CHÚA NHẬT II – B MV
(Is 40, 1-5.9-11; 2 Pr 3, 8-14; Mc 1, 1-8)
THỐNG HỐI
Hôm nay ngôn sứ Isaia, ông Gioan Tẩy giả và tông đồ Phêrô, đều mời gọi chúng ta cùng một sứ điệp : thống hối. Sứ điệp thống hối đã được trình bày trong những môi trường và hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều quy về một mục đích là chuẩn bị đón Chúa đến với chúng ta. Chúa Giêsu chính là Đường. Chúng ta cùng phản tỉnh lại cuộc sống chúng ta :
– Lạy Chúa, “Con đường của Đức Chúa” được ngôn sứ Isaia và Gioan Tẩy Giả nói đến là con đường nối trời với đất, để Thiên Chúa đến với chúng con và chúng con đến với Thiên Chúa. Đó chính là con đường mang tên Giêsu, con đường Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng con. Nhưng chúng con lại nhắm mắt làm ngơ trước sự hiện diện của Chúa trong những người anh chị em chúng con tiếp cận hằng ngày. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra Chúa trong anh chị em chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
– Lạy Chúa, Chúa là “Con đường của Đức Chúa” và “lối thẳng để Người đi”. Nên dự án làm đường sẽ do chính Chúa phác họa, để Người đến với chúng con. Đó chính là con đường mang tên Giêsu, con đường Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng con. Nhưng chúng con lại nhắm mắt làm ngơ trước sự hiện diện của Chúa trong những người anh chị em chúng con tiếp cận hằng ngày. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra Chúa trong anh chị em chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
– Lạy Chúa, Chúa đã gọi ngôn sứ Isaia và Gioan Tẩy Giả loan báo dự án làm đường và mời gọi chúng con tiếp nhận và đi trên đường ấy mà đến với Người. Đó chính là con đường mang tên Giêsu, con đường Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng con. Nhưng chúng con lại nhắm mắt làm ngơ trước sự hiện diện của Chúa trong những người anh chị em chúng con tiếp cận hằng ngày. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra Chúa trong anh chị em chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
SUY NIỆM
I. Những ngày tháng vừa qua, đất nước chúng ta chịu bao cơn bão và lũ lụt, làm tắc nghẽn đường xá; những vụ sạt lỡ đất các nơi, làm bao gia đình lâm vào cảnh mất nhà cửa sản nghiệp… Nhưng trong cảnh đau thương đó, mọi người cũng phải dọn dẹp bề ngoài, để có lại đường đi, để tạo lập lại sự nghiệp… Sự kiện này gợi lại cho chúng ta điều mà ngôn sứ Isaia và Gioan Tẩy Giả muốn nói đến trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.
II. Dân Israel phải sống lưu đày ở Babylon. Đây là những tháng năm tủi nhục, làm tôi đòi cho ngoại bang. Giữa những khổ đau trăm điều, ngôn sứ Isaia khơi lên niềm hy vọng (x. Is 40-55: sách An Ủi. Năm -742). Ngôn sứ loan báo một tin mừng cho dân Israel, là Thiên Chúa sẽ đến với dân. Thiên Chúa sẽ là “mục tử” của dân (x. Is 40,10-11). Những tủi nhục dân phải chịu, chỉ như là đường lối Thiên Chúa dùng để giúp dân quay về trung thành với điều dân đã hứa là thờ phượng Người.
Dù “thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong” Thiên Chúa quyết định trở lại với dân. Nhưng trước khi Người đến với dân, dân cần phải chuẩn bị đón tiếp. Ngôn sứ Isaia đóng vai trò làm “tiếng hô trong sa mạc”. Sứ điệp của tiếng hô này là : ‘dọn đường tâm hồn cho Chúa đến’.
Khi loan giảng thống hối trong hoang địa, ông Gioan là hiện thân tiếng hô trong sách ngôn sứ Isaia. Ông làm sứ giả cho Chúa Giêsu, đi trước Người, kêu gọi người ta chuẩn bị con đường tâm hồn cho Đấng Cứu độ đến với họ. Kèm theo lời giảng, ông còn thực hành nghi thức làm phép rửa để giúp người ta biểu lộ quyết định thống hối, thay đổi cuộc sống cho thánh thiện để tâm hồn họ trở thành “con đường của Đức Chúa” và “lối thẳng để Người đi”.
Chuẩn bị “con đường của Đức Chúa” và “lối thẳng để Người đi”, đó là chuẩn bị cho “ngày của Chúa”. Tin chắc như vậy, thánh Phêrô Tông Đồ mới nhắn nhủ ta hãy chuẩn bị chu đáo cho ngày đó. Khi diễn tả Ngày của Chúa, Tân Ước thường sử dụng kiểu nói khải huyền với những hình ảnh biến động của trời đất như lửa bốc cháy, động đất, lũ lụt… là những dấu chỉ nói lên thời gian Chúa Giêsu quang lâm không còn xa (x. 2 Pr 3,10). Ngày Thiên Chúa Cha tôn vinh Chúa Giêsu và bắt muôn loài muôn vật phải tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa (x. Pl 2,11). Cho nên Ngày của Chúa cũng có nghĩa là Ngày của Chúa Giêsu (x. 1 Cr 1,8), tức ngày tận thế và Người sẽ trở lại phán xét mọi người.
Thánh Phêrô nói dù muôn vật phải tiêu tan, nhưng chúng ta cần tồn tại, và đó là điều Chúa muốn (x. 2 Pr 3,9). Mà nếu muốn được tồn tại vĩnh viễn, thay vì nói về thống hối như sứ điệp của tiếng hô trong sa mạc, thánh Phêrô nói đến hiệu quả của thống hối: “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3,14). Vì chúng ta là những người tội lỗi, đáng trách trước mặt Chúa, nhưng nếu chúng ta có thực thi thống hối, thì mới có thể biến đổi con người từ trạng thái tội lỗi đến trạng thái tinh tuyền thánh thiện.
Theo cái nhìn của thánh Phêrô, khi chúng ta thực thi thống hối, có nghĩa là chúng ta xa dần khỏi “trời cũ đất cũ” để tiến gần đến “trời mới đất mới”. Nên thánh Phêrô cho chúng ta biết, đối với Chúa, thời gian không tính bằng năm tháng ngày giờ của chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta nghĩ hoặc đợi chờ Chúa đến hôm nay hay ngày mai, năm này hay năm khác, đó là chúng ta lấy thời gian của chúng ta để ấn định cho Chúa, và phàn nàn trách Chúa đã chậm trễ thực hiện lời hứa của Người.
Thánh Phêrô giải thích: Không phải Thiên Chúa chậm trễ, nhưng Người muốn kiên nhẫn đợi chờ chúng ta thống hối hoàn cải canh tân cuộc sống. Vì Thiên Chúa không muốn để cho bất cứ ai phải mất đi (x. Ga 17,12). Nhưng muốn chúng ta được mời gọi “hiệp thông với Chúa Giêsu” (1 Cr 1,9), và để cho mình được biến đổi để trở nên tạo vật mới trong Chúa Giêsu.
III. Lời mời gọi chuẩn bị “con đường của Đức Chúa” và “lối thẳng để Người đi”, đó là “thống hối” để chuẩn bị đón Chúa Giêsu đến với chúng ta. Thống hối thế nào ? Mẫu gương Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta hôm nay : Đó là Gioan Tẩy Giả :
– Ông có thể thừa hưởng tất cả gia tài giàu có của cha mẹ, nhưng ông chấp nhận đời sống giản dị của vị ẩn sĩ (x. Mc 1,6).
– “Mọi người khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông” (x. Mc 1,5), nhưng ông xác tín mình cần phải lu mờ đi để cho Chúa Giêsu nổi bật lên (x. Ga 3,30).
– Ông còn khiêm nhượng đến nỗi cho rằng mình “không đáng cúi xuống cởi quai dép” cho Chúa Giêsu (x. Mc1, 7).
– Lời giảng và phép rửa của ông thu hút nhiều người. Nhưng ông không lại ông còn tôn vinh phép rửa của Chúa Giêsu, là Đấng “sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần” (x. Mc 1,8).
– Ông có nhiều môn đệ. Nhưng khi gặp Chúa Giêsu đến xin nhận phép rửa của ông, ông đã giới thiệu Chúa với môn đệ mình và để họ đi theo Người (x. Ga 1,35-39).
“Con đường của Đức Chúa” và “lối thẳng để Người đi”, là dự án do chính Chúa phác họa để Người đến với chúng ta qua Chúa Giêsu là Đường, dẫn chúng ta về Trời Mới Đất Mới. Chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để biết cách, và có sức thực hành “việc thống hối”. Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và tha thiết thưa với Ngài : Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.