THỨ BẢY TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN
Lu-ca 20,27-40
Câu Hỏi Về Sự Sống Lại
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có một cuộc chạm trán với những người Sa-đu-sê. Đây là một giáo phái chính trị tôn giáo của người Do Thái có tên bắt nguồn từ Tsaddiqim, có nghĩa là, người công chính. Tên này được kết hợp với tên riêng “Sa-đốc”, tên của một vị thượng tế nổi bật trong thời đại của vua David và Solomon (1V 1,8.26.32). Họ giả định tham chiếu đến sự tuân thủ của bản văn ‘Luật’ mâu thuẫn với sự quan tâm của người Pha-ri-sêu đối với truyền thống của các tiền nhân.
Đối với dân Do Thái, Những người Sa-đu-sê không được dân chúng ưa chuộng vì họ có khuynh hướng sát cánh với quyền lực chính phủ La Mã. Trong khi những người Pha-ri-sêu nhiệt thành yêu nước ngày càng trở thành những người lãnh đạo của nhân dân. Trong số những khác biệt về niềm tin giữa hai bên: người Sa-đu-sê không tin vào sự sống lại, sự bất tử của linh hồn và sự tồn tại của các thiên thần (Mt 22,23; Mc 12,18; Cv 23,8). Họ cũng từ chối các truyền thống truyền khẩu mà những người Pha-ri-sêu đã duy trì và nhấn mạnh như một bổ sung cần thiết cho luật văn bản. Đó là lý do tại sao họ công khai lập luận cách khoái chí nhằm bác bỏ niềm tin về sự sống lại qua lập luận rằng: “Nếu có sự phục sinh người phụ nữ đó sẽ là vợ của ai? Vì cả bảy người đã cưới cô ấy.”
Tại sao người Sa-đu-sê không tin vào sự sống lại? Vì niềm tin này không được nói rõ ràng trong luật Mô-sê. Nó chỉ là một khoản suy diễn bởi một số nhà chú giải luật. Tuy nhiên, niềm tin này được đón nhận cách sâu sắc hơn trong thời của Chúa Giêsu. Những người Sa-đu-sê là một nhóm độc quyền được quy tụ từ nhóm tinh hoa của xã hội Do Thái: Thuộc tầng lớp những người giàu có, quý tộc và tầng lớp giáo sĩ. Đó là một cách bóp méo sự thật để nói rằng họ đã sống như “con bò mãn nguyện.” Họ là một nhóm người khép kín, tự cao, không muốn đón nhận bất cứ điều gì khác, không cần gì phải lo đến đời sống mai hậu, cũng có nghĩa chẳng cần quan tâm đến ai. Sống xu thời và hưởng thụ. Với cuộc sống như vậy, họ không quan tâm đến sự phục sinh. Đối với họ, nếu có một thế giới bên kia, nó chỉ đơn giản là một sự tiếp nối vinh quang của cuộc sống trần tục, hay được kéo dài nơi con cái của mình. Nhưng Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi bằng cách giải thích cho họ hiểu về điều mà Mô-sê đã viết; khi Thiên Chúa bày tỏ sự hiện diện của Ngài cho ông trong bụi cây bốc cháy, Chúa bảo ông rằng Ngài là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Y-sa-ác và Gia-cóp, (Xh 3,6). “Ngài không phải Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (c.38)
Qua Lời Chúa hôm nay cho ta một niềm xác tín về một thế giới tốt đẹp ở sau cái chết và đây cũng là động lực để ta củng cố niềm tin cũng như hăng say dấn thân hơn cho Nước Thiên Chúa, nơi hạnh phúc đích thực vĩnh viễn đang chờ đón mỗi người. Đức Giêsu không chỉ xác tín mà chính Ngài đã củng cố niềm tin của chúng ta bằng hành động, qua cái chết trên thập giá và mai táng trong mồ; Ngài cho thấy chết không phải là chấm hết. Và qua sự phục sinh, Ngài đã cho các môn đệ của Ngài thấy sự thành toàn của sự sống vượt qua cuộc sống hiện tại ở trần gian, mà đi vào vĩnh cửu xuyên qua cánh cửa tử thần và cái chết của thân xác. Thiên Chúa dựng nên con người để họ được chung hưởng hạnh phúc là sự sống vĩnh cửu với Ngài. Tuy nhiên cũng có những con người không hưởng được hạnh phúc đó mà phải trầm luân trong nơi bất hạnh, đó là những con người tự tách mình ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, ra khỏi nguồn sự sống, đó là những kẻ bất tuân thánh ý của Ngài.
Lần đầu tiên tôi được rước lễ, để giúp cho những đứa trẻ có một khái niệm trừu tượng về thiên đàng, cha xứ đã kể cho chúng tôi một câu chuyện. Ngài nói rằng khi chúng ta đến cửa thiên đàng, Đức Ki-tô và Thánh Phêrô sẽ đích thân ở đó để chào đón chúng ta. Các Ngài sẽ đưa chúng ta vào một sân vận động lớn đầy những người thực sự hạnh phúc và tất cả họ sẽ vui mừng chào đón chúng ta. Khi chúng ta hỏi Đức Ki-tô: “Tất cả những người này là ai?” Ngài sẽ đáp: “Đây là tất cả những linh hồn mà chúng ta đã giúp đến đây, và họ đang nói lời cảm ơn với tiếng vỗ tay tán thưởng của họ dành cho con.” Thật là một ngày tuyệt vời!
Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên con người không phải để nó hư đi nhưng là muốn cho nó được tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Ngài. Xin cho chúng con ý thức được điều đó để chúng con tin vào một Thiên Chúa Hằng Sống và muốn cho chúng con cũng được sống bên Ngài để chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển của Ngài muôn đời. Amen.