Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – Bài suy niệm Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Năm C

Bài suy niệm Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Năm C

(Lc 16, 19 – 31)

M. Grêgôriô – An Phước

Ở đời, ai cũng muốn cho mình được giàu sang phú quý, có địa vị, chức quyền, trí thông minh, sức khoẻ và sống lâu. Tuy muốn như thế, nhưng chẳng ai chịu tu thân tích đức.

Theo triết lý của nhà Phật: Không có nhân, thì làm sao có quả? Muốn có quả báo như ý, cần phải biết tu thân. Nhân tốt, nhất định phải có quả báo tốt. Trái lại, nhân xấu, tất nhiên có quả báo xấu. Đó là chân lý, là sự thật muôn đời không thay đổi.

Hình ảnh của nhà phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay có một kết cục không tốt sau khi chết, vì khi còn tại thế, ông ta đã gieo nhân xấu. Ông ta bị trầm luân trong hoả ngục không phải vì ông có lắm tiền nhiều của, cũng không phải vì ông được ăn ngon mặc đẹp, lại càng không phải ông có địa vị hay chức quyền cao trong xã hội. Sở dĩ, ông bị lửa hoả ngục thiêu đốt, vì ông không biết dùng của cải để giúp đỡ người nghèo, không có trái tim thương cảm với người cùng khốn đến ăn mày tại nhà ông. Qua câu chuyện này, làm cho chúng ta nhớ lại trong Tin Mừng cũng đã có lần Chúa Giêsu cảnh báo cho các môn đệ: “Người giàu vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim” (Mt 19, 23 – 24; Mc 10, 25).

Thực vậy, con đường đến với Nước Trời là con đường hẹp, nhưng để vượt qua “con đường hẹp”, con người cần phải trở về với Thiên Chúa, và đặt mình trong sự quan phòng của Ngài. Họ phải biết hy sinh bản thân, biết cho đi mà không toan tính. Nếu chỉ biết thu gom, tự cậy vào sức mình, hoặc cậy vào của cải vật chất, sẽ làm cho con người trở nên mù tối, không nhìn thấy Chúa nơi chính mình cũng như nơi tha nhân.

Lý do Nhà phú hộ kia đã không nhận ra người anh em nghèo khổ đang hiện diện xung quanh mình, cũng chỉ vì ông ta quá ích kỷ. Lòng ích kỷ đã chiếm trọn trái tim đầy nhân ái của ông, để rồi suốt ngày ông chỉ biết bận tâm tìm kiếm hạnh phúc nơi của cải vật chất và hưởng thụ kho báu trần gian, mà không màng gì đến Thiên Chúa và kho tàng trên trời.

Tục ngữ có câu: “Sông có khúc, người có lúc”. Khi con chim con sống, nó ăn kiến. Khi chim chết rồi, kiến ăn nó. Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Hôm qua là chủ, nay lại là tớ. Hôm qua giàu có, nay lại nghèo khổ. Hôm qua  sung sướng, nhưng nay lại gian lao, khổ nhọc… Những câu tiếp theo của Tin Mừng cho thấy: Cuộc đời của ông phú hộ và Lazarô cũng đổi thay sau cái chết.

Với nhà phú hộ: Sự giàu có, sung sướng, tiện nghị, yến tiệc linh đình, nhưng thiếu bác ái đã trở thành vực sâu u tối giam hãm đời ông.

Còn Lazarô, anh ta chấp nhận đau khổ, bệnh tật trong thân phận nghèo nàn, khiêm tốn không hề than trách, nhưng một lòng tin tưởng phó thác vào tình thương vô biên của Chúa, đã trở thành những bậc thang đưa Lazarô lên cao vút, đến nỗi khoảng cách từ Lazarô đến nhà ông phú hộ xa vời không thể qua lại được. Như vậy, “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14, 1)

Giá trị của con người được tôn lên trước mặt Thiên Chúa, không hệ tại ở sự giàu có, tài năng, hay đia vị đạt được trong xã hội, nhưng là khă năng yêu thương và phục vụ. Chúa Giêsu không kết án người giàu sang, cũng không bác bỏ việc tổ chức yến tiệc linh đình của nhà phú hộ, lại càng không muốn cho mọi người trở nên rách nát đói khổ như Lazarô. Nhưng Ngài đòi hỏi chúng ta: càng có khả năng, có quyền thế, thì càng phải hy sinh và phục vụ nhiều hơn.

Như Đức Kitô, khi đến trần gian, đã không ngừng yêu thương và phục vụ. Tình yêu thương và tinh thần phục vụ ấy đã đưa Ngài tới chỗ hèn kém nhất của xã hội, đó là cái chết ô nhục trên thập giá. Với cái chết thập giá của Đức kitô, xét theo khía cạnh tự nhiên của người không có niềm tin, ấy là cái chết vô nghĩa, cái chết của một con người không biết xây dựng đời mình. Thế nhưng, với niềm tin vào Đấng chịu đóng đinh, thập giá luôn luôn là mời gọi con người không ngừng yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Nhờ đó, tình thương của Thiên Chúa mới được lan toả đến tất cả những anh chị em đồng loại.

Con người chúng ta khi cư xử với nhau, muốn “nhận” hơn là “cho”, muốn “chiếm hữu” hơn là để “dâng hiến”. Với nhà phú hộ, yến tiệc của ông ta bao gồm những thực khách giàu có và sang trọng, nhằm để được đáp lễ. Nhưng với Chúa Giêsu: ” Khi dọn bữa trưa hay bữa tối, các ngươi đừng mời bạn bè, anh em bà con hay láng giềng giàu có, mà hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù…vì họ không có gì để mời lại các ngươi” (Lc 14, 12 – 14).

Trong Đức Kitô, tình yêu không bao giờ có hạn, nhưng cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp hoặc tôn giáo nào. Mặc dù Ngài đã dành ưu tiên cho những người nghèo hèn, nhưng đồng thời cũng không bỏ rơi những kẻ giàu có. Ngài đã ngồi ăn với những người thu thuế và tội lỗi (Mc 2, 15 – 16), nhưng vẫn nhận lời mời đến dự tiệc do một người biệt phái khoản đãi (Lc 14, 1). Người không phân biệt đối xử và không loại trừ một ai.

Một sự ngạc nhiên về ngụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: thông thường những người nghèo khó, hèn mọn, là những người “vô danh”, không ai biết đến, và không đáng được biết đến, nhưng Chúa Giêsu lại làm một cuộc cách mạng, Ngài mặc cho anh nghèo này một cái tên là “Lazarô”. Điều đó, để chứng mình rằng, mỗi người là một “hữu thể cá biệt”, và vô cùng quan trong trước mặt Thiên Chúa, không ai có thể thay thế cho ai, dù người đó giàu sang hay hẹn mọn, thánh thiện, hay tội lỗi, thì tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa luôn bao phủ họ. Do đó, không lạ gì trong dụ ngôn con chiên lạc, người chủ chăn sẵn sàng bỏ lại chín mươi chín con, để đi tìm cho bằng được một con chiên bị mất (Lc 15, 3-7).

Xin cho mỗi người trong chúng ta biết yêu thương, và biết biểu lộ tình yêu thương ấy bằng những công việc phục vụ cụ thể, bởi vì tình yêu thương chính là sự dâng hiến, và không ngừng cho đi.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI