THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY
Ga 8,21-30
Chúa Giêsu Là Đại Sứ Của Chúa Cha
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Một tác giả vô danh nói: “Không phải những gì người ta ăn mà là thứ họ tiêu hóa khiến họ trở nên mạnh mẽ; không phải những gì chúng ta đạt được mà là những gì dành dụm được làm cho chúng ta giàu có; không phải những gì chúng ta đọc mà là những gì lưu lại trong trí nhớ khiến chúng ta hiểu biết; không phải những gì chúng ta giảng mà là những gì thực hành làm cho chúng ta trở thành Kitô hữu.”
Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (cc. 28b-29). Qua những lời này, Chúa Giêsu đang sử dụng hình ảnh của một Đại Ngôn Sứ. Rằng Ngài là Đại Ngôn Sứ của Chúa Cha cho thế giới và cho chúng ta. Một đại sứ là một đại diện ủy quyền của một quốc gia, anh ta không phải nói nhân danh chính mình mà có trách nhiệm thay mặt cho người đã gửi anh đến, để diễn giải tâm trí của người gửi cách trung thực đến những người mà anh ta sẽ gặp. Chúa Kitô, với tư cách là Đại Sứ của Chúa Cha, bởi vì Ngài tuyên bố sự thật và những lời hứa của Tin Mừng. Ngài kêu gọi chúng ta, những người tội lỗi hãy đón nhận sự hòa giải của Thiên Chúa và thông điệp của Người về Tin Mừng Nước Trời. Hình ảnh đại sứ làm nổi bật uy quyền mà Ngài có và luôn trung thành với sự ủy nhiệm trong vai trò là người được Chúa Cha sai đến.
Các Kitô hữu chúng ta cũng là những đại sứ của Chúa Kitô hoặc những người được Ngài sai đến để nói và làm nhân danh Ngài. Chúng ta nói và làm, không phải vì nhu cầu riêng của mình, mà vì sự phát triển của Nước Thiên Chúa trên trái đất này, để Thiên Chúa được mọi người biết đến.
Chuyện kể rằng, một nhà truyền giáo đang ngồi trên một chiếc máy bay, bên cạnh một chàng trai trẻ ăn mặc bảnh bao và họ sớm bắt đầu trò chuyện. Nhà truyền giáo hỏi anh ta làm nghề gì. Anh trả lời, “tôi là một thương gia lớn”. Nhà truyền giáo đáp “tôi cũng vậy”. Chàng trai trẻ tiếp tục kể, “Tôi đã bao quát toàn bộ nước Mỹ bằng công việc kinh doanh của mình”. “Thế à” nhà truyền giáo nói, “Tôi đã đi khắp thế giới liên quan đến tôi”. Chàng trai trẻ tiếp: “Tôi cùng làm việc với cha tôi là một triệu phú”. Nhà truyền giáo mỉm cười và nói, “Tôi cũng vậy, tôi hợp tác với Cha tôi. Ông ấy là một triệu triệu phú”. Chàng trai trẻ nói, “Tôi có đại diện ở hầu hết các tiểu bang”. Nhà truyền giáo trả lời, “Chúng tôi có đại diện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới”. Lúc đó chàng trai trẻ nhìn nhà truyền giáo và nói: “Dù sao, ông đang kinh doanh cái gì vậy?” Khi nhà truyền giáo giải thích, chàng trai trẻ nói, “Thưa ông, ông không chỉ là nhà doanh nhân lớn. Ông là một trong những người vĩ đại nhất!”
Vâng, chúng ta có một doanh nghiệp lớn để làm và để hoàn thành, công việc này là công việc của Chúa về cuộc sống vĩnh cửu dành cho tất cả mọi người với sự hướng dẫn và giúp đỡ của Ngài.
Vì thế, chúng ta cần tuyên xưng đức tin cách mạnh mẽ và công khai cho mọi người, vì đức tin không chỉ là vấn đề riêng tư. Cuộc sống tốt của các Kitô hữu là những tấm gương sáng cho nhân loại. Trong quá khứ rất nhiều Kitô hữu đã hy sinh vì đức tin của mình. Họ đã trả giá cuối cùng cho các cam kết của đức tin. Và không chỉ vậy, những người như Thánh Phan-xi-cô Át-si-si, Martin Luther King Jr. và Mẹ Tê-rê-sa Cal-cút-ta, là những người đã truyền cảm hứng cho những người Kitô hữu dám liều mạng sống để thay đổi con người và xã hội. Ngày nay, hàng ngàn và thậm chí hàng triệu Kitô hữu lặng lẽ chia sẻ những hành vi đức tin, như lòng trắc ẩn vị tha nói lên họ là những người theo Chúa Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết tuân giữ Lời Chúa và đem ra thực hành, để chính những hành vi trong cuộc sống làm cho chúng con thực sự là một đại sứ của Chúa, phản ảnh lại chính xác sứ điệp của Ngài muốn gởi đến cho nhân loại, bằng những hy sinh nhỏ bé mỗi ngày, để hiệp với của lễ Thập giá của Chúa. “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” để chúng con cũng được tham dự vào sự sống vĩnh cửu với Ngài. Amen.