Thứ sáu, 18 Tháng mười, 2024

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

 

PHẦN HAI

Từ khi cha Benoit lập dòng đến khi tạ thế

1918-1933

 

CHƯƠNG I

Cha giáo Thuận có ý kiến lập dòng từ bao giờ

 

Hai ba năm đầu khi Dòng mới sơ khai có nghe dư luận trong địa phận Huế bình phẩm rằng: Cố Thuận có tính hay thay đổi; đang làm giáo sư, thì xin ra giảng đạo, giảng đạo mấy năm không xuôi, xin về nhà trường lại, ở nhà trường ít lâu lại chán, xin đi lập dòng. Có thật không?

Xin giải đáp làm hai vấn đề:

1.Cha giáo Thuận có tính hay thay đổi không?

2.Có phải tại Ngài hay thay đổi, làm chi cũng chán, rồi sau mới quay ra việc lập dòng chăng?

Vấn đề thứ nhất, chúng tôi không dám quyết đàng nào, chỉ xin bằng vào thơ các cha gửi đến và chính thư ngài gởi cho song thân, rồi xin đề tuỳ lượng độc giả xét nghĩ.

Trước hết Đức Cha Hồ, đồng thời giáo sư tiểu chủng viện An Ninh với Ngài, hạ bút ngọc ban thơ chứng, xin phép nguyên văn như sau:

“Cha Benoit, tu viện trưởng tiên khởi cũng là đấng sáng lập Dòng Đức Bà Việt Nam tại Phước Sơn, khi chưa lập dòng, tục gọi là Cố Thuận (R.P. Denis) khi lập dòng rồi, nhiều kẻ quen gọi là dòng Cố Thuận. Dầu lúc Ngài là Cố Thuận, dầu lúc Ngài là Cha Benoit, tôi cũng đã được hân hạnh quen biết Ngài, chẳng những quen biết, lại còn thiết nghĩa. Nhờ sự thiết nghĩa ấy, chúng tôi năng cùng nhau bàn bạc về việc nhà dòng, lại nhiều khi nói pha trò mà sửa lỗi nhau. Nhiều khi ngài củ rũ tôi vào một tay với ngài để lập dòng ngài toan lập, song tôi trả lời: “Tôi đang đợi một mệnh lệnh bề trên dành cho tôi, tôi không thể theo cha được”. Tôi nói vậy vì khi ấy Đức Cha già Lý đã cho tôi hay ngài sắp gọi tôi vào Huế lập Dòng Rất Thánh Trái Tim, song việc ấy tôi còn phải giữ kín. Vậy tôi đã thiết nghĩa với Cố Thuận từ khi ngài ở Nước Mặn, đổi ra làm giáo sư An Ninh năm 1913, và từ đó ở cùng nhau đến khi ngài xuất thân lập dòng. Ngài vui miệng một đôi khi nói về mình, lại tôi đã nghe mắt thấy thì cũng biết được ít nhiều điều về ngài thế thường nhân vô thập toàn, nơi cha Benoit cũng vậy. Tôi hân hạnh tán dương tài Đức Cha, song cũng không ngại nói mấy điều khiếm khuyết của Ngài. Chính ngài cũng thú nhận với tôi điều ấy rằng: “Mấy điều khuyết điểm tôi đã phương trở tôi nhiều trong việc  lập dòng”. Ngài còn nói mạnh mẽ hơn: “Nết xấu tôi đã làm nhiều cố bớt tin tôi, muốn cản trở tôi trong việc lập dòng. Họ in trí tôi có tính hiếu kỳ, hay thay đổi”. Tôi hỏi sao vậy? Ngài đáp: “Bởi tôi đang làm giáo sư nhà trường, nghe các cố đi dạy chầu-nhưng mở nước Chúa, thì thích lắm, xin đi. Cố Chính liền cho tôi đi Nước Mặn. Bởi hăng nồng theo tuổi trẻ, lại chưa quen tính chầu nhưng, vì khi mới qua Việt nam làm Cha phó ở Kim Long toàn bổn đạo dòng khi không biết chi về tính bổn đạo mới, tôi quá tin các chúng, có bao nhiêu tiền bạc thì đổ ra hết, sau khốn nỗi chẳng hiệu quả gì lại xảy ra việc này việc khác, nên tôi thua buồn xin Đức Cha cho khỏi ở chầu nhưng. Đức Cha già Lý lại dạy tồi về tiểu chủng viện. Có vậy mà họ yên trí tôi hay thay đổi. Nếu tôi không bị in trí, thì đã được lập dòng tại đất nhà chung ở Ba-trục gần Thanh Tân. Khi ấy Cố Soái (R.P.Chaiget) làm cha sở Thanh Tân, quản thủ cả Ba-trục, ngài sợ tôi lập dòng bất thành nên ngăn trở Đức Cha không cho lập tại đó. Cố Kính (R.P. Bonnin) cũng hợp tính với tôi và thương tôi lắm, năng cho bạc tiền khi nhiều khi ít, song khi tôi được phép lập dòng đến xin giúp, thì Ngài không cho, lại rằng: “thì là làm chi đặng tê nê!” (cách nói: thì là…, tê nê, là cách nói riêng của cố Kính). Đức Cha Hồ lại tiếp: “Ấy, điều khuyết điểm nơi cha Benoit là tính hay thua buồn mà thua buồn thì sinh chán ngán muốn đổi việc, nên mang tiếng hay thay đổi. Tính ấy rất nghịch cùng bậc tu sĩ, vậy mà ngài đã toàn thắng, vững chí lập dòng cho đến thành công, thì càng làm cho ngài vang hiển hơn nữa. Cố Soái vì in trí Ngài hay thay đổi, đến giờ lâm chung, như muốn làm việc đền tội và tỏ tình thân thiện với Ngài, thì đã trối mấy tủ sách cho tu viện Phước Sơn, (trích thơ Đức cha Hồ).

Viết cho song thân, chính ngài cũng nói: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, đã mấy ngày con tìm chút giờ để viết hầu cha mẹ, mà nay mới được! Cha mẹ thế nào. không đau yếu chớ? Cha mẹ nói cha mẹ không thiếu chi có thật không…Hôm lễ Phục sinh ở đây nóng quá có lẽ song hai ngày sau lại lạnh quéo. Thời tiết ở đây thật kỳ, có lẽ tại thế mà làm cho con thay đổi luôn: hơi chút cũng đủ làm cho con buồn, đang buồn lại vui ngay được: thay đổi luôn như vậy khiến những người ở với con phải cực lắm. Bởi vậy những người thương mến con và năng tha thứ cho con, thật là những ông Thánh!

Trong thơ khác ngài rằng: “Thời tiết ở đây cũng giống như con, nói trúng hơn thì con giống như nó: khi vui khi buồn, hôm nay trời vui thì con cũng vui, kỳ quá!”

Trái lại nhiều đấng khác: cựu sinh viên, hoặc quen biết ngài thì chủ trương: cha Benoit có tính cương quyết khác thường, muốn chi thì làm được, lại có tánh kiên nhẫn ít người sánh kịp, dầu phải gian nan cực khổ mấy cũng thắng nổi luôn. Chính ngài nhiều lần nói để sửa dạy các chú: Mình sinh ở đời phải làm việc chi lưu danh vạn đại, đừng có chết là hết, dầu có phải đày đi Lao Bảo cũng cứ làm.

Vậy cha giáo Thuận có tính hay thay đổi chăng? Xin kính nhường độc giả kết luận.

Vấn đề thứ hai: Có phải là cha giáo Thuận hay thay đổi mới quay ra việc lập dòng, dường như lập dòng là việc tình cờ, là hiệu quả của tính hay thay đổi của ngài ư- Dám quyết: hẳn không! Vì ý tưởng lập dòng đã hiện tượng trong trí não ngài ít là từ khi được bài sai sang Việt Nam, rồi từ ấy ngài hằng nuôi ý tưởng ấy trong tâm khảm đợi thời giờ Chúa cho xuất hiện ra.

Chúng tôi xin trưng chứng: Trong phần I, chương IV đã kể rằng:

Thụ phong linh mục rồi được bài sai sang Việt Nam, trước khi qua đây, ngài về thăm cha mẹ lần sau hết, có đi thành Lille từ giã gia đình bà Hyacinthe Louvier.

Khi ngài qua đời rồi cha Bề Trên Bernard lên nối quyền, gởi ai tín cho gia đình Louvier, bà phúc đáp như sau:

“Lạy cha đáng kính, con đã được thơ cha Bề Trên tốt lành Benoit sai một thầy viết ngày 21-7-1933 đưa tin cho chúng con biết: Chúa đã khép án tử cho Ngài! Thơ ấy ngài đã ký, có lẽ là chữ ký sau hết! Nay được tin ngài từ trần, chúng con đau đớn lắm. Chúng con quen biết ngài đã lâu, ngay từ khi tòng học tiểu chủng viện. Trước khi sang Việt Nam, Ngài đến từ giã chúng con lần sau hết, Ngài tỏ ý kiến tốt lành là muốn làm thầy dòng và giúp đào luyện cho có thầy dòng Việt Nam.

Đó là chứng chắc chắn, ngay khi còn ở chủng viện, cha giáo Thuận đã được ơn Chúa ban cho muốn làm thầy dòng, và giúp lập dòng ở địa phận truyền giáo.

Sang Việt Nam rồi, trong 265 lá thư gửi cho song thân, cha hằng nhắc lại ý tưởng ấy. Bức thư thứ I đề ngày 13– 8 -1906 (Ngài sang Việt Nam ngày 31-5-1905). Tất nhiên ba năm đầu Ngài đã viết nhiều thơ thăm cha mẹ song khi ấy hai ông bà chưa nghĩ đến việc giữ thơ lại, nên không rõ lời lẽ viết thế nào, nhưng trong 265 lá thơ do cha Golliot gửi cho chúng tôi, thì nhiều cái Ngài nói đến vấn đề ấy. Ngài ước ao cha mẹ thấy các chú nhỏ là tượng trưng thầy dòng: đi đứng nghiêm trang, cặp mắt trông xuống, vừa đi vừa sốt sắng lần hạt thì chắc khi ấy Ngài đã đọc luật thánh Tổ Bênêdicto, vì trong đoạn VII thánh luật kể 12 bậc khiêm nhường; bậc thứ XII dạy thầy dòng không những phải khiêm nhường thật trong lòng, lại còn phải tỏ ra cách điệu hình dáng bề ngoài bất luận chỗ nào, đầu phải cúi xuống mắt trông đất v.v.

Vả như thơ các cha minh chứng, Ngài đã khởi sự tập bậc khiêm nhường XII ngay từ hồi làm giáo sư chủng viện An Ninh lần thứ nhất cho rằng: Ngài đi đâu thì hai tay khoanh trước ngực: đầu cúi xuống, mắt trông đất, như người Publicanô trong Phúc Âm. Thế đã rõ cái ý tưởng lập dòng nó hằng phảng phất trong óc cha khi ấy.

Các thơ cha viết cho song thân hồi ấy năng nói đến sứ mệnh Chúa dành riêng cho ngài. Ngài năng than thở với cha mẹ: “Địa phận Huế có dòng Kín rồi, còn dòng Nam lo việc nguyện gẫm hãm mình thì chưa”. Ngài tỏ với cha mẹ ước ao lập dòng Nam riêng cho Việt Nam nhất là cho những người có thiện chí, muốn dâng mình cho Chúa mà thiếu phương tiện. Người Việt Nam hiểu tiếng “Thầy Dòng” là kẻ chuyên việc nguyện gẫm hãm mình hơn là giao tiếp với đời. Xin dòng Trappe hoặc Chartreuse sang cũng được, song không bạc tiền, không ruộng đất, lấy chi cấp dưỡng cho họ? Người Việt Nam cần một dòng nam để sản xuất những thánh hiển tu như thánh Hilarion chớ không phải như thánh Vincentê đệ Phaolô!

Ngài rất hiểu tâm lý người Việt: ai cũng muốn có dòng nguyện gẫm hãm mình như dòng Trappe hay là Chartreux giữa dân chúng. Ngài khẩn khoản xin cha mẹ hằng ngày đọc kinh cầu xin Đức Mẹ thành Boulogne-sur-Mer cho được đạt ý nguyện, là sáng lập dòng Nam lo việc nguyện gẫm hãm mình trên đất Việt.

Vả từ khi cha giáo Thuận mở lời xin phép lập dòng đến khi Đức Cha chuẩn y, phải trải qua một quãng thời gian dài 9 năm. Cha khởi sự một năm sau khi về Nước Mặn, là năm 1909, tình cha con đang âu yếm mặn nồng, kẻ ngoại đang xin trở lại đông, chưa rửa tội họ Lập Yên, chưa sửa nhà thờ Nước Mặn, thế có phải là chán ngán việc giảng đạo, mới sinh ra ý tưởng lập dòng chăng?

 Trung tuần tháng 2-1911, cố Phú về giúp Ngài, làm chứng: “Cố Thuận hay than thở: Việt Nam có dòng Nữ sao lại không có dòng Nam? Đàn bà xứ này sinh hoạt chung với nhau được, sao đàn ông lại không? Ngài hay xin tôi kể chuyện dòng Trappe Đức Bà xuống tuyết (Notre Dame des Neiges), để học theo mà lập dòng nam Trappe hoàn toàn người Việt Nam, tuy nhận cả người Tây, song Tây Nam đề sinh hoạt như người Việt Nam nghèo khó”.

Công việc Cố Thuận làm khi ấy đang xúc tiến, hai cha phó, một Tây một Nam, cha Tây mới về đang vui vẻ mặn nồng, câu chuyện Pháp rôm như pháo nổ. Ngài nói hay, lại cũng hay nói, thế mà câu chuyện khi ấy luôn luôn chuyển sang ý tưởng lập dòng. Ngài những nóng lòng sốt ruột cho có dòng Nam nguyện gẫm hãm mình, tức là dòng giữ miệng làm thinh.

Khi cha giáo Thuận dạy trường An Ninh lần thứ 2, (trung tuần tháng 2 -1913) thì hay nói chuyện với cố Văn (R.V.Delvaux) và cố Mẫn (R.P.Maunier) về sự Nước Việt Nam chưa có dòng Nam, cố Mẫn thích dòng Phanxicô, còn ngài và cố Văn lại thích con cái thánh Bênêdicto. (trích thư cố Delvaux).

Kỳ niên giải năm 1916, ngài với cố Văn đi thăm các cha ở Bãi Trời, dọc dàng chỉ đàm đạo về sự lập dòng, Ngài cứ phàn nàn Đông Dương chưa có dòng Nam: vậy mấy cố mấy cha Việt Nam hãy cùng nhau làm thầy dòng coi thử, vì Đức Cha khao khát có dòng nguyện gẫm ở đây.

Thế đã rõ ý tưởng lập dòng không phải tình cờ phát hiện trong trí não ngài, do tính hay thay đổi thua buồn vì công việc giảng đạo không xuôi, bèn là một ơn thánh triệu đặc biệt Chúa dành cho cố Thuận từ thuở đời đời. Chúa cho ý kiến ấy hiện tượng trong ký ức ngài đã từ lâu, đợi thời giờ cho xuất hiện cách êm đềm mạnh mẽ. Tất nhiên Chúa đã cho ngài suy xét kỹ càng chín chắn lâu ngày rồi mới dám mở lời xin phép Đức Cha. Trong vòng chín năm xin đi xin lại nhiều lần, dầu bị Đức Cha khước từ, Ngài cứ vững một lòng vàng đá, thế có phải việc lập dòng là hiệu quả tính hay thay đổi của ngài chăng?

Kết luận: ý tưởng lập dòng của cha giáo Thuận khác nào hạt cải nhỏ, trước khi mọc lên cây xanh tốt rườm rà đã phải vượt qua nhiều quãng thời gian; phải mưa gió nóng lạnh, chịu ánh mặt trời làm cho thối nát , rồi mới mọc lên cây tươi tốt khắp gần xa, chim trời liệng tới ríu rít trên ngành.

Việc lập dòng của cha giáo Thuận cũng vậy: Từ lâu Chúa soi sáng cho ngài nghĩ đến sự lập một dòng nguyện gẫm hãm mình trong địa phận truyền giáo. Ngài suy đi xét lại kỹ càng, cầu xin ơn soi sáng, bàn hỏi cha linh hướng rồi mới dám thân thưa cùng Đức Cha. Đức Cha dạy mời dòng ngoại quốc sang. Vâng lời Đức Cha, ngài viết thơ mời dòng Trappe: Tàu, Nhật, Tây: rút cuộc không dòng nào ưng. Sau hết ngài mới dám xin Đức Cha ban phép lập thử.

CHƯƠNG II

Cha giáo Thuận khởi sự lập dòng- Công chuyện xảy ra từ khi được phép Đức Cha đến khi khởi sự làm nhà trên núi Phước.

Đức Cha già Lý, một vị Giám Mục nhân đức có tiếng, vốn từ lâu những ước ao cho địa phận Huế có một dòng Nam khổ tu chuyện việc nguyện gẫm hãm mình, thấy cha giáo Thuận xin điều ấy, thì ngài rất vui mừng. Nhưng theo sự khôn ngoan, Đức Cha phải bảo cha giáo Thuận mời dòng ngoại quốc đến. Công việc bất thành; thì Đức Cha ái ngại; không cho cố Thuận lập thử thì tiếc, vì may nhờ ơn Chúa ngài làm nên thì quí biết bao! Nếu chẳng may, công việc không đến chỗ thành đạt thì tội vạ ai gánh?

Hai đàng tiến thoái lưỡng nan! Ròng rã chín xuân trường, cứ lần lữa rày mai, Đức Cha chưa chuẩn y lời cha giáo Thuận thỉnh cầu. Phần cha ơn Chúa thúc đẩy mạnh, nên thượng tuần tháng 12–1917, ngài đánh bạo xin một lần nữa. Phen này Đức Cha đành lòng cho thử và ban phép chọn nơi nào tuỳ ý, muốn lập ở Ba-trục là đất nhà chung cũng được.

Hết sức vui mừng, học sinh đi nghỉ rồi, cha giáo Thuận vội vào Huế xem sở Ba-trục, song bị cố Soái ngăn trở. Ba-trục là đất nhà chung, song thuộc quyền cố Soái quản thủ, Ngài sợ cố Thuận không dựng nổi cơ đồ, nên trình Đức Cha huyền lại đã. Theo sự khôn ngoan, Đức Cha phải nghe cố Soái. Thế là cha giáo Thuận đành phải cúi đầu “thuận” theo ý Chúa, vâng lời Đức Cha trở về An Ninh dạy học 6 tháng nữa cho hết niên học.

Sáu tháng ấy, ngài ăn ở khiêm nhường nhiệm nhặt hơn thường, năng thư từ hỏi han, tìm đất lập dòng, nhiều đấng nghe biết Đức Cha đã ban phép cho ngài lập dòng, thì ban lời chua cay chê trách. Chính Đức Cha, xem ra cũng có ý thử Ngài, nên dầu đã ban phép, song cũng nói cách ra như không tin cậy, như thư cha Lê Hữu Luyến làm chứng: “Ngày sau hết các chú lên chào, cha con thầy trò cùng nhau từ giã, thì ngài buồn và nói: Đức Cha nói với cha rằng: “cho phép lập dòng, có được thì hay, nếu bất thành, thì phải để nơi ấy lại cho địa phận, rồi đi Lào hay đi mô thì đi”. Đức Cha nói thế vì kỳ hè năm trước ngài đã xin đi Lào giúp bổn đạo Việt Nam. Như đã kể trong phần I.

Nghe Đức Cha và nhiều đấng ban lời cay cực như thế, tự nhiên cha giáo Thuận phải buồn, sinh tủi phận nếu không ơn Chúa thì Ngài chán nản ngã lòng.

Song như theo cố Phú, cha phó cựu của ngài làm chứng thì luôn luôn ngài trông cậy Chúa, phú dâng mọi sự trong tay Chúa và Đức Mẹ. Thư rằng: “Tôi nói với ngài nhiều lần: cha nên đi thăm một nhà dòng Trappe nào mà coi cho biết cách thức thế nào đã, rồi mới nên khởi sự. Song có lẽ Đức Cha không cho. Mặc lòng ngài hằng trông cậy vào Chúa, muốn cho sáng danh Chúa, như lời ngài năng nói với tôi: “Việc con toan làm, nếu đẹp lòng Chúa, thì chắc sẽ thành công, bằng không thì con chịu hỏng việc, trong mọi sự con hằng phú dâng trong tay Chúa và Đức Mẹ”.

Đối với cha giáo Thuận, Đức Cha thật là một người cha nhân từ khôn ngoan: trước mặt Đức Cha nói một hai lời cay đắng như trên song sau lưng thì thương sai cố chính Giáo (sau thăng quyền Giám Mục, quí hiệu Đức Cha Giáo, Mgr Chabanon) ra An Ninh đem ngài đi tìm đất.

Khi cố Chính đến An Ninh, cha giáo Thuận đang đau rét, nhưng vì cố Chính mắc việc vội về, nên không kể đau ốm, cha giáo Thuận cứ gắng đi theo cố Chính, hai cha hai ngựa thắng đi coi sở Gia Bình. Đến nơi, thấy cây cối rậm rạp, nghe nói chỗ ấy nước độc ma thiêng, ở đó chỉ vài ba ngày đau rét chết! Nghe vậy ngã lòng, hai cha trở về An Ninh.

Đang khi ấy Đức Cha viết thơ xin Quan Cụ Phước Môn tìm giúp đất lập dòng. Quan cụ phúc đáp: bằng lòng dâng một cây số vuông trong đất Phước Sơn, muốn chọn chỗ nào mặc ý, trừ những chỗ đã khai khẩn rồi.

Được thư, Đức Cha rất vui mừng, thân hành ra An Ninh chia vui với hai cha, có ý đi xem sở Phước Sơn, để tỏ lòng biết ơn Quan Cụ. Đến An Ninh Đức Cha gặp hai cha vừa đi Gia Bình về, cũng đang tính đi Phước sơn, nếu được sẽ vết thơ xin Quan Cụ. Nghe Đức Cha nói Cụ cho rồi thì Cha giáo Thuận vui mừng ra nước mắt.

Hôm sau, mồng 5-7-1918, cha theo Đức Cha và cố Chính đi đò lên thăm đất Phước Sơn. Một sự bất ngờ và rất thích hợp, là cha giáo Thuận đi thăm đất lập Dòng Đức Mẹ, chính trong tuần lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave.

Con thuyền bì bõm, nước sông xao. Đò cập bến họ Phước Sơn. Đức Cha, cha giáo Thuận và cố Chính đổ bộ ngược lên thăm đất. Đi một quãng chừng nửa cây số, thấy toàn đồi tranh, đất sỏi, Đức Cha ngã lòng thở dài: “Chỗ này làm chi ăn sống người mà lập dòng đây! Thôi coi làm chi nữa”. Nói đoạn ngài trở gót ngọc xuống đò. Trái lại cha giáo Thuận hồn đầy khoái lạc, thấy trước mặt một khoảng rộng mênh mông như một biển đồi, cái thấp cái cao chen nhau sát sạt như lưng rùa, xa tít đến rặng núi xanh, cao ngất trời. Cha bụng bảo dạ: đây thật là đất chảy sữa và mật ong cho những kẻ Chúa chọn!

Ngài xin phép Đức Cha cho đi chút nữa và mời cố Chính đi với, Đức Cha để mặc ý, thì hai cha cứ đi. Càng đi càng thấy toàn sim, muồng, tranh, bổi. Cố chính bật cười thốt ra câu: “Đất đai khô cạn, sỏi sạn thế này, xem! Làm chi nên ăn, thôi về đi Ngân sơn cho rồi!”.

Song cha giáo Thuận mời cố Chính cứ gắng đi quãng nữa. Đến chỗ ngang trường đệ tử Phước Sơn bây giờ, hai cha dừng lại, cha giáo Thuận thích chí song không nói ra, cứ mời cố Chính trở lui coi phía rú Hậu Sơn, tức là vườn thánh Têrêsa bây giờ. Gần đó, có khe suối cuộn quanh mấy đám ruộng xấu, cố Chính ưng ý nói: “Chỗ này xem ra coi được: ruộng có, nước có, xem bộ cha ưng phải!” cha giáo Thuận cũng dạ nhịp theo ý cố Chính, rồi hai cha trở lui xuống đò thì đã quá trưa đến giờ dùng bữa.

Đức Cha hỏi: “Sao, có tìm được đất không?” cha giáo Thuận đáp: “Dạ, xin Đức Cha cho con thử ở đây, hoặc chỗ cố Chính vừa chỉ cho con, hay chỗ nào khác con sẽ tìm nội vùng ấy”. Đức Cha đáp: “mặc ý cha”.

Thế là Phước Sơn thành hình trong lòng cha giáo Thuận một giờ chiều ngày mồng 05-07-1918.

Thuyền nhổ neo, lừ đừ đưa Đức Cha và hai cố về cửa Tùng.

Đến nhà trường cha giáo Thuận lòng vui xác cực, cực vì khi ấy ngài vẫn đau rét, đã từ năm sáu ngày hầu như ngài không ăn uống chi, phải năm liệt mấy ngày. Đến mồng mười dầu chưa được mạnh ngài cũng gắng vào La Vang viếng Đức Mẹ, ký thác việc đại hệ trong tay Mẹ lành, xin Mẹ ban ơn phù hộ vì từ nay khởi sự vào bước gay go.

Khi ấy cố Lễ (K.P.Lemasle sau thăng quyền Giám mục biểu hiệu Đức Cha Lễ) đã nghỉ chức giáo sư trường thần học Phú Xuân, ra làm bổn sở Cổ Vưu. Cha giáo Thuận đến thăm thì ngài khuyên nên lập dòng ở La Vang cho các thầy nấp bóng Đức Mẹ. Phải, cha giáo Thuận thích sự ấy lắm, ngài đặt trí từ lâu trước rồi, song vì gần Đức Mẹ La Vang thì tự nhiên sẽ gần người ta, mà ý ngài thì muốn gần Đức Mẹ mà xa trần thế, song ngài không nói rõ, chỉ trả lời quanh co: “Lập dòng đây không ruộng đất, sống sao được?”

Khi ở Cổ Vưu ngài viết: “11-7. Thăm mẹ yêu dấu! Dạo này con mắc việc quá, con đã tìm được chỗ lập dòng rồi, thật là một nơi rất mới, rất lạ, con sẽ đến ở dưới chân đồi kia, gần bờ sông, không xa người thượng mấy, nhưng xa người chợ, ở đó, con sẽ thử làm thầy dòng Trappiste, nhưng không phải con ở một mình đâu, đã có 15 người xin theo con, nhưng chắc con chưa có thể nhận cả 15, sẽ nhận thử độ 10 đã…vì chưa có chỗ cho họ ở nhất là chưa có gì cho họ ăn, chúng con sẽ trồng chè, khoai, sắn, thuốc lá.v.v.. nhưng không phải nó mọc lên trong một ngày đâu, đang khi chờ các thứ ấy mọc lên, thì con sẽ đi ăn xin kiếm của nuôi các thầy sẽ đến theo con.

Đó là con mới tính thế thôi, chứ đã có chi đâu…

Ở Cổ Vưu, cha lại về thẳng An Ninh nghỉ ít ngày, trong mình vẫn còn đau rét. Song xem ra ngài nóng lòng nóng ruột hơn nóng rét nên cách 10 ngày lại lên Phước Sơn tìm chỗ nhất định làm nhà. Lần này có hai cha Việt nam tùng hành: cha Yến và cha Tú. Đến nơi ba cha đi riễu hành quanh khắp vùng, rồi hai cha bàn lập dòng ở chỗ Bến than, tức là khoảng nghĩa địa dòng ba và vườn thánh Bênađo bây giờ, vì đất thấp, bằng, lại gần sông. Phần cha giáo Thuận, thì cứ nhất định chỗ đã coi lần trước với cố Chính, tức là nơi có nhà dòng hiện tại, hơi xích vào trong một chút. Coi rồi, ba cha xuống đò dùng cơm và xuôi An Ninh lại.

Đến 24-7-1918 ngài viết:

“Thăm mẹ yêu dấu.

Tuần vừa rồi con lại đi Phước Sơn tìm chỗ nhất định để lập dòng, con đã tìm được một chỗ gần sông, một khoảng đất bằng trên đồi diện tích rộng chừng hơn trăm mét, thế vừa đủ cho những nhà con định làm, chỗ đó cao hơn mặt biển chừng 33 mét, đứng đó xem thấy cả miền Đất Đỏ và Bãi Trời, có thể thấy chủng viện An Ninh con đang ở đây. Các chuyện đó con sẽ nói với mẹ trăm ngàn lần nữa. Từ giã mẹ”.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 Thứ 3 Tuần IV PS, Ga 10, 22-30: Chiên đích thực của Chúa

 Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh Chiên Đích Thực Của...

18 Tháng Mười Hai – Mt 1,18-24

EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA Lm M.Phêrô Khoa Lê...

19 Tháng Mười Hai – Lc 1,5-25

  TIN MỪNG CHO ÔNG BỐ VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI...

21 Tháng Mười Hai – Lc 1 39-46

  BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC MẸ THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM Lm M.Phêrô...

22 Tháng Mười Hai – Lc 1,46-56

  BÀI CA NGÀN TRÙNG MAGNIFACAT Lm M.Phêrô Khoa Lê Trọng...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...