CHÚA GIÊSU THA TỘI VÀ CHỮA LÀNH NGƯỜI BẤT TOẠI
Cha M.Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Trong thời gian Đức Giêsu thi hành sứ vụ Thiên Sai loan giảng Tin Mừng Cứu Độ Nước Thiên Chúa kèm theo nhiều phép lạ cứu nhân độ thế khiến đông đảo dân chúng khắp miền hâm mộ kéo nhau đến rất đông để nghe Ngài giảng dạy và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền; trong số đó cũng có một nhóm người lãnh đạo Do Thái như các Luật sĩ và nhóm Pharisiêu. Họ đến không phải để thụ giáo mà để rình mò bắt bẻ lời nói việc làm của Đức Giêsu. Với bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca đã ghi lại phép lạ Đức Giêsu công khai chữa lành và tha tội cho người bất toại nằm xoài trên giường trước sự chứng kiến của đông đảo dân chúng để bày tỏ uy quyền thiên sai của Ngài qua nội dung đoạn Tin Mừng là:
Chúa thấy các người khiêng bệnh nhân có lòng tin.
Chúa đã tha tội và chữa lành cho người bất toại.
Nhóm Luật sĩ và nhóm Pharisiêu thắt mắc trong lòng về câu nói của Đức Giêsu xem ra phạm thượng và Chúa đã giải thích bằng phép lạ nhãn tiền, đồng thời mặc khải thần tính của Ngài là có quyền tha tội: “Ở dưới đất này Con Người có nguyền tha tội” (Lc 5 24). Đó là những điểm mà chúng ta cùng nhau suy niệm sau đây:
Suy niệm:
Trường hợp người bất toại trong bài Tin Mừng được thân nhân đưa tới gặp Chúa với đầy sáng kiến táo bạo!
Chúa thấy các người khiêng bệnh nhân có lòng tin và Chúa đã thương chữa lành người bất toại.
Như tất cả chúng ta là Kitô hữu, Linh mục hay Tu sĩ đều xác tín: Đức tin là một quà tặng Thiên Chúa trao ban nhưng nhiều khi đức tin ấy được tiếp nhận và nuôi dưỡng do các chứng tá chung quanh, nhất là những người thân thuộc trong gia đình, anh chị em trong cộng đoàn, trong chòm xóm hay trong Giáo hội…Chẳng hạn như trong bài Tin Mừng hôm nay: Các người khiêng bệnh nhân thấy không có cách nào đưa bệnh nhân đến gần Chúa vì dân chúng qúa đông, họ đành dùng một cách khá độc đáo và sáng tạo như chúng ta đã thấy trong Tin Mừng; tất nhiên cũng có chút phiền hà cho một số người, nhất là những người chưa tin Chúa, cho đó là vớ vẩn, mất công vô ích! Tuy nhiên, thiết tưởng những người khiêng bệnh nhân đã tin tuyệt đối vào quyền năng và tình thương của Chúa. Lòng tin của họ làm cho Chúa hài lòng!
Chúa đã tha tội và đã chữa lành cho người bất toại:
“Ngài nói với anh bất toại: “Này anh, anh đã được tha tội rồi”. Trong khi bệnh nhân chỉ cầu mong được lành bệnh thì Chúa lại ban cho anh một ân huệ lớn lao hơn: Đó là ơn tha tội! Vì tội theo quan niệm Kinh Thánh và thông thường là nguyên nhân mọi bệnh tật, nếu chúng ta quan niệm bệnh tật như là dịp đền tội. Lời tuyên bố tha tội cũng là một thử thách đức tin. Tội là thứ vô hình không thấy rõ như thấy bệnh. Và một khi người bất toại và những người khiêng chấp nhận “Lời Tha Tội” của Chúa, là họ chính thức nhận Ngài là Chúa Cứu Thế, là Thiên Chúa thật! trái lại…
Nhóm Luật sĩ và nhóm Pharisiêu thắc mắc trong lòng về câu nói của Đức Giêsu: “Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? Thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, Đức Giêsu lên tiếng bảo họ: “Trong hai điều: Một là bảo: Anh đã được tha tội rồi, hai là bảo: Đứng dậy mà đi! Điều nào dễ hơn? Vậy để cho các ông biết: Ở dưới đất Con Người có quyền tha tội. Rồi Ngài bảo người bại liệt: Tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy vác lấy giường của anh mà đi về nhà! Ngay lúc ấy, người bại liệt chỗi dậy trước mặt mọi người, vác giường vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 5, 21-25). Thế là Đức Giêsu đã giải mã cho mấy ông Luật sĩ và Pharisiêu, đồng thời mặc khải Thần Tính của Ngài. Đây là việc quan trọng, là cơ hội Chúa mặc khải về thân thế và Sứ Mệnh Cứu Chuộc của Ngài. Vậy việc chữa lành bệnh nhân như bằng chứng lời tha tội thực sự có công hiệu, một hiệu quả mọi người đều thấy rõ khiến họ thấy được hiệu quả vô hình của lời tha tội.
Lạy Chúa, xin Chúa tăng thêm đức tin cho chúng con và mọi người dương thế biết đến với Chúa, để Ngài chữa trị cả bệnh phần hồn lẫn phần xác. Vì tội có thể được coi là thứ bệnh linh hồn, làm cho chúng ta thành bại liệt. Mà quả thật là như vậy, tội làm tê liệt con tim chúng ta khiến chúng ta mất khả năng yêu thương, chạnh lòng trắc ẩn, tội làm tê liệt ý chí chúng ta, khiến chúng ta mất khả năng từ chối sự dữ, tội cũng làm tê liệt tinh thần chúng ta, khiến chúng ta không còn khả năng sống trong tự do, hy vọng và vui mừng…
Ước gì trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Hòa Giải, để lắng nghe Ngài nói với chúng ta những gì Ngài đã nói với Người bất toại: “Hỡi con, tội con đã được tha rồi!” Ngõ hầu lòng mình cảm nghiệm được sự bình an, thanh thản, hân hoan của ơn tha thứ như người bại liệt đã từng cảm nhận sau khi được chữa lành! Cả thánh Phaolô cũng đã từng chia sẻ: “Bẩm sinh chúng ta là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!” (Ep 2, 3-5).