Thứ tư, 5 Tháng hai, 2025

TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG CỘNG ĐOÀN ĐAN VIỆN (Bài cảm nhận) – ĐV. AN PHƯỚC

Sống trong đời đan tu, con thường xuyên phải đương đầu với một vấn đề khá phức tạp: đời sống chung. Nói đến đời sống chung, chắc chắn mỗi người ai cũng đã có một kinh nghiệm nào đó, có khi đau thương, có khi ngọt ngào. Nhưng có lẽ ai trong tập viện cũng đã có lần cảm nghiệm được rằng cộng đoàn chính là nơi để tha thứyêu thương.

Đối với một đan viện, cộng đoàn là một gia đình, là nơi biểu lộ tình thương và sự tương trợ lẫn nhau. Chúa Kitô trong Tin Mừng Matthêu đã tóm gọn thái độ này trong một câu vàng ngọc: “Mọi điều anh em muốn người khác làm cho mình thì hãy làm cho người khác như thế” (Mt 7, 12). Như vậy cộng đoàn đan tu được lập ra với mục đích làm chứng tá cho tình thương; “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13, 35). Vì thế, khi sống trong tập viện, con phải luôn ý thức rằng mình là ai, mình đóng vai trò gì, mình phải làm gì để chính bản thân mình và những người đang sống với mình được hạnh phúc?

“Đức Giêsu gọi đến với Người những kẻ người muốn, và các ông đến với Người. Người lập nhóm mười hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3, 13-14). Như các môn đệ xưa, mỗi một thành viên trong tập viện cũng được Chúa gọi đích danh từng người, từ nhiều vùng miền đến quy tụ bên Chúa và bên nhau tại Đan viện Thánh Mẫu An Phước này, kết nên gia đình hiệp thông với nếp sống lao động và cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu.

Khi thần tượng một nhân vật nào, người ta thích học theo cung cách và lối hành xử của nhân vật đó. Nhân vật được thần tượng trở nên tâm điểm cho mọi chọn lựa của người mộ mến mình, mặc dù hai bên có khi chưa một lần giáp mặt. Hình ảnh trên được gợi lên để giúp tôi dừng lại và lượng định xem Chúa Giêsu có đang là thần tượng của tôi và của mỗi người trong cộng đoàn tôi đang sống không? Mọi thành viên trong nhà tập có thường xuyên trở về với câu hỏi căn bản: Trong trường hợp này Chúa Giêsu làm gì? Chúa Giêsu sẽ ứng xử như thế nào? Để rồi mỗi một người cũng có cùng cảm nghĩ và cách giải quyết như Chúa.

Khi chọn Chúa Giêsu làm thần tượng, làm tâm điểm của đời sống cộng đoàn, có lẽ con cần phải luôn xác tín: Chúa Giêsu vẫn đang thực sự hiện diện sống động trong nhà tập, trong đan viện này. Điều quan trọng là làm sao để mọi người nơi đây nếm cảm được sự hiện diện của Chúa ở giữa cộng đoàn và luôn mang lại ý nghĩa tối hậu, niềm vui, niềm hạnh phúc, thậm chí là niềm hãnh hiện cho đan viện của mình? Nếu trải nghiệm này đan xen vào từng hơi thở, thẩm thấu vào từng sự tuần hoàn của khí huyết trong cơ thể thì tôi có thể quả quyết được như thánh Phaolô: “Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô” (Pl 1,21). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng trực giác thấy được dấu chỉ của tình huynh đệ là điều rất hệ trọng nên đã khẳng định: “Hiệu quả đời tu tùy thuộc vào phẩm chất của đời sống huynh đệ cộng đoàn”.

Câu nói “Ở đâu có các tu sĩ, ở đó có niềm vui” của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến đã trở thành bất hủ cho những người sống đời thánh hiến. “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu”. Niềm vui này lưu đọng nơi tâm hồn cách bền bỉ và có sức lôi cuốn vì được tác động từ bên trong.

Qua lời 5 lời khấn dòng mà con và 12 anh em sắp khấn đây, cùng sự hiện hữu của anh em trong tập viện cùng sống ơn gọi Xitô đến giây phút này, là một sự bảo đảm rằng ai cũng đã từng hơn một lần thủ đắc được niềm vui thiêng liêng như Đức Giáo Hoàng mong muốn. Niềm vui ấy là sự xác tín có Chúa luôn song hành “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Niềm vui ấy còn đến từ những kinh nghiệm sai lỗi, những khó khăn, những đêm tối tâm hồn, những đớn đau bệnh tật… vì biết rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28). Bên cạnh đó, đời sống huynh đệ cộng đoàn trong đan viện cũng kiến tạo cho con thật nhiều niềm vui và hạnh phúc như lời Thánh Vịnh 132 diễn tả: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau… Nơi đây ân huệ Chúa ban, chính là sự sống chứa chan muôn đời”. Linh mục Frederick William Faber với kinh nghiệm sống cộng đoàn đã rút ra một kinh nghiệm: “Nụ cười tạo ra niềm vui trong cộng đoàn, nâng đỡ khi lao tác, và là dấu hiệu hữu hình của tình bạn. Nụ cười làm vơi nhẹ nỗi nhọc nhằn, đổi mới lòng can đảm trong những thử thách, là linh dược lúc buồn phiền. Nếu bạn gặp người nào không biết tặng nụ cười, thì bạn hãy quảng đại biếu họ một cái: không ai cần nụ cười cho bằng kẻ không biết trao tặng nó”.

Con thiết nghĩ, nếu mỗi người trong cộng đoàn đã có được niềm vui thiêng liêng từ kinh nghiệm sống với Chúa và với anh em trong cộng đoàn thì ước mong cho niềm vui dâng hiến được mỗi thành viên trong cộng đoàn tiếp tục được vun đắp qua việc trau dồi những đức tính cần có trong tất cả các mối quan hệ nhân bản: tinh thần hợp nhất, sự kính trọng, lòng tốt, sự chân thành, tự kiềm chế, lịch thiệp, biết khôi hài và tinh thần chia sẻ. Thêm vào đó, để tạo nên những ký ức hạnh phúc cho nhau, con thầm mong sao mỗi thành viên trong cộng đoàn hãy quý trọng từng điều thiện của nhau, dù chỉ là những điều thiện nhỏ như “chén nước lã” (Mt 10, 34), và tập cho mình có được những trực giác về sự tốt lành của nhau, vì Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Đấng Chân – Thiện  – Mỹ. Thật vậy, nếu cộng đoàn ai ai cũng có một trái tim, một tinh thần vui mừng trong sự hiện diện của Chúa thì đó là một chứng từ rực rỡ cho phẩm chất Tin Mừng, là nguồn phát sinh những ơn gọi mới cũng như nuôi sự bền bỉ ơn gọi cho đan viện nói riêng và cho Hội Dòng nói chung.

Với bầu khí và cách tổ chức của đan viện như hiện nay, con và từng người trong cộng đoàn có đang thủ đắc được niềm vui thiêng liêng trong tâm hồn? Mỗi tối, con ngồi thinh lặng và tự thống kê những trực giác về sự tốt lành của từng thành viên trong tập viện của con như thế nào?

Chúa Giêsu Kitô là dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Nếu cộng đoàn đan viện đã chọn Chúa làm tâm điểm trong cuộc sống và được Chúa xót thương thánh hiến, thì dung nhan lòng thương thương xót của Chúa phải được phác họa mỗi ngày trong nếp sống của từng thành viên trong cộng đoàn. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhắc nhở: “Ta cần phải sống lòng thương xót mỗi ngày, đồng thời cho phép Lòng Chúa Thương Xót biến đổi ta nên những người có lòng thương xót. Để rồi thế giới này đến lượt tự nó sẽ được biến đổi bởi sự khải hoàn của Lòng Thương Xót sống động”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người được mệnh danh là vị Giáo Hoàng của lòng thương xót Chúa cũng có cùng thao thức: “Tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Giáo hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm!”.

Ước mong lời tạ ơn mà Hội Dòng chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm lập dòng ở núi Phước sắp tới đây luôn ngân vang bằng việc mọi thành viên trong cộng đoàn biết sống mối phúc Xót Thương của Thiên Chúa ngay trong chính đan viện của mình đang sống. Từng nghĩa cử quan tâm cách tế nhị và đáp ứng nhu cầu của anh em, từng lời nói mang âm hưởng xây dựng, khuyến khích nhau sống thánh, từng phút giây cố gắng sống hết mình trong bổn phận để không trở nên gánh nặng cho cộng đoàn, từng nỗ lực tự rèn luyện đưa mình vào khuôn phép của cộng đoàn, từng nhịp đập cảm thông với những khiếm khuyết của nhau, từng thao thức sống hướng thiện và giúp nhau, giúp tha nhân cùng thăng tiến… Tất cả những nỗ lực này nếu được thực hiện trong ước muốn để cho lòng thương xót của Thiên Chúa đổi mới, thì chính bản thân mỗi thành viên cũng trở thành máng chuyển ơn của lòng Thương xót xuống cho anh em mình và giống như Chúa Giêsu, là Đấng “đi tới đâu thì thi ân giáng phúc và chữa lành tới đó” (Cv 10, 38).

Trong cộng đoàn, thường mỗi người không tự chọn nhau, nhưng lại được chọn đến sống với nhau. Khi đến sống với nhau, mỗi người đều không phải là những thiên thần, nhưng mỗi người mang trong mình những yếu đuối, những đam mê. Bản thân con cũng có nhiều sai lỗi, yếu đuối và đam mê lắm lắm. Nhưng từ chính những yếu đuối, những đam mê lắm lắm này mà con khởi đầu cuộc hành trình tiến tới sự thánh thiện. Trong cuộc hành trình này, con cần sự bao dung và lòng thương xót của cộng đoàn để nâng đỡ, để ủi an; Yếu đuối của người này có thể tạo nên sự mạnh mẽ nơi người kia. Khuyết điểm của người này có thể là nguyên nhân thánh thiện cho người khác.

Sau cùng, để có thể sống hạnh phúc trong đời sống chung, có khi con phải đánh đổi bằng những mất mát, những đau thương, những rướm máu trong tâm hồn. Nhưng chính qua những cái đau thương, cái rướm máu trong tâm hồn ấy mà con học kiến tạo hạnh phúc cho anh em của mình. Đôi khi con luôn tự hỏi: Cộng đoàn đã mang lại cho con những gì? Con nghĩ, đây không phải là một câu hỏi đúng. Câu hỏi đúng sẽ là: Con đã, đang hoặc sẽ làm gì để xây dựng cộng đoàn, xây dựng anh em? Đã sống trong một cộng đoàn, thì không ai có quyền đau khổ hay là hạnh phúc một mình cả…

Bài viết chỉ là một chút suy tư nho nhỏ vụn vặt… người viết tự nhìn lại bản thân mình và có lòng ước ao được biến đổi chính mình trong ơn gọi mình đang sống. Ước mong ngọn lửa yêu mến Chúa luôn bừng cháy trong tim mỗi người. Đồng thời, sống trong xã hội văn minh hiện đại, mỗi thành viên trong đan viện cần lắm Lòng Chúa Thương Xót được thể hiện qua đời sống của cộng đoàn…

 

Maria Anphong, AP

Tháng 06/2017

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI