THỨ SÁU TUẦN I MÙA VỌNG
Mát-thêu 9,27-31
Chữa Lành Cho Hai Người Đàn Ông Mù
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Một nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa San Francisco đã tiết lộ rằng các nạn nhân của cơn đau tim, suy tim và các vấn đề về tim khác đã được nhiều người nhớ đến trong những lời cầu nguyện thì có tiến triển tốt hơn so với những người không có ai cầu nguyện cho.
Bác sĩ tim mạch Randy Byrd đã giao 192 bệnh nhân cho nhóm “cầu nguyện” và 201 bệnh nhân không được “cầu nguyện”. Tất cả bệnh nhân đều nằm trong đơn vị chăm sóc chuyên sâu mạch vành. Bệnh nhân, bác sĩ và y tá không biết bệnh nhân nhóm nào đã tham gia. Các thành viên nhóm cầu nguyện nằm rải rác khắp đất nước và chỉ được đặt tên, chẩn đoán và tiên lượng bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả thật ấn tượng. Nhóm được cầu nguyện đã có ít biến chứng hơn đáng kể so với nhóm không được ai cầu nguyện cho. Và thành viên của nhóm được cầu nguyện đã chết ít hơn. Nhóm không được ai cầu nguyện có khả năng phát triển các bệnh nhiễm trùng đòi hỏi kháng sinh cao hơn gấp 5 lần và có nguy cơ mắc bệnh phổi cao hơn gấp ba lần, dẫn đến suy tim. Những phát hiện này đã được công bố trong Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.
Bối cảnh Phúc Âm hôm nay có vẻ khác thường, có gì đó khó hiểu và buồn cười. Hãy tưởng tượng hai người đàn ông mù bám theo Đức Kitô, và Ngài cứ để mặc họ! Khi cố gắng bám theo một người khỏe mạnh bình thường đó là một việc vô cùng khó khăn với một người khiếm thị và chắc chắn họ sẽ bị vấp ngã và bầm tím trên đường đi. Chắc chắn họ phải có chút nghi nan sợ hãi vì không thấy Đức Giêsu lên tiếng! Thế nhưng mong muốn được chữa lành và đức tin của họ vào Đức Kitô lớn hơn bất kỳ trở ngại về thể xác, tình cảm hay tâm lý nào. Chỉ khi Ngài bước vào một ngôi nhà họ mới có thể tiếp cận Ngài và lời cầu xin của họ được đáp lại. Điều này khá kỳ lạ bởi vì thường Chúa Giêsu rất mau mắn muốn chữa trị cho mọi người và trong bối cảnh Phúc Âm này, Ngài làm ra vẻ khó khăn đối với hai người mù này trước khi nhận lời cầu xin của họ. Tại sao vậy?
Đây có lẽ là vì đôi khi Thiên Chúa trì hoãn đáp lại những lời cầu xin của ta. Theo nghĩa nếu cái gì xảy ra cách thường xuyên và quá dễ dàng, thì con người có lẽ cảm thấy tầm thường, ước muốn của họ sẽ nông cạn hời hợt. Thiên Chúa kéo dài thêm thời gian để đẩy khát vọng của lời cầu xin lên đúng mức của nó. Hoặc đôi khi Thiên Chúa muốn đáp lại lời cầu xin của con người, nhưng lại bị cản trở bởi những hành động và thái độ của chính họ, vì Ngài sẽ chỉ hành động trong sự nhất quán với bản chất thánh thiện của Ngài và sự khôn ngoan yêu thương. Vậy, những trở ngại nào thường xuyên cản trở ơn Chúa xuống trên chúng ta? Ta có thể liệt kê một số trở ngại dưới đây:
- Tội lỗi trong lòng: “Nếu tôi giữ sự gian ác trong lòng, thì Chúa sẽ không nhậm lời tôi”
- Thái độ không biết tha thứ: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh ” (Mc 11,25).
- Động cơ xác thịt: “Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.” (Gc 4,3).
- Ích kỷ trong quan hệ giữa gia đình: “Cũng vậy, anh em là những người chồng, trong cuộc sống chung, anh em nên hiểu rằng đàn bà thuộc phái yếu; hãy tỏ lòng quý trọng vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Như thế, việc cầu nguyện của anh chị em sẽ không bị cản trở.” (1 Pr 3,7).
- Không tin: “Nhưng người ấy phải cầu nguyện với lòng tin không chút do dự…người ấy đừng tưởng mình đã nhận được cái gì từ Chúa,” (Gc 1,6-7).
Và vì thế, chúng ta hãy mở rộng khát vọng và trái tim nữa, như Thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3,20).
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cầu xin với lòng kiên nhẫn, tin tưởng và trong tâm tình sám hối khiêm cung, với tấm lòng rộng lượng thứ tha như Chúa đã thứ tha cho chúng con. Amen.