ĐẶC NÉT CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
(Xh 34,4b-6.8-9;2Cr 13,11-13 Ga 3,16-18)
FM. Bosco Hùng, PS
Thánh Gioan gọi “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16). Và để mô tả tình yêu to lớn của Thiên Chúa, người ta hay dùng trời trăng để sánh ví: “Tình yêu Chúa như trăng như sao…” Riêng các bài đọc của ngày lễ hôm nay nói về tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại với bốn đặc nét sau đây:
- Yêu thương bằng cách trao ban
- Yêu thương là cho đi sự sống đời đời
- Yêu thương bằng cách tha thứ
- Yêu thương là ở cùng
- (Yêu thương bằng cách trao ban)
Đức Giêsu xác định với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một.”
Con người yêu nhau thì có thể trao cho nhau của cải vật chất, hy sinh thời gian và công sức cho nhau, trao cho nhau những cử chỉ yêu mến, trao cho nhau những lời nói xây dựng. Hoạ hiếm lắm mới thấy người đem con của mình mà cho người khác. Dường như người ta chỉ cho con khi nhà đông con mà lại rơi vào đường cùng. Gia đình nào mà chỉ có một tới hai con thì thật khó mà họ có thể cho đi đứa con của mình.
Còn Thiên Chúa yêu thương nhân loại và trao ban chính Con Một. Thánh Ga trong thư thứ nhất của ngài 4,10 đã mô tả tình yêu của Thiện Chúa như sau: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ con Một của Người mà chúng ta được sống.” Điều này chứng tỏ Chúa Cha trao ban cho nhân loại cái quý nhất của Người, và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại là tình yêu vô cùng lớn lao. Cái lớn lao đó cũng chính là sự sống đời đời.
- Yêu thương là cho sự sống đời đời
Con người chúng ta yêu nhau có thể cho nhau sự sống hay một phần sự sống ví dụ như cho máu, cho quả thận hay chết thay.
Người ta cho một ít máu hay hiến một ít máu, gọi là hiến máu nhân đạo nhằm giúp một nạn nhân hay một bệnh nhân được cứu sống.
Việc cho ai đó quả thận thì hiếm hơn. Thường thường chỉ cho người thân hay người nào đó có mối liên hệ đặc biệt thôi.
Cho nhau sự sống thì lại càng hiếm. Chỉ ai có lòng quảng đại lắm mới cho đi mạng sống mình như một vài vị thánh. Ví dụ như thánh Marximilianô Kôlbê hy sinh chết thay cho một người bạn tù.
Sự sống mà thánh Kôlbê cho người bạn tù quý thật, nhưng đó chỉ là sự sống đời này, một sự sống tạm thời chóng qua. Còn sự sống được nói tới mà Chúa ban cho nhân loại là sự sống đời đời. Sự sống này quý hơn sự sống tạm thời ở trần gian gấp bội.
Theo Tin Mừng Gioan 17,3 thì: “Sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha sai đến là Giêsu Kitô.” Nhận biết hay biết theo nghĩa Kinh Thánh là yêu. Được yêu Chúa Cha, được yêu Đức Giêsu nghĩa là được nên một với Chúa Cha và Chúa Con. Như thế, Thiên Chúa yêu chúng ta và cho chúng ta được nên một với Người. Dù chúng ta phạm tội bất xứng, Người vẫn yêu thương chúng ta bằng tình yêu tha thứ.
- Yêu thương là tha thứ
Đối với con người, hầu như không ai chấp nhận để cho người khác xúc phạm đến mình hết lần này đến lần khác. Khi đã bị xúc phạm mà người ta có tha thứ cũng có mức độ thôi: “Một lần tha, ba lần chém.” Một điều thường thấy là giữa người xúc phạm và người bị xúc phạm hình thành nên một sự xa cách và tình yêu thương giữa họ không còn.
Đối với Thiên Chúa, Người có cách ứng xử khác. Chuyện dân Israel ngày xưa đúc bò vàng và thờ lạy bò vàng là hành vi phạm tội loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ. Trước tình cảnh đó, ông Môsê lấy làm đau khổ quá và ông cầu xin Chúa: “Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi cho chúng con.” Dân phạm tội, Thiên Chúa có giận, có phạt “Người có giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương thương suốt cả đời.” Người đã tha thứ cho dân và vẫn coi họ là dân riêng của Người, vẫn đồng hành và ở cùng họ.
- Yêu thương là ở cùng
Con người bị giới hạn bởi không gian và thời gian, nên dù có yêu thương ai cũng không thể ở cùng với người ấy mãi mãi được. Nhất là cái chết sẽ chấm dứt sự hiện diện của họ với mọi người.
Còn Thiên Chúa thì không bị lệ thuộc vào thời gian và không gian. Bài đọc thứ nhất kể lại rằng: Khi lên núi, ông Môsê xin Chúa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được ơn nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con.” Lời cầu xin đó được Chúa nhậm lời. Bằng chứng là Chúa hiện diện, Chúa ở với họ, đồng hành với họ bằng cột mây dẫn lối ban ngày và cột lửa dẫn đường ban đêm.
Chúa yêu thương và ban Con Một cho chúng ta, Đấng ấy là Emmanuel, Nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người ở cùng, Người ở với nhân loại và ở lâu dài trong lịch sự Giáo Hội cho đến ngày tận thế qua bí tích Thánh Thể. Bao lâu còn bí tích Thánh Thể, bấy lâu còn có Chúa ở cùng một cách sống động.
Chúa còn hiện diện qua Chúa Thánh Thần. Sau khi Đức Giêsu phục sinh và về trời, Người sai Chúa Thánh Thần đến ở cùng chúng ta, đồng hành và ban ơn cho chúng ta. Chúa Thánh Thần là mối dây thông hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con, và đồng thời cũng là mối dây thông hiệp giữa chúng ta với Chúa Cha và Chúa Con (2Cr 13,13).
Hàng ngày chúng ta có nhiều cơ hội tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa. Chẳng hạn khi đọc vinh tụng ca. Cách riêng khi làm dấu chúng ta đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì đồng thời chúng ta đưa tay vẽ một hình thánh giá từ trên trán tới ngực và tới hai vai. Ước gì mỗi lần chúng ta đưa tay làm như vậy là chúng ta huy động trí khôn, tấm lòng và sức lực để đáp lại tình yêu Chúa Ba Ngôi dành cho ta.