DỤ NGÔN MƯỜI YẾN BẠC
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Dụ ngôn mười yến bạc này được Đức Giêsu kể tại nhà ông Gia kêu trong hành trình lên Giêrusalem để hoàn tất sứ vụ của Ngài, đang khi dân chúng lầm tưởng Triều đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi.
Lễ Vượt qua gần tới. Từng đoàn hành hương lũ lượt tiến về Giêrusalem để dự lễ. Đó là lễ kỷ niệm cuộc giải phóng khỏi Ai cập. Mọi người cứ tưởng rằng đã đến giờ Đức Giêsu khải hoàn và Nước Thiên Chúa “sẽ xuất hiện cách tỏ tường” có thể trong một vài giờ nữa, người ta sẽ cầm những cành lá thiên tuế xanh tươi và tung hô “Con Vua Đa vít”. Nhưng khi nào Chúa sẽ thực sự hiển trị? Chúng ta hãy nghe câu trả lời của Đức Giêsu trước câu hỏi chủ yếu này:
“Có một người kia thuộc hàng quý tộc trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về trị nước. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười yến bạc và nói với họ: Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi ta về” (Lc 19, 12-13). Vào thời Đức Giêsu, một yến bạc là một tài sản không nhỏ tương đương với sáu ngàn quan tiền và cũng tương đương với sáu ngàn ngày công lao động (Mt 20, 2).
Suy niệm:
Người đồng thời với Đức Giêsu thường mong đợi một Nước trời đến ngay lập tức! Đức Giêsu cho họ hiểu rằng sẽ có một kỳ hạn trước đó để Ngài trao phó cho ta những trách nhiệm! Không nên “mơ tưởng” mà cần phải “sinh lợi”.
Thiên Chúa tin tưởng chúng ta. Ngài trao cho chúng ta tài sản của Người để quản lý và sinh lợi! tài sản đó là hồn xác và mọi khả năng Chúa ban cần phải phát huy sinh hoa kết trái cho Chúa. Mỗi người có một vị trí và một trách hiệm của mình: “Có nhiều đặc sủng khác nhau… có nhiều hoạt động khác nhau… có nhiều việc phục vụ khác nhau” (1Cr 12, 4-12). Về điều suy niệm này, tốt nhất là mỗi người chúng ta tự hỏi mình vai trò độc nhất của tôi là gì, những tài năng nào mà chỉ có một mình tôi mới có thể làm trổ sinh hoa trái? Dưới mắt Thiên Chúa, không ai thay thế cho tôi được vì đó là nhiệm vụ của tôi với những khả năng, phẩm chất, ân sủng mà Chúa ban cho tôi. Tôi sẽ làm sinh lợi những gì mà tôi nhận được như những đầy tớ tốt, hay tôi lại đem chôn vùi nó như người đầy tớ xấu xa lười biếng.
“Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình: “Thưa Ngài, yến bạc của Ngài đã sinh sinh lợi được mười yến. Ông chủ bảo người ấy: Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi, vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành. Người thứ hai đến trình: Thưa Ngài, yến bạc của Ngài đã làm sinh lợi được năm yến. Ông bảo: Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành” (Lc 19, 15-19).
Hai người đầy tớ này đã nghĩ tới tấm lòng của ông chủ đã yêu thương trao ban tài sản cho họ và đồng thời họ cũng nghĩ tới sự tín nhiệm của ông chủ đối với họ, nên trao tiền xong là ông ra đi. Nghĩ như thế họ cảm thấy thương mến ông chủ vì đã yêu thương và tín nhiệm họ nên họ tích cực làm cho những yến bạc của ông chủ sinh lợi thêm. Vì họ đã suy nghĩ lạc quan tích cực dẫn tới tình cảm lạc quan tích cực và làm phát sinh hành động lạc quan tích cực.
“Rồi người thứ ba đến trình: Thưa Ngài, yến bạc của Ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ Ngài, vì Ngài là người khắc nghiệt đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Ông chủ nói: Hỡi đầy tớ tồi tệ! tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn cả lời chứ! Rồi ông bảo những người đứng đó: Lấy lại yến bạc nó giữ mà đưa cho người có mười yến” (Lc 19, 20-24).
Người đầy tớ thứ ba này đã nghĩ chủ hẳn là người keo kiệt hà khắc: “đòi cái không gửi, gặt cái không gieo”. Hắn cảm thấy khiếp sợ, liền đi chôn giấu yến bạc dưới đất. Vì hắn đã suy nghĩ bi quan tiêu cực dẫn tới tình cảm bi quan tiêu cực và làm phát sinh hành động bi quan tiêu cực.
Có lẽ trong chúng ta cũng có những người nuôi những ý nghĩ bi quan và tiêu cực như thế. Họ được Chúa ban cho một khả năng tài trí, nhưng họ không hài lòng, họ nhìn sang kẻ này, người nọ và trách Chúa sao lại ban cho người này kẻ kia nhiều tài năng hơn họ. Suy nghĩ đó dẫn họ tới tình cảm bất bình, so đo hơn thiệt, khiến họ không lo phát sinh những khả năng của mình! Đáng lý ra họ phải suy nghĩ và có cái nhìn lạc quan tích cực hơn hầu dẫn tới những hành động đầy lạc quan tích cực.
Ước gì dụ ngôn Đức Giêsu vừa kể cũng khích lệ và thúc giục hết thảy chúng ta vừa cùng dâng lời tạ tri ân Chúa đã trao ban muôn vàn ân huệ hồn xác, vừa nỗ lực phát huy sinh lợi những ân huệ ấy mỗi ngày một hơn, hầu đến ngày Chúa quang lâm cũng được Chúa đoái thương cho hưởng Nước Trời.