THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG
Mát-thêu 17,9a.10-13
Câu Hỏi Về Ngôn Sứ Ê-li-a
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Chuyện kể rằng: một nhóm học sinh trung học đang trang trí khán phòng của trường để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Họ cảm thấy cây thánh giá dường như không phù hợp với mùa Giáng Sinh, họ đang tìm cách gỡ nó ra khỏi tường. Trong khi đó, một giáo viên của họ, Ngài cũng là một linh mục, bước vào. Ngài đã cố thuyết phục những học sinh giữ lại cây thánh giá. Và giải thích cho họ hiểu “Lý do tại sao Đức Giêsu Kitô sinh ra là để chết trên thập giá.”
Có vẻ như không phù hợp để ta vui cười khi một trong những người thân của mình đã chết. Và dường như không phù hợp để ta nói về cuộc vượt qua và cái chết của Chúa trong mùa Giáng Sinh. Nhưng ta không thể quên rằng; không thể tách thập giá ra khỏi sự ra đời của Đức Giêsu. Vì Thập Giá không phải là dấu hiệu của sự sỉ nhục mà là dấu hiệu của vinh quang. Đức Giêsu được sinh ra để cứu chúng ta khỏi bất cứ điều gì xấu xa.
Tin Mừng Mát-thêu 17,1-13 cho chúng ta biết về sự kiện biến hình trên núi của Đức Giêsu trước sự chứng kiến của ba môn đệ là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Có ông Mô-sê và tiên tri Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.
Tiếp sau sự kiện đó là bài Tin Mừng hôm nay. Khi ba môn đệ từ trên núi xuống, Chúa Giêsu cấm họ không được nói với ai, cho đến khi Con Người sống lại từ cõi chết. Đây là một bí mật của Đấng Thiên Sai, và lúc này Đức Giêsu không muốn ai khác biết về điều đó. Và chỉ sau cái chết và sự Phục Sinh của Chúa, Phê-rô đã viết về sự việc này trong 2 Pr 1,16-18:
Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.
Chứng kiến sự biến hình của Thầy Giêsu dường như gây ấn tượng rất lớn với các môn đệ về thực tế rằng Đức Giêsu thực sự là Đức Kitô, Đấng cứu thế. Tuy nhiên, họ còn rất phân vân về những điều được tiên báo trong Cựu Ước nên đã hỏi Đức Giêsu rằng: “Sao các kinh sư nói rằng ông Ê-li-a phải đến trước?” Họ tin chắc rằng Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a đã báo trước, nhưng họ hiểu rằng Ê-li-a sẽ trở lại trước Đấng Mê-si-a. Điều đó đã được báo trước trong Ma-la-ki 3,23-24 “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt.”. Vì vậy, nếu Đức Giêsu thực sự là Đấng Cứu Thế, thì tiền hô của Ngài là ai?
Khi Gio-an Tẩy Giả rao giảng và làm phép rửa, người ta cũng đã chất vấn ông là ai, có phải là Ê-li-a không? Ông nói: “không phải.” họ hỏi tiếp: “Ông có phải là một ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” (Ga 1,21). Tuy nhiên, Gio-an đã đến với tinh thần và sức mạnh của Ê-li-a. Điều này được
sứ thần Gáp-ri-en loan báo khi truyền tin cho ông Za-ca-ri-a trong Tin Mừng Lu-ca 1,17 đã nói: “Được đầy Thần Khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.”
Nếu dân Ít-ra-el đã chấp nhận và tin rằng Gio-an Tẩy Giả đã đến với tinh thần và sức mạnh của Ê-li-a, thì ông sẽ hoàn thành vai trò của Ê-li-a. Như Đức Giêsu nói: “Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến” (Mt 11,14). Tất nhiên, họ đã không đón nhận được sự thật về việc Gio-an là ai. Vì sự từ chối của họ đối với Gio-an và với Chúa Kitô, họ vẫn tiếp tục chờ đợi Ê-li-a (hoặc một nhà tiên tri có cùng chí hướng khác) đến để chuẩn bị cho Chúa đến. Còn Đức Giêsu đã khẳng định cho ta: “Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” (Mt 17,12).
Tại sao người Do Thái vẫn tiếp tục chờ mặc dù điều đó đã đến, phải chăng họ không thể lĩnh hội được những gì Đức Giêsu đã giảng? có lẽ không phải thế, vì họ được xem là một dân tộc được tuyển chọn và nổi tiếng về thông minh. Nhưng điều Gio-an Tiền Hô và Đức Giêsu giảng không phải là điều họ trông chờ. Họ trông chờ hình ảnh của một Ê-li-a bất bại, một Mê-si-a mạnh mẽ đánh dẹp vạn quân và làm cho dân tộc họ trở nên bá chủ hoàn cầu. Vì thế họ đã không lĩnh hội được ơn cứu độ của Chúa.
Trong mùa vọng, nếu ta chỉ trông chờ một Đấng sẽ sinh ra cho nhân loại theo ý riêng và theo sự hiếu chiến của mình ta sẽ thất bại. Vì Đấng cứu độ đến chỉ là một trẻ sơ sinh yếu đuối đặt nằm trong máng cỏ hôi tanh nơi hang bò lừa mà thôi. Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ và nghèo khó như các mục đồng mới có thể diện kiến được Ngài.
Lạy Chúa, xin biến đổi lòng trí chúng con, để chúng con có thể đón nhận được Chúa nơi những gì là tầm thường nghèo hèn và nhỏ bé nhất trong cuộc sống hằng ngày. Amen.