Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

CHƯƠNG VII

 

Từ khi Đức Cha bằng lòng cho ở lại Phước sơn đến khi Đức Ngài giao Họ Phước sơn cho dòng coi sóc

(thượng tuần tháng 5-1921¦ 03-4-1922)

 

Hai năm đầu, khi dòng mới khai sinh, xem ra Chúa ở với cha Tổ Phụ như đứa con thơ: có khi để nó kêu khóc cho vui rồi lấy kẹo bánh mà dỗ. Việc nhà dòng Chúa cũng để cho hưng vong thành bại. Như: tích ba cha con Chất vào dòng. Cha giáo Nhơn đang cấm phòng toan vào dòng thì nhà cháy. Cháy nhà rồi, ân nhân giúp tiền xây nhà ngói, thì Đức Cha dạy đi Ngân sơn. Nay việc Ngân sơn vừa yên Quan Cụ mới cho lúa ruộng, cha con thanh thoả một chút thì anh em lại bị đau nhiều, cha quản lý Bernard cũng mệt, sợ cheo leo cho ơn thánh triệu của ngài như cố Mẫn chăng? Một mối lo âu lại đến chiếm cứ tâm hồn cha Tổ Phụ. Ngày 28 tháng sáu 1921 ngài viết:

“…Nhà dòng bị Chúa thử, các thầy đau hết, cha Bernard mệt, con tưởng Đức Cha bắt ngài đi nhà thương… Còn Henri Benoit của mẹ chai đá quá lẽ, mạnh hết sức mạnh! Trừ hai tháng nay con đau cái mụt nơi chân, nên được miễn làm vườn. Mấy ngày nay con lo chữa thuốc riết thì đã khá. Con ước ao được lành mạnh khi Đức Cha đến thăm. Nghe nói Đức Cha không ưng, thấy những sự đau yếu như vậy. Ngài đổ tại luật con ra nhiệm nhặt, của ăn cực quá, con chỉ sợ ngài chế giảm đi mất! Song hy vọng cha thánh Benoit sẽ biện hộ luật Ngài, vì chúng con muốn giữ trọn luật Ngài nên họ nói nhặt quá! Thiên hạ đau yếu thì không sao, hễ chúng con đau, thì họ cho là tội giết người. Phần con không đau thì họ nói: con được ơn sống bách niên nhất lão! Thôi từ giã mẹ.

 Fm. Benoit.

Tiếp thơ sau: “Con cầu nguyện cho mẹ hơn mọi khi. Xin Chúa ban cho mẹ được bằng lòng chịu đau đớn và chịu cách vui vẻ. Luyện ngục còn cực hơn bội phần. Trong đó không lập công được nữa. Và sự thương khó Chúa chịu vì ta còn khốn cực hơn muôn phần, không so sánh được, mẹ hãy ngửa mặt trông Thánh giá Chúa mà thân thưa: “Dạ, con xin vâng chịu mọi sự Chúa gởi cho con! Chính lúc con viết thơ cho mẹ đây, con cũng liếc mắt trông xem Chúa trên Thánh giá và thầm thì cầu cho mẹ.”

“Con nói: con cũng như mẹ, nghĩa là con cũng cần phải nói: “Xin vâng theo thánh ý Chúa”, vì mọi sự không xẩy ra như ý con muốn cả đâu! Có người mới viết thơ cho con mà hăm doạ: ý tứ, sẽ có cơn bão táp cả thể đổ xuống trên Phước Sơn!” Con nói: muốn bão mấy thì bão không can chi! Nếu Chúa nhân lành muốn vậy thì còn chi mà sợ?”

Buổi mới sơ khai, cha Bề trên hay sai các thầy lên người thượng mua tranh bổi hoặc đưa nắm ruốc lên đổi khoai sắn về ăn. Cha con nhờ dịp viễn thông ấy mà dần dần đem họ về ánh sáng đức tin. Song khó dường nào! Vì họ chưa bao giờ được ngọn đuốc đức tin chiếu giãi. Họ tin hết mọi sự mà rút cuộc không tin chi hết. Cha năng khuyên giục các thầy cầu nguyện cho họ.

Cách ít ngày cha viết; “…Việc trong nhà thường không chi lạ. Có cố Mẫn mới lên thăm, ngài lên giảng đạo cho người thượng. Tội nghiệp! Họ mang tiếng là Thượng, song nhiều điều họ không Thượng chút nào. Bấy lâu chưa ai giảng đạo miền ấy, xem ra họ không có đạo nào, chỉ sợ ma quỷ và tin dị đoan hết sức.

“Họ năng xuống thăm nhà dòng, khi cho mật ong, lúc cho thuốc lá, hoặc miếng thịt nai, mấy con công…vv. Những của ấy chúng con không dùng, đem biếu nơi khác. Phần chúng con cho họ thuốc súng và đạn, song chớ gì chúng con cho họ được của quí hơn muôn trùng, là được nhận biết và kính mến Chúa là Đấng đã chuộc tội cho họ. Nếu đẹp lòng Chúa, sau nay chúng con sẽ liệu cho họ trở lại, bây giờ thì Đức Cha chưa ban phép.

Con yêu dấu của mẹ: Fm. Benoit

Mồng ba tháng tám, 1921 cha viết: “Nhà dòng không chi lạ, trừ ra cọp bắt hai con bò con. Hôm qua thì một con trâu rất to tự nhiên chết không nói vì sao… Tuần rồi mất ba con bò mẹ.. Mặc lòng cảm ơn Chúa luôn! Một người thợ mộc bấy lâu giúp nhà dòng nay mới chết; người khác làm được một năm rồi không đến nữa, thành công việc phải giãn đoạn… Cái nhà cháy năm trước chưa làm lại được. Chúng con mạnh cả, vui vẻ luôn, cảm ơn Chúa! Đến 20 tháng 08 có 5 thầy mặc áo nhà tập, thế là được 16 người nhà tập, song nhà thử thì không mấy ai xin vào nữa. Nhưng sau sẽ có… Xin mẹ cầu cho chúng con, và xin mẹ luôn luôn nói: Dạ, dạ, xin vâng theo thánh ý Chúa”.

“Có lẽ mẹ sẽ được thơ này vào quãng lễ Đức Mẹ Lên Trời, con xin chúc mẹ một lễ tốt đẹp, một lễ phước lạc, một lễ thánh thiện. Mẹ yêu dấu của con ơi, con nói con cầu nguyện cho mẹ hằng ngày, nhất là ngày hôm ấy. Xin Đức Mẹ an ủi mẹ, thêm sức cho mẹ, ban cho mẹ được mến Chúa đến nỗi thích chịu cực chịu khó vì lòng mến Người. Từ giã mẹ!

Fm.Benoit”

Trong một bức thư trước cha nói: họ đang đe Phước sơn, phải ý tứ, sẽ có cơn bão táp cả thể đổ xuống. Vậy đêm 13 tháng tám xẩy tích truyện làm cha bắt sợ tưởng cơn cuồng phong đến thật. Hồi 11 giờ đêm ấy, cả nhà đang nghỉ yên. Bỗng chó sủa liên thanh. Ai nấy cứ tưởng như mọi khi: đó là cọp về, rởn óc không ai dám ra. Song cha Bề trên nằm phòng gần cửa, nghe tiếng ồn ào dức lác, ngài liền dậy ra coi. Khi ấy nhà thờ mới làm được một gian đầu, nhà khách chưa có, cổng ngõ cũng không, đứng nhà ngủ trông thẳng ra đàng được, thấy một tốp người đông vô số, đèn đuốc gậy gộc lô nhô, cha tưởng chắc là cộng sản hay giặc cướp đến phá nhà dòng như chúng hăm dọa. Con người cha run lên! Sợ cho con cái phải chết, vì kêu họ dậy đánh thì chắc không xong; bảo chạy trốn thì đêm hôm biết trốn đi đâu, ra rú thì cọp! “ Tránh hùm phải hạm!” Cha phó dâng mọi sự trong tay Chúa rồi cầm Thánh giá bước ra với ý định: chúng muốn giết người thì xin giết một mình ngài, mà tha cho con cái, khác nào thánh Giáo Hoàng Leo Cả xưa ra đón binh vua Attila vậy.

Hay đâu! Ra tới nơi thì cả bọn bỏ gậy gộc, cúi lạy ngài. Bước lại gần thì ra mấy ông chức việc họ Gia bình: ông đội Khương, ông Tôn, ông Quyền..vv. Cả họ Gia-bình. Nam phụ lão ấu. Bật cười, cha hỏi vội vã: mấy ông chức việc và con họ đi đâu đêm hôm tối tăm tội nghiệp thế?

-Lạy cha, xin cứu chúng con, kẻ ngoại họ định giết chúng con! Cha nhớ ngay lại tích năm 1885 họ Gia bình cũng đã bị kẻ ngoại thiêu sinh. Động lòng ái tuất, cha an ủi họ: “Hãy phú dâng mọi sự trong tay Chúa, xin thuận theo Thánh Ý Chúa và trông cậy Người… Chúng con đi nghỉ bình an mai sẽ hay”. Rồi ngài kêu các thầy lấy chiếu đưa ra rạp thợ cho họ tạm trú; may khi ấy rạp bỏ không vì thợ về hết.

Sáng sau ngài bảo cha quản lý cho họ ăn cơm, và sai người cầm thơ đi quan phủ Vĩnh; còn ngài thân hành sang Gia bình. Đến nơi thì gặp cha Lập bổn sở Nam–Tây, coi họ Gia bình cũng vừa đến. Hai cha đàm đạo, biết rõ công truyện rồi, cha Lập cho cha Benoit mượn ngựa thẳng xuống gặp quan Huyện Do linh. Quan hứa sẽ đến dẹp loạn, cha liền về Gia bình đưa tin cho cha sở, rồi cả hai cha ở lại chờ quan. Mãi gần tối không thấy quan Huyện tới, cha Benoit trở về dòng. Để cha Lập ở lại. Cha về nhà đã 8 giờ tối, các thầy soạn đi nghỉ. Hôm ấy là ngày chay Hội Thánh áp lễ Đức Bà Lên Trời, cha cứ làm thinh bóp bụng đi nghỉ không lót lòng chi hết. Vừa nằm được tiếng đồng hồ, thì quan Huyện tới, cha lại niềm nở bước ra. Một điều gay go là phải dọn một phòng ngủ xứng đáng, liệu sao bây giờ? Mặc dầu cha con cũng hết sức dọn dẹp theo tình cảnh khổ tu. Sáng 6 giờ, quan Phủ Vĩnh cũng đến. Lại một việc khó khăn nữa: phải kiếm đồ làm cơm hầu hai quan lớn. Chợ xa nhà không có, kiếm đâu cho ra? Đứng trước cảnh tu khắc khổ, hai quan bùi ngùi cảm động dẫu “Cơm nâu canh sắn” các ngài cũng cho là sơn châu hải vị. Cái câu “Tuỳ phong gia kiệm” được thi hành triệt để!

Hai quan lót lòng xong, cả họ đến trình bày tự sự. Các ngài lấy khẩu cung, rồi ban lời trấn tĩnh: con họ về bằng an, Phủ đường sẽ tra cứu việc cho minh và trừng trị đảng nghịch. Công việc chấm dứt. Hôm ấy đại lễ Đức Mẹ Lên Trời, cha Bề trên cử hành đại lễ tạ ơn Đức Mẹ. Lễ tất, cả họ linh 80 người lại cùng nhau đánh bữa cơm trưa rồi mới các tán. May trong nhà khi ấy có hai trăm thùng lúa Quan cụ mới cho, không thì cũng khó tính!

Ngày 16 tháng 08, cha kể truyện việc ấy như sau: “…Đêm hôm kia chừng 11 giờ, cả một đạo nam, nữ, già, trẻ, chừng 80 người kéo đến nhà dòng. Duyên cớ là kẻ ngoại làng ấy đe giết nên họ chạy đến cầu cứu thánh Tổ Benoit.

“May phước chúng con sẵn gạo và nhờ cái rạp mộc khá rộng họ tạm trú một đêm. Mai sớm, 14 tháng 08, con sang họ ấy, đi mất ba tiếng đồng hồ. Đến nơi thấy các nhà bổn đạo vắng tanh, bên xóm kẻ ngoại thì nghe thúc trống, chức việc hội nhau thảo luận việc khủng bố giáo hữu. Vừa đến nhà thờ con gặp cha sở họ ấy, ngài cho con mượn ngựa đi gặp quan huyện . Quan hứa sẽ liệu trị an. 8 giờ tối con về đến nhà, thì 9 giờ quan huyện đến. Con đã viết thơ cho quan phủ Vĩnh, nên sáng sau quan cũng đến. Cả họ báo cáo với hai quan việc dân làng kẻ ngoại đe khuấy khuất. Hai quan đều hứa sẽ trừ diệt nghịch đảng. Họ xem lễ tạ ơn Đức Mẹ, đánh bữa nữa rồi ai về nhà nấy. Năm 1885 hội giáo này cũng bị kẻ ngoại thiêu sinh hết, tổng số là hơn 800 người mà chỉ còn sót đôi ba. Nay chúng lại muốn làm cỏ phen nữa. Từ giã mẹ Fm. Benoit”

Bấy lâu cha Benoit muốn đào hào quanh nhà để vừa giữ heo ri vừa làm luỹ cấm, song chưa thể được vì không tiền, khi có tiền thì lại muốn làm việc khác. Nhưng từ ngày xẩy ra tích nam phụ lão ấu họ Gia-bình kéo đến nhà dòng mà chưa có chi làm giới hạn cho phụ nữ như giáo luật dạy, nên việc xẩy ra tháng 08, thì tháng 09 cha cho đào hào quanh nhà. Nguyên giáo luật khoán 598 số 2, cấm phụ nữ bất luận tuổi bậc nào, dầu đêm ngày, không được vào trong luỹ cấm, cả gan vi phạm thì lập tức bị vạ tuyệt thông cấm cách thường về quyền Toà Thánh, chỉ trừ những quý phu nhân các vị quốc trưởng đang tại chức như bà hoàng hậu bà tổng thống đi với bọn người hầu mới được vào.

Ngày 19 tháng 09. 1921 cha viết thơ kể chuyện như sau:

“…Chúng con đang đào hào quanh nhà, sâu 1m20 rộng 1m60. Song họ nói: heo ri còn nhẩy được, nên chúng con sẽ đào rộng hơn sâu hơn, nhất định phải giữ cho được khoai sắn mà ăn, chớ bấy lâu vất vả nhiều mà chỉ béo các “sừ” heo ri và thỏ. Cách mấy hôm nay, một người thợ làm nhà đánh bẫy được một chú heo cân năng 100 ký, trị giá 8 đ! Thôi, nói chi về vật chất phẩn thổ đời này? Chẳng bao lâu nó sẽ tiêu tan hết. Ta hay chuyên chú làm sáng danh Chúa, Chúa tác tạo nên ta nguyên vì lý do ấy. Muốn được phước đời này và đời sau thì phải lo làm tôi Người.”

Tiếp thư 26 tháng10: “…Thăm mẹ yêu dấu, mùa lạnh đến rồi, tất nhiên mùa ho cũng đi theo. Mẹ hãy giữ mình, ngồi gần lửa mà lần hạt hoặc nói khó cùng Chúa. Đôi khi xin mẹ nói với Người về thầy dòng, thầy dòng Phước Sơn, vì dầu thầy dòng cũng có Thánh giá không thoát được, mẹ hãy tin điều ấy. Song có Thánh giá là có phước! Con vừa viết câu này thì trạm đem thơ mẹ đến. Con mở ra coi, hay đâu được tin mẹ phải mổ lần thứ hai, thế nên con viết cho mẹ mà nói về Thánh giá là hợp lắm! Xin Chúa ban ơn thêm sức cho mẹ, con cầu cho mẹ hơn mọi khi. Mẹ hãy can đảm, chẳng bao lâu sẽ được về mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời. Khi ấy sẽ bắt đầu lễ mà không bao giờ hết. Lúc chờ đợi, mẹ con ta vui lòng chịu khó đền tội, nếu có thể cũng đền tội cho kẻ khác. Như vậy ta sẽ giúp Chúa cứu các linh hồn. Thế gian không hiểu sự ấy họ chịu khó không công nghiệp, không an ủi. Nếu ta là thánh, thì sự đau khổ ta chịu, nó có một ý nghĩa khác: nó không còn là đau khổ, bèn là sự vui mừng. Lạy Chúa xin ban cho chúng con nếm đau khổ!”

  1. Benoit

Đến 15 tháng giêng ngài viết: “… Hôm qua Đức Cha đến thăm. Thật là một ngày đại lễ cho chúng con. Ngài tỏ bộ vui vẻ lắm. Hai năm đầu nhà dòng mới sơ khai, ngài tưởng chúng con không xong không đủ phương tiện sinh sống. Nhưng cách một năm nay ngài nói: chúng con không những sống được mà lại còn lớn lên. Hôm qua thì ngài nói: chừng hai mươi năm nữa, Phước Sơn sẽ tràn khắp các địa phận đông dương! Chớ gì Đức Cha nói tiên tri! Có lẽ Chúa ban ơn ấy cho ngài thì phải, cũng đáng lắm, vì ngài thật là một đấng thánh. Ngài đã chịu và còn đang chịu nhiều gian nan vì con chiên ngài không ăn chi hết mà sống: không bánh, không cơm, không rượu, không thịt, không chi hết, hầu như ngài chỉ ăn cái không không! Thật ra! Mỗi bữa chỉ dùng chút cá luộc, vài củ khoai cũng luộc thôi. Đâu có đón rước ngài thật dễ, không cần ai cầm áo đuôi (Cappa magna) vì ngài không có, không xe hơi, không tài xế, không đầy tớ, đầu bếp cũng không. Bất kỳ ai làm bếp cho ngài cũng được: chỉ lấy khúc cá và củ khoai bỏ vào nước nấu sôi lên, thế là xong bữa tiệc của ngài rồi! Ăn uống như vậy, đau khổ như kia, mà diện mạo vẫn tươi như hoa nở. Ai có việc chạy đến thì ngài hết sức lo lắng như không có việc chi khác. Ngài sẵn sàng giúp đỡ mọi người dầu việc xem ra quá sức. Mà mẹ chớ quên rằng ngài đã làm lễ thượng thọ thất tuần năm ngoái! Ngài sang Việt nam từ năm 1875 mà chưa về tây lần nào. Nguyện xin Chúa cho ngài trường thọ lâu năm nữa!

“Con muốn nhập dòng Trappe song ngài nói: cứ ở vậy đã, cám ơn Chúa. Mẹ con hãy hiệp nhất trong rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu

  1. Benoit.

Ngày 22 tháng chạp cha viết: “…Con cầu nguyện cho mẹ, mà mẹ cũng đừng quên con. Đức Cha nói: chúng con đây sống được và sẽ thêm lên nhiều. Con muốn tin sự ấy. Con biết Chúa phép tắc có thể làm được! Song đó là một phép lạ.

“Con vừa mới làm “Tập lược biên” dòng chúng con, vì họ bảo phải làm quảng cáo cho thiên hạ biết dòng mới.

“Cám ơn Chúa, thôi từ giã mẹ. FM. Benoit”

Đã từ một năm, cha Benoit những mong cho chóng xong cái nhà hội chung vì đừng kể nhà thờ thì nhà hội chung quan trọng nhất.

Vui mừng thay nhà ấy đã xong. Cha con khánh thành ngày 26 tháng giêng 1922, lễ thánh Tổ Alberico, tu viện trưởng đệ thứ dòng cả Xitô. Thế là từ nay mỗi ngày hai lần trong cái nhà ấy, cha nhả ngọc phun châu, lấy bánh Phúc-âm di dưỡng linh hồn con cái. Nay hồn ngài thác mà quí thể vẫn còn nằm giữa cái nhà ấy “bên kia vĩ tuyến”. Thế là cha chết mà vẫn nói: Defunctuf adhuc loquitur. Ngày 22 tháng 1, 1922 cha viết: “Thăm mẹ rất yêu dấu con luôn luôn cứ chậm trễ viết thư cho mẹ. Song con đã trã 42 tuổi, tóc đã bạc hết rồi, không sửa mình được nữa, có sửa mình thì cũng không còn được bao lâu. Vậy những lỗi con không có gan mà sửa, thì luyện ngục sẽ tẩy rửa cho con. Hằng ngày và trót ngày, con những suy đến quãng đường sau hết đời tạm con, nay càng có lẽ suy đến vì là 30 tết Việt Nam. Ngày mai mồng 01 tết, chúng con sẽ đặt Mình Thánh chầu cả ngày. Tết sang năm  chúng con hy vọng sẽ đặt Mình Thánh chầu cả đêm. Chúng con ước ao đền bồi phạt tạ Chúa vì những sự dị đoan kẻ ngoại làm trót đêm nay và cả buổi mai. Đó là một đại lễ phượng thờ tổ tiên không một nhà kẻ ngoại nào không dọn giường thờ tổ. Chỉ những nghe trống phách lùng bùng trót đêm. Than ơi! Chúa đã chịu chết cho họ gần 2000 năm rồi, mà họ chưa nhận biết Chúa!

“Hôm nay một ông chức việc đến xin trở lại và một đứa con gái bốn tuổi đã chịu phép thánh tẩy cách kín khi gần chết, thế nó được về thiên đàng cầu cho cha mẹ ngoại của nó!

“Một người thợ mộc quen làm cho nhà dòng mới xin trở lại, chiều nào con cũng dạy ông học đạo. Song bấy nhiêu thấm vào đâu với số kẻ ngoại đông vô cùng kia! Họ không muốn nghe nói về đạo, vừa mở lời nói đến là họ chuồn đi! Họ không muốn xem xét tới, khác nào người mù không muốn nghe nói tới mặt trời. Xin mẹ nguyện cầu cho họ, chung ý với chúng con  xin Chúa ban cho Phương Đông những vị Thừa Sai thánh thiện như thánh Phanxico Xavie. Bây giờ nói đến việc chúng con, mẹ có muốn nghe ít tin mới không? Tin mới nhất: chúng con đã khởi sự ở nhà hội chung hôm qua, 26 tháng giêng 1922 đó là một nhà rất lớn, mái ngói vách tre, rui mè cột kéo bằng gỗ. Tin mới thứ hai: Quan Thượng Bài lại mới cho 200 thùng lúa, bấy nhiêu đủ được hai tháng rưỡi. Chúng con nay tính cả thầy dòng ông lão dòng ba, gia nhân được 30 người. Tin mới thứ ba: là cọp mới bắt của chúng con 4 dê và 1 trâu. Song chúng con đã bắt được cọp rồi chỉ mất bốn lạng thạch tín (Strychnire). Nhà nước thưởng một chục bạc da cọp gửi vào Huế, xương thì con định bán ngoài Bắc, vì họ dùng làm một thứ thuốc rất bổ. Ai muốn bổ sức thì ăn xương cọp; xương cọp không bổ thì còn chi bổ nữa? Thịt nó con cho gia nhân ăn, họ cho là ngon tuyệt! Chú cọp ấy cao 80 phân, dài hai thước rưỡi!… thôi từ giã mẹ!

Fm. Benoit.”

Tiếp thơ mồng 08 tháng 3-1922: “Luôn luôn con cứ mạnh như cái cầu mới, con cả dám khuyên mẹ bắt chước gương tốt con mà mạnh như vậy, nghe! Luôn tiện con nhớ đã sáu bẩy năm nay con phải chứng đau đầu quá lẽ, phát điên được! Con phải đi nhà thương xin bác sĩ khám bệnh! Một bác sĩ đại danh khám con kỹ hết sức, từ đỉnh đầu đến bàn chân khám đi khám lại: ông bắt con thở mạnh, giang tay. Sau cùng ông phải thú nhận con còn sống được.”

“Rồi mới đây cách vài năm con đau chân phải đi nhà thương. Họ nói với ông đốc: “Thưa ông, cha dòng ăn cực lắm đó, xin ông nhờ dịp ngài đau chân mà bắt ở lại nhà thương lâu để bổ sức chút…” Vì vậy con lại bị khám lần nữa; phen này họ dùng đến kính hiển vi xem con có vi trùng đau sốt rét, hư máu hoặc sâu sán chi không. Họ làm đủ cách, sau hết cũng phải thú rằng: con còn sống được !

“Đức cha nghe vậy, nói : “Cha chỉ muốn chết luôn, song, rồi cha coi, chưa chết đâu! Tôi cũng thế đã 70 năm nay những xin chết luôn mà cứ sống hoài”.

“Vậy thì Chúa muốn Đức cha trường thọ, con còn sống, nhất là mẹ còn sống lâu nữa, lập công cho nhiều, để chết rồi từ nhà thương các bà bay thẳng về thiên cung…Xin từ giã mẹ.Fm.Benoit.

 

CHƯƠNG VIII

 

Từ khi Đức Cha giao họ Phước sơn cho nhà dòng coi sóc

đến khi cha khấn tạm

03-04-1922 đến 21-03-1923

 

Trước đã nói Quan Cụ Phước Môn trưng đất Phước sơn chiêu dân lập ấp. Dân cư đến ở ngày một đông. Trước phần nhiều là kẻ ngoại, sau họ trở lại dần dần vì ảnh hưởng nhà dòng. Bốn năm qua Quan Cụ xây cho ngôi nhà thờ, mời Đức Cha ra làm phép, song Đức Cha cử cha Bề trên Phước Sơn  đại diện và đồng thời đặt ngài làm bổn sở. Thế là từ đó họ Phước Sơn phần xác vẫn là dân cư quan cụ Phước Môn, song phần hồn lại là con chiên cha Bề trên  dòng Phước Sơn đến ngày nay. Cuộc làm phép nhà thờ cử hành vào ngày mồng 03 tháng 04 năm 1922. Một ngày đại lễ lôi kéo rất đông người đến dự, phần nhiều  là quí khách. Các quan Nam Triều ra gần túc số, có linh 20 cha, cờ quạt trống phách rầm rộ một góc trời. Cha Bề trên đem theo cha quản lý Bernard và bốn thầy giúp lễ. Chính cha Bề trên cử hành đại lễ. Phúc âm xong ngài giảng một bài đại thể tán dương công đức Cụ Ông, Cụ Bà Phước Môn, nương theo lời Chúa phán: “Kẻ làm phúc cho bần nhân một chén nước lã cũng chẳng mất công”. Lời nói hùng hồn, mạnh mẽ, khiến thính giả dầu là kẻ ngoại cũng động lòng thán phục. Song một điều khác kích thích tâm hồn quí khách hơn lễ tất, cha niềm nở thừa tiếp quan khách vui vẻ rồi, đến giờ thiết tiệc cha xin cáo từ, mấy cha con chay lòng về nhà dòng dùng cơm theo luật.

Xong việc cha viết thơ kể chuyện: “…Này con lại còn chậm trễ nữa! Có khi từ lễ thánh tổ Benedicto đến nay con chưa viết cho mẹ bức thư nào… ngày ấy cha Bernard quản lý với chín thầy dòng của con và con đây nữa, khởi sự năm tập thứ ba, là năm tập theo giáo luật cách trọng thể. Vậy năm nay chúng con sẽ ra sức tận tuỵ nên thầy dòng. Mẹ biết con lại mới đóng vai cha sở một họ mới ra đời, con có ý nói họ Phước Sơn. Cụ Lớn Đệ Nhị Triều Nam, vị đại ân nhân nhà Dòng ngày mồng 03 tháng tư đã xin con đi làm phép nhà thờ Cụ mới làm cho họ. Có rất đông người đến dự: các cha được chừng 20, đủ phẩm trật các quan Nam Triều. Con đã giảng một bài chủ ý cho các ông nghe. Tội nghiệp các ngài còn ngoại! Cúi xin Đức Bà nước Nam mau mau đưa các ông trở về cùng Chúa!”…

“Bộ xương cọp trước con định bán ngoài bắc, song chưa kịp thì con đã kính biếu bà lớn Đệ Nhị triều Việt Nam họ dùng xương cọp nấu một thứ thuốc có sức chữa được hết các bệnh.

“Con đã đem cha Bernard và ít thầy dòng hèn mọn của con đi làm phép nhà thờ. Lễ tất, chúng con xin cáo từ không dự tiệc Cụ Lớn thiết mầng các cha và quan khách. Mẹ nghĩ sự ấy có kích động tâm hồn họ hơn bài giảng của con chăng? Vì chúng con đành bỏ nem công chả phượng bữa yến tiệc Quan Cụ đó, về nhà ăn ba hột cơm đỏ với chút muối mè!

Ước chi những vị quan khách ngoại giáo ấy được tiếp xúc với một ông thánh, chắc họ sẽ nhận biết Chúa!

Con từ giã mẹ Fm. Benoit”

Ngày 19 tháng 04, cha viết:… “Alleluia! Này con đã ra khỏi mùa chay, ai nấy đều khoẻ mạnh như ăn đồ bổ hàng ngày! Từ nay đến lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi không phải ăn chay nữa. Đến kỳ ấy thì lại dễ ăn chay vì trời nóng quá không làm việc ở ngoài được, lại nóng nực thì ăn cũng hết ngon. Mùa ấy chúng con sẽ đi rú làm củi, bấy lâu chúng con vẫn làm nghề thợ cưa. Con nói “chúng con” cưa, vì cưa xẻ phải có hai người: hai người ấy một người tên là thầy Benoit có lẽ mẹ  cũng quen biết lắm, còn thầy kia là Maurô thuộc địa phận Cao Miên (Thầy này sau thăng linh mục, tức là cha Tứ địa phận Cần Thơ hiện thời. Có mười người thợ mộc đã lãnh làm nhà cơm, nhà liệt, nhà cha quản lý, chừng một tháng thì rồi, xong lợp tạm bằng tranh đã vì chưa có tiền mua ngói. Xong mấy nhà ấy thì khởi sự làm nhà khách che cái nhà cháy năm kia, rồi làm nhà bếp nhà lẫm v.v…Ôi! còn  biết bao khốn nạn, khốn nạn vì không tiền! Từ giã Mẹ. Fm.Benoit.

 Ngày mồng 07 tháng 06-1922 Cha kể truyện: “Xin Thánh Tâm Đức Chúa Giêsu phù hộ, an ủi mẹ, ban cho mẹ sự bằng an khoái lạc luôn. Con không phải nói con mạnh khoẻ vì Mẹ đã biết. Thiết tưởng con cân không được 50 ký, song chắc con mạnh bằng hai ba người Thổ Nhĩ Kỳ! Mẹ có biết hàng ngày con làm nghề chi không. Con làm một bác thợ cưa. Cưa thì con nghe mạnh và lợi thời giờ lắm. Độ này chúng con cắt mè, món đồ ăn đầu vị của chúng con. Lúa thì được một 1.500 thùng, cám ơn Chúa quá. Vua Việt Nam (Vua Khải Định) mới sang pháp, ngài tính đi La Mã, nên sắm lễ vật tiến Đức Giáo Hoàng. Ngài cũng dự định thăm nhà trường các Cha Dòng-Sai. Có lẽ con đã nói với Mẹ: Vua Việt nam đã lập ngày đại lễ “Hưng Quốc Khánh Niệm” vào mồng hai tháng năm âm lịch, ngày Hoàng Đế Gia Long thống nhất sơn hà, ngày ấy cả triều thần văn võ phải đi dự lễ, chính Đức Vua cũng ngự giá chầu lễ trót giờ. Lễ Hưng Quốc Khánh Niệm năm nay nhằm ngày  Chúa nhật trước lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Nhà thờ Phủ-Cam chật ních, song toàn là quý khách bên lương, bên giáo thì chỉ có chức sắc mới được vào. Mẹ xem, cách đây chẳng bao lâu các vua Viêt nam đã chém giết bổn đạo, mà nay chính Đức vua cũng đi dự lễ!

    Vậy xin mẹ cầu cho các ngài tiến lên bước nữa, tới giếng thánh tẩy- iat! Fiat! chớ gì được như vậy ! Fm.Benoit.

Đến 08 tháng 07 năm 1922 ngài đưa tin: “…Thăm mẹ rất đáng kính! Ôi chào, con đã lo ra! Thay vì viết: Thăm mẹ rất dấu yêu thì con đã viết: Thăm mẹ rất đáng kính! Mặc lòng con không sửa lại nữa, để mẹ cũng được gọi là “Bà rất đáng kính” ít là một lần chớ! Vậy kính thăm mẹ, con lấy làm đại phước nói với mẹ: Trời mưa rồi, hơn tháng nay nắng quá lẽ, lại thêm gió nam thổi như đốt, mấy cây chè của con chết khát cả… Nay mới sống lại, cám ơn Chúa! Con sợ nhất là cho mấy cây chè con mới trồng, vì tương lai nhà dòng. Con hy vọng chúng con sẽ nhờ nó mà sống. Nếu Chúa muốn, chúng con sẽ làm trà tầu, đặt tên là trà Đức Bà Việt Nam. Chừng hai năm nữa hái được. Tự nhiên con sẽ gửi cho mẹ dùng thử, song muốn biết nó ngon giở thế nào thì phải tìm mấy người phản đối nhà dòng cho họ nếm thử mới biết được, chớ hỏi mẹ thì tự nhiên mẹ nói: Trà nhà dòng ngon nhất hạng! Xin mẹ đừng quên cầu cho chúng con, nhất là cầu riêng cho con, vì con vừa làm Bề trên, làm cha nhà tập, vừa làm đốc công xây nhà, lại còn làm cha sở mà con thì không có tư cách gì về các việc ấy! Con yêu dấu của mẹ

                                    Fm.Benoit

Ngày 15 tháng 08 năm 1922 cha viết: “…Con xin mừng lễ bổn mạng mẹ, chúc mẹ một lễ sốt sắng thánh thiện. Lẽ ra con phải chúc mẹ một tháng trước, song tại con lo ra vì hằng suy đến Đức Mẹ mọi ngày mỗi năm mừng không biết bao lễ Đức Mẹ, nên khó nhớ riêng ngày lễ Đức Mẹ lên trời là bổn mạng những người tên thánh là Maria. Nếu mẹ nhận tên thánh là Francoise Louise, thì con đỡ quên hơn vì các thánh ấy mỗi năm có một lễ, chớ như lễ Đức Mẹ thì hàng ngày hằng có. Con nói vậy để chữa mình vì con chúc lễ bổn mạng mẹ muộn quá. Song ít là mẹ nhớ con nhớ đến mẹ và cầu cho mẹ nhiều trong ngày lễ Đức Bà lên trời là đủ.

“Sáng nay cọp hắn cũng muốn ăn mừng lễ: dám bắt của chúng con một chú bò con cách vài thước ngay đàng sau nhà.

“Các thầy lành mạnh cả rồi, song còn hai thầy đang ở bệnh viện Huế. Phần con, Henri yêu dấu của mẹ, thì cứ mạnh luôn, hổ ngươi quá đi! Tuần rồi đi chở vôi, con đã chèo luôn 12 tiếng đồng hồ mà không đến nỗi mệt quá! Xin mẹ cầu cho con đừng làm hư phí thời giờ Chúa nhân lành ban cho. Con hằng kết hiệp mật thiết với mẹ trong sự kính mến Đức Chúa Giê su .

Thơ 26-8-1922: “…Không chuyện chi lạ, trừ ra một thầy có chức cắt tóc địa phận Hà Nội mới vào dòng (Thầy Triết) xem ra tử tế, song ốm yếu phải cho làm việc nhẹ. Hai ngày sau lại có thầy trường lớn địa phận Vinh vào. (Thầy Chu) Thầy mạnh khoẻ lắm, nếu cần thì đi cày được. Song con không thích cầy trâu mấy, vì nó đi xiên xẹo méo mó, lại cày bằng gỗ phải sửa luôn và chỉ hơi “gãi” chút xíu mặt đất thôi. Giá được con ngựa và cày tây con thích  hơn. Phần con luôn luôn làm bác thợ cưa, thế mẹ biết phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có cơm ăn, vì là hình phạt Chúa dạy. Chúng con cưa gỗ lim vừa cứng vừa nặng, lại cái cưa Việt nam không được tốt mấy, phải sửa luôn.

“À, con mới học được một nghề nữa, là chèo thuyền không bánh lái, chỉ có nguyên cái chèo, vừa chèo vừa lái một trật. Đó là nghề của con nít mà nay con 42 tuổi đầu rồi, còn phải học! Con được tin mẹ lại đau mắt! Thế là thêm một Thánh giá, một đau khổ! Song đau khổ đời này thì thoát đau khổ đời sau. Mẹ đừng buồn, hãy để Chúa làm việc Chúa người thương mẹ. Người làm chi cho mẹ thì Người biết. Con nói với mẹ thế mà con cũng nói với con như vậy, vì ở đây cũng không thiếu Thánh giá, xin mẹ tin điều ấy. Lại ở đâu mà không có Thánh giá. Ta muốn lên trời mà không phải chết. Chúa cũng  muốn cho ta thế đó, song tại Adong Eva muốn luột khỏi quyền Chúa mà ăn trái cấm, nên bây giờ ta phải đền trái cấm đó. Phải chết thì mới biết ta là không, Chúa là mọi sự. Song Chúa là Cha tốt lành, ta đừng sợ”.

Thơ ngày 13-9-1922 ; “…Con lại đau chân bị ghẻ hờm vì phải một dấu nhẹ rồi bỏ liều không làm thuốc. Đi rú chân không thì hay bị dấu xầy da chảy máu chút chút. Nếu làm thuốc những dấu ấy thì sao cho cùng, nên con bỏ liều, có chỗ lành ngay, có chỗ thành ghẻ gớm thế là con được nghỉ. Nói: con tiếc vì không được đi làm thì nói quá! có lẽ tính biếng nhác của con nó được nhờ chăng! Mặc dầu con muốn lành mau kẻo Đức Cha sắp đến thăm.”

Cha viết ngày mồng 02 tháng 10- 1922: “…Hôm nay lễ kính các thánh Thiên Thần Hộ Thủ, con xin chào kính Thiên Thần Hộ Thủ mẹ, xin Người gìn giữ mẹ luôn. Con cứ đau chân không làm vườn được, phải làm việc trong nhà, quấn chỉ giúp thầy dệt vải. Đó là một nghề để nhớ mình trước mặt Chúa, một nghề không khó, vừa làm vừa nguyện ngẫm được, có khi hơn ở nhà thờ, vì nguyện ngẫm ở nhà thờ lúc hai giờ khuya, thì phải luôn luôn ý tứ kẻo ngủ. Thợ nề đang lợp nhà cơm, dài 20 thước, rộng 8 thước. Khi làm nhà ấy xong mà hoàn công thợ thì chúng con hết nghiệp. Cha quản lý thấy sạch “két” thì lo lắng. Cha Bề trên trường An Ninh đã cho chúng con vay 200đ rồi! Mặc lòng, trông cậy Chúa ! Xin Mẹ cầu cho chúng con một kinh riêng cùng Thánh cả Giuse. Xin Mẹ hằng năng nhớ đến Chúa hơn.

Cố Văn viết ít hàng: “Ngày 05 tháng 08 -1922 tôi lên thăm Phước Sơn. Đến nơi cha Benoit đang mắc việc cần gấp, Ngài mời tôi thăm cha quản lý Bernard. Truyện vãn một lúc Ngài hỏi tôi: “Đó cha có gặp mấy người Cổ-Vưu bán gạch cho nhà dòng họ ra đòi tiền đó không: -Có, họ cùng đi với tôi từ Tiền An lên, đến sở Phước Sơn họ ghé chân nghỉ hút thuốc. Tôi dứt lời, ngài rút ngăn kéo ra, nói: cha coi, bạc chúng tôi chỉ còn 15,20 trự, mà cha Bề trên chúng tôi thì cứ đi quá, như thể ngài có cái “két” đầy bạc ở mô nữa. Tôi đáp: “Cha này, thiết tưởng cha không đọc được kinh Lạy Cha như cha Bề trên đâu! Ngài đọc; xin cha cho chúng tôi rầy hàng ngày dùng đủ. Phần cha thì đọc: xin cha cho chúng con ngày mai và sau này cũng hàng ngày dùng đủ! “Thăm cha quản lý xong, chừng 10 phút sau tôi đến thăm cha Bề trên. Đang cùng nhau truyện vãn, thì có người đem thơ đến. Ngài vội mở, thấy hai tờ bạc trăm người ta gửi cho. Ngài liền dạy đưa cha quản lý, thế là vừa đủ 200đ tiền gạch người ta đến đòi.

Trước đã nói: cha con khởi sự giữ luật từ ngày 01 tháng11 năm 1918. Song sự giữ miệng làm thinh còn hơi rộng: Nghĩa là hàng ngày con được nói chuyện nửa giờ, Chúa nhật hai lần, lễ trọng ba lần đó là một phép rộng cha Benoit chế giảm vào Luật Xitô cho hợp với tính tình non yếu của đệ tử lúc dòng mới sơ khai. Nhưng nay ngài thấy phép rộng ấy không cần nữa, phải rút lại cho hợp luật. Dầu vậy cha còn ái ngại chưa dám quyết định hẳn, nên hội con cái lại hỏi ý kiến từng người bằng cách bỏ vé: Có nên giữ miệng làm thinh nhặt hay là Chúa nhật lễ trọng còn được nói chuyện nửa giờ sau cơm tối cha con khi ấy tổng số 21. Bắt thăm bỏ thẻ xong được 14 phiếu nhất định giữ miệng trọn đời, còn 7 phiếu xin nói chuyện mỗi tuần nửa giờ. Cha vui mừng vì con cái gan dạ muốn giữ trí ý cha. Nhưng tính sao bây giờ? Theo đàng 14 phiếu thì sợ 7 phiếu kia buồn, mà không lẽ lại theo đàng 7 phiếu? Cha bèn cho thử cả hai anh: em tập không được nói chuyện nữa, dầu Chúa nhật lễ trọng; còn anh em thử thì được nói chuyện mỗi tuần nửa giờ sau cơm tối. Khi ấy là thượng tuần tháng 11-1922, như thơ cha viết 13 tháng 11-1922 “…Chúc mẹ một lễ sinh nhật vui vẻ! Con cứ đau chân không đi làm vườn được, mà nay lại chính là mùa làm vườn. Chúng con đã trồng được 2000 cây chè, nếu được thì còn trồng thêm nữa. Không biết con đã nói với mẹ đây chúng con có làm bánh sữa chưa? Song chẳng được bao nhiêu, mỗi ngày mới có ba bốn lít sữa. Chúng con có dùng đôi khi, song nhất là  biếu một cố già 84 tuổi không dùng chi được hết chỉ nhờ chút bánh sữa đó thôi.

“Mới đây con cho các thầy bỏ vé: khi khấn rồi có muốn nói chuyện mỗi tuần nửa giờ hoặc giữ miệng làm thinh nhặt, dầu lễ Phục sinh cũng không được nói. Kết quả là 14 phiếu xin giữ nhặt, còn 7 phiếu xin nói chuyện mỗi tuần nửa giờ. Nếu con tỏ ý trước: Con muốn giữ miệng làm thinh hẳn, thì có lẽ chắc mọi người bỏ vé theo ý con, song vì con không ngỏ ý chi hết, nên còn 7 thầy ưng nói: mặc lòng, đã được hai phần ba muốn giữ miệng nhặt, là dấu họ không sợ giữ miệng cho lắm. Cám ơn Chúa.”

Ngày 27 tháng11 năm 1922 cha viết: “Con xin mừng tuổi mới mẹ xin Chúa nhận lời mẹ cầu xin, ban cho mẹ được lấy Người làm mọi sự cho mẹ. Xin mẹ cũng nguyện cầu ơn ấy cho con và cho mấy thầy dòng của con nữa.”

“Công việc nhà dòng xuôi thuận cả. Quan khâm sứ mới cho chúng con 300 đồng, thưởng công canh phá rừng rú đất hoang. Chúng con được số tiền ấy chính ngày lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11: nên chắc là quà Đức Mẹ ban. Mà vừa khéo! Chúng đang mắc nợ không biết tính vào đâu: nợ cố Bề trên chủng viện An Ninh 200 đồng và một người Việt nam 50 đồng. Thật Đức Mẹ khéo tính quá! Xin mẹ cám ơn Đức Mẹ giúp chúng con! Con tin chắc Đức Mẹ mở lòng quan khâm sứ gửi cho chúng con đó.

“Một bác dê nhảy qua cái hào con mới đào, định vô vườn ăn rau, song nhảy hụt sổ ruột chết. Gia nhân mai táng chú vào nồi, đoạn cùng nhau đại phước. Con không tiếc mấy vì nó phá hại lắm. Con ấy nhảy sẩy chân chết, mà những con khác có sợ đâu! Chết thì chết, cứ nhảy! Chúng chết không chừa cứ giữ cùi dừa bánh đa!”

“Con hằng hiệp nhất với Mẹ trong sự yêu mến Chúa Giêsu và Mẹ Maria!”

Thơ ngày 07 tháng giêng năm 1923: …Con luôn luôn mạnh khoẻ. Chân lành rồi, không đau chi nữa. việc nhà cũng xuôi, xong không được vui trọn vì Mẹ biết: dưới đất này không chi hoàn hảo. Mấy ngày nay mưa to gió lớn, lạnh queo, vườn tược cây cối úa cả. Một thầy đau phải đi nhà thương, còn mấy thầy ở nhà thì ma quỷ nó khuấy quá: hết thầy này đến thầy nọ, coi bộ tịch họ buồn thiu, làm con cũng buồn! Vậy phải làm chi? Phải cầu nguyện, phải nhịn nhục, phú dâng mọi sự thuận theo ý Chúa, vì những buồn như vậy không lâu: buồn đó rồi hết đó. Song có điều khác thầy này vừa vui thầy kia lại buồn, thành ra con lại sinh ái ngại. Ôi! Chớ chi con được làm một thầy nhà tập rốt hết thì khỏi lo về việc ai cả! Con nói như vậy để xin mẹ cầu nguyện cho con và cho các thầy hết thảy, vì cả nhà dòng hèn mọn con đây chỉ nội một tuần cũng đủ tan nát hết mà con không thể chống đỡ  lại được cách nào, có khi con lại làm hư mau hơn. Nếu công việc xuôi thuận thì rõ không phải tại con, song là tại Chúa. Càng ngày con càng thấy rõ sự thật, cảm ơn Chúa!

“Còn chuyện chi nữa? à! Chúng con đã khởi sự bán bánh sữa tại Huế. Nếu bán chạy thì chúng con sẽ kiếm được tiền độ thân theo cảnh nghèo…”

Từ giã Mẹ. Fm. Benoit.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 Thứ 3 Tuần IV PS, Ga 10, 22-30: Chiên đích thực của Chúa

 Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh Chiên Đích Thực Của...

18 Tháng Mười Hai – Mt 1,18-24

EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA Lm M.Phêrô Khoa Lê...

19 Tháng Mười Hai – Lc 1,5-25

  TIN MỪNG CHO ÔNG BỐ VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI...

21 Tháng Mười Hai – Lc 1 39-46

  BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC MẸ THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM Lm M.Phêrô...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...