SẠCH – DƠ THỰC SỰ
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Với Tin Mừng thánh sử Luca, chúng ta nhận thấy thánh sử có một cái nhìn và cái tâm bao dung hơn trong mối tương quan của Đức Giêsu với nhóm Pharisiêu; vì trong nhóm cũng có một số người có cảm tình với Đức Giêsu, là thỉnh thoảng có người mời Ngài đến dùng bữa tiệc tại tư gia mình (Lc 7, 36-50; 11, 37-41; 14, 1-6). Mặc dầu họ có dụng ý nào đi nữa, thì Đức Giêsu vẫn nhận lời mời của họ và chính Ngài cũng muốn dùng cơ hội đó vừa sửa dạy vừa truyền đạt sứ điệp của Ngài cho họ và mọi người: chẳng hạn như đoạn Tin Mừng hôm nay ghi lại câu chuyện Đức Giêsu đến dùng bữa tại một nhà người Pharisiêu, tới nơi, ngài liền ngồi vào bàn ăn. Thấy vậy, người chủ nhà lấy làm lạ vì Ngài không rửa tay trước bữa ăn theo tục lệ. Nhân tiện thấy quan niệm sai lầm của ông Pharisiêu cũng như các luật sĩ về sự trong sạch, Đức Giêsu đã sửa sai bằng cách khiển trách họ tội vụ hình thức và giả hình (xLc 11, 37-38).
Dưới mắt của các kinh sư, luật sĩ và pharisiêu, nghi thức tắm rửa có một tầm quan trọng. Một người được coi như đạo đức phải thi hành nghi thức đó, thế mà Đức Giêsu lại bài bác tập tục này (Mt 15, 20) và các môn đệ Ngài cũng bắt chước.
Rõ ràng Đức Giêsu cố ý làm việc đó và Ngài sắp nói lý do khiến Ngài từ chối không làm theo thói lệ ấy: “Thật nhóm Pharisiêu các người, bên ngoài chén đĩa các người rửa sạch, nhưng bên trong các người đầy những chuyện cướp bóp gian tà” (Lc 11, 39).
Trước tôn nhan Thiên Chúa, sạch có nghĩa là gì? Đối với nhóm pharisiêu, luật sĩ: kẻ nào thực hành tỉ mỉ những quy định nghi thức được coi là sạch. Còn theo Đức Giêsu người nào có lương tâm trong sạch, mới được kể là sạch. Bởi vì cái làm cho ra nhơ bẩn con người không phải là bụi bặm bám ngoài, mà là sự cướp bóc gian tà. Đức Giêsu trực tiếp đi tới cái cốt yếu nhất.
Ngài đặt thứ tôn giáo bề ngoài của nhóm pharisiêu luật sĩ đối nghịch với tôn giáo bên trong tâm hồn, mà chỉ có tôn giáo trong tâm hồn này mới làm hài lòng Thiên Chúa (Lc 6, 45; 10, 27; 12; 34; 24, 25; 16, 15). Trong các đoạn văn ấy đều đề cao tâm hồn là chủ yếu. Tâm hồn được nhắc tới trong toàn bộ Kinh Thánh, là trung tâm sâu thẳm của con người vượt trên những thúc đẩy bên ngoài và ngẫu nhiên; thực sự đã tạo nên nhân vị của chúng ta. Đối với Thiên Chúa điều đó mới thực sự đáng kể.
Đấng làm ra cái bên ngoài lại không làm ra cái bên trong sao? (Lc 11, 40). Thiên Chúa không những chỉ là Đấng Tạo Thành các vật hữu hình bên ngoài, mà cũng chính là Người tạo nên tâm hồn con người, tạo nên lương tâm của mọi người.
Thế nên, khi Đức Giêsu từ chối không rửa tay trước bữa ăn tại nhà ông pharisiêu là Ngài muốn nhấn mạnh đến điều này là: vì không nhận biết Thiên Chúa, nên người ta đã gán cho sự trong sạch bên ngoài có tầm quan trọng như thế, mà thực ra sự trong sạch bên trong mới đáng kể. Nhưng sự trong sạch bên trong đó là gì? Thưa: Sự trong sạch bên trong đó là kết quả của tình yêu tha nhân; lòng chúng ta trở nên trong sạch nhờ tình yêu huynh đệ, nhờ của làm phúc: tốt hơn hãy bố thí những gì có ở bên trong, rồi thì mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người (Lc 11, 41).
Thú thật, chúng ta không ngờ được một cách định nghĩa về trong sạch như thế! Theo cách diễn tả ở đây thì của bố thí có giá trị tẩy rửa trong mức độ nó diễn tả tình yêu đích thực đối với tha nhân. Tình yêu này bắt nguồn từ Thiên Chúa chí ái. Sự yêu thương nhẫn nại lòng quảng đại tha thứ đối với tha nhân có giá trị tẩy rửa tâm hồn và nâng cao giá trị tâm linh cho con người.
Lạy Chúa xin giúp chúng con luôn luôn nội tâm hóa mọi nghi thức đặc biệt trong phụng vụ với tất cả niềm tin cậy mến…Amen.