Chúa nhật II Mùa Vọng, năm A
«HOANG ĐỊA»
Bài đọc 1: Isaia 11, 1-10
Bài đọc 2: Roma 15, 4-9
Tin Mừng: Matthêu 3, 1 -12
«Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan» (cc. 1-6 – Bài Tin Mừng).
Đối với người Việt Nam chúng ta, để hiểu khái niệm về «hoang địa» có lẽ chỉ qua sách vở, hay phim ảnh…, bởi ở đất nước hình chữ S này, khi con người không còn đủ đất để sinh sống thì làm gì còn có đất để bỏ hoang, hơn nữa vì là vùng khí hậu nhiệt đới nên đất chỗ nào cũng cỏ cây xanh um thì làm gì có hoang địa.
Nhớ lại một lần ghé thăm Hoa Kỳ, trên chuyến xe từ vùng Nam đến vùng Bắc California, tôi đã đi qua những vùng đất trải dài với những ngọn núi trơ trọc, những đồng cỏ hoang vu và cả những bãi cát vàng mênh mông, tôi đã thấy thế nào là khái niệm «hoang địa». Nhất là trong những năm sống tại trời Âu, một vài lần cùng với nhóm bạn rủ nhau đi leo núi, trong lần đầu tiên tôi cứ mường tượng như những lần leo núi tại Việt Nam khi xưa, là để nghe những tiếng chim hót, để bẻ những cành lan rừng, hay là để uống những ngụm nước mát trong từ những khe đá… Nhưng, trái ngược hoàn toàn, đó là những ngọn núi trọc, những mảnh đất hoang khô cằn, nắng cháy da người, càng lên cao lại càng hoang vắng, cho đến một lúc tôi có thể cảm nhận được như thể trời đất đã chạm vào nhau, và con người chỉ còn thấy mình đối diện với chính mình và đối diện với Thiên Chúa.
Tin mừng hôm nay nhắc đến hình ảnh của «hoang địa», nơi ấy vọng vang một tiếng hô của một con người sống trong hoang địa, ông Gioan Tẩy Giả, là vị tiền hô của Đức Giêsu, rao giảng việc ăn năn sám hối để đón chờ Chúa đến: «Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi» (c. 3).
«Hoang địa»: theo tường thuật của tác giả Matthêu, trước hết là một ghi chú địa lý (là một vùng đất thuộc thung lũng sông Giođan); nhưng hơn thế nữa, đó còn là một ghi chú thần học. Trong truyền thống Kinh Thánh, “hoang địa” là nơi lý tưởng để gặp gỡ Thiên Chúa: «Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng Akho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Aicập» (Hs 12,16-22; x. Gr 2,2-3; Ed 16,23; Đnl 8,2). Chính nơi hoang địa, Đức Chúa đã mạc khải cho Môsê về Danh của Người là YHWH (Xh 3), Người tâm sự với Israel (Xh 19), và thổ lộ chương trình của Người với ngôn sứ Êlia (1 V 19).
«Hoang địa», là nơi có thể nghe được tiếng Chúa, là nơi gặp gỡ thân tình giữa con người và Thiên Chúa. Nhưng cuộc sống, có mấy ai muốn tìm về hoang địa để sống như ông Gioan? Trái lại, người ta đổ xô về thành thị, rồi chen chúc nhau mà sống. Theo thống kê, thành phố Sài Gòn, dân số chính thức chỉ khoảng 6, 7 triệu dân, nhưng thực tế thì số người hiện đang sinh sống nơi này đã lên tới hơn gấp đôi. Sài Gòn từ lâu đã trở thành miền đất hứa với biết bao người từ khắp nẻo đường đất nước. Có người tìm đến nơi này để kiếm một cơ hội đổi đời, để tìm kế sinh nhai, có biết bao con người là có bấy nhiêu mục đích khác nhau, và có cả những người tìm đến chỉ để ăn chơi, giải trí.
Sài Gòn là thế, là một ví dụ giữa muôn vàn phố thị sa hoa, với thượng vàng hạ cám, kẻ lành người xấu, vàng thau lẫn lộn,… Ai giỏi hơn ai? Ai tốt hơn hay xấu hơn ai? Ai lên án ai? Mọi quyền lên án không bao giờ thuộc phạm vi quyền hạn của con người. Tin mừng luôn là con dao hai lưỡi, có thể đụng chạm và cắt đứt bất cứ mọi lương tâm con người. Tiếng gọi từ trong hoang địa là tiếng gọi từ đáy lòng mỗi người. Tiếng kêu của người trong hoang địa là tiếng nói lương tâm chất vấn và nhắc nhở mỗi người. Tiếng gọi mợi vào trong hoang địa, không đơn thuần là tiếng kêu gọi giã từ phố xá để vào xa mạc, nhưng là tiếng gọi hãy để tâm hồn mình một chỗ trống, là cảm nhận một nỗi khát khao, nỗi chờ mong và đón nhận Đấng Công Chính sẽ đổ mưa thái hòa.
Hoang địa không có đường đi. Nên người đi vào hoang địa sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa, nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành dân của Chúa. Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa. Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta.
Đoạn sách của tiên tri Isaia và cả bài Tin Mừng Matthêu đều muốn cho chúng ta hiểu hơn về Ðấng sẽ đến. Trong khi đoạn sách Isaia là một bài thơ tuyệt đẹp về một vương quốc thanh bình được dẫn dắt bởi một vị minh quân: «Người lấy đức công bình làm dây thắt lưng, và lấy sự trung tín làm đai lưng. Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy […]» (c. 3tt). Những đặc tính của vị vua là dấu hiệu của vị minh quân được Thiên Chúa tuyển chọn, và trợ giúp; đó là vị vua mà Thiên Chúa hứa cho dân Người qua lời ngôn sứ Nathan. Thì đoạn tin mừng Matthêu họa lại hình ảnh Đấng minh quân ấy sẽ «rửa nhân loại trong Thánh Thần và lửa» (c. 12). Người sẽ là Ðấng xét xử mọi người. Ðó là viễn tượng về ngày thế mạt hơn là về ngày Giáng sinh. Chủ yếu của Mùa Vọng vẫn là hướng lòng ta về Ngày Con Người sẽ đến trong những ngày sau hết. Tuy nhiên Mùa Vọng cũng hướng ta nhìn vào Ngày Chúa Giáng sinh như tương lai gần, để chuẩn bị tương lai cuối cùng. Và chúng ta cũng phải nhìn thấy việc Chúa sinh ra như để phán xét mọi người.
Thánh Phaolô không những lãnh hội được kinh nghiệm của Isaia và của Gioan Tẩy Giả, ngài còn đã được biết về cuộc đời của Ðức Giêsu qua những trực nghiệm. Ngài thấy các việc lành, những của lễ đền tội không đủ sức xóa bỏ tội lỗi, nhưng là lòng thương xót của Thiên Chúa. Một mặt, Phaolô khuyên nhủ các tín hữu theo gương của Đức Kitô liên kết, gắn bó, trợ giúp và đón nhận lẫn nhau. Mặt khác, chính thánh nhân cũng đã là mẫu gương cho các tín hữu: ngài luôn hành động vì lợi ích của người khác. Chắc chắn có những khác biệt giữa người này với người kia, giữa người Do thái và các dân ngoại, nhưng hãy theo gương Đức Kitô để tiếp nhận nhau. Tất cả vì vinh quang của Thiên Chúa.
Thế nên trong ngày Phụng vụ giới thiệu cho ta biết Ðấng sẽ đến là Ðấng đến để xét xử, thì Giáo hội muốn dùng lời thánh Phaolô khuyên ta hãy có thái độ chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau và sống thuận hòa với nhau như là thi hành việc thống hối tội lỗi, để chắc chắn nhận được ơn cứu độ thứ tha: «Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Ðức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Thật vậy, tôi xin quả quyết: Ðức Kitô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa» (cc. 7-8 – Bài đọc II). Bên cạnh đó, bức họa về thời đại thái bình trong bài sách Isaia cũng thúc giục chúng ta xây dựng một nếp sống xã hội thuận hòa để chứng tỏ Nước Chúa đã đến giữa chúng ta và chúng ta sẵn sàng cho Ngày Người trở lại.
Quốc Vũ
~*~