CHÚA NHẬT 17-B TN
(2 V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15)
TRƯỚC THỐNG HỐI
Thấy “đông đảo dân chúng đi theo, động lòng thương xót họ”. Chúa Giêsu hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây”. Các môn đệ đồng cảm với Người, nhưng tính toán thực tế theo cách con người, “có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Khi ông Anrê giới thiệu với Người “có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”. Người sử dụng khả năng nhỏ bé đó để thực hiện việc lớn lao. Người cần các ông cộng tác với Người bằng tất cả khả năng nhỏ bé của loài người.
+ Lạy Chúa, phép lạ bánh hóa nhiều, là kết quả của Lòng Chúa Thương Xót. Lòng Chúa Thương Xót dành cho chúng con hôm nay vẫn không bị giới hạn, nhưng chúng con còn kém tin vào Chúa.
+ Lạy Chúa, lẽ ra khi chúng con đón nhận Lòng Chúa Thương Xót, chúng con phải nhận ra Chúa Giêsu là “vị ngôn sứ”, chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa. Nhưng chúng con không thực hành lời Người để trở về với Chúa.
+ Lạy Chúa, phép lạ hôm nay cho chúng con cơ hội chiêm ngưỡng Lòng Chúa Thương Xót dành cho con người. Nhưng chúng con lại hửng hờ không muốn xét lại việc động lòng thương xót của chính mình trước nỗi thống khổ của anh chị em.
2 V 4,42-44; Ep 4, 1-6; Ga 6,1-15
I. Giai thoại: Người nghèo có bữa ăn như ý, và giảm thiểu rác trong khu đổ thải và tái chế rác nhựa của cộng đồng. Đó là sáng kiến của vợ chồng anh Sarimin và chị Suyatmi, đang điều hành “Methane Gas Canteen” ở bãi rác Jatibarang, Indonesia.
Theo anh Sarimin : Kế hoạch này không chỉ giúp ích cho người nhặt rác mà còn có ích cho tất cả mọi người. Chúng tôi thì có thể tái chế được một tấn rác nhựa mỗi ngày; bằng cách này, rác nhựa sẽ không bị dồn ứ lên, rơi xuống sông và gây ngập lụt. Còn những người nghèo thì có tiền chi tiêu, vì họ cũng có quyền ăn uống khỏe mạnh; chúng tôi muốn cho họ cơ hội đó càng nhiều càng tốt.
Chúng tôi muốn thay đổi cái nhìn của mọi người, rằng rác là sản phẩm có giá trị. Người dân sống ở nơi đây thường đến khu đổ rác thải này để nhặt các thứ bằng nhựa hoặc kính. Sao không để những người nhặt rác trả tiền ăn bằng số rác họ đã nhặt? Thực khách đến căn-tin không cần mang tiền mặt khi đến ăn, vì họ sẽ dùng chính rác thải họ vừa nhặt được để đổi món ăn. Hai vợ chồng sẽ có trách nhiệm cân rác, tính giá trị những gì vừa cân được rồi trừ vào tiền ăn và trả khách tiền thừa. Chúng tôi rất vui khi thấy khách hàng ăn uống vui vẻ.
II. Khi người ta biết quan tâm đồng cảm với người khác, dường như “cái khó ló cái khôn”, đủ để đáp ứng lại nhu cầu và nguyện vọng đang cần. Với sự quan tâm đồng cảm, ‘bãi rác’ thành ‘những bữa ăn’. Xưa kia, ngôn sứ Elisa (BĐ I) và Chúa Giêsu (TM) đã từng quan tâm và đồng cảm trước những nỗi khó khăn đói khát của dân, một vài chiếc bánh cũng đã trở nên nhiều để nuôi sống những người dân.
Theo BĐ I, nạn đói đang hoành hành tại miền Ghingan. Giữa lúc bao người lâm cảnh khốn cùng, có người đem bánh lúa mạch biếu ngôn sứ Êlisa. Ông bảo tiểu đồng đem phân phát cho những người đang thiếu ăn. Những chiếc bánh là hình ảnh nói lên tình thương quan phòng của Thiên Chúa dành cho con người (x. Mt 6, 25-34; Lc 12, 22-31). Ngôn sứ Êlisa chính là hình ảnh Chúa Giêsu, “vị Ngôn Sứ vĩ đại phải đến thế gian” (Ga 6,15).
Tin Mừng (x. Ga 6,1-15) hôm nay minh chứng điều đó. Trong hành trình loan giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, dân chúng thường đến tụ họp quanh Người để lắng nghe những lời dạy dỗ. Mỗi lần Người di chuyển từ nơi này tới nơi khác, họ cũng không ngại đi theo Người, để được nghe lời Người. Lần kia, “có đông đảo dân chúng đi theo”. Người làm phép lạ hóa năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều để họ được ăn no nê.
Người đã gợi ý cho ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Trước gợi ý của Người, mỗi môn đệ có một sáng kiến riêng. Ông Philípphê thực tế tính toán, để cuối cùng đi tới câu trả lời: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Ông Anrê đưa ra một giải pháp như có chút lòng tin về Chúa: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”. Rồi ông cũng có cùng một đáp số ‘đành bó tay’ giống như ông Philípphê: “với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”
Chúa Giêsu nhập cuộc, năm chiếc bánh và hai con cá hóa nhiều, cho dân chúng ăn no nê, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Cũng giống như trong phép lạ ngôn sứ Êlisa, dân chúng ăn no nê mà bánh vẫn còn dư. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ “thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. Những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.
III. Bài học quan tâm đồng cảm của ngôn sứ Êlisa dạy cho tiểu đồng của ông, cũng như bài học của Chúa Giêsu dạy các môn đệ xưa kia, cũng là bài học cho Kitô hữu hôm nay. Có quan tâm đồng cảm với dân chúng, mới nhận ra được dân chúng đang cần gì. Trái tim động lòng thương xót của Chúa Giêsu trước đoàn dân đang thiếu thốn và đói khát, cũng phải là trái tim của những Kitô hữu đích thực hôm nay.
Chính vì thế mà thánh Phaolô (BĐ II) kêu gọi Kitô hữu sống theo “ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho họ”. Ơn gọi ấy là lời gọi của Thiên Chúa dạy Kitô hữu sống tình con cái mà Người đã ban cho Kitô hữu thành một phần tử của Hội Thánh Chúa Giêsu. Lối sống của Kitô hữu trong Hội Thánh là khiêm nhường, hiền từ và nhẫn nại, là lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau, là ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau.
Chúa Giêsu Thánh Thể là điểm quy chiếu cho tất cả Kitô hữu thực hành chương trình sống để được hiệp nhất với nhau. Kitô hữu nhìn lên Thánh Thể Chúa Giêsu, Đấng đã ‘chịu tự hủy’ và ‘chịu nghiền nát’ để trở nên tấm bánh nuôi sống muôn người. Cha thánh Pierre Julien Eymard (1811-1868), Tông Đồ của Thánh Thể, thường nói với các tu sĩ Dòng Thánh Thể : “Anh em hãy đam mê Thánh Thể. Hãy yêu như một người yêu say đắm một người” (PR 124,1).
Vì khi nhìn lên Thánh Thể Chúa Giêsu, Kitô hữu theo gương Người quan tâm đồng cảm với anh chị em, sẽ thấy anh chị em đang thiếu thốn gì. Nếu chỉ nhìn vào mình, Kitô hữu chỉ thấy mình là trên hết, mình là tất cả, sẽ thêm ích kỷ, ghen tương, nói xấu dèm pha nhau, và hậu quả cuối cùng là chia rẽ để thành mồi ngon cho ma quỷ.
Vì khi nhìn lên Thánh Thể Chúa Giêsu, ở đó bạn mới học được thế nào là khiêm nhường, hiền từ và nhẫn nại. Và chỉ trong Thánh Thể Chúa Giêsu, bạn mới có năng lực lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau, và ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Đó là bí quyết hiệp nhất, như xác tín của cha thánh Pierre Julien Eymard: “Thánh Thể là bánh, là thức ăn, là dây hiệp nhất của con cái”.