Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
MÓN QUÀ KỲ DIỆU THIÊN CHÚA TẶNG BAN
(Is 49,1-6; Cv 13,22-26; Lc 1,57-66.80)
(M. Gioan Mai Anh, Phước Thiên)
Con người được chào đời và hiện diện trên trái đất này không phải là một sự tình cờ, ngẫu nhiên. Khi sinh ra, mỗi người chúng ta đều mang dấu ấn yêu thương của Thiên Chúa từ đời đời. Qua việc chúng ta được hình thành một cách kỳ diệu trong lòng mẹ và được cha mẹ đặt cho một tên gọi. Tên gọi này Thiên Chúa đã có cả một kế hoạch và sứ mạng mà Người muốn chúng ta thực hiện trong cuộc đời. Hôm nay, Giáo hội hân hoan mừng kính sinh nhật vị thánh đặc biệt có tên gọi là Gioan Tẩy Giả. Cái tên đã được Thiên Chúa ấn định từ trước (x. Lc 1,13). Cho nên cả hai ông bà mặc dù chưa có sự trao đổi trước, nhưng đều có một sự quyết định chung là: “Phải đặt tên cháu là Goan” (x. Lc 1,60.63). Vậy, xuyên qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng suy niệm về những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm nơi con người Gioan Tẩy Giả, và sứ vụ Thiên Chúa trao cho thánh nhân.
Điều kỳ diệu thứ nhất là Gioan được sinh ra bởi một người mẹ già son sẻ. Kinh Thánh nói: hai ông bà Dacaria và Êlisabet là người công chính trước mặt Thiên Chúa, nhưng họ lại không có con, và cả hai đều cao niên (x. Lc 1,6-7). Thậm chí, ông không tin khi Sứ Thần loan báo, ông bảo Sứ Thần nói gì vậy? Vì tôi đã già và nhà tôi cũng đã cao niên (x. Lc 1,18-20). Cũng chính vì không tin, nên ông Dacaria đã bị câm. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn thực hiện ý định và quyền năng của Ngài nơi hai ông bà như lời Sứ Thần đã loan tin. Bà Êlisabet đã có thai và sinh hạ một con trai, nghe biết Chúa đã quá thương hai ông bà như vậy, láng giềng đến chia vui với họ (x. Lc 1,57-58).
Qua những yếu tố trên, cho chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa đã đoái thương những con người hèn yếu dưới góc độ của ơn cứu độ nhân loại. Và dường như khi sự sống của con người lịm dần đi thì khi Thiên Chúa đến, sự sống được tràn đầy. Tràn đầy đến nỗi từ một con người khô héo lại sinh ra một sự sống mới: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
Điều kỳ diệu thứ hai là Gioan được chính Thiên Chúa đặt tên. Theo tục lệ của người Do thái thời bấy giờ, thì phải lấy tên cha mà đặt cho con. Thế nhưng, cả người mẹ lẫn người cha đều cương quyết đặt tên con là Gioan theo lệnh của Sứ Thần Thiên Chúa, cho dù lúc đó ông Dacaria đang bị câm. Bấy giờ, bà con láng giềng xem ra rất ngạc nhiên và tỏ vẻ không đồng ý. Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả” (Lc 1,61). Tuy nhiên, khi cái tên Gioan được đặt cho đứa trẻ thì miệng ông Dacaria cũng được mở ra, ông đã tin và ca tụng Thiên Chúa. Qua đó, cho thấy rằng đây là ý định của Thiên Chúa và là điều mới mẻ mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy ra khỏi những quan niệm xưa cũ của bản thân, để đón nhận sứ mệnh và thánh ý của Thiên Chúa. Ông Dacaria và Bà Êlisabet đã vâng lời để thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi con của mình.
Vậy, Gioan có nghĩa là gì? Theo tiếng Do Thái, Gioan có nghĩa là Thiên Chúa đoái thương, Thiên Chúa xót thương và Thiên Chúa ban ân sủng. Bà Êlisabet đã nói: Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến tôi; còn ông Dacaria thì ca tụng Thiên Chúa là Đấng cứu độ, là Đấng xót thương. Quả thế, Gioan xuất hiện không chỉ nói về một vị Thiên Chúa xót thương, nhưng lòng thương xót đó còn mang lại niềm vui khi được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi. Cũng chính vì niềm vui đó mà ngôn sứ Isaia đã thốt lên: “Đức Chúa đã gọi tôi, từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi” (Is 49,1-2).
Sau cùng là sứ vụ mà Gioan cần thực hiện trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến: Có tiếng hô trong sa mạc, hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi…(x. Is 40,3-5; Mc 1,3; Lc 3,4-6; Mt 3,3). Như vậy, sứ vụ của ngài không gì khác hơn là sống trong sa mạc, trở thành tiếng hô. Vị ngôn sứ đi khắp vùng sông Giođan rao giảng và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Lời nói và nếp sống khổ hạnh của ngài đã lay chuyển cả những tâm hồn cứng cỏi nhất. Ngài nói rất mạnh: ‘nòi rắn độc kia’, một tiếng nói rất thẳng thắn và một lời nói âm vang trong hoang địa. Thật vậy, đời sống của ông Gioan rất cao đẹp và cái chết cũng rất hào hùng nên thật xứng đáng được Đức Giêsu trọng thưởng khi nói: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11; Lc 7,28).
Là Kitô hữu, là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta cần luôn ý thức rằng Thiên Chúa đã chọn gọi chúng ta ngay khi chúng ta còn trong lòng mẹ. Đồng thời, Thiên Chúa cũng trao cho chúng ta một sứ vụ, để chu toàn bổn phận với lòng mến, sự khiêm nhường và nhỏ bé đi để cho Chúa Kitô lớn lên. Vậy, chúng ta hãy noi gương Thánh Gioan Tẩy Giả là dọn tâm hồn, chỉ đường, cũng như giúp cho mọi người nhận ra tình yêu và lòng thương xót nơi Đức Kitô để đạt được ơn cứu độ của Thiên Chúa.