CHƯƠNG IX
Còn nói thêm về đức tính cha giáo Thuận, nhất là 5 năm sau hết trước khi lập dòng, theo như thư các cha làm chứng- kiêm chứ quản lý.
Trước đã nói cha giáo Thuận hãm mình rất nhiệm nhặt, hồi làm giáo sư kỳ thứ nhất. Kỳ này cha lại tăng gia khắc khổ hơn nữa. Các cha làm chứng: một năm trước khi lập dòng, nhiều bữa buổi mai buổi tối ngài chỉ dùng một chén càfê, một trái chuối hay một vài lát mứt, có khi ngài giả bộ lấy vịm cơm rớt vào chén, làm chi qua quýt cho bề trên biết là ăn, rồi ra dấu cho các chú cất đi. Đến sau cha Bề trên biết song làm thinh thì buổi mai, buổi tối ngài không dùng chi, nhưng cũng xuống nhà cơm hoặc xem sách hay nghe sách và nói chuyện vui vẻ với các cha. Bữa trưa ngài dùng ít và mau lắm. Mùa chay thì ngài giữ chọn 40 ngày rất nhặt song cứ làm việc hăng hái in thường. Ngài chỉ dùng rau, măng, nhiều bữa chỉ dùng cơm không, nhất là một năm trước lập dòng. Các chú giúp bàn thấy vậy, chỉ chỏ nhau mà cười, cha giáo Thuận chọc chơi lại: “Chú cười cha, e cha cắt mũi đa!” rồi ngài cũng cười. Về phòng ở thì rất đơn sơ như đã nói trước. Ngài không có mùng muỗi cha Bề trên thấy muỗi cắn ngài đầy mặt mũi chân tay thì bảo may mùng cho ngài, song không biết ban đêm ngài có dùng không. Học sinh thấy ngài hãm mình thì cười cho vui, dần dần thi nhau bắt trước. Có chú trong 4 năm chỉ ăn cơm nể hoặc cơm muối mắm dưa cải, sau cha Bề trên biết thì cấm nhặt. Cách cha giáo Thuận ăn ở khổ hạnh đã đổi chủng viện ra tu viện. Nếu ngài cổ động các chú theo ngài tu rú kể năm bảy chục! (Trích thư các cha Bá, Tịch, Luyến).
Ngài hãm mình nhiệm nhặt song không mất sự bằng an vui vẻ, trái lại cha rất lịch sự nhã nhặn với mọi người. Ngài có tài tiếp khách, hễ ông Tây nào đến thăm nhà trường thì cố Bề trên Hoà cho mới cả cố Thuận ra, nói chuyện mấy phút rồi thì cha Bề trên cáo từ để mình cố Thuận tiếp khách. Nhiều ông tây nói chuyện với ngài lấy làm thích thú, say mê cách ngài nói chuyện. Ngay người Việt Nam cũng vậy, nhiều người đến hầu chuyện ngài chở về tắc lưỡi ngợi khen, cha nói chuyện rôm rả, có tài dậm câu hay chuyện cổ khôi hài, gặp cha một lần, thì đem lòng mến phục. Một cha viết: “Ngài có tài khẩu thiệt, đọc latinh rất mau, rất rõ; nói chuyện cũng rất khéo, muốn nói vui cười lúc nào cũng được, song chẳng bao giờ nghe ngài nói một lời thô tháp”. Bởi ngài có tính lanh lẹ vui vẻ, nên hàng năm đến lễ thánh Giuse bổn mạng cha Bề trên nhà trường thì các cha quen xin ngài đặt tuồng cho các chú diễn, vì tuồng ngài đặt hay nhất, nói ra ít câu đã làm cho ai nấy cười nôn ruột, bổ ngả bổ nghiêng, trúng như tôn chỉ trong Kinh Thánh ngài quen nhắc lại khi dậy học: “Hãy làm tôi Chúa cho vui vẻ: Servite Domino in laetitia.[9]
Cha giáo Thuận còn có một đức tính rất là quý lá ý mạnh mẽ. Ngài năng thúc dục học trò: “Sau này làm cha rồi phải làm ba điều: “Lập hai họ đạo; xây hai nhà thờ; chép hai quyển sách, sau cùng liệu sao ít là vào trong câu tóm chung Lịch Tử Đạo: “Et alibi aliorum plurimorum, sanctorum, martyrum et confessirum, atque sanctarum virginum: Lại nơi khác còn nhiều thánh tử đạo, ẩn tu và đồng trinh nữa”. Thế đã rõ ý ngài muốn nên thánh, nếu không đích danh thì ít là vào hàng thánh chung. Khi xem lịch thấy ngày nào không có lễ thánh thì phải nói: “ngày này, bữa sau Hội thánh sẽ đặt lễ tôi đây!”. Có lần ngài giảng cho các cha về đức tin rằng; “Giả không có Chúa thì tôi đây cũng là cộng sản hay là chi rồi!”. Bởi vậy đã rõ ngài không chịu được, cái chi lôi thôi, hễ đã quyết nên thánh thì chịu khó hết sức cho được, như lời cố Mẫn là cha linh hướng ngài rằng: “Tôi tưởng các thánh đời xưa cũng không hãm mình chịu khó hơn cố Thuận” .
Ý chí ngài mạnh mẽ đến nỗi có lần ngài nói: “Nếu không có thiên đàng thì phải làm cộng sản!”. Điều đó hiệp ý lời ngài viết trong thơ rằng: “Thưa mẹ tất yêu dấu, con được tin cha Billot qua đời, thì con đau đớn thương tiếc ngài lắm, con sẽ làm lễ và cầu nguyện cho ngài nhiều. Con còn nhớ những điều ngài dạy con xưa hay quá sức. Khi con là thầy lý đoán nhỏ của ngài… May phước cha Golliot đã cho con vào trường, không thì con tưởng chắc thầy lý đoán nhỏ của cha Billot nay đã biến thành một thằng quỷ khổng lồ rồi!”
Vốn tính ngài hăng hái, song có điều khuyết điểm là lấy thước tài năng của mình mà đo kẻ khác, nên nhiều khi học trò phải ca thán vì theo không kịp. Song khi ai nói cho ngài điều khuyết điểm đó thì ngài ra sức sửa mình.
Bởi cha giáo Thuận có ý chí mạnh mẽ đàng nhân đức ngài càng xúc tiến phi thường. Ngài hay than thở: Cả ngày, những sao lãng, chỉ có lúc dọn mình làm lễ, trong khi làm lễ và giờ cán ơn sau lễ là thiên đàng. Cha Thuận làm chứng: “Lúc làm lễ thường thấy mặt ngài đỏ. Làm lể song ngài quỳ một bề, mặt ngó xuống. Chính tôi buổi sáng lên xin phép, gõ cửa vào thấy người cầm cuốn sách ngồi ở giường nguyện gẫm sau khi làm lễ hai mắt lù bù giọt lệ nhỏ xa.” Ngài đọc kinh nhật tụng, dọn mình làm lễ và cám ơn sốt sắng lắm. Kinh nhật tụng thì ngài đọc đúng giờ và đọc trong nhà thờ với dáng điệu trang nghiêm và cầm trí sốt sắng đến nỗi học sinh vào mà ngài không biết. Nhiều người ban sáng không thấy ngài xuống lót lòng. Có khi lên phòng thấy ngày đứng sững, gõ cửa đôi ba lần mới biết. Cơm chưa xong ngài lên nhà thờ cầu nguyện lâu, có khi hai giờ chiều mới ra dọn bài. Cha Kinh nói: “Trưa nào tôi lên nhà thờ tập đàn cũng thấy ngài quỳ đó luôn”.
Cha Chất nói mạnh mẽ hơn: “Cha Benoit là đấng thật sốt sắng kính mến Chúa hết lòng và phi thường, lại rất ái mộ phần rỗi người ta. Câu thánh vịnh rằng: Ascentiones in corde suo disposuit (ps, 83,5,6). Người xếp đặt các bậc nhân đức trong lòng để xúc tiến.” Tôi thiết tưởng thấy nhiều điều như vậy nơi mình cha Benoit ngài đổi tính nết cách lạ lùng và nên trọn lành mau chóng; đầu hết có tính hay thay đổi ít nhiều, sau ra đằm thắm khôn ngoan trước có hơi nóng nẩy, sau ra hiền lành dịu dàng khác thường.”
Một cha kết thúc: Tôi xin theo trí khôn một linh mục biết đàng nhân đức ít nhiều mà nói: Cố Thuận là một đấng thánh, vì thấy ngài có sự sống bề trong rõ ràng lắm, các ý chỉ của ngài khi làm việc rất siêu nhiên, các việc ngài làm không ai bắt được lỗi gì, lời ngài nói cả đời không ai nghe thấy tiếng gì không xứng miệng đấng làm thầy. Còn khi ngài dậy dỗ có nói một hai lời khiến học sinh lấy làm cay đắng, song đó là bản tánh tự nhiên, lại mục đích là sửa dậy, nên cũng là những lời tốt.”
Lòng đạo đức của cha giáo Thuận còn biểu lộ trong cách ăn ở bề ngoài. Ngài thích lớp lang thứ tự, đâu ra đó. Một hôm ngài nói với cha giáo Cẩn: Các chú ở nhà thờ lớp nào ra lớp ấy, tôi cho là khó coi lắm, ví có chú lớp một lớp hai thấp bé, có chú lớp ba lớp bốn cao giò. Tôi muốn sắp thứ tự cao thấp, ai thấp quỳ trước ai cao quỳ sau, bất cần lớp nào! Rồi ngài đi xin cố Bề trên song cố trả lời: “Xưa nay đặt theo lớp cũng không ai nói chi, rầy cứ vậy không việc chi mà thay đổi”. Ý Bề trên là ý Chúa, cố Thuận vui lòng tuân theo. (Trích thư Đức Cha Hồ).
Ngài khó khăn thật, song chẳng chịu được sự gì lây bây, đồ đoàn phải cho đắc hoạch. Trong chủng viện cố Bề trên Hoà đã cao niên, vốn tính thủ cựu, cố Mẫn quản lý tính lây bây, dầu quần cũng phơi trên bao lơn! Dưới nhà cơm có nột cái bàn để đĩa, chén, muỗng, nĩa, cơm, song thì mọi sự cũng để trên bàn ấy. Lại khi ra rượu được bao nhiêu chai thì để cả trong thùng có trấu cho chai khỏi đụng chạm nhau, mỗi lần lấy rượu phải bới trấu bất tiện lắm. Con mắt thứ tự sạch sẽ cố Thuận không chịu được nên định lừa dịp để tẩy chay cái bàn và cái thùng đó. Nhân dịp cố bề trên và cố Mẫn đi cấm phòng. Theo thói, khi bề trên đi khỏi lâu ngày các cha các chú tề tựu đưa chân, kính chúc khang ninh thường lệ. Khi các chú vừa nói mấy lời từ giã đưa chân Bề trên thì ngài tươi cười nói: “Chúng con ở lại bằng an, cầu nguyện cho hai cha đi cấm phòng sốt sắng”. Đoạn ngài quay mặt lại cho cố Thuận nói: cha uỷ nhiệm cố Thuận làm bề trên chúng con một tuần này, chúng con phải vâng lệnh cố như bề trên vậy.” Cố Thuận đáp: có thật cho tôi làm bề trên tuần này chăng?” Cố bề trên Hoà không nghi ngờ đáp: “Làm bề trên thật chớ sao?” nói đoạn hai cha xuất hành.
Cố Thuận nói với cha giáo Cẩn: “Tôi được thăng quyền bề trên một tuần tôi phải kíp làm hai điều tôi quyết định! Tôi cho tìm thợ mộc đóng một cái bàn trong nhà cơm, có ba hộc để muỗng nĩa, giao đũa và khăn lau, trên có kệ để ly chén. Rồi đóng một cái giá để chai rượu, một cái để gác chai không, bỏ trong thùng như bấy lâu coi không được”.
Ngài liền kêu thợ mộc đến vẽ kiễu mẫu cho, và bảo làm cả hai cái trong tuần này, phải kêu hai ba thợ nữa làm cho chóng. Mấy ông thợ làm tất lực, vừa xong hôm trước thì hôm sau bề trên về.
Các cha và các chú đến mừng, bề trên hỏi ở nhà bình an chăng, có chi lạ không? Các chú nghe có chi lạ không, thì cười! Ngài hỏi câu ấy cũng như thường mọi khi chớ chưa biết có việc chi, xong vì thấy các Chú cười, thì ngài phát hồ nghi có điều chi đó. Bấy giờ Cố Thuận mới trình bày: “Nhờ ơn Cha Bề trên ban phép cho tôi làm Bề Trên trong một tuần, tôi đã làm được hai việc lạ: là đóng một cái bàn để dưới nhà cơm và một cái giá để rượu trong phòng đồ!”.
Cố Bề trên dù không muốn cũng phải chịu, biết làm sao được, vì đã ban toàn quyền Bề trên cho Cố Thuận rồi! Bấy giờ Ngài mới biết mình mắc mưu Cố Thuận. (Trích thư Đức Cha Hồ).
CHƯƠNG X
Kiêm chức quản lý- Đi Lào-Cha Thích vào Tiểu chủng viện Cụ thượng Phước Môn- Đức Cha Lý– Đi lính-
Mấy tháng sau hết ở An Ninh.
Bấy lâu cố Mẫn giáo sư lớp VII lớp VIII và kiêm chức quản lý song vì thời buổi chiến tranh (1914-1918), chủng viện không nhận thêm lớp mới, đàng khác họ Thanh Hương khuyết cha bổn sở nên cố Mẫn đắc cử làm bổn sở họ ấy. Cố Mẫn đi rồi cố Thuận kiêm chức quản lý thế ngài . Từ nay cha giáo Thuận không nói được là vô phận sự nữa. Con mắt thứ tự của ngài sẽ thấy nhiều điều phải chỉnh đốn, song ngài phải khôn ngoan biết từ từ hành động, kẻo ra con người hấp tấp. Trước tiên cha mua săng gỗ, kêu thợ sửa nhà quét vôi. Đàng khác cha sai người làm vườn trồng đủ thứ rau đậu cà phê, hồ tiêu, khoai lang, chè, mít… Không để hở đám đất nào. Giữ chức quản lý trong thời buổi chiến tranh không phải việc dễ! Bấy giờ là năm 1917, học sinh đi nghỉ hè tháng 6 rồi, cha phải dọn nhà và lương thực cho 70 cha đến cấm phòng. Đức Cha dạy phải tiết kiệm hết sức, dọn món ăn theo tình cảnh chiến tranh. Song như vậy thì cha quản lý không vui với các cha được! Nên cha giáo Thuận tất lực xoay sở, cứ từ nhà xuống bếp, từ bếp ra vườn, không lúc nào rảnh. (Trích thư Đức Cha Hồ).
Các cha đến cấm phòng, thì cha giáo Thuận làm bổn sở Nhĩ Hạ, coi kẻ liệt giúp ba họ trong một tuần. Song thì ngài đi thẳng lên Lào tìm giáo hữu Việt Nam cho họ xưng tội rước lễ. Ngài viết thư cho bà kế mẫu: “…Con đem theo đây các đồ cho cuộc xuất hành trọng thể lên Lào: hai đôi rương nhỏ, đựng đồ lễ và các đồ cần dùng: quần áo, muỗng nĩa…và một đôi giầy rất mới. Mẹ nghĩ xem con sắp sang một tân thế giới”. Khi bước vào làng thứ nhất nước Lào là làng Tchépone, con sẽ gặp bốn Ông Tây, trong bốn ông ấy có một ông là con quan chưởng thuỷ. Có lẽ các ông thấy con đi chân không thì khó chịu, nên cực chẳng đa con phải mua đôi giầy mới ấy, chớ con định xong giặc sẽ hay! Đi Lào về ngài viết: “An ninh ngày 24-8-1917 – Kính thăm mẹ rất yêu dấu, con vừa đi Lào về, vội kính gửi ít hàng thăm mẹ. Nhờ ơn Chúa con đi về bình an, mọi sự đều xuôi thuận. Con ngựa của con đã chạy hơn 700 cây số mà cũng không sao. Con gặp nhiều người Việt Nam đã lâu không được xưng tội rước lẽ mà nay gặp được thầy cả thì họ lấy làm hạnh phúc vô cùng. Con khởi hành ngày 10 tháng 7, đến Savannakhet gần sông Cửu Long là ngày 27. Mùng một tháng 8 con đi xuồng sang Nong-Seng là dinh thự Đức Cha địa phận Lào. Ở đó đến sáng mùng sáu con lại về Savannakhet và hôm sau con về Việt Nam tới Quảng Trị là ngày 17 tháng tám, vừa gặp kỳ đại hội Đức Mẹ La Vang con ở lại thông công tạ ơn Đức Mẹ. Kỳ hội long trong vô cùng, có linh hơn hai vạn người tứ xứ cùng nhau rước tượng Đưc Mẹ.
Cha giáo Thuận đi Lào về còn dạy tiểu chủng viện một năm nữa (niên khoá 1917-1918). Ngài viết: “Kính thăm mẹ rất yêu dấu học trò con đã tề tựu rồi, năm nay có một chú xuất sắc. Thường học sinh mới vào thì nhỏ mà chú thì đã 28 tuổi! Đó là một giáo sư pháp văn trường trung học nhà nước, đã xin từ chức để nhập học chủng viện. Luật chung không nhận những trò như thế, vì đã có tuổi lại là bổn đạo tân tòng, mới chiu phép thánh tẩy được 6 năm. Song Đức Cha đã mở rộng tay hết sức vì chú đầy công nghiệp. Ông thân sinh chú là cựu Tuần- phủ Quảng Trị làm hết cách không cho chú trở lại; sai lính đánh đòn, tống vào ngục thất, cấm cốc… xử với chú một cách tàn nhẫn mặc lòng chú đã thắng trận toàn công, cứ xin trở lại và ăn ở như một đấng thánh. Chú đã chịu khó nhọc vì đạo, dùng lời nói, chữ viết mà bênh đạo. Đang đóng vai một vị giáo sư trường công, lương bổng hậu, mà chú từ bỏ hết! Các chi tiết ấy làm cho chủng viện ôm mối hy vọng rất lớn: địa phận sẽ được một vị linh mục thánh”. Tức là cha Jean Marie Thích, biệt hiệu Sảng Đình chủ bút báo Vì Chúa.
Thư sau: “…Từ khi tựu trường đến nay, hầu như ngày nào con cũng mất cả buổi chiều mà làm thuốc cho học trò. Học trò mới nhiều chú đem theo ghẻ lở, mụn nhọt đủ thứ, con tìm hết cách mà chữa họ, có chú lành, có chú chưa, nhưng không nặng mấy, không ngăn trở họ ăn học, ngủ nghỉ, và vẫn học được như thường. Khi nào đến giờ làm thuốc, thì phòng con sặc những mùi Phénol và Iodoforme thế thì còn vi trùng nào còn sống được trong phòng con nữa! Con trông cậy mẹ vẫn khoẻ chứ? Nếu mẹ ở đây thì mẹ phải chết nóng vì trời nóng quá lẽ!…Thôi, 10 giờ rồi, con phải đi nằm xem có ngủ được không!Bonne nuit mẹ. Con mở hết các cửa mà vẫn nóng, dầu ra ngoài vườn ngoài sân mà nằm mặc lòng mồ hôi vẫn ra như tắm đó là chút sự cực mà con muốn chịu trăm ngàn lần để cho nước Pháp được trận… Lạy trái tim Đức Chúa Giêsu hãy cứu nước Pháp.
Ở mẹ yêu dấu, ta hãy kính mến Chúa hết lòng, hết sức ta, hằng ngày ta hãy năng suy nhớ đến Người từng trăm, từng ngàn lần, thì dầu xảy ra chi chi thì ta cũng vẫn được phước…”
À còn một chuyện con chưa nói với mẹ là:
Triều Nam có được một quan Thượng Thơ có đạo, trước làm công bộ Thượng Thơ, nay thăng Thượng Thơ bộ lại tức là Thủ Tướng Cơ mật viện kiêm Thượng Thơ Tài Chánh. Ông là một người công giáo hảo hạng toàn gia đều đạo đức sốt sắng đi lễ hàng ngày, xưng tội chịu lễ luôn, thực là một bức gương sáng lạn treo trước con mắt mọi người người giáo hữu. Một người công giáo mà giữ được chức Thượng Thơ mười ba năm trời rồi, thật là một sự lạ! Vì các quan to cả hai chánh phủ, hễ cụ nào ghét đạo thì đều không ưa ông, tại ông năng đi lễ. Dầu vậy, ông cứ bền lòng giữ đạo sốt sắng thật ông là một “Người Việt Nam đệ nhất”, theo như lời một người nước Anh nói. Con chúc cho ông được giữ chức thủ Tướng lâu dài để phúc ích cho Việt Nam, hỗ trợ cho Pháp và lại không quên Chúa.”
Con chưa khơi sự tập “Te Deum” để hát mừng ngày thắng trận, có lẽ sang năm 1918 con mới tập, nếu đẹp lòng Chúa, thì sang năm sẽ được hát”Te Deum” thắng trận.
Trận mạc chi mà lâu quá lẽ! Mặc lòng nó cũng giúp ta càng ngày càng chê bỏ cái thế gian đê-mạt này: người ta chịu khổ hết sức mà không suy đến quê thật mình là nước Thiên đàng!… phần mẹ con ta hãy kính mến Chúa hết lòng hết sức, thì sẽ được vào thiên đàng ngay từ ở đời này, được vậy thì dầu khổ cực đến đâu ta cũng luôn luôn vui cười tươi tỉnh cả ngày được…
Lạy Chúa, xin cho chúng con kính mến Chúa đến bậc ấy! Con cầu nguyện thế cho mẹ và cho con. Phần mẹ cũng xin cầu cùng Chúa cho con nên thánh mà thôi…
Ngày 10 tháng 12 ngài viết: “Con được thư cha Golliot nói về bệnh tật của mẹ, về sự mẹ cầu nguyện cho địa phận Huế, cùng về sự đầy lòng nhẫn nại xứng người giáo hữu, mà chịu những sự khó Chúa gửi đến cho mẹ…”
Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa! Chúa đã để thập giá đè nặng trên vai mẹ con, thì xin Chúa cũng ban cho mẹ con được lòng can đảm mà vác lấy.
Hỡi mẹ yêu dấu, gần đến tết rồi: con xin chúc mẹ một năm tốt lành, một năm thánh thiện!và con có dám chúc thêm một năm đầy phước lạc nữa không? Thưa mẹ, sao lại không dám? Chớ thì khi các thánh được chịu khó, thì chẳng lấy làm có phước hơn ư? Thế mẹ con ta cũng phải nên thánh chứ! Nên con xin chúc lại: chúc mẹ một năm tốt lành, một năm đầy phước lạc, một năm thánh thiện!…
Tuần này Đức Cha đến thăm nhà trường. Ngài là một đấng rất thánh: đau đớn cả đời mà hằng làm việc luôn; thế mà lại không khó nuôi chi hết: chỉ một chén cơm với miếng cá luộc (Poisson cuit à l’eau) là xong bữa; dầu ngày lễ cực trọng, ngài cũng không dùng chi thêm nữa. Mỗi ngày con chỉ tốn cho ngài 5 xu, mà con còn lợi nhiều… hôm lễ Đức Cha thọ phong, có bổn đạo Phú Hộ dâng ngài một cỗ Hậu Sự bằng thứ gỗ rất quí, ngài vui lòng nhận và hứa: mai mốt có ngày sẽ dùng nó. (nguyện xin Chúa cho ngài còn lâu năm nữa mới phải dùng đến!) Thói Việt Nam những nhà giàu có thường hay xây mộ và sắm quan tài sẵn; nên một người con hiếu thảo, thì thường sắm sẵn quan tài cho cha mẹ, vì thế khi vào những nhà Việt Nam khá giả thì thường thấy hai cỗ Hậu Sự năm sẵn đó, chờ một ngày kia sẽ rước hai ông bà vào năm nghỉ giấc trăm năm.
Nhưng bên Tây ta thì khác hẳn mẹ nhỉ! Họ không hay nói đến chuyện chết, mà lại ra sức tránh những sự làm cho họ nhớ đến sự chết nữa. Như vậy có tốn hơn không? Con tưởng không. Không cần chi phải làm cách tỏ ra mình muốn cho sự chết đến, hay là không muốn thì nó cũng đến miễn là có lòng mến Chúa và hết lòng làm tôi Người, thì khi giáp mặt sự chết, sẽ nói được cùng nó rằng: “tao khinh dể mày!” hoặc nói cách khác hơn nữa, như các thánh rằng: “ở sự chết hãy đến với mau, cho ta được về thiên đàng mến Chúa, biết Chúa, và làm tôi Người đời đời!…”
Hơn nữa đến lượt con, con sẽ kêu rằng: “vạn tuế cho sự chết!”. Thế có lẽ mẹ nói: nay con đã ra người Việt Nam quá rồi chăng? Dạ! Vậy thì con xin nói lại: “vạn tuế cho sự chết!…” sự sống càng tràng thọ thì mẹ còn ta càng lập nhiều công: ta hãy kiếm thêm vốn cho nhiều, để đời sau hưởng lời lãi…”
Tiếp thư sau: “…trong thư sau hết mẹ hỏi con có bằng lòng làm cho mẹ một tháng lễ liên tiếp, là lễ gregorien chăng? Con bằng lòng lắm chứ. Không những một tháng mà thôi, con trông cậy lại có nhiều lễ khác nữa. Thế nhưng không phải ngay bây giờ, không phải sắp sửa mẹ nhỉ. Con cầu xin Chúa cho mẹ sống lâu nữa để mẹ lập nhiều công vì trên thiên đàng ta chỉ còn giờ nghỉ mà thôi.
Mà là thật! Mới đây con viết cho mẹ, không biết sao con đã nói đến sự chết; thư con vừa gửi, thì được thơ mẹ, cũng nói về sự chết. Có phải người tin dị đoan, thì cho là điềm dữ: không mẹ chết, thì con chết đó. Nhưng phần con thì cho là một sự tương ngộ bất ngờ, và cũng là một dấu tỏ ra: cả hai mẹ con ta đều năng suy đến một sự hệ trong nhất trong đời là ơn thiện tử. Vả năng suy đến sự chết cũng không ngăn trở ta sống bằng an, khoẻ mạnh và lâu dài nhưng thánh ý Chúa muốn.
À, còn một tin mới rất con quên nói, là con giết được một con cọp đại khổng lồ, mới trong vòng 2, 3 tháng mà nó đã sát hại của người ta linh sáu chục con bò! Người ta sợ hãi lắm.
Nhưng mẹ đừng sợ, con đã giết nó mà không rời chân khỏi phòng một bước. Số là chú cọp ta đã bắt một con bò, ăn phần nửa còn để dành lại bữa sau, người ta tìm được, đến tin cho con, con liền sai một người đem 40 grammes sublimé corrosif bỏ vào một miếng thịt khâu lại rồi để lẫn với thịt và xương khác… đoạn đem đặt lại chỗ cũ. Đến đêm chú cọp ta trở về dùng tiệc, nuốt trôi hết cả thịt lẫn xương cùng với 40 grammes sublimé corrosif một cách ngon lành.
Sáng ra chừng 9-10 giờ, họ kéo nhau đi xem, thấy ăn hết sạch, họ mừng quá, liền cùng nhau đi tìm, theo họ nói, thì nó phải chết gần bờ suối, vì ăn rồi thì đi tìm suối uống nước; nên họ cứ theo bờ suối mà đi, xa hết sức mà không thấy chi cả. Hay đâu cọp ta đã nằm chết ngay chỗ ăn, chừng 100 mét thôi… nằm cứng, hai mắt trợn trừng, hai hàm răng nhe, cái mồm há hốc… nó thật dễ sợ! Những cây cối chung quanh gẫy tan nát cả đất thì cày nên, chắc là tại thuốc độc kia làm cho chú phải đau đớn đứt ruột đòi cơn, nên đã phá cây cày đất như thế. Họ vui mừng quá khiêng về nộp quan Công Sứ, được thưởng 15 đồng. Thôi từ giã mẹ.
Henri Denis là kẻ đánh thuốc cọp ký.
Nhật nguyệt thoi đưa, nay đã bước sang năm 1918 các cha minh chứng: từ đây đến tháng7 là lúc khởi sự lập dòng, cha giáo Thuận càng ăn ở sốt sắng nhiệm nhặt, khiêm nhường. Ngài tập dậy sớm, xem sách luật dòng thánh Benedicto luôn. Nói cho thật: thời kỳ ở tiểu chủng viện lần thứ hai này nhất là mấy tháng sau hết, là buổi cha Benoit ở nhà tập! Lòng người chỉ tưởng về ơn thiên triệu, Chúa sắp kêu gọi. Điệu cách nói phô, ăn ở nhiệm nhặt im lặng năng ăn chay… đều tỏ ra ngài muốn lập dòng hơn dạy học. Cha hay cầm lòng cầm trí lâu giờ. Nhiều khi học trò đi dạo thấy ngài ngồi trước nhà, cầm trí nhắm mắt, đi dạo về con thấy ngài ngồi nhắm mắt đó: nhất là khi ngài dọn luật dòng, thì năng thấy ngài vào nhà thờ quỳ trước Mình Thánh mấy giờ luôn, có khi trót buổi chiều đến tối. Cha tập đức khiêm nhường cách riêng vì cha quí trọng đức ấy nhứt. Không bao giờ ngài nói khoe mình hoặc khinh dể kẻ khác. Có lần ngài kể chuyện gia đình mình nghèo khó, ngài nói: cha năng ra bờ biển hái rau với mẹ; lúc theo học, kỳ niên giải cha cũng xin dậy học trẻ làng xóm để kiếm tiền mua sách vở và chi dụng. Ngài nói về ông thân sinh rằng: “Ông thân sinh cha quê mùa thật thà lắm, khi đến thăm cha ở nhà trường thì không chịu ngồi ghế, cứ ngồi “chò hỏ” dưới thềm, làm các chú các thầy cứ chọc cha mà cười, cha hổ ngươi đã bưa!”. Ấy đã rõ hễ sự gì làm vinh danh ngài thì không nghe ngài nói đến, còn sự gì làm cho ngài có dịp hạ mình xuống thì ngài thuật lại cách vui vẻ tự nhiên.
(Trích thư các cha Thuận, Luyến, Bá, Kinh, Tịch v..vv)
Đang khi cha giáo Thuận chăm chỉ nào tập dậy sớm, nào chép luật dòng, nào ăn chay nhiệm nhặt, thì Chúa lại cho ngài được dịp lập thêm công, là dùng nhà nước đòi ngài ra lính. Cha viết thư rằng: “Huế ngày 8-3-1918. Thăm mẹ rất yêu dấu, kẻ viết thư cho mẹ đây là một người lính làm việc ở bệnh viện Huế, làm việc mà không làm chi hết, người lính ấy tức là Henri của mẹ đây! Thưa mẹ, nay con cũng phải đi lính, song mẹ đừng khóc vì con đi lính chỉ có tám ngày, cách 3 tháng lại đi 8 ngày nữa, cứ vậy thôi… song đi lính thì đi thế nào? Uý cha! Ước chi mẹ biết! Tiên vàn công văn đòi con đi lính đến Cửa Tùng muộn quá, thành ra 8 ngày con đã lợi được một, vì lẽ ra con phải hiện diện ở trại lính sáng thứ hai, song con phải đi đàng nên chiều thứ 3 mới tới Huế. Con đi gặp ông Thiếu tá, ông Đại uý và các viên chức, họ đều xử rất tử tế với con rồi phát cho con một bộ áo lính, con lệ khệ mang về nhà chung thế là 8 ngày con đã xong 2 rồi! Sáng sau là thứ 4 con đóng bộ đàng hoàn đi vào bệnh viện, vì họ đã cử con làm y tá. Đến nơi con giơ tay chào mấy ông Đốc. Các ông là những vị tráng kiện, lực học uyên bác đã đi trận về, ngực lấp lánh đấy khuê bai huy chương họ chỉ con làm việc ở viện bào chế. Con liền đi gặp bác sĩ, ông hỏi con : Thế cha muốn tôi cho cha làm chi trong tám ngày này? Xin tuỳ lượng bác sĩ! Vậy thì ngày ngày cha đến đây, đôi khi đi dạo coi khắp viện bào chế này, thế là đủ, còn hôm nay thì việc cha là rồi đó, xin mời cha về nghỉ! 8 ngày hết 3 rồi, mà con chưa làm chi. Hôm qua là thứ năm con đến riễu quanh đồ- đoàn thuốc men một lượt chừng nửa giờ rồi về, đó là ngày thứ 4. Hôm nay con vừa đến, khởi sự làm một việc vui quá! Việc chi? Đó là viết một bức thư cho mẹ, là bức thư này đây! Viết rồi con sẽ bắt chước các lính khác mà nói: Thôi về, mai sớm hay! Con đóng một bộ áo lính vải kaki, cúc vàng sáng nhoáng, cổ áo đính hai mỏ neo đỏ, đội cái mũ trắng bóng, điểm thêm cái mỏ neo đồng suy vàng óng ánh. Con không có gương soi, không biết mình thế nào, song đức cha và các cha đều nói: Ngó bộ con chững chạc lắm; có tướng quan võ! Thế nhưng con sắp bỏ cái việc cực nhọc này, thứ 3 tuần sau thì hết. Rồi đến tháng 6 lại khởi sự 8 ngày khác.”
Thơ nữa đề ngày 13-6-1918 rằng: “Nay con lại đăng lính đóng đồn ở bệnh viện Huế, 8 ngày nữa. Con nhờ dịp rảnh rang này mà viết thư thăm mẹ. Thế tàu bay có năng đến Boulogne nữa không? Đêm nào thanh trời, nhất là khi có trăng thì con lo cho mẹ quá, chắc mẹ nghỉ không an, thành ra con nghỉ cũng không được. Nguyện xin Chúa phù hộ che chở mẹ, cho mẹ được kính mến ngài hơn để vui lòng chịu mọi nỗi thống khổ Chúa gửi đến trong thời buổi chiến tranh này. Phần con hằng bình an mạnh khoẻ, chỉ thiếu một chút nữa là nếu con được kính mến Chúa hơn chút thì hoàn toàn mãn nguyện. Niên học gần xong, đến 24 tháng 6 học trò đi nghỉ. Phần con năm nay không đi Lào nữa, con sẽ lợi dụng kỳ niên giải này để lập dòng Xitô Việt Nam.
Vậy cha giáo Thuận có ý kiến lập dòng từ bao giờ, ngài khởi công lập dòng thể nào, công việc vĩ đại ngài xây dựng được thịnh đạt cho tới ngày nay làm sao thì sẽ viết trong phần thứ hai sau này.