NGÀY 07 THÁNG 01
Gio-an 2,1-11
Tiệc Cưới Tại Ca-na
Hai người đàn ông, trong một chiếc thuyền, gặp một cơn giông bất ngờ. Trong khi một người tha thiết cầu nguyện để được giải thoát, thì người kia lại điên cuồng chèo thuyền để đến nơi an toàn. Chẳng mấy chốc, một trong mái chèo đã chạm vào bờ. Với một tiếng thở dài nhẹ nhõm, anh quay sang đồng đội của mình và nói, “Bây giờ bạn có thể từ bỏ việc cầu nguyện, chúng ta sắp lên bờ”. Thật vậy sao? Thường người ta chỉ cầu xin khi gặp gian nan khẩn cấp và khi thoát khỏi thì cảm thấy không cần nữa.
Khác với Đức Ma-ri-a, khi thiên thần truyền tin rằng Mẹ sẽ mang thai và sinh con trai bởi Chúa Thánh Thần, Mẹ cầu nguyện: “Xin Chúa hãy làm cho Mẹ như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Khi Ma-ri-a đến thăm chị họ Ê-li-za-bét và được thông báo rằng đứa trẻ trong bụng Ê-li-za-bét nhảy lên vì vui sướng, Mẹ cầu nguyện: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46). Khi các mục đồng kể với Mẹ và thánh Giu-se những gì thiên thần nói về Chúa Giêsu chào đời, Mẹ đã cầu nguyện và “giữ tất cả những điều này, mà suy gẫm trong lòng.” (Lc 2,19).
Trong Phúc Âm hôm nay, khi gia chủ không còn rượu để đãi khách, phản ứng của Mẹ Ma-ri-a là cầu nguyện. Mẹ cầu xin với Chúa Giêsu, Con của Mẹ giúp đỡ đôi vợ chồng: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3).
Thật ra, Phúc Âm hôm nay, khi Chúa Giêsu biến nước thành rượu trong tiệc cưới tại Ca-na, nói nên tầm quan trọng của lời cầu nguyện, đặc biệt là lời cầu nguyện trong đời sống của cộng đồng Kitô giáo. Vì, nói như Carlo Carretto: “Mức độ đức tin của chúng ta là mức độ của việc cầu nguyện. Sức mạnh của niềm hy vọng của chúng ta là sức mạnh của lời cầu nguyện. Sự ấm áp của đức ái của chúng ta là sự ấm áp của lời cầu nguyện của chúng ta.” Thánh Bô-na-ven-tu-ra cũng nói rằng: “Chúng tôi không thể làm gì trừ khi có sự trợ giúp của thần linh hỗ trợ. Sự trợ giúp thiêng liêng này đã có trong tay cho tất cả những ai tìm kiếm nó với trái tim thực sự khiêm nhường và sùng đạo, là mẹ và nguồn gốc của mọi nỗ lực đi lên của tâm hồn.”
Và Chúa Giêsu, ngay cả khi Ngài chưa sẵn sàng thực hiện yêu cầu của Mẹ mình, vẫn chấp nhận thực hiện yêu cầu đó. Một số người bị sốc khi nghe Chúa Giêsu gọi mẹ mình là “bà”. Nếu ta vẫn có thể nhớ, Chúa Giêsu sử dụng cùng một tiêu đề, một lần nữa, trên thập tự giá khi Ngài trao Mẹ cho sự chăm sóc của Gio-an. Từ “bà” đối với chúng ta là người Việt Nam, nghe có vẻ xa lạ, thô lỗ, thiếu tôn trọng và bất lịch sự ghê gớm. Nhưng đối với Anh ngữ thì từ “Lady” nói lên sự tôn kính. Và giống như thế đối với người Do Thái và ngôn ngữ của Thánh kinh trong Cựu Ước, Thiên Chúa cũng gọi E-và là “Bà, người đàn bà”. Như vậy từ “bà hay người đàn bà” ở đây Kinh Thánh muốn gợi lại, Đức Ma-ri-a là Mẹ của Chúa Giêsu đóng vai trò trung tâm trong lịch sử cứu độ. Và Mẹ là một E-và mới.
Cầu nguyện nói nên sự phụ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng là khởi sự và là hoàn tất. Hình thức cầu nguyện này xuất phát từ mong muốn phục vụ vương quốc của Chúa bây giờ và tìm kiếm sự hiện thực hóa vương quốc sắp tới. Giáo lý Giáo Hội Công giáo nhắc nhở chúng ta rằng cầu xin sự tha thứ, cùng với sự khiêm tốn tin tưởng, nên là khởi đầu của một giờ cầu nguyện.
Lời cầu nguyện thường là một lời kêu xin với Thiên Chúa, mong Ngài thực hiện nhu cầu của ta. Khi được chia sẻ tình yêu cứu rỗi của Chúa, chúng ta hiểu rằng thông qua cầu nguyện, ta có thể kêu xin sự giúp đỡ của Chúa trong mọi nhu cầu cần thiết của mình, và bất kể điều đó lớn hay nhỏ.
Lạy Chúa, con người lệ thuộc vào hơi thở để bảo tồn sự sống thế nào, thì niềm tin cũng lệ thuộc vào cầu nguyện thể ấy. Vì ngoài Chúa ra chúng con không làm được gì tốt cho đời sống đức tin của mình. Xin giúp con biết luôn cầu nguyện trong mọi sự để được Chúa trợ giúp và dẫn dắt chúng con trên con đường đến với Chúa. Amen.