THỨ HAI TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mác-cô 2,18-22
Câu Hỏi Về Ăn Chay
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Trong số những truyền thống đạo đức được Giáo hội quy định, việc thực hành ăn chay kéo dài một giờ trước khi rước lễ. Giáo lý Giáo hội Công giáo số 1387 nói: “Để chuẩn bị cho việc lãnh nhận bí tích này một cách xứng đáng, các tín hữu cần tuân thủ việc giữ chay theo yêu cầu trong Giáo hội. Trong quá khứ, điều này đã được tuân thủ một cách nghiêm khắc. Nhưng ngày nay, nhiều người trong chúng ta coi thường và mất đi khái niệm về việc giữ chay trước khi rước lễ, họ vẫn lên nhận Mình Thánh Chúa mặc dù mới ăn no.”
Khái niệm về chay tịnh ngày nay đôi khi người ta nhịn ăn chỉ để có một thân hình thon thả, mặc dù vậy, trên thế giới ngày nay còn rất nhiều người không phải là muốn ăn chay nhưng vì không có đủ thức ăn để ăn và hàng ngàn người trong số họ đã và đang chết vì đói mỗi ngày.
Trong Tin Mừng hôm nay các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả và người Pha-ri-sêu tỏ thái độ khó chịu với các môn đệ của Chúa Giêsu vì họ không ăn chay. Ăn chay là một trong ba nhiệm vụ tôn giáo quan trọng nhất, kèm với hai nhiệm vụ khác là cầu nguyện và bố thí. Theo truyền thống của người Do Thái, ăn chay là một phần của sự tôn kính và như một phương tiện để chế ngự xác thịt, hạ mình xuống và cầu khẩn lòng thương xót của Chúa. Trong thực tiễn, đối với một số người vì sợ hãi bởi sự áp đặt nghiêm ngặt của các quy tắc xã hội, nên nó đã trở thành một việc làm có tính cách hình thức và đánh mất đi ý nghĩa chính, đó là ăn chay được thực hiện vì mục đích hoán cải và thống hối để được Thiên Chúa xót thương. Thế nên, khi mà lòng thương xót của Thiên Chúa đang thể hiện, đang ở cùng với các môn đệ thì đâu còn cần phải trông chờ hay tìm kiếm một đối tượng nào khác. Ăn chay lúc này là không còn ý nghĩa nữa! Mặc dù ta biết rằng Chúa Giêsu chắc chắn không hề chống lại việc ăn chay, vì chính Ngài đã ăn chay trong bốn mươi ngày bốn mươi đêm sau khi nhận phép Thanh Tẩy của Gio-an, Ngài đã vào sa mạc để chay tịnh và cầu nguyện.
Ngoài ra, việc ăn chay còn mang lại rất nhiều lợi ích như: để tôi luyện ý chí; để chắc chắn rằng ta vẫn làm chủ mọi thứ hơn là lệ thuộc chúng; để chắc chắn rằng ta không bao giờ phát triển tình yêu vật chất đến mức không thể từ bỏ chúng; ta có thể từ chối những tiện nghi và những điều dễ chịu để sau khi tự chối bỏ chúng, ta có thể đánh giá đúng mức về chúng hơn để tiếp tục lớn lên trong ân sủng.
Thế nhưng việc ích lợi của ăn chay sẽ mất hết ý nghĩa nếu vấp phải những tình trạng mà Chính Chúa Giêsu đã chỉ ra cho ta phải tránh, đó là thái độ giả hình và tự cao; đó cũng là thái độ của những người Pha-ri- siêu thích làm ra vẻ mặt ảm đạm để mọi người biết rằng họ đang ăn chay. Trong câu chuyện về người Pha-ri-sêu và người thu thuế, Người Pha-ri- sêu tự hào về bản thân mình vì họ ăn chay hai lần một tuần, ám chỉ đến tập tục phổ biến của người Do Thái thời đó. Qua Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn nói vơi các môn đệ của Gio-an và người Pha-ri-sêu cũng như mỗi người chúng ta rằng, tiêu chuẩn ăn chay không phải là sự thực hành đạo đức nghiêm khắc, nhưng tất cả các hành vi đạo đức của ta phải có Chúa là trung tâm chứ không phải là một quy tắc đạo đức đơn thuần, và đây là sự mới mẻ của thông điệp của Ngài (Mt 7,28).
Chúa Ki-tô là trung tâm điểm của những hành vi đạo đức, ta có thể gặp được Ngài hiện diện qua đức ái, qua những việc từ thiện là thứ rượu mới trong một bầu da mới đổ ra để đáp ứng nhu cầu của người khác, làm việc cho công lý và phẩm giá của người khác, kết hợp với cầu nguyện để được ở với Chúa, để được Ngài hướng dẫn ta không lạc lối lầm đường.
Nếu ta muốn có một thân thể và tâm hồn đẹp và khỏe mạnh, thì việc ăn chay và cầu nguyện cùng với việc làm bác ái thường xuyên là điều không thể thiếu.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết thực hiện mọi việc đạo đức trong lòng mến và trong sự kết hợp mật thiết với Chúa trong đường lối và huấn giới của Ngài. Amen.