Thứ bảy, 21 Tháng mười hai, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 11B THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT 11-B TN

 

DẪN NHẬP VÀ THỐNG HỐI

Chúa Giêsu giới thiệu về Nước Trời cho dân chúng bằng dụ ngôn, một kiểu nói theo văn chương huyền bí của các dân tộc Đông Phương. Kiểu nói này cảm hứng từ những hình ảnh cụ thể đời thường, để Người dẫn đưa họ vào những thực tại cao vời của Nước Trời. Các dụ ngôn được Người giải thích. Nhờ đó, con người hiểu ra “văn chương huyền bí” này nhấn mạnh đến tác nhân chính của công trình cứu độ là chính Thiên Chúa, con người chỉ giữ phần phụ trong công trình này.

Trong tâm tình đó, chúng ta cảm tạ Chúa và thành tâm thống hối.

+        Lạy Chúa, con người chúng con như “ngọn hương bá” được Chúa tuyển chọn, vun trồng, để phát triển thành một cây hương bá có “muông chim đến nương mình và ẩn thân dưới bóng lá cành”. Nhưng chúng con đã không tôn vinh Chúa là Đấng Sáng Tạo.

+        Lạy Chúa, Chúa muốn dùng ngọn đèn đức tin tỏa sáng giữa trần gian, để chúng con vượt qua gian nan thử thách. Nhưng chúng con không để cho ngọn đèn đức tin hướng dẫn chúng con làm những điều đẹp lòng Chúa là Đấng Sáng Tạo.

+ Lạy Chúa, Nước Chúa được so sánh như hạt giống gieo xuống đất, con người quan tâm hay không thì hạt giống vẫn sống; hoặc như hạt cải tuy nhỏ bé nhưng vẫn có tiềm năng trở thành cây lớn cho chim muông kéo đến xây tổ. Nhưng chúng con đã thiếu tin tưởng vào quyền năng Chúa là Đấng Sáng Tạo.

 

SUY NIỆM

Ed 17,22-24; 2 Cr 5,6-10; Mc 4,26-34

 

I.          Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu giảng dạy “bằng dụ ngôn” (x. Mc 4,1-2). Tin Mừng giới thiệu 2 dụ ngôn. Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên và dụ ngôn hạt cải: dụ ngôn thứ nhất thuộc nguồn riêng của thánh sử Máccô, dụ ngôn thứ hai chung với các thánh sử Mátthêu (x. Mt 13, 31-32) và Luca (x. Lc 13, 18-19).

 

II.         Dụ ngôn là “một câu chuyện rút ra từ thiên nhiên hay trong đời sống thường nhật. Nhờ hình thức rất đơn giản và tính cách lạ thường, dụ ngôn dễ làm cho người nghe chú ý và khiến họ phải suy nghĩ đến điều mà dụ ngôn có ý nhắm tới thông qua những hình ảnh” (J. Hervieux).

1)- Dụ ngôn Hạt Giống tự mọc lên (x. Mc 4, 26-29):

Ngôn sứ Êzêkien (BĐ I) xác tín chính Thiên Chúa trồng một chồi non và chồi non này sẽ lớn lên: “trổ cành và kết trái”. Tương tự, đây là hình ảnh tiên báo Nước Trời phát triển trong thầm lặng. Tuy nhiên, dù “hạt giống nẩy mầm và mọc lên, không ai biết”, người nông dân vẫn có bổn phận phải dọn đất để tạo thuận lợi cho hạt giống phát triển (x. Mt 4,1-9).

Bài học của dụ ngôn :

– Dựa vào lời giáo huấn của ông Gioan Tẩy Giả, một số người nôn nóng và bạo động (nhóm Nhiệt Thành), trông đợi ngày xuất hiện của Nước Trời, để Chúa phán xét và trừng trị những người gian ác. Nhưng không phải thế.

– Thiên Chúa điều lãnh công trình của Người trong âm thầm. Sứ vụ hiện nay của Chúa Giêsu là thời gian để hạt giống nẩy mầm và lớn lên. Đó là thời kỳ quá độ cần thiết để Lời đã được gieo vào lòng đất, hoạt động không ngừng trong lòng mọi người, chuẩn bị cho Ngày Thu Hoạch.

2)- Dụ ngôn Hạt Cải (x. Mt 4, 30-32):

Dụ ngôn cho thấy vẻ tương phản giữa một bên khởi đầu chỉ là nhỏ bé, còn bên kia kết quả cuối cùng lại phong phú không ngờ. Hạt cải khi được gieo thì nhỏ nhất trong mọi hạt giống, nhưng khi mọc lên chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Hạt cải được gieo, để diễn tả năng lực phát triển kỳ diệu của Nước Trời.

Bài học của dụ ngôn :

– Chúa Giêsu cho họ biết Nước Trời đã xuất hiện rồi. Dù mắt trần ai đó có nhìn thấy được “cái gì” hiện nay, cũng không đoán được thế nào mai sau. Nhân loại sẽ phải ngỡ ngàng chứng kiến sức mạnh vô địch và vẻ phong phú lạ lùng của Nước Trời.

– Hoạt động của Chúa Giêsu khi còn tại thế dù khiêm tốn, nhỏ bé. Cộng đoàn các môn đệ của Người là Hội Thánh, dù có yếu đuối thế nào. Tất cả hoạt động của Người và của Hội Thánh Người, đều đang tham gia vào thành tựu vẻ vang của một công trình tràn đầy sức sống. Công trình này, khi tới giai đoạn chót của mức phát triển, sẽ đạt được chiều kích toàn cầu (x. J. Hervieux).

 

III.        Vì thế, trong BĐ II, thánh Phaolô nhấn mạnh và mời gọi tín hữu ý thức vai trò đức tin trong cuộc sống mình. Có ngọn đèn đức tin của Thiên Chúa hướng dẫn cuộc đời, tín hữu sẽ vượt qua được mọi gian nan thử thách và sống đẹp lòng Thiên Chúa. Đức tin là ngọn hải đăng dẫn đường cho thuyền đời của mỗi người đang đi trong biển đời cặp bến bình an.

Thứ Ba, ngày 19.6.2018, Hội Thánh Việt Nam khai mạc Năm Thánh tôn vinh các thánh Tử Đạo Việt Nam (kỷ niệm 30 năm ngày ĐTC Gioan Phaolo II tuyên phong hiển thánh cho 117 vị Tử Đạo ở Việt Nam). Đây là những chứng nhân trong số trên một trăm ngàn chứng nhân anh hùng đã đổ máu đào để tuyên xưng Chúa Giêsu. Các ngài đã tiếp nối hàng hàng lớp lớp những chứng nhân đức tin, như các tổ phụ Abraham, Isaac, Jacob… các thủ lãnh Mosê, Joshua… các ngôn sứ Isaia, Jeremia… Đức Trinh Nữ Maria, thánh cả Giuse… các thánh… Các ngài can đảm bước đi không phải vì đã thấy, nhưng hoàn toàn do bởi đức tin vào những gì Thiên Chúa hứa.

Như thánh Phaolô, xác tín “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời (x. 2 Cr 4, 14-17). Và, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh cả Giuse bổn mạng của Dân Tộc, xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu cho chúng ta quyết tâm soi gương các ngài vững tin vào Chúa Giêsu.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI