THỨ BA TUẦN IV MÙA CHAY
Ga 5,1-16 (1-3.5-16)
Chúa Giêsu Chữa Một Người Đau Ốm Tại Hồ Bết-da-tha
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Sức khỏe là tài sản quý giá. Tất cả mọi người đều muốn khỏe mạnh. Người ta sẵn sàng chi hàng ngàn và thậm chí hàng triệu đô-la chỉ để duy trì sức khỏe. Hầu hết người ta tìm cách giữ sức khỏe để làm việc, gặt hái được những hiệu quả trong công tác, ở nhà, ở trường, trong cộng đồng, trong xã hội và để có thể duy trì các mối quan hệ thực sự của con người. Điều quan trọng là phải khỏe mạnh không chỉ về thể chất, tâm lý, mà cả về mặt tinh thần.
Phần lớn người ta đều biết rằng tâm trí và thân thể có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Như ví dụ, lo lắng kéo dài có thể gây loét bao tử và mất cân bằng hóa học trong máu có thể gây ảo giác. Một số trạng thái tâm trí có thể kéo theo các rối loạn chức năng nghiêm trọng như mù, điếc và tê liệt. Người ta gọi những sự mất cân bằng của cơ thể và tâm trí là bệnh tâm lý. Tất cả những điều này được George F. Freemesser tóm tắt tốt trong cuốn sách của ông, ‘Học cách sống nội tâm, cái nhìn thoáng qua về Chúa Giêsu như Người chữa lành’. Ông nói:
Khoa học y tế ngày càng hiểu biết nhiều hơn về ảnh hưởng của những trạng thái xung động đối với bệnh tật của thể lý con người. Do đó, một người dễ bị nhồi máu cơ tim nếu luôn ở trong sự lo lắng, tham vọng quá mức, cần phải đạt được mục tiêu quá cao, kìm nén sự thù địch và nổi loạn chống lại những hạn chế của thời gian. Và sự oán giận, tự thương hại, không thể tha thứ, không thể phát triển và duy trì các mối quan hệ có ý nghĩa đều được xem là yếu tố tâm lý tiền xử là nhân tố trong sự phát triển của bệnh ung thư (tr. 102).
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành một người đàn ông đau ốm trong ba mươi tám năm là một trong số những người bệnh tật, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở bờ hồ nước Bết-da-tha, vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy động nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa cũng khỏi. Tình trạng này cho ta thấy những người bệnh nặng và di chuyển khó khăn thì ít có cơ hội! Chẳng hạn như người đàn ông được Chúa Giêsu chữa cho hôm nay. Anh ta đã đợi suốt 38 năm trời, ngày nào cũng đến bờ hồ ngồi chờ, nhẩm tính ra có tới 13870 lần. Và bây giờ người đàn ông này đã hy vọng gì? Đó không phải là cái hồ nước có chữa được anh khỏi hay không mà là một bàn tay quảng đại nào đó đem anh xuống nước, vào lúc nước được khuấy động, và đã không có bàn tay nào giúp anh ta hết. Mặc dù thế anh ta vẫn không từ bỏ niềm hy vọng là có một bàn tay của ai đó giúp mình nên vẫn tới bờ hồ đều đặn.
Khi thấy anh ở giữa những người bệnh tật, Chúa Giêsu như thấu cảm được niềm hy vọng mỏng manh nơi anh, Ngài không muốn để anh mất đi niềm hy vọng vào một bàn tay nào đó, nên đã chạnh lòng thương, đã đến gần anh và nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” và ước muốn đó được anh bộc bạch về việc không có ai giúp đưa anh xuống nước lúc nước được khuấy động, cũng như không có ai nhường cho anh xuống trước hết, nên có thể ngầm hiểu rằng cái anh ta hy vọng là sẽ có một bàn tay nào đó cứu giúp mình. Và Chúa Giêsu đã đưa tay ra không phải đưa anh xuống nước để anh được cứu, mà bằng bàn tay quyền năng, Ngài ra lệnh cho anh ta chỗi dậy vác chõng mà đi.
Từ sự mòn mỏi chờ đợi, vỡ oà vì quá mừng nên anh chẳng còn biết vị ân nhân đã cứu mình là ai. Anh chỉ biết làm theo lời đề nghị vác chõng mà đi. Thế là anh cứ hiên ngang, cũng không cần để ý đến hôm nay là ngày Sa-bát nữa. Và cho dù có là ngày Sa-bát như những người xung quanh nhắc nhở thì anh ta cũng chẳng quan tâm. Điều anh quan tâm bây giờ là chính Đấng chữa lành đã bảo anh làm thế. Đối với anh, Đấng ấy bây giờ là tất cả mặc dù anh ta không biết Đấng ấy là ai. Và cho dù việc vác chõng mà đi là một trong 39 điều bị cấm bởi Luật Môi-sê về ngày Sa-bát (nghĩa là chỉ mang một tập báo từ nơi này đến nơi khác) hoặc đi bộ cũng bị cấm.
Chúa Giêsu nói khi gặp lại anh ta trong đền thờ: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” câu nói này của Chúa cho ta thấy đôi khi bệnh tật thể lý có một nguyên nhân sâu xa hơn đó là bệnh tật của tâm hồn, là hệ quả của tội lỗi gây ra. Và tội lỗi không chỉ gây ra bệnh tật thể lý mà nó còn giết chết cả linh hồn cách vĩnh viễn nếu không được cứu kịp thời bởi chính Chúa Giêsu.
Căn bệnh của tâm hồn ngày nay đang bào mòn biết bao con người đang sống ngụp lặn trong tội lỗi, họ có thực sự muốn được chữa khỏi không? Chắc chắn là đa số những tội nhân đều khao khát được khỏi. Vì theo sự thường thì không ai cảm thấy sung sướng gì khi sống trong tội lỗi, bởi điều này đồng hoá với căn bệnh của tâm hồn và thậm chí thể hiện ra nơi thân xác như người đàn ông mà Chúa Giêsu đã cứu chữa hôm nay.
Qua hành động của Chúa Giêsu, Ngài cũng muốn mỗi chúng ta là các môn đệ của Ngài hãy đưa bàn tay của mình ra để tạo cho người khác một cơ hội chữa lành. Có biết bao người ở đó mà không thể tận dụng được ân sủng chữa lành của Lời Chúa, cũng như trong các bí tích của Giáo Hội vì không có ai giúp đỡ họ? Chúng ta không thể đứng một cách thụ động trong khi chứng kiến người thân và bạn bè ở xa Chúa. Một số người trong số họ có thể chỉ cần một chút khích lệ để họ đi đến bí tích hòa giải. Người môn đệ của Chúa phải là người có trách nhiệm giúp đỡ những người xung quanh về nhu cầu thể chất và tinh thần của họ. Vì giá trị của Kitô hữu trước tiên được đo lường bằng tinh thần trách nhiệm của họ liên quan đến ơn cứu độ của người khác. Nói như Winston Churchill: “Giá trị của sự vĩ đại là trách nhiệm.”
Lạy Chúa, giữa muôn ngàn sự ràng buộc của cuộc sống làm cho chúng con nhiều lần co cụm lại với chính mình, bàng quang với những gì xảy ra quanh mình là khỏe nhất. Đó là sự ru ngủ của một con người ích kỷ và không có lòng xót thương. Xin giúp chúng con biết động lòng trắc ẩn trước những đớn đau bệnh tật về tâm hồn và thể lý của những người xung quanh, để chúng con biết đưa bàn tay ra giúp đỡ cũng như dẫn họ tới với Chúa để họ được chữa lành. Amen.