THỨ BẢY TUẦN I MÙA CHAY
Mát-thêu 5,43-48
Anh Em Hãy Nên Hoàn Thiện,
Như Cha Anh Em Trên Trời Là Đấng Hoàn Thiện
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Antisthenes đệ tử của Socrat và là nhà triết học đầu tiên đưa ra chủ nghĩa yếm thế, ông nói: “Hãy chú ý đến kẻ thù của bạn, vì họ là người đầu tiên phát hiện ra sai lầm của bạn”. Mà người phát hiện ra và cho ta biết sai lầm của mình thì là ân nhân chứ đâu còn là kẻ thù. Vì sai mà không biết để mà sửa mới đáng sợ.
a. Hãy yêu kẻ thù
Tin Mừng hôm nay, Chúa Kitô kêu gọi những người theo Ngài phải thay đổi tư duy. Ngài nói: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (c. 44). Điều này không phải hoàn toàn mới. Ngay cả từ thời Mô-sê, người Do Thái có nghĩa vụ phải yêu người lân cận của họ mặc dù ý tưởng của họ về người lân cận là rất mơ hồ. Người ta hiểu rằng yêu người lân cận là những người trong họ hàng hay chỉ những người công dân Ít-ra-en mà thôi. Thế nên, đối với họ, yêu kẻ thù sẽ bị coi là điên rồ. Nhưng Chúa Giêsu đưa ra ý nghĩa mới cho luật cũ và định nghĩa chính xác ai là người lân cận của ta, người lân cận được mở rộng khỏi khu vực và đến những góc xa nhất của địa cầu, yêu cả kẻ thù, giáo huấn này chính là cuộc sống của Ngài. Tin Mừng của Chúa Kitô đòi hỏi một tình yêu hoàn hảo hơn, tình yêu người thân cận và yêu cả kẻ thù. Những gì Chúa Kitô yêu cầu các môn đệ thì không có gì khác ngoài những gì Ngài đã sống, đã kinh qua trong cuộc sống của Ngài.
b. Tại sao phải yêu kẻ thù?
Có lẽ đây là điều khó nhất đối với một Kitô hữu, ‘yêu kẻ thù của mình’. Làm sao ta có thể yêu ai đó làm tổn thương mình! Và tại sao chúng ta phải yêu kẻ thù?
Chúng ta phải yêu kẻ thù của mình không phải vì họ xứng đáng được đối xử theo cách đó, mà vì Thiên Chúa muốn họ được đối xử với sự nhân
ái và lòng thương xót. Hay nói cách khác, vì họ là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói rằng: Thiên Chúa luôn đối xử tốt cho kẻ bất công cũng như người công chính. Tình yêu của Ngài ôm lấy thánh nhân và tội nhân như nhau. Thiên Chúa tìm kiếm lợi ích cao nhất của chúng ta và dạy chúng ta tìm kiếm lợi ích lớn nhất của người khác, ngay cả những người ghét và lạm dụng mình, ngay cả những người vô ơn và ích kỷ đối với mình. Nhưng, Thiên Chúa yêu thương cả họ, chúng ta không thể ghét họ nếu chúng ta thực sự là con cái của Thiên Chúa đấng giàu lòng thương xót. Chúng ta được mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện.”
c. Ai thực sự là kẻ thù của tôi?
Thật dễ dàng hơn để thể hiện lòng tốt và lòng thương xót khi chúng ta có thể mong đợi được hưởng lợi từ việc đó. Khó hơn khi chúng tôi không mong đợi gì.
Chúa Giêsu dạy, hãy yêu kẻ thù. Ngài muốn nói với ta điều gì? Phải chăng tôi nên có kẻ thù và sau đó yêu họ? Hay Chúa muốn nói với ta là người môn đệ của Chúa không nên có kẻ thù? Theo Lời Chúa hôm nay, kẻ thù của các môn đệ của Ngài là những kẻ làm hại và bắt bớ họ, là những người ghét các ngài chứ không phải những người mà các môn đệ ghét. Môn đệ của Chúa Giêsu thì không được ghét ai. Quả thật, nếu bởi kẻ thù là những người chúng ta ghét, thì Kitô hữu không nên có kẻ thù. Còn nếu kẻ thù là những người ghét chúng tôi, thì chúng tôi không thể có kẻ thù. Vì người ta không thể kiểm soát cách người khác đối xử với mình; ta chỉ có thể kiểm soát thái độ của chính mình đối với người khác. Vì môn đệ của Chúa Kitô là người không thù ai nên cũng không loại ai ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa đang ở trong mình, cho dù họ đã hoặc sẽ đối xử tệ hại với mình. Đây không chỉ là lời dạy suông mà chính là cách mà chúa Giêsu đã sống. Ngài vẫn là người thầy vĩ đại nhất và làm gương về điều này ngay cả khi họ đang dẫn dắt Ngài đến một cuộc hành hình công khai, hổ nhục trên thập tự giá, Ngài vẫn có thể nói: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34).
d. Chúa Giêsu dạy tha thứ
Tha thứ là cách duy nhất mà Chúa Giêsu đã chọn và hướng dẫn chúng ta hành động. Vì nếu chúng ta thực sự là môn đệ chân chính, nơi mình không có gì sai trái thì những gì người ta ghét bỏ và bách hại mình, ta cũng dễ nhìn họ bằng con mắt của Thầy Giêsu: “vì họ nhầm chẳng biết” chính Thiên Chúa sẽ trả lại sự thật cho chúng ta trong vinh quang của Ngài. Và cũng sẽ giải phóng chúng ta ngay cả những gì mà đang trói buộc tâm hồn mình nữa. Debbie Morris, một nạn nhân còn sống sót của Robert Willie (trong tác phẩm: Dead Man Walking), cho biết, “Công bằng mà nói, họ đã không làm điều gì để chữa lành vết thương cho tôi. Chính sự tha thứ đã chữa lành tôi!” Cô ấy chỉ ra một bài học quý giá. Khi chúng ta tha thứ, đó là một bước nữa để chữa lành. Tất cả công lý và tất cả sự tức giận trên thế giới không dẫn đến sự chữa lành, nhưng chính sự tha thứ là một điều cần thiết trong quá trình chữa lành. Điều này những người tham gia trong Canh Tân Đặc Sủng đã từng thấy rằng, nếu ai đó không tha thứ cho người khác thì họ cũng rất khó cảm nhận được ơn Chúa đến với họ trong những buổi cầu nguyện. Thánh Phan-xi-cô Át-si-di đã khẳng định trong kinh ‘Hòa bình’: “Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ”.
Hãy xác định người môn đệ của Chúa Giêsu không có kẻ thù, yêu thương và tha thứ với cả kẻ thù ghét mình vì Thiên Chúa yêu thương họ và tha thứ cho họ. “Hãy nên hoàn thiện như cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48).
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin dạy con biết luôn nhìn lên Chúa và nhìn lên trên cây thập giá của Ngài. Xin đổ đầy trong trái tim con tình yêu của Ngài để con biết yêu với tình yêu của Chúa cho mọi người, cả kẻ thù ghét con nữa. Amen.