THỨ BA TUẦN VI MÙA PHỤC SINH
Gio-an 16,5-11
Đấng Bảo Trợ Sẽ Đến
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Sắp tới lễ Thăng thiên của Chúa Giêsu lên trời, phụng vụ cho ta đọc bài Tin Mừng của Thánh Gio-an như ghi lại những lời trăng trối của Ngài trước khi chia tay các môn đệ: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng mình rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về việc xét xử” (c.7-8). Đây là những lời Chúa Giêsu đã nói trước biến cố khổ nạn, sự chết và sự sống lại của Ngài. Ngài biết mình sắp từ bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, nên đã hứa cho các môn đệ món quà quý giá nhất có thể để ở lại với họ. Đó chính là lời hứa ban Chúa Thánh Thần. Đấng mà các Tông Đồ đã nhận được trong ngày lễ ngũ tuần. Khi các ông tập trung cầu nguyện và Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các ông, biến đổi và làm cho các ông nên mạnh mẽ, can trường.
Chúng ta cùng nhau suy niệm về ba vai trò của Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu đã đề cập trong Tin Mừng hôm nay:
- Chúa Thánh Thần chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi. Chúa Giêsu cho thấy việc chứng minh, vạch rõ về sai lầm và tội lỗi không phải là Ngài đến để kết án tội nhân, mà tội lỗi thực sự là từ chối tin vào Chúa Giêsu. Ngài đến để chứng mình sự sai lầm của thế gian nghĩa là tạo cho họ thêm cơ hội đến với Chúa Giêsu Kitô bằng lòng tin để được tẩy sạch, được tha thứ. Là người công giáo, những người đã được đón nhận Chúa Thánh Thần luôn được Ngài nhắc nhở về tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa đặc biệt qua bí tích hòa giải. Ngài giúp chúng ta biết phó thác vào lòng thương xót và ân sủng của Ngài.
Thánh Âu-gút-ti-nô trong Lời tự thuật của của Ngài nói về tội lỗi, mà tội lỗi nảy sinh khi những lợi ích nhỏ được theo đuổi, như thể chúng là những mục đích quan trọng nhất trong cuộc sống. Nếu tiền bạc, tình cảm hoặc quyền thế được tìm kiếm theo cách không cân xứng, thần tượng hóa,
thì tội lỗi xảy ra. Và tội lỗi đó được phóng đại khi đối với những mục tiêu nhỏ hơn này, chúng ta từ chối theo đuổi những mục tiêu cao nhất và mục tiêu cuối cùng nhất. Vì vậy, khi chúng ta tự hỏi tại sao, trong một tình huống nhất định, chúng ta đã phạm tội, câu trả lời thường là một trong hai điều: Hoặc là chúng tôi muốn có được thứ gì đó mà chúng tôi đã không có, hoặc chúng tôi sợ mất đi thứ gì đó chúng tôi đã đang sở hữu.
- Chúa Thánh Thần minh chứng cho chúng ta về sự công chính của Chúa Kitô. Thế gian cho Ngài là tội nhân mà đã giết đi, nhưng thực tế Ngài đã sống lại và về cùng Chúa Về mặt thể chất, chúng ta không thấy Chúa Giêsu nữa. Ngài ở bên hữu của Chúa Cha. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy rằng, ngày nay Ngài vẫn hiện diện với chúng ta nhiều hơn cả khi Ngài còn rảo bước dọc theo những đường lối đầy bụi bặm của Palestine. Ngài vẫn tiếp tục hướng dẫn đời sống của chúng ta về thiên đàng. Ngài không bao giờ để các môn đệ cô đơn, mà luôn ở bên họ. Vì qua quyền năng của Chúa Thánh Thần thánh hóa đã làm cho Chúa Giêsu tiếp tục ở lại với chúng ta dưới hình bánh và rượu trong bí tích Thánh Thể. Đây là một sự hiện diện thực sự, mặc dù chúng ta không có Chúa Kitô theo cách mà Ngài đã xuất hiện hơn hai ngàn năm trước. Nhưng đây lại là cách làm cho chúng ta tăng thêm niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích tuyệt hảo và phúc lành này. Và chính Ngài là sự công chính của chúng ta.
- Chúa Thánh Thần minh chứng về việc xét xử. Ngày chung thẩm, tất cả chúng ta sẽ đứng trước tòa phán xét của Thiên Chúa. Phán quyết của Chúa thì rất công bằng và không hề sai sót. Phán xét của Thiên Chúa là để thưởng công chứ không phải xét nét tội lỗi để luận phạt. Là một người tin yêu, trung thành tuân giữ giới răn và đường lối của Thiên Chúa thì sẽ được bình an và hân hoan vui mừng. Phán xét ấy ngay ở thế gian đã xảy ra với các hối nhân, làm cho người ta được hòa giải với Thiên Chúa bằng quyền năng tha tội của Chúa Thánh Thần. Ai đã từng vào tòa cáo giải sau khi phạm tội, được nghe linh mục đọc về công thức tha tội:
Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Thiên Chúa dùng tác vụ của hội thánh mà ban cho ông (bà, anh, chị, con) ơn tha thứ và bình an. Vậy tôi tha tội cho ông (bà, anh, chị, con) nhân danh Cha + và Con và Thánh Thần.
Điều này cho thấy không phải linh mục tha tội mà chính Chúa Thánh Thần tha tội. Thế nên, Chúa Thánh Thần đến để minh chứng về việc xét xử của Thiên Chúa là làm cho chúng ta tìm thấy sự bình an, niềm vui và sự hòa giải thực sự với Thiên Chúa. Ai trong chúng ta đã từng lãnh nhận bí tích hòa giải thì cảm nghiệm rất rõ Đấng Bào Chữa mà Chúa Giêsu gởi đến hoạt động cách rất rõ ràng trong tâm hồn hối nhân, Ngài xóa đi gánh nặng tội lỗi trong tâm hồn, ban sự bình an sâu thẳm và niềm vui.
Tóm lại, Chúa Thánh thần tới để minh chứng về ơn cứu độ cho những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô. Ai không tin thì tự sự không tin đó đã kết án họ. Ngài đến để làm cho Chúa Giêsu hiện diện với con người ở giữa chúng ta cách cụ thể, qua việc thánh hóa và biến đổi bánh rượu thành Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Và Ngài đến xét xử là để thưởng công và tha thứ, mang bình an và niềm vui cho những người tin yêu và đón nhận Ngài.
Điều quan trọng là, chúng ta có cho phép Chúa Thánh Thần ngự trị tự do trong cuộc sống của mình, để Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi và khiến chúng ta bùng cháy với ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa không? Amen.