DẤU LẠ DIỆU KỲ VĨ ĐẠI
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh: Có lẽ vì tò mò hay hiếu kỳ, dân chúng lũ lượt kéo nhau tập trung đông đảo, mỗi lúc một đông! Việc gì sắp diễn ra vậy? Những người mới tới vẻ háo hức, lại tăng số cho đám đông người đã đứng dừng trước đó! Lý do khiến dân chúng tụ tập, đó là họ mong muốn điều kỳ lạ. Một điều lạ lùng nào đó sắp xảy ra. Đức Giêsu sắp làm một dấu lạ như mấy ông kinh sư và mấy người Pharisiêu đòi một dấu lạ từ trời để thử Người. Người bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ, nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Giona” (x. Mt 12, 38-39; Mc 8, 11-12; Lc 11, 16-29).
Dấu lạ và sứ vụ của Giona: “Có lời Đức Chúa phán với ông Giona, con ông Amitai rằng: Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, một thành phố lớn và hô cho dân biết rằng sự gian ác của chúng đã thấu lên tai ta”. Ông Giona đã vội vàng trốn đi Tacsit… vì ông biết Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa. Nên ông đã xuống tàu tại Giaphô để đi Tacsit, rồi tàu ra khơi và bị bão táp dữ dội! ông bị ném xuống biển, nhưng được Chúa cứu bằng cách cho một con cá lớn nuốt ông và ông đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Thế rồi Đức Chúa đã bảo con cá thả ông ra trên bãi biển. Sau đó Đức Chúa lại bảo ông đến Ninivê rao giảng kêu gọi cả thành sám hối canh tân, bằng không bốn mươi ngày nữa sẽ bị hủy diệt! Tất cả thành từ vua chí dân đều ăn chay sám hối, và được Đức Chúa thứ tha (x Gn 1,2,3,4). Ông Giona bực mình vì lời ông báo không ứng nghiệm, hơi mất mặt! Vì vậy mà ngay từ đầu ông chạy trốn đi Tacsit. Không muốn tuân lệnh Đức Chúa. Ông biết Đức Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương! Để trấn an ông, Đức Chúa nói: “Chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, một thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải hay bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao” (x. Gn 4, 1).
Dấu lạ và sứ vụ của Đức Giêsu: “Quả thật, ông Giona đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” (Lc 11, 30), có nghĩa là (Mt 12, 40) “ông Giona đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy”. Vâng, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ (Ga 3, 16-17). Đức Giêsu Kitô là quà tặng Chúa Cha ban cho thế gian đồng thời Ngài còn là Đấng Mêsia, nghĩa là Đấng Thiên Sai với sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian. Bởi vậy, khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài, Ngài đã kêu gọi mọi người hãy sám hối và tin vào Tin Mừng! Suốt cuộc đời công khai ấy, Ngài đã rảo khắp mọi miền từ thành thị cho tới thôn quê loan báo cho mọi người Tin Mừng cứu độ với những lời rao giảng đầy uy quyền và khôn ngoan, kèm theo bao dấu lạ kỳ công khiến mọi người thán phục và ca ngợi Thiên Chúa. Thế mà những người đồng thời với Đức Giêsu, nhất là nhóm kính sư, luật sĩ và pharisiêu tò mò hay ác ý cố đòi cho được thấy một dấu lạ từ trời, trong khi Ngài đã làm biết bao phép lạ trước mắt họ. Người ta không khi nào cho đó là đủ. Rõ ràng Đức Giêsu từ chối không chịu làm dấu lạ theo như họ đòi hỏi. Ngài gọi những người cố chấp cứng lòng tin là thế hệ gian ác, tức là những người xấu xa. Ngài từ chối không làm dấu lạ theo như ý họ muốn, nhưng trừ dấu lạ Giona và Ngài sẽ làm một dấu lạ lớn lao hơn nơi chính bản thân của Ngài là chịu chết, sau ba ngày Ngài sẽ phục sinh. Hay nói cách khác, qua cầu chuyện ngôn sứ Giona, Đức Giêsu muốn khẳng định rằng: Phép lạ lớn hơn mọi phép lạ và thay cho mọi phép lạ, đó là việc Ngài đã phục sinh sau ba ngày từ cõi chết. Đó là phép lạ khiến mọi người chúng ta hết thảy phải canh tân cuộc sống của mình trong tác động của Chúa Thánh Thần. Vậy, sứ vụ của Giona: Hoàn toàn đơn giản, đó là một con người rảo qua các đường phố Ninivê, vừa đi vừa hô to: Phải sám hối hoán cải! Chỉ có mình ông, một dấu lạ tầm thường mà cả dân thành từ vua quan đến thần dân Ninivê đều nhận ra. Còn sứ vụ của Đức Giêsu thì sao: Đó là lời mời gọi sám hối và tìn vào Tin Mừng, dân chúng đương thời có người nhận ra, có kẻ không biết, nhất là hàng kỳ mục phần lớn không hưởng ứng. Mà đôi khi chúng ta nhận ra tiếng nói thì thầm nhỏ nhẹ thỉnh thoảng dè dặt lên tiếng trong đáy lương tâm ta và lặp đi lặp lại cho ta: Hãy đổi đời. Đó là tiếng nói lớn mạnh của Tin Mừng, thường lay động chúng ta và đặt ra cho chúng ta những câu hỏi cần phải: Đổi đời, canh tân.
Sau cùng, không phải cứ thấy phép lạ mới tin:
Người Do thái, đặc biệt các đầu mục kinh sư, luật sĩ và pharisiêu đã từng chứng kiến bao kỳ công dấu lạ Đức Giêsu đã làm, nhưng trong họ mấy ai đã tin vào Ngài? Được mấy người nhờ các phép lạ đó mà tin vào Chúa! Vì phép lạ cũng chỉ có giá trị nâng đỡ, củng cố niềm tin mà thôi, chứ không phát sinh hay ép buộc niềm tin. Tin hay không tin, trước hết là do hồng ân Chúa ban, và sau nữa là sự đáp trả tự do của con người. Vì thế, chúng ta cần phải cởi mở tâm hồn, xóa bỏ mọi thành kiến, đơn sơ ngoan ngoãn nghe theo Chúa Thánh Thần. Amen.