Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT LỄ LÁ – C (Lc 22, 14 – 23: 56)

I. “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

          Cụ Nguyễn Du đặt cái cảm xúc của con người lên cảnh vật, tạo nên một sự giao hòa giữa cái vô tri và cái tâm thức. Tâm trạng này, không riêng ai, không riêng lãnh vực nào. Kitô hữu nghe bài trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, có lẽ cũng bị hình thức chi phối, để rồi có thể không còn nhận ra ý muốn của tác giả.

 II. Đọc toàn thể trình thuật, chúng ta dễ có khuynh hướng dừng lại ở một vài chi tiết và khó nhận ra được những nét chính thánh sử Luca muốn nói lên. Trong bài trình thuật, dung mạo Chúa Giêsu được biểu lộ qua những điểm được lập đi lập lại. Những hình ảnh và lời nói đó, tất cả phản ảnh những nét đặc sắc của sứ mệnh Người : Sứ mệnh Vua Bình An.

Theo tác giả Luca, ngay từ khởi đầu cuộc xử án, đứng trước Thượng Hội Đồng, Chúa Giêsu đã can đảm nhận mình là Đấng Mêsia. Không phải là một đấng mêsia trần thế (tức là vua) hoạt động chính trị. Chúa Giêsu đã cho họ biết Người là “Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”. Một lời xác nhận, họ coi là lộng ngôn, có thể đưa Chúa Giêsu đến cái chết. Nhưng, họ không tố cáo Chúa Giêsu đã phạm tội nói lộng ngôn, xưng mình là Con Thiên Chúa, vì họ biết chính quyền Rôma chẳng coi đó là tội ác để kết án.  Họ tố cáo Người nào là “sách động dân chúng và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda”, nào là “xưng mình là Mêsia, là Vua.” 

       Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ Vua Bình An của Người bằng lòng thương xót. Tại Vườn Dầu và khi bị bắt, Vua Bình An niềm nở đón chào ông Giuđa, ngăn cấm những ai muốn dùng khí giới để bảo vệ Người, chữa lành đầy tớ của thượng tế đã bị ông Phêrô chém đứt tai, quay lại nhìn ông Phêrô vừa mới chối Người ba lần, an ủi những phụ nữ đang than khóc. Trên thập giá, Vua Bình An xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người, không cãi lại những tên lính nhạo báng Người, không đối chất với tên gian phi nhục mạ Người. Sau hết, Người tiếp tục thi hành sứ vụ Vua Bình An đối với người gian phi thống hối:  “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Và lời cuối cùng là một lời phó thác: Lạy Cha, con xin phó hồn con ở trong tay Cha.

Thật vậy, “thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài”. Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là dấu chỉ của sự bất tài, nhưng là của sự toàn năng. Vì thế, trong một lời nguyện nhập lễ rất cổ xưa, phụng vụ đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, Chúa thể hiện quyền năng của Chúa cách tỏ tường nhất khi Chúa tha thứ và xót thương…” Trong lịch sử nhân loại, Thiên Chúa bao giờ cũng là Đấng hiện diện, gần gũi, quan phòng, thánh thiện và đầy lòng thương xót (Tông chiếu Misericordiae vultus,6).

 

     III.    “Tuần thánh là tuần của tình yêu, chúng ta hãy đem hết tình yêu để sống những ngày trọng đại này. Hãy trở về cùng Chúa vì Người đang chờ đợi ta và tha thứ cho ta” (thánh Alphongsô). Chúa Giêsu chính là Tình Yêu đó, là “dung nhan Lòng Chúa Thương Xót” (MV,1). “Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Lòng Thương Xót. Đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ” (MV,2). “Chúng ta hãy đặt Bí Tích Hoà Giải ở trung tâm một lần nữa sao cho Bí Tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của Lòng Chúa Thương Xót với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự” (MV,17).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI