THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mác-cô 3,1-6
Ngày Sa-Bát, Được Phép Làm Điều Lành Hay Điều Dữ, Cứu Mạng Người Hay Giết Đi?
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Luật kiêng việc trong ngày Sa-bát là giới răn thứ ba trong mười giới răn của Thiên Chúa. Quả thật đây là một luật rất cần thiết cho con người và do bởi tình thương mà Thiên Chúa đã thiết lập để con người có thời giờ nghỉ ngơi sau 6 ngày vất vả làm lụng, họ được một ngày để ngơi nghỉ bồi dưỡng thể xác, phục hồi lại các mối tương quan thân thiết trong gia đình cũng như quan tâm đến những người xung quanh. Đặc biệt là mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, trong việc thờ phượng và ngợi khen Ngài, vì muôn ơn lành mà ngài đã ban cho ta. Và cũng là cơ hội để người ta học biết về tình yêu vô biên của Thiên chúa trên cuộc đời của mình, nối kết chặt chẽ hơn nguồn mạch sự sống là chính Chúa vì Ngài chính là nguồn gốc của mọi sự.
Thế nhưng những người Pha-ri-sêu đã không coi luật kiêng việc ngày Sa-bát như một phương tiện để nâng con người lên, mà họ lại biến lề luật thành ông chủ để tôn thờ để soi mói và kết án người khác, thay vì luật để phục vụ cho con người thì con người lại phục vụ cho lề luật, biến phương tiện thành ông chủ.
Chúa Giêsu không đến để phá bỏ lề luật, nhưng Ngài muốn cho người ta nhận biết đúng giá trị của lề luật được lập ra để phục vụ cho con người, để họ có thời gian mà quan tâm, yêu thương và nâng đỡ nhau, phục vụ lẫn nhau chứ không phải để ràng buộc và kết án. Thế nên những người Pha-ri-sêu phải im lặng khi nghe Ngài chất vấn: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Và trong quyền năng Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chữa lành cánh tay bại liệt của người đàn ông trước mặt mọi người.
Ngài muốn nói rằng kiêng việc xác ngày Sa-bát không có nghĩa là không làm việc gì cả, mà nếu việc đó là hữu ích và vì nhu cầu cấp thiết cho người khác thì chúng ta vẫn được phép làm mà không phạm luật ngày Sa-bát. Nhưng hoàn toàn không phù hợp để dùng ngày Sa-bát làm giàu; ví dụ như nghề làm đẹp, làm nhà hàng,… tôi phải mở tiệm, đi làm ngày Chúa nhật vì ngày đó mới có khách đông!…
Tuy nhiên bài Tin Mừng cho chúng ta thấy phản phất một nét buồn là sau khi được nghe một sự thật hiển nhiên và phép lạ nhãn tiền, người ta vẫn tìm cách bàn mưu tính kế để giết Chúa Giêsu. Điều này khiến chúng ta tự hỏi: tại sao người ta không thể tiếp nhận một sự thật hiển nhiên, lời nói đi đôi với việc làm của Chúa Giêsu? Điều gì khiến người ta cứ cố thủ trong u mê của mình?
Đó chính là ở sự ích kỷ hẹp hòi của con người, sự ganh tỵ hiềm khích không muốn ai hay hơn mình, đó cũng là tính kêu ngạo vốn có tiềm ẩn trong trái tim của mỗi chúng ta. Không ai muốn mình lép vế, không ai muốn thua người khác, nhất là những người có địa vị càng cao thì càng cố thủ vì sợ mất ảnh hưởng, và đi đến chỗ hiềm kích muốn hạ đối thủ của mình bằng mọi giá. Không phải hễ cứ sự thật là được người ta đón nhận, vì sự che đậy những điểm yếu của mình, hay đầu óc ganh tị bè phái làm cho mắt người ta bị mù, tai bị điếc; điều này Chúa Giêsu cũng đã đề cập đến: “Chúng trố mắt nhìn mà không thấy, lắng tai nghe mà chẳng hiểu” (Mt 13,14; Mc 4,12).
Chuyện kể rằng, có hai nhà thương gia ở đối diện nhà nhau, nhưng luôn ganh tị và hiềm khích lẫn nhau. Một hôm có một vị thần hiện ra với một người và nói: con muốn xin gì, giàu có bao nhiêu ta cũng cho nhưng với một điều kiện là nếu con có một thì người bạn hàng xóm của con phải có gấp hai. Suy nghĩ một lúc lâu, anh ta nói: xin thần làm cho con bị mù một mắt!
Thấy, hiểu và đón nhận được sự thật là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa. Xin chúa cho chúng con mỗi ngày một thấy rõ hơn những nhu cầu của những người xung quanh, đặc biệt những người xấu số như anh bại liệt trong Tin Mừng hôm nay, rồi thấu hiểu được những gì chúng con thấy qua con mắt của Chúa Giêsu, để có thể thấu cảm được người khác, biết mang họ đến với Chúa qua lời cầu nguyện cũng như việc làm, để chính Chúa chữa lành cho họ và cho đôi mắt mù quáng cũng như con tim hẹp hòi và ích kỷ của chúng con nữa. Amen.