CON NGƯỜI SẮP BỊ NỘP
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Sau thời gian, Đức Giêsu công khai loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa với những lời rao giảng đầy quyền uy cao cả, kèm theo bao kỳ công dấu lạ, như khử trừ ma quỷ, chữa lành mọi bệnh tật và cho kẻ chết sống lại, khiến dân chúng khắp nơi mọi miền tuôn đến nghe Ngài giảng dạy và được cứu chữa, họ hết lòng ngưỡng mộ, tung hô và cơ ngợi không tiếc lời…!
Một hôm, sau buổi cầu nguyện, Đức Giêsu muốn thăm dò dư luận quần chúng đã cảm nhận thân thế và sứ vụ của Ngài như thế nào, Ngài đã đặt câu hỏi thật nghiêm chỉnh trước mặt nhóm Mười Hai về phía dân chúng cũng như về phía nhóm Tông Đồ đã cảm nhận: “Ngài là ai?”. Nhóm họ đã trình báo với Ngài: “Có người bảo: Thầy là Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xa xưa đã sống lại” (Lc 9, 18-19). “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô đại diện cho nhóm, đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đức Giêsu đã phê cho ông “Mười điểm”, đồng thời Ngài căn dặn họ không được nói với ai điều đó, và Ngài còn mặc khải thêm: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, và ba ngày sau khi bị giết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Niềm vui vừa chớm nở, thì Đức Giêsu lại mặc khải cuộc thương khó của Ngài khiến cho cả nhóm quá bàng hoàng sửng sốt phân vân. Dư âm mặc khải mầu nhiệm tử nạn và phục sinh đó vẫn vang vọng trong tâm hồn các ông, cho dù sau đó các ông đã được chứng kiến bao kỳ công dấu lạ Thầy Chí Thánh đã thể hiện, chẳng hạn như phép lạ Chúa đã làm, bày tỏ uy quyền cao cả khi trục xuất thần ô uế ra khỏi đứa bé mắc bệnh động kinh, cho nó được hoàn toàn lành mạnh. Giữa lúc mọi người dân chúng đang hết sức ngỡ ngàng, thán phục, thì Ngài lại nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”
Đây là lần thứ hai Đức Giêsu mặc khải về cuộc thương khó của Ngài. Tin Mừng còn kể tiếp: “Nhưng các ông không hiểu lời ấy, vì đối với các ông lời đó còn bí ẩn đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Ngài về lời ấy” (Lc 9,44-45). Như vậy, Tin Mừng cho thấy các Tông Đồ cũng chưa hiểu được mầu nhiệm thập giá trước ngày Chúa phục sinh. Sau biến cố Chúa phục sinh: Đức Giêsu sẽ giải thích ý nghĩa cho họ trên đường Emmau, Ngài bảo: “Hỡi những kẻ ngu muội, và cứng lòng chậm tin vào mọi điều các ngôn sứ đã nói: Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,25-26).
Thưa anh em, mầu nhiệm tử nạn của Đức Giêsu Kitô là chóp đỉnh đức vâng phục trọn hảo của Ngài, sự vâng phục ấy làm cho cái chết của Chúa Giêsu có giá trị cứu chuộc. Sở dĩ cái chết có giá trị, không phải nguyên vì cái chết của Ngài, mà còn vì Ngài đã vâng phục trọn hảo cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8). Lời đáp ứng hoàn hảo ấy đã khải mở cho tất cả mãnh lực tạo thành của ý Thiên Chúa trong lịch sử được lan tỏa ra nên nguồn cứu độ nhân loại. Sự cứu thoát đã tỏ hiện rực rỡ ngay sau đó: “Và ngày thứ ba Ngài đã sống lại” (1Cr 15, 4). Nhưng đồng thời, đó cũng là chóp đỉnh của công việc mặc khải của Ngài về hiện hữu và bản lĩnh của Thiên Chúa: Tức là lòng yêu mến tuyệt đối. và bởi đó, theo thánh Gioan, chính trong cái chết của Chúa Kitô mà vinh quang Thiên Chúa được mặc khải cách đầy đủ hơn.
Thập giá là nơi Thiên Chúa và con người gặp nhau cách trọn hảo, sự gặp gỡ làm cùng đích cho cả lịch sử. Và điều ấy đã được thực hiện trong một con người và chỉ duy Con Người ấy, nên từ đó “Con Người” ấy đã thành trung tâm cho lịch sử và làm cho lịch sử có ý nghĩa, có cùng đích. Đức Giêsu Kitô hôm qua và hôm nay vẫn còn là một và cho đến mãi muôn đời. Amen.