THỨ HAI TUẦN III MÙA PHỤC SINH
Ga 6,22-29
Lương Thực Thường Tồn Đem Lại Phúc Trường Sinh
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Tục ngữ có câu: “Có thực mới vực được đạo.” Cũng như có câu nói rằng: “Bạn không thể giảng đạo cho một dạ dầy rỗng.” Lương thực là nhu cầu cần thiết để duy trì sự sống của con người. Vào thời đất nước bị đô hộ dưới ách của quân đội Rô-ma, các nhà lãnh đạo tôn giáo thì lại chỉ lo tích cóp cho riêng mình như thu thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng… (x. Mt 23,23).
Nói chung là đời sống của dân rất lầm than và bị cái đói hoành hành. Với những con người trong thời đại của chúng ta, ai có thể nhịn đói ba ngày mà đi theo một vị thầy để nghe rao giảng! Hẳn là không ai chịu nổi! Thế mà những người vào thời của Chúa Giêsu, họ đã theo để nghe Ngài giảng suốt ba ngày và không có gì ăn, nên Ngài đã chạnh lòng thương, làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng, bổ sức cho họ có thể về lại nhà mà không bị chết lả ở dọc đường (x. Mt 15,32).
Như vậy cho thấy đối với đa số dân chúng lúc bấy giờ, lương thực hàng ngày là rất quan trọng. Thậm chí người ta mơ tưởng lại thời của tổ tiên họ ở trong sa mạc đã được Chúa nuôi sống bằng man-na mà họ gọi là bánh bởi trời (Ga 6,31). Và đây cũng là động lực chính để họ đi tìm Chúa Giêsu sau khi Ngài đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để cho họ ăn no nê.
Nhìn thấu được tâm trạng của họ nên họ vừa dứt lời chào thăm thì Chúa Giêsu đã đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” (c.26). Tình huống này cũng gặp thấy ở một số người nơi giáo đoàn Phi-líp-phê khi Thánh Phao-lô viết thư cho họ và nói: “Vì như tôi đã nói vơi anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá của Đức Kitô: chung cuộc là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.” (Pl 3,18-19).
Xuyên qua nhu cầu thực tế của thân xác là lương thực, Chúa Giêsu kêu gọi họ hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Lương thực ấy vượt qua những nhu cầu về thể lý mà là nhu cầu về tâm linh. Con người không chỉ có thân xác mà có cả hồn lẫn xác, nếu thân xác có nhu cầu ăn uống để duy trì sự sống thì linh hồn cũng vậy. Và lương thực của linh hồn chính là Lời Chúa, Lời sự sống, Lời ấy đã hóa xác phàm ở giữa nhân loại, là Đấng Thiên Chúa đã ghi dấu xác nhận. Chính Ngài sẽ ban chính mình và máu của Ngài làm lương thực trường tồn cho con người. Nhưng Ngài kêu gọi trước tiên hãy ra công làm việc để có được lương thực trường tồn đó là TIN vào Ngài, Đấng Thiên Chúa sai đến (c.29).
Qua đây cho thấy, TIN không phải là chuyện khơi khơi ngoài môi miệng, hay để cho vui, nhưng mà hãy ra công làm việc, hơn cả những công việc tìm kiếm những nhu cầu cho thân xác, đức tin đòi hỏi người ta phải trở nên giống như người tôi tớ khiêm nhu sẵn sàng phục vụ mọi người, và thậm chí còn có thể đổ máu ra vì đức tin ấy hoặc có những người phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình. Vì tin vào ai thì muốn trở nên giống người đó. Tin vào Đức Giêsu Kitô Đấng Chúa Cha sai đến, Đấng đã hy sinh chính mạng sống để trở nên lương thực trường tồn cho chúng ta, mỗi ngày đến với thánh lễ, chúng ta được đón rước chính Mình Máu Thánh của Ngài vào trong tâm hồn. Vì vậy, hãy ra công làm việc để mỗi ngày được nên giống Ngài hơn trong suy nghĩ, lời nói cũng như hành động, đặc biệt trong sự trao ban chính mạng sống để nên lương thực cho các anh chị em mình xuyên qua những việc phục vụ hàng ngày. Cũng như xuyên qua việc sử dụng những ân huệ Chúa ban, như tiên tri Isaia đã nhắc nhở: “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?” (Is 55,2).
Lạy Chúa, xin giúp con biết luôn hướng lòng trí, tâm can và hành động về những gì là vĩnh cửu, để con có thể vượt qua những khó khăn thử thách và giữ vững niềm tin vào Đấng đã ban chính Mình Máu Ngài cho chúng con được sự sống đời đời. Amen.