Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

CHƯƠNG V

 

Từ ngày cha mặc áo dòng đến khi cha giáo Nhân vào dòng.

02- 02 -1920  ¦  20 – 8 -1920

Trước đã nói cha Denis nóng lòng sốt ruột làm nhà mau để nếu kịp thì lễ thánh tổ Benado năm ấy (1919) cha con được mặc áo dòng. Song đến lễ cha thánh mà chưa thi hành được ý định: nhà thờ chưa xong nhất là chưa có vải may áo. Thành thử cha phải ép tình đợi mãi đến mùng 02 tháng 02-1920.

Ngay từ đầu năm 1920 cha chuẩn bị cách riêng để lĩnh áo thánh Ngài viết thơ xin nhà kín giúp lời cầu nguyện, không những họ vui lòng, còn xin kiểu áo để may đủ bộ dâng cho ngài.

Cha chọn ngày mồng 02 tháng 02, lễ Thánh Mẫu dâng thánh Tử để mặc áo dòng là điều rất thích hạp, đầy ý nghĩa. Cha dâng mình cho Đức Mẹ xin Đức Mẹ dâng lại cho Đức Chúa Cha, để như Đức Chúa Con, nên con thật Đức Mẹ và nên “Cha đời sau” sinh các kẻ Chúa chọn. Mười ngày trước, cha cấm phòng riêng, tĩnh tâm với Chúa dưới gối Mẹ.

Ngài viết thơ cho bà kế mẫu: “Thưa mẹ rất yêu dấu, một tin rất vui mừng là con sẽ mặc áo dòng ngày lễ Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu vào đền thánh. Thế mẹ tưởng tượng xem Henri yêu dấu của mẹ sẽ ăn bận thế nào? Nó sẽ mặc một áo trắng dài rộng thênh thang và thụng tay, có đính theo một mũ lúp, đó là “mốt” ăn bận khi đọc kinh. Làm lễ thì chân đi dép quai chéo. Khi làm việc thì mẹ coi: nó đang đánh một cái xe trâu, mặc một cái quần rộng ống, một áo trắng dài đến nửa ống chân, một áo vai rủ xuống trước ngực và sau lưng đến đầu gối cũng bằng vải trắng, ngoài nịt đai da nẹp sắt, đeo một cỗ chuỗi hột rất to. Có ảnh Đức Mẹ và hình thánh tổ Benoit rủ xuống. Chân đi đất, đầu đội cái mũ lá hình cái chuông con vẽ đây cho mẹ coi.

“Ấy Henri của mẹ mà vẫn là Henri luôn, vẫn yêu mến mẹ luôn, và luôn luôn yêu mến mẹ hơn nữa, xin mẹ cầu nguyện cho nó vì mẹ biết: mặc áo dòng không làm nên thầy dòng.

“Trước khi mặc áo nhà tập, con xin mẹ tha những điều  con làm mất lòng mẹ khi ở Wimille, Boulogne, khi tòng học ở chủng viện, và từ sang Việt Nam đến bây giờ. Con xin ra việc đền tội là con sẽ đọc kinh cho mẹ nhiều và yêu mến mẹ hơn khi nào hết”.

Con yêu dấu của mẹ: Henri Denis ký.

 Ngày vui mừng đã đến, song chữ vui mừng không được tròn: Đức Cha lâm bệnh phải cử cố Bề trên Hoà làm đại diện. Ngài chính thức chủ sự lễ phép mặc áo cho “Thầy dòng tiên khởi” của tu Viện Thánh Mẫu Việt Nam trên núi Phước. Đúng bảy giờ một hồi chuông inh ỏi thâu hiệp mấy cha con khổ tu. Cố Bề trên làm phép áo trao cho cha Denis với câu: Xin Chúa cởi con cho khỏi người cũ và mặc cho con người mới như Chúa đã dựng nên trong sự thánh thiện và sự chân thật. Đó là áo phần rỗi, bảo đảm cụ thể phước trường sinh. Ngày ấy cha hưởng thụ một ơn đại xá, đổi thánh hiệu là Benoit.

Mặc áo rồi, hạ tuần tháng hai cha viết: “Thưa mẹ rất yêu dấu, từ mồng 02 tháng 02 đến nay con đã viết thơ cho mẹ chưa? Con đã giới thiệu hay về thầy Benoit chưa? Con tưởng: rồi phải? Mặc lòng, nếu chưa thì con tin cho mẹ hay: Henri Denis yêu dấu của mẹ đã chết rồi, chết mà không ai khóc, không ai thương. Người ta đã giết nó từ hôm mồng 02 tháng 02 vừa rồi, nay kẻ kế nghiệp nó viết cho mẹ đây kẻ ấy lấy tên là thầy Benoit. Thầy này quen biết mẹ lắm và mến thương mẹ hết sức, ít là thương mến bằng Henri của mẹ hay là hơn nữa, nên mẹ không thiệt chi: Xin mẹ đừng tiếc Henri của mẹ, một xin cho nó chết thật đi để thầy Benoit an tâm thi hành phận sự.

Con đã nói: “Thầy Benoit yêu mến mẹ lắm, thì thầy từ giã mẹ”.

Frère Maria Benoit

“Từ nay mẹ viết thơ thì đề Frère Benoit, Phước Sơn, Cửa Tùng, Việt Nam”

Từ đó cha Benoit luyện tập riêng lớp môn đệ đầu tiên dọn mình mặc áo ngày lễ thánh tổ Benoit, 21 tháng 03 sắp tới. Ôi! Chớ chi mau tới ngày đại phước ấy, đại phước cho mấy cha con, đáng ghi nhớ muôn đời cho cả chi dòng. Cha con bấy lâu đã cùng nhau đông thiên nắng hạ, cơm hẩm gạo lứt, ngậm đắng nuốt cay, những mong đến ngày được phước dự hàng tu sỹ. Cha được rồi muốn chia phước với con, con chưa được muốn đồng phước với cha. Ngày 21 tháng 03 cũng là ngày lịch sử của bản dòng vì chính là ngày Đức Cha hạ bút ban sắc cho Phước Sơn thành lập.

Vốn Đức Cha đã ban phép cho cha Benoit  từ thượng tuần tháng chạp 1917, song ngài chỉ nói bằng miệng, chưa đệ sớ tâu Toà Thánh, chưa có sắc Toà Thánh chuẩn y. Được sắc Tông Toà châu phê rồi, Đức Cha cũng chỉ tin cho biết vậy chớ chưa chính thức ban hành sắc lệnh vì còn để thử.

Nay thấy Bề trên dòng mới đã mặc áo và đang dự bị cho lớp môn đệ đầu tiên thì ngài hy vọng Phước Sơn sẽ tồn tại muôn năm, nên hạ bút ngọc ban sắc như sau:

“Ta là Eugenio Maria Giuse,

“Ơn Đức Chúa Trời và ơn Toà Thánh làm giám mục: Phacusitensi Đại diện Đức Giáo Hoàng cai trị địa phận Huế, đã được phép Toà Thánh ban cho lập dòng mới đội tên là Dòng Đức Bà Việt nam. Vậy ta làm tờ vi bằng này chứng nhận dòng ấy là chính thức thành lập từ ngày 21 tháng 03 dương lịch năm Chúa Giáng Sinh 1920.

“Mục đích chính của dòng là mọi anh em phải chuyên lo nguyện gẫm hãm mình và nên trọn lành: mục đích tuỳ là cầu nguyện cho dân ngoại trở lại.

“Tu luật thì theo bổn luật thánh tổ Benoit và hiến pháp dòng Citeaux nhặt phép theo giáo luật, trừ mấy nố tuỳ tòng đã sửa đổi cho thích hợp với hoàn cảnh thời thế địa phương”.

Làm tờ này tại Phủ Cam, Bổn Toà ngày 19 tháng 3-1920.

Đức thầy Eugenio Maria Giuse Lý, Giám Mục.

Thừa lệnh Đức Cha: Louis Darbon Thơ ký.

Ngày 21 tháng 03 năm 1920, ngày rất đáng mong ước của mấy thầy dòng dọn mình mặc áo, nay đã tới. Bẩy giờ, nổi hồi chuông con, khách bà con các thầy tấp nập tựu đến. Quý khách có cha chánh bổn sở Cổ Vưu (R.P. Lamosle) (sau thăng quyền giám mục biểu hiệu Đức Cha Lễ), nhân dịp ra An Ninh mừng lễ thánh Cả Giuse bổn mạng cố Bề trên nhà trường, nhân tiện đến thăm dòng mới, đồng hành có cố Lịch (R.P.Lefèvre) và cha Hồ ngọc Cẩn, giáo sư chủng viện An Ninh (tức là Đức Cha Việt nam tiên khởi địa Phận Bùi Chu); đi hầu cha Giáo Cẩn có hai chú nhà trường, một chú tên Lê Hữu Từ (sau thăng quyền Giám Mục Phát Diệm)

Khách an toạ rồi, nghiêm trang sáu thầy bước ra, nét mặt tươi như hoa nở, quỳ rập trước mặt cha Bề trên, chung quanh có linh trăm cặp mắt đang chú mục. Cha Bề trên đứng dậy làm phép áo mặc cho lớp con đầu lòng. Đây xin bỏ qua lễ phép mặc áo, sau sẽ có dịp nói rõ hơn. Lãnh áo thánh xong, cùng nhau xúng xính trong bộ áo mới, sáu thầy đến cám ơn Bề trên, cha con hôn mặt tỏ tình âu yếm chí thiết trong Chúa Giêsu.

Quí danh sáu thầy “trưởng thượng” là: Michael Biện, Phaolô Liên, Giuse Thức, Phêrô Huỳnh, Giacôbê Nghĩa và Thađêô Chánh. Chỉ có ba thầy bền đỗ trong áo dòng; Thầy Michael Biện, Giuse Thức, Thađêô Chánh. Hai thầy sau đã nghỉ giấc trăm năm trong Chúa, an táng tại nghĩa địa bản dòng; nay còn thầy Michael, vị thủ chỉ đầu râu tóc chưa bạc.!!!

Lễ phép mặc áo xong, tiếp đến đại lễ, do cố Mẫn chủ sự, chú Lê Hữu Từ giúp hát so lo, đó là lễ hát đầu tiên núi Phước. Một việc đánh bóng cho ngày lễ, là Phúc Âm xong, cha Giáo Cẩn đứng ra giảng một bài rất hùng hồn khen ngợi bậc tu trì, ám chỉ riêng về núi Phước. Nguyên văn bài giảng xin đăng phần phụ lục.

Lễ tất, cha con lại y theo cựu lệ. Phần cha phải chỉ huy công việc, nhất là phải đào luyện các thầy và kiếm bạc tiền để tiếp tục việc xây dựng. Nhà thờ gần xong, trông cậy Đức Cha sẽ đến làm phép.

Ngày mồng 7 tháng 04 cha viết:

“Thăm mẹ rất yêu dấu của con, con viết đôi lời thăm mẹ thôi, không viết dài được vì mắc coi thợ mộc thợ nề nhân công đông vô số, nhất là phải coi sóc đào luyện các thầy và kiếm bạc tiền, con không biết để trí khôn vào việc nào hơn. Rầy con dần dần ra người bất lịch sự trái ý con, vì con bỏ liều biết bao thơ không trả lời được, tại bận quá! Nhà thờ sắp xong, con trông cậy Đức Cha sẽ ra làm phép. Lễ thứ nhất con làm tại nhà thờ mới con sẽ chỉ theo ý Đức Cha Lejeune vì đa số tiền làm nhà thờ, là của ngài cho. Con định chọn Đức Mẹ thành Boulgne làm bổn mạng nhà thờ, con đã có ảnh đóng khuôn đẹp lắm, song không tiền mua gương cho khỏi bụi, mắt quá!

“Lễ thánh tổ Bênêdicto, 21 tháng 03 vừa qua, có sáu thầy mặc áo nhà tập, còn sáu thầy nữa để dành kỳ sau, lễ thánh Phụ Bênado. Xin mẹ cầu cho chúng con với…Con hiệp nhất với mẹ trong rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu

Con yêu dấu của mẹ Fm. Benoit.

Tiếng đồn Đức Cha ban phép lập dòng Phước Sơn dần dần phổ biến kẻ nói thế này người làm thế nọ. Có cha sợ cho vận mệnh Phước Sơn không bền vững vì thiếu phương tiện sinh nhai: ruộng cấy không có đất đồi sỏi sạn, lại thêm làm chi thì nai mang heo ri phá hết, mà giáo luật thì dạy: lập dòng đâu, tiên vàn phải dạy cho các thầy có đủ bề sinh sống. Chắc câu chuyện ấy thấy đến tai Đức Cha, ngài sinh lo ngại, đến nỗi ngỏ ý với cha Benoit: ngài muốn Phước Sơn rời ra Ngân sơn. Có lẽ Đức Cha  cũng bài giãi ý kiến với Cụ Lớn Phước Môn, nên quan cụ vội tin cho cha Benoit: đừng bỏ Phước Sơn rời đi Ngân sơn, cứ ở lại đó cần bao nhiêu ruộng Cụ sẽ liệu cho.

Ngày 14 tháng 04 ngài viết: “… Thăm mẹ yêu dấu, một tin rất mới là chúng con còn ở Phước Sơn đây, cám ơn Chúa! Alêluia! Mẹ biết sao không? –Là vì Đức Cha mới tin cho chúng con hay; ý ngài muốn chúng con bỏ Phước Sơn đi nơi khác, vì ở đây không có ruộng cấy. Song Quan Lớn Nguyễn Hữu Bài, Lại Bộ Thượng Thơ, đã bảo chúng con cứ ở lại đây, cần bao nhiêu ruộng thì ngài sẽ cho. Còn đất của chúng con sỏi sạn thế này, đã rõ quan cụ không thể làm cho tốt hơn, song chúng con phải chịu khó một chút chớ!

“Về sự bỏ đây đi nơi khác, con tưởng đó là chiêm bao, vì nhà thờ con mới làm, phải phá đi sao? mấy cái nhà con đã dựng đây, phải rỡ đem đi 100 cây số sao?

“Nên các cha chủng viện An Ninh và mấy cha Việt Nam chung quanh miền đất đỏ, nghe biết chúng con không muốn đi Ngân Sơn, thì mầng, đến nỗi gửi quà để chứng tỏ mối thịnh tình ấy.

“Chúng con sẽ xây một cái tháp chuông, để đánh dấu muôn đời: “Phước Sơn đại thắng Ngân Sơn”. Tháp chuông con tính xây đó, thấp vừa sức chúng con thôi, cao độ 5 thước. Còn chuông thì sao? thủng thẳng sau hay. Con viết thơ hỏi bên Paris giá hạng chuông 10kg, hoặc 20 kg, rồi sẽ liệu mua. Khi có chuông rồi thì chúng con sẽ có phước hơn hết các thầy dòng thiên hạ!

“Từ giã mẹ, hãy tìm con trong Trái Tim Đ.C.G. thì thấy”.

Tiếp thơ ngày 25 tháng 4: “Con mắc việc quá- viết nửa lá thơ thôi, mau mau chúng con phải thái khoai phơi kẻo thối hết. Giá có bàn thái máy, thì hay, song không có, chúng con phải thái bằng dao, thái rồi phở khô, cất để dành hấp cơm. Đó là một cách tiết kiệm đỡ gạo lắm. Từ khi có khoai thì bớt tốn gạo song tiếc vì heo ri nó ăn mất nhiều, ăn quá phân nửa, đêm nào nó cũng về từng đàn, mười, mười lăm, hai mươi con!

“May phước, năm nay lúa khá bù lại, nai nó về ăn song chúng con đuổi được. Chúng con cũng trồng nhiều thuốc. Con đang mua gỗ làm nhà hội chung, song làm chậm lắm không được mau như ý con muốn”.

“Nơi chúng con ở đây rất tiện chăn nuôi súc vật. Họ mới cho ba con bò; cả thảy được bảy bò, chín trâu, một đàn dê, cũng sắp được ít con chiên. Song mẹ đừng nghĩ: thế là chúng con giàu rồi! Không! Những của ấy không phải của chúng con chút nào. Ngay tiền lễ con làm cũng phải xin phép Đức cha nhường lại cho mẹ. Vì hết mọi sự của cải nhà dòng, động sản hay bất động sản, đều thuộc địa phận Huế. Dầu địa phận chưa hề cho chúng con một xu, cũng là của địa phận. Ngay áo chúng con mặc cũng không phải của chúng con: chúng con sống bởi của người ta bố thí, mà có lẽ còn phải lâu năm như vậy! Chúng con cũng có một thầy đang dệt vải, song không hiểu sao sợi đứt luôn.”

“Đây chúng con cũng chằm nón bán, song đó là một nghề thường, chút xu, mặc dầu cốt để giữ luật, và phải giữ luật ngày một hơn. Xem ra các thầy tử tế cả. Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng con trong sự kính mến Người luôn. Xem chừng ma quỉ nó không thích chúng con mấy.

F.M.Benoit

Thơ sau rằng: “Có lẽ con đã nói: Chúng con còn ở lại Phước Sơn đây, thật là đại phước! Thế nhưng, có lẽ không lâu, vì nếu các cha Trappistes sang, chắc họ sẽ không chịu ở đây, mặc lòng chúng con cứ tập ở đây đã”.

“Tuần rồi có một người thợ đúc vào dòng, mới được 25 tuổi, khoẻ mạnh lắm. Nếu thầy bền đỗ, con sẽ cho đúc nồi, rồi dần dần đúc chuông”.

Cha nói: “nếu thầy bền đỗ”, vì không phải mọi người vào Phước Sơn mà bền đỗ cả: về hơn phân nửa, nhất là mấy năm đầu về mất đến hai phần ba. Sao vậy? Có phải bởi nhẹ dạ nhẹ tính, vào dòng mà không suy xét kỹ trước chăng? Có lẽ cũng có, song thường là tại không chịu nổi bề nhiệm nhặt.

Xem như cố Mẫn, một cha đạo đức sốt sắng như kia mà cũng chỉ ở được một năm rồi phải lui gót, ngoảnh cổ trông Phước Sơn với hai hàng châu lệ.

Ngày 15 tháng 06 năm 1920 cha Benoit viết thơ kể chuyện ấy: “…Con xin nhờ thiên thần hộ thủ đem lời kính thăm mẹ. Mẹ đưa tin cha Golliot đau đã khá rồi, cám ơn Chúa quá! May phước ở đây chúng con không có thầy thuốc đại danh sư, nên Chúa chỉ để những bệnh thường vậy. Uống liều thuốc hạ, thuốc mửa là lành, tuy có ngày cũng phải chết, song bây giờ mau khỏi. Mà có phước vì mai ngày được chết, phải không mẹ. Phần con, con không muốn bị cái án giam cầm sống mãi ở trần gian này, dầu được ở một nơi rất tốt như nhà dòng Đức Bà Việt nam Phước Sơn, con cũng không muốn ăn đời ở kiếp mãi đây.

Mẹ hỏi con: Cha Maunier còn ở với chúng con không?

-Không! Đức Cha vừa sai ngài làm bổn sở một xứ nhỏ. Nay chỉ còn một cha Việt Nam là cha Tú; nhưng tuần sau sẽ có một cha khác, rồi sẽ có một cha Tây. Khi ấy chúng con sẽ có 4 thầy cả, hy vọng một cha bằng lòng nhận chức Bề trên thế con. Con không cổ động song ơn kêu gọi không thiếu. Nhiều người xin vào, song con không nhận. Càng ngày con càng hiểu: muốn bền đỗ ở Phước Sơn, thì cần kíp “phải muốn”. Nhiều kẻ đến thử năm sáu tháng rồi ngã lòng, vì phải dậy 2 giờ khuya đọc kinh nhiều, làm việc mãi, giữ miệng làm thinh, cứ luôn luôn vậy. Đàng khác bàn thờ quá đơn sơ, không bông hoa, không đèn nến, không thảm, không đờn, hào quang cũng không, ngày lễ Phục Sinh mà bàn thờ như ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

“Vốn những ông lão như con đây, bàn thờ đẹp hay không, chẳng hệ chi mấy, song những người đương thời thì trai trẻ, sự ấy rất giúp lòng sốt sắng bề ngoài. Nguyện xin Chúa ban cho  những thầy dòng nhỏ xíu của con được thêm sự vui chút.

“Con yêu dấu của mẹ: F.M.Benoit”

Trước đã nói: tuần sau sẽ có một cha vào dòng, thì cha ấy đã đến rồi, quý danh là cha Giuse Trần Văn Chất.

Chính Đức Cha Hồ đã mục kích và kể chuyện ấy như sau:

“…Như một chuyện chính tôi đã thấy, khi công việc xảy ra rồi, cha Benoit với tôi cùng đàm đạo với nhau: chớ vội vui mà vui cũng phải dè. Đó là tích mấy cha con cha Chất vào dòng Phước Sơn. Trước hết, có chú Triệu học trò cha Chất xin vào dòng. Chú đến Phước Sơn thử ít lâu, cha Benoit hy vọng vào chú có ơn kêu gọi. Sau đó ít tuần chú về kể lại câu chuyện thì cha Chất cũng muốn vào dòng. Cha khen ngợi sự ở nhà dòng trước mặt con cái thì lại có một chú 15 tuổi xin theo. Ba cha con thử ở nhà ít lâu, cầu nguyện và suy xét. Phần cha phải xin phép Đức Cha. Khi ấy cha nào xin đi Phước Sơn thì Đức Cha sẵn lòng cho ngay để có người hiệp tác với cha Benoit, nên khi cha Chất xin thì Đức Cha không ngần ngại.

“Được phép Đức Cha rồi, cha Chất gởi thơ cho cha Benoit: ‘Thưa cha, chẳng những con và chú Triệu sẽ vào dòng, lại còn một chú bé 15 tuổi cũng xin vào làm đệ tử nữa”. Được tin cha mừng quá, nói theo một nụ cười: Giỏi chưa! Kéo một “cú” mà được ba con cá.

(Nói tiếp lời Đức Cha Hồ): Ba cha con ở Bố Khê, rốt cùng địa phận, thâu xếp mọi sự lên đường; đến An Ninh tôi đưa lên dòng để đồng hoan cộng lạc. Dịp ấy Cha Chất quyết bỏ thế gian, nên biếu tôi cái lược nhỏ của ngài với câu: Râu ria mặc kệ râu ria, lo chi chải chuốt lược lia cho rồi”.

“Đến nhà dòng cha con vui vẻ. Cha Bề trên cho chú bé thong thả ít ngày giải khuây, ra rú sim móc bỏ mồm như ý. Song qua thời gian ấy phải vào luật phép, chú đâm buồn! Một đêm chú khóc lù bù, tìm đến phòng cha Chất đòi về, ở dòng không được! Cha an ủi về giường ngủ đã, mai hay. Về giường một chặp lại chạy đến khuấy. Ngài trấn tĩnh như lần trước, chú cũng vâng lời về giường. Mấy phút sau lại buồn, chạy đến xin đòi về cho được! Thấy vậy sợ sinh lỗi luật, cha đến trình bề trên. Ngài đến tức tốc ra oai thịnh nộ: “Con muốn ra thì cho ra, đi ngay bây giờ để người ta ngủ, sách gói đi mau!” chú sợ đi ban đêm cọp bắt nên xin ở lại đến sáng. Cha Benoit bảo: “Hễ khuấy lần nữa là đuổi ra ngay”. Tán đảm, chú về nằm yên. Đến sáng cha Chất xin cha Bề trên cho nó về, ngài liền thuê người đem chú trả cho mẹ nó”.

“Cha Chất thấy hai đệ tử mất một thì buồn, cách ít lâu xin cha Bề trên vào Huế khám bệnh: sao ăn không tiêu, khó chịu quá! Ngờ đâu ở Huế ít tháng khi đã thuyên bệnh cha ngã lòng, xin kiếu Phước Sơn! Thấy ngài mau thối chí Đức Cha không bằng lòng, sai vào làm cha sở Lăng cô nói: “Trước khi vào dòng ở rốt địa phận phía Bắc, nay ra khỏi dòng vào rốt địa phận phía Nam!”

“Còn chú Triệu thấy đã lẻ bộ ba, một “tốt ròm” ở lại không dựng nổi bàn cờ, cách ít tuần sau cũng xin xéo!

“Sự vui của cha Benoit nay đã trở nên sự buồn, bởi quá vui mà quên câu “lạc cực sinh ai” vui quá hoá buồn. Nhân dịp ấy ngài dốc lòng hai điều: một là gặp vui đừng vui quá, phải sợ sự buồn bất ngộ; hai là từ nay không nhận cha con một nhà hoặc anh em cật ruột xin vào dòng một trật kẻo xin ngăn trở cho nhau! Chính ngài đã tường thuật tự sự cho tôi và kết thúc: “Nếu chú Triệu đi Phước Sơn một mình chắc được bền đỗ, vì đã thử chú gần một tháng thấy có rất nhiều hy vọng”.

Đó là sự tích Cha Chất vào dòng và kiếu dòng, xảy ra từ hạ tuần tháng sáu đến thượng tuần tháng tám năm 1920.

Kỳ ấy lại có một cha Tây vào dòng như thư cha Benoit đã nói ghé đến trước, tức là cha giáo sư trường thần học Phú xuân, quí hiệu R.P. Martin Mendiboure, tục xưng là cố Nhơn, tức là cha tu viện trưởng đệ nhị bản dòng.

Nguyên hạ tuần tháng sáu năm 1920 khi Đức Cha bổ cố Mẫn đi làm bổn sở Ba-ngoạt rồi, cách mấy hôm gặp cố Nhơn, Đức Cha thở dài nói: “Cha Maunier ở Phước Sơn không xong, tôi sai đi Ba-ngoạt rồi nay còn một mình cha Benoit, chẳng biết có xong không”. Nói vậy, Đức Cha có ý khuyên dục cha giáo Nhơn đi Phước Sơn, vì chắc ngài đã biết cha Benoit nhiều lần khuyên dũ cố Nhơn cho ngài vào dòng. Đức Cha nói dứt lời, cha giáo Nhơn cảm động sinh lòng mến thương cha Benoit, vì chỉ còn một mình ngài trên núi Phước. Đồng thời nhớ lại lời vàng ngọc Cha Benoit khuyên nhiều lần mà không cảm kích, nay tự nhiên thấm thía với dạ cảm phục. Cha tình nguyện xin Đức Cha cho đi Phước Sơn, khác nào tiên tri Isaia vừa nghe tiếng Chúa gọi liền thưa; Này còn đây, con xin đi!

Quyết định là một việc, song ngài còn lo sợ nên muốn cấm phòng một tháng xin ơn Đưc Chúa Thánh Thần chỉ dẫn và thử sức xem sao.

 Qua một tháng, ơn Đấng hay an ủi dìu dắt cha đến chỗ đạp phất trần ai, tận hiến mình cho Chúa trên núi Phước, theo gương thánh Phanxico Xavie tông đồ Phương Đông, sau một tháng biến thành người mới dưới lời khuyến miễn của thánh Ignatio.

Tất nhiên khi ấy Cha Benoit tràn ngập vui khoái, xong “thế gian chưa phải thiên đàng. Vui đây buồn có sẵn sàng theo nhau!”

Cha giáo Nhơn mới cấm phòng được hai tuần thì nhà dòng bị thiêu.

Nguyên nhân là chiều ngày 17 tháng 07 năm 1920, lễ thánh Alêxù, cha Tú đến thưa cha Bề trên : Trình cha mấy bữa nay cứ nghe cọp kêu quanh rú mình, xin cha cho đốt kẻo sợ, nhất là ban đêm anh em ra ngoài cheo leo quá”. Ngài đồng ý.

Phút chốc mạn đồi phía nam nhà ngủ và nhà khách ngọn lửa bốc lên ngụn ngụt, lan dần. Trời im, không ai ngờ đến tai hoạ cháy nhà. Bỗng nổi gió hiu hiu, thổi bật sang phía đông, hắt ngọn lửa bén dài xuống tạt lên mái nhà khách. Trong giây phút hai mái đỏ ngòm giữa lúc trời hanh. Lửa bốc cao ngất trời. Tiếng tre nước nổ lách tách. Chưa đầy 15 phút xong đời nhà khách, và cả cơ nghiệp nhà dòng, duy có đôi hòm chữ thọ của cha giáo Nhơn đang cấm phòng là chạy được.

Cha con ứa hai hàng nước mắt nhìn xem nhà cháy. Các thầy cũng trèo lên mái nhà vệ sinh gần bên rỡ tranh, song nóng quá phải tuột xuống. Lạ thay! Nhà khách và nhà ngủ cũng chung một mái nhà cầu, mà lửa cháy đến mái nhà cầu rồi tắt, tuy không ai chạy chữa. Gần nhà ngủ có vườn khoai từ tốt, cắm choái nhiều, lửa tràn liếm sạch, mà nhà ngủ vẫn còn y nguyên! Nhà vệ sinh gần đó cũng không can chi hết! Là con cháu thánh Gióp, cha Benoit quỳ giữa đàng, giang hai tay, ngửa mặt lên trời, than thở: “Lạy Chúa, Chúa đã ban nay Chúa lại cất, con xin thuận theo ý Chúa!”

Cha Tân kể lại chính cha Benoit một hôm nói với cha Tú: “Cha này, tôi nói tiên tri mà hại cho tôi, chiều mai nhà mình cháy! Mà chiều mai nhà cháy thật! Đó là cái nhà tôi mua bên Thuỷ Ba, có mấy cái kèo chạm trổ. Tôi có nói với bà mẹ nhà kín, thì bà nói phải cho thợ bào đi, song tôi tiếc lại ngại mất công thợ, nay Chúa cho lửa bào quét hết!

Ngày 19 tháng 07, cố Văn (R.P. Delvaux) lên thăm Phước Sơn, cha Benoit kể chuyện nhà cháy cho cha nghe rồi nói thêm: “Thật sự con không có ý làm nhà khách chỗ ấy nên không tiếc, chỉ tiếc bộ xương thánh đức Hồng Y Richard đã cho cha rồi Cha cho con, nay cháy mất tiếc quá! Con sẽ đào đất nền nhà cháy đem đổ nền Vũ-toà nhà thờ, như vậy xương thánh sẽ nằm chỗ nào đó trong nhà thờ chớ không mất.

Cũng chiều ngày ấy, cha viết cho bà kế mẫu: “…Thăm mẹ yêu dấu của con, con viết ba chữ tin cho mẹ hay: cái nhà đẹp nhất của chúng con nay đã biến thành đống tro tàn. Trót cơ nghiệp nhà dòng ở cả trong đó: sách vở, thuốc men, quần áo, vật thực, hột giống thảy thảy đều cháy hết. Mặc lòng chúng con đã hát Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa, vì lẽ ra các nhà khác cũng bị đồng một số phận!

“Ít lâu nay nghe tiếng cọp kêu quanh nhà luôn, các thầy sợ, xin đốt rú. Con bằng lòng, ai ngờ lửa bốc cao đến 15 thước. Chúng con tưởng cũng không can chi. Bỗng gió đổi chiều, bay tàn lên mái nhà, thế là xong đời. Song căn phòng nhỏ chúng con ở, một tấm ván và hai chiếc chiếu thì lại không can chi! Muôn năm Chúa! bây giờ con không còn bị cám dỗ mà nói: sách “của con”, bàn viết “của con”, cái dao “của con” nữa! Trừ hai tủ đồ lễ và chén thánh con đem bên Tây sang thì còn, song những của ấy không mắc mấy, lại là của người ta dâng.

“Vạn tuế thánh đức khó khăn! Sau nếu Chúa lại ban sách vở quần áo thuốc men chi nữa, thì thảy là của chung nhà dòng. Dầu vậy chúng con không mất sự bằng an vui vẻ. Bị rủi ro như thế chỉ là dấu Cha nhân hậu tỏ lòng thương con cái: chúng con hằng ngợi khen Chúa và cám ơn Người luôn.

Thôi từ giã mẹ, xin mẹ chớ lo gì về chúng con, chúng con hằng làm tôi Chúa, Chúa là ông chủ tốt nhất hạng, chỉ xin mẹ cầu cho chúng con được nên đầy tớ trung thành. Nay chúng con có 4 thầy cả, trông cậy mai mốt sẽ thêm.”

Con yêu dấu của mẹ F.M Benoit

 

CHƯƠNG VI

 

Từ khi cha Giáo Nhơn vào dòng

cho đến khi Đức Cha ban phép ở lại Phước sơn

(20-08–1920 ¦ 05-1921)

 

Vốn từ đầu cha Tổ Phụ bản dòng định làm nguyên nhà tranh, vách đất cho hợp cảnh nghèo. Nhưng về sau có điều bất tiện, dầu dốc lòng không đốt rú nữa. Song “Cháy nhà vạ lây”, người Thượng họ hay đốt rú, mà nhà dòng còn phải làm thêm, nếu lợp tranh cả ắt nhiều khi cheo leo, không những cháy nhà mà nguy cả đến tính mạng vì người Thượng họ hay đốt rú ban đêm. Nên cha mới đổi ý, nhất định lợp ngói. Cám ơn Chúa! Chẳng vậy nhưng khi rú dữ phải đi bứt tranh lợp nhà như mấy năm đầu thì nguy hiểm biết mấy!

Trước đã nói cha Chất ở được ít lâu thì xin đi nhà thương khám bệnh. Thượng tuần tháng tám 1920 cha Chất đi, cha giáo Nhơn tiện dịp cũng theo vào Huế lấy đồ ra kịp mặc áo nhà thử lễ thánh Benadô. Hôm ấy thật là ngày đại lễ vì cha giáo Nhơn vào dòng, hai thầy mặc áo nhà tập. Có hai cha Việt nam đến dự, một cha chủ sự hát lễ, một cha giảng bài rất hùng hồn. Chiều chầu phép lành trọng thể song không có hào quang!

Cha giáo Nhơn quán tại miền nam nước Pháp, giáp Tây-Ban-Nha, gần rặng núi Pyrénée, năm ấy (1920) ngài hưởng thọ 46 xuân, sang Việt Nam được 23 năm. Ngài vào dòng thì cha Bề trên đặt làm cha quản lý kinh doanh mọi việc, nhất là vườn ruộng.

Ngày 10 tháng 08–1920 cha Benoit viết cho mẹ:

“Thăm mẹ rất yêu dấu, con xin thiên thần hộ thủ của con sang xin thiên thần hộ thủ của mẹ liệu cho mẹ hôm nay được vui mừng phước lạc hơn khi nào hết.

Chắc mẹ muốn biết tin tức về con. Về sức khoẻ con thì đừng nói đến nữa. Con đang ngồi xe lửa qua sủng khóc lóc này, còn bẩy ngày nữa thì chẵn 40 tuổi! Thế con đi được nữa đàng chưa? Trông cậy! Mặc lòng, khi đã qua một ngày con không tức mình chút nào. Vậy con mạnh luôn, mạnh là mạnh theo sức một thầy dòng Trappe.

Thời sự: Cọp mới bắt của chúng con hai con chó. Con mèo nhà dòng hóa cáo, xơi mất bốn chục con gà, may thầy nhà bếp mới đánh bẫy được. Độ này khó tìm thợ mộc quá. Họ đồn rằng: ai lên công tác Phước Sơn về thì hoặc chết hoặc đau yếu quá, không làm chi được nữa! Họ nói: vì Phước Sơn “linh”, “linh” nghĩa là có những phép huyền bí đáng sợ. Kẻ ngoại tin lắm, kẻ có đạo cũng tin ít nhiều. Thành thử công việc chúng con phải bỏ đã ba tháng không làm chi mấy.

“Cha Nam ở với chúng con bấy lâu, nay xin về rồi, còn cha Tây thì nhất định ở với chúng con đến chết. Tuần này có ba người vào dòng.

“Từ khi cháy nhà đến nay chưa ai giúp được một xu, song hy vọng sẽ có, nếu Chúa muốn; nếu Ngài không muốn thì con cũng không ưng. Luôn luôn vạn tuế cho sự vui!

“Từ giã mẹ, cầu cho  con với.

“Tái bút: Mẹ nói gì trong thơ! Mẹ tưởng các đấng Bề trên đã giúp con tiền làm nhà dòng sao? – Ôi chao! Các ngài nghèo như chuôt nhà thờ”, lấy gì mà giúp? (Les Superieurs sont pauvres comine des rats d’ église!) và các ngài cũng không rỗi giờ mà nghĩ đến chúng con đây!

“Từ giã mẹ lần nữa.

Ngày 27 tháng 8 ngài viết: “…Thăm mẹ, nhà dòng không chi lạ đáng kể, mọi sự đều xuôi thuận cả.

“Lễ thánh Tổ Benado chúng con mừng trọng thể lắm. Ở nhà cơm chúng con có dọn xôi, đó là của Bề trên nhà trường. Ngày ấy hai thầy mặc áo nhà tập, có bài giảng đại thể. Chiều chầu phép lành trọng thể theo sức chúng con, nghĩa là chầu mà không có hào quang. Có hai cha Việt Nam đến dự, một cha hát lễ, một cha giảng: cha này là vị ân nhân của nhà dòng, ngài mới kiếm cho nhà mớ tiền để đào hào chung quanh nhà cho heo ri khỏi phá.

“Nay chúng con cả thảy 9 người nhà tập, xin mẹ cầu cho chúng con. Việc gay nhất không phải ăn chay, cũng không phải dậy hai giờ khuya, bèn là phải nên thầy dòng: phải tập cho quen suy xét như thầy dòng: điều ấy khó nhất mà chúng con chưa được. Đàng khác lại chẳng ai làm gương cho chúng con. Chớ chi các thầy Trappistes sang luyện tập cho chúng con thì phước dường nào!

“Mấy tháng trước đây nắng luôn, nay đến mùa mưa, chúng con phải mau mau cầy đất trồng thơm, chuối, trà, càphê…vv. Rồi sau lễ các thánh Nam Nữ sẽ làm vườn. Chúng con tính trồng một mẫu đậu, song không biết heo ri nó có để cho chút nào không! Chúng con chưa đào hào xung quanh, sang năm hay. Từ giã mẹ, nguyện xin Chúa ban cho ta kính mến Người một ngày một hơn.

  1. Benoit”.

Qua tháng chín 1920 Đức Cha già Lý ra thăm chủng viện An Ninh, cha Benoit nghe biết thì xuống hầu. Dịp ấy xẩy ra một chuyện chính Đức Cha Hồ mục kích, thuật lại như sau:

“Cha Benoit và hai thầy vào phòng khách nhà trường, cả ba cha con sấp mình lạy Đức Cha theo lối Việt nam. Đức Cha thấy vậy quở: “Làm chi kỳ cục vậy?” Một chặp cha Benoit lại bị Đức Cha trách điều khác, là khi nói chuyện với các cha Việt Nam, ngài cứ xưng mình là “con”! Đức Cha nói: “Nếu đã đặt trong luật khoản “Lạy sát đất” và xưng “con” thì phải bỏ đi, cứ theo thói quen bấy lâu mà chào và xưng “tôi” cũng đủ, cần chi hạ mình xuống quá vậy!”

“Về sự lạy sát đất, cha Benoit muốn giữ y nguyên theo ý thánh luật, song cho khỏi tiếng lạy Đức Cha hoặc lạy ai thì ngài đặt ra câu: Lạy Chúa Kitô trong quý khách “Adoretur Christus in hospite qui et suscipitur”, nên Đức Cha phải chịu vì không thể cấm lạy Chúa Kitô.

“Tôi nhắc lại ít tích về cha Benoit cho anh em được biết tính đức ngài đôi chút. Phần tôi khi lập dòng Hèn Mọn Thánh Tâm ở Trường An thì đã chịu ơn ngài nhiều trong việc bàn hỏi. Ngài cũng chẳng nề chất vấn tôi một đôi điều. Khi ấy thường niên tôi ra thăm nhà dòng vài ba lần để chia vui sẻ buồn với nhau. Bấy giờ hết lúc buồn của ngài rồi, ngài đang chia vui cùng các thánh, xin ngài cũng chia vui ấy cho chúng tôi hết thảy ngày kia trên cõi thọ!”.

( Trích thơ ngọc Đức Cha Hồ)

Thượng tuần tháng 10-1920, cha Benoit đi làm vườn phải lưỡi cuốc va vào chân bị dấu đôi chút. Song vì đang mùa trồng tỉa nên ngài cứ gắng đi làm không kể đau, thế là cái sẩy nẩy cái ung, phải đi nhà thương điều trị. Ngày 22 tháng 11 ngài viết;

“Thăm mẹ yêu dấu, một hôm làm vườn, lưỡi cuốc va vào chân con bị chút xíu, không đến nỗi chi, con bỏ liều không tra thuốc, thành thử nó ra cái mụt lớn phải đi nhà thương Huế năm sáu ngày, vừa mới về đây. Cảm ơn Chúa! Con yêu quí chốn rừng thanh cảnh vắng này hơn khi nào hết!

“Con tưởng con không thể sống ở ngoài thế gian được nữa. Mấy ngày con vừa phải ở ngoài thế gian đó, con lấy làm cực khổ hơn ăn chay trót mùa chay–cả chay dòng lẫn chay Hội Thánh. Con gặp cha nào cũng tiếp đãi con tử tế và thương mến con lắm. Mặc dầu mẹ tính sao, mẹ bỏ con cá vào bình mứt thì nó thích ở đó hay ở trong bình nước lạnh hơn! Phần con, con thích nhà dòng của con hơn, con tiếc vì phải bỏ nhà dòng mà ra ngoài…”

“Lúc con đi khỏi, ở nhà cọp bắt mất con bò con, ăn hết, chỉ còn cái đầu. Các thầy đánh thuốc song bỏ nhiều thuốc quá, nó ăn rồi mửa hết, thế là xôi hỏng bỏng không! Cách hai ngày sau một đôi trâu kéo xe qua sông. Chỗ ấy sông cạn, song nước chảy mạnh và tại người đánh xe không thạo mấy, nên cả xe cả trâu trôi băng hết. May phước người đánh xe thoát nạn, một con trâu bơi lên được, con kia tốt hơn thì trôi mất, tiếc quá! Các chuyện ấy minh chứng đất này không phải thiên đàng, khỏi 50 năm nữa các sự ấy đều bảo nhau qua đi hết, không còn phải nói đến nữa, phải không mẹ? Con xin từ giã”.

Cha đi nhà thương về thì giúp cấm phòng cho cha giáo Nhơn dọn mình mặc áo ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyện Tội (ngày 8 tháng chạp 1920) và đặt thánh hiệu cho ngài là Bênađo. Đó là người nhà tập thứ nhất được phép chuẩn mặc áo dòng khi chưa đến hạn theo hiến pháp bản dòng.

Ngày mồng 6 tháng giêng 1921 ngài viết:

“…Con nói có lẽ mẹ không tin, song rất thật, là một hôm lạnh lắm, con run cả mình, vì áo mỏng, nhà trống tứ vi, của ăn lại kém,..vv mặc dầu , muôn năm ông thần lạnh, vì Chúa nhân từ muốn thế!”

“Chúa nhật vừa qua có bốn cha mới, cựu sinh viên của con đến thăm dòng. Các ngài hát lễ trọng trong cái nhà thờ nhỏ xíu, đánh dấu cho chúng con một ngày vui khôn tả.”

“Hồi 8 giờ tối 31-12 mới rồi có mụ heo ri kéo cả ổ đến phá vườn khoai chúng con ngay bên nhà cơm. Thầy chủ tịch bếp đuổi chị cách lịch sự tử tế, song chị không những không đi, còn hộc lên một cách như thể nói; khoai này là của tao! Thầy đành nổ phát súng. Lũ con tẩu thoát, con mụ đầm nằm vạ lại! Sáng sau đặt mụ lên cái ghế khiêng xuống An Ninh để mụ hầu cơm nhà trường bữa trưa mồng một tết tây…vv. từ giã mẹ”.

Tiện dịp cha xuống chúc xuân cố Bề trên và thăm nhà trường. Khi hai cha cùng nhau truyện vãn trong phòng thì hai ông bà giám đốc thuế quan cũng đến. Hai cha đứng dậy ra tiếp. Hai ông bà bắt tay cố Bề trên rồi quay lại bắt tay cha Benoit. Song khi bà giơ tay thì chẳng những ngài không thèm bắt, lại còn ngoảnh mặt đi. Thẹn đỏ mặt, tức quá, bà đầm nhả ra mấy câu khiếm nhã. Cố Bề trên vội đỡ lời, giới thiệu cho bà: “Đó là một vị thánh tu dòng trên núi Phước, quí hiệu là cha Denis chắc bà đã nghe biết, song vì luật dòng cấm giao tiếp với phụ nữ, chớ không phải ngài khinh dể bà đâu!” Cố Bề trên dứt lời, bà thuế quan chạy lại cúi đầu vái cha Benoit và xin lỗi. Ngài cúi mặt, mỉm cười rồi xin cáo từ đi đọc kinh, để cố Bề trên tiếp khách.

Ngày13 tháng giêng 1921 cha viết: “Chúng con đang có đông thợ nề, thợ mộc, thợ cưa, nên chúng con làm thầy dòng được, nghĩa là được nhiều thời giờ mà đọc kinh. Và mẹ đừng quên: con còn phải dạy la-tinh cho ba thầy, mỗi ngày hai lần con phải dạy đàng thiêng liêng cho cả nhà, tất nhiên phải có giờ dọn. Bởi vậy con thấy một ngày nó chóng qua hết sức, khó tìm được chút giờ rảnh viết thơ cho mẹ. Song may phước! Khi con vào nhà thờ thì được thong dong bằng an mà thưa chuyện cùng Chúa về mẹ. Mẹ ơi! Hôm nay mẹ hãy kính mến Chúa hơn khi nào hết! Chúa thương yêu mẹ dường nào! Mẹ biết: Người hằng lưu ý đến mẹ, hằng tìm cách làm ích cho mẹ. Mẹ không thấy Người, không hiểu biết các sự xẩy ra cho mẹ đều do lòng nhân từ Chúa tỏ dấu thương mẹ. Mẹ xem những con nít, nó có biết mẹ nó hằng tìm cách mưu ích cho nó không? Thế mà sao nó cứ khóc hoài! Chúng tôi cũng con nít thế đó! Trí khôn chúng tôi quá thấp hèn, đức tin chúng tôi quá non nớt, nên trong những việc xẩy ra hằng ngày, chúng tôi không hiểu thánh ý Chúa, bởi vậy cứ khóc luôn! Ôi bao giờ chúng tôi mới được thấy sự sáng?

Từ giã mẹ.

Con yêu dấu của mẹ: F.M.Benoit ký”.

Trước đây trong một bức thơ cha Tổ Phụ có nói: “Từ khi cháy nhà chưa có ai giúp, song trông cậy sẽ có!”

Thật vậy! Cám ơn Chúa là Cha nhân lành tuyệt đối. Người làm thinh cho cháy nhà tranh, rồi mở lòng ân nhân giúp tiền xây nhà ngói, như chứng thơ vừa kể trên. Khi ấy đang làm nhà hội chung, đừng kể nhà thờ, thì nhà ấy là nhà ngói đầu tiên.

Ngày 01 tháng hai 1921 cha viết:

“…Chúng con vừa mới cất một cái nhà: trường 16 thước, khoát 8 thước, có 48 cái cột toàn bằng gỗ lim, và sẽ lợp ngói. Nhà ấy dùng làm nhà hội chung, thư viện, cùng nhiều việc khác. Song còn lâu mới xong và phải trải qua không biết bao gian quan chướng ngại. Các người đã lãnh tiền nhà dòng làm săng gỗ, thì đem đi đánh bạc hết! Đàng khác thợ mộc khó tìm; nay có mai không; mới đây có mấy người đang làm bị đau về mất, rồi họ phao đồn: ai lên Phước sơn cũng bị đau không đi làm đâu được hết… rứa đó mẹ ạ!…”

Đó là những sự cực bởi thiếu săng gỗ, không thuê được thợ, còn sự cực phần xác ngài phải chịu như gánh gạch, gánh cát, cưa gỗ thì ngài không kể. Như những thơ cha Dominique Huỳnh văn Thượng rằng: “Khi ngài đã lên Phước sơn, chúng tôi giữ tình cha con năng đến thăm ngài. Nhiều khi thấy ngài gánh đá, gánh gạch hoặc cưa gỗ với thợ. Chúng tôi thưa ngài: “Cha làm việc như vậy có mệt lắm không?” Ngài rằng: Không chi bổ khoẻ bằng cưa, vì làm cho ngực thở sướng! Giáo hữu lân cận thấy ngài gánh đá, gánh gạch hoặc cưa gỗ thì cầm nước mắt không được. Kháo nhau: “Ông cố mà làm chịu khó ghê”

Đang khi cha con tất lực làm nhà hội chung, bỗng một thơ Đức Cha gởi đến truyền đi Ngân sơn coi đất xem có rời nhà dòng ra đó được không! Ở chương V trước đã kể Đức Cha chỉ ước ao Phước sơn rời đi Ngân sơn, song lần nầy Đức Cha truyền phải đi coi đất và như muốn dòng mới phải rời đi thật!

Thơ Đức Cha khác nào tiếng nổ bên tai, song cha Benoit cúi đầu “Thuận” theo ý Chúa, vui lòng cất gót ra đi. Lúc về cha viết cho bà kế mẫu:

“…Cúi xin Chúa nhân lành ban cho mẹ được vui mừng trong ngày hôm nay và thứ tha cho con vì đã lâu không viết thơ cho mẹ. Con vâng lệnh Đức Cha xuất hành mới về đây. Tới nhà gặp thơ ông Molony nói mẹ buồn! … Thật con không ngoan mấy vì không năng viết thơ cho mẹ, song mẹ hãy tin rằng đó không phải là dấu con không thương mến mẹ, chỉ vì con mắc việc luôn thôi.

“Biết bao chuyện con muốn nói với mẹ hôm nay! Chuyện thứ nhất là con nghe họ nói, song con không tin, mà có lẽ thật, là Đức Mẹ Việt nam sẽ bỏ Phước sơn Là núi Phước mà ra ngự Ngân sơn là núi bạc ở phía Bắc, cách một trăm cây số, thuộc tỉnh Quảng Bình. Bởi vì Đức Cha và hầu hết các cha nghĩ chúng con ở đây không bao giờ làm đủ ăn con tưởng không chắc! Trông nhờ ơn Chúa chớ! nếu đi thì vườn đất chúng con khó nhọc vất vả canh phá đều phải bỏ hết sao? Chúng con vừa mới trồng dâu, mít, và một ngàn cây chè, bây giờ phải bỏ hết mà khai khẩn mà trồng lại nơi khác sao? Mặc dầu con xin cúi đầu “Thuân” theo ý Chúa! Đất Ngân sơn sánh với Phước sơn thì rậm rạp hơn, thuỳ mỹ hơn, song không lành bằng. Thứ năm vừa rồi con đi quanh rú thì cọp cũng xơi một người đang làm mây. Nên chắc ở ngoài ấy cũng như ở đây bà con láng giềng chúng con cũng sẽ là hùm cọp, heo ri…vv. Nghĩa là chúng con phải ý tứ giữ mình, có làm được chi cũng phải canh gác.

“Mặc lòng Đức Cha muốn, ấy là Chúa muốn, còn chi nữa? Thánh ý Chúa là nhất cho chúng con rồi, và cho mẹ nữa, phải không mẹ yêu dấu của con? Trong hết mọi sự xin mẹ hãy thưa cùng Chúa: “Dạ, cảm ơn Chúa!”

“Thôi từ giã mẹ, con yêu dấu của mẹ. FM Benoit.

Cha Benoit đi Ngân sơn về được một tuần thì lại đi chuyến thứ hai, lúc về ngài viết:

“…Một lời kính thăm mẹ, vì là mùa chay, con lại mới đi Ngân sơn về.  Đất chúng con ở không những xấu, lại không ruộng cấy, nên nhiều người bảo: nếu cứ ở đây chúng con sẽ chết đói! Đức Cha cũng tưởng như vậy nên muốn cho chúng con rời đi nơi khác. Đã rõ chúng con ra đó dễ làm ăn, song cũng dễ đau yếu. Vả nếu nay con đổi chỗ, mai mốt Bề trên khác không ưng ý lại đổi nữa thì sao? Rồi nếu các cha dòng Trappe sang, có khi họ lại xách gói chạy chỗ khác, biết bao giờ cùng? Đàng khác không phải chúng con ở đây không làm làm ra ăn! Đã hay phải làm mới có, song chẳng phải chúng con đến đây để làm việc sao? Nên con vừa mới viết thơ hầu Đức Cha: Con tưởng anh em chúng con nên ở lại đây tập cho xong và thử vài ba năm nữa, rồi cha nào làm Bề Trên thế con hoặc các cha Trappistes sang, muốn đi đâu thì đi. Phần con sẵn sàng đi đâu cũng được, vì đi đâu con cũng không mất thiên đàng là đủ rồi!… Đức Cha mới ra thăm trường An Ninh, có khi ngài sẽ đòi con xuống chất vấn công việc. Ngài mới được ngũ hạng bắc đẩu bội tinh: thật ngài quá đáng! Thôi, từ giã mẹ.

 Fm, Benoit con yêu dấu của mẹ.

Thượng tuần tháng ba 1921 Đức Cha già Lý ra thăm chủng viện Cố Văn đến hầu: đang khi dùng cơm, Đức Cha có bàn đến chuyện Phước sơn, ngài nói: “Nhất định thế nào Phước sơn phải đi Ngân sơn mới xong!”

Phải, đối với các cha thì Đức Cha nói vậy, song với cha Benoit thì ngài lại để mặc ý, không ép không truyền, tất phải mang lấy trách nhiệm. Bởi vậy dầu đi Ngân Sơn hai lần cha cũng chưa an tâm, còn đi một lần nữa. Lần nầy cha đưa cả cha quản lý Benadô theo.

Song đến nơi, thì hai cha lại không đồng ý: cha ưng chỗ này cha thích chỗ nọ, cha ưa thấp, cha thích cao. Hai cha cứ tề nhường nhau, thành thử lại thêm một điều khó. Cha Benoit không biết tính đường nào.

Về đến nhà, ngày mồng 01 tháng 4, ngài viết: “Thăm mẹ rất yêu dấu, Alleluia! Xin Chúa nhân lành ban  cho mẹ được bằng an vui vẻ, dầu phải đau đớn khổ cực cũng cứ vui luôn! Con vừa đi coi  núi Bạc lần thứ ba về đây. Song con còn ái ngại quá! Nếu Đức Cha phán một lời: “Cha truyền cha buộc con phải đi Ngân sơn”, thì con không chút nghi ngại. Nhưng Đức ngài lại để con tự do định đoạt, tất nhiên con phải gánh hết trọng trách. Đã hay: Phước sơn không phải địa đàng, song thiên đàng cũng không phải ở Ngân sơn!

“Lần này con đem cả cha Bênađô đi với, song đến nơi cả hai lại không biểu đồng tình chỗ nào nhất định: thế lại gây một nỗi khó khăn mới. Bỏ mọi sự ở Phước Sơn, phá nhà cửa đi, để vườn tược lại cho heo ri, nai, khỉ, ra đây lại không biết chọn chỗ nào! Ôi! Con phân bì số phận mấy thầy nhà tập nhỏ bé của con, họ chỉ phải vâng lời là xuôi mọi sự! Chớ chi con được vâng lời thôi! Xin mẹ cầu cho con chút!”

“Thôi đến mùa hè rồi, phước cho mẹ! Đã hay mùa viêm nhiệt không làm cho mẹ trẻ lại, song mẹ không phải lạnh rét nữa thì mẹ có thể đi lễ, đi chầu Mình Thánh, nói khó với Chúa được. Xin Người hãy nên sự vui mừng, sự an ủi sức mạnh cho ta! Người hằng nhìn thấy mẹ con ta cùng nhau mật thiết. Ta hãy gặp nhau trong Thánh Tâm Người. Xin mẹ đọc một kinh trước tượng Đức Mẹ Boulogne cầu nguyện cách riêng cho con biết phải định thế nào trong việc Phước Sơn, Ngân Sơn này…”

  1. Benoit.

Hai cha về rồi, cứ cầu nguyện, bàn tính mà không biết quyết định đàng nào. Tiến thoái lưỡng nan! Không đi thì sợ mất lòng Đức Cha, dầu ngài không truyền hẳn. Song nếu đi thì mọi sự đã làm ở Phước Sơn: nhà thờ mới làm, nhà hội chung mới cất, vườn tược đang ngổn ngang, nay phải bỏ lại hết chẳng phí của sao? Cho rằng ngoài ấy đất tốt dễ làm ăn, song ngay bây giờ lấy tiền đâu mà khởi sự? Chi bằng ở đây đã có sẵn, ở lại chẳng hơn sao?

Nghe cha Bề trên bàn tính, cha quản lý liền bày tỏ ý kiến: “Thưa cha, thôi, ta cứ ở lại đây vì Chúa đã ban mọi sự sẵn sàng, ra ngoài kia chưa chắc chi cả! “In dubio melior est conditio possidentis”. Nguyên cái danh hiệu hai nơi cũng đủ làm ta phải quyết định giữ lấy Phước Sơn là núi Phước, Ngân Sơn là núi Bạc, không lẽ thầy dòng ham bạc mà bỏ Phước, xem ra chướng!”

Vui mừng thay! Thật là một ý tưởng cao quý, một câu nói thượng sách! Khác nào cái “Ba tông” thần cha Benoit vịn lấy mà đứng vững trên núi Phước. Ngài liền viết thơ hầu Đức Cha trình bày mọi sự, đại ý là: “Bẩm lạy Đức Cha, Đức Cha dạy đi coi Ngân sơn, tuân lệnh Đức Cha, con đã đi coi ba lần, đem cả cha quản lý đi theo, hai chúng con đã cùng nhau bàn tính, theo lương tâm trước mặt Chúa, thì lấy sự ở lại Phước Sơn làm hơn. Nay xin trình Đức Cha tự sự, Đức Cha dạy sao, chúng con xin khấu đầu thừa phụng triệt để”.

Đức Cha già Lý đối với Phước Sơn thật là một ông cha rất khôn ngoan đầy lòng thương xót. Con mà không phải con thơ con dại, bèn là con khôn lớn, con đã ở riêng, tất nhiên thương mà không ép uổng, mưu ích cho con, song cũng để mặc con tự định: thế là trọn bổn phận cha. Bấy lâu Đức Cha lo cho tiền đồ Phước Sơn, song không truyền ép uổng, một dạy theo sự khôn ngoan mà tự định. Nay thấy cha Benoit lấy sự ở lại đó làm hơn thì ngài rất bằng lòng.

Được thơ Đức Cha tất nhiên cha Tổ Phụ Phước sơn mừng lắm, song xem ra ngài còn e lệ truyện chi, như chứng thư ngài viết:

“Thăm mẹ rất yêu dấu, sẵn có người phu trạm, con viết một lời kính thăm mẹ. Và kính thăm chi nữa? Kính thăm (đức tin) của con! Con không thấy chi hết!”

“Chúng con đã mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cách trọng thể hết sức. Chúng con mới có một cái hào quang đẹp khá, đến lễ Đưc Chúa Trời Ba Ngôi rồi, thế là cũng khởi sự ăn chay. Con nói ăn chay, chắc lẽ mẹ cười, song con nói thật mà! Con cần phải ăn chay: ăn chay thì con sẽ mạnh hơn nhiều ăn biết ngon.

“May phước đây có khoai có sắn là những thứ mua rẻ tiền đỡ gạo, chớ không thì con hết nghiệp! Phải con thấy mẹ đang cắt khoanh bánh mì quất bơ đưa cho con, rồi mẹ rót chén café trao cho con nữa. Song mẹ yêu dấu ơi, mẹ không thể cắt bánh mì và quẹt bơ kịp cho con, mẹ sẽ hết sức trước khi con còn đói. Và dầu con ăn bánh với bơ con cũng không cân được 100 ký!

“Thôi, phu trạm đang chờ, từ giã mẹ. Con thương mến mẹ hết lòng; hết lòng nghĩa là thương kém Chúa Mẹ, mặc lòng con cũng thương mẹ nhiều, nhiều lắm! FM Benoit.”

Khi được thơ Đức Cha cho bằng lòng cho ở lại Phước sơn, cha Benoit đã gởi thơ chia vui với Cụ Lớn Phước Môn, nên Quan Cụ ra thăm và cho lúa. Ngày mồng 09 tháng 06 năm 1921, cha viết thơ kể truyện rằng:

“…Chúng con mới có người thợ đúc vào dòng, thầy biết đúc ảnh Thánh giá bằng đồng khéo lắm. Song rủi, con không biết, tìm đâu cho ra đồng. Mua bên tây thì không nghĩ tới, mua ở đây thì phải tìm quanh các làng! Thôi!

“Lại có hai thầy địa phận Cao Miên mới vào dòng tử tế lắm, con hy vọng sẽ bền đỗ và nên thầy dòng tốt. (Hai thầy này là do cha Placido đã qua đời ở Châu sơn và cha Mauro Tứ, hiện Đức Cha địa phận Cần thơ)

“Chúng con đây trừ một vài thầy đau rét nhẹ còn thì khoẻ mạnh cả. Phần mẹ thế nào? Mấy thơ ông Molony làm con áy náy. xin Chúa nhân lành gìn giữ mẹ, giúp đỡ mẹ, ban cho mẹ chịu đau đớn mà lấy làm vui. Đó là sự con luôn cầu cho mẹ. Mẹ hãy tin rằng: những sự đau đớn không ra vô ích. Mẹ hãy lãnh nhận, hãy hiệp nhất cùng sự thương khó Chúa Giêsu thì sẽ đền được nhiều tội và lập công đáng thưởng đời sau.

“Con cầu nguyện cho mẹ. Con yêu dấu của mẹ:

  1. Benoit.”

“Tái bút: Quan cụ Nguyễn Hữu Bài Lại Bộ Thượng Thơ mới đến thăm chúng con và cho 200 thùng lúa, ngài hứa sau sẽ cho ruộng. FM. Benoit con mẹ”.

Quan cụ nói: sau sẽ cho, vì những ruộng quan cụ gần nhà dòng thì đã cho dân cư ngài làm rẽ, nếu lấy lại cho nhà dòng thì phải liệu ruộng khác cho họ: bằng không, để họ đói, coi sao được?

Thật vậy, cách ít lâu cụ cho được 15 mẫu.

Về Phước sơn, Ngân sơn, cố văn có viết:

“Cha Benoit nghe Đức Cha nói với các cha: ngài nhất định rời Phước sơn ra ngân Sơn, Song sau Đức Cha đổi ý. Cha Benoit có nói với tôi: chắc là tại bộ hài cốt các thánh tử đạo đã bị cháy rồi tôi cho đào đất nền nhà cháy đổ nền nhà thờ, nên các thánh đã làm Đức Cha đổi ý không bắt Phước sơn rời đi Ngân sơn.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 Thứ 3 Tuần IV PS, Ga 10, 22-30: Chiên đích thực của Chúa

 Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh Chiên Đích Thực Của...

18 Tháng Mười Hai – Mt 1,18-24

EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA Lm M.Phêrô Khoa Lê...

19 Tháng Mười Hai – Lc 1,5-25

  TIN MỪNG CHO ÔNG BỐ VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI...

21 Tháng Mười Hai – Lc 1 39-46

  BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC MẸ THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM Lm M.Phêrô...

22 Tháng Mười Hai – Lc 1,46-56

  BÀI CA NGÀN TRÙNG MAGNIFACAT Lm M.Phêrô Khoa Lê Trọng...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...