CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường dốc dác chừng hai mươi cây số tiến lên Giêrusalem. Và từ cao của Bênita người ta nhìn bao quát cảnh sắc lộng lẫy của Giêrusalem, một thành phố tráng lệ hùng vĩ, trải dài dưới chân đồi Sion, những ngôi nhà san sát nhau theo bức tường đá được phân ranh giới bởi thung lũng Xêđôron và Ghêhenna. Thành còn được bao quanh bằng tường lũy kiên cố chở che, khiến dân thành tự hào reo lên “khó có thể bị xâm chiếm được”. Đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, trung tâm Giêrusalem rực rỡ với những hàng cột bằng đá cẩm thạch và mái bằng vàng ròng lấp lánh chói ngời cao quang!
Xuất phát từ đó đoàn người hành hương cất bước tưng bừng hân hoan cùng phấn khởi cất tiếng ca vang khúc nhạc lên đền thánh vịnh 121:
“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa,
Và giờ đây Giêrusalem hỡi!
Cửa nội thành ta đã dừng chân.
Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình,
Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt.
Tường trong lũy ngoài hằng yên ổn,
Lâu đài dinh thự mãi an ninh.
Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu
Tôi nói rằng chúc thành đô an lạc
Nghĩ tới đền thánh Chúa Thiên Chúa chúng ta thờ
Tôi ước mong thành được hạnh phúc hỡi thành đô!?”
Thế nhưng Đức Giêsu lại thổn thức khóc thương thành Giêrusalem! Những giọt nước mắt chảy trên gò má và đôi môi mấp máy đầy cảm động nghẹn ngào, dường như biểu lộ nỗi chua xót cùng cực của Ngài! Vì Ngài đã cố gắng hoán cải Giêrusalem, nhưng cả thành chống đối và chối bỏ Ngài, để rồi ít hôm nữa, Ngài sẽ bị xét xử, bị kết án và hành quyết tại nơi đây, khiến Ngài thở than: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” như lời chúc của Thánh vịnh dân chúng hành hương vừa ca hát cầu chúc thành đô.
Đó cũng là công trình Đức Giêsu muốn thực hiện cho Giêrusalem và cả nhân loại được thái bình hạnh phúc sung mãn trường tồn. Tuy nhiên Ngài vẫn tôn trọng sự tự do và lựa chọn của họ. Ngài khóc thương và thổn thức thở than hơn là biểu lộ quyền năng của Ngài. Một lần nữa Ngài lại thổn thức nghẹn ngào với dòng lệ ướt đậm trên gò má “Phải chi ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho người. Nhưng hiện giờ mắt người không thấy được” (Lc 19, 42).
Sự vô tín của Giêrusalem là biểu tượng cho thái độ không tin tưởng khác… sự vô tín của thời đại ấy cũng là biểu tượng vô tín của mọi thời đại…
Giêrusalem đã bị mù lòa! Nó đã không thể nhìn thấy được những dấu chỉ của Thiên Chúa. Giêrusalem đã không biết nhận ra ngày giờ trọng đại được hiến tặng cho mình trong Đức Giêsu Kitô, Đấng mang đến sự bình an và hạnh phúc cho họ cũng như cho muôn dân!
Rồi đây “sẽ đến những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19, 43-44).
Cách diễn tả đầy âu yếm và cảm kích biết bao! Đó là thời điểm “hẹn hò” và yêu thương giữa Thiên Chúa và nhân loại. cuộc viếng thăm duy nhất đáng ghi nhớ này diễn ra trong thành đô “có một không hai trên toàn cõi địa cầu.
Hỡi Giêrusalem! Người đã từ khước cuộc gặp gỡ duy nhất này, để rồi sau này ngươi phải lưu lạc tản mác khắp bổn phương trời “vì ngươi đã không nhận biết thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm.
Còn tôi, hôm nay tôi có sẵn sàng đón tiếp Thiên Chúa đến viếng thăm không? Tôi cũng đã bỏ lỡ biết bao cuộc hẹn hò của Thiên Chúa, vì thiếu để ý quan tâm, vì khiếm khuyết nhiều mặt, vì tình trạng mù lòa thiêng liêng hay lơ là các việc bổn phận hằng ngày của đời sống Kitô hữu, thánh hiến đan tu chiêm niệm hay thừa tác vụ tư tế…trong khi đó rất bận rộn với mọi thứ công việc phù phiếm khác!
Lạy Chúa, con biết tội con rồi, con thật lòng thống hối ăn năn, xin Chúa thương xót thứ tha, để chốc nữa đây con được diễm phúc tiếp đón cuộc hẹn hò trìu mến của Chúa qua bí tích Thánh Thể tình yêu. Amen.