«CHO THÌ HẠNH PHÚC HƠN NHẬN»
Bài đọc 1: St 14, 18-20
Bài đọc 2: 1Cr 11, 23-26
Tin Mừng: Lc 9, 11b-17
Trong Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Công đồng Vaticano II dạy rằng «Phụng vụ là tột đỉnh và nguồn mạch sự sống của Giáo Hội» (SC 10), bởi khi cử hành phụng vụ Giáo Hội diễn tả chính đời sống của mình trong sự gắn kết mọi chi thể trong một Thân Thể với Đầu là chính Đức Kitô. Phụng vụ không chỉ giới hạn trong thời gian và không gian được định sẵn, nhưng nó phải được nối dài trong cả đời sống người kitô hữu, như là sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh mà họ đã lãnh nhận mỗi khi tham sự vào nghi thức Bẻ Bánh Thánh Thể.
«Fractio panis và Kerygma» (Bẻ Bánh và Loan Báo) là một hành động kép gắn kết với đời sống các tín hữu thời Giáo Hội Sơ Khai. Trong Ngày Của Chúa (Dies Domini) các tín hữu đem theo bánh rượu cùng mọi thứ hoa quả, họ họp nhau cầu nguyện trong bữa tiệc Thánh Thể (Eucharistia), cùng hiệp thông trong bữa tiệc huynh đệ (Agape) và lãnh nhận sứ vụ ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô, qua việc thăm viếng những người bệnh tật, giúp đỡ những người già yếu, cô nhi, quả phụ và nghèo đói. Truyền thống này được tiếp nối qua thời gian trong đời sống của Giáo Hội. Trải qua nhiều thời đại cho đến ngày nay, tuy có những thay đổi để hội nhập với mọi nền văn hóa, cùng với những sự khủng hoảng hay sự cải tổ, nhưng ý nghĩa căn cốt của việc cử hành Thánh Thể vẫn không thay đổi và luôn mang hai chiều kích nhận lãnh và cho đi.
Ý nghĩa này chúng ta sẽ tìm thấy nơi những trang Kinh Thánh trong các bài đọc của Ngày lễ kính Mình và Máu Chúa Kitô hôm nay:
+ Bài đọc I: Như tổ phụ Abraham, khi từ chiến trận trở về, sau khi nhận lãnh sự chúc lành của Thiên Chúa qua tư tế Melkisêđê, ông đã dâng tặng cho vị tư tế 1/10 tất cả các chiến lợi phẩm.
+ Bài Tin Mừng: Như Đức Giêsu đã cho 5000 người ăn no nê qua sự cộng tác của con người từ 5 chiếc bánh và 2 con cá
+ Bài đọc II: Như Thánh Phaolô đã cho đi tất cả những gì ông lãnh nhận từ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, trong 3 trường hợp này cũng có sự khác biệt trong cách nhận và cho.
Ở bài đọc I, sự dâng tặng 1/10 chiến lợi phẩm của Abraham là sự đáp trả của con người sau khi đã lãnh nhận mọi sự từ Thiên Chúa. Trái lại, trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu không phải ban tặng 1/10 những gì Ngài nhận từ các tông đồ “5 chiếc bánh và 2 con cá”, nhưng cụ thể là Ngài ban tùy theo nhu cầu của từng người: «mọi người đều ăn và ai nấy được no nê» (c.17). Hơn nữa, đây không phải là một cuộc chơi cho và nhận, không phải là một sự trao đổi qua lại, mà nó còn mang một ý nghĩa là Ngài sẽ trao ban chính mình làm Bánh trường sinh (x. Ga 6, 34). Và Thánh Phaolô cũng không phải chỉ cho đi 1/10 những gì Ngài lãnh nhận từ Thiên Chúa, mà Ngài đã cho đi tất cả những gì được biết và được hiểu do mạc khải của Thánh Thần. Đó là đức tin, là Tin Mừng Ngài truyền lại cho các cộng đoàn tín hữu khắp vùng Tiểu Á, Hylạp và những nơi Ngài đặt chân đến. Thái độ này của Thánh Phaolô là kết quả từ chính nơi lời dạy của Đức Giêsu: «Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không» (Mt 10, 8).
Với ý nghĩa này, các bài đọc trong thánh lễ hôm nay đã soi sáng cho ta hiều được ý nghĩa của việc cử hành Thánh Thể mỗi khi ta tham dự. Đó không phải là thái độ miễn cưỡng «tấp tễnh người đi, tớ cũng đi» theo kiểu hình thức làm cho xong việc, xong bổn phận hay để tránh điều ra tiếng vào của những người hàng xóm. Nhưng đó phải là thái độ hân hoan «đi về nhà Chúa tim con reo hoan lạc Chúa ơi» để lãnh nhận sự sống thiêng liêng từ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, và càng vui mừng hơn nữa khi hân hoan ra đi trao ban niềm vui và sự sống mới cho tha nhân qua việc tạo dựng những mối tương quan thân tình trong gia đình và ngoài xã hội.
Mỗi thánh lễ là một sứ mạng, mỗi tín hữu là một ngôn sứ. Mỗi lần tham dự nghi thức Bẻ Bánh Thánh Thể là người kitô hữu lãnh nhận một sứ mang. Sứ mạng của người ngôn sứ là loan truyền Lời Thiên Chúa cho anh chị em mình, là cho đi hơn là nhận lãnh; ở đó, đôi khi sự cho đi bị từ chối hay thậm chí là bị chống đối và bách hại; và như thế mỗi lần cho đi mà có người nhận lãnh thì trong lòng tràn ngập bao là niềm vui. Trong đời sống hằng ngày có nhiều lần và nhiều điều cho ta hiểu được điều này.
Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp dạo chơi cùng giáo sư của mình. Trên đường đi, hai người chợt thấy một đôi giày cũ nằm ở giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở cánh đồng gần bên, và người ấy đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.
Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: “Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu đôi giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi thấy bị mất giày.” Vị giáo sư ngăn lại: “Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra mà trêu chọc để mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãv đặt một đồng tiền vào trong mỗi chiếc giày và chờ xem phản ứng ông ta ra sao.” Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.
Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày, bác nông dân bỗng cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong. Ông ta rút chân ra, cầm gìầy lên xem thì đó là một đồng tiền. Sự kinh ngạc hiện rõ trên gương mặt ông. Ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày kia. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày.
Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một mòn quà đúng lúc cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: “Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?” Người thanh niên trả lời: “Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận“.
Quả thật, như lời Thánh Irênê viết: «Vinh quang của Thiên Chúa là cho con người được sống» (Trích trong tác phẩm Chống Lạc Giáo, IV, 20,7).
Quốc Vũ