Thứ Ba, 19 Tháng Ba, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

 TRÊN ĐƯỜNG TỰ DO – CHÚ GIẢI TU LUẬT THÁNH BIỂN ĐỨC THEO TỪNG NGÀY

 

DOM GUILLAUME JEDRZEJCZAK, Viện phụ đan viện Mont-Des-Cats

[Bản tiếng Pháp: SUR UN CHEMIN DE LIBERTÉ, Commentaires de la Règle de saint Benoit jour après jour. Édit. Anne Sigier]

LỜI TỰA

Ngay khi đọc những trang đầu cuốn “Trên đường tự do” ta đã có cảm tưởng đang cầm trong tay một tác phẩm thiêng liêng rất phong phú.

Trong cuốn sách này, viện phụ Guillaume cống hiến chúng ta một tuyển tập những lời chú giải Tu luật thánh Biển Đức ngài nói với cộng đoàn mỗi ngày. Ngài muốn giúp mọi người khám phá Tu luật thánh Biển Đức và cũng cho thấy Tu luật này tác động ra sao trên cuộc sống của cộng đoàn đan tu, khi hé mở cho ta linh đạo biển đức và xitô qua những phân tích của ngài. Vì thế, khi chú giải, ngài xử dụng giọng văn nói để dễ chuyển đạt tới độc giả tính năng động và tiềm lực sẵn có nơi người chú giải. Đàng khác, những lời chú giải này rất thường mang dấu ấn cuộc sống và cam kết cá nhân của tác giả, vì đôi khi trạng thái tâm linh của nhà chú giải bộc lộ rất rõ nét.

Bởi thế, trong cuốn sách này tác giả nói bằng kinh nghiệm sống và bằng con tim của mình. Viện phụ Guillaume coi độc giả như người tâm sự, như một thành viên của cộng đoàn, vì ngài cho chúng ta được đọc những lời chú giải mà các đan sĩ nghe mỗi ngày.

Ở thời chúng ta, giáo dân không còn mấy coi trọng lợi ích của Tu luật thánh Biển Đức, một bộ luật viết cho các đan sĩ vào thể kỷ thứ năm. Không hề chỉ là một loạt những điều phải tuân giữ, Luật này là một “con đường tự do” tổ chức chặt chẽ những sinh hoạt thuộc lãnh vực vật chất để đan sĩ có thể tập trung vào Điều Cốt Yếu và sống một cuộc đời phong phú hơn, vì đã trút bỏ được những cái hời hợt bên ngoài. Luật này cũng là một bài học thánh cho xã hội chúng ta ngày nay, một xã hội sống theo nhịp tiêu thụ cách mù quáng và quá khích. Nhưng qua những suy tư của mình, viện phụ Guillaume thúc đẩy chúng ta vượt qua quan niệm quá tầm thường về Tu luật thánh Biển Đức để ý thức tầm quan trọng mà Tu luật này có thể có trong cuộc đời giáo dân của chúng ta. Một số đề tài giữ vai trò hòa điệu cho toàn thể Tu luật: thinh lặng, lắng nghe, nói năng, kính trọng. Chẳng cần phải là đan sĩ mới cảm nhận được sứ điệp Tu luật muốn truyền đạt cho ta và mới thể hiện trong cuộc sống hằng ngày giáo huấn Tu luật đề nghị với ta. Về vị trí quan trọng của việc đọc và suy niệm lời Chúa, về cầu nguyện của đan sĩ cũng vậy; mọi kitô hữu đều phải xử dụng những sinh hoạt này để giúp mình gặp được Đấng Khác, một điều thật là khó khăn khi cuộc sống của ta đã quá bề bộn. Sau hết, ngoài những khó khăn không thể tránh trong cuộc đời, mỗi đan sĩ đôi khi phải chiến đấu cam go để trung thành với Chúa, với ơn gọi, với cộng đoàn. Ngoài thế gian cũng vậy: người ta rất thường bị cám dỗ thất trung với người phối ngẫu, với bạn hữu, với gia đình vì những lý do đôi khi vớ vẩn. Tu luật đòi chúng ta phải suy nghĩ: điều có thể được đối với 20, 30, 40 (hay hơn nữa) đan sĩ, khi họ chẳng chọn nhau, thì không thể cho là không vượt qua được giữa một đôi vợ chồng, khi mà hai người đã chọn nhau vì yêu thương nhau! Nếu nghĩ cuộc sống trong đan viện lúc nào cũng phẳng lặng như mặt hồ thu thì thật là ảo tưởng.

Đàng sau những lời chú giải ta khám phá ra cộng đoàn, điều đó giải tỏa được nhiều thành kiến. Qua những trang sách này ta cùng sống với cộng đoàn, chia sẻ với cộng đoàn những niềm vui, những nhọc nhằn, những hy vọng và những nghi nan. Và đó là cú sốc đầu tiên: đan viện không phải là tiền sảnh của thiên đàng! Các đan sĩ là những con người: chắc chắn là như vậy! Đó là một thực tế mà viện phụ Guillaume thường chia sẻ với chúng ta: trong đan viện không phải mọi sự đều là hoa hồng cả… Điều ấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Cộng đoàn đan viện giống như một xã hội nhỏ: các thành viên phải học cho biết chấp nhận những khác biệt của nhau, trong khi vẫn tôn trọng nề nếp chung và giữ một số “qui luật” để mưu ích cho mỗi người.

Như vậy, cuốn sách này cho người giáo dân chúng ta thấy được bản chất của đời sống đan tu: sống xa thế gian để hiện diện giữa thế gian và giữa những bận rộn của thế gian, bằng việc cầu nguyện và chiêm ngưỡng. Phần chúng ta, những giáo dân, chúng ta cần học cho biết thưởng thức sự khôn ngoan của đời sống đan tu tích chứa trong những trang sách này để giúp cho ý nghĩa cuộc sống chúng ta được nên mới mẻ hơn. Tuyển tập những bài chú giải này sẽ giúp chúng ta, dù bất cứ ở đâu hay làm gì, chia sẻ mầu nhiệm ơn gọi đan tu và khám phá ra rằng Tu luật thánh Biển Đức là một con đường dài dẫn ta tới cung lòng Thiên Chúa, và, nhờ tính thức thời đặc biệt của nó, cũng dẫn tới trái tim mỗi con người.

Anne-Catherine Delbarre


THÁNH BIỂN ĐỨC VÀ TU LUẬT CỦA NGÀI

Một số tư liệu hiếm hoi chúng ta có được về cuộc đời thánh Biển Đức đến từ cuốn Đối Thoại của thánh Grêgôriô Cả (540-604). Vào năm 593, thánh Grêgôriô đã viết về cuộc đời và sự nghiệp các vị thánh người Ý ở thời đại của ngài. Trong số những vị đó, thánh Biển Đức được nói đến với nhiều chi tiết nhất, và thường dựa theo những chứng tá trực tiếp về các công việc và hành vi của thánh nhân.

Thánh Biển Đức sinh khoảng năm 480 tại Nursia, trong một miền đồi núi ở phía bắc Roma chừng vài trăm cây số. Đến tuổi thanh niên, ngài được gửi tới Roma để hoàn tất việc học hành. Khi bắt đầu hấp thụ nền văn hóa của thời đại, ngài lại bỏ kinh thành Rôma để đi đến một ngôi làng nhỏ có tên là Effide (ngày nay là Affile), mong tìm một lối sống khác. Ngài sống ở đó một thời gian giữa “những con người đạo đức”, rồi lại ra đi sống tại Subiaco, một nơi thanh vắng hơn và không xa Effide bao nhiêu. Thánh Biển Đức chọn làm đan sĩ theo cách thức của thời đại và hiến thân sống cho một mình Thiên Chúa. Có một đan sĩ tên là Romain thỉnh thoảng đến thăm và thường xuyên cung cấp lương thực cho ngài. Ngoài ra, còn có những người chăn súc vật quanh vùng đó hay lui tới nghe ngài giảng dậy cho biết những điều cơ bản về đời sống kitô giáo. Ngài sống không bạn hữu và ngay cả không tham dự vào sinh hoạt phụng vụ của Giáo Hội. Bằng đời sống ẩn dật, thánh Biển Đức chuẩn bị để phục vụ các anh em của ngài.

Sau ba năm, các đan sĩ thuộc đan viện Vicovaro, gần Subiaco, xin thánh nhân về làm viện phụ. Thánh Biển Đức từ chối ngay, vì nghĩ rằng vốn sống khắc khổ và ẩn dật nên ngài không được chuẩn bị để phụ trách một cộng đoàn. Nhưng các đan sĩ ấy cứ nài nỉ mãi nên sau cùng ngài đã chấp nhận, tuy nhiên ngài chẳng làm bề trên của họ được bao lâu. Vì thánh Biển Đức rất nghiêm túc trong khi các đan sĩ ở Vicovaro lại sống đời đan tu cách rất tự do dễ dãi. Bởi thế họ tiếc đã xin ngài làm viện phụ, và, theo thánh Grêgôriô, họ tính chuyện loại trừ ngài bằng thuốc độc. Sau sự cố này, thánh Biển Đức rời bỏ cộng đoàn ấy và trở lại nơi ẩn dật. Ngay từ lúc đó, danh tiếng nhà ẩn sĩ lan rộng và có nhiều môn đệ tới chung sống với ngài. Thế là thánh Biển Đức trở nên vị thầy và người hướng dẫn họ.

Chúng ta không biết giai đoạn này trong cuộc đời thánh Biển Đức kéo dài bao lâu. Ơn gọi mỗi ngày một đông tới độ thánh Grêgôriô nói thánh Biển Đức đã thiết lập trong các miền phụ cận Subiaco mười hai đan viện, mỗi đan viện mười hai đan sĩ. Khi đó thánh Biển Đức quyết định cùng với các môn đệ trẻ nhất lên định cư trên núi Cassino, cách Roma một trăm cây số về hướng đông bắc, có lẽ vào năm 529. Như thánh Grêgôriô kể, thánh Biển Đức ra đi vì sự ghen tương của một linh mục ở giáo xứ gần bên, nhưng có thể là vì ngài muốn cùng với một nhóm nhỏ khởi sự sống đời đan tu theo một hình thức mới.

Trên núi Cassino, trước hết thánh Biển Đức xây một nhà nguyện dâng kính thánh Martinô thành Tours (316-397, vị sáng lập các đan viện Ligugé vào năm 361, và các đan viện Marmoutier vào năm 371) và một nhà nguyện khác dâng kính thánh Gioan Tẩy Giả. Sau đó, ngài xây các ngôi nhà cho cộng đoàn, như nhà ngủ, nhà cơm, thư viện, các cơ xưởng, nhà khách và những gì cần thiết để anh em không phải đi ra ngoài đan viện.

Vào cuối đời, khi làm viện phụ ở Cassino, thánh Biển Đức mới viết Tu luật. Ngài qua đời năm 547, nhưng tác phẩm của ngài vẫn còn sống mãi tới ngày nay. Năm 580, đan viện Cassino bị quân Lombard cướp phá và thiêu hủy. Các đan sĩ sống sót được Đức giáo hoàng Pelagio 2 đón nhận về Roma và cho phép xây một đan viện gần đền thờ Thánh Gioan Latêranô. Lịch sử đan viện Cassinô không kết thúc với tai họa đó, và mặc dầu những thăng trầm, những đổi thay của lịch sử, hiện nay các đan sĩ vẫn đang sống trên núi Cassino theo Tu luật thánh Biển Đức.

Gia nhập Kitô giáo năm 574 và xây dựng một đan viện trong lãnh thổ của gia đình, có lẽ thánh Grêgôriô đã tổ chức cuộc sống đan viện theo Tu luật thánh Biển Đức. Khi được bầu làm Giáo hoàng vào năm 590, ngài khuyến khích các đan viện dùng Tu luật này hơn là những tu luật khác đang được sử dụng.

Khi hoàng đế Louis le Pieux (778-840) muốn cải tổ đời sống đan tu trong đế quốc của ông, thì theo lời khuyên và sự trợ giúp của thánh Benoit d’Anian (750-821) ông đã yêu cầu tất cả các đan viện sống theo Tu luật thánh Biển Đức. Tại các công nghị ở Aix-la-Chapelle năm 816 và 817, Tu luật thánh Biển Đức trở thành tu luật duy nhất cho các đan sĩ Tây Phương.

Khi nói về Tu luật thánh Biển Đức, thánh Grêgôriô xác nhận rằng Tu luật này “trổi vượt về tinh thần biện phân và ngôn ngữ trong sáng” hơn những tu luật đan tu khác (Đối Thoại, q. IV, ch. 36). Cho dầu thánh Biển Đức có qui chiếu các văn bản đã có trước, thì bản tu luật ngài để lại cho chúng ta vẫn mang dấu ấn kinh nghiệm phong phú về nhân bản và thiêng liêng của ngài. Đã sống trong nơi thanh vắng, nên ngài biết rõ cuộc sống trong đan viện và luật lệ truyền thống của đời đan tu. Chính ngài đã tổ chức và quản trị những đan viện nhỏ bên bờ hồ và thiết lập một đan viện lớn hơn trên núi Cassinô. Ngoài ra, ngài còn biết đến những tác phẩm đan tu như: Các Cách ngôn, các Tu luật thánh Pacômêô và thánh Basiliô, các tác phẩm của Gioan Cassianô, của thánh Augustinô mà ngài rất quen thuộc. Đó là chỉ nhắc tới vài ba tác giả về đời đan tu được thánh Biển Đức trưng dẫn hay qui chiếu trong bản Tu luật của ngài.

Tiếp theo sau đó, các nhà cải cách đan tu thường có ý muốn “trở lại sát nguyên văn Tu luật thánh Biển Đức”. Đặc biệt là trong trường hợp thành lập Xitô vào năm 1098. Khi ấy các đan sĩ xitô tiên khởi rời bỏ một đan viện sầm uất để chung sống với nhau, xa cách thế gian hơn, và tự lực cánh sinh bằng chính đôi tay của mình.

Ngày nay, có nhiều cộng đoàn đan tu trên khắp thế giới sống theo Tu luật thánh Biển Đức, dù là theo truyền thống biển đức, xitô hay trapit (trappiste). Ngoài ra, các đan viện đã trở nên nơi tiếp đón ngày càng đông những giáo dân muốn tìm đến để được bồi dưỡng về mặt đạo đức và tinh thần. Một số người trong họ khám phá ra Tu luật thánh Biển Đức như một cuốn sách chỉ nam hữu ích cho việc tìm Chúa giữa thế gian. Sống dưới cái nhìn của Chúa, trong sự khiêm tốn và vâng phục, là điều cũng có thể thực hiện được “trong thế gian”. Những bài chú giải được trình bày trước hết cho cộng đoàn Mont Des Cats rồi được tuyển hợp trong tác phẩm này có thể giúp các giáo dân hiện thực hóa Tu luật thánh Biển Đức trong cuộc sống của họ.

Fr. Bernard-Marie van Caloen


 

DẪN NHẬP

Đến giờ hội. Tiếng chuông mời gọi anh em tạm ngưng   mọi công việc đang làm. Mau mắn tụ họp trong nhà hội, sau khi cúi đầu chào hai người bên cạnh mình, anh em ngồi vào chỗ và chờ viện phụ. Khi ngài tới, mọi người đứng lên, và sau lời nguyện ước: “Xin Chúa ban cho chúng ta một đêm bình an và được kết thúc may lành”, người đọc sách đọc một đoạn Tu luật. Sau khi người đọc sách ngồi vào chỗ, viện phụ sẽ chú giải vắn tắt đoạn Tu luật vừa đọc, trước khi nói những gì khác.

Lời mở đầu và bảy mươi ba chương được phân phối để mỗi năm chúng ta đọc ba lần trọn bản Tu luật. Được đọc liên tục từng ngày, Tu luật sẽ dần dần thấm nhiễm vào cuộc sống và cách nghĩ của cộng đoàn đan tu. Nhưng đây không phải là thấm nhiễm thụ động. Truyền thống đọc và giải thích Tu luật mỗi ngày đòi phải có một điều kiện tiên quyết. Mỗi đoạn Tu luật, dù dễ hiểu hay xem ra đã hoàn toàn rõ nghĩa, vẫn còn điều gì đó để nói với chúng ta ngày hôm nay, sau mười lăm thế kỷ.

Tuy nhiên, thực ra thì một số đoạn ta dễ lĩnh hội, trái lại, một số khác mới đọc qua ta thấy khó hiểu. Khi ấy ta  dễ bị cám dỗ bỏ qua, coi như đã lỗi thời và vô giá trị. Đúng thật là một cám dỗ. Vai trò của người chú giải là làm sao cho thấy được “kho tàng chôn giấu trong ruộng”, “viên ngọc quí” mà ta phải cố gắng mới có thể khám phá ra.

Vấn đề ở đây không phải là giải thích Tu luật theo kiểu các nhà chuyên môn, tuy công trình của họ rất quí giá và rất cần thiết cho chúng ta, nhưng là nhìn lại cuộc sống cộng đoàn, những biến cố xẩy ra và đôi khi khiến cộng đoàn chao đảo, dưới ánh sáng của Tu luật. Như thế, đây là một tác động ngược. Không phải đan sĩ giải thích Tu luật nữa, nhưng một cách nào đó Tu luật giải thích cuộc sống của cộng đoàn và của từng anh em.

 Đối tượng để chú giải không phải là Tu luật với mọi chi tiết nữa, nhưng là cuộc sống của đan sĩ, của cộng đoàn, một cuộc sống chấp nhận bị chất vấn, bị khuấy động và được sửa chữa bởi cái nhìn khác lạ nhưng lại rất quen thuộc. Thánh Biển Đức thay đổi cái nhìn của ta về cuộc đời, ngài mở cho ta những tầm nhìn mới mẻ, ngài đưa ta vào “một con đường tự do”!

Điều ấy cho ta hiểu tại sao, qua nhiều năm trời, cứ ba lần một năm, viện phụ có thể chú giải cùng một đoạn Tu luật và dầu vậy đoạn Tu luật này vẫn luôn luôn mới mẻ. Như vậy, lời chú giải là hoa trái trổ sinh từ sự gặp gỡ giữa Tu luật (với sức nặng minh triết và Truyền thống của nó), thực tại cụ thể nhưng luôn luôn mới, và tâm trạng của người chú giải.

Được báo trước như vậy, độc giả biết có thể gặp những gì trong cuốn sách này, và điều gì không nên tìm ở đây kẻo sẽ phải thất vọng. Nếu cuốn sách này có một mong ước thì đó là mong ước giúp những ai, cũng như tôi, đã có lần vấp phải một số đoạn khó trong Tu luật thánh Biển Đức, để họ còn dám đi xa hơn nữa. Sau thời gian cố gắng ban đầu ta sẽ tự nhiên thấy ham thích tìm hiểu sâu hơn tư tưởng của thánh nhân.

LỜI MỞ ĐẦU

 Ngày 1.1 – 2.5 – 1.9

1 Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được, 2 để nhờ gắng công vâng phục, con trở về với đấng con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân. 3 Vậy cha nói với con đây, dù con là ai, mà đã đoạn tuyệt với ý riêng, mang lấy khí giới rất mạnh mẽ và rạng ngời của đức vâng phục, để chiến đấu cho Chúa Kitô, Vua chân thật.

4 Trước tiên, khi khởi công làm việc lành nào, con hãy tha thiết cầu khẩn, xin ngài giúp con thành tựu, 5 ngõ hầu đấng đã đoái nhận ta vào số con cái, sẽ không bao giờ phải buồn phiền vì những hành vi bất chính của ta. 6 Bởi thế, trong mọi lúc ta phải dùng các ơn lành Chúa ban mà vâng phục ngài, để một ngày kia ngài không như người cha nổi giận truất quyền thừa tự của con cái, 7 hay như ông chủ đáng sợ nổi lôi đình vì những hành vi bất chính của ta, rồi đẩy ta như đầy tớ xấu xa vào chốn cực hình muốn kiếp, vì đã không muốn theo ngài vào chốn vinh quang.

Chú giải:

 A – Ngày 1.1

Thánh Biển Đức mở đầu tu luật của ngài bằng một lời thật giản dị: “Hãy lắng nghe”. Trong tiếng la tinh “obscultare” (theo ngôn ngữ bình dân) hay “auscultare” có nghĩa là lắng nghe với ngụ ý đem ra thực hành điều đã nghe. Như vậy, đối với thánh Biển Đức lắng nghe có tương quan rất mật thiết với vâng phục (obscultare [lắng nghe] và oboedientia [vâng phục] có cùng một gốc). Ở câu 2, vâng phục được định nghĩa như một việc phải làm để trở về với Thiên Chúa: “Nhờ gắng công vâng phục con trở về với đấng con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân”.

Nhưng vâng phục như thế nào? Phải chăng là vâng phục cách gần như máy móc theo kiểu nhà binh? Ở câu 6 thánh Biển Đức xác định phải vâng phục như thế nào khi ngài nói: “Trong mọi lúc, ta phải dùng những ơn lành Chúa ban mà vâng phục ngài”.

Khi nói như thế, thánh Biển Đức mời gọi ta vượt qua thái độ vụ luật, vì để vâng lời cách chủ động, ta phải vận dụng mọi ơn lành Chúa đã ban. Nhưng ta lại thường không biết tới những ơn lành ấy đã được dấu ẩn nơi ta. Thực vậy, đó không phải là những đức tính nhân bản mà ta thường gọi là ơn lành. Tuy rằng những đức tính ấy rất hữu ích cho ta, nhưng thánh Biển Đức còn muốn đi xa hơn nữa, vì dầu sao chúng cũng rất hạn hẹp.

Vậy đâu là những ơn lành Chúa đã ban cho ta? Làm sao nhận biết được? Thánh Biển Đức đề nghị một cách khai thác những ơn lành ấy khi cảnh báo ta về điều cản trở ta nhận ra chúng, đó là ý riêng (c.3). Vì, nói cho cùng, kẻ thù lớn nhất của ta chính là bản thân ta, với một hình ảnh sai lạc ta tự tạo ra về mình.

Đối với thánh Biển Đức, vâng phục là con đường trở về với Thiên Chúa. Vì trước hết đó là con đường dẫn tới tự do nội tâm đích thực, bắt đầu bằng việc giải thoát ta khỏi chính mình, khỏi những sợ hãi, những hoài nghi, và cả những ảo tưởng cũng như sự phóng đại quá đáng về mình. Đó là con đường ta phải đi vào theo chân Chúa Kitô, và chỉ bằng đức tin mà thôi. Phải tin để thấy, chứ không thấy để rồi mới tin. Vì trong khi cậy trông luôn luôn dựa vào kinh nghiệm, thì như thánh Phaolô nói, đức tin hy vọng điều chưa bao giờ thấy. Và chính đức tin mới cứu được ta.

 B – Ngày 2.5

Lắng nghe, đón nhận, thì hành. Bằng ba động từ này, thánh Biển Đức tóm gọn cuộc sống của người muốn xin gia nhập đan viện. Đó là ba động từ gồm tóm thái độ nội tâm giúp đan sĩ đi vào mối tương quan phụ tử với Thiên Chúa. Trong câu 1, thánh Biển Đức nói với đan sĩ như với con của một người cha đích thực.

Trong những câu tiếp theo, thánh Biển Đức sẽ khai triển thêm. Lắng nghe, đón nhận, thi hành, đó chính là công việc của đức vâng phục và sự từ bỏ ý riêng. Về tương quan cha con, thánh Biển Đức coi đó như chìa khóa mở cửa vào Vương quốc, vào hưởng gia nghiệp. Tuy nhiên, đối với con người của thế kỷ 21 nói như thế thật là khó nghe. Như đã nhắc đến mới đây, ngày nay người ta có cảm tưởng không tốt về người cha, ông làm người ta sợ. Vậy Cha ở đây là ai?

Người Cha, là “cha đích thực”, mà thánh Biển Đức nói tới ở câu 1 thì chính Chúa Giêsu mạc khải cho ta. Trong Phúc Âm, ta thấy được rất nhiều dịp Chúa Giêsu tiếp xúc với Chúa Cha, như khi ngài chịu phép rửa, khi ngài cầu nguyện, khi giáp mặt với kẻ thù, khi tiếp xúc với môn đệ, trong cuộc tử nạn, phục sinh và lên trời. Có lẽ thật là thú vị khi nêu ra những trường hợp trên đây để qua đó ta hiểu được ý nghĩa của lời Chúa Giêsu vui sướng cất lên: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha…”, hay của tiếng kêu ngài đau đớn thốt ra trên thập giá: “Tại sao Cha bỏ con?”

Ta có thể tóm gọn tất cả những trường hợp trên đây vào hai ý. Trước hết, đó là Chúa Cha luôn luôn có mặt: Chúa Giêsu thực hiện mọi điều Cha muốn, Cha luôn luôn ở với ngài, ngài chỉ bận tâm tới công việc của Cha, mọi sự khác đều không quan hệ gì đối với ngài. Nhưng Cha cũng là đấng rất mực xa vắng, đấng đã để Chúa Giêsu một mình đương đầu với số mệnh, với đau khổ và sự chết! Mầu nhiệm Chúa Cha dấu ẩn trong chính cái dáng vẻ mâu thuẫn đó. Tư cách làm cha đích thực tiềm tàng nơi hình ảnh này: lời nói và sự thinh lặng, tiếng mời gọi và sự đợi chờ. Chỉ một tư cách làm cha thật sự mới có thể làm nảy sinh một ơn gọi chân chính.

C – Ngày 1.9

Ơn gọi đan tu bắt nguồn từ một cảm nghiệm và một ước mong. Cảm thấy mình bị xa cách, và ước mong trở nên gần gũi. Nhưng ta xa cách cái gì, xa cách ai? Và ta được mời gọi đến gần cái gì, đến gần ai?

Ở câu 2, thánh Biển Đức bảo rằng ta đã xa lìa Thiên Chúa. Hẳn là đúng như vậy. Nhưng ta chỉ nhận ra điều đó nhờ một cảm nghiệm khác, đó là cảm thấy mình đã trở nên xa lạ với chính mình. Vì ta nhận ra mình xa cách Chúa khi cảm thấy bất an, không ổn với chính mình. Chính khi bất an mà ta cảm thấy xa cách Chúa. Chính khi bất ổn với mình, xa cách mình, mà ta thấy Chúa không hiện diện với ta.

Và cảm nghiệm này giúp ta lên đường trở về để hoán cải. Chính khi đi tìm mình thì cuối cùng ta lại gặp được dấu vết của Chúa, và khi lên đường tìm Chúa, rốt cuộc ta sẽ gặp lại chính mình. Phải chăng điều đó có nghĩa là kinh nghiệm về Thiên Chúa chỉ là một hình thức trọn vẹn hơn của kinh nghiệm về mình?

Thiết tưởng để hiểu được điều đó thì cần phải nhớ lại những cuộc gặp gỡ đặc biệt với Thiên Chúa được kể rất nhiều trong Thánh Kinh. Chính trong những cuộc gặp gỡ này mà các tổ phụ và các tiên tri nhận được danh xưng và sứ mệnh của mình. Chính khi ở trước nhan Thiên Chúa mà các ngài trở nên chính mình. Chính khi gặp được Đấng Khác, đấng hoàn toàn Khác, mà các ngài sinh ra cho chính mình. Chính khi tìm lại được con đường dẫn tới Thiên Chúa mà các ngài khám phá ra con đường dẫn tới bản thân.

Ngày 2.1 – 3.5 – 2.9

 8 Vậy ta hãy chỗi dậy theo lời Thánh Kinh giục bảo: “Đã đến giờ ta phải tỉnh giấc”. 9 Và một khi đã mở mắt nhìn ánh quang thần hoá, ta hãy lắng nghe tiếng Chúa ngày ngày văng vẳng bên tai: 10 “Hôm nay, nếu các con nghe tiếng Chúa, các con đừng cứng lòng”. 11 Lại rằng: “Ai có tai để nghe, hãy lắng nghe điều Thần Khí nói với các Giáo Hội”.  12 Và ngài nói gì? “Hỡi các con hãy đến mà nghe, Ta sẽ dạy cho biết kính sợ Chúa”. 13 “Hãy chạy khi còn ánh sáng sự sống, kẻo bóng tối sự chết chộp lấy các con”.

 Chú giải:

A – Ngày 2.1

 Hãy lắng nghe! Trong đoạn rất ngắn này của Lời mở đầu tu luật, từ latinh “audire” (lắng nghe) được lặp đi lặp lại năm lần. Thánh Biển Đức mô tả nơi đây cả một khoa sư phạm về việc lắng nghe. Tìm hiểu sơ qua từng câu một hẳn cũng là điều hữu ích.

Ở câu 9: “Ta hãy lắng nghe tiếng Chúa ngày ngày văng vẳng bên tai”. Lắng nghe đòi phải chăm chú, không phải chỉ chăm chú tùy lúc hay trong trường hợp đặc biệt, nhưng mọi giây mọi phút. Vì Chúa nói mỗi ngày, chỉ có ta mới không còn biết nghe nữa thôi.

Thánh Biển Đức nói ở câu 10: “Hôm nay, nếu các con nghe tiếng Chúa, các con đừng cứng lòng”. Trở ngại lớn cho việc lắng nghe là sự cứng lòng. Thiên Chúa nói, nhưng chỉ con tim tan vỡ, con tim bị nghiền nát, khiêm tốn mà theo Thánh Kinh là con tim trái ngược với con tim chai cứng, kiêu căng, ngang bướng, cứng đầu cứng cổ, chỉ con tim ấy mới có thể nghe được. Thói quen phạm tội sẽ làm suy yếu khả năng yêu mến nơi ta.

 Ở câu 11: “Ai có tai để nghe, hãy lắng nghe điều Thần Khí nói với các Giáo Hội”. Đó là lắng nghe tiếng thì thầm của Thần Khí, tiếng gió nhẹ thổi tới nơi chẳng có ai nghe. Nhưng trong Giáo Hội ta có thể nghe thấy được. Khi nhắc lại đoạn sách Khải huyền này, thánh Biển Đức nhấn mạnh rằng ta lắng nghe trong cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, nơi có hai hay ba người họp nhau nhân Danh Chúa.

Sau cùng, câu 12: “Hỡi các con, hãy đến mà nghe, Ta sẽ dậy cho biết kính sợ Chúa”. Như vậy, lắng nghe sinh ra kính sợ, một diễn ngữ của Cựu Ước nói lên sự kính trọng, tình yêu con thảo. Kính sợ khác hẳn với sợ hãi. Kính sợ là ý thức mình ở trước một đấng cao cả hơn mình.

Tóm lại, trong bốn câu, thánh Biển Đức cho ta những qui luật căn bản của việc lắng nghe đích thực: chăm chú, khiêm nhường, hiệp thông và ý thức về Đấng Khác.

 B – Ngày 3.5

Hãy lắng nghe, hãy đứng dậy. Lời thánh Biển Đức mời gọi thật là rõ ràng. Nghe cách lơ đễnh, như thể chẳng liên quan gì tới mình, thì không được. Với thánh Biển Đức, lắng nghe thực sự chính là hành động, là dấn thân: “Hãy đứng dậy” (c.8). “hãy mở mắt ra” (c.9), “chớ cứng lòng” (c.10), “hãy đến” (c.12), “hãy chạy” (c.13). Lắng nghe thực sự khác hẳn với nghe cách thụ động ươn lười. Trái lại, lắng nghe đích thực là thực hiện lời đã nghe.

Tuy nhiên, trong Thánh Kinh có đầy dẫy những người nghe mà không làm. Chúa Giêsu tỏ ra nghiêm khắc với những kinh sư và những người pharisêu chỉ biết nói mà chẳng chịu làm. Những kẻ giả hình đó hài lòng vì những lời khoa trương tự đắc và tưởng rằng như thế là mình đã nên công chính rồi. “Chẳng những họ không vào (nước Thiên Chúa), mà lại còn ngăn cản người khác vào”, khi làm cho người ta lạc xa đường thiện. Nhưng ta lại chẳng giống họ sao?

Tôi thường tự hỏi làm sao ta lại có thể vừa mới nói những điều tốt lành là chỉ sau ít phút đã làm ngược hẳn lại, một cách thật vô tư. Điều gì đã khiến ta không còn nhận ra được sự mâu thuẫn, cái dối trá đó nữa? Thiết tưởng thánh Biển Đức trả lời cho thắc mắc này ở câu sau cùng của đoạn tu luật hôm nay, tức câu 13: “Hãy chạy khi còn ánh sáng sự sống, kẻo bóng tối sự chết chụp lấy các con”.

Cuộc hoán cải nào cũng khởi đầu từ việc cảm thấy đó là điều cấp bách phải làm. Thiết tưởng việc cảm thấy cấp bách như vậy gắn liền với một kinh nghiệm cốt yếu của con người, đó là kinh nghiệm về việc khám ra rằng một ngày kia ta sẽ chết. Chính qua kinh nghiệm phũ phàng về cái chết mà sự sống bỗng nhiên bừng lên mãnh liệt, như dòng nhựa sống trào dâng. Chính nhờ cái tương phản quyết liệt đó mà ta thoát khỏi tình trạng thờ ơ, nỗi buồn tẻ vô vị, và nhận ra lời thánh Biển Đức kêu mời: “Hãy đứng lên”, “Đừng cứng lòng”, “Hãy chạy mau”!

 C – Ngày 2.9

Trong đoạn tu luật này, ta gặp lại một lược đồ giống như lược đồ thánh Biển Đức đã phác họa ở câu 1: -ta hãy lắng tai nghe (ở c.9) (lắng nghe); -các ngươi chớ cứng lòng (ở c.10) (nghe); -Ta dậy cho biết kính sợ Chúa (ở c.12) (đón nhận); -hãy chạy khi còn ánh sáng sự sống (ở c.13) (làm).

Thánh Biển Đức diễn tả những điều đó bằng các trưng dẫn Thánh Kinh cho thấy phải thực hiện ngay hôm nay và một cách gấp rút.

Trước hết là ngày hôm nay: “Đã đến giờ ta phải tỉnh giấc”; “hãy nghe tiếng Chúa ngày ngày thúc giục ta: Hôm nay các con đừng cứng lòng”. Với thánh Biển Đức, không có chuyện đợi chờ lúc thuận tiện, nhưng hôm nay Chúa đang đợi chờ ta. Nếu ta cứ sống mà nuối tiếc quá khứ hay mơ tưởng một tương lai tốt đẹp, tức là ta không sống trong sự thật, không sống trong ánh sáng của Chúa.

Vì “ngày hôm nay” có tính cấp bách đang thúc đẩy ta. “Thiên Chúa thúc giục ta mỗi ngày”. Vậy thì “Hãy chạy mau bao lâu còn ánh sáng sự sống, kẻo bóng tối sự chết bao phủ các con”. Việc hoán cải không thể chậm trễ, vì khi giam giữ ta trong tội, việc từ chối lắng nghe sẽ khiến ta thành khô chồi cằn cỗi. Trước thái độ ấy, Lời Chúa sẽ chẳng sinh hoa kết trái được.

Thánh Biển Đức cũng thiết lập tu luật của ngài trên hai động lực này: ngày hôm nay, lúc mà Thiên Chúa đến thăm ta, và tính cấp bách. Khi thèm nhớ nồi thịt bên Ai Cập và ước mong những ngày mai tươi sáng, người ta không còn khả năng đón nhận điều Thiên Chúa ban ở đây và lúc này nữa.

Ngày 3.1 – 4.5 – 3.9

 14 Đang khi tìm giữa đám đông người thợ mà ngài muốn gọi, Chúa tiếp: 15 “Ai là người muốn sống và ước ao thấy những ngày hạnh phúc?” 16 Khi nghe lời ấy, nếu con thưa: “Dạ, con đây”.  Chúa sẽ phán: 17 “Nếu con muốn hưởng sự sống đích thực và vĩnh cứu, thì lưỡi con chớ nói điều xấu xa và môi con chớ thốt lời gian dối; con hãy làm lành lánh dữ, hãy tìm kiếm và theo đuổi sự bình an”. 18 Khi các con đã thực thi những điều ấy, thì mắt Ta hằng theo dõi các con, tai Ta hằng lắng nghe các con khấn nguyện, và ngay khi các con chưa kịp kêu cầu thì Ta đã bảo: “Có Cha đây”. 19 Anh em rất thân mến, còn gì ngọt ngào hơn lời Chúa mời gọi ta như thế? 20 Này đây, với tất cả lòng ưu ái, Chúa đã chỉ cho ta con đường dẫn tới sự sống.

Chú giải:

 A – Ngày 3.1

Nếu ta lắng nghe, như lời đầu tiên của tu luật mời gọi, một ngày nào đó ta sẽ nghe Chúa nói với ta qua Kinh Thánh. Đối với thánh Biển Đức, đó là cốt lõi của ơn gọi đan tu đích thực: cảm nghiệm được rằng Lời Chúa là lời dành cho tôi.

Lời mà Thiên Chúa nói với ai đến xin vào đan viện mang hai sắc thái khác nhau. Ở câu 15, lời ấy là tiếng mời gọi đến hạnh phúc: “Ai là người muốn sống và ước ao thấy những ngày hạnh phúc?” Ở câu 17, lời ấy trở thành lời mời gọi hoán cải: “Lưỡi con chớ nói điều xấu xa và môi con chớ thốt lời gian dối: con hãy làm lành lánh dữ, hãy tìm kiếm và theo đuổi sự bình an”.

Trước hết đó là lời mời gọi đến hạnh phúc. Để trở thành đan sĩ, cần phải yêu thích sự sống. Nếu ta từ bỏ bao nhiêu chuyện thì không phải vì ta không muốn sống. Trái lại là khác. Chính lòng yêu thích sự sống thúc đẩy ta ước ao điều gì còn quí hơn, đẹp hơn, thật hơn, tốt hơn. Đó là chính Thiên Chúa.

Đúng vậy, muốn tìm ra con đường dẫn tới Thiên Chúa, cần phải dứt bỏ nhiều chuyện: sự dữ, dối trá, tất cả những gì chỉ làm ta hài lòng trong chốc lát. Đối với thánh Biển Đức, từ bỏ chỉ là hiệu quả của lòng yêu thích sự sống và là một điều kiện để có thể đạt tới sự sống thật. Có những con đường xem ra hấp dẫn hơn, dễ dàng hơn, rộng rãi hơn. Ta có thể nghĩ như thế khi nhìn vào cuộc sống của người khác. Nhưng các anh em có nhiệm vụ tiếp đón khách đều biết rằng đó chỉ là ảo tưởng. Chẳng có con đường nào là dễ dãi cho người đi tìm hạnh phúc đích thực.

 B – Ngày 4.5

“Nếu con đáp: Thưa, con” (c.16). Có lẽ ta có thể dịch lời đáp ở câu 16 bằng kiểu nói của Thánh Kinh “Này con đây”, như thánh Biển Đức dùng ở câu 18 để nói về lời đáp của Chúa. Như vậy, ta có thể hiểu ý nghĩa đời sống đan tu giữa hai lời đáp ấy, “này con đây” và “này Cha đây”. Lời thứ nhất là lời đan sĩ đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Lời thứ hai được cho là lời đáp của Chúa. Nhưng giữa hai lời đáp ấy điều gì sẽ xẩy ra?

Để diễn tả ơn gọi đan tu giữa hai lời đáp ấy, thánh Biển Đức sử dụng hai kiểu diễn đạt, một kiểu tiêu cực: hãy giữ gìn miệng lưỡi, hãy xa tránh; và một kiểu tích cực: hãy làm, hãy tìm kiếm, hãy theo đuổi. Đối với thánh nhân, điều tiếp theo lời đáp “này con đây” và dẫn tới lời đáp “này Cha đây” đó là cuộc sống được ghi đậm nét bởi “hãy làm” và “đừng làm”. Như vậy, thánh Biển Đức cho rằng đời sống đan tu trước hết là một sinh hoạt tu đức, một việc để làm. Nghe một tiếng gọi và đáp lại để đi vào đan viện thì chưa đủ. Nhưng còn cần phải thay đổi cuộc sống.

Viện phụ Rancé đã tóm gọn những điều thánh Biển Đức nói ở đoạn luật này trong ba yếu tố căn bản của con đường thiêng liêng, đó là tìm kiếm, thay đổi, ca ngợi. Tìm kiếm bằng cách đáp lại ơn gọi. Thay đổi bằng cách thực hiện điều Chúa yêu cầu. Ca ngợi Chúa, đấng đang tới gặp ta.

C – Ngày 3.9

“Trong khi tìm kiếm…”. Con người tìm Thiên Chúa xem ra là điều bình thường, và còn là điều thuộc bản chất con người nữa, ở bất cứ nơi đâu cũng vậy. Nhưng Thiên Chúa đi tìm con người mới là điều khiến ta ngạc nhiên, làm ta bối rối! “Trong khi tìm kiếm người thợ”. Dầu sao thì đó cũng chính là điều thánh Biển Đức nói tới trong đoạn thứ ba này của lời mở đầu.

Thiên Chúa tìm một con người, nhưng không phải bất cứ con người nào. Ngài tìm một người thợ, như thánh Biển Đức nói. Vì khi Thiên Chúa tìm ta là để ta làm việc, để biến ta thành những “người thợ của ân sủng”, những “nghệ nhân của Thần Khí”. Và tác phẩm ngài bảo ta đẽo gọt, chạm trổ, đánh bóng là chính bản thân ta.

Thiên Chúa đòi ta dành cả cuộc sống cho tác phẩm này. Nhưng vật liệu để làm nên tác phẩm lại chẳng do ta chọn lựa. Thường thì quá khứ và hiện tại của ta cũng vượt ngoài tầm tay ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa biết rằng từ một khúc gỗ cong queo nhất, từ một khối đá xấu xí nhất có thể xuất hiện một kiệt tác. Trong khi mà từ phiến cẩm thạch quí giá có thể lại chẳng làm nên được gì, nếu nghệ nhân không để hết tâm lực vào đó. Bất cứ vật liệu như thế nào, bất cứ ta nghèo nàn ra sao, nghệ nhân sẽ làm được cho một nắm đất sét thành một tác phẩm xinh đẹp, miễn là ta ưng thuận, và điều đó tùy thuộc ở ta.

Ngày 4.1 – 5.5 – 4.9

 2l Vậy, thắt lưng bằng đức tin và sự thực thi các việc lành, rồi dưới sự hướng dẫn của Phúc Âm, ta hãy tiến bước theo đường của Chúa, để đáng được xem thấy đấng đã gọi ta vào vương quốc của ngài. 22 Nếu ta muốn cư ngụ trong vương quốc của ngài mà không chạy mau trên đường hành thiện, thì không tài nào tới được. 23 Cùng với vị ngôn sứ ta hãy thưa Chúa: “Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong cung điện Chúa và ai sẽ được nghỉ ngơi trên núi thánh Ngài?”

 24 Thưa anh em, thỉnh vấn xong, ta hãy lắng nghe Chúa trả lời và bày tỏ cho ta con đường dẫn tới cung điện: 25 “Đó là kẻ bước vào mà lòng trong sạch và biết thực thi sự công chính, 26 đó là kẻ nói sự thật phát xuất tự lòng mình và không ăn gian nói dối, 27 không làm hại và cũng không nhục mạ người lân cận”. 28 Đó là kẻ biết đẩy lui tà thần cùng mọi âm mưu quyến rũ của nó ra khỏi lòng mình mà tiêu diệt đi, và chộp ngay các tà ý vừa nảy sinh mà đập tan vào Chúa Kitô. 29 Đó là kẻ kính sợ Thiên Chúa, không kiêu căng vì đã giữ luật cách trọn hảo, trái lại chân nhận rằng những gì tốt lành nơi mình đều không do tự sức mình nhưng do ơn Chúa. 30 Họ chúc tụng Chúa, đấng hoạt động nơi mình, và cùng tuyên xưng với vị ngôn sứ: “Không phải cho chúng con, lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng cho danh Chúa được vinh hiển”.

 Chú giải:

 A – Ngày 4.1

Một trong những khó khăn thường gặp nơi cuộc sống, một trong những vỡ mộng lớn đó là khoảng cách ta nhận thấy giữa điều mình nói và việc mình làm, giữa những lời hay ý đẹp và cách thức ta ăn ở. Làm như thể chỉ cần nói những điều hay ho, có những ý tưởng đẹp đẽ hoặc những lý thuyết lớn lao là đủ để chuyển hướng được mọi sự, thay đổi được ý nghĩa cuộc đời.

Vì thế, ở đầu đoạn văn này, trong câu 21, thánh Biển Đức đề nghị ba điều thiết yếu cho cả đời ta và giúp ta nhận biết thực trạng của mình: “Vậy, thắt đai lưng bằng đức tin và sự thực thi các việc lành, rồi nhờ Phúc Âm hướng dẫn, ta hãy tiến bước trên đường của Chúa”. Ta phân biệt ba yếu tố: đức tin, sự thực thi, Phúc Âm.

Điều thú vị là thánh Biển Đức không lấy lại hình ảnh người lính trong thư Ephêsô (6,14-17) được trang bị để chiến đấu, nhưng dùng hình ảnh người tôi tớ trong Phúc Âm chuẩn bị lên đường. Để tiến lên đường của Chúa, ta cần có đức tin, có hành động và có Phúc Âm như người hướng dẫn.

Đó chính xác là ba cột trụ của đời sống đan tu: -Đức tin đưa ta vào dòng dõi tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob, vào dòng dõi những người đã tin mặc dầu không còn chút hy vọng nào. -Hành động đặt ta trong hàng ngũ các tiên tri, những vị không ngừng nhắc nhở dân phải sống bằng đức tin. -Phúc Âm dẫn ta theo chân Chúa Kitô, trên những nẻo đường chưa khi nào biết tới và đầy bất ngờ, chẳng hề giống với những nẻo đường ta vẫn quen đi.

 B – Ngày 5.5

 Đức tin, làm các việc lành, Phúc Âm, đó là ba cột trụ của cuộc đời đan tu được sống một cách đích thực, trong công chính và sự thật, theo như lời Thánh Vịnh mà thánh Biển Đức trưng dẫn. Tuy nhiên, càng tiến tới trong đời đan tu thì, qua từng giai đoạn, qua những lúc gặp khủng hoảng, đan sĩ càng nhận thấy rằng đời mình thực tế là một cuộc mạo hiểm, một cuộc chiến vì đức tin và trong đức tin.

Ta thường có khuynh hướng chỉ nhìn thực tại đời đan tu như là những vấn đề về tương quan giữa các cá nhân, về cơ cấu tổ chức, về sự quân bình tâm lý, theo quan điểm thuần túy nhân loại. Dĩ nhiên không thể quên những điều ấy, nhưng cũng không nên quan trọng hóa chúng. Vì ta phải tập cho quen nhìn những gì xẩy tới, về phương diện cá nhân hay cộng đoàn, bằng con mắt đức tin.

Làm cách nào để nhận ra ngón tay Thiên Chúa trong những gì xẩy đến cho ta? Làm cách nào để thấy được cuộc sống cá nhân và cộng đoàn như một lịch sử thánh? Làm cách nào để dần dần tìm ra được sợi chỉ đỏ âm thầm dệt nên những gì xẩy đến cho ta?

Trong đoạn tu luật này, thánh Biển Đức cho ta một bí quyết khi nhắc lại lời thánh Phaolô: “Tôi được thế nào là nhờ ơn Chúa”. Như vậy thì dù thành công hay thất bại, được an ủi hay bối rối băn khoăn, hiện nay tôi thế nào cũng là một hồng ân, một ơn sủng của Chúa, cho bản thân tôi và cho anh em tôi. Cũng thế, cộng đoàn tôi, mỗi người anh em tôi là một ơn sủng, một hồng ân cho tôi. Đó là điều ta phải nhìn ra bằng con mắt đức tin. Và phải cần đến cả một đời, cùng với ơn trợ giúp của Chúa, để nhìn ra được.

 C – Ngày 4.9

Trong đoạn tu luật này, ta thấy có mối liên hệ mật thiết giữa đức tin và cách sống. Đoạn này mở đầu như sau: “Vậy, thắt lưng bằng đức tin và sự thực thi các việc lành”. Những cụm từ “Đức tin” và “các việc lành” nhắc ta nhớ lại Thư của thánh Giacôbê, trong đó ngài bảo: “Nếu ai nói ‘tôi có đức tin’ mà lại không hành động, thì có ích gì?” (2,14), và xa hơn một chút ngài nói: “Bạn hãy cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin có một Thiên Chúa ư? Bạn làm đúng. Ma quỉ cũng tin như thế, và chúng run sợ”.

Ta cũng có thể đọc tiếp đoạn tu luật này trong bối cảnh của thư Giacôbê, vì thánh Biển Đức nhấn mạnh tới một loại hành động đặc biệt là nói năng: “Đó là kẻ nói sự thật phát xuất tự lòng mình và không ăn gian nói dối, không làm hại và cũng không nhục mạ người lân cận” (c. 26-27). Điều này tương hợp với chương 3 thư Giacôbê, đoạn nói về cái lưỡi (3,2-12).

Sự tương hợp này còn đi xa hơn nữa, khi thánh Biển Đức tiếp tục nhấn mạnh rằng thực ra điều xấu không đến từ cái lưỡi nhưng từ cõi lòng: “họ biết đẩy lui ma quỉ ra khỏi lòng mình” (c.28). Thư Giacôbê cũng nói tới chuyện ấy ở 3,14; 4,8 và 11.

Như vậy, trong đoạn luật này, dù không trưng dẫn thư Giacôbê, thánh Biển Đức cũng theo cùng một lược đồ và có cùng một kết luận như thánh Giacôbê, khi đối nghịch sự khôn ngoan thế gian, đầy tính kèn cựa, đắng cay với sự khôn ngoan từ trời làm phát sinh sự bình an: Gc 3,15-18.

Ngày 5.1 – 6.5 – 5.9

 3l Hay như thánh Phaolô Tông Đồ đã không coi thành quả việc rao giảng là do sức mình, khi ngài nói: “Tôi được thế nào là nhờ ơn Chúa”. 32 Ngài còn thêm: “Ai tự hào hãy tự hào trong Chúa”. 33 Bởi đó, Chúa đã nói trong Phúc Âm: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành thì ví được như người khôn xây nhà trên đá; 34 dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá”.

35 Nói thế rồi, hằng ngày Chúa chờ ta lấy việc làm mà đáp lại giáo huấn thánh thiện của Người. 36 Vì thế nếu Chúa còn gia hạn cho ta sống thêm ngày nào, là để ta sửa chữa lỗi lầm, 37 như thánh Tông Đồ nói: “Bạn không biết rằng lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa thúc giục bạn hối cải đó sao?”. 38 Vì Chúa nhân từ phán: “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó hoán cải và được sống”.

 Chú giải:

 A – Ngày 5.1

Thiên Chúa không chờ đợi nơi ta những lời hứa suông, những mỹ từ, nhưng ngài mong ta hành động. Thánh Biển Đức nhấn mạnh điều đó và còn coi hành động như tiêu chuẩn của một cuộc hoán cải chân chính, nghĩa là cuộc hoán cải đưa tới sự sống. Như vậy, chọn sự sống tức là chọn thực hiện điều được yêu cầu, bằng cách làm như người khôn trong Phúc Âm xây nhà trên tảng đá.

Với thánh Biển Đức, xây nhà trên đá tức là thực hành điều Phúc Âm yêu cầu và được tu luật áp dụng vào từng trường hợp cụ thể. Đúng như lời Chúa Giêsu dậy: “Ai nghe những lời Ta vừa nói mà đem ra thực hành thì giống như người khôn xây nhà mình trên tảng đá” (Mt 7,24).

Đem ra thực hành là xây nhà trên tảng đá. Chỉ nghe suông hay chỉ ước muốn mơ hồ là xây trên cát. Linh đạo thánh Biển Đức là linh đạo thực hành, linh đạo của hành động. Có lẽ ta hơi ngạc nhiên vì đã thường quen phân biệt lãnh vực thiêng liêng với những gì thuộc về hành động, về những việc cụ thể phải làm.

Với thánh Biển Đức, đan sĩ là con người hành động, và nhờ hành động mà được biến đổi. Chính khi làm điều thiện, đôi lúc khó khăn vất vả, mà đan sĩ trở nên tốt hơn. Chính khi phục vụ anh em mình cách cụ thể, mà dần dần đan sĩ biết yêu thương họ. Chính khi hát thần tụng, mà đan sĩ trở thành con người đáng khen. Xem ra khó chấp nhận cách nghĩ đề cao hành động như thế. Tuy nhiên, cách nghĩ đó lại rất hợp với tinh thần Phúc Âm.

B – Ngày 6.5

Trong việc hoán cải đan tu, có khát vọng được sống. Người ta thường mô tả đời đan tu là từ bỏ, là chết cho thế gian, mà quên rằng trước hết đó là một cuộc sống, hay chính xác hơn, như thánh Biển Đức nói ở câu 37, đó là một cuộc thay đổi đời sống.

Vì một trong những trực cảm của người xin gia nhập đan viện là họ thấy thiếu một cái gì đó, họ thấy mình chưa có được cuộc sống đích thực. Với thời gian, cảm thức về sự thiếu thốn ấy và khát vọng từ đó nảy sinh rất có thể sẽ suy giảm và tàn lụi đi nếu ta không nuôi dưỡng chúng suốt cả đời mình.

Nếu điều đó xẩy ra, ta sẽ có nguy cơ bị bão táp và sóng nước cuốn trôi, vì ta chỉ xây nhà trên cát. Với thánh Biển Đức, xây nhà trên cát có nghĩa là “nghe lời Phúc Âm, nhưng không thực hiện”, như ngài nói ở câu 33.

Dĩ nhiên, nếu chăm chú sống theo Phúc Âm thì điều đó không có nghĩa ta sẽ tránh khỏi những thử thách, những khó khăn. Chúa Giêsu không hứa cho ta một cuộc sống dễ dãi. Nhưng khi đó ta sẽ có được kinh nghiệm về sự mỏng dòn của ta, và cũng đồng thời về sức mạnh của Thiên Chúa, đấng trợ lực ta. Vì chính ngài là tảng đá cho ta nương tựa, chính ngài là sức mạnh của ta, chính ngài là nguồn động lực cho ta. Như thánh Biển Đức nói ở câu 38, ta sẽ nhận ra được điều Chúa phán dậy: “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó hoán cải và được sống”.

C – Ngày 5.9

Với thánh Biển Đức, đời đan tu là gì? Đoạn tu luật này cho ta một lời giải đáp hết sức rõ ràng: đó là sống Phúc Âm, thực hành lời Phúc Âm dậy. Thật là đơn giản, đơn giản đến nỗi nhiều khi ta không nghĩ tới nếu có ai hỏi. Đời đan tu là một cách sống Phúc Âm. Không tốt hơn những cách sống khác, nhưng cũng không kém. Vậy làm sao biết được ta có sống Phúc Âm hay không?

Thánh Biển Đức giới thiệu với ta một tiêu chuẩn rất đơn giản để nhận định về điều này. Đó không phải là căn cứ vào công nghiệp hay nhân đức của ta, hoặc coi xem những người sống chung quanh ta có trở lại hằng loạt hay không. Nhưng tiêu chuẩn ấy chính là tiêu chuẩn của Phúc Âm.

Đó là xây nhà trên nền đá: Mt 7,24-25. Nếu cuộc sống đan tu của ta được xây dựng trên Phúc Âm, thì mưa sa bão táp không thể nào lay chuyển, ta vẫn luôn đứng vững. Ngược lại thì dù có mạnh mẽ và kiên quyết tới đâu ta vẫn không thể nào đứng vững được. Và nếu điều ấy đúng cho từng cá nhân thì lại càng đúng cho cộng đoàn.

Không phải cái đẹp của phụng vụ, con số các đan sĩ, tầm vóc các tòa nhà, việc tổ chức cộng đoàn, hay chất lượng đời sống của anh em này anh em kia, hoặc khả năng thích ứng với thời đại sẽ giúp cho cộng đoàn ta tiếp tục phát triển. Không, tất cả những cái đó đều không đủ. Vì điều xây dựng nên một cộng đoàn chính là Phúc Âm. Phúc Âm được suy niệm, được nghiền ngẫm, được sống trong mọi chi tiết nhỏ mọn của cuộc đời. Bởi lẽ, vì Phúc Âm mà ta có mặt nơi đây, và chính khi sống Phúc Âm mà ta sống ơn gọi truyền giáo của mọi người đã được thánh tẩy. Ta được mời gọi công bố Phúc Âm bằng cuộc sống như thế.

Ngày 6.1 – 7.5 – 6.9

 39 Thưa anh em, khi  hỏi Chúa về kẻ được ở trong cung điện Người, ta đã nghe huấn lệnh Người đặt ra.  Và ta sẽ chỉ được thừa hưởng nước trời nếu ta chu toàn bổn phận. 40 Thế nên, ta hãy chuẩn bị tâm hồn và thể xác để chiến đấu mà tuân phục các giới răn. 4l Còn điều gì tính tự nhiên lấy làm khó, ta hãy cầu xin Chúa ban ơn giúp sức. 42 Nếu ta muốn tránh khỏi hình khổ hoả ngục và đạt tới sự sống đời đời, 43 thì bao lâu còn thời gian sống trong thân xác và còn lợi dụng được ánh sáng đời này để chu toàn những điều vừa nghe, 44 ta phải chạy mau và thi hành ngay những gì mưu ích đời đời cho ta.

 Chú giải:

A – Ngày 6.1

“Ta hãy chuẩn bị tâm hồn và thân xác để chiến đấu mà tuân phục các giới răn”. Với thánh Biển Đức, đan sĩ thực hiện điều được yêu cầu vẫn chưa đủ, mà tâm hồn cũng phải thuận theo nữa. Và không đương nhiên có được như vậy. Quả thực, ta có thể cố gắng vượt qua cái mình không ưa không thích để thực hiện điều được yêu cầu, nhưng làm sao mà yêu thích cái mình không thể yêu thích.

Thánh Biển Đức đề nghị hai phương thế giúp cảm hóa tâm hồn: -Cầu nguyện, ở câu 41: “Điều gì tính tự nhiên lấy làm khó, ta hãy cầu xin Chúa ban ơn giúp sức”. -Sợ hãi, ở câu 42: “Nếu ta muốn tránh hình khổ hỏa ngục và đạt tới sự sống đời đời”.

Phương thế thứ nhất là chính đáng và hiển nhiên rồi, trái lại phương thế thứ hai khiến ta bị dội. Tuy nhiên, sợ hãi có giá trị giáo dục của nó. Phải chăng vì sợ bị cháy mà đứa trẻ không dám thò tay vào lửa, phải chăng vì sợ rớt mà người trèo núi phải cẩn thận trong khi gắng sức trèo lên tới đỉnh? Tất nhiên, như thánh Gioan nói, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi. Nhưng ai dám cho rằng mình đã yêu cách hoàn hảo?

Nếu có thứ sợ hãi làm ta bị tê liệt, thì cũng có thứ sợ hãi khiến ta lánh xa tội lỗi, vì ý thức sự yếu đuối và những giới hạn của mình. Quả thực, sợ hãi là một trong những hoa trái của lòng khiêm tốn, của người biết mình thiếu thốn mọi sự. Vâng phục vì sợ có thể là dấu hiệu cho thấy mức trưởng thành cao của người ý thức được những giới hạn, những yếu đuối của mình.

 B – Ngày 7.5

“Kẻ được ở trong nhà Người”. Tiếng “nhà” ở đây được dùng để dịch tiếng “tabernaculum” có nghĩa là cái lều, và hiểu rộng ra là nhà, nơi cư trú. Nhưng tiếng “tabernaculum” có một âm hưởng đặc biệt đối với ta, vì nó cũng gợi nhớ đến nhà tạm đặt trong nhà thờ và để cất giữ Thánh Thể. Như vậy tiếng “tabernaculum” gợi lên hai ý tưởng.

Ý tưởng thứ nhất được thánh Biển Đức quảng diễn ở đây là ý tưởng về những ngôi lều trại mà dân Israel cư ngụ trong thời gian Xuất hành. Những ngôi lều của dân Israel, như ta thấy nói đến trong lễ lều được dân Do Thái cử hành hằng năm, đó là ý tưởng về cuộc lữ hành, về sự kiện ta là những khách lạ, những kẻ hành trình trên mặt đất này. Đan viện là một khu cắm trại của những con người đang đi đường tiến về trời cao.

Ý tưởng thứ hai, cũng được nối kết với ngôi lều trong sách Xuất hành, đó là lều Hội ngộ, lều gặp mặt; đó là ý tưởng về Đền thờ, nơi Thiên Chúa đến gặp con người. Như vậy, đan viện cũng là ngôi lều nơi Thiên Chúa cho ông Môsê được trông thấy mặt ngài, nhờ vậy mà mặt ông trở nên chói sáng.

Hai đặc tính đó, tức là nơi qua đường và nơi gặp gỡ mặt đối mặt, cho ta hiểu rõ hơn điều thánh Biển Đức sẽ khai triển qua suốt cả cuốn tu luật của ngài. Đan viện không phải là nơi yên ổn an vị, trái lại đó là nơi tạm trú trong cuộc Xuất hành dẫn ta đến nơi cư ngụ vĩnh viễn trên trời cao. Nhưng đó cũng là nơi Thiên Chúa đến gặp ta, là một không gian thánh nơi Thiên Chúa nói với tâm hồn biết lắng nghe trong thinh lặng và tôn kính.

C – Ngày 6.9

Với thánh Biển Đức, đời sống đan tu được tóm gọn trong câu 39 của lời mở đầu tu luật: “Khi hỏi Chúa về kẻ được ở trong nhà Người”. Đây là ở nhà của Chúa, ở với Chúa. Trong truyền thống đan tu, động từ ở có nhiều nghĩa. Trước hết là ở một nơi nào, gắn kết với nơi ấy, ở lại nơi ấy, giống như cây mọc bên giòng nước. Để sinh hoa kết quả, cây phải đâm rễ sâu vào đất. Nghĩa thứ nhất này gợi cho ta ý tưởng về sự bền đỗ.

Nghĩa thứ hai, như thấy trong sách Đối Thoại của thánh Grêgôriô khi kể về cuộc đời thánh Biển Đức, đó là “ở với chính mình”. Đây không còn là ở một nơi bên ngoài nữa, nhưng là trở về với mình, với lòng mình, như dấu chứng của mọi cuộc hoán cải chân thực.

Sau cùng, động từ ở nhắc ta nhớ đến việc ở trong Đền thờ, ở trong tiền đình nhà Chúa, mà ông Simêon và bà Anna là những nhân vật biểu trưng. Trong truyền thống đan tu, điều đó được thể hiện bằng việc ở trước Thánh Thể. Khi ở đấy, bất kể thời gian, ta sẽ tìm lại được mình, và sẽ sinh hoa kết quả cho phần rỗi thế gian.

Ngày 7.1 – 8.5 – 7.9

 45 Chính vì mục đích ấy cha phải thiết lập trường học phụng sự Chúa, 46 trong đó cha hy vọng sẽ không ấn định điều gì khắt khe, nặng nề. 47 Nhưng nếu có theo lẽ phải mà quy định điều gì hơi nghiêm ngặt hầu giúp sửa chữa nết xấu và bảo toàn đức ái 48 thì con chớ vội hoảng sợ mà trốn xa con đường cứu độ, vì vạn sự khởi đầu nan. 49 Nhưng một khi đã tiến bộ trong đời tu và trong đức tin, một khi lòng phấn khởi và nếm được sự ngọt ngào khôn tả của tình yêu, ta sẽ chạy trên đường giới răn Chúa, 50 đến nỗi không bao giờ ta lìa xa giáo huấn Người, trái lại ta kiên trì trong giáo lý của Người nơi đan viện cho đến chết, kiên nhẫn chia sẻ các đau khổ của Chúa Kitô để đáng được dự phần trong nước Người. Amen.

Chú giải:

 A – Ngày 7.1

Với thánh Biển Đức, trong đời sống đan tu nếu có điều gì trái tính tự nhiên, thì trước hết là để sửa nết xấu và sau đó giúp ta kiên trì trong tình yêu. Sửa nết xấu là đương nhiên rồi, nhưng làm sao những trái ý lại có thể bảo vệ đức ái, phục vụ tình yêu.

Quả thực, trong một cộng đoàn, đức ái là điều thật mong manh. Một cộng đoàn có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào, vì thiếu quan tâm đến người khác, khi ta quên mất rằng mình là thành phần của một thân thể. Nhưng người ta có thể ép ta yêu không?

Người ta có thể ép ta yêu không? Người ta có thể học cho biết yêu không? Như thế thì tình yêu có còn là tình yêu không? Ta thắc mắc là do quan niệm của ta về tình yêu. Ta cho rằng tình yêu là một tình cảm trào ra từ thẳm cung tâm hồn và ta không thể kiểm soát được. Người ta sa vào tình yêu cũng như thể người ta ngã bệnh. Ta lại chẳng nói tới thứ bệnh yêu đương đó sao?

Trái lại, Phúc Âm mời gọi ta đi xa hơn tình cảm, vì tình cảm sẽ mau qua. Tình yêu cốt ở điều này là chính Thiên Chúa đã yêu thương ta trước. Như vậy, khám phá ra tình yêu trong ngôi trường dậy yêu thương là cộng đoàn, chính là khám phá ra rằng tình yêu luôn luôn đi trước ta, tình yêu có nguồn gốc ở bên ngoài ta. Và phải lâu dài đào bới nơi mình, bên kia mọi tình cảm, để khám phá được nguồn mạch sâu xa của tình yêu. Hẳn là vì thế mà thánh Biển Đức thiết lập một ngôi trường, bởi lẽ ta phải tái học hỏi dưới cái nhìn của Chúa tất cả mọi chiều kích nơi thiên chức làm người của ta.

B – Ngày 8.5

Với Thánh Biển Đức, đan viện là một ngôi trường, một nơi người ta học hỏi. Và mọi thứ học tập đều đòi phải có một mức độ cưỡng bức nào đó. Thánh Biển Đức nói tới điều ấy ở câu 47. Nhưng sự cưỡng bức ấy chỉ chính đáng vì hai lý do: “sửa chữa thói hư và bảo toàn đức ái”.

Qua suốt cả cuốn tu luật, thánh Biển Đức thường hay nói đến việc sửa chữa thói hư tật xấu. Đó là một trong những bổn phận thánh nhân giao cho viện phụ. Nhưng ở đây tôi muốn nói riêng về việc bảo toàn đức ái.

Ta dễ hiểu một sự cưỡng bức nào đó có thể giúp sửa chữa nết xấu, nhưng lại khó mà thấy làm sao việc cưỡng bức có thể giúp bảo toàn đức ái. Hai từ cưỡng bức và đức ái xem ra khá mâu thuẫn với nhau. Đúng là theo nguyên tắc thì đức ái không bị cưỡng bức, nhưng cũng có những trường hợp cần thiết phải nhắc nhở hay cảnh cáo.

 Trong mọi nhóm người, cũng có nghĩa là trong mọi đan viện, đều có những qui luật ấn định các sinh hoạt chung. Không biết tới điều đó, ta có thể dễ bị những tác động của nhóm lôi cuốn. Mà nhóm nào cũng có thể có những tác động như loại bỏ, khai trừ, muốn lãnh đạo, là những tác động chẳng giúp ích gì cho đức ái, chẳng làm triển nở tình yêu thương giữa anh em. Thật là dễ dàng khi chế nhạo người yếu đuối hơn ta, khi loại trừ kẻ nghèo khó hơn mình. Ta không ngờ rằng đôi khi mình rơi vào cạm bẫy của những cách đối xử phá hoại như thế. Vì vậy phải cần đến một mức độ cưỡng bức nào đó để ngăn ngừa ta làm thiệt hại anh em mà chẳng hay biết, và như thế là có hại cho chính ta nữa.

 C – Ngày 7.9

Đan viện là “trường phụng sự Chúa”, nghĩa là nơi người ta học cho biết phụng sự Chúa. Nhưng học phụng sự như thế nào? Thánh Biển Đức xác định việc học đó trong hai giai đoạn mà ngài tóm lược ở câu 50, là câu kết thúc lời mở đầu.

Như ở một số nơi hiện nay, vào thời thánh Biển Đức trường học chẳng được ưa chuộng là mấy. Vì vậy, trước hết thánh nhân nhắc ta đừng chạy trốn, nếu có gặp khó khăn cực nhọc lúc ban đầu. Học sống đời đan tu như học trong một ngôi trường đòi ta phải chấp nhận mệt nhọc cách nào đó, phải gắng sức.

Sau đó là thời an vui, khi lòng phấn khởi, khi mà những gì trước đây phải cực nhọc thì bây giờ đã trở nên tự nhiên và mang lại niềm vui khôn tả. Việc phụng sự Chúa đã mang sẵn niềm vui.

Khi ấy thánh Biển Đức mời gọi ta tiến lên một bậc. Vì ngôi trường ta đang học không là gì khác hơn là trường Chúa Kitô. Vào đan viện là đi vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Thánh Biển Đức cho ta bí quyết cơ bản để giải thích mọi sự xẩy đến và sẽ xẩy đến cho ta. Như thế, cuộc đời ta trở nên một lịch sử thánh, một cuộc vượt qua tiếp theo cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, một Phúc Âm Sống.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM