ĐỨC GIÊSU PHÁN ĐOÁN VỀ THẾ HỆ CỦA NGÀI
Cha M.Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Sau khi ca tụng ông Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu tiếp tục nói về thế hệ của Ngài. Chúng ta biết rằng từ ngữ “thế hệ này” qua môi miệng Đức Giêsu, có tính cách phê phán. Ngài dùng kiểu nói này để kết án…ám chỉ “thế hệ này” với thời gian, bốn mươi năm nơi hoang địa Sinai, khi dân không muốn Thiên Chúa, dù họ đã chứng kiến nhiều kỳ công dấu lạ (Tv 94, 10).
“Vậy tôi phải ví thế hệ này với ai?” Đoạn Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giêsu phê phán về người thế hệ của Ngài, cụ thể là thái độ lãnh đạm và chống đối của các kinh sư và Pharisiêu đối với vai trò và sứ vụ của ông Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu. Hay nói cách khác qua dụ ngôn trò chơi trẻ em Do Thái trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách cứ người Do Thái nhất là các nhà chức trách đã không nhận ra “Dấu chỉ thời đại” để đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa cũng như không hưởng ứng lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả là thống hối ăn năn và canh tân cuộc đời.
“Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói: “Tụi tôi thổi sáo cho mấy anh mà mấy anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không đấm ngực khóc than”.
Suy niệm: Dụ ngôn nhỏ bé, ngắn gọn và bi thiết! Đó là các đứa trẻ “cứng đầu”, những đứa lỳ lợm… đứa thì muốn chơi “trò tiệc tùng” và kêu mời nhảy nhót; đứa khác lại muốn chơi “trò chôn tang” và bắt đầu hát với giọng bi ai thì cũng chẳng đứa nào hưởng ứng. Thế là thất bại cuộc chơi!
Cũng vậy, những con người của thế hệ này muốn điều khác với điều Thiên Chúa quyết định. Lời giảng của Gioan Tẩy Giả đượm vẻ khổ hạnh hơn. Còn Lời giảng của Đức Giêsu mang vẻ vui tươi hơn. Cả hai tuy gây chú ý cho đám người quần chúng đơn sơ chân thành và hèn mọn, chứ đối với nhóm thủ lãnh trong dân đặc biệt là Kinh sư, Luật sĩ, Pharisiêu thì đều bỏ ngoài tai không chịu hối cải mà còn mở miệng chỉ trích và chống đối ra mặt.
“Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo ông ta bị quỷ ám”. Ông Gioan Tẩy Giả là nhà giảng thuyết và con người khổ hạnh: Ông rao giảng đặc biệt về sự sám hối canh tân, sửa sang tâm hồn cách ăn thói ở đường hoàng để đón Đấng Cứu Thế đến. “Con Người cũng ăn cũng uống như ai thì thiên hạ lại bảo: Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Điều này cho thấy thái độ khép kín của họ, khiến tâm trí họ không cởi mở để đón nhận sứ điệp hoán cải mà được cứu độ.
Hôm nay thiết tưởng chúng ta nên đặc biệt suy niệm tới danh xưng mới mẻ mà người ta gán cho Đức Giêsu: “Bạn của phường tội lỗi”. Ở đây, chính Đức Giêsu truyền đạt cho chúng ta danh xưng đó, bởi vì Ngài thích tên gọi đó. Ngài không những không trả lời những kẻ chỉ trích nhắm tới Ngài như đối tượng, mà Ngài còn cảm thấy được vinh dự vì những lời phê phán đó.
Đức Giêsu bạn thân hết mọi người. Người bạn phổ quát, bạn cả với những người tội lỗi. Chúa tẩy xóa tội lỗi thế gian, xóa sạch hết tội lỗi khỏi tâm hồn mọi người. chúng ta biết rõ Chúa yêu thương, tha thứ và muốn cứu độ hết thảy mọi người dù nằm trong trạng huống nào, nghèo khổ, tội lỗi…Cũng vì vậy mà hết thảy chúng ta, ai ai cũng đã từng ghi khắc trong ký ức nhiều đoạn Tin Mừng đã khiến Chúa được danh tiếng vì “đối xử tốt với những người tội lỗi”. Kêu gọi Mathêu người thu thuế, dùng bữa với những người bạn của ông, bênh vực người đàn bà ngoại tình… Những dụ ngôn diễn tả lòng thương xót: Con chiên lạc, đứa con hoang đàng, người bại liệt được tha tội và chữa lành, tên trộm cướp được dẫn vào thiên đàng…
Ngày nay, Thiên Chúa giàu lòng thương xót vẫn còn cư xử như thế với hết mọi người đặc biệt với các tội nhân. Cho dù thái độ khép kín, lỳ lợm của thế hệ này nhất là những đầu mục Do Thái, thì chương trình và hành động cứu độ của Thiên Chúa không bị khựng lại bởi bất cứ thứ nào. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa vẫn còn thể hiện và biện minh nơi cách sống và sứ điệp của Gioan Tẩy Giả, nhất là nơi ngôn hành của Đức Giêsu, sẽ thuyết phục hoặc lên án tùy theo thái độ đón nhận hoặc khước từ của con người. Quả thực như thế Đức Giêsu đã nói với người Do Thái, nhất là các nhà lãnh đạo Do Thái vẫn cứng lòng dù đã chứng kiến các phép lạ và đã nghe lời Ngài rao giảng. Những người tự cho mình là sáng mắt mà lại bị mù quáng trước ánh sáng Thiên Chúa; còn những người ý thức mình mù lòa, nghĩa là nhận biết mình là tội nhân, nghe lời rao giảng mà sám hối thì lại được sáng, nghĩa là được cứu độ.
Nguyện xin Chúa cho chúng con nhận ra những dấu chỉ thời đại, để khôn ngoan đón nhận sứ điệp của Chúa hầu canh tân đời sống và luôn luôn được Chúa ngự trong tâm hồn.