Thứ năm, 5 Tháng mười hai, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – SUY NIỆM THÁNH LỄ KHAI MẠC “24 GIỜ DÀNH CHO CHÚA” – NĂM THÁNH KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

I. Phòng Chầu Thánh Thể của Tập Viện Xitô Thánh Mẫu An Phước có tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh tay trái, còn tay phải của Ngài thì thõng xuống, theo mẫu ở Đền Thánh Thánh Anna tại Beaupré, Québec, Canada.

Sự tích này xảy ra ở Tây Ban Nha: Có một tội nhân đến xưng tội với Cha Xứ ngay dưới cây Thánh Giá. Mỗi khi giải tội cho một tội nhân có nhiều tội nặng, Cha Xứ thường tỏ ra rất nghiêm khắc bằng nhiều điều ngăm đe. Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, Cha Xứ nói : “Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông”.

Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến xưng tội. Nhưng lần này, Cha Xứ đã dứt khoát : “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông”.

Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ngài bỗng nghe được tiếng thì thầm : “Chính Ta đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi”. Bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi Thánh Giá và ban phép lành cho hối nhân. Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ… 

II. Thật vậy, chính Chúa Giêsu – Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa – chịu chết trên Thánh Giá để cứu chuộc thế gian, như ĐTC Phanxico xác tín và công bố trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus :“Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Nơi Đức Giêsu Nazareth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (x. Ga 14,9). Đức Giêsu Nazareth đã mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người” (MV,1).

Ngài mời gọi “Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót. Đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Lòng thương xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng thương xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta” (MV,2).

“Có những lúc chúng ta được kêu gọi ngắm nhìn lòng thương xót cách chăm chú hơn, để chính chúng ta trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho hành động của Chúa Cha” (MV,3).

            Chính vì vậy, trong bài giảng tại Nhà Nguyện Thánh Martha sáng ngày thứ năm, 10 tháng 9 năm 2015, Đức Phanxicô nói : “Các linh mục, đặc biệt phải có lòng thương xót, nếu không có lòng thương xót thì nên xin giám mục của mình về làm việc bàn giấy và đừng bao giờ bén mảng đến tòa giải tội, tôi van xin. Một linh mục không có lòng thương xót thì gây tác hại rất nhiều trong tòa giải tội” (http://phanxico.vn/2015/09/11)

Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, Ngài còn nhắn nhủ :

– Với các cha Giải Tội: Đó là người lãnh nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần, để tha tội, chịu trách nhiệm về việc này. Cha giải tội không nắm giữ quyền lực trên bí tích, nhưng là tôi tớ trung tín của Lòng Chúa Thương Xót qua Bí tích Giải Tội. Cha giải tội đón nhận các tín hữu như người cha ôm người con trai ăn năn trở về. Cha giải tội được kêu gọi để trở thành dấu chỉ chính yếu của lòng thương xót, trong mọi lúc, ở mọi nơi, trong mọi trường hợp và trước hết mọi sự (MV,17).

            – Với người sống Đời Thánh Hiến, ĐTC mời gọi  hãy đi đầu nêu gương nhiệt tình (MV,3) hưởng ứng sáng kiến “24 giờ cho Chúa” được cử hành trong cộng đoàn mình. Hãy tìm đến bí tích Hòa Giải, để được ơn hoán cải và tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống Thánh hiến của mình, hầu chính mình được hưởng Hồng Ân Thương Xót của Chúa.

– Với anh chị em Giáo Dân, khi hưởng ứng sáng kiến “24 giờ cho Chúa” được cử hành trong giáo xứ như một thời điểm đặc biệt, anh chị em sẽ cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa cách sâu sắc hơn khi tìm đến bí tích Hòa Giải, nhất là những người trẻ. Nhờ trải nghiệm này anh chị em sẽ tìm thấy con đường quay về với Thiên Chúa, để sống những giờ phút cầu nguyện và để tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống.

III. Bí Tích Hòa Giải cho phép chúng ta được chạm tay vào sự cao cả của lòng thương xót. Bí tích này là nguồn suối an bình nội tâm thực sự cho mọi hối nhân (MV,17). Chúng ta mau đến với Bí Tích Hòa Giải để cảm nghiệm Lòng Chúa Thương Xót chúng ta.

Mong cho toàn thể Giáo Hội được hưởng nhờ ơn ích thiêng liêng tối đa khi hưởng ứng “24 giờ cho Chúa” như một cao điểm của “Lễ Hội Hồng Ân Thương Xót” trong Mùa Chay Thánh. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin Thiên Chúa ban phúc lành cho tất cả chúng ta.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI