽ được đặt đúng vị trí. Các thư từ của ngài sẽ được trích dẫn nhằm để thông hiểu thứ tự năm tháng của từng giai đoạn. Trong mục thứ hai, chúng tôi đặt cha Biển Đức Thuận trong mỗi giai đoạn cuộc đời của ngài hoặc trong một chủ đề được bàn đến trong bối cảnh lịch sử, hoặc chính trị hoặc tôn giáo, v.v… Có những nguồn tài liệu thứ yếu, những tác phẩm của một vài tác giả sẽ được sử dụng để làm sáng tỏ những gì đã được đề cập trong mục thứ nhất. Mục thứ ba là một bước xa hơn nữa trong việc thông hiểu và lý giải cuộc đời của cha Biển Đức Thuận. Một số những trích dẫn, hoặc từ các thư từ hoặc từ giáo huấn tu đức của ngài, có liên quan với các tác giả đã đề cập tới những chủ đề được triển khai, sẽ giúp thông hiểu một cách sâu xa hơn là việc chỉ đặt vào trong một hoàn cảnh. Sau hết, trong mục thứ tư, sẽ có những tiết mục chuyển tiếp cho phép những diễn giải thần học. Đó sẽ là những nhắc nhớ về thần học, nếu tôi có thể nói như thế.
Đó là cách sắp xếp của từng chương nhằm đáp ứng các chuẩn mực khác nhau trong công trình nghiên cứu của chúng tôi về cha Biển Đức Thuận. Bây giờ chúng tôi xin đề cập tới bố cục và những khai triển.
Bố cục và khai triển
Đề tài của chúng tôi sẽ được trình bày không chỉ theo dòng thời gian, mà còn theo chủ đề. Có thể là tùy tiện. Thế nhưng một sự phối hợp thời gian và chủ đề như thế sẽ tạo được điều lợi ích này là trình bày cuộc đời của cha Biển Đức Thuận dưới nhiều góc độ khác nhau. Vả lại, công trình nghiên cứu của chúng tôi về cha Biển Đức Thuận không chỉ giới hạn ở đời sống của ngài, mà còn mở rộng tới dung mạo của ngài vốn được khắc sâu trong tâm trí của các thế hệ hậu lai.
Trong phần thứ nhất, chúng tôi sẽ giới thiệu những kết quả từ việc nghiên cứu về cuộc đời của cha Biển Đức Thuận qua ba giai đoạn chính: quá trình đào tạo, nhà truyền giáo, đan sĩ. Cả ba giai đoạn này sẽ được khảo sát trong sự hòa hợp với Thiên Chúa, do đó có nhan đề “Trực diện với Thiên Chúa”: làm sao cuộc đời của ngài lại được xem xét như một cuộc đương đầu với Thiên Chúa? Ai hoặc điều gì tác động trong cuộc đời của ngài khiến ngài thay đổi ơn gọi? Bằng cách nào ngài đã trải qua những lối sống khác nhau như thế, nếu không nói là mẫu thuẫn nữa? Đâu là dung mạo của Thiên Chúa? v.v…
Trong phần thứ hai, chúng tôi sẽ giới thiệu cha Biển Đức Thuận trong quan hệ của ngài với Giáo hội qua ba chủ đề : hoán cải những người chưa tin nhận Chúa, ươm trồng Giáo hội, mở ra huyền nhiệm. Để thực hiện việc trình bày theo chủ đề này, chúng tôi sẽ phải sử dụng lại một vài văn bản và một vài chủ đề vốn đã được sử dụng vào những thời điểm khác nhau trong công trình của chúng tôi. Vì vậy sẽ có một vài sự lặp lại, nhưng việc lặp lại này, hoặc là những văn bản hoặc là những sự kiện, sẽ không giống nhau, bởi lẽ chúng tôi sẽ diễn giải chúng dưới một góc độ khác, trong một lãnh vực khác. Nhan đề của phần hai này là: “Giữa lòng Giáo hội”. Thành ngữ này có nguồn gốc từ thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu. Cha Biển Đức Thuận thực hiện ơn gọi của ngài ngay giữa lòng Giáo hội như thế nào? Tóm lại tại sao ngài đã chọn đời sống đan tu như là một cách phục vụ Giáo hội cũng như là một cách cộng tác vào sứ mệnh của Giáo hội ? Dung mạo của Giáo hội được giới thiệu ra sao? v.v…
Phần thứ ba sẽ được dành để bàn đến những dung mạo của cha Biển Đức Thuận như các đan sĩ của ngài từng ấp ủ trong tâm trí họ. Do đó mới có nhan đề: “Cha Biển Đức Thuận trong trái tim các đan sĩ của ngài”. Có ba dung mạo được bàn đến : con người thánh thiện, Đấng Sáng lập Dòng, người đưa đường. Trong phần ba này, chúng tôi sẽ đề cập tới vấn đề động lực thúc đẩy việc thành lập Dòng. Quả thực, như chúng tôi đã từng nói trước đây, con người của cha Biển Đức Thuận rất gắn bó với công việc của ngài: chúng ta không thể nào thấu hiểu cá cách hoặc tính tình của cha Biển Đức Thuận mà không nói đến Nhà Dòng Đức Bà Phước Sơn. Các thế hệ mai sau sẽ tưởng nhớ cha Biển Đức Thuận như thế nào? Họ sẽ hiểu sự thánh thiện và việc thành lập nhà dòng của họ theo những khuôn mẫu nào? Công việc lập Dòng không kết thúc với sự vĩnh viễn ra đi của Đấng Sáng lập, mà vẫn còn tiếp tục: các thế hệ mai sau nghĩ gì về hiện tại, về tương lai của Hội Dòng?, v.v…
Chúng tôi hy vọng rằng cách xếp đặt trên đây sẽ giải đáp được những vấn nạn mà chúng tôi đã nêu lên ngay từ phần dẫn nhập: liệu có thể biên soạn một tiểu sử vừa mang tính lịch sử vừa có tính thần học về cha Biển Đức Thuận? Theo phương pháp tiến hành của chúng tôi, làm thế nào để thực hiện một công trình như thế?27 Tôi cũng hy vọng rằng những người anh em của tôi cũng như độc giả sẽ bắt gặp một vài điều ngạc nhiên và lý thú vốn đã đồng hành với tôi trong suốt hành trình khảo sát liên quan đến nhân vật của chúng ta.
1. Trong công trình nghiên cứu này, từ ngữ “chúng tôi” không có tính cách “nghi thức trịnh trọng”, mà như là một lời mời gọi tất cả những người anh em của tôi và các độc giả hãy cùng tôi khám phá dung mạo của cha Biển Đức Thuận. Công trình này hẳn mang tầm vóc cá nhân, nhưng điều này không phải là một trở ngại cho chiều kích tương quan của nó.
2. Bề trên và cộng đoàn của tôi viện dẫn rằng thời gian tôi du học ở Au Châu sẽ tạo điều kiện cho tôi tìm thấy những tài liệu ở Văn khố của Hội Truyền giáo Paris, Văn khố của Nhà Bề trên Tổng quyền Dòng Xitô Chung phép và nhiều nơi khác, cũng như việc học tập của tôi tại Trung tâm Sèvres sẽ góp phần vào việc nghiên cứu này, v.v…
3. Để hoàn chỉnh bảng liệt kê các giai đoạn trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận, chúng tôi sử dụng nhiều tên gọi khác nhau: Henri Denis (từ lúc chào đời cho tới ngày Henri Denis lãnh nhận phép cắt tóc, ngày 7 tháng tư 1890) – thày Henri Denis (từ khi lãnh nhận phép cắt tóc cho tới ngày thụ phong linh mục, ngày 7 tháng ba 1903) – cha Henri Denis (từ khi thụ phong linh mục cho tới ngày cha nhận tên gọi việt-ngữ, vài ngày sau khi cha đến Việt Nam) – cha Denis Thuận (cho tới ngày cha lãnh nhận áo dòng, ngày 2 tháng hai 1920) – cha Biển Đức Thuận (từ ngày cha lãnh nhận áo dòng cho tới khi cha từ giã cõi đời).
4. Xem hình số 14.
5. Thời bấy giờ, người ta gọi Dòng Đức Bà An-nam hoặc Dòng Đức Bà Phước Sơn. Chúng tôi sử dụng cả hai tên gọi này.
6. Diderot [… ] Ông chia sẻ những quan niệm về tiểu sử mà ông cho rằng không thể nào nắm bắt được thực chất của một cá nhân, nhưng ông không loại bỏ thể loại tiểu sử; một cách chính xác hơn, ông nghĩ rằng, cho dù tiểu sử không thể thực tế, nhưng vẫn có vai trò giáo dục bởi vì nó giới thiệu những nhân vật nổi tiếng cũng như phơi bày các đức hạnh của họ vốn được mọi người biết đến và các tật xấu riêng tư của họ… Sự chân thật và ảo tưởng văn học, tự truyện và sự đa dạng hóa nhân vật chiếm chỗ trong sự dao động này; mỗi thời lúc đặc biệt, tách riêng ra, chỉ là một sự biến dạng sánh với việc xây dựng nhân vật, không tuân theo một sự khai triển tình tiết đơn giản, và cũng không đi theo một lộ trình liên kết chặt chẽ và có định hướng.”, Giovanni LEVI, “Les usages de la biographie” dans Annales ESC, 11-12/1989, số 6, p. 1327. Texte traduit par Olivier Christin.
7. J. Le GOFF, “Saint Louis, une tentative de biographie totale” dans Une vie pour lhistoire. Entretiens avec Heurgon, Ed. La Découverte, Paris, p.527.
8. G. LEVI, “Les usages de la biographie” dans Annales ESC, 11-12/1989, số 6, p. 1328.
9. G. LEVI, sđd, p. 1329.
Tác giả này đề nghị phác thảo bốn dạng tiểu sử :
a. Tiểu sử ngoại tả và tiểu sử hình thái. Theo cách nhìn này, các tiểu sử cá nhân chỉ đáng quan tâm khi chúng minh họa những cách cư xử hoặc những dáng vẻ bề ngoài liên quan đến điều kiện xã hội thường xuyên nhất theo thống kê. Vì thế đây không phải là những tiểu sử đích thực, mà đúng hơn đây là việc vận dụng những dữ kiện có tính tiểu sử nhằm vào những mục đích tiểu sử ngoại tả.
Tiểu sử thuộc dạng này, mà ta có thể gọi là hình thái do những tiểu sử cá nhân chỉ dùng để minh họa các hình thức đặc trưng trong cách cư xử hoặc cương vị xã hội, tỏ rõ nhiều tương đồng với tiểu sử ngoại tả: thực ra, tiểu sử không hẳn là tiểu sử của một nhân vật đặc biệt, mà đúng hơn là tiểu sử của một cá thể vốn có liên quan đến tất cả các nét đặc trưng của một nhóm. (pp. 1329-1330)
b. Tiểu sử và bối cảnh. Theo loại hình thứ hai này, tiểu sử giữ nguyên nét đặc trưng. Thế nhưng, thời điểm, môi trường và khung cảnh chung quanh rất được đề cao như là những yếu tố có khả năng nêu lên đặc trưng của bầu không khí vốn lý giải các số phận theo tính cách cá biệt của chúng… Việc vận dụng tiểu sử dạng này căn cứ trên một giả thuyết ngầm mà ta có thể trình bày như sau: một cuộc đời, dù nét độc đáo bề ngoài của cuộc đời đó như thế nào đi nữa, chỉ có thể thông hiểu qua những lệch lạc hoặc những nét đặc trưng, nhưng trái lại, bằng cách đem mỗi một lệch lạc bề ngoài ấy về với quy luật và chứng tỏ rằng sự lệch lạc phải có một chỗ đứng trong bối cảnh lịch sử vốn cho phép nó. Quan điểm này đem lại nhiều kết quả rất phong phú, thường biết duy trì sự quân bình giữa tính cách riêng biệt của thân phận cá thể và toàn thể hệ thống xã hội. Tuy nhiên có một điều đáng tiếc là bối cảnh thường được mô tả như là cứng nhắc, liên kết chặt chẽ, nên nó được sử dụng như tấm phông bất động để giải thích tiểu sử. Những số phận cá thể được gắn chặt vào bối cảnh, nhưng không tác động vào bối cảnh, không biến đổi bối cảnh. (pp. 1330-1331)
c. Tiểu sử và những trường hợp hạn chế. Tuy nhiên, đôi khi, các tiểu sử được trực tiếp sử dụng nhằm để làm sáng tỏ bối cảnh. Trong trường hợp này, bối cảnh không được cảm nghiệm trong sự toàn vẹn và trong sự thấu đáo theo thống kê, mà qua những khoảng chênh lệch. Khi mô tả các trường hợp hạn chế này, đó chính là những khoảng chênh lệch thuộc phạm vi xã hội trong đó các trường hợp này có thể được đưa ra ánh sáng… (p.1331)
d. Tiểu sử và khoa chú giải. Nhân loại học diễn giải chắc hẳn đã đề cao hành vi đối thoại, sự liên tục trao đổi và luân phiên giữa hỏi và đáp bên trong cộng đồng hiệp thông. Theo quan điểm này, tư liệu tiểu sử thực chất trở thành suy lý lôgíc, tuy nhiên ta không thể chuyển dịch bản thể thực tế, toàn thể các ý nghĩa mà bản thể có thể mặc lấy: nó chỉ có thể được diễn giải bằng cách này hoặc cách khác. Đó là hành vi diễn giải đầy ý nghĩa, tức là tiến trình biến đổi văn bản, gắn kết một ý nghĩa cho một hồi tiểu sử vốn có thể có vô số ý nghĩa… (p.1332)
10. Jean Baptiste METZ nêu lên nhận xét này: “Thần học công giáo thời nay dường như bị thống trị nhiều bởi một sự ly khai rất sâu xa giữa hệ thống thần học và cảm nghiệm tôn giáo, giữa vinh tụng ca và tiểu sử, giữa tín lý và huyền nhiệm.”, “Excursus: La théologie comme biographe?”, dans La foi dans lhistoire et dans la société. Essai de théologie pratique. Traduit de lallemand par Paul Corset et Jean-Louis Shlegel, “Cogitatio Fidei”, Cerf, 1979, nouvelle édition, 1999.
11. Jean Baptiste METZ, sđd, p. 247.
Theo tác giả này, K. RAHNER đã đảm nhận tín lý về cuộc đời đã trải nghiệm, một tiểu sử có tính huyền nhiệm về người tín hữu kitô ngày nay. “Nhưng theo Rahner thần học siêu nghiệm có nghĩa gì”? Thần học này đã đảo ngược hệ thống thần học kinh điển để quay lại với chủ thể. Ông đã tách chủ thể ra khỏi tảng đá khách quan kinh viện, vốn đã làm tê liệt khắp nơi thần học kinh điển. […] Chủ thể là con người cùng với những trải nghiệm trong cuộc đời, vốn không tồn tại và không thể chia sẻ nếu không nhờ đến các cách thức kể chuyện. Theo chiều hướng này, Rahner đã nâng sự hiện hữu tâm linh lên hàng một đề tài khách quan về tín lý.
Theo tôi, công trình của Rahner đơn giản chỉ là một tiếng vang, đầy chất thể thần học, xuất phát từ đời sống kitô giáo hiện nay. Đây không phải là quy tắc bắt buộc của những vấn đề cổ điển, bởi vì nó không chỉ giải đáp các vấn nạn riêng tư của hệ thống. Theo Rahner, quy tắc chính là cuộc sống, không phải cuộc sống được tùy tiện chọn lựa, mà là cuộc sống được áp đặt, cuộc sống đầy gian khổ.
Rahner đã không những tiếp nhận những điều lý thú ấy, mà ông còn tự buộc mình, điều mà không ai muốn làm, vào những lo âu và những vấn nạn của người khác. […] Cuối cùng những vấn đề của cuộc sống đời thường cũng trở thành những vấn đề thần học.” (pp.251-252)
12. Jean-Claude Passeron đã báo hiệu nguy cơ của “sự thái quá về ý nghĩa và về sự gắn kết với mọi sự tiếp cận tiểu sử”, điều mà ông gọi là “ảo tưởng tiểu sử”: ảo tưởng này không chỉ ở nguy cơ cho rằng “không có gì là không có ý nghĩa” trong câu chuyện tiểu sử không chọn lọc không phê phán, có thể nó còn trong ảo tưởng tái tạo thật sự một định mệnh. Jacques LE GOFF, Saint Louis, Bibliothèque des Histoires, Gallimard, 1996, p. 18.
13. E. POULAT, “Compréhension historique de lEglise et compréhension ecclésiale de lHistoire”, dans Concilium n0 67 (1971), p. 24.
14. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở nhiều nơi khác, nhất là ở chương VII, khi chúng tôi sẽ đề cập tới sự thánh thiện của cha Biển Đức Thuận.
15. Xem Phụ trương 2.
16. Thời ấy, cha Biển Đức Thuận viết thư trên loại giấy kém chất lượng và sử dụng bút mực. Do khí hậu ẩm ướt và vì giấy kém chất lượng, nhiều chữ không thể đọc được hoặc biến mất. Tôi đã phải mất nhiều thì giờ cho việc giải đoán những thư từ đó.
17. G. LEVI, “Les usages de la biographie” dans Annales ESC, 11-12/1989, n06, p. 1326. Traduit par Olivier Christin.
18. Chúng tôi sẽ đề cập lại quan điểm về tiểu sử này nơi thích hợp.
19. G. LEVI, sđd, p. 1328.
20. J. LE GOFF đã viết: “Trong thuật biên soạn lịch sử hiện nay – nhất là ở Pháp – người ta theo cách thức quay trở lại: quay trở lại với lối kể chuyện, quay trở lại với biến cố, quay trở lại với lịch sử chính trị. Một trong những sự quay trở lại đó mau chóng nảy nở, đó là sự quay trở lại với tiểu sử. Mà tiểu sử tạo điều kiện cho cái nhìn đầu tiên về sự phức tạp nặng nề của mọi vật.” “Comment écrire une biographie historique aujourdhui?”, dans Le Débat, n0 54, 1989, (p.48)
21. J. LE GOFF, Saint Louis, Introduction, Bibliothèque des Histoires, Gallimard, 1996, p. 18.
22. J. LE GOFF, Saint Louis, p. 18.
23. J.LE GOFF, “Comment écrire une biographie historique aujourdhui?”, p. 50.
24. Pierre BOURDIEU, “Lillusion biographique”, dans Actes de la Recherche en Sciences sociales, 62-63, juin 1986, pp. 69-72.
25. W. KASPER đã viết: “Có hai khía cạnh đặc biệt chủ yếu cho việc tranh luận hiện nay liên quan đến việc chú giải và học thuyết khoa học, như đã được hướng dẫn trong khoa sử học. Trước hết, lịch sử được hình thành từ biện chứng pháp vốn liên kết biến cố lịch sử khách quan với việc diễn giải lịch sử chủ quan về biến cố ấy. Tưởng tượng về một khoa học lịch sử không định kiến, thoát khỏi mọi đánh giá, hoàn toàn khách quan, xem ra là điều ảo tưởng. Trái lại, – và đây là điểm thứ hai – xem chừng như sự vận hành không cùng giữa chủ thể và đối tượng chỉ có thể có được trong phạm vi của một sự nhận thức trước về ý nghĩa trọn vẹn của lịch sử.” “Lhistoire de lEglise comme théologie historique”, dans Théologie et Eglise, Cerf, Paris, 1990, p. 177.
26. M.-TH.DESOUCHE, “Lhistoire comme lieu théologique et fondement de la théologie pastorale”, dans NRT 116 (1994), p.423.
27. Để tiến hành việc tìm hiểu về Đấng Sáng lập Dòng, chúng tôi đã lấy nguồn cảm hứng từ tác phẩm của Jacques LE GOFF về Saint Louis: nhất là cảm hứng theo cách viết một tiểu sử lịch sử . J. LE GOFF, Saint Louis, Bibliothèque de La Découverte, Gallimard, 1996.
Phần thứ nhất
Cha Biển Đức Thuận
trực diện với Thiên Chúa
“Chúng tôi là một loài rất hèn mọn, mà Đức Chúa Trời là Đấng trọng vô cùng, đành lòng xuống mặc lấy tính loài người như chúng tôi, mà nên Cha chúng tôi, Anh chúng tôi, Bạn chúng tôi. Ay thật là một điều lạ quá, trí chúng tôi suy chẳng thấu.”
(DN, số 109)
DẪN NHẬP
Trong phần thứ nhất, chúng tôi giới thiệu cha Biển Đức Thuận từ lúc chào đời cho tới lúc qua đời. Cuộc đời của ngài được chia thành ba giai đoạn: từ lúc chào đời cho tới ngày ngài lên đường sang Việt Nam; giai đoạn thứ hai: mười lăm năm thực thi tác vụ rao giảng Tin Mừng với tư cách Thừa sai; giai đoạn thứ ba: mười lăm năm sống đời đan tu. Qua ba giai đoạn này, chúng tôi sẽ giới thiệu những kết quả chúng tôi đặt được từ nỗ lực thực hiện tiểu sử.
Quả thực, như chúng tôi đã nói trong phần Tổng dẫn nhập, một tiểu sử vừa mang tính lịch sử vừa có tính thần học bao gồm ba hoạt động trí tuệ: kể chuyện, giải thích và diễn giải. Trung thành với phương pháp luận này, chúng tôi thuật lại cuộc đời của cha Biển Đức Thuận và suy nghĩ về cuộc đời ấy để tìm thấy những điều mới mẻ vốn chưa được khám phá.
Vào cuối thế kỷ thứ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi, Giáo hội Pháp đã nếm trải những bước ngoặt quan trọng trong phạm vi đời sống tôn giáo: Nhà nước đã gây nên nhiều khó khăn hoặc những cuộc bách hại: ngăn cấm các nam nữ tu sĩ giảng dạy trong các cơ sở giáo dục được giao phó cho họ, tịch thu nhiều địa sở, trục xuất những cộng đoàn tu trì không được cấp phép. Quả là một thời kỳ đầy khủng khoảng. Tuy nhiên có một điều ngược lại: đây cũng là thời kỳ của công cuộc truyền giáo. Nhiều vị thừa sai nam cũng như nữ được gửi đến những đất nước xa xôi, ở Phi Châu, ở Canađa, và nhất là ở các xứ Viễn Đông, để rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Khoa truyền giáo học đã được vận dụng. Lúc bấy giờ, chiến tranh Đông Dương đã kết thúc với chiến thắng của quân đội Pháp. Nước Việt Nam được đặt dưới sự đô hộ của nước Pháp: Nam kỳ (Nam Việt Nam) trở thành thuộc địa của Pháp; Bắc kỳ (Bắc Việt Nam) và Trung kỳ (An-nam; Trung Việt Nam) được đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp. Cho dù những cuộc bách hại các tín hữu kitô đã chấm dứt, nhưng trong lòng những kẻ cầm quyền Việt Nam và một bộ phận dân chúng vẫn tồn tại sự dè chừng và sự hiềm kỵ đối với lực lượng chiếm đóng và các vị thừa sai. Cuộc nổi loạn của nhóm Văn thân là một ví dụ. Vì thế sứ vụ rao giảng Tin Mừng được thực hiện một cách tế nhị và khó khăn. Tuy nhiên, Giáo hội Việt Nam ngày càng lớn mạnh và phát triển.
Henri Denis đã sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đầy nghịch lý như thế. Quá trình đào tạo của ngài, hoặc trong khuôn khổ gia đình hoặc trong các cơ sở giáo dục và tôn giáo, đã để lại nơi ngài nhiều dấu ấn và dần dần tạo nên tính cách của ngài. Thực vậy ngài là người cùng thời với thời đại của ngài. Thế nhưng một khi đến Việt Nam, nhờ giao tiếp với tầng lớp dân chúng nông thôn nghèo khổ, nên đã xảy ra một vài chuyển biến trong cuộc đời của ngài. Mô hình linh mục, cụ thể một linh mục thừa sai như ngài đã học biết trong những năm tháng được đào tạo, giờ đây phải cọ sát với thực tế tại chỗ: một thứ ảo tưởng nào đó biến mất để nhường chỗ cho một cái nhìn thực tế hơn.
Nhưng, việc giao tiếp hằng ngày cùng với sứ vụ thực thi tại chỗ quả thực đã đặt ra cho cha Biển Đức Thuận vấn nạn sau đây: làm thế nào để có thể phục vụ một cách hữu hiệu hơn đoàn dân kitô giáo này? Dù cảm nhận một vài đốm sáng xuất hiện từ xa, nhưng những chọn lựa, những quyết định của ngài không hề dễ dàng. Những ước vọng riêng tư của ngài vấp phải luật lệ xã hội và tôn giáo. Vì thế việc thành lập Dòng tại Việt Nam phải chăng là một điều không tưởng? Huống chi, việc thành lập Dòng này lại do một vị thừa sai không hề được đào tạo chút nào về đời sống đan tu: có là một ảo tưởng không? Thế nhưng, cha Biển Đức Thuận đã thành công trong việc đem đời sống đan tu gieo trồng trên đất Việt Nam.
Cả ba giai đoạn trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận được đánh dấu bởi một bối cảnh đầy nghịch lý như thế đấy. Nhiều trở ngại khách quan và chủ quan, nhiều vấn đề trên bình diện xã hội cũng như cá nhân đã tôi luyện ngài theo dòng thời gian. Ngay từ những ngày đầu tiên trên cõi đời này, cuộc sống đối với ngài đã là một trường học vĩ đại trong đó ngài đã học biết phân định những dấu chỉ của thời đại.
Trong phần đầu tiên này, chúng tôi sẽ cố gắng xem xét cả ba giai đoạn cuộc đời của cha Biển Đức Thuận như một cuộc hành trình tâm linh trong đó ngài trực diện với chính Thiên Chúa. Làm thế nào để có thể nghiệm thấy những chuyển biến trong ơn gọi của ngài: “tu triều – thừa sai – đan tu”? Đâu là ý nghĩa cuộc chiến của ngài với chính mình và với chính Thiên Chúa để rồi cuối cùng biến giấc mơ của ngài thành hiện thực? Dung mạo của Thiên Chúa là một dung mạo được vận dụng như thế nào khi chúng ta đọc lại cuộc đời của cha Biển Đức Thuận?, v.v…
CHƯƠNG I
QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO
“Một thước vải đáng giá một xu, mà khi đã nhuộm thứ màu gì rất xinh đẹp, thì đáng giá bằng trăm bằng ngàn. Cũng thế ấy, linh hồn khi chưa có ơn nghĩa thì đáng giá đôi ba tiền như thước vải thô, mà bây giờ đã nhuộm máu Đức Chúa Trời, thì đáng giá bằng trăm bằng ngàn vậy, vì được phước của Chúa.” (DN, số 108)
Trong chương đầu tiên này, chúng tôi dõi theo Henri Denis trong suốt hai mươi ba năm ngài sống ở Pháp. Cuộc hành trình này khởi đi từ Boulogne-sur-Mer để kết thúc ở Paris, tại chủng viện của Hội Thừa sai. Giai đoạn đầu với hai mươi ba năm này đã khắc họa nơi ngài những dấu ấn của công trình đào tạo vừa đời vừa đạo. Cần phải nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của những người lớn tuổi, hoặc là những người thân cận, hoặc là những người mà Henri Denis tiếp xúc. Đối với ngài, tất cả những người đó đều trở thành như một tấm gương soi rọi mọi tâm tư tình cảm và mọi hành vi của ngài. Tuy nhiên, ngài vẫn giữ sự tự do của mình và chọn lấy một lối đi riêng, bất chấp những khó khăn gặp phải: ngài rời bỏ giáo phận Arras để gia nhập chủng viện của Hội Truyền giáo Paris. Đây quả là một quyết định đánh dấu một bước ngoặt dứt khoát và có những hệ quả quan trọng.
I . TỪ BOULOGNE-SUR-MER ĐẾN PARIS
1. Nền giáo dục đầu tiên trong gia đình và nơi Anh em Trường Kitô (quen gọi là Sư huynh La San)
Vào lúc ba giờ sáng ngày 17 tháng tám 1880, tại Boulogne-sur-Mer, một thành phố ở miền Bắc nước Pháp, đã sinh hạ một bé trai có tên là: Henri Francois Joseph – Denis1. Chú bé là con trai duy nhất của ông Francois-Henri-Cyrille-Denis, sinh ngày 6 tháng mười một 1848 và bà Anne-Marie Geffroy, cư ngụ tại Boulogne; hai ông bà đã thành hôn vào ngày 13 tháng mười một 1875 tại Boulogne.
Henri Denis2 đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội tại nhà thờ Đức Bà Boulogne3 ngay ngày chào đời, bởi gia đình gồm có ba người này đã cắm rễ sâu trong truyền thống công giáo. Vả lại dân chúng vùng Boulogne-sur-Mer rất sốt sắng giữ đạo. Vì vậy bé Henri Denis đã lớn lên trong một bầu không khí rất đạo đức.
Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, trong quyển Hạnh tích, đã kể lại những kỷ niệm tuổi thơ của bé Henri Denis. Ngay từ nhỏ, Henri Denis đã đôi lần đi theo cha phân phát bánh mì cho dân làng. Trong những dịp như thế, người cha đã dạy Henri Denis quỳ gối cầu nguyện trước một thánh giá. Và mỗi sáng, trước khi đi làm, Henri Denis cùng cha mẹ đọc kinh cầu nguyện trước bàn thờ gia đình.
Henri Denis đã thừa hưởng lòng sùng đạo của cha mẹ và tác phong đạo đức của ông bà hẳn đã tạo ảnh hưởng sâu xa nơi chú bé. Chúng ta hãy để Henri Denis bày tỏ những kỷ niệm tuổi thơ của mình về vấn đề rèn luyện đạo đức. Theo Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, Henri Denis đã viết như thế này về mẹ của mình trong tập nhật ký:
“Tôi có phước vì ngay từ thơ ấu đã được mẹ dạy cho biết ham mộ sự đọc kinh cầu nguyện.”
Bà Geffroy không những sinh con, mà còn dưỡng dục con theo con đường đức tin, dạy con học biết mến chuộng hương vị của đời sống thân tình với Thiên Chúa. Chúng ta có thể đoán được rằng những bài học vỡ lòng như thế đã để lại trong tâm trí con trẻ những kỷ niệm khó quên. Henri Denis đã bày tỏ lòng mến phục đối với cha mình và xem cha như tấm gương của sự hiền lành, khiêm nhường, đơn sơ, đầy lòng thương xót đối với người nghèo khó, chịu khó đọc kinh cầu nguyện và siêng năng làm việc.6 Như vậy chúng ta thấy rõ cha mẹ Henri Denis rất sùng đạo và đầy đức hạnh 7.
Lên tám, bé Henri Denis đã không may, phải sớm chịu tang mẹ vào ngày 22 tháng mười hai 1888; bà Anne Marie Geffroy đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. Bà đã để hai cha con ở lại trong nỗi buồn phiền và hiu quạnh. Vài tháng sau, vào ngày 20 tháng tám 1889, ông Cyrille Denis tái hôn với bà Marie Thérèse Adèle Holuigue, thợ may, sinh ngày 2 tháng giêng 1850, góa chồng từ năm 1888. Năm 1890, sau khi tái hôn, cũng như trước đấy, ông Cyrille lúc nào cũng khai mình là cư dân ở Wimille, với nghề làm bánh mì. Và Wimille là một xã nằm ở mạn Bắc cách Boulogne9 chừng 5 cây số. Khi Henri Denis chào đời, xã này có được 1237 người dân. Vả lại có một chú thích cho chúng ta thấy rằng, sau khi tái hôn, ông Cyrille đến ở tại xóm Bon Secours thuộc xã Wimille. Ông tiếp tục nghề làm bánh mì và đã sáng chế thứ bánh khô dòn nổi tiếng, hiện đã trở thành một thứ đặc sản của địa phương.
Khi Henri Denis đến tuổi vào trường tiểu học, cha mẹ gởi chú vào học bán trú tại trường của các Sư huynh La San. Ngôi trường này đã được thiết lập từ những năm hai mươi của thế kỷ mười chín. Chúng tôi đọc được trong “Tiểu sử Cơ sở Wimille10” như sau: “Ngôi trường đã được xây dựng vào năm 1822 trên mảnh đất đối diện nhà thờ, ở cuối sân của một ngôi nhà nhỏ. Trường có hai lớp, cao ba mét, bên trên có phòng ngủ; khi mới đến, các Sư Huynh đã sở hữu ngôi trường này và các lớp học vẫn ở trong tình trạng như thế cho tới năm 1879… Vào năm này, đã có dự án xây thêm một phòng học thứ ba nữa. Mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng, công trình sắp sửa khởi công, thì chính quyền tỉnh phản đối và yêu cầu phải xây dựng một trường học nhận cả nam lẫn nữ tại Wimereux, nhưng hội đồng cấp thành phố lại không chấp thuận. Việc tranh chấp thẩm quyền này kéo dài mãi đến tám năm sau. Tuy nhiên, căn cứ vào luật ngày 30 tháng mười 1886, cha Billot, cha sở giáo xứ Wimille, kế thừa lòng nhiệt thành của các vị tiền nhiệm và để phòng trước việc có thể tục hóa trường học, và ngài đã thành lập một ủy ban nhằm hỗ trợ cho việc thiết lập, khi có cơ hội, một trường tư thục dành cho các Sư huynh. Về phần mình, ông Maurice de Rosny cũng sẵn sàng tài trợ mọi chi phí cho việc xây dựng hai phòng học và chỗ ở cho các Sư huynh, và công việc đã được nhanh chóng tiến hành từ nhiều tháng nay.”
Vậy là Henri Denis theo học tại trường tư thục do các Sư huynh điều hành. Theo các Sư huynh, trí dục cần đi đôi với đức dục 11, bởi vì trong những năm mà Nhà Nước cấm việc giảng dạy về tôn giáo, điều mà các tu sĩ này lo lắng hơn bao giờ hết là dạy cho những học sinh còn nhỏ tuổi có được một đức tin kitô vững chắc. Ngoài những giờ học tập, học sinh – kể cả những em bán trú – đều sống và sinh hoạt cả ngày cùng với bạn bè và các vị hữu trách trong một bầu không khí thân thiện.
Trong thời gian học tiểu học, Henri Denis còn theo học lớp giáo lý tại giáo xứ Wimille để dọn mình rước lễ lần đầu13 và ít lâu sau lãnh nhận bí tích Thêm sức 14. Vì vậy giáo xứ mà cha Billot làm cha sở, đã đóng một vai trò quan trọng trong ơn gọi của chú Henri Denis. Lớp giáo lý do cha phó là cha Eloy đảm trách. Vì những câu hỏi mà Henri Denis nêu lên hoặc do những câu trả lời mà chú đối đáp, đã khiến cha sở tặng cho chú danh hiệu “nhà thần học tí hon”. Phải chăng khả năng hiểu biết này đã tạo nên lòng hăm hở thiêng liêng, không những cho riêng Henri Denis mà còn cho các tân tòng mà sau này ngài sẽ gặp trong các xứ truyền giáo, cũng như cho các đan sĩ mà ngài sẽ giảng dạy về giáo lý?
Trong số những nhân vật tạo ảnh hưởng vững chắc trên Henri Denis, chúng tôi phải kể đến trước tiên là cha Eugène Golliot, sinh tại Wimille ngày 22 tháng sáu 1863, thụ phong linh mục ngày 15 tháng bảy 1888, được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu chủng viện Boulogne và về sau trở thành Giám đốc của chủng viện này 15. Tiếp sau là linh mục Andrea Eloy, cha phó xứ Wimille, là người đã từng nói với cha Golliot về Henri Denis như về một “nhà thần học tí hon”. Nhận thấy sự thông minh và đức hạnh của chú bé, vị giáo sư của Tiểu chủng viện đã muốn giúp chú thực hiện ước nguyện gia nhập chủng viện để trở thành linh mục. Từ đó cha Golliot trở nên cha thiêng liêng của Henri Denis.
2. Tại Tiểu chủng viện Boulogne : nhân cách thêm kiên vững
Như vậy, chú bé Henri Denis, dù sinh tại Bouloge-sur-Mer, nhưng đã trải qua một phần tuổi thơ tại Wimille. Vả lại, khi chú gia nhập Tiểu chủng viện Boulogne, sổ ghi nhận những tân chủng sinh ghi rõ Henri Denis đến “từ Wimille”16.
Giáo phận Arras là một vùng nông thôn, đông dân và giàu tiềm năng. Tuy nhiên, điều quan trọng cho đề tài của chúng tôi là vùng này đã ăn rễ sâu trong kitô giáo, nên ở đây ơn gọi làm linh mục thật là phong phú. Giáo phận lại có được những vị chủ chăn tinh thông, tạo nên ảnh hưởng rất lớn trong hàng giáo sĩ và trong giáo dân. Chính Đức Cha Parisis là người đã khai mở Tiểu chủng viện Arras, và dưới thời Đức Cha Lequette, Tiểu chủng viện Boulogne đã khai giảng vào năm 1871. Còn Tiểu chủng viện Marquera, tại Boulogne, thì do ba vị linh mục là Hecquet, Dié và Bonvarlet thành lập.
Cũng nên nhắc lại rằng tòa giám mục giáo phận Arras đã ba lần trống tòa kể từ khi Đức Lequette qua đời vào năm 1882. Tân giám mục Alfred Williez được bổ nhiệm vào năm 1892. Còn Henri Denis thì vào Tiểu chủng viện vào tháng mười 1892, nghĩa là hai mươi năm sau khi Tiểu chủng viện được thành lập và đúng vào năm tấn phong Đức Tân giám mục.
Về vấn đề huấn luyện các tiểu chủng sinh, nhiều Tu hội đã đảm nhận trách nhiệm. Dưới thời giám mục Parisis, tức từ năm 1852, Tu hội thánh Bertin đảm trách công việc điều hành và ban giáo sư của Tiểu chủng viện Arras. Đây quả là nơi lý tưởng để đào tạo linh mục. Với nỗi quan tâm lo lắng gìn giữ các ứng sinh trẻ trong bầu không khí thuận lợi cho việc dọn mình tiến chức linh mục, giám mục Parisis vốn là người bảo thủ quá khích cũng như vị kế nhiệm của ngài là giám mục Lequette, đã quyết định tách các chủng sinh ra khỏi các học sinh trung học để các chủng sinh không bị tiêm nhiễm bởi các học sinh. Từ đó, việc giảng dạy chủng sinh được tiến hành ngay trong chủng viện. Tiếp theo sau Tu hội thánh Bertin là các cha Xuân Bích đảm trách công việc đào tạo này. Tiểu chủng viện Boulogne, con út của Arras, chắc hẳn tuân theo đường lối huấn luyện này.
Henri Denis đã hít thở tràn trề không khí của Tiểu chủng viện, nơi lý tưởng cho việc đào tạo linh mục, trong khi chú vẫn chuyên chăm học bậc trung học. Theo Hạnh tích của Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, chú chủng sinh Henri Denis vừa chuyên cần học tập vừa trung thành tuân giữ luật lệ của chủng viện. Chú còn tận tụy đảm nhận nhiệm vụ y tá ở chủng viện 17.
Sau đây là một vài chi tiết liên quan đến việc học tập của Henri Denis tại Tiểu chủng viện Boulogne 18. Khi gia nhập chủng viện vào tháng mười 1892, chú Henri Denis học lớp đệ lục và dường như khó thích nghi với các môn học hoàn toàn mới mẻ đối với chú, nên chú chỉ đạt kết quả trung bình. Trong nhiều môn học, đặc biệt môn tiếng pháp và tiếng la-tinh, chú thuộc vào số những học sinh đứng vào những thứ hạng cuối cùng. Thế nhưng nếu như chú chỉ đạt điểm trung bình trong các môn khoa học, thì trong môn tu đức, chú đạt kết quả khá tốt: chú đứng hạng 10 trên hai mươi hai học sinh. Năm sau (1893-1894) lên lớp đệ ngũ, chú vẫn không được xếp hạng khá hơn trong môn tiếng pháp; chú bắt đầu học tiếng hy-lạp và cũng không thành công lắm, nhưng đạt tiến bộ trong môn dịch tiếng la-tinh. Còn về môn tu đức, bây giờ chú lên hạng 4 trên hai mươi tám học sinh. Tiếc rằng chúng ta không biết gì về kết quả ở năm học tiếp theo. Đến năm học đệ tam (1895-1896), chú đạt được những kết quả đáng kể. Thực vậy chú lãnh phần thưởng19 hạng nhất về môn dịch tiếng la-tinh, hạng nhì môn toán và khoa học tự nhiên, giải khuyến khích 1 về luận văn pháp, giải khuyến khích 3 về môn dịch tiếng hy lạp và giải khuyến khích 5 về sự chuyên cần. Bây giờ chú Henri Denis được xếp vào số sáu học sinh đứng đầu lớp! Năm học 1897-1898, ở lớp đệ nhất (thời ấy gọi là Ban “tu từ”), chú đứng hạng 1 môn dịch tiếng la-tinh, hạng 3 về luận văn pháp, hạng 5 môn lịch sử, hạng 6 môn địa lý, và hạng 8 môn tiếng hy lạp, trên tổng số hai mươi ba học sinh. Phần đánh giá của các Bề trên về phong cách đạo đức, Henri Denis luôn luôn được điểm 6+, tức là điểm tối đa : hạnh kiểm mẫu mực !
Ngày 21 tháng sáu 1897, Henri Denis được kết nạp vào Hội Đoàn Đức Trinh Nữ Maria, một phong trào đạo đức dành cho học sinh của Tiểu chủng viện 20.
Chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng của người cha trên Henri Denis. Cha chú thường nhân cơ hội đi thăm con để dạy con những bài học thiết thực về đức khó nghèo và đức khiêm nhường. Lần nọ, người cha ăn mặc rất xoàng, mang đôi giày cũ rích, đến thăm con. Nhìn thấy cha ăn mặc lôi thôi như thế, Henri Denis cảm thấy hổ thẹn với chúng bạn. Người cha ngồi phệt ngay xuống đất, giảng giải cho con hiểu biết về sự cần thiết của đức khiêm nhường và đức đơn sơ 21.
Henri Denis rời Tiểu chủng viện vào tháng tám 1898 để đi đến Lille, ở đó, nhờ hồng ân cha Golliot, chú chuyên tâm vào việc chuẩn bị thi tú tài sẽ diễn ra tại Học viện Công giáo Lille. Trong thời gian này, gia đình ông bà Hyacinthe-Louvier tại Lille tài trợ cho việc học tập của Henri Denis.
3. Tại Đại Chủng viện Arras : theo đuổi ơn gọi
Sổ ghi danh của Đại Chủng viện Arras ghi nhận Henri Denis đến Đại Chủng viện ngày 1 tháng mười 1900 22.
Như trên chúng tôi đã nói, giáo phận Arras, hồi thế kỷ XIX, không thiếu ứng sinh cho chức linh mục. Ơn gọi lúc nào cũng phong phú. Đã có những lúc việc phong chức linh mục vượt quá nhu cầu. Không còn đủ nhiệm sở cho tất cả các tân linh mục. Điều này tạo nên một thời kỳ khủng khoảng có quá nhiều linh mục, mà giám mục đã không thể tiên liệu. Vì vậy trong nửa đầu thế kỷ XIX, đã diễn ra phong trào nhiều linh mục di chuyển đến các giáo phận khác.
Đứng trước con số quá nhiều ứng sinh như vậy, việc thu nhận vào chủng viện được đưa vào chương trình nghị sự, đồng thời chương trình đào tạo các linh mục tương lai được đặt lên hàng đầu. Cần phải kéo dài thời gian học tập và nâng cao chất lượng. Vả lại việc đào tạo trí tuệ cần đi đôi với việc đào tạo thần học. Hilaire đã viết một quyển sách trong đó ông sơ lược trong vài trang những xung đột về vấn đề đào tạo tại Đại Chủng viện Arras dưới thời giám mục Parisis 23. Vị giám mục theo chủ nghĩa giáo hoàng độc tôn này quan tâm tới chương trình giảng dạy trong chủng viện; ngài đã đưa vào chương trình giảng dạy những tác phẩm kinh điển của Kitô giáo như các Án tích tử đạo, Hạnh tích các thánh; Lactance, thánh Basile và thánh Chrysostome đều có mặt trong chương trình.”24 Lúc bấy giờ việc đào tạo thần học khá phát triển trong các chủng viện. Thực vậy, nếu như hồi giữa thế kỷ mười tám, các cha giáo sử dụng pho cẩm nang cũ kỹ thuộc giáo hội Pháp của Bailly để giảng dạy tín lý, cũng như ưa chuộng Bouvier cho môn luân lý, thì kể từ năm 1872, thần học luân lý của thánh Alphonse de Liguori chiếm vị trí hàng đầu, còn Bonal thế vào vị trí của Bouvier.
Ảnh hưởng của Hội Xuân Bích trở nên quá rõ ràng, nên quan niệm về chức linh mục cũng được thăng hoa. Vào năm 1840, hồng y La Tour dAuvergne, vị tiền nhiệm của giám mục Parisis, đã định nghĩa về linh mục như sau: “Linh mục là người của Thiên Chúa, ngài không còn là người của thế gian nữa. Là chủ chăn, ngài phải dành trọn tất mọi khoảng khắc của cuộc đời cho những nhiệm vụ vừa đáng sợ vừa tràn đầy an ủi. Là linh mục của Chúa, ngài cần nêu cho mọi người gương sáng về sự khinh chê mọi vui thú thế gian, và là tông đồ, ngài cần phải có nhiều đức hạnh và lòng nhiệt thành.”25 Nói như thế để cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo đạo đức các chủng sinh.
Thời ấy, người ta đã nhấn mạnh như thế về việc đào tạo đạo đức các chủng sinh. Thực vậy, linh mục hơn hẳn người tín hữu bình thường, bởi ngài là một “Kitô khác”, ngài cần nên gương thánh thiện cho tất cả các tín hữu Kitô bởi tác phong đạo đức, cũng như làm tròn mọi nhiệm vụ trong ngày một cách thánh thiện. Việc đào tạo các linh mục tương lai còn được thực hiện nhờ thực hành nhiều việc đạo đức như là tôn sùng Thánh Thể, tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, sùng kính Đức Mẹ, v.v… Henri Denis đắm mình trong từng chi tiết của một chương trình đào tạo như thế, song ngài vẫn không quên linh mục phải là người cha của những người nghèo khổ.
Henri Denis chịu chức cắt tóc, rồi theo đuổi tuần tự từng bậc chương trình đào tạo bình thường dành cho một linh mục tương lai. Theo đánh giá của các Bề trên Đại chủng viện Arras, thầy Henri Denis rất nghiêm túc, dù năng lực bình thường, và đôi lúc gặp khó khăn khi phải tự xoay xở 26.
Nhưng rồi đến lúc thầy Henri Denis ao ước thay đổi hướng đi: thầy bày tỏ lòng mong muốn gia nhập Chủng viện Hội Truyền giáo Paris. Vì lẽ đó, tên thầy trong sổ ghi danh chính thức của giáo phận Arras có dấu gạch chéo, xác định thầy đã chuyển sang Hội Truyền giáo từ ngày 1 tháng tư 1901 27.
Chúng ta không biết điều gì đã diễn ra trong tâm trí của thầy chủng sinh trẻ tuổi này. Trong quyển Hạnh tích, Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến có nêu lên sự kiện sau đây : khi còn là một tiểu chủng sinh, Henri Denis trở về gia đình vào dịp nghỉ hè. Nhân dịp này, thầy biết được cha phó 28 của xứ mình đã gia nhập Chủng viện Hội Truyền giáo Paris và đã đi truyền giáo ở Đông Dương. Tác giả kết luận rằng sự kiện này đã gợi lên trong lòng Henri Denis ước nguyện trở thành thừa sai.
Henri Denis đến Boulogne-sur-Mer tham khảo ý kiến cha linh hướng là cha Golliot. Sau một lúc cầu nguyện, suy nghĩ và chia sẻ, cả hai đều nhất trí là Henri Denis có thể theo tiếng Chúa gọi.
Trở về Wimille, thầy Henri Denis còn phải xin phép cha mẹ. Quan điểm của Hội Truyền giáo Paris là sai gửi các thành viên của Hội đến các xứ Đông Dương, vì thế đối với ông bà thân sinh của Henri Denis, để cho đứa con trai duy nhất của mình đi đến một đất nước xa xôi quả không phải là một điều dễ dàng. Ông bà nghĩ ngay tới việc sớm muộn gì cũng phải chia lìa con và có thể sẽ là một sự chia lìa vĩnh viễn. Nhưng rồi ông bà cũng chấp nhận để con ra đi theo tiếng Chúa gọi. Ông liền nói với con trai duy nhất của mình: “Ừ, con đi đâu thì đi, làm chi thì làm, song đừng có kiêu ngạo, nghe con!”29
4. Tại Hội Truyền giáo Paris : kiên vững theo điều đã quyết
Ngay trong lá thư viết cho Cha Giám đốc Chủng viện Hội Truyền giáo hồi tháng tám 1900, thầy Henri Denis đã trình bày rõ ràng ước mơ trở thành thừa sai:
“Kính thưa Cha Giám đốc,
Sau khi con được các cha linh hướng và các bề trên trước kia cũng như bây giờ khuyến khích, như là cha Tổng Đại diện Lejeune, cha Delattre, Bề trên chủng viện thánh Thomas, cha Bề trên Tiểu chủng viện Boulogne và cha chính xứ, con hết lòng tin tưởng kính xin cha vui lòng nhận con vào chủng viện của Hội Truyền giáo.
“Thưa Cha, lần đầu tiên là hồi cuối năm học lớp đệ lục, con đã cảm thấy nỗi khao khát dâng hiến cuộc đời con để cứu rỗi những người chưa biết Chúa, đặc biệt là những người Trung Hoa đáng thương. Thoạt đầu, ước nguyện này pha lẫn với một sự khá ham thích những cuộc hành trình và những chuyến mạo hiểm, nhưng càng ngày nó càng trở nên rõ nét và mãnh liệt, đến mức vào năm đệ nhất, cha linh hướng đã có thể quả quyết với con rằng chắc chắn là con được ơn gọi làm thừa sai …
Chính vì lẽ đó mà con dám xin Cha nhận con vào chủng viện của Hội. Hiện nay con đã ra khỏi Chủng viện thánh Thomas. Con đã học hai năm triết học, luân lý và biện giáo; để hoàn tất chương trình của Bièvres, con chỉ còn phải học những giáo trình về đức tin, về các điều răn cũng như về giáo hội; con nghĩ là con có thể học hết trong kỳ nghỉ hè, bởi vì lúc ấy con có đầy đủ thời gian, sách vở và thầy dạy, để con có thể tham dự thi tuyển, nếu cần thiết…”
Trong lá thư này, chúng tôi cũng đọc thấy vài hàng của cha linh hướng là cha Golliot:
“Kính Cha Bề trên,
Thầy Henri Denis xin tôi thêm vài lời vào lá thư của thầy, tôi rất sẵn lòng.
Thầy là một trong những học sinh cũ của chúng tôi. Thầy đã chịu phép cắt tóc hồi tháng ba vừa qua. Thầy đã tốt nghiệp tú tài toàn phần. Đây là một chàng trai thông minh, đạo đức, có nhiều phẩm chất vững vàng và có thể trở thành một vị thừa sai tuyệt vời, có những phẩm chất như cha Eloy …”
Chúng tôi cũng xin trích nguyên văn thư đề ngày 8 tháng tám 1900 của cha L. Delatte, giám đốc Đại chủng viện Arras gửi cha giám đốc Hội Truyền giáo Paris:
“Kính Cha Bề trên,
Tại Chủng viện thánh Thomas, thầy Henri Denis được coi như là một trong những thầy ưu tú của chúng tôi về mọi mặt: đạo đức, tính tình, chuyên cần.
Tuy không có những năng khiếu đặc biệt, song thầy đạt được những thành quả rất mỹ mãn. Hơn nữa thầy đã có bằng tú tài ban văn chương. Đó là những thông tin tốt nhất liên quan đến chàng trai trẻ này, mà tôi có thể kính đến cha không một chút e dè. Việc thầy rời bỏ chúng tôi sẽ là một mất mát đối với giáo phận vốn đặt nhiều kỳ vọng tốt đẹp nơi thầy: tuy nhiên mặt khác, điều đó sẽ có lợi: chúng ta nên có một vài ơn gọi đặc biệt. Những ơn gọi như thế sẽ duy trì ở một mức độ cao hơn chuẩn mực của những ơn gọi bình thường. Riêng tôi, tôi sẵn lòng nhượng thầy lại cho cha, và tôi sẽ không quên cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo đầy thử thách, nhưng đồng thời cũng đầy phúc lành của cha.
Kính xin Cha Bề trên nhận nơi đây những tâm tình kính ái rất trân trọng của tôi trong Chúa chúng ta.”
Vậy là thầy Henri Denis vào chủng viện Hội Truyền giáo Paris ngày 25 tháng tư 1901.
Chúng ta biết rằng Hội Truyền giáo Paris được thiết lập từ khởi xướng của vị thừa sai Dòng Tên là cha Alexandre de Rhodes. Vị thừa sai này đã gặt hái được một kinh nghiệm quan trọng về việc rao giảng Tin Mừng cho những người chưa tin nhận Chúa trong các xứ Đông Dương. Trong những cuộc bách hại vào các thế kỷ XVII và XVIII, các tín hữu Kitô, khi đứng trước việc các thừa sai bị trục xuất và trước việc thiếu vắng linh mục, đã khó mà kiên vững trong đức tin. Cha A. de Rhodes đã biện bạch cho việc cần gửi các giám mục đến Á Châu để các ngài đảm đương việc đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc. Sau nhiều thủ tục tỉ mỉ, cuối cùng, bốn giám mục được bổ nhiệm với danh hiệu “Đại diện Tông tòa” 30.
Chủng viện Hội Truyền giáo Paris được thành lập, gần như cùng lúc với sự hỗ trợ của Dòng Thánh Thể, nhằm đảm bảo việc đào tạo các thừa sai tương lai, vốn sẽ được sai đi truyền giáo tại các xứ Đông Dương 31.
Khi thầy Henri Denis vào chủng viện Hội Truyền giáo Paris, ở Rue du Bac, thì cha Bernard Delpech đã là Bề trên của Hội từ năm 1867 32. Chương trình huấn luyện thần học ở đây cũng được thực hiện giống như ở tất cả các Đại chủng viện nhằm chuẩn bị cho việc tiến chức linh mục. Chắc chắn văn kiện mang tựa đề “Monita ad Missionnarios” 33 (“Những lời khuyến dụ các thừa sai”) do Đức Cha Francois Pallu và Đức Cha Pierre Lambert de La Motte biên soạn, đã trở thành quyển cẩm nang không thể thiếu cho việc đào tạo các thừa sai tương lai.
“Theo định nghĩa về phương pháp truyền giáo cần thích nghi, những lời khuyến dụ này (Monita) trình bày một lý tưởng hoàn toàn mới mẻ : để tác động kẻ khác và biến đổi họ, tiên vàn cần phải tự trang bị một tinh thần vững chắc và xác lập những điều kiện cho một công cuộc rao giảng Tin Mừng hữu hiệu, bằng cách dựa trên nguyên tắc các dân tộc đều bình đẳng trước ơn cứu độ.” 34
Bầu không khí ở Chủng viện Hội Truyền giáo Paris như thế nào? Chúng ta hãy nghe Théophane Vénard trình bày trong các thư từ của mình 35:
“Phúc thay được ở trong Hội Truyền giáo … Chúng tôi kết thành một gia đình hoàn toàn hợp nhất…” “Chúng tôi rất hạnh phúc được sống trong chủng viện…” “Tôi yêu thích biết bao sự thanh vắng nơi các hàng lang trong chủng viện thân thương của chúng tôi, sự an bình trong các tu phòng, cách sắp xếp những giờ tập luyện có thứ tự lớp lang, những thời gian dài để học tập, để suy tư vốn hãy còn quá ngắn ngủi, sự hào hứng trong những giờ vui chơi, tình bác ái huynh đệ giữa anh em, vẻ diệu kỳ của nhà nguyện, âm vang của biết bao kỷ niệm, và tôi không biết nói sao về sứ vụ tông đồ và phúc tử đạo.”36
Theo các bạn đồng môn, ở chủng viện, thầy Henri Denis đứng đầu cả về học tập lẫn thực hành nhân đức. Thầy nổi bật về âm nhạc và la ngữ 37. Ai ai cũng quý mến thầy.
Năm nào, ông Cyrille Denis cũng đến Hội Truyền giáo thăm con, trong bộ đồ xoàng xỉnh thường ngày, nhằm để nhắc nhở con hai nhân đức khó khăn và khiêm nhường mà ông cho là cốt yếu 38.
Thầy Henri Denis tiếp tục học thần học đúng theo chương trình đã định và từng bước tiến nhận các chức thánh, các chức nhỏ rồi các chức lớn; và cuối cùng thầy được thụ phong linh mục ngày 7 tháng ba 1903 dịp lễ thánh Thomas dAquin.
Đó là những bước đi đầu tiên trong cuộc đời của Henri Denis, làm nên giai đoạn tu luyện trong ơn gọi riêng của ngài. Quả thực, như chúng ta vừa thấy, ơn gọi làm linh mục của ngài nảy sinh và tiến triển theo ngày tháng. Cuộc hành trình của ngài, khởi đi từ Boulogne-sur-Mer và kết thúc ở Paris, đưa ngài dần tới ơn gọi làm thừa sai.
II. THỜI KỲ ĐẦY NGHỊCH LÝ
Sau khi đã nhìn lướt qua giai đoạn đào luyện của Henri Denis, bây giờ chúng ta xét xem môi trường xã hội và môi trường tu trì ảnh hưởng như thế nào trên ơn gọi của vị linh mục trẻ tuổi Henri Denis. Quả thực, tất cả mọi nghiên cứu về ơn gọi đều cần chú ý tới môi trường xã hội và môi trường tu trì của ứng sinh.
1. Sinh trưởng tại Boulogne-sur-Mer, một nơi mộc mạc giản dị nhưng đầy tinh thần công giáo
Boulogne-sur-Mer là một thành phố thuộc tỉnh Pas-de-Calais. Và “Le Pas-de-Calais” là một trong những tỉnh giàu có nhất của Pháp, một trong những nơi mà ngành nông nghiệp và chế biến thành phẩm sinh lợi nhiều nhất, là nơi mà ngành giáo dục tiến cao nhất, đời sống xã hội sôi động nhất, và có nhiều tham vọng vừa mãnh liệt vừa hào phóng nhất.”39 Chứng tá của Hilaire, vị bác sĩ người Artois, chứng tỏ một nhận thức về cách quản lý thiết thực và từ tâm mới mẻ. Thực thế, tỉnh lỵ cũng như giáo phận đã nhâp chung tỉnh Artois và ba địa hạt trước kia sáp nhập với chính quyền của tỉnh Picardie : đó là vùng Montreuil, phạm vi thuộc thẩm quyền của Boulogne và lãnh thổ Calais.
Liên quan đến đời sống kinh tế của Pas-de-Calais, dân chúng sống nhờ nông nghiệp. Thời điểm năm 1836, hơn ba phần tư cư dân ở Pas-de-Calais là người nông thôn. Do vậy đa phần những người trưởng thành đều làm nghề nông. Vì lẽ đó, đời sống nông thôn duy trì nhiều mối liên hệ với đạo giáo. Đó là một thứ tôn giáo mà mọi người đều biết và ăn rễ sâu trong xã hội nông thôn.
Chúng tôi đã nói đến việc rèn luyện đạo đức của Henri Denis ngay từ trong gia đình. Quả thực, ông bà thân sinh đã giáo dục Henri Denis hấp thụ một nếp sống đạo đức. Mà việc thực hành đạo đức là những điều thường thấy nơi cư dân Boulogne. Ai ai cũng có lòng mộ đạo, mà rõ nét nhất là những nơi thánh, những cử hành phụng vụ theo tuần tự các mùa, những nghi lễ đầy ấn tượng, v.v…
Henri Denis đã chịu phép Rửa tội ngay ngày chào đời. Rửa tội con trẻ đã là một truyền thống ăn rễ sâu trong vùng đất rất mực kitô này 41. Lần chuỗi Mân côi là một hình thức đạo đức rất được yêu chuộng trong gia đình của Henri Denis cũng như trong nhiều tổ ấm khác. Thực vậy, nhờ Đức Thánh Cha Léon XIII, nhiều hiệp hội đạo đức được tổ chức, trong số đó có Hội đoàn Kinh Mân côi đã được phát triển mạnh mẽ. Mà những việc thực hành đạo đức như thế luôn đi đôi với những phong tục tập quán của các tín hữu. Các giám mục kế tiếp nhau của giáo phận Arras đã không ngừng xã thân phát huy tất cả các lãnh vực này.
Đức Cha Parisis, giám mục Arras (1851-1882), đã thực hiện nhiều việc cải tổ trong phụng vụ, trong phong tục tập quán của giáo dân và hàng giáo sĩ. Về vấn đề cải tổ phong tục tập quán của giáo dân, vị giám mục theo chủ nghĩa giáo hoàng độc tôn này đã công bố nhiều thư luân lưu quan trọng về sự trong sáng trong phong tục và trong gia đình. Trong thư luân lưu ngày 18 tháng giêng 1866 về gia đình, ngài viết : “Theo lời Thánh Kinh, chính người phụ nữ làm nên gia đình, bởi vì chính họ làm cho ngôi nhà của mình được yêu thích, nhờ họ khéo léo sắp xếp để có được sự an lạc và nhờ họ làm lan tỏa sức hấp dẫn. Cũng chính người phụ nữ thông truyền cho con trẻ những dấu ấn đầu tiên, những khả năng nhận thức đầu tiên, và tiếp đến là những thói quen thường không thể thay đổi. Đứa trẻ nào có được một người mẹ đức hạnh và hiền hậu, sẽ không bao giờ trở nên hoàn toàn hư đốn … Vì thế tiên vàn chúng ta cần có những người mẹ kitô. Nhưng bằng cách nào chúng ta có được những người mẹ như thế, nếu như trước tiên chúng ta không đào tạo nên những thiếu nữ nết na thùy mị và kính sợ Thiên Chúa? … Chúng ta sẽ chỉ có thể chấn hưng gia đình nhờ người phụ nữ và chúng ta sẽ chỉ có thể cải tạo người phụ nữ bằng cách tiên vàn gìn giữ toàn vẹn kho tàng nhân đức, ở bên trong cũng như ở bên ngoài, ngay cả trong thời kỳ đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, dưới tầm nhìn không ngừng của Thiên Chúa … Tương lai của các gia đình tùy thuộc phẩm hạnh của các cô thiếu nữ mà một ngày nào đó họ sẽ trở thành những người mẹ.” 43
Phần Đức Cha Alfred Williez, môn đệ của Giáo hoàng Léon XIII và của Hồng y Mei, ngay từ khi được bổ nhiệm làm giám mục Arras ngày 2 tháng tư 1892, ngài ra sức duy trì việc phát triển những hình thức đạo đức cũng như việc huấn luyện tinh thần cho hàng giáo sĩ và giáo dân. “Có ba điều khiến ngài quan tâm và hướng dẫn mọi hoạt động của ngài : trước tiên, cần phải có một sự xác thực về tu đức, bao hàm việc người nữ nên có một lòng đạo đức với phẩm chất tốt hơn cũng như việc người nam nên phục hồi lòng mộ đạo; thứ đến, cần quyết tâm cải thiện việc huấn luyện tinh thần cho giáo sĩ và giáo dân; và sau hết là lo lắng cho sự độc lập của Giáo hội vốn có nguy cơ bị tổn hại do chính sách bài giáo sĩ.” 44
Nhờ Đức Cha Alfred Williez mà các thông điệp của Đức Thánh Cha Léon XIII được đọc và được quan tâm chú ý trong giáo phận Arras. Lòng mộ đạo của nam giới lấy lại sức sống mãnh liệt trong thập niên những năm chín mươi. Nam giới chạy đến cầu nguyện cùng Đức Mẹ, việc họ hiện diện trong các buổi thờ phượng, các tuần cửu nhật, những cuộc hành hương càng ngày càng trở nên thường xuyên và đông đúc hơn. Như danh bạ của Tiểu chủng viện Boulogne đã ghi lại, Henri Denis đã được gia nhập Hội đoàn Đức Trinh Nữ Maria vốn là một phong trào đạo đức dành cho các học sinh trẻ ở Tiểu chủng viện.
Chúng tôi cũng cần nêu lên ảnh hưởng của các thừa sai người Ý và Bỉ tới việc truyền bá trong giáo phận Arras những hình thức đạo đức vốn làm dấy lên những thức tỉnh tinh thần dưới hình thức mộ đạo bảo thủ quá khích.
Bây giờ chúng tôi đề cập tới vai trò của ngành giáo dục trong việc huấn luyện tinh thần cho các thanh niên và thanh nữ. Chúng tôi chỉ bàn tới mô hình trường dòng trong các trường tiểu học dành cho nam sinh. Thế nhưng, trước hết, chúng tôi xin nói đôi lời về chính sách giáo dục của hai Đức Cha Parisis và Lequette.
Các tín hữu kitô đã phải chịu nhiều thử thách từ cuộc Cách mạng ở Pháp, và nhiều hệ quả vẫn tiếp tục ảnh hưởng trên đoàn dân này. Vì thế Đức Cha Parisis, với lòng mong muốn tái kitô hóa các tín hữu thuộc giáo phận ngài, đã đưa tôn giáo vào trong tổ chức giảng dạy. Để có thể thực hiện điều này, thì cần phải có những kiến thức về Kinh thánh và tín lý. Cho nên ngài khuyến khích việc phát triển các trường tư của các tu sĩ. Vị kế nhiệm Đức Cha Parisis là giám mục Lequette, tiếp tục duy trì tinh thần của vị tiền nhiệm, nên ngài cổ vũ việc thành lập Đại học công giáo.
Vào giữa thế kỷ XIX, các Sư huynh La San đã có mặt trong mười bốn địa điểm trong đó có Wimille. Việc thiết lập trường của các Sư huynh thường diễn ra sau khi hàng giáo sĩ và những nhân vật quan trọng gây một sức ép khá mãnh liệt đối với hội đồng thị chính. Và nhiều thành quả đã được nở rộ nhờ tài năng sư phạm của các Sư huynh.
Như trên chúng tôi đã nói, Đức Cha Parisis luôn quan tâm đến việc cần phải giảng dạy đạo đức cho học sinh. Vì thế đức dục chiếm một số giờ trong thời khóa biểu của học sinh. “Giáo dục đạo đức khơi dậy sự tận tâm tận tụy của các thầy giáo, khiến họ trở nên những trợ lý đắc lực và kín đáo của hàng giáo sĩ. Sau một lần đi kinh lý, Đức Cha đã tỏ ra hài lòng về tư cách của các thầy giáo nói chung, về tác phong của họ, về vẻ trang nghiêm mà họ nêu gương, về những nỗ lực mà họ đóng góp vào những nghi thức long trọng nhờ những câu ca tiếng hát và những thử nghiệm nhạc đạo.” 45
Chúng tôi đọc thấy một bản lược sử về cơ sở của các Sư huynh tại Wimille: “Cơ sở này lúc nào cũng chỉ có hai lớp; trên nguyên tắc, có gần một trăm học sinh, vậy mà năm nào người ta cũng ghi vào sổ điểm danh từ một trăm bốn mươi đến một trăm năm mươi học sinh. Địa phương có hơn năm mươi xóm tản mát trên bề rộng ba mươi mốt cây số vuông; phần đông trẻ em phải đi ba hoặc bốn cây số mới đến trường; nhiều em phải mang theo bữa ăn trưa. Trong kỳ nghỉ hè, hầu hết các em đều lao động ngoài ruộng đồng, nhưng tất cả đều khá chuyên chăm đọc kinh sách.
“Từ ngày thành lập, trường sở đã đào tạo nên tám linh mục hiện đang phục vụ hoặc đã qua đời; hiện giờ, có hai học sinh đang học ở Đại chủng viện mà một đã nhận chức phụ phó tế, còn bốn học sinh nữa đang học ở Tiểu chủng viện.
Ơn gọi tu trì hiện không nhiều; tuy nhiên trường đã cung cấp cho Tu hội chúng tôi hai ứng sinh tuyệt vời, và cha chính xứ đang quan tâm tìm kiếm những ơn gọi mới.” 46
Mặc dù giáo phận Arras là một vùng đất cắm rễ sâu trong truyền thống kitô, nhưng giáo phận cũng đã từng biết đến những cuộc khủng khoảng trong nhiều lãnh vực khác nhau, trong suốt dòng lịch sử của mình hồi thế kỷ XIX 47.
2. Thời kỳ khủng khoảng
Henri Denis chào đời vào thời gian bùng nổ cuộc khủng khoảng chính trị-tôn giáo hồi năm 1880 cùng với việc trục xuất các Dòng tu chưa được Chính quyền thừa nhận theo sắc lệnh ngày 29 tháng ba. Mà trong những năm 1879 và 1889, những người theo chế độ cộng hòa lên nắm quyền, bỏ phiếu thông qua những đạo luật tục hóa và áp dụng một loạt những biện pháp bài giáo sĩ.
Đạo luật Falloux năm 1850 dành cho hàng giáo sĩ quyền kiểm soát trường tiểu học và xác định những điều khoản trong đạo luật Guizot năm 1833. Tuy nhiên, Jules Ferry, Tổng trưởng bộ Giáo dục cộng đồng từ ngày 4 tháng hai 1879, và sau ông hầu hết những người cộng hòa, đều đem Lý trí so sánh với Mặc khải. Việc cải tổ của ông nhằm đến một nền giáo dục đồng nhất cho tất cả mọi người Pháp. Từ nay việc giáo dục đạo đức do hàng giáo sĩ đảm nhận, nhưng được thực hiện ở bên ngoài học đường. Nói cách khác “Thiên Chúa ra ngoài nhà trường”. Việc thế tục hóa các cơ sở giáo dục dẫn đến việc bài xích các phần tử của các Dòng tu. Quả là một cuộc khủng khoảng có tầm rộng lớn gây lo lắng cho cư dân vùng Pas-de-Calais, về phương diện hệ thống giáo dục.
Theo sau sắc lệnh ngày 29 tháng ba 1880, các tu sĩ bắt đầu rời khỏi các cơ sở của mình. Đây là danh sách những cuộc trục xuất được ghi nhận trong các Văn khố và được sử gia Hilaire kể lại. Các tu sĩ Dòng Tên ở Boulogne phải ly tán ngay trong mùa hè. Tại Calais, các tu sĩ Capuxinô bị trục xuất. Tại Arras, các Cha Dòng Nhân ái và các Cha Dòng Thánh Thể bị đuổi ra khỏi tu viện. “Tại Boulogne, cửa nhà và tu phòng của các tu sĩ Dòng Khổ nạn bị cưỡng chế trước đám đông đang bị kích động. Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu thế bị nhốt chặt trong tu phòng; tu viện bị vây hãm một cách có hệ thống: các chấn song bị tháo bỏ, cửa thứ hai bị mở khóa, cửa thứ ba bị phá tan tành. Nhiều nhân vật quan trọng tụ tập trong phòng khách vây quanh Cha giám đốc để phản đối, nhưng tất cả đều bị trục xuất. Lúc bấy giờ các Cha lần lượt từng người một rời khỏi tu phòng và ra đi trong tiếng hoan hô của dân chúng hết tình ủng hộ các ngài.”48
Việc thi hành các Đạo luật năm 1880 khiến nhiều Hội dòng phải chấm dứt mọi hoạt động: các tu sĩ Dòng Khổ nạn bán sạch tài sản, các Cha Dòng Thánh Thể rời khỏi Arras. Thế nhưng, dần dần, một vài Hội dòng thay đổi những hình thức hoạt động: các Cha Dòng Nhân ái trở thành thừa sai thuộc giáo phận. Còn các tu sĩ Capuxinô và Dòng Chúa Cứu thế lấy lại tu viện và đa dạng hóa các sứ vụ.
Như vậy, Boulogne là một thành phố đặc biệt bị rối loạn do việc triệt hạ các Dòng tu. Và song song với việc bài xích các Dòng tu, các giáo sĩ cũng nằm trong tầm nhắm: dường như đâu đâu cũng có những cuộc tấn công chống lại những lề thói và tính tham lam của hàng giáo sĩ, cũng như đức tin kitô giáo bị phê phán.
Giáo phận Arras còn phải trải qua một cuộc khủng khoảng khác nữa trong thập niên những năm tám mươi, đó là tòa giám mục ba lần bị trống ngôi giữa những năm 1882 và 1892.
Khi Henri Denis được hai tuổi, thì Đức Cha Jean-Baptiste Lequette qua đời sau mười sáu năm cai quản giáo phận Arras. Chúng tôi không đi vào chi tiết, dù biết rằng “việc kế nhiệm Đức Cha Lequette diễn ra ngày 13 tháng sáu 1882, trong bầu không khí căng thẳng.” 49 Mà sự căng thẳng này xuất phát từ việc đề cử các ứng viên vào tòa giám mục. Cuối cùng, cha Guillaume được bổ nhiệm làm giám mục Arras ngày 10 tháng 9 1882. Nhưng Đức Cha Guillaume chỉ cai quản giáo phận được hai năm. Ngài được thuyên chuyển đến Tours năm 1884. Công việc cải tổ của ngài hãy còn dang dở, do không đủ thời gian. Một thành viên của Tu Hội Saint Bertin là cha Désiré Dennel tiếp ngôi giám mục Arras năm 1884 và tại vị cho tới năm 1891. Ngài là một vị giám mục theo chủ nghĩa giáo hoàng độc tôn 50; ngài sẽ chuẩn bị tinh thần cho trào lưu quy thuận chế độ cộng hòa Pháp.
Ngày 2 tháng tư 1892, cha Alfred Williez lên ngôi giám mục Arras. Vị tân giám mục này cũng theo chủ nghĩa giáo hoàng độc tôn 51 và cũng tán thành phong trào quy thuận chế độ cộng hòa. Năm 1892, Đức Thánh Cha Léon XIII mời gọi người công giáo quy thuận Chính thể cộng hòa hầu có thể tìm ra lối thoát cho cuộc xung đột chính trị-tôn giáo mà ngài cho là một mối hiểm họa lớn cho tương lai kitô giáo ở Pháp.
Henri Denis gia nhập Tiểu chủng viện đúng vào năm Đức Cha Alfred Williez lên ngôi giám mục Arras.
3. Thời kỳ truyền giáo
Như trên chúng tôi đã nói, Giáo hội Pháp, và đặc biệt là giáo phận Arras, đã trải qua những thời lúc khó khăn trong thế kỷ XIX. Sự thế tục hóa dường như nhấn chìm nước Pháp. Và không chỉ nước Pháp, mà cả nước Đức, nước Ý cũng đều trải qua nhiều thời lúc khủng khoảng.
Tuy nhiên, thế kỷ XIX cũng là thời điểm của công cuộc truyền giáo bên ngoài, khởi đầu sự rộng mở đến với các vùng đất xa lạ. Thực vậy, nhiều vị thừa sai đã lên đường đi chinh phục những người ngoại đạo để dẫn đưa họ về cùng Chúa và trong Giáo hội. Từ năm 1822, nhiều vị thừa sai đã dũng cảm tiến sâu vào Châu Á. Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Annam trở thành những vùng đất ưu tiên cho việc rao giảng Tin Mừng.
Cũng nên nhắc lại rằng nước Pháp chiếm kỷ lục trong sự trở lại với sứ mạng truyền giáo. Có rất nhiều ơn gọi sẵn sàng ra đi truyền giáo ở những đất nước xa xôi. Ước tính nước Pháp đã cung cấp hai phần ba nam thừa sai và một tỷ lệ nữ tu thừa sai còn quan trọng hơn nữa. Mà những ơn gọi phong phú như thế ấy là kết quả từ việc phục hưng các Hội dòng truyền giáo trước kia như là Dòng Anh em Lazariste, Dòng Anh em Spiritain, Hội Truyền giáo Paris. Cũng đã có những Hội dòng mới được thành lập từ năm 1805. Việc có nhiều ứng sinh theo đuổi ơn gọi đã thúc đẩy nhiều Hội dòng dấn thân vào sứ mạng mục vụ ở nước ngoài.
Trong thời kỳ đầy biến chuyển này, không những số lượng ơn gọi trở nên quan trọng, mà chất lượng cũng được nâng cao. Một lần nữa, giáo hội công giáo Pháp đứng đầu trong công cuộc truyền giáo. Có ba hiệp hội trong số những hiệp hội hoạt động tích cực nhất cho việc hỗ trợ công cuộc truyền giáo có trụ sở đặt tại Pháp là nơi khai sinh các hiệp hội : đó là Hội Truyền bá đức tin, Hội Thánh Nhi và Tổ chức từ thiện Đông phương.
Thoạt nhìn, chúng ta nhận thấy rằng hậu bán thế kỷ XIX, lịch sử Giáo hội Pháp ở vào một thời kỳ khác thường : nước Pháp, đất nước của cuộc Cách mạng, trung tâm của công cuộc hóa giải tinh thần kitô và của nhiều cuộc bách hại, giờ đây trở thành một đất nước hướng tới những công cuộc truyền giáo nơi phương xa. Nước Pháp trở nên như một cái bể nuôi giữ các thừa sai. Bởi thế, theo suy nghĩ của các sử gia của Giáo hội, thử thách do cuộc Cách mạng và kinh nghiệm từ thời kỳ Trung hưng dẫn tới khái niệm lạc quan về sự bành trướng của Kitô giáo. Trong Lời Dẫn nhập quyển I của Biên niên sử, ta đọc được những dòng đáng khâm phục sau đây. “Chúng ta đã đọc thấy trong lịch sử xuyên suốt các thế kỷ: hễ người ta áp bức tôn giáo ở nơi này, tôn giáo sẽ chuyển sang nơi khác; người ta càng bóp nghẹt, tôn giáo càng phát triển; người ta tưởng rằng tôn giáo chạy trốn, thực ra tôn giáo chỉ biến đi một thời gian để chiếm hữu một phần nào khác trong di sản của mình”.52
Chúng ta hãy nhìn xa hơn phong trào truyền giáo trong Giáo hội. Mặc dù công giáo đặt nặng tầm quan trọng trong việc quay trở lại với công cuộc truyền giáo và mặc dù các thừa sai người Pháp lúc nào cũng đông đúc, ơn gọi không ngừng tăng thêm và dần dần lan sang nhiều nước khác như Ý, Đức, Ao, Ba Lan, v.v…
Còn một sự kiện khác nữa, đó là vai trò của Giáo hoàng Léon XIII trong phong trào truyền giáo này. Thực vậy, Đức Thánh Cha lên ngôi giáo hoàng ngày 20 tháng hai 1878 trong một bối cảnh đặc biệt khó khăn như chúng ta đã thấy. Tuy nhiên, triều đại của Giáo hoàng Léon XIII cũng thừa hưởng một sức mạnh truyền giáo mãnh liệt mà chúng ta cần phải xác định rõ hơn những đặc tính độc đáo bởi vì chúng định hình phần lớn chính sách và chiến thuật truyền giáo của Giáo hoàng.” 53
Đức Thánh Cha Léon XIII gây ảnh hưởng quyết định cho việc bành trướng công cuộc truyền giáo bên ngoài. Tác giả Claude Prudhomme đã viết: “Bản lĩnh dũng mãnh của Giáo hoàng, khả năng nắm bắt toàn bộ các biến cố, ý chí truyền bá tinh thần chinh phục, cách nhìn nhận những dự định lớn lao và những thị kiến có tính ngôn sứ của ngài đã khiến ngài có thể nắm bắt và đem động lực truyền giáo phục vụ cho những mục tiêu vĩ đại.” 54
Về vấn đề giáo dục 55, Đức Thánh Cha không truyền đạt cho các thừa sai những chỉ thị chuyên biệt, tuy nhiên những can thiệp của ngài cho thấy lúc nào ngài cũng quan tâm tới việc truyền giáo. Chúng tôi xin trích dẫn một số những huấn dụ của ngài:
Theo ngài, Giáo hội là tác nhân của ơn cứu độ, là nền tảng của một nền văn minh đích thực. Chính vì thế Giáo hội của Chúa Giêsu đâu có thể phải kinh tởm và đẩy lùi nền văn minh, bởi vì chính vì nền văn minh này mà Giáo hội tin rằng mình hoàn toàn đáng được vinh dự là vú nuôi, thầy dạy và là mẹ của nó.”56
Sứ vụ khai hoá phổ quát của Giáo hội tìm được nền tảng và hiệu quả trong sứ mệnh tôn giáo: “Quả thực, Chư Huynh đáng kính, chính với những lời thề nguyện và lòng tin tưởng cậy trông mà chúng ta ôm ấp những điều vĩ đại, cả đến những điều vượt quá sức loài người chúng ta; nhưng, vì Thiên Chúa đã làm cho mọi dân nước có thể được hồi phục thể lực và đã thành lập Giáo hội để cứu độ mọi người, khi ngài hứa nâng đỡ họ cho đền hồi tận cùng của thời gian, nên chúng ta tin chắc rằng, nhờ những nỗ lực của Chư Huynh, loài người, dù có bị vùi dập bởi bao đau khổ và bao tai ương hoạn nạn, cuối cùng rồi cũng tìm được ơn cứu độ và sự thịnh vượng trong sự tùng phục Giáo hội và trong Huấn quyền bất khả ngộ từ Ngai tòa Tông đồ “57
Nếu như sứ vụ truyền giáo của Giáo hội liên quan đến tất cả các phần tử của Giáo hội, thì mỗi người cần phải đóng góp phần của mình, bằng tiền bạc, lời cầu nguyện, tư cách làm cha hoặc làm mẹ, hoặc bằng việc chọn lựa đời sống truyền giáo. Nên thành lập các hiệp hội hỗ trợ công cuộc truyền giáo và triển khai những hiệp hội ấy dưới sự dẫn dắt của giáo quyền Roma, với tư cách là những “cộng tác viên”, chứ không phải là những ông chủ thi công công trình.
Trong Tông thư “In Pluribus” năm 1888, gửi các giám mục Braxin để đón chào việc hủy bỏ tình trạng nô lệ, Đức Thánh Cha bày tỏ sự xác tín về trách nhiệm của ngài :
“ Chúng ta nắm giữ ở bên cạnh mọi người vị trí của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, là Đấng yêu thương loài người vô hạn, đến độ đã không ngại mặc lấy tính nhân loại chúng ta, sống giữa chúng ta, mà còn muốn tự cho mình danh xưng là Con của loài người, nhằm để chứng tỏ Người đã đặt quan hệ với chúng ta để loan báo sự giải thoát cho những người bị tù đày…
Vì thế cần phải, và đây là đặc điểm của sứ vụ tông đồ chúng ta, hết sức giúp đỡ và cổ vũ tất cả những gì có thể đảm bảo cho mọi người, dù riêng rẽ, dù tập thể, những trợ giúp cần thiết để nâng đỡ vô số những đau thương của họ vốn như là hoa trái của cái cây hư hỏng, do tội lỗi của ông bà nguyên tổ; vì những sự trợ giúp như thế, dưới bất cứ hình thức nào, sẽ rất hữu hiệu không chỉ cho nền văn minh, mà còn dẫn tới sự đổi mới toàn vẹn mọi sự, như Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu thế, đã muốn và đã dạy” 58
Claude Prudhomme tóm tắt giáo huấn của Đức Thánh Cha về sứ mạng truyền giáo của Giáo hội bằng một câu như sau: “Tính phổ quát của ơn cứu độ và việc cần phải hoàn thành sứ mạng được trao phó cho Giáo hội đã được toàn thể giáo triều nhìn nhận là cần phải sớm “thực hiện lời giao ước của Chúa Giêsu Kitô: sẽ chỉ có một đoàn chiên và một chủ chăn (Gn 10, 16)” 59
Nếu như chúng tôi trích dẫn một vài can thiệp của Đức Thánh Cha Léon XIII, chính là để tìm hiểu những huấn dụ của ngài đã được lĩnh hội như thế nào tại nhiều địa điểm khác nhau trong giáo phận Arras. Quả thực, như chúng tôi đã nói, giáo phận này đã được cai quản bởi các giám mục theo chủ nghĩa giáo hoàng độc tôn như Parisis, Lequette và Williez. Giám mục Williez còn được mang danh là môn đồ của Đức Léon XIII. Rất có thể ngài đã truyền bá rộng rãi giáo huấn của Đức Thánh Cha trong giáo phận của ngài. Dường như Henri Denis, trong những năm tháng tại Chủng viện, cũng đã biết đến lời Đức Thánh Cha mời gọi đi truyền giáo ở những đất nước xa xôi.
Trong quyển sách có tựa đề “Lépopée missionnaire du diocèse dArras” 60 (Thời hoàng kim truyền giáo của địa phận Arras), tác giả Francois Gaquerre, đã góp nhặt những bài báo được xuất bản rải rác đây đó và giới thiệu chân dung của những người xuất thân từ Arras đi truyền giáo trong các lục địa; tác giả cũng giới thiệu những hiệp hội đã tích cực hỗ trợ công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Một trong những thừa sai xuất thân từ Arras là cha Andrea Eloy. Chúng tôi đọc được trong tác phẩm trên một ghi chú như sau: “Trước sự phản đối gay gắt của gia đình và của giám mục sở tại về việc linh mục này ao ước ra đi truyền giáo ngay tức khắc, ngài đã đem hết nhiệt tình thi hành thừa tác vụ phó xứ tại giáo xứ Saint Francois de Sales ở Boulogne. Cuối cùng khi Đức Cha Williez lên làm giám mục Arras vào năm 1893, ngài đã được Đức Cha cho phép gia nhập Chủng viện Hội Truyền giáo Paris ở Rue du Bac.”61
Cũng trong tác phẩm này, khi giới thiệu cha Jean-Baptiste Decroule, thừa sai tại Kontum ở Đông Dương, danh tánh Henri Denis được nêu lên cùng với những tên khác: “Vào thời kỳ rạng rỡ này, dưới sự che chở của Đức Trinh Nữ, đã xuất hiện nhiều ơn gọi đi truyền giáo, và chúng ta có thể gặp thấy và tập trung họ lại: đó là Đức Cha Albert Breton, các Cha Edmond Caloin, Jean-Baptiste Coppin, Lucien Delahaye, Noel Ghier, Paul Verdure, Henri Denis, Alcide Laurent, Anatole Darras…” 62
Chúng ta có thể kết luận rằng ơn gọi đi truyền giáo của Henri Denis được khắc họa trong một trào lưu hào hứng sôi động của thời đại. Thực vậy, ơn gọi đi truyền giáo này nảy sinh và lớn mạnh do nhiều ảnh hưởng khác nhau từ bên ngoài. Đó là những người, những tổ chức tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của ơn gọi đi truyền giáo 63. Nói cách khác, theo như lời kết luận của Yannick Essertel: “Một ơn gọi đi truyền giáo chắc chắn có những lý do và những động cơ sâu xa hơn nữa, vốn thuộc về phạm vi tương quan giữa người được gọi và Thiên Chúa. Những động cơ này ở ngoài tầm hiểu biết của người viết sử và người này cũng đừng mong dò thấu tâm can. Tuy nhiên trên bình diện xã hội học vi mô mà người viết sử nghiên cứu, thì việc so sánh với những giáo phận khác, với những đất nước khác có thể cho phép xác quyết hoặc bác bỏ kết luận trên đây. Nơi chôn nhau cắt rốn với các yếu tố cấu thành gia đình và giáo xứ được thay thế bằng chủng viện và Hội dòng đã giữ vai trò hàng đầu trong việc làm triển nở nhiều ơn gọi đi truyền giáo vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.” 64
Sau khi phác thảo lộ trình và bối cảnh trong hai mươi ba năm đầu của Henri Denis, chúng tôi ra sức tìm hiểu những suy tư và những định hướng mà Henri Denis đã nhắm đến trong những năm hãy còn ngồi trên ghế nhà trường. Thầy Henri Denis đã nhằm mục đích gì khi quyết chọn ơn gọi đi truyền giáo? Thầy mong đợi gì ở việc ra đi truyền giáo?
III. HƯƠNG THƠM TỪ SỨ VỤ TÔNG ĐỒ VÀ PHÚC TỬ ĐẠO
Sau khi đã theo dõi sự trưởng thành của Henri Denis trong hai mươi ba năm qua, từ lúc chào đời cho tới thời gian học tập ở chủng viện Hội Truyền giáo Paris, bây giờ chúng ta hãy thử xét xem điều gì đã diễn ra trong thâm cung sâu kín của thầy, khi thầy thay đổi phương hướng ơn gọi. Nói cách khác, nội tâm thầy tiến triển như thế nào để dẫn tới sự chuyển đổi bên ngoài của thầy? Chúng tôi phân tích trước tiên cách nói “ơn gọi đặc biệt”; tiếp đến chúng tôi ra sức tìm hiểu khái niệm sứ vụ tông đồ và phúc tử đạo mà chắc chắn thầy Henri Denis ấp ủ; sau cùng chúng tôi thử xét xem làm sao nghi thức sai đi nhơ là lúc ý niệm sứ vụ tông đồ và phúc tử đạo của thầy trở thành hiện thực.
1. Ơn gọi “đặc biệt“
Trong thư cha giám đốc Đại chủng viện Arras gửi cha giám đốc Hội Truyền giáo, chúng tôi đã đọc được điều này: “… Việc thầy rời bỏ chúng tôi sẽ là một mất mát đối với giáo phận vốn đặt nhiều kỳ vọng tốt đẹp nơi thầy: tuy nhiên mặt khác, điều đó sẽ có lợi: chúng ta nên có một vài ơn gọi đặc biệt. Những ơn gọi như thế sẽ duy trì ở một mức độ cao hơn chuẩn mực của những ơn gọi bình thường.”
Khi sử dụng cụm từ “ơn gọi đặc biệt”, cha giám đốc Đại chủng viện Arras đã nhận thấy: việc thầy Henri Denis rời bỏ chủng viện Arras là một sự thăng tiến dẫn tới một bậc cao hơn nữa trong bậc thang giá trị. Nói cách khác, theo nhận xét của ngài, ơn gọi đi truyền giáo có một tầm vóc vĩ đại hơn và sâu rộng hơn.
Tuy nhiên, trước khi đề cập tới ơn gọi đi truyền giáo là “một bậc cao hơn”, sẽ rất có ích cho chúng ta nếu chúng ta dừng lại một lúc để tìm hiểu thầy Henri Denis ấp ủ trong tâm trí những mẫu gương nào về một linh mục triều. Nói cách khác, thầy Henri Denis nghĩ tưởng như thế nào về chân dung của một vị linh mục trong suốt những năm thầy theo học tại Tiểu và Đại chủng viện Arras? Vì thầy đã không ghi lại điều gì về vấn đề này, nên chúng tôi phải cậy nhờ đến công trình nghiên cứu của Hilaire để thông hiểu chân dung của vị linh mục hồi thế kỷ XIX tại giáo phận Arras.
Trong suốt thế kỷ XIX, giáo phận Arras đã chứng kiến công cuộc đào tạo hàng giáo sĩ của giáo phận thật tốt đẹp. Các giám mục kế tiếp nhau trên ngai giám mục Arras – gồm Hồng y de la Tour dAuvergne, Đức Cha Parisis, Đức Cha Jean-Baptiste Lequette, Đức Cha Alfred Williez – đều góp phần vào việc cải thiện công cuộc đào tạo hàng giáo sĩ. Vì thế đã tạo nên một vài mẫu gương. Chúng tôi xin trưng dẫn một vài mẫu gương đó 66 mà ta thấy được vào thời điểm Henri Denis gia nhập Tiểu và Đại chủng viện Arras.
– Từ “vị linh mục nhân lành” đến “ông cha sở nhiệt thành với các hội đoàn”
Hồi thế kỷ XIX, đã có một sự thăng hoa về chân dung của linh mục trong giáo phận Arras: “vị linh mục nhân lành” dần dần nhường chỗ cho “ông cha sở nhiệt thành với các hội đoàn”. Tuy nhiên vào thời điểm này, hình ảnh vị linh mục nhân lành vẫn còn đầy sức hấp dẫn. Và đây là một vài mẫu gương. Vị linh mục nhân lành là môn đệ trung tín của Chúa Kitô và là “người của tất cả mọi người” 67; ngài là người quảng đại, hiếu khách; nhà xứ của ngài lúc nào cũng rộng mở. “Nhà của ngài, nghĩa là gia đình của ngài …, đó là trẻ em, cụ ông cụ bà, kẻ nghèo khổ, người bất hạnh trên thế gian này” 68. “Những người mà ngài đặc biệt quan tâm là các em thiếu nhi, những kẻ dốt nát, những người nghèo khổ, và đặc biệt hơn nữa là những người ốm đau bệnh tật”69 . Ta có thể diễn tả hình ảnh vị linh mục nhân lành qua những phẩm chất cốt yếu sau đây: “tận tụy, không ham hố tiền bạc, thương người, hy sinh đến mức có thể chịu tử đạo”.
Đức Cha Parisis, khi nhấn mạnh đến sứ vụ phụng tự và thánh thiêng của linh mục, cũng yêu cầu việc thành lập các hội đoàn. Vì vậy những hiệp hội đạo đức và những hoạt động xã hội tăng thêm. Về vấn đề giáo dục, các cha sở đảm nhiệm các trường tư thục trong suốt những năm tám mươi và chín mươi.
– Linh mục tác nhân khai hóa
Sử gia Hilaire cho thấy người ta nhận thức rõ vai trò của linh mục trong nền văn minh nông thôn vốn hãy còn chậm phát triển: “Quả thực, nếu như người ta đừng tính đến khoảng thời gian ngắn khuyết quốc trưởng do cuộc Cách mạng, thì từ nhiều thế kỷ qua, Giáo hội đã làm cho thôn xóm nhỏ bé này tất cả những gì mà Giáo hội đã làm cho những thành thị rộng lớn. Bên cạnh nông dân cày cấy và trồng trọt, bên cạnh nghệ nhân rèn giũa sắt thép và thủ công mỹ nghệ, Giáo hội còn có một người thợ khác, đó là người thợ của cuộc sống đời đời, đó là vị linh mục chuyên xây dựng những tâm thức với chiếc búa của lời Chúa, chuyển hóa các phong tục tập quán nhờ ngọn lửa yêu Chúa, gieo trồng và chuẩn bị các tâm hồn cho những vụ mùa trên trời : như thế, công việc của con người trên thiên nhiên và công việc của Thiên Chúa được thực hiện cùng một lúc và hỗ trợ nâng đỡ lẫn nhau. Nhờ thế, vật chất và con người cùng đạt tới mức toàn thiện và đạt mục đích mà Thiên Chúa đã quan trọng.” 70
– Cha sở nhà quê
Thời kỳ những năm 1850-1880 là tuyệt đỉnh của những cha sở ở nông thôn. Mặc dù không đề cập tới các khía cạnh tích cực hoặc tiêu cực trong sinh hoạt của các cha sở, chúng tôi tạm nêu lên một vài nét về cuộc sống của các ngài nơi xa xôi hẻo lánh này. Trước hết, các cha sở ở nông thôn là những người thợ xây. Các ngài xây mới hoặc sửa sang các nhà thờ, thiết lập những giáo xứ mới. Thứ đến, các ngài tìm đến những địa điểm ít hoặc chưa được nghe nói tới Tin Mừng. Một cách nào đó, các ngài là những vị thừa sai nội địa. Sau hết, dưới thời Đức Cha Parisis vốn là một giám mục quan tâm đến trình độ kiến thức của hàng giáo sĩ, các cha sở đạt được nhiều tiến bộ trong lãnh vực này; các ngài trở thành người viết hồi ký về làng xã và là người bảo vệ truyền thống và phong tục tập quán của cả làng 71.
Qua một vài nét trên đây về hình ảnh vị linh mục, chúng tôi có thể kết luận rằng Henri Denis đã tiếp nhận một sự đào tạo dành cho hàng giáo sĩ, một cách không những quy củ mà còn kiểu mẫu. Kể từ ngày Henri Denis vào Tiểu chủng viện Boulogne năm 1892 cho đến khi thầy gia nhập Hội Truyền giáo năm 1901, chắc chắn thầy đã ghi khắc một số mẫu gương vốn sẽ trở nên như tấm gương cho sứ vụ linh mục của thầy sau này.
Tuy nhiên, thầy đã từ giã giáo phận Arras để gia nhập Hội Truyền giáo. Theo lời của cha cựu giám đốc Đại chủng viện Arras, thì Henri Denis đã thực hiện một “ơn gọi đặc biệt”. Ngài còn chờ mong điều gì nữa đây?
Chúng ta đã nhận thấy rằng tình trạng ơn gọi truyền giáo nở rộ liên quan đến nhiều yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, một khi ai đó dấn thân vào con đường này, thì trong sâu thẳm lòng họ nảy sinh một biến động sâu sắc, căn cứ trên chính lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (M 16, 14). Khi Henri Denis thay đổi phương ơn gọi, thầy không mong muốn điều gì khác hơn là ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ tại những đất nước xa xôi. Nói cách khác, điều đánh động tâm hồn thầy, chính là nỗi lo lắng làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Đó chính là những động cơ siêu nhiên do Thiên Chúa đã thôi thúc Henri Denis dấn thân vào Hội Truyền giáo.
Liên quan đến việc cứu rỗi các linh hồn, là việc được đặt ở hàng đầu, đó là hoán cải những người chưa tin nhận Chúa. Mà theo quan điểm ở thời thầy Henri Denis, lương dân là những người đắm chìm trong bóng tối, trong mê muội. “Khúc ca lên đường của các thừa sai”73 diễn tả rất rõ quan điểm trên:
Nhanh chân lên, mau đến với muôn muôn người
Hãy còn đắm chìm trong bóng đêm tăm tối
Chẳng biết chân lý, chẳng biết Thiên Chúa, chẳng chút hy vọng
Bất hạnh thay, Hỏa ngục nuốt chửng họ.
Hỡi chiến sĩ Chúa Kitô, hãy bắt vũ trụ tùng phục Người.
Khắp nơi nơi ai ai cũng nghe tiếng các bạn !
Khắp nơi nơi rực rỡ ánh thần linh
Khắp nơi nơi tung bay cờ Thập giá.
Tuy nhiên, việc ra đi rao giảng Tin Mừng còn nhằm một mục đích khác nữa là thiết lập các Giáo hội địa phương. Quả thực Giáo hội vẫn luôn là nơi mà người ta tìm thấy ơn cứu độ. Vậy thì câu châm ngôn nổi tiếng “ngoài Giáo hội, không có ơn cứu độ” có thể hiện đúng học thuyết nổi trội về Giáo hội thời bấy giờ không?
Khi thầy Henri Denis vào Chủng viện Hội Truyền giáo, chắc hẳn thầy nghĩ rằng ngày kia, thầy sẽ lên đường đến một đất nước nào đó ở Viễn đông để thực hiện ước nguyện tuổi xuân, đó là rao giảng Chúa Kitô. Thực vậy, ra đi truyền giáo chính là loan báo Chúa Kitô, thành lập Giáo hội, hoán cải lương dân thành những môn đệ của Chúa. Một viễn ảnh như thế đòi hỏi rất nhiều nỗ lực trong suốt quá trình đào tạo.
Chúng ta biết trong tâm trí của các ứng viên truyền giáo, một viễn ảnh truyền giáo như thế chắc hẳn buộc họ phải chuẩn bị chu đáo như thế nào cho sứ vụ mai ngày.
2. Ý tưởng sứ vụ tông đồ và phúc tử đạo
Thầy Henri Denis bước chân vào Chủng viện Hội Truyền giáo đúng vào thời điểm mà ở Viễn đông, các cuộc bách hại đã chấm dứt được vài năm. Ở Nam kỳ, quân đội Pháp chiến thắng, cũng là lúc sự an bình trở lại với đạo công giáo. Viễn ảnh tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô không còn là một vấn đề thời sự nữa. Tuy nhiên, đối với các chủng sinh của Hội Truyền giáo, chân dung của các Á Thánh tử đạo74 vẫn luôn là tấm gương cho họ noi theo trong suốt quá trình đào tạo.
Các thừa sai ngày trước như là Isidore Gegeli, Joseph Marchand, Augustin Schoeffer, Théophane Vénard, Etienne Cuénot, v.v.. đã lên đường, không phải để đi tìm cái chết, mà chỉ để loan báo Chúa Kitô. Tuy nhiên, theo sự nhận xét của các chủng sinh tiếp bước theo họ, thì cuộc đời của họ trở thành một cuộc tử đạo liên lỉ cho tới khi được lấy cái chết để làm chứng cho lòng tín trung với Chúa Kitô. Thực vậy, “mỗi sáng, sau giờ kinh, mọi người đều đến quỳ gối trong Phòng các vị Tử đạo; nhiều lần trong ngày, từng người hoặc từng nhóm nhỏ, đến cầu nguyện trong Nhà nguyện các Á Thánh; và khi các giờ phụng vụ mời gọi chủng sinh vào trong Thánh đường của Hội Truyền giáo, họ được tiếp đón bởi chân dung các vị tử đạo của Hội, được vẽ trên mặt trong của ca toà, và bởi các bức tranh phía trên bàn thờ Đức Mẹ và trên cửa phòng thánh, thể hiện bốn mươi chín vị tử đạo đã được tôn phong chân phước năm 1900 và ba mươi ba vị khác nữa được tôn phong vào năm 1909, tất cả đều là người Pháp hoặc là người bản xứ.” 75
Thầy Henri Denis trẻ trung hẳn tắm mình trong một bầu khí như thế. Thầy có nghĩ đến phúc tử đạo chăng? Thầy có ước mơ cái chết như người ta cầu mong một ơn phúc chăng? Ta không thể biết được. Tuy nhiên, viễn ảnh đi truyền giáo ở một đất nước xa xôi chắc chắn gợi lên trong tâm trí thầy những ý tưởng rất thực tiễn. Quả thế, thực hiện việc truyền giáo giữa lòng một dân tộc mà hầu hết dân cư đều là những người nghèo khổ, bệnh tật dưới nhiều khía cạnh, đòi hỏi phải thực thi nhiều hoạt động, thành lập nhiều tổ chức, dưới cái lạnh bốn mươi độ âm hoặc dưới sức nóng nhiệt đới đã từng làm chết nhiều người, v.v… điều này bắt buộc phải có những cố gắng anh hùng. Cho dù, lúc bấy giờ, việc đi đến đất nước Trung Hoa hay Việt Nam không còn là một hành vi anh hùng như trước kia nữa, nhưng biết bao điều đáng lo ngại đang chờ đợi các vị thừa sai : đó là những phong trào bài ngoại, hoặc những cuộc nội chiến, giữa vô vàn những khó khăn khác. Các vị thừa sai bị coi như kẻ thù nghịch, cho nên rất dễ mất mạng hoặc mất tự do.
Đứng trước thực tế hàng ngày của một sứ vụ như thế, trí tưởng tượng của những thừa sai tương lai phải chấp nhận tự chế, phải phục tùng những nhu cầu rất tầm thường do công việc mai ngày của vị thừa sai … nó bao gồm thời gian dài lê thê, những sự trì trệ không tiến triển, những lúc ủ ê ảm đạm, những nỗi đau vốn không thể khoác lấy tính cách anh hùng, những hy sinh liên lỉ mà nếu nhiều quá có thể dẫn đến sự chán ngắt…” 76
“Đối với những vị thừa sai tương lai của Hội Truyền giáo thì khung cảnh đào tạo của họ là như thế đó : một khung cảnh chừng như là một thách đố trước niềm vui sống; một khung cảnh liên tục diễn ra trước mắt họ những ý niệm về sự chết, nhưng lại không có gì là khủng khiếp, một khung cảnh tập cho họ quen với tất cả những thứ đó, để rèn luyện họ “có cảm giác thoải mái với sự chết”, như lời văn hào Bossuet đã nói.”77
3. Giờ lên đường đã điểm
Ý tưởng sứ vụ tông đồ và ý tưởng phúc tử đạo cô đọng lại khi đến giờ trọng đại vào cuối chu kỳ đào tạo. Giờ lên đường đã đến gần. Một lối vào đã đóng lại và một lối khác sẽ mở ra cho vị thừa sai. Đó là nghi thức lên đường.
Tục ngữ có câu “Đi, là chết đi một tí”. Tuy nhiên, đối với các vị thừa sai, ra đi, đó là bắt đầu sống, đó là lúc biến ước mơ tuổi xuân thành hiện thực. Khi bước chân vào Chủng viện Hội Truyền giáo, chắc hẳn thầy Henri Denis đã nóng lòng chờ đợi ngày lên đường ra đi truyền giáo. Theo Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, thầy Henri Denis ao ước sang Cao Ly (tức Triều Tiên) để chịu lạnh với nhiệt độ xuống tới ba mươi độ âm. Thế nhưng bài sai lại khác. Ngài nhận lệnh lên đường đi đến Bắc Đàng Trong (tức Huế). Ngài đón nhận với lòng vâng phục, bởi vì theo điều 106 nội quy của chủng viện, nhằm giúp “hoàn toàn siêu thoát với chính mình và với những quan điểm của mình”, các giáo sĩ cần phải chứng tỏ một tinh thần tông đồ hoàn toàn sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ truyền giáo và mọi sứ mạng được trao phó cho họ như do chính Thiên Chúa trao phó”.
Nghi thức lên đường là lúc chia tay gia đình. Người lên đường ra đi là “kẻ rời bỏ những gì thân thiết nhất với mình ở trần gian này: gia đình, bạn bè, quê hương; đó là kẻ từ bỏ sự an nhàn và yên tĩnh để đối đầu những hiểm nguy và gian truân thử thách.” Goyau diễn giải điều nội quy trên đây: “Nhận biết sẽ phải chia lìa, đó là nghĩ tới những người mà ta phải bỏ lại; ta có thể tiến đến nói với họ lời tạm biệt, và ta làm điều đó. Nhìn gia đình lần cuối cùng, đó là giây phút cuối cùng mà dường như khoảng cách sẽ đặt để một bức màn giữa những người cùng yêu thương nhau, một bức màn chưa đến lúc cần có, tựa như bức màn do sự chết đặt ra; thế nhưng, ta chống lại cái cảm giác đó, và rồi ta sẽ chiến thắng khoảng cách bằng sự kết hiệp những con tim mà đại dương sẽ tách biệt.” 78
Nghi thức tiễn chân các vị thừa sai lên đường nhắc chúng ta nhớ tới bức tranh của Charles de Coubertin thực hiện hồi năm 1868 78. Vào thời điểm còn phải vượt trùng dương, thì việc ra đi truyền giáo là dịp diễn ra một trong những nghi thức cảm động nhất trong nguyện đường của Hội Truyền giáo. Những vị ra đi đứng xếp hàng trước bàn thờ, mặt quay về phía cộng đoàn. Ca đoàn cất tiếng hát lên những lời Cựu Ước và Tân Ước mà thánh Phaolô đã lấy từ ngôn sứ Isaia và Nahum : “Quam speciosi pedes evangelizantium pacem, evangelizantium bona”. (Đẹp thay những bước chân truyền giáo, những bước chân mang bình an và hoan lạc). Cộng đoàn tiến vào khoảng trống trước bàn thờ; từng người đến hôn chân các vị thừa sai sắp sửa ra đi, trong tiếng ca vang bài “Khúc hát tiễn biệt vị thừa sai”, do Gounod, nhạc công đàn phong cầm, sáng tác dựa theo lời của Charles Dallet.
Đi đi nào, hỡi sứ giả Tin Mừng
Ngày bấy lâu mong đợi, nay đến rồi,
Từ nay nhiệt tình không gì cản nổi,
Đi đi nào, bạn hỡi, hạnh phúc quá đi thôi!
Bàn chân bạn đẹp dường bao, nhà Truyền giáo hỡi,
Ôm hôn mà lòng chúng tôi bồi hồi rung cảm.
Ôi! đẹp làm sao những bước chân trên miền đất xa xôi
Nơi chỉ có lầm lạc và chết chóc.
Đi đi nào, bạn hỡi, bỏ phắt cuộc sống đây thôi!
Để mang danh Chúa tới miền đất mới.
Mai ngày trên quê trời, ta hẹn cùng gặp lại.
Tạm biệt, tạm biệt, bạn nhé!
Chính trong nghi thức tiễn biệt này mà nhà truyền giáo trẻ tuổi Henri Denis gặp lại người cha của mình lần cuối. Ông Denis chỉ nói được một câu: “Con ơi, con đi mà nhớ rằng làm việc cho Chúa không bao giờ quá” 80.
Như thế chúng ta có thể kết luận rằng trong suốt những năm học tập và tu luyện, Henri Denis đã hít thở một bầu khí thuận lợi cho đời sống thân tình với Thiên Chúa. Bầu khí đạo đức và cầu nguyện này được gặp thấy trước tiên trong khung cảnh gia đình, tiếp đến trong giáo xứ Wimille. Mà bầu khí tinh thần này hầu như là linh hồn của giáo phận Arras, bởi các giám mục cai quản giáo phận đã gây ảnh hưởng sâu rộng trên hàng giáo sĩ cũng như trên các tín hữu Kitô. Như thế chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa, qua trung gian nhiều người, đã uốn nắn Henri Denis suốt thời gian hai mươi ba năm ngài sinh sống ở Pháp, là giai đoạn đầu tiên trong cuộc hành trình thiêng liêng của ngài.
Những năm học tập và tu luyện này còn cho thấy một vài chuyển biến nơi Henri Denis: thay đổi lối sống và thay đổi phương hướng mục tiêu ơn gọi. Những thay đổi như thế, cả bên trong lẫn bên ngoài, đều lý giải Thiên Chúa đã nắm bắt Henri Denis tới mức nào và bằng cách nào Thiên Chúa đã dẫn dắt Henri Denis trên những nẻo đường mà chính ngài cũng như những người sống gần gũi với ngài, đều không tiên đoán được.
Những gì vừa được trình bày trên đây, giúp chúng ta thông hiểu những biến cố đã ghi dấu ấn ở giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời của Henri Denis. Nhờ qua những gì đã ghi nhận được, hoặc nhờ tiểu sử, hoặc nhờ đặt vào trong một bối cảnh, hoặc nhờ trí tưởng tượng, chúng tôi chỉ ra sức giới thiệu và tìm hiểu Henri Denis bằng nào có thể. Tuy nhiên, mỗi một con người là một huyền nhiệm, bởi vì họ tháp nhập vào huyền nhiệm của Thiên Chúa Tạo thành và Cứu độ, là Đấng dẫn dắt họ một cách bí nhiệm trên con đường trần gian. Chúng ta, là những kẻ ở bên ngoài, chúng ta không biết được những gì đã diễn ra trong tâm hồn của Henri Denis. Nhờ những dấu chỉ bên ngoài, chúng ta ra sức bước từng bước một đi vào trong tâm hồn của ngài, nơi Thiên Chúa uốn nắn ngài.
Để thực hiện thêm một bước nữa trong viễn ảnh hiểu biết rõ hơn ơn gọi của Henri Denis, chúng tôi cảm thấy cần phải nhờ đến một cách ghi chép khác, đó là tiết mục chuyển tiếp, theo đó ơn gọi của ông Abraham sẽ giúp chúng ta hiểu biết Thiên Chúa đã nắm bắt Henri Denis như thế nào và bằng cách nào Người đã mời gọi Henri Denis tiến vào một cuộc phiêu lưu mới.
GHI CHÚ 1
1. Trong Giấy khai sanh của Henri Denis đã được ghi như sau: “Năm một ngàn tám trăm tám mươi, ngày mười bảy tháng tám, vào lúc hai giờ một khắc chiều, chúng tôi ký tên dưới đây là Nestor Audibert, phó Thị trưởng thành phố Boulogne-sur-Mer, tỉnh lỵ, tỉnh Pas-de-Calais, chứng thực Francois Henri Cyrille DENIS, làm bánh mì, ba mươi mốt và chín tháng tuổi, cư trú tại Boulogne, ở đường Saint Omer, đã khai rằng vợ ông là bà Anna Marie Geffroy, nội trợ, ba mươi và năm tháng tuổi, đã sinh hạ tại nhà, ngày hôm nay, vào lúc ba giờ sáng một bé trai được trình diện cho chúng tôi đây và được đặt tên là Henri Francois Joseph. Những lời trên đây được khai trước mặt Auguste Watel, người hưởng trợ cấp, năm mươi chín tuổi và Louis Condette, thợ may, hai mươi bảy tuổi, cả hai đều cư ngụ trong thành phố này. Sau khi đọc lại, người khai và những người làm chứng đồng ký tên.” A.D. Arras, 1H1/10
2. Từ nay chúng tôi gọi người cha là Cyrille Denis và con trai là Henri Denis.
3. Đây là sổ ghi những người công giáo tại Văn khố tỉnh Pas de Calais: Henri Denis được Rửa tội ngày 17 tháng tám 1880 tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Boulogne, giáo xứ của ông bà thân sinh, do linh mục Honoré RIGOLET. Bố đỡ đầu là ông Victor DENIS, từ giáo xứ Saint Pierre và Mẹ đỡ đầu là bà Francoise GEFFROY, từ giáo xứ Saint Nicolas.
Còn đây là sổ Rửa tội của Ông Cyrille, thân sinh của Denis: Francois Henri Cyrille DENIS, rửa tội ngày 7 tháng mười một tại Fauquembergues, là con trai của ông Henri Florentin DENIS, làm than, và bà Marie Sélima DELIGNE.
4. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, Hạnh tích cha Benoit Thuận, Tổ phụ Chi Dòng Thánh Gia Việt Nam, nxb. Hồng Lam, Saigon, 1968, tr. 40. Kể từ đây, chúng tôi sử dụng ký hiệu HT để chỉ quyển sách này.
5. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 30.
6. Để kể lại cuộc đời của cha Biển Đức Thuận, Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến đã sử dụng thư từ cha Biển Đức Thuận liên lạc với ông bà thân sinh để làm cơ sở cho tác phẩm. Các lá thư cha Biển Đức Thuận viết cho ông bà thân sinh đã được gửi lại cho đan viện Phước Sơn, sau khi ngài qua đời. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến đã dịch ra Việt ngữ một số thư đó và chúng tôi đã gặp thấy nhiều trích dẫn trong sách. Tiếc thay, tất cả thư từ cha Biển Đức Thuận liên lạc với ông bà thân sinh đều bị thất lạc vì chiến tranh. Chính vì lẽ đó, chúng tôi bắt buộc phải sử dụng những trích dẫn bằng Việt ngữ để hiểu biết một vài biến cố hoặc tâm tình của ngài. Chúng tôi trích dẫn trong bản văn, chuyển ngữ sang Pháp văn và kèm thêm phần ghi chú. Phương cách này không khoa học lắm, tuy nhiên công trình nghiên cứu buộc chúng tôi phải làm như thế.
Liên quan đến những tâm tình Henri Denis dành cho cụ thân sinh, chúng tôi trưng dẫn những lá thư mà ngài viết cho bà kế mẫu sau khi đi tĩnh tâm thường niên ở Hồng Kông về, vào tháng bảy 1918. Xem HT, tr. 75.
7. Vì thế chính ở trong gia đình mà Henri Denis đã bắt đầu học biết cầu nguyện, hoàn thành mọi việc bổn phận và thực thi bác ái. Như vậy, gia đình của Henri Denis chính xác là “một Giáo hội tại gia”, trường học đầu tiên đào tạo ơn gọi tu trì.
8. Đây là sổ Rửa tội của bà kế mẫu: Marie Thérèse HOLUIGUE được Rửa tội ngày 6 tháng giêng 1850 do cha phó Desvres và lấy tên là Marie Thérèse Adèle FOURNIER (chứ không phải là HOLUIGUE), con gái ngoài giá thú của bà Thérèse FOURNIER, thợ giặt. Bố đỡ đầu là ông Jacques Robert César HOLUIGUE, thợ đồng hồ. Mẹ đỡ đầu là bà Joséphine Flavie HENOT, bà của đứa trẻ… Có thể ông HOLUIGUE sau đó đã lấy tên mình đặt tên cho đứa trẻ…?
9. Vào năm 1899, một phần lãnh thổ của Wimille được sát nhập vào Boulogne, và một phần khác nữa vào năm 1959.
10. Văn khố Sư huynh La San, Rome, H.B.U. “Wimille”.
11. Xem G. RIGAUL, Histoire des Frères de lEcole Chrétienne, Plon, Paris, 1945, 1945, tome 5, p. 162.
12. Xem G. RIGAUL, sđd, p. 164.
13. Henri Denis rước lễ lần đầu tại Wimille năm 1892.
14. Henri Denis đã không chịu phép Thêm sức vào năm 1892, vì lẽ không phải năm cũng có lễ ban phép Thêm sức. Có thể Henri Denis lãnh nhận phép Thêm sức vào năm sau. Cũng có thể là tại Tiểu chủng viện.
15. Cha Eugène Golliot đảm nhận nhiệm vụ Bề trên Tiểu chủng viện Boulogne vào năm 1898. Ngài qua đời ngày 23 tháng mười 1941.
16. A.D. Arras, 1H1/15 p. 165.
17. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 35.
18. Những ghi nhận này được tìm thấy tại Văn khố của giáo phận Arras A.D. Arras, 1H1/22.
19. A.D. Arras, 1H1/71.
20. A.D. Arras, 1H1/79.
21. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 35. Cha Henri Biển Đức Thuận đã nhiều lần kể lại câu chuyện này cho anh em đan sĩ.
22. A.D. Arras, 1H1/120.
23. Y.-M. HILAIRE, Une Chrétienté au XIX siècle. La vie religieuse des populations du diocèse dArras (1840-1914), PUL, Villeneuve dAscq. 1977, tome I, p. 298-300.
24. Y.-M. HILAIRE, sđd, tome 1, p. 289.
25. A. ds, Circulaire du 25-8-1840.
26. A.D. Arras, 1H1/129.
27. A.D. Arras, 1H1/170.
28. Linh mục Andrea Eloy, sinh tại Diéval (Pas de Calais) ngày 11 tháng bảy 1864. Năm lên 17 tuổi, ngài vào Tiểu chủng viện Boulogne, rồi vào Đại chủng viện Arras theo học Triết học và Thần học. Ngài thụ phong linh mục ngày 15 tháng bảy 1888, cùng với 37 bạn đồng liêu. Khi Đức Cha Alfred Williez lên cai quản giáo phận Arras, ngài được Đức Cha cho phép gia nhập Chủng viện Hội Truyền giáo ở Rue du Bac. (xem Gaquerre F., Lépopée missionnaire du Diocèse dArras, Ed. Oeuvres Missionnaires, Arras 1970, p. 202). Xem Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 37-38.
29. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 38.
30. Đó là quý Đức Cha Francois de Laval Montmoreny, Đức Cha Francois Pallu, Đức Cha Lambert de La Motte và Đức Cha Ignace Colendi.
31. Cha Vincent De Meur, vị Bề trên tiên khởi của Chủng viện Hội Truyền giáo Paris, cũng là người xuất bản những tác phẩm của Jean-Joseph Surin, nhà thần bí Dòng Tên mà ngài có quan hệ thư từ. Sinh tại Lannion (giáo xứ Tonquedec) vào năm 1629, là con thứ tư của Regnault de Meur. Ngài học tập tại Paris và thụ phong linh mục năm 1653. Ngài tốt nghiệp bằng Cử nhân thần học năm 1662, rồi Tiến sĩ thần học cũng năm đó tại Navarre. Ngài là Bề trên có cổ phần của Saint-André de la Bellière, gần Séez; có lần ngài giảng ở triều đình, khiến sau đó ngài được tặng danh hiệu tuyên úy của vua Louis XIV. Ngài hoạt động cho cả hai Hội: Aa và CSS. Ngài đã góp phần chuẩn bị cho việc xuất bản tại Paris quyển “Catéchisme spirituel”. Cũng chính ngài đã rút ra từ bộ sách bốn quyển “Dialogues spirituels” của nhà thần bí Surin và cho xuất bản tác phẩm “Fondements de la vie spirituelle” vào năm 1666. Ngài qua đời ngày 26 tháng sáu 1668. Những người cùng thời gọi ngài là “người theo tông truyền”.
32. Cha Bernard Delpech là Bề trên Tổng quyền từ 1867 đến 1904.
33. Văn kiện “Monita ad Missinarios” (Lời khuyến dụ các thừa sai) được khai sinh từ một Hội nghị tập họp chín thừa sai trong số có hai giám mục tại vương quốc Xiêm. Các vị thừa sai cùng nhau soạn thảo một văn kiện dựa theo các Huấn thị của Bộ Truyền giáo và sẽ được gửi đến tất cả thành viên của Hội Truyền giáo. Văn kiện này có mười chương, đưa ra những chỉ thị rõ ràng, đặc biệt về những vấn đề như là việc thánh hóa các thừa sai nhờ ơn cứu độ các Kitô hữu, hoán cải lương dân và tổ chức các Giáo hội địa phương.
Văn kiện mở đầu bằng việc khuyên vị thừa sai giữ mình khỏi các chước cám dỗ sẽ gặp phải. Tiếp đến văn kiện xác định những biện pháp mà vị thừa sai cần phải có cho sứ vụ tông đồ. Nhất thiết phải hiểu biết công việc truyền giáo trên vùng đất mình sẽ được sai đến, chẳng hạn như hiểu biết các tôn giáo của dân bản xứ, những phong tục tập quán của họ, cách thức họ đón nhận kitô giáo. Không thể không biết ngôn ngữ của đất nước họ. Liên quan đến việc sử dụng những phương tiện của loài người, vị thừa sai không cần phải nhờ đến bất cứ tài khéo nào của loài người để kiến tạo đức tin. Cần phải tránh việc kinh doanh buôn bán, vì nó gây biết bao thiệt hại cho việc rao giảng Tin Mừng. Sau cùng cần phải xa lánh những phương thức của loài người, nhất là chớ dùng hành động và lời nói mà ép buộc.
Những “Lời khuyến dụ” cũng đưa ra những chỉ thị cho việc xây dựng một cộng đoàn kitô vốn cần có một sự tổ chức bền vững. Vị thừa sai nên đào tạo các giáo lý viên, vốn là vườn ươm cho hàng giáo sĩ bản quốc tương lai, và đặt lên những người lãnh đạo giáo họ. Thực vậy, một tổ chức cơ cấu đâu ra đó sẽ góp phần kiên vững Giáo hội vừa khai sinh.
Văn kiện kết thúc bằng việc quay trở lại vấn đề đào tạo các giáo lý viên, vốn là những người, nếu được chọn lựa cẩn thận, sẽ là những trợ lý không thể thiếu cho công việc của các thừa sai.
34. C. Marin, Le rôle des missionnaires francais en Cochinchine aux XVII e et XVIII e siècle, Etudes et documents 9, Eglises dAsie, Série Histoire, 1999, p. 39.
35. Xem F. TROHU, Le Bienheureux Théophane Vénard, Paris, 1929.
36. Chúng tôi sẽ đề cập tới vấn đề “sứ vụ tông đồ và phúc tử đạo” ở phần ba của chương này.
37. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 39.
38. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 39.
39. B. DANVIN, Le puits artésien, 1837.
40. Để phục vụ công việc nghiên cứu ở chương này, chúng tôi sử dụng tác phẩm của tác giả này Une chrétienté aux XIXe siècle? La vie religieuse des populations du diocèse dArras (1840-1914), deux tomes, PUL, 1877.
41. Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 787.
42. Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 726.
43. Được trích dẫn bởi Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 256-257.
44. Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 725-726.
45. A.D. 4591, Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 354.
46. Văn khố của các Sư huynh La San, H.B.U. “Wimille”, Rome.
47. Trong tác phẩm của mình, Hilaire đề cập tới những cuộc khủng khoảng hồi giữa thế kỷ XIX liên quan đến giáo phận Arras trong ba lãnh vực: khủng khoảng kinh tế và xã hội, khủng khoảng dân chủ và khủng khoảng chính trị do chủ nghĩa tự do và khủng khoảng chính trị từ chủ nghĩa tự do cải cách đến phản đối chủ nghĩa xã hội bảo thủ, việc bành trướng của người công giáo. Khi phân tích, tác giả nhắm thẳng vào những khía cạnh tôn giáo của cuộc khủng khoảng 1846-1851: từ học thuyết chủ trương công nhận quyền tối cao của Giáo hoàng đến chủ nghĩa bảo thủ quá khích. (p. 199-237).
Còn có nhiều cuộc khủng khoảng khác nữa như việc giải hoá tinh thần kitô của giới thợ thuyền (p. 623-661). Thế nhưng điều chúng tôi quan tâm ở đây, là cuộc khủng khoảng chính trị-tôn giáo hồi những năm tám mươi (p. 662-686).
48. Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 664.
49. Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 671.
50. Giám mục Désiré Dennel hết lòng khâm phục Đức Léon XIII, nên ngài giảng dạy sát theo giáo huấn của Đức Thánh Cha … và phổ biến tu đức của Đức Léon XIII.“ Xem Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 683.
51. “Vào tháng hai 1893, giám mục Alfred Williez tận dụng dịp Kim khánh giám mục của Đức Léon XIII để đến Roma và có một cuộc tiếp kiến lâu giờ với Đức Thánh Cha về chính sách tôn giáo: ngài còn muốn thân cận với Roma hơn cả những người chỉ trích ngài.” Xem Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 705.
52. Annales L I, 1882, Avant-Propos, p. 3.
53. Cl. PRUDHOMME, Stratégie missionnaire du Saint Siège sous Léon XIII (1878-1903), Centralisation romaine et défis culturels. Coll. De lEcole francaise de Rome 186, Rome 1994, p. 3.
54. Cl. PRUDHOMME, sđd, p. 375.
55. Chúng tôi chỉ trưng dẫn một vài giáo huấn của Đức Thánh Cha liên quan đến sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Những trưng dẫn này nằm trong tác phẩm của Cl. Prudhomme, tr. 379-382. Chúng tôi không đề cập tới chính sách và chiến thuật của Đức Thánh Cha : điều này vượt quá giới hạn công trình của chúng tôi. Trong tác phẩm, tác giả đã nghiên cứu kỷ các vấn đề đó. Liên quan đến những can thiệp của Đức Thánh Cha, tác giả đưa ra một danh sách ở các trang 376-377.
56. Inscrutabili, 21-04-1878, Lettres apostoliques de Léon XIII, p. 13.
57. Inscrutabili, sđd, p. 21-22.
58. In Pluribus, 5 mai 1885, Lettres apostoliques, t. 2, p. 31.
59. Cl. PRUDHOMME, Stratégie missionnaire du Saint Siège sous Léon XIII (1878-1903), Centralisation romaine et défis culturels. Coll. De lEcole francaise de Rome 186, Rome 1994, p. 382.
“Sẽ chỉ có một đoàn chiên và một chủ chăn”. Ghi nhận của tác giả: đó là những lời sau cùng trong Tông thư Praeclara gratulationis, p. 31.
60. F. GAQUERRE, Lépopée missionnaire du diocèse dArras, Editions Oeuvres Missionnaires, 1970.
61. F. GAQUERRE, sđd., p. 202.
62. F. GAQUERRE, sđd., p. 204.
63. Yannick ESSERTEL, “Réseaux et vocations missionnaires dans le diocèse de Lyon de 1815 à 1962”, dans RHE (1995), p. 49-69. Trong bài này, tác giả phân tích tính chất và phần ảnh hưởng từ bên ngoài trên ơn gọi truyền giáo. “… chúng ta có thể phân biệt bốn dạng tiểu-xã hội và cộng đoàn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện những ơn gọi truyền giáo: đó là gia đình, giáo xứ, trường học do các Hội Dòng đảm nhiệm và các Tiểu và Đại chủng viện….” (p. 49).
64. Y. ESSERTEL, sđd., p. 69.
65. Trong chương hai, chúng ta sẽ xem cha Henri Denis sẽ thi hành chức vụ linh mục của ngài ở Bắc Đàng Trong (Huế) như thế nào. Việc đào tạo linh mục (hoặc mô hình linh mục) có để lại dấu ấn gì trong sứ vụ tương lai của ngài không?
66. Xem Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 300-314.
67. S. R. 12-10-1879, linh mục Talleux, cha sở Houvin, trong 40 năm.
68. Annuaire du diocèse dArras, 1890, pp. 282-294, linh mục Boyanal, niên trưởng Saint-Pol, được đào tạo bởi Liévin là người đã theo học tại Hội Xuân Bích.
69. Journal de Béthune, 13-2-1881, linh mục Hélin, cha phó Béthune, thụ phong linh mục năm 1854, qua đời năm 1881.
70. A. ds. Curé de Quiestède, registre de paroisse, p.v. dinstallation du curé, 1857. Xem Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 305-306.
71. Y.-M. HILAIRE, sđd, p. 309.
72. Trong phần hai, chúng ta sẽ xem cha Henri Denis nghĩ như thế nào về việc hoán cải và những hoạt động của ngài nhằm hoán cải lương dân người Việt. Thực ra, chúng tôi nghiên cứu những vấn đề này xuyên suốt công trình của chúng tôi. Tạm thời, chúng tôi trưng dẫn một câu trong lá thư Henri Denis viết gửi cha giám đốc chủng viện Hội Truyền giáo Paris như sau: “Thưa Cha, lần đầu tiên là hồi cuối năm học lớp đệ lục, con đã cảm thấy nỗi khao khát dâng hiến cuộc đời con để cứu rỗi những người chưa biết Chúa, đặc biệt là những người Trung Hoa đáng thương…” Thư tháng tám 1890.
73. GOUNOD phổ nhạc dựa theo lời thơ của chủng sinh Charles Dallet ở Hội Truyền giáo soạn hồi năm 1851.
74. Thời ấy, các vị tử đạo đã được tôn phong hiển thánh. Các vị đã được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tuyên nhận vào hàng các Thánh năm 1987. Vì thế chúng tôi sử dụng từ ngữ các “Chân phước” tử đạo để chỉ các vị thánh tử đạo ấy.
75. G. GOYAU, Les prêtres des Missions Etrangères, Collection “Les grands ordres monastiques et Instituts religieux”, dirigé par Eduard Sheider, Ed. Bernard Grasset, 1932, p. 196.
76. G. GOYAU, sđd, p. 135.
77. G. GOYAU, sđd, p. 196.
78. G. GOYAU, sđd, p. 203.
79. Trên bức tranh, họa sĩ vẽ chính mình ở góc trái. Ở bên phải có hai người phụ nữ, tu sĩ Đa minh khoác áo choàng đen là Lacordaire. Nhân vật có râu, mặc áo vét có đuôi, ôm hôn người thứ hai sắp sửa ra đi là Gounod. Người sắp sửa ra đi ở bên phải, mà người lính trong đội bộ binh nắm tay, sẽ là thánh Just de Breteières, bị xử trảm ở Triều Tiên năm 1866. Phía cực phải, Đức Cha Thomine-Desmazures, giám mục tiên khởi ở Tibet. Phía trước, họa sĩ giới thiệu mấy đứa con. Thằng nhỏ quay mặt ra ngoài là Pierre Coubertin, người mai ngày sẽ cải tổ Đại hội thể thao.
Bức tranh của Coubertin đã được tác giả kính biếu chủng viện Hội Truyền giáo; lúc đầu nó được treo ở phòng khách, rồi ở trên đỉnh cầu thang danh dự; hiện nay bức tranh được trưng bày trong nhà thờ của Hội Truyền giáo Paris. Xem hình số 11.
80. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 40.
PHẦN CHUYỂN TIẾP I
ÁPRAHAM ĐÁP TIẾNG CHÚA GỌI (St 12, 1-5)
Tại sao chúng tôi đề cập tới ông Apraham trong giai đoạn đầu cuộc đời của Henri Denis? Đọc lại chuyện kể về ơn gọi của Ápraham có làm sáng tỏ thêm việc đọc lại chính cuộc đời của Henri Denis không? Liệu có thể khám phá mối liên quan nào giữa hai kinh nghiệm này chăng?
Dung mạo của tổ phụ Apraham luôn là “nguyên mẫu” của tất cả các ơn gọi. Quả thực, con người này của Cựu Ước đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong cả ba tôn giáo độc thần. Về phương diện cá nhân, chúng tôi nhận thấy trong ơn gọi của Apraham có điều gì đó giống với ơn gọi của chúng tôi.
Chính vì lẽ đó, khi đọc lại trình thuật về việc Thiên Chúa kêu gọi ông Apraham (St 12, 1-5), chúng tôi mong muốn tìm thêm trong chương đầu tiên này những tia sáng có thể giúp chúng tôi thấu hiểu điều gì đã xảy ra trong tâm hồn Henri Denis khi chính ngài cũng được Thiên Chúa mời gọi ra đi.
Vì vậy, chúng tôi thử tìm xem có mối liên hệ nào giữa tổ phụ Apraham và chúng tôi – và cả Henri Denis nữa – để sau đó, xem xét những điểm đồng nhất giữa hai ơn gọi; sau nữa, và đây là điều quan trọng, khám phá ra dung mạo của Thiên Chúa ẩn kín sau những ơn gọi này.
1. Ông Apraham, tổ phụ của chúng ta trong đức tin
Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã viết: “Mặc dù không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế.” 1 Trong chương 4 của thư gửi tín hữu Rôma đây, thánh Phaolô đã đọc lại chuyện kể về Apraham và giúp chúng ta hiểu Apraham đã được nên công chính vì đã tin vào Thiên Chúa và đã trở nên Tổ phụ của tất cả những kẻ tin vào Thiên Chúa, hơn là vì giữ lề luật.
Chúng tôi không bàn cãi ở đây những vấn đề đặt ra về lề luật và đức tin, nhưng điều chúng tôi quan tâm là cầu tìm những mối dây liên hệ chặt chẽ giữa ông Apraham và chúng ta, là con cháu của ông trong đức tin.
Ông Apraham là tổ phụ của chúng ta, bởi vì Thiên Chúa hiện diện ở trung tâm cuộc đời của ông cũng như của chúng ta. Quả thực, kể từ lúc Thiên Chúa ngỏ lời mời gọi Apraham, cuộc đời của ông từ lúc ấy trở đi quy hướng về Thiên Chúa và tất cả những gì liên quan đến Thiên Chúa. Ông trở thành tổ phụ của tất cả những người tìm kiếm Thiên Chúa. Tiếng Chúa lôi kéo ông và bắt ông tìm hiểu đường lối của Người. Sự tích ông Ápraham là một câu chuyện “thánh”, đánh động không chỉ dân tộc Ítraen, mà tất cả những ai chọn lấy Thiên Chúa làm trung tâm cuộc đời của mình. Cuộc hành trình của ông Apraham đi cầu tìm dung mạo Thiên Chúa cũng là cuộc hành trình của tất cả những ai khao khát khám phá dung nhan Thiên Chúa, một Thiên Chúa không thể nắm bắt được, bí nhiệm nhưng luôn đồng hành với họ.
Người cha là người trao ban, truyền ban sự sống cho con cái. Vì thế, sự sống là nơi ưu tiên dành cho sự kết hợp giữa cha và con. Apraham là tổ phụ của chúng ta theo nghĩa ông chỉ dạy chúng ta con đường của sự sống. “Người con có thể thấu hiểu điều người cha ấp ủ trong lòng; và chúng ta cũng thế, chúng ta có thể hòa hợp với Apraham; và vượt ra ngoài những lời Kinh thánh, chúng ta có thể thưa : thưa ông Apraham, ông đã nghĩ gì? tại sao ông xử sự như thế? tại sao ông hành động như thế? có điều gì đó nơi thâm cung tâm hồn ông ? ông đã thấy gì? “2 Nêu lên những câu hỏi căn cơ như thế, hồng y Martini mời gọi chúng ta hãy tiến sâu hơn nữa vào trong mối quan hệ với ông Apraham. Thực vậy, mối quan hệ này cũng nằm trong chính mối quan hệ của ông với Thiên Chúa. Khi Apraham rời bỏ quê cha đất tổ, ông quyết gắn bó với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi ông. Khi ông tiến bước theo tiếng Chúa gọi, ông chọn tuân theo ý định của Thiên Chúa. Và một khi ông đặt chân lên đường, ông quyết theo cho tới cùng con đường mà Thiên Chúa mời gọi ông đi. Bởi vì cuộc đời của ông chỉ tồn tại nơi một mình Thiên Chúa. Vì lẽ đó ông Apraham là tổ phụ của tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa và theo đuổi cho tới cùng công cuộc tìm kiếm này.
Giảng giải cách khác, nói rằng ông Apraham là tổ phụ của chúng ta, là bởi vì ông là mẫu gương, là tấm gương cho chúng ta. Khi đọc lại sự tích ông Apraham, chúng ta cảm nhận những tâm tình sợ hãi, vui mừng, lo âu và tình trạng cô đơn của ông; chúng ta thấu hiểu ông vẫn còn là một con người bằng xương bằng thịt. Thế nhưng, ơn Chúa cùng với nguồn an ủi của Người, những khích lệ của Người dìu đắt những bước chân của ông. Apraham tin, bởi vì Thiên Chúa không ngừng khởi xướng, và thực hiện những bước đi đầu tiên. Ơn Chúa lúc nào cũng vô cùng tận và nhiều hơn những bất hạnh mà con người phải gánh chịu. Lời Chúa, những hứa hẹn của Người vượt xa rất nhiều những lo âu, những do dự của chúng ta. Thiên Chúa là Đấng tín trung và cho đến mãi muôn đời vẫn như thế. Điều này là mẫu số chung cho ông Apraham và cho chúng ta nữa. Apraham đánh liều mạo hiểm trên con đường ân sủng, và điều này khuyến khích chúng ta noi gương ông, bắt chước tác phong đạo đức và những hành vi đầy lòng cậy trông của ông. “Là tổ phụ của chúng ta với tư cách là mẫu gương, Ápraham giúp chúng ta suy niệm về Cựu Ước, bởi vì thân phận của chúng ta trải nghiệm nơi ông và bởi vì ông là bản sao y theo thân phận của chúng ta trước Thiên Chúa, trước lời Người dạy.” 3
Chính nhờ đức tin mà chúng ta nhìn nhận ông Ápraham như tổ phụ của chúng ta, bởi vì ông là một khách hành hương vì đức tin. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi thực hiện một cuộc hành hương vì đức tin như thế. Nói cách khác, kinh nghiệm mà ông Ápraham đã từng trải trong cuộc hành trình tâm linh của ông, phải trở thành kinh nghiệm của riêng chúng ta. Rất nhiều lần, Kinh thánh lặp đi lặp lại với chúng ta về thái độ cơ bản là đức tin của ông Ápraham. Mà đức tin này, như chúng ta đã nói, là một khai mở cho lời Chúa, cho tiếng gọi của Người. Đây là một sự mở rộng cõi lòng, đi đôi với sự hoán cải, thúc giục ông Ápraham phó thác cậy trông vào Chúa và sẵn sàng lên đường. Ápraham sống nay đây mai đó, như một người hành hương vì đức tin: cuộc đời của ông khởi đầu từ hành vi đức tin, trải qua nhiều giai đoạn, và cuối cùng kết thúc tại điểm đến. Đó là một đức tin sống động dưới sự dìu dắt của Thiên Chúa và trở thành sợi chỉ xuyên suốt cuộc hành trình của ông. Vì thế ông Ápraham trở nên “mẫu gương của một con người đón nhận tất cả và luôn luôn sẵn sàng. Theo nghĩa này, ông là tổ phụ của chúng ta về sự sẵn sàng mở rộng cõi lòng để đi từ đức tin đến đức cậy trông”.4
Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái trình bày rõ ràng đức tin của ông Ápraham khiến ông lúc nào cũng ở trong tư thế của người hành hương, nhắm tới đích ông mong đến: “Nhờ đức tin, ông Ápraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới nơi cư ngụ tại đất hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông Ixaác và ông Giacóp là những đồng thừa kế cùng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng.” 5
Qua những dòng trên, chúng ta đoán được sự tích ông Ápraham được cảm nhận theo cách giải thích thiêng liêng. Dường như tác giả thư gửi tín hữu Do Thái muốn tỏ bày rằng biến cố từ sau tiếng Chúa mời gọi ông Ápraham tạo nên bước khởi đầu tâm trạng của người lữ khách, và tâm trạng này vẫn tồn tại ngay cả khi ông đã định cư tại đất hứa : “Ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu… ông đã tới nơi cư ngụ tại đất hứa như tại một nơi đất khách… “
Nói như thế để hiểu rằng “trong sự tích ông Ápraham, nơi khởi đầu lịch sử cứu độ, chúng ta đã có thể nhận thức được một ý nghĩa khác nữa của tiếng gọi và lời hẹn ước. Đất hứa mà con người tìm đến theo tiếng Chúa gọi, hoàn toàn không thuộc địa lý trần gian này. Ápraham, là kẻ tin và đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, tiến bước thẳng tới đất hứa vốn không tìm thấy ở trần gian này.” 6
Nếu như việc ông Ápraham cất bước ra đi tạo nên một biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ, và nếu như câu chuyện của ông có một mối liên hệ mật thiết với lịch sử của loài người, thì chúng ta có thể kết luận rằng câu chuyện riêng tư của ông Ápraham, một cách nào đó, là câu chuyện của chúng ta, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Câu chuyện của ông Ápraham là câu chuyện về công trình của Thiên Chúa. Ơn gọi của ông Ápraham, với tư cách là công trình của Thiên Chúa, ăn rễ sâu trong đời sống của chúng ta. Nơi ông Ápraham, mỗi người trong chúng ta đều có thể tìm thấy một điểm nào đó liên quan đến bản thân chúng ta: có thể là một lời mới mẻ, có sức sáng tạo, có thể là tình yêu của Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta vào trong chính đời sống thần linh của Người.
Chính theo hướng này, mà sau khi tìm hiểu lướt qua ơn gọi của ông Ápraham, bây giờ chúng tôi muốn trở lại với cuộc đời của Henri Denis để tìm hiểu một cách sâu sắc hơn. Tiếng Chúa gọi Henri Denis mãnh liệt như thế nào để Henri Denis có thể dám lên đường đi đến một đất nước xa xôi? Henri Denis hình dung Thiên Chúa như thế nào khi dấn thân vào Hội Truyền giáo Paris? Có những chuyển biến nào trong tâm hồn Henri Denis?
Chúng tôi không có tham vọng sẽ giải đáp tất cả các vấn nạn rất phức tạp trên đây. Vì lẽ điều này chạm đến chính mầu nhiệm của Thiên Chúa, cũng như chạm đến bí nhiệm tương quan giữa Thiên Chúa và người được gọi. Vì vậy chúng tôi chỉ ra sức xem xét trong ơn gọi của ông Ápraham những gì có thể làm sáng tỏ phần nào ơn gọi của Henri Denis. Chúng tôi kỳ vọng rằng sự tích ông Ápraham sẽ cung cấp một vài tia sáng cho tiểu sử của Henri Denis. Để có thể cảm nghiệm được việc làm sáng tỏ này, chúng ta cần phải xét xem làm thế nào để việc đọc lại sự tích ông Ápraham có thể giúp chúng ta tìm hiểu lại được cuộc hành trình của Henri Denis.
2. Ơn gọi của ông Ápraham và ơn gọi của Henri Denis
Nếu như ông Ápraham la tổ phụ của chúng ta trong đức tin, thì chắc hẳn phải có một số điểm đồng nhất giữa ông và Henri Denis; vì thế, chúng ta có thể nói rằng ơn gọi của Henri Denis cũng sẽ có một số điều quy chiếu vào ơn gọi của ông Ápraham. Chúng tôi muốn nói đến những điểm đồng nhất sau đây: cùng một tiếng gọi, cùng một sự ra đi, cùng một sự mạo hiểm vì đức tin. Trong một phạm vi nào đó, Henri Denis sẽ gặp thấy nơi vị tổ phụ trong đức tin những cảm nghiệm gần giống nhau. Thế nhưng, đặc biệt là đối với chúng ta là độc giả ngày nay, điều quan trọng là tìm hiểu công trình của Thiên Chúa nơi người này cũng như nơi người kia. Cho nên việc chúng ta đọc lại lịch sử sẽ giúp chúng ta khám phá ra ý định của Thiên Chúa, qua cuộc đời của họ.
a. Cùng một tiếng gọi
Cuộc “hành hương” của ông Ápraham khởi đi từ tiếng gọi của Thiên Chúa. Nếu như cuộc hành trình này chỉ loanh quanh trong xứ sở, theo các thần linh của tổ tiên, thì câu chuyện của ông Ápraham sẽ không đạt tầm cở phổ quát và ông sẽ không trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc. Ông sẽ vẫn là Apram. Nhưng, kể từ lúc Thiên Chúa lên tiếng gọi ông và ông lên đường ra đi, cuộc đời của ông, sự tích của ông gắn bó bền chặt với dân tộc Ítraen, và xa rộng hơn nữa gắn kết với tất cả những kẻ tin Chúa. Tiếng Chúa kêu gọi ông Ápraham cũng chính là tiếng Chúa kêu gọi chúng ta, và theo quan điểm của chúng tôi, cũng là tiếng Chúa kêu gọi Henri Denis. Thánh Justin đã quả quyết như thế khi ngài nói: “Vậy thì Chúa Kitô đã ban điều gì cho ông Ápraham? Chính Thiên Chúa đã gọi ông, cùng một tiếng gọi, và đã truyền cho ông rời bỏ xứ sở nơi ông đang ở. Chính tiếng gọi này cũng kêu gọi tất cả chúng ta : chúng ta đã từ bỏ lối sống cũ của chúng ta; chúng ta đã sống một cách đáng chê trách, như tất cả mọi người trên trái đất này. Cùng với ông Ápraham, chúng ta sẽ thừa hưởng đất thánh, chúng ta sẽ nhận lãnh phần gia nghiệp vĩnh viễn muôn đời; chúng ta là con cháu ông Ápraham bởi vì chúng ta có cùng một đức tin. Quả thực, cũng như ông đã tin vào tiếng Chúa gọi và chính đức tin này khiến ông nên công chính, thì chúng ta cũng thế, chúng ta đã tin vào tiếng Chúa nói với chúng ta một lần nữa qua các tông đồ của Chúa Kitô cũng như qua việc loan báo của các ngôn sứ; chúng ta tin và chúng ta đã đi tới tận cùng cái chết, từ bỏ tất cả mọi sự thế tục…” 7
Khi đọc lại chuyện kể về Henri Denis, trong giai đoạn học tập tu luyện, chúng ta nhận thấy ngài đã trải qua mấy lối sống. Ở mỗi thời kỳ, Thiên Chúa mời gọi ngài càng ngày càng tiến xa hơn, trên bình diện địa lý cũng như về mặt tâm linh. Những bước chân của ngài đã từng bước qua ngưỡng cửa Tiểu chủng viện Boulogne, rồi ngưỡng cửa Đại chủng viện Arras, để rồi cuối cùng gia nhập Hội Truyền giáo Paris. Mà, như trước đây chúng tôi đã nói, bước vào Hội Truyền giáo lần này là bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử cuộc đời của ngài. Quả thực, kể từ biến cố này, lịch sử của ngài sẽ gắn kết với một dân tộc ở một đất nước xa xôi, để rồi sau đó, chính ngài sẽ trở thành tổ phụ của một Hội Dòng. Chúng tôi tự hỏi tại sao Henri Denis đã thay đổi ơn gọi; điều gì đã diễn ra trong tâm hồn ngài khiến ngài quyết định gia nhập Hội Truyền giáo Paris với mục tiêu là ra đi truyền giáo cho một đất nước ở Viễn Đông.
Những câu hỏi như thế cũng đã được đặt ra đối với ơn gọi của ông Ápraham. Tại sao Ápraham lên đường ra đi theo tiếng gọi của một Đấng Bất khả tri? Ông có nhận thức những nguy cơ do quyết định liều lĩnh như thế chăng? Nhưng có một điều chắc chắc là: Tình yêu không có lý lẽ. Tất cả mọi mưu toan tìm lời giải đáp cho những câu hỏi như trên đều trở nên vô ích và có nguy cơ đánh mất mọi hương vị ngọt ngào của một ơn gọi như thế. Nếu như Thiên Chúa kêu gọi ông Ápraham và ông đã ra đi, điều đó chỉ vì Tình yêu của Đấng đã mở lời kêu gọi, của Đấng khởi xướng, đã gặp được tình yêu của kẻ đáp lại lời kêu gọi. Tính nhưng không của tình yêu là như thế đấy.
Nếu như Henri Denis đã nhất quyết rời bỏ giáo phận Arras để gia nhập Hội Truyền giáo Paris, chính là vì ngài đã lắng nghe tiếng Chúa gọi, tâm hồn ngài đã quy theo tiếng Chúa. Điều đó đã diễn ra như thế nào? Chúng ta không thể biết. Nhưng giả thiết của chúng tôi đã được củng cố bởi kết quả là Henri Denis đã nghe lời Chúa và đã để mình đi theo tiếng gọi của Chúa.
Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến tự hỏi không biết có phải do thi rớt tú tài ban triết mà chú tiểu chủng sinh Henri Denis gia nhập Hội Truyền giáo Paris chăng? Có thể lắm. Tuy nhiên, sau khi thi rớt, Henri Denis vẫn tiếp tục theo đuổi ơn gọi và vào Đại chủng viện Arras. Ngài đã không bỏ dở cuộc hành trình. Lại còn một giả thuyết khác nữa: liệu việc cha Andrea Eloy, phó xứ Wimille, ra đi truyền giáo, đã chẳng ảnh hưởng tới quyết định của Henri Denis gia nhập Hội Truyền giáo sao? Điều này cũng có thể. Quả thực, Thiên Chúa có thể mở lời mời gọi ai đó nhờ gương sáng của kẻ khác. Thế nhưng, tất cả những sự kiện trên đều chỉ là những nguyên nhân bên ngoài, thứ yếu, nhằm giúp tính tò mò của chúng ta lý giải các biến cố. Theo thiển ý chúng tôi, điều quan trọng nhất thuộc về Thiên Chúa: Người là nguyên nhân duy nhất, hoặc ít ra là nguyên nhân đầu tiên. Khi Henri Denis từ giả Đại chủng viện Arras, ngài chờ đợi Thiên Chúa đáp ứng điều ngài nguyện ước và dấn thân.
b. Cùng một sự ra đi
Việc ông Ápraham rời bỏ xứ sở mà đi tới đất Thiên Chúa sẽ chỉ cho, có điều gì đó giống với việc Henri Denis rời bỏ xứ sở mà đi truyền giáo. Thánh kinh kể lại rằng, trước khi nghe tiếng Chúa gọi, ông Ápraham đã thay đổi nơi cư trú: ông theo cha mẹ họ hàng đi từ Ua của người Canđê để tới đất Canaan. Chính tại nơi đây mà lần đầu tiên ông nghe tiếng Chúa gọi và mệnh lệnh từ bỏ tất cả để đi đến một nơi mà ông chưa biết. Lần ra đi này có một tầm quan trọng mới, vì đây là thành quả từ một tiếng gọi. Từ nay, ông Ápraham trở thành người không có chỗ ở nhất định, tuy nhiên ông không giống như bao người du mục khác; ông là khách hành hương tiếp bước theo Chúa, cầu tìm những gì Thiên Chúa hứa ban. Ông ra đi theo ý định của Thiên Chúa.
Như chúng tôi đã trình bày, từ khi chào đời cho tới lúc vào Hội Truyền giáo Paris, Henri Denis đã qua nhiều nơi đào tạo. Mỗi lần thay đổi địa điểm đều đưa Henri Denis ra đi xa hơn; và mỗi lần ra đi đều là một lần chia lìa. Mà, lần ra đi sau cùng này là đi truyền giáo, sau nhiều năm học tập đào tạo tại chủng viện Hội Truyền giáo Paris; lần ra đi này gây nên một sự chia lìa hoàn toàn đối với quê hương là nước Pháp. Tuy nhiên, cảm nghiệm chia lìa này đã được trải nghiệm ngay từ khi bước chân vào Hội Truyền giáo mà viễn ảnh là đi đến những đất nước xa xôi.
Dựa theo sự hiểu biết từ việc ra đi của ông Ápraham, thì việc Henri Denis rời bỏ giáo phận Arras để đi xa hơn trở nên như thành quả của tiếng Chúa gọi. Henri Denis đã có thể ở lại trong giáo phận của ngài, và sau này trở thành cha sở ở quê làng, nhờ đó ngài có thể gần gũi cha mẹ vốn rất cần ngài bởi vì các đấng chỉ có mỗi mình ngài là con. Thế nhưng, Henri Denis đã chọn một con đường khác, một cuộc ra đi khác. Ngài chờ đợi một tương lai khác, không phải thứ tương lai dường như nằm trong tầm tay ngài, mà ở trong tay Thiên Chúa. Đó là dự định của Thiên Chúa. Ngài ra đi mà không biết đi đâu. Quả thực, bước chân vào Hội Truyền giáo Paris đồng nghĩa với việc ra đi tới một đất nước xa lạ.
Trước đây chúng tôi đã nói chúng ta không biết điều gì đã diễn ra trong tâm hồn Henri Denis khi ngài nghe tiếng Chúa mời gọi ngài ra đi. Chúng ta càng không biết ngài nghĩ gì khi ngài quyết định dấn thân vào con đường truyền giáo. Ngài quyết tâm phó thác mình trong tay Chúa bằng cách hướng tương lai đến một phương trời khác chăng? Ngài cầu tìm điều chi trên con đường mạo hiểm này? Trong sâu thẩm cõi lòng, ngài ấp ủ những hy vọng nào? Liệu ngài có nhận rõ ý định của Thiên Chúa trên chính cuộc đời của ngài chăng?
c. Cùng một cuộc mạo hiểm vì đức tin
Tiếng Chúa gọi và việc ông Ápraham ra đi tạo nên bước khởi đầu của một cuộc mạo hiểm. Đây là một cuộc mạo hiểm từ hai phía: từ phía Thiên Chúa, bởi vì Người đã thực hiện một bước quyết định trong nhiệm cục cứu độ; từ ông Ápraham, bởi vì ông khởi đầu cuộc mạo hiểm vì đức tin. Từ rày về sau, Thiên Chúa ký kết giao ước với ông Ápraham. Kể từ đây, ông Ápraham bước từng bước một tiến tới khám phá khuôn mặt của Đấng đã cất tiếng kêu gọi ông và tìm hiểu ý định Thiên Chúa muốn thể hiện trong cuộc đời của ông. Ápraham quả bước đi trong đêm tối, nhưng là một đêm tối rực rỡ, bởi vì đêm tối này được đức tin và lòng cậy trông vào Lời Chúa chiếu sáng.
Henri Denis đã rời khỏi làng quê bé nhỏ của mình để vào Tiểu chủng viện Boulogne, rồi Đại chủng viện Arras. Tuy nhiên, những nơi này không thể giữ chân Henri Denis được lâu, bởi thầy sẽ đi xa hơn, đến tận Paris để rồi còn bay xa hơn nữa. Nhưng trong khi đi qua những nơi như trên, và trải qua các giai đoạn đào tạo khác nhau, liệu Henri Denis có nhận thức rõ ý định của mình và nhất là ý định Thiên Chúa dành cho cuộc đời của mình chăng? Tại sao lại phải thay đổi hết lối sống này đến cách sống khác như thế? Chúng tôi nhận thấy Henri Denis quả đã tích cực trải qua một cuộc hành trình đức tin trong Chúa.
Mà đức tin, vốn là hồng ân của Chúa, cùng lớn lên với Henri Denis theo từng bước chân đi. Henri Denis càng trưởng thành về thể lý, thì trí thông minh càng phát triển, đức tin càng soi sáng con đường phải đi. Ngài đã chịu đựng nỗi đau mất mẹ lúc mới lên tám. Ngài đã cảm nhận một cách sâu sắc đức tin của mình trong bối cảnh xã hội và tôn giáo thời bấy giờ. Chúng tôi đã đề cập tới những biến cố như là việc các Hội Dòng phải ly tán đúng vào lúc Henri Denis mở mắt chào đời, hay như tòa giám mục Arras phải ba lần trống ngôi trong vòng mười năm, v.v… Tất cả những điều đó trở nên trường dạy đức tin cho Henri Denis.
Nhưng một khi đặt chân vào ngưỡng cửa Hội Truyền giáo Paris, cuộc mạo hiểm vì đức tin của Henri Denis mang một sắc thái vừa bi thảm vừa thú vị; bi thương, vì Henri Denis phải đối mặt với những chước cám dỗ không muốn từ bỏ gì hết, không muốn rời xa ai hết. Cũng như xưa kia, ông Ápraham đã phải dũng cảm đi theo tiếng Chúa gọi, bởi vì ông đã phải chiến đấu chống lại chước cám dỗ muốn giữ ông lại tại chỗ. Cuộc mạo hiểm vì đức tin này còn là một cuộc mạo hiểm lý thú, bởi vì đức tin sẽ mở ra cho Henri Denis những chân trời hoàn toàn mới lạ.
Khi tìm hiểu lại giai đoạn đầu tiên lịch sử của Henri Denis dựa theo ánh sáng ơn gọi của ông Ápraham, chúng tôi nhận thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng cất tiếng kêu gọi, chủ động khởi xướng và dệt thành lịch sử của mỗi con người trong tương quan với tất cả những người khác. Chiều kích phổ quát được đặt lên hàng đầu. Thiên Chúa của ông Ápraham là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Ông Ápraham được kêu gọi để nhờ qua ông mà mọi người cảm nhận mình được Thiên Chúa yêu thương. Ông Ápraham trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc, của mọi gia đình trên trái đất này, ngõ hầu Thiên Chúa tỏ mình trước mắt muôn dân, như người Cha của nhân loại.
Henri Denis được kêu gọi tiếp bước theo Chúa Kitô, để trở nên một “Đức Kitô khác”; Henri Denis được kêu gọi ra đi tới một đất nước xa xôi, để cho sứ điệp Tin Mừng được loan báo cho đến tận cùng trái đất. Ngài sẽ ra đi gặp gỡ một dân tộc khác, ngõ hầu Thiên Chúa được dân tộc này tin nhận và yêu mến.
Chúng ta có thể kết luận rằng Thiên Chúa vẫn luôn là sợi chỉ xuyên suốt lịch sử của ông Ápraham cũng như Người là điểm quy chiếu duy nhất cho cuộc đời của Henri Denis.
Tóm lại, những phân tích trên đây cho phép chúng ta chiêm ngưỡng dung mạo của Thiên Chúa qua đoạn trình thuật trong Sáng thế 12, 1-5. Dung mạo của Thiên Chúa trong ơn gọi của ông Ápraham, trong một chừng mực nào đó, giúp chúng ta hiểu được dung mạo của Đấng đã dìu dẫn Henri Denis trong suốt 23 năm đầu đời.
3. Dung mạo của Thiên Chúa là Đấng cất tiếng kêu gọi và hứa hẹn tương lai
Như trước đây chúng tôi đã trình bày, trong trình thuật về ơn gọi của ông Ápraham, đã có một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ông Ápraham, giữa Đấng cất tiếng gọi và người được gọi, giữa lời Chúa truyền dạy và việc ông Ápraham ra đi. Tất cả đều diễn ra trong bầu không khí huyền nhiệm. Bây giờ chúng tôi thử sử dụng một số thuật ngữ để khai triển sự chuyển động của cuộc mạo hiểm ấy.
a. Biến cố
Chúng tôi cảm nhận trình thuật về ơn gọi của ông Ápraham tựa như một biến cố. Quả thực, biến cố này xảy ra một cách đột ngột: thình lình Thiên Chúa cất tiếng gọi, một Đức Chúa mà ông Ápraham chưa hề biết. Tiếng gọi này là một mệnh lệnh buộc phải ra đi để tới một miền đất chưa hề biết, bởi vì ông Tera là cha của Ápraham, đã cùng với gia đình đi ra khỏi Ua của người Canđê. Tuy nhiên, lần này, chuyện ra đi của ông Ápraham là kết quả từ một tiếng gọi, từ một Đấng khác.
Tiếng gọi này là một biến cố, bởi vì liền sau tiếng gọi là một cuộc ra đi thực sự. Ông Ápraham đã ra đi theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Và một giai đoạn mới được mở ra trong cuộc đời của ông, cũng như của toàn thể nhân loại. Như vậy là có một khoản khắc trước và một khoản khắc sau tính từ thời điểm Thiên Chúa ngõ lời với ông Ápraham
Vì thế, biến cố này là một bước khởi đầu mới. Cũng giống như Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất, cùng với mọi loài mọi vật, thì lời Người kêu gọi ông Ápraham cũng mở đầu một kỷ nguyên mới, một lần sinh hạ nữa cho ông Ápraham và cho toàn thể nhân loại để được cứu độ. Vì lẽ đó, ơn gọi của ông Ápraham trở nên một cuộc tạo dựng mới. Mà, lần sinh hạ mới này, cuộc tạo dựng mới này không chỉ dành riêng cho ông Ápraham, mà còn cho cả con cháu ông, cũng như cho tất cả những ai tin vào Thiên Chúa, một Đức Chúa yêu thương và mời gọi.
Biến cố về ơn gọi của ông Ápraham liên kết chặt chẽ với giao ước mà Thiên Chúa giao kết với loài người. Nếu như trong cuộc đời của ông Ápraham có sự chia lìa với nơi chôn nhau cắt rốn – rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ông – thì vẫn có một sự liên tục trong ý định của Thiên Chúa. Chính vì để thực hiện ngày càng cụ thể hơn ý định cứu độ mà Thiên Chúa đã chọn ông Ápraham. Việc tuyển chọn này được khắc sâu trong khung cảnh của một giao ước, đó là giao ước dành cho một đại dân tộc và nhờ qua dân tộc này, dành cho toàn thể nhân loại. Nói cách khác, nét riêng biệt trong việc tuyển chọn ông Ápraham lúc nào cũng liên kết với tính phổ quát của ơn gọi của tất cả mọi người. Chính theo nghĩa này mà ơn gọi của ông Ápraham thực sự mang danh hiệu một biến cố.
b. Từ Đấng Bất khả tri tới một nơi chưa hề biết
Như trên chúng tôi đã trình bày, ơn gọi của ông Ápraham khởi đầu từ tiếng gọi của Thiên Chúa. Nhưng Đức Chúa là Đấng ngõ lời với ông Ápraham là một Đấng Bất khả tri. Quả thực, đã từ lâu, ông Ápraham tôn thờ thần linh của tổ tiên, một vị thần của miền Lưỡng Hà. Khi Thiên Chúa cất tiếng gọi ông Ápraham rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ông, Ápraham cũng được mời gọi từ bỏ hình ảnh các thần linh mà ông tôn thờ. Khi Ápraham rời bỏ quê hương thân thuộc, ông cũng từ bỏ thần linh có liên quan đến một nơi chốn nào đó. Ông ra đi theo lệnh của một Đấng Bất khả tri để khám phá ra Đấng Bất khả tri đó.
Vì thế ơn gọi của ông Ápraham thể hiện một điều gì đó thuộc về Thiên Chúa. Việc ông Ápraham ra đi cho thấy dung mạo của một Đức Chúa luôn hiện diện với người lữ hành. Sự tích ông Ápraham diễn tiến theo những di chuyển liên tục của ông, và khi ông đi qua nơi nào, ông đều xây dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa là Đấng đã kêu gọi ông và luôn trung tín giữ lời giao ước. Mà một dung mạo như thế về Đức Chúa tỏ rõ rằng việc khám phá Thiên Chúa được thực hiện dần theo nhịp hành trình. Một Ápraham lữ hành khám phá ra dung mạo của một Thiên Chúa lữ hành. Chúng ta có thể hiểu rằng cuộc hành trình của ông Ápraham phác thảo cuộc hành trình của Thiên Chúa : một Đức Chúa tỏ mình bằng cách bắt phải khám phá. Đức Chúa của ông Ápraham vẫn là một Đức Chúa không thể nhận biết, một Đức Chúa bất tận, tắt một lời, một Đấng huyền nhiệm.
Nếu như Đức Chúa của ông Ápraham là một Đức Chúa cất lời mời gọi, thì Người cũng là một Đức Chúa hứa hẹn một tương lai. Ápraham đã ra đi mà không đạt được mục tiêu ngay từ chuyến đi đầu tiên. Khi Thiên Chúa hứa với ông Ápraham một tương lai huy hoàng – đất hứa, một dân lớn, nhiều mối phúc – Người bắt buộc ông phải vào cuộc với Người. Người mời gọi ông hãy cùng mạo hiểm với Người.
Miền đất mà Thiên Chúa hứa với ông Ápraham cũng mang một chiều kích huyền nhiệm. Thiên Chúa thấy, còn ông Ápraham thì không thấy, nhưng sau này ông sẽ thấy, mà thấy từ xa. Điều quan trọng đối với ông Ápraham là lên đường, và ra đi tới miền đất xa lạ, đến một nơi mà ông chưa hề biết. Chắc chắn nhiều bất ngờ đang chờ đợi ông. Thiên Chúa của ông Ápraham là một Đức Chúa của những bất ngờ! “Người không phải là Đấng nhốt kín con người trong tình trạng bất động của hiện tại. Người là Đấng khai mở tương lai. Chính bởi vì Người không bị cột chặt vào một nơi chốn, vì Người có thể trao ban thêm hơn nữa. Người có thể trao ban một cách khác với những thần linh bị cột chặt vào một nơi chốn.” 8
Chính bằng cách hướng nhìn về một miền đất chưa hề biết, mà Thiên Chúa mời gọi ông Ápraham hãy trở thành một người phiêu bạt rày đây mai đó. Một người lang thang trong đức tin. Mà theo định nghĩa của tác giả thư gửi tín hữu Do thái, đức tin “là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11, 1). Nếu Thiên Chúa tạo ra một tương lai, thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ đạt được tương lai đó. Chính đức tin, dựa trên lòng cậy trông, khiến ông Ápraham can đảm cất bước ra đi. Ông ra đi theo nhịp những hứa hẹn của Thiên Chúa. Mà xuyên suốt cuộc đời của ông Ápraham, những lời hứa hẹn như thế được lặp đi lặp lại nhiều lần, theo nhiều cách và trong nhiều trường hợp khác nhau. Thiên Chúa luôn là Đấng tín trung : đó là điều đảm bảo cho cuộc đời của ông Ápraham.
c. Từ việc từ bỏ mọi sự tới phó thác cho Thiên Chúa
Thiên Chúa cất tiếng mời gọi ông Ápraham khi ông đang ở trong tình cảnh an toàn về mọi mặt. Mời gọi ông ra đi tới một miền đất xa lạ chắc hẳn đã làm ông bối rối. Không có cuộc ra đi nào mà không có đau đớn. Thế nhưng, tiếng Chúa đã tạo nên trong tâm hồn ông Ápraham một sự hưng phấn mới, khiến ông có đủ nhiệt tình cần thiết để bước vào một cuộc mạo hiểm mới. Chúng ta hãy tưởng tượng tâm hồn ông Ápraham tràn ngập những lời an ủi của Thiên Chúa và những lời này làm cho cuộc đời của ông được tràn đầy. Vì thế, ông ra đi trong một sự hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, theo lời Người hứa.
Mà, sự phó thác này ăn rễ sâu trong một đức tin năng động, một đức tin vượt quá mọi tính toán của loài người. Thế nhưng, để có được một đức tin như thế, ông Ápraham đã phải trải nghiệm một sự hoán cải nội tâm. Lời mời gọi của Thiên Chúa có đủ sức thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ông Ápraham. Ông hiểu rằng Thiên Chúa vĩ đại hơn tất cả các thần linh mà ông đã tôn thờ cho đến lúc bấy giờ. Tuy nhiên, một đức tin như thế cưu mang trong nó dấu ấn của sự tăm tối. Đức tin của ông Ápraham là một đêm tối. Thiên Chúa thấy rõ tương lai, cùng với việc thực thi những lời Người đã hứa; còn ông Ápraham, ông không thấy gì hết. Khi ông cất bước ra đi, ông khởi đi trong đêm tối.
Khi đọc lại sự tích ông Ápraham, thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Roma, đã sử dụng một cách diễn đạt rõ ràng “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn vững tin” 9 diễn tả thật tuyệt vời thái độ của ông Ápraham. Mà đức tin của ông Ápraham tiên vàn tựa như một cuộc lữ hành : “Ông Ápraham đã bước đi trong đức tin, ông đã mò mẫm tìm hiểu Đức Chúa mà ông tưởng mình biết, nhưng thực ra ông biết quá ít.” 10 Sống kiếp lữ hành, ông dần dần khám phá ra ý định Thiên Chúa dành cho cuộc đời ông. Ông đã phải chiến đấu với chính mình, chiến thắng chính mình để đi đến trông cậy phó thác nơi Thiên Chúa.
Vì thế cho nên chúng ta khám phá nơi ông Ápraham một tính cách mạnh mẽ, dám chìa tay ra cho Thiên Chúa và dũng cảm bước đi theo sự dẫn dắt của Người. Ông tin và như thế đã đủ. Trong trình thuật về ơn gọi của ông Ápraham, chúng ta không nghe thấy ông trả lời. Ông giữ im lặng, sự im lặng trước một tiếng gọi từ xa, đến từ một Người khác, tiếng gọi vốn luôn bí ẩn. Tuy nhiên, thái độ của ông thể hiện qua việc ông quyết chí ra đi là lời đáp tuyệt vời nhất. Ông tin Chúa, ông tuân phục Người và ông cất bước ra đi.
GHI CHÚ 2
1. Rm 4, 18
2. C.-M. MARTINI, Abraham notre père dans la foi, traduit de litalien par Gabriel Ispérian, Ed. Saint-Augustin, 1994, p. 23.
3. C.-M. MARTINI, sđd, p. 23-24.
4. C.-M. MARTINI, sđd, p. 24.
5. Dt 11, 8-10
6. ĐTC Gioan-Phaolô II, Bài giảng thứ tư lễ tro 23-02-2000, fichier téléchargé du site Vatican.
7. St JUSTIN, Dialogue avec Tryphon, CXIX, 5-6
8. J.-M. ADAMÉ, “Dieu le Père de Jésus-Christ, notre Père” dans Recueil des conférences, aout 1999, fichier téléchargé.
9. Rm 4, 18.
10. MARTINI C.-M., Abraham notre père dans la foi, traduit de litalien par Gabriel Ispérian, Ed. Saint-Augustin, 1994, p. 16.
CHƯƠNG II
VỊ TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO (1903 – 1918)
“Hôm qua có hai người đến xin học giáo lý, vậy là có tất cả hai mươi người xin học. Con sẽ sung sướng biết bao, nếu con có thể dạy giáo lý và rửa tội ít nhất là năm hoặc sáu người”.
(Thư ngày 6 tháng 5-1908,
gửi Đức Cha Allys Lý)
Trong chương đầu, chúng tôi đã trình bày những năm tháng học tập và đào tạo của Henri Denis. Đó là quãng thời gian ngài chuẩn bị cho việc đi truyền giáo tại một đất nước xa xôi. Thật vậy, khi quyết định gia nhập Hội Truyền giáo Paris, cuộc đời của Henri Denis đã xoay quanh một trục duy nhất: rao giảng Tin Mừng; Những năm tháng học tập và đào tạo đã làm nổi bật phần nào tính cách của ngài. Mà nhân cách hoặc tính cách của một con người không mang tính tĩnh tại, tựa như nó bị giới hạn trong khuôn khổ của công việc đào tạo; nhân cách không ngừng phát triển theo dòng thời gian, mãi cho đến những giây phút cuối đời. Vì thế nhân cách luôn năng động và phát triển.
Chương hai này mang tựa đề: “cha Denis Thuận: vị tông đồ truyền giáo”, được dành để kể lại mười lăm năm đầu cha Denis Thuận sống ở Trung kỳ (An-Nam) với tư cách là nhà truyền giáo. Đây là giai đoạn thứ hai trong cuộc đời của ngài, gồm ba thời kỳ chính: trước tiên, năm năm đầu tiên tại Tiểu chủng viện An-Ninh, tiếp đến năm năm tại họ đạo Nước Mặn, và sau hết trở lại Tiểu chủng viện An-Ninh để đảm trách nhiệm vụ giáo sư trong thời gian năm năm trước khi lên đường ra đi “nơi khác”. Nhân cách của cha Denis Thuận ngày càng rõ nét hơn nhờ qua các thư từ liên hệ, những hành vi và những chọn lựa hành động. Biến cố quan trọng nhất trong giai đoạn thứ hai này là nỗi lòng ngài ao ước sống một lối sống khác, vì lối sống đó mà ngài phải đương đầu với biết bao thử thách, ngay cả những hoài nghi đến từ mọi phía. Cuối cùng, ngài đã nhận được điều ngài mơ ước thực hiện.
Chúng ta đang ở vào ngày 29 tháng tư 1903. Mười bốn vị tân thừa sai đang có mặt trong nhà nguyện của Hội Truyền giáo Paris tham dự nghi thức ra đi truyền giáo 1 và trong đó có cha Henri Denis.
Sau nghi thức, các vị tân thừa sai lên đường đi Marseille ở đó các ngài xuống tàu đi đến các nhiệm sở đã được chỉ định cho các ngài. Vị thừa sai trẻ tuổi Henri Denis đã được sai đi truyền giáo ở Bắc Đàng Trong (tại Trung kỳ Việt Nam), trong giáo phận Huế.
Thế là cuộc đời của vị linh mục hai mươi ba tuổi này bắt đầu một bước ngoặt mới: từ nay cuộc đời của ngài sẽ gắn kết với một dân tộc mà cho đến lúc bấy giờ hoàn toàn xa lạ đối với ngài. Ngài nóng lòng mong chóng đến An-Nam2, đất nước mà ngài được gọi tới để rao giảng Phúc âm, theo kế hoạch mà ngài ấp ủ trong quá trình đào tạo. Ngài không mường tượng nổi con đường ngài sẽ phải trải qua, nhưng ngài vẫn tin rằng Thiên Chúa sẽ cùng đồng hành với ngài trên mảnh đất mới mẻ này, mảnh đất nhuộm máu tử đạo và mở rộng cõi lòng đón nhận đức tin Kitô. Biết bao niềm vui, biết bao hy vọng đang rộn rã trong tâm hồn của nhà truyền giáo trẻ tuổi của chúng ta !
Trong chương này, theo phương pháp của chúng tôi, trước hết chúng tôi lần theo những bước chân của vị thừa sai trẻ tuổi trên mảnh đất mới mẻ cần được rao giảng Phúc âm; thứ đến, chúng tôi đặt các hoạt động truyền giáo của ngài trong bối cảnh chính trị và tôn giáo vào thời bấy giờ; tiếp đến, chúng tôi phân tích những thành tựu từ công cuộc truyền giáo cũng như những kinh nghiệm mà vị thừa sai gặt hái được trong mười lăm năm thi hành tác vụ bên cạnh những người Việt Nam; sau hết, trong phần chuyển tiếp, chúng tôi sẽ nhìn xem giai đoạn thứ hai của cuộc đời cha Henri Denis như là một cuộc chiến thiêng liêng theo hình ảnh cuộc chiến của ông Giacóp.
I. MƯỜI LĂM NĂM TRUYỀN GIÁO
Sau những ngày lênh đênh trên biển cả, cha Henri Denis đến Touranne (Đà Nẵng) ngày 31 tháng năm 1903, dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Cũng như các Tông đồ, ngài được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, và sẽ là chứng nhân của Chúa Kitô cho đến tận cùng trái đất. Ngài hân hoan bước những bước chân đầu tiên trên mặt đất của đất nước mà trước kia các tiền nhân của ngài đã đặt chân đến để loan báo Tin Mừng; chính trên đất nước này mà các vị tử đạo như Isidore Gagelin, Joseph Marchand, Théophane Vénard, Etienne Cuénot đã đổ đến giọt máu cuối cùng để làm chứng đức tin của họ vào Chúa Kitô. Từ đây, An-Nam là quê hương thứ hai của cha Henri Denis3.
Chúng ta lại gặp thấy cha Henri Denis đang trong tư thế sẵn sàng lên đường đến giáo phận truyền giáo Huế. Trạm dừng chân đầu tiên trong cuộc hành trình của ngài là giáo xứ Lăng Cô, nơi cha Martin Mendiboure (Cố Nhơn) làm cha sở. Vị linh mục thừa sai này là người gốc xứ Basque, đã được sai đi truyền giáo ở Bắc Đàng Trong4 từ ngày 4 tháng tám 1897. Lần đầu tiên, trong buổi sơ khiến này, tân thừa sai Henri Denis nghe từ miệng cha sở M. Mendiboure (cố Nhơn) nói về các phong tục tập quán và về phong cách sống của người dân bản xứ 5. Mười ngày dừng chân tại giáo xứ này tạo nên bước khởi đầu cho sứ vụ truyền giáo mà tương lai dành cho vị thừa sai trẻ tuổi Henri Denis.
Cha Martin Mendiboure (cố Nhơn) cùng đi với vị tân thừa sai đến tận Phú Xuân7, để cha Henri Denis trình diện với Bề trên mới là Đức Cha Caspar Lộc, vị Đại diện Tông tòa ở giáo phận truyền giáo này. Đức Cha liền đặt cho cha Henri Denis một tên mới và tên Việt là Thuận8. Sau vài ngày nghỉ ngơi ở tòa giám mục, cha Thuận được gửi tới Kim Long, giáo xứ cha Dangelzer (Cố Đăng) phụ trách, để học tiếng Việt.
1. Tập quen với tiếng Việt và phong tục tập quán Việt
Trong văn kiện “Những lời khuyến dụ các thừa sai”, những vị Đại diện Tông tòa đầu tiên ở các xứ Viễn Đông là Đức Cha Pallu và Đức Cha Lambert de la Motte đã gửi tới các vị tân thừa sai những chỉ dẫn cần thiết cho việc thi hành sứ vụ truyền giáo. Các ngài viết : “Khi sai các Tông đồ đi khắp thế giới rao giảng Tin Mừng, Chúa chúng ta đã ban cho các ngài ơn nói các thứ tiếng khác” (Cv 2, 4). Điều này cho thấy rõ ràng rằng sứ vụ rao giảng cần kèm theo nhu cầu học biết nhiều ngôn ngữ, bởi vì Thiên Chúa, trong sự minh triết của Người, đã muốn đức tin được triển nở nhờ lời rao giảng. Hẳn thật, “có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10, 17)10.
Sau khi đã chỉ dẫn về sự cần thiết của việc sử dụng ngôn ngữ địa phương cho việc rao giảng Tin Mừng, hai vị giám mục đều kết luận : “Vậy nên, thừa sai sẽ không ngừng chuyên cần học tập tiếng nói địa phương, và học tập bao lâu tùy theo nhu cầu đòi buộc. Ngài cũng không nên quên rằng ngài không được chuyên chú vào thứ ngôn ngữ trí thức và văn học đến độ chểnh mảng tiếng nói thông dụng trong dân gian; ngài cần làm cho những người có học thức cũng như những người thất học, để mọi người đều hiểu được mình”.11
Cha Denis Thuận nhận thức rõ điều này12, nên ngài mải miết học ngày học đêm tiếng Việt, với sự nôn nóng mong được rao giảng Phúc âm 13. Ở Việt Nam, có ba ngôn ngữ quan hệ qua lại với nhau : đó là chữ Hán (chữ viết Trung Hoa), chữ Nôm (là cách ghi âm tiếng Việt nhờ ghép chung những nét chữ đơn hoặc kép của Trung Hoa để ghi âm hoặc phối hợp vừa ý nghĩa vừa âm thanh của một từ tiếng Việt). Cuối cùng là chữ Quốc Ngữ, ngôn ngữ xuất hiện dưới triều đại nhà LÊ (1428-1787). (Nhưng chỉ từ thế kỷ XVII chữ Quốc Ngữ mới được một số thừa sai dùng chữ cái La tinh để ghi âm tiếng Việt. Chính thừa sai Alexandre de Rhodes (quen gọi là cha Đắc Lộ), linh mục Dòng Tên, với nhiều vị thừa sai khác và một vài người bản địa cùng hợp tác với nhau, đã sáng tạo ra thứ ngôn ngữ này nhằm mục đích truyền bá đạo lý. Ngài đã soạn thảo hai tác phẩm rất quan trọng về mặt ngôn ngữ 14 và kiến tạo những bước đi đầu tiên có tính quyết định cho những tiến triển về sau.
Đối diện với đủ mọi thứ mới mẻ, và với những điều căn cơ nhất, nhà truyền giáo mới đến Việt Nam cần phải học biết tất cả và phải thích nghi với tất cả. Tin tưởng vào ân sủng của Chúa và được Bề trên cùng anh em nâng đỡ, cha Denis Thuận lao mình vào việc vạn sự khởi đầu nan này với tất cả lòng nhiệt thành vốn có. Ngài tỏ rõ khả năng thông hiểu chữ Hán vốn vẫn còn thông dụng lúc bấy giờ, cũng như tiếng Việt. Song song với việc học chữ quốc ngữ, ngài bắt đầu nghiên cứu nền văn hóa bản địa, nhất là văn học dân gian15, và ngài đã dành vài tháng cho công việc này. Việc học tập nghiên cứu này tạo điều kiện cho ngài vượt qua bước đầu tiên trong thế giới Việt và chuẩn bị cho việc rao giảng Tin Mừng của ngài đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Giờ đây khi cha Denis Thuận có thể chính thức thi hành sứ vụ truyền giáo, Đức Cha Caspar Lộc lại cử ngài làm giáo sư Tiểu chủng viện An-Ninh, tại giáo phận Huế.
2. Tại Tiểu chủng viện An-Ninh: vị giáo sư đầy trách nhiệm nhưng cũng ưu tư cho việc rao giảng Tin Mừng
Tại Tiểu chủng viện An-Ninh, nơi cha Denis Thuận khởi đầu nhiệm vụ giáo sư, có bốn lớp, mỗi lớp kéo dài hai năm, cho một chu kỳ học tập tám năm. Cha Girard, giám đốc Tiểu chủng viện, cử cha Denis Thuận giảng dạy văn chương và tu từ cho lớp nhất. Điều này không cản trở cha tân giáo sư kiêm nhiệm nhiều môn khác, như là vạn vật học, đại số học, v.v… 16.
Tiểu chủng viện An-Ninh đã có một chiều dài lịch sử với những thời kỳ đầy thử thách cũng như hiển hách. Chúng ta hãy lắng nghe cha J.B. Roux nói về cơ sở này: “Tiểu chủng viện An-Ninh được thành lập năm 1783, nhằm đáp ứng nhu cầu thiêng liêng cho Bắc Đàng Trong do cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã tách biệt khỏi giáo phận truyền giáo. Tại nơi đây, hàng trăm linh mục đã lãnh nhận những bước đào tạo đầu tiên về tu đức và nhiều vị đã được vinh dự đổ máu đào vì đức tin. Chủng viện vinh dự có được hai vị tử đạo trong số các thừa sai đảm nhiệm công việc đào tạo các chủng sinh : đó là quý Chân phước Gageli và Jacard. Một trong các chủng sinh cũng đã được vinh dự tử đạo hồi năm 1838, là Chân phước Thomas Thiện. Vào năm 1885, khi phong trào Văn Thân gồm những kẻ ngoại đạo được nhà cầm quyền âm thầm ủng hộ đã tiến hành vô số những cuộc tàn sát người công giáo Việt, chủng viện An-Ninh đã trở thành nơi trú ẩn cho hàng ngàn tín hữu Kitô từ những vùng lân cận… Khu đất xây cất Tiểu chủng viện là do chính vua Gia Long đã ban tặng cho Đức Cha Pigneau de Béhaine (quen gọi là Đức Cha Bá Đa Lộc), Đại diện Tông tòa Đàng Trong … Dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu-Trị, Tự Đức, chủng viện An-Ninh phải giải tán vì ai nấy đều phải trốn tránh đây đó, trong nhiều giáo họ khác nhau, hòng thoát khỏi những kẻ bách hại truy lùng. Nhưng một khi sự an bình trở lại với Giáo hội Việt Nam, nhờ việc thiết lập chế độ bảo hộ của Pháp, quyền sở hữu cơ sở này lại trở về với giáo phận Huế…”
Vốn được trời phú cho một giọng hát hay và có năng khiếu về ca hát, cha Denis Thuận còn đảm nhận thêm nhiệm vụ tập dượt các bài thánh ca. Ngoài ra trong thời gian làm giáo sư tại Tiểu chủng viện, ngài còn tranh thủ trau dồi thêm kiến thức Hán ngữ, đến độ vào năm 1907, ngài được ủy nhiệm giảng dạy chữ Hán cho cả bốn lớp ở chủng viện vì sự tinh thông của ngài trong lãnh vực này.
Trong lá thư đề ngày 18 tháng mười 1907 gửi ông bà thân sinh, cha Denis Thuận kể lại một ngày như bao nhiêu ngày khác ngài sống tại Tiểu chủng viện An-Ninh. Ngài kể rằng trong một giờ rưỡi đồng hồ vừa qua, ngài đã kêu đủ thứ tiếng: Pháp, Việt, Hán, La tinh …; và vừa hết giờ dạy học, ngài vội viết thư thăm cha mẹ ngay, xin cha mẹ lo giữ mình cho khỏe, nếu liều mình để phải đau yếu thì phạm lỗi nặng. Ngài thêm rằng phần ngài thì không cần chi phải giữ cho khỏi phạm tội ấy, vì ngài gầy còm như con tu hú, nhưng lại khỏe như cái cầu mới, và mạnh bằng nửa tá người Thổ Nhĩ Kỳ rất lực lưỡng. Ngài cũng kể cho cha mẹ rằng hằng ngày, ngài cứ làm chút việc thường thường của ngài như cha mẹ thường làm. Đây là thời khóa biểu hằng ngày của ngài : sáng sớm, khi gà gáy lần thứ nhất, độ ba giờ rưỡi hoặc bốn giờ, ngài thức dậy nguyện gẫm. Ngài nói thêm đó là lúc ngài nói chuyện với Chúa, cầu nguyện với Chúa. Đến sáu giờ kém mười lăm, ngài đi dâng lễ, cám ơn, đọc kinh và xem sách thiêng liêng. Bảy giờ rưỡi, ngài lót lòng rồi dọn bài, dạy học. Dạy xong là đến giờ cơm. Cơm trưa xong, ngài vào nhà thờ chầu Mình Thánh, nói chuyện với Chúa; ngài giải thích cho cha mẹ biết đó là lúc ngài nói truyện với Chúa về cha mẹ. Xong, ngài về phòng dọn bài dạy buổi chiều. Dạy rồi, ngài lại vào nhà thờ đọc kinh nhật tụng và đi đàng Thánh giá. Ngài cũng kể cho cha mẹ nghe những công việc khác của ngài, ngoài việc dạy học: đó là khi các chú làm việc thủ công, thì ngài đi làm thuốc cho những học sinh bị đủ các thứ bệnh : chú thì ghẻ, chú thì đau mụt, chú thì đau rét, chú khác đau mắt, chú khác nữa đau bụng, v.v… Ngài kể thêm rằng bệnh nhân bên ngoài cũng đến xin ngài chữa bệnh. Làm thuốc xong, ngài đọc sách thánh, đoạn chấm bài cho tới giờ cơm tối. Cơm xong ngài lại đọc sách, đọc kinh rồi đi nghỉ. Đó là những gì ngài viết cho cha mẹ biết một ngày của ngài diễn ra như thế nào 18.
Trong khi chu toàn nhiệm vụ giảng dạy, cha Denis Thuận không ngừng đào sâu những kiến thức về chữ Hán cũng như tiếng Việt. Ngài thích nghi dần với khí hậu, với phong tục tập quán địa phương. Điều này buộc ngài phải cố gắng nhiều. Tuy nhiên, cách “tử đạo” này khiến ngài vui sướng như ngài bày tỏ cùng cha mẹ trong bức thư ngài gửi nhân dịp Tết. Ngài nhấn mạnh ngài không vui khoái Tết dương lịch cho bằng Tết âm lịch. Ngài cũng báo cho cha mẹ biết khí hậu Việt Nam nóng lắm và vừa rồi gió tây thổi như bão. Tuy nhiên, ngài cũng cho cha mẹ biết đối với ngài Tiểu chủng viện An-Ninh là nơi vui nhất dưới gầm trời 19.
Mặc dù hằng ngày phải đảm nhận nhiều trách vụ, nhưng cha Denis Thuận không ngừng ấp ủ lòng khao khát đi rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Nhiệm vụ làm giáo sư không cho phép ngài thực hiện ước mơ ấy. Tuy nhiên, nhân dịp kỳ nghỉ hè dành cho các thừa sai giáo sư, ngài có được một cơ hội khởi đầu cho việc biến ước mơ ấy thành hiện thực. Đó là vào kỳ nghỉ hè năm 1906, ngài tháp tùng Đức Cha Caspar Lộc đi kinh lược các xứ miền núi, thăm viếng đồng bào Thượng. Cũng thế, kỳ nghỉ hè năm 1907 mang đến cho ngài cơ hội thay thế cha sở họ Trài bị ốm liệt. Lần này cũng như lần trước, nơi nào cũng cho ngài cơ hội khám phá những nỗi thống khổ của lương dân và lượng định khả năng trở lại đạo của họ, như ngài đã viết và kể lại cho cha mẹ những cuộc phiêu lưu đầu tiên trong công cuộc truyền giáo của ngài. Ngài giải thích cho cha mẹ hiểu ngài đã gặp vô số người Thượng 20, họ sợ ma quỷ quá chừng. Ngài thêm rằng hễ đau ốm một chút, họ nghĩ ngay là tại ma quỷ làm, hoặc hễ gặp hùm beo hoặc trâu rừng, họ liền cúng quảy khấn xin những con vật ấy đừng khuấy khuất họ. Ngài kết luận nếu có ai đến rao giảng Phúc âm cho họ, thì chắc được kết quả trăm phần trăm 21.
Quả là một khám phá cháy lòng khi cha Denis Thuận đối diện với đám đông những lương dân như thế; ngài còn nóng lòng hơn khi ngài tiếp xúc với những tín hữu Kitô không biết chút gì về đạo lý. Nhiều lần ngài đã viết thư và bày tỏ với cha mẹ khát vọng làm tông đồ truyền giáo, nỗi khát vọng này mãnh liệt tới độ làm cho ngài cảm thấy tù túng với nhịp sống đều đều trong Tiểu chủng viện; ngài giải thích điều này với cha mẹ trong bức thư dịp lễ Giáng sinh 1907: thương hại cho người ngoại giáo quá, lễ Giáng sinh năm nay cũng còn chưa phải cho họ. Ngài tiếc rằng Chúa xuống thế đã gần hai ngàn năm, mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người. Ngài thêm rằng, khi nghĩ đến điều ấy, thì cái phòng giáo sư của ngài nên như cái ngục cho ngài, nên ngài ước ao mở miệng là hết sức nói về Chúa cho những kẻ chưa nhận biết Người được trở lại. Song ngài không quên thêm rằng, nếu như Chúa muốn ngài cứ ở lại chủng viện, thì ngài cũng rất bằng lòng. Lúc nào ngài cũng xin cha mẹ cầu nguyện cho ngài và cho người ngoại đạo 22 .
Mang trong lòng ngọn lửa nhiệt thành tông đồ, tuy nhiên cha Denis Thuận luôn khiêm tốn tuân theo luật tối thượng này là chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Sự thuận theo ý Chúa, được đức tin soi dẫn, luôn là một nét nổi bật trong suốt cuộc đời của ngài.
Tuy nhiên, cuối cùng cơ hội thuận lợi cho việc ra đi truyền giáo cũng đến với cha Denis Thuận vào năm 1908, khi Đức Cha Allys Lý lên kế vị Đức Cha Caspar Lộc. Tuy nhiên, ta chớ vội đi trước sự việc. Đức Cha Caspar Lộc là giám mục kế nhiệm Đức Cha Pontvianne; ngài cai quản giáo phận Huế trong hai mươi sáu năm; trong quãng thời gian này, ngài đã từng chứng kiến biết bao biến cố đau thương, như cuộc “nổi dậy của phong trào Văn Thân” trong những năm 1886 và 1887 đã sát hại mười một linh mục và chín ngàn kitô hữu. Cũng cần nhắc tới nạn đói năm 1897 và trận bão năm 1904 đã gây nên biết bao thảm họa. Năm 1906, Đức Cha Caspar Lộc từ nhiệm và trở về Pháp, bỏ lại sáu mươi hai ngàn tín hữu Kitô thuộc giáo phận của ngài. Trong khi chờ đợi Đức Tân giám mục, cha Allys làm Tổng Đại diện cai quản giáo phận Huế. Sau đó, Tòa Thánh đã chọn vị Tổng Đại diện này làm giám mục Đại diện Tông tòa. Chính nhờ ngài mà cha Denis Thuận có thể thực hiện ước mơ trở thành tông đồ truyền giáo. Thực vậy, cha Denis Thuận được sai đi coi họ đạo Nước Mặn 23.
Cha Denis Thuận đã có một sự trao đổi thư từ rất phong phú với giám mục của mình, Đấng vừa được Tòa Thánh bổ nhiệm kế vị Đức Cha Caspar Lộc. Trong bức thư đầu tiên ngày 30 tháng giêng 1908 gửi Đức Cha Allys Lý, viết từ chủng viện An-Ninh, ngài bày tỏ lòng vâng phục Đức Cha:
“Kính thưa Đức Cha, con xin hứa với Đức Cha là con dứt khoát không có ý muốn nào khác ngoài ý muốn của Đức Cha, mà từ nay đối với con sẽ là thánh ý của Chúa. Con thuận theo tất cả những gì Đức Cha muốn và như Đức Cha muốn; con dám mong rằng lúc nào con cũng có thể thành thật thưa với Đức Cha con luôn là người con rất yêu qúy và vâng phục Đức Cha.”
3. Tại họ đạo Nước Mặn: một vị linh mục nhân lành và một người học tập truyền giáo
Cha Denis Thuận được cử đến họ đạo Nước Mặn. Cuộc đời của ngài bước sang một trang mới với việc thực hiện ước mơ trở thành nhà truyền giáo; trước kia, ngài viết thư gửi song thân vào ngày 31 tháng năm 1908 để báo cho cha mẹ biết Đức Tân giám mục Huế vừa được tấn phong và vị giám mục này thúc giục các linh mục hãy quan tâm nhiều hơn đến việc truyền giáo. Theo nhận xét của cha Denis Thuận, thì đây là một vấn đề mới mẻ. Ngài so sánh với Đức Cha Caspar Lộc vốn chỉ khuyến khích các cha liệu cho giáo hữu nên tốt hơn và hãy là những cha bổn sở đúng nghĩa, trong khi Đức Tân giám mục lại cổ võ các ngài hãy là những nhà truyền giáo. Cha Denis Thuận kết luận rằng đó chính là điều ngài mơ ước 24.
Cha Denis Thuận dốc ngay hết mọi nhiệt huyết của một nhà truyền giáo trẻ vào việc rao giảng Phúc âm. Tuy nhiên, ngay những lần gặp gỡ đầu tiên với người ngoại đạo cũng như với các tín hữu địa phương, điều ngài mơ ước đã vấp phải những thách thức thường ngày. Và đây là điều ngài đã viết cho Đức Cha Allys Lý ngày 16 tháng hai 1908:
“Sau thánh lễ, con đã gọi mấy người xin trở lại đạo nhưng chưa học giáo lý để xem họ có thật lòng muốn nên người kitô hữu hay không. Hai người đồng ý ngày mai sẽ đến học đạo, bốn người khác thì vắng mặt, con sẽ chỉ gặp lại họ vào ngày sau đó; còn người thứ bảy thì đã diễn một màn kịch mà con sẽ còn nhớ mãi: sau khi đã sụp lại nhiều lần và khóc sướt mướt, ông ta kể cho con nghe đủ mọi nỗi bất hạnh và đủ mọi chuyện khôi hài cũng như những việc quan 25 mà ông đã làm; khi con yêu cầu ông ta chỉ cần trả lời cho con biết là ông có muốn trở thành Kitô hữu hay không, thì ông ta thưa: “Thưa cha, xưa nay con thờ ma quỷ, con xin thờ luôn, con xin không hiểu đạo”26. Con đã hết lời “an ủi”27 ông ta, nhưng không thể nào đưa ông ta ra khỏi cái ý nghĩ đó. Dĩ nhiên, con đã nói với ông ta là con rất tiếc vì ông không muốn học đạo, nhưng con không thể và cũng không muốn ép ông ta.”
Trong nhiều bức thư gửi song thân, cũng như gửi giám mục, cha Denis Thuận đã bày tỏ vừa sự vui mừng được rao giảng Phúc âm vừa những khó khăn ngài gặp phải trong việc hoán cải lương dân. Ngoài ra, việc bỏ đạo là một vấn đề thường được ngài nhắc đến, vì một số tín hữu đã bỏ đạo trong thời kỳ xảy ra các cuộc bách hại và đe dọa do dân chúng vùng lân cận gây nên. Vấn đề khiến cha Denis Thuận ray rứt mãi là làm sao có thể dẫn đưa họ trở về đàn chiên Chúa Kitô.
Còn một khó khăn khác nữa mà ngài hay gặp khi đi thăm viếng nhiều họ đạo khác nhau, đó là việc có nhiều người đã trở lại đạo nhưng không hiểu lẽ đạo. Vì lẽ đó, ngày 5 tháng tư 1908, ngài đã viết cho Đức Cha Allys Lý:
“Điều khiến ta có thể tha thứ cho những người đó, ấy là vì họ gần như chẳng hiểu gì về đạo lý. Một người trong họ mời con chén nước trà trước giờ dâng lễ và hết sức ngạc nhiên khi con nói là không được phép uống … Sáng nay ông bộ Oi đó đã nổi cáu với một chức việc của xứ Nước Mặn vì các ông này nhất định là thực sự có thiên đàng và hỏa ngục, trong khi ông bộ Oi đó cả quyết thiên đàng và hỏa ngục chỉ có trong trí tưởng tượng của các tín hữu Kitô! Đức Cha thấy đấy cái con người theo chủ nghĩa duy tân lầm lạc ấy lại ở ngay họ đạo Phú Hải 31, ông ta đã đọc sách của Loisy chưa? Chính cái ông bộ Oi này, hẳn là một nhà thần học địa phương, là một trong những tên vô lại đã có thể thẳng thắn và công khai thú nhận với Cha32 Lược là ông ta không thể không thờ cúng tổ tiên!…
Thêm vào đó, cuộc sống thường ngày của người dân ở nông thôn càng khiến cho việc giảng dạy giáo lý trở nên khó khăn: mọi người lớn đều phải làm việc cả ngày ngoài đồng, và họ chỉ trở về nhà khi màn đêm buông xuống. Vì vậy các lớp giáo lý thường diễn ra vào buổi tối. Nhưng mà lúc ấy, người nông dân, sau một ngày lao động vất vả ngoài đồng, sẽ dễ mà xuôi theo cơn buồn ngủ trong khi cha sở giảng dạy giáo lý …
Cha Denis Thuận phải đối phó trực diện, không những với những vấn đề liên quan đến đức tin công giáo, mà cả những vấn đề của những nông dân nghèo khổ như là vấn đề ăn cắp tiền33, những kiện tụng trong nội bộ họ đạo, v.v… Một hôm, vì muốn giải quyết một cuộc tranh cãi, ngài đã bị xúc phạm như ngài đã viết cho Đức Cha ngày 17 tháng tư 1908:
“ […] Tóm lại, vinh danh Chúa! Đấy là lần đầu tiên con bị lăng mạ một cách công khai như thế. Con thưa thật với Đức Cha rằng con chẳng buồn đâu, vả lại con chẳng hiểu gì nhiều về tầm quan trọng của những lời chửi rủa như thế.”
Đối mặt với những thử thách ấy, và với biết bao vấn đề khác nữa, cha Denis Thuận không biết phải làm gì. Hơn một lần, ngài tâm sự với Đức Cha “con chẳng biết làm chi mô!!! con chẳng biết làm chi mô!!!” Trên mãnh đất truyền giáo, cha Denis Thuận hãy còn là một người học tập truyền giáo như ngài đã viết:
“Thưa Đức Cha, xin Đức Cha miễn thứ cho con vì đã làm mất thì giờ của Đức Cha. Con chỉ là một tập sinh và lúc nào con cũng lo sợ làm điều gì đó không phải.”34
Công việc truyền giáo không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió 35. Sau vài tháng sinh sống ở họ đạo Nước Mặn, cha Denis Thuận đã tỏ bày tâm trạng của mình trong thư đề ngày 23 tháng tư 1908:
“Ở Tiểu chủng viện, con cảm thấy công việc dồn dập và gấp gáp bao nhiêu, thì ở đây con lại thấy mình rảnh rỗi bấy nhiêu và không có gì để làm. Con nghiên cứu thần học, trò chuyện với nhiều người, đọc sách, xem xét những nét chữ Hán, dù vậy ngày này sang ngày khác cứ dài vô tận.”
“Ngày cứ dài vô tận!”: chúng ta nhận thấy công trình đào tạo tại Hội Truyền giáo Paris, cũng như những suy tưởng trước kia về công cuộc truyền giáo bây giờ phải đối diện với thực tế. Ý tưởng sứ vụ truyền giáo và ý tưởng tử đạo cùng lý giải cho nhau. Việc tử đạo bây giờ không phải bằng một cái chết nhanh chóng nữa, mà phải trải qua một chuỗi ngày dài đầy phiền muộn, đau khổ, hy sinh !!!
Tuy nhiên, cha Denis Thuận không thể ở yên, “bó tay” trước tình cảnh đáng buồn này. Ngài xả thân, mạnh dạn tiến thêm một bước nữa trong công việc rao giảng Phúc âm. Lúc này ngài đang là một tông đồ học việc truyền giáo, và còn là một linh mục nhân lành nữa.
Trong chương một, chúng tôi đã nói về những mẫu gương linh mục trong giáo phận Arras. Và những mẫu gương này chắc hẵn đã thấm nhiễm vào tâm trí của cha Denis Thuận, bởi vì trong một chừng mực nào đó, việc đào tạo đã tạo nên tính cách của ngài. Chúng ta hãy xem xét vị linh mục nhân lành của chúng ta qua những hoạt động của ngài tại họ đạo Nước Mặn và những vùng lân cận 36.
Công việc đầu tiên của ngài là giảng dạy giáo lý. Đây là một nhiệm vụ lúc nào cũng khó khăn và mệt nhọc. Quả thực, các Kitô hữu của họ đạo Nước Mặn này đã không có một sự hiểu biết đầy đủ về giáo lý. Có thể chuẩn đoán như sau:
“Theo thiển ý của con, điều bất hạnh lớn nhất của các dự tòng vùng này, đó là họ không được nghe giảng dạy. Con đã hỏi nhiều người và họ quả đã không biết họ có linh hồn, cũng như không biết có Thiên Chúa… Con tin chắc họ đã hơn một lần xưng tội không nên. Con đã hỏi một số người, xem họ học giáo lý trong bao nhiêu lâu, họ trả lời là 15 ngày, nhưng chỉ vào buổi tối, tức là thực tế chỉ hai giờ mỗi tối, trừ đi phân nữa thời gian dành để đọc kinh ra, họ còn quá ít thời gian cho việc học hỏi giáo lý…”
Bức tranh đáng buồn mà cha Denis Thuận vẽ ra trên đây hoàn toàn đúng với thực tế. Linh mục Morineau, vị tiền nhiệm của ngài, khi từ giã họ đạo Nước Mặn, đã thú nhận có nhiều dự tòng khá khó tính. Vì thế điều chuẩn đoán trên đây đã thôi thúc cha Denis Thuận phải hành động nhanh chóng. Ngài sẵn sàng quên mình trong việc giảng dạy giáo lý. Với tâm hồn của một vị chủ chăn nhân lành, cha Denis Thuận dành hết mọi khả năng có thể để phục vụ đàn chiên của ngài, nhất là trong việc dạy giáo lý.
Ngài kể cho song thân biết là ngài đang viết thư cho ông bà giữa một lũ sáu mươi đứa trẻ, chúng đang học kinh bổn om sòm chung quanh ngài, và thừa lúc ngài bận viết thư, chúng tập võ ngầm với nhau dưới chân bàn. Ngài còn thêm rằng sau mười giờ học giáo lý, chúng chạy quanh nô đùa khắp chỗ. Ngài thưa với song thân rằng mỗi khi ngài cảm thấy mệt, ngài liền tự nhủ : “Hỡi Henri Denis, nếu mày không làm thày cả thì mày phải làm anh bán bánh mì. Nên mày phải làm việc cho gắt, phải làm việc đi, nghỉ chi mà nghỉ ” Ngài kết thúc lá thư với lời tôn vinh các cha sở và những người làm bánh : Vạn tuế các cha bổn sở! Vạn tuế các ông hàng bánh! 37 Một vài trích dẫn các đoạn thư cha Denis Thuận gửi song thân có thể giúp chúng ta có được một ý niệm về các lớp giáo lý của ngài.
Không chỉ trẻ em, mà cả người lớn cũng theo học giáo lý. Sau một thời gian, nhiều kết quả thật đáng khích lệ. Vốn hiểu biết của các tín hữu ngày càng được nâng cao, và nhờ những hiểu biết đó, đời sống đạo của họ trở nên sâu sắc hơn 38. Ngay cả những cuộc trở lại đạo cũng tăng thêm, như lời cha Denis Thuận khoe với cha mẹ. Ngài viết cho cha mẹ biết là có nhiều người xin trở lại đạo, họ là những con cá bự, bởi xưa kia họ hay ghét đạo 39. Trong lá thư ghi ngày 17 tháng mười hai 1912 gửi cha Tổng quyền Hội Truyền giáo Paris, ngài viết: “Con nhận thấy bổn đạo của con khá hơn. Họ đi rước lễ nhiều hơn, đồng thời những vụ kiện tụng cũng giảm bớt đi.”
Trong khi chu toàn thánh vụ bác sĩ của các linh hồn, cha Denis Thuận cảm thấy nhu cầu bắt buộc ngài phải chăm sóc cả những bệnh tật thể xác mà ngài chứng kiến. Chúng ta biết ngài đã hành nghề y tá trong thời gian ngài học ở Tiểu chủng viện Boulogne, và sau này, khi ngài làm giáo sư tại Tiểu chủng viện An-Ninh. Như thế chúng ta nhận thấy ngài luôn quan tâm lo lắng cho người nghèo túng và bệnh nhân. Chúng ta hãy nghe ngài báo tin cho cha mẹ biết bây giờ ngôi nhà của ngài dần dần nên như nhà thương, ngày nào cũng có hàng chục người đến xin thuốc, phần nhiều họ bị mụt nhọt đầy máu mủ thối tha, nên mỗi lần làm thuốc xong, ngài phải thay quần áo. Ngài còn thêm rằng việc giúp đỡ người nghèo túng và bệnh nhân đã khiến ngài mắc nợ nhiều lắm40.
Cha Denis Thuận không những tận tâm cứu giúp, mà còn xả thân giúp đỡ cho tới cùng. Chẳng hạn, có lần nạn dịch tả hoành hành trong khu vực khiến nhiều người chết, ngài đích thân đến và làm tất cả những gì cần thiết. Ngài kể cho cha mẹ biết nạn dịch tả làm chết mất mười người, ngài cũng bị, nhưng nhờ ơn Chúa nay đã khá. Người ta thất kinh sợ hãi đến nỗi không ai dám liệm xác kẻ chết; chính tay ngài phải ôm xác bỏ vào quan tài, đậy nắp, đóng đinh rồi bỏ tiền thuê người đi chôn 41.
Hình ảnh vị linh mục nhân lành khiến chúng ta nhớ lại những năm tháng ngài học tập tại giáo phận Arras. Theo các cha giáo thuộc Hội Dòng Xuân Bích, vị linh mục nhân lành là cha của những người nghèo khổ. Cha Denis Thuận là cha của những người nghèo khổ, của những người đau ốm bệnh tật; và ngài cũng là ông cha sở khởi xướng mọi công việc. Ngài viết cho giám mục ngày 15 tháng tư 1909:
“Con vừa cất xong một Tổ Đàm, cả làng ai cũng kinh ngạc. Mọi người đến xem, ai nấy đều tấm tắc khen đẹp… Bổn đạo của con rất phấn khởi, và hôm nay, lớn, bé, sồn sồn, tất cả kéo nhau đến tạ ơn con … Bây giờ con cất một cái nhà khác cho bọn trẻ.”
Làm cha bổn sở họ đạo Nước Mặn, cha Denis Thuận không giam mình trong nhà xứ; ngài còn ra đi tìm kiếm và gặp gỡ những người mà ngài muốn đưa dẫn họ về với Chúa. Ngài vẫn là một nhà truyền giáo lưu động. Trong bức thư viết ngày 20 tháng tư 1908, ngài trình bày với giám mục về đời sống của ngài:
“ Dân Thọ Sơn cương quyết không đi xưng tội. Con tính đến nhà thăm họ. Các chức việc tỏ ra không hài lòng vì con hạ mình đi tìm kiếm con chiên như thế; họ không chấp nhận việc con đến thăm từng nhà. Thưa Đức Cha, Đức Cha nghĩ như thế nào? Nhờ những lần đi thăm viếng như thế, con đã lôi kéo ít nhất sáu hoặc bảy người vốn muốn bỏ đạo… Thật tình mà nói, nhiều người vẫn thích một ông cha sở oai phong lẫm liệt trên lưng ngựa hoặc cáng trên võng, hơn là một ông cha sở đi dép, che dù…”
Vậy mà nhà truyền giáo lưu động này đã đưa dẫn nhiều người ngoại đạo trở về cùng Chúa 43.
Tổ chức đời sống họ đạo, thăm viếng các gia đình, nhất là thăm viếng bệnh nhân, giảng dạy giáo lý (đôi khi dạy mười một tiếng một ngày), cứu trợ những người nghèo khó đến xin giúp đỡ, sau cùng là sửa chữa nhà thờ Nước Mặn: từng ấy công việc cha Denis Thuận dấn thân phục vụ đàn chiên từ ngày này sang ngày khác. Vì thế, càng ngày ngài càng mắc nợ, và khó mà trả nổi. Lúc ấy ngài nghĩ đến việc phải rời bỏ họ đạo Nước Mặn như ngài đã viết cho song thân năm 1912 44.
Tuy nhiên, ngài vẫn còn do dự trước một việc thật khó chọn lựa: ở lại hoặc ra đi. Ngài mô tả tâm trạng của mình cho song thân sau khi trở lại Tiểu chủng viện An-Ninh vào năm 1913. Ngài viết thư báo cho cha mẹ biết ngài không còn ở Nước Mặn nữa và đã trở lại An-Ninh. Ngài còn thêm rằng ngài đã khóc hết nước mắt khi từ giã họ đạo Nước Mặn, cũng như ngài đã xin Đức Cha đừng sai ngài về lại chủng viện. Nhưng cuối cùng ngài cũng xin đừng theo ý riêng ngài 45.
Không ai biết chính xác lý tưởng sống đời đan tu đã manh nha trong tâm trí cha Denis Thuận từ lúc nào 46. Chúng ta chỉ biết rằng cha Denis Thuận đã bày tỏ rõ ràng với giám mục điều mơ ước này qua bức thư ngày 31 tháng giêng 1912 (khi ngài còn làm cha sở Nước Mặn) – để đề nghị với giám mục ba giải pháp cho việc có thể thành lập một nhà dòng với lời kết luận: “Năm nay đúng 800 ngài thánh Bênađô nhập dòng (111-1912), con có thể theo chân ngài mà bắt chước nếp sống ngài nội trong năm 1912 này không?” Chúng ta sẽ còn nghiên cứu tiếp vấn đề này. Bây giờ chúng ta gặp lại cha Denis Thuận một lần nữa tại Tiểu chủng viện An-Ninh.
4. Tại Tiểu chủng viện An-Ninh: một giáo sư tận tụy nhưng vẫn khát khao đời sống đan tu
Sau năm năm đi truyền giáo, bây giờ thì cha Denis Thuận trở lại Tiểu chủng viện An-Ninh. Chắn hẳn ngài tái nhận chức giáo sư từ tháng hai 1913, vì lá thư sau cùng ngài gửi giám mục từ họ đạo Nước Mặn ghi ngày 29 tháng giêng, trong khi lá thư đầu tiên từ An-Ninh đề ngày 31 tháng ba. Ngài dạy chủng sinh lớp nhất và cả chủng sinh các lớp khác nữa. Để mở rộng kiến thức cho chủng sinh, ngài dạy mua thêm sách khoa học bằng pháp ngữ và việt ngữ, điều này khiến Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến đánh giá là trình độ của chủng sinh được nâng cao.
Mặc dù bận rộn với công việc giảng dạy, cha Denis Thuận vẫn tranh thủ có được sự chấp thuận của giám mục để đi đến xứ Lào hầu tìm kiếm khắp nơi những tín hữu Kitô gốc Việt tản mát đó đây và ban các bí tích cho họ. Chính tình yêu Chúa Kitô đã thúc giục ngài làm việc này, cũng như lòng khao khát phần rỗi các linh hồn đã tạo cho ngài sức mạnh thực hiện những cuộc viễn du trên lưng ngựa như thế…
Thế nhưng, dù bộn bề giữa bao công việc mục vụ và giảng dạy, từ lâu trong lòng cha Denis Thuận vẫn không ngừng âm ỉ nỗi ước mơ trở thành đan sĩ chiêm niêm và thiết lập một cộng đoàn đan tu.
Nhưng Đức Cha Allys Lý vẫn thấy cần giữ cha Denis Thuận ở lại An-Ninh, do đó cha Denis Thuận lại tiếp tục thi hành nhiệm vụ giáo sư ở chủng viện trong năm năm nữa. Và chỉ đến năm 1918, ngài mới có thể ra đi thành lập Dòng Đức Bà Phước Sơn. Trong suốt những năm chờ đợi, ngài vẫn giữ nguyên niềm xác tín cần phải thành lập một dòng chiêm niệm ở An-Nam.
Đức Cha Allys Lý, dù từ chối lời thỉnh cầu lập Dòng, song vẫn bảo cha Denis Thuận là hãy trao phó dự định đó cho Chúa Quan phòng; và cha Denis Thuận đã làm đúng như vậy; ngài vẫn tiếp tục hoàn thành mọi nhiệm vụ với tất cả tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm tận tụy. Vả lại, ngài cũng chưa xác định được Hội Dòng nào có thể đáp ứng đúng khát vọng đan tu của ngài.
“Còn một lý lẽ xác thực hơn nữa, ấy là ý Chúa chưa muốn. Cho nên con cũng vậy. Trong khi chờ đợi các tu sĩ Dòng Trappe, hoặc Dòng Chartreux, hoặc “bất kỳ Dòng nào khác”, con vẫn ở yên trong căn phòng bé nhỏ của con ở An-Ninh”.
Vài tháng sau khi trở lại Tiểu chủng viện, cha Denis Thuận nhận được tin chính phủ Pháp ban huy chương trọng thưởng ông Denis đã có công trong kỳ đại chiến Pháp-Đức năm 1870. Trong lá thư ngày 1 tháng sáu 1913 gửi song thân, ngài chúc mừng cụ thân sinh và bày tỏ sự vui mừng vì ân thưởng này. Thế nhưng, vài tuần sau thì ông Denis qua đời. Cha Denis Thuận nhận được hung tín này trong lúc ngài đang tĩnh tâm thường niên tại Hồng Kông. Từ Hồng Kông, ngày 30 tháng bảy 1913, ngài kính đến giám mục những lời như sau:
“Xin Đức Cha miễn thứ cho con vì đã không thể sớm dâng lời cám ơn Đức Cha đã cầu nguyện cho cha của con. Trong lá thư cuối cùng viết cho con, cha con bảo rằng ngài cầu nguyện nhiều cho Hội Truyền giáo. Và Hội Truyền giáo đã không quên ngài. Con đã nhận được nhiều thư phân ưu. Một lần nữa, con cám ơn Đức Cha. Con tin chắc rằng cha con sẽ cầu nguyện, và chắc chắn là ngài đã cầu nguyện cho chúng ta trên nước Trời.”
Những dòng trên đây cho thấy ông Henri Denis Cyrille đã để lại cho con tấm gương sáng về đức tin và đức ái.
Tuy nhiên, cha Denis Thuận có ở yên trong căn phòng bé nhỏ tại chủng viện An-Ninh, như ngài đã viết cho giám mục không? Tiếng gọi lên đường ra đi nơi phương xa vẫn âm ỉ reo vang. Cha Denis Thuận không ngừng nghĩ đến các tín hữu Kitô sống trong cảnh thiếu thốn của ăn thiêng liêng và điều này thúc giục ngài cần phải ra đi xa hơn nữa. Lợi dụng kỳ nghỉ hè, ngài lên đường đi đến nhiều nơi xa xôi. Ngài vượt qua biên giới và đến nước Lào 47.
Lại còn một tiếng gọi khác không ngừng âm vang trong tâm hồn của cha Denis Thuận. Qua những lần đi thăm viếng mục vụ, ngài đã cảm nhận lòng khao khát sống đời chiêm niệm của nhiều thanh thiếu niên. Còn bản thân ngài, thì chắc chắn là ngài đã say mê đời sống ẩn giấu trong Chúa Kitô như lời thánh Tông đồ “sự sống mới của chúng ta hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” 48, vì thế, khi nghĩ đến đời sống ấy, ngài nghiêng về lối sống của các đan sĩ Xitô Nhặt phép.
“Con sẽ xin các đan sĩ ở Nhật Bản quyển Thói lệ, áo dòng. Con đã có bản Hiến pháp rồi.” 49
Bằng cách nhắc lại dụ ngôn người bạn quấy rầy quyết xin cho bằng được (Lc 11, 5-8), cha Denis Thuận kín đáo cho thấy ngài kiên trì và hy vọng sẽ được phép ra đi. Hẳn thật, ngài đã nhiều lần đề nghị với Đức Cha Allys Lý những giải pháp có thể tiến hành để thành lập một cộng đoàn đan tu. Trong lá thư đề ngày 31 tháng giêng 1912, cha Denis Thuận viết:
“Thưa Đức Cha, xin Đức Cha cho phép con tóm tắt những gì chúng ta đã bàn tính hôm qua. Con xin ghi lại những giải pháp thực tiễn nhất:
1. Con cố gắng kiếm một số tiền chừng 10.000 quan; con sẽ kính Đức Cha số tiền đó và xin Đức Cha thiết lập cho giáo phận truyền giáo chúng ta một đan viện Dòng Trappe.
2. Con để tâm học hỏi tu luật Dòng Trappe. Con kiếm một số tiền và thành lập một Dòng Trappe tại Ba Trục hay ở nơi nào đó. Khi mọi sự gần như đâu vào đó rồi, thì Đức Cha sẽ mời các đan sĩ Dòng Trappe đến.
3. Xin Đức Cha cho con một nhiệm sở nho nhỏ như họ đạo Thọ Đức, Dương Sơn, An Vân, v.v… hoặc ít ra một nhiệm sở mà con không cần cha phó, ở đó con có thể tự lực cánh sinh và không làm phiền hà bất cứ ai. Con học hỏi tu luật Dòng Trappe. Con thực sống đời sống của họ. Con quy tụ một số bạn trẻ có thiện chí, và chúng con sẽ bắt đầu hình thành một cộng đoàn Xitô nho nhỏ. Lúc bấy giờ con mới xin ít tiền. Khi con có được những gì cần thiết để có thể tạm ổn định, con sẽ tiến hành xây dựng một đan viện, rất đơn sơ nhưng rất sạch sẽ, tại Ba Trục hoặc ở nơi nào đó; các đan sĩ và con, chúng con sẽ chuyển đến đó. Khi ấy, chúng con sẽ tuân giữ tu luật Xitô với tất cả sự thiện hảo của tu luật và chúng con sẽ mặc áo dòng…”
Cha Denis Thuận càng ngày càng cảm thấy nôn nóng ra đi thực hiện ước mơ. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua lá thư hồi năm 1917 gửi Đức Cha Allys Lý:
“Thưa Đức Cha, khi ông bố đuổi con cái ra khỏi cửa này, thì nó chỉ có mỗi việc là quay trở vào bằng cửa khác. Từ ngày con trở về đây, con luôn nghĩ tới mãnh đất mà con có thể đến ở, nếu Đức Cha cho phép.”
“Đáng lẽ con phải trình bày với Đức Cha về các đan sĩ của con. Con tự trách mình là đã không trình bày, nên hôm nay con bạo dạn kính đến Đức Cha đôi dòng này để thưa với Đức Cha là con liên tục nghĩ tới việc thành lập Dòng, và lúc này hơn bao giờ hết… Xin Đức Cha miễn thứ cho con, vì con đã thường xuyên khẩn khoản nài xin Đức Cha như thế, qua bao nhiêu thư từ và lời cầu xin từ tám năm nay! Con nghĩ đến người bạn quấy rầy trong Phúc âm quyết xin cho bằng được chiếc bánh, con cũng liều lĩnh như thế và dám hy vọng cũng đạt kết quả như thế.”
Cuối cùng rồi sau bao nhiêu năm chờ đợi trong lời cầu nguyện và trong sự phó thác vào Thiên Chúa, cha Denis Thuận được giám mục cho phép lên đường ra đi thực thi ước mơ sống cuộc đời ẩn giấu trong Chúa.
II. Bối cảnh chính trị và tôn giáo
Sau khi kể lại các hoạt động truyền giáo của cha Denis Thuận trong mười lăm năm tại giáo phận Bắc Đàng Trong, bây giờ chúng tôi đề cập tới bối cảnh chính trị và tôn giáo để thông hiểu lúc bấy giờ các tín hữu Kitô đã sống và các thừa sai thi hành tác vụ trong bầu không khí như thế nào.
Trước hết chúng tôi cố gắng giới thiệu giáo phận Bắc Đàng Trong, thứ đến xét xem giáo phận Đại diện Tông tòa này đối phó với những cuộc chống phá như thế nào, sau hết xem xét các vị thừa sai, trong đó có cha Denis Thuận, quan hệ làm sao với nhà cầm quyền Pháp-Việt 50.
1. Giáo phận Bắc Đàng Trong
Để thông hiểu tình hình của giáo phận Bắc Đàng Trong, cần phải hiểu biết một chút về thành phố Huế, nơi thiết đặt tòa Đại diện. “Thành phố Huế nằm ở miền Trung Việt Nam, cách bờ biển Trung kỳ 10 cây số, và có con sông Hương chảy ngang. Hồi thế kỷ III, nơi đây là một thương điếm của Trung Hoa; đến thế kỷ XIV, Huế trở thành đô thị của miền Trung. Từ thế kỷ XVI, khi nhà Nguyễn lên ngôi, đóng đô ở miền Trung, Huế trở thành thủ phủ và cuối cùng là kinh đô của toàn cõi Việt Nam từ năm 1802. Nhà Nguyễn trị vì cho tới ngày Bảo Đại (Nguyễn Vĩnh Thụy) thoái vị vào năm 1945. Chính Nguyễn Ánh (1762-1820) là một trong những chúa Nguyễn, vào những năm 1791 và 1802, khởi quân từ Trung kỳ đi chinh phục Nam kỳ (Đàng Trong) và Bắc kỳ (Đàng Ngoài), để rồi đến triều vua Gia Long thì thống nhất sơn hà. Huế trở thành kinh đô của triều đình nhà Nguyễn. Theo dòng lịch sử, thành phố Huế trở thành một trung tâm quan trọng về kiến trúc Việt Nam. Hoàng thành nằm bên bờ sông Hương. Công trình kiến trúc được khởi công từ năm 1805; các dãy hào bảo vệ bao quanh các bức tường bằng gạch ôm lấy kinh thành hình vuông. Tường cao 6 mét và đôi khi rộng 20 mét. Có mười cửa chính bảo vệ kinh thành: đó là cửa Nhà Đồ, cửa Sập, cửa Ngăn, cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba, cửa Kẻ Trai, cửa Hậu, cửa An Hòa, cửa Chánh Tây, cửa Hữu. Hoàng thành nằm ở giữa kinh thành, bao gồm nhiều khu vực như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Kỳ Đài và Thế Miếu. Hoàng thành nằm bên bờ bắc sông Hương, trong khi các khu buôn bán và công nghiệp trải dài dọc bờ phía nam con sông. Kinh thành Huế phát triển các hoạt động văn hóa và góp phần tạo nên nền văn minh Việt Nam. Sự có mặt của Pháp vào những năm 1858-59 đã tạo điều kiện cho Pháp chiếm đóng Đàng Trong; ảnh hưởng của Pháp không ngừng lớn mạnh. Huế bị chiếm đóng vào năm 1883, và cũng năm ấy, nền bảo hộ của Pháp được thiết lập trên toàn lãnh thổ.” 51
Đại đa số dân cư làm nghề trồng lúa. Họ cũng trồng trà, thuốc lá và nhiều loại cây nông nghiệp khác. Nhưng cuộc sống của nông dân vẫn không thoát khỏi cảnh cơ cực và nghèo khổ, vì đất đai khô cằn và vì những thiên tai như giông bão hoặc lũ lụt. Gặp nạn đói, cư dân vùng này là những người đói khổ nhất. Chúng ta hãy nghe Đức Cha Allys Lý kể lại đời sống khốn khổ của cư dân vùng này:
“Ngày nọ, tôi đến Dinh Khâm sứ để xin Ngài Charles lưu tâm đến tình cảnh đáng thương của dân cư các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình – thuộc Giáo phận truyền giáo Huế – do bị trận lũ quái ác và sóng thần vừa xảy ra vào những ngày cuối tháng mười vừa qua. Tôi đã báo cho Ngài Công sứ biết là đã có nhiều người bất hạnh đến mức họ phải ăn thân cây chuối và số người đi ăn xin càng ngày càng đáng lo ngại …” 52
Ngay cả trong thời kỳ Bảo hộ, An-Nam cũng không phát triển về kinh tế.
Còn câu chuyện liên quan đến việc thiết lập Đại diện Tông tòa giáo phận Bắc Đàng Trong thì khá dài. Chúng tôi chỉ xin ghi lại một vài điểm chủ yếu. “Công cuộc rao giảng Phúc âm tại miền đất này khởi đầu hồi đầu thế kỷ XVII, với nỗ lực truyền giáo của các linh mục Dòng Tên, đặc biệt là cha Francesco Buzoni (1615-19). Nhiều linh mục Dòng Tên khác tiếp nối nhau từ năm 1625, trong đó có vị thừa sai nổi tiếng gốc Avignon là linh mục Alexandre de Rhodes (quen gọi là cha Đắc Lộ). Những cuộc bách hại cũng bắt đầu từ lúc ấy …” 53 Các vị thừa sai của Hội Truyền giáo tiếp bước những vị Đại diện Tông tòa đầu tiên là Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Pallu 54. Nhưng hai vị Đại diện Tông tòa tiên khởi này đến An-Nam khi đất nước này đã bị phân chia hai miền Nam Bắc: chúa Trịnh nắm quyền cai trị ở miền Bắc (Đàng Ngoài), còn chúa Nguyễn cai quản miền Nam (Đàng Trong). Đức Cha Pallu đảm nhận nhiệm vụ chăm lo cho các tín hữu thuộc giáo phận Đàng Ngoài, còn Đức Cha Lambert de la Motte chăm lo cho giáo phận Đàng Trong.
Ngày 27 tháng mười một 1679, giáo phận Đàng Ngoài được chia thành hai: giáo phận Đông Đàng Ngoài được trao cho Đức Cha Francois Deydier và giáo phận Tây Đàng Ngoài được trao cho Đức Cha Jacques de Bourges coi sóc. Đến năm 1844 thì giáo phận Đàng Trong cũng được chia thành hai giáo phận mới: giáo phận Đông Đàng Trong do Đức Cha Cuénot Thể cai quản; và giáo phận Tây Đàng Trong do Đức Cha Dominique Lefèbvre coi sóc.
Ngày 27 tháng tám 1850, giáo phận Bắc Đàng Trong được tách ra khỏi giáo phận Đông Đàng Trong. Giáo phận Bắc Đàng Trong này trải dài từ sông Gianh đến Hải Vân. Từ ngày 3 tháng mười hai 1924, giáo phận này mang tên là giáo phận Huế. Đến năm 1925, phái đoàn Tòa Thánh ở Đông Dương được thành lập 55, và Tòa Khâm sứ được đặt tại Huế, trước khi được chuyển ra Hà Nội vào năm 1951.
Kể từ ngày được thiết lập vào năm 1850 cho đến năm 1933 – năm mà cha Henri Denis mãn phần – giáo phận Huế đã được cai quản bởi những vị giám mục quan tâm tới việc rao giảng Phúc âm, do đó con số các tín hữu Kitô càng ngày càng gia tăng.
Linh mục Pellerin là vị Đại diện Tông tòa tiên khởi của giáo phận Bắc Đàng Trong 56. Ngày 17 tháng tám 1851, một năm sau khi thiết lập giáo phận, linh mục Sohier được Đức Cha Pellerin tấn phong làm giám mục phụ tá. Sau khi Đức Cha Pellerin qua đời, Đức Cha Sohier tiếp quyền cai quản giáo phận Bắc Đàng Trong. Ngoài sứ vụ tông đồ, Đức Cha Sohier còn giữ một vai trò quan trọng và làm trung gian giữa hai nhà cầm quyền để cải thiện các điều kiện cho việc ký kết hiệp ước giữa Pháp và An-Nam. Đến ngày 31 tháng tám 1877, thì linh mục Pontvianne được chọn kế vị Đức Cha Sohier 58 và được tấn phong giám mục tại Kim Long ngày 12 tháng năm 1878. Đây là triều giám mục ngắn nhất ở giáo phận Huế, vì làm giám mục vừa tròn một năm thì Đức Cha Pontvianne qua đời ngày 30 tháng bảy 1879. Đến năm 1880 – năm Henri Denis chào đời – thì linh mục Caspar Lộc59 được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa Bắc Đàng Trong, Giám mục hiệu tòa Canathen. Trong thời gian thi hành sứ vụ tại Huế, Đức Cha Caspar Lộc đã phải đau lòng chứng kiến người ngoại đạo, nhóm Văn thân, tàn sát các tín hữu Kitô trong những năm 1883-1885. Nhiều nhà thờ bị cướp phá hoặc thiêu hủy. Cuộc bách hại qua đi, Đức Cha Gaspar Lộc ra sức tìm kiếm các tín hữu sống sót để đưa họ trở về quê làng và tái lập các họ đạo. Ngài đã thành công trong việc tạo lập được những phương tiện cần thiết cho giáo phận hoạt động. Ngài tổ chức lại Tiểu chủng viện An-Ninh, cải tổ nội quy và nâng cao trình độ học vấn, trang bị một đội ngũ giáo sư đầy phẩm chất, cũng như tăng cường việc chiêu sinh. Chính Đức Cha Caspar Lộc đã cử cha Denis Thuận về Tiểu chủng viện An-Ninh. Và cha Denis Thuận đã làm giáo sư tại chủng viện từ khi ngài đến Việt Nam năm 1903 cho tới khi Cha Allys Lý lên làm giám mục Huế năm 1908.
Sau khi Đức Cha Caspar Lộc từ nhiệm, cha Allys Lý 60 được chọn để kế vị. Ngài được Đức Cha Mossard, Đại diện Tông tòa Saigon, tấn phong giám mục ngày 24 tháng năm 1908 . Đức Cha Allys Lý cho dời tòa giám mục từ Kim Long đến Phú Cam. Ngài khuyến khích các linh mục hãy đến với những người chưa tin nhận Chúa và hãy thiết lập nhiều họ đạo mới. Trong lá thư ngày 7 tháng bảy 1914 gửi cha Bề trên Hội Truyền giáo, Đức Cha bày tỏ rõ ràng sự quan tâm ngài dành cho việc hoán cải lương dân trở lại với Chúa:
“ […] việc hoán cải lương dân trở lại đạo là lý do khiến các chủng viện của chúng tôi phát triển mạnh mẽ, tôi còn có thể nói đó là lý do để giáo phận truyền giáo của chúng tôi phát đạt; quả thực, nếu không có những cuộc trở lại đạo, chắc chắn chúng tôi sẽ không tránh khỏi việc buộc phải giảm bớt các chủng viện, thậm chí phải đóng cửa một trong các chủng viện nữa. Vả lại, nếu không có những cuộc trở lại đạo, không nhiều thì ít, chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng thiếu nhiệt tình và trở nên hờ hững; trái lại nếu có nhiều cuộc trở lại đạo, hầu hết hàng giáo sĩ Truyền giáo lúc nào cũng sẽ năng nổ, quãng đại, tích cực; thực vậy công việc dẫn dắt người dự tòng là trường học dạy tất cả các nhân đức của người tông đồ. Có biết bao chứng tích tôi có thể dẫn chứng về điều tôi đã nêu!
“Vì thế hàng ngày, tôi tự buộc mình phải có bổn phận cầu nguyện cho việc hoán cải lương dân, và không bao giờ tôi bỏ qua một cơ hội nào có thể để khuyến khích mọi người, linh mục cũng như giáo dân, quan tâm tới việc rao giảng Tin Mừng cho lương dân….”61
Mười bốn năm sau, Đức Cha Allys Lý còn viết:
“Mong mọi giáo sĩ hãy ghi nhận và lưu tâm tới hai điều thường được nhắc đi nhắc lại, đó là: 1. các ngài không nên chỉ biết có mỗi việc là sự thánh hóa các tín hữu, nhờ qua việc xưng tội, rước lễ càng ngày càng thêm nhiều, đến mức các ngài không còn thời gian để hoạt động cho việc hoán cải lương dân; 2. các ngài không nên nản lòng, nhất là từ bỏ công việc dẫn dắt người dự tòng, vì lẽ những người tân tòng không được như chúng ta muốn, cũng không phải vì trong số những người mà chúng ta đã dày công tìm kiếm, giảng dạy và đào tạo, đã có ít nhiều người bỏ đạo …” 62
Giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế) gồm ba tỉnh Thừa-Thiên, Quảng-Trị và Quảng-Bình, với diện tích chỉ có 9.000 cây số vuông. Theo số liệu trong các báo cáo của các vị Đại diện Tông tòa, dân số của ba tỉnh này ít thay đổi.
Năm 1903 – thời điểm cha Henri Denis bước chân đến giáo phận này – Huế có 700.000 cư dân. Con số này vẫn không thay đổi cho tới năm 1919. Từ năm 1920 đến năm 1925, người ta tính được một triệu cư dân. Đến năm 1926, con số này tuột xuống chỉ còn 750.000 người, vì một bộ phận dân cư, do nạn đói và thiên tai, đã rời khỏi vùng đất này để đến định cư ở Đàng Trong, ở Lào hoặc ở Cao Miên 63. Năm 1933 – năm cha Henri Denis từ giã cõi đời – dân cư đạt gần con số 800.000 người.
Liên quan đến cơ cấu tổ chức giáo phận, các hạt bao gồm cả ba tỉnh (Thừa-Thiên, Quảng-Trị và Quảng-Bình) mà Kim Long là trung tâm của giáo phận truyền giáo, và Tòa giám mục được đặt tại đây. Đến năm 1909, Đức Cha Allys Lý chuyển Tòa giám mục về Phú Cam. Đại chủng viện Phú Xuân, Tiểu chủng viện An-Ninh cũng được đặt tại Kim Long. Danh tánh cha Denis được trưng dẫn lần đầu tiên trong báo cáo của Đức Cha Caspar Lộc, vị Đại diện Tông tòa Huế:
“Cả ba giáo sư, các cha Lefèvre, Maunier và Denis, chỉ một lòng một trí với Bề trên; Tiểu chủng viện đích thực là một gia đình… Chính cha Gérard đảm trách chức vụ Bề trên Tiểu chủng viện An-Ninh từ hai mươi ba năm qua.”64
Đến năm 1903, giáo phận gồm có bốn giáo hạt, đó là Quảng-Bình, Đất-Đỏ, Đinh-Cát, Thừa-Thiên. Theo báo cáo của Quyền Đại diện Tông tòa Izarn 65, nhiệm sở của các thừa sai và của các linh mục bản quốc được phân bổ như sau:
– Giáo hạt Quảng-Bình có 11 nhiệm sở, được phục vụ bởi 7 thừa sai và 7 linh mục bản quốc
– Giáo hạt Đất-Đỏ có 3 nhiệm sở, được phục vụ bởi 6 thừa sai và 11 linh mục bản quốc
– Giáo hạt Đinh-Cát có 13 nhiệm sở, được phục vụ bởi 8 thừa sai và 9 linh mục bản quốc
– Giáo hạt Thừa-Thiên có 25 nhiệm sở, được phục vụ bởi 15 thừa sai và 23 linh mục bản quốc
Như trên đã nói, Đức Cha Allys Lý đặc biệt quan tâm đến việc hoán cải lương dân và thành lập nhiều họ đạo mới. Trong thời gian ngài làm giám mục, giáo phận Huế đạt đến tuyệt đỉnh trong nhiều lãnh vực. Số người trở lại đạo tăng thêm mỗi ngày, nên số giáo hạt tăng lên năm, gồm hai giáo hạt Bến Thủy và Bến Bộ, thuộc tỉnh Thừa-Thiên (Huế), hai giáo hạt Đinh Cát và Đất Đỏ, thuộc tỉnh Quảng-Trị, và một giáo hạt thuộc tỉnh Quảng-Bình.
“Hiện nay, trong số 76 giáo xứ thuộc giáo phận truyền giáo, có 24 giáo xứ gồm toàn người tân tòng; và trong số 386 họ đạo làm thành 76 giáo xứ trên, có 262 họ đạo chỉ toàn là những người mới trở lại đạo. Vì vậy hai phần ba tín hữu Kitô của giáo phận là những người tân tòng.” 66
Con số giáo xứ cũng tăng thêm: năm 1932, giáo phận được chia thành năm giáo hạt, gồm 89 giáo xứ với 454 họ đạo. Vậy mỗi giáo xứ có khoảng 5 họ đạo 67.
2. Đối mặt với những cuộc chống phá
Lịch sử Giáo hội Việt Nam được viết bằng máu các vị tử đạo. Hẳn thực, khi các thừa sai ngoại quốc đặt chân đến An-Nam, và lúc những người Việt đầu tiên gia nhập Kitô giáo, cũng là lúc những cuộc bách hại đổ xuống trên các tín hữu Kitô cũng như trên các vị thừa sai. Tuy nhiên, Giáo hội Việt Nam ngày càng phát triển. Máu tử đạo là hạt giống đức tin kitô, như lời Tertulien đã nói.
Giống như ở khắp các giáo phận khác, giáo phận Bắc Đàng Trong cũng từng nếm trải một thời kỳ bị bách hại. Nhiều tín hữu Kitô đã phải chịu nhiều khổ hình khủng khiếp khác nhau. Tín hữu Kitô thuộc giáo phận này còn phải chịu nhiều thử thách hơn những anh em thuộc các giáo phận khác, vì kinh thành Huế ở ngay bên cạnh họ; vua, quan, cùng các vị chức sắc trong làng luôn tìm đủ mọi cách bách hại những người tân tòng.
Chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết về các thời kỳ bách hại, vì đó không phải là mục tiêu công trình nghiên cứu; chúng tôi sẽ chỉ phác thảo một bản tổng kết những mất mát về người và của – nhà thờ và các cơ sở tôn giáo – của Giáo hội Việt Nam.
Vua Minh Mạng (1791-1840), trong hai mươi năm cầm quyền (1820-1840), nhiều lần, đã ban hành nhiều chiếu chỉ cấm đạo Kitô. Trong hơn mười bảy năm bắt đạo (1833-1840), vị vua này đã hạ lệnh chém giết chín thừa sai, hai mươi linh mục bản xứ, mười lăm giáo lý viên, hàng trăm tín hữu được biết danh tánh và hàng ngàn tín hữu vô danh. Tất cả các cơ sở của giáo phận Bắc Đàng Trong như nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ, tu viện, chủng viện, v.v… – đều bị triệt phá 68.
Vua Thiệu Trị (1807-1847) lên ngôi trị vì năm 1841. Chẳng khác gì vua cha, Thiệu Trị vẫn nuôi một lòng ác cảm sâu xa với Kitô giáo. Tuy nhiên, trong thời gian trị vì (1841-1847), ông không hạ một chiếu chỉ cấm đạo nào. Các tù nhân Kitô giáo được phóng thích và có quyền quay trở về quê làng. Nhưng những ai đã bị kết án tử hình thì chờ ngày thi hành án. Sự an bình dường như đã trở lại. Thế nhưng, những lệnh đặc xá không được nghiên chỉnh chấp hành. Nhân một lần xung đột trên cảng Tourane (Đà Nẵng) hồi tháng tư 1847, tất cả tàu thuyền của hải quân Việt Nam đều bị hải quân Pháp do Lapierre và Rigault de Grenouilly cầm đầu phá hại. Mọi bang giao Pháp – Việt bị đổ vỡ; và ngày ba tháng năm 1847 một chiếu chỉ cấm đạo được ban hành. Ba vị tử đạo đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin. Một số tín hữu Kitô thuộc giáo phận Bắc Đàng Trong bị bắt giữ 69.
Tự Đức (1829-1883), con trai út của Thiệu Trị lên ngôi vào năm 1847. Vị vua này thông minh và có tâm hồn thi sĩ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bọn quan lại có đầu óc hẹp hòi, vua Tự Đức lại tiếp tục chính sách của các vị tiền nhiệm. Nhà vua ban hành nhiều chiếu chỉ cấm đạo, tìm hết mọi cách truy lùng và bách hại tín hữu Kitô như là ly tán các thành viên của những gia đình Kitô giáo: phân tán con cái và đem gửi chúng vào những gia đình ngoại đạo. Chỉ trong bốn năm bách hại (1858-1862) diễn ra trên khắp đất nước, đã có 115 linh mục bản xứ bị xử chém, 50 tu viện Dòng Mến Thánh giá bị phá hủy, 2.000 nữ tu phải ly tán đây đó, hàng trăm người bị thảm sát, hàng chục ngàn giáo dân phụ trách giáo xứ hoặc họ đạo bị cầm tù và một nửa trong họ bị hành hình một cách đau thương nhất. 2.000 giáo xứ bị triệt phá; nhà cửa, ruộng vườn của các tín hữu Kitô được chia cắt cho người ngoại đạo. Hơn 300.000 tín hữu Kitô đã là nạn nhân của chiếu chỉ phân sáp này và khoảng 50.000 tín hữu định cư luôn trong các làng mạc lương dân 70.
Cũng cần phải nhắc tới cuộc nổi dậy của phong trào Văn Thân. Họ là những nhà trí thức Nho giáo. Bất lực trước việc Pháp xâm chiếm An-Nam, họ quyết chí tấn công quân đội Pháp, và sát hại tín hữu Kitô, vì họ cho rằng các tín hữu là đồng minh của quân đội Pháp. Trong những năm từ 1883 đến 1886, phong trào Văn Thân nổi dậy ba lần, kéo theo nhiều cuộc sát hại trong nhiều tỉnh khác nhau. Đây là bản tổng kết những cuộc bách hại do phong trào Văn Thân 71. 8.500 tín hữu Kitô trong đó gần một trăm là các nữ tu “Dòng Mến Thánh giá” bị giết bằng nhiều cách khủng khiếp nhất. Nhiều tín hữu bị gom lại và thiêu sống trong nhà thờ giáo xứ của họ. 1.500 tín hữu buộc phải rời bỏ làng mình ra đi, kéo nhau chạy trốn trên rừng hoặc trên núi. Số giáo dân từ 28.000 người, nay chỉ còn 18.000 người. Vậy là mất hết 10.000 tín hữu. Về mặt vật chất, nhiều cơ sở tôn giáo trở thành mục tiêu của mọi cuộc uy hiếp như là thiêu hủy, cướp bóc … 72 Còn một thiệt hại khác nghiêm trọng hơn do phong trào Văn Thân gây nên, đó là họ đã gieo rắc vào đầu óc những người không công giáo một hình ảnh sai lệch về Kitô giáo và về người tín hữu Kitô. Điều này phá hoại tình huynh đệ giữa những người đồng hương và tạo thành những cuộc xung đột nội bộ 73.
Bình an đã trở lại với việc Pháp bảo hộ An-Nam. Tuy nhiên, sự ác cảm, những uy hiếp, những cuộc bách hại đủ loại vẫn còn rình rập các tín hữu Kitô trong giáo phận Bắc Đàng Trong. Chính trong thời điểm này mà cha Henri Denis đến Việt Nam. Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe các vị Đại diện Tông tòa báo cáo với Hội Truyền giáo Paris.
Trong các bản tường trình, Đức Cha Caspar Lộc đã giải bày như sau:
“Ở Giáo phận Bắc Đàng Trong, lại tái diễn một trong những thời kỳ lịch sử của Giáo hội, trong đó người ngoại đạo lấy làm thích thú khi có thể trút xuống các tín hữu Kitô những lời tố cáo hết sức vu khống….”
“Có những khổ hình làm máu đổ thịt rơi, đó là những cuộc bách hại mang lại vinh quang như những cuộc bách hại trong những năm 1883 và 1885 khiến tám nghìn tín hữu Kitô chịu chết để bảo toàn đức tin mà họ đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội. Lại có những cuộc bách hại – vốn là những cuộc bách hại thảm khốc nhất – được đánh dấu bằng hàng loạt những sự phiền nhiễu và những sự ức hiếp không cùng. Chính vì vậy mà hiện nay các tân tòng liên tục bị khốn đốn vì những biện pháp nhằm làm suy sụp lòng trung thành của họ …”
“Rõ ràng là mọi người Việt Nam, một khi bị quê làng ruồng bỏ, mất quyền công dân; họ trở thành một người lang thang mà ai cũng có thể xua đuổi. Nếu như con người bất hạnh này gặp được một nơi nào cho phép họ định cư tại đó, họ vẫn bị coi như một kẻ nô lệ mà người ta có thể lợi dụng và tận dụng cho mọi công việc lao dịch. Đức Cha Allys Lý thêm rằng: nhiều tân tòng bị những người đồng hương Phật tử áp bức, bị buộc phải sống một cuộc đời lang thang như thế và chịu lao dịch hàng ngày, còn hơn là phải bỏ đạo, dù là tạm thời …” 74
Trong bản tường trình năm 1904, Đức Cha Caspar Lộc đã trưng dẫn một vài đoạn từ những báo cáo của các thừa sai thuộc quyền. Đây là một đoạn của cha Chapuis :
“Ngày kia, một trong những tân tòng thân yêu của con vừa khóc vừa thưa với con: “Thưa Cha, con đã chịu phép rửa tội được tám năm rồi. Trong suốt thời gian này, con vẫn là người duy nhất có đạo trong làng con. Người ta đã gây cho con bao điều khổ nhục; nhà con đã bị đốt phá hai lần rồi. Họ tìm hết mọi cách để ép con bỏ đạo hoặc ít ra đuổi con ra khỏi nhà và khỏi làng. Ngay cả lúc này nữa, họ ngược đãi con bằng nhiều cách; nhưng cha có thể tin chắc rằng con vẫn kiên vững, và trung thành với những lời tuyên hứa khi chịu phép rửa tội.”
“Lương dân càng tỏ rõ thái độ ác cảm ở những nơi mà số người tân tòng hãy còn là thiểu số. Vừa rồi có người chỉ cho con cái nhà của một người ngoại đạo và nói với con rằng: “Thưa Cha, trong nhà đó có cả một gia đình muốn trở lại đạo, nhưng dân làng khi nghe ngóng được tin ấy, liền đánh tiếng: “Liệu hồn, nếu tụi bây động đậy …” và gia đình ấy không dám cựa quậy, bởi họ lo sợ bị quấy rầy, không phải vì bất cứ lý do nào khác, mà vì lý do trở lại đạo. “75
Chính vì để bảo vệ các tân tòng sống rải rác trong các làng mạc ngoại đạo mà Đức Cha Allys Lý đã vận động để có được một khu đất mới hầu xây dựng các cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, để có được một khu đất như thế không phải là chuyện dễ. Trong các báo cáo, Đức Cha Allys Lý đã cho biết như sau:
“Sẽ rất đáng quan tâm, nhưng sẽ quá dài dòng, nếu kể lại hết tất cả những biến cố bất ngờ diễn ra nơi nhiều họ đạo khá nhau. Chỉ cần nói rằng, trong giáo phận truyền giáo Huế, có thể hơn bất cứ giáo phận truyền giáo nào khác ở Đông Dương thuộc Pháp, sẽ không dễ gì khắc phục được sự chống đối cố ý từ phía những quan chức địa phương ngoại đạo, khư khư với uy thế của họ, và được họ đồng ý cấp cho những mảnh đất thật sự cần có để xây dựng ngôi nhà thờ và nhà xứ, khi số người tân tòng trở nên khá đông.”76
“Trước nhu cầu cần thiết do những người tân tòng và dự tòng đặt ra, là đủ hết mọi thứ khó khăn do lòng ganh ghét lúc nào cũng mãnh liệt của người ngoại đạo và sự thiếu thiện chí của bọn quan lại.”77
“Chớ tưởng rằng việc hoán cải lương dân là một công việc dễ dàng và việc chịu phép rửa tội đối với những người dự tòng là một nguồn vui trọn vẹn. Mọi người mọi vật dường như liên kết với nhau để chống lại người ngoại đạo muốn trở lại đạo, cũng như để chống lại người tân tòng quyết tâm tuân giữ tôn giáo mà họ vừa chọn theo: trước hết ma quỷ vận dụng hết mọi uy lực hầu đem những người, nhờ hồng ân Thiên Chúa, đã thoát khỏi tay nó trở lại dưới gông cùm của nó; tiếp đến bà con thân nhân và bạn bè của những người dự tòng và tân tòng và nhất là những nhân vật có địa vị trong làng vốn là những cựu quan lại, họ là kẻ thù không đội trời chung với các tín hữu Kitô; họ dùng những lời hứa hẹn hoặc những lời đe dọa và làm mọi sự có thể để ngăn cản những cuộc trở lại đạo hoặc để dụ dỗ bỏ đạo.” 78
Chính trong bầu không khí như thế này mà cha Denis Thuận được sai đến giáo xứ Nước Mặn và các họ đạo của ngài. Như đã nói, trong các lá thư đầu tiên gửi cho Đức Cha Allys Lý, chính cha Denis Thuận đã kể lại những gì xảy ra trong các họ đạo của ngài như là những cuộc bách hại đang diễn ra.
3. Quan hệ với nhà cầm quyền Pháp-Việt
Cha Denis Thuận được sai đến giáo xứ Nước Mặn trong một bầu không khí rất tế nhị. Ngài bị bắt buộc phải quan hệ với nhà cầm quyền Pháp-Việt. Nhiệm vụ này không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi vì chính trị và tôn giáo là hai tầm ảnh hưởng chéo nhau.
Để thông hiểu bối cảnh chính trị, cần phải ghi nhớ một vài thời điểm liên quan đến việc thiết lập Đông Dương thuộc Pháp: năm 1858, quân đội viễn chinh Pháp đánh chiếm Đà Nẵng; năm 1859, Pháp đánh Sàigòn và chiếm Gia-Định; năm 1862, triều đình Huế ký nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam kỳ; năm 1863, hiệp ước Phnom-Penh thiết đặt quyền bảo hộ của Pháp ở Cao-Miên; năm 1867, Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ; năm 1874, ký kết một hiệp ước mới trên nguyên tắc thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở An-Nam, Pháp nhường trả lại những thành phố đã chiếm, nhưng được quyền đặt một đội quân đồn trú ở Hà-Nội và Hải Phòng, cũng như sử dụng sông Hồng cho việc tự do buôn bán; năm 1882, Pháp đánh chiếm Hà-Nội lần thứ hai; năm 1883, ký kết điều ước Harmand, theo đó Việt Nam trở thành một nước bị Pháp bảo hộ; năm 1884, điều ước Patenôte thiết đặt quyền bảo hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam vốn từ nay được chia thành ba kỳ (Bắc kỳ, Trung kỳ [An-Nam] và Nam kỳ); năm 1885, Trung Hoa thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở An-Nam và Bắc kỳ; năm 1887, thành lập Liên hiệp Đông Dương.
Giáo phận Bắc Đàng Trong đối diện với hai thế lực: vương triều An-Nam và quyền bảo hộ của Pháp. Thực vậy, điều ước Patenôte, ký kết tại Huế ngày 6 tháng sáu 1884, gồm 18 điều khoản xác định rõ vị trí của hai nhà cầm quyền: Việt Nam và Pháp. Điều ước này đề cập tới việc sắp xếp cơ cấu hành chính và tư pháp của chế độ bảo hộ tại An-Nam. Chế độ bảo hộ của Pháp vẫn dành cho nhà cầm quyền An-Nam và triều đình quyền điều hành đất nước, nhưng trong một chừng mực nào đó mà thôi. Vì thế, cùng một lúc có hai thế lực tồn tại ở An-Nam. Tuy nhiên, thế lực của nhà cầm quyền Việt Nam rất hạn hẹp. Để thông hiểu tình cảnh này, chúng ta cần phải xem qua cơ cấu tổ chức của cả hai nhà cầm quyền.
Cơ cấu tổ chức chính quyền ở An-Nam dựa trên ba yếu tố cơ bản: vua, quan và làng xã. Vua giữ vị trí cao nhất, là chủ chốt của nền tảng xã hội. Vua giữ vai trò chúa thượng, nắm toàn quyền lập pháp và hành pháp, là cha là mẹ của thần dân. Quyền tối thượng của vua không bị giới hạn bởi bất cứ Hiến pháp nào. Chỉ có đạo đức Nho giáo mới có thể đặt ra giới hạn cho quyền lực của nhà vua. Hoàng Thượng – tức là vua – cai trị qua trung gian Cơ Mật viện gồm bốn đại học sĩ hoặc đại thần, tức là bốn cột trụ của triều đình. Tiếp đến là Nội Các, hội đồng các quan thượng thư, đứng đầu các bộ : bộ lại, bộ hộ, bộ lễ, bộ hình, bộ binh và bộ công. Các quan đại thần này được tuyển chọn qua con thi cử. Quan lại được vua ban thưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Họ thuộc giai tầng thứ hai trong giai tầng xã hội. Ở giai tầng cuối cùng là cộng đồng địa phương hoặc làng xã. Làng xã, gồm đất đai và cư dân, là một pháp nhân có quyền sở hữu, mua bán trao đổi và quản lý, trừ một vài giới hạn liên quan đến chùa chiền và đồ thờ. Các vị chức sắc cai quản cộng đồng làng xã, tạo thành một giai cấp quý tộc ở nông thôn. Họ được tuyển chọn trong số các địa chủ cũng như trong số những cư dân nổi tiếng khôn khéo và được mọi người kính trọng. Ở Việt Nam, người ta thường nói “Phép vua thua lệ làng”.
Để đối phó với cách thức cai trị như thế ở An-Nam, “các nhà bảo hộ Pháp có phận sự phải biết phối hợp với cả ba quyền lực trên đây. Tùy theo tính cách của từng nhà bảo hộ, họ cố gắng đạt cho được sự tin tưởng, hoặc của nhà vua, hoặc của quan lại, hoặc của dân chúng. Paul Bert cậy dựa vào vua, trong khi Jean de Lanessan lại muốn khôi phục uy thế của nhóm Văn thân, còn Paul Doumer thì đặc biệt quan tâm đến dân chúng.” 79
Ở Đông Dương, cơ cấu hành chính của Pháp hình thành một giai cấp: Tại Hà-Nội, có quan Toàn quyền, còn quen gọi là Gougal 80. Dưới sự lãnh đạo tối cao của quan Toàn quyền, đứng đầu mỗi xứ trong Liên hiệp Đông Dương có một quan chức địa phương: riêng Nam kỳ, là xứ thuộc địa duy nhất, có một quan Thống đốc; còn Bắc kỳ, Trung kỳ, Cao-Miên và Lào, là những xứ được đặt dưới quyền bảo hộ, thì mỗi xứ có một quan khâm sứ. Quan khâm sứ đảm trách công việc điều hành trực tiếp địa phương mình phụ trách. Vị quan này chịu trách nhiệm về trật tự xã hội, nhưng chỉ với quan Toàn quyền mà thôi, do đó ông ta có đủ mọi quyền hành cần thiết. “Quan khâm sứ, Đại diện chính quyền Pháp, sắp đặt mọi quan hệ đối ngoại của An-Nam và đảm bảo guồng máy bảo hộ … Quan trú tại kinh thành Huế, với đoàn tùy tùng quân sự. Quan có quyền bệ kiến riêng Hoàng thượng, quốc vương An-Nam.” 81 Mỗi xứ được chia thành nhiều khu hành chinh hoặc tỉnh do các công sứ điều hành dưới sự giám hộ của quan khâm sứ. Ở cấp thấp hơn, tại nông thôn, thì có một quan chức Pháp cùng làm việc với các viên chức địa phương.
Theo điều ước Patenôte, cơ cấu hành chính gần như hoàn toàn dành cho người Pháp. Nhà vua chỉ còn quyền cai trị An-Nam trên lý thuyết và thực thi quyền hành tại Bắc kỳ qua trung gian quan thái thú. Nhưng, khi Toàn quyền Paul Doumer cải tổ cơ cấu vào năm 1897, thì nhà vua mất hết mọi quyền hành; quan thái thú ở Bắc kỳ bị bãi bỏ, và được thay vào đó là quan Thống sứ; nội các của An-Nam từ nay do một quan khâm sứ chủ trì. Các quan văn nhận lãnh những chức vụ bù nhìn. Tất cả mọi tài nguyên quốc gia đều bị bảo hộ Pháp kiểm soát như: thuế thân, thuế điền thổ, thuế môn bài và các thứ phí, sản phẩm cho lãnh trưng, đất đai, lâm sản, v.v..
Liên quan đến pháp chế, các thẩm phán người Pháp cùng làm việc các thẩm phán Việt. Tuy nhiên, có điều khó khăn này là các viên chức Pháp cần đến sự trợ giúp của các thông dịch viên, mà “những người này thường tận dụng cơ hội để làm nghiêng cán cân về phía nào có lợi cho họ nhất.” 82 Ở mỗi tỉnh, các tòa án đều có các quan bồi thẩm, do một quan hành chính người Pháp chủ trì để xét xử các vụ án. Những người thua kiện hình sự hoặc dân sự có quyền kháng án ở tòa thượng thẩm Hà-Nội hoặc Sài-Gòn; tại hai tòa này, có quan tư pháp người Pháp chủ trì cùng với hai viên chức chuyên về luật.
Một thoáng nhìn như thế về cơ cấu tổ chức hành chính lẫn pháp chế sẽ soi cho chúng ta thấy rõ hơn bối cảnh chính trị hồi đầu thế kỷ hai mươi ở giáo phận Bắc Đàng Trong. Hẳn thực, các thừa sai cũng như các Kitô hữu bản quốc đều phải có những mối liên hệ với hai thế lực Pháp-Việt, mà những mối liên hệ này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió; trái lại, trong nhiều trường hợp, phần thiệt vẫn nghiêng về các tín hữu Kitô. Chế độ bảo hộ đã mang lại cho Giáo hội Việt Nam, đặc biệt là cho giáo phận Bắc Đàng Trong, sự bình an và việc chấm dứt các cuộc bách hại; các tín hữu Kitô có thể rời khỏi những nơi trú ẩn; nhiều cơ sở tôn giáo được xây mới. Tuy nhiên, Giáo hội Việt Nam vẫn còn phải chịu nhiều tổn hại hoặc do chính sách cai trị của các quan thống đốc hoặc của các quan Khâm sứ thuộc Hội Tam điểm hoặc có khuynh hướng bài giáo sĩ, hoặc do chính các tín hữu người Pháp có những cách ứng xử phản Tin Mừng 83. Quan Toàn quyền Jean de Lanessan (1891-1894) là hội viên Hội Tam điểm và có khuynh hướng bài giáo sĩ; ông cai trị Đông Dương thuộc Pháp và thường sử dụng báo chí để tấn công Giáo hội, các thừa sai và các tín hữu Kitô 84. Tổng biên tập các báo như Le courrier dHai Phong, lIndépendance Tonkinoise, cho xuất bản những bài báo công kích kịch liệt Giáo hội. Ta cũng nhận thấy có sự xuất hiện đại diện của các trào lưu như Cuers de Cogolin, Alfred Bavasseur và Ulysse Leriche, v.v… Trong nhiều trường hợp, các quan chức người Pháp cấu kết với các quan chức hoặc với các chức sắc người Việt để cản trở Kitô giáo phát triển. Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe các vị Đại diện Tông tòa giáo phận Bắc Đàng Trong tường trình.
Đức Cha Caspar Lộc đã viết:
“ […] cần phải nói rằng sự ác cảm đầy tính hận thù của người ngoại đạo luôn gặp được sự thông đồng của những người đại diện chính phủ Bảo hộ, bởi họ dễ dàng chấp nhận các mối quan hệ với các viên chức Phật giáo để chống lại các tân tòng, bởi họ tỏ ra cực kỳ nghiêm khắc đối với những người mới trở lại đạo, và từ chối lắng nghe các thừa sai do ảnh hưởng hợp đạo lý của các ngài khiến họ e ngại; họ xem các ngài như những kẻ bóc lột đê tiện.” 85
“Các nguyên nhân khiến cho sự hào hứng gia nhập Kitô giáo trở nên lạnh nhạt, thật rõ ràng. Từ vài năm qua, ở Pháp, tồn tại khẩu hiệu : kẻ thù chính là chủ nghĩa phò giáo sĩ! Kẻ phát minh ra khẩu hiệu thù địch này đã dõng dạc tuyên bố rằng phong trào bài giáo sĩ không phải là một vấn đề cần xuất khẩu. Trên thực tế, trong những năm vừa qua, các vị lãnh đạo, các quan khâm sứ, binh lính, ai ai cũng tỏ lòng tử tế đối với chúng tôi, là giáo sĩ cũng như giáo dân; họ còn tỏ thái độ bênh vực chúng tôi, và sự ưu đãi này cũng đủ để lôi kéo nhiều dự tòng đến với chúng tôi. Hiện nay thì dường như ở Pháp, mọi sự đã thay đổi; thực vậy phong trào bài giáo sĩ đang trở thành một đề tài xuất khẩu, ít ra là trong khu vực này. Người ta vẫn còn châm chước đối với chúng tôi và thường thì người ta vẫn tiếp đãi chúng tôi một cách lễ phép, nhưng các tín hữu của chúng tôi thì bị đối xử một cách nghiêm khắc nhất. Hiện giờ thì các tín đồ Phật giáo – mà ta không thể gọi họ là những người ngoại đạo – là những người được ưu ái, và họ đã tận dụng sự tín nhiệm mà họ có được để bằng mọi cách gây phiền hà những người đồng hương trở lại đạo. Một vài hàng trên đây dễ dàng giúp hiểu rằng, trong những tình huống như thế, không ai hoặc gần như không một ai còn dám đi theo một tôn giáo vốn đưa đẩy các tín hữu của mình vào chỗ hiểm độc; điều này cũng khiến cho các tân tòng ít nhiều bị lung lay, khó kiên vững. Tiếc thay, những dòng trên cũng cho thấy việc gây phiền hà khó dễ không chỉ do các viên chức địa phương mà thôi. “ 86
Đức Cha Allys Lý đã tâm sự như sau:
“Nhà cầm quyền, tuy không công khai tỏ thái độ thù nghịch với công giáo, nhưng họ chỉ thi hành công lý với giáo dân chúng tôi khi họ không thể làm cách nào khác. Bọn quan lại, bằng những thủ đoạn tinh vi, thường khiến cho các quan chức bảo hộ bực tức với các tín hữu Kitô. Trong những tình huống như thế, nhiệm vụ của các thừa sai thật tế nhị.”87
“Tỉnh Quảng Trị, sau những ngày quang đãng với những vụ mùa bội thu, nay bị kẻ thù giấu mặt phá hoại, đến mức mỗi năm phải khó khăn lắm mới có được mươi người trở lại đạo.”88
Liên quan đến việc sa thải các nam và nữ tu sĩ ra khỏi công sở theo đạo luật Combes năm 1903, các Sơ Dòng thánh Phaolô buộc phải rời khỏi nhà thương Tây “trước sự hối tiếc của cộng đồng kiều dân Pháp ở Huế” 89.
Còn một vấn đề khác nữa mà hàng giáo sĩ giáo phận Huế phải đối mặt, đó là các phong trào khởi nghĩa. Trong bản tường trình năm 1927, Đức Cha Allys Lý đã nói đến nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1905, Nhật đánh thắng đế quốc Nga, điều này khiến cho dân Việt nhận thấy rằng các dân tộc da vàng không thua kém gì người Âu. Chính vì thế mà một số người Việt lên đường sang Nhật, trong số có cụ Phan Bội Châu là người tích cực nhất. Cụ có được một người cùng hội cùng thuyền là ông hoàng Cường Để, hậu duệ của vua Gia Long. Từ Nhật, nhóm nhỏ gồm những người yêu nước này bắt tay vào việc tuyên truyền phong trào quốc gia bằng những bài văn đả kích và những bài thơ, để rồi đến ngày 11 tháng ba 1908 thì cuộc khủng khoảng bùng nổ, từng đoàn người biểu tình ở Trung kỳ yêu cầu giảm thuế hoặc bãi bỏ thuế. Ở Bắc kỳ, sự việc còn tiến xa tới mức âm mưu đánh thuốc độc 200 binh sĩ.
Phong trào yêu nước trên đây thâm nhập vào trong môi trường giáo sĩ bản quốc. Sự kiện tiêu biểu nhất là vào năm 1909, có ba linh mục người Việt thuộc giáo phận Nam Đàng Ngoài, là cha Phêrô Nguyễn Văn Tường, cha Gioan Baotixita Nguyễn Thân Đồng, cha Phêrô Đậu Quang Lĩnh, bị kết án chín năm tù ở Côn Đảo 90. Đức Cha Allys Lý, Đại diện Tông tòa giáo phận Bắc Đàng Trong, rất lo lắng cho số phận của ba linh mục này, nên ngài tìm cách xin cho các vị được trả tự do91.
Trong một không khí cực kỳ tế nhị như thế, Đức Cha Allys Lý kiến tạo những mối quan hệ thân tình với cụ Phan Bội Châu đang bị giam cầm ở Huế 92. Khi được tin vị giám mục này qua đời, cụ Phan Bội Châu đã soạn một bài văn tế để bày tỏ những tình cảm sâu sắc của mình; chúng tôi xin trích dẫn một vài đoạn:
[…]
Gương đạo nghĩa vẫn soi lòng bác ái,
Mùi tinh thần còn nhớ bậc tiên tri,
Thống duy ! Đức Cha Lý xưa !
Sao chói trường canh
Đèn khêu thượng trí.
[…]
Lòng yêu người nào kể trắng hay vàng, xem họ
Pháp Lan Tây chung cùng dòng Việt.
Nửa thế kỷ choảng vang chuông đạo Chúa, mở miệng người câm,
Xoi tai người điếc, những ước ao beo cọp hóa tương lân.
[…]
Ư ngày nay nhắc tới ngày xưa, tiếng ngọc vài lời,
mùi thân ái còn say tới não.
Ai ngờ gần mới.
Bỗng chốc được tin :
Thiên đàng vội rước ngài lên.
Giữa trần thế ai là Cha nữa?
[…]
Nỗi cảm tình riêng cũng khóc thương thầm, tưởng câu
“Thất nhĩ nhân hà”, nợ thay bạn xin chung lời điếu
“Thốn tâm, thiên cổ” gọi rằng “tri tử giả ái”
“Tứ hải nhất giai”, dám chắc “hữu cầu tắc xứng” 94.
Hy vọng một vài dòng trên đây giúp chúng ta hiểu được cha Denis Thuận sống và thi hành tác vụ trong bối cảnh chính trị và tôn giáo như thế nào. Quả thực, đó là một bối cảnh hết sức tế nhị đòi buộc tất cả các thừa sai, ngoài trách vụ truyền giáo, phải khôn ngoan khi tham gia vào các công việc khác. Tuy nhiên, từ mối giao hảo giữa Đức Cha Allys Lý và cụ Phan Bội Châu, chúng ta thoáng thấy một tầm nhìn khác sâu rộng hơn, đó là Tin Mừng của Chúa Kitô có thể kết hợp tất cả mọi người từ mọi chủng tộc trong tình yêu thương, như lời cụ Phan Bội Châu bộc bạch trong bài văn tế bày tỏ lòng ngưỡng mộ Đức Cha Allys Lý:
Lòng yêu người nào kể trắng hay vàng, xem họ
Pháp Lan Tây chung cùng dòng Việt. 95
Nói cách khác, tình yêu thương tạo điều kiện cho con người làm điều tốt lành cho người khác, cho cả những người “ngoại quốc”. Chính trong chiều kích này – chiều kích của đức bác ái Kitô – mà giờ đây chúng tôi trở lại với cha Denis Thuận để xem ngài sống và hoạt động như thế nào trên đất nước An-Nam với tư cách là nhà truyền giáo người Pháp, nhưng quyết tâm “Việt Nam hóa” trong mọi lãnh vực, dưới mọi khía cạnh hầu sinh ích cho người Việt.
III. Hoa trái kinh nghiệm
Những điều lý giải trên đây soi cho chúng ta thấu hiểu một chút về bầu không khí trong đó cha Denis Thuận hoàn thành sứ vụ loan báo Tin Mừng với tư cách là giáo sư và cha bổn sở, đồng thời cũng giúp chúng ta khám phá một chút về chiều sâu trong tâm hồn của ngài. Nếu như ngài vẫn còn là một người Pháp, thì ít ra ngài đã là một trong những người Việt-Nam-hóa hoàn hảo nhất. Điều đó có nghĩa là nơi ngài có một cuộc hội ngộ giữa hai nền văn hóa Pháp và Việt. Mà văn hóa nắm giữ trọn cả cuộc đời của con người trong tất cả các lãnh vực, vật chất, tinh thần và trí tuệ. Một khi đến ở tại An-Nam, cha Denis Thuận tìm hết mọi cách để thích nghi với lối sống của người bản địa.
Trong quyển Hạnh tích, những đặc điểm mà Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến đưa lên hàng đầu, đó là việc cha Denis Thuận đánh giá cao tất cả những gì liên quan đến An-Nam, và việc ngài sống một đời sống nghèo khó và giản dị. Qua các thư từ, hoặc gửi cha mẹ hoặc gửi giám mục, ngài cũng thường bày tỏ lòng ao ước thực thi lối sống nghèo khó và giản dị. Và điều chọn lựa này là một định hướng cho tất cả cuộc đời của ngài, đã để lại những dấu ấn sâu sắc, không những trong các hoạt động của ngài mà còn trong mọi công việc của ngài mà việc thành lập nhà Dòng Phước Sơn là nơi thể hiện quan trọng nhất.
Điều này cho thấy rằng đã diễn ra một vài biến chuyển nơi vị thừa sai này trong suốt quá trình ngài truyền giáo ở An-Nam. Mà những biến chuyển như thế là kết quả của một lối sống đòi hỏi một sự dấn thân khá quyết liệt. Tuy nhiên, một sự dấn thân quyết liệt như thế gây ra cho ngài những áp lực đầy nghịch lý mà ngài phải đối phó trong suốt mười lăm năm truyền giáo.
1. Vị thừa sai người Pháp ở giữa người Việt
Như chúng ta đã nhận thấy trong chương nhất, hai mươi ba năm đầu đời – khoảng thời gian học tập và tu luyện – là giai đoạn đầu tiên và quan trọng trong việc hình thành nhân cách của cha Denis Thuận. Công trình đào tạo mà ngài lãnh nhận mang tính cách hoàn toàn Pháp. Ngài sống, suy nghĩ và hành động theo phong cách người Pháp. Và phong cách sống này đã ăn sâu trong con người của ngài.
Ngày mà cha Henri Denis bước chân xuống tàu để đi đến giáo phận Bắc Đàng Trong, ngài mang theo mình tất cả những gì ngài đã nhận được trên quê hương xứ sở của ngài. Một khi đặt chân lên vùng đất mới – đất nước An-Nam – hẳn ngài cảm nhận mình sẽ phải đối đầu với biết bao khó khăn thử thách. Tính cách mà ngài đã vun đắp trong những năm tháng học tập và tu luyện, sẽ phải cọ sát với thực tế trên vùng đất ngài được sai đến truyền giáo.
Tại Việt Nam, vấn đề vệ sinh công cộng luôn là một vấn đề quan trọng. Sự thiếu vệ sinh là cội nguồn của đủ mọi thứ bệnh tật. Sinh sống trong một môi trường như thế, cha Denis Thuận phải đương đầu với tất cả những gì là ghê tởm theo nhận xét của một người Châu Âu. Huống chi, người nông dân sinh sống ngay giữa đồng quê, họ thiếu mọi thứ cần thiết, nên dễ bị virút tấn công và gây nên những bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch tả. Trong thư từ liên tục liên lạc với cha mẹ, cha Denis Thuận, vừa là thừa sai vừa là giáo sư, kể cho cha mẹ biết ngài phải làm thuốc chữa bệnh cho chủng sinh, cho người dân ở Nước Mặn và người ngoại đạo và tỏ lộ sự ghê tởm mà ngài cảm thấy khi tiếp xúc với bệnh tật và các thứ bệnh truyền nhiễm. Một người Pháp mà phải sống trong một môi trường như thế, liệu có dễ không?
Tại một đất nước nhiệt đới như Việt Nam, tình trạng luân phiên giữa mùa mưa và mùa nắng quả là khắc nghiệt đối với người Châu Au. Khổ thay, thời tiết quá nóng bức, hoặc những cơn mưa không dứt, quả là một thứ khí hậu giết người…. Lịch sử truyền giáo và ngay cả lịch sử của những cuộc viễn chinh hoặc của những chuyến đi buôn, chứng minh cho chúng ta thấy có rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của thứ khí hậu này. Qua các lá thư, cha Denis Thuận đã cho cha mẹ thoáng thấy ngài đã phải chịu đựng khí hậu này như thế nào. Đúng là phải có một sức khỏe rắn chắc thì mới chịu đựng nổi một khí hậu như thế này. Tại Trung tâm lưu trữ của Hội Truyền giáo Paris, chúng ta còn gặp thấy những lá thư trong đó các vị Đại diện Tông tòa ở nhiều giáo phận ban phép cho các thừa sai được trở về Pháp hoặc đi đến nhà điều dưỡng Béthanie ở Hồng Kông để chữa bệnh hoặc để phục hồi sức khỏe. Sống trọn cả cuộc đời trên đất nước Việt Nam luôn là một thách đố đối với người Pháp. Cần phải có một nghị lực vững vàng đến mức nào để có thể định cư tại đây cho đến ngày cuối đời? Rời bỏ quê cha đất tổ để đến định cư luôn tại một đất nước xa lạ đòi hỏi phải có một ý chí sắt đá. Đó là điều mà bà Christiane dAinval đã viết:
“Điều khiến bà De Vogué lấy làm kinh ngạc so với những gì bà đã thấy tại các thuộc địa Anh, đó là người Pháp ở Đông Dương không có vẻ sống tạm bợ, mà ngồi hẳn trên cái hòm vừa được bung ra. Bà càng khâm phục công việc họ đã hoàn thành: “Từ khi tôi đến đây, tôi càng thấy rõ công việc của cộng đồng kiều bào Pháp và của các thừa sai. Quả thực đáng khâm phục, nhất là khi người Pháp không hề thích xa rời quê hương, không hề ham thích chuyển đi ở nơi khác và ở một nơi xa xôi như thế. Vì thế công việc của họ là công việc của một ý chí sắt đá, được hình thành từ hiện tại và tương lai, và tạo nên bao thú vị.” 96
Cùng với những khó khăn trên, còn có cảm giác bất an. Những con hổ, con cọp lượn quanh rừng rú, sẵn sàng giết chết những kẻ đi đường thiếu cẩn thận. Những con rắn độc, ẩn mặt trên cây, trong bụi rậm, sẵn sàng cắn bất cứ ai đụng chạm tới chúng. Qua thư từ, cha Denis Thuận kể cho cha mẹ nghe ngài đã từng có những cuộc gặp gỡ bất ngờ với những con vật nguy hiểm trên đây khi ngài làm cha sở Nước Mặn và đan sĩ Phước Sơn. Ngoài những con vật nguy hiểm trên, thì muỗi cũng không tha cho bất ai và sẵn sàng đốt bất cứ lúc nào trong ngày. Và còn nhiều côn trùng khác nữa tấn công con người bất cứ nơi nào, cũng như gây dị ứng và nhiều chứng bệnh. Sống trong một hoàn cảnh như thế quả không phải là một điều dễ dàng. Để bền bỉ cho tới cùng trên mảnh đất An-Nam chắc hẳn cần phải biết kiên trì chịu đựng!
Nhưng thách đố lớn nhất tại Việt Nam là sự giao tiếp với người dân bản xứ! Việc gặp gỡ với người dân bản xứ buộc vị thừa sai phải biết nói ngôn ngữ của họ và hiểu biết tính nết của họ. Liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ của người dân bản địa – cụ thể ở đây là tiếng Việt – Christiane dAinval kể lại nhận xét của nhiều người Pháp như sau:
“Thực vậy, rất hiếm người Pháp khắc phục được rào cản ngôn ngữ: nhiều người không bao giờ vượt qua nổi chướng ngại này, dù họ đã cư ngụ lâu ngày tại Việt Nam và đã có nhiều cố gắng. Trái lại người Việt học tiếng Pháp khá dễ dàng, hơn nữa tiếng Pháp còn bị buộc phải dạy trong các trường tiểu học và trung họ.” 97
Chúng tôi không rõ cha Denis Thuận có phải vất vả lắm với tiếng Việt khi ngài tiếp xúc với các chủng sinh ở chủng viện An-Ninh. Chúng ta hãy tưởng tượng chắc ngài không tránh khỏi khó khăn để cho tìm được những từ ngữ thích hợp để giảng bài, bởi vì ngài chỉ học tiếng Việt trong một thời gian ngắn, rồi đảm nhận nhiệm vụ giáo sư. Vài năm sau, khi được sai đến giáo xứ Nước Mặn, ngài vẫn còn cảm thấy khó khăn khi giao tiếp với giáo dân, như ngài đã viết cho giám mục.
Còn về vấn đề tính nết của người Việt, một lần nữa chúng ta hãy xem những gì Christiane dAinval viết:
“Đại đa số người Pháp đều đánh giá cao tính nết người Việt: phẩm chất đầu tiên mà họ nhận thấy, là sự thông minh rất tinh tế, thứ đến là sự hăng say làm việc và sự ân cần tử tế. Tật xấu ư? Đó là tính giả dối, tính khoe khoang, và có khuynh hướng ăn cắp. Hơn nữa nhìn chung, họ nhận thấy phụ nữ hơn đàn ông: phụ nữ tận tụy hơn và trung thực hơn. Còn một tật xấu khác nữa, đó là thú cờ bạc …
Bây giờ chúng ta hãy nói đến cái khó khăn từ tính cách của người Việt: họ không có khả năng kinh doanh (trái với nhiều người dân Á Châu khác) …”98
Về phần cha Denis Thuận, trong các thư gửi cha mẹ cũng như gửi Đức Cha Allys Lý, ngài kể lại những kinh nghiệm riêng và những điều ngài cảm nhận khi tiếp xúc với người Việt hoặc tại Tiểu chủng viện An-Ninh hoặc nơi các họ đạo cũng như sau này trong nhà dòng. Sinh sống giữa người dân bản địa mà cách nghĩ của họ khác với cách nghĩ của ngài, liệu có thể khả thi với vị tông đồ truyền giáo này không? Trở thành bạn đồng hành với những người không có cùng một nền văn hóa, có là một chướng ngại khó thắng vượt chăng?
Như trên đã nói, cha Denis Thuận vẫn còn là người Pháp. Quốc tịch này, dấu chứng này đối với ngài là một trách vụ phải hoàn thành một cách hết sức khéo léo trong thời điểm Pháp bảo hộ An-Nam. Ngài là thừa sai, nhưng là một thừa sai người Pháp. Ngài là người đồng hương với những kẻ hiện đang cai trị đất nước này.
Trong kỳ thế giới chiến thứ nhất, cha Denis Thuận mới khoảng ba mươi tuổi, nên với tư cách là một công dân Pháp trẻ tuổi, ngài nhận thấy có bổn phận hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Thế giới chiến bùng nổ năm 1914. Mà chúng ta đang ở vào năm 191899, và cha Denis Thuận được 31 tuổi. Nhiều lần ngài được gọi vào trại lính tại Huế để thực thi nghĩa vụ quân sự. Trong lá thư ngày 8 tháng ba 191899, ngài kể lể những sinh hoạt trong giai đoạn này. Ngài báo cho mẹ biết cứ ba tháng ngài tham gia quân đội một tuần, và làm việc trong bệnh viện vì được cử làm y tá, mặc quân phục. Ngài kể chuyện vị sĩ quan chỉ huy cùng với các bác sĩ ngực lấp lánh huy chương. Vì biết cha Denis Thuận là thừa sai, nên các bác sĩ cử cha làm việc trong phòng xét nghiệm, nhưng công việc hết sức nhẹ nhàng, chỉ là kiểm kê thuốc thôi. Ba tháng sau, ngài được gọi một lần nữa. Trong lá thư ngày 13 tháng sáu 1918, ngài kể cho mẹ nghe sự kiện này 100.
Trách vụ tế nhị thứ hai liên quan đến nghĩa vụ của các tín hữu Kitô đối với chính quyền bảo hộ Pháp. Trước đây, chúng tôi đã đề cập tới vấn đề thuế má. Quả thực, trong suốt thời gian quân Pháp chiếm đóng, dân Việt đã phải nộp nhiều thứ thuế, mà hầu hết đều là những thứ thuế rất nặng nề. Chính vì lẽ đó mà nhiều cuộc biểu tình với quy mô lớn đã diễn ra vào năm 1909 để yêu cầu giảm hoặc bãi bỏ các khoản thuế. Trong thời gian làm cha sở giáo xứ Nước Mặn, cha Denis Thuận buộc phải trực diện với vấn đề này, như cha đã báo cáo với Đức Cha Allys Lý trong lá thư dài ngày 8 tháng tư 1908:
“Ông Quan Huyện101 Phú Hội đến thăm con. Ông ta yêu cầu con giúp ông ta xoa dịu dân chúng hiện đang muốn nổi loạn vì vấn đề thuế má. Ông ta đặc biệt xin con vui lòng báo cho ông biết những gì con có thể biết về các cuộc hội họp trong làng hoặc là những cuộc diễn tập không nhiều thì ít có tổ chức. Ông ấy nói với con rằng: “Tôi chăm lo cho người ngoại đạo, còn cha lo cho giáo dân và mọi sự sẽ êm xuôi thôi”.
Con đã nói với ông ta rằng sứ vụ của con hoàn toàn khác với nhiệm vụ của ông và con quyết đứng ngoài mọi vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, con không ngừng nhắc nhở giáo dân của con phải tôn trọng luật lệ và quyền bính. Con nghĩ cũng cần phải thêm rằng, nếu như người ta nghĩ đến việc xin giảm thuế, thì đó không phải là một tội lỗi nặng nề : tội chỉ bắt đầu khi nào họ yêu sách việc giảm thuế và đòi hỏi cho bằng được bằng vũ lực.
Vả lại, con cũng đã nói với ông ta: giáo dân của con hoàn toàn không thổ lộ với con điều gì và có thể họ sẽ không bao giờ nói điều gì; ngột ngạt thật …
Con nghĩ cũng cần nói thêm, mà có lẽ là thái quá chăng, con sẽ vui lòng giúp đỡ Quan Huyện bằng cách nói với người dân, cũng như báo với quan Tổng đốc nếu như quan đồng ý cho con gặp ông, và nếu như con hay biết có điều gì đó đáng nghi ngờ, thì con sẽ báo cho ông ta biết trước.
Con cũng xin thưa với Đức Cha là con thấy không cần thiết phải báo cho ông ta những gì ông ta biết rõ hơn con…
Hôm qua, sau thánh lễ, Quan Huyện đến tìm con; bởi vì giáo dân đang họp, nên ông xin con cho họ ra về để ông bàn chuyện riêng với con. Khi không còn ai ở bên cạnh chúng con, ông xin con vui lòng dịch sang Pháp ngữ lá thư ông muốn gửi quan Tổng đốc. Con thấy đây là việc cần phải làm, nên con đã dịch đúng từng chữ tất cả những gì ông yêu cầu. Đó không phải là những vấn đề cực kỳ quan trọng: ông muốn báo cáo danh tánh những người đã kích động dân làng đi khiếu nại và danh tánh các đại diện của huyện và của từng tổng.
Ông không muốn nhờ các quan chức ở Huế chuyển thư của ông, bởi vì như ông nói với con, nhiều quan chức là bà con họ hàng với những người được nêu tên.
Kính thưa Đức Cha, nếu như con đã làm một việc dại dột, con xin Đức Cha cho con biết, để con không tái phạm nữa.”
Như trên chúng tôi đã nói, các tín hữu Kitô bị ức hiếp bằng nhiều cách, ngay cả dưới thời Pháp bảo hộ. Cha Denis Thuận đã nhiều lần báo cáo tình cảnh đáng buồn này với Đức Cha Allys Lý. Bởi muốn bênh vực giáo dân khỏi bị những người chung quanh tổ chức tấn công, ngài cảm thấy bị buộc phải cậy dựa vào chính quyền Pháp, quyền lực duy nhất có thể giúp ngài bênh đỡ các tín hữu. Ngài không muốn chiến tranh, mà chỉ mong muốn sự bình an cho con chiên bổn đạo; ngài không muốn tấn công bất cứ ai, nhưng chỉ muốn tỏ cho mọi người một dấu hiệu để tránh lánh tất cả những điều bất lợi do sự xung đột nhau gây ra. Đây là một lá thư khác khá dài cha Denis Thuận gửi giám mục để báo cho ngài biết những gì cha đã viết cho chính quyền Pháp:
“Con vừa viết thư cho quan Tổng đốc Quảng Trị để yêu cầu quan cấp cho chúng con vài khẩu súng và đạn dược. Hình như các tín hữu Kitô bị đe dọa và họ khiếp sợ. Hằng ngày người ta chuyền tai nhau chuyện kể về những tên ăn cướp: khi thì tàu Đức ghé sát vào các tàu đánh cá và trao cho họ những lá thư gửi các quan chức, khi thì người ta đe dọa sát hại giáo dân Loan Lý, khi thì có một người đàn bà hiền từ đi bán muối, dân ngoại đạo chận đường rồi bảo: “Bà không được bán muối ở đây, chúng tôi không mua đâu; trong vài ngày nữa, chúng tôi sẽ đến phòng thuế lấy tất cả những gì chúng tôi muốn, còn bà thì liệu hồn đấy”, v.v… v.v… Cha Chabanon, cha Izarn, và nhất là các cha Việt Nam, hằng ngày đều nghe những câu chuyện đại loại như thế.
Vì thế con đã viết cho ngài Tổng đốc: trước hết con thưa với ngài là mong sao trong khu vực của chúng con có hai hoặc ba người lính Pháp và vài quân dân tự vệ; có lẽ đó là điều tốt nhất, nhưng nếu không được như thế, nếu người ta không thể bảo vệ chúng con, thì chỉ cần vài cây súng, chúng con sẽ tự bảo vệ mình. Liệu ngài Tổng đốc có cho chúng con mượn súng không? Chắc là không rồi. Nếu như ngài Charles lên tiếng, chắc chắn mọi sự sẽ diễn tiến nhanh hơn, và càng nhanh càng tốt : trong tình trạng người dân bị kích thích quá độ, thì có thể xảy ra nổi loạn bất cứ lúc nào.
Thưa Đức Cha, Đức Cha có thể giúp ngài Charles hiểu rằng chúng con ở đây gồm có mười hai người Au, trong đó có bảy vị thừa sai, cùng ở với chúng con còn có các linh mục bản xứ và chín ngàn bổn đạo mà chúng con có thể tin tưởng vào lòng trung thành của họ, bởi vì họ cũng bị đe dọa như chúng con; như thế khi có được súng ống và đan dược, chúng con có thể tự bảo vệ mình. Hơn nữa, khi người ta biết rằng chúng con có súng, chắc chắn họ không dám nghĩ đến việc tấn công chúng con nữa.
Khi nào con nhận được lời phúc đáp của ngài Tổng đốc Quảng Trị, con sẽ kính báo Đức Cha biết. “102
Vài dòng trên đây giúp chúng ta thấu hiểu hoàn cảnh của nhà truyền giáo Pháp sinh sống giữa người bản xứ. Hẳn không khỏi cảm thấy cô đơn dưới nhiều khía cạnh. Đây là tình trạng cô đơn trước một cuộc sống mới mẻ với biết bao thử thách vừa bên ngoài lẫn bên trong, một sự cô đơn trong hoàn cảnh tế nhị do nền bảo hộ của Pháp quốc khiến cho sự có mặt của người Pháp trở nên nhập nhằng. Tuy nhiên, sự cô đơn vốn là một thách đố này, cần phải được vượt qua để vị tông đồ truyền giáo hoàn thành một cách xác thực sứ vụ của mình.
2. Trở thành người địa phương: tiếp xúc và gần gũi
Như trên đã nói, điều làm nổi bật tính cách của cha Denis Thuận, chính là sự thích nghi phi thường của ngài với khí hậu Việt Nam và với lối sống của nông dân Việt Nam. Lúc nào ngài cũng sống nghèo khó và giản dị.
Nếu như sự giản dị và sự nghèo khó đối với cha Denis Thuận trở thành một định hướng phát xuất từ một chọn lựa không thể thay đổi, thì những thái độ hoặc những nhân đức trên đây cũng khởi phát từ một sự không ngừng quan tâm lo lắng, đó là lo rao giảng Tin Mừng cho người ngoại đạo. Nhưng loan báo Tin Mừng bằng cách nào, giới thiệu ơn cứu độ như thế nào, làm sao có thể giúp những người chưa tin nhận Chúa khám phá dung mạo của Chúa Kitô và của Giáo hội, nếu như đời sống của người rao giảng Tin Mừng, trong một chừng mực nào đó, không biểu lộ những điều được rao giảng và giảng dạy? Tin Mừng được ưu tiên rao giảng cho người nghèo, nhưng Tin Mừng này chỉ đáng tin cậy nếu như người rao giảng thực sự sống khó nghèo.
Cha Denis Thuận sống nghèo giữa dân nghèo dưới nhiều phương diện khác nhau. Ngài cảm nhận mình được sai đi để đến duy nhất với những người nghèo này. Tại Tiểu chủng viện An-Ninh, tại giáo xứ và các họ đạo Nước Mặn, cũng như sau này tại nhà dòng Phước Sơn, những người hàng ngày sát cánh với ngài đều là người nghèo, là những người “nhà quê”. Ý thức về một môi trường như thế, ngài đã quyết định chọn lựa và đã thực hiện một chọn lựa không thể thay đổi. Ngài ao ước sống với người nghèo, như người nghèo. Nói cách khác, ngài muốn trở thành một người địa phương.
Trong thư từ liên hệ, ngài đã kể cho cha mẹ và giám mục nghe những dịp ngài tiếp xúc với các tân tòng, với các dự tòng và các tín hữu lâu năm. Ngài tiếp xúc với họ hoặc ở nhà thờ, hoặc tại gia đình, hoặc trên đường họ trở về nhà từ đồng ruộng. Chúng ta hãy thử tưởng tượng mỗi lần tiếp xúc như thế, vị tông đồ truyền giáo bắt đầu trò chuyện với họ về những vấn đề thuộc bình diện vật chất như nông nghiệp, chăn nuôi, sức khỏe, v.v…, để rồi dần dần, ngài đưa dẫn họ tiến đến những điều siêu nhiên. Cha Denis Thuận không chỉ chuyện trò với họ, ngài còn giúp đỡ các tín hữu cũng như người ngoại đạo cải thiện đời sống của họ. Điều đó chứng tỏ cho thấy sự tiếp xúc cụ thể dệt nên một mối quan hệ tình cảm giữa nhà truyền giáo với những người được nghe rao giảng Tin Mừng, đưa dẫn tới sự khám phá đầu tiên và cần thiết cho tác vụ rao giảng Tin Mừng. Vả lại, sự tiếp xúc biểu lộ sự gần gũi thân mật, góp phần quan trọng cho sức mạnh của lời nói.
Tuy nhiên, một sự tiếp xúc như thế buộc phải thắng vượt chính mình, làm chủ mình; tóm lại, từ bỏ mình. Mà những phẩm chất như thế không thể ngày một ngày hai mà có được. Cần phải có thời gian. Trong thư từ liên hệ với giám mục, cha Denis Thuận thú nhận đến một lúc nào đó, ngài không thể cầm mình trước một số trường hợp – bởi vì ngài nóng tính – ngài có thể vấp phạm những điều dại dột bằng lời nói hoặc hành động, nhưng ngài mong muốn hoàn thiện để tránh những điều tệ hại như thế. Song sự nhạy cảm của ngài trước môi trường truyền giáo thật đáng khen ngợi, bởi vì sự gần gũi đòi buộc sự từ bỏ chính mình. Để chia sẻ với những người đối thoại thuộc nhiều môi trường xã hội khác nhau, nhất thiết cần phải đặt mình vào vị trí của họ. Ngài kể cho giám mục nghe ngài đã từng bị lăng mạ một cách công khai, và trong nhiều trường hợp khác, ngài còn bị mắng nhiếc đủ điều. Chúng ta không nên quên rằng cha Denis Thuận sống trong thời kỳ Pháp bảo hộ Việt Nam, cho nên người Pháp bao giờ cũng có một vị trí cao trong giai tầng xã hội. Bị một người bản xứ lăng nhục, bị những người khác nặng lời: những sự việc như thế này được xem xét và lý giải theo nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, thì những hành vi như thế, trong một mức độ nào đó, có thể biểu lộ một sự gần gũi giữa cha Denis Thuận và những người sống chung quanh ngài.
Trong một lá thư chúng tôi đã trích dẫn trên đây, cha Denis Thuận tường trình với giám mục về tâm thức của một số tín hữu Kitô về phong cách của một cha bổn sở người Pháp trong bối cảnh của nền bảo hộ Pháp: “Thật tình mà nói, nhiều người vẫn thích một ông cha sở oai phong lẫm liệt trên lưng ngựa hoặc cáng trên võng, hơn là một ông cha sở đi dép, che dù…v.v…” Để hiểu được những cách diễn đạt trên đây, cần phải quay trở lại thời kỳ Pháp xâm chiếm An-Nam. Để di chuyển đi lại, cha sở sử dụng ngựa hoặc được cáng trên võng có mui che như chiếc kiệu. Hai người hoặc nhiều hơn nữa xúm nhau khiêng! Phương cách di chuyển này biểu thị quyền lực và sự phục dịch của người khác. Cha Denis Thuận đi theo con đường khác, đó là con đường phục vụ người khác và phục vụ với lòng khiêm nhường 103.
Vì thế, chúng ta có thể nói rằng mảnh đất truyền giáo đã cung cấp cho cha Denis Thuận nhiều bài học cần thiết cho tác vụ rao giảng Phúc âm của ngài. Ngài tiếp thu và đào sâu từ ngày này sang ngày khác. Trong suốt mười lăm năm với tư cách thừa sai – giáo sư và cha sở – ngài khám phá tầm quan trọng của môi trường rao giảng Phúc âm và tâm thức của những người được nghe Tin Mừng. Những điều mới mẻ này chắc hẳn đã làm đảo lộn tâm trạng của ngài, những cách nghĩ và cả những dự định của ngài. Tuy nhiên, những đảo lộn như thế, khiến ngài phải có những thay đổi, sẽ dẫn đưa ngài tiến xa hơn và tiến sâu hơn.
Với tư cách là người Pháp, đi rao giảng Phúc âm, cha Denis Thuận tự thấy mình có bổn phận truyền bá nền văn minh Châu Au. Quả thực, lúc bấy giờ, trong nhiều nước Châu Âu, người ta cho rằng sứ vụ khai hóa là nhiệm vụ của người da trắng. Rao giảng Phúc âm cho người bản địa đi đôi với việc khai hóa những người man di hoặc kém phát triển ấy. Chúng tôi không chắc cha Denis Thuận đi theo đường hướng này. Trái lại, ngài tìm hiểu nền văn hóa, gìn giữ phong tục tập quán của người bản xứ và ứng xử như họ cũng như trở nên giống như họ, bằng nào có thể.
Khi chúng tôi nói rằng cha Denis Thuận trở nên một người địa phương – theo nghĩa rộng – chúng tôi muốn nói ngài bước theo dấu chân Thầy mình là Chúa Kitô. Trong mầu nhiệm Nhập thể, Chúa Kitô đã nhận lấy tất cả những gì tạo thành con người, trở nên một người như muôn vàn người khác, chỉ trừ tội lỗi. Cũng thế, tác vụ rao giảng Phúc âm buộc vị tông đồ truyền giáo một sự dấn thân trọn vẹn, một sự nhập thể hoàn toàn. Mà, những cách ứng xử hoặc những lối sống như thế đều khởi phát từ chính sự từ bỏ mình.
3. Áp lực và nghịch lý
Trong lúc làm tông đồ truyền giáo, cha Denis Thuận đã hai lần sống tại Tiểu chủng viện An-Ninh trong thời gian mười năm, và năm năm tại giáo xứ Nước Mặn. Khi đọc quyển Hạnh tích của Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, ta có cảm tưởng vị thừa sai này, trong suốt mười lăm năm làm tông đồ truyền giáo, đã sống một cuộc sống khá phẳng lặng và gặt hái nhiều thành công. Theo Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, thì vị thừa sai làm cha giáo này đã hoàn thành trách vụ của mình khi nâng cao trình độ hiểu biết của chủng sinh; còn khi làm cha bổn sở, vị thừa sai này đã áp dụng nhiều phương cách rao giảng Phúc âm, nên ngài đã hoán cải khá dễ dàng nhiều người ngoại đạo. Nếu nhìn dưới khía cạnh những thành quả đạt được, chúng tôi đồng thuận với tác giả. Nhưng cũng nên biết rằng những thành quả đạt được đã phải trả giá bằng những nỗ lực phi thường, không riêng gì những nỗ lực trong tác vụ rao giảng Phúc âm, mà còn trong cuộc chiến mà vị thừa sai phải chiến đấu với chính mình.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng cha Henri Denis đến Việt Nam ở tuổi 23, ấp ủ trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, đầy tràn sinh lực và tràn ngập hưng phấn cho việc rao giảng Phúc âm. Tất cả đều mới mẻ trong một đất nước mà mọi sự không được nhìn nhận cùng một cách như trong chính quốc gia của ngài. Hơn nữa, ước mơ đi loan báo Tin Mừng của ngài vấp phải thử thách: thay vì đến với người ngoại đạo, ngài được yêu cầu ở lại Tiểu chủng viện. Trong suốt cả cuộc đời của ngài, điều quan trọng đối với ngài, đó là vâng phục mọi quyết định của Bề trên. Tuy nhiên, thái độ trên không ngăn cản ngài xoay xở.
Khi nghiên cứu các thư từ liên hệ của ngài, chúng tôi cảm nhận có điều gì đó không ngừng thúc giục ngài tiến xa hơn nữa. Giải thích như thế nào đây khi ngài coi phòng làm việc của ngài ở Tiểu chủng viện như một thứ tù ngục? Làm sao có thể diễn tả được ước mơ lớn tiếng rao giảng Phúc âm của ngài? Và còn nhiều cách diễn đạt khác nữa … Vì thế ta có thể nói rằng nơi ngài có một sự giằng co giữa lòng khao khát ra đi truyền giáo và nhiệm vụ ở lại Tiểu chủng viện. Giữa hai tình huống này, ngài đã chọn làm điều tốt nhất của hiện tại. Tuy nhiên, việc “ở lại” không ngăn cản ngài mơ đến một cuộc “ra đi” mai ngày. Nếu như nơi ngài có một sự giằng co như thế giữa hai điều mơ ước, thì chắc chắn ta có thể kết luận rằng ngài đã phải chiến đấu với chính mình. Nói cách khác, ngài đã phải sống trong tình trạng căng thẳng. Nhưng sự căng thẳng này không phải là sự căng thẳng thần kinh. Nó tạo cho ngài khả năng trưởng thành về tinh thần, nghĩa là thanh luyện ý hướng của ngài. Với thời gian, ngài sẽ biết chọn lựa sứ vụ của ngài như thế nào cho xứng hợp.
Sự xung đội nội tâm giữa việc ở lại và việc ra đi còn tác động cha Denis Thuận trong năm năm ngài làm cha sở giáo xứ Nước Mặn. Ngài trải nghiệm thời gian này trong một sự kiên trì đáng khen ngợi. Quả thực, đối với cha Denis Thuận, nhiệm vụ cần phải hoàn thành là rao giảng Phúc âm trên vùng đất mới không nhẹ nhàng chút nào. Ngài gặp phải những điều ngài đã không mong đợi khi ngài còn ở Tiểu chủng viện. Có lẽ ngài cho rằng việc hoán cải lương dân, sự toàn thiện của các tín hữu Kitô, là những điều ta có thể đạt được nhờ ơn Chúa trợ giúp. Nhưng, ngay từ những ngày đầu tiên nhận nhiệm sở Nước Mặn, khi đương đầu với những khó khăn, ngài nhận thấy rằng việc hoán cải người ngoại đạo không phải là chuyện dễ, cũng như cần phải hoạt động nhiều thì mới mong giúp các tín hữu Kitô tiến tới trên con đường trọn lành. Vì thế có những ngày ngài cảm thấy mình trở thành một người thợ thất nghiệp và như đang đi qua một sa mạc vô tận: “Nếu ở Tiểu chủng viện, con cảm thấy công việc dồn dập và gấp gáp bao nhiêu, thì ở đây con lại thấy mình rảnh rỗi bấy nhiêu và không có gì để làm… ngày này sang ngày khác cứ dài vô tận!” Hơn nữa, lòng nhiệt thành của ngài dành cho việc rao giảng Tin Mừng khiến ngài bị nợ nần. Sau năm năm ở Nước Mặn, ngài mắc số nợ là ba ngàn quan Pháp, dù đã được nhiều ân nhân và cha Bề trên Hội Truyền giáo giúp đỡ. Một lần nữa, ngài đang bị một áp lực nặng nề tới mức tóc ngài bạc trắng, khiến ngài nghĩ đến việc ra đi. Tuy nhiên, ngài đã xin cho khỏi trở lại Tiểu chủng viện. Ngài còn kể lại rằng ngài đã khóc hết nước mắt khi phải rời xa giáo xứ Nước Mặn. Quả là một nỗi đau xé lòng!
Sự xung đội nội tâm giữa việc ở lại và việc ra đi còn xảy ra một lần nữa, và lần này đây nó tạo nên một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời của cha Denis Thuận. Thực vậy, việc trở lại Tiểu chủng viện với nhiệm vụ giáo sư đã không ngăn nổi ngài mơ ước làm tông đồ truyền giáo bằng một phương cách khác. Ngài xoay xở, và lần này đây, ngài xoay xở nhiều hơn trước. Với triển vọng một cuộc ra đi có thể xảy ra, ngài liên hệ, không những với giám mục mà còn với Bề trên của nhiều đan viện ở nhiều nước khác nhau, như Trung Hoa, Nhật Bản, Ý, Pháp, v.v… Như chúng ta đã nhận thấy trước đây, cha Denis Thuận đã nhiều lần thổ lộ và trình bày với Đức Cha Allys Lý rằng ngài suy nghĩ nhiều hơn bao giờ hết đến việc ra đi để sống đời đan tu.
Cha Denis Thuận, vị tông đồ truyền giáo, trong suốt mười lăm năm đầu ở An-Nam, đã trải nghiệm cách quyết liệt một áp lực, một xung đột nội tâm, một nỗi đau xé lòng; tóm lại đó là một cuộc chiến nội tâm giữa điều ngài khao khát và điều ngài phải hoàn thành trong sự vâng phục Bề trên, giữa lý tưởng nhắm tới và thực tại hàng ngày, giữa việc ở lại và việc ra đi. Bởi vậy cho nên ta có thể nói rằng có một nghịch lý nào đó trong cuộc đời của cha Denis Thuận; nghịch lý này không thể giải thích một cách đơn giản bằng việc ngài có cảm tính hay thay đổi. Phải chăng có điều gì đó sâu sắc hơn khiến ngài rơi vào một tình trạng đầy áp lực như thế? Nếu như nơi ngài có xung đột vì những ước mơ, thì dường như điều đó có nghĩa là ngài không dừng bước trên đường đi tìm kiếm. Lúc nào ngài cũng đang trong cuộc hành trình.
Khi đề cập tới áp lực, xung đột nội tâm, cuộc chiến nội tâm, chúng tôi muốn xem xét một nghịch lý nào đó trong cuộc đời của cha Denis Thuận, nhất là trong mười lăm năm đầu thực thi sứ vụ truyền giáo. Tuy nhiên, nghịch lý không phải là mâu thuẫn, mà nó bao gồm nhiều diện mạo khác nhau của cùng một thực tại. Cuộc đời của cha Denis Thuận cưu mang trong chính mình những khía cạnh khác nhau vốn đang chờ đợi thời gian chín mùi; đây là thời gian mà ngài cảm thấy mình như được sai đi cho công việc này. Nếu như ngài mơ ước việc ra đi, là vì việc ở lại không làm ngài toại nguyện; điều này có nghĩa là ngài đang theo đuổi điều ngài đang mưu tìm. Nếu như ngài phải chiến đấu với chính mình, ấy là để không ngủ yên với những thành quả đã đạt được, với những gì đã hoàn thành; ngài nhắm tới mục tiêu đang chờ đợi ngài.
Mãi là người Pháp và trở thành người Việt, ứng xử với tư cách người khai hóa hoặc sống như người bản xứ, chờ đợi được phục vụ hoặc biến mình thành người phục vụ, chỉ dạy người khác hoặc học hỏi nơi người khác, vâng phục và xoay xở, ở lại và ra đi, v.v…, tất cả những vấn đề như thế đang đè nặng trên cha Denis Thuận. Ngài cầu tìm những lời giải đáp và hiện ngài chưa tìm được câu trả lời. Ngài đang ở trong đêm tối và cảm thấy mình đang bị tổn thương bởi vì ngài không hiểu gì hết. Ngài tiếp tục cuộc hành trình, ngài đang bước đi… tìm kiếm… cầu nguyện… và ngài làm việc, tích cực hơn bao giờ hết, nhưng theo một phương cách khác…
GHI CHÚ 3
1. ANE des MEP. 1903, p. 377.
2. Trước thế kỷ XIX, danh từ An-Nam dùng để chỉ toàn thể vương quốc Việt Nam. Năm 1802, An-Nam trở thành đế quốc: vua Gia Long thành công trong việc thống nhất đất nước dưới vương quyền của mình mà từ nay ông gọi là Việt Nam, từ Bắc kỳ tới Nam kỳ.
Để tiện việc quản lý hành chính, Việt Nam được chia thành ba kỳ: Bắc kỳ ở phía Bắc, An-Nam ở miền Trung và Nam kỳ ở phía Nam. An-Nam bao gồm những cư dân ở Trung kỳ và toàn thể dân cư trên đất nước này. Từ nay chúng tôi sử dụng từ An-Nam để chỉ hai thực tại trên đây.
3. Đất nước An-Nam có một chiều dài lịch sử, với một quá khứ hàng nghìn năm. Khoảng 5000 năm trước Công nguyên, dân VIỆT đã có mặt ở miền Bắc Việt Nam hiện nay; nhiều nền văn minh phát triển vào thời đại đồ đá giữa tại Bắc Sơn và Hòa Bình. Khoảng 1000 năm trước CN, vào thời đại đồng thanh, nền văn minh Đông Sơn nổi tiếng với các loại Trống Đồng. Từ năm 111 trước CN tới năm 938 sau CN, là thời kỳ đô hộ của Trung Hoa. Từ năm 39 tới năm 43 sau CN, hai chị em bà Trưng khởi nghĩa chống bọn đô hộ, nhưng cuộc khởi nghĩa này bị Ma-Yuan đè bẹp. Khoảng năm 939, Ngô Quyền đánh đuổi quân ngoại xâm Trung Hoa. Nhà LÊ tổ chức lại đất nước và đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Nhiều triều đại nối tiếp nhau: nhà Lý (1010-1225), nhà Trần (1225-1400). Từ năm 1407 đến năm 1427, nhà Minh đưa quân sang xâm lăng và thống trị đất nước ta. Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lăng và đặt tên nước là Đại Việt. Nhà Lê trị vì từ năm 1428 tới 1527. Từ năm 1527 tới 1802, đất nước bị chia đôi giữa hai tập đoàn phong kiến: chúa Trịnh ở phía Bắc, chúa Nguyễn ở phía Nam. Khoảng năm 1771, anh em Tây Sơn khởi nghĩa chống lại hai tập đoàn này. Năm 1788, Nguyễn Huệ, một trong anh em nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước và chọn Thăng Long (Hà-Nội ngày nay) làm thủ đô. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh, dựa vào các thừa sai và người Pháp, giành chiến thắng. Ông lấy tên là Gia Long và khởi đầu triều đại nhà Nguyễn, chọn tên nước là Việt Nam, dời thủ đô về miền Trung: Huế trở thành đế đô vào năm 1802. Đến năm 1820, quốc hiệu được đổi thành Đại Nam. Sau một thời kỳ an bình, lịch sử Việt Nam đón nhận một bước ngoặt mới: bị Pháp đô hộ. Vua Tự Đức buộc phải ký hòa ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng sáu 1862 nhượng cho Pháp, ba tỉnh miền Đông Nam bộ. Năm năm sau, lại nhượng tiếp ba tỉnh miền Tây Nam bộ. Với điều ước ký ngày 25 tháng tám 1883, Triều đình Huế thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc và Trung kỳ. Hai năm sau, điều ước Tiên Tsin, ký ngày 9 tháng sáu 1885, xác lập chính thức quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc và Trung kỳ. Năm 1887, thành lập Toàn quyền Đông Dương.
4. ANEMEP. 1897, p. 772.
5. Mười bảy năm sau, hai con người này sẽ cùng chung sống dưới một mái nhà để cùng thành lập một cộng đoàn đan tu mới.
6. Cha Martin MENDIBOURE, xuất thân từ gia đình Iribabarnia de Minholz-Hasparen, sinh ngày 23 tháng giêng 1874, tại Ayherre, giáo phận Bayonne, tỉnh Pyrénées Atlantique. Mẹ ngài trở thành góa phụ khi mới 21 tuổi với hai đứa con. Lúc ấy Martin mới lên ba. Martin học tiểu học tại Hasparren, và trung học ở Tiểu chủng viện Larressore; Martin gia nhập Tiểu chủng viện này vào năm 1888 lúc đang học lớp đệ tứ; đến ngày 14 tháng chín 1893, thì gia nhập Chủng viện Hội Truyền giáo. Ngài chịu phép cắt tóc ngày 23-09-1894, chức nhỏ ngày 21-09-1895, phụ phó tế ngày 27-06-1896, phó tế ngày 13-03-1897, và thụ phong linh mục ngày 27-06-1897, nhận bài sai đến giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế) và đến đấy ngày 4-08-1897. Ngày 20 tháng mười, Đức Cha Gapar Lộc cử ngài làm giáo sư Đại chủng viện Phú Xuân. Năm 1902, ngài được cử làm cha sở Lăng Cô, họ đạo cách Huế 60 cây số về hướng Nam, sát ranh giới giáo phận truyền giáo Huế.
7. Sau này, Tòa giám mục dời về Huế.
8. “Thuận” có nhiều ý nghĩa: vâng phục, tùng phục, chấp thuận, v.v… Danh xưng này diễn tả thái độ của Đức Trinh Nữ Maria khi ngài thưa tiếng “Xin vâng” với thiên sứ Gabriel đến truyền tin.
Từ nay chúng tôi gọi là cha Denis Thuận cho tới ngày mà ngài sẽ nhận một tên gọi mới vào lúc mặc áo dòng.
9. Chúng tôi sử dụng quốc hiệu “Việt Nam” thay cho quốc hiệu “An-Nam” để chỉ toàn thể đất nước, bởi vì danh xưng An-Nam được hiểu theo nghĩa xấu. Thực vậy, chính người Trung Hoa đã gán ghép danh xưng này và sau này người Pháp tiếp tục sử dụng. Việt Nam được chia làm ba phần : Bắc kỳ ở phía Bắc, An-Nam ở miền Trung và Nam kỳ ở phía Nam. Nhà Dòng Đức Bà An-Nam tương lai sẽ được thành lập ở miền Trung Việt Nam, vì thế nhà dòng mang tên miền đất này: Đức Bà An-Nam.
10. Francois PALLU và Pierre LAMBERT DE LA MOTTE, Monita ad Missionarios. Instructions aux Missionnaires de la S. Congrégation de la Propagande, Chapitre II, article 5, reéditées par les Archives des Missions Etrangères de Paris, Paris, 2000, p. 37-38.
11. Francois PALLU và Pierre LAMBERT DE LA MOTTE, sđd, p. 38.
12. Theo những lời khuyến dụ này, thì nhiệm vụ quan trọng của vị thừa sai là phải hiểu biết xứ sở nơi mình đang cư ngụ. Quả thực từ nay, đất nước này là quê hương xứ sở của họ, ngôn ngữ của người bản địa là ngôn ngữ của họ. Đây là bước đi đầu tiên, đòi buộc sự cởi mở tâm lòng, sự thay đổi tâm hồn, bởi vì trong một chừng mực nào đó, ngôn ngữ diễn đạt tâm thức của một dân tộc. Đối với vị thừa sai, việc học tập này cho thấy một chiều kích khác, vốn thống trị tất cả mọi chiều kích, đó là tình yêu Chúa Kitô mà vị thừa sai muốn loan báo cho dân tộc đó. Tình yêu Chúa Kitô, đó cũng là tình yêu dành cho các tín hữu Kitô và cho những người chưa nhận biết Chúa.
13. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 42.
14. Quyển sách đầu tiên mang tựa đề: “Catechismus pro iis qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus” – Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh Đức Chúa Blời; quyển thứ hai “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, opus Sacrae Congregationis de Propagada Fide invicem editum ab Alexandro de Rhodes et Societate Jesu ejusdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico”.
15. Việc học văn học dân gian sẽ tạo điều kiện cho cha Denis Thuận sau này xuất bản tại Huế bộ “Sưu tập Văn học Việt Nam, bằng chữ Quốc Ngữ, dịch và chú thích bằng Pháp ngữ”: Lục súc tranh công năm 1911 và Trê Cóc tân truyện năm 1914, Nhà in Qui Nhơn.
Trong lời tựa ở quyển Lục súc tranh công, cha Denis Thuận đã cho ít lời giải thích về thi phú (tr.7-8). Trong quyển thứ hai, ngài cũng chú giải vài lời về luật hòa âm. Liên quan đến những từ Hán-Việt, ngài viết: “tôi đã giải thích trong phần chú giải những từ Hán-Việt, cách nói bóng gió, ẩn dụ, đảo ngữ hoặc những thành ngữ chọn lọc. Ta cũng sẽ gặp thấy trong phần chú thích lời giảng giải một vài câu thơ đặc biệt khó dịch.” (tr.6).
16. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 43.
17. Thư của J.B.ROUX, thuộc Hội Truyền giáo Paris, thừa sai An-Ninh, xuất bản trong Les Missions Catholiques, “An-Nam – Le Petit Séminaire dAn-Ninh”, 1925, p. 445-447.
18. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 45-46.
19. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 47.
20. Từ “Thượng” dùng để gọi những dân tộc thiểu số cư ngụ trên núi. Có nhiều dân tộc thiểu số như Banar, Séđăng, Hmông, Mèo, v.v…
21. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 48.
22. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 49.
23. Xứ đạo Nước Mặn được thành lập năm 1894. Đây là danh sách các linh mục phụ trách họ đạo này: cha Godet (1894-1900), cha Morineau (1900-1908), cha Denis Thuận (1908-1913). Cha Denis Thuận là vị linh mục ngoại quốc cuối cùng cai quản họ đạo này.
24. Thư gửi cha mẹ ngày 30-05-1908. Xem Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 50.
25. Việc quan, tức là việc công.
26. Cha Denis Thuận trích nguyên văn tiếng Việt.
27. Từ ngữ cha Denis Thuận sử dụng.
28. CRMEP 1908: “Cha Denis vừa nhận nhiệm sở Nước Mặn. Ngài chỉ có thể đề cập tới những hy vọng, và cho thấy những khó khăn đang chờ đợi ngài trong việc điều hành họ đạo này” (p. 197).
29. Tên nhân vật
30. Chức việc: một trong những người phụ trách giáo xứ (Ban hành giáo).
31. Phú Hải, tên một xứ đạo thuộc giáo phận Huế.
32. Cha = Linh mục
33. Trong thư gửi ngày 08-04-1908, cha Denis Thuận kính báo cho giám mục: “Cha Lược đáng thương không gặp may. Họ đã lấy cắp của ngài 13 đồng là tất cả tài sản của ngài. Con đã muốn chia sẻ sự mất mát với ngài, nhưng ngài đã dứt khoát từ chối. Phần con, con cũng bị mất bốn đồng, hoặc có thể nhiều hơn nữa. May thay, con không có thói quen đếm tiền, nên con không bao giờ biết mất.”
34. Thư ngày 05-04-1908.
35. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở chương bốn.
36. Ngoài giáo xứ Nước Mặn, cha Denis Thuận còn phụ trách các họ đạo Châu Mới, Cầu Hai, Truồi.
37. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 51.
38. CRMEP 1911: “Xứ đạo Nước Mặn mà cha Denis đảm trách từ ba năm qua bao gồm những người tân tòng vốn phải dầu dãi nắng mưa kiếm sống. Lòng nhiệt thành của cha đã tạo cho họ một tinh thần đức tin sâu sắc thể hiện qua việc sốt sắng lãnh nhận thường xuyên hơn các bí tích : 71 rửa tội dự tòng, 1318 lần xưng tội, 37 rước lễ lần đầu, đó là bảng tổng kết của lần tĩnh tâm này.” (tr. 177).
CRMEP 1912: “cha Denis là người duy nhất ở lại cai quản giáo xứ Nước Mặn rộng lớn; ngài đã không quản khó nhọc, tiến hành mọi phương pháp để tăng thêm lòng đạo đức của giáo dân: cần phải nhìn nhận rằng những nỗ lực của ngài đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp.” (tr. 221)
39. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 60.
40. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 54-55.
41. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 53.
42. Tổ Đàm: ngôi nhà rộng lớn nơi diễn ra các buổi hội họp của dân làng.
43. Chúng tôi sẽ đề cập tới vấn đề trở lại đạo trong phần hai.
44. “Càng ngày con càng mắc nợ. Nếu sang năm Đức Cha không đổi con đi thì con cũng phải xin kẻo chết mà đem theo hai ba ngàn bạc nợ thì khổ quá. Cha mẹ biết con đã khởi sự bạc đầu rồi không? Năm ngoái còn bạc ít, năm nay đã trắng phờ ra rồi!”Xem Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 55.
45. Xem Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 69.
46. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần hai.
47. Trong thư ngày 24-08-1917, cha Henri Denis đã viết cho bà kế mẫu và kể cho bà biết ngài vừa đi Lào về. Con ngựa của ngài đã chạy hơn 700 cây số mà cũng không sao. Ngài gặp nhiều người Việt Nam đã lâu không được xưng tội rước lễ mà nay gặp được thày cả thì họ lấy làm hạnh phúc vô cùng. Xem Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 85.
48. Cl. 3, 3.
49. Thư ngày 10-07-1917.
50. Điều ước ký kết ngày 06-06-1884, liên quan đến cơ cấu tổ chức hành chính của Việt Nam, thiết đặt một quan Tổng Khâm sứ Pháp bên cạnh nhà Vua và nhiều quan Tổng đốc Pháp đứng đầu các tỉnh Bắc kỳ. Hiệp ước Tien-Tsin, ký kết ngày 09-06-1885, thiết đặt chính thức quyền bảo hộ của Pháp ở Nam kỳ và Trung kỳ. Năm 1887, thiết đặt Quan Toàn quyền Đông Dương.
51. DHGE, “HUẾ”, tome XV, 1995, Letouzey et Ané, p. 54.
52. AMEP, Vol 0761/2, n.187, pp.1-2, Lettre de Mgr Allys au Supérieur des Missions Etrangères.
53. DHGE, “HUẾ”, tome XV, 1995, Letouzey et Ané, p. 55.
54. H. CHAPPOULIE, Aux Origines dune Eglise. Rome et les Missions dIndochine au XVIIe siècle, Bloud et Gay, Paris, 1943, p. 116-117.
55. Nhân chuyến công du của Vua Khải Định sang Pháp năm 1921 để yêu cầu Pháp trao trả Nam kỳ cho triều đình An-Nam, thủ tướng Nguyễn Hữu Bài đã vào triều yết Đức Thánh Cha Pie XI tại Roma. Vị công giáo nhiệt thành này đã đệ trình hai nguyện vọng: thứ nhất xin cử một vị Sứ thần Tòa thánh tại Đông Dương, thứ hai trao ban cho Giáo hội này những giám mục người Việt. Năm 1923, Đức Thánh Cha Pie XI cử Đức Cha Lécroart – Dòng Tên và Đại diện Tông tòa Sienhsien – đến thăm Giáo hội An-Nam. Hai năm sau, bằng trọng sắc “Ex Officio Supremo” ký ngày 20-05-1925, Đức Thánh Cha ban hành quyết định thiết lập Tòa Khâm sứ tại Đông Dương. Đức Cha Constantini Aiuti được cử làm Khâm sứ Tòa Thánh. Giám mục này muốn đặt Tòa Khâm sứ tại Hà-Nội, nhưng ông Nguyễn Hữu Bài đề nghị nên đặt tại Huế. Đức Cha Aiuti đã chấp nhận đề nghị này, nên viết thư cám ơn ông (AAS, 1925, p. 29).
56. Cha “Pellerin, Francois-Marie-Henri-Agathon, sinh ngày 20-02-1813 tại giáo xứ Saint-Corentin, ở Quimper (Finistère). Thụ phong linh mục ngày 17-12-1836, liền sau đó ngài nhận nhiệm vụ cha phó tại giáo xứ Saint Louis, tại Brest, cho tới khi ngài gia nhập chủng viện Hội Truyền giáo ngày 15-07-1843. Ngày 16 tháng 12 năm đó, ngài lên đường đi truyền giáo tại giáo phận Đàng Trong… Do đoản sắc ngày 11-03-1844, ngài được bổ nhiệm làm giám mục ở Biblos và giám mục phụ tá Đức Cha Cuénot từ năm 1846… Năm 1856, khi vua Tự Đức giả vờ thương thuyết, nhằm để chuẩn bị tấn công quân Pháp, cha Pellerin liều mình ngụy trang thành lính thủy, đến báo cho thuyền trưởng tàu Capricieuse đang hoang mang sợ hải trước cảng Tourane (Đà Nẵng). Từ lúc ấy, ngài không thể trở lại truyền giáo, nên ở lại trên tàu và được đưa đến Hồng Kông… Đến năm 1858 … ngài trở lại Viễn Đông… Cuộc bách hại đạo công giáo trở nên khốc liệt hơn. Mối quan hệ giữa cha Pellerin và đô đốc hải quân trở nên hết sức căng thẳng, nên cha lui về Tổng học viện ở Pinang. Ngài qua đời ở đấy vào ngày 13-09-1862.” AMEP, Notice biographique, n. 485.
57. Đức Cha “Sohier, Joseph-Hyacinthe, chào đời tại Désertines (Mayenne) ngày 22-09-1818. Ngài tu học tại Tiểu chủng viện Précigné (Sarthe), trong những năm 1834-1838, rồi gia nhập Đại chủng viện Mans. Ngài vào chủng viện Hội Truyền giáo ngày 21-02-1842, và thụ phong linh mục ngày 21-05, rồi được cử đi truyền giáo tại giáo phận Đàng Trong ngày 21-12 cùng năm đó… Từ năm 1857 đến năm 1862, thời kỳ chưa ký kết hòa ước giữa Pháp và An-Nam, ngài sống rày đây mai đó do cuộc bách hại; trong nhiều tuần lễ liền, ngài buộc phải ẩn mặt trong một bọng cây, ngay giữa rừng… Ngài tham dự công đồng Vatican I vào những năm 1869-1870… Năm 1874, ngài được thưởng huân chương Bắc đẩu bội tinh vì những cống hiến cho nước Pháp. Vua Tự Đức cũng tặng thưởng huân chương cho ngài vào năm 1868… Vào tháng sáu 1876, mặc dù đã kiệt sức, ngài vẫn muốn đến thăm Kẻ Sen (Quảng Bình), một xứ đạo đã nhiều lần che giấu ngài trong một thời gian dài vào những ngày đen tối nhất của cuộc bắt đạo. Hai tháng sau ngài hoàn toàn suy nhược vì bệnh tật, nên qua đời ngày 03-09-1876 và được an táng trong nhà thờ Kẻ Sen. AMEP, Notice biographique, n. 472.
58. Cha “Pontianne, Martin-Jean, xuất thân từ La Brousse, thôn Yssingeaux (Haute-Loire), chào đời ngày 01-03-1839. Ngài tu học tại Tiểu chủng viện Monistrol, vào chủng viện Hội Truyền giáo khi còn là giáo dân ngày 23-20-1860. Ngài thụ phong linh mục tại Hội Truyền giáo ngày 30-05-1863, rồi được cử đi truyền giáo tại giáo phận Bắc Đàng Trong ngày 06-07 năm ấy. Nhưng giáo phận Huế đang thời kỳ bị bách hại, nên ngài dừng chân tại Sài-Gòn, rồi ra Côn Đảo làm tuyên úy cho tù nhân trong sáu tháng; sau đó ngài ra Huế… Hoàn toàn suy kiệt vào mùa xuân 1879, ngài được đưa đến dưỡng đường Béthanie tại Hồng Kông và tắt hơi thở cuối cùng tại đấy ngày 30-07-1879.” AMEP, Notice biographique, n. 831.
59. Cha “Caspar Marie, Antoine, Louis, chào đời ngày 23-07-1841, tại Obernai, giáo phận Strasbourg, tỉnh Bas-Rhin… Khi còn là giáo dân, ngài gia nhập Chủng viện Hội Truyền giáo vào ngày 18-09-1861… thụ phong linh mục ngày 17-12-1864, được cử đi truyền giáo tại giáo phận Tây Đàng Trong và ngài đến Sài-Gòn ngày 05-02-1865… Vừa đến nơi, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Chủng viện Sài-Gòn. Vài năm sau, giám mục giao cho ngài nhiệm vụ thành lập Trường thầy giảng tại Tân Định… Được Đức Cha Colombert tấn phong giám mục tại thánh đường Sài-Gòn ngày 24-08-1880, ngài ra đến Huế vào đầu tháng 09-1906… Sau 42 năm sinh sống tại Việt Nam, 26 năm cai quản giáo phận Huế, khoảng cuối tháng 09-1906, Đức Cha Caspar xuống tàu và ngài về đến Pháp ngày 14-12 năm đó… Ngày 18-07-1907, ngài đệ đơn xin từ nhiệm trong tay Hồng y Bộ trưởng Bộ Truyền giáo và được chấp thuận… Ngài nghỉ hưu tại dưỡng đường Obernai và an nghỉ tại đấy ngày 13-06-1917. AMEP, Notice biographique, n. 868.
60. Cha “Allys, Eugène, Marie, Joseph, chào đời ngày 12-02-1852 tại thôn Canée, giáo xứ Paimpont (Ille-et-Vilaine), thuộc giáo phận Rennes… Ngày 27-09-1872, ngài gia nhập chủng viện Hội Truyền giáo. Thụ phong linh mục ngày 10-10-1875, ngài lên đường đi truyền giáo tại giáo phận Bắc Đàng Trong ngày 01-12-1875. Sau thời gian học tiếng Việt tại Kim Long, ngài được bổ nhiệm làm Bề trên Đại chủng viện, Năm 1880, ngài được cử đến Dương Sơn, một xứ đạo cổ kính nơi ngày xưa thánh Francois Jacard đã sinh sống… Cuối năm 1885, cha Allys được bổ nhiệm làm cha sở Phú Cam và cha quản hạt Bến Thủy… Trong suốt 23 năm ngài làm giám mục, đã có 37.000 người lãnh nhận phép Rửa… Ngày 05-02-1921, ngài được tưởng thưởng huân chương Bắc đẩu bội tinh. Ngày 16-04-1921, vua Khải Định tặng thưởng cho ngài huân chương “Kim Khẩn” ngoại hạng, với lòng biệt đãi trịnh trọng nhất của triều đình. Năm 1925, nhân dịp ngài mừng kim khánh linh mục, ngài được thưởng Nhị đẳng Nam-long bội tinh. Năm 1930, Tòa Thánh đã cử Đức Cha Chabanon làm phụ tá cho ngài. Năm 1931, ngài xin từ nhiệm vì bị mù lòa. Ngài qua đời ngày 26-04-1936 và được an táng tại nghĩa trang Phú Cam.” AMEP, Notice biographique, n. 1272.
61. AMEP, Vol 0761/2, n.182, pp.1-2
62. CRMEP, 1928, p. 119.
63. Xem CRMEP, 1926, p. 120.
64. CRMEP, 1905, p. 187.
65. CRMEP, 1906, p. 175.
66. CRMEP, 1916, p. 133.
67. CRMEP, 1932, p. 726.
68. Trần Quang Chu, Giáo phận Huế 150 năm thành lập (1850-2000). Hành hươg Giáo phận, tập 2, Lưu hành nội bộ, tr. 51-52.
69. Trần Quang Chu, sđd, tr. 76-77.
70. Trần Quang Chu, sđd, tr. 182-183.
71. Xem CRMEP, 1899, p. 224; surtout 1921, 1922.
72. Trần Quang Chu, sđd, tr. 275-278.
73. Trần Quang Chu, sđd, tr. 76-77.
74. CRMEP, 1899, p. 178.
75. CRMEP, 1904, p. 197.
76. CRMEP, 1922, p. 112.
77. CRMEP, 1926, p. 120.
78. CRMEP, 1927, p. 115.
79. Christiane dAINVAL, Les belles heures de lIndochine francaise, Perrin, Paris, 2001, p. 3.
80. Paul Bert là quan Toàn quyền đầu tiên. Tiếp sau ông là các quan Toàn quyền : Constant (1887), Fichaud (1888), Piquet (1889), J.-M.-A de Lanessan (1891), A. Rosseau (1896), Paul Doumer (1897-1902), Paul Beau (1902-1908), A. Klobuwski (1908-1911), Albert Sarraut (1911-1913 và 1916-1919), E. Roume (1915-1916), Maurice Long (1919-1923), Martial Merlin (1923-1925), Alexandre Varenne (1925-1927), Pierre Pasquier (1928-1934), R. Robin (1934-1936), J. Brevie (1936-1939), tướng Catroux (1939-1940), và cuối cùng là hải quân đề đốc Decoux.
81. Điều ước Patenôtre 06-06-1884
82. C. dAINVAL, Les belles heures de lIndochine francaise, Perrin, Paris, 2001, p. 250.
83. Xem L.E. LOUVET, Notice Nécrologique sur Mgr Colombert, p. 19-20; và La Cochinchine Religieuse, vol II, p. 223.
84. Xem Bùi Đức Sinh, Giáo hội Công giáo Việt Nam, tập III, Calgary-Canada, 2002, p. 596-612.
85. CRMEP, 1899, p. 225.
86. CRMEP, 1900, p. 168-169.
87. CRMEP, 1903, p. 205.
88. CRMEP, 1910, p. 192.
89. CRMEP, 1910, p. 199.
90. AMEP, vol 710, n. 229, Lettre du père Klingker datée du 17 octobre 1909. Sự kiện này được kể lại trong tác phẩm của Trương Bá Cầ, Lịch sử giáo phận Vinh 1846-1996, TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 471-486.
91. Dưới đây là một vài đoạn trích từ những thư của Đức Cha Allys Lý gửi Bề trên Hội Truyền giáo Paris: “Kính cha Bề trên, ba cha sở bị buộc tội kết cuộc bị kết án 9 năm lưu đày. Cách đây 18 ngày, các ngài đã rời Huế để đi Côn Đảo. Tôi đã đến thăm họ trước khi họ ra đi; nhận thấy họ thiếu thốn đủ thứ, tôi đã gửi cho họ những thứ có thể giúp ích cho họ.
Tôi tin chắc rằng nếu hòa bình được lập lại ở Nam Đàng Ngoài và nếu giáo phận truyền giáo ngoài đó có một vị lãnh đạo hiểu biết những việc cần làm, thì quan toàn quyền sẽ nhanh chóng phóng thích ba con người bất hạnh này: ít ra đó là điều quan Khâm sứ ở Huế nói với tôi… (thư ngày 26-10-1909. ) AMEP, vol.076/2, n. 147, 1-2.
92. Sau khi bị bắt, Phan Bội Châu bị chính quyền Pháp kết án tử hình. Nhưng án tử hình này được chuyển thành án tù chung thân. Ông bị giam cầm tại Bến Ngự (Huế) cho đến cuối đời. Ông trở thành bạn thân của Đức Cha Allys Lý.
93. Đức Cha Allys mang tên Việt Nam là “Lý”.
94. Xem Phan Bội Châu toàn tập, NXB Thuận Hóa, Huế, 1990, tập VI, trang 341-342.
95. Xem như trên.
96. C. dAINVAL, Les belles heures de lIndochine francaise, Perrin, Paris, 2001, p. 110.
97. C. dAINVAL, Les belles heures de lIndochine francaise, Perrin, Paris, 2001, p. 113.
98. C. dAINVAL, sđd p. 113-114.
99. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 91.
100. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 92.
101. Viên chức ở huyện.
102. Thư ngày 24-01-1909.
103. Trong một vài trường hợp, chẳng hạn như chuyến đi lâu ngày sang Lào, cha Denis Thuận sử dụng ngựa để di chuyển, vì đường xa.
Phần chuyển tiếp 3
Ông Giacóp và cuộc thử thách
mặt đối mặt với Thiên Chúa
(St 32, 24-31)
Trong chương nhất, chúng tôi đã vận dụng sự tích về ơn gọi của ông Ápraham để hiểu và giúp hiểu một cách sâu sắc hơn tác động của Thiên Chúa trong ơn gọi của Henri Denis. Nếu như ông Ápraham trở thành cha của những kẻ tin, vì lẽ đức tin là mẫu số chung, thì chúng ta có thể nói rằng có một sự giống nhau giữa cha và con trong đức tin. Mà điểm chung này không gì khác hơn là Thiên Chúa tác động trong người cha cũng như trong tất cả các người con. Thiên Chúa của ông Ápraham cũng là Thiên Chúa của chúng ta.
Tuy nhiên, Thiên Chúa này không phải là Thiên Chúa dành riêng cho một cá nhân như ông Ápraham; Người là Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Nếu như Thiên Chúa này kêu gọi ông Ápraham, chính là để biến đổi ông thành tổ phụ nhiều dân tộc, cha của cả một dòng tộc. Chính vì lẽ đó, truyền thống Kinh thánh lúc nào cũng gọi là “Thiên Chúa của ông Ápraham, Ixaác và Giacóp”. Cả ba tổ phụ này luôn là điểm quy chiếu không những của dân Do thái, mà còn của tất cả những kẻ tin Chúa và của tất cả mọi người làm thành dân Chúa. Nói cách khác, ba đấng giúp chúng ta nhận ra nguồn gốc tổ tiên, đồng thời những duyên do để hy vọng, chiến đấu và sinh tồn1.
Như thế chúng ta có thể nhận thấy các tín hữu Kitô bắt gặp nơi ba vị tổ phụ này những dung mạo vốn gợi lên và chỉ dạy cho họ đức tin theo như truyền thống. Chính theo chiều hướng này mà chúng tôi mong muốn dựa vào bài trình thuật của Kinh thánh về cuộc vật lộn của ông Giacóp với Thiên Chúa tại sông Giáp-bốc để hiểu cha Denis Thuận một cách sâu sắc hơn trong khoảng thời gian mười lăm năm đầu ngài sinh sống tại Việt Nam là thời điểm ngài thi hành sứ vụ truyền giáo và ngài phải đương đầu với nhiều thử thách khác nhau – không nhằm mục đích biện bạch hoặc minh họa cho cuộc chiến thiêng liêng của ngài, mà đúng hơn là để có được những hiểu biết nhằm soi sáng những điều hãy còn ẩn kín trong cuộc đời của ngài. Trình thuật về cuộc vật lộn của ông Giacóp sẽ tỏ lộ cho chúng ta thấy “chân dung” của Đức Chúa hoạt động trong vị tông đồ truyền giáo này.
Như trên đã nói, các tổ phụ – Ápraham, Ixaác và Giacóp – là dấu chỉ của những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Mà dấu chỉ này có một tên, đó là một dung mạo. Khi các Giáo phụ suy niệm và giảng giải, thì dung mạo các tổ phụ được gán hoặc cho Chúa Kitô, hoặc cho một khái niệm nào đó làm nên đời sống kitô. Tóm lại, các Giáo phụ chú giải các trình thuật Kinh thánh một cách sáng tạo nhằm đạt được ý nghĩa thiêng liêng, hầu tạo nên một nền tảng vững chắc để kiến tạo công trình thiêng liêng của các Kitô hữu.
Chúng ta hãy xem Massenet tóm lược như thế nào dung mạo của Giacóp theo các Giáo phụ:
“Đối với các Giáo phụ thì về phương diện này, Giacóp chiếm vị trí tuyệt đỉnh. Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, Giacóp là nhân vật duy nhất mà tên của ông được dùng để chỉ Chúa Kitô (Jean Daniélou, Les figures du Christ). Tuy nhiên, giữa đặc điểm khởi phát từ cuộc đời của ông Giacóp và việc áp dụng đặc điểm ấy vào nhiệm cục cứu độ, có một khoảng cách đôi khi không thể hiểu được, và mối liên hệ đúng hơn là gián tiếp; đối với thánh Justin, Giacóp là một trong những Danh xưng của Chúa Kitô trong Cựu Ước; Origène xem việc ông Giacóp nắm gót chân người anh song sinh là biểu tượng của sự chiến thắng quyền lực sự dữ; đối với thánh Irénée, việc ông Giacóp thuận tình phục dịch để cưới cho được Rachel có những nét giống với sự phục tùng mà Chúa Kitô đã chấp nhận để cứu chuộc chúng ta. Thánh Ambroise nhận thấy việc ông Giacóp bị trật xương hông như là lời tiên báo về cuộc khổ nạn.”2
Từ trình thuật về cuộc vật lộn của ông Giacóp với sứ thần tại khúc sông Giáp-bốc, dung mạo của ông Giacóp được sáng rõ thêm hơn và trở nên vĩ đại hơn: “được sáng rõ thêm hơn, bởi vì cuộc gặp gỡ tại khúc sông Giáp-bốc không cấu thành một giai đoạn, một cuộc mạo hiểm trong suốt cuộc đời của ông; vĩ đại hơn, bởi vì cuộc sống của ông sẽ chỉ có vẻ lang thang bề ngoài mà thôi. Ông không phải gắng công ra sức mò mẫm tìm kiếm Thiên Chúa nữa, bởi Người là Đấng mà trên thực tế, không bao giờ rời xa ông, cũng như không bao giờ rời xa chúng ta”3.
Nếu Thiên Chúa – Đấng mà ông Giacóp đã đối mặt – không bao giờ rời xa ông, cũng như không bao giờ rời xa chúng ta, bởi vì đó cũng chính là Đấng giao kết và hành động, thì quả thực, chúng ta có lý để dệt nên mối liên hệ giữa cuộc vật lộn của ông Giacóp và cuộc chiến của cha Denis Thuận. Nói cách khác, nếu như cuộc đời của ông Giacóp theo như được kể lại, không phải là không có chỗ nào khiếm khuyết, cũng không siêu phàm, cũng như không phải lúc nào cũng đáng khâm phục, thế nhưng Thiên Chúa ngự trị trong cuộc đời ấy, một cuộc đời khởi nguồn từ Thiên Chúa và có sợi chỉ xuyên suốt căn cứ trên ơn gọi của Thiên Chúa. Cũng thế chúng ta có thể nói rằng cuộc đời của cha Denis Thuận được Thiên Chúa dìu dắt, nhưng cuộc đời này không tránh khỏi những thời lúc khó khăn, những đêm tối vốn dĩ chỉ nhằm mục đích làm cho đức tin và đức cậy của ngài lớn mạnh thêm hơn.
Nếu như chúng ta dựa vào trình thuật về cuộc vật lộn của ông Giacóp với sứ thần tại khúc sông Giáp-bốc để tìm hiểu điều gì đã xảy ra trong tâm hồn cha Denis Thuận, thì cũng không nằm ngoài ý tưởng này là trình thuật Kinh thánh được coi như là một chứng cứ về một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Vì thế ông Giacóp luôn luôn là một chứng nhân ưu ái, bởi vì vị tổ phụ này không hề dừng bước trên đường tiến đến người khác, Đấng khác. Cuộc đời của cha Denis Thuận cần được hiểu theo chiều hướng này: đó là cuộc đời không ngừng hướng tới một điều gì khác hơn là những gì đang diễn ra trong hiện tại, hướng tới một AI đó là Đấng lấp đầy tâm hồn ngài vốn luôn ao ước những gì cao cả vĩ đại hơn.
Khi đọc lại trình thuật Kinh thánh như trình thuật về cuộc vật lộn của ông Giacóp, chúng tôi mong muốn tạo một mối liên hệ có tính nhận thức luận giữa hai kinh nghiệm: kinh nghiệm của ông Giacóp là một thứ kinh nghiệm cơ bản – và kinh nghiệm của cha Denis Thuận trong bối cảnh hiện nay. Đây là một cuộc thử thách do phải đối mặt với một quyền lực vô hình, do áp lực xảy ra giữa hai đối kháng, đồng thời cũng do sự dũng cảm đối mặt với thực tại của cuộc sống. Chính theo chiều hướng này mà chúng tôi chọn cách giải thích theo tu đức hơn là theo khoa chú giải.
1. Tại khúc sông Giáp-bốc
Trình thuật về cuộc vật lộn của ông Giacóp với sứ thần – tức là với chính Thiên Chúa – đến với chúng ta dưới dạng chuyện kể. Nhưng trình thuật này có mối liên hệ mật thiết với một trình thuật khác kể lại việc ông Giacóp đã một lần gặp gỡ Thiên Chúa trước đấy nhiều năm, vào lúc khởi đầu cuộc lưu đày. Trên đường lưu đày, ông Giacóp có được một kinh nghiệm bất ngờ: Thiên Chúa đã đến gặp ông trong giấc ngủ. Sáng sớm, khi tỉnh giấc, Giacóp liền nói: “Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết”4. Còn cuộc vật lộn với Thiên Chúa là một trình thuật về thần hiển, trong đó ông Giacóp đã gặp Thiên Chúa mặt đối mặt, như người trong cuộc và như đối thủ. Sau cuộc gặp gỡ này, ông Giacóp đã phải thốt lên: “Tôi thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng”5. Ông Giacóp sẽ có điều kiện để cảm nghiệm về hai cuộc gặp gỡ này trong suốt cả cuộc đời của ông. Đó là cảm nghiệm về cuộc đối mặt với chính Thiên Chúa, và cảm nghiệm này có ảnh hưởng rõ rệt trên ông.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với trình thuật về cuộc vật lộn của ông Giacóp với Thiên Chúa tại khúc sông Giáp-bốc.
Ông Giacóp trở về quê hương xứ sở. “Ông chuẩn bị cho chuyến trở về này mà lòng xốn xang lo sợ việc phải giáp mặt với người anh thù địch. Thế nhưng, đêm đến, ông lại phải đương đầu với một cuộc đối mặt khác: có một “người” vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông và đả thương ông, mà không thực sự thắng được ông. Phải chăng cuộc chiến này tượng trưng cho cuộc chiến với anh Êxau mà ông sẽ gặp ngày mai? Hay với Thiên Chúa là Đấng từ nay tỏ mình ra trong sự mặt đối mặt vừa trổi vượt hơn ông vừa có thể thua cuộc? Dù sau đi nữa, nhân vật huyền nhiệm này rốt cuộc rồi cũng tạo điều kiện cho ông Giacóp nói rõ tên mình, trước khi ông nhận một danh tánh mới.”6
Theo các tác giả cuốn sách “Jacob. Les aléas dune bénédiction” (Giacóp. Những điều bất ngờ từ một lời chúc phúc), có hai cách đọc và giải thích: theo cách dân gian (Giacóp phải đương đầu với thần hoàng địa phương trước khi có thể lội qua sông), và theo cách thần thiêng (Giacóp đón nhận một tên gọi mới và có một khám phá nhất định về Thiên Chúa):
“Lược đồ đầu tiên (c. 24-25a) cho phép giảng giải theo cách dân gian: ông Giacóp đưa mọi người lội qua sông (nhưng ông không sang) và ở lại một mình. Ông còn phải chiến đấu với một đối thủ bí nhiệm, dường như là để đạt được quyền sang sông. Như thế câu chuyện có những nét giống với những câu chuyện thần thoại hoặc truyền thuyết về những vị thần hoàng hoặc những quyền lực thần thiêng canh gác sông suối hoặc tất cả những nơi qua lại. Theo cách hiểu này, ta có thể thông hiểu điều kiêng kỵ trong ăn uống (c. 33) và gặp thấy trong bản văn một lời giải thích xoàng thôi.
Lược đồ thứ hai (c. 23) dẫn đến cách giải thích thần thiêng: Giacóp đưa mọi người lội qua sông, đoạn ông cũng qua luôn. Như thế cuộc vật lộn diễn ra bên bờ sông mà ông vừa qua tới. Vì vậy cuộc vật lộn này không còn là một nghi thức bắt buộc để qua sông, mà là một biến cố hàng đầu, cơ bản đối với ông Giacóp.
Rõ ràng bản văn không có vẻ hàm hồ. Bản văn không thuận theo cách hiểu này hay cách hiểu kia. Vì lẽ đó, việc giải thích câu chuyện cần phải tôn trọng cả hai khuynh hướng dân gian và thần thiêng và nên nhớ rằng chính bản văn không thể quyết định dứt khoát.
Các tác giả biên soạn tác phẩm trên đề nghị cấu trúc trình thuật về cuộc vật lộn của ông Giacóp như sau:
– Cả gia đình (và ông Giacóp?) lội qua sông Giáp-bốc (. 23-25a);
– Cuộc vật lộn và tật khập khiễng (c. 25b-27a);
– Việc thay đổi tên gọi và lời chúc phúc (c. 27b-30);
– Nơi thờ phượng mới (c. 31);
– Điều kiêng kỵ trong ăn uống (c. 32-33).
Trình thuật về cuộc vật lộn của ông Giacóp là một trong những bản văn khó hiểu nhất của Kinh thánh. Làm sao một phàm nhân lại có thể thắng được Chúa mình? Bản văn này là một vực thẳm và là một chuỗi vực thẳm8. Hẳn thực, bản văn mạc khải những tâm tình sâu kín của tình yêu Thiên Chúa. Nhưng đây cũng là một bản văn khó giải thích. Một vài Giáo phụ, đặt biệt là thánh Jérôme và Origène nhấn mạnh rằng, đối với chúng ta, cuộc vật lộn của ông Giacóp là hình ảnh của cuộc chiến thiêng liêng và hiệu quả của việc kiên trì cầu nguyện. Một vài tác giả lại có những cách giải thích khác 9. Phần chúng tôi, chúng tôi thử rút ra từ câu chuyện những yếu tố cơ bản liên quan tới vấn đề của chúng ta.
Sau hai mươi năm xa cách, ông Giacóp sẵn sàng gặp lại anh mình là ông Êxau vốn đã thề sẽ giết ông. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ gay go này, ông Giacóp đã cố gắng tập trung mọi thứ ông có trong tay. Ông chuẩn bị sẵn sàng về vật chất lẫn tinh thần trên ba lĩnh vực. Trước hết và trên hết, ông chuẩn bị tinh thần, và để làm điều này, ông cầu nguyện. Thứ đến, ông khôn khéo sắp đặt và chuẩn bị những tặng phẩm sang trọng dành cho ông Êxau và gia nhân của ông. Sau hết, để đề phòng điều tệ hại nhất, ông đã áp dụng những biện pháp an toàn cần thiết, bằng cách hoàn chỉnh một kế thuật quân sự có khả năng bảo đảm sự an toàn cho gia đình đông đúc của ông.
Tuy nhiên, bất chấp những chuẩn bị chu đáo và nhiều phương sách đề phòng như thế, một hôm ông Giacóp vẫn ở một mình ban đêm và phải dấn thân vào một cuộc vật lộn lâu giờ và khó khăn.
“Ông Giacóp ở lại một mình”: không có ai ở bên cạnh ông. Bao nhiêu năm qua, ông đã phải liên tục đương đầu với biết bao phản kháng từ thiên nhiên, xã hội và con người. Ông đơn độc với những lo sợ vì những ám ảnh bất hạnh. Nỗi lo sợ một cuộc giáp mặt với người anh khiến ông phải khiếp sợ. Tuy nhiên, “sự đơn độc, sự cảm thấy cô độc và cả đến nỗi lo sợ đặc biệt mà ta gọi là kinh hãi, lại là điều kiện cho một cuộc giáp mặt mà ông biết là sẽ không thể tránh khỏi, trong đêm hôm ấy.” 10 Hai mươi năm trước, khi ông ở một mình, ông đã chiêm bao nhìn thấy Thiên Chúa trong giấc mộng. Tình trạng cô đơn của ông, sự đơn độc của ông, dù muốn dù không, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ông gặp gỡ Thiên Chúa.
“Đêm đó”: ông Giacóp ở một mình và màn đêm bao trùm lấy ông. Trong cuộc đời, ông đã hơn một lần trải nghiệm bóng đêm, từ bóng đêm lúc chào đời cho tới bóng đêm khi lìa đời. Thế nhưng, điều làm nên đặc điểm các đêm tối của ông Giacóp, chính là có những cuộc chiến diễn ra trong đêm tối, hoặc với người anh Êxau, hoặc với những người khác như là bác Laban, v.v… Vào cái đêm mà ông trở về nơi chôn nhau cắt rốn, “thình lình xảy đến cho ông một tai họa vô hình như là một điều gì đó rất cần thiết” 11. Bóng đêm càng dày đặc, nỗi lo sợ của ông Giacóp càng tăng thêm, ông e sợ cho tương lai; những ngờ vực cứ rình rập thân phận của ông. Ông lo sợ, ông khiếp sợ bóng đêm, ông kinh sợ đêm tối của riêng ông. Ông mạo hiểm một mình trong đêm tối 12. Ông trải qua nhiều cơn khủng khoảng 13. Khi ở lại một mình, xa cách đoàn người và đàn gia súc của mình, xa hết mọi chuẩn bị và toan tính, ông cảm thấy dần dần mất hết năng lực để kiến tạo công trình cuộc đời mình.
“Một cuộc vật lộn tay đôi”: Kìa một người xa lạ xuất hiện và đánh tay đôi với ông. Cuộc vật lộn thật quyết liệt và kéo dài cho đến rạng đông. Mặc dù ông Giacóp đối mặt với một đối thủ vượt trội hơn ông – đối thủ đã đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông bị trật – ông vẫn dũng cảm chiến đấu cho tới cùng. Ông vật lộn liên tục suốt đêm. Ông không buông tha. Ông Giacóp thà mất mạng trong cuộc chiến hơn là bỏ cuộc. Cả hai vật lộn suốt cả đêm, đến kiệt sức, mà cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Họ không tương sức với nhau. Nhiều lần, ông Giacóp tưởng chừng như thua cuộc. Ai trong hai người thường té ngã hơn, sứ thần hay ông Giacóp?
“Cuộc vật lộn diễn tiến với hai biến chuyển phù hợp với hai nguyên do mà bản văn phối hợp để đi đến một nghịch lý:
Biến chuyển thứ nhất: một trong hai đấu thủ giáng cho đối thủ của mình một cú hiểm hóc (có thể là một cú tự vệ) tạo điều kiện cho mình chiến thắng. Sau cú đánh hiểm hóc ấy, ông Giacóp bị thương. Về phương diện cấu trúc, ông Giacóp bị thua (nguyên do thứ nhất).
Biến chuyển thứ hai: thời gian vật lộn có giới hạn. Cuộc vật lộn cần phải phân thắng bại trước lúc rạng đông; đối thủ của ông Giacóp đã yêu cầu: “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi”. Lời yêu cầu này cho thấy thời gian đã trôi qua và người yêu cầu lệ thuộc vào ý muốn của ông Giacóp (nếu đây là một trận đấu quyền anh, thì chúng ta sẽ nói rằng ông Giacóp được cứu nguy nhờ hiệu cồng và sự chiết tính điểm sẽ cho ông thắng cuộc). Về phương diện cấu trúc, ông Giacóp thắng cuộc (nguyên do thứ hai) …
Vì thế kết cuộc của biến chuyển thứ hai (Giacóp thắng cuộc) đảo ngược kết cuộc của biến chuyển thứ nhất (Giacóp bị thua). Về vấn đề này, chúng ta thấy được nghịch lý về cấu trúc như sau: đây là một chiến thắng bất ngờ, không lôgíc, của kẻ yếu thắng người mạnh.” 14
Tác giả Massenet giảng giải cách khác về nghịch lý của cuộc vật lộn này và ông nhấn mạnh rằng Thiên Chúa tỏ ra mình là người yếu đuối nhất và cũng là người dũng mãnh nhất:
“ […] đúng là luật lệ cuộc chiến thiêng liêng hoàn toàn khác với luật lệ các cuộc chiến của chúng ta: Thiên Chúa chiến đấu để bị thua, nhưng sự thua kém của con người lại là điều kiện để họ chiến thắng. Sự phó thác cần phải khởi đầu trước tiên từ sự biến đổi bản tính của chúng ta trước Đấng tạo thành.”15
“Danh tánh”: Trong trình thuật về cuộc vật lộn của ông Giacóp tại khúc sông Giáp-bốc, còn có hai biến chuyển khác nữa: ông Giacóp xin đấu thủ cho biết danh tánh; nhưng thay vì tiết lộ tên mình, sứ thần lại đặt cho ông Giacóp một tên khác. Theo truyền thống Kinh thánh, tên biểu lộ chính con người mang tên đó. Biết tên một người, tức là biết chính con người ấy.
“Ông Giacóp muốn hiểu biết con người mà ông vật lộn, con người mà ông đã xả thân vào cuộc chiến ở đó hai đấu thủ đọ sức, trổ tài kiên quyết, ở đó cuộc chiến sẽ chỉ kết thúc khi mỗi người tìm gặp căn tính nguyên vẹn của mình, vóc dáng riêng biệt của mình, danh tánh riêng của mình. Chính vì lẽ đó ông Giacóp yêu cầu đấu thủ cho biết tên.”16
Lời yêu cầu của ông Giacóp muốn biết tên của người vật lộn với ông suốt đêm, được giải thích như nỗi lòng ứơc ao khao khát của tất cả những kẻ được Chúa sai đi như ông Môsê, Elia, v.v… Thế nhưng, danh tánh của sứ thần không được tiết lộ, nó vẫn còn bí nhiệm. Trái lại, ông Giacóp đón nhận một tên mới là Ítraen. Điều này có nghĩa là không phải Giacóp chiếm hữu Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa chiếm đoạt Giacóp và đặt tên cho ông17.
Giống như ông nội Ápraham, ông Giacóp nhận tên Ítraen18. Ông nhận tên Ítraen sau khi bị thua và bị thương. Được một người đặt tên, có nghĩa là hoàn toàn phụ thuộc vào người đó, sống dưới sự bảo vệ của người đó, tuyên bố người đó là tất cả của mình. Trọn cả con người của ông Giacóp gắn chặt vào Thiên Chúa. Nói cách khác, ông Giacóp bị Thiên Chúa chiếm hữu; và sự chiếm hữu của Thiên Chúa khiến Giacóp bị thương, và được chúc phúc muôn đời. Nếu như từ nay Giacóp có một tên gọi mới – như trường hợp ông Ápraham – thì trọn cả cuộc đời của ông Giacóp-Ítraen chỉ có ý nghĩa và vị trí trong chương trình của Thiên Chúa. Cũng giống như ông Ápraham đã được chọn và được chúc phúc để trở nên tổ phụ của một cộng đồng nhiều dân tộc, hầu thực hiện chương trình của Thiên Chúa mà ông không hề hay biết. Chính ông Giacóp-Ítraen được chúc phúc để tiến tơi một bước nữa trong chương trình Thiên Chúa mưu ích cho loài người.
“Đấu với Thiên Chúa”: cuộc vật lộn quyết liệt sắp tới hồi kết thúc với một mạc khải chưa từng nghe thấy: “(quả thực) ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng.” Thế là cuối cùng ông Giacóp biết mình đã đấu với Thiên Chúa suốt cả đêm. Và việc khám phá Đức Chúa, Đấng hằng theo dõi ông và cùng bước đi với ông trong suốt cuộc hành trình, đã khắc ghi vào tâm hồn ông vừa sự kính sợ vừa sự phụng thờ. Hai mươi năm trước, lúc khởi đầu cuộc lưu đày, ông đã thấy trong giấc chiêm bao một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời; ông thức giấc và kinh ngạc nói: “Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết” (St 28, 16). Còn lần này đây, ông không biết rằng ông đã vật lộn với Thiên Chúa: “Tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng” (St 32, 30). Và để ghi lại dấu ấn cảm nghiệm từ hai cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, ông Giacóp đã đặt tên cho hai nơi cực trọng này là Bết-En và Pơ-nu-ên.
“Đến lượt mình, ông Giacóp-Ítraen có thể đặt tên cho một nơi (c.31). Dân Ítraen tôn trọng điều cấm kỵ đối với nơi này, và đã trở nên con cháu của ông Giacóp-Ítraen. Như thế, từ giai đoạn này, từ cuộc vật lộn này cũng như từ chiến thắng bất ngờ ấy, đã nảy sinh một tổ phụ, một đất nước (địa danh quan trọng) và một dân tộc (điều cấm kỵ văn hóa-xã hội).”20
“Thương tật ở xương hông”. Sau khi một mình thức suốt đêm chiến đấu quyết liệt với Thiên Chúa, vừa khi hừng đông xuất hiện, ông Giacóp liền đi gặp lại đoàn người và đàn gia súc của mình. Ông lội qua khúc sông Giáp-bốc, nhưng phải đi khập khiễng vì bị trật xương hông. Thương tật này là hậu quả của cuộc vật lộn, đã để lại dấu vết trong suốt cuộc đời của ông và nhắc ông nhớ rằng ông đã thực hiện một bước đi quyết định.
Thương tật ở xương hông này được xem như là biểu tượng của một sự đột phá nhờ đó đạt tới chỗ sâu thẳm của tâm hồn. Mà tâm điểm của tâm hồn là Thiên Chúa. “Ông Giacóp đi khập khiễng vì bị trật xương hông” có nghĩa là ông đã biến đổi, ông được Thiên Chúa chiếm hữu. Thương tật mở rộng tâm hồn ông cho Thiên Chúa. Nói cách khác, thương tật này nhắc ông Giacóp nhớ rằng từ nay Thiên Chúa chiếm hữu ông.
Cuộc vật lộn ở khúc sông Giáp-bốc là sự tích ông Giacóp-Ítraen. Nhưng đây chính là thời điểm quyết định cuộc đời của ông Giacóp. Hẳn thực, thời điểm này ở giữa quá khứ và tương lai. Cuộc vật lộn với sự dũng cảm đương đầu, với chiến thắng và thương tật, tạo nên một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời của ông Giacóp. Ông đã giáp mặt với Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện ở đấy, trong cuộc vật lộn của ông. Đây quả là một kinh nghiệm tuyệt vời. Chiến đấu và chúc phúc được hoán đổi cho nhau hằng ngày, xuyên suốt cuộc đời ông sống với Thiên Chúa là Đấng dệt nên cuộc đời của ông. Và, một kinh nghiệm tuyệt vời như thế ấy được chuyển giao lại cho chúng ta dưới hình thức một chuyện kể để nhấn mạnh rằng, trong cuộc đời của tất cả mọi người, đều có những lúc phải lội qua sông, với những đêm tối và những buổi rạng đông.
2. Cuộc vật lộn của ông Giacóp, “hình ảnh” cuộc chiến của cha Denis Thuận
Như trên đã nói, cuộc vật lộn ở khúc sông Giáp-bốc là cuộc chiến đấu của con người, vốn hơn một lần trong đời sống, đã phải trải qua những thời lúc đen tối trước khi chiêm ngắm rạng đông. Chúng tôi dựa vào cảm nhận trên đây để có thể nói rằng cuộc đời của cha Denis Thuận mang dấu ấn của một cuộc chiến. Trong ba mươi năm sinh sống tại Việt Nam, nhất là trong mười lăm năm đầu với sứ vụ truyền giáo, ngài đã không ngừng chiến đấu để tiến tới điều ngài mơ ước, điều mà Thiên Chúa hướng dẫn ngài đi tới mà ngài không biết.
Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến giới thiệu cha Denis Thuận như một vị tông đồ truyền giáo gặt hái được nhiều thành quả, do đó, ngài đã không phải đương đầu với nhiều thử thách hoặc chướng ngại. Thế nhưng, khi đọc một số lá thư ngài gửi cho Đức Cha Allys Lý cũng như khi phân tích một vài tâm tư ngài bộc bạch, chúng ta đã và còn sẽ khám phá ra có điều gì đó đang đeo bám ngài, không để ngài ngơi nghỉ, mà thôi thúc ngài tiến xa hơn nữa, để đưa ngài vào một cuộc phiêu lưu mới. Ngài cảm nhận trong thể xác lẫn tâm hồn một cuộc chiến dai dẳng để thực hiện ước mơ – đúng là một ước mơ, từ ngữ được nhắc đi lặp lại nhiều lần. Ngài cảm nhận cần phải vâng phục Bề trên, đặc biệt là tuân phục giám mục sở tại, Tuy nhiên, đức vâng phục này không thể làm dịu bớt những ước mơ cháy bỏng trong ngài. Vì thế ngài phải chiến đấu với chính mình, với người khác và với chính Thiên Chúa nữa.
a. Cuộc đương đầu với Thiên Chúa
Chúng tôi đã đề cập tới nghịch lý “ở lại – ra đi”. Tại sao lại có một nghịch lý như thế? Điều gì đã đưa đẩy cha Denis Thuận rơi vào một tình cảnh như thế? Điều gì đã xảy ra trong tâm hồn ngài? Ngài có phải trải qua những thời lúc đen tối không? Đức tin của ngài ra sao?
Với tư cách thừa sai – làm giáo sư hoặc làm cha bổn sở – cha Denis Thuận thi hành tác vụ giữa những người Việt Nam, bằng cách cộng tác với những anh em thừa sai trong giáo phận truyền giáo Huế. Ngài sống ở giữa họ, cận kề bên họ. Dù vậy họ không thể giúp ngài quên được chính mình. Ngay tại Tiểu chủng viện, ngay tại giáo xứ Nước Mặn, ngài phải đương đầu với chính mình. Ngài hoàn toàn cô độc trước cuộc chiến nội tâm.
Giống như ông Giacóp khi tách khỏi đoàn người và đàn gia súc của mình để ở lại một mình tại khúc sông Giáp-bốc, cha Denis Thuận cũng có những lúc sống đơn độc một mình. Đây là một sự đơn độc không những cố ý, không chỉ là thời gian ngài dành cho việc cầu nguyện. Sự đơn độc này còn được hiểu như là do cho những bồn chồn lo lắng, do những ngờ vực. Cha Denis Thuận không bao giờ đặt lại vấn đề ngài đi rao giảng Tin Mừng cho người Việt Nam, trái lại, ngài hết lòng yêu thương dân tộc này 21. Nhưng ngài đã sử dụng những phương cách nào để giúp dân tộc này nhận biết Chúa Kitô? Tại sao ngài lại tự giam mình trong phòng làm việc của Tiểu chủng viện mà ngài coi như là một nhà tù? Ngài có thấy rõ con đường ngài cần phải đi chăng?
Khi ngài được phép rời Tiểu chủng viện để đi làm cha sở, ngài nghĩ rằng ngài có thể dễ dàng đưa nhiều người ngoài công giáo và dự tòng trở về với Chúa. Ngài đã dốc hết nhiệt tình, dồn hết tài lực đến mức cạn kiệt, nhằm để đưa nhiều linh hồn trở về với Chúa. Ngài ra sức làm việc không kể ngày đêm, như một người thợ hăng say và dũng cảm. Thế nhưng, tại sao, đang lúc hoạt động truyền giáo với những thành quả đáng khích lệ như thế, ngài lại mưu tìm một con đường nào khác? Tại sao ngài nghĩ nhất thiết cần phải thay đổi lối sống? Tại sao ngài tìm kiếm một phương cách khác, một kế thuật mới để rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Việt Nam? Chắc là ngài không biết chán những phúc lành của Thiên Chúa? Ngài còn thiếu thốn điều chi nữa? Ngài không thấy rõ cần phải chọn con đường nào hay sao?
Cha Denis Thuận quả thực đơn độc một mình trước những thách đố như thế và chúng trở thành những bóng tối đối với ngài. Chúng ta hãy mường tượng ngài đã phải trải qua bao đêm thức trắng để suy nghĩ về tương lai 22. Ngài bước đi trong đêm tối. Ngài cậy trông Thiên Chúa, nhưng cũng khỏi lo âu, mong đợi những ước mơ của mình trở thành hiện thực. Ngài đã phải chờ đợi năm năm để được phép đi đến một xứ đạo để rao giảng Tin Mừng cho lương dân; ngài đã phải chờ đợi chín năm để được phép trở thành đan sĩ: tất cả những năm tháng chờ đợi ấy là một quãng thời gian dài và đầy đau khổ đối với vị thừa sai này. Ngài phải đối đầu với những thái độ không thông cảm: ngài đơn độc bước đi một mình trong đêm tối. Giả sử, nhiều lần ngài tự hỏi liệu có bàn tay Thiên Chúa trong mọi sự việc ấy chăng? Nếu như Thiên Chúa khơi gợi trong ngài những mong muốn, những ước mơ như thế, thì giải thích làm sao đây việc chúng không được nhanh chóng thực hiện? Cha Denis Thuận có sai lầm trong những lựa chọn của ngài không?
b. Cho tới cùng
Ông Giacóp vật lộn cho tới cùng, đến nổi kiệt sức mà vẫn không buông tha đấu thủ, hầu đạt cho được lời chúc phúc của Thiên Chúa. Paul Claudel đã nói: đối với Thiên Chúa ấy, thì phải hoàn toàn chiến thắng mới được. Sự kiên trì nhẫn nại là giá phải trả cho tất cả mọi chướng ngại. Chúng ta cần phải chiến đấu cho tới cùng.
Trong quyển hạnh tích cha Biển Đức Thuận, Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến đã trưng dẫn một số bằng chứng từ những người quen biết cha Denis Thuận trước khi ngài thành lập nhà dòng Phước Sơn, và họ đã ghi nhớ những lời ngài nói. Đối với họ, tính nết hay thay đổi của cha Denis là nguyên do của tất cả mọi thay đổi và của những thành kiến nơi anh em thừa sai cũng như nơi các linh mục người Việt. Hầu hết các cha, Pháp cũng như Việt, đều do dự trước “ước mơ” thành lập một nhà dòng cho người Việt Nam. Bất chấp mọi điều đó, cha Denis Thuận không hề nao núng ấp ủ trong lòng ước mơ của ngài. Ngài chiến đấu cho tới cùng với chính mình và với những người khác để đạt cho được điều ngài nhắm tới. Ngoài những chướng ngại bên ngoài, ngài còn phải đương đầu với một quyền lực đáng phải cảnh giác hơn nhiều đang ẩn nấp phía sau. Ngài suy ngắm, cầu nguyện và tiếp tục chiến đấu.
Những lời trên đây cho thấy những khiếm khuyết của ngài như tính tình hay thay đổi, khơi dậy ý thức về những yếu đuối của ngài. Mà theo nhận xét của nhiều người, những yếu đuối như thế là vật cản không cho phép ngài thực hiện những gì ngài mong muốn. Thế nhưng, trong cuộc chiến nội tâm, trong cuộc đối mặt với Thiên Chúa, ý thức về những yếu đuối của mình như thế trở thành điều kiện để sức mạnh của Thiên Chúa khởi động. Quả thực, theo cha Denis Thuận, việc hoán cải các linh hồn, việc thành lập đan viện đầu tiên ở Đông Dương, không phải là công việc của loài người, mà chính Thiên Chúa đã ban cho ngài một ơn hoàn toàn nhưng không.
Ông Giacóp đã chiến đấu hết sức mình, nhưng cũng đến lúc ông bị thương. Ông cần phải nhận biết điểm yếu của mình, “chỗ yếu nhất” của mình. Thế nhưng, chính lúc đó ông được chúc phúc.
Sau nhiều năm truyền giáo, sau nhiều năm trải qua trong sự chờ đợi biến những ước mơ thành hiện thực, cha Denis Thuận đã phải đương đầu với bao khó khăn đến từ mọi phía và đã rút ra bài học về tầm quan trọng của sự bất lực của mình 24. Tuổi thơ tràn đầy nhiệt huyết và nhiệt tình của ngài đã chín mùi với thời gian, cũng như ngài đã thủ đắc thêm sự khôn ngoan từ những thất bại. Thoạt đầu ngài tưởng rằng ngài có thể dễ dàng hoán cải lương dân và những người dự tòng; thế nhưng, ngài đã vấp phải những khước từ, cả đến phải chịu nhục mạ. Ngài mơ tưởng việc thành lập Dòng thật đơn giản và ngài đã đề nghị với giám mục một vài phương án – nhưng tất cả đều trở thành số không. Ngài đã vấp phải sự từ chối của các đan sĩ Châu Âu do họ nhận thấy không thể thành lập một đan viện trong một hoàn cảnh như thế 25. Ngài bị tổn thương bởi một vết thương đến từ mọi phía. Với vết thương đó, ngài học biết đức khiêm nhường, một bài học làm nên nền tảng thiêng liêng và thái độ không thay đổi của ngài. Nếu như ngài nói năng khiêm tốn với mọi người, trước tiên ấy là vì ngài khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, Đấng đã đến thăm và đánh động ngài một cách sâu xa. Ta có thể nói rằng cha Denis Thuận đã được Thiên Chúa chiếm hữu, ngài đã trực diện với Thiên Chúa. Và việc Thiên Chúa chiếm hữu ngài đã biến đổi ngài từ nội tâm.
c. Sự biến đổi nội tâm
Cùng với việc bị trật khớp xương hông, ông Giacóp được chúc phúc và lãnh nhận tên mới là Ítraen. Nhận một tên mới là trở nên một con người khác, một con người mới. Kể từ lúc Apram trở thành Ápraham, thânphận của ông bắt đầu theo một định hướng mới: ông trở thành người cha, không những của một dân tộc, mà của vô số dân tộc. Từ nay cuộc đời của ông gắn kết với những kẻ tin nhận một Thiên Chúa duy nhất 26. Cũng đã diễn ra như thế đối với ông Giacóp. Kể từ lúc sứ thần – chính là Thiên Chúa – đặt cho ông tên Ítraen, tên tuổi của ông trở thành tên của một dân tộc và thân phận của ông gắn kết chặt chẽ với dòng dõi của ông; và Đấng Cứu thế sẽ phát xuất từ dân tộc của ông.
Tuy nhiên, điều gì đã tạo nên sự biến đổi nội tâm này? Chính là ông Giacóp, một khi bị Thiên Chúa gây thương tật, được Thiên Chúa chiếm hữu, đã tập trung cuộc đời của mình vào một mình Thiên Chúa. Ông bị trật khớp xương hông và đi khập khiễng. Để giữ thăng bằng, ông buộc mình phải cậy dựa vào một mình Thiên Chúa. Thoạt đầu, ông tin tưởng vào những điều ông đã toan tính, vào những kế thuật của mình, nhưng một khi Thiên Chúa chiến thắng, ông nhận ra sự bất lực của mình. Và sự khám phá vừa đầy ân phúc vừa đầy đau khổ này – vừa được chúc phúc vừa bị tổn thương – biến đổi ông thành một con người mới hướng tới một chân trời mới.
Chúng ta có thể xem xét cuộc đời của cha Denis Thuận dưới góc độ này. Sau nhiều năm thi hành sứ vụ truyền giáo, với tất cả những gì ngài đã hoàn thành với lòng nhiệt thành và óc sáng tạo, ngài đã bỏ lại đằng sau mình những hoạt động truyền giáo, những thành quả đã đạt được với biết bao mồ hôi nước mắt, cùng với những con người mà ngài hết mực yêu thương 27 để dấn thân vào một con đường khác. Thời gian dạy bảo ngài rằng chỉ một mình Thiên Chúa đã đủ cho ngài. Những thời lúc thắng vượt khó khăn và khủng khoảng đã cung cấp cho ngài những yếu tố quan trọng tạo thành những kinh nghiệm chủ yếu làm nền cho tương lai của ngài 28. Nếu như đối với cha Denis Thuận, Thiên Chúa là mối quan tâm duy nhất của ngài, nếu như cuộc đời của ngài chỉ tập trung vào một mình Thiên Chúa, thì chúng ta có thể thấy rằng ý tưởng sống đời đan tu sẽ là giải pháp duy nhất cho phép ngài thực hiện kỳ vọng ấy. Bởi vì ngài khám phá ra rằng điều quan trọng không phải là hoàn thành những công việc của Chúa, mà là sống với chính Thiên Chúa. Bằng nhiều cách thức và nhiều biện pháp khác nhau, Thiên Chúa đã thanh luyện cha Denis Thuận, để chuẩn bị cho ngài tiến sâu hơn vào trong sâu thẳm Huyền nhiệm của Người. Thiên Chúa đến, Người hiện diện ngay giữa những cuộc thanh luyện ấy29. Khi ấy đêm tối sẽ trở thành ánh sáng chói chang. Đức tin trong đêm tối trở thành đức tin rực rỡ rạng ngời. Thực vậy, Thiên Chúa xuất hiện cùng với ánh sáng biến hóa của Người30. Ông Giacóp đã nhận biết ai là đấu thủ của mình trong đêm tối. Ông đã nhận biết và đã nhận ra dung mạo người ấy.
d. Dấu chứng tình yêu
Hừng đông vừa ló dạng, ông Giacóp vội vã lên đường, tiếp tục cuộc hành trình, cuộc sống; ông bước chân vào Đất hứa, nhưng phải đi khập khiễng. Ông không thể bước đi bình thường như trước khi xảy ra cuộc vật lộn trong đêm tối đơn độc. Từ nay ông không còn bước đi bình thường như trước nữa. Bây giờ thương tật này trở thành dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa, của một tên mới, của một thân phận mới. Mỗi bước đi khập khiễng nhắc ông nhớ tới kinh nghiệm tuyệt vời mà ông đã cảm nghiệm khi vật lộn với Thiên Chúa.
Cha Denis Thuận tiếp tục cuộc hành trình, cuộc mạo hiểm. Nhưng, kể từ khi Thiên Chúa chiếm hữu ngài, kể từ lúc Chúa Kitô băng bó các vết thương của ngài, ngài không còn bước đi bình thường như trước nữa. Kể từ nay, ngài phó thác mọi sự trong tay Thiên Chúa, phó mình cho Thiên Chúa phù trợ. Kể từ nay, ngài chỉ còn tìm thấy sức mạnh nơi một mình Thiên Chúa. Hơn bao giờ hết, ngài tin chắc chắn rằng ước mơ của ngài phát xuất từ Thiên Chúa và duy chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể biến ước mơ ấy trở thành một hiện thực hoàn hảo. Nếu Thiên Chúa khơi gợi cho cha Denis Thuận một ước mơ như thế – tức ước mơ sống một mình với duy nhất một mình Thiên Chúa, và giúp tha nhân chuyên chú vào một mình Thiên Chúa – thì chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa hiện diện ở trong chính ước mơ của ngài. Mà ước mơ đầy ân phúc này, chính là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa, bởi vì kết hiệp với Thiên Chúa là cội nguồn hạnh phúc.
3. Thiên Chúa là Đấng quan tâm và theo dõi con người
Trong tập truyện về ông Giacóp, các bài trình thuật Kinh thánh, khi đề cập tới những cuộc gặp gỡ giữa vị tổ phụ này với Thiên Chúa, đã cho thấy một vài “đặc điểm” của Thiên Chúa. Nếu như Đức Chúa của ông Ápraham là một Đức Chúa cất tiếng mời gọi và thực thi lời giao ước, thì Đức Chúa của ông Giacóp là một Đức Chúa quan tâm và theo dõi con người xuyên suốt cuộc sống ở trần gian. Quả thế, cả hai trình thuật về giấc mộng thấy chiếc thang và cuộc vật lộn tại khúc sông Giáp-bốc, đã mở ra và đóng lại thời kỳ lưu đày của ông Giacóp; cả hai câu chuyện chứng tỏ Thiên Chúa là một Đức Chúa luôn đồng hành với ông Giacóp và sự hiện diện của Người đánh động cuộc đời của ông.
a. Tỏ mình qua cuộc sống
Trong trình thuật về cuộc vật lộn tại khúc sông Giáp-bốc, Thiên Chúa tỏ mình cho ông Giacóp trong sự hoang vắng của vùng sông Giáp-bốc: ông Giacóp đã gặp gỡ Thiên Chúa, đã nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt trong tình cảnh nhiều hiểm nguy đang rình rập: ông buồn sầu – bởi vì ông ở một mình trong đêm tối – và ông đang đứng trước viễn cảnh một cuộc chạm trán với người anh đối địch là ông Êxau. Thiên Chúa đã tạo cho ông một cuộc gặp gỡ ngay giữa những bộn bề lo âu cho cuộc sống và những lo toan cho tương lai. Nhưng Thiên Chúa hiện diện ở đấy, trong cuộc chiến tay đôi, lâu dài và mãnh liệt.
Trong cuộc đời của cha Denis Thuận, không có những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa diễn ra trong “tia chớp và sấm sét” hoặc trong những hiện tượng bí nhiệm phi thường. Thiên Chúa chỉ tỏ lộ cho ngài dung nhan của Người qua cuộc sống thường ngày, trong những thời điểm khó khăn. Ngài khẩn khoản cầu xin Chúa khi rơi vào những tình huống khó xử, trong những lúc buồn sầu, khi gặp thất bại. Thiên Chúa hiện diện ở đấy, ngay giữa những lo âu của ngài. Còn khi thử thách đức tin và lòng dũng cảm của ngài, Thiên Chúa ban ơn trợ giúp ngài. Vì thế khi mời gọi vị thừa sai này ra đi loan báo Tin Mừng Chúa Kitô, Thiên Chúa cùng đồng hành với ngài, quan tâm và theo dõi ngài bất cứ nơi nào ngài đi đến. Trong cuộc chiến nội tâm, Người ban cho ngài sức mạnh để chiến thắng. Nhưng chiến thắng này không gì khác hơn là tuân phục Thiên Chúa, một lòng một dạ với Người 31.
Hình ảnh về một Đức Chúa luôn gần gũi và hiện diện ngay giữa cuộc đời của con người, là một trải nghiệm cơ bản. Thực vậy, Thiên Chúa không phải là một Đức Chúa bất động, vô cảm, bỏ mặc con người cho số phận. Không, Thiên Chúa là một Đức Chúa hành động, luôn quan tâm và theo dõi con người.
b. Phải chăng một Đức Chúa “lấp đầy chỗ trống”?
Mặc dù Thiên Chúa là một Đức Chúa hành động, kiến tạo công trình của Người ngay trong cuộc sống của con người, nhưng Người không phải là người thay thế. Trái lại, Người để cho con người được tự do. Người hiện diện ở đấy, nhưng theo cách ẩn mặt. Khi ông Giacóp kết thúc cuộc vật lộn, ông nhờ lời nói của đấu thủ, mà nhận biết mình đã chiến đấu với chính Thiên Chúa. Thiên Chúa ẩn mặt, Người làm như vắng mặt để cho con người được tự do. Nếu Thiên Chúa để con người hành động một mình trong khi Người có thể chinh phục họ, là để cho con người lớn lên trong Chúa. Trái lại, con người cần phải được Thiên Chúa chinh phục để Thiên Chúa lớn lên trong họ. Ở đây chúng ta lại nhận thấy nghịch lý trong sự hoán chuyển giữa chiến thắng và thất bại 32.
Như trên đã nói, trong đời mình, cha Denis Thuận đã từng phải đương đầu với biết bao chướng ngại trên đường đi. Ngài đã vận dụng hết mọi năng lực để chiến đấu nhằm đạt được ước mơ. Ngài hành động như là đơn độc chỉ có một mình lèo lái con thuyền cuộc đời tiến tới bến33. Thiên Chúa không thay thế những chọn lựa, những định hướng mà cha Denis Thuận nhắm đến. Khi ban cho ngài sức mạnh để chiến đấu cho tới cùng, Thiên Chúa ẩn mặt trong đêm tối, trong huyền nhiệm của Người.
Một hình ảnh như thế về một Thiên Chúa là Đấng không bao giờ “lấp đầy chỗ trống”, tạo cho cha Denis Thuận một cảm nghiệm quan trọng; cảm nghiệm này đưa dẫn ngài tới một sự trưởng thành tâm linh. Hình ảnh ấy giúp ngài giũ bỏ hình ảnh ngây thơ về Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa dành cho con người một không gian tự do, chính là để cho việc con người lựa chọn Thiên Chúa đích thực là một sự lựa chọn tự nguyện và xuất phát từ tình yêu. Để lựa chọn Thiên Chúa một cách ý thức và tự nguyện, con người cần phải chiến đấu với chính mình, chiến đấu với những quyền lực bên ngoài và chiến đấu với chính Thiên Chúa nữa. Mà mỗi cuộc chiến đấu quan trọng đều dẫn đến một bước ngoặt quyết định trong cuộc sống.
c. Làm chao đảo
Việc gặp gỡ với Thiên Chúa khiến cuộc đời của ông Giacóp bị chao đảo. Kể từ nay ông chỉ còn biết cậy dựa vào một mình Thiên Chúa. Ông tin tưởng, ông cậy trông ở lời Chúa giao ước. Hẳn thật, đối với ông, Thiên Chúa là một Đức Chúa dũng mãnh và tín trung. Tuy nhiên, mặc dù lúc nào Thiên Chúa cũng đồng hành với ông trên mọi nẻo đường đời, bởi vì Người là Đấng tín trung, nhưng Người cũng không để ông yên ổn. Người can thiệp vào những thời điểm quyết định trong cuộc đời của ông – như khi ông trốn chạy trước cơn thịnh nộ của ông Êxau hoặc khi ông chuẩn bị để gặp gỡ người anh này – để hướng ông tới những điều mà ông không nhận biết.
Nhiều lúc chúng tôi cũng đã tự hỏi tại sao cha Denis Thuận cố gắng tìm cách thay đổi: thay đổi hoạt động, thay đổi lối sống. Quả thực, đằng sau những khao khát, những ước mơ của ngài, có một Ai đó đang ẩn mặt. Thiên Chúa làm chao động cuộc đời làm cha của cha Denis Thuận, Người không để ngài được ở yên, tự mãn. Người thôi thúc ngài tiến tới, lúc nào cũng lên đường ra đi. Người đánh động tấm lòng của cha, tấm lòng luôn khao khát những điều vĩ đại hơn, cao cả hơn, thiện hảo hơn.
GHI CHÚ 4
1. “Nhìn kỹ thế giới của các tổ phu, dường như tất cả mọi hoàn cảnh đều họp lại nhằm để thất bại: ganh đua, mưu mô, lừa bịp, mánh khóe, dọa dẫm, đe dọa, sợ hãi, áp bức, lưu đày, cô độc … Nhưng lại!…
Một cuộc mưu tìm lâu dài trong không gian và thời gian, những cuộc hành trình và phả hệ bị gián đoạn, nhiều biến cố quyết định – có tính cứu độ hoặc bất hạnh khắc sâu vào trí nhớ và khơi gợi nhiều câu chuyện, được kể đi kể lại mãi mãi vẫn còn.
Quả thực, chính trong những biến cố như thế, những gián đọan như thế, mà cuộc sống – và đôi khi việc sống còn – của một nhóm người – cũng như căn tính, gia đình, bộ tộc hoặc bộ lạc của họ được trải nghiệm. Vì vậy, những biến cố và những gián đọan trong diễn biến bình thường của muôn vật như thế, lại trở thành những yếu tố cốt tủy, có sức kiến tạo : chúng là cội nguồn khai sinh một ý nghĩa mới, một cuộc sống mới.
Theo mức độ mà tôi có thể dò tìm và nhận ra điều gì đó thuộc về tôi trong những biến cố đó và nơi những người đã trải nghiệm những biến cố đó, thì tôi sẽ tìm thấy cội nguồn và tổ tiên… đồng thời tôi cũng tìm được những lý do để hy vọng, để chiến đấu và để sống.” Clerc Daniel, Jordan Christine, Pleiffer Sabine, Durrenmatt Pierre et Péclard Jean, Jacob. Les aléas dune bénédictin, Labor et Fides, Genève, 1992, pp. 7-8.
2. M. MASSENET, Jacob ou la fraude, Cerf, Paris, 1991, p. 118.
3. M. MASSENET, sđd, p. 118.
4. Xem St 28, 10-22.
5. St 32, 30.
6. Daniel Clerc, Christine Jordan, Sabine Pleiffer, Pierre Durrenmatt et Jean Péclard, , sđd, p. 117.
7. Daniel Clerc, Christine Jordan, Sabine Pleiffer, Pierre Durrenmatt et Jean Péclard, , sđd, p. 117-118.
8. M.-D. MOLINIE, Le combat de Jacob, Cerf, Paris, p. 126.
9. Trong tác phẩm tập thể Jacob. Les aléas dune bénédictin, Labor et Fides, Genève, 1992, Daniel Clerc, Christine Jordan, Sabine Pleiffer, Pierre Durrenmatt et Jean Péclard giới thiệu ba cách hiểu trình thuật về cuộc vật lộn của ông Giacóp: “Theo thánh Augustin, cuộc vật lộn của ông Giacóp với sứ thần là ẩn dụ thân phận của dân Ítraen từ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Thân phận này liên quan tới các tín hữu Kitô và người Ítraen… Theo Calvin, cuộc vật lộn của ông Giacóp với sứ thần là ẩn dụ thân phận của những kẻ tin trước các chước cám dỗ. Nó liên quan đến tất cả mọi tình huống gây xung đột của cuộc sống. Thiên Chúa đứng vào vị trí của sứ thần để thử thách con người cũng như để giúp đỡ họ chiến thắng thử thách… Còn đối với Luther, chính cuộc chiến mới là điều quyết định. Điều quan trọng không phải là diễn tiến cuộc chiến, mà là sự kiện đã xảy ra cuộc chiến, và “chúng ta không thể hiểu điều này theo chữ nghĩa”. Cuộc chiến ẩn giấu một bí nhiệm, nhưng dạy chúng ta biết “Thiên Chúa đối xử với chúng ta như thế nào khi Người lắng nghe chúng ta”. Vì thế câu chuyện này trở thành ẩn dụ về mọi cảm nghiệm trong những gặp gỡ với Thiên Chúa: trước hết đây là một cuộc thử thách…” (pp. 124-125). Liên quan đến ba cách hiểu của thánh Augustin, Calvin và Luther, xem pp. 121-130.
10. M. MASSENET, sđd, p. 22.
11. M. MASSENET, sđd, p. 33.
12. “Tuy nhiên, không phải tình cờ mà cuộc phiêu lưu của ông Giacóp diễn ra chiều hôm đó trong màn đêm vắng lặng: đó là sự cô độc và đêm tối của con người, đêm tối là sự cô độc của mọi người, còn sự sợ hãi bao trùm đêm tối.” M. MASSENET, sđd, p. 36.
13. “Thời điểm nguy kịch trong cuộc đời của ông Giacóp đã được tường thuật dưới hình thức hai cuộc khủng khoảng; mỗi cuộc khủng khoảng có thể được tường thuật riêng lẻ, trước khi soạn giả kết cả hai thành một bài trình thuật. Trong cuộc khủng khoảng trước, ông Giacóp gặp gỡ Thiên Chúa, còn cuộc khủng khoảng sau, ông Giacóp gặp ông Êxau.” P. BEAUCHAMP, Cinquante portraits biblique, “Jacob le lutteur”, Seuil, 2000, p. 50.
14. Clerc Daniel, Jordan Christine, Pleiffer Sabine, Durrenmatt Pierre et Péclard Jean, Jacob. Les aléas dune bénédictin, Labor et Fides, Genève, 1992, p. 119.
15. M. MASSENET, sđd, p. 79.
16. M. MASSENET, sđd, p. 102.
17. Liên quan tới việc thay đổi tên của ông Giacóp, cuộc vật lộn của ông tượng trưng lý tưởng hoán cải trong cuộc chiến với Thiên Chúa. Những gương mặt vĩ đại về sự thánh thiện là thánh Augustin, hoặc về văn chương như Paul Claudel đã nói về sự hoán cải này. Dưới đây là hai bản văn tiêu biểu:
“Oi chân lý, ánh sáng của hồn ta
xin đừng để sự tăm tối dạy bảo ta!
Ta mãi mê chạy theo những sự ở đời này
Nên ta trở nên tăm tối.
Nhưng từ xa, từ bên kia, ta đã vô cùng yêu quý mi.
Ta đã lầm lẫn, nhưng ta đã không quên mi.
Ta lắng nghe tiếng mi ở sau lưng giục giã ta hãy trở lại,
nhưng vì các xúc cảm đang rạo rực xao động,
ta đã chẳng nghe mi.
Còn bây giờ, ta đã trở về đây,
Khao khát, vội vã đến bên suối nguồn của mi.
Xin đừng xua đuổi ta!
Cho ta uống no nê và tràn đầy sự sống!
Chớ gì ta không sống cuộc đời của ta nữa!
Ta đã sống không xứng.
Ta đã gây cái chết cho chính ta :
và ta đã tìm lại được sự sống nơi mi.
Mi hãy nói cho ta biết; hãy dạy ta đi.
Ta đặt trọn niềm tin nơi các tác phẩm của mi,
những lời được viết trong đấy là những mầu nhiệm sâu xa”
(Thánh Augustin, Confessions, I, XII, X, 10).
“Đột nhiên tâm hồn tôi xúc động và tôi đã tin. Tôi tin một cách mãnh liệt, với sự thúc đẩy của cả con người tôi, với niềm xác tín vô cùng sâu sắc, với một sự vững vàng tới mức không còn chỗ cho bất cứ một thứ hoài nghi nào, để rồi từ đây, tất cả sách vở và mọi lý luận, mọi ngẫu nhiên trong cuộc đời sôi động, không lay chuyển nổi đức tin của tôi, cũng như không thể chạm tới đức tin ấy. Bỗng dưng tôi cảm thấy thống thiết trước sự chân thiẹn, sự hồn nhiên vĩnh hằng của Thiên Chúa, quả là một mạc khải khôn tả. [… ] Một con người mới tuyệt vời cùng với những yêu cầu phi thường đối với một thanh niên và một nghệ sĩ như tôi, đã hiển hiện khiến tôi không còn biết phải ứng xử làm sao với tất cả những gì xung quanh tôi. Tình trạng của một người thình lình bị người ta lột da, đem khoác vào một thân xác xa lạ giữa một thế xa lạ là điều duy nhất mà tôi có thể so sánh để diễn tả về sự hoàn toàn biến đổi này. Điều kinh khủng nhất theo ý tôi và theo những sở thích của tôi, nhưng lại là điều xác thực, đó là dù muốn dù không, tôi vẫn bằng lòng với điều đó. Mà không phải là tôi đã không làm hết cách để kháng cự đâu ! Sự cương quyết chống lại này đã kéo dài bốn năm. Tôi dám nói rằng tôi đã ra sức chiến đấu và cuộc chiến đó chân thực và toàn diện. Không bỏ qua bất cứ điều gì. Tôi đã vận dụng tất cả mọi phương sách kháng cự, nhưng tôi đã phải lần lượt từ bỏ những vũ khí chẳng dùng được vào việc gì cả. Đó là cuộc khủng khoảng kinh khủng nhất đời tôi, cuộc đau khổ phiền muộn trong tâm tư tình cảm như lời Arthur Rimbaud đã viết: “cuộc chiến thiêng liêng cũng tàn bạo không thua gì cuộc chiến của loài người. Đêm tối kinh khủng! Máu khô động xông mùi trên mặt tôi!” Paul CLAUDEL, Ma confession, 1913.
18. “Chắc hẳn, ông Giacóp là vị anh hùng. Nhưng lần theo chuyện kể, đấu thủ của ông trở nên vĩ đại hơn. Chính đấu thủ đã khơi mào cuộc vật lộn (người là cội nguồn của mọi hành động) và tạo điều kiện để kết thúc tình cảnh nghịch lý khi thua cuộc bằng cách đặt một tên mới cho vị anh hùng. Từ nay ông Giacóp được gọi là Ítraen (c. 29). Theo bản văn, tên này có nghĩa là: “Ngươi đã vật lộn với Elohim và với loài người, và ngươi đã kiên vững.”, Clerc Daniel, Jordan Christine, Pleiffer Sabine, Durrenmatt Pierre et Péclard Jean, Jacob. Les aléas dune bénédictin, Labor et Fides, Genève, 1992, p. 120.
19. Câu chuyện của ông Giacóp được đánh dấu bằng một chuỗi phúc lành. Nhưng ông Giacóp vẫn chưa toại nguyện. Trong lúc vật lộn, ông buộc đấu thủ chúc phúc cho ông chừng như ông chưa được chúc phúc đủ. “Nếu ông Giacóp-Ítraen được chọn, chính là vì, hơn ai hết, ông mong muốn với tất cả đường gân thớ thịt của mình, được chọn. Ông đã mong muốn điều đó ngay từ khi còn trong bụng mẹ … Được chọn, chính là mong muốn được như thế đó. Quan niệm này không thể thay thế mầu nhiệm bằng một sự tương đương rỗng tuếch. Nó đưa dẫn đến mầu nhiệm : chúng ta càng thấu triệt ước mơ của con người, sự trổi vượt của Thiên Chúa càng tỏ lộ cho chúng ta, như Người vốn vô hình. Khi ấy tầm cao được trả lại cho chúng ta như nó vốn vô hình. Khi mà độ cao của bầu trời tạo cho chúng ta một hình ảnh, thì chiều sâu của sông suối là nơi sâu kín mà chính Thiên Chúa trao ban ước mơ cho con người và Người muốn làm thỏa lòng ước mơ ấy.” P. Beauchamp, Cinquante portraits bibliques “Jacob, le lutteur”, Seuil, Paris, 2000, pp. 49-50.
20. Clerc Daniel, Jordan Christine, Pleiffer Sabine, Durrenmatt Pierre et Péclard Jean, Jacob. Les aléas dune bénédictin, Labor et Fides, Genève, 1992, p. 120.
21. Trong các thư gửi song thân, cha Denis Thuận bộc bạch rõ ràng tâm tình yêu thương người Việt Nam. Càng ngày ngài càng sống theo phong cách Việt Nam.
22. Ở Việt Nam, vào thời cha Denis Thuận sống ở họ đạo Nước Mặn, người sử dụng đèn dầu hoặc đèn dầu hôi. Những loại đèn như thế có ánh sáng yếu ớt, nên tỏa sáng không xa.
23. Trong quyển Hạnh tích, Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến tự hỏi phải chăng việc thành lập Dòng khởi phát từ tính tình hay thay đổi của cha Denis Thuận hay đấy là kết quả của sự ngẫu nhiên. Tác giả trả lời một cách dứt khoát: không! Tiếp đến tác giả trưng dẫn một số bằng chứng từ những người quen biết cha Denis và họ chứng nhận rằng cha Denis đã ấp ủ từ lâu trong lòng ý tưởng thành lập Dòng. Xem Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 95-110.
24. Thánh Phaolô đã viết: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12, 10).
25. Ngoài hai lý do thiếu nhân sự ở Châu Au và khí hậu nhiệt đới không tạo điều kiện cho việc tuân giữ luật Dòng (!), lý do thứ ba khiến cha Denis Thuận vô cùng đau lòng, đó là người Việt Nam không có khả năng sống đời đan tu!
26. Ba tôn giáo độc thần là Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, đều nhìn nhận ông Ápraham là cha, là tổ phụ.
27. Cha Denis Thuận đã khóc hết nước mắt vào ngày ngài từ giã họ đạo Nước Mặn.
28. Cuộc gặp gỡ Chúa Kitô trên đường Damas đã biến đổi sâu sắc thánh Phaolô; những năm sau đó, thánh nhân đã coi những gì xưa kia là có lợi, – dòng dõi, chi tộc, lòng nhiệt thành, sự công chính – thì nay lại cho là thiệt thòi vì Chúa Kitô. Ngài viết: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” Pl 3, 4-9a.
29. M.-D. MOLINIÉ cho rằng “cuộc vật lộn của ông Giacóp không khác gì hơn sự vận hành giữa hai việc thanh luyện chủ động và thụ động mà thánh Gioan Thánh giá đã nói.” Le combat de Jacob, Cerf, Paris, 1967, pp. 178-180.
30. Trong Lời mở đầu, thánh Biển Đức mời gọi các đan sĩ hãy tiến bước dưới sự hướng dẫn của Tin Mừng trong ánh sáng thần hóa của Thiên Chúa.
31. “Thuận”, tên Việt của cha Denis diễn tả thái độ vâng phục ấy.
Trong nền văn hóa Việt Nam, niềm tin vào “Ông Trời” không có tác động triệt để; nó phát xuất từ kinh nghiệm, có tính cách tự phát và chỉ có thể hiểu được trong tương quan với những tín ngưỡng khác như việc thờ kính tổ tiên. Trong một bối cảnh tôn giáo như thế, Trời chỉ được xem như thần linh, một quyền năng vừa đáng sợ vừa đáng yêu. Người ta không dám chống lại Chúa – Ông Trời – mà cố gắng vâng phục Người, khám phá “Thiên mệnh”, nghĩa là ý Trời qua tất cả mọi tình huống của cuộc sống để đem ra thi hành. Chúng ta sẽ gặp lại khái niệm Trời nơi người Việt ở chương VI, chúng ta sẽ đề cập tới việc đón nhận khái niệm này nơi tâm hồn người Việt.
32. “Và Giacóp có thể duy trì cuộc vật lộn, bởi vì ông đã được lão luyện từ các mệnh lệnh do việc được Chúa chọn : hãy ra đi, hãy từ bỏ, hãy đi đi; con người ra đi hầu Thiên Chúa có thể đến; con người từ bỏ và Thiên Chúa xuất hiện; cuộc gặp gỡ nằm trong chuyển động kép này, trong hai bước tiến trái ngược này: Thiên Chúa chạy đến vừa khi con người xóa mình đi, Thiên Chúa chạy nhanh tới vừa khi con người chạy trốn. Giao ước diễn ra như thế đấy, từ chuyển động, phiêu lưu, khám phá thời gian nhờ vĩnh hằng, khám phá vĩnh hằng nhờ thời gian. Chừng như giao ước bắt nguồn từ những bế tắc liên tiếp, được kiến tạo trên thất bại, vận dụng sóng trào lui của trần gian để tiến tới chính mình.” M. MASSENET, Jacob ou la fraude, Cerf, Paris, 1991, p. 118.p. 32.
33. Trong một bức ảnh về Nhà Dòng Phước Sơn, người chụp ảnh đã lấy toàn cảnh: Nhà Dòng nằm trên một ngọn đồi, có dòng sông Bến Hải chảy ngang ở giữa và ở phía dưới. Có một người đang chèo chống đưa con thuyền vào bến. Bức ảnh này gợi cho chúng tôi ý tưởng về cuộc chiến của cha Denis. Ngài chiến đấu với những trào lưu trái ngược để đạt cho được đều ngài nhắm tới. Xem hình số 27.
CHƯƠNG III
VỊ ĐAN SĨ (1918 – 1933)
“Chúng tôi hãy năng nhớ lại mà cám ơn Chúa, vì Chúa đã thương gọi chúng tôi vô dòng này. Thật là một ơn rất trọng. Các thánh nói, trừ ơn được chịu phép Rửa tội ra, không có ơn nào quý trọng bằng ơn thiên triệu này, đáng kể là chịu phép Rửa tội lần thứ hai, vì ơn vào dòng thì tóm lại hết các ơn thay thảy.”
(DN số 133)
Trong chương trước, chúng tôi đã giới thiệu dung mạo vị tông đồ truyền giáo qua con người của cha Denis Thuận: một dung mạo đặc sắc vừa do quá trình tu luyện của ngài vừa do sự di chuyển vì những tiếp xúc hằng ngày. Tính cách của ngài phức tạp tới mức chúng ta không thể tóm tắt trong một câu hoặc trong một vài lời. Hẳn thật, những quyết định, những chọn lựa của ngài không phải lúc nào cũng được người khác, ngay cả những người thân cận như Đức Cha Allys Lý, có thể hiểu được. Những di chuyển trong không gian (trong nhiều nơi khác nhau) thể hiện một biến chuyển nào đó trong tâm trí, trong cuộc sống của ngài. Ngài đã trải nghiệm những căng thẳng, chán nản, trống vắng. Tuy nhiên, ngài đã không để cuộc đời mình trôi qua trong sự vô nghĩa. Ngài ước mơ, tìm kiếm, nóng lòng chờ đợi cho tới khi đạt được điều ngài mong muốn.
Bây giờ chương này sẽ giúp chúng ta khám phá một dung mạo khác nữa của cha Biển Đức Thuận : ngài đã trở thành đan sĩ. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, ngài đã từ bỏ “mọi người”, tức Tiểu chủng viện An-Ninh và mọi hoạt động truyền giáo để tiến sâu vào trong thinh lặng, trong thanh vắng của nhà dòng mà ngài vừa mới thành lập, hãy còn nóng hổi. Ngài thực thi lối sống mới mẻ này một cách thận trọng, nhưng cũng không kém quyết liệt và tin tưởng. Ngài phải đối mặt với đủ mọi thứ khó khăn thử thách, nhưng chúng chỉ kiên vững thêm căn tính và cá tính của ngài. Đối với những giai đoạn trước kia, nơi ngài vẫn có một sự liên tục, nhưng cũng có một sự đứt quãng nào đó. Vẫn là cuộc đời của cha Denis Thuận, nhưng cuộc đời ấy có nhiều mặt, nhiều cách hiểu cũng như nhiều bí ẩn.
I. Mười lăm năm sống đời đan tu
1. Ước mơ: thành lập một đan viện cho người Việt Nam
Từ lâu, cha Denis Thuận ấp ủ trong lòng ý tưởng thành lập một đan viện nhắm lợi ích cho người Việt Nam. Ước mơ khai sinh một cộng đoàn chiêm niệm tại đất nước này luôn ám ảnh tâm trí của vị thừa sai này. Linh mục Durand, trong bài đăng trong tập san Les Missions Catholiques1 đã kể lại câu chuyện này từ những lá thư mà cha Denis Thuận trao đổi với giám mục sở tại và các Bề trên của một vài đan viện ở Châu Au: “Năm 1909, cha Denis, thừa sai tại Huế ở Trung kỳ, đã xin giám mục sở tại là Đức Cha Allys Lý, được tập hợp một vài thanh niên và cùng sống với họ theo Tu luật thánh Biển Đức, bởi vì ngài nói: ở Đông Dương có nhiều nhà dòng dành cho nữ giới, trong khi chưa có nhà dòng nào dành cho nam giới”… Nhưng giám mục khuyên ngài nên kêu gọi các đan sĩ Dòng Trappe. Vậy là cha Denis gửi lời thỉnh nguyện đến các Viện phụ ở Pháp, Ý, cả đến Viện phụ ở Bắc Kinh vốn trước kia là thừa sai thuộc Hội Truyền giáo, rồi đến các đan sĩ Chartreux và Biển Đức. Ngài luôn nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không thể lập Dòng ở Đông Dương; khí hậu ở đấy không cho phép tuân giữ trọn vẹn luật Dòng chúng tôi.” Và việc từ chối này còn dựa trên nhiều lý lẽ khác nữa như: “đan viện chúng tôi đang thiếu nhân sự; còn nếu tuyển sinh tại chỗ, liệu có thể tin tưởng vào những người Việt Nam bé nhỏ, bề ngoài có vẻ mảnh khảnh, thể chất ốm yếu, tâm thức không mấy kiên trì? Liệu họ có thích hợp với một tu luật không thể thay đổi chăng, và tuân giữ chay tịnh, thức khuya dậy sớm, lao động khổ cực, mà thường thì không thể miễn trừ điều gì?…”
Đứng trước một hoàn cảnh gần như thất vọng như thế, cha Denis Thuận vẫn tiếp tục chuẩn bị cho công việc lập Dòng trong tương lai. Trong những năm sau cùng làm giáo sư tại chủng viện An-Ninh, nhất là vào năm 1918, ngài cầu nguyện nhiều, đôi khi cầu nguyện rất lâu trước Thánh Thể. Rồi ngài nghiên cứu Tu luật thánh Biển Đức để thấu triệt tinh thần tu luật, đồng thời ngài tham khảo Hiến pháp Dòng Xitô Nhặt phép (OCSO – Dòng Trappe) nhằm thích ứng với lối sống và văn hóa Việt. Ngài cũng bắt đầu âm thầm tập cho mình quen với một số thói lệ đan tu như là để chuẩn bị sống lối sống mà ngài chọn sẽ là lối sống của ngài.
Ngày 15 tháng tư 1918, Đức Cha Allys Lý đệ trình Hồng y Tổng trưởng Bộ Truyền giáo “Thỉnh nguyện thư xin thành lập một cộng đoàn nam giới”. Trong thỉnh nguyện thư này, giám mục Tông tòa Huế cung cấp tất cả những dữ liệu liên quan đến nhà dòng sẽ được thành lập và kết luận: “Phải chăng người Việt Nam không được quyền ưu đãi nên đành chịu thiệt thòi là không được hưởng phúc sống đời đan tu như người Hoa, người Nhật? Thiết tưởng không! Vậy tôi dám mong ngài chiếu tình cho người Việt Nam cũng được thông công hạnh phúc của đời đan tu. Tôi dám hy vọng rằng cây non do vị linh mục thừa sai này khởi trồng, nhờ sương sa mát mẻ của Dòng Trappe hay Dòng nào khác, sau này sẽ trở thành cây đại thọ xanh tốt, nào ai biết được …?”
Cơ hội ngàn năm có một lại đến: Quận công Nguyễn Hữu Bài2, thượng thư Triều đình Huế, là một người công giáo nhiệt thành; ông sẵn sàng dâng hiến một khu đất rộng chưa được khai phá trên vùng đồi Phước Sơn3, cách Huế chừng trăm cây số. Đức Cha Allys Lý thuận tình để cha Denis Thuận ra đi và bắt đầu cuộc sống mới của ngài tại đấy, cuộc sống của một đan sĩ. Nhưng trước đấy, cha Denis Thuận đã không quên đến La Vang, trung tâm hành hương của cả nước, để phó thác công việc trọng đại của ngài cho Đức Trinh nữ Maria, Mẹ vô cùng đáng yêu.
Vậy là ngày 14 tháng tám 1918, cha Denis Thuận ra đi cùng với người môn đệ đầu tiên là anh Thađêô Chánh4, với hành lý mà cố Girard Hòa Bề trên chủng viện An-Ninh đã chuẩn bị sẵn. Ngài chọn ngày hôm sau là ngày 15 tháng tám, lễ Đức Mẹ lên Trời, để cử hành trọng thể thánh lễ khai sinh nhà dòng mới vốn chỉ là một túp lều thô sơ trên đồi Phước Sơn.
2. Khởi đầu một lối sống mới
Ít lâu sau, công việc bắt đầu tiến triển nhờ một nhóm nhỏ gồm vài thanh niên khao khát đời đan tu và vài người thợ làm công.
Công việc đầu tiên phải làm là khai hoang một khu đất để dựng lên vài mái nhà tranh và tiếp sau đó là trồng trọt. Nhưng công việc này càng trở nên khó nhọc hơn bởi vì các đan sĩ tương lai chỉ có trong tay những dụng cụ rất thô sơ như dao, cuốc, xẻng.
Tin tức về việc cha Denis Thuận lập Dòng lan nhanh khắp giáo phận Tông tòa Huế. Anh em thừa sai lần lượt đến xem điều gì đã diễn ra trong nơi vắng vẻ rừng rú này, và động viên khích lệ. Tín hữu cũng tò mò đến xem. Nhờ những cuộc thăm viếng tự phát này, nhiều thanh niên đến và ở lại để trải nghiệm đời đan tu, một lối sống hoàn toàn mới lạ đối với họ và họ chưa có một ý niệm nào. Một cộng đoàn nho nhỏ bắt đầu hình thành như thế đó.
Trong cuộc sống hằng ngày, cộng đoàn hết sức bé nhỏ này tuân giữ bằng nào có thể đời sống đan tu ở mức tối thiểu theo nhịp các giờ kinh phụng vụ và giờ lao động. Tuy nhiên, trong cộng đoàn vừa mới phôi thai và còn trong thời kỳ khai hoang và tạo dựng, thì việc lao động tay chân dĩ nhiên chiếm nhiều thời gian hơn những hoạt động khác. Cũng không thể cử hành phụng vụ đúng luật lệ đan tu, vì thiếu sách kinh cần thiết và nhất là vì những môn đệ đầu tiên của cha Denis Thuận không hiểu biết tiếng La-tinh; họ là những người nông dân trẻ tuổi, chất phác, đầy thiện chí, nhưng chẳng có chút ý niệm nào về đời đan tu. Để bù lắp chỗ thiếu sót này, cộng đoàn đọc các kinh thường đọc trong các giáo xứ và đặc biệt là lần hạt, thay cho thần vụ bằng tiếng La-tinh.
Mặc dù cũng có vài người nản lòng và rút lui, nhưng không vì vậy mà thiếu ơn gọi. Nỗ lực đầu tiên của cha Denis Thuận tập trung vào việc tạo dựng nhà cửa để đón nhận những người mới đến và tạo nơi ăn ở cho các đan sĩ tương lai; nhưng vì thiếu tiền, nên nhà cửa, tất cả đều tạm bợ và che chắn theo cảnh nghèo.
Như trên chúng tôi đã đề cập tới thỉnh nguyện thư Đức Cha Allys Lý gửi Hồng y Tổng trưởng Bộ Truyền giáo về việc thành lập Dòng. Đức Thánh Cha Biển Đức XV hết sức quan tâm đến việc thử lập Dòng này và sung sướng chấp thuận. Và đây là thư phúc đáp của Hồng y Tổng trưởng Van Rossum6, ngày 11 tháng mười 1918:
“Thưa Đức Cha khả kính,
Tôi rất hài lòng khi được biết, qua thư Đức Cha, có một vị thừa sai trong Giáo phận Tông tòa của Đức Cha muốn thiết lập một Hội Tu sĩ cho nam giới bản xứ. Ý nguyện ấy, tôi đã đệ trình lên Đức Thánh Cha Biển Đức XV, ngài sung sướng chấp thuận. Ngài cũng khấng gửi Đức Cha phép lành Tòa Thánh như bằng chứng tình thương của Ngài.
Vậy Đức Cha có thể chiếu luật lệ mà thi hành cho khôn ngoan để Dòng ấy được khuyếch trương trong khắp các miền.
Nguyện Thiên Chúa gìn giữ Đức Cha khang an trường thọ.”
Vài tháng sau, thư Tòa Thánh châu phê việc lập Dòng đến tay cha Denis Thuận, khiến ngài và cả cộng đoàn bé nhỏ của ngài tràn ngập niềm vui, như ngài bộc bạch trong lá thư ngày 8 tháng hai 1919:
“Thưa Đức Cha, con phải thưa gì đây? Halêluia! Tạ ơn Chúa! Cám tạ và hoan hô Đức Thánh Cha! Chiều hôm qua, khi con nhận được tin vui này, con vội vàng tập hợp cộng đoàn lại và chúng con đã dâng lời cảm tạ Chúa. Sáng nay con đã mặc bộ đồ lễ đẹp nhất và dâng lễ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và cho Đức Cha. Mọi người đều chịu lễ cầu nguyện theo ý chỉ này.”
Việc có nhiều thanh niên đến gõ cửa đan viện khiến cha Denis Thuận càng thêm phấn khích. Cứ nhìn vào những chồi non nảy nở trong nơi hoang vắng này mà niềm hy vọng cứ lớn dần theo ngày tháng. Tuy nhiên, không thiếu gian nan thử thách, bởi vì vừa thiếu lương thực vừa thiếu tiền. Hơn nữa, cha Denis Thuận rất cần đến sự hỗ trợ của một vị linh mục khác vì những vấn đề thuộc lãnh vực tâm linh, như ngài viết cho Đức Cha Allys Lý ngày 8 tháng hai 1919:
“Thưa Đức Cha, tiếc là lúc này con đang thiếu tiền!… Như trên con đã thưa, chúng con cần tiền. Nhưng điều chúng con cần hơn cả, là một cha giải tội. Cứ mười lăm ngày một lần, con đi Bãi Trời. Sáng con đi, chiều con trở về…. Con sắp mình khẩn xin Đức Cha cho chúng con một cha giải tội, một cha có thể ở với chúng con, vì chúng con…”
Sự hiện diện của cha giải tội sẽ tránh mất thời gian do việc đi lại mất cả một ngày, tránh những lạm dụng do việc di chuyển, và nhất là cha giải tội có thể giúp các bạn trẻ trong vấn đề lương tâm. Cha Denis Thuận gợi ý xin Đức Cha Allys Lý cho cha Maunier (cố Mẫn) làm cha giải tội. Đức Cha đồng ý và cha Maunier đến Phước Sơn vào tháng Đức Mẹ7. Tiếc thay, sức khỏe của ngài giảm sút nhanh 8, nên một năm sau ngài phải từ giã Phước Sơn, với nhiều tiếc nuối.
Ngoài việc tiến hành xây dựng nhà cửa, cha Denis Thuận còn phải cung cấp cho các môn đệ lương thực thiêng liêng không thể thiếu cho đời đan tu, bởi vì “các bạn trẻ ở với con, đều vâng lời, rất siêng năng, nhưng ít học thức. Hằng ngày, con phải dành nửa giờ để dạy giáo lý. Con dạy về việc nguyện gẫm, xét mình, đọc sách thiêng liêng, và họ có nhiều tiến bộ”9 . Trong khi giảng dạy và hướng dẫn các môn đệ tiếp cận đời sống thiêng liêng và lối sống đan tu, cha Denis Thuận không ngừng tự mình đào sâu cho mình lối sống mà không ai dạy cho ngài 10. Vả lại, ngài đã viết cho giám mục sở tại ngày 17 tháng ba 1919:
“Cha Bề trên Hakodaté vừa viết cho con một lá thư rất hay. Ngài rất tiếc là con đã không đến nhà dòng của ngài để học tập và tu luyện, nhưng bởi vì con đã quyết định rồi, nên ngài đến giúp con bằng cách gửi cho con Lịch sử Dòng Xitô, suy niệm Tu luật thánh Biển Đức và Cẩm nang tu đức của đan sĩ Dòng Trappe – vốn là những quyển sách to tướng mà con muốn thấu triệt. Ngài cũng sẽ gửi cho con áo dòng và nhiều loại sách khác.”
Ngay từ lúc khởi đầu, cộng đoàn bé nhỏ của cha Denis Thuận phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách như chúng tôi đã kể. Các đan sĩ tương lai sống trong cảnh nghèo khổ tới mức cha Bề trên buộc mình phải tìm đến các linh mục Pháp cũng như Việt để quyên tiền hầu cộng đoàn có thể tồn tại 11.
Sau vài năm cật lực khai hoang, khu đất trên đó cha Denis Thuận xây dựng nhà dòng, ngài càng có thêm nhà ở và được canh tác. Trong lá thư ngày 21 tháng mười hai 1919, cha Denis Thuận báo cáo với Đức Cha Allys Lý:
“[…] Trong lúc này, chúng con trồng khoai lang, chúng con sắp sửa được một mẫu… Chúng con sẽ rào cẩn thận. Khoai môn đang phát triển tốt, chúng con hy vọng sẽ thu được khoảng hai chục gánh. Chúng con đã trồng 150 củ khoai từ, và chúng con đã thu được 5 gánh; năm tới chúng con sẽ trồng gấp mười lần như thế. Chúng con đã trồng khoảng 500 cây mít, chúng mọc tốt. Đúng là hợp thủy thổ, tiếc là mấy chú thỏ đã ăn mất 200 cây. Từ rày chúng con sẽ rào lại. Chúng con cũng gieo hai thúng hạt cây chè, đúng theo kỹ thuật trồng trọt. Năm tới, có thể chúng con sẽ gieo trồng hàng ngàn. Chúng con đã trồng nhiều cây dầu tằm, chúng mọc khỏe lắm. Con hy vọng sẽ trồng thêm nữa, bởi chúng con đang nuôi tằm. Trong số các thỉnh sinh của chúng con, nhiều anh thạo nghề, ngoài ra chúng con còn có sách hướng dẫn nữa…”
Những khó khăn bước đầu dường như không dứt, đặc biệt là trong công việc khai hoang; công việc này càng khó nhọc hơn nữa bởi vì anh em chỉ có cuốc, xẻng và dao để khai phá 12. Một trận hỏa hoạn thiêu rụi gian nhà chính với hầu hết tài sản bên trong:
“Thưa Đức Cha,
Mấy hôm nay, tiếng cọp gầm gừ xung quanh nhà dòng. Anh em xin con cho đốt các bụi rậm. Con đồng ý. Mười lăm phút sau, một trong các gian nhà của chúng con bốc cháy. Đó là gian nhà đẹp nhất, có tường bằng gạch, trong đó tập trung mọi tài sản của chúng con. Chúng con dùng nhà đó làm nhà khách và đã có nhiều linh mục bản xứ đến tĩnh tâm ở đó (các cha Giao, Bằng, Cử) và còn nhiều cha khác nữa sẽ đến. Gian nhà đó cũng dùng làm phòng sinh hoạt chung. Mọi sách vở đều được để ở đó. Chúng con đã không thể chạy được gì hết và nhà cửa cũng chẳng còn gì hết.
Dưới đây là gần như tất cả những gì chúng con đã mất :
Tất cả sách vở… thuốc men. Một bàn viết, hai tủ sách, một tủ lớn, 4 cái bàn, 2 cái giường, 4 cái ghế, 3 ghế bành, nến dự trữ, hai khúc vải trắng, một khúc vải đen, ba cái đèn loại tốt, đồng hồ, chăn màn, chén bát, v.v… và v.v… và cả Hiến pháp của chúng con nữa. Tất cả đều phải làm lại, và sách vở con sử dụng đều cháy hết.
Tuy nhiên, chúng con chưa đến nổi nghèo như ông Gióp: chúng con vẫn còn nhiều gian nhà khác, lúa gạo và những đồng bạc. Vì thế chiều hôm đó, chúng con hát bài Magnificat. Theo sự thường chúng con đã bị cháy hết.
Vụ hỏa hoạn không hề khiến chúng con mất bình an, và hạnh phúc. Tạ ơn Chúa! “ 13
Lại xảy đến một thử thách khác: Đức Cha hối thúc rời bỏ Phước Sơn để đi Ngân Sơn, nơi xem ra phì nhiêu hơn. Trong khi đó diện tích đất ở Phước Sơn ngày càng phủ dầy cây ăn quả và đủ thứ nông sản. Tuy nhiên, vì lý do đất đai khô cằn, hơn nữa vì thú rừng tranh nhau “thu hoạch” trước các đan sĩ, nên cộng đoàn phải sống trong cảnh nghèo khổ, nếu không nói là thiếu trước hụt sau. Trước tình cảnh này, cha Biển Đức đã phải tìm đến các linh mục bản quốc và anh em trong Hội Truyền giáo để xin hỗ trợ. Phần Đức Cha Allys Lý, ngài không muốn nhìn thấy cộng đoàn Phước Sơn chết yểu, nên ngài nghĩ tới việc có thể di chuyển Phước Sơn đến Ngân Sơn, nơi đất đai phì nhiêu hơn. Ngài truyền cha Biển Đức Thuận đi xem vùng đất này. Luôn luôn vâng phục, cha Biển Đức Thuận đi Ngân Sơn hai lần. Tuy nhiên, trường hợp di dời sẽ là một thách thức lớn đối với ngài, bởi vì ngài đã dành cả tâm hồn và đầu tư biết bao tiền bạc để Phước Sơn trở nên một nơi có thể sinh sống và trồng trọt như hiện nay. Phước Sơn là đứa con mà ngài đã sinh ra trong nước mắt.
Tất cả những điều trên đây vẫn chưa là gì hết so với những lời chỉ trích đến từ mọi phía, nhất là từ hàng giáo sĩ. Đây là một câu chuyện dài 14. Cha Denis Thuận đón nhận tất cả những thử thách ấy một cách bình thản và với một lòng cậy trông vững vàng, khiến ngài phó thác tất cả mọi sự trong tay Thiên Chúa, Cha rất nhân lành của chúng ta.
Nhờ ơn Chúa, thời gian dần dần trôi qua, và từ từ người ta nhận thấy đời đan tu ngày càng thành hình rõ nét, mỗi thành viên trong cộng đoàn bé nhỏ này không ngừng ra sức sống đúng với những luật lệ đan tu ngày càng minh bạch hơn. Và thực tế, kể từ lễ các Thánh Nam Nữ năm 1918, mọi người tại Phước Sơn cố gắng thực thi tốt hơn nữa đời sống thực sự đan tu.
3. Một tên gọi mới: Biển Đức Thuận
Cha Denis Thuận không ngừng nghĩ tới ngày lãnh nhận áo dòng; ngày 3 tháng mười một 1919, ngài viết cho Đức Cha Allys Lý:
“Cách đây một năm, vào ngày 1 tháng mười một, chúng con đã quyết tâm tuân giữ tu luật ngắn gọn của chúng con. Thưa Đức Cha, xin Đức Cha xem phải chăng đã đến lúc nên mặc áo dòng? Con đã dám hứa với anh em họ sẽ có được hạnh phúc này vào dịp lễ thánh Biển Đức (21 tháng ba); và ngay từ hôm nay, con dám xin Đức Cha vui lòng đến chủ tọa nghi lễ này. Con nghĩ là con sẽ lãnh nhận áo dòng ít lâu trước anh em. Như thế con sẽ dạy anh em cách mặc như thế nào cho phải, để từ đó sẽ dễ huấn luyện anh em hơn. Ngày mặc áo dòng của con có thể là dịp lễ Noel.”
Đối với cả cộng đoàn, việc mặc áo dòng trở thành một nguyện vọng chính đáng. Để chuẩn bị bước khởi đầu cho việc vào nhà tập, những thỉnh sinh trẻ ngày càng tích cực sốt sắng hơn đối với lối sống mới mẻ này:
“Con sung sướng kính đến Đức Cha những tin tức tốt đẹp về cộng đoàn thơ nhỏ của chúng con. Có người đến, có người đi, những người tốt lành nhất ở lại và kiên vững. Họ hạnh phúc và nhiệt thành; con tin chắc chắn rằng Thiên Chúa nhân lành rất vui lòng… Con xin thưa với Đức Cha là tất cả các thỉnh sinh đều nhiệt thành. Họ chuyên cần tuân giữ lề luật, họ chạy đến nhà nguyện vừa khi được rảnh rỗi một chút, qùy gối cầu xin ơn tha thứ cho những thiếu sót trong việc giữ luật mà con hoàn toàn chẳng biết gì hết. Rõ ràng Chúa nhân lành giúp đỡ họ. Nếu họ có được một Bề trên, nếu có một vài đan sĩ đích thực sống với họ, chắc chắn họ sẽ nhanh chóng trở thành những đan sĩ đích thực.”
Tiếc thay, phải đợi đến ngày 2 tháng hai 1920, cha Denis Thuận mới có thể bắt đầu năm tập.
Chúng ta đang ở vào ngày 2 tháng hai 1920, dịp lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh, ngày cha Denis Thuận lãnh nhận áo dòng 16. Đức Cha Allys Lý ốm đau, nên không thể đến Phước Sơn để chủ toạ nghi lễ này như dự kiến. Ngài cử cha Gérard, Bề trên chủng viện, đại diện ngài và thay mặt ngài, trao áo dòng cho cha Denis Thuận. Từ đây, cha Denis mang tên Biển Đức, tên gọi có tính ngôn sứ; thực vậy Thiên Chúa Quan phòng sẽ làm cho ngài trở thành người cha của một đại gia đình đan tu Việt Nam gồm nam và nữ đan sĩ của thánh Biển Đức. Ao dòng cha Biển Đức vừa lãnh nhận, gần giống áo dòng của các đan sĩ Dòng Trappe: áo thụng trắng, áo choàng vai đen, tất cả bằng vải, nhưng dây thắt lưng bằng da đính kèm một cỗ tràng hạt lớn. Còn về vấn đề vòng tóc đan tu, cha Biển Đức Thuận đã bộc bạch rõ điều ngài mong ước trong lá thư ngày 7 tháng hai 1920:
“Cùng với áo dòng, con cũng đã mang vòng tóc đan tu, trong khi các đan sĩ Dòng Trappe chỉ mang vòng tóc này khi tuyên khấn. Các đan sĩ Biển Đức thì nhận vòng tóc này ngay khi mặc áo. Nhưng ít ra đây là điều mà con đã đọc thấy trong quyển sách cũ kỹ mà Đức Cha đã làm quà cho con. Đức Cha có thể cho phép con mang vòng tóc ấy, và cho các tập sinh của con cùng mang? Đó là dấu chứng thuộc về Thiên Chúa, chứng tỏ sự xa cách thế gian; đó còn là sự trợ giúp chống trả mưu chước cám dỗ. Con nghĩ rằng các tập sinh và các tín hữu của chúng con sẽ coi vòng tóc ấy là kỳ dị, nhưng con xem đấy là cách thử thách có tính cứu độ đối với các tập sinh của chúng con. Mà hoàn toàn không phải như thế, anh em cho rằng vòng tóc ấy rất đẹp, có như thế họ mới nghĩ thế nào là tu sĩ. Chính thánh Antoine đã truyền bá vòng tóc này.”
Tập viện đan tu buộc phải có một đan viện được chỉ định và có Hiến pháp rõ ràng. Đó là điều chúng ta đọc được trong lá thư dài cha Biển Đức Thuận trình Đức Cha Allys Lý ngày 7 tháng hai 1920:
“Về vấn đề giấy tờ chính thức, bởi vì Đức Cha muốn biết ý kiến của con, con xin thưa là con ao ước nó chi tiết hơn và rõ ràng hơn. Đức Cha có thể tuyên bố, chẳng hạn như: “xét năng quyền Tòa Thánh ban, Ta thiết lập một Tu hội và Tu hội này sẽ tuân giữ tu luật Thánh Biển Đức, và thích ứng bằng nào có thể Hiến pháp của Dòng Trappe. Đan viện tiên khởi, được thiết lập tại Phước Sơn, có tên là Dòng Đức Bà An-Nam (Monasterium Nostrae Dominae Annamitensis).”
Cùng với việc mặc áo dòng là khởi đầu một giai đoạn mới đối với cha Biển Đức Thuận. Từ đây, mặc dù là tập sinh, ngài đảm nhiệm trách vụ vừa là Bề trên vừa là cha giáo tập, trách nhiệm nặng nề biết bao! trên bình diện vật chất lẫn tinh thần. Từ rày, ngài có nhiệm vụ đào tạo thỉnh sinh và chuẩn bị cho họ lãnh nhận áo dòng và trở thành tập sinh. May thay, không bao lâu nữa cha Martin Mendiboure (cố Nhơn) sẽ đến Phước Sơn cộng tác với ngài và sẽ nhận tên trong Dòng là Marie-Bernard. Trong khi đó, nhiều thỉnh sinh mới tiếp tục tuôn đến và sẽ bắt đầu năm tập. Những thỉnh sinh đầu tiên sẽ mặc áo dòng vào ngày 23 tháng ba 1920, khiến cha Biển Đức Thuận hết sức vui mừng; ngài viết:
“Ngày 21 là một ngày trên Trời đối với chúng con! Chúng con có cha Lemasle và cha Lefèvre đến dự, cha Cẩn giảng rất hùng hồn, nhiều tín hữu từ Đất Đỏ (ít nhất có ba mươi người từ An-Ninh), có 6 anh em mặc áo nhà tập, 6 anh em nhận áo thỉnh sinh.”
“Tại nhà thờ và khi tham dự các nghi lễ, thỉnh sinh vẫn ăn mặc bình thường như người Việt Nam, nhưng khoác thêm áo choàng màu trắng đính kèm mũ chùm đầu; chúng con có nhiều ơn gọi mới, nhiều đơn xin, nhiều tín hữu tỏ ra xúc động, nhiều người đi xưng tội và chịu lễ hơn thường.17”
Ngày 21 tháng ba cũng chính là ngày Đức Cha Allys Lý chính thứ ban hành sắc chỉ lập Dòng:
“Sắc chỉ lập Dòng Đức Bà.
Chúng tôi, Eugène Marie-Joseph Allys, nhờ ơn Thiên Chúa và phụng lệnh Tòa Thánh làm giám mục Phacutensis, đồng thời giám quản Tông tòa giáo phận Huế. Chúng tôi thông báo và chứng nhận qua văn thư này.
Mục đích chính của các tu sĩ Dòng này là nên toàn thiện trong đời sống thiêng liêng qua con đường chiêm niệm và hy sinh; mục đích thứ hai là cầu nguyện và hy sinh cho ơn cứu độ lương dân.
Tu sĩ Dòng này giữ Tu luật thánh Biển Đức và Hiến pháp của Dòng Xitô Cải cách, thích ứng với Bộ Giáo luật mới và các quy chế mới. Bản Hiến pháp ấy, cùng một số điều khoản ít quan trọng, đã được sửa đổi để thích ứng với địa phương và thời đại chúng ta hơn.”
Ý thức những thiếu sót trong việc đào tạo đời đan tu, cha Biển Đức Thuận ra sức đào sâu những hiểu biết của ngài về lối sống này. Chúng ta biết rằng ngài có mối quan hệ khá thân tình với cha Bề trên Dòng Đức Bà Hải-Đăng (Notre Dam du Phare), thuộc giáo phận Hakodaté, ở Nhật. Trước khi Dòng Đức Bà được thành lập ở An-Nam, cha Bề trên đã đề nghị cha Biển Đức Thuận đến sống một thời gian trong đan viện của ngài để được tu luyện theo lối sống này; ngài cũng đã cung cấp cho cha Biển Đức nhiều tài liệu cần thiết. Ngài cũng muốn đến Phước Sơn để giúp cha Biển Đức Thuận trong công việc đào tạo18. Dường như Đức Cha Allys Lý đã không đồng thuận với những đề nghị trên.
Vì không có sự hỗ trợ của các tu sĩ, đan sĩ xuất thân từ các đan viện ở Châu Au, cha Biển Đức Thuận phải tự mình soạn thảo Hiến pháp. Để làm công việc này, ngài phải nhờ đến Hiến pháp của Dòng Trappe cùng với những thích ứng cần thiết. Ngày 18 tháng năm 1920, cha Biển Đức Thuận trình Đức Cha Allys Lý bản Hiến pháp của ngài.
Trong khi tiếp tục cho xây cất nhiều gian nhà khác để đón nhận những người mới đến, cha Biển Đức Thuận còn quan tâm tới việc huấn luyện thần học cho những anh em sau này sẽ trở thành linh mục. Tuy nhiên, ngài không thể làm nhiều việc trong cùng một lúc, do thiếu nhân sự:
“Về việc học tập và lao động, các linh mục và những ai mong muốn, vào mùa này phải lao động từ 6 đến 7 giờ rưỡi sáng, và từ 4 đến 5 giờ rưỡi chiều. Thời gian còn lại, họ tập trung học tập. Như vậy bình thường, mỗi ngày họ có 3 giờ lao động tay chân và 4 giờ học tập. Trong Hiến pháp, ở chương “de studiis”, có đoạn sau đây: “Sacerdotes nunquam praetermittant studia theologiae et Scripturae Sacrae, et ad minus, semel in mense collationes aut disputationes theologicas et lectiones Sacrae Scripturae habeant.” Thực tế, tất cả những điều trên đây hãy còn là những ngôn từ chết. Con hy vọng rằng sự có mặt của cha Mendiboure và của cha Chất sẽ cho phép chúng con thực thi tu luật một cách đầy đủ hơn.”20
Cha Mendiboure21 đến Phước Sơn ngày 20 tháng tám 1920. Từ nay, cha Biển Đức Thuận có cha Mendiboure làm phụ tá và đảm nhận việc giảng dạy triết học và thần học cho những anh em sẽ tiến chức linh mục, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ quản lý.
Như trên chúng tôi đã nói tới vụ hỏa hoạn khiến cho Hiến pháp đang soạn thảo bị cháy mất một phần. Thế nhưng, soạn thảo Hiến pháp là công việc khẩn cấp. Vì lẽ đó, cha Biển Đức Thuận đầu tư nhiều thời giờ để hoàn thành công việc này. Trong lá thư ngày 18 tháng mười 1921, ngài viết cho Đức Cha Allys Lý:
“Con kính trình Đức Cha bản Hiến pháp của chúng con cùng với bản thảo sơ lược Dòng Đức Bà An-Nam. Mặc dù chúng con hãy còn ít oi và tương lai chưa được bảo đảm, kính xin Đức Cha vui lòng trình đạt ý kiến với Roma. Chúng con cám ơn Đức Cha và trông cậy Chúa!”.”
Bản Hiến pháp ấy cần được bổ sung và tu chỉnh. Vài tháng sau, cha Biển Đức Thuận trao lại cho Đức Cha Allys Lý một bản Hiến pháp mới, được viết trên giấy có chất lượng hơn, kèm theo lá thư ngày 18 tháng giêng 1922:
“Con kính trình Đức Cha kèm theo đây một bản thảo sơ lược Dòng Đức Bà An-Nam và một bản Hiến pháp của chúng con; con cũng xin phép gửi cho cha Léculier một bản thảo sơ lược nhà dòng và một bản Hiến pháp… Hiến pháp của chúng con cần phải được bổ sung và tu chỉnh. Con đang chờ nhận hai quyển sách liên quan đến các Hội Dòng có lời khấn đơn theo Giáo luật mới để hoàn chỉnh bản Hiến pháp của chúng con.”
Bốn năm sau khi cha Biển Đức Thuận từ giã Tiểu chủng viện An-Ninh để ra đi thành lập nhà dòng dành cho nam giới ở An-Nam, thì đây là lần đầu tiên Đức Cha Allys Lý, Đại diện Tông tòa Huế, đến thăm cộng đoàn bé nhỏ Phước Sơn. Để đón tiếp giám mục của mình, cha Biển Đức Thuận ngõ lời một cách đơn thành như lúc nào ngài cũng làm như thế trong suốt cuộc đời của mình:
“Thưa Đức Cha, Đức Cha có thể cho phép chúng con đón tiếp Đức Cha ngay tại cổng nhà dòng? Và như thế Đức Cha sẽ không cần phải chịu đựng tiếng trống, tiếng chuông, và một cuộc rước lâu giờ. Chúng con xin cám ơn Đức Cha trước.”22
Ít hôm sau cuộc thăm viếng, cha Biển Đức Thuận gửi đến Đức Cha Allys Lý một bản phúc trình xác định hiện trạng của nhà dòng và nhất là nhân sự trong nhà dòng 23.
Bốn năm sau khi thành lập, cộng đoàn bé nhỏ Phước Sơn chuẩn bị cho ngày 21 tháng ba vốn sẽ là một ngày trọng đại: đó là ngày các anh em đầu tiên tuyên khấn tạm, trong đó có cha Bề trên. Cha Biển Đức chú giải biến cố này như sau: “Thiên Chúa nhân lành tốt với chúng tôi biết bao!” 24
4. Khấn hứa và lo tiến hành việc sáp nhập
Sau ba năm tập, vào ngày 21 tháng ba 1923, chính Đức Cha Lecroat, Thanh tra Tòa Thánh, chủ sự lễ khấn của cha Biển Đức Thuận, cha Bernard và bảy anh em khác nữa.
Những người ao ước sống đời đan tu từ khắp nơi đổ dồn về Phước Sơn. Dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh, nhiều tâm hồn khao khát đời đan tu, từ Bắc kỳ cho tới Nam kỳ, và cả đến Cao-Miên và Trung Hoa, tìm đến Phước Sơn, vốn là một nơi hẻo lánh mất hút trong rừng rú Quảng Trị ở Trung kỳ. Có hai thầy giáo sĩ từ giáo phận Truyền giáo Cao-Miên cũng tìm đến Phước Sơn, và hai thầy được thụ phong linh mục vào chính ngày anh em tuyên khấn lần đầu: đó là hai cha Placiđô và Maurô. Nhờ hai cha, mà cha Biển Đức Thuận sẽ có mối liên hệ thư từ với giám mục Phnom Penh, trong viễn ảnh thành lập một nhà dòng ở Cao-Miên:
“Con sẽ viết thư cho Đức Cha Bouchut trình ngài xem có thể chấp thuận con tới thăm. Xin Đức Cha vui lòng cho phép con đi Phnom Penh với người anh em Maur hầu chuẩn bị việc lập Dòng, nếu Chúa muốn, sẽ tiến hành vào năm tới, sau lễ thánh Bênađô.”25
Sau khi khấn tạm, cha Biển Đức Thuận nhiều lần được mời đi giảng tĩnh tâm trong các giáo phận Truyền giáo khác nhau. Trong những vấn đề như thế này, ngài luôn nghiêm chỉnh vâng phục giám mục của mình. Còn đối với ngài, với tư cách một đan sĩ đích thực, ngài vẫn ưa thích sự thinh lặng hơn, chuộng sự thanh vắng hơn những lần đi ra ngoài. Từ thẳm sâu tâm hồn, ngài bộc bạch với Đức Cha Allys Lý qua lá thư ngày 21 tháng sáu 1924:
“Thưa Đức Cha, sau khi xin phép Đức Cha được nói đôi lời với các linh mục bản quốc về công cuộc truyền giáo, hôm nay con xin Đức Cha đừng cho phép con như thế nữa. Ở đây, con sẵn sàng chỉ bảo anh em mỗi ngày hai hoặc ba lần, nhưng dường như con hoàn toàn không thể nói điều gì với các linh mục bản quốc. Con không có tư tưởng, lại cũng chẳng dám nữa. Cách đây ít lâu, cha Maunier yêu cầu con nói vài lời xây dựng với các chủng sinh, con đã cố gắng vâng lời ngài. Con chỉ ấp úng được vài lời về tình yêu Thiên Chúa nhân lành, rồi con phải ngừng lại và thú nhận con chỉ biết có thế. Nếu như con đã phải câm miệng trước các chủng sinh, thì con sẽ phải làm gì trước các linh mục bản quốc? Vậy, thưa Đức Cha, sau khi Đức Cha đã ưu ái cho phép con nói, thì nay con xin Đức Cha vui lòng cho con giữ im lặng lần này và mãi mãi. Quả thực, con chẳng hề nghĩ đến việc đi giảng, con hoàn toàn không thể làm việc ấy được, mà con chỉ ao ước sự thinh lặng và sự thanh vắng.”
Ba năm khấn tạm trôi qua, cha Biển Đức Thuận cùng mấy anh em chuẩn bị tuyên khấn trọn đời. Ngay từ đầu tháng giêng 1926, ngài trình Đức Cha Allys Lý về biến cố này:
“Lễ khấn trọng sẽ được cử hành tại nhà nguyện trong thánh lễ. Vì vậy chúng con sẽ rất sung sướng đón tiếp Đức Cha vào buổi chiều trước ngày 21 tháng ba.”26
Nhưng cả lần này nữa, Đức Cha Allys Lý bị ngăn trở vì phải tham dự lễ tấn phong một tân giám mục thuộc hội thừa sai, nên ngài không thể đến nhận lời khấn trọng của cha Biển Đức Thuận và của các anh em:
“Đức Cha Dumontier đã viết cho con rằng sắc chỉ của ngài chỉ có thể tới Sài-Gòn vào trung tuần tháng ba, và việc tấn phong của ngài sẽ diễn ra vào dịp lễ Truyền tin. Vậy chúng ta phải làm thế nào đây? Con tin rằng Giáo luật không cho phép chúng con khấn tạm một hai tháng trong khi chờ đợi Đức Cha trở về. Dĩ nhiên, chúng con cũng không được phép tiến hành lễ khấn sớm hơn. Vậy thì phải làm sao đây? Hoặc không khấn trọn nữa và chờ đợi hai năm, hoặc chúng con xin Đức Cha cử người đại diện, chẳng hạn như cha Chabanon. Trông cậy Chúa!”27
Cuối cùng, lễ khấn trọn của cha Biển Đức Thuận và các anh em đã diễn ra ngày 21 tháng ba 1926, do cha Chabanon, Tổng Đại diện chủ tọa 28.
Một trong những nỗi lo âu của cha Biển Đức Thuận là tìm gặp một người có thể trợ giúp cộng đoàn trưởng thành cả về tinh thần lẫn vật chất. Chính vì vậy, từ ít lâu nay, ngài mơ ước thực hiện một chuyến đi hầu tìm kiếm viên ngọc quý đó. Ngài bộc bạch với Đức Cha Allys Lý nguyện vọng này:
“Thưa Đức Cha, con xin phép Đức Cha được đi ra Bắc, nếu Đức Cha xét thấy điều ấy là chính đáng… Từ hai hoặc ba năm nay, con liên tục nghĩ đến một chuyến đi, hoặc ra Bắc hoặc vào Nam, may ra có thể giúp con tìm được người hoặc những người có thể ngăn chặn nhà dòng khỏi tàn lụi.”29
Tuy nhiên, ngài không quên thêm rằng: “Nếu như Đức Cha xét thấy chuyến đi ấy vô ích, con sẽ tuân theo ý Đức Cha ngay, bởi vì con e sợ việc đi đến các nơi đông người.”
Tại sao ngài cần phải tìm kiếm một người cộng tác mẫu mực như thế? Chính ngài giải thích điều này: “Hơn bao giờ hết con cảm thấy bất xứng và không thể đảm nhận nhiệm vụ con đang nắm giữ. Con cần một cuộc tĩnh tâm lâu ngày kẻo tôi giảng dạy cho người khác, còn chính mình thì chẳng ra gì!” Quả thực, cha Biển Đức Thuận đã thổ lộ nỗi lo lắng khẩn thiết này, từ vài năm trước, trong một lá thư gửi Đức Cha Allys Lý 30.
“Nếu Thiên Chúa muốn điều ấy – mà con tự trách mình về chữ “nếu” này, vâng, Chúa muốn điều ấy. Nếu điều ấy không thành, ấy là do con. Con cảm thấy, con nhận thấy như thế, và con không cần phải trút bỏ tính lười biếng của con. Con xin Đức Cha vui lòng nói với Chúa một tiếng xin Người mau mau gửi cho chúng con một Bề trên và vài bậc đàn anh. Mẹ Bề trên Nhà kín đã viết cho con: “Cha mới chỉ có những mục đồng”. Quả thực, trong Nhà dòng-ràn chiên của chúng con chỉ mới có những mục đồng; chúng con cần mau chóng có vài đạo sĩ, không phải vì những lễ vật mà vì những lời chỉ dẫn của họ…” 31
Hơn nữa, trên bình diện rộng lớn hơn, ngay từ khi mới thành lập Dòng, cha Biển Đức Thuận đã nghĩ đến việc sáp nhập vào Dòng Xitô Cải cách nhằm hỗ trợ cho việc phát triển. Trong lá thư ngày 18 tháng năm 1920, ngài trình bày với giám mục sở tại về dự định này, vốn đã khá tiến triển, ít ra là trong tâm trí của ngài: “vậy là chúng con đang trên đường trở thành một chi nhánh của gia đình Xitô. Trên thực tế, mỗi lần cha Biển Đức Thuận muốn xúc tiến dự định này, ngài đều phải đương đầu với nhiều khó khăn tới mức, vào thời điểm bấy giờ, mơ ước ấy không đạt tới đâu hết.
Mơ ước này còn đặt ngài vào trong một tình huống tế nhị đối với Hội Truyền giáo Paris mà ngài buộc phải rời khỏi vì những nhu cầu cho sự tồn tại của ơn gọi mới; chúng ta sẽ thấy trong lá thư sau đây Hội Truyền giáo có ý định “trục xuất” ngài ra khỏi Hội:
“Thưa Đức Cha, chắc Đức Cha đã nhận thấy cha Bernard và con, chúng con không có tên trong Giáo lịch. Căn cứ vào khoản nào của Nội quy hoặc của Giáo luật mà Hội đã trục xuất chúng con? Con không thấy có khoản nào cả, nên con dự định hỏi Đức Cha Guébriant về vấn đề này. Chúng con vẫn còn là tu sĩ thuộc giáo phận sống trong giáo phận và chúng con chưa bao giờ được nhập tịch Hội. Có điều khỏan nào ngăn cấm làm thành viên của hai hiệp hội, khi người ta có thể hoàn thành nhiệm vụ của cả hai? Con biết không thể vừa là thành viên Dòng ba vừa là tu sĩ, còn như vừa là tu sĩ giáo phận vừa là thành viên của một hiệp hội không có lời khấn thì sao? Con không thấy ở đâu cấm đoán điều đó cả. Cách nay hai năm, con đã viết cho cha Bề trên xin Người đừng trục xuất chúng con. Con đã cam đoan với Người là một khi biết chắc được sáp nhập vào Dòng Xitô, chúng con sẽ tự nguyện rời khỏi Hội Truyền giáo. Lá thư của con không được hồi âm …”
Sau nhiều lần cố gắng xin sáp nhập vào Dòng Xitô Cải Cách nhưng không đạt kết quả, cha Biển Đức Thuận bắt đầu tiến hành thủ tục xin sáp nhập vào Dòng Xitô Chung phép:
“Thưa Đức Cha, Đức Cha có thể cho phép con xin Đức Cha giúp một việc? (Nếu Đức Cha xét thấy điều ấy là cần thiết và chính đáng) thì xin Đức Cha yêu cầu các thành viên của Hội đừng trục xuất chúng con ra khỏi Hội. Chúng con đã tiến hành các thủ tục xin sáp nhập vào Dòng Xitô Chung phép và chúng con có đủ lý do hy vọng rằng chúng con sẽ được sáp nhập vào cuối năm nay. Lúc bấy giờ chúng con sẽ xin ra khỏi Hội, kết cục vẫn như nhau, nhưng chúng con được mãn nguyện vì không bị trục xuất.”32
Vài tháng sau, vào ngày 15 tháng chín 1930, cha Biển Đức Thuận trình báo với Đức Cha về kết quả của đơn xin sáp nhập:
“Thưa Đức Cha, con xin kính báo Đức Cha là các Nghị phụ Đại hội Dòng Xitô đã nhất trí sáp nhập chúng con vào Dòng và nhìn nhận chúng con như một Hội Dòng biệt lập. Tuy nhiên, các ngài không muốn thực hiện điều này, mà không hiểu biết các sự việc; vì thế, Dom André, Viện phụ Lérins, được cử sang tuần viếng nhà dòng chúng con. Ngài sẽ đến vào năm tới. Nếu ngài báo cáo tán thành, thì có thể chúng con sẽ được sáp nhập vào năm 1932! Quả còn lâu, nhưng trông cậy Chúa!”
Chúng ta vẫn còn ở vào năm 1930, Đức Cha Chabanon được cử làm Giám mục Tông tòa Huế kế vị Đức Cha Allys Lý đã già yếu. Đức Tân giám mục chính thức xác nhận việc cộng đoàn Phước Sơn xin sáp nhập vào Dòng Xitô Chung phép. Dom André Drilhon, Viện phụ Lérins, được cử tới An-Nam với tư cách thanh tra ngoại lệ để giải quyết công việc này, và ngày 11 tháng hai 1931, ngài đã đến đan viện33.
Hai tháng sau, cha Biển Đức Thuận và toàn thể cộng đoàn Phước Sơn gửi thư ngày 29 tháng tư 1931 đến Đức Tổng phụ Dòng Xitô Chung phép để một lần nữa xin sáp nhập vào Dòng Xitô:
“Kính thưa Đức Tổng phụ,
Một lần nữa, chúng con kính cẩn trình Đức Tổng phụ đơn chúng con xin sáp nhập vào Dòng Xitô […] Con mạo muội kính trình Đức Tổng phụ một vài điều kiện kèm theo đơn xin sáp nhập của chúng con; con mong Đức Tổng phụ thông cảm và miễn thứ cho sự táo bạo của con. Đức Tổng phụ đã viết cho con là Dòng Xitô không buộc chúng con phải sắp xếp điều gì mới mẻ để sáp nhập, vậy mà Viện phụ Lérins đã yêu cầu chúng con phải bố trí lại một vài điều. Chúng con đã chấp nhận; nhưng chúng con không muốn bị buộc phải hy sinh nhiều hơn về điểm này… Viện phụ Lérins đã cho phép chúng con hy vọng rằng Đức Tổng phụ sẽ chấp thuận cho chúng con sáp nhập vào dịp lễ Thánh Bênađô sắp tới. Đó sẽ là một niềm vui lớn cho chúng con. Chắc chắn Đức Tổng phụ sẽ cử Đại diện nhận lời khấn của chúng con. Con nghĩ nên đề cử Đức Cha Allys Lý và chấp thuận để ngài để cử ai tùy ý ngài…”
Trong khi chờ đợi được sáp nhập, cha Biển Đức Thuận duy trì liên lạc với Viện phụ Lérins về vụ việc này. Nhưng lại xuất hiện một vấn đề khác, ấy là có nên thành lập một Hội Dòng “tự trị” không? Và vấn đề này nghiêm trọng tới mức việc sáp nhập phải bị hoãn lại. Chúng ta biết được vấn đề này qua lá thư cha Biển Đức Thuận gửi Đức Tổng phụ Dòng Xitô Chung phép ngày 7 tháng tư 1932:
“Kính thưa Đức Tổng phụ,
Con đã đọc cho anh em nghe lá thư mà Viện phụ Lérins, nhân danh Đức Tổng phụ, thông báo cho chúng con biết chúng con không thể hình thành một Hội Dòng “tự trị” trước khi có “một số” nhà cần thiết.
“Con số” ấy là bao nhiêu, Viện phụ Lérins không xác định, nhưng chúng con nghĩ phải là ba.
Sau khi tham khảo ý kiến của giám mục Đại diện Tông tòa, chúng con kính xin Đức Tổng phụ hãy hoãn lại việc sáp nhập của chúng con. Xin Đức Tổng phụ hãy coi như chúng con chưa hề gửi đơn xin sáp nhập.
Khi nào chúng con có được ba nhà, và nếu Đức Tổng phụ cho phép, chúng con sẽ làm lại đơn xin sáp nhập.
Những gì đã xảy ra, sẽ không trở nên vô ích: chúng con sẽ tiếp tục tuân giữ Hiến pháp mà Đức Tổng phụ đã biết và đã nhận xét Dòng có thể chấp nhận được.”
Thế nhưng, vài tháng sau, cha Biển Đức Thuận lại viết cho Đức Tổng phụ một lá thư khác để lặp lại việc xin sáp nhập:
“Sau khi Đức Khâm sứ Tòa Thánh đến thăm Đức Tổng phụ, ngài đã viết cho chúng con một lá thư khiến chúng con tràn trề niềm vui. Tạ ơn Chúa! Con vội viết thư này, được Giám mục Đại diện Tông tòa Huế ký nhận, để lặp lại việc chúng con xin sáp nhập vào Dòng Xitô… Kính thưa Đức Tổng phụ, con cần xác nhận rằng, khi Đức Tổng phụ sáp nhập chúng con, Đức Tổng phụ sáp nhập vào Dòng một Hội Dòng hoàn toàn Việt Nam…”
Lá thư cuối cùng cha Biển Đức Thuận gửi Đức Tổng phụ Dòng Xitô ghi ngày 15 tháng hai 1933, trong đó ngài đưa ra những vấn đề liên quan đến việc sáp nhập và việc có thể bầu chọn Bề trên, đồng thời ngài cũng cho biết nỗ lực cuối cùng của ngài: “Chúng tôi hiện đang xây cất một phòng ăn khá lớn đủ chỗ cho 140 đan sĩ. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng một bệnh xá có mười hai giường, dĩ nhiên dành cho bệnh nhân nam thôi. Đối với người Việt và người Thượng, những người đáng thương sống chung quanh chúng tôi, họ không thể đi đến bệnh viện Huế (cách Huế 80 cây số) 35.
5. Cuộc chiến cuối cùng: cơn hấp hối đầy giao động và ra đi bình an
Trong lá thư ngày 18 tháng năm 1928, gửi Đức Cha Allys Lý, cha Biển Đức Thuận đã cho Đức Cha biết tình trạng sức khỏe của ngài như sau :
“Sau khi khỏi được chừng mười lăm tháng, con bắt đầu khạc ra máu lại, nhiều hơn bao giờ hết. E rằng con sẽ chẳng giảng tĩnh tâm được vào tháng bảy tới đây. Tuy nhiên, trong việc này cũng như trong mọi việc khác, con chỉ xin vâng nghe Đức Cha; nếu Đức Cha bảo: “cứ thử xem”, con sẽ thử, và trông cậy vào ơn Chúa.”
Sức khỏe của ngài càng ngày càng suy giảm. Vài hôm trước khi qua đời, ngài bảo thầy y tá ghi chép bệnh tình của ngài để đọc cho cộng đoàn biết:
“Bây giờ đến lượt con nghe cha rồi ghi chép không cần thứ tự: bác sĩ khám cha rồi nói: “vô phương cứu chữa”, bởi vì lục phủ ngũ tạng của cha đều hỏng cả rồi. Như con biết đấy, cha bị đau tim, mỗi phút nó đập hơn trăm lần; cha đau thận, nên nước tiểu đầy máu. Cha còn đau phổi, nên khạc ra máu và ho luôn. Bao tử cha cũng có nhiều vấn đề: rối loạn tiêu hóa và thường buồn nôn. Ấy là chưa nói tới hội chứng trĩ. Cha đau đớn lắm, hơn nữa, từ ba tháng nay, cha sốt rét luôn, vì có vi trùng sốt rét. Bác sĩ đã nói với cha rằng: “Ngài còn sống được, là cả một phép lạ”. Nhưng cha thì cho rằng đó là nhờ ơn Chúa. Nay cha cảm thấy cha gần về cùng Chúa; con hãy cho anh em biết bệnh tình của cha mà cầu nguyện cho cha được tuân theo ý Chúa cho tới cùng.”
Bây giờ chúng ta hãy xem những ngày cuối cùng của cha Biển Đức Thuận.
Trong Tập san của Hội Truyền giáo Paris, có một bài mô tả về những ngày cuối đời của cha Biển Đức Thuận: “Từ nhiều năm nay, sức khỏe của cha Biển Đức Thuận không khả quan lắm, thế nhưng ngài vẫn tiếp tục sống cuộc đời cầu nguyện và hãm mình phạt xác, không hề muốn châm chước chút nào sự nghiêm ngặt theo tu luật; vì vậy tùy tình huống mà ngài vẫn đi giảng cấm phòng và đi thuyết trình, tuy nhiên cho dù có ý chí sắt thép đi nữa, sức người cũng có hạn” 36. Vào dịp Tam nhật mừng đệ nhị bách chu niên thành lập Dòng Chúa Cứu thế được tổ chức tại Huế, cha Biển Đức Thuận được mời đến giảng. Tập san của Hội Truyền giáo Paris đã có những lời tường thuật như sau: “Ngày cuối cùng của Tam nhật, thứ tư 26 tháng tư, … cha Biển Đức, Bề trên Dòng Đức Bà Phước Sơn, giảng buổi sáng. Quả là thích thú khi nghe cha Bề trên ca ngợi đời sống đan tu, trước hết theo tính cách của chính đời sống ấy, sau đó theo như đời sống ấy được áp dụng trong Hội Dòng Chúa Cứu thế. Trong suốt một tiếng đồng hồ, chúng tôi vô cùng thích thú và không ai cảm thấy thời gian quá dài, bởi vì ngài giảng với tất cả tâm hồn của một người sống thực tại ấy hằng ngày. Tuy nhiên sức khỏe của cha Bề trên đáng kính ngày càng yếu đi: vì đã nhiệt tình cố gắng, nên ngài đã phải trả giá bằng tám ngày sốt li bì và buộc phải nghỉ dưỡng” 37.
Cha Biển Đức Thuận trở bệnh nặng, và sức khỏe cạn kiệt, tới mức hai tháng sau, Tập san của Hội Truyền giáo đã viết: “Khoảng giữa tháng sáu, một cơn sốt ác tính đã quật ngã ngài và nhanh chóng đưa ngài đến trạng thái hoàn toàn suy nhược. Đến khi ngài đồng ý đi bệnh viện Huế, thì đã quá muộn: ngày 13 tháng bảy ngài đã cận kề cái chết. Tuy nhiên các bác sĩ có thể cắt cơn sốt rét và tạo điều kiện cho bệnh nhân có đủ sức trở về đan viện; ngài ao ước trở về đan viện để chết giữa anh em trong đời đan tu. Ngài còn sống thêm tám ngày nữa tại Phước Sơn, tâm trí vẫn sáng suốt và nói năng bình thường cho đến phút cuối cùng. Cơn hấp hối của ngài kéo dài, với nhiều giao động. Ngài đau đớn cả hồn lẫn xác: ngài đau đớn thảm thiết: “Thật khủng khiếp! Maria, Mẹ ơi, cứu con với! … Hãy cầu nguyện cho người hấp hối! Kinh khủng lắm!”. Anh em trong Dòng giúp ngài bằng những lời khẩn cầu, nhưng hiệu quả nhất là những lời kinh phụng vụ, chẳng hạn như “Lạy Chúa, xin tới giúp con”… và các câu kinh cầu Đức Mẹ. Sự an bình trở lại ngay, nhưng liền sau đó lại xuất hiện một cơn khủng hoảng khác. Dường như kẻ hấp hối đang phải cật lực chiến đấu với ma quỷ vốn ra sức trả thù vì vô số các linh hồn đã được cha Bề trên đáng kính cứu vớt khỏi tay nó và vì ơn cứu độ mà nhà dòng Phước Sơn sẽ mang lại trong tương lai. Sau cùng vài phút trước khi ly trần, ngài bình an thanh thản và nói: “Thế là đã hoàn tất!” Ngài xin xá giải lần cuối, giục lòng ăn năn thống hối, rồi trút hơi thở sau cùng một cách bình an.”38
Từ việc mô tả như thế về những giờ phút cuối đời của cha Biển Đức Thuận, chúng ta cảm nhận cơn hấp hối của ngài tựa như là một sự thanh luyện cuối cùng. Chính trong những ngày hết sức đau đớn này mà ngài trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu Khổ nạn, với Đấng đã từng chịu một cơn hấp hối khổ não như thế. Thế nhưng, khi tắt thở, ngài trao phó linh hồn trong tay Chúa Cha, trong sự hoàn toàn tín thác. Vào những ngày tháng cuối đời, cha Biển Đức Thuận đã được Chúa Kitô hấp hối soi dẫn, nên ngài đã phó mình và trao phó cộng đoàn còn non trẻ của ngài trong tay Cha trên trời, trong một động tác yêu mến tràn đầy sự hoàn toàn tin tưởng phó thác. Chúng ta hãy đọc lời trăn trối sau cùng của ngài, như là một di chúc thiêng liêng39:
“Cha gần về cùng Chúa, không biết chắc là ngày nào, song sự thường thì cha không còn ở thế gian này với chúng con lâu ngày nữa.
Cha khuyên chúng con hãy nhớ: Đàng nhân đức là tuân theo Thánh Ý Chúa, mà theo Thánh Ý Chúa là giữ luật dòng cho trọn. Cha còn nói một lần nữa: Chúng con muốn nên thánh thì hãy giữ luật dòng, muốn nên thánh thì hãy giữ luật dòng.
Còn phần cha thì đi bằng an lắm. Cha không áy náy lo lắng chi hết, vì cha biết rõ Chúa là Cha chung, Chúa thương cha và cũng thương chúng con, cho nên không sợ chi cho cha và cũng không sợ chi cho chúng con.
Vậy chúng con hãy ở bằng an như cha, vì Chúa là Cha thương chúng tôi quá lẽ.
Chúng con muốn xin phép lạ, thì mặc ý, còn phần cha thì không xin, cha xét: Phó mình trong tay Cha lành là điều tốt hơn cả.
Vậy trong chúng con chớ có ai buồn, chớ có áy náy lo sợ, một đi chung cùng nhau vui vẻ theo Thánh Ý Cha chúng tôi. Cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ.”40
Khi ấy là 8 giờ sáng ngày 25 tháng bảy 1933, cha Biển Đức Thuận được gọi trở về Nhà Cha, sau năm mươi ba năm sống cuộc đời trần thế. Từ trời cao, ngài tiếp tục chăm sóc công trình của ngài cũng như giúp con cái của mình thực hiện ý định của Thiên Chúa 41.
II. Đời đan tu tại Việt Nam, một xứ truyền giáo
Việc thành lập Dòng Đức Bà (An-Nam) Phước Sơn không phải là việc tình cờ. Phước Sơn được khai sinh sau bao nhiêu năm suy tính và nghiên cứu! Thực vậy, trước khi Phước Sơn được thành lập, cha Biển Đức Thuận đã nhiều lần liên hệ với các Bề trên Dòng Xitô Nhặt phép ở Trung Hoa và Nhật Bản 42.
Tại Đông Dương thuộc Pháp, đan viện đầu tiên dành cho nữ giới là Dòng Cát Minh Sài-Gòn. Đan viện này được khai sinh từ sáng kiến của Đức Cha Lefèbvre lúc bấy giờ là Đại diện Tông tòa ở Đông Dương. Đức Cha đã nhiều lần xin các Bề trên Dòng Cát Minh ở Lisieux gửi vài nữ tu đến lập Dòng trong xứ truyền giáo này. Ngày 8 tháng mười 1861, bốn nữ tu cập cảng Sài-Gòn, trong đó có Sơ Philomène Thánh Tâm là người có quan hệ huyết thống với Đức Cha Lefèbvre. Biết bao khó khăn đang chờ đợi họ. Vì thế chỉ ba tháng sau, đã có hai sơ xin trở về Pháp. Việc hai sơ rút lui là một thử thách rất nặng nề đối với những sơ còn ở lại. Thế nhưng, cả hai sơ ở lại đều rất dũng cảm, như lời Mẹ Bề trên Philomène thổ lộ khi có người hỏi Mẹ có muốn trở về Pháp hay không. Mẹ đã trả lời: “Tôi sẽ chỉ rời khỏi đây khi công việc mà các Bề trên trao phó cho tôi không còn một chút hy vọng thành công nào nữa.” – Nhưng mà ở đây, liệu Mẹ có thể tuân giữ những lời đã khấn hứa chăng? – Và Mẹ đã trả lời: “Có ai ngăn cấm được chúng tôi chứ? Chúng tôi có thể vâng phục và giữ đức khiết tịnh khắp mọi nơi mọi chốn; còn đức khó nghèo, tưởng không có nơi nào trên thế giới chúng tôi có điều kiện tốt hơn để thực thi nhân đức này, bởi vì ở đây chúng tôi thiếu thốn tất cả mọi sự, về mặt tinh thần cũng như vật chất.” 43
1. Thiếu vắng đan sĩ, một thiếu vắng thật đáng tiếc
Tin Mừng đã được rao giảng trên đất nước Việt Nam từ hơn ba trăm năm rồi, thế mà đời sống đan tu dành cho nam giới vẫn chưa được khai sinh trên miền đất truyền giáo này. Không riêng gì ở Việt Nam, mà trong toàn cõi Đông Dương, chưa có một đan viện nào được thành lập để nam giới ở những nơi này có thể thụ hưởng bầu không khí thuận lợi cho việc chiêm niệm. Tất cả các giáo phận truyền giáo đều nhận thấy sự thiếu vắng này. Chúng ta hãy nghe các vị thừa sai bộc bạch:
“Mặc dù các vị Đại diện Tông tòa đã nhiều lần gửi đơn thỉnh nguyện, nhưng các Ngài vẫn không thể mời được các Dòng chiêm niệm đến lập Dòng trong các giáo phận truyền giáo của các Ngài.”
Quả thực, có nhiều lý do dẫn đến sự thiếu vắng này: trước tiên đó là vì thiếu nhân sự ở Châu Au, thứ đến có thể là vì thiếu một sự hiếu biết về thực trạng ở các xứ truyền giáo, từ đó dẫn đến sự thiếu tin tưởng, và sau cùng chắc chắn là nỗi e sợ không thể tuân giữ được tu luật cổ truyền do khí hậu mới lạ. Thế nhưng cuối cùng rồi Nhà Dòng Đức Bà An Nam cũng đã được thành lập. Tuy nhiên, việc thành lập này vẫn muộn màn hơn so với các đan viện được thiết lập ở Trung Hoa và Nhật Bản44. Các đan sĩ Dòng Trappe đã từ chối lời thỉnh nguyện lập Dòng được lặp đi lặp lại nhiều lần, bởi vì các Bề trên Thượng của Dòng Xitô Cải cách “không còn hướng tới các giáo phận truyền giáo kể từ khi các đan sĩ Dòng Trappe được gửi đi truyền giáo ở Nam Phi chính thức tách khỏi nhà mẹ” 45. Sự kiện này có thể giải thích vấn đề không ai muốn vận động tích cực cho việc thành lập Dòng, bởi vì lập Dòng ở các xứ truyền giáo đang gặp phải nhiều bất trắc.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy trở lại với sự hiện diện của các nam nữ tu sĩ tại giáo phận Tông tòa Bắc Đàng Trong.
Các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá là những nữ tu đầu tiên được thiết đặt ở Đông Dương. Sự hiện diện của những chị em này bắt nguồn từ thời kỳ của những vị Đại diện Tông tòa tiên khởi ở Viễn Đông. Vị Đại diện Tông tòa ở Đàng Trong là Đức Cha Lambert de la Motte đã có sáng kiến tập hợp những chị em muốn sống đời tu trì thành những cộng đoàn độc lập, được đặt dưới quyền điều hành của các vị Đại diện Tông tòa sở tại. Việc thiết đặt này được chính thức thành lập ngày 19 tháng hai 1670, và đã được cải tổ nhiều lần. Đây là một Hội Dòng bản xứ. Thời gian biểu của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá được chia thành giờ cầu nguyện, lao động để tự lực cánh sinh và thực thi bác ái. Các chị có chức năng giáo dục thiếu nữ và phụ nữ, chăm sóc bệnh nhân, rửa tội trẻ em ngoại đạo gặp nguy tử. Trong thời kỳ bách hại, chính các chị đã chăm sóc những người đã tuyên xưng đức tin, nên bị giam cầm trong tù ngục và mang Mình Thánh Chúa cho họ.
Sau khi đã được thiết đặt trong nhiều giáo phận khác nhau, cuối cùng các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá có mặt tại giáo phận Huế vào năm 1719 tại Thợ-Đúc. Các chị đã góp một phần đáng kính nể vào việc rao giảng Tin Mừng ở giáo phận này. Các tín hữu Kitô cũng như người ngoại đạo vẫn luôn ghi nhớ những chứng tá của các chị. Trong các thời kỳ bị bách hại, chẳng hạn như vào lúc phong trào Văn Thân nổi dậy, hàng trăm nữ tu đã bị sát hại.
Cha Denis Thuận biết rõ các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Năm 1913, khi làm cha sở Nước Mặn, ngài đã hai lần giảng cấm phòng thường niên cho các chị. Tại giáo phận Huế, các chị có khoảng hai trăm người, được chia thành năm cộng đoàn 46.
Những nữ tu đầu tiên người Pháp đến ở tại giáo phận Huế là các Sơ Dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Sáu năm sau lời mời gọi của Đức Cha Caspar từ hồi tháng bảy 1883, ngày 25 tháng giêng 1889, Mẹ Bề trên Benjamin đã gửi đến giáo phận Huế sơ Ignace de Marie Fournier và sơ Philomène Seive. Từ đó trường Thánh Jeanne dArc được thành lập để dạy dỗ các bé gái. Về sau, một cô nhi viện cũng được thành lập gần sông Hương.
Về phần nam tu sĩ, thì các Sư huynh là những tu sĩ đầu tiên có mặt tại giáo phận này. Sư huynh Aglibert là người đầu tiên và là người sáng lập trường học tại Huế.
“Các Sư huynh đã thuận tình thành lập một trường Pháp tại Huế, giống như trường Tabert ở Sài-Gòn… Các Sư huynh được mời gọi giảng dạy hầu tạo ra nhiều thành quả đáng khâm phục như đã được làm ở Tây Đàng Trong” 47
Vậy là các Sư huynh bắt đầu đảm nhận công việc giảng dạy từ năm 1904.
“Cơ sở xinh đẹp của các Sư huynh được khánh thành tại Huế, vào ngày lễ Thánh Jean de la Salle. Các Sư huynh đã ưu ái đặt tên cơ sở này là Trường Pellerin, để tưởng nhớ vị Đại diện Tông tòa tiên khởi của giáo phận Bắc Đàng Trong. Khi ấy đã có 50 học sinh: 20 công giáo và 30 ngoại giáo. Ngôi trường mới mẻ này sẽ góp phần giúp dân chúng đào sâu những khái niệm thánh thiêng mở đường cứu rỗi các linh hồn. Sắp tới một lớp học buổi tối sẽ tập hợp khoảng hai mươi viên chức; họ khao khát được các Sư huynh thông thái, đáng danh con cái thánh Jean de la Salle giúp họ hoàn thiện trí dục.” 48
Tiếp bước theo sau các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, các Sơ Dòng Thánh Phaolô thành Chartres và các Sư huynh, là các chị Cát Minh. Dòng Cát Minh Sài-Gòn được thành lập trong nước mắt như lời Mẹ Geneviène bộc bạch. Những vị đầu tiên sáng lập Dòng đã phải dũng cảm và hy sinh biết bao để Dòng Cát Minh có thể phát triển tốt đẹp ở Đông Dương. Đến năm 1895, Dòng Cát Minh Sài-Gòn thành lập Dòng Cát Minh Hà-Nội. Và năm 1909, Dòng Cát Minh Hà-Nội tách ra thành Dòng Cát Minh ở Huế – Kim Long, đúng tại vị trí mà thánh Têrêsa đã hiện ra với Đức Cha Lefèbre và gợi ý ngài nên xin thành lập một Dòng Cát Minh ở An-Nam. Đến năm 1919, Dòng Cát Minh Sài-Gòn thành lập một tu viện tại Pnom-penh; còn Dòng Cát Minh Hà-Nội thành lập một nhà khác tại Bùi Chu vào năm 1923.
“Dòng Cát Minh phát triển mạnh mẽ ở An-Nam; các tín hữu Kitô hết sức hãnh diện khi có con gái trở thành nữ tu Dòng Cát Minh.” 49
Sau khi Dòng Đức Bà An-Nam (Phước Sơn) được thành lập, nhiều Hội Dòng khác cũng được thành lập hoặc thiết lập theo đề xuất của Đức Cha Allys Lý50: năm 1920, Hội Dòng các Sơ Đức Mẹ Vô nhiễm được khai sinh nhằm giáo hóa các thiếu nữ và cha Chabanon là vị Bề trên tiên khởi; năm 1923, khai sinh Hội Dòng Mến Thánh Giá Cải cách Kim Đôi do cha Giuse Trần Văn Trang thành lập, và cũng năm ấy, khai sinh Hội Dòng Tiểu Đệ Thánh Tâm do cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn thành lập; năm 1925, đến lượt các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên xuất hiện, với cha Hubert Cousineau, cha Eugène Larouche và thầy Barnabé, cả ba đều thuộc Tỉnh Dòng Sainte Anne de Beaupré ở Canada.
Nếu như hầu hết các vị Đại diện Tông tòa và các vị thừa sai đều ao ước có các đan viện trong giáo phận truyền giáo của mình, ấy là vì các nam và nữ đan sĩ đều có thể đóng góp phần mình vào việc rao giảng Tin Mừng cho người ngoại đạo; vì vậy việc thiếu vắng họ là dấu chỉ một sự thiếu vắng nghiêm trọng trong cơ cấu của các Giáo hội địa phương. Ngoài ra, việc thiết lập các đan viện trong các xứ truyền giáo giúp người bản xứ thực hiện nỗi khao khát sống ơn gọi đan tu.
Nỗi khao khát có các đan viện trong các giáo phận Truyền giáo đã được bày tỏ một cách khẩn thiết trong Thông điệp “Rerum Ecclesiae”; trong Thông điệp này, Đức Thánh Cha Piô XI đã mời gọi các Bề trên hãy sai gửi đan sĩ đến thành lập Dòng trong các xứ truyền giáo.
“Cho đến lúc này Ta đã đề cập tới những người cộng tác hiện tại và tương lai với Chư Huynh; bây giờ còn một điểm cuối cùng Ta mong ước sự nhiệt tình của Chư Huynh. Nếu điều Ta mong ước được thực hiện, Ta nghĩ rằng nó sẽ góp phần lớn lao vào việc làm cho đức tin mau chóng được tỏa rạng. Ta quý trọng biết bao đời sống chiêm niệm… Ta tha thiết khuyến khích Bề trên Tổng quyền của các Dòng chiêm niệm hãy giới thiệu và tích cực phát triển lối sống khổ tu trong các xứ truyền giáo, bằng việc thành lập đan viện trong các xứ ấy. Chư Huynh đáng kính, các con rất thân mến, hãy lao vào công việc ấy, bằng cách cầu nguyện liên lỉ, mọi nơi mọi lúc. Các đan sĩ ấy sẽ kéo xuống trên Chư Huynh và trên mọi việc Chư Huynh làm muôn vàn ân phúc tuyệt vời.”
Hai năm sau, trong Tông hiến “Umbratilem” ngày 8 tháng bảy 1924, cũng chính Đức Thánh Cha Piô XI đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện và việc ăn năn đền tội trong việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân:
“Những ai ân cần chuyên lo cầu nguyện và ăn năn đền tội sẽ góp phần vào việc phát triển Giáo hội và cứu rỗi nhân loại, hơn cả những người đang hoạt động trên cánh đồng của Chúa; quả thực, những người thợ rao giảng Tin Mừng không thể kéo ơn Chúa tuôn đổ dồi dào để tưới cánh đồng của Chúa; từ những nỗ lực của họ, họ cũng thu được những thành quả ít phong phú hơn.”
Trong báo cáo về “Các Hội Dòng nam nữ tu sĩ chiêm niệm bản xứ ở Viễn Đông” 51, Đức Cha de Guébriant, Bề trên Tổng quyền Hội Truyền giáo Paris đã bày tỏ nỗi niềm ngài khao khát có được các đan viện trong các xứ truyền giáo:
“Một Dòng Cát Minh nọ ở Pháp đã đặt câu hỏi: “Phải chăng ở Đông Dương người ta mong có những nam nữ tu sĩ chiêm niệm?” Mẹ Bề trên ở Huế trả lời: “Đúng vậy, chắc chắn là như thế. Giám mục, giáo sĩ, giáo dân, mọi người đều mong thấy các đan viện chiêm niệm có mặt ở khắp nơi.
Khi vị Đại diện Tông tòa ở Thái Lan xin Viện phụ ở Bắc Kinh thành lập Dòng Trappe trong giáo phận của mình, Viện phụ liền trả lời: “Tôi còn phải giải quyết 21 đơn xin thành lập nữa, trước khi nghĩ đến việc thành lập đan viện trong giáo phận của Đức Cha.
Có phải do thiếu tài chính nên không thể thành lập Dòng? “Không, Mẹ Bề trên ở Huế khẳng định như thế. Ở đây, cũng như ở Tây Ban Nha vào thời thánh Têrêsa, người ta vẫn có thể thành lập Dòng mà không có tiền…” Và Mẹ đã chứng minh bằng nhiều ví dụ. Rồi Mẹ kết luận: “Nguyện xin Thiên Chúa nhanh chóng ban cho chúng tôi các đan sĩ Chartreux, Trappe, các đan viện Biển Đức, Cát Minh từ người bản xứ! Không gì có thể phục vụ tốt hơn việc truyền bá đức tin trong đất nước này.”
Ý tưởng thành lập các đan viện trong các xứ truyền giáo, đã được các vị thừa sai bày tỏ và được Đức Thánh Cha Piô XI chính thức công bố, đi đôi với ý tưởng sứ vụ tông đồ bên cạnh người ngoại đạo: đan viện nhằm phục vụ trước tiên công cuộc truyền giáo và những người ngoại đạo. Một cách sâu sắc hơn, sự hiện diện của đan viện trong các xứ truyền giáo chứng tỏ rằng Giáo hội 52, một khi đã bén rễ ở một miền đất nào trên thế giới này, đều cần phải lớn lên và phát triển mọi hoạt động cả bên ngoài lẫn bên trong. Nói cách khác, theo ngôn ngữ cổ điển, đời sống hoạt động cần tương hợp với đời sống nội tâm, việc rao giảng Tin Mừng cần tương hợp với việc chiêm niệm.
2. Nhìn nhận và đánh giá các đan viện
Dù rằng các đan sĩ sống cuộc đời ẩn dật sau các bức tường của đan viện và dù rằng mọi hoạt động của họ đều diễn ra trong lũy cấm, nhưng ảnh hưởng của họ không kém chút nào. Chúng ta hãy xem vị thừa sai nhìn nhận như thế nào về đời đan tu:
“Quan niệm về đan tu vừa rất đơn giản vừa rất cao siêu. Đó là sự tận hiệp với Thiên Chúa nhờ việc từ bỏ thế gian và nhờ chiêm niệm; đó sự chiến thắng của tâm trí trên xác thịt nhờ thực hành việc khổ chế nghiêm ngặt; đó là sự thông hiệp bền bỉ với Thiên Chúa nhờ những lời cầu nguyện lâu giờ và nhiều việc tuân giữ khác nhau; đó là hạnh phúc của đời sống mai sau nhờ việc hiến tế cuộc sống hiện tại. Tất cả những điều ấy là gì, nếu không phải là đời đan tu, đời ẩn tu? Đó là một thực tế ta có thể nhận thấy khắp nơi, ở các dân tộc thức tỉnh trước ý tưởng thiện hảo của đời sống tu trì, trước khát vọng tiến tới sự thánh thiện, con người được coi là thánh thiện và lý tưởng, nếu không phải là vị tử đạo, thì hẳn là vị ẩn tu hoặc là đan sĩ …” 53
Theo lời cha Bề trên Tổng quyền của Hội Truyền giáo Paris, nơi các Kitô hữu thuộc các dân tộc mới tiếp nhận Phúc âm, lý tưởng của sự toàn thiện có thể thực thi nhờ lối sống đan tu. Chính theo chiều hướng này, mà vị có thẩm quyền trên đây đã bộc bạch ý tưởng táo bạo sau đây:
“Chính vì lẽ đó, nếu như ở miền truyền giáo này hoặc ở nơi khác mà tôi yêu mến và tôi có ít nhiều trách nhiệm, như ở Trung Hoa, ở Tibet, ở Nhật Bản, ở An-Nam, ở An Độ, người ta cho tôi lựa chọn giữa hai điều tốt lành: hoặc là 10.000 tân tòng vừa mới lãnh nhận phép Rửa năm nay, hoặc là một đan viện được các đan sĩ Xitô, Charteux, Biển Đức thành lập, thì giữa hai điều phải lựa chọn, tôi sẽ chọn điều thứ hai; chính điều này sẽ đem đến cho tôi nhiều niềm vui hơn cả, bởi vì nó sẽ mở ra trước mắt tôi nhiều kỳ vọng sâu rộng hơn. Điều tôi nói hôm nay, tôi đã nói cách đây bốn mươi năm.” 54
Kỳ vọng các đan viện sẽ mang đến cho các tín hữu Kitô và các giáo phận truyền giáo được căn cứ trên ba điểm: sự toàn thiện, sự ổn định 55, sự tỏa sáng. Những người mới trở lại đạo nhờ các thừa sai rao giảng Phúc âm, khiến họ ao ước đạt tới mức cao nhất của đời sống kitô là đời sống chiêm niệm. Sau những bước khởi đầu thiết đặt Giáo hội trên những vùng đất mới, bây giờ đến lúc Giáo hội cần phải được ổn định trong mọi phương diện và trên mọi lãnh vực. Nhờ lòng nhiệt thành của các vị thừa sai, vốn sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình cho việc rao giảng Phúc âm, bây giờ cần nhấn mạnh đến sự thánh thiện được tỏa rạng từ một đời sống kết hiệp với Thiên Chúa. Mà tất cả điều này có thể diễn ra nhờ sự hiện diện của các đan viện, ở đó các đan sĩ tận hiến cho Thiên Chúa và cho sự sáng danh Người:
“Ơn ích mà lối sống tu trì này làm tỏa rạng trên toàn dân Kitô cũng như trên dân ngoại thật vô cùng tận. Lời cầu nguyện và gương lành của họ là thứ men đích thực cho Giáo hội An-Nam.”56
Nhờ lời cầu nguyện, gương lành, lối sống thấm nhuần đức khó nghèo và sự khắc khổ, các đan sĩ có thể góp phần mình vào việc rao giảng Phúc âm, nhất là vào việc hoán cải người ngoại đạo và việc ươm trồng Giáo hội. Đan viện còn là một nơi đặc biệt để cầu nguyện và tu luyện, rộng mở cho tất cả những ai mong ước sống một thời lúc tích cực như tĩnh tâm, linh thao, tĩnh dưỡng cả thể xác lẫn tinh thần, v.v… Về phương diện này, sứ vụ tông đồ của đan viện là tiếp khách, tạo cho khách một khung cảnh, một môi trường thuận lợi cho việc kết hiệp với Thiên Chúa.
Chúng ta hãy lắng nghe các vị thừa sai trình bày những suy nghĩ của họ về các đan viện trong giáo phận Bắc Đàng Trong:
“Còn một trung tâm cầu nguyện, hãm mình và thực thi sứ vụ tông đồ khác nữa, đó là đan viện Đức Bà An-Nam. Trong vòng một năm, Phước Sơn đã đón nhận hơn 700 khách đến tĩnh tâm, gồm linh mục, giáo sĩ, giáo dân; số ngày tĩnh tâm đã vượt quá 700. Có rất nhiều khách đến tham quan, đôi khi có cả những vị khách nổi tiếng là người Châu Au và người bản xứ; tất cả đều được đón tiếp nồng hậu và có được những ấn tượng mà họ sẽ mãi ghi nhớ…. Trở thành phần tử của đại gia đình Xitô, họ sẽ không quên Hội Truyền giáo thân yêu; họ đặc biệt gắn bó với Giáo phận Huế, mà chính Giáo phận cũng vui mừng và hãnh diện kể họ vào số con cái của mình. Về phần con cái của thánh Têrêsa, các nữ tu này không ngừng tiếp tục “lối sống ẩn kín với Chúa Kitô trong Thiên Chúa” và các chị dùng lời cầu nguyện và việc hãm mình mà làm cho cánh đồng truyền giáo phát triển dồi dào.”57
“Năm nay cũng thế, nhà dòng Phước Sơn đã đón rất nhiều khách, giáo sĩ cũng như giáo dân, đến từ miền Bắc, miền Nam, từ khắp mọi nơi; có những người chỉ ở vài ngày, lại có những kẻ ở lại nhiều tuần; ai nấy đều sung sướng gặp thấy ở nhà dòng một sự thanh vắng bổ ích cho việc suy tưởng đến sự cứu rỗi, một bầu khí đạo đức, bình an và hạnh phúc. Bạn bè của chúng tôi đều chọn lấy cho mình câu phương ngôn nổi tiếng vốn đã trở thành chương trình sống: “contemplata aliis tradere”. Các đan sĩ chiêm niệm chia sẽ cho mọi người những ánh sáng họ kín múc được khi chiêm niệm; họ còn đảm trách một giáo xứ gồm 340 giáo dân; đôi khi, do hoàn cảnh đặc biệt, một vài linh mục trở thành khách nội trú, còn khách thì gồm đủ mọi thành phần giai cấp xã hội. Như vậy, cùng với sứ vụ tông đồ bằng lời cầu nguyện và việc đền tội, các đan sĩ còn kết hợp thêm sứ vụ tông đồ bằng lời nói và hành động.” 58
“Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa về ơn ích mà Người trao ban qua sự cộng tác của chúng tôi. Chính Người cho phát triển; còn nhiệm vụ của chúng tôi là trồng và tưới. Cả hai Hội Dòng chiêm niệm của chúng tôi đều có sứ vụ đặc biệt là lôi kéo phúc lành của Thiên Chúa trên công việc của chúng tôi; họ hoàn thành sứ vụ ấy một cách tốt nhất. Bây giờ nhà dòng Phước Sơn đã trở thành phần tử của Dòng Xitô… Còn Dòng Cát Minh Huế đã mừng trọng thể 25 năm thành lập hôm 16 tháng mười hai.”59
“Thêm một lời nữa để kết luận về hai Hội Dòng chiêm niệm của chúng tôi: đó là Dòng Xitô Phước Sơn và Dòng Cát Minh Huế… Mong sao hai Hội Dòng chiêm niệm này làm việc hết mình để không ngừng dùng lời cầu nguyện và việc hy sinh mà lôi kéo ngày càng nhiều phúc lành của Thiên Chúa trên những vị làm việc tông đồ ở Giáo phận Huế và trên các linh hồn được trao phó cho họ chăm sóc !” 60
Trong Thông điệp “Rerum Ecclesiae” chính Đức Thánh Cha Piô XI đã đánh giá cao và tỏ ý tán thành đời sống đan tu ở các xứ truyền giáo và Ngài đã lấy đan viện ở Bắc Kinh làm ví dụ. Chúng ta có thể đọc biết những đánh giá về các đan viện ở Trung Hoa và Nhật Bản như sau:
“Các vị thừa sai đều đánh giá cao ảnh hưởng tông đồ của cả hai đan viện chúng tôi. Các vị cho rằng các đan sĩ Dòng Trappe N. D. du Phare đã dùng lời cầu nguyện, việc đền tội và gương lành để góp phần vào việc làm cho người Nhật nhận biết Kitô giáo. Đan viện của họ nổi tiếng khắp vùng Viễn Đông, người ta tìm đến đan viện từ khắp mọi miền đất nước, mỗi năm phải có đến hàng nghìn khách tham quan. Các nữ đan sĩ Dòng Trappe N. D. des Anges (Đức Mẹ các Thiên thần), được thành lập gần Hokodaté một năm sau Dòng Trappe N. D. du Phare (tức năm 1897) đã mở ra các đường hướng chiêm niệm cho nữ giới Nhật Bản. Hàng năm, những cuộc thăm viếng của các nhân vật quyền quý, kể cả các hoàng thân và công chúa, chứng tỏ cho thấy cả đến giai cấp quyền quý trong xã hội Nhật Bản cũng quan tâm tới đời sống đan tu.” 61
Một linh mục Dòng Tên, cha Albert Valsensin, đã có thời gian sống tại nhiều giáo phận truyền giáo khác nhau ở Á Châu, đã có một số nhận xét về các đan viện mà ngài gặp thấy trên lục địa này:
“Bảy tháng thi hành tác vụ trong nhiều giáo phận truyền giáo ở Á Châu, hầu như đã làm cho tôi cảm nghiệm một thực tại chắc chắn về những điểm cao cầu nguyện, nơi mà tâm hồn con người có thể dừng chân nghỉ dưỡng trong cuộc hành trình trần gian này.
Ở Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cao Miên, An-Nam, Madouchie và Triều Tiên, lúc nào tôi cũng nhận được từ môi miệng các vị thừa sai một ước nguyện như nhau : Để hoán cải những xứ sở Phật giáo này, chúng ta cần phải có các đan sĩ !” 62
Tất cả những trưng dẫn trên đây đều cho thấy những đánh giá cao đối với các đan viện và các đan sĩ, đồng thời đều chứng tỏ cho thấy sự cần thiết phải có các đan viện trong các xứ truyền giáo. Và sự cần thiết này có những lý lẽ của nó. Lý lẽ thứ nhất căn cứ trên điều này là Chúa Thánh Linh trao ban cho một số tâm hồn những khả năng và sức hút của đời sống chiêm niệm. Lý lẽ thứ hai, gắn kết với lý lẽ thứ nhất, đó là Giáo hội cần phải rộng mở, phát triển trọn đầy trong đời sống thiêng liêng, cũng như phải hướng tới tất cả mọi lãnh vực. Lý lẽ thứ ba, liên quan tới việc thuyết giảng, cho thấy để việc thuyết giảng được hữu hiệu, thì lúc nào cũng cần phải được ân sủng nâng đỡ và làm cho phong nhiêu. Mà ân sủng đạt được chủ yếu là nhờ cầu nguyện và hy sinh. Lý lẽ thứ tư, đó là đời sống đan tu, một khi được vun trồng trên đất nước ngoài kitô giáo, cần phải trở nên cơ hội cho những người chưa tin nhận Chúa tiếp cận với Kitô giáo. Vì thế chúng ta có thể nói rằng đời đan tu là một bài thuyết giảng sống động và là sự tán dương đặc biệt có ý nghĩa về Kitô giáo. Cuối cùng lý lẽ thứ năm gồm tóm tất cả các lý lẽ khác, căn cứ vào điều này là đan sĩ vốn muốn trở nên hữu ích cho Giáo hội và xã hội, tự buộc mình phải chân thành sống một cuộc đời dâng hiến hoàn toàn cho việc tôn vinh, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa.
Theo thiển ý của chúng tôi, lý lẽ thứ năm này là lý lẽ quan trọng và cơ bản. Quả thực, khi đi đến các xứ truyền giáo để thành lập các nhà dòng hoặc để sinh sống ở đấy, đan sĩ có thể mang theo mình nhiều ảo vọng. Trong bài viết “Tại sao các tu sĩ Châu Âu trong các nhà dòng ở Viễn Đông”, Viện phụ-Thanh tra là Đức Gérard Haverbèque mời gọi các đan sĩ gốc Châu Au hoặc Mỹ Châu hãy đến chung sống với những đan sĩ người Trung Hoa hoặc Nhật Bản, nhưng ngài không quên khuyên họ nên để ý đến những động cơ cá nhân. Xin trích dẫn ra đây một đoạn thư của ngài:
“Một cách vô ý thức, một số đan sĩ có thể chiều theo sự ham muốn điều mới lạ, điều phi thường, chiều theo lòng mong ước đi đến xứ xa lạ. Thế nhưng một khi an vị trong ngôi nhà mới, họ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng không có gì mới mẻ dưới mặt trời …
Có những đan sĩ khác có thể để mình bị lôi cuốn bởi triển vọng tích cực làm cho nhiều người ngoại đạo trở lại, mà không cần phải đầu tư nhiều cho đời sống truyền giáo. Coi chừng họ lầm đấy! Chắc hẳn trong các đan viện của chúng tôi ở Viễn Đông, mọi người đều lo nghĩ đến việc cứu rỗi lương dân và mở mang Nước Chúa; tuy nhiên, cần phải chuyên tâm vào những việc này, đúng theo tu luật, nhờ lời cầu nguyện và ăn năn đền tội.
Sau cùng, có nhiều người sống trong một cộng đoàn đông đúc và cho rằng mình ở trong bóng tối, nên ấp ủ ảo tưởng mình sẽ được trọng vọng hơn. Cả trường hợp này nữa, họ sẽ liều mình thất vọng. Chúng ta đến sống trong các đan viện ở Trung Hoa hay Nhật Bản chỉ là để lôi kéo linh hồn anh em về với Chúa nhờ gương lành của một đời sống sốt sắng và trung thực, cũng như để tự thánh hóa và hy sinh thêm nhiều hơn nữa cho sáng danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Tôi cố ý nói : “hy sinh thêm nhiều hơn nữa”… Tóm lại, ta đừng mong đợi tìm gặp ở Trung Hoa hay Nhật Bản cơ hội làm thỏa mãn những điều ta thích thú hoặc ham muốn. Chắc chắn ta sẽ gặp thấy ở đấy chủ yếu là những vấn đề khiến ta phải từ bỏ mình nhiều hơn nữa, tận tâm tận tình thêm hơn nữa vì Chúa và vì các linh hồn.”63
Vì thế cho nên, nếu như nhà dòng và đan sĩ được đánh giá cao và nếu như đời sống của họ trở nên hữu ích, thì nhất thiết họ cần phải theo đuổi ơn gọi và sống một cách đúng thực đặc sủng của họ giữa lòng Giáo hội. Đan viện có thể là ngọn đèn tỏa sáng cho thế gian đang chìm trong bóng tối, chắc chắn chỉ với điều kiện này là đan viện phải tiếp nhận ánh sáng từ Đấng chính là Ánh sáng.
3. Cơ may thành công
Trên đây chúng tôi đã nói tới việc thiếu vắng đan sĩ một cách rất đáng tiếc trong các giáo phận truyền giáo, cũng như thiếu một sự đánh giá chính xác về đời đan tu. Điều này dẫn tới việc có nhiều nhà dòng ở Viễn Đông đã có một bước phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, thiết đặt đời đan tu cùng với các cơ cấu tổ chức và các điều thiết yếu trong một vùng đất mới lạ, trong các xứ truyền giáo, quả không phải là một công việc dễ dàng. Các đan sĩ, xuất thân từ một đất nước khác, “được lập trình” theo một khuôn mẫu hoàn toàn khác với đất nước truyền giáo, ôm ấp trong họ một tâm thức, một nền văn hóa khác với tâm thức và nền văn hóa mà họ sẽ gặp trong vùng đất mới, chắc chắn họ phải đương đầu với những khó khăn vốn không thể giải quyết ngay ngày một ngày hai. Việc thiết đặt một đan viện trong các xứ truyền giáo đòi hỏi nhiều nỗ lực cũng như nhiều kiên trì.
Bây giờ chúng ta hãy bàn về cơ may thành công khi thành lập Dòng. Chúng ta đề cập vấn đề này trong bối cảnh thành lập Dòng ở An-Nam, và xa rộng hơn nữa là ở Viễn Đông. Chúng ta chớ quên có nhiều phiền phức sẽ xảy đến trong quá trình phát triển.
Hầu hết những ai có dịp đến sinh sống ở Viễn Đông, sau một thời gian ngắn hoặc dài, đều có một nhận xét chung là đời đan tu có được cơ may thành công trong một đất nước vốn có nhiều chùa chiền Phật giáo. Sự kiện này cho thấy dân cư ở những đất nước này có khuynh hướng tự nhiên thiên về lối sống đan tu vốn thấm nhuần tính khắc khổ và đượm vẻ huyền bí. Chúng tôi xin trưng dẫn một bằng chứng:
“Không có gì phải kinh ngạc khi có một Dòng chiêm niệm chuyên lo, theo cách của họ, cho việc hoán cải ở Viễn Đông, bởi vì vùng đất này hiện là vùng đất của đời sống chiêm niệm… Các dân tộc này đã sớm hiểu biết rằng, nếu ta muốn tìm gặp Thiên Chúa, thì chính trong thanh vắng và thinh lặng, ta có cơ may gặp được Người hơn cả…
Ở Viễn Đông, người ta yêu thích đời đan tu. Tuy nhiên, chúng ta nên thú nhận rằng, dưới cùng một nhãn mác, ẩn giấu nhiều thực tại rất khác nhau. Khách tham quan kéo đến tấp nập, đôi khi có tới ba ngàn khách chỉ trong một ngày, để tham viếng các đan viện Xitô của chúng tôi ở Nhật Bản; họ mong chờ tìm gặp ở đây điều gì đấy khác hơn là những gì trải ra trước mắt mọi người trong các chùa chiền nhà Phật hoặc trong các đền thờ Shinto.
Sự ham thích đời sống ẩn kín trong lũy cấm thường bộc lộ một cách khá bất ngờ. Có những vị khách ngoại đạo, mà đặc biệt là những vị khách ngoại đạo này, tha thiết xin được gia nhập vào trong các đan viện của chúng tôi, mà họ không hề nghĩ tới điều kiện tiên quyết ít ra là phải chịu phép Rửa. Họ muốn trở thành đan sĩ trước khi trở thành tín hữu Kitô… ”
Cha Denis Thuận, trong mười lăm năm đầu thi hành tác vụ bên cạnh người Việt, cũng đã khám phá sự ham thích dành cho đời sống nội tâm. Chính vì thế việc thành lập Dòng cứ ám ảnh ngài và không hề rời xa ngài.
Tuy nhiên, sự ham thích dành cho đời đan tu chỉ là lý thuyết. Để việc thành lập Dòng thành công, cần phải có rất nhiều điều kiện trong cách thức thiết lập Dòng tại xứ sở này. Môi trường đạo đức và tinh thần thuận lợi cho việc lập Dòng là tín hữu Kitô ở nơi đã đón nhận Tin Mừng phải đạt được một chiều sâu cần thiết về Kitô giáo cũng như việc tổ chức Giáo hội địa phương cho phép một việc thành lập như thế. P. Peffer, nhân Tuần lễ Truyền giáo học lần IV tại Louvain, đã giới thiệu “Đan sĩ Xitô Cải cách ở vùng Đông Á”; ngài phân tích mục đích của các đan viện ở Viễn Đông, qua đó cho thấy tình hình Kitô giáo trong những đất nước này như sau:
“Dòng Trappe ở Bắc Kinh được khai sinh từ quan điểm sâu sắc của Đức Cha Delaplace và Đức Cha Favier, giám mục Bắc Kinh. Những vị giám mục thừa sai vĩ đại này nhắm hai mục tiêu: 10 giới thiệu cho các linh mục thuộc quyền những sự hỗ trợ thiêng liêng; 20 đối mặt với các sư sãi Trung Hoa bằng các tu sĩ công giáo …
Riêng đan viện N. D. du Phare ở Nhật Bản nổi trội do ý tưởng làm mục vụ tông đồ bên cạnh những người không phải là kitô. Đan viện này đã được quyết định thành lập nhằm để nâng đỡ việc rao giảng Phúc âm cho người Ainos (bộ tộc du mục ở đảo Hokkaido…)
Điểm nổi trội, chính là do ý tưởng làm mục vụ tông đồ bên cạnh những người không phải là kitô: đan viện ưu tiên phục vụ công việc truyền giáo và lương dân.
Nhưng trong các đan viện vừa mới được thành lập, thì quan điểm trên đây tụt xuống vị trí thứ hai… Chẳng hạn như trường hợp các tu sĩ nhà dòng Đức Bà An-Nam: “Các tu sĩ Dòng này nhằm mục đích nên toàn thiện nhờ thực thi đời sống chiêm niệm, và thêm vào mục đích thứ nhất này, họ cầu nguyện và hãm mình để cho lương dân được trở lại.”65
Từ nhận xét trên đây, cha Peffer rút ra kết luận này là, trong trường hợp thứ hai, đan viện nhằm phục vụ trước tiên cộng đoàn kitô hữu bản xứ, nhưng không vì thế mà quên đi sứ vụ tông đồ của họ là cầu nguyện và nên gương lành. Vì vậy, theo ngài, “việc thay đổi quan điểm như thế đòi hỏi phải có những cộng đoàn kitô hữu bản xứ tràn đầy sức sống, và hơn nữa chính đan viện nhất thiết phải trở nên đan viện bản xứ.” 66
Nhận xét này quả đúng với trường hợp giáo phận Tông tòa Bắc Đàng Trong. Thực vậy, năm nào con số tín hữu Kitô cũng tăng thêm và nhiều giáo đoàn Kitô mới được thành lập, nhiều nhà thờ được xây mới. Sau thời kỳ bách hại, giờ đến lúc các cuộc trở lại được nở rộ. Cha Denis Thuận, trong những năm thi hành sứ vụ truyền giáo, đã khám phá thanh niên Việt Nam khao khát sống đời đan tu; vì thế ngài mong muốn thành lập một nhà dòng bản quốc dành cho người Việt Nam. Tức là một Hội Dòng hoàn toàn Việt Nam.67
Thực thế, nếu như ta nghĩ tới cơ may thành công khi tính toán việc bản địa hóa, tức là phải tính tới hai điều sánh đôi với nhau: đó là việc tuyển sinh và lối sống.
Liên quan tới việc tuyển sinh, một đan viện được thành lập trong xứ truyền giáo và tiếp nhận người bản xứ, có nhiều cơ may thành công hơn những đan viện tuyển sinh phần lớn là người Châu Au. Chúng ta hãy lấy ví dụ: trong suy nghĩ của các vị sáng lập, Dòng Trappe tiên khởi ở Trung Hoa cần phải là Dòng Trappe của người da trắng: người ta đã vận chuyển từ Pháp sang Trung Hoa trọn vẹn Dòng Trappe ở Tamié. Việc tuyển chọn đan sĩ ở Châu Au không thể thực hiện, nên chương trình này thất bại. Tuy nhiên, đó chỉ là sự thất bại trong sự Quan phòng. Sau cùng các vị sáng lập đã mở ra cho người Trung Hoa khả năng chính họ thiết định đan viện của họ. Học hỏi từ kinh nghiệm này, các vị sáng lập đan viện ở Nhật Bản, ngay từ ban đầu, đã nhắm ngay tới việc tuyển chọn người bản xứ. Còn nhà dòng Đức Bà An-Nam, ngay từ lúc còn trong trứng nước, cũng như trong suốt quá trình phát triển, luôn là một đan viện dành cho người bản xứ, và mong muốn tuyển chọn người bản xứ. Vì vậy, đan viện này không lúc nào có hơn hai thành viên người Châu Au. Việc tuyển chọn người bản xứ tạo điều kiện cho một sự bành trướng nhanh chóng. Do đó, chỉ sau bảy năm thành lập 68, nhà dòng Đức Bà An-Nam đã có 50 tu sĩ, trong khi Dòng Trappe ở Bắc Kinh chỉ đạt con số 96 tu sĩ sau 40 năm 69.
Con số tu sĩ ở nhà dòng Đức Bà An-Nam (Phước Sơn) phát triển nhanh chóng còn có một lý do khác sâu sắc hơn. Lối sống đan tu, sử dụng Tu luật thánh Biển Đức và Hiến pháp Dòng Xitô Nhặt phép, rất phù hợp với tâm thức và mức sống của người Việt thời bấy giờ 70. Trong ý tưởng của cha Biển Đức Thuận, ngài muốn thành lập một nhà dòng ở An-Nam nhằm để tiếp nhận những người “nhà quê bé mọn”, nghèo khổ, chân chất, đầy thiện chí, muốn theo đuổi đời đan tu. Và nhà dòng của ngài được tổ chức theo định hướng và chiều kích ấy. Trong các bài báo xuất bản đây đó ở An-Nam hoặc ở Châu Au, người ta đều bàn tán về những thích nghi trong nhà dòng mới được thành lập này. Và người ta chỉ kể những thích nghi ấy dưới khía cạnh y phục và ăn uống. Chúng tôi cho rằng vấn đề này đã được đặt ra cho và do cha Biển Đức Thuận một cách còn quyết liệt hơn nữa. Khi ngài có ý định thành lập một nhà dòng bản địa dành cho người bản xứ, hẳn ngài mong muốn rằng tất cả những gì gặp thấy trong nhà dòng này đều mang sắc thái người bản xứ và tôn trọng tâm linh người bản xứ. Dĩ nhiên cha Biển Đức Thuận không sáng chế đời đan tu dành cho người Việt. Thế nhưng, khi lặp lại truyền thống đan tu theo thể thức “Tu luật thánh Biển Đức và Hiến pháp Dòng Xitô Nhặt phép”, ngài đã tái-tạo lối sống này như thế nào để cho người bản xứ – người bản xứ thực sự bằng xương bằng thịt, tại chỗ – có thể sống đời đan tu một cách thuận lợi và có hiệu quả. Nói cách khác, việc lập Dòng ở Việt Nam, một xứ truyền giáo, cần phải đạt tới mọi tầng lớp sâu xa nhất của người dân bản xứ. Ngoài ra việc lập Dòng còn buộc phải gần gũi với môi trường nơi nhà dòng được thiết lặp.
Vì thế chúng ta nhận thấy công việc cha Biển Đức Thuận khởi sự đã gặt được nhiều thành quả và có được cơ may phát triển nhanh chóng. Vậy mà cơ may thành công này không hề được các bạn đồng liêu trong giáo phận truyền giáo của ngài coi trọng. Một sự hoài nghi ngự trị trong tâm trí họ. Ngay cả Đức Cha Allys Lý, dù đã ban phép cho cha Denis Thuận thử lập Dòng, song cũng đã chuyển đến ngài thông tin mà Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến nhắc lại trong tác phẩm của mình:
“Nhiều vị thừa sai nghe biết Đức Cha đã ban phép cho cha Denis Thuận lập Dòng, thì ban lời chua cay chê trách. Chính Đức Cha, … cũng nói cách ra như không tin cậy, như thư cha Lê Hữu Luyến làm chứng: “Ngày sau hết các chú lên chào, cha con thày trò cùng nhau từ giã, thì ngài buồn và nói: Đức Cha nói với cha rằng: “cho phép lập Dòng, có được thì hay, nếu bất thành, thì phải để nơi ấy lại cho địa phận, rồi đi Lào hay đi mô thì đi.”71
Xuyên suốt lịch sử nhà dòng Đức Bà An-Nam, vấn đề thành công được nhắc đi lặp lại nhiều lần dưới ngòi bút của cha Biển Đức Thuận. Ngài tin chắc chắn công việc của ngài sẽ thành công. Và thực tế đã đáp ứng lòng tin tưởng của ngài.
“Trong một lá thư mà cha Bề trên Dòng Đức Bà An-Nam gửi cho Chủng viện Hội Truyền giáo hồi tháng hai vừa qua, tôi đọc được câu này: “Người ta xin chúng tôi lập Dòng ở Tân Ghinê thuộc Hà Lan.”… Như vậy, Dòng Đức Bà An-Nam vừa được thành lập thì người ta đã yêu cầu các đan sĩ An-Nam đào tạo đan sĩ người Châu Đại Dương !”72
Để kết luận, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn thư của cha Willibrord 73 gửi các Bề trên trước kia của ngài vài tuần sau khi ngài tới Phước Sơn. Ngài kể lại cuộc hành trình của mình, mô tả nhà dòng Đức Bà An-Nam (Phước Sơn) và bộc bạch một vài cảm nghĩ đầu tiên. Liên quan tới vị sáng lập Dòng, ngài viết:
“Một trong những ngày gần đây, cha giáo tập người Việt đến gặp tôi … Và đang khi chúng tôi trò chuyện, chúng tôi rơi đúng vào một điểm bất đồng, về thói quen ở đây và ở Trappe, vì thế tôi thưa: “Thưa cha, cha thấy đấy, ở Trappe người ta làm như thế này!” – Cha giáo tập liền trả lời: “À thưa cha, người Việt chúng tôi thì như thế đấy; và thói quen ấy hoàn toàn khác với các đan sĩ ở Châu Au. Người Cha quá cố của chúng tôi đã nhận thức rất rõ điều ấy, quả thực, đây đúng là điểm mà Cha chúng tôi đã sắp xếp, và cha biết đấy, Cha chúng tôi là một vầng sáng! ôi, Cha chúng tôi là một con người thánh thiện của Chúa! dĩ nhiên ngài rất hiểu chúng ta!”
Rồi cha Willibrord, người mới tới, kết luận:
“Cha của họ đã sinh sống biết bao nhiêu năm trường giữa họ: ngài hiểu họ, ngài thấu suốt tạn tâm can họ, còn tôi, tôi còn chưa biết ngay cả ngôn ngữ của họ nữa cơ.”
Nếu như thanh niên Việt tấp nập tuôn đến Dòng Đức Bà An-Nam và ở lại đấy, ấy là vì nơi đây đáp ứng đúng khát vọng của họ, và bởi vì đời đan tu khiến họ hạnh phúc như chính vị sáng lập của họ tìm thấy cội nguồn hạnh phúc của ngài trong lối sống mới mẻ này.
III. Hạnh phúc đời đan tu
Cha Biển Đức Thuận đã trải qua những năm tháng đào tạo, làm thừa sai rồi làm đan sĩ: chúng ta cảm thấy cuộc đời của ngài tựa như mảnh vải được dệt bởi những sợi chỉ liên tiếp nhau. Dường như các biến cố tiếp nối nhau theo cùng một hướng. Ta có cảm giác chừng như cuộc đời của ngài chẳng gặp phải nhiều khó khăn trắc trở. Vậy mà, như chúng ta đã thấy, cuộc đời này đã từng nếm trải biết bao gian khó, hoặc do những việc xảy ra ngẫu nhiên trên bình diện xã hội và tôn giáo, hoặc do hoàn cảnh gia đình – sự nghèo khó – hoặc do trong môi trường nơi ngài thi hành tác vụ. Cha Biển Đức Thuận phải đấu tranh, không những với ngoại cảnh, mà còn với chính mình, và nhất là với Thiên Chúa. Xem ra cuộc sống của con người này được dẫn dắt bởi bàn tay của một Đấng Bất khả tri trên những nẻo đường đầy lo lắng, nghi ngờ, căng thẳng, lại còn thêm trách vụ của một vị thừa sai và rõ ràng là trái ngược với “ách êm ái dịu dàng” của đời đan tu.
1. Cuộc đời ẩn kín trong Thiên Chúa
Có một nghịch lý lớn trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận, đó là sự nhiệt thành ngài dành cho công cuộc truyền giáo và nỗi lòng ngài khao khát cuộc đời ẩn kín. Ngài là một vị thừa sai vận dụng mọi phương cách để hành động, làm hết mọi cách có thể để hoán cải lương dân, trổ hết mọi tài năng để nâng cao trình độ của học sinh. Ngài là một vị thừa sai không bao giờ chịu ngồi yên, tự nhốt mình trong phòng làm việc ở Tiểu chủng viện hoặc trong nhà xứ. Vậy mà, cuối cùng cũng chính con người này tìm thấy hạnh phúc khi được ẩn mình trong một đan viện có rừng rú bao quanh, xa cách thế gian. Ai đã thúc giục ngài tìm kiếm điều ấy? Có phải đây là một cuộc trốn chạy trước những gian khó hoặc trước những thất bại ngài gặp phải khi thi hành sứ vụ? Có phải là một sự thúc bách tự nhiên ? một ham thích cá nhân? tính ích kỷ? hoặc mong tìm sự đảm bảo cho ơn cứu rỗi?
Từ những nghịch lý ấy, từ những nét gần như mâu thuẫn ấy, cha Biển Đức Thuận tìm được lời giải đáp trong tay Đấng dẫn dắt ngài trong thinh lặng. Chính Đấng ấy là chìa khóa giải mã tất cả mọi mâu thuẫn hoặc tất cả mọi nghịch lý.
Theo bản tính tự nhiên, cha Biển Đức Thuận không thích đám đông cũng không thích những chỗ tụ tập đông người. Những dịp như thế khiến ngài cảm thấy dị ứng, nhức đầu, như ngài đã viết cho Đức Cha Allys Lý để xin thứ lỗi vì không thể đến tham dự lễ tấn phong giám mục. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, trong quyển Hạnh tích, đã mô tả cha Biển Đức Thuận, khi ngài còn ở Tiểu chủng viện cũng như khi làm cha sở giáo xứ Nước Mặn, như một người ưa thích sự thanh vắng, cầu tìm những giây phút riêng tư trong thinh lặng. Và tất cả những điều ấy, dù là tự nhiên, là con đường đưa dẫn tới gặp gỡ một Ai đó.
Thực vậy, sự thanh vắng, đời sống ẩn kín chỉ có ý nghĩa khi chúng thấm nhuần một sự Hiện diện, một mối tương quan. Cuộc đời của đan sĩ mà mọi sinh hoạt đều chỉ diễn ra trong bốn bức tường, bao hàm trong nó một lời mời gọi, một ơn gọi. Sự từ bỏ thế gian, để có thể sinh hoa kết trái một cách thích đáng, cần phải là điều kiện của sự kết hợp và sự hiệp thông. Tóm lại, hạnh phúc tìm gặp trong nơi xa xăm hoang vắng, bắt buộc phải có những kinh nghiệm cùng những ham thích mà đan sĩ có thể chịu đựng khi phải gặp trái ý phiền lòng về tình cảm hoặc về tinh thần. Nói cách khác, duy chỉ một mình Thiên Chúa thôi đã đủ!
Các lá thư của cha Biển Đức Thuận và nhất là những lời giáo huấn ngài giảng dạy đan sĩ, cho thấy niềm hân hoan vui sướng của một con người đã tìm được kho báu hằng mong ước.
Ngài đã viết cho bà kế mẫu rằng ngài cảm thấy khổ sở khi phải sống ở ngoài đan viện, ngài lấy việc ấy làm cực khổ hơn việc ăn chay trót mùa chay như Hội thánh dạy. Cha Biển Đức Thuận minh họa việc ngài khao khát sống trong đan viện bằng câu hỏi: bỏ con cá vào bình mứt thì nó thích ở đó hay ở trong bình nước lạnh hơn ? Nói như thế, cha Biển Đức Thuận có ý nêu lên điều trái ngược giữa sự ngọt ngào (của mứt) và sự nhạt nhẽo của nước. Thế nhưng, điều quan trọng là môi trường tự nhiên và thuận lợi tạo điều kiện cho cuộc sống phát triển. Theo nhận xét của ngài, đan viện là môi trường tốt lành nhất đối với đan sĩ.
Trong một lời giáo huấn khác, để giúp các đan sĩ phân định xem tâm hồn mình yêu mến đời đan tu tới mức nào, cha Biển Đức Thuận mô tả hai loại đan sĩ. Loại thứ nhất là những đan sĩ đích thực, đó là những anh em cảm thấy khổ sở khi phải đi ra ngoài. Khi ấy họ cảm nghiệm hạnh phúc lớn lao của những kẻ ở trong nhà Chúa. Do đó họ mong ngóng trở về nơi đầy ân phúc ấy sớm chừng nào có thể, giống như chim bồ câu của ông Noê, chỉ gặp thấy xác chết hôi thối, nên vội vàng quay trở lại tàu. Trái lại, loại đan sĩ thứ hai cảm thấy vui sướng khi được ra ngoài đan viện; họ thích ở ngoài đan viện lâu chừng nào có thể. Đó là dấu không tốt, vì đấy không phải là tinh thần của thầy dòng. Họ giống như con quạ, vừa ra khỏi tàu, là thích thú ngấu nghiến các xác chết thối rữa.
Nếu như cha Biển Đức Thuận cảm nhận được hạnh phúc của đời đan tu và dạy bảo đan sĩ hãy yêu mến nhà dòng của mình, ấy là vì nhà dòng là môi trường để họ sống, là khuôn khổ để họ phát triển, là nơi chốn cho cuộc đời của họ. Vì thế cha Biển Đức Thuận muốn đề ra cảnh vực tâm linh 74. Chính theo chiều hướng này mà ngài không ngừng khuyên bảo các đan sĩ hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã kêu gọi họ đến sống trong nhà dòng.
Nói về cảnh vực tâm linh, trước hết là nói về Tu luật, về anh em và về diện mạo của một cộng đoàn. Thực vậy, khi cha Biển Đức Thuận lập Dòng, chắc chắn ngài đã có một kế hoạch mà ngài tóm tắt trong công thức rất được ngài ưa thích: “Tu luật thánh Biển Đức và Hiến pháp Dòng Xitô Cải cách”. Công thức này vừa diễn tả nỗi khao khát tìm kiếm Thiên Chúa trong khuôn khổ đời đan tu theo lối sống cộng đoàn – Tu luật thánh Biển Đức – và tất cả những gì giúp ích cho công cuộc tìm kiếm này theo cách thức Xitô. Nói cách khác, đây là một cách sống Phúc âm trong khung cảnh đan tu. Sự xa lánh thế gian, cảnh hoang vắng và môi trường xung quanh Phước Sơn chỉ nhằm một mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho đan sĩ phụng sự Thiên Chúa.
“Trong các nhà trường, kẻ vào đó chính là để học hành, cũng có đi đàng nhân đức, song cốt ý cho được học hành. Vào đây không phải có ý ấy. Mà cũng không phải vào đây cho đặng làm vườn, làm ruộng. Một cố ý vào đây cho được nên thánh mà thôi… Nhà dòng không có ý chi khác, chỉ có ý giúp nhau tấn tới trong đàng kính mến Chúa, cùng làm cho nhiều người kính mến Chúa nữa. Đó là mục đích chúng ta. Ai nấy phải lo cho được. Xin Chúa giúp chúng ta !”75
Cha năng nói, muốn nên thánh phải giữ Luật Dòng, mà cha không nói sự giữ Luật trọn là một điều dễ làm, song thật là một điều rất khó … Nên cha nói, chúng ta muốn nên thánh phải giữ luật Dòng thì đủ. Giữ cho trọn vì lòng mến Chúa … Hãy giữ Luật vì lòng mến Chúa, vì muốn đẹp lòng Chúa mình, muốn cho cha mình vui thấy con cái có lòng mến thật. Như vậy mới gọi là giữ Luật Dòng cho được nên thánh.”76
Tu luật và Hiến pháp là những cách cụ thể hóa Phúc âm, được các đan sĩ trải nghiệm trong một khung cảnh là đan viện. Ngày này sang ngày khác, Tu luật và Hiến pháp được lắng nghe, giảng giải, suy niệm và trải nghiệm. Tu luật và Hiến pháp tạo nên con đường đưa dẫn tới Thiên Chúa. Chính vì lẽ đó, trong những lời trối trăng, cha Biển Đức Thuận đã chỉ cho các đan sĩ của ngài con đường nên thánh là phải giữ Luật Dòng.
Thứ đến, “cảnh vực tâm linh” còn đề cập tới vấn đề anh em, hay còn gọi là tình huynh đệ. Nếu đan sĩ sống chung với nhau, ấy là vì họ được Thiên Chúa lựa chọn để cùng nhau thực thi một kế hoạch. Khi nào đan sĩ cùng sống chung với nhau, cùng nhau thực thi một kế hoạch, cùng sinh hoạt theo một Tu luật, khi ấy đan viện – nơi chốn đan tu – mới có ý nghĩa. Quả là một hồng ân của Chúa, khi được sống với chính mình và với anh em. Khi cha Biển Đức Thuận bảo vệ lập trường chỉ nên có một hạng đan sĩ, ngài mong muốn sự hiệp thông giữa anh em được thực thi một cách mãnh liệt và rõ ràng. Đan viện phải là nơi chốn của sự linh thiêng, của tình huynh đệ. Đối với cha Biển Đức Thuận và các đan sĩ của ngài, Gia đình Nagiarét luôn là mẫu mực của nhà dòng.
“Chúng ta là anh em với nhau, đi đàng nhân đức như nhau, cho nên phải thương yêu nhau, chẳng những anh em ở một nhà với chúng ta đã rồi, lại phải thương yêu hết mọi người… Cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, cái đạo chầu Thánh Thể, các đạo ấy dễ mà không chắc chi; còn cái đạo yêu thương anh em, đạo ấy thì chắc là đạo…” 77
Còn trong lời trăng trối vài ngày trước khi qua đời, cha Biển Đức Thuận đã xác định:
“Vậy chúng con chớ có ai buồn, chớ có áy náy lo sợ. Một đi chung cùng nhau, vui vẻ theo Thánh Ý Cha chúng ta.” 78
Tóm lại, “cảnh vực tâm linh” đòi buộc một sự bám rễ sâu vào trong một nền văn hóa và trong một nơi chốn riêng biệt. Khi cha Biển Đức Thuận thành lập ở An-Nam nhà dòng Phước Sơn, ngài tự buộc mình phải thể hiện các giá trị của nền văn hóa địa phương vào trong mọi sinh hoạt thường ngày của nhà dòng. Nhà dòng Đức Bà An-Nam không bao giờ xa lạ với dân chúng nơi đây, mà trở thành như một phần mới mẻ và sáng tạo để cho đôi bên cùng được phong phú thêm lên. Khi tuân theo Tu luật thánh Biển Đức, khi sử dụng Hiến pháp Dòng Xitô Nhặt phép, khi thích nghi vào môi trường cụ thể của cuộc sống, cha Biển Đức Thuận duy trì cùng một lúc hai cách bám rễ: bám rễ vào trong môi trường địa phương và bám rễ vào trong cội nguồn của đời đan tu.
Còn khi nói về niềm hạnh phúc của cuộc đời ẩn kín, tức là đề cập tới tất cả các yếu tố hình thành việc lập Dòng, cùng với khả năng cung cấp cho đan sĩ một nơi chốn xứng hợp để gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Một đời sống ẩn kín chỉ có ý nghĩa nếu như nó nhắm đến những mối tương quan có chiều sâu và mang tính xác thực.
2. Lãng quên thế gian ư ?
Sau bao nhiêu năm tháng tìm kiếm và chờ đợi, giờ đây cha Biển Đức Thuận đã tìm được một lối sống đáp ứng đúng những ước mơ của ngài. Ngài muốn cư ngụ trong đan viện trong suốt phần đời còn lại, bởi vì ngài gặp thấy ở đấy niềm hạnh phúc được Chúa mời gọi sống đời đan tu, một lối sống thuận lợi cho việc kết hiệp với Thiên Chúa.
“Chúng ta nên nhớ điều này, mọi sự thế gian đều vô lối, chóng qua cả, trừ sự kính mến Chúa và làm tôi Người, đáng cho chúng ta chăm lo mà thôi. Vậy cám ơn Chúa đã kêu gọi chúng ta vào Dòng, để lo một việc cao trọng ấy. Chúng ta phải lo sống kết hiệp với Chúa. Mọi việc chúng ta làm vì Chúa, làm cho Chúa, chi cũng làm cho Chúa hết. Như vậy, chúng ta mới nếm được sự bình an của Chúa.” 79
“Nếm được sự bình an của Chúa” trong đan viện, đó chính là điều cha Biển Đức Thuận thừa hưởng trong nơi vắng vẻ rừng rú Phước Sơn này. Từ nay, ngài không còn bị quấy nhiễu bởi những hoạt động đa dạng của một giáo sư hoặc của một vị thừa sai nữa! Ngài trở thành đan sĩ, sống bình an và thanh thản trong đan viện. Dù vậy, liệu ngài có lãng quên thế giới quanh ngài chăng? Khi trút khỏi trách vụ của nhà truyền giáo, liệu ngài có còn nghĩ tới những anh em đang còn làm việc trong các nhiệm sở không? Sau nhiều năm thi hành tác vụ truyền giáo, cha Biển Đức Thuận cảm nhận mối quan tâm duy nhất của ngài là kính mến Chúa: “mọi sự đều vô ích chóng qua, trừ sự kính mến Chúa”, đây là cách nói ngài thích lặp đi lặp lại với các đan sĩ của ngài.
Người thế gian đang cầu tìm điều chi? Họ đang lo làm gì? Cách nhìn của cha Biển Đức Thuận về người đời mang một màu sắc vừa xác thực vừa bi quan. Bởi lẽ hạnh phúc ngài tìm được trong đời sống đan tu chi phối quan điểm của ngài:
“Ngày hôm nay, chúng ta hết thảy hãy lên đỉnh núi cao, mà đem trí nhìn chung quanh khắp thế giới. Vậy chúng ta thấy gì? Thấy phần nhiều trong thiên hạ, những chạy ngược chạy xuôi, lo ăn lo làm cho thân xác vui sướng…” 80
“Phải chi mà Chúa cho chúng ta một cái máy chi mà bay khắp thế gian bây giờ, mọi nơi mọi chỗ, lại xem thấy trong lòng người ta nữa, thì thấy người ta đang lo chi và đang làm gì: người thì đang lo lắng nhiều chuyện, người thì làm giáo hoàng, làm giám mục, làm vua chúa, kẻ thì làm thợ mộc, thợ rèn, kẻ thì tự hào là thầy lang thầy thuốc…. Khắp nơi, bao nhiêu người lo lắng các việc chóng qua … Vậy chúng ta chớ khá lầm. Các việc ấy, trong vòng năm mươi sáu mươi năm là xong hết. Người ta từng lớp, từng lớp, lớp này nổi lên rồi rạp xuống, đến lớp khác nổi lên rồi cũng thế. Người ta sống như biển nổi dậy, gần như thể là toan nuốt cả mặt đất, rồi cũng ngã xuống hết thảy…”81
Vả lại, những nhận định như thế về cuộc đời của con người, tuy đượm vẻ bi quan, nhưng lại làm nổi bật điều cốt yếu của con người. Nếu như cha Biển Đức Thuận nhận xét mọi sự thế gian đều vô lối, chóng qua và vô ích, chính là vì ngài nhìn nhận mọi sự trong mối tương quan của chúng với điều cơ bản và cốt yếu là sự kính mến Chúa. Sống trong đan viện, cho dù bề bộn bao công việc, bao gian khó phát xuất từ việc mới lập Dòng, cha Biển Đức Thuận vẫn có được một cảm nghiệm ngày càng sâu sắc hơn và tuyệt vời hơn. Điều tệ hại ở thế gian được di chuyển từ lãnh vực vật chất sang lãnh vực tâm linh, từ sự nghèo khó vật chất sang sự lãng quên Thiên Chúa.
Vì thế chúng ta có thể nói rằng, linh hồn một khi tràn đầy sự kính mến Chúa, cảm thấy bị giày vò, xâu xé vì loài người dửng dưng hoặc lãng quên Thiên Chúa. Chúng tôi không cho rằng cha Biển Đức Thuận sao lãng việc giúp đỡ người nghèo khó – bởi vì đối với ngài, hỗ trợ mọi nhu cầu của người nghèo, là một việc làm khẩn thiết – nhưng chúng tôi nhận thấy rằng ngài có một cảm nhận càng mãnh liệt hơn nữa về sự dữ thuộc lãnh vực tâm linh. Khi giảng dạy các đan sĩ, ngài chia sẻ cho họ, không phải những suy nghĩ của ngài, mà là những điều ngài cảm nhận, những điều ngài trải nghiệm trong đời đan tu.
Đan sĩ, khi sống bình an và thanh thản trong đan viện, không bao giờ cho mình là trung tâm. Đan viện không bao giờ trở thành tháp ngà để đan sĩ nuôi dưỡng lòng ái kỷ quá đáng. Được lòng yêu mến Chúa thúc đẩy, đan sĩ mong muốn yêu thương mọi người một cách sâu sắc nhất. Tuy nhiên, đan sĩ ý thức rằng tự sức mình, với những khả năng của mình, họ không thể giúp ai được điều gì. Vì thế, họ cần phải tìm đến tận cội nguồn là chính Thiên Chúa. Cầu nguyện, chính là gặp gỡ Thiên Chúa trong sự kết hiệp thân tình. Chính khi tiếp cận cội nguồn sự sống của con người là Thiên Chúa, đan sĩ có thể góp phần mình vào việc kiến tạo những cội nguồn khác nhờ qua con đường ân sủng. Chính khi ra sức trở nên thánh thiện – từ sự thánh thiện của Thiên Chúa – đan sĩ có thể thánh hóa thế gian.
“Một thầy dòng thánh thì những sự anh em làm mất lòng mình, khó ở với mình, v.v… các sự hèn hạ như vậy, thì thầy có kể chi đâu, mà cũng không xét đến sự ấy nữa, chỉ chăm chú suy nghĩ và thao thức vì thấy người ta ít kính mến Chúa mà thôi. Cả ngày thầy chỉ tìm làm đẹp lòng Chúa, hằng kết hiệp với Chúa, an ủi Chúa và lo đến phần rỗi kẻ khác. Thầy hằng lo giữ như vậy, đến nỗi xem ra chỉ có chỉ có một mình Chúa với một mình thầy ấy ở thế gian vậy, “solus cum solo”. Ấy là thầy dòng nhất hảo. Hội thánh ước ao về chúng ta như vậy. Sự ấy rất phải, vì sẽ làm ích cả thể cho Hội thánh cách kín nhiệm.” 82
“Từ 20 thế kỷ này, có vô số thầy dòng. Các thầy dòng đi giảng, đi giúp các nhà thương, trường học : thế gian có thể hiểu được. Còn như thầy dòng nguyện gẫm hãm mình như chúng tôi, thế gian không hiểu được. Vì sao tìm đến nơi vắng vẻ rừng rú này, mà chẳng phải điên, cũng chẳng phải người vô tâm trí, như có người hiểu lầm như vậy… Vậy sự kín nhiệm dòng chúng ta là gì? Là hằng tìm Chúa, chuyện vãn với Chúa. Đó là sự kín nhiệm của chúng ta. Phước của chúng ta là đó rồi: gặp Chúa, nói khó với Chúa, kính mến Chúa, kết hợp với Chúa… Kẻ gặp được Chúa như vậy, thật là thầy dòng. Kẻ ấy hằng khao khát linh hồn người ta, thương yêu anh em mình lắm …” 83
Ý thức sự khẩn thiết của việc kết hợp với Chúa và ơn ích thiêng liêng do sự kết hiệp với Chúa, cha Biển Đức Thuận không bao giờ lãng quên loài người. Ngài yêu thương mọi người, nhưng tình yêu của ngài biểu lộ theo một cách khác 84. Ngài đi sâu vào trọng tâm những vấn đề liên quan đến con người, xoay quanh việc con người lãng quên Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Nếu cha Biển Đức Thuận đặt mình trước tôn nhan Chúa để tôn vinh Người, đó là với tư cách người đại diện; khi ngài quỳ chầu Thánh Thể, ngài thờ phượng Chúa nhân danh mọi người; khi ngài kêu cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu, đó là ngài đền tạ cho mọi người. Cha Biển Đức Thuận cũng như các đan sĩ của ngài đều cảm nhận tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày, tất cả mọi gian nan thử thách như bệnh tật, tuổi già, đau khổ phần hồn phần xác, như là những cơ hội để lôi kéo ân sủng của Chúa xuống cho mọi người.
Sống trong đan viện, xa vắng mọi phiền nhiễu ngoài thế gian, để hết lòng hết sức kết hiệp mật thiết với Chúa, cha Biển Đức Thuận đã tìm được hạnh phúc duy nhất cho ngài, cũng là hạnh phúc duy nhất cho mọi người. Ngài không giữ hạnh phúc ấy cho riêng mình, mà muốn chia sẻ cho tất cả những ai tìm đến đan viện và trở thành đan sĩ, cũng như cho tất cả những ai đến sống một thời gian tại đan viện và cho tất cả mọi người mà các đan sĩ dừng lời cầu nguyện để kéo ân sủng xuống trên họ. Vì thế đan sĩ là người vừa xa cách mọi người vừa kết hợp với mọi người.
3. Đời đan tu, một cuộc đời hài hòa
Như trên đã nói, cả cuộc đời của cha Biển Đức Thuận là một cuộc tìm kiếm liên tục. Mỗi giai đoạn trải qua đều để lại cho ngài những dấu ấn từ những quyết định khó khăn. Chúng tôi có cảm tưởng ngài đã từng trải nghiệm những lo âu khắc khoải, cho dù trong thư từ ngài luôn tỏ ra bình an vững vàng. Thế nhưng, đằng sau cái vẻ bình an ấy, sóng gió của những cuộc chiến cuồn cuộn nổi dậy. Từ bỏ nếp sống này để chọn một nếp sống khác, không phải là chuyện đùa! Vì vậy, chúng ta có thể áp dụng kinh nghiệm của thánh Augustin cho cha Biển Đức Thuận, đó là kinh nghiệm của một cuộc khắc khoải tìm kiếm để rồi cuối cùng gặp được Đấng trao ban một sự nghỉ ngơi đích thực.
Qua các lá thư của cha Biển Đức Thuận, chúng ta nhận thấy ngài đã trải qua nhiều tâm trạng khác nhau: tại Tiểu chủng viện, lúc nào ngài cũng cảm thấy vội vã tới mức dễ sinh cáu kỉnh, còn tại giáo xứ Nước Mặn, ngài cảm thấy ngày dài vô tận, thế nhưng, ở tại đan viện thì ngài cho rằng thời gian trôi qua quá nhanh. Điều gì đã xảy ra? Lý giải như thế nào thời gian tâm lý qua các giai đoạn như thế? Chắc chắn, ta không thể tin vào những tình cảm nhất thời; thế nhưng, khi những tình cảm ấy được bộc lộ thành lời hoặc thành chữ viết, chúng đều đáng được chú ý. Vì thế chúng ta có thể nói rằng cha Biển Đức Thuận đã tìm thấy mục đích cuộc đời của ngài khi trở thành đan sĩ. Có thể, dưới mắt ngài, đời đan tu tạo nên sự hòa hợp tất cả những gì ngài cầu tìm.
Đời đan tu là một sự hòa hợp, trước hết theo nghĩa này là cha Biển Đức Thuận hòa giải với chính mình. Chúng ta đã nhiều lần đề cập tới sự giằng co mà ngài đã cảm nhận xuyên suốt những năm tháng ngài học tập tu luyện và trong thời gian ngài thi hành sứ vụ truyền giáo: ngài cảm thấy bị xâu xé giữa những lựa chọn, giữa những định hướng khác nhau. Ngài cho thấy ngài không hài lòng về chính mình. Nhiệt tâm truyền giáo thúc giục ngài tiến xa hơn nữa, vượt ra khỏi mọi sự giam hãm, Tuy nhiên đức vâng phục níu giữ ngài lại với những gì ngài cần phải làm trong hiện tại. Với tư cách nhà truyền giáo, dù phải sống giữa những hoạt động đa dạng, ngài luôn mơ nghĩ tới việc ẩn mình trước mặt mọi người. Trước khi trở thành đan sĩ, ngài khó mà hòa hợp với chính mình, hòa hợp giữa những quan điểm khác nhau, và sâu sắc hơn, giữa Thiên Chúa và những điều thuộc về Thiên Chúa, ta có thể nói như thế. Là đan sĩ, họ sống dung hòa với những xung đột nội tâm: Thiên Chúa trở thành trung tâm của cuộc đời họ và mọi sinh hoạt của họ. Một khi sống với Chúa, nhờ Chúa, duy nhất cho một mình Chúa, đan sĩ sẽ tìm thấy tất cả mọi thứ khác, như nhiệt tâm truyền giáo hoặc nỗi khao khát các linh hồn được cứu rỗi. Khi ấy niềm hạnh phúc lớn lao ngự trị trong cuộc đời của họ, ngay cả giữa bao gian nan thử thách, và đời sống đan tu tạo thành tâm điểm của trọng lực khiến đan sĩ có đủ khả năng giữ mình trong thế quân bình.
Thứ đến, đời đan tu giúp cha Biển Đức Thuận tìm được sự hài hòa trong những gì liên quan tới tính cách tự nhiên của ngài. Trong các lá thư gửi Đức Cha Allys Lý, trước khi thành lập Phước Sơn, cha Biển Đức Thuận giữ vững lập trường là quyết chọn Tu luật thánh Biển Đức và Hiến pháp Dòng Xitô Cải cách như đường hướng phải theo. Mà sự quân bình là điểm mạnh trong tu luật thánh Biển Đức và sự quân bình này vẫn còn thể hiện nơi các đan sĩ Dòng Xitô qua cách thực thi đức khó nghèo và đời sống đơn sơ giản dị. Sự thừa thãi và sự phức tạp gây khó khăn cho tinh thần đan tu. Cha Biển Đức Thuận đã cảm nghiệm ngay trong xác thịt mình sự khó nghèo, nên ngài tự nghiêng chiều về sự đơn sơ giản dị. Ngài đã học được hai đức tính này nơi song thân, nhất là nơi người cha. Khi sinh sống giữa những nông dân Việt Nam, hai đức tính trên đây đã giúp ngài hoàn thành cách hữu hiệu tác vụ của mình và bám rễ sâu trong cánh đồng truyền giáo. Còn khi thành lập Dòng Đức Bà An-Nam, cha Biển Đức Thuận đã hợp hai đức tính khó nghèo và đơn sơ lại với nhau để cho cuộc đời trĩu nặng hoa thơm trái ngọt. Đời đan tu – khó nghèo và giản dị – sinh hoa kết trái khi lối sống này làm chứng tá Phúc âm cho những người đơn sơ và nghèo khó và làm cho tất cả mọi người, kể cả những người thất học, đều hiểu biết Tin Mừng. Nếu như cha Biển Đức Thuận nghiệm thấy niềm hạnh phúc lớn lao trong đan viện, là vì đan viện trở thành nơi hội ngộ giữa bản tính và ân sủng, giữa những gì đã khắc sâu trong tâm hồn con người và trong cơ chế của Giáo hội.
Sau hết, đời đan tu – trong trường hợp của Dòng Đức Bà An-Nam – hài hòa theo nghĩa đời sống này phối hợp vừa sự thánh hóa bản thân vừa sự cứu rỗi các linh hồn 85. Trọn cả cuộc đời của cha Biển Đức Thuận xoay quanh trục truyền giáo. Ngài đã muốn trở thành đan sĩ tại Nhật Bản, trong trường hợp này, ngài phải từ bỏ giấc mộng truyền giáo. Do đó ngài đã từ chối. Ngài tìm kiếm một lối sống có thể cho phép ngài dung hòa cả hai mục tiêu trên đây. Trước khi thành lập Phước Sơn, ngài đã viết cho Đức Cha Allys Lý vào năm 1913, để trình Đức Cha một vài ý tưởng về các đan sĩ tương lai của ngài: họ sẽ vừa là đan sĩ vừa là tông đồ bằng lời cầu nguyện, bằng việc hãm mình đền tội, và cả bằng lời nói nữa. Thế nhưng, sau khi nhà dòng Phước Sơn được thành lập, hình ảnh đan sĩ được đổi khác một chút: các tu sĩ của cha Biển Đức Thuận trở thành đan sĩ tông đồ bằng lời cầu nguyện và bằng việc hãm mình đền tội, còn lời nói đã biến mất. Tuy nhiên, trong Hiến pháp và trong sơ lược Dòng Đức Bà An-Nam, do cha Biển Đức Thuận biên soạn, cả hai mục tiêu trên đây rất hòa hợp với nhau. Trong những lời giáo huấn, ngài mời gọi anh em đan sĩ hãy làm những công việc hằng ngày, hãy chấp nhận những gian nan thử thách, nhằm mục đích thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn. Chính trong sự hòa hợp giữa hai định hướng này mà cha Biển Đức Thuận nghiệm thấy niềm hạnh phúc lớn lao trong đan viện. Ẩn mình sau bốn bức tường của đan viện, và cố gắng trở thành một đan sĩ thánh thiện, ngài tiếp tục thi hành sứ vụ truyền giáo, bằng một phương cách khác, nhưng không kém hiệu quả. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi cuộc sống có đủ điều kiện thuận lợi cho sự phát triển như lòng mong ước.
Sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, cuối cùng cha Biển Đức Thuận đã tìm được trong giai đoạn thứ ba của đời mình một lối sống vừa hòa hợp vừa phối hợp tất cả những ước mơ và những khát vọng của ngài trong một sự hài hòa tuyệt diệu. Tựa như nhiều nốt nhạc khác nhau hợp thành một bài ca, cuộc đời của cha Biển Đức Thuận được hình thành từ những yếu tố khác nhau hầu tìm ra sự đồng thuận để đi đến thống nhất. Nhưng điều quan trọng là vai trò của nhà soạn nhạc, của người thống nhất. Vì thế chúng ta có thể nói rằng, qua việc ngài liên tục tìm kiếm, cha Biển Đức Thuận luôn giữ một thái độ ngoan ngoãn vâng phục và lắng nghe Chúa Thánh Linh là nhà soạn nhạc, là Đấng hợp nhất; ngài dấn thân vào một cuộc hành trình; và cuối cùng cuộc hành trình này đưa ngài tới tâm điểm trọng lực của cuộc đời ngài. Chỉ duy nhất trong một mình Thiên Chúa mà có được tất cả mọi sự và mọi người, trong tình yêu.
GHI CHÚ 4
1. E.-M. Durand, “La Trappe de Notre-Dame dAnnam” dans Misions Catholiques, 1931, p. 427-428.
2. Ông Nguyễn Hữu Bài đã thành lập năm ngôi làng mang tên “Phước”: đó là Phước Môn; Phước Sơn; Phước Lâm; Phước Sa; Phước Tích. Đó là năm mối Phước.
3. Phước Sơn: Núi Phước. Theo danh bạ làng mạc ở Trung kỳ thời vua Bảo-Đại, nhà dòng Phước Sơn thuộc làng Phước Sơn, hạt Thủy Ba, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Thủy Ba nổi tiếng về cọp, nên có thành ngữ: “cọp Thủy Ba”. Phước Sơn nằm trong khu vực nơi cọp thường lui tới.
4. Sau khi đặt chân tới Việt Nam, cha Henri Denis trọ tại giáo xứ Kim Long nơi cha Dangelzer (cố Đăng) làm cha sở để học tiếng Việt. Cậu thanh niên Chánh ở với cha sở như người giúp việc. Cha Denis Thuận biết chàng trai này từ lúc ấy. Khi ngài tiến hành việc thành lập Dòng Phước Sơn, chú Chánh cùng đi với ngài và trở thành người môn đệ đầu tiên. Chú Chánh mang tên trong Dòng là thầy Tađêô và thầy chết trong Dòng năm 1943.
5. Cha Girard tiếp tục tiếp tế cho cha Denis Thuận và các bạn đồng hành trong thời gian đầu ở Phước Sơn.
6. S. Congrezione De Propaganda Fide, protocollo N. 1322/1218.
7. “Xin tạ ơn Đức Cha. Cám ơn Chúa! Bây giờ mọi sự trở nên dễ dàng hơn. Chúng con không còn phải chạy ngược chạy xuôi để tìm cha giải tội…”
8. Thư ngày 15 tháng tám 1919 gửi Đức Cha Allys Lý: “Cha Maunier sẽ hát lễ sáng nay. Ngài bảo chứng tiêu chảy, chứng mất ngủ khiến ngài gầy đi. Ngài đã mất 25 ký từ lúc tới đây. Bây giờ thì đỡ hơn rồi và con nghĩ ngài sẽ hồi phục khi ngủ thêm và ăn thêm một chút.”
9. Thư ngày 15 tháng hai 1919.
10. Dường như Đức Cha Allys Lý không chấp thuận cho cha Henri Denis đến nhà dòng của Đan sĩ Xitô Cải Cách ở Nhật để tập huấn đời đan tu.
11. Thư ngày 6 tháng bảy 1919 gửi Đức Cha Allys Lý: “Thưa Đức Cha, Đức Cha biết rõ nỗi khốn khổ của chúng con: con thiếu nợ cha Girard 100$, thiếu Tiểu chủng viện 110$, thiếu Đức Cha 300$; nhà quản lý của chúng con ở Huế gần như không còn gì cả, và trong kho cũng gần hết gạo rồi… Con đến xin Đức Cha cho phép con đi lạc quyên trong khắp Giáo phận, nơi các cha thừa sai cũng như nơi các cha bản xứ…”
12. Trong cuộc sống thường ngày tại Phước Sơn, cha Denis Thuận tự tay làm những công việc nặng nhọc nhất như xẻ gỗ để xây cất; ngài cũng đảm nhận những việc hèn hạ nhất như lau chùi nhà vệ sinh.
13. Thư ngày 18 tháng bảy 1919 gửi Đức Cha Allys Lý.
14. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần hai, ở chương V.
15. Thư ngày 21 tháng mười hai 1919 gửi Đức Cha Allys Lý.
16. Từ nay chúng tôi sẽ gọi cha Henri Denis Thuận bằng tên cha Biển Đức Thuận.
17. Thư ngày 23 tháng ba 1920 gửi Đức Cha Allys Lý.
18. “Cha Bề trên ở Hakodaté đã viết cho con rằng, nếu con muốn và nếu Đức Cha xét thấy có ích, thì ngài sẽ sẵn sàng đến Phước Sơn và ở lại với chúng con một, hai tháng vào mùa đông sắp tới đây. Thưa Đức Cha, con phải trả lời như thế nào? ” Thư ngày 23 tháng ba 1920 gửi Đức Cha Allys Lý.
Trong lá thư ngày 23 tháng ba 1920, cha Biển Đức Thuận trở lại vấn đề này: “Cha Bề trên ngõ ý muốn thành lập Dòng Trappe ở Huế khi có thể. Ngài muốn đến đào tạo chúng con và chuẩn bị chúng con trở thành những thầy Dòng Trappe đích thực. Thưa Đức Cha, nếu Đức Cha thấy nên, chúng ta hãy chấp thuận những đề nghị trên, và kính xin Đức Cha viết thư như con đã trình Đức Cha…”
19. Chúng tôi sẽ đề cập tới bản Hiến pháp này trong chương VIII.
20. Thư ngày 21 tháng sáu 1920 gửi Đức Cha Allys Lý.
21. Chúng tôi sẽ đề cập tới vị linh mục này một cách tỉ mỉ hơn trong chương VIII.
22. Thư ngày 22 tháng chín 1922.
23. Thư ngày 26 tháng chín 1922: “Thưa Đức Cha, dưới đây là tình hình nhân sự trong nhà dòng bé nhỏ của chúng con : bảy tập sinh ca sĩ trong đó có hai linh mục và hai thầy la-tinh, bảy tập sinh quy sĩ, bốn thỉnh sinh ca sĩ trong đó có hai thầy phụ-phó tế, một thầy đã chịu phép cắt tóc và một sinh viên triết, hai thỉnh sinh quy sĩ; tất cả chúng con có hai mươi người. Hai thầy phụ-phó tế đã bắt đầu năm tập, nhưng đã phải ngưng lại, bởi vì Hồng y Tổng trưởng cho rằng hai thầy nên thụ phong linh mục trước khi trở thành tu sĩ.
Chúng con đang chờ nay mai sẽ tiếp nhận thêm vài thỉnh sinh quy sĩ và ca sĩ nữa.
Từ tháng tám 1918, có 55 thỉnh sinh đến xin nhập tu: hai người đã chết tại đây, ba mươi mốt người đã xin rút lui, hai người được cho về, chúng con còn hai mươi. Hầu hết những người xin rút lui, chỉ ở lại đây trong một thời gian ngắn: một ngày, một tuần, một tháng. Đó là những thanh niên đến đây vì ngộ nhận. Trong số ba mươi mốt người không còn ở lại với chúng con, có hai người đã mặc áo dòng: một người tưởng mình có ơn gọi đi tu, còn người kia được cho về vì bệnh hoạn (tâm thần). Đó là một kẻ đáng thương vì hay bối rối và bị loạn trí.
Một lần nữa, con xin cám ơn Đức Cha đã không quản ngại đến thăm chúng con. Con lo lắng không biết Đức Cha trở về Huế như thế nào …”
24. Thư ngày 23 tháng hai 1923.
25. Thư ngày 13 tháng bảy 1923 gửi Đức Cha Allys Lý. Tuy nhiên, việc thành lập Dòng này không thành và không ai biết tại sao.
26. Thư ngày 30 tháng giêng 1926.
27. Thư ngày 17 tháng hai 1926.
28. Vị Tổng Đại diện này sau này sẽ trở thành giám mục Huế, kế vị Đức Cha Allys Lý.
29. Thư ngày 10 tháng năm 1927 gửi Đức Cha Allys Lý.
30. Thư ngày 17 tháng năm 1927 gửi Đức Cha Allys Lý.
31. Thư ngày 21 tháng mười hai 1919.
32. Thư ngày 12 tháng sáu 1930 gửi Đức Cha Allys Lý.
33. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở chỗ khác. Trong lần kinh lý này, đã có những cuộc tranh luận giữa vị Thanh Tra và cha Biển Đức Thuận. Theo lời các nhân chứng thì, khi nói tới cách thức cộng đoàn Phước Sơn sống đời đan tu, cuộc tranh luận có lúc trở nên căng thẳng.
34. Thư ngày 17 tháng chín 1932.
35. Bệnh xá bình dân này được khai trương trước khi cha Biển Đức Thuận qua đời.
36. BULMEP, 1933, p. 707.
37. BULMEP, 1933, p. 461.
38. BULMEP, 1933, p. 707.
39. Vài ngày trước khi qua đời, cha Biển Đức Thuận yêu cầu một anh em lấy giấy bút viết những lời ngài trối. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 219-220.
40. Nguyên văn lời trối, HT, tr. 219.
41. Cha Bernard Mendiboure, trong lá thư ngày 28 tháng bảy 1933 gửi cha Bề trên Cả Dòng Xitô Chung phép, báo tin vị Sáng lập đã qua đời, đồng thời nhân danh cộng đoàn Phước Sơn, lặp lại lời thỉnh nguyện sáp nhập vào Dòng Xitô này:
“Kính thưa Cha Bề trên,
Người Cha kính yêu của chúng con vừa trở về với Chúa, sau cơn hấp hối kéo dài: Chúa nhân từ đã dành cho ngài được thanh luyện tội lỗi, ít là một phần, trong ba ngày cuối đời. Ngài đau đớn nhiều lắm, cả hồn lẫn xác: đích thực là một cơn hấp hối, nghĩa là một cuộc quyết đấu giữa sự sống và sự chết. Ngài suy sụp từ lễ Phục sinh, đau liệt từ hơn một tháng nay, đã đi bệnh viện Huế bốn ngày; biết mình sắp chết, ngài đã yêu cầu được trở về giữa cộng đoàn anh em: ngài còn tiếp tục tỉnh táo sống thêm tám ngày nữa: ngài đã tận dụng bốn ngày cuối cùng để sắp xếp cho xong hết mọi việc: ngài vẫn sáng suốt cho đến phút cuối cùng.
Cha rất kính mến, xin Cha cầu nguyện cho linh hồn ngài. Xin Cha cũng cầu nguyện cho chúng con hiện đang mồ côi cha, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa: “Adjutorium nostrum in nomine Domini”, và Mẹ cực thánh của Người, cũng là Mẹ của chúng ta.”
42. Việc thiết lập các đan viện này có thể tạo cơ hội cho cha Denis tìm thấy một khuôn mẫu. Vào mùa xuân 1883, một linh mục và một đan sĩ Dòng Tamié ở Savoie lên tàu đi Trung Hoa với mục đính thành lập Dòng ở đấy. Dòng Trappe N. D. de la Consolation hay còn gọi là Dòng Trappe Bắc Kinh là đan viện nam đầu tiên ở Viễn Đông.
43. Lettre de M. PONCET, “Les Ordres religieux en Indo-Chine”, in A.P.T., 1926, pp. 166-170.
44. Sau này chúng ta sẽ xem một vài vị thừa sai cảm nghiệm như thế nào về việc lập Dòng Phước Sơn. Vẫn có một chút bi quan nào đó ngự trị trong tâm trí một số giáo sĩ thừa sai người Pháp cũng như người Việt. Thành lập Dòng trong một đất nước truyền giáo không phải là mục tiêu của Hội Truyền giáo Paris, như sau này chúng ta sẽ đọc thấy trong báo cáo của Bề trên Tổng quyền Hội Truyền giáo.
45. Thư ngày 31 tháng hai 1913 cha Denis Thuận gửi Đức Cha Allys Lý.
46. Trong một lá thư gửi song thân, cha Denis Thuận mô tả đời sống và những hoạt động của các chị em Dòng Mến Thánh Giá này. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 64-65.
47. CRMEP, 1903, p. 204.
48. CRMEP, 1904, p. 195.
49. Một người công giáo Việt Nam, “Eglise catholique dAnnam” dans Le Bulletin des Missions, IX, n0 8 mars-avril, 1929, p. 351.
50. Vị Đại diện Tông tòa này hết sức quan tâm tới việc giúp lương dân trở lại đạo và tới tương lai của Giáo hội ở Huế. Ngài yêu cầu nhiều Hội Dòng khác nhau sai gửi tu sĩ đến giáo phận Huế để chăm lo việc giáo dục và các hoạt động từ thiện. Chính ngài đã gửi một số linh mục Việt đến Roma và học tập tại đại học Urbania của Bộ Truyền giáo. Nhờ ngài, nhiều Hội Dòng có thể thiết đặt trong giáo phận Huế và giúp đỡ người công giáo cũng như người ngoài công giáo.
51. Mgr de GUÉBRIANT, “Les Congrégatins indigènes de religieux et religieuses contemplatifs en Extrême-Orient”, dans Les Missions Catholiques, 1929, p. 580.
52. Lúc bấy giờ, người ta nói nhiều về Thần học Nhiệm Thể.
53. Mgr de GUÉBRIANT, sđd., p. 578.
54. Mgr de GUÉBRIANT, sđd., p. 578.
55. Về vấn đề vĩnh cư, Dom Néve, Viện phụ Saint-André, trong báo cáo nhân dịp tuần học hỏi về Truyền giáo tại Louvain lần IV, nhìn nhận đời sống cộng đoàn góp phần rất lớn vào việc truyền giáo. Khung cảnh đời sống cộng tu là tính cách đặc trưng sứ vụ tông đồ của đan sĩ.
56. Một người công giáo Việt Nam, “Eglise catholique dAnnam” dans Le Bulletin des Missions, IX, n0 8 mars-avril, 1929, p. 137.
57. CRMEP, 1931, p. 184.
58. CRMEP, 1932, p. 219.
59. CRMEP, 1935, p. 160.
60. CRMEP, 1936, p. 160.
61. Xem thêm các báo cáo trong Văn khố của Hội Truyền giáo Paris.
62. “Une visite à N. D. de la Consolation Yangkiaping, Chine” dans ColCist., 1938, p. 258.
63. Gérard HAVERBEQUE, “Pourquoi des religieux européens dans nos monastères dExtrême-Orient”, dans ColCist., tome 3, n0 4, 1 januarii 1937, p. 206-207.
64. “Lextrême-Orient au Sacré-Coeur” dans ColCist., n0 3, octobre 1934, p. 134-135.
65. P. PEFFER, “ Les Cisterciens réformés dans lAsie Orientale”, dans Autour du problème de mon adaptation, compte-rendu de la quatrième semaine de missiologie de Louvain (1926), p. 48-50.
66. P. PEFFER, sđd., p. 50.
67. Như trên đã nói, ý tưởng mà cha Biển Đức Thuận ấp ủ là nhìn thấy người Việt sống chung với nhau thành một cộng đoàn, như lời ngài trịnh trọng trình bày với Viện phụ Tổng quyền Dòng Xitô Chung phép: “… Con cần thú nhận với Viện phụ rằng, khi sáp nhập chúng con, Viện phụ sáp nhập một Hội Dòng hoàn toàn Việt Nam vào Dòng Xitô…” Thư ngày 17 tháng chín 1932.
68. Cột mốc này là vào năm 1926, khi diễn ra tuần học hỏi về Truyền giáo tại Louvain lần IV, trong đó có đề cập tới vấn đề thích nghi trong chính khung cảnh đời đan tu.
69. Nhà dòng Đức Bà An-Nam vẫn duy trì con số tu sĩ này, ba năm sau khi vị sáng lập qua đời.
70. Chúng tôi trở đi trở lại vấn đề quan trọng này nhiều lần trong công trình nghiên cứu này.
71. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến, HT, tr. 103.
72. Mgr de GUÉBRIANT, “Les Congrégatins indigènes de religieux et religieuses contemplatifs en Extrême-Orient”, dans Les Missions Catholiques, 1929, p. 582.
73. Cha Willibrord Tuburg, người Hòa Lan, trước đó đã gia nhập đan viện N. D. de Grâce tại Briquebec và đã vào nhà tập; sau đó ngài đến gia nhập Phước Sơn vào năm 1936, đã khấn tạm và khấn trọn tại Phước Sơn. Ngài được cộng đoàn gửi đi Calédonie để sau này lập Dòng, thế nhưng những cuộc dàn xếp không đi tới đâu. Cuối cùng ngài trở về Pháp, đến ở tại nhà dòng N. D. de Grâce cho tới mãn đời. Ngài đã viết hồi ký về nhà dòng Phước Sơn mà ngài rất mực yêu quý. Chúng tôi đã tìm thấy một số thư của cha Willibrord tại Văn khố của Hội Truyền giáo Paris và Văn khố của Nhà Bề trên Tổng quyền Dòng Xitô Chung phép tại Roma.
74. Joelle REGNARD đã viết một bài với tựa đề “Pour une spiritualité de lieu”, xuất bản trong ColCist., n0 61, 1999, pp. 23-39. Trong bài báo này, tác giả đọc lại lịch sử Dòng Xitô và đưa ra những suy tư về ý nghĩa của việc thành lập Dòng Xitô, tức “tân đan viện”.
75. Di ngôn của cha Biển Đức Thuận, Sáng lập Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, lưu hành nội bộ Hội Dòng. Ký hiệu viết tắt DN.
DN, n0 138, “Nhà dòng là trường học tập làm tôi Chúa”, tr. 176-177.
76. DN, n0 137, “Muốn nên thánh phải giữ luật Dòng”, tr. 174-175.
77. DN, n0 112 , “Về đức mến”, tr. 134-135.
78. DN, n0 150 , “Lời trối”, tr. 195.
79. DN, n0 107 , “Sống kết hiệp với Chúa”, tr. 122-123.
80. DN, n0 115 , “Đền bồi phạt tạ Thánh Tâm Chúa”, tr. 139.
81. DN, n0 113 , “Mọi sự đều vô ích, trừ ra sự kính mến Chúa”, tr. 137.
82. DN, n0 135 , “Nên thày dòng thánh”, tr. 172-173.
83. DN, n0 141 , “Sự kín nhiệm của các thầy dòng contemplativi”, tr. 182-183.
84. Trong một bài viết cho người công giáo Việt, cha Biển Đức Thuận giải thích ơn ích của tu sĩ đối với xã hội như thế nào. Ngài viết: “Một số người cho rằng tu sĩ chỉ nghĩ tới mình, mà chẳng quan tâm gì đến tha nhân, đến những người anh em. Họ lầm biết bao! Nào anh chị em hãy xem: từ bấy lâu nay, ai giúp đỡ người ốm đau, kẻ bất hạnh, trẻ mồ côi, người góa phụ; ai chăm sóc người lớn tuổi trong các viện tế bần; ai thành lập trường học để dạy dỗ trẻ thơ, ai viết sách vở để bênh vực lẽ công minh, và ai truyền bá đạo thánh cho lương dân trên khắp thế gian? Chẳng phải là các nam, các nữ tu sĩ hay sao?
Đó chính là điều mà chúng tôi thấy tận mắt, nghe tận tai. Tất cả điều ấy cho thấy công trạng của tu sĩ đáng trân trọng biết bao. Song le, có một hạng tu sĩ không làm những công việc chúng tôi vừa nêu trên đây, nhưng công trạng của họ lại hơn gấp bội. Nếu như chúng ta muốn hiểu, chúng ta cần phải nhìn họ với đôi mắt tâm hồn, nghĩ tới họ với đức tin. Đó là những tu sĩ sốt sắng cầu nguyện và hãm mình đền tội cho những người anh em. Từ bấy lâu nay, người ta cho rằng những tu sĩ như thế là những người vô tích sự. Nói thế, họ chẳng hiểu tí gì về ơn ích do các tu sĩ này; họ chẳng hiểu mọi sự chỉ có thể được hoàn thành nhờ ân Chúa. Vậy thì làm sao có thể nhận được ân Chúa? Có thể có ông thầy này hoặc thầy kia cho rằng đan sĩ là người trốn chạy khỏi chiến trường, không đủ cam đảm đương đầu với hiểm nguy và bất trắc, khiếp sợ phong ba bão táp. Tôi yêu cầu những ai có tư tưởng như ông thầy trên đây, hãy đọc giáo huấn của Đức Thánh Cha Piô IX: “… Hơn nữa, người ta dễ dàng hiểu rằng: những ai chuyên tâm cầu nguyện và hãm mình đền tội, còn hơn những người thợ chuyên cần làm việc trong cánh đồng của Chúa; họ góp phần vào việc mở mang Giáo hội và cứu rỗi nhân loại…” (Constitutio Apostolica, diei 8 julii 1924). Xem Phụ trương 4.
85. Điều này nhắc chúng ta nhớ tới vị trí của con người trong bộ ba: Thiên – Địa – Nhân: theo thuyết cân đối, con người đứng ở giữa trời và đất. Sự hòa hợp được thực hiện khi con người duy trì tương quan với hai thực tại kia một cách đúng mức. Chúng tôi nhắc lại quan niệm này để xác nhận rằng nơi cha Biển Đức Thuận, sự hòa hợp được thực hiện khi ngài yêu Trời để làm điều tốt lành cho Đất (trong trường hợp này, là mọi người trên trái đất).
Phần chuyển tiếp 3
Hai chị em Mácta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu
(Lc 10, 38 – 42)
Cuộc đời của cha Biển Đức Thuận ở Việt Nam được chia thành hai giai đoạn chính: mười lăm năm làm thừa sai, mười lăm năm sống đời đan tu. Và cách chia này có một ý nghĩa đặc biệt: cuộc đời của vị linh mục này được cân đối hài hòa, không những về số năm, mà còn về cuộc hành trình vượt qua những bước ngoặt được đánh dấu bằng tiếng Chúa mời gọi và đưa dẫn ngài bước đi trên những nẻo đường bất ngờ. Vào những năm đầu học tập tu luyện ở Pháp, chắc chắn ngài đã không nghĩ có ngày mình sẽ trở thành đan sĩ. Đến Việt Nam với sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chắc chắn ngài cũng đã không nghĩ một lúc nào đó có một ơn gọi khác giữ chân ngài lại cho đến mãn đời trong một đan viện. Như vậy trong cuộc đời của ngài, có một sự phụ thuộc lẫn nhau như giữa hai chị em Mácta và Maria.
Từ thời các Giáo phụ cho tới nay, trình thuật về cuộc đón tiếp Chúa Giêsu của hai chị em Mácta và Maria là đề tài của nhiều cách giải thích khác nhau. Cả hai chị em Mácta và Maria trở thành người đại diện, hoặc của hai giai đoạn trong cuộc hành trình thiêng liêng – khổ chế – chiêm niệm, hoặc của hai ơn gọi sống đời đan tu và đời hoạt động. Có trào lưu giải thích nhằm đề cao Mácta vì cô tận tình phục vụ Chúa Giêsu, lại có trào lưu đánh giá cao thái độ lắng nghe của Maria. Mỗi cách giải thích đều có mục đích làm nổi bật quan điểm của mình về hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác trong cuộc sống của người tín hữu Kitô.
Khi chọn trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 10, 38 – 42) để khám phá những yếu tố hãy còn ẩn kín trong tâm hồn của cha Biển Đức Thuận, chúng tôi không muốn nhấn mạnh có một sự khác biệt giữa trước và sau khi ngài bước chân vào đời đan tu, chừng như trước khi làm đan sĩ, cha Biển Đức Thuận đứng về phía Mácta và một khi dấn thân vào đời đan tu, ngài sống như Maria ngồi dưới chân Chúa, với thái độ chiêm ngắm sâu xa. Chúng tôi càng không muốn chứng minh chiêm niệm1 cao quý hơn hoạt động hoặc ơn gọi đan tu trổi vượt hơn ơn gọi hoạt động. Tuy nhiên, nhờ bài trình thuật này, chúng tôi cố gắng tiến sâu vào thâm cung tâm hồn cha Biển Đức Thuận để xem ngài hành xử như thế nào vừa như Mácta vừa như Maria qua việc tiếp nhận Chúa Giêsu vào trong cuộc đời của mình, hoặc đúng hơn, xem Chúa Giêsu trở nên vị khách thân thiết của ngài, được ngài hết lòng hết sức đón tiếp và phục vụ với tất cả tình yêu mến như thế nào. Vì vậy, thay vì để Mácta và Maria đối nhau, chúng tôi cố gắng xét xem làm thế nào để hai dung mạo này hợp nhất và hòa hợp với nhau trong tâm hồn và trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận.
Tuy nhiên, cũng cần phải phân tích trình thuật này để định rõ một vài trào lưu chú giải thường thấy trong Giáo hội công giáo.
1. Lc 10, 38–42 và một vài trào lưu chú giải
Trình thuật về hai chị em “Mácta và Maria” được đặt vào trong dịp Chúa Giêsu lên Giêrusalem, và được lồng vào giữa dụ ngôn “người Samari tốt lành” (10, 29–37), kinh Lạy Cha (11, 1-4) và dụ ngôn người bạn quấy rầy (11, 5-8). Một bối cảnh như thế cho phép cảm nhận mối liên hệ giữa trình thuật này và dụ ngôn người Samari tốt lành. A. Charbonnau giải thích:
“Quả thực, dường như Luca đã không muốn tách trình thuật về cuộc hội ngộ giữa Chúa Giêsu với hai chị em Mácta và Maria ra khỏi trình thuật về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người thông luật, trong đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn người Samari tốt lành (Lc 10, 35-37). Chúng ta hãy xem hai bản văn này liên kết với nhau như thế nào:
“Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”
Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.”
Chúa Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
Trong khi Thầy trò đi đường, Chúa Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà.”
Trong đoạn văn vừa trích dẫn, Chúa Giêsu mời người thông luật cùng đi với Người (ông hãy đi ) và hãy sống như người Samari tốt lành (“hãy làm như vậy”). Sau đó Chúa Giêsu và người thông luật cùng đi chung một đoạn đường (“trong khi Thầy trò đi đường”), rồi Chúa Giêsu chia tay người thông luật và đi vào làng kia, ở đó Người được đón vào nhà của Mácta và Maria.”2
Bây giờ chúng ta hãy phân tích thoáng qua từng câu của bài trình thuật :
c. 38: “Trong khi Thầy trò đi đường, Chúa Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà.”
Có ba động từ được liên tiếp sử dụng để chỉ hành động của Chúa Giêsu: đi đường, đi vào và được đón tiếp. Về địa điểm, từ xa đến gần: đường, làng, nhà. Tất cả những điều này loan báo sẽ có một cuộc gặp gỡ.
c. 39 : “Cô Mácta có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.”
Ngôi nhà mà Chúa Giêsu vào, không chỉ là một nơi ở, mà còn là một gia đình, với những mối quan hệ thân thuộc. Vị khách của Mácta được xác định bởi một tước hiệu cao quý: Người là Thầy. Maria ở bên cạnh Người trong tư thế thấp bé hơn – ngồi bên chân Người – với thái độ chăm chú – lắng nghe lời Người. Đây rõ là sự gần gũi thân tình. Maria đón tiếp Chúa Giêsu, nhưng theo cách của cô.
c. 40: “Cô Mácta tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !.”
Đối với Mácta, việc đón tiếp có một ý nghĩa khác hơn là đối với Maria. Đối với Mácta, điều quan trọng là đón tiếp Chúa Giêsu một cách hết mình, nên cô lao vào công việc, tất bật đủ mọi việc. Vì thế có điều gì đó tương phản trong tình cảnh lúc bấy giờ: Maria, ngồi, lắng nghe Chúa Giêsu, trong khi Mácta ba chân bốn cẳng chuẩn bị đón tiếp sao cho thỏa đáng. Cô cảm thấy như bị bỏ rơi.
“Rút cục, tất cả đều căn cứ vào cách giải thích chính xác về tính hiếu khách. Khi Mácta muốn em Maria giúp mình một tay, cô tỏ rõ hai chị em chỉ là một và sự xung đột không phải giữa hai chị em, mà ở trong chính cung cách tiếp khách. Cung cách này phải như thế nào, khi cả hai chị em đều hiếu khách, nhưng chỉ có một trong hai người gồng gánh hết mọi công việc? Còn người kia làm gì, khi tự miễn cho mình không phải làm việc gì hết? Mà khi tự miễn cho mình không phải làm việc như thế, phải chăng cố ý không đón tiếp? Liệu sự kết hiệp có miễn cho Maria không phải giúp chị Mácta một tay không?” 3
Khi tiến lại gần và trực tiếp thưa với Chúa Giêsu, Mácta tỏ rõ sự thân thiện với Chúa. Mácta gọi Chúa Giêsu bằng Thầy, biểu lộ sự tôn kính sâu xa của mình đối với Người. Hai thái độ trên đây biểu lộ sự sâu sắc trong tâm hồn Mácta.
c. 41-42: “Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.
Chúa Giêsu trả lời Mácta một cách thân tình, bằng cách gọi tên cô hai lần. Mácta tất bật lo việc phục vụ, điều này khỏi phải bàn. Chúa Giêsu không khiển trách cô về việc ấy. Tuy nhiên, ngài tế nhị và mong muốn bộc bạch cho cô biết cần phải hành động như thế nào khi có ngài hiện diện. Cách nói “phần tốt nhất” là một cách đặt vấn đề; nó trở thành đề tài cho nhiều cách giải thích khác nhau, dẫn đến việc cô Mácta phải chịu nhiều oan uổng.
Sau khi đã lướt qua bài trình thuật, bây giờ chúng tôi kể ra một vài trào lưu chú giải câu chuyện này vốn sẽ tạo điều kiện cho chúng ta hiểu biết những cách đọc khác nhau, có ích cho công việc của chúng ta.
Như trên đã nói, bài trình thuật về hai chị em Mácta và Maria đã gợi ý cho những cách chú giải khác nhau 4. Thực thế, từ thế kỷ thứ ba, các Giáo phụ chịu ảnh hưởng của các triết gia Hy lạp, đã phỏng theo chuyện kể này để làm nổi bật hai khả năng cơ bản của đời sống con người: đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm. Cách giải thích này đã làm nổi bật hai lối sống như Jean-Louis Chrétien nhận định:
“Ca ngợi Maria, tức là tôn vinh đời chiêm niệm. Nhấn mạnh sự thua kém của Mácta, tức chứng tỏ hành động là thứ yếu so với chiêm niệm. Trái lại, phục hồi sự quý mến Mácta, ngay cả khi trái với ý nghĩa hiển nhiên, là mang đến cho Mácta một sự cao quý thầm kín, vĩ đại hơn Maria; đó sẽ là dành ưu tiên cho đời sống hoạt động và sự dồi dào phong phú của đời sống này. Đây chính là điều được thua cơ bản, mở lối cho nhiều cách chú giải khác nhau.” 5
Do đó, hai chị em Mácta và Maria trở thành biểu tượng của hai lối sống. Cách giải thích này được trào lưu đan tu củng cố thêm. Chẳng hạn, theo Jean Cassien, Mácta và Maria tượng trưng cho hai khả năng đối với đan sĩ: “vita actualis” hoặc “praxis”, hoặc hoạt động với mọi thứ bề bộn, và “théoria” hoặc chiêm niệm, cao quý hơn hẳn. Vả lại, khổ chế chỉ được thực thi vì chiêm niệm6. Trào lưu giải thích này còn đưa vấn đề đi xa hơn nữa khi đặt đời sống hiện tại và đời sống tương lai đối nhau.
Có những cách giải thích khác, theo đó Mácta và Maria được đặt cạnh nhau. Chẳng hạn, Basile de Césarée chỉ nhìn thấy trong chuyện kể lời mời gọi đừng quan tâm đến của ăn. Nhiều tác giả khác lại nhấn mạnh, hoặc việc lắng nghe lời Chúa hoặc tính hiếu khách. Vì thế, qua tất cả mọi cách giải thích, khi thì Mácta hơn hẳn Maria 7, khi thì Maria có ưu thế hơn chị. Cũng có những cách giải thích khác cậy dựa vào tương quan đối lập giữa hành động và chiêm niệm, xoay hướng vấn đề: Mácta và Maria trở thành hai hình thức của đời tu trì.
Liên quan tới những cách giải thích này, Jean-Lous Chrétien viết:
“Cuối cuộc hành trình vốn chưa được thấu đáo, nhưng cũng đã ghi nhận được những chọn lựa chủ yếu khi đọc lại bài trình thuật của Luca, chúng ta đã có được nhiều kết luận. Kết luận đầu tiên xuất phát từ khoa chú giải. Chúng ta nhận thấy nhiều nhà chú giải lỗi lạc đã tìm thấy trong câu chuyện giản dị này nhiều ý nghĩa khác nhau, đôi khi trái nghịch, dễ dẫn đến thái độ hoài nghi trong chú giải, biến câu chuyện trở nên nguyên do cho nhiều quả quyết tồn tại trước khi xảy ra câu chuyện và ngoài câu chuyện, liên quan tới đời sống của con người. Đấu tranh từ những trích dẫn thường là một cuộc chiến đáng nghi ngờ. Và thiếu hẳn điều cốt yếu : những giải thích khác nhau dành cho cảnh đón tiếp người khác, một người khác cao cả, đó cũng là triển khai những giải đáp cho lời mời gọi vốn nắm bắt cả cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta phải suy tư.” 8
2. Mácta và Maria: sự hiếu khách của hai chị em
Như trên đã nói, trình thuật Lc 10, 38-42 bộc lộ cho chúng ta thấy cùng một lúc giữa hai chị em có sự khác biệt, sự thống nhất và sự hòa hợp. Mácta và Maria đều hân hoan đón tiếp Chúa Giêsu, nhưng mỗi người một cách. Chính theo quan điểm này mà chúng tôi muốn, nhờ qua bài trình thuật Tin Mừng này, tìm hiểu và giúp hiểu hai hình ảnh trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận.
“Cả hai chị em đều đón tiếp Chúa Giêsu”. Các Giáo phụ và các nhà tu đức, khi chú giải, đều nhấn mạnh đến sự khác biệt trong cách đón tiếp mà Mácta và Maria dành cho Chúa Giêsu, đồng thời các ngài cũng nhận thấy nơi họ hai cách đón tiếp nồng nhiệt, hai khả năng đón tiếp. Cả hai chị em cùng nhau đón tiếp, nhưng theo hai cách.
“Như lời các Giáo phụ nhấn mạnh, việc Chúa Giêsu khen Maria không có nghĩa là Người phê bình công việc và phần việc phải làm của Mácta, cho dù tiếng la-tinh dùng từ “optima pars”, “phần tốt nhất” để diễn đạt thuật ngữ hy lạp chỉ muốn nói “phần tốt” thôi. Nhưng ngay cả khái niệm “phần” cũng giả định đây chỉ là một sự hiếu khách được chia thành hoặc được nhân đôi thành hai vai trò hoặc hai phần việc phải làm, và sự hiếu khách sẽ bị tổn thương nếu thiếu một trong hai phần việc phải làm ấy.” 9
Vì thế thánh Têrêsa Avila đã nói như sau:
“Hãy tin tôi, để ân cần niềm nở đón tiếp Thầy chí thánh, để giữ Người ở lại, để tiếp đãi và chăm sóc Người cho chu đáo, thì Mácta và Maria cần phải hợp tác với nhau.” 10
Tính cách “cùng nhau” này cho thấy cả hai chị em đều tỏ lộ sự ân cần niềm nở với Chúa Giêsu. Nếu Mácta lo lắng nhiều việc, nếu Maria chăm chỉ lắng nghe, chính là để Chúa Giêsu được phục vụ một cách thỏa đáng. Lắng nghe Chúa và phục vụ Chúa cần đi đôi với nhau.
“Mỗi người một cách”: hai chị em cùng ở chung trong một nhà. Nhưng khi đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người bộc lộ từ sâu thẳm tâm hồn sự chọn lựa, những ưu ái, cách hành động, quan điểm của mình. Cũng như để kiến tạo một ngôi nhà, cần phải sử dụng nhiều vật liệu khác nhau, mỗi loại có một công dụng riêng. Và không phải cứ sắp xếp vật liệu này bên cạnh vật liệu kia mà thành nhà ở: tất cả các vật liệu cần phải phối hợp và ăn khớp với nhau. Tất cả đều phải đi đến một sự thống nhất. Mà sự thống nhất ấy, chính là Chúa Giêsu. Quả thực, Chúa Giêsu chính là cội nguồn sự sống của Mácta và của Maria:
“ […] ở đây không có chỗ cho hai lối sống, cả hai đều trong trắng, cả hai đều đáng khen ngợi: một người lo làm việc, còn người kia nhàn nhã, nhưng cả người này lẫn người kia đều tốt lành, không chây lười […]. Trong ngôi nhà này, có hai lối sống, và có cả cội nguồn của sự sống [ipse fons vitae].” 11
Điều này muốn nói lên rằng nơi Mácta cũng như nơi Maria, có điều gì đó sống động, cao quý. Nếu như chúng ta quan tâm đến hành động nơi con người của Mácta và việc chiêm niệm nơi con người của Maria, chúng ta nhận thấy rằng cả hai chị em đều liên kết với nhau bằng những mối dây liên hệ bền chặt.
“Không ai có thể cất mình lên cao hơn trong bậc chiêm niệm, cũng như không ai có thể xuống thấp hơn những nhiệm vụ trực tiếp và cụ thể mà cuộc sống đề ra cho chúng ta. Có lẽ nên nói rằng đối với cả hai chị em, cả hai hoạt động chỉ là một. Nói cách khác, việc chiêm niệm có nguy cơ sẽ là ảo tưởng và vô ích, cũng như hoạt động sẽ trở thành thiếu suy xét và vì nhu cầu vật chất. Khi cả hai chị em liên kết với nhau, Mácta và Maria trở thành một hữu thể duy nhất. ”12
“Hợp nhất và tính cách riêng biệt”: nếu như cả hai chị em đều cùng nhau hợp tác để đón tiếp Chúa Giêsu, thì không có gì ngăn cản họ bộc lộ, mỗi người tùy theo tính cách riêng biệt của mình. Sự “cùng nhau” không làm mất đi tính cách riêng biệt. Trong nền văn hóa Việt-Hoa, thành ngữ “hòa nhi bất đồng”, hòa hợp nhưng không đồng nhất hóa, diễn đạt đúng ý tưởng này. Mácta vẫn phải là Mácta với tất cả những gì làm nên tính cách của cô, Maria phải là Maria với tính cách riêng biệt của cô. Chính điều này mới tạo nên sự phong phù cho nhau, bổ túc cho nhau. Đó cũng chính là sự phong phú của ân Chúa và cách giải đáp của con người. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng trong việc chọn lựa của mỗi người, trong sự trung thành với nhiệm vụ của mỗi người. Chúng ta hãy xem thánh Bênađô khuyến khích các đan sĩ của ngài hãy noi gương Mácta, Maria và Ladarô như thế nào:
“Quả thực, Maria cần phải nghĩ đến Chúa của mình, với lòng nhiệt thành và quảng đại; Mácta cần phải nghĩ tới tha nhân, với lòng nhân ái và khoan dung; Ladarô cần phải nghĩ đến mình, với nỗi phiền muộn và khiêm nhu. Mỗi người cần phải ngẫm nghĩ đến thân phận mình…
Cha nhắc lại, đừng có ai kiếm cớ thoái thác cho sự ngu muội của mình. Người anh em này, nếu con không có nhiệm vụ đóng tàu hoặc lái tàu (St 6-8), thì con hãy là người của những mơ ước, như Đanien (Đn 9, 23), hoặc là cùng với ông Gióp, trở thành con người của đau khổ, quen chịu đau khổ (Is 53, 3)…
“Nhưng cần phải khuyến khích Mácta : điều mà ai cũng mong chờ nơi người quản lý, đó là sự tín trung (1 Cr 4, 2). Mácta sẽ tín trung, miễn là cô không tìm lợi ích cho riêng mình, mà là lợi ích của Chúa Kitô (Pl 2, 21) : có như thế ý hướng của cô mới trong sáng; cô sẽ tín trung, nếu cô không làm theo ý mình (x. Lc 22, 42), mà là thánh ý của Chúa Kitô: có như thế hành động của cô mới hoàn toàn đúng hướng… ” 13
Tuy nhiên, để cho tính cách riêng biệt sinh hoa kết trái, nó cần phải đi đến sự hợp nhất, nghĩa là sự gặp gỡ tiếp xúc nhau. Người này cần phải hướng tới người kia và ngược lại. Lúc bấy giờ cả hai cùng hợp nhất.
“Vì thế là Mácta và Maria thôi chưa đủ, cần phải là Maria hướng tới điều tốt nhất của Mácta, cần phải là Mácta hướng tới điều tốt nhất của Maria, biết lắng nghe để hành động và có đôi bàn tay biết lắng nghe. Sự hiệp nhất của cả hai không phải là sự tổng hợp của hai khái niệm, mà là sự quy tụ và hội tụ của hai khả năng tồn tại, mà người này chỉ đạt được trạng thái nóng sáng khi quan tâm chú ý tới cảm giác đau đớn của người kia. Chắc chắn vì lẽ đó mà họ là nữ giới. Nếu khách đến hôm nay, họ sẽ còn đến nữa, cho nên sự ân cần đón tiếp, với hai gương mặt này, sẽ vẫn mãi như thế, và đừng hòng sửa chữa được sự tất bật lo lắng của họ.” 14
Cần phải nhấn mạnh tính cách hiện sinh của các cách giải thích trình thuật về Mácta và Maria. Khi các Giáo phụ và các nhà tu đức suy ngẫm và giảng giải trình thuật này, lúc nào các ngài cũng nhắm biến câu chuyện thành hiện thực. Nếu như việc lắng nghe lời Chúa tiếp tục là trung tâm và là nền tảng của đời sống Kitô, của mọi hoạt động của tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, thì việc phục vụ này đã hoán đổi vị trí. Từ nay Chúa Kitô sẽ được đón tiếp, được phục vụ nơi các chi thể của Người. Những lời Chúa giảng dạy trong Tin Mừng là nền tảng của sự hoán đổi vị trí này 15.
3. Cha Biển Đức Thuận và sự hòa hợp của hai chị em Mácta và Maria
Việc phân tích trình thuật theo Tin Mừng Luca 10, 38-42 cho phép chúng ta nghiệm thấy tâm hồn của cha Biển Đức Thuận khi ngài phải thực hiện những chọn lựa. Nếu như sự hoạt động của Mácta cần đi đôi với việc chiêm niệm của Maria, nếu như việc lắng nghe Lời Chúa không loại bỏ việc phục vụ Người, bởi vì trong việc này cũng như trong việc kia, khởi phát nguồn mạch nuôi dưỡng mọi hoạt động, thì chúng ta có thể nhận thấy một sự hài hòa nào đó trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận kể từ khi ngài tìm thấy con đường của ngài.
Chúng ta đã dõi theo cuộc hành trình của cha Biển Đức Thuận từ lúc chào đời cho tới giây phút cuối đời. Ngài đã trải qua những bước ngoặt vốn làm thay đổi toàn bộ cách sống của ngài. Theo chúng tôi, bước ngoặt có tính quyết định nhất, quan trọng nhất, đó là việc ngài dấn thân vào đời đan tu, một cuộc đời dành để chiêm ngắm Thiên Chúa và để chăm lo những việc thuộc về Thiên Chúa. Khi cha Biển Đức Thuận lựa chọn lối sống này, phải chăng ngài muốn xa lánh thế gian, cùng vô vàn những bề bộn lo âu? Phải chăng ngài mưu tìm chỉ một chuyện cần thiết, phần tốt nhất, và bỏ lại đằng sau mình những công việc truyền giáo? Phải chăng ngài muốn kiến tạo cho mình một nơi bình an ở đó ngài vui hưởng một mình sự hiện diện dịu dàng của Chúa? Điều gì đã diễn ra trong tâm hồn ngài?
“Tình yêu là nền tảng và là cội nguồn”: Chúng ta đã nhận thấy cha Biển Đức Thuận, khi còn là vị thừa sai, ngài đã vận dụng biết bao sức lực, biết bao năng lực tinh thần, trí tuệ và vật chất để phục vụ việc rao giảng Tin Mừng. Ngài không ngừng lo sao cho có nhiều tâm hồn hiểu biết Chúa Kitô và tin nhận Tin Mừng của Người để được cứu rỗi. Sự nhiệt thành của ngài khởi nguồn từ việc ngài gặp gỡ Thiên Chúa. Đức Emmanuel Chu Kim Tuyến cho chúng ta biết rằng vị thừa sai này đã trải qua nhiều giờ trong nhà thờ, trước Thánh Thể.
Tuy nhiên, tình yêu không thể ở trong trạng thái bất động. Tình yêu khiến những người đang yêu phải hoạt động. Nếu như cha Biển Đức Thuận từ bỏ tác vụ thừa sai, những trách vụ mà ngài đã tận tâm tận tình hoàn thành một cách nghiêm túc, để sống đời đan tu, chính là để cho tình yêu lớn mạnh trong tâm hồn ngài và tình yêu này tìm được cách thức biểu lộ thích đáng. Nhưng để đi đến một quyết định như thế, ngài đã phải trải qua những lúc dằn vặt khổ tâm, khó khăn vướng mắc, song cuối cùng rồi ngài cũng đã quy kết vào sự chọn lựa của mình phần việc của Mácta và Maria, tức là ngài đã biết hợp nhất tâm tư tình cảm của mình vào trong tình yêu. Từ đây, ngài không còn sống trong tình trạng căng thẳng nữa, mà trong sự an bình thanh thản, bởi vì như lời thánh Têrêsa Avila “Chỉ tình yêu mới làm cho mọi sự có giá trị; tình yêu cần phải vĩ đại tới mức không gì có thể ngăn cản yêu : đó mới chính là điều cần thiết.” 16
Vì vậy điều cần thiết là yêu. Quả thực, tình yêu vừa là cội nguồn của nhiệt tình 17 vừa là sức mạnh hợp nhất mọi hoạt động. Cha Biển Đức Thuận đã dấn thân vào đời đan tu, không phải để thỏa mãn tính ích kỷ, tìm kiếm sự cứu rỗi cá nhân, mà để làm cho tình yêu lớn thêm lên. Mà tình yêu của con người lớn lên nhờ tình yêu của Thiên Chúa. Nếu, để đón tiếp Chúa Giêsu một cách thích đáng, cha Biển Đức cảm thấy phải sống đời đan tu, chính là vì ngài nhận thấy lối sống này càng có khả năng thương yêu tha nhân. Càng nhiệt thành đón tiếp Thiên Chúa, càng sẵn lòng đón tiếp anh em. Ngài bộc bạch như sau: “kẻ gặp được Chúa thì yêu mến anh em mình lăm lắm, và hằng khao khát linh hồn người ta” 18 Chúng ta cảm nhận qua những lời đơn sơ ngắn gọn này, tâm hồn của cha Biển Đức Thuận đã được Thiên Chúa nắm bắt và tập trung vào thực tại duy nhất là tình yêu.
Như vậy, có một sự hài hòa giữa việc chiêm niệm và sự hoạt động. Nhà dòng Đức Bà An-Nam (Phước Sơn) là nơi tiếp khách, là nơi đan sĩ vui hưởng Thiên Chúa và tận tình phục vụ Chúa trong tha nhân. Đời đan tu là một phương cách, có thể là hữu hiệu nhất để hoán cải các linh hồn, để rao giảng Tin Mừng cho Việt Nam19.
Như trên đã nói, trong các bài chú giải, có sự hoán chuyển mục tiêu của việc đón tiếp: ân cần niềm nở đón tiếp Chúa Giêsu, cũng chính là ân cần niềm nở đón tiếp các anh em của Người. Vì vậy, sự hoán chuyển này tạo nên sự hoà hợp giữa chiêm niệm và hoạt động, giữa lắng nghe Chúa và phục vụ tha nhân. Nói theo cách cổ điển, đó là “tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn”; cách nói này diễn tả đủ hai chiều kích: chiêm niệm và hoạt động tông đồ, hai chiều kích này bổ sung cho nhau và không thể tách rời nhau. Thực thế, Mácta và Maria cần phải cùng làm việc với nhau: Maria ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Người, còn Mácta tất bật nhiều việc để dâng kính Chúa một sự đón tiếp xứng hợp 20. Cả hai, Mácta và Maria, hoạt động và chiêm niệm, không gì khác hơn là những cách diễn tả khác nhau của cùng một thực tại : đó là động lực của đức ái. Khi dấn thân sống đời đan tu, cha Biển Đức Thuận không nhằm điều gì khác hơn là đức ái, vốn gồm hai chiều kích : chiều dọc – là tình yêu đối với Thiên Chúa – và chiều ngang – là tình yêu đối với tha nhân. Khi thành lập nhà dòng cho người Việt Nam, cha Biển Đức Thuận mong muốn các đan sĩ của ngài phục vụ Giáo hội một cách hữu hiệu hơn nữa. Phục vụ Thiên Chúa, chính là phục vụ Giáo hội. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này, khi chúng tôi đề cập tới cuộc đời của cha Biển Đức Thuận trong tương quan của ngài với Giáo hội.
Trên đây chúng tôi đã nói về sự hài hòa trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận. Trình thuật Luca 10, 38-42 cho chúng ta biết được then chốt của sự hài hòa này. “Hòa nhi bất đồng”, sự hài hòa bao gồm sự hợp nhất và tính cách riêng biệt, bao gồm cả Mácta lẫn Maria. Điều cho phép Mácta và Maria hòa hợp, cộng tác với nhau, chính là sự ân cần niềm nở đón tiếp Chúa Giêsu. Nói cách khác, chính Chúa là nền tảng cấu thành sự hòa hợp giữa hai chị em. Chính khi ân cần niềm nở đón tiếp Chúa Giêsu mà Mácta bộc lộ bản chất của mình và Maria bày tỏ sự chọn lựa của mình. Thế nhưng trước sự hiện diện của Chúa, mỗi chị em đều được mời gọi trở nên điều mà hai chị em cần phải trở nên trên thực tế. Điều này có nghĩa là hai chị em phải tiến xa hơn, tiến tới sự thân thiết với Chúa mà vẫn tiếp tục là Mácta và Maria. Cha Biển Đức Thuận, trong khi vẫn tiếp tục duy trì những gì làm nên tính cách của ngài với những điểm mạnh và những điểm yếu, một khi được Thiên Chúa chiếm hữu, đã được thúc giục chọn lựa những gì tạo điều kiện cho ngài trưởng thành trong tình yêu. Dấn thân vào đời đan tu, không những không dập tắt nhiệt tình và tình yêu, mà còn mong muốn Thiên Chúa trở nên mọi sự cho mọi người, trở nên trung tâm duy nhất của đời sống, cội nguồn của tất cả mọi hoạt động, bởi vì Người là tình yêu.
4. Trong tình thâm gia đình
“Trong khi Thầy trò đi đường, Chúa Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà.” Chúa Giêsu đang trên đường đi, đoạn Người dừng lại để vào nhà kia tại làng Bêtania. Người không còn ở ngoài đường nữa, mà đang ở bên trong một ngôi nhà. Người đến nhà Mácta và nhà Maria. Những chuyển động này cho thấy những di chuyển từ xa đến gần tiến tới sự thân thiết. Ngôi nhà 21 ở Bêtania trở thành nơi Chúa hiện diện và gặp gỡ. Mọi sự bỗng trở nên rực sáng nhờ sự hiện diện của Chúa 22.
Như trình thuật Luca 10, 38-42 cho thấy, chính trong ngôi nhà ở Bêtania mà Mácta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người theo cách riêng của mình: phục vụ và lắng nghe Chúa. Nhưng có một nghịch lý: Mácta và Maria mời Chúa ngồi vào bàn để được nuôi dưỡng bằng chính Lời của Người. Chính nhờ Lời của Chúa mà ngôi nhà Bêtania này rực sáng. Chúa có mặt ở đây, không những để được bồi dưỡng, mà để nuôi dưỡng Mácta và Maria. Nói cách khác, Chúa vào nhà Bêtania để ở với Mácta và Maria: một sự thân thiết được gắn kết giữa Chúa, Mácta và Maria. Chúa ở trong nhà Bêtania, dĩ nhiên là để nghỉ ngơi rồi, nhưng còn là để làm vui lòng Mácta và Maria nữa 23.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với cha Biển Đức Thuận. Như trên đã nói, khi cha Biển Đức Thuận thành lập Dòng cho người Việt Nam, ngài mong muốn rằng trong nhà dòng này, các đan sĩ đều sống trong hân hoan, trong hạnh phúc. Khi kết thúc các giáo huấn, ngài thường lặp đi lặp lại những lời như sau: “Nếu trong nhà dòng này đặng như vậy, thì vui biết mấy … Có như vậy, thì trong nhà dòng này mới vui thích” 24, “Như vậy ở trong nhà dòng này mới vui” 25, “Những kẻ ấy ở trong nhà dòng này vui thích biết mấy”26. Như vậy niềm vui biểu lộ sự thân thiết mà các đan sĩ cảm nghiệm trong sự kết hiệp với Chúa. Quả thực, nhà dòng là “nhà Chúa”, nơi Thiên Chúa ngự đến cư ngụ giữa con cái Người, nơi con cái của Chúa sống trong tình yêu của Người và cũng là nơi tình yêu của Người tỏ lộ cho nhân loại. Thực vậy, ngày này sang ngày khác, con cái Chúa được nuôi dưỡng bằng bánh Lời Người. Họ sống trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô. Tâm hồn họ phấn khởi trước sự hiện diện của Chúa và cuộc đời của họ tỏa sáng từ chính sự hiện diện này.
Điều quan trọng là được Thiên Chúa “ở cùng”. Tuy nhiên, Chúa chỉ ở với tư cách là một người gần gũi và thân thiết. Trong giáo huấn về ơn nghĩa thánh, cha Biển Đức Thuận kêu gọi đan sĩ hãy chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể: Đức Chúa Trời đành lòng xuống mặc lấy tính loài người mà nên Anh chúng tôi, bạn chúng tôi 27. Các hình ảnh, anh, bạn, diễn tả những mối quan hệ thân thiết. Mà chính sự thân thiết với Chúa mà cha Biển Đức Thuận tìm kiếm cho chính người và cho anh em đan sĩ Việt Nam. Theo truyền thống đan tu, sự thân thiết với Chúa như thế được diễn tả bằng thành ngữ “solus cum solo”. Cha Biển Đức Thuận sử dụng thành ngữ này bằng la ngữ (ngài không dịch ra tiếng Việt) để nhấn mạnh cho các đan sĩ thấy rõ đó là điều duy nhất cần thiết, việc duy nhất mà họ cần phải tìm kiếm. Cụm từ “solus cum solo” này chuyển sang Việt ngữ là “ta với ta” 28. Hai từ “ta“ – viết giống y nhau – cho thấy rõ sự hợp nhất và tính cách riêng biệt. Khi cha Biển Đức Thuận dấn thân sống đời đan tu, hẳn ngài nhằm mục tiêu “ta với ta” này, đó là sự thân mật với Thiên Chúa và ngài thành lập nhà dòng là để tạo một môi trường thuận lợi cho sự thân mật này.
Tuy nhiên, khi dấn thân vào đời đan tu và bỏ lại đằng sau mình nhiều trách vụ liên quan tới sứ vụ truyền giáo, cha Biển Đức Thuận được mời gọi thực thi các trách vụ này theo một phương cách khác 29. Thực thế, trong nhà Chúa, ngài sống “solus cum solo” , “ta với ta”, nhưng ở đấy ngài còn tổ chức trường học phụng sự Chúa30. Sự phụng sự ở đây được hiểu như là sự phụng thờ Chúa trong thần vụ và phục vụ anh em bằng một tình yêu tận tụy. Cha Biển Đức Thuận sống trong nhà dòng Đức Bà An-Nam, không những để ngồi bên chân Chúa và lắng nghe Lời Chúa, mà còn để tất bật lo nhiều việc phục vụ khác nữa. Tuy nhiên, qua những công việc phục vụ này, ngài nhận ra Chúa. Chúa hiện diện ở tâm điểm của điều duy nhất cần thiết và của mọi việc phục vụ. Đó chính là bí quyết của sự hài hòa, sự bình an của ngài. Từ đây, Thiên Chúa luôn mãi là nỗi bận tâm duy nhất của ngài, và cùng với Chúa và trong Chúa, ngài hoàn thành những công việc khác trong yêu thương và trong an bình. Như vậy, cha Biển Đức Thuận đã tìm được con đường ngài phải đi, gặp thấy phần mà Thiên Chúa dành sẵn cho ngài và đã chọn sẵn cho ngài. Chúa của chúng ta là Chúa của những cuộc thăm viếng, là vị Thượng khách đến cư ngụ trong nhà chúng ta 31. Chúa đã đến viếng thăm tâm hồn của cha Biển Đức Thuận, và chính cuộc viếng thăm này đã đánh động và biến đổi nội tâm và cuộc đời của ngài. Từ đây, ngài đã tìm được con đường đi, vấn đề còn lại là ngài đi theo con đường ấy cho tới cùng. Đã tìm được đường đi, đã gặp thấy bình an, bây giờ ngài vui hưởng từng phút từng giây của cuộc đời những hương vị ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa, đồng thời tận tâm tận tình phục vụ Đấng hết lòng thương yêu ngài. Từ đây, nguồn ánh sáng duy nhất soi dẫn đường ngài đi, dìu dẫn lòng nhiệt thành ngài dành cho việc tôn vinh Chúa và sự hăng say lo việc cứu rỗi các linh hồn, chính là sự Hiện diện của Chúa. Từ đây, cuộc đời của cha Biển Đức Thuận ẩn kín trước mắt mọi người, nhưng lại gần gũi một cách bí nhiệm với tất cả mọi người, vì lẽ cuộc đời của ngài đã gặp được tâm điểm của tất cả mọi cuộc gặp gỡ là Chúa Giêsu Kitô.
GHI CHÚ 5
1. Theo giải thích của các bậc cha anh đi trước, cha Biển Đức Thuận cho rằng đời đan tu dành cho việc chiêm niệm – solus cum solo Deo – cao quý hơn các bậc sống khác. Trong “Sơ lược về Nhà dòng Đức Bà An-Nam”, để thu hút các tín hữu Kitô dấn thân vào đời đan tu, cha Biển Đức Thuận buộc phải nói đến sự cao quý này. Ở cuối tập sơ lược này, ngài đã viết: “… đời sống tu trì và chiêm niệm luôn là “phần tốt nhất”.
2. André CHARBONNEAU, Sj, “Marthe et Marie accueillent Jésus” (Luc 10, 38-42), article téléchargé dInternet.
3. G. LAFON, “Marthe, Marie et le Seigneur” dans Marthe et Marie, Desclée, Paris, 2002.
4. Có một số tác phẩm hoặc bài báo kể lại quá trình chú giải trình thuật Luc 10, 38-42. Tác phẩm Marthe et Marie của ba tác giả Jean-Louis Chrétien, Guy Lafon và Etienne Jollet. Mỗi người, tùy theo chuyên môn, giới thiệu những cách tiếp cận khác nhau với trình thuật Tin Mừng này.
5. Jean-Louis CHRÉTIEN, “La double hospitalité” dans Marthe et Marie, Desclée, Paris, 2002, pp.11-12.
6. Xem Jean CASSIEN, Conférence I, 8, SC42, 1966, pp. 85-87.
7. Trong Sermon 86, Maitre Eckhart đảo ngược vị trí của Mácta, đặt Mácta lên trên trước Maria. Mácta tượng trưng cho sự hợp nhất giữa đời hoạt động và đời chiêm niệm, bởi vì Mácta “rất quan tâm tới điều cốt yếu”. Xem Sermon này trong Et ce néant était Dieu… Maire Eckhart, Sermon LVI à XC traduits et présentés par Gwendoline Jaczyk et Pierre-Jean Labarière, Albin Michel,Paris, 2000.
8. Jean-Louis CHRÉTIEN, “La double hospitalité” dans Marthe et Marie, Desclée, Paris, 2002, p.48.
9. Jean-Louis CHRÉTIEN, “La double hospitalité” dans Marthe et Marie, Desclée, Paris, 2002, p.10.
10. THÉRÈSE DAVILA, Le château intérieur, VII, 4 Oeuvres complètes, trad. des Carmélites de Paris-Clamart, Paris, 1963, t. II, p.697.
11. Saint AUGUSTIN, Sermon 104, trad. Humeau, Les Plus Beaux Sermons de saint Augustin, Paris, 1986, t. II, pp. 147-152.
12. Louis LAVELLE, Quatre Saints, Paris, 1951, p.141.
Xem “Louis Lavelle” dans DS, t. 9, col. 429-433.
13. Saint BERNARD, Sermons pour lannée, traduction, introduction, notes et Index par Pierre-Yves Emery, frère de Taizé, Brepols et Taizé, 1990, pp. 659-660.
14. Jean-Louis CHRÉTIEN, “La double hospitalité” dans Marthe et Marie, Desclée, Paris, 2002, p. 51.
15. Sự ân cần niềm nở đón tiếp Chúa Giêsu – Thiên Chúa – cũng là sự ân cần niềm nở đón tiếp tha nhân là hình ảnh của Chúa. Xem cách riêng Mt 25.
16. THÉRÈSE DAVILA, Exclamationse 5/523 (555/2/1571).
17. Trong Tu luật, thánh Biển Đức khuyên các đan sĩ hãy có thứ nhiệt tâm tốt lành giúp họ hoàn thành mọi việc với tất cả tình yêu mến. Nhiệt tâm này khiến đan sĩ tuyệt đối không lấy gì hơn Chúa Kitô và hết lòng yêu thương anh em. TLBĐ 72.
18. “Ai gặp được Chúa, thì yêu thương người khác và khao khát các linh hồn”
19. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần hai, khi chúng tôi đề cập tới cuộc đời của cha Biển Đức Thuận trong tương quan của ngài với Giáo hội.
Trong “Sơ lược về Nhà dòng Đức Bà An-Nam, cha Biển Đức Thuận giải thích các lý do của một ơn gọi:
Được lôi cuốn về đời sống cầu nguyện, hãm mình và xa lánh thế gian. Những sự lôi cuốn rõ rệt này, không đương nhiên là một yếu tố khẩn thiết: có nhưng người muốn trở thành tu sĩ vì họ nghĩ rằng việc ẩn thân trong nội vi là cần thiết để bào đảm phần rỗ đời đời và dễ đạt tới sự trọn lành và thánh thiện hơn. Những người khác lại muốn cứu rỗi các linh hồn, vì họ nghĩ rằng không gì có giá trị hơn việc tông đồ bằng cầu nguyện và hy sinh. Những người khác lại nhắm hướng cao hơn nữa, họ muốn được đi tới cùng của đức tin và hoàn toàn hiến dâng bản thân cho vinh quang Thiên Chúa.
Khi viết những dòng trên đây, cha Biển Đức Thuận bộc bạch những lý do khiến ngài chọn đời đan tu. Chính đời sống này cho phép ngài kết hợp việc tôn vinh Thiên Chúa với sự cứu rỗi các linh hồn.
20. Thánh THÉRÈSE DAVILA đã viết trong Le Chemin de la Perfection: “Chị em hãy vui mừng phục vụ với Mácta; chị em hãy biết sự khiêm nhường đích thực cốt ở vui lòng đón nhận những gì Chúa mong đợi ở chị em, và lúc nào cũng cho mình không xứng được gọi là nữ tỳ của Người. Bởi vì chiêm niệm, tâm nguyện hay khẩu nguyện, chăm sóc bệnh nhân, làm bếp, đảm nhận những công việc hèn hạ nhất, tất cả đều là phục vụ vị Thượng khách đến ở trong chúng ta, ăn ở đấy, nghỉ ngơi ở đấy, thì có gì là quan trọng khi làm việc này hoặc việc khác?” (CP. (V) (17/6/420).
21. Trong văn hóa Việt Nam, từ “nhà” có nhiều nghĩa. Theo nghĩa hẹp, từ này chỉ ngôi nhà như một kiến trúc, một nơi ở. Theo nghĩa rộng, từ này chỉ những người ở trong nhà, đó là gia đình : nhiều thế hệ ở chung dưới một mái nhà. Theo nghĩa rộng hơn nữa, từ “nhà” bao gồm tất cả những người cùng một ông tổ; chẳng hạn “nhà Nguyễn”, “nhà Lê” hoặc “họ nhà Nguyễn”, “họ nhà Lê”. Nhưng ý nghĩa của từ này không giới hạn ở phương diện vật chất hoặc theo họ hàng dòng tộc, từ “nhà” còn được dùng để chỉ mối quan hệ thân thiết. Khi người vợ nói tới chồng, bà ta dùng từ “nhà”, “nhà tôi”, nghĩa là chồng tôi. Người chồng cũng dùng từ này để chỉ vợ mình. Nói đến từ “nhà”, người Việt nghĩ ngay tới sự thân thiết và thái độ rộng mở. Sự thân thiết, bởi vì nhà là nơi của mọi tình cảm yêu thương gắn bó, nơi của sự rộng mở, bởi vì nhà là nơi của những tiếp xúc gặp gỡ, nơi của những sự đón tiếp khách vốn có thể vào nhà bất cứ lúc nào.
22. Khi đọc trình thuật về việc Chúa Giêsu đến nhà thăm Mácta và Maria, ta có cảm tưởng nhân vật chính là hai chị em. Nhưng không phải thế, bản văn của thánh Luca tập trung vào Chúa Kitô. Nhân vật chính là Chúa Giêsu: Người là “Chúa” (câu 39.40.41). Sự hiện diện của Người thay đổi tất cả. Khi có Chúa ở đấy, hãy để cho Người dẫn dắt, bởi vì những phán đoán của chúng ta đều không vững. Mácta đã “đón tiếp” Chúa Giêsu như ta đón tiếp một người thân. Mácta làm tất cả những gì cô có thể làm cho Người: thường thì cô có lý lẽ của cô. Thế nhưng hãy còn thiếu sót một điều gì đó cốt yếu và chính Maria đã nắm bắt được điều ấy: khi Chúa đi vào tình thân thiết với nhà nào, thì không phải để nhận từ chúng ta điều gì, mà chính là để thông ban cho chúng ta một điều gì đó, chính là lời của Người. Đó chính là “phần” mà Maria “đã chọn”. Maria đã chọn đúng. André Charbonneau, Sj, “Marthe et Marie accueillent Jésus”, fichier téléchargé dInternet.
23. Niềm vui mừng của hai chị em được diễn tả bằng những hành động khác nhau: ở bên cạnh Chúa Giêsu để lắng nghe Người và phục vụ Chúa Giêsu bằng mọi cách. Và cả hai đều diễn tả niềm vui mừng của họ trong cuộc gặp gỡ này.
24. DN, số 107 “Sống kết hiệp với Chúa”, tr. 122.
25. DN, số 121 “Cứu giúp các linh hồn”, tr. 151.
26. DN, số 121 “Không nên than van kêu trách”, tr.158.
27. DN, số 109 “Khi được ơn nghĩa thì được gì?”, tr.12.
28. Cụm từ “ta với ta” được hiểu theo hai cách: “ta với ta” tức là một mình tôi với tôi, và “ta với ta” tức là tôi với một cái tôi khác hoặc một mình với một cái tôi khác.
– Trường hợp thứ nhất, bà Huyện Thanh Quan sử dụng cụm từ “ta với ta” trong bài thơ “Đèo Ngang”. Bài thơ này mô tả tâm trạng của một lữ khách xa gia đình, xa quê hương đất tổ. Đứng trước cảnh quan xinh đẹp, lữ khách nhớ về quê hương, gia đình. Lữ khách ở trong tâm trạng “ta với ta”.
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân ngắm lại: trời non nước.
Một mảnh tình riêng ta với ta.
– Trường hợp thứ hai, “ta với ta” (tức một mình với một cái tôi khác) diễn tả tình cảnh của hai người đang đối diện nhau trong tình thân thiết. Trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” Nguyễn Khuyến (1835-1909) sử dụng “ta với ta” theo nghĩa này. Một người bạn đến thăm thi sĩ. Nhưng tiếc thay, thi sĩ chẳng có gì để thết bạn: con cái đi vắng, chợ thì xa. Không cá, không gà, không rau, không có cả trầu nữa. Tuy nhiên, điều quan trọng là “ta với ta” (tôi với một cái tôi khác).
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu sóng cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà chửa nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Bầy trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
29. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề “một cách khác” này trong phần hai, khi chúng tôi sẽ nhìn xem cuộc đời của cha Biển Đức Thuận trong tương quan của ngài với Giáo hội.
30. Trong Di ngôn, nhất là các số 138, 139, 140, tr. 176-182, cha Biển Đức Thuận giải thích cho các đan sĩ rằng nhà dòng là trường học phụng sự Chúa (Lời mở đầu TLBĐ).
31. Xem THÉRÈSE DAVILA, Chemins de la Perfection, (V) 17/6/420.
Kết luận phần I
KẾT LUẬN PHẦN THỨ NHẤT
Trong phần thứ nhất, chúng tôi đã giới thiệu ba giai đoạn chính trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận: những năm tháng học tập tu luyện, làm thừa sai, làm đan sĩ. Chúng tôi đã trình thuật cuộc đời của ngài theo thứ tự thời gian: từ lúc chào đời cho tới khi mệnh chung. Cuộc đời này thoạt đầu cũng bình thường như bao cuộc đời khác, bởi vì không có điều gì khác thường, không ảo tưởng, không có những cuộc trở lại phi thường. Tính cách của ngài dần dần hình thành theo dòng thời gian.
Bối cảnh lịch sử trong đó cha Biển Đức Thuận sinh sống, góp phần vào việc dần dần hình thành nhân cách của ngài. Cuộc đời của ngài không bao giờ tách khỏi môi trường, xã hội, thế giới trong đó ngài hoạt động. Tuy nhiên, dù sống trong những môi trường như thế, ngài không để mình trở thành một con rối để cho dòng lịch sử giật dây; ngài có đủ can đảm để sáng tạo, để thực hiện những điều mới mẻ. Là thành viên của nhóm người Pháp và thừa sai Pháp , ngài vẫn duy trì trong một chừng mực nào đó sự tự do của ngài. Ngài vẫn giữ một khoảng cách nhất định đối với chế độ bảo hộ trong những gì liên quan tới nền đô hộ, và đối với một cách thức rao giảng Tin Mừng phổ biến lúc bấy giờ.
Liên quan tới việc thành lập nhà dòng Phước Sơn, ngài đã can đảm vượt qua những thành kiến, những hoài nghi của Giáo quyền và của các anh em thừa sai, cũng như của các linh mục Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, ngài suy nghĩ, ngài hành động khác với những người khác. Mà, sự khác biệt này cho thấy ngài tự do trong suy nghĩ và trong hành động, dĩ nhiên là một cách kín đáo. Ngài không phải là một con người lắm lời, nhiều chuyện; ngài thuộc típ dám nghĩ dám làm.
Tính cách của ngài chín mùi theo dòng thời gian. Trong những năm tháng học tập tu luyện, ngài ấp ủ một công việc: đó là trở thành thừa sai, để rồi với lòng nhiệt thành và tài năng, ngài đưa nhiều lương dân trở lại cùng Chúa. Tuổi trẻ của ngài được nuôi dưỡng từ lý tưởng này, đã đặt ngài vào trong một con đường không phải không có lối thoát. Thế nhưng, một khi trở thành thừa sai, lý tưởng của ngài phải kết hợp với thực tế. Những khó khăn, những thất bại, những hiểu lầm, cả đến những ngờ vực, đã dạy cho ngài sự quân bình và sự hòa hợp. Ngài học biết từ thực tế cuộc sống. Vì thế ngài đã lầm khi cho rằng mình có thể thành công mọi lúc và trong mọi lãnh vực.
Chúng tôi đã cố gắng giới thiệu tính cách của cha Biển Đức Thuận và trong mức độ có thể giải thích những gì liên quan tới ba giai đoạn trong cuộc đời của ngài. Chúng tôi đã tiếp cận nhiều bối cảnh, nhiều hoàn cảnh, môi trường, tắt một lời, những nơi mà cha Biển Đức Thuận đã sống năm mươi ba năm, và quả thực, có nhiều điều chúng tôi không thể nắm bắt được. Mặc dù chúng tôi có thể xác mình nhiều sự kiện, xác định biến cố này hoặc biến cố khác, làm sáng tỏ quan điểm này hoặc quan điểm khác để hiểu rõ thêm hơn cha Biển Đức Thuận, nhưng nhiều điều vẫn còn bí ẩn.
Tính cách bí ẩn trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận, cũng như của tất cả mọi cuộc đời khác, đều có mối liên hệ với chính mầu nhiệm của Thiên Chúa. Biên soạn một tiểu sử vừa có tính cách lịch sử vừa mang tính thần học – là một sự khai tâm mầu nhiệm như lời cha Jean Baptiste Metz 1 – đó là kể lại và đào sâu một cuộc đời đã trải nghiệm trong đức tin, trước tôn nhan Thiên Chúa. Theo chiều kích này, chúng tôi cố gắng nhìn cuộc đời của cha Biển Đức Thuận theo những góc cạnh khác và chúng tôi nghiệm thấy rằng, bất chấp vẻ “tầm thường” bên ngoài và tính nết bình thường, cuộc đời của ngài ẩn chứa nhiều điều tuyệt vời và nhiều điều sâu sắc mà ta chỉ có thể hiểu được trong tương quan mật thiết của ngài với Thiên Chúa.
Thiên Chúa trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận hiển hiện dưới nhiều dung mạo khác nhau 2 : đó là một Thiên Chúa mời gọi và dõi theo con người, một Thiên Chúa theo đuổi con người và chiến đấu với họ, một Thiên Chúa đi đến và ở lại trong tình thân thiết. Trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận, có một sự giao thoa, một sự đi đi lại lại giữa đời sống con người và dung mạo của Chúa, giữa tiếng gọi của Chúa và lời phúc đáp của con người. Cha Biển Đức Thuận đã có kinh nghiệm thiêng liêng về tất cả điều ấy, và đức tin của ngài đã giúp ngài có những xác tín trong những điều ấy. Cho dù cuộc đời của ngài đã trải qua trong bóng tối đức tin, cha Biển Đức Thuận đã nhìn thấy những tia sáng giúp ngài sống trước tôn nhan Thiên Chúa. Đây quả là mầu nhiệm của Thiên Chúa và là mầu nhiệm của con người : một khái niệm về một Thiên Chúa không thể hiểu được và kinh nghiệm của con người bị cuốn hút vào trong mầu nhiệm không thể lý giải ấy 3.
Chúng ta hãy tiếp tục công trình nghiên cứu của chúng ta. Trong phần thứ hai, chúng tôi sẽ cố gắng giới thiệu cha Biển Đức Thuận sống giữa lòng Giáo hội và tham gia sứ vụ của Giáo hội như thế nào. Vì thế phần thứ nhất này dẫn tới phần thứ hai: một ơn gọi (phần nhất) và những hoạt động (phần hai). Thiên Chúa mời gọi cha Biển Đức Thuận để ngài làm việc trong Giáo hội hầu cho mọi người được cứu rỗi.