Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

PHẦN THỨ NHẤT

Từ khi cha Benoit sinh ra đến khi lập Dòng: 1880-1918

 

CHƯƠNG I

Gia đình Ông Bà Denis – Henri ra chào đời – Hai Ông Bà sốt sắng dạy con

 

Hồi năm 1870 ở bên Pháp, ở làng Vimille, xa thành Boulogne sur mer chừng 7 cây số, có một gia đình hai vợ chồng son, nghèo túng phần xác, song phú túc phần hồn, ông chồng tên là Henri Cyrille Denis, bà vợ tên là Anne Marie Geffroy. Ơ đồng nội khó bề sinh sống, hai ông bà đem nhau lên tỉnh Boulogne thuê một căn nhà ở phố Chemin-Vert kiếm kế sinh nhai. Song ngặt vì vốn liếng không mấy, công nghệ cũng chẳng hay, nên phải xoay nghề làm bánh mì.

Trong các thành thị lớn phải có những lò bánh mì to, hằng ngày xe chở bánh đi các phố phát bánh biên sổ cuối tháng thâu tiền, song cũng không thiếu những hàng bánh nhỏ bán rong, con nhà thợ thuyền mua một vài cái với tiền mặt đề con nhà hàng có đồng ra đồng vào, như hàng bánh của ông bà Denis đây. – Con ăn đầy tớ không có, ông bà phải tay làm hàm nhai. Ông ở nhà thấu bột nướng bánh, bà xách bị bánh đi khắp phố bán rong. Ơn Chúa thương cho hằng ngày túc dụng. Lần hồ mua được chiếc xe độc mã, ông lại kiêm cả việc đánh xe đi bán bánh các vùng phụ cận.

Ông bà đẹp duyên cầm sắt đã lâu mà không con, đêm ngày những chay kiêng nài xin Chúa ban chút miêu duệ khi tóc hoa da mồi. Cầu được ước thấy ngày 17 tháng 08 năm 1880, bà Geffroy mãn nguyệt khai hoa, sinh cho ông Denis một trai dĩnh ngộ. Khi ấy hai ông bà vui mừng hết chỗ nói, khác nào Tổ Phụ Abraham và bà Sara vui khoái khi Chúa cho sinh được Isaac vậy.

Khỏi ít ngày ông bà đem con đến nhà thờ chịu phép thánh Tẩy, dâng con cho Chúa và đặt cho con thánh hiệu là Henri.

Trẻ Henri phải chăng là Isaac, Chúa chọn làm Tổ phụ dân riêng Người? Nên Chúa soi lòng cho cha mẹ sớm huấn luyện con những đức tính cần cho công việc Người sẽ uỷ thác. Bà Geffroy đạo đức sánh tầy bà Aleta thân mẫu thánh tổ Bênađô. Bà siêng năng dạy con đọc kinh cầu nguyện và ái mộ sự đọc kinh cầu nguyện. Như lời Henri viết trong tập nhật ký tôi có phước vì ngay từ thơ ấu đã được mẹ cho biết ham mộ sự đọc kinh cầu nguyện “Phúc đức tại mẫu là thế”!

Ong Denis không chịu thua lòng sốt sắng của bà. Dẫu hằng ngày phải thức khua dậy sớm thấu bột đốt lò nướng bánh, mà kinh hạt ông không bao giờ bê trễ. Tinh mờ sáng ông gọi mẹ con dậy đọc kinh. Rồi bắt phải nín lặng ba giờ luôn để cầm trí nguyện gẫm (chính ngài kể lại).

Những khi đi đánh xe bán bánh chung quanh thành, phải qua một đồi nhỏ có đền thánh giá, ông thường dừng xe xuống, xuống quì cầu nguyện lâu. Khi Henri lên năm sáu tuổi, có lần ông cũng đem theo để tập quì cầu nguyện trước tượng Thánh Giá.

Ông đọc kinh nhiều mà làm việc cũng hung, làm việc đến quên ăn quên ngủ (thư 43) quên lo cho mình (47). Ông thường nói với vợ con: “làm hành bánh thì có việc luôn, khi việc này lúc việc nọ (thư 169). Song không phải ông ham tiềm mà tham việc, ông chỉ nhằm vào mục đích duy nhất là thi hành luật Chúa: phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có bánh ăn! Ông cũng làm việc để cứu trợ phần nào những nỗi thống khổ nhân loại. Nhiều lần ông sai Henri đem của làm phúc bố thí, cốt tập cho con biết thương đồng loại và khinh chê bạc tiền (thư 58).

 

CHƯƠNG II

Henri đi học – Có lòng mến mẹ – Bà Geffroy qua đời – Ông Denis tái hôn – Tích người Do Thái – Ông Denis đem trẻ Henri về quê.

 

Trẻ Henri cứ hấp thụ luồng không khí êm đềm đạo đức ấy mà lớn lên trên gối mẹ, đến chừng sáu bẩy tuổi thì cha mẹ cho vào trường các Sư huynh La-san. Trí khôn sắc sảo, tính khí lanh lợi, Henri lại ngoan nguỳ đạo đức, các thầy không ai không đem lòng mến thương. Henri tiêm nhiễm trí ý thầy dòng từ ấy. Thấy các vị giáo sư khen con thông minh đạo hạnh, bà Geffroy càng yêu mến lo lắng cho con, ngày ngày đi bán bánh trưa tối ghé nhà trường dắt con về.

Phần Henri yêu mến mẹ chí thiết, hễ đi học về là cứ quấn quít bên mẹ, lúc đọc sách, lúc kể truyện hoặc khoe bài vở được điểm tốt cho mẹ xem. Nhà ông bà Denis thuê có hai tầng, ông bắt Henri ở tầng trên yên ắng tiện bề đèn sách. Ban đêm có truyện chi thì kéo dây chuông cho mẹ lên. Henri lấy làm cực vì phải xa mẹ ban đêm nên hay lập kế gọi mẹ, khi thì kêu đau răng đau bụng, lúc lại van nhức đầu sổ mũi, sao cho mẹ ở với mình là được. Nhưng Henri hay sợ cha, vì ông Henri dầu rất thương con song ít nói, bộ tịch lại nghiêm trang, sống cuộc đời nội tâm luôn với Chúa. Ông lại hay tập cho con nên can đảm, có lần ở tầng trên ông cầm hai tay con giơ ra mà bảo: “yên, giẫy thì thả xuống!” (chính ngài thuật lại).

Henri với cội thung huyên sống đời ấm cúng, yêu nhau nồng hậu. Ai ngờ thế sự đổi thay, hoa kia mới nở mà nay đã tàn! Hân hoan ví chẳng tày gang, biển dương phẳng lặng đổi sang sóng kình. Bà Geffroy đang mạnh khoẻ, bỗng ngoạ bệnh. Hai cha con bỏ hết công việc tìm thầy chạy thuốc. Nhưng bệnh của bà chẳng những không thuyên, lại ngày một trầm trọng. Henri dẹp hết sách vở đồ chơi lại một góc, chỉ quấn quít luôn bên giường mẹ. Phần bà Geffroy biết bệnh mình không qua khỏi, bà đau đớn phần xác, lại thêm cực phần lòng, cực vì thương chồng thương con; song đầy lòng đạo đức, bà cúi đầu vâng theo thánh ý Chúa, phú dâng chồng con trong tay Người, rồi dọn mình nhắm mắt thở hơi cuối cùng. Bấy giờ là năm 1888, Henri lên 8 tuổi, vừa đủ trí khôn cảm thấy những nỗi ưu phiền, châu luỵ, của ngày tang tóc, ngày con mất mẹ.

Ông Denis tơ vò chín khúc, nhất là thương hại cho con một yêu dấu, gặp cảnh gia đình thanh bạch, bấy lâu được bà hiền mẫu ấp ủ mà nay lại phải thân cô thế yếu. Hiện trạng ấy dun dủi ông đến việc tái hôn.

Ông hết sức cầu xin Chúa cho người bạn trăm năm vừa ý Chúa. Sau mấy tháng suy hơn tính thiệt ; khi đoạn tang bà rồi cực chẳng đã ông phải tái duyên để có người trấn tĩnh khi tắt lửa tối đèn và dưỡng dục con yêu dấu.

Theo lẽ thường, Henri phải cựa vì tránh sao khỏi câu: “dì ghẻ con chồng!” thoát sao khỏi nỗi cay nghiệt vì nàng Agar với Isaac, vì cửa miệng thường nói! “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ có thương con chồng?” Thậy vậy; song luật chung, cũng có luật trừ, nên phương ngôn lại có câu: “Mấy đời bắt cá tay không, ai ngờ dì ghẻ con chồng thương nhau!”.

Nhờ ơn Chúa ban cho ông Denis tái hôn, được một bà đạo đức tốt lành, không kém bà Geffroy. Từ khi bước chân về, bà nhận con trẻ Henri làm con và thương yêu lo lắng cho, như chính con đẻ của bà, nhất là vì bà không được mụn con nào, nên bao tình thương trong trái tim bà đều trút cả lên đầu Henri. Trước khi rước bà về, ông Denis đã khôn khéo dạy cho con biết cách xử sự với bà kế mẫu, nên cậu hết tình âu yếm bà như chính thân mẫu mình vậy. Về sau khi Henri làm linh mục qua Việt Nam viết thư về thăm bà, thì hằng dùng những kiểu nói tận tình chí thiết, đọc thơ ai không biết tưởng người con rất hiếu thảo viết cho thân mẫu rất yêu quí của mình.

Bà này có lẽ quen việc tề gia, nên nhiều lần khuyên ông Denis xây nhà mà ở hơn là thuê nhà trả tiền tháng. Song vì mộ mến đức khó khăn tiết kiệm, ông cứ trả lời quanh cho vui, như rằng: “Mình có trông sống được chín trăm tuổi như cụ Mathusalem đâu mà xây nhà! (thư 157). Những mẩu chuyện đó in sâu và tâm khảm Henri (thư 58).

Gần nhà ông có một người Do thái phú hộ, thấy trẻ Henri sáng trí lanh lợi, tướng mạo anh hùng, thì yêu thương lắm. Bác ta nghĩ: “thằng này coi bộ tướng tá, mai sau có thể biến thành một tay lợi hại không vừa, song rủi gặp cảnh gia đình quẫn bách, lại thêm nỗi mẹ ghẻ con chồng, khó trông công thành danh toại; chi bằng ta đứng ra bảo lãnh cho nó xây dựng cơ đồ.” Om mối hy vọng đó, bác ta đến nói ông bà Denis xin giúp tiền học phí cho Henri, sau có làm nên danh phận trả ơn thế nào cũng được.

Ông Denis là người trọng đức khinh tài, lòng tin mạnh mẽ, không chấp nhận việc ấy, song cứ tiếp khách cho qua buổi. Khách về rồi ông bà cùng nhau bàn tính: “Thôi thà con mình chịu dốt, chẳng thà nó mất đức tin. Nó còn trẻ người non dạ, nếu đem trao vào tay người Do thái bảo lãnh, thông thái tài giỏi đã chắc đâu, mà ngay bây giờ đẩy liều nó vào cõi chết phần hồn! Mình túng thì túng chớ, Chúa nhân lành đâu nỡ bỏ kẻ trông cậy Người. “hoàng thiên bất phụ hảo tâm-nhân”. Bàn tính vậy ông liền đi gặp người Do thái cám ơn và từ khước một cách lịch sự.

Quả thật, Henri học hành ngày một súc tiến, hai năm sau thi đậu tiểu học, được nhà nước cấp học bổng.

Bấy lâu ở trường các Sư Huynh, Henri cũng đã học kinh bổn song khi lên 9 năm 1889 mới chính thức học đạo lý trong trường cha sở dưới quyền điều khiển của cha phó giám đốc quí hiệu Eloy (Cha này sau nhập hội các cha Dòng-sai qua Việt nam địa phận Vinh rồi thăng quyền Giám mục biểu hiệu là Đức Cha Bắc (Monseigneur Eloy).

Độ hạ tuần thánh tư 1892 Henri theo cha mẹ về Wimile dọn mình rước lễ vỡ lòng và làm phép Thêm Sức. Ơ đó cậu đi học đạo lý với cha bổn sở mỹ-tự Billot. Cha có tính vui vẻ dạy nhiều điều hay. Henri thích lắm, thường tìm những câu thắc mắc xin cha phân giải cho vui cha rất hài lòng, tặng cho cậu cái biệt danh là thầy thần học nhỏ của ngài (thư 156). Sau này sẽ thấy câu nói chơi của cha Billot nên lời tiên tri cho cuộc đời Henri thế nào.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 Thứ 3 Tuần IV PS, Ga 10, 22-30: Chiên đích thực của Chúa

 Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh Chiên Đích Thực Của...

18 Tháng Mười Hai – Mt 1,18-24

EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA Lm M.Phêrô Khoa Lê...

19 Tháng Mười Hai – Lc 1,5-25

  TIN MỪNG CHO ÔNG BỐ VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI...

21 Tháng Mười Hai – Lc 1 39-46

  BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC MẸ THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM Lm M.Phêrô...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...