THÁNH LÊ BẢO TỊNH – HY VỌNG VÀO THÁNH GIÁ
(2Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Lc 9,23-26)
Kỷ niệm 200 năm thánh nhân ẩn tu trên núi Cành He
Nguyên tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt
Châu sơn 05-04-2025
Lời Chúa hôm nay đem đến cho ta niềm hy vọng lớn lao. Bà mẹ trong sách Macabê tràn đầy hy vọng. Vì những gì các con bà dâng cho Chúa, Chúa sẽ trả lại vô cùng bội hậu. Thánh Phaolô tràn đầy hy vọng. Vì không có gian nan khốn khó nào có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa. Chúa Giêsu hứa cho ta niềm hy vọng đời đời. Vì ai liều mạng sống cho Chúa sẽ được sự sống đời đời. Thánh Lê bảo Tịnh là người đã sống trọn vẹn niềm hy vọng ấy. Trong thông điệp Spe Salvi, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã trích dẫn thánh Lê bảo Tịnh như chứng nhân của niềm hy vọng. Vì ngài tuyệt đối hy vọng vào thánh giá Chúa Kitô. Qua bốn khía cạnh sau.
1.Hy vọng vào thánh giá nên ngài yêu mến thánh giá.
Chúa dạy: “Ai muốn theo tôi hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mà theo.” Thánh Lê bảo Tịnh không những yêu mến mà còn say mê thánh giá. Tại Vĩnh trị, ngài đã cho xây nhà thờ chính ở giữa, còn bốn chung quanh có bốn nhà thờ kính thánh giá. Ngài dựng một thánh giá ở giữa vườn, nơi ngài hằng ngày đến cầu nguyện. Khi phải nghỉ đêm trong rừng, ngài lấy tre kết thành hình thánh giá rồi dựng ở bốn góc sân nơi ngài nghỉ. Một đêm trên đường đến núi Cành He này, ngài đang cầu nguyện thì thấy đuôi hổ quệt vào mặt. Ngài sợ hổ ăn mất người gánh cơm khô. Ngài lấy tay sờ thì thấy người gánh cơm vẫn đang ngủ. Ngài an tâm tiếp tục suy gẫm. Đến sáng mới nhìn thấy chung quanh bốn cây thánh giá có rất nhiều dấu chân hổ.
2.Hy vọng vào thánh giá nên ngài từ bỏ thế gian.
Như bà mẹ trong sách Macabê khuyên nhủ bảy người con của mình: được cả thế gian mà đánh mất chính mình là chẳng được gì. Nên thánh nhân luôn từ bỏ mọi sự. Đối với ngài xác thịt và thế gian là đối nghịch với thánh giá. Nên ngài ra sức hãm dẹp xác thịt bằng cách ăn chay hãm mình. Ngài ăn rất ít. Và dùng mọi cách hãm dẹp xác thịt. Ngài ngủ rất ít. Thường ban đêm ngài ra vườn cầu nguyện. Có khi suy gẫm suốt đêm. Mùa hè thì ngài nằm trên giường. Nhưng mùa đông ngài xuống nằm dưới đất. Nhưng ngài thấy còn chưa đủ. Nên năm 1825, ngài trốn lên núi Cành He này ẩn tu. Chỉ ăn cơm khô, uống nước lã. Dành thời giờ suy gẫm cầu nguyện.
3.Hy vọng vào thánh giá nên ngài từ bỏ chính mình.
Hoàn toàn từ bỏ mình để vâng lời. Ngài đang ẩn tu trên núi thì đức cha truyền lệnh phải trở về. Dù yêu thích đời ẩn tu nhưng ngài đã vâng lời trở lại chủng viện Vĩnh trị.
Hoàn toàn từ bỏ mình để phục vụ Hội thánh. Khi quan quân bao vây Vĩnh trị, ngài đã ra nộp mình để đức cha Retord LIêu và cố Ven đi theo đường hầm từ nhà chung Vĩnh trị ra bờ sông Đáy. Xuống thuyền thoát nạn. Còn ngài bị bắt giải về Nam định. Quan tổng đốc Nguyễn đình Tân muốn cứu ngài. Khuyên ngài nên khai là thầy thuốc. Nhưng ngài khao khát phúc tử đạo nên đã kiên quyết tuyên xưng đức tin.
4.Hy vọng vào thánh giá nên ngài luôn tiến tới.
Không bao giờ thoả mãn với hiện tại, nên ngài ra sức phấn đấu để tiến bộ thêm.
Ngài tha thiết muốn học hỏi nên đọc sách rất nhiều. Cứ giờ rảnh rỗi là ngài đọc sách. Chính nhờ đọc sách mà ngài trở nên thông thái. Ngài biết hết truyện tích các thánh. Ngài giỏi chữ nho nên khi ra trước toà án, ngài đối đáp khiến viên quan xử án ngài không bắt bẻ gì được. Ngài nói được tiếng Hoa. Một lần ngài được đức cha sai đi lãnh trợ cấp ở Macau. Trên đường về bị giặc Tầu Ô cướp hết của cải. Ngài đã ở lại kiện lên toà án. Và đã lấy lại được hầu hết của cải bị cướp. Ngài đặc biệt giỏi tiếng Latinh. Khi ở trong tù, ngài đã viết hai thư bằng tiếng Latinh gửi về thăm các cha và các chú trong chủng viện. Lá thư ấy được Toà Thánh trích dẫn cho vào Giờ Kinh Phụng Vụ kính các thánh Tử đạo Việt nam. Và trong thông điệp Spe Salvi, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 cũng trích dẫn thư của thánh nhân như chứng từ của niềm hy vọng.
Ngài tha thiết muốn tiến đức nên ngày càng cầu nguyện và ăn chay hãm mình nhiều hơn. Vì thế ngài đã trốn lên núi này để hãm dẹp xác thịt và cầu nguyện nhiều hơn.
Ngài tha thiết muốn yêu thương. Khi làm giám đốc chủng viện, ngài hết mực yêu thương các chủng sinh. Khi bị phát lưu vào Huế, ngài yêu thương cả các quan bách hại mình. Thời ấy các quan bị bệnh đau mắt rất nhiều. Ngài có bài thuốc nên ra tay chữa cho các quan. Có một viên quan trẻ tuổi muốn cám ơn ngài. Ngài không nhận. Chỉ nói: tôi thấy quan tuổi trẻ tài cao, chắc chắn sau này còn lên chức cao hơn nữa. Vậy khi lên chức, xin quan hãy thương cứu giúp người công giáo. Đó là quan Nguyễn đình Tân, sau này làm tổng đốc Nam định. Chính quan Nguyễn đình Tân đã cấp phép cho ngài mở trường. Và mỗi khi có quan quân triều đình Huế đến bắt đạo, quan đều thông báo cho ngài. Quả là tình yêu của ngài với thánh giá Chúa Kitô không gì có thể tách lìa được.
Nhất là ngài tha thiết được hiến toàn thân cho Chúa. Nên ngài khao khát phúc tử đạo. Lần thứ nhất ngài bị bắt thời vua Thiệu Trị. Bị giam 8 năm nhưng không bị kết án. Đến khi Tự Đức lên ngôi đã ân xá cho ngài. Ngài thường than thở: Không biết khi lên thiên đàng Chúa sẽ xếp tôi vào hàng nào. Vì ẩn tu tôi cũng dở dang. Tử đạo cũng chưa tròn. Truyền giáo cũng chưa hết. Dạy học cũng chưa đủ. Nói thế là vì ngài khao khát phúc tử đạo mà chưa được. Nhưng sau này Chúa đã thưởng công cho ngài được phúc ấy.
Triều đình Huế rất tức giận. Vì cấm đạo đã lâu mà vẫn còn tây dương đạo trưởng ẩn trốn ở vùng Nam định. Nên nhà vua bí mật sai quan quân từ Huế vào lùng bắt. Quan tổng đốc Nam định biết tin thì quan quân đã vào đến nơi. Ông muốn báo tin cho thánh Lê bảo Tịnh mà không kịp. Nhờ đó thánh nhân được tử đạo như lòng khao khát. Ngày xử án, ngài chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Chiều hôm trước ngài nhờ người cạo sạch tóc ở sau gáy để đao phủ chém cho dễ. Khi ra pháp trường ngài mặc áo chùng thâm. Cầm sách kinh. Đi khoan thai. Vừa đi vừa đọc sách kinh. Đến pháp trường ngài giảng một bài cho mọi người biết đạo thật. Rồi hân hoan chịu chém.
Thật ý nghĩa khi được mừng lễ thánh Lê bảo Tịnh trên chính hang núi này. Chiêm ngắm giây quạch khiến ta muốn noi gương thánh nhân hăng hái từ bỏ thế gian để trèo lên núi thánh. Chiêm ngưỡng hang đá nơi ngài nghỉ ngơi ta mơ ước được sống trong Chúa. Chiêm ngắm bồ cơm khô của thánh nhân khiến ta khao khát hi sinh hãm mình. Đọc thư ngài viết cho chủng viện Vĩnh trị, ta muốn học hỏi, đọc sách nhiều hơn. Đó chính là lời ngài nhắn gửi chúng ta. Đặc biệt nhắn với các linh mục trẻ, các chủng sinh, các đan sỹ, và cả các sinh viên học sinh. Hãy hy vọng vào thánh giá. Hãy học tập nhiều hơn nữa. Hãy hi sinh hãm mình nhiều hơn nữa. Hãy cầu nguyện nhiều hơn nữa. Hãy mến Chúa nhiều hơn nữa. Hãy yêu tha nhân nhiều hơn nữa. Và như thế ta sẽ đem hy vọng cho nhiều người.
Nguyên tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt