SỨ VỤ ĐỨC GIÊSU SẮP HOÀN TẤT TẠI GIÊRUSALEM
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật cho chúng ta với hai nội dung chính khái lược như sau: Đức Giêsu mặc khải về việc Ngài sẽ chịu chết tại Giêrusalem, hoàn tất sứ vụ thiên sai của mình và bày tỏ lòng thương tiếc Giêrusalem, thành phản loạn chống lại Thiên Chúa, đã giết hại các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến! “Đã bao lần Chúa muốn tập họp con cái trong thành lại như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh mà không chịu”.
Thứ đến, trong đoạn Tin Mừng này có nhắc đến một nhân vật có tên ngồ ngộ: “con cáo già”, mà có lẽ phần đông chúng ta không lạ gì con vật này, con cáo vốn là một con vật nhút nhát xảo quyệt nguy hiểm, chuyên hoạt động trong đêm tối, rình mò mà cắn xé những con vật nhỏ bé hiền lành. Và khi nó gặp nguy hiểm chút xíu, đã vội chui ẩn vào trong hang hốc mất!
Hêrôđê Antipa, Chúa gọi ông là con cáo già, con vật nhát sợ đầy mưu mô quỷ quyệt, một thứ người giả hình và nhát đảm! sau này ông không dám tự mình lãnh trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu và đổ tội cho Philatô (x. Lc 23,6-12).
Thế nên khi mấy người Pharisiêu đến thưa với Đức Giêsu: “Xin ông ra khỏi đây vì Hêrôđê đang muốn giết ông”. Như một phản xạ tự nhiên, Đức Giêsu đã gọi Hêrôđê là con cáo già. Nhân vật này chúng ta đã có dịp nói đến trong bài suy niệm Tin Mừng Luca 9,7-9 rồi
Nội dung: Hôm nay, chúng ta chỉ suy niệm về việc Đức Giêsu tiến về Giêrusalem để hoàn tất sứ vụ cứu thế của Ngài tại thánh đô này qua cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá! Ngài ý thức việc đi tới sự hoàn tất. Ngài hiểu biết trọn vẹn hướng đi mà Ngài bước tới, Ngài sẽ chết không phải là ngày Hêrôđê quyết định, nhưng vào ngày Ngài định liệu. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải ra đi, vì chẳng lẽ một ngôn sứ mà lại chết ngoài thành Giêrusalem!” Đó là những lời nói bí nhiệm!
Chính ngôn sứ Hôsê đã viết những lời bí nhiệm khác tương tự: “Sau hai ngày, Chúa sẽ cứu sống Ta. Đến ngày thứ ba, Người sẽ cho Ta chỗi dậy, cho Ta sống trước nhan Ngài” (Hs 6,2).
Khi tiến đến Giêsusalem, Ngài chạnh lòng thương tiếc thành trong thổn thức: “Giêru salem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh mà các ngươi không chịu. Thì từ nay nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (Lc 13,34-35).
Đây là lời có tính cách ngăm đe theo kiểu nói của ngôn sứ Giêrêmia 12,7: “Thiên Chúa sắp rời bỏ đền thờ của Người, tức là để cho người ta mặc sức tàn phá và hình phạt trút xuống trên dân Người”.
“Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời thời các ngươi nói: chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa”.
Trong lời ngăm đe của Đức Giêsu, Luca cho chúng ta thấy được lóe ra tia hy vọng lạc quan là sau này họ sẽ được chào đón Chúa bằng lời ca tụng Đấng Thiên Sai ngự đến. Như vậy ở đây Luca muốn loan báo cuộc trở lại của Israel vào thời sau hết (Lc 21,24).
Từ kinh nghiệm này của dân thành Giêrusalem, Chúa như mời gọi chúng ta đừng chai đá, cứng lòng trước tình thương âu yếm và sự chăm sóc quan phòng của Chúa, nhưng hãy tin vào Chúa và tích cực dấn thân sống theo giáo huấn của Chúa ngõ hầu tạo cho mình một đời sống hoàn thiện như chính Chúa đã dạy: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em là Đấng hoàn thiện trên trời” (Mt 5,48).