SỐNG LÀ VÌ SỨ VỤ
Bài suy niệm Tin Mừng Thứ tư Tuần 25 mùa Thường niên
(Lc 9,1-6)
M. Nguyen Sy, TP
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu Kitô sai các tông đồ đi thi hành sứ vụ. Sau một thời gian ở bên thầy Giêsu và được thầy huấn luyện, các tông đồ cũng đã đến lúc cần phải tự huấn luyện ở trường đời. Vậy đâu là những yếu tố liên quan đến việc huấn luyện đó? Thưa đó là căn tính (being), phương tiện (having) và sứ vụ (doing).
Trước tiên là căn tính. Người tông đồ là người mang trên mình căn tính Tin Mừng và có quyền năng từ Đức Giêsu Kitô. Họ phải là người đã thấm nhuần tinh thần của Tin Mừng. Có thể nói, Tin Mừng là lý do cho sự hiện hữu của họ như Thánh Phaolô nói: khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng (1 Cr 9,16). Bên cạnh đó, họ cũng phải có quyền năng. Quyền năng này không đến từ bản thể của họ nhưng đến từ quyền thừa tác. Quyền này do quyền tối thượng và ưu việt của Đức Giêsu Kitô ban cho: Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.
Thứ đến là phương tiện. Đây là một yếu tố rất cần thiết. Thế nhưng với Đức Giêsu Kitô, đó chỉ là cái tùy phụ nên ngài đã dặn dò các môn đồ: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. Phải chăng thầy Giêsu muốn thử thách sự sinh tồn của các tông đồ? Thưa không. Đức Giêsu Kitô muốn các ông không bám víu vào những phương tiện đó. Khi bám vào phương tiện thì người ta dễ đi tìm phương tiện mà sao lãng sứ vụ của mình. Cái lôi kéo người ta không phải là phương tiện tốt nhưng cốt ở sự từ bỏ. Trường hợp của thầy Thích Minh Tuệ là một ví dụ điển hình. Người ta đi theo thầy Minh Tuệ không phải vì thầy đi xe sang ăn mặc sành điệu nhưng vì thán phục sự từ bỏ của thầy.
Thứ ba là sứ vụ. Sứ vụ được xem là cái thể hiện ra của căn tính. Đức Giêsu Kitô sai các môn đồ đi không phải là không có mục đích. Thật vậy, người tông đồ được sai đi là sai đi vì sứ vụ: Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Loan báo Tin Mừng và chữa bệnh là sứ vụ của người tông đồ. Người tông đồ mà không loan báo Tin Mừng thì khác nào một người đi báo tin mà câm lặng. Người tông đồ mà không cứu chữa tâm hồn người ta thì khác nào một người chủ chăn chỉ biết uống sữa chiên và để chiên sống chết mặc bay. Vì thế, Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Qua ba yếu tố trên, chúng ta thấy Đức Giêsu Kitô chỉ nhấn mạnh đến căn tính và sứ vụ của người môn đồ. Ngài không đặt nặng yếu tố phương tiện. Ngài tránh trường hợp các tông đồ đánh mất căn tính và sao nhãng sứ vụ vì lo chạy theo vật chất. Đó là hình ảnh đẹp của người tông đồ:
Đẹp thay ơn gọi tông đồ/ quyền năng ân sủng Kitô ban tràn/ sai đi lòng những hân hoan/ Tin Mừng rao giảng chữa ngàn bệnh nhân/ bao nhiêu vật chất chẳng cần/ không tiền, không bị, đôi chân nhẹ nhàng.
Có câu chuyện kể rằng:
Một cậu bé hỏi ông nội:
“Ông ơi, làm sao ông sống được hồi
xưa mà không có công nghệ:
không có máy tính,
không có drone,
không có bitcoin,
không có kết nối Internet,
không có TV,
không có máy lạnh,
không có ô tô,
không có điện thoại di động?”
Ông nội trả lời:
“Giống như thế hệ của cháu sống hôm nay:
không cầu nguyện,
không có lòng trắc ẩn,
không biết tôn trọng ai,
giáo dục xuống cấp,
nhân cách kém cỏi,
không có sự tử tế,
không biết xấu hổ,
không có sự khiêm tốn,
không có sự trung thực.
Qua đó, chúng ta thấy: thế giới ngày nay là một thách đố không nhỏ với căn tính và sứ vụ của người tông đồ. Thế giới tôn thờ vật chất và bị lệ thuộc vào công nghệ cũng phần nào ảnh hưởng đời sống của những sứ giả Tin Mừng. Có vị xem trọng trang hoàng nhà thờ hơn là tìm phương dược chữa lành tâm hồn cho những người mong chờ. Có vị lo tìm kiếm xe sang để lướt đi trên những đại lộ huy hoàng hơn là lặn lội tới những nơi hẻo lánh đang vắng bóng Tin Mừng.
Qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay, Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn nâng đỡ cho các vị tông đồ của thời đại hôm nay được luôn sống hết mình cho căn tính và sứ vụ tông đồ. Và xin Chúa ban cho con là người đan sĩ biết sống căn tính tông đồ trong ơn gọi đan tu với linh đạo cầu nguyện và lao động.