THỨ BA TUẦN XI THƯỜNG NIÊN
Mát-thêu 5,43-48
Phải Yêu Kẻ Thù
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Dale Carnegie nói: “Ngay khi chúng ta ghét kẻ thù, chúng ta đang trao cho nó quyền lực trên chúng ta: quyền lực trên giấc ngủ, trên bữa ăn, trên huyết áp, trên sức khỏe và trên hạnh phúc của chúng ta.”
Điều chắc chắn nhiều người trong chúng ta sẽ đồng ý rằng, mệnh lệnh khó khăn nhất của Chúa Giêsu mà Ngài ban cho các môn đệ được tìm thấy trong Tin mừng ngày hôm nay: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (c.44). Làm thế nào điều này có thể đang khi ta thấy Chúa Giêsu có những lời mạnh mẽ chống lại người Pha-ri-sêu và kinh sư? Hơn nữa, điều này đi ngược lại xu hướng tự nhiên của con người là muốn đánh trả lại ai đó đã làm tổn thương mình, hoặc ghét kẻ thù và thậm chí nguyền rủa những kẻ bức hại mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài, “hãy yêu kẻ thù.” Đối với Ngài, “kẻ thù”, không chỉ là những người chúng ta không thích, những kẻ đáng ghét, những kẻ thọc ngoáy vào da thịt, chà đạp ta cách bất công. Hay những kẻ ganh ghét, kẻ muốn điều xấu xa cho mình và thậm chí sẵn sàng làm tổn thương và giết hại chúng ta. Quả thật, Chúa Giêsu không bảo chúng ta thích kẻ thù hoặc chấp nhận những hành vi và niềm tin sai lạc của họ. Thay vào đó, Ngài nói với các môn đệ của mình rằng “hãy yêu kẻ thù” nghĩa là người môn đệ của Chúa phải ước muốn cho kẻ thù của mình không bị tổn hại; phải quan tâm đến họ; phải sẵn sàng hy sinh vì họ; phải tha thứ cho họ. Đây là những điều không thể thực hiện với con người tự nhiên của ta. Nhưng trong Chúa, không có gì là không thể.
Tôi nhớ một câu chuyện về một mục sư Baptist trong thời Cách mạng ở Hoa Kỳ, Peter Miller, sống ở Ephrata, Pennsylvania và là bạn thân của George Washington. Michael Wittman cùng sống ở Ephrata, là một người có đầu óc độc ác, ông này đã làm tất cả những gì có thể để chống lại và làm nhục mục sư. Một ngày nọ, Michael Wittman bị bắt vì tội phản quốc và bị kết án tử hình. Peter Miller đi bộ bảy mươi dặm đến Philadelphia để biện hộ cho cuộc đời của kẻ phản bội. Nghe chuyện này Washington sửng sốt:
“Không, Peter,” Tổng thống Washington nói. “Tôi không thể ban cho ông cuộc sống của bạn ông”. “Bạn tôi ư!” nhà thuyết giáo lão thành thốt lên: “Anh ta là kẻ thù cay đắng nhất của tôi”. “Cái gì?” Washington hét lên, “Bạn đã đi bảy mươi dặm để cứu cuộc sống của một kẻ thù? Đặt vấn đề này trong bối cảnh khác. Tôi sẽ ban cho ông điều ông xin” Và tổng thống đã tha bổng cho Micheal Wittman. Peter Miller đưa Michael Wittman trở về nhà ở Ephrata, từ đó, họ không còn là kẻ thù mà là hai người bạn. Đây là một ví dụ cụ thể về việc yêu thương kẻ thù của chúng ta.
Everett Worthington[1] đã gợi ý ba lý do tại sao chúng ta nên tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình:
Trước tiên, chúng ta không thể làm tổn thương thủ phạm bằng cách không tha thứ, nhưng chúng ta có thể tự giải thoát mình bằng cách tha thứ. Điều này đúng ở một mức độ nhất định.
Thứ hai, không tha thứ là một gánh nặng lớn. Nó được ví như một tảng đá nóng bỏng mà chúng ta mang theo với ý định rằng sẽ có cơ hội ném lại vào kẻ làm tổn thương mình. Nhưng trước đó nó làm chúng ta cạn kiệt năng lượng và làm cho chúng ta mệt mỏi. Nó thiêu đốt và gặm nhấm cuộc sống của chúng ta. Và nếu muốn thì chỉ đơn giản là để hòn đá rơi xuống đất!
Emerson Fordick có lý khi nói rằng, thù ghét người khác giống như đốt nhà của bạn nhằm để tiêu diệt một con chuột.
Thứ ba, chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn nếu tha thứ thay vì là ngụp lặn trong sự hận thù. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta ban phát sự tha thứ, đó là đang phục vụ chính mình. “Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ”[2].
Qua Lời Chúa hôm nay cho thấy rằng, Ki-tô hữu không chỉ là một người sống tốt là đủ, mà còn phải cởi mở và hào phóng khi đối xử với người khác, đặc biệt là Yêu Kẻ Thù của mình, giống như những gì Chúa Giêsu làm. Bắt chước lòng quảng đại như vậy giúp ta mỗi ngày một gần Chúa hơn và nên một với Ngài trong sự sống đời đời. Amen.
[1] Từ cuốn sách Năm bước để tha thứ (Kinh Thánh Mỗi Ngày, ngày 15 tháng 6 năm 2004.)
[2] Thánh Phan-xi-cô Át-xi-zi, Kinh Hòa Bình.