MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA ĐỨC GIÊSU
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục chiêm ngắm sinh hoạt trong ngày của Đức Giêsu cùng với bốn môn đệ tại Caphácnaum qua tường thuật đoạn Tin Mừng theo thánh sử Marcô với nội dung khái quát: Chúa vừa kết thúc buổi rao giảng và cứu chữa một người bị thần ô uế nhập tại Hội đường xong, vừa mới đi ra thì được tin bà nhạc mẫu của ông Simon đang bị sốt nặng, Ngài liền đến nhà hai ông Simon và Andrê, có ông Giacôbê và Gioan cũng đi theo. Ngài lại gần, cầm lấy tay bà và đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. Liền sau đó có cả một đám đông tụ họp trước cửa nhà, đó là những người đau ốm, mắc đủ thứ bệnh tật và bị quỷ ám, Ngài đã ra tay cứu chữa tất cả mọi người được lành và xua trừ ma quỷ, nhưng không cho quỷ nói vì chúng biết Ngài là ai. Mãi tới chiều tối, Ngài mới có chút ít thì giờ nghỉ ngơi. Sáng sớm hôm sau, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện. Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm Ngài và cho hay dân chúng đang tấp nập tuôn đến. Nhưng Ngài bảo các ông: “Chúng ta còn phải đi đến các làng mạc chung quanh để rao giảng Tin Mừng nữa” (Mc 1, 29).
Suy niệm:
Giờ đây chúng ta cùng nhau suy niệm mấy điểm sau đây:
Lao động: Qua Tin Mừng hôm nay chúng ta chiêm ngắm chính Đức Giêsu là con Thiên Chúa mà còn phải làm việc vất vả từ sáng cho đến tối, hết ngày này qua ngày khác, không chỉ làm việc để lo cho bản thân Ngài mà còn làm việc để cứu giúp người khác. Không phải chỉ lo phần xác người ta mà còn rao giảng Tin Mừng cứu độ phần hồn người ta nữa. Qua tấm gương này Đức Giêsu muốn cho chúng ta thấy được ý nghĩa và giá trị của việc lao động chân tay cũng như lao động trí óc. Lao động là bổn phận của mọi người, lao động giúp ích cho bản thân và cho người khác cả phần hồn lẫn phần xác. Vì vậy:
Trước tiên chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa tất cả những công việc hàng ngày.
Thứ đến chúng ta cùng xin Chúa ban cho chúng ta sức khỏe thể xác tinh thần để có thể đảm nhận những công việc ấy. Đồng thời chúng ta nguyện xin Chúa chúc lành cho việc làm của chúng ta sinh hoa kết quả tốt đẹp.
Sau cùng chúng ta cũng xin Chúa giúp chúng ta làm việc không nguyên chỉ cầu lợi ích cho bản thân mình mà còn để giúp ích cho người khác nữa.
Hơn nữa, chúng ta đặc biệt nài xin Chúa giúp chúng ta biết dành riêng một phần thời giờ, một phần sức lực để làm việc mở mang Nước Chúa trên trần gian.
Bệnh Tật: Hôm nay Đức Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc mẫu của ông Simon. Bà đang bị cảm sốt nặng liệt giường. Ngài đã đến gần, cầm tay bà nâng dậy. Tức thì cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
Đã rõ bệnh tật theo đuổi con người như hình với bóng. Người ta xóa sổ được bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện, các căn bệnh ngày càng khó điều trị hơn và có thứ bệnh dường như bất trị, nan y. Có những bệnh tật tưởng như đã biến mất, thế mà lại quay trở về với con người.
Người Do Thái cho rằng cảm sốt là một hình phạt của Thiên Chúa cũng giống như bệnh dịch (xDs 5,3). Sau này, người ta còn gán cho cảm sốt là do ma quỷ, và việc chữa lành bệnh tật được xem là sự chiến thắng trên ma quỷ. Vì thế, việc Đức Giêsu chữa bệnh cảm sốt cho bà nhạc mẫu của ông Simon bày tỏ ý nghĩa Thiên Chúa cứu chữa con người khỏi ách tội lỗi, khỏi ách ma quỷ cũng như nói lên sứ vụ Thiên Sai của Ngài.
Quả thế, Đức Giêsu đến đâu thì chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ đến đó, Ngài mang đến cho họ niềm vui và chứa chan hy vọng mới. Chớ gì mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng biết đem niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân nơi môi trường sống với nụ cười bác ái yêu thương và phục vụ tận tình.
Phép lạ chữa lành như là dụ ngôn về sự sống lại.
Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ chữa bệnh, đó là điều khá rõ mà ai cũng tường. Các phép lạ đó hầu như chúng ta nhận thấy ở từng trang trong Tin Mừng. Lại nữa, nếu không chữa bệnh, làm sao Đức Giêsu chứng tỏ mình là Đấng Cứu Thế, Đấng Messia được? Đó là điều vào thời của Ngài phải có mà người ta còn gặp thấy nơi mọi lãnh tụ tôn giáo khác.
Tuy nhiên, Đức Giêsu không nguyên chỉ là một người thuần chuyên môn chữa bệnh, Ngài không đến để chữa bệnh, nhưng để cứu độ con người. Nếu Ngài có chữa bệnh đi nữa cũng là để cứu độ. Ngài không bảo đức tin đã chữa lành con mà nói: “Đức tin đã cứu con”. Thế mà ơn cứu độ là gì nếu không phải là được sống nhờ sự sống của Đức Kitô, dù khi khỏe mạnh hay đau ốm, cả sau khi chết cũng như lúc còn sống. Vậy, phép lạ chữa bệnh chỉ là một thứ dụ ngôn về sự sống lại.
Cầu nguyện: “Sáng sớm tinh sương, Ngài chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện” (Mc 1, 35). Đây là công việc thứ ba của Đức Giêsu, sau khi đã giảng dạy và chống lại sự dữ: Đó là cầu nguyện. Hoang địa, một nơi thanh vắng, một mình im lặng, chính ở đó Đức Giêsu sẽ lấy lại sinh lực. Sáng sớm tinh sương, trước lúc rạng đông. Đó không chỉ là một lần, toàn thể sứ vụ của Ngài đều phát xuất từ đó, từ nguồn suối nội tâm này! Vậy phần chúng ta, chúng ta thường cầu nguyện một mình, giữa tôi với Chúa vào lúc nào trong ngày?