Thứ năm, 5 Tháng mười hai, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY C (Lc 15, 1-3.11-32)

I.     Trong Giao Ước Sinai, Thiên Chúa nhận con người là “cục cưng” của Ngài (Am Sơgullah = Dân sở hữu = Cục Cưng: kho tàng vô giá không thể thiếu được, trong khi tự bản chất không có chút giá trị gì – x. Xh 19,5). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nói : “Hãy xem chim trời:  chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho;  thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng.  Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt 6,26). Điều này cho thấy mỗi người chúng ta đều có một giá trị độc đáo trước tôn nhan Thiên Chúa, xuất phát từ Lòng Chúa Thương Xót. 

II.     Giá trị độc đáo trước tôn nhan Thiên Chúa, xuất phát từ Lòng Chúa Thương Xót này, Tin Mừng trích Lc 1-3.11-32 hôm nay, khẳng định lại điều này. Cho “chúng ta thấy được điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin, vì lòng thương xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu thương và mang lại an ủi bằng ơn tha thứ” (Tông Chiếu Misericordiae Vultus ,9). Tin Mừng dùng hình ảnh một người cha nhân từ hiền hậu tỏ lòng yêu thương con cái, nhất là khi người con làm điều sai lỗi.

Lòng nhân từ hiền hậu này biểu lộ qua những thái độ sau đây : 1- rất ít lời. Người cha dễ càm ràm, hay lắm chuyện, có lẽ đó là người cha khó tính và nghiêm khắc. Trong Lịch Sử Cứu Độ, Thiên Chúa yên lặng. Ngôn sứ là “người nói thay” cho Thiên Chúa khi cần. 2- nói những lời tốt đẹp để phục hồi nhân phẩm cho người con, thậm chí năn nỉ người anh để bênh vực người em sai lỗi.  3- hành động thay cho lời nói : tế nhị, ông như không muốn nghe thấy người con thứ thú tội; ông “chạy ra”, “ôm cổ anh ta”, “hôn lấy hôn để”, “ra lệnh đưa tới áo, dép, nhẫn mới cho cậu mang”. 4- sử dụng cảm tính con tim để thuyết phục người anh chấp nhận việc trở về của người em:  “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy” (Lc 15,31-32). 

Từ những thái độ này, Chúa Giêsu đưa ra nguyên tắc : “Anh em hãy có lòng nhân từ hiền hậu như Cha anh em trên trời là Đấng hiền hậu nhân từ” (Lc 6,36), để mời gọi con người theo gương mẫu của Thiên Chúa Cha. Mà một khi theo mẫu gương của Thiên Chúa Cha, việc con người làm theo mẫu gương đó thì chẳng bao giờ gọi là đủ là đầy, như thánh FranÇois De Sales nói: “mức độ tình yêu là yêu không mức độ” (Youcat, 2). Đó cũng là lý do Chúa Giêsu mời gọi phải tha thứ cho nhau luôn luôn, “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22) để được Thiên Chúa xót thương, vì “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35 – x. MV,9.13).

Tin Mừng hôm nay đặt trong Phụng vụ Lời Chúa Mùa Chay, Hội Thánh mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu là chính “Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót” được nhập thể và là gương mẫu sống động để chúng ta một mực theo đó mà sống như những con cái của Thiên Chúa (x. MV, 1).  Đó là điểm cốt yếu để con người phải thay đổi não trạng của mình nếu muốn thực tâm thống hối. Sự tha thứ cho nhau, lại là dấu hiệu phải biểu lộ ra bề ngoài, để minh chứng một con người thành tâm thống hối. 

Dù trong xã hội tưởng như ngày càng nhiều hơn những điều xấu và dữ, thậm chí như ai đó còn muốn ‘lợi dụng’ tấm lòng nhân ái của con người để làm điều xấu điều ác, nhưng không phải là không có người tốt việc tốt. Phản ứng trước những chuyện xấu và dữ, dễ làm cho trái tim chúng ta thờ ơ, hờ hững, xơ cứng, và phán đoán khắt khe hơn, không còn nhạy cảm trước những hoàn cảnh thương tâm (x. MV,15). Chúa Giêsu cho chúng ta một phương pháp để tập sống hiền hậu nhân từ:  đừng lên án, đừng xét đoán, hãy tha thứ, hãy cho, vì “anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38 – x. MV,14).

Thật vậy, tâm hồn chúng ta bình an và vui hơn khi làm một ‘việc gì tốt’ cho người khác. Cha Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam M. Benoit Henri Denis Thuận dạy : “Hễ khi nào chúng ta xét lỗi kẻ khác, thường lầm luôn, mười lần chưa được một lần trúng, mà cho đi có trúng, có nhằm đi nữa cũng vô ích” (Di Ngôn, 123). “Nếu mỗi ngày chúng ta có làm được một việc chi, thì thấy trong mình thêm vui. Mà ngày nào cũng có việc mà làm, cho nên vui luôn. Còn như ở nhưng ở nể, không làm chi, thì chỉ thêm buồn” (DN, 146). Nên cha cố M. Gioan Nguyên Viện Trưởng Đan Viện Phước Lý cũng thường nhắc bảo anh em “không bao giờ để ai đó đến nhờ Nhà Dòng giúp đỡ mà về tay không”.

III.       Với “Dụ ngôn Người Cha hiền từ nhân hậu”, Hội Thánh muốn giúp cho mỗi người trong chúng ta nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đối với bản thân tội lỗi của mình, biết đứng dậy trở về cùng Chúa để nhận ơn tha tội và đi vào niềm vui mới trong vai trò người con của Thiên Chúa. “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài” (MV,6). Thật vậy, lòng thương xót không phải là phẩm tính của loài người mà là của Thiên Chúa, vượt qua lằn ranh nhân loại (W. Shakespeare). Bí Tích Hòa Giải, điểm hẹn để chúng ta đón nhận Lòng Thương Xót của Người Cha hiền hậu nhân từ.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI