CHƯƠNG III
Từ khi lên núi Phước phá rừng dọn đất làm nhà đến khi bắt đầu giữ luật.
Cha giáo Thuận lập dòng, khác thể bà mẹ cưu mang con trong dạ dằng dẵng chín tháng trời, những ngóng trông thấy mặt con, song đến ngày đản sinh thì lại bị nhiều nỗi tân toan thống khổ. Người đã cưu mang ý tưởng lập Dòng chín năm trường có lẻ, nay đến ngày phát hiện ý tưởng ấy ra, tức là tái sinh các thầy khổ tu trên núi Phước cũng phải đa đoan nhiều nỗi; bạc tiền chẳng có, lúa gạo lại không, mà công việc thì nhiều, nào phá rừng sẻ rú, nào đào gốc đổ nền.v.v biết liệu làm sao?
Song cha cứ nhắm mắt trông cậy Đức Mẹ rồi bắt tay vào việc. Tiên vàn có người bổn đạo tuổi độ tứ tuần, trước đã giúp cố chính Đăng, tất nhiên cũng quen biết cố Thuận khi làm phó cố chính Đăng ở Kim Long. Cố chính qua đời người ấy lui về quê ít tháng rồi vào giúp việc nhà chung Huế. Nhân lúc ấy gặp cố Thuận đóng lính ở viện bào chế thì sinh lòng cảm phục, nay ngài sửa soạn lập dòng cũng tình nguyện đi theo. Người bổn đạo ấy, tên gọi thầy Chánh, tức là thầy Thaddêô (đã ly trần tại nhà dòng năm 1943). Cha giáo Thuận dùng thầy làm người tâm phúc, làm cánh tay hữu trong việc tạo dựng ngôi nhà tiên khởi bản dòng. Song tiếc thay, thầy không được cái chức “trưởng nam chính hiệu”, vì làm nhà song, cha định nhận môn đệ chính thức thì thầy bị đau xin lui bước, sau mới xin vào lại, thành phải đứng vào hàng “thứ tử”.
Cha sai thầy Chánh đi mua nhà, còn ngài, sáng ngày 25 tháng 7, thuê ít công nhân lên Phước Sơn khởi công phá rừng đào gộc dọn đất làm nhà. Buổi đầu, may nhờ nhà kẻ ngoại tên: ông Hương Quát, dân cư Quan Cụ, cách xa chừng nửa cây số, cha con nhờ bếp nấu cơm và cho nhân công trọ tối. Còn cha cứ vài ngày một lần đi ngựa tự An Ninh sáng đi tối về, cắt đặt công việc, chính cha cũng xấn tay làm. Song than hỡi! Đất sỏi đá rắn, lại thêm nắng hè, thân cha mình gầy, mặt võ, giơ tay da bọc xương, quốc lấy quốc để không quản nồng nực mặc sức mồ hôi thi nhau chảy theo bộ râu, trông mà thảm hại! (ông Giáp Phảm thuật lại).
Cha con phá rú năm bảy ngày, ngọn đồi xem đã quang quẻ đẹp mắt, bớt sợ hùm cọp, thì mới làm cái rạp để nhân công tạm trú. Ngày mồng 5 tháng 8 lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết nơi Đền thờ cả Đức Mẹ, tinh mơ sáng, cha tự An Ninh đi ngựa lên làm lễ thứ nhất trên núi Phước Sơn trong cái rạp đó. Tất nhiên cha có ý xin Đức Mẹ: xưa Người đã xuống tuyết chỉ nơi phải làm đền thánh kính Mẹ, thì nay cũng xuống ơn soi trí cho biết phải làm nhà thờ dòng Mẹ chỗ nào, hướng nào, nhất là cho được thành công mỹ mãn.
Ra như Đức Mẹ trả lời, là hôm sau, mồng 6 tháng 8, Cố Văn chánh bổn sở Nhu lý gởi dâng dòng mới cái chuông tây nhỏ, với lời cầu chúc mau thịnh đạt.
Lúc đó thầy Chánh mua ở Tân Trài được cái nhà hai gian hai chái, cột gỗ, kèo tre, mọi sự hết gần ba chục quan tiền, kể cả công đài tải. Kỳ ấy bạc bẩy quan năm, thành thử cái nhà giá “ba đồng rưỡi!” cha con vội vàng cất nhà cho kịp lễ Đức Mẹ Mông Triệu thăng thiên. Ngày 12 tháng 8, thấy xuất hiện cái nhà hai gian hai chái mái tranh vách đất: đó là ngôi nhà tiên khởi của dòng Đức Bà Việt nam trên núi Phước, như nôi tre tróng sậy mẹ sắm để đặt con.
Xong nhà, thì ngày 14 tháng 8, cha giáo Thuận với người môn đệ đầu tiên, thâu xếp đồ đạc lên Phước Sơn khai mạc cuộc đời mới. Nói là thâu xếp đồ đạc, song thật chẳng có chi: trót gia tài của cha một người gánh còn nhẹ. Cần nhất là đồ lễ thì đã đưa lên sáng mồng 5 làm lễ Đức Mẹ xuống tuyết, chỉ còn mấy bộ áo lễ, vài cặp quần áo cũ vá, vài ba chiếc chiếu, mấy quyển sách long gáy rách bìa. Đồ cơm là ít bát chén muỗng nĩa pha tây pha nam.
Vật thực là của cố Hoà (R.P. Girard) bề trên chủng viện An Ninh cho, vì ngài là cha linh hướng của cha. Cố Hoà thương ngài hơn cha mẹ thương con đẻ, khi con đi ở riêng thì chia của cho xong vì là của nhà trường, nên cố Bề trên chỉ có thể cấp dưỡng ít vậy thôi: một thúng gạo, một âu ruốc, một đọi muối vài cái nồi, một con dao và một con gà trống gáy hiệu.
Bắt chước thánh tổ Bênêdictô lập dòng trên núi Cassinô, cha giáo Thuận đặt hết hy vọng vào Cha trên trời, xin Người nuôi nấng con cái hèn mọn trên núi Phước, cũng như Người hằng cung cấp vật thực cho chim trời cá biển.
Đò rời bến cửa Tùng sáng sớm ngày 14 tháng 8, cha giáo Thuận ra ngồi mũi đò ngắm cảnh thiên nhiên, với chí quyết của Kha Luân Bố đi tìm tân thế giới, với trung kiên của A Lịch Sơn chỉ núi thề sông triệt để thi hành sứ mệnh Chúa ủy nhiệm.
Đò cập bến, cha con vui vẻ gánh đồ lên dọn bàn thờ mừng lễ Đức Mẹ. Cha tặng cho nhà mới đó đủ thứ tên: nhà thờ, nhà ngủ, nhà cơm, nhà kho, nhà bếp, bàn yết của cha và phòng đồ lễ: mọi sự đều ở trong nhà ấy. Hai căn giữa thì một căn làm nhà thờ, căn kia nhà ngủ nhà cơm, chái hữu để chõng cha nghỉ và hai hòm đồ lễ. Chái tả thúng gạo, nồi niêu mắm muối v.v. và lồng con gà trống.
Sáng sau đại lễ Đức Bà mông triệu thăng thiên, cha dâng lễ lạc thành dòng mới, có đông người đến dự. “Đông” nghĩa là sánh với tình cảnh nhà dòng khi ấy; ít nhân công với ông thợ cả và người môn đệ đầu lòng của cha.
Lễ tất cha con ăn tiệc theo hoàn cảnh mắm ruốc mừng lễ Đức Mẹ, khánh thành dòng mới, và hồi công thợ. Tiệc xong thợ thuyền các tán, chỉ còn hai cha con với mấy người nhân công.
Tới giờ nấu ăn, cha con nhân công xúm nhau mỗi người một việc xong thì dọn ra cha con cùng nhau đồng bàn. Ăn rồi lại cùng nhau tay cuốc tay rựa đốn phá đánh gốc chung quanh nhà cho khỏi hùm cọp ẩn núp.
Ngày 22-8 cha viết: “Thăm mẹ yêu dấu. Đã tám ngày con đang ở trong một ngôi nhà nhỏ, con làm tạm, để sau làm nhà bếp, thật là một nhà khó khăn hết sức. Con ở đây với một người đang cùng với con tập làm thầy dòng và mấy nhân công con thuê làm việc: đốn gốc sẻ rú. Nhờ ơn Chúa chúng con còn khoẻ cả… con đã khởi sự tập làm việc, cuốc đất chặt cây, chặt bổi, là những cây nho nhỏ đủ thứ mọc đầy chung quanh nhà con mới làm… con làm chưa được cứng cát mạnh mẽ mấy, nhưng lần lần sẽ quen… con còn muôn vàn điều muốn nói với mẹ, nhưng để dành sau, nay nói chuyện thiên đàng đôi chút. Vậy xin mẹ cầu nguyện cho thầy dòng của con và cho con với. Nếu có thể được, cũng xin mẹ nhờ người ta cầu nguyện cho với nữa. Phần con, con hằng xin Chúa nhân lành ban cho mẹ được mến Người càng ngày càng hơn. Henri Denis.”
Lần lần Chúa ban môn đệ cứ rải rác xin vào, song bền đỗ theo cha thì ít, nản chí hồi tục thì nhiều. Trong số môn đệ, có một người đáng kể, xin lược qua câu chuyện như sau:
Ông là cháu vua Minh Mệnh, tôn xưng “Mệ Thuyền”, nhiều độc giả nhất là người Bắc phải bật cười tự hỏi: “Mệ” là tên đàn bà sao lại đặt cho đàn ông?
Nguyên vì đời Hiếu Vũ hiếm con trai, hễ sinh hoàng nam thi kiêng cữ không được gọi là “Ông” phải gọi như là con gái. Vậy con các Ông Hoàng Bà Chúa thì kêu là “Mệ”, còn chữ “Mụ” thì gọi về hàng cháu.
Song chính quí chức của Hoàng tộc thì Đức Minh Mạng đã đặt một bài thơ để gọi con cháu chính thống của Ngài, đã chạm trong bản kim sách, gọi là “Đế hệ thơ”:
Thơ rằng:
Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quí Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương.
Vậy Hoàng phái cứ thứ tự mà lấy một chữ trong câu thơ mà đặt trước tên mình tùy là con hay cháu hoặc chút hay chít.v. v .
Cám ơn Chúa đã ban cho Hoàng phái được cha Bửu Đồng, cha Bửu Hiệp là hai anh em con Cụ Ưng Trạo và Cha Bữu Dưỡng con Cụ Ưng Trình, ba Cha hàng Bửu gần ngôi báu hơn Bảo Đại về hàng Vĩnh (Vĩnh Thuỵ) Nguyện xin Chúa ban thêm nhiều Đấng nữa, cho sáng danh Ngài.
“Mệ Thuyền” kể chuyện đây là cháu đức Minh Mệnh, chính danh là Hường Thuyền song gọi là Mệ Thuyền vì lẽ nói trên. Mệ xưa kia là thầy chùa sùng phật lắm, song đã trở lại đạo Thiên Chúa, tiếng tăm đồn thổi khắp gần xa. Cố Thụân hết lòng mừng rỡ, làm quen với Mệ ngay khi còn ở Nước Mặn. Mệ cũng giúp cha học tiếng Việt Nam, nay nghe cha lập dòng thì tình nguyện xin làm môn đệ. Theo danh sách bản dòng thì Mệ Thuyền đứng vào thứ chín. Song tiếc thay, thân già sức yếu, không kham nổi các điều nhiệm nhặt lại thêm sơn lâm chướng khí. Mệ đau yếu luôn nên đành phải lui bước hồi quê đi nhà thương điều trị. Bệnh tình ngày một trầm trọng đưa Mệ đến bước thọ chung, đang khi quay mặt về núi Phước với lòng hoài bão thiết tha, và hàng châu lụy đứt nối.
“Mệ” rất tiếc vì khi ấy chưa có nhà thờ để Mình Thánh Chúa, mà tâm sự với chính nguồn mách sự an ủi, Mệ đã nhất định trở lại Phước Sơn khi Phước Sơn đã có Chúa ngự trị trong nhà thờ! Song rủi khi có Chúa Giêsu trong nhà tạm thì Mệ đã về chầu Chúa trên trời.
Đang khi Mệ tĩnh dưỡng, dầu lúc ở bệnh viện, dầu khi về nhà, nhiều lần cha đến trấn tĩnh ủi an. Ông Ưng Trạo thân sinh Cha Bửu Đồng, quí tử của Mệ, có cho chúng tôi ít hàng:
“Thầy con đã cao niên, lại phần xác không được mạnh, vì lúc ở đạo Phật đã hành hạ xác quá, sơn lâm chướng khí không chịu nổi phải về điều dưỡng tại bệnh viện. Đến khi lâm bệnh nặng, liệt giường gần một năm, thì cố Thuận vẫn vô thăm viếng an ủi, Ngài thật là một tông đồ rất hăng hái, một thầy dòng rất nhiệm nhặt. Chúng con chỉ ước trông chóng đến ngày toà thánh đêm tên ngài vào sổ các thánh”.
Tiếng đồn cố Thuận lập dòng bay khắp địa phận, vì chính là kỳ niên giải các chú đi đâu, thì đầu câu chuyện là nói về cố Thuận lập dòng, thiên hạ phê phán, kẻ thế này, người thế nọ, khen cũng lắm mà chê cũng nhiều. Chê rằng: cố Thuận hay thay đổi. Rồi rủ nhau đi xem dòng mới. Khách đến Phước Sơn ngày một đông, bổn đạo nhiều, các cha cũng lắm, nguyên một ngày 28-8-1918 có năm cha tới. Như thư cố Văn viết: “Ngày 28-8, tôi đi Vạn Thiện thăm cố Du (R.P.Kaichinger) hôm sau đi An hoà thăm cố Niềm (R.P.Nayer) bảo làm thịt con thỏ đem đi Phước Sơn. Cố Du Cha Lập và cha Hồ đi trước, mười phút sau thì tôi đến sau cùng là Cố Niềm. Cả năm cha cùng với cha Denis ăn bữa tiệc trong cái nhà “Rộc” nhỏ xíu ngài mới làm, dài bốn thước rộng ba thước rưỡi. Đó là lần sau hết, cha Denis dùng thịt và rượu”
Quí khách đến thăm, ngoài lòng thiện cảm chắc cũng còn tiếp tế dòng mới ít nhiều trước khi rời gót. Nên nội tháng chín là từ khi khai mạc dòng mới được một tháng mà cha Denis đã làm thêm được một cái nhà khác, trước khi đóng lính lần thứ hai, như chứng thư ngài viết ngày 10-9-1918: “Thăm mẹ rất yêu dấu, con lại ra lính lần nữa đây, nên con dư giờ viết thư thăm mẹ. Có lẽ đã lâu mẹ không được tin gì về con? Dạo này con mắc việc quá lẽ, đến nỗi con thấy một ngày nó qua đi mau như một giờ, một tuần mau như một ngày, nên con quên trăm ngàn việc. Khi nào lập thành dòng thì sẽ có giờ giấc hẳn hoi: có giờ đọc kinh, giờ làm việc và ngày nào cũng có giờ rảnh. Giờ nào làm việc giờ nấy thì mới hay.
Tuần sau, con sẽ có một nhà mới, nhà ấy con định dùng làm nhà cơm sau này, nhưng bây giờ thì dùng làm mọi việc: làm nhà thờ, nhà cơm, nhà ngủ, nhà hội chung… Còn cái nhà nhỏ con làm đầu hết kia, thì sẽ dùng nguyên để làm nhà bếp thôi. Chúng con không giàu mấy. Mẹ ôi! Con chắc chưa hề bao giờ mẹ thấy một cái nhà nhỏ mọn khó khăn như nhà chúng con đây. Thế nhưng, Chúa nhân lành hằng ban cho chúng con ở trong cái nhà nhỏ khó khăn này mà lấy làm phước lạc vui vẻ vô cùng, đến nỗi con sợ con vui khoái quá chăng. Vả cái việc nhỏ mọn con mới tổ chức đây xem ra xuôi thuận quá, làm cho con bắt lo sợ, vì họ thường nói: “Khởi đầu xuôi thì đuôi hay hỏng”.
Ủa! Con nói chi vậy! Cần gì mà lo lắng! Chúng con làm việc đây, là làm việc Chúa, thế tất không làm hư mất ngày giờ. Nếu Chúa nhân lành không muốn cho nên việc, thì chúng con cũng không ưng cho thành công đó: là mọi ý chỉ của con.
Từ khi chúng con cùng nhau bước vào “VƯỜN ĐỊA ĐÀNG” này thì mọi sự xuôi thuận lắm. Con mạnh luôn, ăn khoẻ bằng bốn người, may phước là cơm được ăn như ý, con không định chừng mực nào cả.
Xin Mẹ cầu nguyện cho chúng con nhiều, tuy dầu chúng con hằng làm việc cho Chúa, nhưng thỉnh thoảng cũng bị cám dỗ lo ra, mà suy đến việc mình hơn nhớ đến Chúa.
Con hằng kết hiệp với Mẹ trong sự yêu mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
Con yêu dấu của mẹ. Henri Denis ký.”
Đi lính tám ngày, mãn rồi, cha vừa về, thì cha Delvaux lại đến thăm, như thư cha kể chuyện ấy rằng: “Hồi trung tuần tháng 9 -1918, tôi lại đến Phước Sơn thăm cha Denis lần nữa, thấy công việc ngài làm, tôi bắt lo sợ. Chuyện vãn một chặp, ngài với tôi đi coi những chỗ đất mới vỡ, đi đến chừng ngay trước cửa nhà thờ bây giờ, khi ấy còn rú rí um tùm, ngài nói: “Chiều bữa tê con đi dạo cầm chuỗi lần hột, đến đây gặp con cọp to, nó đứng nhìn con một chặp rồi thủng thẳng quay đi một cách như không sợ hãi chi, như thể muốn xưng mình là chúa đất này vậy”.
(Cha Gilbert Barnabe cũng kể một tích giống như thế, hồi tháng 6,7-1932 khi ngài chưa vào dòng) “Tôi cấm phòng ở Phước Sơn, nghe cha Benoit kể chuyện: một ngày kia cơm tối xong ngài đi bách bộ, có con chó đi theo, đến chỗ ngay trước nhà thờ, bỗng nhiên thấy con chó cúp đuôi chạy lại một cách sợ hãi lắm, ngài trông lên thì thấy con hùm đang chạy lại chực vồ con chó, nhưng chạy đến gần ngài, thì nó đứng lại, rồi thủng thẳng quay đi. Tự nhiên những chuyện như thế ngài không kể lại cho môn đệ nghe kẻo sợ.)
(Tiếp thư Cha Delvaux) Đoạn ngài chỉ cho tôi coi những chỗ ngài toan làm nhà mà rằng: Con tính làm nhà thờ chỗ này, dựng bàn thờ chỗ kia, tiếp đến phòng đồ lễ, sau đó có nhà thờ thánh giá, có tháp chuông, cái chuông cha đã cho, con sẽ treo lên đó, ngay trước thì có nhà hội chung, bên này thì làm nhà ngủ, chia từng phòng, bên kia thì nhà cơm, bên tả đây thì làm nhà khách…
Nghe vậy tôi liền nói: Cha chiêm bao à. Tiên vàn cha hãy lo phá rú đào gộc đã là, nếu cha muốn thi hành ngay cái bản đồ cha dự tính đó, thì phải tới vạn bạc mà cha đã có chưa!
- Chưa, con còn mắc 200$ bạc nợ, mặc lòng con sẽ bắt đầu. Nếu đẹp ý Chúa, thì công việc sẽ xuôi. Con làm việc cho Ngài, Ngài là Chủ con là tớ.
- Thế phòng cha, cha định chỗ nào?
- Con định lấy một phòng ở nhà ngủ bên tả, ở đó gần khách cho tiện.
- Con có cái nhà vuông, có lẽ cha dùng được, cha có muốn con dâng?
- Cảm ơn cha, cha ban con xin lĩnh.
- Tôi về bảo rỡ nhà chở lên cho ngài, chừng ngoài 20 tháng 9, thì ngài làm xong…”
Thật vậy, như thư cha chúng tôi viết ngày 28-9-1918 cho bà kế mẫu rằng: “Mẹ yêu dấu, con viết ba chữ kính thăm mẹ, trông cậy mẹ hằng khoẻ luôn và không phải cực vì chuyện giặc giã nữa, con trông cậy thế, và hằng cầu xin Chúa ban cho như vậy. Bây giờ nói đến chuyện con. Chúng con chưa khởi sự làm thầy dòng Trappiste, còn đang đóng vai mấy người làm vườn, mấy chú nông phu đạo đức tử tế đó thôi, chừng vài tuần nữa, có lẽ chúng con sẽ giữ luật nhặt hơn chút. Chúng con đã có ba cái nhà. Con nói ba cái nhà, mà có lẽ mẹ nói ba “cái lều” ba “cái chòi”, vì con không biết bên Tây người ta sẽ dùng tiếng nào mà gọi ba cái nhà của chúng con đây.”
Lập dòng mới được một tháng, mà ba cái nhà kế tiếp cất lên. Đó là sản phẩm lòng quảng đại các quí ân nhân giơ tay ngọc làm việc nghĩa, mỗi khi đến viếng. Theo chứng thơ ông Huỳnh văn Sỹ cựu môn đệ của cha: “Mấy tháng đầu ngài chỉ lo làm nhà, còn tiền bạc thì ngài cứ nói: “Chúa sẽ liệu”. Thật vậy, khi cha lên Phước Sơn còn mắc nhà chung 300$ mà Chúa trang trải xong xuôi như lòng ngài sở cậy. Song ngài phải ngậm đắng nuốt cay giữa trăm ngàn tiếng mỉa mai. Có kẻ khinh chê việc ngài đến nỗi dám nói: “Ai cho cố Thuận lập dòng một xu là uổng một xu”. Đứng trước chén tân toan, cha phó dâng mọi sự trong tay Cha chí ái với đức tin cậy như đứa con thơ”. (Thư ông Huỳnh văn Sỹ)
Khi ấy vườn đã làm nhiều, trồng đủ thứ: khoai, đậu, bắp, mít, café, đậu phụng.v.v tất nhiên phải có trâu bò. Lòng rộng rãi quan Cụ Phước Môn đã cho một con trâu, ông chủ khách sạn Đồng Hới (Mr Logoz) cho ba con bò ba con dê. Cha nhận việc chăn dê, còn trâu bò thì mấy môn đệ nhỏ tuổi phải chia phiên.
Một hôm đến phiên thầy Bửu Liêu là cháu Mệ Thuyền chẳng may để trâu bò ăn lúa người ta. Họ đến thưa, cha liền chiếu theo luật thánh tổ phụ Bênêdictô phạt thầy mấy chục roi làm các thầy tán đảm. Vốn trong thánh tổ có dạy: “Ai lỗi nặng thì phải rút phép thông công, còn kẻ thiếu niên không hiểu sự rút phép thông công là hình phạt nặng thế nào thì phạt ăn chay cho nhặt, hoặc phạt đòn cho đau, để nó sửa mình”. Cha Denis có tính nóng đã sẵn, lại đầy lòng kính Chúa ái nhân, thấy người ta phải thiệt vì trâu bò nhà dòng thì cầm mình không được nên đã thi hành thánh luật theo nghĩa chữ, song chỉ duy nhất có một lần ấy thôi.
Từ đó cha lại nhận việc chăn trâu bò. Khi súc vật thêm nhiều thì ngài chỉ mấy thầy “trưởng thượng” giúp ngài. Hiện nay còn hai thầy được phước đồng nghiệp mục thụ với cha: thầy Michael (Phước Sơn) và thầy Batôlômêô (Châu sơn). Đến trưa các thầy về lấy cơm đem ra cha con ngồi dưới gốc cây mà dùng, đồng thời ngài kể chuyện sách thánh hoặc hạnh thánh cho các thầy nghe. Thường đang lúc giữ trâu bò cha đọc kinh nguyện gẫm hay đọc sách thiêng liêng.
Chức mục đồng này cha giáo Thuận với các môn đệ đã giữ năm sáu năm đầu, sau thấy bất tiện thì cha thuê người ngoài lo việc ấy.
Trước đã nói: dòng mới được ba cái nhà cho mấy người làm vườn đạo đức ở, vì bấy lâu cha để môn đệ chuyện vãn tự do, hút thuốc như ý, mặc thích nằm ngồi, chưa bắt giữ luật lệ vì mọi sự còn thiếu thốn.
Nhưng nay đã tàm tạm được, nên cha định ngày 11 tháng 10, lễ Đức Bà làm Mẹ Đức Chúa Trời thì khởi sự giữ luật, tập làm thầy dòng. Song đến ngày ấy cũng chưa thi hành được, vì mọi sự còn lộn xộn quá, phải giãn đến ngày mồng 01 tháng 11.
CHƯƠNG IV
Từ khi bắt đầu giữ luật đến ngày cha mặc áo dòng
1-11-1918 2-11-1919
Ngày mồng 01 tháng 11–1918, ngày lịch sử đã đến, một ngày rất vui, song cũng là một ngày rất buồn.
Một ngày lịch sử vì là ngày cha làm phép cắt bì và đặt tên cho con. Bấy lâu ngài sinh con ra trên núi Phước mà còn để con thong thả như chưa dâng cho Chúa, chưa bắt con chịu cực theo luật dòng. Nay mới dạy con giữ luật thánh tổ “Abraham-Benedicto” là cắt bì miệng lưỡi; cấm nói cấm hút để xứng tên “thầy dòng”
Thật là một ngày rất vui mừng cho cha, song lại là một ngày rất buồn cho con, buồn vì đau, đau vì không được nói thì ít mà không được hút thì nhiều: Mặt nào mặt ấy ngó buồn thiu chỉ dựa dẫm ngáp dài, chảy nước miếng! Song buồn mấy cũng chỉ 12 tiếng đồng hồ rồi lại qua đi như ngàn ngày vui khác. Thế mới hay: Đời này giả dối bác bôi, vui năm buồn tháng thảy rồi cũng qua.
Thế là từ nay mấy cha con khởi sự tập làm thầy, như thư ngài viết ngày 12 tháng 11 năm 1918.
“Thăm mẹ dấu yêu, con không muốn trì hoãn nữa, ngay từ hôm nay, con xin chúc năm mới mẹ; Năm 1919 sẽ nên một năm tốt lành, năm phước lộc, một năm thánh thiện: Mẹ sẽ dùng trót năm 1919 mà làm cho vui lòng Chúa, hằng ngày mẹ sẽ lập thêm công mới, để sau này càng được chỗ đẹp hơn trên thiên đàng, chỉ có sự ấy đáng kể mà thôi. Đã bốn năm nay mẹ phải chịu cực khổ nhiều vì giặc giã mà còn phải chịu nữa, nhưng có ngày giặc sẽ tan, ta sẽ thắng trận, và có khi đã tan rồi, mà con chưa biết, vì con ở đây xa quá, ít khi được tin tức, sự con biết đã mấy ngày rày là người ta đang trông giặc sắp tan. Cám ơn Chúa Allêluia”.
(Khi người viết thư này, thì nước Pháp đã thắng trận hôm trước rồi, ngày 11 tháng 11-1918).
Mấy thầy dòng tập của con, và con nữa đều khoẻ mạnh luôn, chúng con đang cùng nhau tập nên thầy dòng. Thế chúng con có được việc luôn mãi không? Có lẽ-Nếu đẹp ý Chúa thì được. Nhưng cứ sự thường thì phải lâu, vì chúng con tập với nhau mà không có thầy. Cũng như người ta tập làm thợ mộc mà không có thầy, tuy dầu cũng được nhưng phải lâu ngày, lại làm hư phí săng gỗ cũng nhiều, và sứt mẻ chàng đục không biết bao nhiêu. Chúng con nay cũng thế, cúi xin Chúa nhân lành đến giúp chúng con.
Từ giã mẹ… con yêu của mẹ: Henri Denis.
Tiếp thư sau: “Thăm mẹ yêu dấu,
Thế là giặc đã xong rồi. Cám ơn Chúa! con được tin phước lạc ấy khí muộn, vì con ở xa, lại mấy ngày rày mưa lụt, nước sông to. Cha Bề trên nhà trường đã thuê người đem tin cho con song mất ba ngày người ấy mới đến đây. Cha Bề trên nhà trường đáng mến quá, ngài thật là vĩ đại nhân ngãi của mấy thầy dòng mới, ngài đã gửi đường, càfê và gạo nếp cho chúng con ăn mừng ngày đại thắng. Mà thật, chúng con đã mừng một cách long trọng lắm, con đã cho anh em nói chuyện một ngày rưỡi, vì là một cuộc đại thể hiếm có: “Vạn niên nhất kiến!” Chúng con khoẻ mạnh luôn, đến nỗi con tưởng: “Chúa nhân lành đã làm cho chúng con một phép lạ nho nhỏ. Vì ngay bên kia sông gần đây, người ta đau rét luôn, mà chúng con đây thì khoẻ mạnh hơn xưa kia ở lành khí lành nước. Dầu giặc giã đã xong rồi, mặc lòng, mai con còn phải đi Huế lần nữa, vì họ còn bắt đi lính 10 ngày nữa (période d’instruction). Con tiếc quá vì phải bỏ mấy thầy dòng yêu dấu của con còn đang tập thử, mà phải ở không với nhau 10 ngày như thế, con lấy làm ái ngại lắm. Cúi xin Đức Mẹ gìn giữ mấy thầy dòng của con. Nếu con biết trước, thì có thể liệu cho khỏi phải đi, nhưng vì con ở đây xa quá, khi được tin, thì muộn mất rồi, ở rừng rú có nhiều điều bất tiện rứa đó, nhưng cũng có muôn vàn điều hay, nên ý con còn ước ao ở vào xa trong rú cho được ngàn cây số nữa kia! Cọp mới bắt của chúng con một con bò con, ăn đi phần nửa, con đánh thuốc, nhưng không biết sao nó không về ăn.
Thôi, từ giã mẹ, từ nay không còn giặc giã, không còn tàu bay, không còn đói nữa, thì mẹ cũng không còn đau ốm nữa đó nghe!
Henri yêu dấu của Mẹ.
Cha khen cố Girard Bề trên trường An ninh là một đấng đáng mến cũng nhận là vị ân nhân của dòng mới.
Thật là đúng, vì theo như ông Giáp Phẩm, chức việc họ Phước Sơn làm chứng: “Khi ấy con mới 22 tuổi, ngài nhủ con lên giúp ngài, ngày ngày con đi làm với nhân công, chặt bổi, đào gộc, ngài cũng đi làm với chúng con, nhưng ngó bộ ông tây, cầm cuốc chưa quen, giơ cuốc thật cao, mà cuốc không đứt rễ cây chi cả, trời nắng tháng năm, nóng hết sức nóng, ngài thì mồ hôi ra, mặt đỏ tía gây, tội nghiệp dễ thương quá… Mà khi ấy làm bất tử, không giờ giấc chi cả, trưa ăn ba hột rồi, chúng con chưa kịp hút điếu thuốc ngài đã thúc đi làm, mà phải đi, vì chính ngài cũng đi, mình ngồi lại không được với ngài.
Ôi chao, ngài nóng hết sức nóng, nhân công sợ thất kinh với ngài, nhưng họ cũng vui lòng làm, vì ngó bộ ngài, họ thương quá. Còn con, thí cứ thứ năm đi An Ninh mùa đồ ăn, xuống đến nơi, thì cố Bề trên Hoà cứ hỏi: “Cố Thuận có khoẻ không? Ngài có ăn được chi không? E ngài ăn ít lắm hè? E ngài chế mất thôi? E ngài chỉ ăn khoai với sắn thôi đó, tội nghiệp quá?” rồi ngài kêu bà lão lo mua đồ lương thực nhà trường mà nói: “Bà nhớ mua cho cố Thuận tử tế nghe! Mua cho đủ, thiếu tiền cứ lên cha mà lấy, kẻo không có chi ăn e ngài chết mất”.
Đồ ăn thì bà ở nhà trường mua, còn gạo thì bên nhà phước lo, họ làm tử tế, rồi cuối tháng cha Bề trên mình trả tiền, đồ ăn nhà trường cũng vậy, cứ tháng ngài trả tiền, ít tháng đầu thì con phải gánh bộ, cực quá! sau ngài sắm được chiếc thuyền nhỏ, thì đỡ, cứ thường tuần chở củi xuống bán, rồi chở gạo lên.
Nhưng xẩy ra: Lần kia nước sống to, chảy mạnh, đò lên trễ quá gần trưa rồi, mà đò chưa lên, gạo thì hết, con thưa ngài: “Thưa cha, đò chưa lên, mà gạo nhà hết rồi, trưa ni lấy chi ăn?” Ngài liền la con: “Thì Chúa sẽ liệu mà, con lo chi vô lối rứa”. Hay đâu chờ mãi quá trưa, cũng chả thấy đò lên, ngài bảo đào sắn luộc. Ôi chao ăn sắn vào, cha con say, nằm đoạ cả ra, mãi gần chiều, đò gạo mới lên, ngài cười và bảo lấy gạo nấu cơm cho các thầy ăn.
Còn cố Bề trên Hoà, thì thật tốt đó, thương cha Bề trên mình hết sức thôi. Có lần đã gần chiều, ngài nhủ con xuống nhà trường, xuống đến nơi đã tối đêm, đóng cửa rồi, con không dám gõ cửa, mai sớm con vô, cố Bề trên hỏi: “Mô mà đi sớm rứa!” Con thưa: “Con xuống khi hôm, đã tối, không dám vô”. Ngài liền nói: “Không, từ nay hễ khi mô xuống cứ vô ngay, dầu tối đêm cũng cứ gõ cửa mà vô, kẻo e sợ có việc chi cần gấp, cố Ngài sai xuống, thì để liệu cho ngài, kẻo tội nghiệp và lại phải vô để kiếm cơm ăn chứ, ở ngoài lấy cơm mô mà ăn”.
(Do ông Giáp Phẩm thuật lại, hiện nay ông di cư ở Võ Đắc, Tỉnh Bình Tuy Địa phận Nha Trang.)
Cha con cứ gạo chợ nước sông như vậy gần một năm. Sau ngài thấy có điều bất tiện nên ra sức mua lúa về xay để kiếm tấm cám cho heo gà. Một hôm mua được ít thúng lúa, song chưa có cối xay, ngài cho đi mượn của ông Xã Hem, bên lương, dân cư Quan Cụ ở xóm bà thánh Têrêsa. Ông xã có hai bà, hôm ấy ông và bà cả đi khỏi bà hai ở nhà. Bà này ăn phải đũa mụ Herodiade, xung ngài lắm, không cho mượn. Họ nói bà xung ngài có lẽ vì đôi khi ngài ra thăm ông xã có ý khuyên trở lại, bà ra chào ngài, ngài không thèm ngó mặt, nên để bụng xung, nay được dịp trả thù cho bõ ghét!
Cha lấy sự ấy làm cực vì nó ở nhờ đất nhà dòng, mà không biết ơn, song ngài cứ làm thinh nhịn chịu, để mụ Herodiade thứ hai ấy ở đất nhà dòng lâu năm đến sau mụ tự ý bỏ đi, ngài không đuổi.
Theo giáo luật, các Đức Giám Mục được quyền ban phép lập dòng song phải đệ sớ tâu Toà Thánh. Khi Đức Cha già Lý đã ban phép cho cha Denis thượng tuần tháng chạp 1917 thì ngày 15 tháng 4 năm 1918 ngài đệ sớ bẩm Đức Hồng Y thượng thơ bộ Tấn Giáo như sau:
“Bẩm Đức Tể Tướng,
Trong địa phận tôi có một linh mục Dòng Sai, trí khôn sắc sảo và đạo đức lắm, từ mấy năm nay cứ nài xin tôi cho phép tựu hội ít người Việt Nam để cùng nhau sinh hoạt tương tợ theo luật dòng Trappe.
Tôi biết lập một dòng thế ấy là điều rất hữu ích, không những cho nguyên địa phận tôi mà lại cho cả miền Đông Dương nữa. Nhưng theo sự khôn ngoan, tôi chưa dám cho phép thi hành.
Song thấy lòng kiên nhẫn vị Dòng Sai tốt lành ấy: tôi cảm phục, nhất là thấy nhiều người ước ao lập một dòng như vậy. Nên tôi trộm nghĩ đã đến kỳ phải cho phép thử để thi hành ý kiến ấy, nếu thành công, dòng ấy sẽ sinh lợi ích thiêng liêng nhiều cho một số đông thanh niên Việt Nam đang muốn từ bỏ trần tục theo con đường trọn lành mà tu đức lập công.
Đã từ lâu tôi những ước ao trong địa hạt tôi có một tu viện tổ chức hoàn toàn, được Toà Thánh châu phê luật lệ. Không những ước ao lại muốn thi hành, nên nhiều lần đã viết thơ xin dòng Trappe đến lập trong địa phận tôi, song thơ từ mấy thảy đều vô hiệu. Các lẽ họ ra mạnh đến nỗi khiến chúng tôi không dám gởi thơ xin nữa, không hy vọng Việt Nam được phước tiếp nhận các thầy dòng tốt lành ấy. Song có phải người Việt nam kém tư cách, nên bị thiệt không được hưởng cái phước tu thân như người Tàu người Nhật chăng. Thiết tưởng không! Vậy tôi cả dám cúi xin Đức Ngài rộng lượng thẩm chiếu cho người Việt nam cũng được thông công hạnh phúc tu thân. Tôi dám hy vọng cây non vị linh mục Dòng Sai khởi trồng mai sau nhờ ảnh hưởng sương sa mát mẻ của dòng Trappe hoặc dòng nào khác phù trợ, sẽ biến lên cây đại thọ lớn lao đẹp đẽ, nào ai biết được?
Nếu Đức Ngài chuẩn y và giơ tay giáng phước lành cho việc ấy, nếu việc ấy mai sau được hoàn toàn kết quả, thì lợi ích biết bao cho phần rỗi nhân dân. Bằng chẳng may có thất bại đi nữa, thời chỉ giữ lại mối tiếc thầm vì không thực hiện được một việc định làm nguyên chủ đích cho sáng danh Chúa hơn.
Còn luật lệ dòng mới, như tôi đã nói trên, cũng tương tợ như luật dòng Trappe, song tôi dám đệ sang toà Đức Ngài kiểm duyệt vì trước khi nhất định, tôi muốn cho thử trước xem có khoản nào bất tiện thì châm chước cho vừa.
Bấy lời thành thực, tôi xin hết lòng tùng phục ý chí cao quí Đức Ngài như con thảo thuận.
Muôn trông Đức Ngài chiểu tình chuẩn y.
Ký tên: Eugenio Giuse Allys
PHÚC Y
Của tông toà:
Thượng sớ đến La mã, Đức Hồng Y Thượng Thơ Bộ Tấn Giáo đề tấu Đức Thánh Cha. Đến ngày 11 tháng 10 năm1918 lễ Đức Bà làm Mẹ Đức Chúa Trời. Đức Hồng y ban tờ phúc y như sau:
“Rất trân trọng kính tôn Đức Thầy.
Đọc thơ Đức Thầy, tôi rất hài lòng vì thấy trong địa hạt Đức Thầy có vị linh mục Dòng Sai muốn sáng lập một tu viện cho nam giới bổn quốc, tôi đã thượng tấu bệ ngọc Đức Thánh Cha Hoàng Hiệu Benedicto XV, Đức Thánh Ngài liền châu phê. Để chứng minh Đức Thánh Ngài ngự ban phép lành Toà Thánh cho Đức Thầy.
Xin Đức Thầy chiểu theo luật lệ thi hành cho khôn ngoan ý tứ để dòng ấy khuếch trương khắp cả miền.
Nguyện xin Chúa gìn giữ Đức Thầy thịnh an trường thọ. Nơi đóng ấn.
Thượng thơ Tông Trưởng
Thánh Bộ Tấn Giáo Tông Toà
Ký Tên: Hồng Y Van Rossum
Hồng Y Lorenti Thơ Ký.
Thơ ngọc Toà Thánh tới Huế ngày nào không rõ, đến trung tuần tháng 02-1919 Đức Cha mới cho Phước Sơn biết tin vui mừng ấy. Từ đó cha Denis càng nóng lòng sốt ruột làm nhà cho mau, để, nếu kịp, đến lễ thánh tổ Bênađô năm ấy, như thư ngài viết 20 tháng 8-1919, cha con được lĩnh áo dòng: “…Mẹ có muốn tin tức của con không? Nhà của con làm chậm lắm, cực quá vì hết tiền. Con trông cậy đến lễ thánh Benado, 20-8, chúng con sẽ được mặc áo Nhà Tập. Con trông cậy rứa, chứ không dám chắc hẳn, vì ở nơi rừng rú này thợ thuyền không sẵn, mà chúng con thì không làm lấy mọi sự được phần con mẹ biết, con không tài chi, làm cu li khiêng đồ, kéo xe bò hoặc cuốc đất, thì con làm được chứ đóng vai thợ nề, thợ mộc, thì chớ trông nghĩ tới.
À, có lẽ con đã nói với mẹ: Đức Thánh Cha đã thông cho Đức Cha chúng con hay: Việc con đang tổ chức đây rất đẹp ý Ngài.
Ấy là sự rất yên ủi chúng con; vì chúng con chưa phải thánh, nên cần phải có sự yên ủi bề ngoài như thế… kẻo chúng con không làm chi được mấy chút. Xin mẹ cầu cho chúng con nhiều nhiều.
Con yêu dấu của mẹ Henrico Denis ký.
Tất nhiên tin mừng Toà thánh châu phê đơn Đức Cha Lý xin phép lập dòng, dần dần đồn ra, các cha hay biết, nên càng năng tới lui thăm viếng. Cha Dominico Trần Phát (tức cha Tổng Đại Diện địa phận Huế hiện thời) viết: … Lối đầu năm 1919, tôi vào thăm dòng mới, thấy có hai, ba cái nhà tranh lúp xúp, cha Benoit, thầy Tadeo, và ít thầy khác vui vẻ tiếp khách hẳn hòi. Trước lễ đầu tay tôi làm ở nhà dòng này, tôi có trình: “Xin dâng lễ này theo ý cha Bề trên và các thầy”. Sau lễ, buổi lót lòng, cha Benoit nói: “Cám ơn cha, cha thăm nhà dòng là dấu cha không “khích bác”, mà lại yêu thương, cám ơn cha nhất là sáng nay cha làm lễ cho dòng mới sơ khai, thì không kinh nào tốt bằng lễ Misa”.
Sau tôi còn đến thăm nhiều lần nữa, và nhờ ơn cấm phòng đã được ngài tiếp cách yêu thương, cùng ban nhiều lời quí hoá… Ngài là bậc đại nhân, người thượng trí, người cực điểm, không chịu việc nhỏ việc tầm thường. Tôi dám tưởng: tính hùng dũng ấy đã làm cho người làm việc vĩ đại, là lập dòng này, và làm cho hoàn toàn đến nỗi hy sinh tính mạng.
Cha Philphê Lê Thiện Bá thêm rằng:
“Ngài vui lắm, trí lanh, hay nói nhiều câu tức cười, ví dụ: lúc tôi ở Di-loan lên thăm nhà dòng… lúc sắp về, thưa ngài rằng: “Cha lập dòng cho kẻ khác, không phải cho con, vì các phòng ngủ cha con nằm đầu từ vách này ngay chân đến vách kia, mà không thẳng được, vì con cao cẳng, nên phòng của cha không vừa cho con”. Ngài đáp tức thì rằng: “Chúng tôi làm nhất luật vậy thôi, ai vô đây dài chân, phải cắt bớt”. Ngài nói vậy rồi cười với nhau vô cùng. Ngài nhanh, sắc trí lắm. Cũng lần đó ngài đem tôi coi ràn bò; nghe tiếng “bép”, tôi nghe kêu, mà không biết tiếng gì. Ngài hỏi: “Cha có nghe chi không? Cọp kêu đó, cha nghe không? Cách chúng tôi chừng ba chục mét thôi.” Tôi sợ bưa, vì buổi mai đó, mới đi coi rú, ăn sim một mình.
Ngài có đức tin mạnh, cậy Chúa, mến Chúa: ai biết tình ngài cang cường hăng hái, mà nay ra nhu mì êm dịu, thì biết ngài thắng mình chừng nào! Việc ngài làm đều là “Actes héroiques” cả. Ngài lập dòng, họ cho là “điên”. Lời Kinh Thánh rằng: Điên các thánh, thế gian thật là dại thật là đúng…” (Trích Thơ Cha Bá).
Lễ thánh cả Giuse năm ấy 1919, cố Nhơn giáo sư trường thần học Phú Xuân ra thăm, chủ sự đại lễ. Ngày ấy dọn tiệc trọng thể hầu cha, một đọi cơm đỏ, một đĩa cá mắm, một chén canh dưa nấu ruốc, món này cha ưng nhất vì mới nếm lần đầu!
Cũng như bao lần trước, cố Thuận lại củ rủ cố Nhơn vào dòng để hiệp tác với mình. Song như thánh Phanxico Xavie với thánh Ignatio, cố Nhơn nghe lời vàng ngọc cố Thuận khuyên mà không bắt mùi, vào tai này ra tai khác nhưng dần dần chí cương quyết cha giáo Thuận đã chinh phục được lòng cố Nhơn như sẽ kể sau.
Cha Denis viết thư kể câu chuyện làm ăn khi ấy: “Thăm mẹ yêu dấu của con, tiên vàn con xin nói về vấn đề nhật trình “La Croix”. Đôi khi con được một gói mẹ gửi, song con thú thật: nhiều gói còn năm yên đó. Thôi con xin cám ơn mẹ, xin mẹ đừng gửi nữa, nó vô ích cho con mọi đàng. Mẹ đừng quên: ở trong xó rừng này con đang tập làm thầy dòng, tuy chưa chết, song cũng gần như chết (là chết cho thế gian)
Mẹ hỏi: Hằng ngày con làm chi, ăn chi? Con xin trả lời mẹ: chúng con ở đây gần rừng gần sông, xa làng mạc, sống gần người thượng. Tuy gần rừng rú song cũng năng có người đi lại làm săng gỗ, buôn bán với người thượng. Chúng con đã có mấy cái nhà bằng tre pha gỗ, mái tranh vách bùn. Chúng con đang tính làm nhà thờ toàn gỗ, mái ngói tường gạch.
Nhân số chúng con cả thảy 12 người: 11 người thử làm thầy dòng gọi là “Postulants” và một gia nhân giúp chăn nuôi súc vật. Chúng con đã có ba trâu, ba bò mẹ, ba bò con. 11 con dê, ba chục con gà, song chồn cáo nó bắt gần hết. Vườn ruộng đã vỡ được ít nhiều, song hưu nai nó phá hết, có lẽ phải rào song tốn quá, mặc lòng sau hay. Ban đêm thì nghe cọp kêu quanh nhà, dấu chân nó cùng khắp, song không thấy nó. Cám ơn Chúa, bấy lâu chúng con chưa ai bị chú đả động. Song chúng con phải liệu rào quanh nhà kẻo ban đêm ra ngoài liều mình bị chú vồ.
Việc làm thì hằng ngày chúng con đọc kinh cầu nguyện và làm việc thủ công. Đây là thời khắc thường nhật:
Đêm 2 giờ dậy, 2 giờ đến 4 giờ đọc kinh nguyện gẫm, xem lễ; 4 giờ cám ơn, rảnh: 4 giờ rưỡi đọc kinh, 5 giờ rưỡi làm việc.v.v. tám giờ đi nghỉ.
Mỗi ngày nói chuyện một lần ban tối sau lót lòng, Chúa nhật hai lần sau cơm trưa và cơm tối, lễ trọng ba lần.
Còn đồ ăn thì chúng con ăn chi. Chúng con không ăn mì không uống rượu, không dùng dầu, không bơ, không sữa mỡ đường cũng không. Tắt rằng: những món cần kíp cho bên tây, thì vô vị cho chúng con. Không bao giờ chúng con dùng thịt, cá tươi cũng không. Song cơm ăn thì lại ăn như ý, ăn với muối trắng, muối mè, cá mắm, với trứng, đôi khi với bánh sữa, nếu có. Lại cũng ăn khoai sắn, đậu phụng, chuối, mít, cùng muôn vàn thứ khác ngon vô cùng, mẹ chưa hề được nếm. Nếu mẹ nghĩ chúng con ở đây chết đói thì xin mẹ hãy đến coi! Thường chúng con không đi chợ mua đồ ăn. Bấy nay có người đi trường An Ninh lo lương thực: mỗi tuần một lần, mỗi lần hai quan. Đồ trong vườn thì mới được ăn khoai sắn và môn, các thứ khác chưa được chi hết.
Về y phục, bấy lâu chúng con vẫn mặc áo thường như người bản xứ, có lẽ đến 20 tháng 8 này chúng con khởi sự mặc áo dòng; là một áo trắng dài, một áo vai cũng trắng, khi khấn thì đen, một dây lưng da, đính một bộ chuỗi rất to, ngoài hết thêm một áo dài thụng tay dùng khi đọc kinh xem lễ, các thứ ấy toàn dùng vải trắng.
Còn việc thủ công chúng con làm đủ thứ. Ví dụ: hôm nay ba thầy xe gạch. Con ước ao mẹ đến xem cái xe trâu của chúng con: hai bánh xe là hai tấm gỗ đặc, cắt tròn, không tai hoạ chi hết, toàn là một tấm gỗ dày đặc, cái trục cũng bằng một thứ gỗ rất cứng, tha hồ quay mặc sức…Một thầy làm bếp, một thầy chặt tre, thầy khác bữa qua đau rét, bữa nay nằm coi sách, ba thầy khác đào đất đổ nền nhà thờ, thầy thứ mười kên vách phòng ngủ, còn ông Bề trên thì đang viết thư cho mẹ đây! Thôi từ giã mẹ, con phải làm với các thầy chớ! Mẹ biết; muốn giết người cũ các thầy thì phương hiệu nghiệm nhất là con phải giết người cũ con trước đã. Nhưng mẹ đừng sợ, tuy chúng con giết nhau, con giết mình con, song giết dần dần thôi, nếu Chúa muốn, ngoài năm chục năm nữa con mới chết, con tưởng vậy!
Về lễ lạy, chúng con ở đây giữa rừng rú không chi hết, chỉ một lễ thường làm trong cái nhà nhỏ vừa làm nhà ngủ nhà cơm nhà học.v.v. Một bàn thờ nhỏ bằng gỗ, trên đặt sáu chân nến gỗ, không bông, không ghế quì ghế ngồi, không Vesperae, không phép lành, nhất là không nhà tạm. Xin mẹ thưa cùng Chúa rằng: không có Mình Thánh Người ở với chúng con, thì chúng con cơ cực lắm, xin Người mau mau đến ngự giữa chúng con để chúng con chầu chực hầu hạ kính mến Người hết sức chúng con…”
Bỗng một tin vui xé màn thinh lặng: một cha Tây sẽ đến ở luôn trong dòng, tức là cố Mẫn (R.P. Maunier) quán ở Barjols gần Toulon. Thật là một điều đại phước vì từ nay trong nhà có cha giải tội. Theo giáo luật thì Bề trên không được giải tội cho các thầy. Bấy lâu hằng tuần cha con phải đi xưng tội với các cha phụ cận: An Hoà.v.v.sáng đi tối về. Cuốc bộ chân không như vậy không phải không cực: nay cố Mẫn vào dòng, cha con đỡ bao nỗi chùn chân mỏi gối. Thượng tuần tháng sáu 1919 cố Mẫn tới. Ngài già yếu năng đau, lại làm cha giải tội thường nhật, nên cha Denis định làm cho ngài một cái nhà riêng khá hơn, dùng làm nhà khách các cha luôn thể.
Ngài viết cho bà kế mẫu 24-6-1919: “Thăm mẹ yêu dấu, mẹ xem dầu ở đây cọp vô số, báo cũng nhiều mà con chưa chết, ăn cực mấy, con cũng vẫn mạnh. Dầu phải lo lắng làm nhà ở giữa rừng rú thiếu thốn mọi sự, con cũng vui luôn. Vạn tuế Chúa! Mẹ biết hễ làm tôi Chúa không thiệt bao giờ. Ngài là ông chủ tốt nhất hạng. Chúng con đang làm nhà cho Maunier xong, sẽ cất nhà thờ. Nhà cha Maunier sẽ dùng làm nhà khách cho các cha luôn. Đã hai tuần nay gió nam thổi mạnh, hại mái nhà quá lẽ, nhất là hại nến sáp. Khi làm lễ đóng hết các cửa, mà gió vẫn lùa vào, làm một lễ hao tốn nến sáp bằng ba bốn lễ. Sáp thì mắc, chúng con thì nghèo, thế có cực không? May phước cho cha chúng ta ở trên trời giàu có vô cùng, chúng con cứ trông cậy Người luôn. Chớ chi mọi người trên mặt đất đều chúc tụng ngợi khen thờ lạy và làm tôi Người hết sức như các linh hồn trong luyện ngục và thần thánh trên trời. Xin mẹ luôn luôn cầu nguyện cho chúng con nên thầy dòng thật”.
Bấy lâu nhờ ơn Chúa thương mở lòng các vị ân nhân rộng tay cúng thí. Cha con khó khăn thật, song hằng ngày dùng đủ theo cảnh dân nghèo. Nhiều khi gạo hết mà tiền con, có khi tiền không còn mà lúa gạo chưa hết. Song từ khi cố Mẫn vào dòng, thì ra như dần dần Chúa rút tay lại. Người ban sự an ủi đàng này thì lại bắt chịu cực đàng khác.
Vào quãng trung tuần tháng bẩy 1919, tiền đã không còn mà lúa gạo cũng gần hết. Cha Denis đành phải xoay đến cách đi công khuyến từng nhà. Ngài vào Huế xin phép Đức Cha cho đi hành khất. Song đi cả ngày không được một trự, dầu những kẻ quen làm ơn trước, nay cũng lơ đi, kẻ khác tỏ bộ lãnh đạm, hoặc nói đưa đẩy cho xong việc. Tối cha về nhà quản lý, trước khi lên giường, cha suy đi nghĩ lại không biết thánh ý Chúa thế nào, vì chỉ ba ngày nữa nhà dòng phải đói. Bên Tây, nhà dòng hết lương thực, đánh chuông lên, người ta cùng nhau đem của tiếp tế, mà đây mình ở trong rú, đánh chuông ai nghe. Bỗng, cạch…cạch, mở ra thấy cố Lựu (R.P. Léculier). Ngài hỏi: “có xin được chi không?” – “Không chi hết, không hiểu vì sao”, cha Denis đáp-“Tại cha không biết xin chứ sao!” vừa nói cố Lựu vừa đưa cho cố Thuận mấy chục bạc và nói: về dưới tôi nghỉ, mai tôi sẽ đưa đi xin.
Quả thật sáng mai cha Denis đi xin thì tây cho 105$, Nam 288$, cộng là 393$ với 60 thùng lúa.
Ngài viết kể chuyện ấy như sau: “… 29-7-1919.
“Thăm mẹ yêu dấu, độ này thường mưa luôn, con tiếc quá, không có việc chi cho các thầy dòng của con làm trong nhà, nhưng thế nào sau cũng phải có. Con tính sẽ cho các thầy đóng sách, mạ vàng, xuy vàng chén thánh, đan thúng.v.v.. Mẹ có biết nghề chi hãy vẽ cho chúng con với, nghe chi vừa dễ vừa có xu thì vẽ!
Không bao giờ con phải đi ăn mày từng nhà, song nay chúng con cực quá, hết tiền hết gạo, nên tuần rồi con phải bỏ mấy thầy dòng đang tập của con, vào Huế xin Đức Cha cho đi phổ khuyến. Tây cho được 105$, Nam cho được 288$. Thế là chúng con khỏi cực rồi. Với số tiền đó chúng con có thể làm xong nhà thờ! Cám ơn Chúa !
“Thế nhưng lúc con đi xin, không phải mọi người đều tỏ thái độ vui vẻ với con đâu, mặc lòng kẻ nhiều người ít ai cũng cho. Con cũng xin được sáu chục thùng lúa, bấy nhiêu đủ cho hai tháng. Hết hai tháng rồi thì sao? Chúa sẽ liệu, chúng con trông cậy Người.
“Đến lễ thánh Bênađô này chúng con chưa mặc áo dòng được là vì nhà dòng chưa xong, nhất là chưa có vải may áo. Con đã hỏi mua thứ vải xấu nhất ở Huế, mà cũng mắc quá lẽ: may một cái quần phải tốn hết gia tài của con, mà mỗi người phải có hai quần, hai áo tunica, một áo cucula, thứ áo dài rộng thụng tay hết sức. Chúng con phải đợi giàu đã mới mặc áo nhà tập được!”
“Ô! Trót lá thơ, con chỉ nói về tiền bạc! Thôi xin mẹ tha thứ cho con và tin rằng: con khinh dể cái loài bạc tiền đê mạt ấy hết sức. Mà có lẽ tại con khinh dể nó, nên nó hay trốn con. Được! Mặc kệ nó! Con cứ vui luôn, vạn tuế sự vui! Con vào Huế đi xin như vậy làm cho họ biết nhà dòng hèn mọn của con. Họ thương chúng con lắm, nhưng họ sợ không dám đến ở với chúng con, họ bảo; chúng con ở đấy chết đói, hoặc làm việc quá mà giết mình đi.v.v..Các điều ấy không thật chút nào: không bao giờ chúng con hết gạo hẳn, không bao giờ chúng con làm việc mà lòng trí cu li…”
Bĩ cực thái lai. Nay có tiền rồi, cha Denis lại khởi sự kêu thợ làm nhà thờ, đặt săng gỗ, thuê người làm vườn, đông vô số. Cố Văn rằng: “Hồi thượng tuần tháng 8 năm 1919 tôi lại đến Phước Sơn. Quả thật cái bản đồ cha Denis chiêm bao trước mặt tôi năm ngoái mới vừa một năm mà đã thi hành được phần lớn. Xưa rừng rú sỏi sạn, mà nay thấy nhân công làm nhan nhản, 6 con trâu đang kéo súc gỗ Lim lớn kếch. Thợ mộc thợ nề làm việc tấp nập; tiếng chàng đục bào đẽo inh ỏi cả đám rừng xanh. Các phòng ngủ gần kín hết. Tôi đến thì được ở một phòng gần cha Maunier.”
Thật vậy, hợp như thư cha viết ngày 25 tháng 8
“… Nhà dòng hèn mọn của con luôn luôn ở trong sự bằng an vui vẻ. Thường ngày tuy có gặp sự khó này sự cực khác mặc lòng không can chi. Hôm nay chúng con đang trồng môn, là một thứ khoai ngon quá xá, đứng vào giữa khoai tây và khoai lang, ít ngày nữa sẽ trồng sắn. Mai này con sẽ cho đánh xe trâu lên Cà-lơ mua vài quan tiền sắn, củ thì ăn, cây chặt từng khúc mười phân một để trồng. Nếu các “xừ” heo ri (Messieurs les sangliers) không phá hết thì chỉ trong 10 tháng là chúng con được vô số củ.
“Chúng con đang có nhiều thợ làm nhà thờ, hy vọng hai tháng nữa có nhà thờ làm lễ. Nhưng trở trời, nếu có bão thì nhà thờ chúng con lại cúng ông thần “phong”, mặc lòng chúng con trông cậy cha thánh Bênêdictô phù hộ”.
“Tuần này sẽ có hai người vào dòng, thế là tới số 12, xin mẹ cầu cho chúng con nhiều!”… Henri Denis.
Hồi trung tuần tháng chín năm ấy lại được thêm sự an ủi khác là Đức Cha cho cha Tú đến nhà dòng dưỡng lão. Ngài già yếu không giúp chi được mấy, song nguyên sự hằng ngày làm lễ cho các thầy xem đã là một đại ích. Từ đó nhà dòng hằng ngày có ba lễ.
Thơ mồng 2 tháng 10-1919 rằng: “…Việc nhà chúng con vẫn xuôi luôn, sắp có 4 người khác vào dòng, con trông cậy Chúa nhân lành sẽ ban tiền gạo nuôi nấng họ. Tuần này chúng con trồng cây nhiều, nhất là mít, gỗ nó tốt nhất hạng, trái lại to và ngon lắm, đất chúng con trồng mít rất hạp. Chúng con cũng trồng dâu nuôi tằm. Cám ơn Chúa chúng con trồng, xin Chúa cho nó mọc.
“Con vẫn mạnh, mấy thầy dòng tí hon của con cũng khỏe. Chúng con vẫn cứ trồng cây, song mưa quá. Chúng con mới phở ít ruộng ở chân đồi, trông cậy sẽ được ít nhiều lúa. Đô này lúa kém quá, mọi khi hai quan năm một thùng, nay lên sáu quan, e chúng con chết đói! Lẽ ra chúng con chết đói lâu rồi, song một phép lạ Chúa làm, chúng con hằng được no ấm trong tay Người. Hôm nay chúng con có đủ mọi sự cần, còn ngày mai, thì mai sẽ hay, muôn năm Chúa! Chúng con đây thật có phước hơn hết mọi người. Xin mẹ cầu cho chúng con.
Qua năm 1920, ngày 2 tháng giêng, ngài viết:
“Thăm mẹ yêu dấu, con mạnh luôn, vui hết sức vui, con vui đến nỗi con tưởng con sang Việt Nam 17 năm mà không khi nào con có phước bằng bây giờ.”
“Bọn heo ri nay các hắn chưa làm cực cho con vì cây mới trồng. Họ nói bọn nó đã nhất định tấn công cho chúng con chết đói! Các hắn để chúng con trồng, song khi có củ thì các hắn “chén” hết, không những nguyên các hắn, lại còn thỏ chồn và nai, mang nữa.
“Chiều qua con tưởng các Thiên Thần hộ thủ đã gìn giữ chúng con cách lạ: Mấy thầy dòng con đang làm vườn mới phở gần rú, có con chó đi theo. Bác chó đang chạy lăng xăng trong bụi, thình lình chú cọp ở đâu nhảy ra vồ, song vồ hụt. Thất kinh, chó ta cúp đuôi chạy cuốn lại với các thầy, làm họ cũng sợ mà không biết chuyện chi, chỉ một mình con ở sau bụi, thấy rõ chú cọp, cách con có mấy thước, song chú không thèm ngó con, cứ lủi thủi đi, thật vô phép quá! Mặc lòng con làm thinh cho chú, không thèm cái phép lịch sự của chú! Xin mẹ cầu cho chúng con nhiều.
Henri Denis ký.