CÂU HỎI VỀ NGÔN SỨ ÊLIA
Cha M.Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Người Do Thái tin ngôn sứ Êlia sẽ trở lại trần gian để dọn đường cho Đấng Messia- Đấng Cứu Thế- Họ mong chờ cuộc trở lại vinh thắng của Đức Chúa, khai mở vương quốc chung cuộc. Càng ngày họ càng thêm xác tín rằng ngôn sứ Êlia sẽ trở lại để chuẩn bị cuộc quang lâm của Chúa (xHs 48, 1; Ml, 3 23-34). Lần này trong biến cố Chúa Hiển Dung, có ngôn sứ Êlia và ông Môisê xuất hiện chỉ trong chốc lát rồi biến đi ngay, nên các Tông Đồ đem việc này hỏi Đức Giêsu về sự trở lạ của vị ngôn sứ này, vì Êlia từng là đối tượng trong việc giảng dạy của các Kinh sư theo như ngôn sứ Malachia đã loan báo (Ml 3, 23-24). Chúa Giêsu nói: “Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự”. Nhưng Thầy nói cho anh em biết ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ như thế. Bấy giờ các môn đệ hiểu Ngài có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả.
Suy niệm:
Qua nội dung câu trả lời của Đức Giêsu mà Tin Mừng Matthêu vừa tường thuật, chúng ta cùng nhau suy niệm:
Ngôn sứ Êlia:
Ông là người Titbe trong số dân cư ngụ tại Galaat một thành ở bên kia sông Gio đan, vùng này nghèo và ở xa những ảnh hưởng trào lưu mới, nên vẫn trung thành với lòng tin của họ, Êlia mặc áo da lông, đóng khố cũng bằng da.
Ông Êlia, vị ngôn sứ cô đơn, sống biệt lập trên một ngọn núi cao, không vương mùi thế tục. Tên tuổi ông để lại là vị ngôn sứ vĩ đại nhất, một con người có lòng tin, biết rằng những lời mình nói là xuất phát từ Thiên Chúa và sẽ được ứng nghiệm.
Cái tên Êlia là cả một chương trình, có nghĩa là: Đức Chúa là Thiên Chúa của tôi. Ông một mình đương đầu với dân tộc của mình, cả một đám dân bất trung và chối bỏ Thiên Chúa. Ông cảm thấy có trách nhiệm bênh vực Thiên Chúa và đã hành động mà không cần chờ có người ra tay trước, ông sẽ có mặt bên cạnh Đức Giêsu khi Ngài hiển dung (Mt 17, 3; Mc 9, 4).
Sứ vụ: Này đây Ta sai ngôn sứ Êlia đến nói với các người trước ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án trụ diệt (Ml 3, 23-24).
Êlia đi suốt bốn mươi đêm ngày để gặp gỡ Đức Chúa tại Horel. Đây là một tên khác của núi Sinai, nơi mà bốn thế kỷ trước Thiên Chúa đã tự mặc khải cho ông Môisê. Nơi đây Đức Chúa mặc khải cho Êlia biết những phương án mà Người chắc chắn sẽ thực hiện. Đồng thời Đức Chúa cũng mặc khải cho ông biết tương lai của Israel trong tất cả sự thật bi thảm của nó: Vương quốc đã từng khởi đầu trong vinh quang vua Đavít và vua Salômon lại có số phận bị diệt vong. Đó sẽ là hậu quả của lòng bất tuân phục của dân.
Sứ vụ Êlia là sẽ truyền đạt những lời kinh hoàng của Đức Chúa. Tuy nhiên Israel sẽ không bị hủy diệt hoàn toàn. Thiên Chúa dành lại cho mình một “Số Sót” được tượng trưng bởi 7000 người không chịu bái phục thần Baan (x1V 19, 10-15). Mặc khải này soi sáng sứ vụ của ngôn sứ Êlia và các ngôn sứ trong Kinh Thánh là kêu gọi dân lòng sám hối ăn năn và canh tân cuộc sống! Ngôn sứ Êlia và ông Môisê là hai trụ cột của Cựu Ước và hai vị này được diễm phúc ở kề bên Chúa Giêsu trong cuộc hiển dung của Ngài. Cũng như trong đoạn Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu đã trả lời các môn đệ về sứ vụ của ông Êlia: “Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự”, để dọn đường cho Đấng Cứu Thế (Ml 3, 23-24). Vai trò này của Êlia đã được ông Gioan Tẩy Giả đảm trách.
Ông Gioan Tẩy Giả:
Thời vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê có một vị tư tế thuộc nhóm Avigia tên là Zacharia được sứ thần báo cho ông một tin vui là ông bà sẽ sinh một con trai và phải đặt tên là Gioan và em bé này sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa. Rượu lạt, rượu nồng em sẽ đều không uống, và ngay từ trong lòng mẹ em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu và làm cho tâm tư ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa (xLc 1, 5-17). Cậu bé Gioan càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel (x Lc 1, 80).
Sứ vụ: Trong sách ngôn sứ Êlia có chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con, sẽ dọn đường cho con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong dòng sông Giođan. Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Mc 1, 1-8). Đấng Thiên Sai được ông Gioan Tẩy Giả loan báo Người xuất hiện: Đó là Đức Giêsu mà sách Tin Mừng sẽ nói đến: Trong người và nhờ Người mà ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ được thực hiện!
Quả thế, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện với quyền năng và sứ vụ của Thiên Chúa bằng ý lực của ngôn sứ Êlia, ông hô hào toàn dân sửa sang đường lối Chúa và chuẩn bị tâm hồn đón rước Đấng Messia đã tới gần kề. Ông không những làm chứng cho Đức Giêsu trong cuộc sống mà ngay cả cái chết nữa!
Con người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế: Đấng Cứu Thế cũng bị các đầu mục Do Thái chối từ, hành hạ, nhục mạ đủ điều trong cuộc thương khó và bị hành hình, kết án bất công và chết trên thập giá bi thảm hơn cả vị tiền hô của mình.