ĐỨC GIÊSU GIẢNG DẠY NHƯ ĐẤNG CÓ UY QUYỀN
Lm M.Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Capharnaum.
Vừa có bốn môn đệ trong tay, Đức Giêsu không chờ đợi, mà đã bắt đầu hành động. Và ngay ngày đầu tiên, chúng ta có thể nhận ra một bảng tóm lược công cuộc sinh hoạt này. Quả là một ngày đầu tiên thật nổi tiếng tại Capharnaum: Đức Giêsu giảng dạy như một người có uy quyền với giáo lý mới mẻ. Ngài xua trừ ma quỷ và chữa lành người bệnh. Ngài cầu nguyện… và thi hành các điều đó trước mặt và cùng với bốn môn đệ: “Ngày Sa bát, Đức Giêsu vào giảng dạy trong Hội đường.
Suy niệm
Đó là hành động đầu tiên: Ngài tiến vào nơi tập họp và cầu nguyện chung, ngày mà mọi người hiện diện ở đó, và Ngài diễn giảng. Ban đầu, Ngài theo khuôn khổ của nếp sống tôn giáo cổ điển đương thời, nhưng Ngài sẽ không tự đóng khung tại đó, nhất là người ta sẽ thấy Ngài rao giảng ở bên ngoài, trong đời sống phàm trần. việc này Ngài sẽ làm rất thường xuyên. Thánh sử Marcô chỉ nêu lên ba lần Đức Giêsu giảng dạy trong khung cảnh một Hội Đường: lần thứ ba cũng là lần cuối cùng là ở Nazareth (x. Mc 6,2).
“Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”
Các kinh sư chỉ biết lặp lại những bài đã học sẵn. Còn Đức Giêsu khiến người ta chú ý nhờ chính uy quyền cao cả phát xuất từ bên trong Ngài. Còn có thể nêu thêm một ghi nhận về “nhân vật huyền diệu” này là một ngày kia người ta sẽ nhận ra Ngài như “Thiên Chúa”. Nhưng hiện giờ, người ta mới chỉ kinh ngạc về Ngài thôi!
Nếu phải nói về Thiên Chúa hay về Chúa Kitô cho thân nhân bạn bè và mọi người, chúng ta sẽ nói thế nào? Có như kinh sư luật sĩ chỉ lo lặp lại những hình thức bài bản trường lớp? Hay như một chứng nhân biết nội tâm hóa và đi sâu vào Lời Chúa? Và hơn nữa như một nhân chứng phục vụ Lời Chúa, biết trở nên mờ nhạt trước Đấng mà mình nói tới như ông Gioan Tẩy giả không!?
“Lập tức, trong Hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nazareth ơi, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng thánh của Thiên Chúa!” (cc. 23.24).
Đó là những thần ô uế đầu tiên khám phá ra Đức Giêsu là ai. Nhờ bản chất thiêng liêng, chúng không tinh tế hơn con người sao? Do đó, con người thì chỉ thắc mắc và kinh ngạc… còn chính ma quỉ thì biết rõ Ngài.
“Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất khỏi anh ta” (cc. 25-26).
Đây là một đề tài cốt yếu của toàn bộ Tin Mừng Marcô: Bí mật về Đấng Thiên Sai.
Đức Giêsu không muốn người ta cứ bô bô vội vã quả quyết Ngài là “Con Thiên Chúa”. Ngài chỉ muốn mặc khải mầu nhiệm này một cách tiệm tiến, để tránh một nhiệt tình bồng bột của quần chúng, có thể làm sai lầm ý nghĩa sứ vụ của Ngài. Vì một mặc khải quá sớm có thể tạo cớ cho người ta làm lệch hướng của sứ vụ này: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy làm điều này đi… hãy thực hiện việc kia xem coi…”
Ở địa vị như Ngài, chúng ta đã làm gì? Có thể chúng ta đã vênh vang: “Đó các bạn coi, ngay cả ma quỉ còn biết tôi là ai mà! Không, Thiên Chúa hay làm cho chúng ta chưng hửng! Ngài không thích quảng cáo ồn ào. Có lẽ vì thế mà Đức Giêsu đã không nhập thể vào thời đại của “báo chí” và “truyền hình quảng cáo” rùm beng như “mạng xã hội” ngày nay…!
Một cách chân thành, tôi có chấp nhận thái độ âm thầm kín đáo của Thiên Chúa không? Tôi có thường xuyên xin nài Thiên Chúa biểu lộ uy quyền trừng phạt này nọ không?
Vả lại: “Lệnh truyền cho các thần ô uế và chúng phải vâng theo” (c. 26). Chính thái độ tuần phục của ma quỉ trước uy quyền của Đức Giêsu đã nói lên “thời cứu độ đã đến”.
Là người kitô hữu hay tu sĩ, giáo sĩ, hết thảy chúng ta cần học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa luôn, hầu khám phá ra sự mới mẻ của Lời Chúa, đồng thời nhận ra quyền năng Chúa tỏ bày trong hoàn vũ! Cũng như dân chúng thời Đức Giêsu đã nhận ra “Giáo lý mới mẻ” của Ngài mà tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế. Lập tức danh tiếng Ngài đồn ra mọi nơi khắp cả vùng lân cận miền Galilê. “Mọi người đều kinh ngạc hỏi nhau: ‘thế nghĩa là gì? Giáo lý mới mẻ, người dạy thì có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuần lệnh Ngài”.
Một câu hỏi nêu lên: toàn bộ Tin Mừng theo Thánh Marcô quá đủ để trả lời. Ở đây, chúng ta mới khởi sự suy niệm ngày rao giảng đầu tiên tại Capharnaum của Đức Giêsu và chúng ta sẽ có dịp cùng nhau suy niệm vào những ngày tới.
Tóm lại, Đức Giêsu chính là Vị Ngôn Sứ ưu việt mà ông Môsê tiên báo. Thánh Marcô trình bày Ngài là một Đấng rất uy quyền:
Uy quyền trong lời nói: Dân chúng kinh ngạc về giáo lý mới mẻ của Ngài, vì Ngài giảng dạy người ta như một Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư luật sĩ.
Uy quyền trong hành động: Ngài chỉ cần nói một lời thì qủy ô uế phải xuất khỏi người bị nó nhập.
Bí mật về Đấng Thiên Sai: “câm đi, hãy xuất khỏi người này”.