Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – THỨ NĂM TUẦN THÁNH

THỨ NĂM TUẦN THÁNH
(Xh 12, 1-8. 11-14;  1 Cr 11, 23-26; Ga 13, 1-15)
 
            I.          Phụng Vụ của Giáo Hội chiều nay muốn nói với chúng ta về Tình Yêu. Tình yêu của một vị Thiên Chúa đã làm người. Tình Yêu của Vị Thiên Chúa là Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót. Tình yêu này được tỏ bày qua ba việc làm: Rửa chân, lập phép Thánh Thể và chức linh mục.
 
II.         PVLC cho chúng ta thấy thế nào là tình yêu và phục vụ của Thiên Chúa. Ngài là Đấng uy quyền dựng nên và điều khiển muôn lòai, thế mà luôn hạ mình để phục vụ và yêu thương mọi người, cho dẫu con người vô ơn và không xứng đáng với tình yêu của Ngài. Đặc biệt trong Nghi Thức Rửa Chân. Trong Nghi Thức Rửa Chân này, Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ bài học khiêm nhường và yêu thương đến cùng bằng cách rửa chân cho các ông và Ngài cũng dạy: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.
 
            Chúa Giêsu khiêm nhường và yêu thương rửa chân cho các môn đệ. Chúa biết tất cả mọi sự sẽ xảy ra và Ngài sửa sọan tất cả: Thánh sử Gioan tường thuật ba điều quan trọng Chúa Giêsu biết rõ trước Cuộc Thương Khó của Ngài:
(1) Biết giờ Ngài “phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.”
(2) Biết giờ từ biệt “những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng”.
(3) Biết giờ “Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Ngài.”
 
Ba điều biết quan trọng này, thúc đẩy Chúa Giêsu sẵn sàng tỏ tình yêu cho các môn đệ qua những việc mà các tông đồ không bao giờ dám nghĩ tới: Trong bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Chúa Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
 
Tại sao thánh sử Gioan không tường thuật biến cố Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể ? Tin Mừng theo thánh Gioan, đặc biệt ở chương 6, dường như đối với thánh Gioan, lòng ước ao trao ban chính mình như là của ăn và của uống, đã có từ rất sớm và đã được Chúa Giêsu bày tỏ rồi. Nên thánh Gioan muốn mau đến ‘nghi thức rửa chân’ này, để làm nổi bật lên ý nghĩa ‘hiện sinh’ của mầu nhiệm Thánh Thể.
 
Điều này, có nghĩa là Giáo Hội được mời gọi không chỉ cử hành, nhưng còn sống mầu nhiệm Thánh Thể. Cử hành và sống mầu nhiệm Thánh Thể phải là hai chiều kích hướng về nhau trong cùng một hành trình đi theo Chúa Giêsu trong cuộc sống. Như thế, thay vì chỉ hiểu hành vi rửa chân như là một bài học thực hành, một gương mẫu, về việc phục vụ khiêm tốn, chúng ta được mời gọi hiểu dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thánh Thể : Mc 14,22 = Ga 13,4-5.
So sánh hai trình thuật, chúng ta có thể nhận ra hành vi rửa chân cho các môn đệ mang tầm mức Thánh Thể. Một. Chúa Giêsu trở nên của ăn. Hai. Chúa Giêsu trở nên người tôi tớ phục vụ bàn ăn. Cả hai đều là hành vi trao ban chính ngôi vị: một đàng là sự sống, một đàng là danh dự. Cả hai cử chỉ đều diễn tả tình yêu tuyệt đỉnh: “Người yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (c.1). Chính vì thế mà, Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô : “việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”.
 
Do đó, cũng như mầu nhiệm Thánh Thể, hành vi rửa chân muốn diễn tả tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Tuy nhiên, như chính hành vi rửa sạch gợi ra, qua hành vi rửa chân, Chúa Giêsu làm cho các môn đệ trở nên thanh sạch bằng chính sự sống của Ngài là Thánh Thể Ngài.
 
Chúa Giêsu rửa chân cho từng người. Không phải Ngài rửa chân cho một môn đệ, rồi môn đệ này rửa chân cho môn đệ kia. Chúa Giêsu tự làm lấy tất cả. Hành vi này tương ứng với hành vi trao “bánh” cho các môn đệ trong các trình thuật Tin Mừng Nhất Lãm. Qua hành vi này, Chúa Giêsu ước ao chia sẻ chính ngôi vị của Ngài và những gì thuộc về Ngài, như Ngài nói với tông đồ Phêrô: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (c. 8).
 
Dù các tông đồ chưa hiểu, nhưng Chúa Giêsu vẫn cứ rửa, vẫn cứ trao ban. Hàng ngày Chúa Giêsu vẫn cứ rửa cho chúng ta qua rất nhiều ân huệ, nhất là qua Mình và Máu Ngài, cho dù chúng ta không hiểu, hay đúng hơn, không thèm hiểu. Đó là bởi vì, Chúa Giêsu hi vọng rằng, có một ngày nào đó, chúng ta sẽ hiểu ra. Vì ơn huệ Thiên Chúa, luôn luôn là ơn huệ nhưng không.
 
Chúa Giêsu nói lời: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. “Như Thầy đã làm cho anh em”, nghĩa là như Thầy đã “rửa chân” cho từng người trong anh em. Vì thế, lời của Chúa Giêsu không dừng lại ở mức độ, Ngài đã nêu gương hạ mình phục vụ, và chúng ta được mời gọi bắt chước. Hành vi “rửa chân” được Tin Mừng Gioan đặt vào chỗ của mầu nhiệm Thánh Thể, nên cũng là một mầu nhiệm: Ngài trao ban chính sự sống và ngôi vị cho chúng ta, dù chúng ta ở trong tình trạng nào, để chúng ta “được chung phần” với Ngài. Chính tình yêu nhưng không này mới làm cho chúng ta có thể “rửa chân” cho nhau theo cách của Chúa Giêsu.
 
III.        Rửa chân là công việc của đầy tớ. Chúa Giêsu làm công việc của đầy tớ để phục vụ các môn đệ. Khi con người muốn làm lớn, họ tránh làm việc nhỏ. Chúa Giêsu dạy làm những việc nhỏ để trở thành lớn. Đây là bí quyết thành công Thiên Chúa muốn dạy con người: làm gương sáng trong những việc nhỏ là cách dạy tốt nhất, vì lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Không có công việc hèn, chỉ có người hèn. Nếu muốn người khác làm việc đó, mình hãy làm gương thi hành trước. Chúng ta hãy cử hành Lễ Vượt Qua và “rửa chân cho anh chị em” thường xuyên trong bổn phận hằng ngày, đó là yêu thương và phục vụ chân thành.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI