CHƯƠNG III
Henri rước lễ vỡ lòng – Vào Tiểu Chủng Viện – Ông Denis đi thăm con – Henri làm y tá – Kỳ nghỉ hè – dạy học trẻ – Chuyện người nước Anh
Henri về Wimille một năm thì được rước lễ vỡ lòng và chịu phép Thêm Sức, dịp lễ Mình Thánh tháng 6- 1893. Cũng kỳ niên giải năm ấy Cha Golliot và giáo sư Tiểu chủng viện thành Boulogne bạn đồng liêu vời cha Eloy, cũng là người làng Wimille, thấy thầy thần học nhỏ của cha Billot, nết na đức hạnh, trí tuệ thông minh, thì muốn nhận cho đi nhà trường. Cha đến tỏ bày ý kiến với ông bà Denis. Không ngần ngại, ông vui mừng tạ ơn Chúa, ký thác con cho cha để ngài lo liệu cho nhập Tiểu chủng viện. Tự thâm tâm linh hồn, Henri nghe tiếng Chúa kêu gọi như thánh Phêrô: “Hãy theo Thầy”.. cậu vĩnh biệt ngay cái trần tục xa hoa với bao hứa hẹn của đời sống. Cậu Henri nay đã thành chú Henri Denis[7]. Chú trọ học nhà cha sở và mãn tháng hè theo cha Golliot về Tiểu chủng viện. Trung thành với lời cha dặn khi mẹ tắt hơi, từ nay xa nhà thì Denis nhận Đức Mẹ làm mẹ thật với hết tình mến yêu tha thiết. Mỗi khi nhớ mẹ dưới đất thì lại giục lòng mến Mẹ trên trời.
Denis đi rồi thì ông bà lại dọn dẹp trở về Boulogne, đêm ngày những bùi ngùi thương nhớ, định tâm có ngày đi thăm con.
Vốn ông Denis biết con có tính hiếu thắng, ưa hành ngơi lộng lẫy nên muốn nhờ dịp đi thăm này mà dạy con bài học khiêm nhường. Ông xuất hành với bộ áo rất xoàng, mang đôi giày cũ rích, đến nơi xin gặp chú Henri Denis.
Với cặp mắt đầy châu luỵ, Denis bước ra gặp cha, vì thấy cha ăn mặc lôi thôi thì buồn, hổ ngươi với chúng bạn. Bắt được điểm yếu của con ông ngồi phệt ngay xuống xó nhà gọi con đến nói chuyện. Thẹn đỏ mặt, chú xụt xùi nói: “Thưa cha, có bàn ghế kia sao cha không ngồi lại ngồi phệt ngay xuống đó? Họ cười cha con mình chết!”. Nghiêm nghị đưa mắt nhìn con, ông đáp: “họ cười thì để mười cái răng ra chớ sao mà sợ. Đức Chúa Giêsu có sợ người ta cười đâu? Bàn ghế để kính những vị quí khách, cha con mình hèn ngồi đâu cũng được!”. Tích ấy chú Denis nhớ trọn đời, thuật đi thuật lại không chán.
Chú Denis rất hiếu học, lại bắt chước cha hâm mộ việc thủ công nên thấy trò nào nhác tự nhiên không bằng lòng – Trong Tiểu chủng viện cha bề trên cử chú làm khán hộ. Một hôm giữa mùa đông tuyết sa lạnh ngắt, chú vào nhà liệt thấy mấy trò nằm chơi coi bộ làm bệnh kiếu học. Denis ta miệng chúm chím cười, tay mở phanh các cửa ra nói: “Các anh đau cần phải có khí tốt!”. Mấy trò đau kêu la xin đóng cửa. Bác khán hộ nhất định một hai không. Hai bên quay đấu khẩu. Bà Phước coi bệnh nhân phải đem việc trình Bề trên. Ngài bật cười xử cho khán hộ ta đắc thắng!
Một năm qua kỳ niên giải tới, Denis về thăm cha mẹ, chú tự làm một thời khắc biểu: giờ thì đọc kinh xem lễ, giờ thì giúp cha khấu bột làm bánh, giờ thì lại đi cắt cỏ ngựa hoặc theo mẹ ra bờ biển hái rau. Chiều tới, chú thường dạy trẻ láng giềng, thế tất họ cũng chi độ ít nhiều đỡ tiền xe pháo sách vở. Chúa nhật lễ nghỉ Denis xin phép cha mẹ đi thăm viếng kẻ khó khăn liệt lào.
Gần nhà gia đình ông bà Denis có một gia đình nước Anh giầu sang đạo đức, hai vợ chồng và ba đứa con. Buổi tinh sương mọi người thức dậy đọc kinh xem lễ, rồi chia nhau mỗi người đem một vali thực phẩm đi trợ cấp những gia đình bần bách. Tối đến, cả gia đình lại thâu hiệp xem sách, đọc kinh rồi đi nghỉ. Ngày qua tháng lại công việc chỉ có bấy nhiêu. Được ít lâu bên Anh có việc, cả gia đình bên ấy phải về để lại cho nhà ông Denis mối luyến tiếc không nhỏ vì bấy lâu thân cận nhờ nhau: bà con xa đâu bằng láng giềng gần! Khi mới qua bên Pháp, ông làm giấy thuê sáu năm và trả tiền mặt. Ai ngờ bất hạnh ở được bốn năm phải về. Ong tưởng ai cũng thật thà như mình nên không lấy biên lai. Ong về được ít tháng thì người Pháp tham tâm nọ viết thư sang đòi tiền một lần nữa và đe nếu không trả sẽ đưa ra toà.
Được thơ, người Anh đem đủ số bạc sang trả. Cha con ông Denis biết rõ câu chuyện tức giận vô cùng, bảo người ấy có đi kiện thì mình sẽ minh chứng sự thật. Nhưng người Anh đáp: “cảm ơn ông vô cùng! Dám xin ông nhớ lời Chúa phán: ai vả bay má hữu thì hãy giơ luôn má tả, ai lấy áo ngoài thì đưa luôn cả áo trong! Phần tôi phải trả hai lần như thế nữa tôi cũng bằng lòng. Tôi không ra nghèo hơn vì sự ấy còn người Pháp nọ cũng không vì đó mà nên giầu.” (thư 67)
Tấm gương ấy quyết định cho Denis một lòng khinh chê tiền bạc đến triệt để: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.
CHƯƠNG IV
Chú Denis mãn Tiểu Chủng Viện – Thi tú tài phần 1 – Đi Lille dọn tú tài phần 2 – Xin cha mẹ cho nhập Hội Dòng Thừa Sai Paris – Thụ phong linh mục – Được bài sang Việt Nam – Giây phút phân ly.
Nhật nguyệt thoi đưa, chú Denis đã mãn sáu năm Tiểu Chủng Viện nay soạn đi thi tú tài I. Ơn Chúa thương, chú được chiếm bảng vàng danh dự. Đậu rồi, cha Golliot lại cho tòng học tại trường cao đẳng thành Lille để dọn tú tài phần II. Song rủi, vì vui chúng vui bạn, trước khi vào vấn đáp họ có đãi cho một chén Café pha rượu mùi, Denis chếnh choáng trượt mất! Xét theo lực học, chú phải đậu quán quân, song ý Chúa nhiệm mầu không cho chú lên được hết bậc thang sĩ hoạn kẻo ngọn sóng thời gian lôi cuốn.
Thế thường trượt khoá này bầy khoá khác, có hữu chí mới cách thành. Song chú Denis nhất định thôi không theo đòi nghiên bút nữa. Tự thẩm cung linh hồn chú nghe tiếng Chúa gọi: “Cha khát, Cha khát các linh hồn!” Denis mường tượng như thấy triệu triệu linh hồn suy vong trong biển lửa hoả hào. Chú không cầm mình được nên định xin cha mẹ cho nhập hội Dòng Thừa Sai Paris.
Thế ra chú Denis thi không đậu thì phẫn chí đi tu à! Không, ý tưởng tốt lành ấy đã in vào trí não chú Denis ngay từ khi học lớp năm. Số là kỳ nghỉ hè đầu tiên, chú về xứ thì không thấy cha Eloy cựu giáo sư đạo lý khi trước, hỏi ra mới biết cha được ơn kêu gọi làm tông đồ ngoại quốc, nên đã xin phép Đức cha địa phận cho nhập Hội Dòng sai Paris.
Hoá ra cái ý tưởng đi giảng đạo cho dân ngoại cứ phảnh phất trong trí não chú Denis; thế là Chúa đã dùng ơn lành cha Eloy mà gieo ơn thiên triệu vào lòng chú Denis, hợp câu ví: “Lời nói dỗ dành, gương lành kéo đi” (exempla trahunt, verba movent). Cha Eloy tập thử một năm thì được bài sang Việt Nam, địa phận Vinh như đã nói trên.
Vậy chú Denis bỏ Lille trở về Boulogne để bàn việc ấy với cha Golliot. Vì là một việc đại sự, bỏ quê cha đất tổ, liều thân thí mệnh nơi cõi lạ phương xa để cứu vãn sinh linh cho Chúa, chú Denis suy xét kỹ và cầu nguyện nhiều, rồi đi thưa cha Golliot một vị linh mục khôn ngoan trong việc hướng dẫn thiêng liêng; nghe chú tỏ bày ý kiến, cha thấy rõ Chúa muốn chọn con thiêng liêng mình làm khí cụ mang Danh Thánh Chúa đến viễn phương. Không chút do dự, cha biểu đồng tình ngay. Cám ơn Chúa, thế là Denis chỉ còn phải xin phép cha mẹ nữa là xong.
Việc này gay nhất. Than ôi! Cha sinh mẹ dưỡng đức cù lao lấy lượng nào đong! Ngàn đời không báo đáp nổi chữ hiếu trung! Denis là con một, gia phong lại quẫn bách. Cha mẹ đặt hết hy vọng vào tài trí con, mà nay con nỡ đành tâm cắt đứt dây gia đình! Những ý tưởng ấy nổi lên như sóng trùng dương trong lòng Denis, xâu xé con tim chú ra trăm mảnh. Bổng nảy ra trong trí lời Chúa phán: “Kẻ yêu mến cha mẹ hơn Ta thì chẳng đáng làm đầy tớ Ta!”. Chú Denis như tỉnh giấc chiêm bao, lửa kính Chúa ái nhân ngùn ngụt bốc cháy. Rồi một chiều sau cơm tối, chú mạnh dạn nói: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, nếu đẹp ý cha mẹ thì xin ban phép cho con đi Balê nhập Hội Dòng thừa sai, vì con nghe thấy rõ tiếng Chúa gọi con”.
Thoạt nghe hai ông bà rời rụng chân tay. Bà Denis với chú tuy không phải khúc ruột liền, song là kế mẫu thực danh chứ không phải như ai có tiếng mà không có miếng. Phần ông Denis thương con hơn mình, song không chịu thua lòng đạo đức của con. Hai ông bà cố sức trấn tĩnh như hiến tế con một cho Chúa như thánh Tổ Abraham. Sau mấy phút đàm đạo, ông nhả ra một lời vàng ngọc như lưỡi gươm giết chết người cũ trong chú Denis, ông rằng: “ừ con đi đâu thì đi, làm chi thì làm song đừng kiêu ngạo, nghe con!”. Oi lời khuyên đáng giá ngàn vàng, bao hàm cụ thể con đường thiêng liêng. Chúa phán: “Không Cha chúng con không làm chi được”[8]. Và thánh Tông đồ tuyên ngôn: “Có ơn Chúa giúp tôi làm được mọi sự” (Phil 4,13). Mà ơn Chúa chỉ ban cho kẻ khiêm nhường, trái lại, người chống với kẻ kiêu ngạo (Gac 4,6; 1Pr 5,5). Sau mới thấy lời khuyên quí báu ấy sinh mỹ quả cho chú Denis dường nào.
Chú Denis được phép song thân rồi, thì sửa soạn hành lý, từ giã bà con thân thuộc đáp xe hoả đi Balê nhập đại chủng viện các cha Dòng Thừa Sai. Thế là từ nay chú Denis đã trở nên thầy. Khi thầy tòng học ở đó, năm nào ông Denis cũng đến thăm con với bộ áo xoàng xĩnh để nhắc nhở con đức khó khăn và khiêm nhường là hai nhân đức ông đặc biệt luyện tập cho con.
Theo lời các đấng đồng liêu minh chứng, thầy Denis khi ấy được liệt vào sổ sinh viên hạng nhất. Trong hành vi cử chỉ không có chi khiến các Đấng bề trên hồ nghi về ơn kêu gọi của Thầy. Thầy nghiêm trang đứng đắn, song vui vẻ, bạn đồng nghiệp ai cũng mến thương. Thầy đạo đức, sốt sắng, sáng trí, thông minh hơn các chủng sinh. Sở trường khoa âm nhạc và đàn hát, thầy lại đọc Latin rất mau rất rõ.
Sau khoa triết lý và thần học, ngày 07 tháng 03 năm 1903, lễ Thánh Thomas, giữa cảnh huy hoàng lộng lẫy đền thờ Đại chủng viện Balê, thầy sáu Denis thụ phong linh mục. Chúa thánh thần phán: “từ nay con là linh mục vô chung theo phẩm trật Melchisedech”.
Thụ phong rồi cha dọn mình lãnh bài sai. Cha mơ ước sang giảng đạo bên Caoly để chịu lạnh, vì mùa đông hàn tử biểu có khi xuống tới 30 độ dưới, đó là trót ý nguyện của cha. Song thánh trí Chúa nhiệm mầu, từ thưở đời đời đã chọn cha Denis cho dân Việt Nam. Cha bề trên Đại chủng viện Dòng sai Balê viết tờ sai cha Denis qua Việt Nam địa phận Huế. Fiat! Con xin vâng!
Cha về thăm bản quán lần sau hết, đoạn đi Lille từ giã một gia đình ân nhân (Hyacinthe-Louvier) đã giúp cha theo đuổi sách đèn. Ngài nóng lòng sang Việt Nam cho mau, nên vội vàng trở về Balê. Sửa soạn đồ song là ngày 29 tháng 04 năm 1903 để đi Marseille. Khi ấy ông Denis đến Balê gặp con lần sau hết. Ông vào Đại chủng viện, đứng dưới thang chờ con xuống.
Giây phút phân ly, giây phút châu luỵ. Cha con áp má nhau: dòng châu bên nọ gợi suối luỵ bên kia. Cái hôn âu yếm, Cái hôn đau đớn! Cha Denis ấp úng không nói ra lời. Ông Denis chỉ nói được một câu: “Con đi mà nhớ rằng làm việc cho Chúa không bao giờ quá”.
Chúc ngôn quí báu dường nào! Thật là cả một rương vàng cha trối cho con.
Đồng hồ điểm 8 giờ tối! Một tiếng còi rúc! Cha Denis từ giã Marseille, bỏ lại đàng sau quê hương thứ nhất, để trèo sóng chém gió tiến tới quê hương thứ hai. Con tàu rẽ sóng. Trời trời…nước nước…mây mây, đăng trình thiên lý không ngày hồi hương! Đức kính Chúa nhân ái lọt nước mắt cho cha Denis, đem cha đến nơi tận hiến tính mạng để làm hiển danh Chúa trong công cuộc truyền giáo.