RA KHƠI
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Như chúng ta đã biết: Thánh sử Luca đã tường thuật cho chúng ta hai cuộc “ra khơi” của Môn đệ Đức Giêsu:
Một cho nhóm mười hai gọi là Tông đồ (Lc 9,1-6).
Một nhóm bảy mươi hai mệnh danh là các môn đệ được kể trong chương kế tiếp sau (Lc 10,1-12).
Cả hai nhóm tuy danh hiệu và số lượng có khác nhau nhưng cùng đón nhận một sứ vụ và quyền năng như nhau với tước hiệu “Thừa Sai Của Chúa”. Chúng ta có thể tóm lược nội dung như sau:
Chúa Giêsu kêu gọi và tập hợp các môn đệ.
Chúa trao quyền năng cho các vị để khử trừ ma quỷ và chữa bệnh.
Chúa trao sứ vụ và sai đi: Ra đi rao giảng Tin Mừng.
Những chỉ thị hướng dẫn thực tiễn cuộc ra khơi đó là:
+ Tính siêu thoát và phó thác.
+ Thích ứng mọi tình huống hành trình.
Ơn gọi: Người thừa sai tất nhiên phải được Chúa kêu gọi và quy tụ, nghĩa là được Chúa kêu gọi một cách cá biệt, lại vừa có tính cách tập thể để rồi mỗi vị được tiếp cận thân tình với Chúa, và đồng thời lại được cùng chung sức với nhau xây dựng sự nghiệp chung của Nước Thiên Chúa. Như thế trước khi cùng nhau thực thi mệnh lệnh “ra khơi”, các Tông Đồ, Thừa Sai của Chúa đã được cảm nghiệm trọn vẹn tình Thầy trò và huynh đệ: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa… Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho anh em biết…Chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em ra đi sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,15-16).
Chúa trao ban quyền năng: Đồng thời, Đức Giêsu ban chính quyền năng và uy tín của Ngài kèm theo sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các vị. Hành trang của các vị là thế đó: Một sứ vụ và một quyền năng mà chính Đức Giê su chia sẻ cho các vị. Như vậy, sứ vụ gồm hai yếu tố rõ rệt:
Đó là: Một lời nói, một lời rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Đó là: một tác động đúng nghĩa, một việc xua đuổi ma quỷ và chữa lành bệnh tật. Hai yếu tố của công việc Phúc Âm Hoá được thực hiện cùng lúc, không có trước sau giữa công việc này với công việc kia. Chính thánh sử Luca cùng một trang đã ghi lại có hai việc trong một trật khác nhau. Vị thừa sai không tự bằng lòng với nguyên lời nói của mình, còn cần phải có hành động cụ thể, chứng minh đối với người mà mình đóng góp vào công việc giải thoát khỏi quyền lực sự ác, xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, giải phóng bệnh nhân. Nhưng vị thừa sai cũng không tự bằng lòng với nguyên hành động trên, cần phải có những lời nói diễn tả việc mình làm: Như loan báo Nước Thiên Chúa đang hoạt động tại đó và Tin Mừng cần được rao giảng cho mọi người.
Ra khơi: Với một hành lý thật đơn giản theo chỉ thị của Thầy Chí Thánh Giêsu: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng có mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc cũng đừng có hai áo” (Lc 9,3). Vừa nhẹ nhõm, vừa siêu thoát và tin tưởng phó thác! Đồng thời biết thích nghi với mọi tình huống và cảnh ngộ của sứ vụ, ngõ hầu thực thi đúng lời dạy của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay khi sai các Tông Đồ ra khơi: “Không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc, hai áo…” Ngài muốn các ông hoàn toàn tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa và cậy nhờ vào lòng quảng đại hảo tâm của tha nhân. Thân phận của người được sai đi là thế đó: Ra đi mà không gì đảm bảo, mà cũng sẵn sàng ra đi. Thành công không hãnh diện, mà thất bại cũng chẳng đắng cay! Ngày nay, Chúa cũng sai chúng ta đi vào lòng thế giới để loan báo Tin Mừng Nước Trời. Hãy mạnh dạn nói lên những điều phải nói. Không hề giảm nhẹ yêu sách của Tin Mừng. Không cả dám lợi dụng Tin Mừng để mưu cầu cá nhân. Không khoác lác trích dẫn Tin Mừng để khoe khoang kiến thức. Và cũng không liều mình bóp méo Tin Mừng để lấy lòng quần chúng. Bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận tiện hay không, Tin Mừng vẫn phải được loan báo: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Thưa anh em, Phụng vụ và Lời Chúa hôm nay như đóng ấn ơn gọi Thánh hiến hay Kitô hữu với sứ vụ chứng tá và sai đi của chúng ta, vì mỗi một người chúng ta đang dấn thân bước theo Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai của Chúa Cha và Ngài đã chia sẻ chức năng đó cho tất cả chúng ta, đồng thời uỷ phái chúng ta lên đường ‘Ra Khơi’. Ước gì sứ vụ đó được cụ thể hoá qua các bài sai của Giáo Hội, của Cộng đoàn, của Bề trên lại được thực thi nơi mỗi một người chúng ta với tinh thần siêu thoát và tin yêu phó thác như Đức Giêsu Kitô đã quyết: “Này con xin đến để thực thi ý Cha”(Dt 10,9). Amen.